Nếu ai hỏi tôi bài hát Xô viết nào hay nhất và tiêu biểu nhất, thì câu trả lời ngay tắp lự sẽ là “Những buổi tối ngoại ô Matxcơva”. Nhưng để viết về nó thì thật không dễ, tôi cũng đã đôi lần viết về bài hát này mà đều thấy chưa “tới” lại xóa đi. Hy vọng quá tam ba bận…
Câu chuyện bài hát ra đời thế nào tuy cũng lạ đấy, nhưng cũng rất nhiều người biết rồi. Năm 1955 nhà nước đặt hàng nhạc sỹ tài danh Soloviev-Sedoy và nhà thơ Matusovsky viết một bài hát cho cuốn phim tài liệu về ngày hội thể thao toàn dân của đất nước Xô viết – một bài hát nhẹ nhàng tình cảm một chút cho cuốn phim không lấy gì làm hấp dẫn này. Phải nói là viết theo “đặt hàng” cũng khó lắm, nên hai nghệ sỹ kéo nhau ra nhà nghỉ ở làng Komarovo (ven Leningrad – tên cũ của Saint-Petersburg ngày nay) để sáng tác, khó quá nên nhạc sỹ lôi ra một sáng tác cũ của mình cho nhà thơ phổ lời. Và thế là bài hát “Những buổi tối Leningrad” đã ra đời… Đến khi lồng vào phim, khi các sự kiện diễn ra chủ yếu ở thủ đô nên các tác giả buộc phải sửa đổi, và thế là xuất hiện “Những buổi tối ngoại ô Matxcơva” – bài hát lề mề này không được hoan nghênh cho lắm, nhưng thời gian gấp quá thế là chả còn kịp tìm bài hát khác, nó được đưa vào phim, lại cũng khá khó khăn vì các ca sỹ hàng đầu từ chối trình diễn, cuối cùng đạo diễn phải nhờ tới một diễn viên kịch có giọng hát tốt – Vladimir Troshin. Bộ phim ra đời theo đúng kế hoạch và như dự đoán chả ai còn nhớ tới nó, nhưng bài hát của Troshin đã nhanh chóng đi vào lòng người, và nghệ sỹ Troshin đi vào lịch sử chính bởi bài hát nahcj phim này:
Vào năm 1957 Liên hoan sinh viên quốc tế diễn ra tại Matxcơva, và nhạc sỹ Soloviev-Sedoi nhận được huy chương vàng bởi bài hát được Troshin trình diễn – “Những buổi tối ngoại ô Matxcơva” nổi danh trên trường quốc tế, còn ở Liên Xô người ta bắt đầu coi nó là “dân ca” rồi – dấu hiệu rõ nhất của một tác phẩm thiên tài! Nhưng để nó trở thành bất hủ, trở thành biểu tượng của Liên bang Xô viết còn cần một cú hích của số phận…
1958 cuộc thi trình diễn nhạc cổ điển Tchaikovsky lần thứ nhất diễn ra tại Matxcơva (chỉ dành cho violin và piano) – tuy mới lần đầu nhưng trường phái nhạc cổ điển Liên Xô được coi là một trong những cái nôi tài năng của thế giới, nên cuộc thi rất được quốc tế quan tâm theo dõi. Lại thêm nữa khi đó cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ đang rất căng thẳng, còn Trung Quốc thì bắt đầu quay lưng lại với “người anh cả” và coi lãnh đạo CCCP là “bọn xét lại”, thì âm nhạc không đơn giản chỉ còn là văn hóa. Tuổi của thí sinh giới hạn là dưới 30, và đại diện cho nước Mỹ để thi piano năm đó là cậu chàng 23 tuổi Harvey Lavan "Van" Cliburn. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng “Vanya” chỉ có một ước mơ khi nào đó được đặt chân lên quảng trường Đỏ và chơi piano tại nước Nga – đơn giản thôi vì mẹ cậu là nghê sỹ piano học và tốt nghiệp nhạc viện Saint-Petersburg còn cô giáo dạy đàn thì tốt nghiệp nhạc viện Matxcơva – họ đều là những người Do Thái, Nga kiều định cự tại Mỹ. Là học sinh giỏi của trường âm nhạc tốt nhất tại Mỹ, Van Cliburn ngây thơ đến với cuộc thi với một niềm yêu mến văn hóa Nga và âm nhạc Tchaikovsky mãnh liệt, đâu biết được rằng cuộc thi lớn này theo kịch bản sẽ phải là nơi phô diễn tài năng và thắng lợi của những nghệ sỹ Liên Xô trẻ. Chẳng ai biết Van Cliburn là ai, nhưng chỉ sau vòng thi thứ nhất người dân thủ đô nô nức kéo nhau tới nghe từng buổi thi của cậu – dân Nga gốc quý tộc rất sành âm nhạc cổ điển đấy! Người ta còn rất quý cậu vì tình yêu đối với nước Nga – những hôm không phải thi cậu đi thăm bảo tàng Tchaikovsky, đào một cây siren bé ở đó nâng niu đem về Mỹ trồng lên mộ Rakhmaninov, và lúc nào cũng cười thân thiện… Và người ta yêu quý cậu có lẽ đầu tiên vì vẻ quyến rũ thơ ngây của một thiên tài lãng tử, hơn nữa cậu chơi đàn càng lúc càng xuất thần. Đến vòng chung kết, khi thấy Cliburn hơn hẳn tay đàn piano số 2 (của Liên Xô) và số 3 (của Trung Quốc) chánh chủ khảo bắt buộc phải hỏi tới… tổng bí thư Nikita Khrushev. Khi ông này biết nhận xét của Shoshtakovich về chàng trai Texas là “nhạc công có kỹ thuật phi thường” còn nhạc sỹ Richter cho anh điểm tối đa 25 (và tất cả các thí sinh khác 0 điểm!) thì Khrushev ra quyết định: “Trao giải nhất!”.
