Tuesday, May 7, 2024

Hành trình cảm thụ: Những lúc nóng giận

🍀Cái giá của cơn giận

Thời gian chính là thứ vô thường nhất trên đời. Chúng ta không thể khiến thời gian dừng lại, càng không thể điều khiển thời gian tiến hay lùi. Thời gian vì thế rất quý báu. Chớp mắt, có khi chạm đến ngưỡng cuối của cuộc đời.

Mấy ai hiểu được giá trị thời gian. Vì chúng ta bận lao đầu vào bao nhiêu cơn giận. Chúng ta giận khi thương người người chẳng thương ta. Chúng ta giận khi công việc không trôi chảy. Chúng ta giận khi kẹt xe giữa cái nắng gay gắt... Chúng ta mãi giận, mãi bận và vì thế cuộc đời trôi đi rất nhiều khoảng không vô nghĩa.

Cơn giận cho ta những gì? Khi nóng giận, tâm ý tốt đẹp mỗi người dường như biến mất. Chúng ta sẽ tìm lời nói đau lòng nhất, tổn thương nhất, sắc bén nhất ném vào người đã cả gan làm chúng ta không hài lòng. Cơn cảm xúc cuồng nộ đó rồi sẽ qua. Tuy nhiên, vết thương lòng từ người hứng chịu cơn giận vẫn còn ở đó. Nếu người kia cũng như chúng ta, họ sẽ tìm cách trả đũa để chúng ta phải thật đau khổ. Ngày nối ngày, đôi bên chồng chất tổn thương thêm. Còn mối quan hệ rơi vào bế tắc.

Cơn giận khiến cho chúng ta quên mất giá trị thời gian. Rằng chúng ta đang phí hoài thời gian, tâm sức chỉ để thỏa mãn thứ cảm xúc tiêu cực dâng lên trong người. Chúng ta bùng nổ để đổi lại sự vô nghĩa. Thay vì bình tâm, lắng dịu nhìn nhận thực tế. Cơn lốc cảm xúc là thứ đã cuộn thì khó dừng. Chúng ta sẽ bị mang đi xa cho đến khi chạm đến mốc tuổi già, khi ấy có chăng quá muộn.

“Ngắn ngủi, vô thường, chứa đựng sinh diệt, một sát-na chính là một đời người. Hiểu được như vậy, ta càng thấy rõ cách duy nhất để sống trọn vẹn, để không lãng phí phút giây nào của cuộc đời chính là phát triển tâm lành, lòng thiện, sự bao dung và thấu hiểu...”

📚“Sát-na này là thiên thu” nằm trong bộ sách 3 quyển của Đại đức Thích Đồng Tâm. Quyển sách như cuốn nhật ký ghi lại hành trình cảm thụ, tu tập của Đại Sư Thích Đồng Tâm với nhiều mẫu chuyện nhỏ, ý nghĩa. Từ đó đúc kết ra nhiều bài học, giúp con người biết trân trọng thực tại, sống tốt, tâm an.

Bàn về việc trị quốc

BI KỊCH CỦA CHỦ NGHĨA ĐỨC TRỊ 

Tui có một cây xoài trồng bên ngoài hàng rào, sát đường đi chung của một xóm có 6 hộ gia đình. Vừa rồi cây xoài đó ra hoa kết quả mùa đầu tiên và chỉ đậu đúng một trái. Trái xoài ấy phơi ra lối đi nay đã lớn có thể ăn xanh hoặc sắp ăn chín được rồi. Tui hoàn toàn không có biện pháp bảo vệ nào, chỉ hên xui trông chờ vào đạo đức của những người hàng xóm đi qua đi lại. Ấy vậy mà hơn 1 tháng trôi qua, từ khi xoài đã lớn có thể ăn được, nó vẫn còn nguyên trên cây. Tui đã gặp hên. Ít ra là đến bây giờ.


Lẽ ra tui phải xây dựng một cơ chế khoa học và hữu hiệu để bảo vệ trái xoài như: làm hàng rào bọc cây xoài lại, thuê người canh gác ngày đêm và gắn camera giám sát. Với cơ chế giám sát hữu hiệu này thì có đến 99% trái xoài không bị hái trộm. Tuy nhiên tui lại đi theo “chủ nghĩa đức trị” phó mặc sự còn mất trái xoài vào đạo đức của những người hàng xóm đi qua lại. Nếu những kẻ đó đều có đạo đức: Trái xoài tui còn, nếu có một người trong số đó kém đạo đức: Trái xoài tui chắc chắn mất đi. Tui hoàn toàn dựa vào hên xui, mà độ xui xẻo lên đến trên 90%. 

Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn một số quốc gia mà người dân giao phó hoặc bị buộc phải giao phó vận mệnh quốc gia, vận mệnh của họ cho một cá nhân hay một nhóm người cai trị rồi ngồi thụ động cầu mong cá nhân đó hay nhóm người đó là “đấng minh quân” chứ không phải là phường vô lại. Hiếm hoạ mới có một quốc gia gặp may đã có được “minh quân”. Phần lớn các quốc gia còn lại hầu như đã gặp xui, kẻ cai trị là phường hôn quân.

Sau chiến tranh Nam Bắc, vào năm 1953, bán đảo Triều Tiên bị chia hai. Phía Bắc rơi vào tay nhà độc tài Kim Nhật Thành, phía nam vào tay nhà độc tài Phác Chung Hy. Phía bắc gặp xui, họ Kim là nhà cai trị tệ hại đã đưa đất nước này đến chỗ cùng đường và di hại đến tận hôm nay, nhân dân đói rách đến mức có lúc phải ăn cả rễ cây, và tệ hại hơn nữa là họ bị giam hảm trong một nhà tù toàn quốc, không được tiếp xúc và tự do đi lại với thế giới văn minh. 

Nửa bán đảo phía Nam gặp hên, có được nhà cai trị độc tài là bậc minh quân. Trong vòng 17 năm cai trị khắc nghiệt, 1962 – 1979, ông ta đã lập nên kỳ tích sông Hàn, đưa Nam Hàn lên thành quôc gia vượt qua đói nghèo và đặt chân vào thế giới phát triển để có được một Hàn Quốc giàu mạnh như ngày nay. 
Thật ra người dân Nam Hàn cũng thông gặp hên ngay lần lựa chọn đầu tiên và lần thứ hai. Lý Thừa Vãn là chọn lựa đầu tiên nhưng thất bại vì ông thiếu tài và kém đức. Vị tổng thống thứ hai cũng tượng tự. Mãi đến lần thứ ba, mất hết gần 10 năm, Hàn Quốc mới gặp hên, chọn được Phác Chung Hy, đích thực là bậc minh quân. Cũng khá may mắn là Hàn Quốc còn có cơ hội để chọn lại. Ông Phác là nhà độc tài, cai trị và quản lý đất nước hết sức khắc nghiệt theo chế độ quân sự, nhưng là nhà độc tài có tâm sáng, tất cả ông làm vì mục tiêu giàu mạnh của đất nước chứ không phải vì mục tiêu cá nhân. Ông làm tổng thống cai trị Hàn Quốc trong 17 năm. Và cũng rất may cho Hàn Quốc, vào năm 1979, ông bị ám sát chết. Thủ phạm bắn chết ông tuyên bố ông là sự cản trở cho nền tự do dân chủ nên cần phải loại đi. 
Sau khi ông Phác chết, Hàn Quốc đã xây dựng thành công thể chế dân chủ như các quốc gia văn minh khác trên thế giới. Chủ nghĩa độc tài đức trị đã theo ông Phác xuống mồ, chủ nghĩa dân chủ pháp trị được hình thành. Nghĩa là Hàn Quốc không còn mơ hồ hên xui giao vận mệnh đất nước vào tay một cá nhân hay một nhóm hú hoạ nào đó. Họ nhanh chóng xây dựng các biện pháp hợp lý và khoa học, xây dựng một cơ chế điều hành tối ưu mà các nước dân chủ văn minh tiên tiến đang áp dụng. Dùng pháp luật để quản lý đất nước. 

Một câu hỏi được đặt ra, liệu ông Phác Chung Hy không bị ám sát, vẫn tiếp tục cai trị độc tài cho đến khi chết như hầu hết các nhà độc tài khác thì Hàn Quốc có tiếp tục phát triển ổn định đến ngày nay? Cái đó cũng hên xui, nếu về sau ông Phác vẫn còn tài đức, vẫn còn minh mẫn thì có thể. Nếu về sau ông trở nên ảo tưởng về quyền lực vô hạn của mình, trở nên ngạo mạn và lú lẫn như hầu hết những tay độc tài khác thì Hàn quốc cũng khó duy trì sự phát triển ổn định đến ngày nay. 

Trường hợp Singapore, nhiều người lầm tưởng ông Lý Quang Diệu là một nhà độc tài “minh quân”. Không hề, ông ấy là một nhà pháp trị “minh quân”. Khi được giao quyền lãnh đạo đất nước ông xây dựng ngay thể chế dân chủ, xây dựng một nền pháp trị vững mạnh trên nền tảng tam quyền phân lập để điều hành Singapore. Ông làm thủ tướng hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác không phải bằng bạo lực để cưỡng đoạt, mà đảng của ông quản lý rất tốt đất nước, giành được sự tín nhiệm của toàn dân nên liên tục được bầu lại, các đảng khác chưa đủ uy tín để cạnh tranh lại dù họ được tự do và bình đẳng tham gia tranh cử.

Các đất nước có nền dân chủ pháp trị, điều hành quốc gia bằng luật pháp thì không nói đến đức trị, không hên xui trông chờ vào bậc minh quân một khi họ đã có “minh chế”. Người lãnh đạo đất nước trong cơ chế pháp trị được nhân dân chọn lọc và bầu ra qua lá phiếu, phải làm việc trong khuôn khổ luật pháp như tất cả các công chức khác từ thấp đến cao, nếu họ làm việc tốt có thể duy trì thêm 1,2 nhiệm kỳ nữa, nếu họ làm không tốt thì sau một nhiệm kỳ bị truất phế đi ngay bằng lá phiếu. Họ không có cơ hội để kéo dài sai lầm từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.

Bi kịch của chủ nghĩa đức trị là ông lãnh đạo độc tài nào cũng cho mình là bậc minh quân, là bậc tài đức khác thường không ai có thể thay thế. Rồi các ông “minh quân” ấy xây dựng ra cả một hệ thống quản lý dưới quyền mà nhân sự được chọn lựa rất chủ quan duy ý chí, rập khuôn “tài đức” như của các ổng, lấy mấy ổng làm thần tượng để học tập và làm theo. Bởi vậy trong các chế độ độc tài toàn trị luôn xuất hiện các “bậc thánh thần” như thánh Lenin, thánh Stalin, thánh Mao, thánh Pon Pot, thánh Fidel, thánh Kim, thánh Kadafi, thánh Hussein … Các thánh ấy càng vĩ đại thần dân (chứ không phải công dân) của các thánh ấy càng điêu đứng, càng không được làm người.

