Friday, May 10, 2024

Châu Âu: Những nhạc sĩ nổi tiếng

Hôm nay thế giới kỷ niệm 200 năm bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc Đức Ludwig van Beethoven được trình diễn lần đầu 07.05.1824 tại Wien. Đây là bản giao hưởng cuối cùng của ông, được sáng tác một phần dựa trên bài thơ „An die Freude“ (đến với niềm vui) của Friedrich Schiller viết năm 1786.

Khi viết bản giáo hưởng này Beethoven đã điếc rất nặng nên ông hoàn toàn nghe bằng trí tưởng tượng và những cảm xúc âm nhạc còn nằm lại trong tâm trí. Vì muốn đưa tình yêu cuộc sống theo tinh thần bài thơ Schiller vào âm nhạc nên ông đã kết hợp nhạc giao hưởng với hợp xướng đồng ca và tạo ra một bước ngoặt lớn cho nhạc giao hưởng cận đại.

Từ đó bản nhạc được biểu diễn liên tục trong các dịp lễ lớn ở châu Âu. Năm 1924, dàn nhạc giao hưởng Tokyo đã lần đầu tiên đưa nó về châu Á. Năm 1936 người Trung Quốc được thưởng thức bản giáo hưởng „Đến với niềm vui“.

Từ năm 1955, phong trào liên Âu đã đề nghị lấy đoạn „Đến với niềm vui“ trong giao hưởng này làm „Quốc Ca liên Âu“ và năm 1985 Liên minh EU đã quyết định coi đó là quốc ca của mình.

Ở châu Âu xuất hiện rất nhiều trường hợp „quần chúng tự phát“ với đoạn nhạc „đến với niềm vui“ trên các quảng trường thành phố:

https://www.youtube.com/watch?v=cxLbmnvMWM0

Nguyễn Xuân Thọ

Thursday, May 9, 2024

Du ngoạn Budapest

Gróf Andrássy Gyula (a "szép akasztott ember") szobra a Kossuth téren. Háttérben az Országház.

Hình ảnh: từ Budapest Európa legszebb fővárosa csoport

Wednesday, May 8, 2024

Chuyện của Võ Tòng đánh mèo: Sếp Nhật

 💢Công ty tôi vừa có một tên người Nhật sang làm dự án trong khoảng 3 tháng, và tôi được giao nhiệm vụ lái xe cho hắn. 

Lâu nay toàn lái xe cho các sếp Việt Nam, giờ lần đầu tiên được lái cho sếp Nhật nên tôi thấy hứng thú lắm ! Tôi tức tốc ra vỉa hè mua quyển sách “Tự học tiếng Nhật cấp tốc” về để nghiên cứu. “Mình lái xe cho sếp Nhật thì cũng phải biết vài ba câu giao tiếp tiếng Nhật chứ !”.

Từ khi mua sách về, tôi nghiên cứu và tự học rất miệt mài, gần như không lúc nào tôi rời quyển sách (chỉ trừ lúc ăn cơm, lúc tắm, lúc ngủ, lúc xem tivi, lúc đi chơi và đi làm). Bởi thế, hôm gặp sếp Nhật tôi tự tin lắm, chủ động bắt tay rất thân thiện và chào hỏi “cực kỳ” trôi chảy bằng tiếng Nhật:

– Mi đua ku ra, ta xoa ku mi !

Có vẻ như tên Nhật đó không hiểu tôi nói gì thì phải, hắn lắc đầu ngơ ngác rồi hỏi lại:

– Xoa ku ta chi ? Ngu chi cho xoa, xa ku ta ra, xoa ku mi đi !

Tất nhiên là tôi cũng không hiểu hắn nói gì, vậy nên cuối cùng cả hai quyết định sử dụng tiếng Anh, dù rằng trình độ tiếng Anh của tôi và hắn cũng bập bẹ ngang nhau, nhưng may là vẫn đủ để đoán được ý mà đối phương đang muốn diễn đạt.

Một điều khá thú vị đó là tên sếp Nhật này lại nói được vài câu tiếng Việt, không phải “xin chào”, “cảm ơn” – như mấy ông ngoại quốc, mấy chị đại sứ nước ngoài nào đó hay nói bọ bẹ trên tivi đâu, mà là những câu dài hẳn hoi, kiểu như : “Cấm ăn cắp vặt, ăn cắp vặt là phạm tội !”, hoặc “Vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt tiền”, rồi cả “Không được dắt chó vào công viên này, nếu chó ị ra phải tự mang phân chó về”… Tôi nghe tên sếp Nhật ấy nói mấy câu đó thì ngạc nhiên và khen hắn giỏi quá ! Nhưng hắn chỉ cười mỉm rồi cất giọng đầy khiêm tốn:

– Giỏi gì đâu! Ở bên Nhật, mấy câu đó viết đầy trong siêu thị, nhà hàng, công viên, nhìn nhiều nên quen, nên nhớ thôi !

😂 Một cảm giác tự hào chợt dâng trào trong lòng tôi nghẹn ngào. Tự hào là phải, bởi lâu nay người ta luôn coi tiếng Anh, tiếng Trung là hai ngôn ngữ phổ biến và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, nhưng bây giờ, tiếng Việt đang trỗi dậy và nhăm nhe lật đổ sự thống trị của hai thứ tiếng ấy. Giờ, đi ra nước ngoài, không chỉ ở Đông Nam Á, Châu Á, mà cả Phi, Mỹ, Úc, Âu, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những dòng chữ tiếng Việt thân thương, dù rằng chúng được viết nguệch ngoạc, sai chính tả, thiếu dấu, thiếu vần, trên những tấm ván, tấm bìa nham nhở, lấm lem, nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ để chúng ta cảm thấy nao lòng.

Ban đầu hào hứng bao nhiêu thì sau đó tôi chán nản bấy nhiêu. Người đời dạy rằng: “Thà có một kẻ thù giỏi còn hơn có một ông chủ dở hơi”, quả là không sai. Trước đây, khi lái cho các sếp cũ thì phải 8 rưỡi, 9 giờ sáng tôi mới phải đánh xe đến đón các sếp, rồi chở sếp qua quán phở ăn sáng, xong uống café, đến công ty cũng đã là gần 10 giờ. Sếp làm việc đến 11 giờ thì lại chở sếp đi ăn trưa, uống bia, 3 giờ chiều đưa sếp quay lại công ty rồi 4 rưỡi đón sếp về, thế là xong. Những lúc sếp ăn uống, nhậu nhẹt thì thường là sếp gọi tôi vào ngồi cùng. Nếu hôm nào sếp tiếp khách sang, không được gọi vào, thì tôi lại ra xe ngả ghế xuống ngủ rất thảnh thơi.

Thế nhưng chỉ sau hai tuần làm lái xe cho thằng sếp Nhật dở hơi, tôi trở nên phờ phạc, rã rời. Đúng 6 rưỡi sáng tôi phải dậy chuẩn bị xe qua đón nó. Theo quy định của công ty thì 7 rưỡi mới là giờ làm việc nhưng chỉ khoảng 7 giờ 15 là nó đã có mặt và chui vào phòng làm việc luôn. Ngày trước đi với các sếp cũ tôi thường xuyên được các sếp cho ăn sáng, ăn trưa, uống bia, gái gù, hát hò, chứ từ ngày lái cho thằng Nhật này tôi toàn phải nhịn đói, vì sáng tôi đến đón nó thì nó đã ăn sáng xong rồi, trưa nó ăn qua quýt ngay tại phòng bằng đồ ăn nhanh rồi lại cắm đầu vào làm việc, tối nào nó cũng ngồi lại công ty đến 7, 8 giờ, vậy nên tôi cũng phải ngồi chờ nó với cái bụng đói meo và khuôn mặt bơ phờ.

