Thursday, July 16, 2020

Hy vọng và Tuyệt vọng

Leszek Kolakowski

Tóm tắt: Tạp chí Cộng sản-Bất đồng chính kiến Pháp, tờ Politique Aujourd’hui, đã đăng toàn văn của một phân tích về những triển vọng cho sự thay đổi chính trị ở Đông Âu, mà nhà triết học lưu vong Ba Lan, Leszek Kolakowski, đã viết cho tạp chí Kultura. Trong “Luận đề về Hy vọng và Tuyệt vọng” của mình Kolakowski đã xem xét các lý lẽ của việc cho rằng “hệ thống xã hội chủ nghĩa bạo ngược” hiện nay, dựa trên mô hình Soviet, là “không thể cải tạo nổi” – đáng chú ý rằng sự trấn áp quan liêu (hướng chủ yếu chống lại giai cấp lao động) là đặc tính vốn có (được cài sẵn) của một hệ thống thứ bậc quyền lực mà kiểm soát tất cả những nguồn thông tin trong nước, có thể ngăn sự thảo luận tự do và sự phát triển của chủ nghĩa đa nguyên chính trị, và không dám chịu những rủi ro vốn có trong “dân chủ hóa.” Nhưng, ông tiếp tục để tranh luận, những mâu thuẫn không thể tránh khỏi của bản thân hệ thống và khoảng cách giữa các giáo điều và thực tế, tuy vậy, có mở ra một triển vọng về sự thay đổi từ từ đến một trật tự xã hội có thể chịu đựng được hơn – với điều kiện là các chế độ phải chịu những áp lực kiên định của một công chúng biết những khả năng phản kháng cái nguyên trạng.

Dưới đây là bản dịch đầy đủ của một bài báo của Leszek Kolakowski, có tiêu đề “Trong các nước của Stalin: Các luận đề về Hy vọng và Tuyệt vọng,” được công bố trong số tháng Bảy-tháng Tám, 1971 của tạp chí Cộng sản bất đồng chính kiến Pháp, Politique Aujourd’hui (Paris). Bài gốc tiếng Ba Lan đã xuất hiện trong Paris Kultura, No.5-6, 1971. Các chú thích, nhấn mạnh và tiêu đề con là của Politique Aujourd’hui.
------------

Trong các nước của Stalin: các Luận đề về Hy vọng và Tuyệt vọng[1]

Đầu tiên chúng ta hãy tóm tắt những lý lẽ chính thường được đưa ra của những người cho rằng hệ thống xã hội Cộng sản, trong hình thức hiện nay của nó, là không thể cải tạo nổi. Những người chủ trương luận điểm này khẳng định rằng chức năng xã hội chính của hệ thống này là để duy trì quyền lực không bị kiểm soát, bị bộ máy cai trị độc chiếm: tất cả những thay đổi thể chế, mà xảy ra rồi hoặc có thể tưởng tượng được, đều không vi phạm nguyên tắc cơ bản này, mà tất cả các hoạt động chính trị và kinh tế của các nhà cai trị đều lệ thuộc vào [nguyên tắc đó]. Sự độc quyền của quyền lực bạo ngược không thể bị ngăn cản một phần (điều này hầu như là một tautology [sự lặp thừa] vì, theo định nghĩa, một sự độc quyền không thể là “một phần”). Không sự biến đổi nào mà đã xảy ra, hay có thể tưởng tượng được bên trong khung khổ của hệ thống, là cơ bản. Tất cả đều có thể bị thu hồi lại một cách dễ dàng, bởi vì chúng không thể được thể chế hóa mà việc này không dẫn đến sự phá hủy toàn bộ cơ chế. Sự thỏa mãn những khát vọng cơ bản của giai cấp lao động và giới trí thức là không thể bên trong các giới hạn được xác định bởi chức năng chủ yếu của hệ thống.  Chúng ta đang bàn luận về một cơ cấu hoàn toàn bị tước mất tính dẻo và các dụng cụ tự điều chỉnh. Chỉ các thảm họa tàn bạo và định kỳ mới có thể gây ra những sự thay đổi mà, trừ những sự nhượng bộ bề mặt và những sự tập hợp lại bên trong bọn thống trị, không để lại dấu vết nào trên các đặc điểm đặc trưng của toàn bộ. Chủ nghĩa Stalin, theo nghĩa nghiêm ngặt – tức là, chính thể chuyên chế đẫm máu và tàn bạo của một cá nhân – đã là sự hiện thân vật chất hoàn hảo nhất của các nguyên tắc của hệ thống: những sự biến đổi muộn hơn, và đặc biệt sự nới lỏng đáng kể của chủ nghĩa khủng bố như được thực hành bởi chính phủ, dù quan trọng đối với an ninh của các cá nhân, đã không thay đổi theo bất cứ cách nào bản chất ngang ngược của chế độ, nhiều hơn chút nào mức chúng đã hạn chế một cách cụ thể các hình thức xã hội chủ nghĩa của sự áp bức và bóc lột. Các chức năng xã hội cơ bản của hệ thống xã hội này được hướng tới chống lại xã hội, mà thấy bản thân nó bị tước mất bất kể hình thức thể chế nào của sự tự vệ: sự biến đổi duy nhất mà người ta có thể tưởng tượng là sự biến đổi của một cuộc cách mạng bạo lực. Một cuộc cách mạng như vậy sẽ có như kết quả của nó – phù hợp với những hy vọng của một số người – là một xã hội xã hội chủ nghĩa, theo nghĩa được xác định bởi truyền thống Marxist (tức là, việc quản trị xã hội của các quá trình sản xuất và phân phối, ngụ ý một hệ thống đại diện), hoặc – phù hợp với những hy vọng của những người khác – sự chuyển đổi sang mô hình phương Tây của chủ nghĩa tư bản mà, đối mặt với sự thất bại kinh tế và tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, được nghĩ là cách đáng tin cậy duy nhất của sự phát triển.

Chúng ta hãy xem xét các đặc trưng chủ yếu của mô hình Soviet của chủ nghĩa xã hội. Theo một số người, những đặc trưng này là để vô hiệu hóa hy vọng của một “sự  nhân tính hóa” một phần, tiến bộ nảy sinh từ các cuộc cải cách kế tiếp nhau. (Chúng ta đang bàn ở đây về các đặc trưng “cấu trúc” phải được tìm thấy ở tất cả các nước với một chế độ dựa trên mô hình Soviet.)

“Dân chủ hóa” Không thể hình dung nổi

Cái thường được gọi là “dân chủ hóa” của hệ thống chính quyền là không thể tưởng tượng nổi bên trong mô hình này. Thực ra, chế độ chuyên chế chính trị và sự độc quyền của bộ máy cai trị đối với việc sử dụng các tư liệu sản xuất, các khoản đầu tư, việc sử dụng và phân phối thu nhập quốc gia, mỗi thứ đều bị điều kiện hóa bởi thứ khác. Sự độc quyền chính trị, mà nhóm đầu sỏ cai trị duy trì, là dựa trên địa vị của nó với tư cách người sử dụng và quản trị duy nhất của các tư liệu sản xuất. Đấy là vì sao mọi sự chuyển động thực, dù không hoàn hảo đến đâu, theo hướng dân chủ chính trị, đều có nghĩa là một sự tước đoạt một phần của giai cấp cai trị mà, không là chủ sở hữu về mặt pháp lý của các tư liệu sản xuất, [nhưng] chiếm hữu tất cả các đặc ân và các quyền của sở hữu tập thể. Trong lĩnh vực cơ bản này, bất cứ sự làm suy yếu nào của nguyên tắc chỉ là như vậy ở vẻ ngoài: người ta có thể cho phép các ủy ban của một Quốc hội, mà bản thân nó được chỉ định bởi bộ máy đảng, để tranh luận những chi tiết của chính sách kinh tế. Các quyết định, trong mọi trường hợp, được đưa ra bởi cùng các cơ quan mà không chịu bất cứ sự kiểm soát xã hội nào. Cho dù những quyết định này không là những mong ước được bày tỏ trong các thảo luận chút nào – cho dù sự thực này là khá hiển nhiên – điều này có thể không có tầm quan trọng nào: nó không thể dẫn tới việc áp dụng áp lực xã hội nào lên các cơ quan này, bởi vì thông tin chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Như thế, tất cả những việc cố thử cải cách được các nhà kinh tế phác họa phải thất bại, bởi vì chúng hướng tới làm yếu một cách sâu sắc sự độc quyền quyết định kinh tế của bộ máy cai trị và đe dọa nó (bộ máy cai trị) với sự tước đoạt một phần.

Vòng luẩn quẩn của thông tin

Xu hướng tự nhiên của hệ thống là liên tục làm giảm vai trò của các chuyên gia, đặc biệt liên quan đến chính sách kinh tế, xã hội và văn hóa. Các giới chuyên gia được khoan thứ với điều kiện rằng họ không đòi quyền quyết định. Nhưng, ngay cả trong chức năng thuần túy tham vấn này, kinh nghiệm cho thấy rằng họ được khoan thứ với sự miễn cưỡng. Trong chừng mực có thể, họ bị thanh trừng hay bị thay thế bởi các cơ quan mà các thành viên của chúng được chọn theo tiêu chuẩn của tính dễ bảo chính trị. Đấy là vì sao sự sai lầm ngớ ngẩn, sự lãng phí năng lực xã hội và các nguồn lực vật chất, và tính chất xoàng xĩnh, theo một nghĩa, được cấy vào cơ chế chính quyền và không thể được coi như các lỗi tạm thời có thể sửa chữa được.