Với chủ nghĩa đức trị, nhân sự của bộ máy cai trị hình thành theo kiểu: “chỉ đưa những người tài đức vào trung ương”, “cương quyết không đưa những người xu nịnh chạy chọt vào trung ương”, “không đưa vào trung ương người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, bè cánh, cục bộ, quan liêu …”  với những tiêu chuẩn hoàn toàn định tính theo chủ quan của “bậc minh quân” đứng đầu, một kiểu hô khẩu hiệu chung chung mà không hề nêu ra biện pháp cụ thể và khoa học để chọn được người đạt các tiêu chuẩn mong ước.

Một bộ máy quản lý chỉ hên xui trông chờ vào đạo đức của các thành viên, mà phần xui thì quá lớn, tất yếu sẽ là một bộ máy rệu rã, bị lợi lộc chi phối, định hướng quản lý theo tác động của đồng tiền. Một bộ máy như vậy chắc chắn là môi trường tốt cho tệ quan liêu tham nhũng phát sinh và lộng hành.

Rồi một khi tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trào lên không kiểm soát được, không che giấu được thì đi tìm nguyên nhân. Lúc đó tất yếu phải tìm ra nguyên nhân của tham nhũng là do “sự suy thoái lối sống và đạo đức của cán bộ”. Vâng, theo “bậc minh quân”, tệ nạn tham nhũng là do nhân sự của bộ máy có nhiều cá nhân suy thoái đạo đức, không noi gương và học tập như “minh quân”, phải loại những kẻ suy thoái đó ra thì bộ máy sẽ trong sạch và sẽ hết tham nhũng. Khi loại người cũ ra phải tuyển người mới vào, và lại hên xui mong chờ người mới sẽ đạo đức hơn, bộ máy sẽ hết tham nhũng. Nhưng lại quên một điều rằng, dù có tuyển được người mới có đạo đức tốt đẹp, mà với bộ máy thiếu sự kiểm soát từ nhiều phía thì người cán bộ mới tốt đẹp đó có còn mãi tốt đẹp hay không. Trái xoài chín mà cứ phơi ra giữa lối đi, không có biện pháp bảo vệ, thì cũng có người đi qua dù không tham cũng động lòng tham. Thực tế cho thấy, hết lớp người này bị bắt tù, bị thải hồi, đến lớp người mới vào cũng lặp lại tội trạng cũ mà ở mức độ còn cao hơn, nghiêm trọng hơn. Lại phải bắt tù, lại phải thanh lọc …
Nói cho đầy đủ, bộ máy nhà nước của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới dù dân chủ hay độc tài cũng đều có tham nhũng, vấn đề ít hay nhiều mà thôi. 

Những quốc gia theo cơ chế dân chủ pháp trị chắc chắn tệ nạn tham nhũng và quan liêu sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu. Bởi các quốc gia đó đưa ra những tiêu chuẩn định lượng và dùng những biện pháp khoa học để tuyển chọn công chức vào bộ máy, và tất cả những cái đó đều quy định trong luật pháp chứ không làm tuỳ tiện theo ý thích của mỗi kẻ đứng đầu, còn những người đứng đầu bộ máy từ địa phương lên trung ương thì được người dân tuyển chọn qua tự do bầu cử. Trong quá trình tranh cử cạnh tranh khốc liệt, những kẻ tài hèn đức mọn sẽ bị phát hiện và bị loại ra. 

Bên cạnh bộ máy quyền lực điều hành quốc gia thì có các bộ máy quyền lực độc lập khác, có bộ máy đặt ra luật lệ và giám sát, có bộ máy chuyên phân xử khi có kiện tụng hoặc sai trái. Cái đó gọi là tam quyền phân lập. Rồi giám sát luôn cả tam quyền thì có đảng phái đối lập (luôn rình mò bắt lỗi công chức đảng cầm quyền), có đệ tứ quyền là báo chí tự do, có các tổ chức xã hội dân sự do người dân tự lập ra. Với cả một hệ thống giám sát chằng chịt và chặt chẽ như vậy thì một công chức bình thường có lòng tham muốn tham ô cũng rất khó, huống chi các vị công chức cao cấp như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, chánh án tối cao… càng bị theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn thì càng khó bề suy thoái đạo đức dù có muốn. 

Trở lại chuyện tui chống trộm trái xoài. Theo cơ chế pháp trị tui sẻ làm hàng rào bao bọc cây xoài, rồi để tránh việc hàng rào bị kẻ trộm vào phá, tui lại thuê thêm người bảo vệ canh giữ , rồi để giám sát người bảo vệ có canh gác hay không hoặc có thông đồng với kẻ trộm hay không, tui lại gắn một cái camera internet để theo dõi qua điện thoại. Với cơ chế bảo vệ và giám sát như vậy, tui sẽ yên chí đến 99% trái xoài sẽ không bị trộm. Còn như thực tế hiện nay, tui theo cơ chế đức trị, để mặc trái xoài ấy phơi ra, chỉ trông mong vào đạo đức tốt đẹp của những người hàng xóm, thì có khả năng đến 90% rơi vào bi kịch, là trái xoài sẽ mất tiêu vào ngày nào đó.  

Nhưng bi kịch không phải là tui bị mất trái xoài, bi kịch nằm ở chỗ khác to lớn hơn. Vì tui thiếu sự bảo vệ nên có thể biến một người hàng xóm không tham thành kẻ trộm. Khi việc mất trái xoài loang ra, hàng xóm sẽ nghi kỵ nhau, người này nghi ngờ người kia, thậm chí có người sẽ nghi ngờ chính tui đã hái trái xoài rồi vu oan cho hàng xóm. Mất hết lòng tin vào nhau. Quá sức bi kịch.

Dù sao, với cá nhân tui thì chỉ mất một quả xoài và mất đi tình làng nghĩa xóm, nhưng với một quốc gia, nếu cứ bám vào chủ nghĩa đức trị, thì mất mát vô cùng lớn. Mất tài nguyên môi trường, mất tài sản quốc gia, mất sự công bằng xã hội, mất niềm tin vào công lý, mất nền tảng đạo đức, mất lòng người … rồi đưa đến mất nước cũng không xa lắm. 
Quá sức bi kịch.

Huỳnh Ngọc Chênh

Châu Âu: Những nhạc sĩ nổi tiếng

Hôm nay thế giới kỷ niệm 200 năm bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc Đức Ludwig van Beethoven được trình diễn lần đầu 07.05.1824 tại Wien. Đây là bản giao hưởng cuối cùng của ông, được sáng tác một phần dựa trên bài thơ „An die Freude“ (đến với niềm vui) của Friedrich Schiller viết năm 1786.

Khi viết bản giáo hưởng này Beethoven đã điếc rất nặng nên ông hoàn toàn nghe bằng trí tưởng tượng và những cảm xúc âm nhạc còn nằm lại trong tâm trí. Vì muốn đưa tình yêu cuộc sống theo tinh thần bài thơ Schiller vào âm nhạc nên ông đã kết hợp nhạc giao hưởng với hợp xướng đồng ca và tạo ra một bước ngoặt lớn cho nhạc giao hưởng cận đại.

Từ đó bản nhạc được biểu diễn liên tục trong các dịp lễ lớn ở châu Âu. Năm 1924, dàn nhạc giao hưởng Tokyo đã lần đầu tiên đưa nó về châu Á. Năm 1936 người Trung Quốc được thưởng thức bản giáo hưởng „Đến với niềm vui“.

Từ năm 1955, phong trào liên Âu đã đề nghị lấy đoạn „Đến với niềm vui“ trong giao hưởng này làm „Quốc Ca liên Âu“ và năm 1985 Liên minh EU đã quyết định coi đó là quốc ca của mình.

Ở châu Âu xuất hiện rất nhiều trường hợp „quần chúng tự phát“ với đoạn nhạc „đến với niềm vui“ trên các quảng trường thành phố:

https://www.youtube.com/watch?v=cxLbmnvMWM0

Nguyễn Xuân Thọ

Câu chuyện "Đại thắng" và vai trò của Đại tướng

ĐIỆN BIÊN PHỦ, CÔNG & DANH

Phải công nhận, câu chuyện hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh đi tìm “tên” của bố trong hàng nghìn ngôi mộ ở Điện Biên Phủ là một trường đoạn rất thành công về lấy nước mắt của VTV tối qua. Chỉ có rất ít bia mộ có tên trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở đây. Trên thực tế, tất cả các ngôi mộ ở đây đều vô danh.

Nhưng, sau trường đoạn ấy, một ông anh từng đứng đầu một cơ quan quan trọng ở Trung ương, từ Điện Biên Phủ, gửi về hai tấm hình dưới đây [hình 3 và 4, chụp trong khuôn viên Đền thờ liệt sĩ trên đồi A1]. 



Từ lâu, người ta đã khao khát lưu danh ở những nơi như Điện Biên Phủ. 

Trong “30 năm dân chủ cộng hòa”, Kháng chiến chống pháp là cuộc kháng chiến mang đầy đủ ý nghĩa và đúng tính chất chống ngoại xâm, giành độc lập nhất [cho dù, muốn đánh giá hết ý nghĩa của công cuộc đó phải đứng trên quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa”(Thư gửi già làng trưởng bản, 1946)].

Người ta đã từng muốn có một chiến thắng tầm cỡ “lừng lẫy Điện Biên” mà không có Hồ Chí Minh, không có Tướng Giáp.

Khi bắt đầu Chiến dịch Mậu Thân, nhiều chỉ huy tài năng của Tướng Giáp bị bắt, kể cả đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo. Tướng Giáp bị giữ ở Hungaria cho tới 29 Tết, với sự can thiệp của Hồ Chí Minh mới có thể về Hà Nội. 

Hàng chục vạn con dân Việt Nam đã bỏ mình trong Chiến dịch ít chuẩn bị và nhiều tham vọng này.

Theo Tướng Giáp: “Lúc đầu mục tiêu đề ra là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với thực tế”.

Sau 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố, “500 năm sau, khi nói tới thời đại ngày nay, người ta chỉ nhớ tới Hồ Chí Minh và Tướng Giáp”. Lịch sử chắc sẽ không quá khắt khe như Tướng Trà nhưng vào thời điểm đó, ta hiểu vì sao Tướng Trà nói thế.

Các hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” không có tên Tướng Giáp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp. Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái đăng nhiều kỳ trên báo QĐND tên của Tướng Giáp cũng bị cắt đi dù Tướng Thái nổi giận đòi rút bài. 

Năm 1994, khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặt câu hỏi: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, tại sao trong “Đại Thắng Mùa Xuân”[của Văn Tiến Dũng] vai trò của Đại tướng được nhắc rất ít?” 

Tướng Giáp, mặt đanh lại, quay sang phía thiếu tướng Lê Phi Long, “Long, cậu biết, nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo và các nhà sử học nếu muốn biết sự thật lịch sử thì nên đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó.”

Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, TBT Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục. 

Cho dù Tướng Giáp sống lâu hơn những người ganh ghét mình, “Trời” vẫn để cho Lê Đức Anh sống ở phía đối diện nhà 30 Hoàng Diệu và giữ ông ta minh mẫn cho đến khi Tướng Giáp qua đời. 

