Friday, July 31, 2020

TÌM HIỂU KHÍA CẠNH TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI … SAU KHI CHẾT

Bây giờ không còn sức viết được những bài thế này nữa, nên đăng lại. Có một điều cần chia sẻ: Chết chưa hết, mà những gì mình làm trong suốt cuộc đời, lúc tắt thở cho đến 49 ngày hiện ra như cuốn phim trước thần thức của chính mình. Những người làm nhiều điều ác thì "xem lại" sẽ vô cùng kinh hãi...
----------

Tôi không coi đây là bài báo khoa học, mà chỉ là bài viết chia sẻ những suy ngẫm, nhân đọc cuốn Người chết đi về đâu? Bài viết tiếp cận theo văn hóa Phật giáo truyền thống, thông qua góc nhìn của Tâm lý học.

1. Từ thực tế cuộc sống

Trước đây tôi ở xa, cha mẹ mất, ỉ vào ông anh ở quê, bảo sao thì làm vậy, khi đó mọi việc còn đơn giản. Nay vợ mất (14/8/2013) tôi phải quyết định mọi việc nên rất lúng túng, không biết lúc nhập quan có phải tụng kinh không? Rồi cúng 3 ngày, 35 ngày đưa lên chùa, cúng 49 ngày, rồi 100 ngày... như thế nào, tại sao? Lời khuyên thì lắm, chẳng biết nên thế nào! Đây là một thực tế đời sống mà bất kỳ ai có người thân qua đời đều buộc phải lựa chọn cách ứng xử sao cho phù hợp với tâm lý chung của xã hội. Tôi giật mình, khi một người bạn bảo: anh là nhà tâm lý thì phải biết các việc này chứ!

Tâm lý học (TLH) đâu có biết về chuyện này. Tôi được đào tạo theo trường phái TLH duy vật biện chứng, hay nhiều người gọi là TLH marxit, được hình thành ở Việt Nam vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX. “Tâm lý học Việt Nam là một bộ phận của tâm lý học marxit, một thời kỳ hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển tâm lý học thế giới suốt hơn 20 thế kỷ qua”. Những quan niệm nào không phù hợp quan điểm TLH marxit đều bị phê phán, gạt ra ngoài lề…
Xuất phát từ tiền đề triết học của K. Marx: Ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất ở bên ngoài được chuyển vào trong óc con người và được cải biến đi ở trong đó, TLH marxit định nghĩa: Tâm lý là sự phản ánh hiện thực khách quan bởi não, là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan...
Theo quan điểm này thì đứa trẻ ra đời chưa có tâm lý, nó chỉ có những tiền đề sinh học – bộ não và các giác quan - để phản ánh hiện thực khách quan và từng bước hình thành nên đời sống tâm lý. Mọi công trình nghiên cứu (được coi là khoa học tâm lý) đều phải tìm cách quan sát, đo nghiệm, thống kê được các biểu hiện tâm lý của người đang sống qua những phản ứng cụ thể: lời nói, văn bản viết, việc làm, cách giao tiếp, ứng xử, sản phẩm hoạt động… Từ đó suy ra tâm lý của họ. Và như vậy, khi con người chết, óc và các giác quan ngừng hoạt động, cái tâm lý cũng không còn. Chết là hết!
Bây giờ mới thấy, chết rồi còn nhiều chuyện lôi thôi cả với người chết lẫn người sống!

Tôi thử tìm kiếm thông tin từ Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Đây được coi là nơi nghiên cứu về các hiện tượng “cận tâm lý”, “siêu tâm lý”, “Tiềm năng đặc biệt” của con người. Tuy nhiên cho đến nay Trung tâm này mới chủ yếu ứng dụng những tiềm năng của một số người đặc biệt vào tìm mộ, “áp vong”…Những tài liệu tổng kết cũng chủ yếu trong phạm vi hẹp, dưới dạng thành tích đi tìm mộ liệt sĩ…

Khi còn nhỏ tôi cũng đã biết trong dân gian từ xưa vẫn có quan niệm, người chết đi, hồn vẫn còn trong “cõi âm” hoặc “cõi Niết bàn”, nên có hình thức gọi hồn, thờ cúng, khấn vái … các linh hồn của người chết. Trong dân gian cũng nói đến “hồn siêu, phách lạc”, “ba hồn bảy vía”, “ba hồn chín vía”… Nhưng chưa rõ tâm lý người hấp hối và sau khi chết cụ thể ra sao.

Nay thấy cuốn “Người chết đi về đâu” được mấy nhà khoa học phân tích đánh giá nghiêm túc, nên tò mò đọc ngay. Nhưng để đọc hiểu cuốn sách đó cần phải có vốn tri thức sơ đẳng về Phật pháp. Đọc sách và lên mạng tìm kiếm những tài liệu liên quan, bước đầu tôi cũng hiểu được những kiến thức sơ đẳng về vấn đề đang có nhu cầu tìm kiếm.

2. Tóm lược một số điều sơ đẳng của Phật pháp từ góc nhìn tâm lý học

Tài liêu về Phật học thì quá nhiều, đối với người mới bước vào tìm hiểu Phật pháp quả là choáng ngợp. Qua tìm hiểu bước đầu, có thể tóm lược một số điều sơ đẳng, cốt yếu sau đây.
- Thế giới do Tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hợp thành. Thế giới bao la “tam thiên đại thế giới”. Thế giới liên quan tới tâm lý, có thể phân ra lục giới – lục đạo (6 cảnh giới – sáu cõi): Trời – Atula – Người – Súc sinh – Ngã quỷ - Địa ngục. Sáu cõi này không có ranh giới, mà đan xen tồn tại giữa âm và dương. Điều đặc biệt là 6 cõi này không tồn tại thực, mà do tâm lý con người tưởng tượng, hình dung ra – là sự biến hiện của trạng thái tâm lý (nhất là tiềm thức) của mỗi con người trong từng trạng huống.
- Về bản chất tâm lý, con người bình đẳng với muôn loài sinh vật - giới hữu tình, vì cùng có thần thức: biết cảm thụ, ăn uống, tồn tại, sợ hãi, đau đớn…Vì thế người không nên sát sinh. Người hơn muôn loài vì có trí tuệ nên có thể tiếp cận chân lý, đạt đến chính trí, chính giác, tuệ giác, đập tan được vô minh, tăm tối để giác ngộ chân lý…
- Con người là thực thể thống nhất ba mặt: Uẩn (tâm lý) – Xứ (sinh lý) – Giới (vật lý). Ba mặt liên quan mật thiết trong đời sống mỗi cá nhân, nhưng Uẩn có khả năng điều chỉnh được Xứ và Giới trong cơ thể mình…
- Đi sâu vào bản chất tâm lý, phân tích Uẩn ra thành “ngũ uẩn”:
+ Sắc: cảm giác, tri giác sự vật bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, da…
+ Thụ: phản ánh cảnh giới vào tâm trí, có cả cái tốt và xấu…
+Tưởng: suy nghĩ, tưởng tượng trong tâm, tạo nên một thế giới tâm lý phong phú, phức tạp, nhiều mâu thuẫn…
+ Hành (tạo tác): Từ dục vọng => suy tư => ý muốn => hành động, lời nói ...
+ Thức (ý thức): là sự phát triển cao nhất trong tâm lý con người, nó có khả năng hiểu rõ, phân biệt, điều chỉnh các hiện tượng tâm lý ở cấp độ thấp. Một điều rất sâu sắc là, ý thức hòa nhập vào điều chỉnh ngay từ cảm giác, tri giác: nhãn thức (nhìn có ý thức), nhĩ thức (nghe có ý thức), tị thức (ngửi có ý thức), thiệt thức (nếm có ý thức), thân thức (xúc giác có ý thức) …Cho nên ý thức con người có vai trò quyết định đối với sự tiếp nhận thế giới vào trong tâm, tự phán xét thế giới nội tâm đó và tự điều chỉnh thái độ, hành vi của bản thân tương tác với thế giới bên ngoài.
- Đức Phật trăn trở: con người sinh ra vốn có Phật tính (khả năng để yêu thương, giác ngộ); mọi người đáng ra phải sống lương thiên, thương yêu nhau (từ bi) và có trí tuệ (giác ngộ) để xã hội an lạc, thanh tịnh, hòa vui, hạnh phúc…nhưng tại sao nhân gian ác độc, tăm tối thế? Tại sao chúng sinh chìm đắm trong đời sống ô trọc, ngu muội, vô minh đến thế? Đó là lý do Đức Phật đã dấn thân đi tìm cách cứu độ chúng sinh, và Ngài đã tự giác ngộ, lý giải được nguồn gốc khổ đau của con người và truyền giảng lại cho các đồ đệ, rồi các đồ đệ phát triển kinh pháp của Ngài đi giáo hóa chúng sinh. Ngày nay dù Phật giáo chia ra nhiều phái, hệ có hàng mấy trăm triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới, nhưng Tam pháp bảo (Phật, Pháp và Tăng) không xa rời nguyên tắc của Phật tổ.

Theo Tiến sĩ Mathieu Ricard: “Phật giáo phân tích và tháo tung ra những cơ chế của hạnh phúc và đau khổ có từ đâu? Nguyên nhân nào? Làm sao để thoát ra khỏi đau khổ?”…

- Nguồn gốc của tội ác, đau khổ… là do tâm lý con người quá Tham – Sân – Si (tham lam – thù hận – ngu muội), che lập Phật tính, khiến con người trở nên cá nhân, ích kỷ, quá lo lắng cho Sinh – Lão – Bệnh – Tử của bản thân, trở thành Ngã chấp (chủ nghĩa cá nhân), sinh ra ngã kiến, ngã ái, ngã mạn, ngã si, ngã tướng… (chỉ quan điểm của mình là đúng, chỉ yêu mình trên hết, kiêu ngạo, thiên lệch, tác oai…). Từ đó sinh ra bảo thủ, cố chấp… không nhận thức được quy luật Vô thường của thế giới và cuộc sống bản thân đang biến đổi một cách biện chứng trong từng giờ từng phút…nên chìm đắm trong vô minh, hành động mù quáng: Ý hành, Ngữ hành, Thân hành (Nghĩ những âm mưu quỷ kế/ những điều hiểm độc…; nói những điều dối trá, vu oan, ác độc, hung bạo, vô nghĩa…; tiến hành những hành động bất lương, dã man). Tất cả những cái ác đã làm là NHÂN, tích tụ lại tạo nên nghiệp ác (QUẢ báo)…Ngược lại những ý nghĩ tốt, những lời nói chân thành, thương yêu, những việc làm lương thiện… là NHÂN tích tụ lại, tạo nên nghiệp lành (QUẢ phúc)…Những nghiệp lực (thiện/ác) do con người tạo ra luôn chi phối suy nghĩ, xúc cảm, hành vi của họ trong lúc sống và cả sau khi chết, khi chìm vào tiềm thức…

- Để giáo hóa chúng sinh, những người tu hành phải có quá trình tu tập kiên định, lâu dài: Tu Thiền định, Tu thọ trì ngũ giới, Tu lục độ, Tu Bồ tát … để thấm nhuần kinh pháp, thấu hiểu chúng sinh, tự thân giác ngộ, thí pháp cứu độ mọi chúng sinh, không phân biệt họ là ai, cả người đang sống lẫn những vong linh người đã chết.

- Đối với mọi người bình thường (chúng sinh) chỉ cần thực hiện theo mười điều dạy của Đức Phật, chuyển “Thập ác” thành “Thập thiện”: giảm bớt rồi loại bỏ Tham, Sân, Si; đừng sát sinh, trộm cướp, tà dâm; đừng nói những điều bịa đặt, dối trá, hung bạo, vô nghĩa. Từ đó Phật tính hiển lộ, giúp ta có Lòng nhân ái và Trí tuệ - Hai thuộc tính cơ bản nhất của con người, để lao động sáng tạo và biết sống có đạo lý, làm cho bản thân và gia đình hạnh phúc, xã hội an lành…
Như thế là Phật tại tâm, tu tại bản thân, chẳng cần phải cầu cúng khắp nơi…và khi chết sẽ nhẹ nhàng siêu thoát. Nhưng khốn thay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác; cái trí tuệ với cái vô minh diễn ra trong mỗi con người lại vô cùng khốc liệt, dai dẳng, và như lời đức Phật: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính bản thân mình! Mọi kinh pháp chỉ là phương tiện giúp cho bản thân mỗi người tự lĩnh hội, tự thể nghiệm, tự giác ngộ, tự cứu mình thoát khỏi vòng trầm luân cả lúc sống và sau khi chết!

- Có một điều rất quan trọng đối với tâm lý con người là: 6 cõi – 6 cảnh giới mà trong các kinh pháp nói đến rất nhiều, người ta vẫn tưởng rằng nó chỉ xảy ra với con người sau khi chết (ở cõi âm), nhưng thực ra 6 cõi tồn tại ngay trong xã hội con người đang sống. Biết bao người đối xử với nhau trong những gia đình tồi tệ, trong các nhà tù, trại cải tạo … khác chi địa ngục. Ác quỷ là những kẻ thèm khát hành hạ, đầy đọa, tra tấn, giết hại đồng loại không ghê tay; Súc sinh là loại người chỉ biết giành giật, chiếm đoạt lấy sự sinh tồn trong ô trọc, ganh ghét, tranh giành, cấu xé nhau theo bản năng, vô minh chẳng khác loài vật! Trong xã hội, phần đông là những con người bình thường, nhưng luôn sống trong bất an, vì tham, sân, si, vì lo lắng sinh, lão, bệnh, tử …cần được giác ngộ để có lòng từ bi và trí tuệ. Cõi Atula cũng tồn tại ngay trong xã hội, đó là những cá nhân dũng lược hơn người, nhiều tham vọng, lắm âm mưu quỷ kế, gian hùng, có thể là tướng cướp hay những thủ lĩnh lắm tài, nhiều tật, công - tội nhiều bề... Cõi Trời trong nhân gian cũng có: các Thiên tử, thánh nhân, những người hiền…Nhưng ở cõi Trời mà hành động như súc sinh, ngạ quỷ (vua lợn, vua quỷ…) thì cũng sẽ đọa vào địa ngục… Như vậy thực tế cuộc sống xã hội được “phản ánh” vào đời sống tâm lý của từng con người, được tích tụ trong tâm rồi được hình dung, biến hiện ra 6 cảnh giới. Cõi Phật ở trên, ở ngoài 6 cõi đó, nơi thần thức người chết được siêu linh, tịnh độ, thoát khỏi vòng sinh, tử luân hồi, không đầu thai vào 6 cõi. Để giáo hóa chúng sinh bằng “trực quan sinh động”, các chư tăng đã minh họa ra cảnh trí thần tiên, cõi Phật hay cảnh tượng cầu vồng, chó ngao, địa ngục, ác quỷ …ghê rợn…

Điều quan trọng nữa là, trong mỗi con người cũng có thể trải nghiệm cả 6 cảnh giới trong đời sống tâm lý đầy xáo trộn giữa thiện và ác, bản năng và ý thức…Ở đây, S, Freud gần với đạo Phật. Khi “cái Tôi” (cái bản Ngã) thiếu giác ngộ, kiên định, suy nghĩ, cảm xúc, hành động bị thúc đẩy, lôi kéo bởi nhiều nghiệp lực (thiện và ác). Có lúc con người thật ngây thơ, trong sáng, lương thiện như thiên thần; người ấy có lúc có hành động anh hùng cứu nhân, độ thế; nhưng cũng người ấy có lúc lại ganh ghét với bạn bè, sinh hoạt sa đọa như súc sinh; rồi người ấy có thể như ác quỷ, giết hại cả những người thân, đồng chí, bạn bè vì sợ họ… hơn mình!…Không chỉ từng giai đoạn của một đời người mà ngay từng phút giây hiện tại, suy nghĩ, hành động của ta có thể đan xen thiện hay ác, sáng tỏ hay vô minh… “Sáu cõi trong thế giới Ta – bà không gì khác hơn là sáu trạng thái tâm lý của các loài, trong đó có loài người. Sáu trạng thái đó tồn tại cùng lúc trong mỗi loài và thùy theo nghiệp lực mà chúng sinh có thân thể của một loài nhất định”

Theo lý thuyết, khi con người chết đi, phần tứ đại: xương, thịt, máu huyết ... tan vào đất- nước- gió- lửa, nhưng còn phần thần thức trở thành Thân trung ấm. Đó là giai đoạn, là nơi tất cả các nghiệp (thiện và ác) đã được tạo ra trong suốt cuộc đời đều chất chứa trong đó dưới dạng tiềm thức (biến hiện tự phát), và luôn bị thôi thúc bởi các nghiệp lực để dẫn dắt vào 6 cõi luân hồi…

Trên đây là tóm tắt sơ lược một số điều cốt yếu về Phật pháp để có chút tri thức, hy vọng đọc hiểu được cuốn “Người chết đi về đâu?” hay Luận vãng sinh của các Lạt ma Tây Tạng.