Trong một cơ chế như vậy các tiêu chuẩn “thuần túy kỹ thuật,” độc lập với sự bận tâm để duy trì và củng cố [cấu trúc] quyền lực hiện tồn, không thể thực hiện bất cứ ảnh hưởng nào lên sự vận hành của [cơ cấu quyền lực] này.

Quyền tự do thông tin – một điều kiện không thể thiếu được cho sự vận hành thích hợp của nền kinh tế, hệ thống giáo dục và nền văn hóa – là không thể tưởng tượng nổi mà không có sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống quyền lực. Không thể tránh khỏi, một sự lưu hành thông tin sẽ phá hủy nó trong một thời gian ngắn. Nhưng, quan trọng hơn, để hình dung một hệ thống thông tin “đóng kín,” tức là, hệ thống chỉ sẵn có cho những người cai trị – và tương xứng với cấp bậc của họ trong hệ thống thứ bậc quyền lực – chỉ là sự không tưởng. Nói cách khác, các nhà cai trị – bất cứ ảo tưởng nào họ có thể nung nấu về điều này – cho dù họ có tích cực tìm kiếm để có được thông tin thật cho việc sử dụng riêng của họ, sẽ không thể tránh khỏi được thông báo một cách tồi hay sai; họ sẽ là những nạn nhân của những sự dối trá của chính họ. Chắc chắn, đã qua rồi thời khi Stalin đã có thể đối phó với các số liệu thống kê không thuận lợi bằng cách ám sát các nhà thống kê. Tuy nhiên, việc bưng bít loại thô thiển nhất của sự báo tin sai không làm thay đổi sự thực rằng việc báo tin sai của các nhà cai trị bản thân nó được cài sẵn vào cơ chế. Việc này là như vậy vì ít nhất hai lý do. Trước tiên, thông tin “đóng kín” được cung cấp phần lớn bởi chính những người mà, ở các mức thấp hơn của bộ máy cai trị, là những người chịu trách nhiệm về tình hình mà họ thông báo cho các đồng nghiệp của họ. Trong những trường hợp này, để đưa ra thông tin không vừa ý có nghĩa là tố giác chính mình: một thái độ mà người ta hầu như không thể tính đến. Việc truyền thông tin thuận lợi được tưởng thưởng, việc truyền thông tin không thuận lợi dẫn đến những hình phạt.

Khỏi phải nói rằng hệ thống này mở rộng một cách tự nhiên sang các phạm trù khác nhau của các nguồn thông tin. Những thí dụ về những sự trừng phạt được áp đặt vì truyền tin xấu là vô số và ai cũng biết.

Thứ hai, nhằm để thu thập thông tin về đời sống xã hội mà không có bất cứ hạn chế nào, ngoài cố gắng để tiết lộ trạng thái thật của tình hình, sẽ cần để dựng lên một tổ chức đáng kể, hoàn toàn tự do, được giải phóng khỏi bất cứ sự nô lệ chính trị nào, có nhiệm vụ của nó để thu thập thông tin, nhưng không có quyền để truyền nó cho công chúng.

Một tổ chức như vậy sẽ là một hiện tượng lạ và nhân tạo bên trong hệ thống; nó sẽ, hơn nữa, tạo thành một sự đe dọa chính trị, bởi vì, về nguyên tắc, nó sẽ là một cơ quan được giải thoát khỏi những hạn chế “ý thức hệ” và tình trạng nô lệ. Ngoài ra, khối thông tin thu thập được như vậy sẽ củng cố một cách không thể tránh khỏi sự căng thẳng và những xung đột nội bộ trong đội ngũ cao hơn của bộ máy mà sử dụng nó, vì hầu như không thể có thứ như thông tin hoàn toàn vô hại, và các khoản mục thông tin thật về đời sống xã hội được khai thác ngay lập tức bởi tất cả các nhóm và bè lũ cạnh tranh nhau, khao khát các vị trí cao hơn, chống lại những người hiện đang nắm giữ các chức vụ đó. Như thế, mặc dù quy tắc tự đánh lừa và tự tung hỏa mù thoạt nhìn có vẻ là một sự phi lý, trong thực tế nó là một trong những cơ chế tự vệ của hệ thống. Chắc chắn, các nhóm cai trị đôi khi trả giá vì những sự dối trá mà bản thân họ tạo ra, nhưng về toàn thể đây là một rủi ro đáng để chịu: trong dài hạn, chính xã hội là người trả phần lớn hơn của chi phí.

Đặc tính thứ tư của chủ nghĩa xã hội, trong phiên bản Soviet hiện nay của nó, là sự thoái hóa trí tuệ và đạo đức của bộ máy mà đưa ra những quyết định quan trọng nhất cho đời sống của đất nước. Bản thân sự thoái hóa này là một phương thức hoạt động của chế độ chính trị, và không phải là kết quả của thiện ý hay ác ý của các nhà cai trị. Cơ chế này hàm ý một sự phụ thuộc đơn phương nghiêm ngặt bên trong hệ thống thứ bậc, nảy sinh từ nguyên tắc độc quyền quyền lực. Như trong tất cả các hệ thống chuyên chế, các đặc trưng mà ủng hộ sự nghiệp cá nhân (các đặc điểm đặc trưng mà tạo thuận lợi cho sự leo lên hàng ngũ cao hơn của hệ thống thứ bậc) là thói luồn cúi, một sự thiếu tinh thần chủ động, sự ngoan ngoãn vâng lời các cấp trên của mình, sự sẵn sàng tố cáo những người khác, và sự thờ ơ đối với công luận và lợi ích công.

Mặt khác, các đặc điểm khác trở nên nguy hiểm: tinh thần chủ động, lo lắng cho lợi ích của tất cả, tôn trọng tiêu chuẩn sự thật, tính có hiệu quả và sự phục vụ công mà không để ý đến lợi ích của bộ máy. Cơ chế quyền lực như thế sinh ra một sự chọn lọc ngược (counter-selection) tự nhiên của các cán bộ lãnh đạo, trong mọi lĩnh vực của bộ máy và đặc biệt của đảng. Mười bốn năm ngự trị của Golmulka ở Ba Lan xác nhận sự thực này.

“Sự Tràn ngập của Sâu bọ”

Những năm này được đánh dấu trước hết bằng sự loại bỏ có hệ thống những người giỏi, có tinh thần chủ động, để ủng hộ các cá nhân xoàng xĩnh, hèn nhát và đê tiện. Quá trình đã bắt đầu trong tháng Ba 1968[2] – đề bạt (thăng chức) hàng loạt những kẻ dốt nát, những kẻ chỉ điểm hay những tên vô lại hoàn toàn (“sự tràn lan của sâu bọ,” như những người Warsaw đã gọi nó) – đã chỉ là sự gia tăng tốc độ và cường độ của các hiện tượng đã tồn tại rồi trong nhiều năm. Như với tất cả các quy tắc, có những ngoại lệ đối với quy tắc này, nhưng chúng là vô cùng hiếm. Người ta đôi khi có thể quan sát thấy các quá trình theo chiều ngược lại trong những thời khủng hoảng, nhưng chúng không làm thay đổi xu hướng tự nhiên của hệ thống mà, do bản chất của nó, coi năng lực và tinh thần chủ động là đáng ngờ.

Các yếu tố khác nhau của bộ máy cai trị bị tùy thuộc vào quá trình chọn lọc ngược này theo những mức độ khác nhau; như thế, trong vô số lĩnh vực cai quản kinh tế và công nghiệp người ta luôn luôn tìm thấy một số đáng kể những người giỏi và can đảm, những người húc đầu mình một cách bướng bỉnh vào các bức tường của sự thờ ơ, vô cảm, của sự sợ hãi và sự bất tài mà các bức tường đó bao quanh bộ máy đảng. Họ, tuy vậy, là hiếm hơn nhiều trong bản thân bộ máy, cũng như trong những nhánh chính trị và tuyên truyền của nó, nơi nguyên lý chọn lọc những người xoàng xĩnh đã có những thắng lợi lớn nhất của nó.

Các hình thức chính phủ chuyên chế nhất thiết tạo ra sự cần gây hấn thường xuyên, hay chí ít định kỳ. Cuộc chiến tranh đó là mồ của dân chủ, chúng ta đã biết hàng thế kỷ rồi. Vì cùng lý do, nó là đồng minh của chính thể bạo chúa. Vì thiếu một cuộc chiến tranh bên ngoài, các hình thức khác nhau của sự gây hấn bên trong, nhắm tới việc duy trì một trạng thái đe dọa thường trực và dựng lên một chứng loạn tâm lý của một pháo đài bị bao vây – cho dù việc này là để ủng hộ các quá trình giả tạo nhất và để chống lại các kẻ thù hão huyền nhất – thực hiện các chức năng tương tự. Sự gây hấn lặp đi lặp lại chống các nhóm khác nhau của dân cư, được chọn theo những tiêu chuẩn đa dạng nhất, không hề là kết quả của sự điên rồ, mà là một chức năng tự nhiên của cơ chế quyền lực, không thể hoạt động mà không có các tử thù được cho là đang nằm đợi để khai thác điểm yếu nhỏ nhất của nó. Đấy là phương tiện duy nhất mà nó có để duy trì, như nó mong muốn, khả năng của nó để động viên sức lực xã hội. Nó tạo ra những kẻ thù của riêng nó và, đứng trước sự kháng cự và sự thù địch mà sự gây hấn liên tục này gây ra trong những người bị truy bức, thực tế nó tạo ra một tình thế ảo mà được dùng chính xác như một cớ cho sự trấn áp. Hệ thống đàn áp tàn bạo như thế có một năng lực cho sự tự-tồn tại mãi mãi, và các hành động gây hấn bên trong sinh ra nhu cầu cho những hành động thêm như vậy.