Không biết, khi “gặp lại Lê Duẩn, Lê Đức Thọ”, Lê Đức Anh có tường thuật tang lễ này và ba ông Họ Lê sẽ nói gì về những “quốc tang” nhạt nhẽo của mình so với dòng dân chúng xếp hàng nhiều ngày trời để vào thắp hương cho Tướng Giáp. 

Trong số những người nghiêng mình trước Tướng Giáp, tôi nghĩ, không chỉ có những người ngưỡng mộ tài năng và tên tuổi lẫy lừng của ông. Sau nhiều thập niên tụt hậu và thất sủng của dân tộc này, người dân tìm thấy ở Tướng Giáp biểu tượng vĩ đại của người thất sủng nhất.

Vị tướng nào lưu danh mà không để lại “vạn cốt khô”; nhưng không phải ai biến hàng vạn trai tráng thành cốt khô cũng có danh trong lịch sử.

Trương Huy San

Monday, May 6, 2024

Món quà từ Đấng Tạo Hóa

“Xin cảm ơn Người, Đấng tạo hoá đã ban cho con món quà cuộc sống. […]. 

Xin cảm ơn Người đã sử dụng ngôn từ của con, đôi mắt của con, trái tim của con để chia sẻ tình yêu thương của Người ở mọi nơi con đi qua. Con yêu Người vì đó là Người. Và vì con được Người tạo ra, con cũng yêu thương mình vì con là chính mình. Xin hãy giúp con giữ gìn tình yêu thương và sự bình an này trong tim, làm cho yêu thương trở thành cuộc sống mới, để con được sống trong yêu thương suốt cuộc đời này.”

Trích “Bốn thoả ước”, Don Miguel Ruiz.

Sunday, May 5, 2024

Hành trình cảm thụ: Ngắn ngủi và vô thường - Cơn nóng giận

Cái giá của cơn giận

Thời gian chính là thứ vô thường nhất trên đời. Chúng ta không thể khiến thời gian dừng lại, càng không thể điều khiển thời gian tiến hay lùi. Thời gian vì thế rất quý báu. Chớp mắt, có khi chạm đến ngưỡng cuối của cuộc đời.

Mấy ai hiểu được giá trị thời gian. Vì chúng ta bận lao đầu vào bao nhiêu cơn giận. Chúng ta giận khi thương người người chẳng thương ta. Chúng ta giận khi công việc không trôi chảy. Chúng ta giận khi kẹt xe giữa cái nắng gay gắt... Chúng ta mãi giận, mãi bận và vì thế cuộc đời trôi đi rất nhiều khoảng không vô nghĩa.

Cơn giận cho ta những gì? Khi nóng giận, tâm ý tốt đẹp mỗi người dường như biến mất. Chúng ta sẽ tìm lời nói đau lòng nhất, tổn thương nhất, sắc bén nhất ném vào người đã cả gan làm chúng ta không hài lòng. Cơn cảm xúc cuồng nộ đó rồi sẽ qua. Tuy nhiên, vết thương lòng từ người hứng chịu cơn giận vẫn còn ở đó. Nếu người kia cũng như chúng ta, họ sẽ tìm cách trả đũa để chúng ta phải thật đau khổ. Ngày nối ngày, đôi bên chồng chất tổn thương thêm. Còn mối quan hệ rơi vào bế tắc.

Cơn giận khiến cho chúng ta quên mất giá trị thời gian. Rằng chúng ta đang phí hoài thời gian, tâm sức chỉ để thỏa mãn thứ cảm xúc tiêu cực dâng lên trong người. Chúng ta bùng nổ để đổi lại sự vô nghĩa. Thay vì bình tâm, lắng dịu nhìn nhận thực tế. Cơn lốc cảm xúc là thứ đã cuộn thì khó dừng. Chúng ta sẽ bị mang đi xa cho đến khi chạm đến mốc tuổi già, khi ấy có chăng quá muộn.

“Ngắn ngủi, vô thường, chứa đựng sinh diệt, một sát-na chính là một đời người. Hiểu được như vậy, ta càng thấy rõ cách duy nhất để sống trọn vẹn, để không lãng phí phút giây nào của cuộc đời chính là phát triển tâm lành, lòng thiện, sự bao dung và thấu hiểu...”

Trích dẫn từ “Sát-na này là thiên thu” nằm trong bộ sách 3 quyển của Đại đức Thích Đồng Tâm

Saturday, May 4, 2024

Trào lưu - bầy đàn và cá tính

Đây là bản chất con người

TÂM LÝ HỌC BẦY ĐÀN (HERD MENTALITY) - KHÔNG BAO GIỜ THOÁT KHỎI NẾU BẠN CÒN SỐNG

🫨Tâm lý học bầy đàn là một hiện tượng tâm lý bị tác động sâu sắc bởi hành vi con người. Nó xuất hiện khi những cá nhân thu nạp những niềm tin, hành vi, hoặc thái độ của phần đông mọi người trong nhóm, thường họ cũng phải hy vọng được quan sát trong nhiều khía cạnh của đời sống hằng ngày, từ xu hướng thời trang đến quyết định đầu tư, thậm chí là liên minh chính trị.

🫨 VÍ DỤ VỀ TÂM LÝ BẦY ĐÀN

- Bong bóng thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư có thể đi theo đám đông trong việc mua các cổ phiếu bị thổi phòng giá trị, gây ra bong bóng tài chính và những cú sụp đổ của thị trường sau đó.

- Xu hướng thời trang: Con người thường thu nạp những phong cách thời trang và nhãn hàng do ảnh hưởng từ xu hướng yêu thích của số đông.

- Truyền thông xã hội: Sự tràn ngập các nội dung gây bão và mong muốn “hùa theo” những tài khoản nổi tiếng hoặc tham gia vào các chủ đề lên xu hướng có thể có sự đóng góp của tâm lý bầy đàn. 

- Chuyển động chính trị: Thường thì con người ta sẽ đồng thuận theo những quan điểm và ý kiến phổ biến, ngay cả khi họ không hoàn toàn hiểu hay ủng hộ chúng. Sự gia tăng của hình thái chính trị cực đoan trong suốt tiến trình lịch sử có thể một phần có sự góp phần của tâm lý bầy đàn, khi con người ta tham gia vào các nhóm có ưu thế thống trị, thường là so sợ bị tẩy chay hoặc hãm hại.

- Mua sắm hoảng loạn: Trong thời gian khủng hoảng, con người ta có thể tích trữ những nhu yếu phẩm vì lo sợ, dẫn đến thiếu hụt và thổi phòng tình hình.

🫨NHẬN RA TÂM LÝ CỦA TÂM LÝ BẦY ĐÀN

- Sự thích ứng: Con người ta có thể thay đổi quan điểm những niềm tin hay hành vi của mình để khớp với số đông, ngay cả khi trước đó họ có nắm giữ những ý kiến khác biệt. Như thu nạp nhiều luồng ý kiến phổ biến trên mạng xã hội để đi theo những xu hướng thời trang mới nhất.

- Sợ bị bỏ lại: Sự lo âu liên quan đến việc bị bỏ lại đằng sau hoặc bị cô lập khỏi một xu hướng hoặc hoạt động phổ biến có thể khiến con người bắt đầu thích ứng. Dẫn đến những quyết định bốc đồng và liên tục cần phải cập nhật những tin tức mới nhất.

- Phân cực nhóm: Khi con người ta tương tác trong một nhóm, họ có thể thu nạp nhiều ý kiến cực đoan hơn, thổi phồng những niềm tin tập thể của nhóm. 

- Đàn áp sự bất đồng: Con người ta có thể không muốn thể hiện những luồng ý kiến trái chiều hoặc thách thức những gì đang có, dẫn đến thiếu tính đa dạng trong tư duy và ra quyết định. 

🫨NGUYÊN NHÂN GÂY RA

- Yếu tố đầu tiên trong danh sách chính là ảnh hưởng từ xã hội. Chúng ta sinh ra đã là những sinh vật xã hội và thường nhìn vào người khác để được hướng dẫn hoặc công nhận, đặc biệt là trong những tình huống thiếu chắc chắn. 

- Yếu tố thứ hai là não bộ chúng ta có xu hướng chọn theo những lối tắt tư duy, điều này đôi khi khiến chúng ta lệ thuộc vào các quan điểm và hành vi của người khác thay vì phải tư duy phản diện.

- Yếu tố thứ ba là mong muốn bẩm sinh được thuộc về và hoà hợp với những quy chuẩn của nhóm. Điều này mang đến cảm giác an toàn và chấp nhận. Ngay cả khi họ không nhất thiết phải đồng ý với ý tưởng và cách làm của những người hàng xóm.

- Yếu tố thứ tư là khi con người ta quan sát hành động của người khác và mặc định chúng dựa trên thông tin chính xác, họ có thể làm theo, tạo nên hiệu ứng domino.

🫨TÂM LÝ BẦY ĐÀN CÓ GÌ TỐT?

- Trong những tình huống khi con người ta có thông tin hay kiến thức hạn chế thì việc nghe theo số đông có thể đưa đến kết quả tốt hơn, vì kiến thức tập thể của cả nhóm sẽ có sức nặng hơn bất kỳ cá nhân đơn lẻ nào.

- Khi tất cả mọi người trong một nhóm đều làm theo một số quy tắc, thì tất cả đều làm việc tốt hơn và cảm thấy kết nối với nhau hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi con người ta cần hợp tác cho một dự án hay ra quyết định tập thể.

- Khi cần ra quyết định nhanh, dựa vào phán đoán của nhóm có thể đẩy nhanh quá trình và tiết kiệm thời gian. Điều này khá hữu ích trong những thời điểm khung hoảng hoặc những tình huống căng thẳng cao.

🫨LÀM SAO ĐỂ TRÁNH ĐI THEO ĐÁM ĐÔNG?

- Đầu tư tự nhận thức bản thân: Hãy cân nhắc những nguyên tắc, niềm tin và những điều bạn thích và quyết định xem liệu những hành vi có phản ánh con người thật của bạn hay không. Tự chiêm nghiệm thường xuyên có thể giúp bạn thiết laoaj cảm nhận mạnh mẽ về bản dạng và giúp đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

- Tập tư duy phản biện: Hãy tự hỏi tính xác thực của những luồng ý kiến và xu hướng phổ biến, và cân đong thiệt hơn trước khi đưa ra quyết định. Điều này có thể giúp bạn kháng cự lại ma lực của tâm lý bầy đàn và đưa ra những lựa chọn khách quan hơn.

- Tìm kiếm những góc nhìn đa dạng: Tham gia trao đổi với mọi người về những quan điểm, bối cánh và trải nghiệm khác biệt để thu được sự thấu hiểu rộng hơn về vấn đề và tránh tư duy nhóm.

- Thoải mái với sự thiếu chắc chắn: Hãy nhận ra rằng cảm thấy thiếu chắc chắn trong một số tình huống là bình thường và rằng việc đi theo đám đông không phải lúc nào cũng là hành động tốt nhất. Tập quen với sự thiếu chắc chắn có thể giúp bạn kháng cự lại áp lực phải hòa hợp và đưa ra quyết định dựa trên trực giác của bản thân.