Chưa hết, nhiều lần đang đi, nó bắt tôi dừng xe lại, rồi nó mở cửa xe chạy vụt ra. Tôi tưởng nó đi tè nhưng không phải, hóa ra nó nhặt cái vỏ bao cám con cò về để may túi xách.

😂 Đặc biệt có lần tôi chở nó đi công chuyện, vừa đánh lái ra cổng thì tôi quệt ngay vào cái xe đạp cũ nát của ai đó dựng ở mé đường làm chiếc xe đạp đổ kềnh, cái yên xe gãy gập và văng ra. Tôi đang định phóng đi thì thằng sếp Nhật bắt tôi dừng lại, rồi nó mở cửa phi ra. Nó dựng cái xe đạp lên ngay ngắn, móc ra tờ 500 nghìn rồi kẹp vào tờ giấy, để vào giỏ cái xe đạp, trên tờ giấy nó nhờ tôi viết hộ rằng: “Tôi vô tình làm gãy yên xe của bạn. Hãy cầm tiền này để sửa xe, và hãy tha lỗi cho tôi”.

Hôm sau, cũng đúng lúc đánh lái ra cổng, tôi lại quệt vào cái xe đạp cũ nát đó. Lần này thì cái yên không văng ra nữa mà là cái bàn đạp. Thằng Nhật lại nhảy xuống, dựng xe lên, bỏ 500 nghìn vào giỏ xe rồi để lại mảnh giấy: “Tôi vô tình làm gãy bàn đạp của bạn. Hãy cầm tiền này để sửa xe, và hãy tha lỗi cho tôi”.

Hôm sau nữa, cũng đúng lúc đánh lái ra cổng, tôi lại quệt vào cái xe đạp đó. Lần này thì cái yên và cái bàn đạp không văng ra nữa mà là cái chắn xích. Tuy nhiên, hôm đó không có thằng Nhật đi cùng mà chỉ có mình tôi trên xe, vậy nên tôi phóng thẳng. Đang định nhấn ga lao đi thì từ bên đường, một mụ già lao ra chặn ngay đầu xe tôi, mụ vừa dang hai tay, vừa gào thét:

– Thằng chó ! Dừng lại đền tiền sửa xe cho bà đi chứ Tại sao hôm nay mày lại bỏ chạy ?!

Tôi nghe vậy thì mở cửa, thò đầu ra bảo :

– Thôi đi bà ơi ! Cái xe của bà bán cho đồng nát chắc được hai chục ! Hôm nay có mình tôi thôi, thằng Nhật không đi cùng đâu ! Nghỉ sớm đi !

Rồi một lần khác, đang vội nên tôi vượt đèn đỏ và bị công an tuýt còi. Theo bản năng, tôi nhấn ga vọt lên. Công an thấy tôi chạy thì cũng không đuổi theo nữa. Tưởng là xuôi, ai ngờ thằng Nhật ấy chửi tôi, nó nói rằng vượt đèn đỏ và bỏ chạy là phạm luật. Rồi nó bắt tôi quay xe lại chỗ công an nộp phạt đàng hoàng xong mới đi tiếp. Đúng là thằng dở hơi!

Lái xe cho thằng Nhật hâm ấy một thời gian thì tôi đã hiểu được tính cách của nó. Đi đường thấy cái vỏ bao cám con cò nào vứt bên đường thì tôi tự giác dừng lại cho nó xuống nhặt; chẳng may có quệt vào xe cộ hay đồ đạc của ai gây hư hỏng thì tôi cũng tự giác dừng lại để nó xuống trả tiền bồi thường; có lỡ quen chân vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều thì cũng tự giác vòng xe ra chỗ công an để nộp phạt.

💢Hôm ấy, thằng sếp Nhật bảo tôi ra sân bay đón một thằng Nhật khác. Cái thằng Nhật này mặt cứ lầm lì, từ lúc lên xe nó không nói với tôi câu nào. Tôi cũng chả quan tâm mà chỉ tập trung vào lái xe. Tập trung là thế, ấy vậy mà qua ngã tư tôi lại quen chân vượt đèn đỏ, và lại bị công an tuýt còi. Tôi đang giảm tốc độ và cho xe chầm chậm táp vào lề bên phải theo hiệu lệnh của công an giao thông thì bất chợt thằng Nhật đó hét lên, và nó hét bằng tiếng Việt :

– Mày dừng lại làm cái gì ! Chạy luôn đi ! Đường đông thế này công an không đuổi theo đâu !

– Em tưởng anh là người Nhật ? – Tôi hỏi hắn bằng giọng thảng thốt !

– Tao là người Nhật, nhưng tao sống ở Việt Nam mấy chục năm rồi ! Chạy nhanh lên !

✍️Võ Tòng Đánh Mèo (Lê Minh-DEBRECEN.vidi69 st)

Tuesday, May 7, 2024

Hành trình cảm thụ: Những lúc nóng giận

🍀Cái giá của cơn giận

Thời gian chính là thứ vô thường nhất trên đời. Chúng ta không thể khiến thời gian dừng lại, càng không thể điều khiển thời gian tiến hay lùi. Thời gian vì thế rất quý báu. Chớp mắt, có khi chạm đến ngưỡng cuối của cuộc đời.

Mấy ai hiểu được giá trị thời gian. Vì chúng ta bận lao đầu vào bao nhiêu cơn giận. Chúng ta giận khi thương người người chẳng thương ta. Chúng ta giận khi công việc không trôi chảy. Chúng ta giận khi kẹt xe giữa cái nắng gay gắt... Chúng ta mãi giận, mãi bận và vì thế cuộc đời trôi đi rất nhiều khoảng không vô nghĩa.

Cơn giận cho ta những gì? Khi nóng giận, tâm ý tốt đẹp mỗi người dường như biến mất. Chúng ta sẽ tìm lời nói đau lòng nhất, tổn thương nhất, sắc bén nhất ném vào người đã cả gan làm chúng ta không hài lòng. Cơn cảm xúc cuồng nộ đó rồi sẽ qua. Tuy nhiên, vết thương lòng từ người hứng chịu cơn giận vẫn còn ở đó. Nếu người kia cũng như chúng ta, họ sẽ tìm cách trả đũa để chúng ta phải thật đau khổ. Ngày nối ngày, đôi bên chồng chất tổn thương thêm. Còn mối quan hệ rơi vào bế tắc.

Cơn giận khiến cho chúng ta quên mất giá trị thời gian. Rằng chúng ta đang phí hoài thời gian, tâm sức chỉ để thỏa mãn thứ cảm xúc tiêu cực dâng lên trong người. Chúng ta bùng nổ để đổi lại sự vô nghĩa. Thay vì bình tâm, lắng dịu nhìn nhận thực tế. Cơn lốc cảm xúc là thứ đã cuộn thì khó dừng. Chúng ta sẽ bị mang đi xa cho đến khi chạm đến mốc tuổi già, khi ấy có chăng quá muộn.

“Ngắn ngủi, vô thường, chứa đựng sinh diệt, một sát-na chính là một đời người. Hiểu được như vậy, ta càng thấy rõ cách duy nhất để sống trọn vẹn, để không lãng phí phút giây nào của cuộc đời chính là phát triển tâm lành, lòng thiện, sự bao dung và thấu hiểu...”