Tại buổi lễ tổng kết, có lẽ khá áy náy vì mình chiếm mất giải cao nhất của người Nga, chàng Van Ciburn đã đọc mấy câu diễn văn bằng tiếng Nga bập bõm: “Tôi luôn giữ những kỷ niệm đẹp nhất trong tim… Tôi yêu tất cả các bạn!”. Và anh đã chơi “Những buổi tối ngoại ô Matxcơva” hay như chưa ai đã từng chơi…
https://www.youtube.com/watch?v=s1vZWJT-XGw
Khán giả đã đứng vỗ tay anh rất lâu, và cả đêm hôm đó dưới cửa sổ khách sạn của “Vanya” người ta vẫn tụ tập để gọi tên anh. Anh được các lãnh đạo Xô viết tiếp đón nồng nhiệt, nhất là Khrushev, phải nói chỉ khi Gagarin bay từ vũ trụ về mới có một nhân vật được cả nước yêu quý hơn Van Cliburn. Giải thưởng thời đó to lắm, hơn 6300 USD đằng nào cũng không mang về được (có ai lại nghĩ là người nước ngoài sẽ được giải đâu, có được hải quan nào cho cầm ra...?) Cliburn để lại Liên Xô làm 2 học bổng mang tên những người thầy của mẹ mình và mình. Trò chơi chính trị được người Mỹ tiếp bước ngay – khi về nước Van Cliburn được đón tiếp còn hơn thế nữa – anh đứng trên xe mui trần từ sân bay vào thành phố, còn người dân đứng dọc hai bên đường để gọi tên anh:
Từ đó ngày 20/5 hàng năm (chính là ngày anh được huy chương vàng ở Matxcơva đấy) tại Mỹ được coi là ngày âm nhạc! Còn sau dịp ấy cứ đi công du nước ngoài thì Nikita Khrushev đều mang theo ca sỹ hay nhạc sỹ để trình diễn bài hát “Moscow Nights” (tên gọi quốc tế cho bài hát “Những buổi tối ngoại ô Matxcơva”). Khi mà 2 cường quốc hàng đầu đều yêu mến “Moscow Nights” thì dễ hiểu rằng nó nhanh chóng được biết tới và biểu diễn ở rất nhiều quốc gia, bằng nhiều thứ tiếng…
Karel Gott hát tiếng Đức rất tình cảm (và tất nhiên tiếng Nga của anh thì chả khác gì người Nga):
Thomas Anders thể hiện tình cảm cùng “Moscow Nights” với tiếng Anh:
https://www.youtube.com/watch?v=cZ_cHp-hIE0
Mireille Mathieu hát tiếng Pháp và Nga tuyệt vời, có lẽ bà là nữ ca sỹ hay nhất với “Moscow Nights”!