- Hình thành sự tự tin: Củng cố lòng tự trọng và tin vào phán đoán của bản thân từ đó bạn sẽ tự tin ra quyết định độc lập. Việc xây dựng sự tự tin có thể giúp bạn chống lại sức hút của tâm lý bầy đàn và điều chỉnh các tình huống xã hội với sự độc lập và kiên cường hơn.

Nguồn: Trang tâm lý

Thursday, May 2, 2024

ACB & ÔNG TRẦN MỘNG HÙNG

Rất ít người biết ông Trần Mộng Hùng mới thực sự là người sáng lập ngân hàng ACB [cùng các cổ đông khác, trong đó có hai ông Phạm Trung Cang và ông Trịnh Kim Quang… vào năm 1992]. Có lẽ do ông ít khi sử dụng siêu xe [của ACB] và tên ông không gắn với đội bóng [cũng của ACB]. Một đôi lần tôi thấy ông giữ mình lặng lẽ ở những chỗ đông người và, rất nhanh, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống rồi rời đi trong chốc lát. 

Phần lớn con đường học vấn của ông Trần Mộng Hùng được trang bị từ nền tảng giáo dục miền Nam. Dù, sau năm 1975, ông mới hoàn thành chương trình đại học. 

Nếu không có những năm tháng Sài Gòn khánh kiệt bởi “cải tạo”, “đánh tư sản” và thay thế thị trường bằng “phân phối, quan liêu, bao cấp”, có thể ông Trần Mộng Hùng vẫn là một thầy giáo ở trường đại học. Ông từng là giảng viên trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng [1978-1980]. Ngày ấy, để có thể đứng được trên bục giảng, nhiều giảng viên khác như ông đã phải làm đủ nghề, từ nấu xà bông [từ xút và dầu dừa], đến làm nhựa tái chế và “nước giải khát có gaz”.

Chính sách thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng [đầu thập niên 1990s] đã giúp ông có một quyết định đúng đắn, chọn ngành kinh doanh đúng với chuyên môn của mình: Thành lập một ngân hàng thương mại cổ phần [TMCP].

Trong gần hai thập niên sau đó, ở Sài Gòn có 3 ngân hàng TMCP hoạt động rất ấn tượng: ACB, Đông Á và Sacombank. Đông Á và Sacombank từng là những ngân hàng bán lẻ tốt nhất. Đông Á còn là ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ ATM.

Tôi không chắc, việc Ban Tài chánh Quản trị Thành ủy TP HCM có cổ phần trong ngân hàng Đông Á hay những sai lầm của ông Trần Phương Bình mới là yếu tố chính “giết chết” ngân hàng lừng lẫy một thời này. Nhưng, ở khu vực hoàn toàn tư, yếu tố minh bạch thường đảm bảo tốt hơn nơi công tư lẫn lộn.

Đáng tiếc nhất là Sacombank. Cổ đông sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành, bị suy yếu sau những thất bại của Sacomreal [khi thị trường địa ốc đóng băng sau khủng hoẳng 2008]. Gặp lúc phải đối diện với những âm mưu thôn tính bằng những công cụ phi thị trường, Sacombank, một ngân hàng đang cường tráng bị buộc phải trao cho một ngân hàng, khi ấy, đã “chết” trên thực tế.

Ông Trần Mộng Hùng là Tổng Giám Đốc đầu tiên và Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB từ năm 1994 đến 2008. Ông “điều hành ACB bằng sự thận trọng, đặt tính minh bạch lên hàng đầu”. Năm 2008, ACB đã tiên phong khi mời Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Chủ tịch bên cạnh Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, một người trẻ tuổi, tài năng. Và, người có ảnh hưởng trong giai đoạn này phải công nhận là “Bầu Kiên”.

Trong giai đoạn này, ACB nắm bắt đúng cơ hội, tăng trưởng mạnh và đã có những bước đột phá. Nhưng giai đoạn này, “Bầu Kiên” cũng đưa ACB phát triển theo hướng gây băn khoăn, lo lắng.

Năm 2012, xảy ra vụ án “Bầu Kiên”; một vụ án mà về mặt pháp lý có rất nhiều vấn đề. Nhưng đối với ACB, đây là một tình huống không chỉ buộc ngân hàng này phải xử lý tốt khủng hoảng tức thời mà còn phải cải tổ để đưa ACB trở lại đúng với chiến lược phát triển của người sáng lập.

Con trai ông Trần Mộng Hùng, Trần Hùng Huy, năm ấy 34 tuổi, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, lên làm Chủ tịch. Ông Hùng quay trở lại HĐQT và khi ACB đã bắt đầu đi đúng quỹ đạo, ông rời HĐQT về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Quản Lý Rủi Ro [2018 – 2023].

Vào những lúc mà thị trường đất đai đang sôi động nhất, ông Trần Mộng Hùng nói với tôi, ông nhận được rất nhiều lời chào mời kể cả những lời chào mời từ phía chính quyền, nhưng ACB vẫn kiên quyết không đầu tư vào địa ốc. Đây không chỉ là vấn đề nguyên tắc, đây là “sự đối lập giữa đạo đức kinh doanh và tinh thần liều lĩnh”.

Đã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Trần Mộng Hùng nhưng biết, ACB vẫn giữ được những giá trị cốt lõi ấy, vẫn là một ngân hàng kiên định với nghề ngân hàng chứ không sử dụng ngân hàng như một công cụ huy động vốn cho các công ty trong cùng "hệ sinh thái". 

Ông Trần Mộng Hùng ra đi thật đột ngột [chỉ vừa 72 tuổi]. Nhưng ACB không bị đặt trong tình huống bất ngờ. 

Ông Trần Mộng Hùng không những nằm trong số không nhiều những nhà doanh nghiệp Việt Nam tạo được cho mình một đế chế mà còn nằm trong số rất ít người chuẩn bị cho đế chế ấy sự thừa kế; xét cả từ góc độ gia đình và xã hội. 

Trong hơn 30 năm qua, thay vì liên tục bám trụ “ngai vàng”, có những thời gian ông đứng hẳn ra ngoài dành sân cho thế hệ khác. Nhưng dù đứng ở vị trí nào, ông vẫn được coi là một "người thầy nghiêm khắc". Trước khi ra đi, vì thế, ông đã kịp xây dựng cho ACB một nền tảng quản trị hiện đại, hình thành được triết lý kinh doanh và về mặt con người, chuẩn bị được cho ACB một đội ngũ.

Trương Huy San

Tuesday, April 30, 2024

Những ngày tháng 4

Ký ức tháng 4 - Huế 1975

Sau 30.4.1975 tôi được đài Tiếng nói Việt Nam cử vào tiếp quản đài Truyền hình Huế. Tuy chỉ ở Huế một năm, nhưng thành phố này đã cho tôi, chàng trai 24 tuổi, nhiều nhận thức mới.

Ngày đó tôi chỉ là một công nhân quèn, quèn nhất trong một cơ quan mà đa số là các kỹ sư tốt nghiệp ở những trường đại học nổi tiếng nhất của phe XHCN. Nhờ có lý lịch miền Nam tập kết và cái chất thợ, vừa biết cơ khí, vừa biết điện tử nên tôi được giao nhiệm vụ này.

Cho đến tận giữa năm 1976 cầu Hiền Lương vẫn là giới tuyến giữa hai miền Nam-Bắc, chỉ ai có giấy phép của Ban Thống nhất Trung uơng mới được qua lại. Trong suốt 12 tháng đó tôi phải ra vào nhiều lần, lúc thì lấy phim ảnh, máy móc, lúc thì phải ra Đại học Bách khoa học tại chức.

Vì ba tôi có nhiều bạn bè ở Ban Thống nhất nên mỗi lần ra vào Huế, tôi lên Quốc Tử Giám làm giấy tờ rất nhanh. Hồi đó chưa có tệ tham nhũng, sách nhiễu như ngày nay nên không có chuyện vòi tiền. Nhưng bệnh khệnh khạng cửa quyền thì đã ngấm vào da thịt, quan hệ vẫn cần thiết. Ban Thống nhất cũng là cơ quan kết nối giữa quân đội và dân chính nên tôi thường chia sẻ các chuyến xe tải với bộ đội ra vào Huế.

Hà Nội - Huế cách nhau chỉ 650 km, nhưng chiến tranh mới kết thúc, đường xấu, xe cộ tồi tàn, lại vướng hàng chục trạm kiểm soát nên mỗi chuyến đi mất gần một ngày đêm. Chúng tôi thường phải nghỉ đêm ở Quảng Bình hay Hà Tĩnh. Mỗi người lính khi ra Bắc thường mang theo một con búp bê nhựa để làm quà. Nhờ thế tôi học được câu nói phân định khối lượng của cải mang theo ra Bắc của nhà lính: Tuớng tấn, tá tạ, úy yến, lính lạng.

Những thị trấn tôi đi qua như: Vĩnh Linh, Đông Hà, Quảng Trị là những bãi tro tàn đúng nghĩa. Nhưng Huế là một đô thị đẹp, cổ kính và yên tĩnh mà tôi chưa hề biết đến.

Qua khỏi Cầu mới (nay là cầu Phú Xuân), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là khu Bệnh viện Trung ương Huế do Tây Đức xây dựng. Hồi đó ở Hà Nội chưa có bệnh viện nào hiện đại và sạch sẽ như vậy. Tôi thích thú ngắm các thùng rác xi măng hình gốc cây với dòng chữ „Cho tôi xin rác“ xây trên vỉa hè. Các cô nữ sinh mặc áo dài trắng toát, đôi nón lá bài thơ thướt tha trên những đế guốc cao làm cho chàng trai Hà Nội không khỏi nghĩ đến các cô gái áo bông chần ngoài Bắc.

Đài Truyền hình Huế nằm bên góc đường Lê Thánh Tôn (nay là đuờng Hà Nội), tiếp giáp đường Lý Thường Kiệt, trên một mảnh đất hơn 1000 mét vuông là một sự ngạc nhiên nữa cho tôi. Bằng một thiết kế gọn nhẹ và hiện đại kiểu Mỹ, hơn 20 nhân viên của đài đảm bảo mỗi ngày phát sóng từ 5-6 giờ cho một vùng lãnh thổ từ Gio Linh vào đến Đà Nẵng. Trạm tiếp sóng trên đèo Hải Vân phủ sóng Đà Nẵng, hầu như không cần người quản lý.

Truyền hình miền Nam lúc đó đi trước miền Bắc khá xa. Bốn đài: Sài Gòn, Cần Thơ, Quy Nhơn và Huế cho phép 80% dân chúng được xem TV hàng ngày. Ở ngoài Bắc cho đến 1977 chỉ có khu vực Hà nội được xem TV và không phải ai cũng được mua TV.