📚“Sát-na này là thiên thu” nằm trong bộ sách 3 quyển của Đại đức Thích Đồng Tâm. Quyển sách như cuốn nhật ký ghi lại hành trình cảm thụ, tu tập của Đại Sư Thích Đồng Tâm với nhiều mẫu chuyện nhỏ, ý nghĩa. Từ đó đúc kết ra nhiều bài học, giúp con người biết trân trọng thực tại, sống tốt, tâm an.

Bàn về việc trị quốc

BI KỊCH CỦA CHỦ NGHĨA ĐỨC TRỊ 

Tui có một cây xoài trồng bên ngoài hàng rào, sát đường đi chung của một xóm có 6 hộ gia đình. Vừa rồi cây xoài đó ra hoa kết quả mùa đầu tiên và chỉ đậu đúng một trái. Trái xoài ấy phơi ra lối đi nay đã lớn có thể ăn xanh hoặc sắp ăn chín được rồi. Tui hoàn toàn không có biện pháp bảo vệ nào, chỉ hên xui trông chờ vào đạo đức của những người hàng xóm đi qua đi lại. Ấy vậy mà hơn 1 tháng trôi qua, từ khi xoài đã lớn có thể ăn được, nó vẫn còn nguyên trên cây. Tui đã gặp hên. Ít ra là đến bây giờ.


Lẽ ra tui phải xây dựng một cơ chế khoa học và hữu hiệu để bảo vệ trái xoài như: làm hàng rào bọc cây xoài lại, thuê người canh gác ngày đêm và gắn camera giám sát. Với cơ chế giám sát hữu hiệu này thì có đến 99% trái xoài không bị hái trộm. Tuy nhiên tui lại đi theo “chủ nghĩa đức trị” phó mặc sự còn mất trái xoài vào đạo đức của những người hàng xóm đi qua lại. Nếu những kẻ đó đều có đạo đức: Trái xoài tui còn, nếu có một người trong số đó kém đạo đức: Trái xoài tui chắc chắn mất đi. Tui hoàn toàn dựa vào hên xui, mà độ xui xẻo lên đến trên 90%. 

Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn một số quốc gia mà người dân giao phó hoặc bị buộc phải giao phó vận mệnh quốc gia, vận mệnh của họ cho một cá nhân hay một nhóm người cai trị rồi ngồi thụ động cầu mong cá nhân đó hay nhóm người đó là “đấng minh quân” chứ không phải là phường vô lại. Hiếm hoạ mới có một quốc gia gặp may đã có được “minh quân”. Phần lớn các quốc gia còn lại hầu như đã gặp xui, kẻ cai trị là phường hôn quân.

Sau chiến tranh Nam Bắc, vào năm 1953, bán đảo Triều Tiên bị chia hai. Phía Bắc rơi vào tay nhà độc tài Kim Nhật Thành, phía nam vào tay nhà độc tài Phác Chung Hy. Phía bắc gặp xui, họ Kim là nhà cai trị tệ hại đã đưa đất nước này đến chỗ cùng đường và di hại đến tận hôm nay, nhân dân đói rách đến mức có lúc phải ăn cả rễ cây, và tệ hại hơn nữa là họ bị giam hảm trong một nhà tù toàn quốc, không được tiếp xúc và tự do đi lại với thế giới văn minh. 

Nửa bán đảo phía Nam gặp hên, có được nhà cai trị độc tài là bậc minh quân. Trong vòng 17 năm cai trị khắc nghiệt, 1962 – 1979, ông ta đã lập nên kỳ tích sông Hàn, đưa Nam Hàn lên thành quôc gia vượt qua đói nghèo và đặt chân vào thế giới phát triển để có được một Hàn Quốc giàu mạnh như ngày nay. 
Thật ra người dân Nam Hàn cũng thông gặp hên ngay lần lựa chọn đầu tiên và lần thứ hai. Lý Thừa Vãn là chọn lựa đầu tiên nhưng thất bại vì ông thiếu tài và kém đức. Vị tổng thống thứ hai cũng tượng tự. Mãi đến lần thứ ba, mất hết gần 10 năm, Hàn Quốc mới gặp hên, chọn được Phác Chung Hy, đích thực là bậc minh quân. Cũng khá may mắn là Hàn Quốc còn có cơ hội để chọn lại. Ông Phác là nhà độc tài, cai trị và quản lý đất nước hết sức khắc nghiệt theo chế độ quân sự, nhưng là nhà độc tài có tâm sáng, tất cả ông làm vì mục tiêu giàu mạnh của đất nước chứ không phải vì mục tiêu cá nhân. Ông làm tổng thống cai trị Hàn Quốc trong 17 năm. Và cũng rất may cho Hàn Quốc, vào năm 1979, ông bị ám sát chết. Thủ phạm bắn chết ông tuyên bố ông là sự cản trở cho nền tự do dân chủ nên cần phải loại đi. 
Sau khi ông Phác chết, Hàn Quốc đã xây dựng thành công thể chế dân chủ như các quốc gia văn minh khác trên thế giới. Chủ nghĩa độc tài đức trị đã theo ông Phác xuống mồ, chủ nghĩa dân chủ pháp trị được hình thành. Nghĩa là Hàn Quốc không còn mơ hồ hên xui giao vận mệnh đất nước vào tay một cá nhân hay một nhóm hú hoạ nào đó. Họ nhanh chóng xây dựng các biện pháp hợp lý và khoa học, xây dựng một cơ chế điều hành tối ưu mà các nước dân chủ văn minh tiên tiến đang áp dụng. Dùng pháp luật để quản lý đất nước. 

Một câu hỏi được đặt ra, liệu ông Phác Chung Hy không bị ám sát, vẫn tiếp tục cai trị độc tài cho đến khi chết như hầu hết các nhà độc tài khác thì Hàn Quốc có tiếp tục phát triển ổn định đến ngày nay? Cái đó cũng hên xui, nếu về sau ông Phác vẫn còn tài đức, vẫn còn minh mẫn thì có thể. Nếu về sau ông trở nên ảo tưởng về quyền lực vô hạn của mình, trở nên ngạo mạn và lú lẫn như hầu hết những tay độc tài khác thì Hàn quốc cũng khó duy trì sự phát triển ổn định đến ngày nay. 

Trường hợp Singapore, nhiều người lầm tưởng ông Lý Quang Diệu là một nhà độc tài “minh quân”. Không hề, ông ấy là một nhà pháp trị “minh quân”. Khi được giao quyền lãnh đạo đất nước ông xây dựng ngay thể chế dân chủ, xây dựng một nền pháp trị vững mạnh trên nền tảng tam quyền phân lập để điều hành Singapore. Ông làm thủ tướng hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác không phải bằng bạo lực để cưỡng đoạt, mà đảng của ông quản lý rất tốt đất nước, giành được sự tín nhiệm của toàn dân nên liên tục được bầu lại, các đảng khác chưa đủ uy tín để cạnh tranh lại dù họ được tự do và bình đẳng tham gia tranh cử.

Các đất nước có nền dân chủ pháp trị, điều hành quốc gia bằng luật pháp thì không nói đến đức trị, không hên xui trông chờ vào bậc minh quân một khi họ đã có “minh chế”. Người lãnh đạo đất nước trong cơ chế pháp trị được nhân dân chọn lọc và bầu ra qua lá phiếu, phải làm việc trong khuôn khổ luật pháp như tất cả các công chức khác từ thấp đến cao, nếu họ làm việc tốt có thể duy trì thêm 1,2 nhiệm kỳ nữa, nếu họ làm không tốt thì sau một nhiệm kỳ bị truất phế đi ngay bằng lá phiếu. Họ không có cơ hội để kéo dài sai lầm từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.