3. Người chết đi về đâu?

3.1. Giới thiệu tóm tắt Luận vãng sinh (hay Luận tái sinh)
Đây là một tập văn bản gốc của Tây Tạng được tìm thấy, gọi là Luận vãng sinh – Bardo Thoedol. Đó là một tập sách mỏng chưa đến 100 trang (20 x16cm), nhằm khai thị cho người sắp và vừa mới từ giã cõi đời. Luận này nhằm hướng dẫn người chết qua giai đoạn mang thân trung ấm, một giai đọan kéo dài khoảng 49 ngày, giai đoạn giữa cái chết và sự tái sinh, tương tự như cuốn “sách dành cho người chết” của Ai Cập.

Luận này được chia thành ba phần: Phần đầu được gọi là Tschikhai-bardo (bardo có nghĩa là chuyển tiếp), mô tả những biến hiện tâm lý trong thời điểm chết; phần hai được gọi là Tschoenyi – bardo, giai đoạn như trong cơn mộng, xảy ra sau khi chết hẳn, được cho là ảo giác do nghiệp lực mang lại; phần ba – Sipa- bardo, nói về sự khao khát tái sinh và những biến cố xảy ra trước khi tái sinh…

Luận vãng sinh chính là sách tác nghiệp của các Lạt ma Tây Tạng dùng khai thị cho người sắp chết - đang chết - sau chết đến 49 ngày. Người thân có thể dùng sách này, thay các Lạt ma, đọc cho người chết nghe. Sách chỉ viết những điều thật ngắn gọn, cấp thiết nói với người chết về những biến hiện trực tiếp diễn ra trong thần thức của họ, không có giải thích, nên đọc rất khó hiểu, dù đã sơ bộ nắm được những điểm cốt yếu của Phật học như đã nêu ở mục 2.
Luận này có các mục cụ thể như sau:

(1) Hướng dẫn thần thức trước khi chết. Tùy vào trình độ (hiểu Phật pháp) của người đó, chủ lễ (có thể là Lạt ma/thầy cúng/người thân) dùng những lời khuyên nhủ (khai thị) thích hợp để người đó đón nhận cái chết một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng… Chẳng hạn có thể nói: Cái chết đang đến với … Những người thương yêu đang ở đây tiễn đưa bạn, những mối liên hệ giữa chúng tôi và bạn vẫn tồn tại…Hãy cố gắng giữ lấy mối liên hệ đó… Sau khi chết bạn sẽ thấy nhiều cảnh tượng hiện ra, như bạn sẽ rời bỏ xác thân này, rồi những gì trong quá khứ của bạn sẽ hiện về như trong mộng. Dù bất cứ cảnh tượng gì hiện ra, hãy cứ bình tĩnh đón nhận, đừng sợ hãi, đừng trốn chạy. Hãy rũ bỏ hết tham luyến, đau buồn để nhớ tới “bản chất của thần thức là “không”, là “vô ngã”… Hãy nhớ, khi hồn lìa khỏi xác, thần thức sẽ thấy luồng ánh sáng rực rỡ thì đừng hoang mang sợ hãi mà hãy nhập ngay vào ánh sáng của chân tâm để được siêu thoát… (Mục này dài 09 trang). Nếu không siêu thoát được ngay sau khi chết, thì thần thức sẽ mang thân trung ấm, và sẽ tiếp tục phải khai thị theo một quá trình phức tạp, kiên nhẫn.

(2) Phương thức khai thị cho thân trung ấm. Đây là giai đoạn mà các nghiệp lực tác động mạnh đến thần thức, cũng xem là “giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân”. Chủ lễ phải kiên trì khai thị cho thần thức người chết mỗi ngày 03 lần hoặc 07 lần, liền trong 07 ngày đầu; rồi sau đó 07 ngày tiếp theo, cũng như vây. Đây vẫn còn là giai đoạn có thể siêu thoát về cõi tịnh độ. Có điều đặc biệt, trong 14 ngày này, các Lạt ma mô tả rõ nhiều cảnh tượng diễn tiến vô cùng biến hóa, mau lẹ hiện ra trong mỗi ngày, giờ mà thần thức (thân trung ấn) thấy rõ và không khỏi hoang mang, lo sợ… Cho nên phải giải thích cho thần thức rằng đó chính là biến hiện từ tâm mình, đừng sợ hãi, đừng để các nghiệp lực lôi kéo, hãy biết phân biệt các luồng ánh sáng, các hình tướng của cõi Phật để hướng theo…(Phần này gần 40 trang).

(3) Giai đoạn chuẩn bị tái sinh. Mặc dù được khai thị nhiều lần trải qua nhiều giai đoạn, nhưng với những thần thức có quá nhiều ác nghiệp đã không được giải thoát trong những giai đoạn của 14 ngày đã qua. Chủ lễ tiếp tục kiên nhẫn khai thị cho thần thức, vẫn còn hy vọng giải thoát khỏi tái sinh để về cõi tịnh độ… (Phần này gần 30 trang)

(4) Giai đoạn phải đi tái sinh. Dù đã cố gắng khai thị, nhưng nhiều người ác nghiệp quá nặng nề, không thể giải thoát được, những thần thức này sẽ phải đi tái sinh. Đây là lúc chủ lễ khai thị cho thần thức cách lựa chọn cõi xứ mình sẽ đầu thai vào một trong 6 cõi. (Phần này dài 6 trang).

Tiếp theo là phần Phụ đính gồm một số bài Kệ, dùng tụng đọc trong lúc khai thị cho thần thức (gồm 10 trang).

Như trên đã nói, đọc Luận vãng sinh rất khó, không hiểu làm sao Lạt ma biết rõ các cảnh tượng mà thần thức đang tri giác, được mô tả rất ly kỳ, sinh động…Cũng không thể biết lúc nào thần thức đã siêu thoát hoặc đã đầu thai về đâu? Những thần thức không đầu thai sẽ như thế nào? Và sau 49 ngày các thần thức không siêu thoát, chưa đầu thai sẽ ra sao?...Có một Đại đức từ Hoa Kỳ giải thích thêm rằng, thời điểm 100 ngày vẫn còn cơ hội Promotion cho các thần thức tái sinh vào cõi bớt tồi tệ hơn!...

Rất may, nhờ Tiến sĩ W. Y. Evans Wentz có bài giới thiệu Luận này và nhà TLH nổi tiếng Carl Gustav Jung đã viết một Luận văn TLH về Luận vãng sinh mà giúp hiểu rõ thêm.

3. 2. Dẫn luận của Tiến sĩ Evans Wentz
Tiến sĩ W. Y. Evans Wentz, người nhận được bản dịch Anh ngữ đầu tiên và xuất bản sách này, đã nhận xét: “Đây là một trong số rất ít những quyển sách nghiêm túc nghiên cứu về cái chết, về trạng thái sau khi chết và về sự tái sinh. Sách này cũng trình bày một cách cô đọng các giáo lý chính yếu của Phật giáo Đại thừa. Hơn thế nữa nó không chỉ rất quan trọng về mặt tôn giáo mà còn cả trong lĩnh vực triết học và lịch sử nữa… Sự độc đáo của sách này là nó nhắc đến việc luận giải một cách hợp lý tác động của nghiệp quả trong giai đoạn giữa cái chết và tái sinh.” (tr. 15, sđd).

Wentz còn cho biết, Tiến sĩ L. A. Waddell sau một thời gian dài nghiên cứu Luận này, đã phải thốt lên rằng: “Các vị Lạt ma Tây Tạng, bằng giáo lý của đức Phật, đã có thể hé mở cho chúng ta thấy được ý nghĩa của nhiều sự việc người Âu Tây hầu như không thể nào hiểu được” (tr 17, sđd);… “Trong thiên nhiên, số 7 quản trị các định kỳ, các hiện tượng của sự sống, cũng như các nhóm hóa chất, các âm và các màu sắc vật lý học. Và chính giáo lý về thân trung ấm đã có căn cứ một cách khoa học dựa trên số 49, hay là 7 lần 7.” (tr 24, sđd)…

Theo Wentz: Đối với người chết, không có gì quý báu hơn là tình cảm chân thật, thành kính dành cho họ, và những lời nhắn nhủ khi họ đã trở nên bơ vơ một mình. Sự tin tưởng và tình cảm chí thành là phương tiện truyền đạt tới người chết những lời nhắn nhủ cuối cùng…Khóc lóc than vãn chỉ làm người chết thêm hoang mang, bối rối. Những người đủ giác ngộ “Phật tại tâm” cần một tình cảm chân thành, thái độ thiết tha để họ có “một tâm thức vững chắc biết rõ rằng cái chết chỉ là một giai đoạn trong quá trình miên viễn của đời sống. Người chết sẽ cảm nhận được tâm kiên cố đó và vững vàng theo, bớt phần sợ hãi. Nội dung nhắn nhủ chính là những lời khai thị trong sách này” (tr.12, sđd).

Nhưng “trong thời Mạt pháp, đại đa số chúng sinh thích hợp với phương pháp niệm Phật cầu vãng sinh, không mấy người tự lực để giải thoát. Trong trường hợp này, người thân cần nhắc nhở người sắp lâm chung chí thành quy y Tam bảo, thiết tha quán tưởng đức A-di-đà. Người sống cũng như người chết chỉ cần nhất tâm niệm sáu chữ “Nam mô A-di-đà- Phật” hình dung ngài xuất hiện rõ rệt trước mắt mình “như bóng trăng trong nước”. Trong mọi trường hợp, người sống cần lấy tâm thành kính, thanh tịnh để cầu siêu quán tưởng. Nếu không, thần thức dễ sinh tâm sân hận, càng thêm đau khổ cho họ”… (tr 13, sđd).
Theo Wentz, “Sự ghi nhận trong ký ức – hay đúng hơn là tâm thức – tất cả các tiền kiếp, tất cả các trạng huống đã qua của cuộc sống luân hồi, đều ẩn tàng trong tiềm thức, theo như lời dạy của chính đức Phật” (tr 27, sđd); “Được mô tả giống như trong một kịch bản, người chết liên tiếp nhìn thấy cảnh này hay cảnh khác, mỗi cảnh trình diễn một thuộc tính thánh thiện hay nguyên lý bẩm sinh vốn có trong mọi thực thể con người, để thử thách từng người và làm bộc lộ rõ một phần nào đó trong tâm thức của họ đã được phát triển như thế nào.”…(tr 35, sđd); …

“Sau ngày thứ năm thì các cảnh được nhìn thấy của thân trung ấm sẽ trở nên mỗi lúc một kém thánh thiện hơn. Người chết càng ngày càng chìm trong bùn lầy ảo tưởng luân hồi. Ánh sáng lóe chiếu của những bản chất thánh thiện tự xóa mờ dần thành ánh sáng của bản thể hạ đẳng. Lúc bấy giờ, giấc mộng sau cái chết chấm dứt theo sự tiêu tan của tình trạng chuyển tiếp, tất cả đều đã hiện ra như các quái tượng của một cơn ác mộng, nên người chết từ trạng thái chuyển tiếp bước dần sang trạng thái giả dối, tức là sự tái sinh vào thế giới loài người, hay một trọng nhiều cảnh giới của lục đạo” (tr 36, sđd)…

Tiến sĩ Wentz cho biết ở Tây Tạng: Khi đã có dấu hiệu của sự chết, người ta phủ tấm vải trắng lên người chết và không ai được đụng chạm đối với người đó nữa, để cho tiến trình của cái chết không bị gián đoạn, bởi vì “Tiến trình này chỉ chấm dứt khi thân trung ấm hoàn toàn ra khỏi xác thân. Người ta tin rằng tiến trình này được kéo dài bình thường từ ba ngày rưỡi đến bốn ngày, khi ấy người chết mới biết là mình không còn có thân xác nữa. Và lúc này người ta mới mang thân xác người chết đi. Sau đó người ta đặt bức ảnh người chết trên bàn thờ và tiếp tục dâng cúng thức ăn cho hết 49 ngày. Đây chính là quãng thời gian mà thần thức được tin là đang trải qua giai đoạn mang thân trung ấm. Cũng vì vậy, người ta thường mời các thầy cũng đến nhà cúng 7 ngày một lần, gọi là cúng “thất tuần” (7x7= 49 ngày) (tr. 37, sđd) ...