Việc tiếp quản đài thực ra không có gì khó khăn. Các nhân viên cũ của đài và những người vào truớc tôi đã khôi phục mọi hoạt động kỹ thuật. Việc lớn nhất là thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình giữa hai hệ của Mỹ và của các nuớc XHCN cũng không phải là khó khăn gì cho anh em chúng tôi.

Điều làm cho tôi áy náy nhất là kho phim tư liệu đã bị anh em bộ đội phá tanh bành. Mặc dù tôi có ý muốn cứu những cuộn phim tư liệu 16mm này, nhưng chúng bị coi là „văn hóa phẩm đồì trụy“ nên không ai quan tâm đến ý kiến của tôi. Vả lại tôi chỉ là thằng tép riu nhất trong tất cả những ai tham gia tiếp quản đài Huế khi đó. Sau một chuyến ra Bắc trở về, tôi thấy kho phim đã biến mất và thành phòng làm việc cho bà phó giám đốc phụ trách tổ chức.

Nỗi vui mừng của tôi khi được tiếp xúc với kho âm nhạc và văn chương miền Nam hoặc sự mê mẩn của tôi đối với những dàn Akai-Stereo, máy ảnh Canon, đồng hồ Seiko v.v. chỉ là niềm vui của con cá từ một vũng nước được may mắn xuống ao. Nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi về người Huế (và miền Nam) lại là chị điện thoại viên bên Sở Văn hóa Thông tin.

Đài truyền hình Huế lúc đó do Ban Quân quản và Sở Văn hóa Thông tin quản lý. Mỗi lần tôi có việc phải gọi điện thoại sang sở, lúc thì gặp chị công chức cũ phụ trách tổng đài, lúc thì gặp một o bộ đội thông tin mới ở chiến khu về.

Các o bộ đội thường có giọng nói khô khan gắt gỏng: Ai đấy? Muốn gặp ai? Đi vắng rồi nhé! Cúp máy.

Ngoài đời các o hay tết hai đuôi sam, hay cười ngặt nghẽo, cũng dễ thương như các bạn gái ngoài Hà Nội.

-Thói quen nghề nghiệp mà anh - Một o bẽn lẽn nói vậy khi gặp tôi.

Mỗi lần gặp chị viên chức cũ với giọng nói ngọt ngào: „Dạ, anh chờ chút, để em nối máy“ thì gã công nhân quèn, quen nghe giọng dùi đục chấm mắm cáy lại cảm thấy ít ra mình cũng là thằng nào đó. Trai chưa vợ, được một giọng phụ nữ ngọt ngào gọi anh xưng em, bằng tiếng Huế, thật khó quên.

Những ngày đầu tiên truớc khi cô Mùi về nấu bếp cho đài chúng tôi hàng ngày sang Sở Văn hóa ăn cơm trưa. Tôi tìm cách gặp bằng được người phụ nữ với giọng Huế ngọt ngào đó. Chị lớn hơn tôi gần chục tuổi, có khuôn măt dễ ưa. Trong khi "lương cách mạng" cấp cho chị không đủ 10 ngày ăn của gia đình, nhưng chị vẫn đánh phấn nhẹ, mặc áo dài, đi guốc cao gót để hàng ngày làm một công việc không cần đến ngoại hình, không cần trang điểm. Thì ra đó là nếp sống. Giữa những o bộ đội dễ thương kia và nguời phụ nữ Huế này là một khoảng cách văn hóa không nhỏ!

Cứ như vậy, tôi lần lượt vấp hết cú sốc văn hóa này đến cú khác. Từ những nụ cuời chào đón và tiễn khách hàng, đến cốc nuớc chè sau mỗi bữa ăn, đến gói hàng xếp vào túi ny-lon đều là những điều xưa nay tôi không bao giờ được hưởng, kể cả ở các cửa hàng „Thanh niên làm theo lời Bác“.

Miền Nam mới hòa bình, cơ quan nào cũng chịu cảnh bè phái giữa các nhóm: Cán bộ tập kết ở Bắc trở về, cán bộ hoạt động nội thành (nằm vùng) và lực luợng ở chiến khu xuống (gọi là cán bộ R = rừng). Cán bộ tập kết trở về mang theo lối sống XHCN và tham vọng sẽ đòi lại những gì họ đã mất 20 năm qua nên rất thích đấu đá, hội họp, và sính lý luận. Tuy cùng hội ngoài Bắc vào, tôi rất sợ các vị này, vì họ chỉ thích hội họp, bình bầu, bới móc.

Ban Quân quản bổ sung cho đài vài thanh niên hoạt động nội thành. Anh Định, tốt nghiệp văn khoa, giới thiệu với tôi một số sản phẩm văn học „ngụy“ như „Vòng tay học trò“, „Loan mắt nhung“ „Đừng gọi anh bằng chú“… Cậu Đê, tú tài bán phần thì thích nghe anh Thọ kể chuyện Hà Nội, chuyện nuớc Đức. Tuy được ưu ái, nhưng xem ra họ không hòa nhập với nếp làm việc mới nên sau đó ít lâu cả hai đều bỏ đi.

Quân khu Trị Thiên-Huế điều một số anh chị em bên cục tuyên huấn từ A-Lưới về tăng cường cho đài. Tôi quý anh Tuyến, thợ chiếu phim và anh Huế, biên tập văn nghệ, vì họ là những người lính đã giáp mặt với cái chết, vẫn mang sự chất phác của người nông dân Việt. Cũng như tôi, họ không lao vào các cuộc tỷ thí quyền lực, chỉ tận hưởng không khí hòa bình bên bờ sông Hương và khám phá những nét văn hóa chưa từng biết đến. Anh Huế hay nói chuyện văn học với tôi, tuy tôi kém anh đến cả chục tuổi.

Nhóm còn lại, đông nhất, nhưng lép vế nhất là anh em „ngụy“. Trong số hơn 20 công chức cũ của đài, có 10 người, chủ yếu là các kỹ thuật viên, được chính quyền mới giữ lại làm việc. Lương bổng thì không thể so với thời truớc, nhưng họ mừng lắm và luôn hy vọng sẽ có tương lai trong chế độ mới.

Tuy được căn dặn phải cảnh giác với họ, nhưng tôi thấy đa số họ dễ ưa, có tư cách và không hề „phản động“ tý nào. Nhiều người trong số họ cũng kết thân với tôi, như anh Vũ Chí Đạo, kỹ sư truởng, anh Như, đạo diễn phát sóng, bác Sáu Trí, thợ âm thanh hay anh Mai, thợ điện.

Gần gũi những con người này tôi bỗng cảm thấy có điều gì hơi ác khi nhận được chỉ thị: Phải mau chóng nắm toàn bộ công việc để rồi sẽ dần dần đuổi họ ra khỏi cơ quan.

Hình như một số người đoán ra được kế hoạch này nên ngay trong thời gian tôi còn ở đó, anh Thịnh, kỹ thuật viên video, anh Phuớc, đạo diễn đã lần lượt xin thôi, đi tìm việc nơi khác. Năm 1980, tôi quay lại Huế, không ai trong số đó còn làm việc ở đài. Tuy tôi luôn tử tế với họ, nhưng vẫn cảm thấy có gì đó ân hận.

45 năm qua tôi vẫn luôn nhớ những người bạn Huế, từ cô bé Mùi cấp dưỡng, hay đỏ mặt khi anh Thọ trêu, đến chú Đê, anh Tuyến, anh Mai, những người đã cùng tôi vật lộn trong cơn lũ lịch sử mùa thu 1975.

TB: Sau Stt này, nhiều bạn đọc đã giúp tôi gặp lại anh Vũ Chí Đạo, anh Nguyễn Phước và cô Mùi cấp dưỡng. Xin cảm ơn.

Nguyễn Xuân Thọ (28 Apr. 2017)

Monday, April 29, 2024

Lựa chọn: Nếu muốn tập trung nỗ lực vào những điều thiết thực nhất

TRÊN CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG, ĐÔI KHI TỪ BỎ QUAN TRỌNG HƠN NỖ LỰC✨

Có lẽ, bạn thường sẽ nghĩ để thành công hay đạt được thành tựu nào đó trong cuộc đời, bạn phải nỗ lực hết mình và kiên trì với mục tiêu mà bản thân đã lựa chọn. Nhưng nếu bạn đang nỗ lực cống hiến cho một công việc nào đó trong thời gian rất dài mà không gặt hái được thành quả như mình mong đợi và phân vân trong việc liệu mình có nên tiếp tục không, thì quyển sách “Từ bỏ” của Annie Duke sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời. 

⭐Để quyết định xem nên tiếp tục hay từ bỏ, bạn cần phải đưa ra được những tiêu chí khai tử cho chính mình

Vậy tiêu chí khai tử ở đây là gì? Bạn hãy nghĩ đơn giản, đó là những dấu hiệu chứng minh điều gì đó không còn phù hợp với mình. Ví dụ như đâu là dấu hiệu cho bạn biết đối phương đã không còn xứng đáng để bạn theo đuổi nữa. Hay đâu là dấu hiệu khiến bạn cho rằng, đã đến lúc mình nên kết thúc mối quan hệ này. Tương tự như việc bạn đang thực hiện một dự án, công việc nào đó. Bạn cần phải xác định được đâu là các dấu hiệu xấu cho thấy bạn nên dừng lại và chuyển hướng. Nếu nỗ lực đã lâu nhưng công việc đó không có tiến triển tốt, bạn phải biết được lý do vì sao chúng như vậy và tiếp tục tình trạng này có lợi hay hại. 

Tuy biết rằng khi bắt đầu một công việc nào đó rất tâm huyết, bạn sẽ luôn muốn kiên trì và bền bỉ đến cùng. Vì nếu từ bỏ, bạn sẽ có cảm giác bản thân đang từ bỏ chính mình. Nhưng thực tế mà nói, việc từ bỏ sớm và chuyển hướng khác sẽ dẫn bạn đến với nhiều cơ hội mới hơn trước khi phải đổ quá nhiều công sức, tiền bạc, thời gian nhưng chẳng thu được điều gì cả. 

⭐Cuộc đời ngắn lắm, đừng nên dành thời gian cho những thứ không xứng đáng, hãy tìm cho mình một người giúp bạn thấy rằng ta đang đi sai hướng.

Trong quyển sách, Annie Duke đã chia sẻ: “Đừng dễ dãi khi lựa chọn việc mình muốn tiếp tục theo đuổi. Kiên trì với những việc có ý nghĩa, cho bạn niềm vui và đưa bạn đến những mục tiêu của mình. Từ bỏ hết mọi thứ khác, dành nguồn lực để theo đuổi những mục tiêu đích thực và đừng níu kéo những thứ đang khiến mình trì trệ”. Và để làm được điều đó, bạn cần có cho mình những người có thể chỉ ra rằng ta đang đi sai hướng. Bởi người ngoài cuộc luôn sáng suốt hơn người trong cuộc là bạn. 

Nếu đang gặp khó khăn, bế tắc, bạn đừng ngại tìm kiếm những đàn anh, chuyên gia trong lĩnh vực này để xin lời khuyên. Có thể họ sẽ thấy những hướng đi phù hợp hơn với bạn và cơ hội chạm tay vào đỉnh cao thành công sẽ cao hơn rất nhiều nếu đưa ra quyết định từ bỏ. Với góc nhìn toàn khung, họ sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn về tiềm năng của bản thân cũng như những cơ hội mới. 