Bi kịch của chủ nghĩa đức trị là ông lãnh đạo độc tài nào cũng cho mình là bậc minh quân, là bậc tài đức khác thường không ai có thể thay thế. Rồi các ông “minh quân” ấy xây dựng ra cả một hệ thống quản lý dưới quyền mà nhân sự được chọn lựa rất chủ quan duy ý chí, rập khuôn “tài đức” như của các ổng, lấy mấy ổng làm thần tượng để học tập và làm theo. Bởi vậy trong các chế độ độc tài toàn trị luôn xuất hiện các “bậc thánh thần” như thánh Lenin, thánh Stalin, thánh Mao, thánh Pon Pot, thánh Fidel, thánh Kim, thánh Kadafi, thánh Hussein … Các thánh ấy càng vĩ đại thần dân (chứ không phải công dân) của các thánh ấy càng điêu đứng, càng không được làm người.

Với chủ nghĩa đức trị, nhân sự của bộ máy cai trị hình thành theo kiểu: “chỉ đưa những người tài đức vào trung ương”, “cương quyết không đưa những người xu nịnh chạy chọt vào trung ương”, “không đưa vào trung ương người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, bè cánh, cục bộ, quan liêu …”  với những tiêu chuẩn hoàn toàn định tính theo chủ quan của “bậc minh quân” đứng đầu, một kiểu hô khẩu hiệu chung chung mà không hề nêu ra biện pháp cụ thể và khoa học để chọn được người đạt các tiêu chuẩn mong ước.

Một bộ máy quản lý chỉ hên xui trông chờ vào đạo đức của các thành viên, mà phần xui thì quá lớn, tất yếu sẽ là một bộ máy rệu rã, bị lợi lộc chi phối, định hướng quản lý theo tác động của đồng tiền. Một bộ máy như vậy chắc chắn là môi trường tốt cho tệ quan liêu tham nhũng phát sinh và lộng hành.

Rồi một khi tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trào lên không kiểm soát được, không che giấu được thì đi tìm nguyên nhân. Lúc đó tất yếu phải tìm ra nguyên nhân của tham nhũng là do “sự suy thoái lối sống và đạo đức của cán bộ”. Vâng, theo “bậc minh quân”, tệ nạn tham nhũng là do nhân sự của bộ máy có nhiều cá nhân suy thoái đạo đức, không noi gương và học tập như “minh quân”, phải loại những kẻ suy thoái đó ra thì bộ máy sẽ trong sạch và sẽ hết tham nhũng. Khi loại người cũ ra phải tuyển người mới vào, và lại hên xui mong chờ người mới sẽ đạo đức hơn, bộ máy sẽ hết tham nhũng. Nhưng lại quên một điều rằng, dù có tuyển được người mới có đạo đức tốt đẹp, mà với bộ máy thiếu sự kiểm soát từ nhiều phía thì người cán bộ mới tốt đẹp đó có còn mãi tốt đẹp hay không. Trái xoài chín mà cứ phơi ra giữa lối đi, không có biện pháp bảo vệ, thì cũng có người đi qua dù không tham cũng động lòng tham. Thực tế cho thấy, hết lớp người này bị bắt tù, bị thải hồi, đến lớp người mới vào cũng lặp lại tội trạng cũ mà ở mức độ còn cao hơn, nghiêm trọng hơn. Lại phải bắt tù, lại phải thanh lọc …
Nói cho đầy đủ, bộ máy nhà nước của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới dù dân chủ hay độc tài cũng đều có tham nhũng, vấn đề ít hay nhiều mà thôi. 

Những quốc gia theo cơ chế dân chủ pháp trị chắc chắn tệ nạn tham nhũng và quan liêu sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu. Bởi các quốc gia đó đưa ra những tiêu chuẩn định lượng và dùng những biện pháp khoa học để tuyển chọn công chức vào bộ máy, và tất cả những cái đó đều quy định trong luật pháp chứ không làm tuỳ tiện theo ý thích của mỗi kẻ đứng đầu, còn những người đứng đầu bộ máy từ địa phương lên trung ương thì được người dân tuyển chọn qua tự do bầu cử. Trong quá trình tranh cử cạnh tranh khốc liệt, những kẻ tài hèn đức mọn sẽ bị phát hiện và bị loại ra. 

Bên cạnh bộ máy quyền lực điều hành quốc gia thì có các bộ máy quyền lực độc lập khác, có bộ máy đặt ra luật lệ và giám sát, có bộ máy chuyên phân xử khi có kiện tụng hoặc sai trái. Cái đó gọi là tam quyền phân lập. Rồi giám sát luôn cả tam quyền thì có đảng phái đối lập (luôn rình mò bắt lỗi công chức đảng cầm quyền), có đệ tứ quyền là báo chí tự do, có các tổ chức xã hội dân sự do người dân tự lập ra. Với cả một hệ thống giám sát chằng chịt và chặt chẽ như vậy thì một công chức bình thường có lòng tham muốn tham ô cũng rất khó, huống chi các vị công chức cao cấp như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, chánh án tối cao… càng bị theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn thì càng khó bề suy thoái đạo đức dù có muốn. 

Trở lại chuyện tui chống trộm trái xoài. Theo cơ chế pháp trị tui sẻ làm hàng rào bao bọc cây xoài, rồi để tránh việc hàng rào bị kẻ trộm vào phá, tui lại thuê thêm người bảo vệ canh giữ , rồi để giám sát người bảo vệ có canh gác hay không hoặc có thông đồng với kẻ trộm hay không, tui lại gắn một cái camera internet để theo dõi qua điện thoại. Với cơ chế bảo vệ và giám sát như vậy, tui sẽ yên chí đến 99% trái xoài sẽ không bị trộm. Còn như thực tế hiện nay, tui theo cơ chế đức trị, để mặc trái xoài ấy phơi ra, chỉ trông mong vào đạo đức tốt đẹp của những người hàng xóm, thì có khả năng đến 90% rơi vào bi kịch, là trái xoài sẽ mất tiêu vào ngày nào đó.  

Nhưng bi kịch không phải là tui bị mất trái xoài, bi kịch nằm ở chỗ khác to lớn hơn. Vì tui thiếu sự bảo vệ nên có thể biến một người hàng xóm không tham thành kẻ trộm. Khi việc mất trái xoài loang ra, hàng xóm sẽ nghi kỵ nhau, người này nghi ngờ người kia, thậm chí có người sẽ nghi ngờ chính tui đã hái trái xoài rồi vu oan cho hàng xóm. Mất hết lòng tin vào nhau. Quá sức bi kịch.

Dù sao, với cá nhân tui thì chỉ mất một quả xoài và mất đi tình làng nghĩa xóm, nhưng với một quốc gia, nếu cứ bám vào chủ nghĩa đức trị, thì mất mát vô cùng lớn. Mất tài nguyên môi trường, mất tài sản quốc gia, mất sự công bằng xã hội, mất niềm tin vào công lý, mất nền tảng đạo đức, mất lòng người … rồi đưa đến mất nước cũng không xa lắm. 
Quá sức bi kịch.

Huỳnh Ngọc Chênh

Điện Biên Phủ 1: Lịch sử đã xảy ra ntn

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vang dội của một dân tộc nhỏ bé vốn là thuộc địa nhưng vẫn kiên cường, bất khuất đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc phương Tây. 

Chiến thắng của người dân Việt Nam cũng là chiến thắng biển tượng,  điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, góp phần mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. 