“Khi bắt đầu tỉnh thức trong giai đoạn thứ hai, thần thức nhìn thấy từng hiện cảnh tượng trưng, tức là các ảo giác do nghiệp lực tạo ra bởi các hành động đã làm khi còn sống. Những điều đã suy nghĩ, đã làm trước đây, giờ trở thành những đối tượng khách quan. Các hình ảnh được nhìn thấy hoàn toàn do sự tưởng tượng một cách có ý thức, được sanh khởi từ những gì trước đây đã nhìn thấy và ăn sâu, phát triển trong tâm thức. Các hình ảnh ấy hiện ra rồi đi qua, trong một toàn cảnh trang nghiêm và mạnh mẽ, như nội dung ý thức cá biệt của mỗi người.”… “Thần thức bước vào giai đoạn thứ ba để tìm đường tái sinh. Khi thần thức thực sự được tái sinh trong thế giới này hay thế giới khác, thì trạng thái thân trung ấm sau khi chết sẽ chấm dứt.” (tr 47, sđd).

“Trong suốt thời gian ở trong trạng thái chuyển tiếp khi chưa tái sinh vào một đời sống khác, thần thức người chết luôn bị các ảo tưởng của nghiệp lực chi phối. Thân trung ấm cảm thấy sung sướng hay đau khổ tùy theo mỗi trường hợp nghiệp lực cá biệt của mỗi người.”.(tr 48, sđd)
“Ngoài sự giải thoát bằng cách được vãng sinh về một trong các cõi tinh độ của chư Phật sau khi chết, nếu phải tái sinh thì cảnh giới được khuyến khích chính là cõi người. Tái sinh vào cõi nào khác với cảnh giới loài người đều sẽ làm trì trệ việc tu tập để đạt đến giải thoát hoàn toàn”. (tr 49, sđd)

Có một ý nghĩa tâm lý xác định gắn liền với hình ảnh các thiện thần hay ác thần hiện ra trong giai đoạn mang thân trung ấm. Wentz viết: “Nhưng muốn nắm hiểu điều đó chúng ta không nên quên rằng các cảnh tượng mà thần thức người chết nhìn thấy trong giai đoạn mang thân trung ấm không phải là những cảnh tượng thật. Chúng chỉ là ảo giác biểu lộ các tưởng tướng do tâm thức của người ấy tạo ra. Hay nói cách khác, chúng là các hình tướng được nhân hóa của những thôi thúc thuộc tinh thần trong trạng thái sau khi chết”.(tr 49, sđd)…; “Thần thức người chết là khán giả duy nhất của một toàn cảnh những biến hiện ảo giác kỳ diệu, của nội dung tâm lý được tích lũy trong cuộc đời, đều theo nghiệp lực sống lại”…; “Thần thức người chết giống như một đứa bé kinh ngạc khi nhìn các hình ảnh được phóng to trên màn ảnh. Họ quan sát các cảnh tượng mà không biết rằng đó chỉ là ảo ảnh, hoàn toàn giả dối, hư huyễn, trừ khi trước đây họ đã có một quá trình tu tập chứng ngộ” (tr 53, sđd).
“Do đó người Phật tử, người tín đồ Ấn Độ giáo, hoặc người Hồi giáo, Cơ Đốc giáo… đều sẽ trải qua các cảnh tượng khác nhau khi mang thân trung ấm, sẽ nhìn thấy những gì theo đúng như giáo lý họ đã được truyền dạy…” ; “Hay nói cách khác, tình trạng sau khi chết rất gần giống với tình trạng của một giấc chiêm bao; và các giấc mộng ấy là do tâm trạng của người nằm mộng sản sinh ra. Tâm lý này giải thích một cách khoa học tại sao những người sùng đạo, trong Cơ đốc giáo chẳng hạn, đã đưa ra những chứng cứ của các bậc thánh, hoặc những trường hợp xuất thần, hoặc trong giấc mộng, đã thấy được đức Chúa Cha ngồi trên ngôi, có đức Chúa Con bên cạnh, và thấy cả những cảnh giống như trong Kinh Thánh mô tả, với các thuộc tính của bầu trời, hoặc thấy đức Mẹ đồng trinh, các vị thánh và thiên sứ, hoặc những chỗ đền tội và địa ngục” (tr 54, sđd)…

Wentz viết tiếp: “Quyển sách này có vẻ như được căn cứ trên những dữ kiện có thể kiểm chứng được bằng chính kinh nghiệm của con người về mặt sinh lý và tâm lý, và đã phân tích vấn đề sau khi chết như một vấn đề đơn giản thuộc về tâm lý. Rất khoa học là ở điểm này.”…“Sách đã xác quyết nhiều lần rằng: Những gì được trông thấy trong giai đoạn mang thân trung ấm là hoàn toàn do nội dung tâm trạng riêng của người chết mà hiện ra. Không có cảnh tượng nào, thiện thần hay ác thần nào ngoài những hiện tướng xuất phát từ các ảo giác thuộc nghiệp thức của những tưởng tướng đã tạo ra. Đây là một kiểu sản phẩm vô thường sản sinh ra từ nơi đức tin, sự khao khát được hiện hữu và ý chí muốn sống còn” (tr. 55, sđd).
“Kinh thánh của đạo Cơ Đốc, cũng như kinh Korran của đạo Hồi, không hề cho rằng các kinh nghiệm tâm linh với dạng thức các ảo giác được nhìn thấy của các nhà tiên tri hay một tín đồ sùng đạo lại có thể là không thật. Nhưng sách Luận vãng sinh này đã trình bầy vấn đề một cách dứt khoát đến nỗi tạo ra nơi người đọc một ấn tượng rất rõ là: Mọi cảnh tượng được trông thấy, bất cứ là cảnh tượng gì, đều chỉ thuần túy là hư huyễn không thật. Dù là các thiện thần, ác thần, cảnh thiên đàng hay địa ngục… tất cả đều chỉ là ảo mộng, căn cứ trên sự biến hiện của tâm thức trong cuộc sống luân hồi” (tr 56, sđd).
Theo Evans Wentz “Các vị Lạt- ma Tây Tạng tin rằng họ đã nắm được những điểm then chốt để giải thích quan điểm về vũ trụ trong Phật giáo, và những gì mà người phương Tây đã biết về vấn đề này chỉ mới có thể giúp họ đến được nơi ngưỡng cửa để bước vào biển tri thức mênh mông đó”. (tr. 67, sđd)

Wentz kết luận: “Trong chừng mực nào đó Luận vãng sinh cũng giúp chúng ta vén lên tấm màn bí mật về sự tái sinh của các vị Đạt lai Lạt ma Tây Tạng. Những sự kiện được ghi chép cụ thể về sự tái sinh của họ - mà không phải là truyền thuyết- đã làm cho người phương Tây cảm thấy vô cùng khó hiểu nhưng lại không sao phủ nhận được”

3.3. Carl Gustav Jung nói về Luận vãng sinh

Nhà TLH C.G. Jung viết: “Tôi chắc rằng, những ai đọc sách này (Luận vãng sinh- MVT) với một nhãn quan rộng mở, không thành kiến, chịu để cho sách tác động, sẽ đạt được nhiều lợi ích”; rằng Luận này chứa đựng quan điểm “nói với con người và không nói với thánh thần hay loài vật ngu độn. Quan điểm đó là tinh hoa của lý luận tâm lý Phật giáo, và vì thế ta có thể nói, có trình độ hơn hẳn “Sách dành cho người chết” của Ai Cập” (tr 192, sđd).

Jung còn cho rằng: “Trong Luận vãng sinh này, điều tiên quyết bàng bạc khắp nơi là không hề có quan điểm nhị nguyên, cũng như tư tưởng cho rằng có sự khác nhau về chất giữa các tầng của ý thức, và từ đó có sự khác nhau về các thực thể siêu hình. Quan điểm tuyệt vời “vừa thế này, vừa thế kia” là nền tảng của cuốn sách lạ lùng này”; “Luận vãng sinh Bardo Thoedol hết sức đậm màu sắc tâm lý học, nhưng có kẻ vẫn xem luận này như các văn bản khác thời Trung cổ, thời kỳ tiền tâm lý học, trong đó chỉ có những khẳng định được nêu lên, lý giải, bảo vệ, phê phán và biện luận, rồi các cơ quan chức năng sẽ gạt bỏ qua một bên” (tr 194, sđd). Ông nhấn mạnh: “Các quan điểm siêu hình chính là khẳng định của tâm linh, vì vậy có tính tâm lý” (tr 194, sđd); “Tâm thức không phải là điều kiện cho các thực tế siêu hình, tâm thức chính là các thực tế siêu hình” (tr 195, sđd); và “… tầm mức vĩ đại của Luận vãng sinh Bardo Thoedol, là tập luận giúp cho người chết thấy được sự thật cuối cùng và cao cả nhất. Đó là: Thượng đế là biến hiện và ánh sáng của chính tâm thức mỗi người” (tr 197, sđd).
Theo Jung: “Đặt mình vào tâm thức người chết chúng ta sẽ học được bài học quý giá ngay trong câu khai thị đầu tiên, là: nguyên nhân gây ra mọi phiền toái trong cuộc đời nằm ngay ở chính ta. Đó là một sự thật chưa hề được biết tới, mà qua bao nhiêu chứng nghiệm lẽ ra chúng ta bắt buộc phải hiểu”… (tr 198, sđd)

Jung cho rằng Luận này: “Trước hết khai thị cho người sống về thế giới bên kia không hề là cõi chết theo ý niệm thông thường, mà là một sự chuyển biến hướng nội, là một thế giới bên kia về mặt tâm lý”. (tr. 200, sđd)… “Đáng tiếc thay! Giá như phương pháp phân tâm của S. Freud đi thêm một bước nữa. Nếu được như thế, thì phương pháp này đã qua được phần sau của Luận vãng sinh, qua được Sipa Bardo và tới chương sau của Tschoenyi- Bardo”…(tr 202, sđd); “Vì thế nên Phân tâm học của S. Freud chủ yếu là dừng lại ở những biến cố trong Sida- Bardo, tức là những mơ ước tình dục và những khao khát không phù hợp, gây ra sợ hãi và những tâm trạng dồn ép khác”… (tr 203, sđd)…
“Có thể khẳng định rằng, tinh thần duy lý của phương Tậy trong ngành Phân tâm học đã đạt tới giai đoạn Sipa – Bardo, và đi tới quan điểm rằng tâm lý là một vấn đề có tính chủ quan và riêng tư. Chỉ thế thôi và dừng yên tại đó.” (tr 204, sđd); “…quan niệm cho rằng người chết cứ tiếp tục sống cuộc sống của họ, không biết rằng mình đã chết là một quan niệm đã có từ xa xưa, hầu như khắp nơi trên thế giới. Đó chính là một dạng thể uyên nguyên…” (những biểu tượng chung nằm sâu trong tiềm thức tập thể, cộng đồng - MVT) (tr. 209, sđd)…

Jung cho rằng “Mục đích chính của tập Luận hiếm có này – xa lạ đối với những trí thức châu Âu của thế kỷ XX – là cố sức giảng giải cho người đang chết. Đối với người châu Âu, nhà thờ Thiên chúa là nơi độc nhất trên thế giới còn nói điều gì đó với người đang chết”…(tr 216, sđd).

Jung kết luận: “Thế giới của thần thánh ma quỷ không có gì khác hơn là tiềm thức tập thể chứa đựng trong mỗi cái tôi”… “Muốn hiểu được Luận vãng sinh Bardo Thoedol ta cần có một khả năng tâm linh đặc biệt. Không phải ai cũng có, mà chỉ những ai có một đời sống đặc biệt, một kinh nghiệm đặc biệt, mới có được khả năng tâm linh đó”. Và “…loại sách này chỉ dành cho những người không còn quá coi trọng những cái gọi là “lợi ích”, “mục đích”, “ý nghĩa”, của “nền văn hóa” hiện nay của chúng ta.” (tr. 221, sđd).

4. Thay lời kết
Khi đọc tập Luận vãng sinh, tôi có một băn khoăn: Nếu “bất cứ ai, cho dù là người đã tạo nhiều nghiệp bất thiện, chỉ cần thành tâm niệm Phật đều sẽ được vãng sinh về tịnh độ” (tr. 237, sđd); Và sau khi chết, trong giai đoạn thân trung ấm, nếu thần thức người chết được nghe khai thị bằng Luận vãng sinh, kịp “lắng nghe”, “giác ngộ” vẫn có cơ hội siêu thoát! Như vậy liệu có công bằng không?
Nhưng xem những lời giải thích của đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 (đương nhiệm) nói về vấn đề này, ta hiểu rằng, dù có cơ hội nhân văn cao cả, bình đẳng cho tất cả mọi thần thức, nhưng cũng không dễ dàng cho những người tạo nhiều nghiệp ác. Đức Lạt ma phân tích: “Trong cuộc sống sinh hoạt bình thường, các tâm trạng như tham ái, sân hận, ganh ghét…được sinh khởi ngay cả với những duyên rất nhỏ nhặt. Đó là những trạng thái tâm lý đã khắc sâu đến tận cốt tủy của con người. Ngược lại, một trạng thái tâm lý mà người ta không thường trải qua, nếu muốn sinh khởi thì cần phải có sự kích thích mạnh mẽ, chẳng hạn như sự tư duy, tập trung cao độ. Vì thế mà khi sắp chết, những tư tưởng đã ăn sâu vào cốt tủy của mỗi con người sẽ thường là trạng thái tâm lý chính, là yếu tố quyết định sự tái sinh” (tr. 235, sđd)
Từ đó xin rút ra một vài điều thay cho kết luận.
1. Trong quá trình sống, hãy học cách làm chủ thân tâm mình, phát triển tình thương và trí huệ, tạo nhiều nghiệp thiện, tránh nghiệp ác để cuộc sống được an lành và khi chết nhẹ nhàng, thanh thoát…
2. Nếu biết rằng chết là quy luật tất yếu của đời người; quá trình chết diễn ra các giai đoạn trước – trong – sau khi chết và chuyển kiếp siêu thoát vào cõi tịnh độ hay tái sinh vào lục đạo, thì người ta có thể chuẩn bị lo liệu trước và bình tĩnh đón nhận cái chết. Lo liệu không phải là chạy chọt, hối lộ thánh thần, mà là tự xem lại mình để kịp sám hối, buông bỏ ngã chấp, vô minh, chuyển sang từ bi và trí huệ…Bởi vì cảnh tượng của 6 cõi chính là biến hiện của những gì đã ăn sâu vào tim óc mình, nay hiện ra trước thần thức của chính mình, bị lôi kéo bởi những nghiệp lực do chính mình tạo ra. Vậy thì chính mình phải tự cứu lấy mình bằng tự nhận thức, tự giác ngộ, tự giải thoát chứ đừng mong chờ các ngoại lực.
3. Khi có người thân sắp lâm chung, cần ân cần giảng giải, vỗ về, an ủi họ bình tĩnh đón nhận cái chết; cho họ biết sau khi chết sẽ thấy những cảnh tượng ra sao, như Luận vãng sinh mô tả…để họ có tâm thế chủ động đón nhận cái chết. Khi họ chết, trước hết người thân phải rất bình tĩnh, phủ tấm vải để người chết được yên tĩnh như ngủ, và nói chuyện với họ những điều như trong Luận vãng sinh đã nêu…(Đối với người chết bất thường, trong đó có hướng dẫn riêng).
4. Người thân không nên khóc lóc, kèn trống ầm ĩ, ăn uống ồn ào ở gần người chết, tránh gây cho họ sự hoảng sợ, hoang mang …hoặc tham luyến, sân hận…càng khó bề siêu thoát.
5. Luận vãng sinh đã cho biết những cơ sở của việc cúng 3 hoặc 4 ngày, cúng thất tuần (7x7 = 49 ngày) cho người chết. Đặc biệt giai đoạn 49 ngày, giai đoạn của đầu thai, chuyển kiếp là hết sức khẩn thiết, quan trọng đối với người chết. Đó vẫn là cơ hội tiếp tục khai thị cho thần thức có thể giác ngộ siêu thoát, hoặc tìm thấy khả năng đầu thai vào cõi đỡ đau khổ hơn…
6. Luận vãng sinh không phải Kinh Phật. Đó là những điều do các Lạt ma Tây Tạng – bằng tu tập lâu dài, có khả năng siêu việt - nhìn thấy, nghe thấy, hiểu được tất cả những gì diễn ra trong quá trình con người chuyển tiếp từ lúc lâm chung – chết – sau chết 49 ngày, và họ viết ra Luận này để cứu độ vong linh người chết, hy vọng còn cơ hội siêu thoát, hoặc tái sinh vào cõi đỡ tồi tệ hơn. Đối với “người trần, mắt thịt” chúng ta, thật khó hiểu, khó tin vào những điều đó. Nhưng dẫu không tin, ta cũng thấy tất cả những gì trong Luận này nhắm đến, không có hại gì, mà thật sự thấm đậm tính nhân văn cao cả, sâu sắc đối với cả người sống lẫn người chết.

