Monday, January 6, 2025

Pháp luật & đời sống: Quy định về bản sao sổ đỏ

 Điều 18 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về bản sao Giấy chứng nhận (sổ đỏ).

1. Bản sao Giấy chứng nhận được sao hoặc được quét từ bản gốc Giấy chứng nhận trước khi trao cho người sử dụng đất.

2. Đối với hồ sơ địa chính được lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa quét được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp thì quét bản lưu Giấy chứng nhận đã cấp trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoặc quét bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, bao gồm:

a) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản màu trắng) được cơ quan có thẩm quyền ký để lưu theo quy định tại Quyết định số 24/2004/QĐ-BTNMT ngày 1.11.2004 và Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT ngày 21.7.2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (bản màu xanh) được cơ quan có thẩm quyền ký để lưu theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5.7.1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được sao để lưu theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21.10.2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19.5.2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do người sử dụng đất nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động;

đ) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

(copy từ Lao Động, ngày 06/01/2025)

Sunday, January 5, 2025

Chung kết ASEAN Cup - 2024: VN đánh bại Thái Lan cả 2 trận cuối cùng

 Ko có Xuân Son, VN vẫn chiến thắng với 2 bàn cách biệt

TPO - Việt Nam đã đánh bại nhà đương kim vô địch Thái Lan với tỷ số 3-2 ở trận chung kết ASEAN Cup ngay trên sân Rajamangala ở Bangkok. Chiến thắng này làm nức lòng NHM nước nhà và cũng khiến giới mộ điệu khu vực phải ngả mũ thán phục.

Trong bài viết về hành trình đăng quang của ĐT Việt Nam, ESPN đã dùng những từ ngữ mạnh nhất để miêu tả: “Kết quả 5-3 trước Thái Lan giúp Việt Nam đòi nợ thành công trước Thái Lan sau khi thua ở chung kết AFF Cup 2022. Và họ cũng khiến tuyển Thái Lan ôm hận vì họ không giành được danh hiệu vô địch lần thứ 3 liên tiếp.

Trước giải, Việt Nam được cho là ứng cử viên sáng giá nhất vì họ tự tin mang theo đội hình mạnh nhất. Nhưng vào giải, họ vẫn phải vượt qua nhiều nghịch cảnh để có thể vươn tới đỉnh cao.

Nghịch cảnh đến từ những khó khăn ở hành trình đăng quang, đặc biệt là việc thiếu chân sút chủ lực Xuân Son ngay đầu trận chung kết. Xuân Son chắc chắn là cầu thủ có ảnh hưởng nhất của đội. Khi Việt Nam vắng anh, tinh thần của người Thái Lan cũng hưng phấn hơn. Nhưng rồi Việt Nam vẫn vượt khó thành công để giành chiến thắng cuối cùng”.

Tờ Makan Bola của Malaysia miêu tả đây là chiến dịch xuất sắc của Những chiến binh sao vàng. “Việt Nam nâng cao chức vô địch ASEAN Cup 2024 sau màn trình diễn xuất sắc trên sân Rajamangala. Họ đã đánh bại đương kim vô địch Thái Lan đầy thuyết phục để lần thứ 3 nâng cúp”.

Trong khi đó, tờ Bharian của Malaysia nhận xét: “Trên chảo lửa Rajamangala, tuyển Việt Nam chứng minh đẳng cấp và tinh thần tuyệt vời. Họ cho thấy rằng ngôi địch ASEAN Cup 2024 là hoàn toàn xứng đáng”.

Tương tự là tờ Suara của Indonesia: “Việt Nam đã thể hiện tinh thần và phong độ đầy kinh ngạc. Họ đã mất chân sút chủ lực Xuân Son từ sớm. Nhưng họ chứng minh cho CĐV thấy khi mất đi Xuân Son, Việt Nam vẫn là một tập thể gắn kết và mạnh mẽ và chiến thắng dành cho họ là không thể xứng đáng hơn”.

