Monday, July 20, 2020

Ấn Độ: Từ hôm qua đến ngày mai (12)

DỰ ÁN BẢO TỒN LOÀI HỔ

Rahul Singh*

Con hổ giữa môi trường tự nhiên của nó là 1 trong những cảnh tượng tuyệt đẹp của thiên nhiên. Hổ trưởng thành với bộ lông da cam vằn đen lộng lẫy tuyệt vời, nặng khoảng 230 kg và dài khoảng 3m.
Lúc yên nghỉ, hổ có những động tác yểu điệu và mềm mại, song nó lại là 1 con thú chồm lên vồ mồi 1 cách mau lẹ, dũng mãnh và hung dữ ko gì bằng. Ko có con vật nào khác gây ra 1 nỗi khiếp sợ, kinh hoàng bằng hổ và cũng ko có con vật nào khác được bọc trong 1 tấm màn bí ẩn như hổ.
Hổ ko sợ 1 loài dã thú nào mà nó chỉ có 1 kẻ thù ghê gớm duy nhất là con người. Con người ko những có thể hạ thủ hổ bằng súng đạn, thuốc độc và hầm bẫy mà còn có thể phá hủy môi trường sống của hổ bằng rìu và cưa máy.

Cách đây nửa thế kỷ, ở châu Á có ít nhất 60.000 con hổ. Con hổ cuối cùng được biết ở Indonesia đã bị giết chết sát ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ 2 và ít lâu sau, con hổ vùng Caspien cũng theo chân nó biến mất (Ngày nay, người ta đang cố gắng du nhập trở lại loài hổ vào 2 vùng trên).

Vì vậy, Ấn Độ đã trở thành sào huyệt lớn cuối cùng của loài hổ ở châu Á, nhưng cả ở đây nữa, con người cũng đã tàn phá loài này trên quy mô lớn. Vào đầu thế kỷ 20, Ấn Độ có khoảng 40.000 con hổ, đến năm 1972 chỉ còn có 2.000 con. Đối với các vương công Ấn Độ (Maharajah) giàu có, săn hổ ko chỉ là thú vui mà còn để khẳng định sự oai phong của mình. Một Maharajah kiêu hãnh khoe rằng: trong đời ông đã hạ được 1.150 con hổ, và những lần săn có tới 500 con hổ bị giết chết là chuyện thông thường.

Cảnh săn hổ trong 1 bức tranh cổ

Nhưng việc xóa bỏ trật tự PK cũng ko cải thiện tình hình được bao nhiêu. Nhanh chóng thay thế các ông hoàng là những kẻ săn bắn trộm (cách đây 20 năm, 1 bộ da hổ đã có giá 4.000 USD). Đồng thời sự bùng nổ dân số ở Ấn Độ hồi tuyên bố độc lập năm 1947, số dân ở Ấn Độ là 450 triệu, ngày nay hơn 800 triệu)[1] dẫn đến điều ko thể tránh khỏi là người dân xâm nhập những nơi là lãnh địa tự nhiên của loài hổ.

Việc biến rừng thành đất trồng trọt, đặc biệt ở vùng Terai trên biên giới Ấn Độ-Nêpan, đã xua đuổi hổ và những con mồi của nó ra khỏi nhiều khu vực trước kia có nhiều hổ. Ở những khu vực khác, những con hổ sống sót, ẩn náu trong những cánh rừng cuối cùng còn sót lại, đã phải tấn công gia súc để sống. Đến khi những tiếng chuông báo động bắt đầu được rung lên vào cuối những năm 1960 thì hổ đã là loài sắp bị tuyệt chủng tại Ấn Độ.

May thay, đại hội thế giới của Liên hiệp quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) họp tại Niu Đêli đã đánh dấu 1 bước ngoặt. IUCN đưa hổ vào danh sách các giống loài bị lâm nguy và yêu cầu cấm săn bắt hổ trên toàn thế giới. Biện pháp này đã được thi hành ngay tức khắc tại Ấn Độ. Ngày 01.04.1973, Dự án bảo tồn loài hổ, 1 dự án nhiều tham vọng, đã được chính phủ Ấn Độ chính thức phát động tại Công viên Quốc gia Corbett (bang Uttar Pradesh), gọi theo tên nhà săn thú huyền thoại người Anh Jim Corbett, sau trở thành người bảo vệ thiên nhiên. Dự án nhận được 1 triệu USD của Quỹ thế giới bảo vệ thiên nhiên (WWF) và ban đầu lập ra 8 khu bảo tồn loài hổ.