Nhân 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi xin phép được trích lại một chương của bài viết trong cuốn sách Điện Biên Phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp để chúng ta có thể hiểu thêm về chủ trương tác chiến của quân ta trong chiến dịch lịch sử vĩ đại này.  

Ảnh: Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Nguồn: TTXVN

CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN CỦA TA TRONG CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ* 

Đối với mặt trận Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là: tập trung đại bộ phận chủ lực của ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch với sự phối hợp của các chiến trường; hay là chỉ tiếp tục bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giam chân chủ lực của địch ở đây, để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt quân địch ở các hướng khác. Đó là vấn đề hướng chiến lược chủ yếu của chủ lực ta trong cục diện cụ thể lúc bấy giờ. 

Khi đã hạ quyết tâm mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là phải đánh như thế nào để bảo đảm cho chiến dịch lịch sử này giành được toàn thắng. Đó là vấn đề nghệ thuật chiến dịch và vấn đề chiến thuật. 

Chúng ta đều biết rằng, các vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật nói trên chính là nội dung chủ yếu của nghệ thuật quân sự. Và nghệ thuật quân sự không phải cái gì khác là nghệ thuật tạo nên một sức mạnh áp đảo nhằm cuối cùng tiêu diệt quân địch, đánh thắng chúng mà ta thì hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất. 

Nghệ thuật tạo nên sức mạnh ấy bao giờ cũng phải tính đến điều kiện cụ thể của ta và của địch về binh lực và hoả lực, về địa hình của chiến trường, về bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật; phải tính đến điều kiện mọi mặt trên chiến trường chính và cả trên chiến trường phối hợp; lại còn nhất thiết phải tính đến ý đồ chiến lược của địch và những biện pháp chiến thuật và kỹ thuật mà địch có thể sử dụng để thực hiện ý đồ ấy. Ngay sau khi chủ lực của địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm bám sát địch, bao vây địch, tạo điều kiện để tiêu diệt chúng. 

Cho đến khi lực lượng của địch ngày càng tăng thêm, bao gồm nhiều đơn vị tinh nhuệ của khối cơ động chiến lược của chúng, tập đoàn cứ điểm được xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc, Trung ương Đảng ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. 

Chúng ta đã căn cứ vào tình hình địch, ta như thế nào để hạ quyết tâm chiến lược quan trọng ấy. 

Một là, vì chúng ta đã sớm xác định chiến trường chính là chiến trường Bắc Bộ, hướng tiến công chủ yếu của chủ lực ta phải là chiến trường miền núi, cụ thể lúc bấy giờ là chiến trường Tây Bắc. Chúng ta đã chọn hướng chiến lược chủ yếu như vậy là xuất phát từ nhiều lý do; một trong những lý do quan trọng là vì trong điều kiện địch có hoả lực không quân, pháo binh và cơ giới mạnh, quân ta trang bị và kỹ thuật còn kém hơn thì tác chiến ở địa hình rừng núi đối với ta tương đối có lợi hơn so với địa hình đồng bằng. 

Hai là, vì kẻ địch ở Điện Biên Phủ, tuy mạnh nhưng ở vào thế bị cô lập; việc tiếp tế và bảo đảm hậu cần bằng đường hàng không có thể bị ta hạn chế và cắt đứt. Đó là chỗ yếu chí mạng của chúng. 

Ba là, vì bộ đội chủ lực của ta lúc bấy giờ đã có những tiến bộ lớn về chiến dịch và chiến thuật. Quân ta đã có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc và đã được rèn luyện một bước để tiêu diệt địch trong tập đoàn cứ điểm. 

Bốn là, vì tuy Điện Biên Phủ ở xa hậu phương ta, nhưng ta đã chuẩn bị một phần các tuyến đường nhằm sử dụng chủ lực trên hướng Tây Bắc; vấn đề tiếp tế hậu cần tuy khó khăn nhưng có thể giải quyết được. 

Năm là, vì thế chiến lược chung ngày càng ở thế có lợi cho ta, lực lượng cơ động của địch ngày càng bị phân tán, quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên khắp các chiến trường. Như vậy, nếu đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, chúng ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, thì trên hướng chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Đó cũng là sự biểu hiện sinh động của sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng ta. 

Trong chỉ đạo chiến tranh, có được một quyết định chiến lược chính xác là một nhân tố quan trọng vào bậc nhất. 

Nhưng khi đã có quyết định chiến lược chính xác, muốn bảo đảm giành được thắng lợi thì còn phải giải quyết đúng đắn các vấn đề nghệ thuật chiến dịch, về chiến thuật nữa. Có thể nói rằng, trong một trận đánh, lực lượng hai bên ra trận như thế nào chỉ mới là điều kiện, là khả năng cho mỗi một bên để giành lấy thắng lợi. Thắng lợi ấy còn do cách đánh quyết định. 

Trước một kẻ địch nhất định, với một lực lượng nhất định của ta, đánh như thế này có thể thắng to, đánh như thế kia có thể thắng nhỏ, thậm chí có khi bị thất bại. Rõ ràng cách đánh có tầm quan trọng quyết định để biến khả năng thắng lợi thành hiện thực. Đứng về chiến dịch mà nói, trên mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu chúng ta đã quyết định vận dụng phương châm đánh nhanh thắng nhanh, tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng, mở cuộc tiến công từ một số hướng, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian ba đêm hai ngày. 

Theo phương châm ấy, một kế hoạch tác chiến cụ thể đã được đề ra; mọi mặt công tác chuẩn bị đã được triển khai rất khẩn trương; các sư đoàn chủ lực của ta đã được giao nhiệm vụ; các đơn vị pháo binh đã được kéo vào trận địa; công tác bảo đảm hậu cần trên hỏa tuyến đã được đẩy mạnh; mạng thông tin liên lạc đã được tổ chức. 

Công tác chính trị đã động viên bộ đội và dân công nêu cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch. Quân ta chỉ đợi lệnh là bắt đầu nổ súng. 

Trong suốt thời gian chuẩn bị, chúng ta đã bám sát quân địch, theo dõi từng động tĩnh của chúng, phát hiện hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn. 

Đến ngày 26 tháng 1 năm 1954, khi kiểm tra lại tình hình địch, ta về mọi mặt thì chúng ta đi đến kết luận: tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố rất nhiều so với trước; trong tình hình đó, kế hoạch đánh nhanh không thể bảo đảm chắc thắng được. Sáng ngày 26, vào lúc 11 giờ, ta quyết định thay đổi cách đánh, bỏ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh chuyển sang phương châm đánh chắc tiến chắc. 

Chiều ngày 26, toàn bộ lực lượng ta đã được lệnh rút ra khỏi trận địa, trở về nơi tập kết; các đơn vị pháo binh trước đây đã được lệnh kéo pháo vào đến nay lại được lệnh kéo pháo ra. Và để yểm trợ cho cuộc tạm thời thu quân, Sư đoàn 308 đã được lệnh phối hợp cùng Quân giải phóng Pathét Lào, lập tức mở cuộc tiến quân về hướng Luông Prabăng, vừa tiêu diệt sinh lực của địch, vừa thu hút hầu hết không quân của địch về hướng đó. 

Một công cuộc chuẩn bị mới với một khối lượng công tác tham mưu, chính trị và hậu cần rất lớn lại được triển khai. Cho nên khi mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, quân địch tưởng rằng ta đã bỏ ý định mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì ngày 13 tháng 3, quân đội ta mở đầu cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm. Thắng lợi của chiến dịch chứng tỏ rằng, sự thay đổi phương châm là hoàn toàn chính xác. Nó đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch. 

