Sunday, July 5, 2020

Những lần gặp không thể nào quên với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kinhtedothi - Đã nhiều năm chúng tôi cùng các đồng nghiệp từ Hội Hữu nghị Nga - Việt và các đồng chí Việt Nam - đại diện Đại sứ quán Việt Nam cùng đại diện các tổ chức xã hội và giới DN Việt Nam đang công tác tại Liên bang Nga, tới đặt hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh vào ngày sinh của Người, tưởng nhớ đến cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Và cứ mỗi lần chiêm ngưỡng tượng Bác, tôi lại quay về với những năm 1960 xa xưa, hồi tưởng chuyện Hồ Chí Minh đón tiếp các đoàn đại biểu Xô viết, Đại sứ Liên Xô X.A.Tovmaxian; khi thì đón tiếp tại Đại sứ quán, chuyện trò cùng các cháu Việt Nam và Liên Xô ra sao.

Lần gặp đầu tiên
Tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu là vào tháng Tám năm 1962, là năm đầu tiên tôi tới Việt Nam tại buổi gặp gỡ giao lưu quốc tế với các chuyên gia nước ngoài, đang làm việc tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian đó.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Câu lạc bộ Quốc tế (thời đó Câu lạc bộ này đã có, nằm không xa quảng trường Ba Đình dành làm địa điểm chính đón tiếp các chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam). Buổi gặp này nhân dịp Quốc khánh của Việt Nam - kỷ niệm 17 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam độc lập.

...Một chuyên gia Liên Xô - một trong những chuyên gia nước ngoài phát biểu chúc mừng, đã quyết định trình làng bằng khả năng ngôn ngữ của mình, nói lời chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt nhưng phát âm sai thanh điệu (mà đó là điều rất quan trọng trong tiếng Việt). Chuyên gia nước ngoài không biết tiếng Việt nhưng đoán được ý người phát biểu muốn nói nên vỗ tay hoan hô, nhưng phần đông những người Việt có mặt tại đó bật cười.

Hồ Chí Minh đứng dậy khỏi ghế Đoàn Chủ tịch và bước tới diễn giả đang đứng ở bục phát biểu, vui vẻ nói bằng tiếng Nga “Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa muốn ngủ”. Nhiều chuyên gia nước ngoài ngồi trong phòng biết tiếng Nga cười vui vẻ, và vỗ tay nồng nhiệt. Nhân đây cũng phải nói thêm để bạn đọc hiểu được những gì đã diễn ra. Vấn đề là, tiếng Việt có nhiều thanh điệu, và khi phát âm không chuẩn về thanh điệu sẽ đưa đến hiểu sai ý của từ hoặc cả câu. Ở đây vận vào trường hợp đó. Khi nói từ “muôn năm” phát âm thanh điệu không chuẩn sẽ lệch sang từ “muốn nằm”, mà Hồ Chí Minh đã bình luận pha chút tiếu lâm dí dỏm.

Như vậy, lần đầu tiên đích thân tôi được mục kích điều mà trước đây tôi đã đọc hoặc nghe các đồng chí Việt Nam nói - Hồ Chí Minh thực sự là một con người lôi cuốn hấp dẫn, thích những chuyện đùa vui, giản dị trong giao tiếp với mọi người và đồng thời luôn tôn trọng người đối thoại. Về điều này tôi chứng kiến không chỉ một lần trong những buổi gặp gỡ trực tiếp với Hồ Chủ tịch.

Cảm ơn Chủ tịch
Còn nhớ ngày 14 tháng Bảy - ngày chiếm thành Baxti - ngày Quốc khánh của Pháp. Cơ quan ngoại giao Pháp tổ chức chiêu đãi, những khách mời theo nghi thức ngoại giao cần phải mặc comple, cà vạt dù là sáng màu, còn các quý bà thì phải diện váy đầm dạ hội.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. Ảnh tư liệu

Những giây phút đầu tiên thì nhìn cảnh này cũng dễ chịu. Nhưng chỉ khoảng 30 phút sau thì khác hẳn - những vị khách đã cảm thấy không thoải mái chút nào khi thấy trên áo comple đồng nghiệp những chấm mồ hôi, và bản thân mình thì nhận thấy những ánh mắt thông cảm và chịu đựng. Những quý bà trong cảnh đó thì còn khó chịu hơn nhiều.

Trong điều kiện như vậy nên chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn sâu sắc khi nhận được quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa Xuân năm 1963 về việc thay đổi phục sức trong nghi thức ngoại giao nước sở tại. Bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Tư đến ngày mồng Một tháng Mười sẽ thực thi phong cách ăn mặc đơn giản hơn, cả đối với các nhà ngoại giao: trong cuộc sống thường ngày và trong cả các buổi lễ trọng thể, kể cả cấp nhà nước lúc gặp Chủ tịch nước, những cán bộ ngoại giao có thể mặc áo sơ mi ngắn tay cổ bẻ, áo để ngoài quần. Cách ăn vận đơn giản dành cho cả phụ nữ, không thành quy tắc bắt buộc là phải mặc váy đầm dạ hội trong các buổi chiêu đãi chính thức.

Bình luận về quyết định này của Chủ tịch nước, một số nhà ngoại giao phương Tây giải thích rằng, do còn nghèo túng nên những cán bộ Việt Nam có trách nhiệm phải có mặt trong các buổi chiêu đãi ngoại giao, không có điều kiện sắm sửa cho mình dù là một bộ comple kha khá. Cũng có thể đó là nguyên nhân của sắc lệnh, tôi không rõ nữa, nhưng chỉ nhớ một điều là trong giới các nhà ngoại giao châu Âu người ta cảm ơn Hồ Chí Minh về quyết định đầy tính dân chủ, một quyết định thấu tình người trước những khó khăn của họ. Thật vậy, quan tâm đến con người trong khái niệm vĩ mô hoặc vi mô luôn là một nét đặc biệt của Hồ Chí Minh.