Copy từ net (TPO)

Saturday, January 4, 2025

Trở lại quê nhà 2024 (3): Những cuộc gặp gỡ muộn

 (tiếp theo)

Mỗi lần về nước tôi đều tranh thủ gặp gỡ bạn bè, ôn lại các kỷ niệm xưa. Chúng tôi về Hà Nội đúng dịp „Ngày nhà giáo Việt Nam“ nên vợ tôi rất bận rội. Có đến 3 lớp học sinh cũ, rồi trường Ngô Sỹ Liên mời vợ tôi dự các cuộc gặp mặt. Các bạn học cũ còn rủ vợ tôi đi thăm các thầy cô từ cấp một, cấp hai. Người Việt vô địch thế giới về việc giữ gìn các mối liên hệ xưa. Người Tây thua xa chúng ta về việc họp lớp, gặp gỡ tổ hưu, hội trường v.v. Các thầy cô giáo Đức nói như vậy mỗi khi chúng tôi về thăm trường cũ ở Königs Wusterhausen. Đây có lẽ là một yếu tố giúp xã hội gắn kết được trước những vấn nạn mà người ta vẫn kêu là „Suy đồi đạo đức“, „Băng hoại xã hội“. Những cuộc gặp gỡ phi vụ lợi này giúp con người sống bền với những ký ức xưa. 

Gặp gỡ các bạn học ở CHDC Đức thời 1967-1971 Nguyễn Thu Đức. Trần Văn Thái, Hien Nguyen Lanminh Bao

Nhưng xung quanh ngày 20.11 tôi cũng nhận ra cảnh người ta hối hả, chen chúc đi mua quà, cảnh các cửa hàng hoa „cháy hàng“. Mạng xã hội bị quá tải bởi các hoạt động „tri ân“. Đây là mặt trái của bức tranh, là khúc nổi của vấn nạn „Suy đồi giáo dục“. Nguyên nhân đến từ nhiều phía: Thể chế, đạo đức làm thầy và nếp sống của cha mẹ. Cùng các căn bệnh nhờn thuốc khác như „Mua quan, bán chức“, „Kinh tế chùa“, „Kinh doanh sức khỏe“… chúng đang gặm nhấm sức lực của toàn xã hội.

Ở Hà Nội vài hôm, tôi được nghe về lễ kỷ niệm „70 Năm Tập Kết Ra Bắc“. Là đứa con theo mẹ tập kết ra Bắc năm 1955 trên chiếc tàu Kilinski của Ba-Lan, tôi đã kể chuyến đi đầy sự cố này trong bài viết: Chuyến Tàu Tập Kết [1]. Giờ đây tôi buồn vì người ta chỉ nhắc đến cuộc „Tập kết ra Bắc“ của 150.000 người kháng chiến, mà không dành một chữ nói về số phận của hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam cùng thời gian đó. Phải chăng cuộc di cư đó không tồn tại trong lịch sử nước nhà? Hay họ di cư ngược chiều nên không phải là đồng bào? Tôi mong những người di cư vào Nam, nếu còn sức, hãy viết về sự kiện đó để lịch sử không bị xóa nhòa.

Tàu Ba-Lan, Liên Xô chở bộ đội kháng chiến tập kết ra Bắc, trong khi tàu Pháp, Mỹ chở đồng bào di cư vào Nam. Hai dòng người di dân trong thời gian 300 ngày sau hiệp định Geneve 1954

Đợt này tôi cũng may mắn gặp được những người mà tôi tìm kiếm lâu nay. Đáng kể nhất là em Ngọc, vợ của Chính, bạn học từ thời niên thiếu. 

Bạn bè gọi hắn là "Chính Té" vì hắn lẩn nhanh như chạch. Mỗi khi phải làm cái gì mất công, Chính đều „té“. Năm 1970 Chính đi bộ đội, vào Nam. Hết chiến tranh Chính trở về, người ốm yếu xanh rớt vì sốt rét và bệnh gan.  Từ một tay thanh niên nhanh nhẹn, hóm hỉnh, Chính chỉ còn sống như một cái bóng. Ở tầng một nhà 26 Trần Hưng Đạo có một cô bé mà Chính gọi là Bé Ngọc. Ngọc học cùng em gái tôi, bé nhỏ, ít nói, hay chạy theo mấy anh em chúng tôi để bắt ve, hái sấu. Một hôm Ngọc khóc hu hu chạy về báo tin là anh Chính bị bọn khác đánh, để chúng tôi ra giải cứu.

Giờ đây Bé Ngọc đã làm cho Chính muốn sống. Thời kỳ Chính ở trong Nam, Ngọc vẫn lên tầng trên chăm sóc  bà Khảm, mẹ Chính. Giờ thì nàng chăm sóc anh bộ đội phục viên sốt rét, trầm cảm. Tình yêu đó đã thổi hơi ấm giúp Chính gượng dậy. Họ cưới nhau và Ngọc sinh cho Chính một bé gái, đặt tên Ngọc Linh. Không có của hồi môn, không có nghề nghiệp ổn định, nhưng họ hạnh phúc. Gặp tôi, Chính chỉ kể về Bé Ngọc. 