Một cảnh săn hổ thời thực dân

Theo Bittu Sehgal, giám đốc và là người sáng lập tạp chí Sanctuary, tờ chuyên san về thiên nhiên lớn nhất Ấn Độ, phương châm hoạt động của dự án này về cơ bản rất đơn giản: "Mỗi vùng bảo tồn được phân định ranh giới thành 1 khu trung tâm và 1 khu đệm. Tại khu trung tâm, hoạt động duy nhất mà con người được phép tiến hành là bảo vệ rừng. Tại đây, thiên nhiên được tự cai quản lấy mình. Trong khu đệm, các hoạt động của con người được giảm xuống mức tối thiểu, nghĩa là chỉ được khai thác những lâm sản thứ yếu như: cỏ, quả cây, hạt, mật ong và cành khô. Trên nguyên tắc, người ta trù tính là khu trung tâm được để mặc ở trạng thái tự nhiên sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở vượt mức và tình hình ấy sẽ dần dần lan tràn sang khu đệm".

Chiến lược mới này đã cho những kết quả rất đáng khích lệ. Dần dần, loài hổ bắt đầu trở lại Ấn Độ. Cách đây 16 năm chỉ còn 44 con hổ trong công viên Corbett, ngày nay đã có gần 100 con. Trong khu rừng Ranthambhor trước kia thuộc quyền sở hữu của vương công Jaipur và hầu như được dành riêng cho việc săn hổ, số hổ đã tăng lên từ 14 con hồi đầu dự án lên 40 con.

Nhờ dự án bảo vệ loài hổ này, loài hổ đã được phục hồi 1 cách rõ rệt tại vùng Sundarbans, 1 vùng châu thổ rộng 10.000 km vuông, nằm 1 phần ở Banladesh 1 phần ở Ấn Độ, nơi các con sông Ganges, Brahmaputra và Meghna đổ vào vịnh Bengal. Đây là 1 tronh những dải rừng đước rộng lớn nhất thế giới và là 1 vùng mà hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng. Hổ ở vùng này thích nghi với môi trường đến nỗi bơi giỏi và ăn cả cá, chúng ngày càng tấn công những người thợ rừng, những người đánh cá và những người lấy mật ong nhiều hơn.

Năm 1973, dự án này được phát động trên 1 diện tích rộng 2.500 km vuông trong vùng Sundarbans. Ban đầu, nhà đương cục tìm cách cấm dân chúng ra vào khu bảo tồn trung tâm, nhưng lệnh đó ko thực hiện được vì những người đánh cá và lấy mật vẫn ra vào khu vực cấm mặc dù nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, đến năm 1981, 1 chiến lược mới được vạch ra. Tại 1 số địa điểm chọn lọc người ta đặt những hình nhân và truyền điện vào nhằm làm cho hổ sợ người: khi hổ vồ những hình nhân này thì nó bị phóng 1 luồng điện mạnh gây đau đớn.
Mẹo này xem chừng thành công. Kể từ ngày đó, số người bị hổ giết hại giảm hẳn. Đồng thời, do khu trung tâm được bảo vệ nên năng suất đánh cá và thu hoạch mật ong đã tăng gấp 3 lần trong 15 năm.

Như lời Sehgal, dự án này ko chỉ nhằm cứu vãn loài hổ mà còn cứu vãn cả hệ sinh thái, môi trường của hổ, và phân tích cho cùng thì cứu vãn cả chính loài người.

Hiện nay, số hổ ở Ấn Độ đã lên tới 4.000 con và cùng quá trình đó, những loài khác có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Ấn Độ như voi, hươu, tê giác 1 sừng và trâu rừng cũng đã được phục hồi.

Nhưng chủ yếu, dân chúng Ấn Độ ngày nay đã nhận thức được rõ hơn tương lai của con người gắn chặt như thế nào với việc bảo tồn thiên nhiên. Việc tàn phá rừng ko chỉ đe dọa loài hổ mà còn là nguyên nhân gây ra những trận lụt khủng khiếp tàn phá miền Bắc và miền Đông nước này. Cách đây 20 năm, người ta ko gắn liền 2 sự kiện ấy với nhau. Riêng việc ngày nay người ta gắn 2 sự kiện ấy đã là 1 bước theo hướng đúng.

Hổ Bengal và hổ con trong Công viên Quốc gia Ranthambore
(còn nữa)

[1]: Dân số hiện tại của Ấn Độ là 1.380.850.131 người vào ngày 24/07/2020 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Dân số Ấn Độ hiện chiếm 17,70% dân số thế giới.

*: Rahul Singh là Tổng biên tập tờ Sunday Observer, tờ báo Chủ nhật lớn nhất ở Ấn Độ, xb tại Bombay (Mumbai) và Đêli.

1 comment:

  1. Trong những năm gần đây, số lượng hổ sụt giảm nhanh do việc săn bắn trái phép tăng, với phương thức ngày càng tinh vi giống như buôn bán ma túy. Các nhà chức trách Ấn Độ không thể ngăn chặn được hành vi này, một phần là do những thủ đoạn tinh vi của các lực lượng đằng sau.

    ReplyDelete