Hà Nội, ngày 20 – 10 – 2013
MVT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Uông Trí Biểu (1991), Nhìn Phật giáo qua Khoa học (Dịch giả: Thích Tuệ Đăng), NXB Phật giáo, TP Hồ Chí Minh.
2. Jean Franois & Mathieu Ricard (2002), Văn minh phương Đông và phương Tây – Đối thoại giữa Triết học và Phật giáo, NXB TP Hồ Chí Minh.
3. Thích Ấn Thuận (1992), Phật pháp khái luận, NXB Đại học và GDCN, HN.
4. Thích Thanh Tứ (1993), Bước đầu học Phật, NXB Thành hội Phật giáo, TP Hồ Chí Minh.
5. Một số trang web:
- http://xn--khoahcvietnam-7w2g.com/
- phật học online
- phatphap.com
- phatphap online.net
- Phapgioi.com
- Buddhismtoday.com
-….
ĐỌC THÊM
VẬT LÝ LƯỢNG TỬ CHỨNG MINH ĐƯỢC "CÕI ÂM" TỒN TẠI?
Cập nhật: 11/17/2013 - Số lượt đọc: 78

Hầu hết các nhà khoa học có thể cho rằng, khái niệm "thế giới bên kia" hoặc vô nghĩa hoặc không thể chứng minh được. Tuy nhiên, một chuyên gia tuyên bố đang có trong tay bằng chứng vật lý lượng tử xác thực sự tồn tại của "cõi âm".
Giáo sư Robert Lanza đến từ Trường Y, Đại học Wake Forest (Mỹ) bắt đầu lý giải của mình bằng cách trích dẫn thuyết lấy sự sống làm trung tâm (biocentrism), vốn coi cái chết như chúng ta biết chỉ là một ảo giác của ý thức con người.
"Chúng ta đều nghĩ, cuộc sống chỉ là hoạt động của cácbon và một hỗn hợp các phân tử. Chúng ta chỉ sống một thời gian và sau đó thối rữa vào đất", trích tuyên bố của ông Lanza trên website của mình.
Theo ông Lanza, là con người, chúng ta đều tin vào cái chết vì "chúng ta được dạy ai cũng sẽ chết", hay cụ thể hơn là, nhận thức của chúng ta gắn sự sống với cơ thể, trong khi cơ thể chắc chắn sẽ chết. Tuy nhiên, thuyết biocentrism của ông Lanza coi cái chết có thể không phải là dấu chấm hết như chúng ta nghĩ.
Thuyết biocentrism cho rằng, sự sống và sinh vật học là trung tâm của hiện thực và rằng, sự sống tạo ra vũ trụ, chứ không phải ngược lại. Thuyết này cũng nêu, ý thức của con người quyết định hình dáng và kích cỡ của các vật thể trong vũ trụ. Ông Lanza lấy ví dụ: khi một người ngắm nhìn bầu trời xanh và được nói màu mà họ nhìn thấy là xanh dương, nhưng các tế bào trong bộ não người có thể được biến đổi để khiến bầu trời trông như màu xanh lục hoặc đỏ.
Nếu nhìn vũ trụ từ quan điểm của một người ủng hộ thuyết biocentrism, ta sẽ thấy không gian và thời gian không vận động như cách nhận thức thông thường của chúng ta. Nói một cách khác, không gian và thời gian "đơn giản là các công cụ của trí óc con người". Nếu thuyết này được chấp nhận, điều đó có nghĩa là cái chết và quan điểm về sự bất tử tồn tại trong một thế giới không có ranh giới tuyến tính và không gian.
Tương tự, các nhà vật lý lý thuyết tin hiện tồn tại vô số vũ trụ với các bản sao biến thể khác nhau về dân số và tình huống diễn ra đồng thời. Theo ông Lanza, khi chúng ta chết ở thế giới này, sự sống của chúng ta sẽ nảy nở ở một vũ trụ khác. Ông viện dẫn một thí nghiệm nổi tiếng về sự phân đôi để chứng minh quan điểm của mình.
Trong thí nghiệm, khi các nhà nghiên cứu cho một hạt đi xuyên qua 2 khe hở trong một rào chắn, hạt này hành xử như một viên đạn và đi xuyên qua khe hở này hoặc khe hở khác. Nhưng nếu một người không quan sát hạt, nó hành xử như sóng, đồng nghĩa với việc nó có thể đi xuyên cả 2 khe hở cùng một lúc.
Ví dụ trên cho thấy, vật chất và năng lượng có thể chứa đặc tính của cả hạt và sóng. Và các biến đổi về hành vi của hạt phụ thuộc vào cảm nhận cũng như ý thức của người.

Mạc Văn Trang

Tư liệu: Ảnh nhà quan đầu thế kỷ 20

Bức ảnh về gia đình ông Ngô Đình Khả - quan Thượng Thư Bộ Lễ kiêm Phụ Đạo Đại Thần và là cố vấn của vua Thành Thái.


* Gia đình ông Khả có 9 người con:

(Con của vợ đầu):

- Tổng đốc Ngô Đình Khôi.

- Ngô Đình Thị Giao.

(Con của vợ hai):

- Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục.

- Tổng thống Ngô Đình Diệm.

- Ngô Đình Thị Hiệp (thân mẫu Hồng y Nguyễn Văn Thuận).

- Ngô Đình Thị Hoàng (thân mẫu của vợ nghị sĩ Trần Trung Dung).

- Ngô Đình Nhu.

- Ngô Đình Cẩn.

- Ngô Đình Luyện.

(Ảnh chụp khoảng năm 1905).

Fact: Ngô Đình Khả (1850–1925) là một quan đại thần nhà Nguyễn. Năm 1905 ông thăng chức Tổng quản Cấm thành, bảo vệ vua Thành Thái. Năm 1907, lúc ông đương kim phụ chánh tại triều, vua Thành Thái có hành vi chống Pháp nên bị chính quyền Bảo hộ dưới sự vận động của khâm sứ Ferdinand Lévecque đòi truất vua Thành Thái và đày vua Thành Thái sang châu Phi, lấy cớ nhà vua bị bệnh tâm thần. Lúc đó tại triều hầu hết các đại thần đều ký vào thỉnh nguyện đó. Chỉ riêng có quan phụ đạo đại thần Ngô Đình Khả nhất quyết không chịu ký tên. Vì vậy dân gian có câu truyền: "Đày vua không Khả. Đào mả không Bài."

Sau việc đó, vua Thành Thái bị Pháp đầy ra đảo Réunion. Còn ông Ngô Đình Khả cũng xin từ chức Thượng thư về sống ẩn dật trong trang trại tại Huế, mất năm 1925.

Nguồn: Lam Khac Van - Lịch sử hiện đại: Chiến tranh và cách mạng

Ảnh chụp ở giữa là ông Ngô Đình Khả, bên trái là bà Phạm Thị Thân bế cô con gái nhỏ là Ngô Đình Thị Hiệp, áo trắng ngoài cùng là cô con gái lớn Ngô Đình Thị Giao, kế cạnh ông Khả là các con trai Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Khôi.

Thursday, July 30, 2020

Xe đò miền Nam

CHIẾC XE ĐÒ DESOTO NIỀM TỰ HÀO CỦA NHỮNG TAY THỢ LÀNH NGHỀ TẠI MIỀN NAM


(Cám ơn anh Đinh Trực nhắc lại bài viết này . Nay mang ra chia sẻ lại cho mọi người xem để nhớ . Dành cho lớp người xưa , và để biết dành cho lớp người mới chưa sống tại Saigon trước và sau năm 1975 )...

Chiếc xe đò ngày xưa trông rất chắc chắn , hùng dũng , và cũng rất màu mè bay bướm , và nó cũng rất cải lương đó là đặc tính của người miền Nam , đã thổi hồn mình vào hình dáng của chiếc xe ...
Ngày trước phần nhiều các loại xe trừ xe du lịch (xe hơi 4 chổ) đều do các tay thợ người Việt mình đóng ..như cyclo , ba bánh , ba gác, thùng xe lam , thùng xe cam nhông(xe tải) và đáng kể nhất là thùng xe đò !
Thời đó chính phủ chỉ nhập những bộ phận chính của chiếc xe như sắc xi (dàn gầm) . Máy nổ (máy 354) . Kèn,đèn, võ ruột , hệ thống tay lái .v.v.....
Còn lại những cái gì mà người Việt làm được thì không nhập . Như xắc xi xe (giờ gọi là khung) nhập nước ngoài về nó rất mõng manh , thợ đồng phải dùng sắt chữ U chữ H kẹp thêm cho chắc chắn . Khung thùng xe thì dùng sắt chữ u phía trong còn cặp thêm gổ bằng các loại cây quí như : vên vên , căm xe, sao, sến , muốn có đường cong mềm mại họ phải hơ lửa uốn từ từ , hình thành một chiếc xe đò phải qua bàn tay của thợ sắt , thợ đồng , thợ mộc , thợ hàn , thợ sơn , thợ máy , thợ gầm , thợ điện , thợ may và luôn cả anh thợ vẽ chữ ! Sau năm 75 cũng có một thời gian ngắn tui cũng cầm cọ vẽ chữ cho xe đò kiếm sống ,
Và có một điều chắc chắn là trong những bàn tay để hình thành chiếc xe đò chắc hỏng có mấy anh kỹ sư . Hình dáng chiếc xe đò ban đầu là cái cabin dài , rồi dần dần thành cái ca bin ngang đẹp lộng lẫy nhất là về đêm , ngoài 2 hoặc 4 cái đèn pha ,cos phía trước , và hai bóng đèn nháy nhỏ ..trên nóc mui xe còn thêm 5-6 bóng đèn màu xanh, vàng,đỏ loại đèn kiểu như tàu bay , chưa kể những xe chạy miệt cao nguyên , đường dốc , đèo , núi còn trang bị thêm một hai bóng đèn pha màu vàng sậm, loại đi sương mù gắn thêm phía dưới cảng trước .
Ngay cả việc sơn xe thôi là cả một kỳ công với những đường chỉ viền sắc lẹm , bén ngót . Nhiều màu sặc sỡ .
Chưa chắc gì những chiếc xe đò tiền tỉ thời bây giờ qua được sự chắc chắn của chiếc xe đò ngày trước ..Và có một điều là hầu như ngày xưa xe đò không bị cháy bậy vì lý do vớ vẫn là chạm điện hoặc cháy vì không rỏ lý do !
Hầu như các hãng xe đò đều có một xưởng đóng thùng xe để đóng mới và sơn sửa cho xe của hãng mình , ngoài ra còn có khá nhiều xưởng mồ côi để đóng xe cho những tiểu chủ có một hoặc vài chiếc xe đò , các xưởng đều tập trung nhiều nhất là tại vùng Phú Lâm đường Lục Tỉnh ,Hậu Giang , Mũi Tàu Q6 và vùng Hàng Xanh , Xa Lộ. Gia Định ...
Những ai trưởng thành trước và sau năm 75 chắc hảy còn nhớ hình ảnh những chiếc xe đò Bắc Nam đậu trên bến xe Petrus Ký . Trên mui chở đầy hàng hoá nặng nề như xe Honda,xe đạp, máy may .v.v...chưa kể hàng hoá xách tay bên trong mui hành khách , vẫn bon bon vượt qua những ngọn đèo , quanh co , uốn lượn của vùng đồi núi trên dãi đất miền Trung , tiêu biểu là đèo Hải Vân hùng vĩ ....
Tiếc rằng vì nhiều lý do , mà vô hình trung đất nước mất đi một ngành nghề với nhiều người thợ kinh nghiệm mà có lẻ lâu lắm mới đào tạo lại , chưa chắc gì được như ngày xưa ...

Trần Ngọc Hiếu

Monday, July 27, 2020

Những ngôi đền ở Abu Simbel

Tuy không nổi tiếng như các kim tự tháp, nhưng khu đền Abu Simbel là 1 công trình cổ đáng kinh ngạc với hàng nghìn năm tuổi, nằm ở một góc xa xôi của Ai Cập gần biên giới Sudan.
Việc xây dựng quần thể đền kéo dài trong khoảng 20 năm, cho đến năm 1244 trước Công nguyên mới hoàn tất. Ngôi đền lớn dành riêng cho Pharaoh Ramses II và một ngôi đền nhỏ hơn cho vợ của ông, Nữ hoàng Nefertari. Các ngôi đền được tạc trên sườn núi, dưới triều đại thứ 19 của triều đại Ramesses II.

Đền Lớn

Đền Lớn (Great temple) còn được dành cho các vị thần Amun, Ra-Horakhty và Ptah, cũng như cho chính Ramesses thần thánh. Nó thường được coi là lớn nhất và đẹp nhất trong số các ngôi đền được xây dựng trong triều đại của Ramesses II, và là một trong những ngôi đền đẹp nhất ở Ai Cập.
Mục đích của công trình này là để ăn mừng chiến thắng của Vua Ramesses II, trước người Hittites trong trận Kadesh năm 1274 trước Công nguyên, được cho là một trong những trận chiến với những cỗ xe ngựa lớn nhất trong lịch sử.