Năm 2003 tôi về thăm nhà, gặp Chính ngồi chữa đồ điện ở phố Lý Thường Kiệt, đối diện Thư viện Khoa học Trung ương. Chủ nhà thương anh thương binh, cho ngồi ngoài cửa, không lấy tiền. Lần nào đi qua tôi cũng ghé nói chuyện và rủ đi uống nước. Vậy mà vài năm sau về, nghe tin bạn đã ra đi vì bạo bệnh. Còn Ngọc thì lâu lắm, phải đến 40 năm nay tôi chưa gặp.

Không chỉ găp may, mà phương châm „Cứ tìm rồi sẽ thấy“ đã giúp tôi tìm thấy chị Giao, chị ruột Chính. Chị lấy chồng, vào Huế từ năm 1975. Đã có lần chị ra Bắc, về 14 Lý Thường Kiệt thăm ba má tôi. Khi đó tôi đang ở Đức nên không gặp chị. Má tôi trước khi mất có kể như vậy, nhưng hồi chị ra Hà Nội chẳng ai có điện thoại cả.

Ngay sau khi có số điện thoại của chị Giao, tôi gọi cho chị. Chị òa khóc nức nở kể từ chuyện cái áo dài má tôi tặng chị ngày cưới, cho đến những cái phiếu mua gạo nhà tôi không dùng hết mang sang cho mẹ chị. Tôi hứa khi vào Huế sẽ đến thăm chị để còn tâm sự nhiều.

Ngay sau khi check in khách sạn ở Huế chiều 26.11, vợ chồng tôi đi ngay taxi đến thăm chị Giao. Anh đã mất từ lâu, chị ở với hai người con trai. Chị cảm động lắm. Bà già 85 tuổi cứ nhắc đi, nhắc lại những kỷ niệm cũ, từ chiếc áo dài đến cái tem gạo, rồi đến thằng Chính xấu số. Chị cho tôi số điện thoại của cháu Ngọc Linh.

Lát sau tôi liên lạc được với Ngọc. Khi Chính còn sống, cuộc sống của hai vợ chồng đã khó khăn rồi. Sau khi Chính ra đi, cuộc đời của Ngọc còn gian truân hơn nữa. Tôi tiếc là đã rời Hà Nội, nhưng hứa lần sau về sẽ đến thăm em.

Cách đây vài năm tôi ngồi cà phê với Châu, một chuyên gia đầu ngành về Răng-Hàm-Mặt (RHM), trưởng khoa ở Viện RHM phố Tràng Thi. Hắn kể rằng một hôm Chính mang tiền và quà đến nhà để xin cho con gái vào làm ở viện RHM. Châu mắng: „Mày cất tiền, mang quà về, để hồ sơ lại đây. Việc của tao thì tao phải lo“.

Bây giờ Ngọc kể thêm: Ngọc Linh không học y nên vào bệnh viện chỉ làm công việc văn phòng. Cháu chán quá nên một thời gian sau xin thôi việc, chuyển ra ngoài làm nghề dạy học ngoại ngữ.

Tiếc cái suất làm việc ở viện RHM, Chính đến xin cho Hoa, con gái anh Đài mới học y tá ra trường, vào làm thế. Anh Đài (em chị Giao, anh của Chính), bệnh tật, đau yếu nên gia đình rất khó khăn. Châu đồng ý cho Hoa vào thế chỗ của Ngọc Linh. Rồi Châu đào tạo cháu thành một y tá trưởng hàng đầu ở Viện.

Cháu Lộc, em trai của Hoa cũng thất nghiệp dài dài. Biết vậy, Châu xếp cho cậu sinh viên đại học dở dang vào làm bảo vệ cho viện. Rồi hắn cho Lộc đi học khóa kỹ thuật viên. Giờ đây Lộc ngồi làm răng giả trong xưởng của Viện.

Thằng Châu con nhà nòi, học giỏi có tiếng,  thành đạt, nhìn đời bằng nửa con mắt. Nhưng không vì thế mà hắn quên bạn bè.

Rồi chúng tôi đến thăm một bạn gái từng học phổ thông với tôi. Hồi đó tôi khoái bạn bởi cặp mắt sáng và giọng hát truyền cảm. Bố bạn là cán bộ cao cấp nên năm sau bạn sang Quế Lâm (TQ) học. Năm 1976 tôi đã đến thăm bạn trong tòa biệt thự của ông cụ ở trung tâm An Cựu, có bộ đội canh gác.