Phá hủy Mọi Liên kết Xã hội

Cùng đặc trưng này của quyền lực độc quyền đòi hỏi một sự cố gắng liên tục cho việc nguyên tử hóa xã hội và sự phá hủy mọi hình thức của đời sống xã hội không được quy định bởi bộ máy cai trị. Vì các mâu thuẫn xã hội không được giải quyết, mà chỉ bị đè nén bởi sự trấn áp và được che đậy bởi cách diễn đạt ý thức hệ, những cách đa dạng của sự biểu lộ được sử dụng: các hình thức vô tội nhất của sự tổ chức xã hội trên thực tế có thể, nếu chúng không được đặt dưới sự giám sát cảnh sát nghiêm ngặt, biến thành các trung tâm đối lập. Vì thế xu hướng để áp đặt sự kiểm soát nhà nước [“estatiser”] lên mọi hình thức của đời sống xã hội; vì vậy áp lực liên tục nhằm phá hủy mọi liên kết xã hội tự phát và thay thế chúng bằng các hiệp hội-giả hạn chế, mà mục đích của chúng chỉ là tiêu cực và tàn phá, và mà chúng đại diện chỉ cho lợi ích của giai cấp cai trị. Thực ra, nếu hệ thống cần đến các kẻ thù, nó có nỗi sợ ghê gớm về sự đối lập được tổ chức. Nó chỉ muốn có các kẻ thù mà bản thân nó chỉ định là như vậy, và mà nó sẽ chiến đấu theo các điều kiện do chính nó lựa chọn. Nhu cầu tự nhiên của chủ nghĩa chuyên chế là để làm khiếp sợ các cá nhân trong khi tước đoạt họ khỏi phương tiện của sự phản kháng có tổ chức.

Việc làm luật hình sự phục vụ nhu cầu này một cách hoàn hảo: nó, thực ra, được trình bày dưới dạng đủ gây lẫn lộn và mơ hồ sao cho số lớn nhất có thể của các công dân có thể cảm thấy mình phạm tội, và để cho thang của những hình phạt thực tế không bị hạn chế bởi các công thức pháp lý nghiêm ngặt, mà có thể là đối tượng của sự thao túng và các quyết định tùy tiện của cảnh sát và Đảng.

Bộ máy cai trị không có sẵn một khoảng biên cho thủ đoạn nhượng các quyền cho công dân của nó. Ngay cả giả sử rằng nó có mong muốn để làm vậy, nó không thể mở rộng các quyền này mà không bị rủi ro tự sát.

Kinh nghiệm dạy chúng ta, thực ra, rằng những nhượng bộ cho những đòi hỏi dân chủ dẫn đến một sự gia tăng áp lực. Người ta quan sát thấy một hiện tượng “quả bóng tuyết,” đe dọa toàn bộ trật tự chính trị. Sự ép buộc xã hội lớn đến mức, cảm giác về áp bức và bóc lột mạnh đến mức, sự thất bại nhỏ nhất trong hệ thống của bạo lực được thể chế hóa, những cải cách nhẹ nhất hứa hẹn làm cho nó mềm dẻo hơn, ngay lập tức khởi động những dự trữ khổng lồ của sự thù địch tiềm tàng và sự bất mãn, và có thể kết thúc trong một sự bùng nổ, không thể kiểm soát nổi. Không hề đáng ngạc nhiên, bởi thế, rằng sau một số kinh nghiệm, ngay cả hành động từ thiện của các nhà cai trị, giả sử rằng nó có tồn tại, vẫn hoàn toàn không có khả năng làm nhẹ bớt thân phận nô lệ kinh tế và chính trị của quần chúng lao động.

Các lý do như thế là các lý do chính được đưa ra để ủng hộ luận đề – mà tình cờ hợp với tinh thần của truyền thống Marxist – rằng hình thức xã hội chủ nghĩa một cách đặc thù của thân phận nô lệ không thể được kìm nén hay giảm bớt một phần thông qua những cải cách tiến bộ, mà phải bị quét sạch một lần và mãi mãi.

Bây giờ, ý kiến của tôi là, luận đề này không đúng, và để bảo vệ nó chẳng khác gì [sự chấp nhận] một tư tưởng của chủ nghĩa thất bại hơn là một lời kêu gọi cách mạng. Tôi đặt cơ sở của sự tin chắc của mình lên bốn nguyên lý chung: thứ nhất, chúng ta chẳng bao giờ ở vị trí để xác định trước các giới hạn của khả năng cho sự thay đổi [tính dẻo] của bất cứ tổ chức xã hội nào; và kinh nghiệm đã không hề chứng tỏ rằng mô hình chuyên chế của chủ nghĩa xã hội là cứng nhắc tuyệt đối. Thứ hai, tính cứng nhắc của một hệ thống phụ thuộc một phần vào mức độ mà những người sống bên trong hệ thống đó được thuyết phục về tính cứng nhắc của nó. Thứ ba, luận đề mà tôi đang thách thức dựa trên một ý thức hệ về “tất cả hoặc không gì cả,” đặc trưng của những người được đào tạo trong truyền thống Marxist; nó chẳng hề được ủng hộ theo bất cứ cách nào bởi kinh nghiệm lịch sử. Thứ tư, chủ nghĩa chuyên chế xã hội chủ nghĩa quan liêu  đầy rẫy những xu hướng mâu thuẫn nhau mà nó không thể có khả năng đưa vào bất cứ sự tổng hợp nào và mà không thể tránh khỏi làm yếu tính nhất quán của nó. Những mâu thuẫn này, hơn nữa, thường hay trở nên trầm trọng hơn và không giảm bớt.

Chủ nghĩa Chuyên chế Xã hội chủ nghĩa Có thể cải tạo được không?

Các cơ chế mà chúng ta đã mô tả, mà có vẻ biện minh cho ý tưởng rằng chủ nghĩa chuyên chế xã hội chủ nghĩa là không thể cải tạo được, thực ra có tồn tại trong hệ thống này; chúng đã được quan sát nhiều hơn một lần; những người chịu đựng chúng có thể làm bằng chứng cho chúng. Chúng đều bộc lộ xu hướng tự phát của một cơ chế mà các hình thức hoạt động cơ bản của nó được hướng chống lại những người lao động.

Nếu quyền lực quan liêu hoạt động mà không có bất cứ sự kháng cự nào từ phía xã hội, thì tất cả các hiện tượng mà chúng ta đã mô tả sẽ phát triển bên trong nó, trong các hình thức ngày càng rõ rệt hơn, kết thúc cuối cùng trong sự thực hiện mô hình của Orwell. Mặt khác, không xảy ra (như hệ quả) từ phân tích này rằng người ta không thể chống đối các xu hướng này bằng một sự phản kháng có khả năng hạn chế và làm yếu hoạt động của các cơ chế này, và dẫn, không phải đến một xã hội hoàn hảo, mà đến một hình thức tổ chức xã hội mà sẽ cả là có thể tồn tại được lẫn có thể chịu đựng được hơn cho các thành viên của nó. Lập trường cải cách (cải lương) chủ nghĩa sẽ là phi lý nếu nó cốt ở việc hy vọng vào thiện ý của giai cấp cai trị, vào lòng nhân đức của bộ máy áp bức, hay vào hoạt động tự động của các cơ chế tổ chức. Nó không phi lý nếu người ta hình dung nó như một sự phản kháng tích cực, lợi dụng những mâu thuẫn tự nhiên của hệ thống. Tất cả các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội quan liêu chứng minh một cách rõ rệt rằng [hệ thống này] có một xu hướng liên tục để phát triển các hình thức của chính quyền cảnh sát, để làm tan rã và đồi bại xã hội. Tất cả những đặc trưng này hội tụ để làm cho cuộc sống hàng ngày của dân cư lao động là một địa ngục thật sự. Về mặt này, và theo một cách tổng quát hơn, cùng điều đó đã đúng về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa như Marx đã phân tích nó. Tất cả những xu hướng tự nhiên của nền kinh tế này, không phải theo bất cứ cách nào, đã là kết quả của sự tưởng tượng của Marx, người ngược lại đã đặt cơ sở cho mình trên sự quan sát rất chi tiết về xã hội. Đã có những lý do nghiêm túc cho sự suy nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản đã hàm ý một cách không thể tránh khỏi một sự phân cực tăng lên của các giai cấp, sự bần cùng hóa tuyệt đối của giai cấp vô sản, một sự giảm từng bước của suất lợi nhuận, sự vô chính phủ, các cuộc khủng hoảng định kỳ về sản xuất thừa, sự thất nghiệp hàng loạt, sự biến mất của các giai cấp trung lưu; và rằng tất cả các cuộc cải cách có thể hình dung được bên trong khung khổ của hệ thống nhất thiết là bấp bênh bởi vì các quy luật cơ bản phát sinh từ việc tìm kiếm giá trị thặng dư một cách tàn nhẫn, xác định toàn bộ quá trình sản xuất, không thể bị hủy bỏ bên trong hệ thống. Ý nghĩa thật của những cuộc cải cách này cốt ở tầm quan trọng chính trị của chúng: để chuẩn bị giai cấp vô sản cho cuộc đấu tranh và để củng cố tình đoàn kết giai cấp, không thể thiếu được cho một trận đánh quyết định. Marx hiển nhiên đã biết về tất cả các phản xu hướng (counter-tendencies) trong sự tiến hóa tương lai của hệ thống mà làm yếu hoạt động của các quy luật về tích lũy tư bản chủ nghĩa – quy luật quan trọng nhất, nhưng không phải quy luật duy nhất, là sự phản kháng của giai cấp lao động. Tuy vậy, đã là không thể để đo lường một cách định lượng sức mạnh của các xu hướng này và các phản xu hướng trong sự tiến hóa tương lai của hệ thống; đó là vì sao, cho dù những phân tích Marxist này đã được tranh luận kỹ, sự tin chắc rằng trong “phân tích cuối cùng,” bên trong hệ thống này, các quy luật của chủ nghĩa tư bản sẽ tỏ ra mạnh hơn sự kháng cự của các giai cấp bị bóc lột, đúng hơn đã là một sự bày tỏ một thái độ tư tưởng. Sự thực rằng những tiên đoán liên quan đến sự thoái hóa và sự bần cùng hóa của giai cấp vô sản, tình trạng vô chính phủ gia tăng của sản xuất và các cuộc khủng hoảng, đã không được xác minh cuối cùng, không phải là kết quả của tính nhân từ của giai cấp tư sản và sự biến đổi đạo đức của nó. Nó là kết quả của nhiều năm trời đấu tranh và đối đầu mà đã buộc xã hội tư sản nhận ra các nguyên tắc nhất định của sự tổ chức xã hội như các điều kiện cần cho sự tồn tại của chính nó. Sự bóc lột đã không hề được dẹp bỏ, nhưng đã được hạn chế một cách đáng kể ở các nước công nghiệp phát triển, và các giai cấp giàu có đã đồng ý một sự hạn chế các đặc ân của chúng nhằm để cứu cái đã có thể được cứu mà không dẫn đến sự phá hủy xã hội đã được thiết lập.