Để thực hiện điều gì thành công, không chỉ đơn thuần là một công thức - nỗ lực đến giây phút cuối cùng là được. Đôi khi bạn cũng phải học cách từ bỏ, cân nhắc lựa chọn những điều khả thi, hơn là theo đuổi những lý tưởng mù quáng. Hy vọng với những giải đáp trên trong quyển sách “Từ bỏ” của Annie Duke, bạn sẽ học được cách từ bỏ và lựa chọn con đường phù hợp hơn để vững bước.

Nguồn: Thanh Tú

Saturday, April 27, 2024

Cuộc sống tối giản: Ko phí phạm và thừa thãi

CHỦ NGHĨA “TỐI GIẢN ĐỂ LẤP ĐẦY” 

🏷 “Đối với tôi, điều quan trọng hơn cả chuyện vứt bỏ đồ đạc là tôi trở nên thông minh hơn trong việc lấp đầy chỗ trống. Thay vì mua về nhà hàng trăm thứ linh tinh, tôi chỉ chọn đúng thứ tôi cần, và lấp đầy chỗ trống bằng những thứ lành mạnh, bổ dưỡng.”

Tác giả Lee Hye-lim đã thực hành sống tối giản hơn 10 năm.

Ban đầu, cô chỉ vứt đi những thứ lắt nhắt như chổi cùn rế rách.

Dần dần, cô lại dọn bỏ những thứ không dùng đến nhưng vì tiếc của nên vẫn giữ lại, như quần áo đắt tiền, giá sách, tủ kệ,...

Sau dần, cô bắt đầu thanh lý nốt những thứ từng rất khó để nói lời chia tay với chúng, những đồ vật có nhiều kỷ niệm nhưng không mang lại nhiều công dụng cho căn nhà của mình.

Quá trình dọn bỏ đồ đạc này cũng chính là khoảng thời gian để Lee Hye-lim có thể thanh lọc cả quá khứ, thất bại, những nỗi tiếc nuối và ám ảnh của bản thân mình.

“Những điều khiến tôi muộn phiền bắt đầu hiện ra trước mắt, và tôi có thể cắt đứt từng thứ, từng thứ một. Những mối quan hệ, chuyện công sở, chi tiêu quá mức, ăn uống vô độ, bất an, ám ảnh, tham vọng tiền bạc,... Bằng cách lặp lại vô số những lần thanh lọc trong suốt vài năm qua, tôi đã dọn sạch tất cả những thứ phức tạp từng khiến tôi lãng phí thời gian và cảm thấy khó chịu. 

Tôi đã lấp đầy các chỗ trống đó bằng những điều lành mạnh. Tôi bắt đầu ăn chay và nuôi dưỡng thói quen ngủ sớm dậy sớm, tập thể dục và tiết kiệm. Khi sống một cuộc đời chỉ toàn những thứ mình thích mà không có bất kì sự thừa thãi nào, tôi có cảm giác rằng cuộc đời của mình hoàn toàn được lấp đầy bằng chính bản thân tôi.”

Hành trình thực hành sống tối giản của bạn sẽ không cần đến tận 10 năm, nếu như bạn có cuốn sách này trong tay. Ngay hôm nay, hãy bắt đầu nhìn lại căn phòng của mình và dọn bỏ từ những thứ đơn giản nhất. 

Cuộc đời bạn sẽ thay đổi, chính từ giây phút này.

Đăng lại từ Bloom Books

Friday, April 26, 2024

Chuyện bể ly

LÒNG TIN...

Cầm cái ly rồi ném xuống đất đi

- Rồi

Nó có vỡ không??

- Có

Giờ thì xin lỗi nó đi

- Xin lỗi

Nó có trở lại như trước được không??

- Không

Vậy đó, đừng làm sai, rồi lại xin lỗi, có những thứ mất đi không lấy lại được, trong đó có lòng tin.

TnBS Fan Club (St)

Thursday, April 25, 2024

Coffee time: Loại cà phê đặc biệt

Chuyện cà phê.

Hôm rồi một cô học sinh của bà xã ở Chemnitz sang thăm cô giáo sau 35 năm. Cô tặng vợ chồng tôi một gói cà phê. Hôm nay mở ra thì thấy đây là loại cà phê đặc biệt với cái tên rất ấn tượng. Bên dưới bức tượng ông Marx trầm ngâm, khắc khổ là cái tên “Ông Karl đen” (Der schwarze Karl) 

Thời Cộng hòa Dân chủ Đức thành phố Chemnitz, vốn là một trung tâm công nghiệp lớn từ thời nước Phổ, được đổi tên là Thành phố Karl-Marx (Karl-Marx-Stadt).  

Khi học nghề ở đài truyền hình CHDC Đức, tôi đã đến Karl-Marx- Stadt để tường thuật các trận đấu giải Oberliga. Đội FC-Kart-Marx-Stadt từng vô địch CHDC Đức với trung phong Eberhardt Vogel. Thành phố này đối với tôi rất gần gũi nên tôi đã lấy cái chết và sự hồi sinh ngoạn mục của nó từ 1990 đến nay để minh họa quá trình thống nhất nước Đức.[1]

Sau ngày thống nhất đất nước, nơi này trở lại với cái tên cũ là Chemnitz. Thành phố đổi tên, nhưng bức tượng ông Marx được khánh thành năm 1971 vẫn sừng sững đứng giữa quảng trường trung tâm. Đằng sau là một bảng đá khổng lồ khắc lời kêu gọi “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” bằng rất nhiều thứ tiếng (Nhưng không có tiếng Việt, chắc vì hội Việt Nam ở đó thường cãi nhau như mổ bò). 

Phía sau bức tượng Karl-Marx là khẩu hiệu nổi tiếng: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" bằng nhiều thứ tiếng

Ông Marx cao 7,5m trầm ngâm đứng đó để chứng kiến sự phá sản của toàn bộ nền kinh tế mà giai cấp công nhân của ông đã xây dựng trong vòng 40 năm. Vị cha đẻ của Chủ nghĩa Cộng sản đã chứng kiến sự tiêu điều của một trung tâm kỹ nghệ, khi mà từ 315 nghìn dân 1989 chỉ còn lại 245 nghìn người ở lại với ông vào năm 2006.

Mùa hè 2018 người sáng lập chủ nghĩa Quốc tế Vô sản đã đau lòng chứng kiến các cuộc tuần hành khiêu khích kéo dài hàng tuần của vài chục ngàn tên tân phát xít từ khắp nước Đức đổ về trước mặt ông. Ông chua xót nhìn các khẩu hiệu “Bọn ngoại quốc cút đi” đang phất phới trước tấm bảng đá “Vô sản toàn thế giới…”.

Biểu tình chống người ngoại quốc của các lực lượng cục hữu Đức trước tượng Karl-Marx hè 2018

Nhưng Chemnitz sẽ không phải là Đức, nếu người ta đập phá hoặc di rời bức tượng ông Marx như một số người mong muốn. 

Liên minh Châu Âu đã chọn Chemnitz làm thủ đô văn hóa Châu âu cho năm 2025 và người ta vẫn để ông Marx đứng đó, có lẽ cả trăm năm nữa. 

Người Đức không cố chấp, dù người ta nhìn ra những sai lầm trong lý luận cách mạng của ông. Trong cuộc thi chọn người Đức vĩ đại nhất được tiến hành năm 2003, ông Marx xếp hàng thứ ba[2], chỉ sau Konrad Adenauer, thủ tướngđầu tiên của nước Đức dân chủ khi lập quốc 1949 và sau Martin Luther, nhà canh tân giáo hội thiên chúa. Marx đứng trên cả Bach, Goethe, Einstein v.v. Những người chọn Marx lập luận rằng ông là người Đức được nhiều người biết và có nhiều môn đệ nhất tthế giới. 

Muốn biết và tôn thờ Bach, Einstein hay Goethe, người ta cần kiến thức. Với Marx thì ngược lại. Fan của ông chủ yếu nằm ở giới cần lao. 

Cái khẩu hiệu kêu gọi vô sản toàn thế giới lừng lững sau lưng ông Marx ở Chemnitz được để đó cho hậu thế biết về những gì mà người Đức đã tạo ra ở một phần nước họ bằng tư tưởng vô sản.

Người Đức cũng biết tận dụng sức mạnh công phá của tư tưởng vô sản để làm ăn. Hãng Barista Kaffestudio Chemnitz đã tạo ra loại cà phê bột mang tên “Ông Karl Đen” (Der Schwarze Karl). Đen vì người ta gọi cà phê là vàng đen. Hơn thế nữa, khi sinh thời Karl-Marx có nước da màu nâu nên bạn bè vẫn goi ông là cậu “Karl Đen”. [3] 

''Cà Phê Ông Karl Đen"

Họ quảng cáo cho “Cà phê Karl-Đen” như sau: 

" Chúng tớ, những người sinh ra ở thành phố Karl-Marx, cả đời đã biết và gắn bó với ông Karl của mình. Đó là lý do để dùng ông tô điểm cho “Vốn liếng” của chúng tớ (họ chơi chữ KAPITAL = vốn liếng, ở ta dịch là tư bản). 

Từ 2014, bột cà phê rang xay của chúng tớ, gắn bó với cái đầu lớn nhất của thành phố này, đã lưu hành trên thị trường. 

Dân uống cà phê toàn thế giới, hãy liên hiệp lại” [4]

Đang nhâm nhi vị "Cà phê Karl Đen", tôi xuýt phì cười khi thưởng thức khiếu hài hước của dân Chemnitz.

….

Nguyễn Xuân Thọ (20 Aug. 2023)

[4] dịch từ „ Wir, als geborene Karl-Marx-Städter, kennen unseren Karl nun schon unser ganzes Leben lang und sind ihm dadurch stark verbunden.Grund genug, unser KAPITAL, den Kaffee, mit ihm zu schmücken. Seit 2014 ist unsere Röstmischung, die wir dem größten Kopf unserer Stadt gewidmet haben, bei uns erhältlich.“ Kaffeetrinker aller Länder, vereinigt Euch!

Wednesday, April 24, 2024

NGHỆ THUẬT TỪ CHỐI

 Con người không thể tồn tại đơn lẻ trên đời mà phải nhờ vào sự trợ giúp của các mối quan hệ nhân quả khác nhau để tồn tại. Ngay cả hoa, cỏ cây cũng cần có sự kết hợp của ánh sáng mặt trời, không khí, mưa, đất và các yếu tố khác để đơm hoa kết trái.