Vận dụng phương châm đánh chắc tiến chắc hoàn toàn không có nghĩa là khi điều kiện mọi mặt đã thay đổi có lợi cho ta, khi các thắng lợi liên tiếp của quân ta đã từng bước tạo nên thời cơ mới, thì ta không chuyển sang đánh nhanh thắng nhanh. 

Thực tế, chiều ngày 7 tháng 5, khi tình hình địch đã có dấu hiệu rối loạn, tinh thần suy sụp, thì quân ta lập tức được lệnh nắm lấy thời cơ, vào 15 giờ đã mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm, đến 17 giờ 30 phút thì tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. 

Ở đây, tôi muốn phân biệt rõ giữa một quyết định tác chiến chính xác với tinh thần kiên quyết chiến đấu của quân đội. Một quyết định tác chiến chính xác là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và địch. Còn tinh thần kiên quyết chiến đấu lại là quyết tâm chiến đấu anh dũng của quân đội, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đã được giao cho. Phải nói rằng, tinh thần quyết chiến là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến cũng chưa đủ. 

Tinh thần quyết chiến chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng của nó trên cơ sở một kế hoạch tác chiến chính xác, một quyết tâm đúng đắn về chiến dịch, chiến thuật và những khả năng hiện thực về tổ chức và chỉ huy. Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì phương pháp cách mạng là vấn đề quyết định. 

Khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy. Vấn đề phương pháp tác chiến đã được phát huy đến trình độ mới với nội dung hết sức phong phú và sáng tạo trong suốt những năm chống Mỹ, cứu nước sau này và là một trong những nhân tố đã đưa cuộc kháng chiến ấy đến thắng lợi cuối cùng. 

* Trích dẫn từ sách: Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

The X-File of History

Câu chuyện "Đại thắng" và vai trò của Đại tướng

ĐIỆN BIÊN PHỦ, CÔNG & DANH

Phải công nhận, câu chuyện hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh đi tìm “tên” của bố trong hàng nghìn ngôi mộ ở Điện Biên Phủ là một trường đoạn rất thành công về lấy nước mắt của VTV tối qua. Chỉ có rất ít bia mộ có tên trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở đây. Trên thực tế, tất cả các ngôi mộ ở đây đều vô danh.

Nhưng, sau trường đoạn ấy, một ông anh từng đứng đầu một cơ quan quan trọng ở Trung ương, từ Điện Biên Phủ, gửi về hai tấm hình dưới đây [hình 3 và 4, chụp trong khuôn viên Đền thờ liệt sĩ trên đồi A1]. 



Từ lâu, người ta đã khao khát lưu danh ở những nơi như Điện Biên Phủ. 

Trong “30 năm dân chủ cộng hòa”, Kháng chiến chống pháp là cuộc kháng chiến mang đầy đủ ý nghĩa và đúng tính chất chống ngoại xâm, giành độc lập nhất [cho dù, muốn đánh giá hết ý nghĩa của công cuộc đó phải đứng trên quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa”(Thư gửi già làng trưởng bản, 1946)].

Người ta đã từng muốn có một chiến thắng tầm cỡ “lừng lẫy Điện Biên” mà không có Hồ Chí Minh, không có Tướng Giáp.

Khi bắt đầu Chiến dịch Mậu Thân, nhiều chỉ huy tài năng của Tướng Giáp bị bắt, kể cả đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo. Tướng Giáp bị giữ ở Hungaria cho tới 29 Tết, với sự can thiệp của Hồ Chí Minh mới có thể về Hà Nội. 

Hàng chục vạn con dân Việt Nam đã bỏ mình trong Chiến dịch ít chuẩn bị và nhiều tham vọng này.

Theo Tướng Giáp: “Lúc đầu mục tiêu đề ra là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với thực tế”.

Sau 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố, “500 năm sau, khi nói tới thời đại ngày nay, người ta chỉ nhớ tới Hồ Chí Minh và Tướng Giáp”. Lịch sử chắc sẽ không quá khắt khe như Tướng Trà nhưng vào thời điểm đó, ta hiểu vì sao Tướng Trà nói thế.

Các hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” không có tên Tướng Giáp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp. Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái đăng nhiều kỳ trên báo QĐND tên của Tướng Giáp cũng bị cắt đi dù Tướng Thái nổi giận đòi rút bài. 

Năm 1994, khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặt câu hỏi: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, tại sao trong “Đại Thắng Mùa Xuân”[của Văn Tiến Dũng] vai trò của Đại tướng được nhắc rất ít?” 

Tướng Giáp, mặt đanh lại, quay sang phía thiếu tướng Lê Phi Long, “Long, cậu biết, nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo và các nhà sử học nếu muốn biết sự thật lịch sử thì nên đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó.”

Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, TBT Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục. 

Cho dù Tướng Giáp sống lâu hơn những người ganh ghét mình, “Trời” vẫn để cho Lê Đức Anh sống ở phía đối diện nhà 30 Hoàng Diệu và giữ ông ta minh mẫn cho đến khi Tướng Giáp qua đời. 

Không biết, khi “gặp lại Lê Duẩn, Lê Đức Thọ”, Lê Đức Anh có tường thuật tang lễ này và ba ông Họ Lê sẽ nói gì về những “quốc tang” nhạt nhẽo của mình so với dòng dân chúng xếp hàng nhiều ngày trời để vào thắp hương cho Tướng Giáp. 

Trong số những người nghiêng mình trước Tướng Giáp, tôi nghĩ, không chỉ có những người ngưỡng mộ tài năng và tên tuổi lẫy lừng của ông. Sau nhiều thập niên tụt hậu và thất sủng của dân tộc này, người dân tìm thấy ở Tướng Giáp biểu tượng vĩ đại của người thất sủng nhất.

Vị tướng nào lưu danh mà không để lại “vạn cốt khô”; nhưng không phải ai biến hàng vạn trai tráng thành cốt khô cũng có danh trong lịch sử.

Trương Huy San

Monday, May 6, 2024

Món quà từ Đấng Tạo Hóa

“Xin cảm ơn Người, Đấng tạo hoá đã ban cho con món quà cuộc sống. […]. 

Xin cảm ơn Người đã sử dụng ngôn từ của con, đôi mắt của con, trái tim của con để chia sẻ tình yêu thương của Người ở mọi nơi con đi qua. Con yêu Người vì đó là Người. Và vì con được Người tạo ra, con cũng yêu thương mình vì con là chính mình. Xin hãy giúp con giữ gìn tình yêu thương và sự bình an này trong tim, làm cho yêu thương trở thành cuộc sống mới, để con được sống trong yêu thương suốt cuộc đời này.”

Trích “Bốn thoả ước”, Don Miguel Ruiz.

Sunday, May 5, 2024

Hành trình cảm thụ: Ngắn ngủi và vô thường - Cơn nóng giận

Cái giá của cơn giận

Thời gian chính là thứ vô thường nhất trên đời. Chúng ta không thể khiến thời gian dừng lại, càng không thể điều khiển thời gian tiến hay lùi. Thời gian vì thế rất quý báu. Chớp mắt, có khi chạm đến ngưỡng cuối của cuộc đời.

Mấy ai hiểu được giá trị thời gian. Vì chúng ta bận lao đầu vào bao nhiêu cơn giận. Chúng ta giận khi thương người người chẳng thương ta. Chúng ta giận khi công việc không trôi chảy. Chúng ta giận khi kẹt xe giữa cái nắng gay gắt... Chúng ta mãi giận, mãi bận và vì thế cuộc đời trôi đi rất nhiều khoảng không vô nghĩa.