Sự Tập trung Tuyệt đối Quyền Quyết định

Chắc chắn rằng sự tương tự loại này là không hoàn toàn thỏa mãn. Người ta biết rằng bộ máy quan liêu xã hội chủ nghĩa đã học các bài học thất bại của giai cấp tư sản; nó biết những sự thất bại của giai cấp tư sản; nó biết sự nguy hiểm của mọi quyền tự do lập hội và quyền tự do thông tin. Đấy là vì sao sự kháng cự sự áp bức và bóc lột – bên trong hệ thống của chủ nghĩa chuyên chế Soviet – lại xảy ra trong những điều kiện xã hội tồi tệ nhất.  Không giai cấp bóc lột nào trong lịch sử đã từng có quyền lực rộng rãi đến vậy để tùy ý sử dụng. Nhưng nếu sự tập trung [quyền lực] này là một nguồn sức mạnh, nó cũng che đậy những điểm yếu, như toàn bộ lịch sử hậu-Stalinist của chủ nghĩa cộng sản chứng tỏ.

Trong thực tế, bản chất của hệ thống đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối của quyền quyết định. Đấy là vì sao quyền hạn của Stalin (và quyền của các bản sao địa phương của ông ta) đã là sự hiện thân hoàn hảo nhất của các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội chuyên chế. Nhưng nếu hiện tại sự khôi phục nó là không thể hình dung nổi, bởi vì là không thể để dung hòa hai nhu cầu có giá trị ngang nhau cho bộ máy cai trị: sự thống nhất và sự an toàn. Các xung đột bên trong bộ máy không thể được thể chế hóa mà không có sự đe dọa làm sụp đổ toàn bộ hệ thống. Thực ra, sự thể chế hóa loại này sẽ có nghĩa là hợp pháp hóa hoạt động bè phái bên trong đảng, mà sẽ khác rất ít với một sự đa nguyên của các đảng. Các nhóm, các bè lũ, các phe cánh mà nổi lên một cách tự phát như kết quả của những tiêu chuẩn thay đổi của sự chọn lọc và của các mối quan hệ lợi ích, tuy nhiên là một sản phẩm không thể tránh khỏi của đời sống xã hội. Đấy là vì sao chính thể bạo chúa tuyệt đối là lý tưởng của nhà độc tài, bị hạn chế đủ về mặt trí tuệ và đạo đức để không bị làm cho bối rối về bất cứ nguyên lý “trừu tượng” nào, nhưng đủ thông minh để có khả năng ngăn chặn bất cứ sự kết tinh nào của các nhóm bên trong bộ máy (nhờ các vụ tàn sát và thanh trừng) và như thế duy trì công cụ chính quyền của ông ta trong một trạng thái thường xuyên không cố định và sợ hãi. Nhưng đòi hỏi này là chính xác không thể tương thích với nhu cầu cho sự an toàn về phía bộ máy, mà – chẳng ai sẽ ngạc nhiên để được biết – không muốn sống trong những điều kiện đến mức bất kể quan chức nào của nó – kể cả các thành viên Ban Bí thư và Bộ Chính trị của Đảng – tại bất cứ thời khắc nào, theo tín hiệu từ Thủ lĩnh, có thể thấy mình trong các hầm giam của cảnh sát. Như thế sự chuyển tiếp từ chế độ chuyên chế sang chế độ đầu sỏ (oligarchy) dưới cái tít “ban lãnh đạo tập thể” đã là lợi ích của bè lũ cai trị. Hiển nhiên, chế độ đầu sỏ không hề có nghĩa là dân chủ hóa, mặc dù nó chẳng khác gì là một sự hạn chế đáng kể của các hình thức chính quyền khủng bố; hơn nữa, nó biểu hiện một sự làm xói mòn nghiêm trọng tính ổn định của [cơ cấu] quyền lực và sự phi tập trung hóa (mà lại lần nữa không đồng nghĩa với phi tập trung hóa) không thể tránh khỏi của nó, và vì thế một sự củng cố vị trí và một sự mở rộng các đặc quyền của các bộ máy địa phương. Bộ máy trung ương không còn có khả năng để cứu chữa một quá trình âm ỉ về xây dựng bè phái, và việc này tạo ra các yếu tố cạnh tranh làm yếu tính hiệu quả của nó. Mặt khác, một phong trào phản kháng là có hiệu quả hơn không phải khi có mức độ đàn áp và khủng bố cao, mà ngược lại trong các giai đoạn của sự nới lỏng tương đối do sự không thống nhất của bộ máy cai trị mang lại (chính nhờ Lenin mà chúng ta có khả năng quan sát này).

Hệ Tư tưởng:  Một “Cục u gây Bối rối”

Các bộ máy hiện nay chắc chắn là không ít nhạy cảm với các cú sốc tư tưởng hơn bộ máy Stalinist, mà đã bị lung lay tận móng của nó sau sự lỗi thời đạo đức của lãnh tụ của nó. Nhưng họ bị mất tinh thần và bị khổ sở bởi căn bệnh kinh niên của những xung đột bên trong của các nhóm ganh đua. Chắc chắn vì lợi ích của tất cả những nhóm này không để tiết lộ sự tồn tại của những xung đột này, nhưng trong lĩnh vực này sự che giấu chẳng bao giờ là hoàn toàn; nó không hoạt động chút nào bên trong bộ máy cảnh sát. Sự tê liệt một phần của bộ máy khi đó trở thành không thể cứu chữa được, ngay cả trong khi nó trải qua những sự cải thiện và sự tái phát liên tiếp, bởi vì tính ổn định của nó phụ thuộc vào một số nhân tố độc lập, mà tác động của chúng là khó để tiên đoán. Về mặt này, chúng ta có thể nhận xét rằng sự “phi-Stalin hóa” của Chủ nghĩa Stalin, được tiến hành đáp lại áp lực của thực tế đã khởi động cơ chế của sự giảm bớt [degradation] quyền lực; cơ chế này làm cho sự công hiệu của sự phản kháng là có thể. Nói cách khác, chừng nào bộ máy còn ổn định và miễn nhiễm đối với các cú sốc chính trị, nó – nói chung – có thể không tính đến sự bất mãn của dân cư. Nhưng ngay khi nó mất sự ổn định này, và ít sợ hãi ông chủ của nó và cảnh sát của chính nó hơn, thì thay vào đó nó trở nên sợ xã hội, sợ các ông chủ địa phương hay nước ngoài, sợ giai cấp lao động, giới trí thức, thậm chí các nhóm nhỏ của các trí thức.