Con người tồn tại và phát triển là nhờ nhân duyên. Vì vậy, việc cần đến sự giúp đỡ trong cuộc sống là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nhờ vả việc gì cũng có hợp lý và không hợp lý, có chính đáng và không chính đáng, thậm chí có những tình huống nên và không nên, có thể và không thể. Đứng trước người nhờ giúp đỡ, đôi khi bạn không đủ năng lực hoặc có ý kiến khác, không đáp ứng được yêu cầu của đối phương nên từ chối là điều dễ hiểu. Chỉ là từ chối phải có nghệ thuật, còn từ chối hay không thì tùy hoàn cảnh, ví dụ:

Thứ nhất, tùy tiện từ chối là suy nghĩ thiếu chu toàn. Khi ai đó nhờ vả bạn điều gì và mong được bạn giúp đỡ, nếu yêu cầu của đối phương là hợp lý, bản thân cũng có khả năng thực hiện được thì lúc này nên giúp đỡ họ một tay để việc được thành mà đôi bên cũng kết được mối lương duyên. Nhưng có những người lại không được từ bi, không biết đồng cảm với nỗi khổ của người khác, chỉ cần nghe thấy người khác mở lời đã vội vàng từ chối mà không cần suy nghĩ. Việc từ chối một cách tùy tiện như thế có thể là do suy nghĩ không được chu toàn, hành động hấp tấp, điều này có thể dẫn tới những hậu quả về sau, thậm chí để lại nỗi ân hận suốt đời. Vì vậy, bạn không thể không cẩn thận.

Thứ hai, từ chối dứt khoát là không chừa cho mình một đường lui. Một số người bản tính thu mình, ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, hoàn toàn không muốn kết giao với người khác nên khi được ai đó nhờ vả việc gì, phản ứng của họ là lập tức từ chối. Trên thực tế, việc từ chối dứt khoát chính là tự cắt đứt đường lui của chính mình, bởi vì con người tồn tại trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, nếu bạn cắt đứt mối quan hệ này, không muốn xây dựng duyên lành với ai, đến một ngày thế sự đổi dời, xã hội đổi thay, nếu bạn rơi vào cảnh ngộ tương tự thì ai sẽ là người đưa tay ra giúp đỡ đây?

Thứ ba, khéo léo từ chối là tôn trọng người khác. Khi từ chối yêu cầu của ai đó, bạn nên cân nhắc đến tôn nghiêm của họ, phải nghĩ đến ý nghĩ sâu xa của họ, từ đó khen ngợi khi thích hợp và đưa ra lời khuyên khi không phù hợp. Tóm lại, từ chối cũng phải khiến đối phương tâm phục khẩu phục, để họ cảm thấy mình được tôn trọng và đừng để mọi chuyện rơi vào hoàn cảnh ngượng ngùng. Có thể có được sự thấu hiểu của đối phương mới là sự từ chối tuyệt vời nhất.

Thứ tư, từ chối bằng những lựa chọn thay thế là cho người khác hy vọng. Khi người khác yêu cầu bạn điều gì, nếu bạn có thể giúp đỡ họ, đôi bên vui vẻ đương nhiên là điều trọn vẹn nhất. Nhưng trên thực tế, chúng ta rất khó thỏa mãn nhu cầu của người khác. Lúc này, bạn có thể từ chối bằng những lựa chọn thay thế. Khi ai đó mời bạn tham dự buổi ra mắt cuốn sách mới của họ, bạn lại tình cờ có việc quan trọng và không thể tham gia trực tiếp được, bạn có thể tặng một lẵng hoa để chúc mừng hoặc giới thiệu ai đó có thể tham dự thay. Từ chối bằng những lựa chọn thay thế vừa không làm cho bên kia xấu hổ vừa không gây thù chuốc oán.

Nhờ vả đã khó, từ chối lại càng khó hơn. Người mở lời nhờ vả phải suy nghĩ đến những khó khăn của đối phương và người từ chối cũng nên quan tâm và tôn trọng tâm tình bên đối diện. Mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau gieo duyên lành là điều vô cùng quan trọng.

Copy từ TnBS Fan Club

Tuesday, April 23, 2024

Mỹ, Philippines tập trận có quân Pháp và Úc: Một liên minh quân sự mới ở Biển Đông?

Cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Philippines trên Biển Đông có sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ, trong đó có quân nhân Pháp và Úc.

Hôm 22-4, Mỹ và Philippines khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên 'Balikatan 2024', tức 'Vai kề vai', với khá nhiều tín hiệu mới đáng chú ý.

Balikatan năm nay sẽ kéo dài trong ba tuần (từ ngày 22-4 tới 10-5) với sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ, trong đó có quân nhân Pháp và Úc. Cuộc tập trận bao gồm diễn tập về an ninh hàng hải, phòng không và tên lửa, phòng thủ mạng và thông tin...

Các chỉ huy Philippines, Mỹ và đại diện Đại sứ quán Mỹ tại lễ khởi động cuộc tập trận chung Balikatan 2024 tại Manila (Philippines) vào ngày 22-4 - Ảnh: Reuters

Tập trận gần Biển Đông, Philippines đề cập "chiến tranh"

Balikatan được đánh giá toàn diện nhất trong số các cuộc tập trận quân sự giữa Philippines và Mỹ. Về tổng quan, các quan chức Mỹ và Philippines đều có ý mô tả hoạt động thường niên lần này không nhắm tới nước thứ ba, với mục tiêu cải thiện khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước với nhau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, giới quan sát không khỏi tránh việc lưu ý tới yếu tố Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đơn phương ở hầu hết Biển Đông, trong khi Philippines cũng là một bên tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ phản đối tuyên bố chủ quyền cũng như việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, và cũng thường căng thẳng với Bắc Kinh khi tổ chức các hoạt động "tuần tra vì tự do hàng hải" (FONOPs).

- Philippines 'đanh thép' với chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ nói sẽ sát cánh

- Tổng thống Philippines nói sẽ có thỏa thuận Biển Đông với Mỹ, Nhật

- Philippines cùng Mỹ, Úc, Nhật diễn tập quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc tuần tra tác chiến

Thêm vào đó, địa điểm tập trận Balikatan lần này sẽ chủ yếu ở khu vực phía bắc và tây Philippines, gần với "điểm nóng" tại Biển Đông và Đài Loan. Đây cũng là hai đối tượng đặc biệt nhạy cảm đối với an ninh của Trung Quốc.

Và điều này nghiễm nhiên khiến Trung Quốc phản đối hoạt động của Mỹ và Philippines, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines có những căng thẳng công khai xuất hiện trên truyền thông một cách dày đặc thời gian qua.

Bản chất nội dung của Balikatan lẫn các phát biểu liên quan tới cuộc tập trận lần này cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn.

Tạp chí Nikkei Asia lưu ý lời đại tá Michael Logico - người giám sát cuộc tập trận này. Ông tiết lộ sẽ có một cuộc tấn công mô phỏng trên biển, và như năm ngoái, các binh sĩ sẽ đánh chìm một tàu hải quân Philippines đã loại biên.

Thậm chí khi đề cập tới cuộc tập trận năm nay, ông Logico cũng không ngần ngại nhắc tới chữ "chiến tranh" bất chấp việc không đề cập tới Trung Quốc.

"Mục đích của các lực lượng vũ trang, tức là lý do chúng tôi tồn tại, là thực sự nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Không có gì phải nói khéo về nó... nếu chúng tôi không chuẩn bị, đó là việc gây bất lợi cho đất nước", báo Philippines PhilStar dẫn lời ông Logico.

Chúng ta đang bàn về hai lực lượng có tổ chức, văn hóa và năng lực khác nhau, cũng như quy trình chỉ huy và kiểm soát khác nhau. Và các anh muốn huấn luyện để đạt mức độ có thể chiến đấu cùng nhau.

Đại tá Michael Logico (Philippines)

Những cái đầu tiên của Balikatan

Balikatan 2024 là một trong hai cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất giữa Mỹ và Philippines từ trước tới nay và chứa những "cái đầu tiên" đáng chú ý.

Đây là lần đầu tiên Tuần duyên Philippines tham gia tập trận Balikatan - một tín hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Philippines đối với các màn đụng độ trên biển của lực lượng này.

Tuần duyên Philippines gần đây từng tố bị tàu Trung Quốc va chạm, quấy nhiễu trong nhiệm vụ tiếp tế. Phía Philippines cũng có động thái mời phóng viên quốc tế tham gia các hoạt động này như một cách công khai những gì diễn ra trên thực địa.

Bên cạnh đó, năm nay cũng là lần đầu tiên tập trận Balikatan diễn ra ngoài lãnh hải Philippines. Lần tập trận này cũng có sự tham gia của quân nhân Úc và Pháp. Với Pháp, đây là lần đầu tiên tàu chiến nước này tham gia Balikatan với tư cách thành viên.

Việc thay đổi thông lệ này nhiều khả năng là cách Philippines mở rộng sự tham gia, phối hợp với các lực lượng khác ở những vùng biển được cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của Úc và Pháp cùng 14 nước châu Á và châu Âu dưới tư cách quan sát viên cũng lờ mờ diễn tả tín hiệu về một sự "kề vai", mà trong mắt Trung Quốc là nỗ lực hình thành liên minh.

Trong bản tin về Balikatan ngày 22-4, Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã cho rằng "nhiều chuyên gia và học giả Philippines cũng bày tỏ lo ngại về việc cuộc tập trận chung có thể đe dọa an ninh khu vực".

Hãng tin này dẫn lời bà Anna Malindog-Uy, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Asian Century Philippines Strategic Studies Institute (trụ sở Manila, Philippines), nhận định sự tham gia của nhiều nước trong các cuộc tập trận như trên "có thể dẫn tới các liên minh chính trị và quân sự mới hoặc được tăng cường trong khu vực, vốn có thể gia tăng sự cạnh tranh và tạo ra chia rẽ cũng như thêm căng thẳng giữa các nước trong khu vực".

Trung Quốc: Philippines "kết bè kết phái"

Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc tập trận này, cáo buộc Philippines "kết bè kết phái" với các nước ngoài châu Á, đồng thời cảnh báo hoạt động trên có thể kích động đối đầu, làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.

Tại Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương tổ chức ở Thanh Đảo hôm 22-4, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp khẳng định biển không nên là đấu trường, nơi các nước lấy pháo hạm để "khoe cơ bắp".

"Thực tế chỉ ra rằng những ai cố tình khiêu khích, gây căng thẳng, hoặc ủng hộ bên này chống lại bên kia vì lợi ích ích kỷ của bản thân thì cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính họ. Việc tiến hành ngăn chặn, bao vây và phong tỏa các hòn đảo trên biển sẽ chỉ đẩy thế giới vào vòng xoáy chia rẽ và hỗn loạn", ông nói.

Tuổi Trẻ Onl

Monday, April 22, 2024

Lòng mẹ

 PHÚC ĐỨC TẠI MẪU !

(Chuyện của người con)

Chuyện kể rắng:

*Mẹ không được học hành nhiều, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người, con tạc ân vào dạ. Học một chữ ở đời, con xem nặng nhẹ bao nhiêu". Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời, và nó đã trở thành lẽ sống của con...Hôm con đi phỏng vấn xin việc ở công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con rằng câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con; con đã thuật lại lời mẹ dặn. Họ bảo:“Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con.