Thế nên lần này tôi ngạc nhiên khi đến một căn nhà nhỏ trong một hẻm vắng ở ven thành phố. Căn nhà đơn sơ, nhưng bài trí ngăn nắp và sạch sẽ đến từng chi tiết. 

Sau khi bố mất, bạn đã trải qua một cuộc đời vất vả, chứ không hề như tôi nghĩ về thanh thế gia đình bạn. Rồi bạn phải bỏ Huế, theo chồng vào Nha Trang sinh sống. Người chồng sao nhãng. Mọi gánh nặng trùm lên vai bạn, nuôi ba đứa con. Không việc làm, không hộ khẩu, không nơi bấu víu.

Bỗng một hôm một ông cán bộ già tìm đến đến chỗ trọ, hỏi đúng tên bạn và tên ông cụ. Ông nói là ngày xưa cùng hoạt động với bố bạn. 

Làm sao ông biết là con gái bạn ông đang sắp chết đuối và tìm ra nó thì không rõ. Nhưng ba hôm sau bạn được nhận vào làm tại sở thương nghiệp Khánh Hòa. Tuy chỉ là cái phao nhỏ trong cả cuộc đời chìm nổi, nhưng bạn không bao giờ quên.

Trưa ngày 27.11 chúng tôi hẹn gặp một số đồng nghiệp ở đài Truyền hình Huế năm 1975. Các bạn Nguyễn Văn Hảo và Thai Binh Nguyen  đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này rất chu đáo. Cái đài truyền hình gọn nhẹ, xinh xắn ngày trước ở ngã ba đường Hà Nội/Lý Thường Kiệt đã biến mất, nhường chỗ cho một tòa nhà đồ sộ, cao ngật ngưỡng. Bạn bè đã tụ tập đông đủ. Có những người mà đúng là sau gần 50 năm mới gặp lại. Tay bắt mặt mừng, hỏi nhau đủ chuyện. 

Găp nhau trước cửa đài Truyền Hình ở Huế, Ai Hoa Hoang, Thai Binh Nguyen, Nguyễn Văn Hảo

Tôi gọi ngay cho anh Vũ Chí Đạo, cựu phó giám đốc đài truyền hình Huế thời VNCH. Anh là dân Bắc di cư, cháu nhà văn Vũ Hoàng Chương, được đào tạo kỹ thuât truyền hình ở New Zealand. Anh còn dạy thêm môn Vật Lý ở Viện Đại học Huế. Tôi nhớ hồi tháng 5.1975, cả anh Từ Tôn Sa, nhà báo, cựu giám đốc đài truyền hình Huế của VNCH cũng đến gặp đài. Đương nhiên anh không được nhận vì là dân tuyên truyền. Chị Trang, vợ anh Đạo cũng là xướng ngôn viên của VNCH. Chị thuộc dòng dõi trâm anh ở Huế, đẹp nền nã và rất khéo tay. (Năm 2006, khi tổng thống Bush đi thăm Việt Nam, chị được chọn nấu món ăn Huế để đãi ông.) Nhưng chị cũng không được tiếp tục làm việc ở đài.

Anh Đạo may mắn được nhận làm lưu dung cùng với khoảng 10 nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ. Anh hay tâm sự với tôi. Sau khi tôi đi khỏi Huế anh cũng vào Sài Gòn sinh sống, mất liên lạc. Nhờ viết bài „Ký ức Huế 1975“ [2], chúng tôi tìm được nhau.

Lần này tôi gọi mãi mà anh không nghe. Tôi phải gọi cho chị Trang, nhờ chị mở Zalo cho anh. Cả bọn mừng rỡ nhìn thấy một ông già ốm yếu, râu tóc bạc trắng nhưng vẫn cố vui vẻ chào, nhắc tên anh Thái, em  Ai Hoa Hoang. Một cuộc gặp gỡ rất cảm động nhưng ngắn ngủi trên mạng. Vài hôm sau, tôi vào đến Quy Nhơn thì nhận đươc tin anh Đạo qua đời. Không ngờ video chat đó là dịp cuối cùng mấy anh em gặp nhau.

Anh Đạo và chị Trang trong những năm 1980 (Nguồn FB của anh Đạo)

(Còn tiếp)

Friday, January 3, 2025

Cập nhật thực lực của đội tuyển

 Nói cho thật lòng về bóng đá Việt Nam, 

    1. Tất nhiên là tôi mừng về chiến thắng của đội tuyển. Tôi cũng là người thực tế và lý trí, nên cũng thấy 2-1 là vừa tầm. Thậm chí có không vô địch tôi cũng mừng cho ngôi á quân của đội tuyện. Và tôi vẫn cổ vũ cho đội tuyển trong trận chung kết tới ở Thái.