Mâu thuẫn bên trong thứ hai của chủ nghĩa xã hội quan liêu nằm trong xung đột giữa sự cần thiết để thực hiện những thay đổi căn bản về tư tưởng và sự bất lực để giải thoát khỏi gánh nặng của tư tưởng Stalinist-“Leninist.” Không giống các tổ chức chính trị dân chủ, mà có thể đặt tính chính đáng của nó trên cơ sở của một sự cầu khẩn đến sự đồng thuận xã hội, chủ nghĩa chuyên chế, do bị tước mất các cơ chế đại diện, nhất thiết phải có sẵn để dùng một loại nào đó của “hệ thống” tư tưởng, dẫu nó có xoàng đến thế nào, nhằm để duy trì vẻ chính đáng của sự tồn tại của nó. Không nhà nước nào và không hệ thống quyền lực nào có thể hoạt động mà không có sự chính đáng hóa (legitimation) – dù việc này có dựa trên đặc trưng thiêng liêng của nền quân chủ cha truyền con nối hay dựa trên các cuộc bầu cử tự do. Trong những trường hợp khác, sự chính đáng hóa có một nét đặc trưng tư tưởng; nó dựa trên hai giả định trước: thứ nhất, đảng cai trị là hiện thân của các lợi ích của giai cấp lao động và của toàn dân tộc; thứ hai, Nhà nước là một phần của phong trào vô sản vĩ đại, mà đã củng cố sự thống trị của nó ở những phần nhất định của thế giới trước khi mở rộng sang các phần khác. Trong hệ thống này của quyền lực, tư tưởng đảm nhiệm một chức năng hoàn toàn khác với chức năng mà nó thực hiện trong các chế độ dân chủ, dẫu những kết quả của một sự đối đầu giữa các nguyên lý của nó và thực tế có thảm thương đến đâu đi nữa. Trong thế giới xã hội chủ nghĩa hiện nay, hệ tư tưởng đối với bộ máy là một “khối u” gây bối rối, mà người ta, tuy vậy, không thể thoát khỏi trong mọi hoàn cảnh. Cách diễn đạt quốc tế chủ nghĩa là không thể thiếu được cho các điền công (overlord) Soviet, bởi vì nó là sự chính đáng hóa duy nhất của sự thống trị bên ngoài của họ. Nó là không thể thiếu được cho các nhà cai trị địa phương, những người phải biện minh cho cả sự lệ thuộc của họ lẫn quyền lực riêng của họ.

Giáo Hoàng Có Bao nhiêu Sư đoàn?

Cho nên đó là cách, thí dụ, các lãnh đạo Soviet đã có thể hoàn toàn bỏ qua ý kiến của các đảng Cộng sản không cầm quyền: sự thực là, [các lãnh đạo Soviet] không muốn kích động họ vào một cuộc đấu tranh thực sự vì quyền lực, và những sự chia rẽ mà có thể xảy ra bên trong các đảng này hay sự trệch khỏi chính giáo về phía họ là ít quan trọng [đối với những người Soviet] bởi vì chúng không có tác động chính trị hữu hình trực tiếp nào. Tuy vậy, điều này thực ra không đúng: nếu giả như các lãnh đạo Soviet từ bỏ, hoàn toàn và công khai, sự tồn tại của phong trào Cộng sản trong các nước không chịu sự kiểm soát của Liên Xô, họ sẽ phải từ bỏ chính xác các nguyên lý đó mà biện minh cho sự kiểm soát này. Như thế, họ trở thành các nạn nhân của hệ tư tưởng của chính họ với tất cả những sự phi lý của nó. Thật nghịch lý rằng hệ tư tưởng này, mà hầu như toàn bộ thế giới đã ngừng tin vào nó – những người ra lệnh rao giảng nó, những người mà nghề nghiệp của họ là để truyền bá nó, và những người mà phải để mình thấm nhuần nó – tiếp tục là một vấn đề sống chết cho sự tồn tại của hệ thống. Sản phẩm đã chết này, mà được gọi là Chủ nghĩa Marx-Lenin, vẫn cản trở quyền tự do di chuyển của các nhà cai trị. Giá trị thuyết phục của hệ tư tưởng này là không tồn tại ở các nước thuộc khối Soviet, và các nhà cai trị biết kỹ hoàn toàn điều này. Đấy là vì sao sự tuyên truyền ngày càng ít nhắc tới nó, và tập trung hầu như hoàn toàn vào các loại ích nhà nước và lợi ích quốc gia. Nhưng hoàn cảnh này lại sinh ra một mâu thuẫn mới bên trong hệ thống. Như được biết, bên cạnh sự tuyên truyền chính thức có ở các nước này một sự tuyên truyền ngầm mà đôi khi quan trọng hơn sự tuyên truyền chính thức. Nó được dựng lên bởi một sự kêu gọi các ý tưởng hay các nguyên tắc mà không thể được diễn đạt một cách tường minh hay trực tiếp trong các bài nói chuyện hay trên báo chí, nhưng phải được làm rõ cho dân cư. Ở Liên Xô nó là chủ nghĩa Chauvin cường quốc lớn, tính vênh váo về sự cai trị ít nhiều trực tiếp trên các vùng mông mênh của địa cầu. Tư tưởng đế quốc chủ nghĩa, với tư cách đối chọi với Chủ nghĩa Marx-Lenin chính thức, có thể ghi ở đây một thành công thực sự. Nhưng trong các nước dân chủ nhân dân hệ tư tưởng ngầm này – được truyền bá qua các thủ tục bóng gió khác nhau – là nỗi sợ các xe tank Soviet. Cả trong trường hợp này nữa, hệ tư tưởng có thể ghi một sự thành công nhất định trong dân cư: nhằm để thuyết phục người ta rằng các ông chủ Soviet có thể tàn sát bất kể xứ bảo hộ nào mà sự vâng lời của nó không được hài lòng, không cần những lý lẽ tế nhị hơn. Đến một điểm nào đó hai loại của hệ tư tưởng không tường minh – ở trung tâm và ở ngoại vi – trùng nhau trong các cố gắng của chúng, nhưng sẽ là thiển cận chính trị để hy vọng đặt cơ sở cho một sự thống trị lâu bền trên sự trùng nhau này; không chỉ bởi vì trong cả hai trường hợp hệ tư tưởng ngầm là sự phủ định của hệ tư tưởng chính thức, và không phải cái bổ sung cho nó, mà cũng bởi vì nó không thể đạt mục tiêu của nó – sự bình định tạm thời – trừ với cái giá của sự bài xích dân tộc lẫn nhau, được duy trì liên tục, mà có thể có ích trong thời gian thanh bình, nhưng rất nguy hiểm trong thời khủng hoảng.

Tuy vậy, nếu bộ máy cai trị muốn duy trì sự tiếp xúc – ngay cả sự tiếp xúc tối thiểu – với xã hội, nó không có đường lối hành động khác.

Giữa những lời châm biếm có tính lịch sử của Stalin, một lời là đặc biệt nổi tiếng: “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” Sự khốn cùng của câu hỏi này phơi bày trần trụi sự khốn khó của một hệ thống chính trị mà đã mất mọi thứ trừ các sư đoàn của nó (mà, tôi đồng ý, không làm việc tồi), mà không có khả năng tin vào bất cứ thứ gì trừ các sư đoàn của nó, và thậm chí tự hào về điều này, như bằng chứng của tinh thần thực tế của nó. Chế độ này quên rằng bản thân nó đã sinh ra từ Cách mạng Nga và từ một chiến thắng mà đã không chỉ nhờ sức mạnh của các sư đoàn của nó, mà cũng nhờ sự thối rữa đạo đức của đế chế Sa hoàng và các đội quân của nó.

Sự tê liệt tư tưởng của chủ nghĩa xã hội quan liêu trở nên ngày càng rộng và không thể đảo ngược được; các chiến dịch liên tiếp và các hội nghị định kỳ của các cơ quan đảng giải quyết “cuộc đấu tranh tư tưởng” quả thực có thể vạch ra các phương pháp đàn áp và khủng bố mới: họ không còn có khả năng để chào mời cho xã hội bất cứ thứ gì nhiều hơn những lời phát biểu sáo rỗng. Mọi cố gắng để hồi phục từ sự thất bại này đi theo hai hướng – [hướng của] cách diễn đạt (phraseology) dân tộc chủ nghĩa hay hướng của trật tự và sự hiệu quả; các phe phái khác nhau tự hình thành xung quanh các khẩu hiệu này.

Cách diễn đạt dân tộc chủ nghĩa thấy các giới hạn của nó trong một vấn đề cơ bản: chủ quyền thực của quốc gia.

Quyền lực Chuyên chế và Sự hạn chế Kinh tế

Loại thứ hai của cách diễn đạt sẽ hiệu nghiệm nếu nó đã có thể trình bày một chương trình có thể thực hiện được, dựa trên các tiền đề “kỹ trị.” Nhưng một chương trình “kỹ trị” có nghĩa là vị trí hàng đầu của các tiêu chuẩn về năng suất và tiến bộ kỹ thuật trên các giá trị chính trị; với tư cách như vậy, nó chỉ có thể được thực hiện với điều kiện rằng bộ máy cai trị từ bỏ quyền lực của nó – nói cách khác, rằng nó đồng ý với một sự tước đoạt tăng dần của giai cấp “có” [la class possédante]. Ở đây chúng ta đụng đến một mâu thuẫn bên trong mới của hệ thống quyền lực: mâu thuẫn, thường xuyên được phân tích, tồn tại giữa một bên là sự tiến bộ về năng suất và sự phát triển kỹ thuật, và bên kia là hệ thống quyền lực chính trị, mà luôn luôn hoạt động như một cái phanh (thắng) lên sự tiến bộ này.