Về quyết định này của Chủ tịch tôi bỗng nhiên nhớ lại chuyến tôi đi công tác đến Việt Nam vào tháng Bảy năm 1996, tôi đã cùng với các đồng chí Việt Nam dự lễ kỷ niệm 15 năm thực hiện thắng lợi công việc của Liên doanh khai thác dầu khí “Việt Xô PETRO” lớn nhất ở khu vực này. Thả bộ dưới ánh mặt trời nóng bỏng buổi trưa trên đường phố Vũng Tàu, trong tâm tưởng tôi một lần nữa lại nói lời cảm ơn vô hạn với Hồ Chí Minh vì quyết định của Người. Khi gió nhè nhẹ thổi mà mặc áo sơ mi trắng mỏng khiến ai cũng cảm thấy mát mẻ lạ lùng.

Được Chủ tịch hỏi thi
Trong những năm tháng xa xôi đó, trong phòng khách của Sứ quán Liên Xô có điện thoại nối trực tiếp với phòng khách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tòa Sứ quán Liên Xô tọa lạc trên đường Trần Phú, cách không xa quảng trường Ba Đình). Nhiều lần tiếng chuông điện thoại reo từ Phủ Chủ tịch, điều đó đối với chúng tôi có nghĩa là, Hồ Chí Minh đề nghị mời ngài Đại sứ Liên Xô tới gặp.

Các buổi trao đổi với Hồ Chí Minh thường bắt đầu hay kết thúc bằng việc xem bộ phim thời sự ngắn, thường có trẻ em Việt Nam đi cùng. Mọi người ai cũng biết là Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em. Nhưng thường xuyên hơn là các buổi trao đổi được kết thúc bằng ngồi uống trà tâm sự.

... Có một lúc câu chuyện được dừng lại, khi tất cả thực khách đang chăm chú vào đĩa thức ăn của mình thì Hồ Chí Minh quay sang tôi và hỏi bằng tiếng Việt rằng, tôi học tiếng Việt ở đâu.

Tôi trả lời ông, là tôi học tiếng Việt tại Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Mátxcơva thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô (MGIMO). Chủ tịch ra câu hỏi thứ hai. Tôi trả lời, nhưng cũng lo lắng khi thấy ngài Đại sứ, không hiểu gì, nên lúc thì nhìn tôi, lúc nhìn Chủ tịch; còn các đồng chí Việt Nam khác thì nghe câu chuyện và cười vui. Hồ Chí Minh còn hỏi tôi vài câu nữa, tôi trả lời, nhưng thầm nghĩ rằng, hôm nay về thế nào Đại sứ cũng sẽ cạo tôi vì câu chuyện giữa tôi với người đứng đầu một quốc gia.

Chủ tịch đùa hỏi tôi thêm câu gì nữa, sau đó quay sang Đại sứ và nói bằng tiếng Nga:
- Đừng giận, đồng chí Đại sứ ạ, chẳng qua là tôi ra bài thi nho nhỏ cho phiên dịch của anh thôi.
- À ra thế - Đại sứ trả lời, cảm thấy nhẹ nhõm.
- Kết quả thế nào? Theo đồng chí thì trình độ tiếng Việt của anh ấy ra sao?
- Không tồi, không tồi! - Nhưng điểm năm thì tôi nghĩ là chưa được. Đọc sách tiếng Việt chưa nhiều, và đúng thế, cách phát âm tiếng Việt của chúng tôi đóng vai trò rất quan trọng, người châu Âu rất khó nắm bắt. Nhưng người phiên dịch thì cần phải tự hoàn thiện trình độ của mình - quay sang phía tôi, Hồ Chí Minh kết luận.

Trên đường về nhà, ngồi trong xe, Đại sứ có vẻ giữ ý nói với tôi nhận xét của ông, nhưng cảm thấy hơi lạ, rằng Hồ Chí Minh chưa có cuộc kiểm tra trình độ tiếng Việt của một ai trong số phiên dịch Liên Xô. Chắc hôm nay tinh thần Chủ tịch phấn chấn, có nghĩa là, buổi gặp gỡ trò chuyện hôm nay có kết quả tốt. Chúng ta sẽ viết như vậy gửi về Mátxccơva.

Đại sứ viết gì thì tôi không được biết, nhưng lần kiểm tra của Hồ Chí Minh về kiến thức tiếng Việt của tôi thì tôi suốt đời không quên.
-----------
(*) E.P. Glazunov (1931 - 2019) là nhà ngoại giao Liên Xô, nhà Việt Nam học nổi tiếng. Từ năm 1962 -1956 ông là cán bộ phiên dịch, Bí thư thứ ba tại Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam; từ năm 1974 - 1978 ông là Tham tán Công sứ tại Đại Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam.
Từ năm 1991 đến 2006, ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga Việt.

Hồ Chí Minh thực sự là một con người lôi cuốn hấp dẫn, thích những chuyện đùa vui, giản dị trong giao tiếp với mọi người và đồng thời luôn tôn trọng người đối thoại. Về điều này tôi chứng kiến không chỉ một lần trong những buổi gặp gỡ trực tiếp với Hồ Chủ tịch.

EVGHENI GLAZUNOV (*) HOÀNG MINH DỊCH
16.05.2020 (Kinh tế & đô thị)

No comments:

Post a Comment