Cách đó không xa là ngôi đền thờ nữ thần Hathor và hoàng hậu Nefertari. Mặt tiền của đền là tượng Pharaoh Ramesses II và hoàng hậu Nefertari, mỗi tượng cao khoảng 10m. Theo truyền thống của người Ai Cập cổ thì tượng hoàng hậu không được cao hơn đầu gối của Pharaoh. Tuy nhiên, Nefertari là người vợ mà Ramesses II yêu thương nhất, chính vì vậy ông đã phá lệ.

Khác với ngôi đền uy quyền của chồng, đền thờ Nefertari mềm mại và duyên dáng với những bức bích họa ca ngợi vẻ đẹp của bà và tình yêu lãng mạn giữa bà và Ramesses II. Màu sắc trên trang phục quyến rũ của Nefertari còn tồn tại cho tới ngày nay. Nefertari được thờ cùng với Hathor - nữ thần của âm nhạc, niềm vui và tình yêu. Nữ thần này được coi là chủ nhân của ngôi đền và là hiện thân của hoàng hậu Nefertari.

Với thời gian trôi qua, những ngôi đền rơi vào tình trạng hoang phế và dần dần bị bao phủ bởi cát. Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, cát đã phủ đến đầu gối của các bức tượng ở mặt trước của Đền Lớn. Khu đền đã bị vùi lấp hoàn toàn trong cát cho đến khi được một nhà thám hiểm Thụy Sĩ (Johann Ludwig Burckhardt) khám phá phần đỉnh cao của nó vào năm 1813, dù vậy, không ai có thể tìm thấy lối vào cho đến khi nó được khai quật vào năm 1817.

Toàn bộ 2 ngôi đền đã phải di chuyển vào năm 1968 như là một phần của dự án khổng lồ của UNESCO để cứu nó khỏi bị ngập và bị phá hủy bởi công trình xây đập Aswan.

Mô hình di dời để bảo vệ 2 ngôi đền

Đền Abu Simbel hiện nay

Hiện nay, những bức tượng của vị vua ngồi bên bờ phía Tây của hồ Nasser, giống hệt như cách đây 3.000 năm. Lối vào duy nhất được bao quanh bởi bốn bức tượng khổng lồ, cao 20m (66 ft), mỗi bức tượng đại diện cho Ramesses II ngồi trên ngai vàng và đội vương miện đôi của Ai Cập. Bức tượng ở bên trái ngay lối vào đã bị hư hại trong một trận động đất xảy ra (10 năm sau khi hoàn thành), khiến đầu và thân bị rơi ra; những mảnh rơi này không được phục hồi cho bức tượng trong quá trình di dời mà được đặt dưới chân bức tượng ở những vị trí ban đầu được tìm thấy. Bên cạnh chân của Ramesses là một số bức tượng khác, nhỏ hơn, không cao hơn đầu gối của pharaoh, miêu tả: vợ chính của ông, Nefertari Meritmut; mẹ hoàng hậu Mut-Tuy; hai con trai đầu của ông, Amun-her-khepeshef và Ramesses B; và sáu cô con gái đầu lòng của ông: Bintanath, Baketmut, Nefertari, Meritamen, Nebettawy và Isetnofret.

Những bức tượng ở lối vào Đền Lớn

Cát bụi thời gian đã cuốn trôi nhiều thứ nhưng Abu Simbel vẫn là minh chứng cho quá khứ huy hoàng của 1 nền văn minh vĩ đại.

Các đền thờ đá khổng lồ tại Abu Simbel, tên một ngôi làng nằm cách Aswan khoảng 230 km về phía Tây Nam, là khu phức hợp (thuộc về một phần) của Di sản Thế giới được UNESCO gọi là "Di tích Nubian", chạy từ hạ lưu Abu Simbel đến Philae (gần Aswan).

Trong triều đại của mình, Ramesses II bắt tay vào một chương trình xây dựng rộng khắp Ai Cập và Nubia, nơi Ai Cập kiểm soát. Nubia rất quan trọng đối với người Ai Cập vì đây là nguồn vàng và nhiều hàng hóa thương mại quý giá khác. Do đó, ông đã xây dựng một số ngôi đền lớn ở đó để gây ấn tượng về sức mạnh của người Ai Cập và thực hiện mục đích Ai Cập hóa người Nubia.

Text: mix từ nhiều nguồn

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chủ động thiết lập quan hệ Việt - Mỹ

Trên chính trường thế giới, người Mỹ luôn đánh giá thấp VN và sau đó mới nhận ra: họ đã sai lầm. 1 sai lầm đáng tiếc mà người Mỹ đang thay đổi trong tình hình cùng chung 1 kẻ thù là Tàu-BK phải tập trung toàn lực, sức mạnh toàn diện/toàn cầu mới có thể hạ được con quái vật mang tên chinazi này.

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chủ động và nhiệt thành mở đường cho quan hệ Việt - Mỹ.
Tiếc là do hoàn cảnh lịch sử, sự nhiệt thành của Người chưa trở thành hiện thực ngay thời bấy giờ, nên cả hai nước đã phải trải qua những trang sử đau thương trước khi trở thành đối tác quan trọng của nhau.

Chủ động tiếp xúc với OSS

Năm 1941, sau khi trở về nước lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức được vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với nền chính trị thế giới và khu vực, vì vậy đồng thời với xây dựng lực lượng cách mạng, Người đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với lực lượng Mỹ đồn trú ở Trung Quốc.

Tháng 2 năm 1945, sau khi lực lượng Việt Minh cứu được Trung úy phi công Mỹ là William Shaw (máy bay của viên phi công này bị quân đội Nhật Hoàng bắn rơi ở Việt Bắc), Hồ Chí Minh đã trực tiếp đưa viên phi công sang trao trả cho Bộ Tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam. Người đã gặp, trao đổi với tướng Chenault, Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc và thiết lập được mối quan hệ với Mỹ và các lực lượng Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chủ động và nhiệt thành thiết lập quan hệ Việt - Mỹ

Thông qua các cuộc tiếp xúc của Người, Cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ (tiền thân của CIA) đã giúp đỡ Việt Minh điện đài, thuốc men và vũ khí nhẹ… Tuy đây chỉ là sự giúp đỡ mang tính tượng trưng, nhưng đã mở ra sự giúp đỡ của các nước đồng minh đối với cách mạng Việt Nam.

Ngày 29/8/1945, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Archimedes L.A.Patti (Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược OSS ở Hoa Nam) là người nước ngoài duy nhất được Hồ Chí Minh mời nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập và trao đổi về một số chủ trương, kế hoạch tương lai của Việt Nam. Trong đó có việc tổ chức ngày Lễ tuyên bố Độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Không những vậy, L.A.Patti là một trong số ít người nước ngoài được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng nhất của quốc gia, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ".

Cho nên không phải ngẫu nhiên, những dòng đầu tiên bản Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích từ nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo vệ nền độc lập non trẻ, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã xác định: “Đối với Mỹ, việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả, cần phải nhanh chóng tiến tới để Mỹ chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hòa với chúng ta”.

Trên quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với Chính phủ Mỹ. Sau khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội, Người ưu tiên dành thời gian tiếp xúc, trao đổi với các sỹ quan Mỹ ở Hà Nội như thiếu tá Thomas, thiếu tá Archimedes L.A.Patti… để chuyển thành ý của Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Tổng thống Harry Truman và các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ.

Những bức thư của Người gửi tới Mỹ

Để xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ lâu dài, trên nhiều lĩnh vực, ngày 1/11/1945, trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn “gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Qua đó cho thấy sự khéo léo và tầm nhìn của Người trong quan hệ với Mỹ.

Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman. Người đã cảnh báo về “những hệ lụy đối với an ninh thế giới từ sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam”.

Bức thư cũng thể hiện sự đồng tình ủng hộ của Việt Nam với quan điểm Tổng thống Mỹ về nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc: “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28/10/1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”.

Cuối thư, Người bày tỏ hy vọng “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Tiếp đó, trong thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Chỉ sau hơn 1 năm đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu tình hình Đông Dương, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương”. Qua đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Nhưng có lẽ do cân nhắc giữa mối quan hệ với “đồng minh chiến lược” của Mỹ khi đó là Pháp với việc ủng hộ một Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập và đang phải đối mặt với “muôn vàn gian khó”, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nên Tổng thống Harry Truman đã chọn giải pháp im lặng trước tình cảm nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nước Mỹ.

Vì vậy mối quan hệ Việt - Mỹ đã rẽ sang một hướng khác đầy chông gai. Mỹ đã tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Sau khi Pháp thua trận, Mỹ trực tiếp can dự, đưa quân xâm lược Việt Nam (1954 - 1975). Tiếp đến là thời kỳ Mỹ thực hiện bao vây, cấm vận Việt Nam (1975 - 1994). Có thể nói đây là giai đoạn lịch sử bi thương nhất trong quan hệ Việt - Mỹ.

Điều tất yếu đã diễn ra

Nhưng rồi trước xu thế hội nhập, và vai trò vị trí của nước này đối với sự phát triển và thực hiện các mục tiêu chiến lược của nước kia; trước yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng của mỗi nước, của khu vực và thế giới, cái gì đến rồi cũng phải đến. Và điều tất yếu đã diễn ra, ngày 12/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới tốt đẹp cho quan hệ giữa hai nước.

Cách đây 5 năm, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trích Truyện Kiều rất hợp người, hợp cảnh khi kết thúc bài diễn văn mừng kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ trong tiệc chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao nước chủ nhà (nằm trong chương trình chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư tháng 7/2015), bằng 2 câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Nguyễn Huy Viện

Sunday, July 26, 2020

Ảnh đẹp: Vừa update

Chụp chung với vc cậu em và cháu nội.

Vc thằng em ghé thăm nhà, kỷ niệm thời khốn khó ập về và tôi rất mừng nó đã thành đạt.

Thục trung vô đại tướng

Vào cuối đời Thục Hán, các danh tướng như Quan, Trương, Mã, Hoàng, Triệu, Nguỵ đều lần lượt qua đời. Các đại tướng lớp thứ hai như Hướng Sủng, Mã Trung, Hoắc Tuấn cũng rơi rụng. Võ tướng trụ cột là Liêu Hoá, Mã Đại, Vương Bình,... Chỉ có hai tướng trẻ mới nổi là Phó Thiêm và Tưởng Thư thì một ông nông nổi, cậy khoẻ chết dại dột. Một ông thì quá khôn ngoan mà thành hèn nhát mở cửa ải đầu hàng giặc. Thi sĩ đời sau than thở
“Thục trung vô đại tướng
Liêu Hoá lĩnh tiên phong”
Ý nói Thục Hán thiếu nhân tài mà phải dùng tới Liêu Hoá. Nói như vậy có phần bất công với Liêu Hoá. Quan Vũ xuất thân là cửu vạn, từng làm mã cung thủ hầu cận quan huyện, Trương Phi bán thịt, trải làm bộ cung thủ rồi mới thành danh tướng. Liêu Hoá xuất thân là giặc Khăn Vàng, theo Quan Vũ khi đã làm tướng cướp, trẻ nhất cũng phải 16 tuổi vào năm 201. Quan Vũ thất thế bị vây ở Mạch Thành, sai Liêu Hoá phá vây xin cứu viện vào năm 2020. Liêu Hoá trẻ nhất cũng là 36 tuổi. Như vậy thời Khương Duy cửu phạt Trung Nguyên, Liêu Hoá cũng gần 80 không thể lĩnh ấn tiên phong. Thời Gia Cát lượng Lục Xuất Kỳ Sơn, Liêu Hoá là U50 sức lực đang thịnh, kinh nghiệm cũng chín. Nhưng khi đó ấn tiên phong do Nguỵ Diên và Mã Trung thay nhau giữ, Hoá không có cửa làm tiên phong.
Như vậy Liêu Hoá có thể làm tiên phong giai đoạn Tưởng Uyển và Phí Vĩ làm Đại tướng quân kiêm Thừa tướng. Khi đó Hoá khoảng U60-U70, như ngày nay chúng ta nói là hết tuổi quy hoạch. Điều kiện sinh hoạt y tế thời đó người tuổi đó càng lụ khụ. Tất nhiên Liêu Hoá cũng như Liêm Pha, Hoàng Trung vẫn có thể ra trận nhưng giá có được tướng trẻ vẫn hơn. Vì vậy, câu nói trên không hàm ý chê Liêu Hoá kém tài mà ý nói Hoá đã già mà nhân tài trẻ chưa mọc. Đó cũng là tội của Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Phí Vĩ không biết bồi dưỡng nhân tài. Trong bài Xuất sư biểu Gia Cát Lượng có than phiền nhân tài theo Lưu Bị từ Trung Nguyên ngày một thưa thớt, nên không nhanh chóng thu phục Trung Nguyên, Thục sẽ mỗi ngày một yếu, hết hi vọng phục hồi Hán thất.
Thực ra, khi Lưu Bị thu phục Ích Châu, nhân tài trong Thục còn đông như kiến. Văn có Trương Tùng, Pháp Chính, Bành Dạng, Hứa Tĩnh, ... võ có Hoắc Tuấn, Trương Nhiệm, Nghiêm Nhan,... Kiêm tài văn võ có Lý Nghiêm, Mạnh Đạt, Hoàng Quyền, Mã Trung,... Bị lấy được Hán Trung là do dùng được nhân tài Ích Châu và các tướng cũ một cách hài hoà. Lượng, Uyển, Vĩ có vẻ như không những không dùng được nhân tài cũ của Ích Châu mà còn không tài bồi được người trẻ, nên Thục sụp đổ là đáng lắm.
Nhiều người tiếc là giá Quan Trương Hoàng Mã còn sống thì nhà Thục Hán sẽ mạnh. Thể chế phụ thuộc vào vài ba người cũng như đội bóng phụ thuộc vào 1-2 siêu cầu thủ là thế chế, đội bóng sớm muộn cũng thất bại. Thời Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải hình thức tác chiến đã khác. Lớp trẻ đều đã xuất sắc hơn, đồng đều hơn, chiến đấu có binh pháp, mưu mẹo nên không có siêu thủ kiểu chém tướng trước trận, hay phục binh chẹn đường hẻm đổ máu dê máu chó. Xem như Văn Ương dũng mãnh có kém gì Triệu Vân, Mã Siêu, nhưng đến thời đó cũng chỉ múa may như một tên vũ phu trước mưu mẹo của Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu. Vũ hay Phi còn sống cũng lạc hậu mà thôi. Vì thế đào tạo lớp trẻ là quan trọng và không thể ăn này dĩ vãng lấy thước đo của thế hệ cũ làm tiêu chuẩn đào tạo.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Saturday, July 25, 2020

TRUYỆN VUI CUỐI TUẦN – HÉTVÉGI VICCEK (No. 232)

Toi rồi

Chiều tối muộn, anh quản lý trẻ đang chuẩn bị rời văn phòng về nhà thì thấy tổng giám đốc đang trầm ngâm đi đi lại lại bên cạnh chiếc máy hủy tài liệu, với một tờ giấy trong tay.
Sếp nói với anh ta với giọng đầy lo lắng:
- Đây là một tài liệu rất nhậy cảm, quan trọng, mà nữ thư ký của tôi lại về nhà rồi. Anh có thể bật máy lên giúp tôi không?
- Dạ có ạ - chàng trai trẻ nói, và rất mừng là có dịp ghi điểm với sếp. Anh ta bật máy, bỏ tờ giấy vào, và nhấn nút khởi động.
- Rất cám ơn anh! – sếp nói – Anh cho tôi hai bản nhé!
------------

Ez nem jött be

A fiatal menedzser késő este éppen indulna haza az irodából, amikor látja, hogy a vezérigazgató az iratmegsemmisítő mellett téblábol egy papírral a kezében.
A főnök aggódó arckifejezéssel így szól hozzá:
- Ez egy nagyon kényes, fontos dokumentum, és a titkárnőm már hazament. Be tudja nekem kapcsolni?
- Természetesen - mondja a fiatal srác, és örül, hogy jó pontot szerez a főnöknél. Bekapcsolja a gépet, belerakja a papírt, és megnyomja az indítógombot.
- Nagyon köszönöm! - mondja a főnök - Két másolatot szeretnék!