Mâu thuẫn này đã được Marx nhấn mạnh rồi về phần sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng nó đã chẳng bao giờ tự biểu lộ mình với sức mạnh như vậy như trong một hệ thống mà, trên nguyên tắc, được dựng lên nhằm để khắc phục nó. Tất cả các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội chuyên chế được liệt kê đến thế này, vì các lý do hiển nhiên, tạo thành những cái phanh mạnh mẽ lên tiến bộ năng suất và sự phát triển công nghệ. Chúng tăng cường sự đình trệ của chế độ. Tuy vậy, sự phát triển công nghệ (nếu nó không hạn chế đối với riêng công nghệ quân sự) và thậm chí một sự tăng lên về tiêu dùng [công] (bất kể những thuận lợi chính trị nhất định mà sinh ra từ sự nghèo khổ phổ biến và sự thiếu hụt các hàng hóa cơ bản) là lợi ích của giai cấp cai trị vì các lý do khác nhau. Mức phát triển chung càng tăng, thì càng khó để tối đa hóa những kết quả trong bất kể khu vực sản xuất cá biệt nào – và điều này áp dụng cho khu vực quân sự, được xem như một ngành tách biệt. Những khát vọng của dân cư phụ thuộc, ở mức độ lớn, vào sự so sánh tình hình của họ với tình hình của các nước phát triển cao – một sự so sánh không thể tránh được, vì bây giờ, là không thể, vì các lý do khác nhau, để ngăn chặn hoàn toàn sự lưu thông thông tin. Như thế, khi tiêu dùng trì trệ, hay thậm chí sự tăng lên yếu ớt, thì cảm giác thất vọng và sự bất mãn có thể tăng lên, mà người ta không bao giờ có khả năng thấy trước khi nào sẽ đạt mức bùng nổ. Theo một cách tổng quát hơn, từ nay trở đi không thể tưởng tượng được rằng có thể tránh được cạnh tranh quốc tế, ngay cả khi nó áp đặt những tình thế bất lợi. Quả thực, sự cạnh tranh này đang trở nên ngày càng mãnh liệt. Như thế, khi các nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn của họ để đảm bảo sự tiến bộ kỹ thuật và một sự cải thiện tình hình vật chất của dân cư, nói chung họ chân thành. Nhưng những ý định này là mâu thuẫn với mong muốn của họ để tăng cường sự độc quyền quyền lực không bị kiểm soát trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nếu không có cách nào ra khỏi mâu thuẫn này, điều đó chẳng hề có ý nghĩa, như Isaac Deutcher đã có vẻ hy vọng, rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ “dân chủ hóa” bản thân nó dưới áp lực tự động của tiến bộ kỹ thuật. Mâu thuẫn giữa sự phát triển công nghệ và hệ thống chính thể chính trị và quản lý kinh tế có thể chỉ trở thành một nhân tố phát triển nếu mâu thuẫn này tìm thấy sự biểu lộ trong một xung đột xã hội: xung đột giữa một bên là tất cả các khu vực xã hội mà có lợi ích trong việc duy trì cơ chế hiện tồn của sự bóc lột, và bên kia là giai cấp lao động cùng với giới trí thức – trước hết là giới trí thức kỹ thuật và quản trị.

Sự Độc lập Bên trong sự Phụ thuộc

Những mâu thuẫn này được tăng cường bởi một mâu thuẫn khác, mà là do tình hình của các nước phụ thuộc của đế chế Soviet. Các bộ máy cai trị của những nước này có lợi ích trong việc duy trì sự phụ thuộc này như cái bảo đảm cho địa vị riêng của họ; mặt khác họ có lợi ích để thấy sự phụ thuộc này ít đi, ủng hộ cho quyền tự do quyết định của chính họ. Tình hình này sinh ra những sự căng thẳng không thể tránh khỏi bên trong guồng máy chính trị, và đồng thời mở một hộp đạn ra mà bên trong đó áp lực xã hội có thể được sử dụng một cách hiệu quả. Chủ quyền quốc gia không phải là một điều kiện đủ cho sự giải phóng xã hội của dân cư lao động; nó, tuy vậy, là một điều kiện cần. Khỏi phải nói rằng sự sợ hãi súng đại bác “anh em” được biện minh, nhưng nó được chủ ý kích động nhằm để bóp nghẹt – nhân danh “chủ nghĩa yêu nước” – những đòi hỏi rụt rè nhất; nó là công cụ để thuyết phục dân tộc về sự tuyệt đối vô nghĩa của mọi cố gắng [phản kháng]. Trong thực tế, mục đích của Ba Lan, giống như mục đích của các quốc gia khác trong phạm vi ảnh hưởng Soviet, không phải để gây ra một xung đột vũ trang, mà để gây một áp lực liên tục với ý định làm giảm bớt sự phụ thuộc mà có thể được giảm đi chỉ thông qua áp lực này. Trong lĩnh vực này, đi lập luận phù hợp với nguyên lý “tất cả hoặc không gì cả” là sai: chấp nhận nguyên lý này có nghĩa là đồng ý với cái “không gì cả” này. Không ai có thể mù quáng đến mức cho rằng không có sự khác biệt nào giữa tình hình của Ba Lan và tình hình của Lithuania, hoặc rằng sự phụ thuộc của Ba Lan đã chẳng thay đổi chút nào giữa 1952 và 1957. Sự phụ thuộc và sự thiếu chủ quyền thực tế là một vấn đề mức độ, và những khác biệt về mức độ này là rất quan trọng cho sự tồn tại của một dân tộc.

Nếu dân tộc Ba Lan đã kháng cự lại các âm mưu Nga hóa và Đức hóa trong thời kỳ bị thôn tính, nó có được điều này chủ yếu nhờ giới trí thức nhân văn và các giáo viên của nó. Nếu giả như nó đã không có giới trí thức này, nó đã có thể có cùng số phận như dân tộc Lusatian,[3] mà quả thực đã duy trì được ngôn ngữ của nó, nhưng đã không có cơ hội lớn để sống sót vì nó chắc là không tạo ra văn hóa riêng, độc đáo của nó và giới trí thức riêng của nó. Ba Lan, với tư cách một thực thể văn hóa, đã sống sót nhờ những người đã tạo ra, giữa những thứ khác, Ủy ban Giáo dục Quốc gia,[4] và những người đã tiếp tục công việc này qua các giáo viên, các nhà văn, các nhà lịch sử, các nhà ngữ văn học, các nhà triết học của thế kỷ thứ mười chín, những người, bất chấp hoàn cảnh thịnh hành lúc đó, đã dốc sức để làm giàu di sản văn hóa dân tộc. Dân tộc Czech, mà đã thấy mình trên bờ vực của sự Đức hóa, cũng đã sống sót nhờ những cố gắng tương tự của giới trí thức của nó trong thế kỷ thứ mười chín.

Ủng hộ Chủ nghĩa Cải lương

Tôi lấy lập trường ủng hộ các ý tưởng “cải lương chủ nghĩa,” với điều đó tôi không muốn nói chút nào rằng người ta có thể đồng nhất hóa chủ nghĩa cải lương với việc áp dụng các phương tiện “hợp pháp,” như đối lập với các phương tiện “bất hợp pháp.” Sự phân biệt này là thực sự không thể trong một tình hình mà trong đó không phải luật xác định tính hợp pháp mà là cảnh sát và các nhà chức trách đảng diễn giải tùy tiện các luật mơ hồ. Nơi các nhà cai trị có thể, nếu họ muốn, bắt giữ và kết tội các công dân vì sở hữu một cuốn sách “bất hợp pháp,” vì có cuộc trao đổi về các chủ đề chính trị bên trong một nhóm nhỏ, hoặc vì ý kiến được bày tỏ trong một lá thư riêng tư, thì quan niệm về tính hợp pháo chính trị chẳng còn có ý nghĩa gì. Cách tốt nhất để phản ứng chống lại những sự truy tố vì “những tội” thuộc loại này là phạm chúng (các tội đó) trên một quy mô rất lớn. Nếu tôi nói về một định hướng cải lương chủ nghĩa, là theo nghĩa của một niềm tin vào khả năng của những áp lực hữu hiệu, mà là một phần và tiến bộ, được sử dụng trong một triển vọng dài hạn, tức là triển vọng của sự giải phóng xã hội và dân tộc. Chủ nghĩa xã hội chuyên chế không phải là một hệ thống cứng nhắc tuyệt đối; các hệ thống như vậy không tồn tại. Những dấu hiệu về sự mềm dẻo đã xuất hiện trong tiến trình của những năm gần đây trong các lĩnh vực nơi trước kia hệ tư tưởng chính thống ngự trị tối cao: các quan chức đảng không còn cho rằng mình biết nhiều về y khoa hơn các giáo sư y khoa, cho dù họ vẫn tiếp tục [cho rằng họ] biết nhiều về văn học hơn các nhà văn. Nhưng ở Ba Lan, những sự thay đổi không thể đảo ngược nào đó đã xảy ra, ngay cả trong lĩnh vực này. Sự can thiệp của hệ tư tưởng chính thống vẫn không thể chịu đựng được như trước đây, nhưng lĩnh vực hoạt động đã bị hạn chế, đặc biệt nếu người ta nghĩ về giai đoạn vẫn còn mới đây khi học thuyết nhà nước đã có thể tuyên bố sự phán xử với uy quyền ngang nhau về độ rộng của ống quần, về màu của bít tất (vớ) và các quy luật di truyền học. Một số người có thể bắt bẻ lại rằng điều này là một vấn đề của cùng loại tiến bộ như sự chuyển đổi từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Nhưng chúng ta đối mặt ở đây với một sự lựa chọn không phải giữa sự suy tàn hoàn bộ và sự hoàn hảo tuyệt đối, mà là giữa sự đồng ý với quá trình suy tàn và một sự cố gắng liên tục để củng cố các giá trị và các mô hình mà, một khi chúng đã thành hình, là khó hơn để rút bớt từ từ [déduire]. Cuộc tàn sát văn hóa năm 1968 đã gây ra một sự nản lòng to lớn; nhưng mà nó đã là một sự đối đầu, chắc chắn không thể tránh khỏi, nhưng đã xảy ra trong những điều kiện do bộ máy áp bức lựa chọn và áp đặt.