Ở Liên Xô giai điệu của bài hát này trở thành nhạc hiệu của đài phát thanh “Mayak” từ đó cho tới tận bây giờ! Theo sách kỷ lục Guiness thì đây là giai điệu được chơi nhiều nhất toàn thế giới, thứ nhì mới tới “Yesterday” của nhóm “The Beatles”. Vậy đâu là nguyên nhân của sự phổ biến khắp nơi nơi này? Đầu tiên phải nói tới nhạc – giai điệu rất đẹp, nghe rất thân quen nhưng lại không hề trùng lặp với bất cứ giai điệu nào từ trước tới này! Và có thể vì giai điệu quá đẹp nên đây là một trong số rất ít những bài hát Nga mà chỉ có một giai điệu chứ không có phần điệp khúc nữa. Rất nhiều band nhạc jazz quốc tế đã chơi giai điệu này, nhạc không cần lời thì đã quá hay rồi:
Tuy vậy sẽ là thiệt thòi rất lớn nếu không nghe, không biết tới lời của bài hát này! Miền Bắc Việt Nam ta cũng đã hát bài hát này rất sớm bằng lời Việt – nhờ vào công dịch và phổ lời của bác Vương Thịnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế-Bộ Văn hóa. Sinh năm 1934, quê tại Bắc Giang, ông Vương Thịnh từng là một cựu chiến binh của Đại đoàn 308 từ năm 1949. Từ năm 1951-1954, ông là học viên thiếu sinh quân tại Trung Quốc. Ông cũng là một trong hơn trăm học viên Việt Nam được học lớp Nga ngữ đầu tiên ở Mátxcơva những năm đó.Từ năm 1957-1960 và 1969-1971, ông Vương Thịnh được Nhà nước cử sang Liên Xô, công tác tại Ban Tiếng Việt của Đài Phát thanh Mátxcơva, làm Biên tập và Phát thanh viên tiếng Việt cho đài này. Ông Vương Thịnh đã tự dịch ca khúc "Chiều Mátxcơva" đang nổi tiếng hồi đó ra tiếng Việt. (Sau đó, ông còn cộng tác với Cao Thụy - sau là đạo diễn điện ảnh - dịch tiếp ca khúc "Đôi bờ."). Lòi Việt của ông rất xuât sắc:
Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến
Matxcova bên chiều vắng thanh bình.
Dòng sông lướt nhẹ trôi xuôi về phía chân trời
Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi
Vời xa thoáng đưa về bao lời ca nồng thắm
Chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời.
Kìa em ngước nhìn ai đôi màu mắt nâu huyền
Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên
Sao không nói nên lời , trong lòng anh nàng hỡi
Muốn chia em chung ngàn nỗi tâm tình
Vừng đông chiếu tràn lan, mây dần sáng sương tàn
Cầm tay nhau em nhé ta vui lên
Hỡi em nhớ chăng mình đêm hè bao đầm ấm
Matxcơva trong chiều vắng thanh bình…
Lời hát tuyệt vời, trừ mỗi chữ “chiều” – dễ làm người ta lầm tưởng đây là những buổi chiều, thực ra đó là những buổi tối, đêm hè (tên tiếng Anh là “Moscow Nights” hay “”Midnight in Moscow” có vẻ chuẩn xác hơn). Tác giả miêu tả vô cùng chính xác khung cảnh những đêm hè ngoại ô Matxcơva: im lặng tuyệt đối, dòng sông bạc lững lờ dưới ánh trăng, tiếng hát vẳng lại từ nơi xa, chỉ có đôi trai gái bên nhau thẹn thùng không nói, và rồi dần dần vừng đông đã rạng… Quả là những đêm hè phia bắc bán cầu sáng rất lâu, và ngay cả khi tối mà có trăng thì cũng sáng lắm, còn các dòng sông thì dường như ngừng chảy… Một bài hát rất Xô Viết nhưng tuyệt đối không có một từ nào mang tính chất chính trị cả, chỉ có thiên nhiên tuyệt vời và tình yêu trai gái…
Bài hát đơn giản nhưng hát hay không hề dễ, nó là một trong những bài hát để “khoe giọng”! Các sinh viên thanh nhạc không chỉ ở Liên Xô đều phải hát nó, mà tốt nhất phải hát đúng bằng tiếng Nga... Còn người Nga hát nó thì thật tuyệt vời, sau này rất nhiều ca sỹ hàng đầu thử giọng với “chiều thanh vắng là đây” nhưng ấn tượng nhất có lẽ là:
Alla Pugacheva (Bình Nhưỡng, liên hoan ca nhạc 1989):
Vitas (giọng ca Nga được yêu thích nhất tại Trung Quốc, và khi anh còn trình diễn bài hát rất được yêu thích tại đất nước tỷ dân này thì hiệu ứng vô cùng đặc biệt):
Amarkhuu: (Nga gốc Mông Cổ):