* Con và chồng con có xung đột vì con nghi ngờ anh ấy vẫn lén gặp bạn gái cũ. Con giận, bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mở chiếc hộp cũ lấy ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây. Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố toan đem hết mớ thư từ và ảnh người yêu cũ ra đốt sạch để chứng minh bố một lòng một dạ với mẹ. Nhưng mẹ đã ngăn lại và bảo “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỷ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy?” . Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, và bố cả đời thủy chung với mẹ. Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con trở về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc.

* Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: "Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền". Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hóa ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.

* Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy báo đưa tin có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “Phúc đức tại mẫu. Những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”. Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi.

* Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo “Con giục các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem ti vi. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con cũng không biết ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào!". Ngẫm kỹ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về, mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài. Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng muốn con chăm thì mẹ phải siêng; muốn con hiền thì mẹ phải thảo mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!

* Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình. Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức. Không phải vô cớ mà trong nhạc, trong thơ, ... đâu đâu cũng thấy vang lên những "huyền thoại mẹ”, "tình mẹ”, "lòng mẹ”…

Nguồn : Fb Ngần Nguyễn

Sunday, April 21, 2024

Ngôn ngữ miền Nam

XƯNG HÔ TIẾNG "CƯNG"

Mình dân Nam hãy cùng đọc để rõ tiếng “Cưng” Nam kỳ thiệt Thân thương hết cỡ mà hầu như phần đông đã quên lại cứ nghĩ là dành riêng cho 2 người yêu nhau tha thiết; 

Thiệt ra tiếng Cưng dùng rất rộng rãi, như tấm lòng của người dân Nam tui đó! Mong rằng tất cả Cưng từ già tới trẻ luôn dzui dzẽ tràn đầy, dồi dào sức phẽ nhen! Đọc tới chữ tận cùng để luôn nhớ rằng, mình luôn là dân Nam kỳ thứ thiệt cho dù từ lâu rùi đã mang Cuốc Tịch nước nào đi chăng nữa ...

Cùng lướt cho kỹ bài viết xong với nụ cười hi hi ha ha yêu đời yêu mình nha!

Tiếng Cưng!

Ngày mai là đám hỏi của cháu gái nên mấy cô mấy bác, mấy dì mấy cậu xúm lại chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và sơ chế thức ăn.

Ngồi phụ dọn đám, nghe mọi người trò chuyện thiệt rôm rã. Câu chuyện cứ lần lượt theo nhau với tiếng cười vui không ngớt. Tôi chợt phát hiện thú vị thì ra cái tiếng “cưng” của người miền nam vẫn còn y thinh. Một tiếng gọi được xài nhiều nhất ở miền tây nói riêng và miền Nam nói chung.

Tiếng cưng là tiếng gọi trìu mến của người lớn gọi người nhỏ hơn mình. Có thể nhỏ hơn về tuổi tác, cũng có khi nhỏ hơn vì vai vế.

Gọi cưng là tiếng gọi yêu thương lẫn âu yếm một cách hết sức tự nhiên và đơn giản khi ai đó muốn biểu hiện tình cảm với người đối diện.

Anh chị gọi em bằng cưng. Chồng gọi vợ bằng cưng. Người yêu gọi nhau bằng cưng "cưng của anh" hay "cưng của em" gì đều dùng được. Cũng có đôi lúc gọi cưng là để biểu hiện sự trịch thượng đùa nhau "hỏng dám đâu cưng", "còn khuya nhe cưng!". Nhiều khi tiếng cưng đơn giản nhưng làm tan chảy con tim lì lợm khi muốn yêu cầu hay nhờ đối phương việc gì đó khi họ đang lười. "Làm dùm anh chút đi cưng", " đi mua dùm chị đi cưng!". Nghe tiếng cưng như thế không ai nỡ từ chối bao giờ. Chắc cũng vì nắm bắt được yếu điểm đó mà tiếng cưng được người miền tây sử dụng triệt để.

Bắt đầu từ anh chị em trong nhà hay gọi em út bằng cưng "út ơi, cưng ăn cơm chưa vậy út", " Mai cưng có học không để chị biết, sáng chị kêu dậy dùm cho!"

Rồi tới anh chị em lối xóm thường thường gặp nhau cũng gọi cưng ngọt lịm "đi học hả cưng ?" "Nay lớp mấy rồi cưng". "Má có nhà không cưng?"

Khi ra tới chợ Lách thì đâu đâu cũng nghe tiếng cưng mời mọc của những người bán hàng "Mua gì hong cưng", "Mua mở hàng dùm chị đi cưng!", " Mua hết đi chị bán nới cho cưng ơi"

Vì tiếng cưng là cách gọi nhau thể hiện sự yêu thương thân mật nên đôi khi người nhỏ tuổi hơn như tôi vẫn gọi con của chú ruột bằng cưng, "Bữa cưng chở chú năm đi đâu vậy Thủy ?" dù "cưng" đó chỉ nhỏ hơn chị hai tôi có một tuổi đời thôi.

Các anh rể tôi ngày xưa gọi tôi bằng cưng nhiều hơn gọi em. Giờ đây "cưng" ấy đã già, mấy anh gọi em nhiều hơn gọi cưng. Nhưng lâu lâu quen miệng mấy anh cũng gọi tôi bằng cưng và tôi nghe cũng rất đổi bình thường.

Thiệt ra tiếng cưng nó hay ở chỗ không phải thân thuộc, quen biết hay họ hàng gì mới có thể gọi nhau mà ngay cả người mới gặp, chưa hề quen thân cũng có thể gọi nhau: "cưng ơi, chỉ dùm anh nhà của chị A, chị B "chẳng hạn. Hay hoặc : "chỗ này có ai ngồi không vậy cưng, chị ngồi xíu nhe!". Hoặc giả ai đó té ngã xe thì người đi đường cũng có thể hỏi một cách lo lắng :"Trời ơi, có sao hong cưng!". Nhà cưng ở đâu, có gần đây hong. Cái tiếng cưng ngọt ngào ấy làm cho con người ta cảm giác thân thương, bớt sợ hãi an tâm hơn. Bởi thế nên những người tâm địa xảo trá họ cũng lợi dụng cái tiếng cưng ngọt như đường ấy mà vỗ về con mồi sa bẫy để lừa lọc đúng như câu " ngọt mật chết ruồi".

Tiếng cưng được gọi thì có kêu lên trời hay xuống biển gì người ta cũng cam tâm làm…..

* Phạm Thu Thảo.✍️

(Trang Văn Chương Miền Nam)

Saturday, April 20, 2024

Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn

CẦN MẪN KIÊN TRÌ, CÁI GÌ CŨNG CÓ

1. Của đời cha mẹ để cho,

Làm không, ăn có, của kho cũng rồi.

Muốn no thì phải chăm làm,

Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi.


2. Bước tiếp con đường ta đã chọn

Cho dù gặp phải lắm gian nan

Nay thân cực nhọc, về sau hưởng

Cuộc sống xinh tươi đẹp thịnh nhàn.


3. Ghét kẻ lười, không ai cười kẻ lấm gối.


4. Quyết phải ra đi để kiếm tiền

Mong đời bớt cảnh khổ triền miên

Quê người vất vả mài công gắng

Đất khách gian nan chẳng thấy phiền.

TnBS Fan Club

Friday, April 19, 2024

Rèn luyện bản thân

CÔNG THỨC 21-3-6-5 GIÚP BẠN KỶ LUẬT BẢN THÂN NGAY HÔM NAY

21 NGÀY: Chọn ra một việc muốn thay đổi, đề ra mức thưởng ph.ạ.t và r.ủ rê vài người bạn cùng thực hiện liên tiếp trong 21 ngày. Vi phạm từ ngày nào thì quay trở lại thực hiện từ đ.ầ.u cho đến khi hoàn thành thì thôi.

1. Đi ngủ trước 23h

2. Dậy trước 5h sáng

3. Đọc sách mỗi ngày 30 trang

4. Hạn chế tối đa r.ác th.ải x.ả ra môi trường

5. Các h.óa đ.ơn dưới 200k

3 GIỜ HẠN CHẾ TỐI ĐA VẬT GÂY XAO LÃNG:

Thức dậy lúc 4 rưỡi sáng và bạn có thêm cả một buổi tối. Với khoảng thời gian “trong trẻo” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng này, hãy tập trung lên kế hoạch, đ.ầ.u tư phát triển bản thân và giải quyết những việc quan trọng nhất trong ngày. Bằng cách hạn chế tối đa đồ vật gây xao lãng (smartphone, laptop, tiếng ồn,…), năng suất làm việc của bạn sẽ tăng lên rõ rệt. Nếu bạn chưa quen với việc dậy sớm, có thể chia 3 giờ này thành các khoảng thời gian nhỏ hơn như: 2 tiếng cho buổi sáng và 1 tiếng cho buổi tối.

Những việc bạn có thể thực hiện trong khoảng thời gian này như: Đọc sách, học tiếng Anh, tập thể dục,… tùy thuộc vào mức độ ưu tiên của chúng trong cuộc sống của bạn.

6 CHIẾC PHONG BÌ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH:

Chia th.u nh.ập vào 6 chiếc phong bì cho các khoản như: Tiết kiệm dài hạn (Tuyệt đối không được phép đụng đến), Tiêu dùng hàng ngày (Thực phẩm, điện nước,…), Có thể lựa chọn (Ăn hàng, m.u.a s.ắm, xem phim…), Phát s.inh (M.a ch.a.y hiếu hỉ, sửa xe,…), Đ.ầ.u tư, Cho đi.

Bên cạnh đó cần có cuốn sổ chia 6 cột tương ứng ghi lại tất cả các khoản đã chi tiêu. Cuối mỗi tuần kiểm tra lại xem, bạn sẽ nhìn thấy mình đang chi tiêu quá t.a.y cho cái gì và có thể tiết kiệm ở những đ.ầ.u mục nào. Bạn nên nhớ: Tiền không phải là tất cả nhưng tất cả đều cần tiền.

5 Ý TƯỞNG 1 TRIỆU ĐÔ LA:

Mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy viết ra giấy 5 điều bạn muốn thực hiện vào hôm sau và hôm sau nhất định thực hiện chúng bằng mọi gi.á.

Trước khi đi ngủ là khoảng thời gian rất quan trọng, việc bạn luôn suy nghĩ về việc cần làm vào ngày mai giúp tiềm thức có thời gian chuẩn bị thêm khoảng từ 6-8h nữa khiến cho n.ã.o bộ luôn có một động lực ngầm thôi thúc bạn hành động.

Luôn nhớ: Hãy giữ cho các việc cần làm không bao giờ lớn hơn con số 5, hãy chỉ tập trung vào những điều quan trọng nhất thôi. Và đương nhiên rồi, phải nhất định thực hiện nó bằng mọi cách. Đến một lúc nào đó, người ta không cần biết bạn là ai nói hay như thế nào, cái người ta nhìn thấy chỉ là những con số về bạn mà thôi!

"Cái gi.á của sự vượt trội là kỷ luật. Cái gi.á của sự t.ầm th.ường là th.ất v.ọng" – William Arthur Ward.