Chúng ta nhận thấy trên khắp thế giới những tính chất chính thống cứng nhắc đang sụp đổ thế nào, dẫn đến sự từ chối các quy tắc, các điều cấm kỵ (taboo), các giá trị và niềm tin thiêng liêng mà, cho đến gần đây, đã có vẻ là điều kiện tuyệt đối cho sự tồn tại của chúng. Đã có thể có vẻ rằng sự tương tự với những thay đổi xảy ra bên trong Giáo hội là vô nghĩa, vì các Giáo hội chẳng có cảnh sát cũng không có quân đội sẵn có để dùng. Tuy vậy, các Giáo hội cũng đã mất các phương tiện ép buộc dưới những áp lực của những đột biến văn hóa, như đối với cảnh sát, chúng tự lừa mình, như trước đây, về quyền tuyệt đối của chúng, và thử lừa những người khác, vì chúng vẫn hùng mạnh chỉ chừng nào người dân tin vào sức mạnh riêng của chúng. Thực ra, dưới những áp lực xã hội mạnh, cảnh sát cuối cùng đã bộc lộ là bất lực, và sự sợ hãi của (cảnh sát) những người mà công việc của họ là gây sợ hãi, trở nên lớn hơn sự sợ hãi của những người bị họ truy hại.

Một sự Suy tàn Chậm

Chủ nghĩa xã hội chuyên chế đã mất nền tảng tư tưởng của nó. Bất chấp tất cả những sự quái đản của Chủ nghĩa Stalin, bộ máy Stalinisnt, chí ít ở các nước dân chủ nhân dân, trong những hoạt động của nó đã phụ thuộc vào các mối liên kết tư tưởng với hệ thống nhiều hơn các bộ máy hiện nay rất nhiều. Người ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng một bộ máy vô liêm sỉ, mà các thành viên của nó đo lường những lợi lộc của chủ nghĩa xã hội bằng các đặc ân riêng của chúng và sự nghiệp của chúng, là hiệu quả hơn, không bị sự kiềm chế nào kiểm soát, bởi vì nó không bị phơi ra cho những cú sốc tư tưởng, và có khả năng thay đổi đột ngột bất cứ lúc nào. Nhưng tất cả những thứ đó thậm chí không phải là một nửa sự thật. Một bộ máy thuộc loại đó có thể thất bại khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng; nó không ở trạng thái để chịu đựng một sự thử thách nghiêm trọng hơn, và vấp phải một rủi ro lớn hơn của sự tan rã bởi vì các xung đột giữa các bè lũ. Nhưng trên hết nó chính là sản phẩm của sự lỗi thời lịch sử của hệ thống mà nó phục vụ. Một hệ thống mà không ai bảo vệ một cách vô tư thì phải chết, Victor Serge đã nói trong một cuốn sách về “Okhrana” [cảnh sát mật Sa hoàng – K.D.]. Không cảnh sát nào sẽ tin một lời quả quyết như vậy cho đến khi anh ta mất việc làm. Chủ nghĩa xã hội chuyên chế đang hấp hối cái chết chậm được Hegel mô tả: nó có vẻ không bị lung lay, nhưng nó đang chìm vào một tình trạng buồn chán nặng, tê cóng, được nhẹ bớt chỉ bởi một sự sợ hãi mà tìm thấy lối ra trong sự gây hấn. Sự biến đi của hệ tư tưởng có nghĩa đối với hệ thống này là sự mất đi của raison d’être [lý do tồn tại] của nó. Về mặt này, những sự sửa đổi nhất định trong cách diễn đạt là đầy ý nghĩa: Stalin đã luôn luôn thốt ra từ “tự do,” vào lúc khi những sự tra tấn và tàn sát là chuyện thông thường khắp đế chế của ông; ngày nay khi các cuộc tàn sát đã ngớt, từ “tự do” là đủ để đặt toàn bộ lực lượng cảnh sát vào trạng thái báo động. Tất cả những từ lỗi thời – “tự do,” “độc lập,” “luật,” “công lý,” “sự thật” – trở thành những khẩu hiệu chiến đấu chống lại chế độ bạo chế quan liêu. Tất cả những điều đó là quý giá và lâu bền trong nền văn hóa hiện thời của các dân tộc bị thống trị bởi hệ thống này vẫn tồn tại dai dẳng bất chấp nó. Phong trào Cộng sản quốc tế đã ngưng tồn tại. Ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản theo phiên bản Soviet của nó cũng chẳng còn nữa.

Có thể rằng, nếu giả như họ đã có quyền tự do để lựa chọn, đa số giai cấp lao động và giới trí thức Ba Lan đã sẽ chọn chủ nghĩa xã hội, như tác giả của bài báo này. Chọn chủ nghĩa xã hội – tức là, chọn một hệ thống dân tộc có chủ quyền mà bao hàm sự kiểm soát của xã hội trên việc sử dụng và phát triển các tư liệu sản xuất, trên việc phân phối thu nhập quốc gia, cũng như trên tổ chức chính trị và hành chính, hoạt động như một cơ quan của xã hội, và không phải như người chủ cai trị xã hội dưới chiêu bài “phục vụ” nó. Họ đã sẽ chọn: một cơ quan mà giả định trước quyền tự do thông tin và truyền thông, chủ nghĩa đa nguyên chính trị và nhiều hình thức quyền sở hữu xã hội; sự tôn trọng các ý tưởng về sự thật, tính hiệu quả và lợi ích công; một sự chấm dứt sự cai trị độc đoán được cảnh sát chính trị sử dụng; một sự làm luật hình sự mà mục tiêu của nó là để bảo vệ xã hội chống lại hành vi chống-xã hội và không phải để biến tất cả công dân thành những tội phạm chịu sự hăm dọa.

Sự nổi lên của một phong trào theo định hướng này phụ thuộc ở mức độ lớn – tuy không phải hoàn toàn – vào niềm tin của công chúng vào chính khả năng của một phong trào như vậy. Xét rằng đặc tính của một xã hội phụ thuộc một phần vào hình ảnh mà nó có về chính mình, những tiềm năng trong lĩnh vực của những sự biến đổi xã hội không thể tồn tại trong riêng các sự thực khách quan, mà không có quan hệ với nhận thức mà người dân có về những tiềm năng như vậy. Đấy là vì sao những người mà, trong các nước xã hội chủ nghĩa chuyên chế, có thể gây ra hy vọng cũng là những người tham gia trong một phong trào mà có thể làm cho hy vọng này trở thành thực tế – trong mức độ mà, trong cố gắng để hiểu chính mình và xã hội của mình, có một sự trùng một phần của chủ thể và khách thể.

Những Sự thật Mà Phải được Tuyên bố lại

Sự tin tưởng rằng hình thức hiện tại của chủ nghĩa xã hội bị chai cứng hoàn toàn, rằng nó có thể bị phá hủy chỉ bằng một cú đánh mạnh duy nhất, rằng không sự thay đổi một phần nào có thể tác động thật sự đến sự thay đổi ở mức xã hội, có thể dễ dàng được dùng như sự biện minh cho chủ nghĩa cơ hội và thói bất lương hoàn toàn. Nếu giả như điều này là vậy, thì không sáng kiến cá nhân hay tập thể nào nhằm chống lại những sự quái đản của chủ nghĩa quan liêu Stalinist-mới, không cuộc đấu tranh nào để giữ gìn sự tôn trọng sự thật, năng lực, công lý và lý trí,  có bất kỳ ý nghĩa nào. Nếu giả như điều này là vậy, thì bất cứ hành động đê tiện riêng nào có thể được biện minh, vì nó có thể được diễn giải đơn giản như một yếu tố của sự ô nhục phổ quát mà “tạm thời” là không thể tránh khỏi – không phải là việc làm của các cá nhân mà là sản phẩm của hệ thống. Nguyên lý về đặc trưng không thể cải tạo được của hệ thống như thế có thể được dùng như một sự xá tội được ban trước cho tính nhát gan và tính thụ động. Sự thực rằng phần lớn giới trí thức Ba Lan đã để mình bị thuyết phục về tính cứng nhắc hoàn toàn của hệ thống đáng xấu hổ, mà dưới đó họ sống, chắc chắn chịu trách nhiệm phần lớn về tính thụ động mà họ đã thể hiện vào thời điểm kịch tính của cuộc đấu tranh do các công nhân Ba Lan gánh vác trong tháng Mười Hai 1970.