Nguyễn Ngô Việt (DEBRECEN.vidi73)

Friday, July 24, 2020

Meet anh Ngọc

Anh Ngọc vẽ rất đẹp. Đây là điều vô cùng bất ngờ với riêng tôi vì dù biết anh từ hồi học bên Hung, gần đây tôi mới biết: chủ doanh nghiệp sx bao tay cao su còn là 1 họa sĩ tài năng. 
Hôm nay tôi mới được tận mắt xem tranh của anh Ngọc vẽ.

Lối vào khu họa thất

Góc sáng tác

Góc vẽ của gia chủ

Góc đồ nghề

Tác phẩm của gia chủ-01 (Home Gallery)

Tác phẩm của gia chủ-02 (Home Gallery)

Mấy chai này gia chủ đãi để giải khát bữa trưa sau khi đã thưởng thức no nê các tác phẩm của doanh nhân thành đạt.

Từ câu chuyện học luật ở Harvard đến luyện tập Pháp Luân Công

Nguyễn Hoàng Khánh: Pháp luật có thể trừng phạt, nhưng đạo đức mới cứu chuộc được tâm hồn

✨Khi học đại học, em mong muốn được làm trong các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc. Nhưng khi vào Harvard, năm thứ nhất khi đã được vào thực tập trong Ngân hàng Thế giới rồi, em lại thấy mình cần làm nhiều hơn nữa, ví dụ như mơ ước làm đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp chẳng hạn”.

✨Nguyễn Hoàng Khánh là sinh viên Việt Nam xuất sắc đang theo học tại trung tâm học thuật hàng đầu thế giới. Trải qua bài thi LSAT (Law School Admission Test) dành cho các học sinh ngành Luật dài gần 5 tiếng, trong đó yêu cầu rất nhiều kĩ năng đọc hiểu nhanh và suy luận logic về tất cả các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, xã hội và pháp luật, cùng bài luận chính về thách thức và cơ hội của hệ thống pháp luật Việt Nam khi tham gia TPP, Khánh đã nhận được hỗ trợ tài chính 80% của Đại học Harvard, Hoa Kỳ cho chương trình Juris Doctor (hệ cử nhân Luật).

Ở Mỹ, để học ở trường Luật, sinh viên phải tốt nghiệp một đại học khác trước đó, nên trước khi nộp hồ sơ vào Harvard, Khánh đã đăng ký học ngành Tâm lý học, chuyên ngành phụ là Kinh tế và Triết học tại đại học St. John’s, New York, Hoa Kỳ. Tại đây, Khánh đã nhận được học bổng 100% Presidential Scholarship khi vào trường và là một trong ba sinh viên được nhận bằng khen của hiệu trưởng với điểm tốt nghiệp 3,93/4 (điểm trung bình gần tuyệt đối). Cùng với những đóng góp tích cực cho hoạt động của trường, Khánh được vinh danh và tiếp tục được cấp thêm học bổng 100% cho chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh về Tài chính.

Ngôi trường danh giá nhất thế giới có gì đặc biệt với Khánh?

Tất cả giáo sư trong trường đều là những chuyên gia đầu ngành của họ. Họ là những người có kinh nghiệm thực tiễn, là những luật sư thành công nổi tiếng, chứ không phải chỉ chuyên nghiên cứu, nên những vấn đề được đưa ra bàn luận trong các lớp học vô cùng chuyên sâu (Tại sao chúng ta có nhà nước toà án? Luật đặt ra nhằm mục đích gì? Những luật như thế có tốt hay không? Nếu không thì dựa vào đâu để xây dựng những bộ luật như thế?…).

Các bạn sinh viên quanh em thì thông minh sáng dạ, lý luận sắc sảo, đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, nên em có thể học hỏi được rất nhiều. Độ tuổi trung bình của sinh viên trường Luật Harvard là 27, rất nhiều người đã đi làm nhiều năm hay thậm chí đã có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực khác. Và cơ sở vật chất thì không có gì để chê. Mỗi buổi trưa, các câu lạc bộ trong trường đều tổ chức rất nhiều sự kiện và mời các diễn giả, chuyên gia về từng lĩnh vực đến chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm của mình. Ở mỗi sự kiện đó đều có thức ăn đồ uống miễn phí cho học sinh nên sinh viên Luật ở Harvard cũng không phải lo về ăn uống, ngủ nghỉ. Em hay nói đùa với mẹ em rằng đi học ở đây sướng lắm, sinh viên chẳng phải lo việc gì ngoài việc học.

Nhưng chương trình học cho năm đầu rất nặng, môi trường học cực kỳ cạnh tranh, điểm ở trong lớp phụ thuộc vào mặt bằng chung, khả năng của mình so với các bạn xung quanh. Thông thường, như tất cả các ngành học khác, nếu mình làm đúng trong các môn thì mình sẽ được 10 điểm, riêng các trường luật ở đây không thế. Ví dụ, có thể sẽ chỉ luôn có 15% bài thi tốt nhất được điểm A, 30% được điểm B rồi dần dần xếp xuống.

Các công ty tuyển dụng sẽ dựa vào thang điểm đó, vì họ biết điểm này đã dựa trên sự so sánh lẫn nhau giữa các sinh viên. Điều đó tạo thành áp lực cạnh tranh đối đầu rất lớn. Trong năm học của em đã có một bạn học sinh tự tử vì môi trường căng thẳng quá. Và rất nhiều bạn học sinh xung quanh em không thể tận hưởng cuộc sống một cách bình thường.


🍃Em chinh phục đỉnh cao mới trong sự nghiệp học hành ở Harvard như thế nào?

Trước đây học ở đâu, trường nào em cũng phải là một trong những người đứng đầu lớp. Khi em nhận được vào Harvard, em đã nghĩ đây là một trong những môi trường tốt nhất về mặt học thuật rồi, mình sẽ không cần quá căng thẳng tranh đấu, không cần quan trọng về thứ bậc. Những tưởng như vậy, nhưng cuối cùng, em dễ dàng bị cuốn vào cuộc đua khốc liệt bào mòn về thể chất cũng như tinh thần.

Như khi học đại học, em mong muốn được làm trong các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc. Nhưng khi vào Harvard, năm thứ nhất em đã vào thực tập trong Ngân hàng Thế giới rồi, em lại thấy mình cần làm nhiều hơn nữa.

Em như bị cuốn vào vòng xoáy không ngừng nghỉ. Vô hình trung tạo thành áp lực cho bản thân cực kì lớn. Em luôn có tâm lý phải đạt được thành tích cao nhất có thể trong mọi việc mình làm. Ví như khi tốt nghiệp ra trường thì cũng phải đi làm trong những công ty luật danh tiếng nhất, rồi khi đi làm thì lại muốn thăng tiến.

Có lúc em tự hỏi, tại sao mình lại phải khổ sở, phải dằn vặt, ép bản thân đến mức căng thẳng, cực đoan như thế? Rồi em nhận ra việc mình nỗ lực là đúng, nhưng tự tạo áp lực tới mức cực đoan thì chưa hẳn đã đúng bởi vì bản thân mình cũng không hạnh phúc. Lúc nào mới là điểm dừng của mình? Lúc nào mình mới hài lòng đây? Điều đó làm cho em suy nghĩ.


🍃Có khi nào em hoài nghi lựa chọn của mình tại Harvard?

Không ạ, khi học về Luật, em đã học được cách nhìn nhận sự việc rất thấu đáo, nhìn theo nhiều hướng. Mình không bao giờ đưa ra kết luận ngay cho đến khi mình xem xét tất cả những khía cạnh, góc độ liên quan. Chính điều đó đã giúp em tiếp nhận được những chân lý mới, và một trong số đó đã khiến em có lý giải tốt hơn về tâm tranh đấu và quá đặt nặng vào cái “danh” của mình. Thoát khỏi “gánh nặng” đó, cuộc sống của em ở Harvard đã “dễ thở” hơn rất nhiều.


🍃Chân lý mới nào đã giúp cuộc sống ở Harvard của em “dễ thở” hơn?

Hồi đại học em được học rất nhiều về triết học và tôn giáo, như kiểu trường Công giáo ở bên này. Em không phải là người theo Công giáo, em cũng đi chùa, kính Phật như bao người Việt Nam, nhưng em cũng hay tìm hiểu các câu hỏi về triết học như vì sao con người ở đây, sống để làm gì? Em cũng tìm hiểu rất nhiều hệ tư tưởng triết học, từ Hy Lạp cổ đại, Plato hay Aristote, triết học phương Đông và cả tôn giáo phương Đông, phương Tây… Dù vậy thì càng đọc em lại càng có thêm nhiều câu hỏi về chân lý cuộc đời và ý nghĩa sinh mệnh đời người rốt cuộc là gì? Sau con người thì có gì cao lớn hơn không? Về mặt khoa học thì con người biết được đến đâu, và còn điều gì chưa biết?…

Trong một dịp về nhà chơi, bà ngoại có kể cho em nghe về môn tập mà em cũng không chú ý lắm, chỉ biết đó là môn tu luyện Phật gia theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Nhưng sau đó em nhận thấy sự khác biệt rõ rệt ở bà ngoại. Trước đây, mỗi khi về nước, em đều phải mua cho bà rất nhiều loại thuốc. Từ khi tu luyện Pháp Luân Công, bà em đã khỏi hẳn bệnh đau nửa đầu, không còn mất ngủ ban đêm, không cần đến thuốc tim hay thuốc khớp mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, còn có thể tự đi một mình sang Mỹ thăm em.

Sau đó trong một lần đi mua sách Chuyển Pháp Luân cho bà ngoại ở New York, em thấy tò mò nên mở cuốn sách ra đọc, và em đã ngồi đọc ở hiệu sách 3 tiếng liền không nghỉ.

Điểm em thấy cuốn hút nhất ở trong cuốn sách đó là hệ thống tư tưởng cực kì mạch lạc xuyên suốt, mọi dẫn chứng trong đó đều rất hợp lý. Càng đọc em càng hiểu nhiều và minh bạch ra những điều trước đây mình đã học, thắc mắc và trăn trở…


🍃Với những khái niệm mà nhiều người cho là mê tín, vì sao em lại cảm thấy nó khoa học và logic?

Trước hết, không thể phủ nhận là nền văn minh nhân loại và khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, đã tạo ra được rất nhiều công cụ phục vụ đời sống con người. Tuy vậy, đồng thời, khoa học càng phát triển thì chúng ta lại càng thấy rằng hiểu biết của chúng ta về vũ trụ, không gian và thế giới xung quanh ta còn hạn chế và nhỏ bé. Quả vậy, những phát hiện của vật lý học hiện đại đã cho thấy rằng sự tồn tại của thế giới xung quanh chúng ta dường như phức tạp, và thậm chí khác xa với thế giới quan con người có thể cảm nhận được qua mắt thấy, tai nghe. Bản thân khoa học hiện đại đã khám phá ra được những điều mà nhiều người có thể coi là huyền hoặc, viễn tưởng. Ví dụ, trong thế giới lượng tử, thế giới của các hạt siêu nhỏ, một hạt vật chất dường như có thể “phân thân”, đồng thời tồn tại ở nhiều nơi cùng một lúc, hay là thông tin dường như có thể dịch chuyển tức thời.

Hay lấy một thí dụ đơn giản khác là thời gian. Chúng ta hay nghĩ về thời gian với một dòng chảy không ngừng, không thể đảo ngược, và thời gian là như nhau đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, thuyết tương đối của Einstein khẳng định rằng tốc độ của thời gian là khác nhau ở từng vị trí khác nhau và có những nơi trong vũ trụ, thời gian ngừng chảy, tạo nên các không-thời gian (spacetime) khác nhau. Tuy nhiên, khoa học của chúng ta vẫn luôn phát triển và không ngừng cập nhật. Tất cả những điều đã được khoa học công nhận này, nói ra chẳng phải là huyền hoặc hay “mê tín”?

Thứ hai, có rất nhiều thứ rõ ràng tồn tại mà khoa học phương Tây vẫn chưa dám công nhận, phần lớn vì họ chưa hiểu rõ và cũng chưa có đủ thời gian cũng như động lực để nghiên cứu. Chẳng hạn, chúng ta đã được chứng kiến tác dụng hiệu quả nhất định của Đông y, châm cứu hay là khí công. Em nhớ, hồi trước trong chương trình “Chuyện lạ Việt Nam”, có một nhà sư dùng khí công chống lại lực đâm của một mũi khoan điện lên đỉnh thái dương, hay có người dùng cây giáo đặt vào yết hầu để mà đẩy vật nặng. Các chiến sĩ bộ đội, công an Việt Nam cũng thường xuyên sử dụng khí công để rèn luyện thể chất, nâng cao sức mạnh với những hiệu quả nhất định. Vậy mà khoa học phương Tây lại không hề dám kết luận về tác dụng của khí công. Cùng với đó là sự tồn tại vô vàn những hiện tượng siêu nhiên, những người có các công năng đặc dị mà khoa học vẫn chưa thể lý giải được, như hiện tượng các nhà ngoại cảm tìm mộ ở Việt Nam hay thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp có thể sống mà không cần ăn uống trong nhiều năm liền.

Về vấn đề này, trong ngành Luật, có một khái niệm gọi là “kiến thức truyền thống,” mà các nước phương Tây đau đầu bàn cãi không biết nên bảo hộ sở hữu trí tuệ cho những kiến thức đó như thế nào, bởi vì khoa học phương Tây vẫn chưa có một cái nhìn toàn diện và hiểu biết hết về các thành tựu của khoa học truyền thống, bao gồm y học cổ truyền phương Đông.