Cơn giận cho ta những gì? Khi nóng giận, tâm ý tốt đẹp mỗi người dường như biến mất. Chúng ta sẽ tìm lời nói đau lòng nhất, tổn thương nhất, sắc bén nhất ném vào người đã cả gan làm chúng ta không hài lòng. Cơn cảm xúc cuồng nộ đó rồi sẽ qua. Tuy nhiên, vết thương lòng từ người hứng chịu cơn giận vẫn còn ở đó. Nếu người kia cũng như chúng ta, họ sẽ tìm cách trả đũa để chúng ta phải thật đau khổ. Ngày nối ngày, đôi bên chồng chất tổn thương thêm. Còn mối quan hệ rơi vào bế tắc.

Cơn giận khiến cho chúng ta quên mất giá trị thời gian. Rằng chúng ta đang phí hoài thời gian, tâm sức chỉ để thỏa mãn thứ cảm xúc tiêu cực dâng lên trong người. Chúng ta bùng nổ để đổi lại sự vô nghĩa. Thay vì bình tâm, lắng dịu nhìn nhận thực tế. Cơn lốc cảm xúc là thứ đã cuộn thì khó dừng. Chúng ta sẽ bị mang đi xa cho đến khi chạm đến mốc tuổi già, khi ấy có chăng quá muộn.

“Ngắn ngủi, vô thường, chứa đựng sinh diệt, một sát-na chính là một đời người. Hiểu được như vậy, ta càng thấy rõ cách duy nhất để sống trọn vẹn, để không lãng phí phút giây nào của cuộc đời chính là phát triển tâm lành, lòng thiện, sự bao dung và thấu hiểu...”

Trích dẫn từ “Sát-na này là thiên thu” nằm trong bộ sách 3 quyển của Đại đức Thích Đồng Tâm

Saturday, May 4, 2024

Trào lưu - bầy đàn và cá tính

Đây là bản chất con người

TÂM LÝ HỌC BẦY ĐÀN (HERD MENTALITY) - KHÔNG BAO GIỜ THOÁT KHỎI NẾU BẠN CÒN SỐNG

🫨Tâm lý học bầy đàn là một hiện tượng tâm lý bị tác động sâu sắc bởi hành vi con người. Nó xuất hiện khi những cá nhân thu nạp những niềm tin, hành vi, hoặc thái độ của phần đông mọi người trong nhóm, thường họ cũng phải hy vọng được quan sát trong nhiều khía cạnh của đời sống hằng ngày, từ xu hướng thời trang đến quyết định đầu tư, thậm chí là liên minh chính trị.

🫨 VÍ DỤ VỀ TÂM LÝ BẦY ĐÀN

- Bong bóng thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư có thể đi theo đám đông trong việc mua các cổ phiếu bị thổi phòng giá trị, gây ra bong bóng tài chính và những cú sụp đổ của thị trường sau đó.

- Xu hướng thời trang: Con người thường thu nạp những phong cách thời trang và nhãn hàng do ảnh hưởng từ xu hướng yêu thích của số đông.

- Truyền thông xã hội: Sự tràn ngập các nội dung gây bão và mong muốn “hùa theo” những tài khoản nổi tiếng hoặc tham gia vào các chủ đề lên xu hướng có thể có sự đóng góp của tâm lý bầy đàn. 

- Chuyển động chính trị: Thường thì con người ta sẽ đồng thuận theo những quan điểm và ý kiến phổ biến, ngay cả khi họ không hoàn toàn hiểu hay ủng hộ chúng. Sự gia tăng của hình thái chính trị cực đoan trong suốt tiến trình lịch sử có thể một phần có sự góp phần của tâm lý bầy đàn, khi con người ta tham gia vào các nhóm có ưu thế thống trị, thường là so sợ bị tẩy chay hoặc hãm hại.

- Mua sắm hoảng loạn: Trong thời gian khủng hoảng, con người ta có thể tích trữ những nhu yếu phẩm vì lo sợ, dẫn đến thiếu hụt và thổi phòng tình hình.

🫨NHẬN RA TÂM LÝ CỦA TÂM LÝ BẦY ĐÀN

- Sự thích ứng: Con người ta có thể thay đổi quan điểm những niềm tin hay hành vi của mình để khớp với số đông, ngay cả khi trước đó họ có nắm giữ những ý kiến khác biệt. Như thu nạp nhiều luồng ý kiến phổ biến trên mạng xã hội để đi theo những xu hướng thời trang mới nhất.

- Sợ bị bỏ lại: Sự lo âu liên quan đến việc bị bỏ lại đằng sau hoặc bị cô lập khỏi một xu hướng hoặc hoạt động phổ biến có thể khiến con người bắt đầu thích ứng. Dẫn đến những quyết định bốc đồng và liên tục cần phải cập nhật những tin tức mới nhất.

- Phân cực nhóm: Khi con người ta tương tác trong một nhóm, họ có thể thu nạp nhiều ý kiến cực đoan hơn, thổi phồng những niềm tin tập thể của nhóm. 

- Đàn áp sự bất đồng: Con người ta có thể không muốn thể hiện những luồng ý kiến trái chiều hoặc thách thức những gì đang có, dẫn đến thiếu tính đa dạng trong tư duy và ra quyết định. 

🫨NGUYÊN NHÂN GÂY RA

- Yếu tố đầu tiên trong danh sách chính là ảnh hưởng từ xã hội. Chúng ta sinh ra đã là những sinh vật xã hội và thường nhìn vào người khác để được hướng dẫn hoặc công nhận, đặc biệt là trong những tình huống thiếu chắc chắn. 

- Yếu tố thứ hai là não bộ chúng ta có xu hướng chọn theo những lối tắt tư duy, điều này đôi khi khiến chúng ta lệ thuộc vào các quan điểm và hành vi của người khác thay vì phải tư duy phản diện.

- Yếu tố thứ ba là mong muốn bẩm sinh được thuộc về và hoà hợp với những quy chuẩn của nhóm. Điều này mang đến cảm giác an toàn và chấp nhận. Ngay cả khi họ không nhất thiết phải đồng ý với ý tưởng và cách làm của những người hàng xóm.

- Yếu tố thứ tư là khi con người ta quan sát hành động của người khác và mặc định chúng dựa trên thông tin chính xác, họ có thể làm theo, tạo nên hiệu ứng domino.

🫨TÂM LÝ BẦY ĐÀN CÓ GÌ TỐT?

- Trong những tình huống khi con người ta có thông tin hay kiến thức hạn chế thì việc nghe theo số đông có thể đưa đến kết quả tốt hơn, vì kiến thức tập thể của cả nhóm sẽ có sức nặng hơn bất kỳ cá nhân đơn lẻ nào.

- Khi tất cả mọi người trong một nhóm đều làm theo một số quy tắc, thì tất cả đều làm việc tốt hơn và cảm thấy kết nối với nhau hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi con người ta cần hợp tác cho một dự án hay ra quyết định tập thể.

- Khi cần ra quyết định nhanh, dựa vào phán đoán của nhóm có thể đẩy nhanh quá trình và tiết kiệm thời gian. Điều này khá hữu ích trong những thời điểm khung hoảng hoặc những tình huống căng thẳng cao.

🫨LÀM SAO ĐỂ TRÁNH ĐI THEO ĐÁM ĐÔNG?