Người ta có lẽ có thể phụng sự tồi nhất cho sự nghiệp của nền độc lập và nền dân chủ Ba Lan bằng cách truyền bá khắp xã hội các hình mẫu rập khuôn (stereotype) chống-Nga truyền thống. Dân tộc Nga, mà đã trải qua những sự đau khổ kinh khủng nhất của lịch sử hiện đại, tiếp tục được dùng bởi các ông chủ của nó như một công cụ của các chính sách đế quốc của họ. Nhưng bản thân nó là một nạn nhân của các chính sách này, nhiều hơn bất cứ dân tộc nào khác. Bất chấp những rủi ro gây ra bởi những sự náo động dân tộc chủ nghĩa bên trong “phạm vi ảnh hưởng,” những thái độ dân tộc chủ nghĩa này tạo thành một công cụ thiết yếu cho việc duy trì quyền lực bằng các phương pháp truyền thống nhất, đặc biệt nếu xét đến sự suy tàn hiện nay về thực lực của tư tưởng quốc tế chủ nghĩa. “Tình hữu nghị giữa các dân tộc,” theo học thuyết chính thức, rút cục là việc uống rượu chúc mừng tình hữu nghị và để trao đổi các nhóm hòa nhạc được đặt dưới sự giám sát của cảnh sát. Tình hữu nghị thật giữa các dân tộc, mà sự không tin cậy và sự thù địch lẫn nhau có gốc rễ lịch sử sâu xa, chỉ có thể được sinh ra và phát triển thông qua những sự tiếp xúc và trao đổi không bị kiểm soát – nhưng việc này lại chính xác là việc mà tầng lớp cai trị sợ trên hết. Chủ nghĩa dân tộc chống-Nga của những người Ba Lan – bằng  gây ra một phản ứng tự nhiên – đóng góp cho việc tăng cường chủ nghĩa dân tộc Đại-Nga; nó như thế giúp để kéo dài thân phận nô lệ của cả hai dân tộc. Thật đau đớn để phải nhắc lại những sự thật mà vào giữa thế kỷ vừa qua đã là điều tầm thường đối với các nhà dân chủ cách mạng của thời đó. Nhưng chúng phải được lặp lại chừng nào chúng còn có giá trị. Những người mà, thay cho việc đóng góp cho kiến thức và sự hiểu văn hóa dân tộc thật của nước Nga, lại đi truyền bá các hình mẫu rập khuôn chống-Nga ở Ba Lan, dù muốn dù không đều trở thành những người bảo vệ quyền lực mà giữ cả hai dân tộc trong trạng thái nô lệ. Bất chấp sức mạnh quân sự của đế chế Soviet, bất chấp sự xâm lăng Tiệp Khắc, các xu hướng ly tâm bên trong “khối” không thể bị kìm lại, và sự xói mòn của chủ nghĩa dân tộc tiếp sẽ tục xói mòn một kết cấu mà đã mất chất kết dính tư tưởng. Để thử thúc giục sự phân rã này bằng việc khơi dậy những hận thù dân tộc chỉ có thể dẫn tới một cuộc tàn sát. Chúng ta có thể tránh triển vọng đáng sợ này chỉ bằng trao cuộc sống mới cho ý tưởng truyền thống dù không còn mốt nữa về tình anh em của các dân tộc nhất trí chống lại những kẻ áp bức.

Những mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa xã hội chuyên chế có thể luôn luôn được giải quyết theo hai cách. Để mặc cho sức ỳ của chính nó, trong im lặng và sợ hãi, hệ thống này sẽ luôn luôn thử giải quyết các vấn đề của nó bằng các thủ tục tăng cường sự trấn áp thay cho nới lỏng nó, siết chặt xiềng xích thay cho nới lỏng chúng. Sự mở rộng các phương pháp cảnh sát của chính phủ không phải là kết quả của sự phản kháng tăng lên, mà, ngược lại, là kết quả của sự thiếu vắng nó. Tính mềm dẻo của kết cấu xã hội này – một sự mềm dẻo mà các giới hạn của nó không thể được cố định trước – sẽ thể hiện mình trong sự tái-Stalin-hóa, nếu thiếu các lực lượng có khả năng chống lại việc này. Chỉ dưới áp lực của xã hội thì tính mềm dẻo này mới tự thể hiện dưới một dạng nhất quán hơn với các nhu cầu của xã hội đó; đó là bài học mà nổi lên một cách không bị thách thức từ kinh nghiệm của chúng ta. Theo cùng cách, những người, mà nghĩ rằng họ có thể có được sự thanh bình với cái giá của những sự nhượng bộ nhỏ, đang tự đánh lừa mình: cái giá phải trả sẽ vẫn cứ gia tăng. Nơi hôm nay sự nịnh hót có vẻ vô tội nào đó là đủ, ngày mai họ sẽ phải trả giá cho sự bình yên của họ bằng việc biến thành kẻ chỉ điểm; hôm nay họ có thể có được đặc ân nhỏ đơn giản bằng sự vẫn ngồi im lặng, nhưng ngày mai cái giá sẽ là sự tham gia tích cực.

Quy luật tự nhiên của sự tan rã là sự lạm phát đạo đức: nhà phân phối hàng hóa đòi giá ngày càng tăng – nếu những áp lực xã hội không buộc ông ta hạ giá.

Triển vọng này không là một triển vọng may mắn chút nào, nhưng nó có giá trị là thực tế hơn nhiều so với những triển vọng mà chúng ta chờ đợi từ một phép màu, từ sự giúp đỡ của bên ngoài, hoặc từ sự tự sửa chữa tự động của một cơ chế xã hội không hoạt động một cách phù hợp và để mặc cho sức ý của chính nó. Những cách để sử dụng áp lực là sẵn có, và hầu như mỗi người đều có thể tận dụng chúng – đó mới là điều quan trọng. Là đủ để rút ra những hệ quả của những lời dạy đơn giản nhất: những người, mà cấm sự đầu hàng sự đê tiện, thói nô lệ đối với kẻ cai trị, [là những người] đang tìm kiếm của bố thí để đổi lại sự đê tiện của mình. Phẩm giá của chính chúng ta trao quyền cho chúng ta để tuyên bố dõng dạc các từ cũ: “tự do,” “công lý” và Ba Lan.

Nguyễn Quang A dịch từ bản dịch tiếng Anh của Kevin Devlin cho đài Châu Âu Tự do, RFE.

[1] Bài báo này được công bố trong số 5-6 của tập chí Kultura, Paris, 1971. Tác giả, Leszek Kolakowski, sinh năm 1928. Sau khi trở thành một người Cộng sản trong thời gian bị chiếm đóng, ông đã tham gia phong trào thanh niên (Z.W.M.). Giáo sư triết học tại Đại học Warsaw sau chiến tranh, được chỉ định làm nghiên cứu tại Viện Triết học của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, ông đã hiến dâng đời mình cho nghiên cứu lịch sử tư tưởng hiện đại; trong mối quan hệ này ông đã công bố một nghiên cứu về Spinoza và Những người Kitô giáo mà không có một Giáo hội (Christians Without a Church), công trình duy nhất của ông được xuất bản ở Pháp (Gallimard, 1970). Với tư cách một người đóng góp cho tờ Po Prostu, một tuần báo của thanh niên Cộng sản và sinh viên, ông đã tham gia tích cực vào sự bắt đầu của cuộc đấu tranh chống lại Stalin và vào tháng Mười Ba Lan; tuần báo bởi thế đã là một trong những xuất bản phẩm đầu tiên bị kết tội “chủ nghĩa xét lại cánh tả” và sau đó bị Gomulka đình chỉ trong tháng Mười 1957. Để đánh dấu kỷ niệm mười năm tháng Mười 1956, Kolakowski đã đưa ra một bản cáo trạng mạnh mẽ chống lại các chính sách của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (P.U.W.P.). Sau đó ông bị đuổi ra khỏi đảng, và bị cấm dạy học – tuy không phải là làm nghiên cứu. Hiện tại ông đang dạy ở Đại học Oxford, mà ông đang tạm thời gắn bó với. [Người dịch, N.Q.A: Ông đã tin rằng sự tàn bạo toàn trị của chủ nghĩa Stalin là sản phẩm logic của chủ nghĩa Marx trong công trình chính gồm 3 tập của ông, Main Currents of Marxism (Những luồng chính của Chủ nghĩa Marx) được xuất bản trong các năm 1974-1978. Trong các năm 1980 ông đã ủng hộ phong trào Đoàn kết. Ông mất ngày 17-7-2009 tại Oxford, Anh.]

[2] Ngày 8-3-1968 một cuộc biểu tình sinh viên đã bị trấn áp một cách tàn bạo ở Warsaw. Các cuộc biểu tình khác đã tiếp theo, và đã dẫn đến chiến dịch sự trấn áp và thanh lọc chống lại giới trí thức, và đặc biệt chống lại các trí thức Do thái.

[3] Những người Lusatian, một bộ lạc Slav sống ở các vùng lãnh thổ giữa Ba Lan, Phổ và Bohemia, kế tiếp nhau đã bị sáp nhập vào Bohemia, rồi sau đó vào Saxony, trở nên bị Đức hóa hoàn toàn.

[4] Ủy ban Giáo dục Quốc gia, được lập ra năm 1773 (lần thứ nhất Ba Lan bị chia cắt) đã là bộ giáo dục công đầu tiên ở châu Âu.

No comments:

Post a Comment