Và cuối cùng, có thể nói Pháp lý của Pháp Luân Công không bác bỏ những điều của khoa học hiện tại, mà cho em lời giải từ hệ quy chiếu rộng lớn hơn và bổ sung được những chỗ khoa học hiện hữu chưa giải đáp được.


🍃Những lý giải mới mẻ này đã giúp em vượt qua áp lực tại Harvard như thế nào?

Tại đây vấn đề đi tìm việc làm để thực tế hóa những lý thuyết được học cũng quan trọng không kém so với kết quả học tập. Có một thời gian, khi rất nhiều bạn cùng lớp đã kiếm được công việc thực tập tốt rồi mà mình vẫn giậm chân tại chỗ. Lúc đó em đã thấy rất ghen tỵ với họ, thấy bản thân mình thật kém cỏi.

Nhưng rồi, tĩnh lại, em nhớ đến những lời dạy trong Chuyển Pháp Luân, cần hành xử theo Chân Thiện Nhẫn, em đã nhìn vào nội tâm mình và cảm thấy mình đang bị ham muốn và suy nghĩ tiêu cực dẫn dắt. Tại sao mình cứ băn khoăn lo lắng và ép bản thân phải là số một. Khi mình luôn muốn hơn người khác thì sẽ sinh ra tâm tranh đấu, đố kỵ, nếu thành công thì sẽ tự mãn. Đều là những việc làm hao tâm tổn sức, không Thiện mà cũng chẳng Nhẫn.

Khi nghĩ như vậy, em bỗng nhiên xin được việc một cách dễ dàng. Em xin được cả 2 công việc tốt trong mùa hè, một là làm cho Accion International, một tổ chức phi lợi nhuận đa quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo, người có thu nhập thấp, một việc khác là trong nửa hè còn lại em sẽ về Hàn Quốc làm cho công ty luật. Đó là một trong những công ty luật lớn chuyên đại diện cho các tập đoàn của Hàn Quốc trong việc đầu tư ra nước ngoài.

Sau lần đó, em càng nhắc nhở mình trong cuộc sống hàng ngày cần biết đối xử chân thành thiện lương với người khác, rèn tính nhẫn nại, biết “lùi” khi mâu thuẫn đến và hướng vào trong nội tâm xem mình còn điều gì thiếu sót. Đặc biệt phải loại bỏ tâm đố kỵ, lòng tham, tính tự mãn và sự cực đoan, cố gắng hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện và không quên tập 5 bài công pháp nhẹ nhàng, tĩnh tại. Tu luyện với em đơn giản chính là như vậy.


🍃Được biết nước Mỹ rất đón nhận Pháp Luân Công, vì sao vậy?

Bản thân những người tu luyện Pháp Luân Công ở xung quanh em đều có học vị cao, có những người học tiến sỹ ở MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts), có người là luật sư quốc tế. Họ đều thể hiện một nội tâm thân thiện, hoà ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Không có ai nghĩ mình có vị trí này nọ trong xã hội thì mình phải có được sự nể trọng hay sao đó. Họ đều rất khiêm nhường giúp đỡ nhau, kể cả người mới tập hay người cũ. Những công việc, tổ chức sự kiện, hội thảo tự do tín ngưỡng nào, họ cũng sẵn sàng chung tay vào làm dù họ rất bận mà không cần ai đốc thúc.

Cộng đồng dân cư và tri thức ở Mỹ rất đón nhận Pháp Luân Công. Nước Mỹ tự do về tín ngưỡng và tư tưởng, mọi thứ không vi phạm pháp luật và đạo đức đều được chào đón. Hàng năm, ở các thành phố lớn đều tổ chức diễu hành, biểu diễn của các học viên Pháp Luân Công để thể hiện vẻ đẹp của Chân Thiện Nhẫn, giúp mọi người hướng Thiện và nâng cao đạo đức. Cảnh sát hỗ trợ hết mức, các trường đại học lớn ở Boston hay MIT đều có câu lạc bộ những người tu tập Pháp Luân Công.

Cá nhân em thấy, sự đón nhận của người Mỹ là dễ lý giải. Chỉ khi nào tự họ có đạo đức cao, câu thúc trong mọi hành động, suy nghĩ thì công việc của pháp luật sẽ dễ dàng hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Và pháp luật dù có kiện toàn đến đâu, chi tiết đến đâu thì sẽ vẫn luôn có kẽ hở, không bao giờ hoàn hảo được. Bởi luật là do con người nghĩ ra sau khi đã xảy ra những việc xấu. Nó sẽ mãi chạy sau những việc xấu để giải quyết hậu quả.

🍃Pháp Luân Công lại mang đến giải pháp cải biến con người từ gốc, khiến đạo đức mỗi người được đề cao theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn. Nếu mỗi người đều có tâm Pháp để ước thúc hành vi của bản thân mình thì chẳng phải xã hội sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều mà không cần sự can thiệp quá nhiều của luật pháp sao?

Thế nên người Mỹ tôn vinh và trao tặng rất nhiều giấy khen cho Pháp Luân Công là bởi họ tin tưởng rằng Pháp môn này sẽ mang lại hy vọng về sự đề cao đạo đức trong xã hội của họ, từ đó chính họ là người được hưởng lợi.

Là sinh viên Luật xuất sắc của trường Luật danh giá nhất thế giới, em nghĩ gì về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc?

Việc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người. Đây không chỉ là một mất mát to lớn đối với chính đất nước Trung Quốc mà còn là một nỗi đau của nhân loại vì Pháp Luân Công hướng con người đến cái thiện, làm người tốt trong xã hội. Khi mà người ta dùng quyền lực để đàn áp thiện lương thì điều gì sẽ xảy ra?

Đó là lý do mà chính phủ rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ đã nhiều lần lên án hành vi trái với các cam kết quốc tế cũng như vi phạm đạo đức này. Riêng ở trong nước Mỹ, không chỉ nhà nước liên bang mà rất nhiều chính phủ tiểu bang cũng đều ban hành các sắc lệnh lên án chính phủ Trung Quốc về hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của con người.

Nguy hiểm hơn nữa là dường như chính phủ Trung Quốc đang có những động thái “xuất khẩu” sự đàn áp này ra các đất nước khác. Một ví dụ tiêu biểu là việc các viện Khổng Tử của Trung Quốc (được tài trợ của chính quyền Bắc Kinh), ngay khi hoạt động ở các nước phương Tây như Mỹ hay Canada, vẫn duy trì chính sách phân biệt tôn giáo, cấm đoán nhân viên được tham gia hay tu luyện Pháp Luân Công dưới mọi hình thức. Đây là một sự vi phạm rõ rệt luật lao động cũng như luật bảo vệ tự do tín ngưỡng ở những đất nước văn minh. Chính vì vậy, trong năm 2000, Hội đồng giáo dục thành phố Toronto ở Canada đã chính thức hủy bỏ hợp tác giữa các viện Khổng Tử với tất cả các trường học trong khu vực quản lý của mình.

Trong năm vừa rồi, lần lượt các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như trường đại học Michigan, đại học Texas A&M cũng đều tuyên bố ngừng hợp tác với viện Khổng Tử. Sắp tới, dường như rất nhiều tổ chức giáo dục ở Mỹ cũng sẽ xem xét lại mối quan hệ hợp tác của mình với viện Khổng Tử trước những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền này. Rất nhiều luật sư quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết quốc tế về quyền con người.

Wednesday, July 22, 2020

Về phát biểu của 1 quan chức tòa án

Hôm qua, tôi nghe một thằng giải trình lại một vụ việc được dư luận quan tâm. Mặc dù từ lần trước đến lúc đó, người ta đã phát hiện và đưa ra nhiều vấn đề mới, nhiều bằng chứng mới, nhưng thằng này như điếc, vẫn nói y như lần trước. Tôi thật ngạc nhiên, không biết thằng này là loại nào dưới đây:

1. Thiểu năng trí tuệ: Người quen của tôi bất hạnh có một cháu thiểu năng trí tuệ. Cháu chỉ nói những gì cháu muốn nói. Có lần đến chơi, cháu nói với tôi: “Con ăn cơm rồi”. Tôi hỏi lại: “Con ăn có ngon không”? Cháu lại nói: “Con ăn cơm rồi”. Tôi lại hỏi:” Con ăn cơm với gì”? Cháu lặp lại: “Con ăn cơm rồi”…
2. Ngoan cố: Các cụ thường dạy: “Không ai điếc bằng thằng không muốn nghe”.
3. Khốn nạn: Chắc không cần phải giải thích.
Bất cứ thằng ấy thuộc loại gì, cũng thật đáng buồn khi nó lại là thằng có máu mặt.

Lê Quang Bình (VÁR.vidi72)
16 June 2020

Tuesday, July 21, 2020

Về đề xuất của BT Nguyễn Mạnh Hùng với tỉnh Bến Tre

GÓP Ý VỚI BÍ THƯ BẾN TRE PHAN VĂN MÃI VỀ ĐÊ XUẤT “THUNG LŨNG SILICON” CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG

Sáng 17/7/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc trực tuyến với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi. Trong buổi làm việc đó ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:
 “Khó khăn là trở ngại nhưng cũng là lợi thế của Bến Tre. Chỉ cần sẵn sàng thí điểm công nghệ mới, lúc đó tất cả doanh nghiệp công nghệ sẽ đến vùng này và biến tỉnh trở thành thung lũng Silicon về chuyển đổi số.”
"Bến Tre có thành trung tâm Silicon hay không chủ yếu liên quan đến quyết tâm chính trị, quyết tâm ứng dụng cái mới, quyết tâm thí điểm"( https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/ben-tre-se-tro-thanh-thung-lung-silicon-ve-ung-dung-cong-nghe-658727.html).
Được biết “Bến Tre đang xây dựng Chương trình Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh này là đến năm 2030, Bến Tre phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số”. Bởi thế xin gửi đến Bí thư Bến Tre Phan Văn Mãi các góp ý dưới đây.

1. KHÔNG NGỘ NHẬN VỀ THUNG LŨNG SILICON

Điều đầu tiên, là hy vọng ông Bí thư Bến Tre Phan Văn Mãi không ngộ nhận về Thung lũng Silicon, biết “Tiếp nhận cái có lợi, bỏ qua cái không lợi; Tiếp nhận cái đúng, bỏ qua cái chưa đúng”, mà hiểu được rằng Bến Tre không bao giờ trở thành Thung lũng Silicon.
Cũng như vậy, “Không nhất thiết luôn luôn phải phê phán hay tranh luận đúng sai ở mọi thông tin đưa ra”, cho nên không bàn về đề xuất của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng biến Bến Tre thành “Thung lũng Silicon”, mà đề cập đến những điều cụ thể thiết thực nhất trong khả năng Bến Tre có thể làm được.

2. NHỮNG ĐIỀU BẾN TRE CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC
Bến Tre có thể làm được rất nhiều điều để trở thành tỉnh giàu mạnh. Dưới đây là 11 điều chủ chốt mà Bến Tre nên làm.

2.1.  THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thương mại điện tử là điều bắt buộc trong xã hội hiện nay. Không có thị trường thương mại điện tử thì sẽ bị tổn thất lớn về kinh tế và bị tụt hậu. Bởi thế, Bến Tre phải thiết lập được Thị trường thương mại điện tử cho mọi sản phẩm trong đời sống của người dân Bến Tre.
Mục tiêu của Bến Tre đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 mới “chuyển đổi số” xong là quá chậm. Nhiệm kỳ của ông Phan Văn Mãi là 5 năm (dài hơn nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ chỉ có 4 năm), thì phải giải quyết xong trong nhiệm kỳ, không thể định hướng cho nhiệm kỳ của người khác. Ở Việt Nam đã thành phong trào “định hướng 10-30 năm” mà không nhớ rằng ngay sau khi hết chức, không ai theo kế hoạch của người tiền nhiệm.
Một mục tiêu “tham lam” nhưng khả thi cho Bến Tre là thiết lập Thị trường thương mại điện tử trong vòng 2 năm.  Những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, với mục tiêu “xâm lược” (aggressive), thì chỉ cần 1 năm để thiết lập Thị trường thương mại điện tử đầy đủ cho Bến Tre.
Ông Phan Văn Mãi nên xem xét hiệu chỉnh lại kế hoạch “chuyển đổi số” của Bến Tre. Không có Thị trường thương mại điện tử, người dân Bến Tre mỗi ngày bị thua thiệt hàng triệu USD trong kinh doanh, sản xuất và tiêu dùng. Đó là chưa nói đến tiết kiệm thời gian, hiệu quả công việc, nâng cao hiểu biết và làm giàu tri thức.
Cũng xin nhắn ông Phan Văn Mãi đừng đặt mục tiêu “Bến Tre phải trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số”. 
Bởi vì đây là một mục tiêu không khả thi. Và không cần thiết phải đặt mục tiêu như thế. Lãnh đạo các tỉnh ở Việt Nam hiện nay, chẳng hạn trong kêu gọi đầu tư nước ngoài, luôn đặt mục tiêu là tỉnh có thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Mặt trái của mục tiêu này là đua nhau hạ giá. Hạ giá bằng cách miễn giảm thuế, tăng ưu đãi. Hạ giá bằng cách tăng thời hạn thuê đất, miễn giá trị thuê đất - mà Formosa Hà Tĩnh là một điển hình ê chề. Sự hạ giá đau đớn được khoác bộ lông “cơ chế vượt trội” mà các “đặc khu kinh tế” là những điển hình nhức nhối.
Mục tiêu quan trọng mà Bến Tre cần đặt ra, là tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre đang quá thấp, chỉ đạt khoảng 33 triệu đồng/người/năm - đứng thứ 58/63 tỉnh thành. Đừng nghĩ đến đứng đầu. Nhưng đưa thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre về mức trung bình thứ 30/63 - nên là mục tiêu sống chết của lãnh đạo Bến Tre trong giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo Bến Tre cũng đừng lo tỷ lệ smart phone 54,14% là cản trở. Đó là lý do bao biện của những người thiếu quyết đoán và không mạnh mẽ. Cứ thành lập Thị trường thương mại điện tử đầy đủ, tức khắc người dân sẽ tự thích nghi. Và con số sẽ thay đổi chóng mặt.
Một báo động cần thiết nữa, là kế hoạch phủ 42 000 vệ tinh toàn cầu của tỷ phú Elon Musk đã đi vào thử nghiệm. Hiện đã phóng 540 vệ tinh và chương trình Starlink đang phát thử nghiệm cho Bắc Mỹ. Người dùng trên toàn cầu chỉ cần cắm một ăng ten hướng vào chùm sao vệ tinh là nối mạng. Thương mại điện tử sẽ thống trị khắp mọi nơi. Không thiết lập sẽ bị tụt hậu toàn phần. Không thể đợi chờ đến năm 2030 mà tức thì trong các năm 2020 – 2021. Mỗi ngày chậm, Bến Tre sẽ thua thiệt hàng chục tỷ đồng.