- Đầu tư tự nhận thức bản thân: Hãy cân nhắc những nguyên tắc, niềm tin và những điều bạn thích và quyết định xem liệu những hành vi có phản ánh con người thật của bạn hay không. Tự chiêm nghiệm thường xuyên có thể giúp bạn thiết laoaj cảm nhận mạnh mẽ về bản dạng và giúp đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

- Tập tư duy phản biện: Hãy tự hỏi tính xác thực của những luồng ý kiến và xu hướng phổ biến, và cân đong thiệt hơn trước khi đưa ra quyết định. Điều này có thể giúp bạn kháng cự lại ma lực của tâm lý bầy đàn và đưa ra những lựa chọn khách quan hơn.

- Tìm kiếm những góc nhìn đa dạng: Tham gia trao đổi với mọi người về những quan điểm, bối cánh và trải nghiệm khác biệt để thu được sự thấu hiểu rộng hơn về vấn đề và tránh tư duy nhóm.

- Thoải mái với sự thiếu chắc chắn: Hãy nhận ra rằng cảm thấy thiếu chắc chắn trong một số tình huống là bình thường và rằng việc đi theo đám đông không phải lúc nào cũng là hành động tốt nhất. Tập quen với sự thiếu chắc chắn có thể giúp bạn kháng cự lại áp lực phải hòa hợp và đưa ra quyết định dựa trên trực giác của bản thân.

- Hình thành sự tự tin: Củng cố lòng tự trọng và tin vào phán đoán của bản thân từ đó bạn sẽ tự tin ra quyết định độc lập. Việc xây dựng sự tự tin có thể giúp bạn chống lại sức hút của tâm lý bầy đàn và điều chỉnh các tình huống xã hội với sự độc lập và kiên cường hơn.

Nguồn: Trang tâm lý

Thursday, May 2, 2024

ACB & ÔNG TRẦN MỘNG HÙNG

Rất ít người biết ông Trần Mộng Hùng mới thực sự là người sáng lập ngân hàng ACB [cùng các cổ đông khác, trong đó có hai ông Phạm Trung Cang và ông Trịnh Kim Quang… vào năm 1992]. Có lẽ do ông ít khi sử dụng siêu xe [của ACB] và tên ông không gắn với đội bóng [cũng của ACB]. Một đôi lần tôi thấy ông giữ mình lặng lẽ ở những chỗ đông người và, rất nhanh, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống rồi rời đi trong chốc lát. 

Phần lớn con đường học vấn của ông Trần Mộng Hùng được trang bị từ nền tảng giáo dục miền Nam. Dù, sau năm 1975, ông mới hoàn thành chương trình đại học. 

Nếu không có những năm tháng Sài Gòn khánh kiệt bởi “cải tạo”, “đánh tư sản” và thay thế thị trường bằng “phân phối, quan liêu, bao cấp”, có thể ông Trần Mộng Hùng vẫn là một thầy giáo ở trường đại học. Ông từng là giảng viên trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng [1978-1980]. Ngày ấy, để có thể đứng được trên bục giảng, nhiều giảng viên khác như ông đã phải làm đủ nghề, từ nấu xà bông [từ xút và dầu dừa], đến làm nhựa tái chế và “nước giải khát có gaz”.

Chính sách thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng [đầu thập niên 1990s] đã giúp ông có một quyết định đúng đắn, chọn ngành kinh doanh đúng với chuyên môn của mình: Thành lập một ngân hàng thương mại cổ phần [TMCP].

Trong gần hai thập niên sau đó, ở Sài Gòn có 3 ngân hàng TMCP hoạt động rất ấn tượng: ACB, Đông Á và Sacombank. Đông Á và Sacombank từng là những ngân hàng bán lẻ tốt nhất. Đông Á còn là ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ ATM.

Tôi không chắc, việc Ban Tài chánh Quản trị Thành ủy TP HCM có cổ phần trong ngân hàng Đông Á hay những sai lầm của ông Trần Phương Bình mới là yếu tố chính “giết chết” ngân hàng lừng lẫy một thời này. Nhưng, ở khu vực hoàn toàn tư, yếu tố minh bạch thường đảm bảo tốt hơn nơi công tư lẫn lộn.

Đáng tiếc nhất là Sacombank. Cổ đông sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành, bị suy yếu sau những thất bại của Sacomreal [khi thị trường địa ốc đóng băng sau khủng hoẳng 2008]. Gặp lúc phải đối diện với những âm mưu thôn tính bằng những công cụ phi thị trường, Sacombank, một ngân hàng đang cường tráng bị buộc phải trao cho một ngân hàng, khi ấy, đã “chết” trên thực tế.

Ông Trần Mộng Hùng là Tổng Giám Đốc đầu tiên và Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB từ năm 1994 đến 2008. Ông “điều hành ACB bằng sự thận trọng, đặt tính minh bạch lên hàng đầu”. Năm 2008, ACB đã tiên phong khi mời Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Chủ tịch bên cạnh Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, một người trẻ tuổi, tài năng. Và, người có ảnh hưởng trong giai đoạn này phải công nhận là “Bầu Kiên”.

Trong giai đoạn này, ACB nắm bắt đúng cơ hội, tăng trưởng mạnh và đã có những bước đột phá. Nhưng giai đoạn này, “Bầu Kiên” cũng đưa ACB phát triển theo hướng gây băn khoăn, lo lắng.

Năm 2012, xảy ra vụ án “Bầu Kiên”; một vụ án mà về mặt pháp lý có rất nhiều vấn đề. Nhưng đối với ACB, đây là một tình huống không chỉ buộc ngân hàng này phải xử lý tốt khủng hoảng tức thời mà còn phải cải tổ để đưa ACB trở lại đúng với chiến lược phát triển của người sáng lập.

Con trai ông Trần Mộng Hùng, Trần Hùng Huy, năm ấy 34 tuổi, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, lên làm Chủ tịch. Ông Hùng quay trở lại HĐQT và khi ACB đã bắt đầu đi đúng quỹ đạo, ông rời HĐQT về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Quản Lý Rủi Ro [2018 – 2023].

Vào những lúc mà thị trường đất đai đang sôi động nhất, ông Trần Mộng Hùng nói với tôi, ông nhận được rất nhiều lời chào mời kể cả những lời chào mời từ phía chính quyền, nhưng ACB vẫn kiên quyết không đầu tư vào địa ốc. Đây không chỉ là vấn đề nguyên tắc, đây là “sự đối lập giữa đạo đức kinh doanh và tinh thần liều lĩnh”.

Đã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Trần Mộng Hùng nhưng biết, ACB vẫn giữ được những giá trị cốt lõi ấy, vẫn là một ngân hàng kiên định với nghề ngân hàng chứ không sử dụng ngân hàng như một công cụ huy động vốn cho các công ty trong cùng "hệ sinh thái". 

Ông Trần Mộng Hùng ra đi thật đột ngột [chỉ vừa 72 tuổi]. Nhưng ACB không bị đặt trong tình huống bất ngờ. 

Ông Trần Mộng Hùng không những nằm trong số không nhiều những nhà doanh nghiệp Việt Nam tạo được cho mình một đế chế mà còn nằm trong số rất ít người chuẩn bị cho đế chế ấy sự thừa kế; xét cả từ góc độ gia đình và xã hội. 

Trong hơn 30 năm qua, thay vì liên tục bám trụ “ngai vàng”, có những thời gian ông đứng hẳn ra ngoài dành sân cho thế hệ khác. Nhưng dù đứng ở vị trí nào, ông vẫn được coi là một "người thầy nghiêm khắc". Trước khi ra đi, vì thế, ông đã kịp xây dựng cho ACB một nền tảng quản trị hiện đại, hình thành được triết lý kinh doanh và về mặt con người, chuẩn bị được cho ACB một đội ngũ.

Trương Huy San