     2. Tuy nhiên, có lẽ cũng phải thật lòng với bóng đá Việt Nam. Mọi tình yêu đều phải thật lòng mới có thể để cảm xúc thăng hoa. Trước tiên, tôi cảm thấy lối chơi của đội tuyển chưa thuyết phục. Phải công bằng mà nói nhìn chung ta chưa bằng Thái. Trận hôm qua tôi có cảm giác Thái chưa tung hết sức. Hai con át chủ bài của Thái cuối trận là Suphanat và Supachok, cuối trận mới vào. Các cầu thủ khác đều đá rất dè dặt, cẩn thận. Lối đá của họ có phong cách hơn ta. 

     3. Nói đến phong cách lại là một câu chuyện dài. Đội tuyển của ta không có phong cách nổi trội như thời Park Hang Seo. Tất nhiên, không thế trách ông Kim, vì phong cách đó đã được ông Trousier phá hủy hoàn toàn vì cái tôi của ông ta. Phải nói hành trình của chúng ta tại giải này tương đối dễ dàng. Trước khi có Xuan Sơn, lối chơi của chúng ta không thật sự sắc nét, nếu không muốn nói là lúng túng. Kết quả cũng không có gì nổi bật, thắng Lào (OK, tôi không nhớ VN không thắng Lào từ bao giờ), Indo (chơi sân nhà, thắng tối thiểu một đội Indo không thực sự mạnh như các giải trước), Phillipines (hòa, khá vất vả). Sau khi có Xuân Sơn, chúng ta có trận gặp Myanmar khá tưng bừng do các cá nhân tỏa sáng, chúng ta thắng Sing cũng tương tự. Các đội này đều yếu hơn hẳn ta. 

     4. Tuy vậy, cách đá của ta cũng không có bài bản gì thú vị.  Chưa biết quan điểm của ông Kim là gì ngoài chuyện xoay tua tối đa để giữ thể lực. Nhưng có thể đó là lý do mà ta không có phong cách. Thời ông Park không phải trận nào cũng thắng, nhưng có phong cách rõ và rất cảm xúc. 

     5. Nếu chúng ta thua Thái Lan trong trận tới chỉ là á quân tôi thấy vẫn hài lòng về kết quả. Trừ Xuân Son, trong đội của Thái có 6-7 người tầm cỡ Hoàng Đức hay Quang Hải. Họ có thắng ta cũng xứng đáng. Tuy nhiên tôi vẫn mong đội nhà thắng. Biết đâu. Tuy hàng hậu vệ bây giờ mong manh không bằng thời còn Quế Ngọc Hải, Đình Trọng nhưng nếu Xuân Son may mắn có thể quyết định trận đấu.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Thursday, January 2, 2025

Nếu đổi

 TRÊN ĐỜI CHẢ CÓ GÌ MIỄN PHÍ, NGAY CẢ KHI NÓ ĐƯỢC GHI MIỄN PHÍ.

1. Để trở thành một người có trải nghiệm khôn ngoan, ta đều cần đánh đổi.

2. Đánh đổi bằng công sức, đánh đổi bằng thời gian, đánh đổi bằng trí tuệ. Đôi lúc, tiền bạc cũng không thể mua được trải nghiệm.

3. Có khi, ta còn phải trải qua đau khổ, mệt mỏi, thất vọng để lĩnh hội.

4. Nếu bạn thất bại trong học tập hãy để cảm xúc buồn bã dạy bạn rằng con đường đến với cái chữ chưa bao giờ dễ dàng.

5. Nếu bạn thất bại trong công việc hãy ghi nhớ nỗi đau thất bại, khắc cốt lỗi sai ở bản thân, sửa đổi và vươn lên.

6. Nếu bạn thất bại chuyện yêu đương thì hãy hiểu một điều: Trái tim tan nát là để mình yêu sao không ngu. Tình cảm đôi lứa chẳng phải lúc nào cũng hạnh phúc như những câu chuyện cổ tích.

7. Đâu phải ai sinh ra cũng đã thông minh, trải đời, cư xử khéo léo. Tất cả đều được trui rèn qua thời gian, qua sự việc. Nắng mưa bão bùng cũng là yếu tố giúp ta mạnh mẽ hơn.