2.2.  QUẢN LÝ ĐIỆN TỬ VÀ CHỐNG LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ
Quản lý điện tử là lĩnh vực thứ 2 mà Bến Tre nên thực hiện. Nhưng đây cũng là lĩnh vực có nhiều lực cản. Chẳng hạn như phạt vi phạm giao thông. Không mấy ai hào hứng áp dụng quản lý điện tử trong phạt vị phạm giao thông.
Quản lý điện tử đưa đến minh bạch. Minh bạch thì khó kiếm chác, khó tham nhũng. Nên sinh ra lực cản chống lại sự áp dụng quản lý điện tử.
Quản lý điện tử đưa đến tinh gọn. Từ đó rút bớt được thời gian, giảm được nhân sự, chống được nhũng nhiễu.
Lợi của Quản lý điện tử vô cùng to lớn. Nên bắt buộc phải thực hiện. Thời hạn hợp lý cho hoàn tất Quản lý điện tử trên địa bàn tỉnh, hành động quyết liệt là 1 năm. Ở các thành phố lớn có thể cần đến 2 năm.
Chống lãng phí đầu tư - không phải là một ngành kinh tế - nhưng đưa lại nguồn kinh phí tiết kiệm to lớn. Muốn Bến Tre giàu mạnh thì không thể không triệt để chống lãng phí đầu tư. Phải cắt bỏ những đầu tư không cần thiết, trong đó có tượng đài, cổng chào, lễ hội…Phải cắt bỏ các dự án không hiệu quả. Phải chống nâng giá trong mọi đầu tư. Sự nâng giá lên đến cả ngàn phần trăm là hố đen khổng lồ tiêu tán nền kinh tế.

2.3.  CHỐNG NGẬP MẶN. CHỐNG HẠN HÁN. BỐ TRÍ LẠI CƠ CẤU KINH TẾ
Bến Tre nói riêng, và ĐBSCL nói chung, đang đối mặt với nguy cơ nhiều thế kỷ về ngập mặn và hạn hán. Đây là bài toán của lãnh đạo quốc gia. Nhưng lãnh đạo Bến Tre phải biết tự lo cho mình trước. Ngập mặn và hạn hán ở xu thế không tránh khỏi - sẽ bắt buộc con người phải chống trả. Kéo theo là sự thay đổi về cơ cấu kinh tế. Vấn đề cực kỳ quan trọng này cần có một diễn đàn khác chứ không thể chỉ nêu vài dòng ở đây. Nhưng đề cấp ở đây là để Bến Tre cấp thiết đối mặt mà không đợi chờ lãnh đạo quốc gia. Bến Tre phải đối mặt tức thì để tái cơ cấu kinh tế.

2.4.  ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN
Nông sản là thế mạnh cột sống đầu tiên của Bến Tre. Thành lập Thị trường thương mại điện tử cũng là vì phục vụ cho nông sản Bến Tre, chứ không thể biến Bến Tre thành trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại hay Thung lũng Silicon. Lãnh đạo Bến Tre từ bỏ nông sản để mơ ước trở thành Thung lũng Silicon là sai lầm tự sát.
Bởi thế, Bến Tre phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế lớn. Diện tích canh tác lúa của Bến Tre (khoảng 15 639 ha vụ Thu Đông và 8 048 ha vụ Mùa năm 2018) có thể không mở rộng nhiều, nhưng năng suất thì phải tăng trưởng. Diện tích cây dừa (khoảng 72 022 ha) và sản lượng dừa (58 163 tấn) cũng phải có sự tăng tiến. Tương tự là các nông sản (ngô, mía, rau màu các loại) và cây ăn quả khác (ước tính khoảng 28 676 ha, 19 236 tấn), cũng phải được tăng năng suất. Điều này đòi hỏi cần có các giống mới năng suất cao. Đòi hỏi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi trồng chăm bón.
Chăn nuôi là ngành không thể không chú trọng trong kinh tế Bến Tre. Môi trường Bến Tre phù hợp tốt cho phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Hai dòng gia súc chính là lợn (583 730 con) và bò (209 650 con) của Bến Tre còn khiêm tốn. Chăn nuôi là nhân tố tốt giúp tăng thu nhập và cải thiện mức sống của người dân Bến Tre, nên cần có quyết sách đúng đắn.
Song song là phát triển công nghiệp chế biến nông sản để đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng, nhất là phục vụ cho xuất khẩu. Công nghiệp thực phẩm phải là một trong những định hướng phát triển chiến lược của Bến Tre.

2.5.  ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THUỶ SẢN
Thuỷ sản và công nghiệp chế biến thuỷ sản phải là một trụ cột quan trọng nữa của kinh tế Bến Tre. Giá trị nuôi trồng thuỷ sản của Bến Tre hiện nay rất bé. Theo số liệu của Tổng cục thống kê cho 10 tháng đầu của năm 2018 thì toàn tỉnh chỉ đạt 253 968 tấn. Trong đó, cá tra khoảng 166 907 tấn, tôm sú 4 288 tấn. Tổng sản lượng thuỷ sản đánh bắt xa bờ cũng chỉ đạt 172 522 tấn trong 10 tháng đầu năm 2018.
Thuỷ sản xuất khẩu phải là định hướng chiến lược của Bến Tre - vì đang có mênh mông thị trường cung ứng với giá trị cao. Đây chính là nguồn thu nhập góp phần tăng nhanh mức sống của người dân Bến Tre. Bởi thế Bến Tre cần tập trung vào 3 thị trường xuất khẩu là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cùng với đó là đổi mới công nghệ nuôi trồng, đánh bắt, và công nghệ chế biến - đáp ứng yêu cầu của EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành thuỷ sản Bến Tre thay đổi về chất. Hiển nhiên, Bến tre không thể bỏ sót các quốc gia khác, có nhu cầu về nông sản và thuỷ sản, mà không thể kê khai hết ở đây.

2.6.  TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU LÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
Không phải Thung lũng Silicon, mà tăng trưởng gấp 5 – 10 lần giá trị xuất khẩu mới là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của Bến Tre trong giai đoạn 2021-2025. Đây không phải là một mục tiêu cao, vì giá trị xuất khẩu của Bến Tre hiện còn quá bé. Một lãnh đạo tài năng và tham vọng, trong nhiệm kỳ 2021-2025 có thể đặt ra mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu của Bến Tre lên đến 20 lần và hơn nữa. Tăng như thế mà thu nhập bình quân của người dân Bến Tre cũng chưa thể nâng cao đến mức 5000 USD/người/năm, thì để thấy cần phải hành động mạnh mẽ như thế nào.

2.7.  PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
Công nghiệp Bến Tre phải định hướng chính vào công nghiệp nhẹ. Chủ đạo là công nghiệp chế biến thực phẩm, cùng với các ngành: hoá dược, dệt may, giày da, lâm nghiệp, cơ khí, điện máy… phục vụ cho nhu cầu sản xuất, thương mại, tiêu dùng và xuất khẩu - phù hợp với khả năng. 
Một ngành công nghiệp khác mà Bến Tre có thể phát triển tốt chính là năng lượng. Địa hình và điều kiện tự nhiên cho phép Bến Tre phát triển các nguồn năng lượng sạch vô hạn từ thiên nhiên là điện mặt trời, điện gió và điện thuỷ triều.
Còn những ngành công nghiệp tiềm năng khác nữa, có thể xuất hiện theo sự phát triển, mà người lãnh đạo đương thời không được bỏ lỡ.

2.8.  PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ DU LỊCH
Một hệ thống giao thông vận tải hiện đại là điều không thể quên trong suy nghĩ hàng ngày của lãnh đạo Bến Tre. Gần TP HCM là một thuận lợi lớn của Bến Tre trong thiết lập một hệ thống giao thông vận tải thông thương nhanh chóng với thế giới.
Trên địa bàn Bến Tre có 4 sông lớn là Tiền Giang, Hàm Luong, Ba Lai, Cổ Chiên. Bến Tre không được quên lợi thế sông ngòi kênh rạch chằng chịt - để phát triển giao thông tàu thuỷ ca nô. Hơn nữa, như là một nhu cầu của đời sống khá giả - khi các gia đình sở hữu ca nô tàu thuỷ riêng, không chỉ là phương tiện giao thông tư nhân, mà còn trong tư thế du thuyền riêng - một tiêu chuẩn sống, mà chỉ số ít người giàu ở thành phố mới có khả năng sở hữu.
Du lịch, nếu biết phát triển, thực sự là thế mạnh của Bến Tre. Bãi biển, sông ngòi, miệt vườn, thảm thực vật và động vật, hoa quả, thực phẩm và con người Bến Tre quả thực là một thế giới kỳ thú cho du khách trong và ngoài nước đến khám phá. Nếu biết xây dựng và tổ chức, thì ngành du lịch của Bến Tre có thể mang đến những khoản thu lớn cho nền kinh tế tỉnh và cho thu nhập của người dân.

2.9.  NÂNG CAO GIÁO DỤC, KHOA HỌC, Y TẾ, DÂN TRÍ VÀ AN SINH XÃ HỘI
Là những lĩnh vực vô cùng quan trọng mà bất cứ người nào đứng vào vị trí lãnh đạo Bến Tre cũng đều phải hao tâm tổn lực. Đây là những lĩnh vực cần sự nghiên cứu công phu với những đề xuất cụ thể, nên dành ở một diễn đàn khác.
Có một câu hỏi cần lưu ý ở đây, là dân số Bến Tre trong vòng 25 năm qua không đổi. Theo thông kê thì năm 1995 dân số Bến Tre là 1 281 800 người, thì đến năm 2019 cũng chỉ có 1 288 463 người. Trong 25 năm chỉ tăng có 6 663 người, mà đáng ra phải là không dưới 250 000 người. Không có lẽ di dân cơ học (đến nơi khác) của Bến Tre nhiều đến như vậy? Còn những nguyên nhân khác? Làm quan đứng đầu tỉnh không thể không trăn trở!

2.10. BẢO VỆ PHÁP QUYỀN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Xã hội muốn phát triển nhanh thì mỗi cá nhân phải được tôn trọng, các quyền cơ bản của con người phải được đảm bảo. Đây là yêu cầu tiên quyết.
Bến Tre chẳng có thể có bước tiến vượt trội - nếu các quyền cơ bản của con người không được tuân thủ. Đây mới là điều quan trọng nhất trong mọi điều quan trọng nhất.
Tiếp theo, điều phải được lãnh đạo Bến Tre quan tâm chính là bảo vệ luật pháp. Chưa bao giờ có nhiều án oan, có nhiều vi phạm pháp luật như bây giờ. Số phận con người rất mong manh trước pháp luật. Muốn giàu có thì lãnh đạo tỉnh phải bảo vệ được công dân của tỉnh mình.
Một lĩnh vực nữa, rất cần có sự đầu tư cấp bách, chính là vấn đề bảo vệ môi trường. Tầm quan trọng của bảo vệ môi trường thì ai cũng thấu hiểu, mà không cần phải nhấn mạnh ở đây. Biện pháp cụ thể dành ở một cơ hội khác.

2.11. THÚC ĐẨY SỰ LỚN MẠNH CỦA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
Điều quan trọng cuối cùng trong mục này cần lưu ý - giữ vai trò hạt nhân bùng phát trong sự lớn mạnh của kinh tế Bến Tre - chính là kinh tế tư nhân. Phải nhìn thấy vai trò trụ cột về năng suất và hiệu quả của kinh tế tư nhân để dành cho doanh nghiệp tư nhân những khoảng không gian đủ lớn. Về dài lâu, kinh tế tư nhân mới là nhân tố số 1 trong tăng trưởng kinh tế Bến Tre.

3. NHÂN SỰ VÀ CƠ CHẾ

Nhân sự và cơ chế là 2 vũ khí - ví như “tên lửa và đầu đạn hạt nhân chiến lược” - để Bến Tre thực hiện thành công 11 mục tiêu đề xuất ở mục 2 nêu trên.
Điều mà Bí thư Phan Văn Mãi có thể làm được, vì một tình yêu thiết thực cho Bến Tre, chính là để những người tài ở Bến Tre tham gia vào công việc quản lý tỉnh, chứ không phải là những kẻ leo lên quyền lực qua con đường chạy chức.
Điều mà Bí thư Phan Văn Mãi có thể làm được, vì một tình yêu thiết thực cho Bến Tre, chính là xoá bỏ các rào cản phi lý cho doanh nghiệp, hạn chế các nhiễu nhung để cho doanh nghiệp được tự do phát triển.
Chỉ cần làm được 2 điều này thôi, Bến Tre sẽ giàu mạnh và thế hệ sau sẽ còn mãi nhắc. Có điều, để đưa được 2 “vũ khí chiến lược” đến với Bến Tre - không chỉ cần sự dũng cảm, mà còn cả sự hy sinh quyền lợi.

4. ĐỪNG VIN VÀO CƠ CHẾ

Biết rằng thể chế là bài toán bao trùm. Nhưng giải bài toán thể chế cần không chỉ một thập niên. Cho nên, không thể vin vào bài toán thể chế để lấy cớ mà không hành động.
Cơ chế là con đẻ của thể chế. Nên có thể giải bài toán cơ chế từng phần, trước khi đến bài toán cuối cùng.
Từ cách đây hơn 3000 năm, khi giặc Ân đến xâm lược nước ta, tiên vương các vua Hùng đã cho người đi loan tin khắp hang cùng ngõ hẻm, mời người tài ra giúp nước. Vì thế đứa bé mới có cơ hội vươn vai thành Thánh Gióng.
Đến thời các vua nhà Nguyễn gần đây, các quan lại cai trị huyện, tỉnh đều phải là những người đỗ hàng đầu trong các cuộc thi cử nhiều vòng của hàng ngàn ứng viên. Đó là những cuộc đua đường dài, hầu như không có cơ hội gian trá. Bởi thế, các quan đầu tỉnh thường là những người có trí tuệ lớn.
Nay việc bổ nhiệm quan đầu tỉnh của nước ta, chỉ do một số người quyết định, mà không qua thi cử. Nên rất ít người có năng lực hàng đầu. Lại không cho người đi loan tin mời người tài giỏi khắp nước ra ứng cử, như thời tiên vương các vua Hùng đã làm, nên cả ngàn người tài giỏi ở đầu núi cuối thôn không thể vươn vai trở thành Thánh Gióng.
Lãnh đạo Bến Tre có vì tình yêu quê hương mà để cho hàng ngàn người tài giỏi, đang ẩn mình ở khắp các kênh rạch miệt vườn, vươn vai giúp cho Bến Tre vươn mình thành Thánh Gióng chăng?
Đấy mới chính là bảo bối để Bến Tre giàu mạnh. Chứ không phải Thung lũng Silicon.

Nguyễn Ngọc Chu