Nếu để ý ta sẽ thấy càng giọng đẹp, càng hát thật rõ ràng từng lời và dồn nén tình cảm vào từng lời ca nốt nhạc thì sẽ càng hay, càng thấm thía hơn. Đó là lợi thế tuyệt đối của các ca sỹ opera – thế nên đây là một trong không nhiều các bài nhạc nhẹ mà những ngôi sao opera hát sẽ rất hay (đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi – tại sao ca sỹ hát opera hát những bài nhạc pop thường không hay bằng đồng nghiệp ở sân khấu nhạc nhẹ). Với “Moscow Nights” thì ngược lại, ca sỹ opera hát sẽ hay hơn, nhất là họ có cả dàn nhạc đầy đủ đệm cho! Chẳng hạn siêu tenor Jose Careras hát cực hay (tiếng Tây Ban Nha):
Thế thì nếu ca sỹ opera hàng đầu mà người Nga nữa hát “Chiều Matxcơva” thì chắc chắn là vô đối rồi! Đó chính là trường hợp Dmitry Hvorostovsky (1962), anh từng là ca sỹ opera ngôi sao của Nga nhưng lấn sân sang nhạc pop, anh hát cả trăm bài nhạc nhẹ khác nhau nhưng bài nổi bật nhất chính là “Chiều ngoại ô Matxcơva”:
Hvorostovsky sống và biểu diễn ở nước ngoài là chính, cũng như đa số các siêu sao opera khác của Nga, và “Chiều Matxcơva” được anh biểu diễn trên khắp các sân khấu lớn – anh hay trình diễn nó cùng với các nữ ca sỹ opera khác, giọng bariton thần thánh của anh rất hợp với các giọng nữ soprano trong bài hát này, hãy nghe tam ca sau:
Hay nhất có lẽ là lần anh hát cùng Hibla Gerzmava (Nga, 1970):
Đã thành truyền thống những buổi diễn ngoài trời mùa hè tại Moscow, ngay trên quảng trường Đỏ trước hàng chục ngàn khán giả, và chính cái không khí đêm hè Matxcơva làm cho trình diễn của Hvorostovsky và nữ đồng nghiệp Netrebko (Nga, 1971) không thể thắm thiết hơn:
Dmitry Hvorostovsky phát hiện mình có bệnh ung thư từ năm 2015, và bện tình ngày càng trầm trọng. Anh công khai chiến đấu với bệnh tật, và vẫn biểu diễn những khi sức khỏe cho phép, còn cả giới nghệ thuật và người hâm mọ khắp nơi cầu nguyện cho anh… Nhưng đến giữa 2017 thì bệnh tình đã nặng lắm rồi. Anh muốn diễn lần cuối tại Nhà hát Lớn (Matxcơva) nhưng bị từ chối, chính bởi người Nga không muốn làm xấu đi hình tượng của anh. Lần diễn cuối cùng của Dmitry hóa ra ở liên hoan âm nhạc ngoài trời tại Graffenegg (Áo), khi đó anh đi lại cũng đã khó khăn còn phát âm đã bị khác đi rất nhiều, đồng nghiệp trẻ A.Garifullina (1987, Nga) dẫn tay D.Hvorostovsky ra sân khấu, cả anh cả khán giả đều hiểu rằng anh đang rất đau đớn về thể xác, nhiều người đã khóc vì hiểu đây là lần cuối họ được nghe anh hát “Matxcơva những chiều vắng thanh bình” dù không ai muốn tin vào điều đó:
Cuối bài hát anh chào khán giả, cười và nói “Đây là bài hát cuối rồi”. Chàng ca sỹ tóc trắng đã ra đi không lâu sau đó, ngày 22/11/2017 anh mất ở London, 2 lọ tro được đưa về chôn ở quê hương và tại Moscow. Sẽ còn lâu lắm người dân Nga vẫn không quên “Những buổi tối ngoại ô Matxcơva” với giọng ca như dòng sông lững lờ của Hvorostovsky, chàng trai Nga với tấm lòng rộng mở…
Quay trở lại với nghệ sỹ Van Cliburn ngày nào, người đã góp công không nhỏ để “Moscow Nights” trở nên bài hát đại diện của Liên Xô và sau này là nước Nga hiện đại. Anh đạt được mọi điều trong cuộc sống: được “vua biết mặt chúa biết tên” (từ Bush Cha, Bush Con, Obama, Khrushev rồi Putin sau này), triệu phú, có giải thưởng âm nhạc mang tên mình… Từ sau cuộc thi Tchaikovsky năm 1958 với giải nhất vinh quang ấy giới âm nhạc đều phải biết tới tên anh, anh còn đạt được hàng loạt giải thưởng danh giá khác. Chỉ có một điều đáng tiếc nhất – Van Cliburn không thể nào thoát được khỏi hào quang năm 23 tuổi khi anh đã trình diễn thực sự xuất thần tại Moscow. Anh là một nhạc công giỏi, chỉ có vậy thôi, dù có cố gắng đến đâu, nhưng không đạt đẳng cấp “siêu” nên chỉ biểu diễn sau sự kiện ở Matxcơva khoảng 20 năm nữa rồi thôi. Anh có không ít lần quay trở lại Moscow trình diễn, người dân thủ đô âm nhạc Matxcơva vẫn rất quý mến anh, nhưng trong âm nhạc của anh không còn thấy ánh hào quang của thiên tài nữa. Cliburn mất năm 2013, nhưng sau này người Nga sẽ còn mãi nhớ anh với “Chiều Matxcơva”.
Nam Nguyen
No comments:
Post a Comment