8. Trên đời này chả có gì là miễn phí ngay cả khi nó được ghi là miễn phí

Một người mãi thu mình sợ nọ sợ kia thì chỉ có thể đọc những đạo lý qua sách vở. Một người dám bước ra đời, hiên ngang và chịu đựng gian khổ mới có thể trưởng thành.

TnBS

Wednesday, January 1, 2025

Chuyện lớn chuyện nhỏ

 Để làm được những điều vĩ đại, chúng ta vừa phải mơ ước, vừa phải hành động.

— Anatole France

Khi mười tuổi, tôi đã nói với mẹ rằng tôi sẽ viết một cuốn sách. Thế là mẹ tôi liền gỡ vỏ nhựa bọc chiếc máy đánh chữ chạy bằng điện ra, đặt nó ở cuối bàn ăn rồi lặng lẽ rời khỏi phòng.

Vậy là tôi bắt đầu gõ: “Ngày xửa ngày xưa,...”. Rồi tôi dừng lại để nghĩ xem nên gõ gì tiếp theo. Sức nặng của nhiệm vụ to lớn này đè nặng lên người tôi. Tôi tưởng tượng ra một chồng giấy khổng lồ lả tả rơi xuống tấm khăn trải bàn màu trắng. Chồng giấy đó có dài tới một trăm trang không nhỉ? Nhưng tôi còn không thể hoàn thành được trang đầu tiên nữa kìa. Trời đất ơi, tôi không thể hoàn thành được ngay cả một dòng đầu tiên cơ. Bỗng nhiên tôi thấy ý tưởng chơi với các khối hình có vẻ hấp dẫn hơn. Thế là tôi lặng lẽ nhấc mình ra khỏi ghế và bỏ lại chiếc máy đánh chữ đang kêu vo vo trên bàn.

Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn mắc phải sai lầm tương tự, và tôi cũng đã chứng kiến phần lớn những người sáng tạo đầy tham vọng mà tôi nói chuyện cũng mắc phải sai lầm đó. Khi bắt đầu làm một việc gì đó, tự nhiên chúng ta sẽ hình dung ra một điều gì đó to lớn và vĩ đại– ngay cả khi chúng ta không hề có chút kinh nghiệm nào.

Tôi gọi tình trạng này là "Pháo đài ngụy biện", bởi vì việc này giống như chúng ta tưởng tượng mình sẽ xây được một pháo đài khổng lồ, dù chưa từng đặt một viên gạch nào trong đời. 

Chúng ta muốn mở một nhà hàng có sao Michelin, nhưng chúng ta còn chưa làm được món bánh nachos bằng lò vi sóng. Chúng ta muốn viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng chúng ta chưa bao giờ viết thứ gì dài hơn một email ngắn. Chúng ta muốn trở thành đạo diễn một bộ phim, nhưng chúng ta còn chưa từng đăng video về con mèo của mình lên Facebook.

Kết quả là, một trong hai điều sau sẽ xảy ra: Hoặc là chúng ta chỉ tưởng tượng mà không bao giờ bắt đầu, hoặc là chúng ta có bắt đầu nhưng lại khiến bản thân mình kiệt sức.

Để vượt qua "Pháo đài ngụy biện", bạn phải nhận ra rằng: Bạn thường mơ xa hơn khả năng hiện tại của bản thân. Đừng để ước mơ của chính bạn khiến bạn sợ hãi đến mức không thể bắt đầu, hoặc khiến bạn kiệt sức khi bắt đầu. 

Mơ về nhà hàng có sao Michelin, nhưng hãy bắt đầu bằng một bữa tiệc tối. Mơ về một cuốn tiểu thuyết, nhưng hãy bắt đầu bằng một câu chuyện ngắn. Mơ về một bộ phim điện ảnh, nhưng hãy bắt đầu bằng một bộ phim ngắn. Thay vì xây dựng một pháo đài, hãy bắt đầu từ một túp lều nhỏ.

Chúng ta không chỉ ước mơ vượt quá khả năng của mình. Đôi khi chúng ta cũng phóng đại số lượng thời gian chúng ta cần để bắt đầu ước mơ đó nữa. Điều này sẽ làm chúng ta trì hoãn mãi mãi. 

=====

Để đạt được những điều lớn lao, chúng ta cần kết hợp giữa khát vọng và hành động. Chúc bạn thành công!

Goc Nhin Alan

Bài viết: Trích sách Bắt đầu để chiến thắng của Tác giả David Kadavy