Monday, July 13, 2020

Dân chủ: Từ chế độ VNDCCH đến CHXHCNVN

Muốn tìm 2 chữ DÂN CHỦ đã mất phải đối diện với cái gì?

NHỮNG RỦI RO CÓ THỂ PHẢI ĐỐI MẶT KHI QUAN TÂM ĐẾN CHÍNH TRỊ TẠI VIỆT NAM

Lời giới thiệu:

Việt Nam đã ký kết Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Tháng 3 năm 2019, Việt Nam đã trải qua phiên kiểm định tại LHQ. Đến ngày 26 tháng 9 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết Định số 1252/QĐ-TTg “PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG THỰC THI HIỆU QUẢ CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC”. Tuy nhiên, những hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị của người dân vẫn xảy ra hàng ngày. Đề Án Dân Quyền Việt Nam ra đời với tôn chỉ hướng dẫn và khuyến khích người dân tìm hiểu và nắm vững luật pháp và Hiến Pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Trong hoàn cảnh những hành vi trả thù ngày càng gia tăng, một cộng tác viên của Đề Án Dân Quyền Việt Nam gửi đăng bài viết sau đây. Nội dung bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
--------------------
Chính trị là một lĩnh vực khô khan và nhạy cảm.  Nhiều người dân không muốn quan tâm đến chính trị không phải vì họ không hiểu chính trị mà bởi vì trong môi trường tại Việt Nam hiện nay, nếu quan tâm đến chính trị, họ có thể phải đối mặt những rủi ro dưới đây:

Thứ nhất, bị bắt bỏ tù
Nhiều tù nhân lương tâm chỉ vì quan tâm đến chính trị, lên tiếng về các bất công của xã hội, đấu tranh để đòi tự do, nhân quyền đã bị chính quyền bỏ tù về những tội danh mơ hồ như:  tội lật đổ chính quyền nhân dân, tội tuyên truyền chống phá nhà nước, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước… Gần đây nhất, chính quyền Việt Nam đã bắt bỏ tù một gia đình ba người ở Dương Nội là Bà Cấn Thị Thêu, và hai con là anh Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư chỉ vì họ đấu tranh cho những người dân oan và những bất công của xã hội.

Thứ hai, bị đánh đập
Công an sẽ không lộ diện trực tiếp để đánh những người bất đồng chính kiến mà họ sẽ thuê những tên côn đồ mặc thường phục để đánh dằn mặt những người quan tâm đến chính trị.  Có nhiều người dân đi biểu tình đã  bị những người mặc thường phục ẩn danh đánh đập.  Hình ảnh những đôi chân khập khiễng, đeo nạng của Bà Phạm Đoan Trang (nhà báo) và bà Trần Thị Nga (trước khi bị tuyên án 9 năm tù giam nhưng được trục xuất sang Hoa Kỳ sau 3 năm thụ án) là những bằng chứng sống về sự dã man, vô nhân đạo của những tên côn đồ máu lạnh được sự hậu thuẫn từ phía chính quyền.

Thứ ba, bị gán mác là “phản động”
Cụm từ “phản động” từ lúc nào được gắn cho những người dân quan tâm các vấn đề chính trị, xã hội.  Đáng ra, cụm từ này phải được gắn cho những kẻ phản bội lại lợi ích của quốc gia và dân tộc, hèn nhát trước ngoại bang, những kẻ tham nhũng tiền thuế của dân mới đúng.  Hãy thử đăng một status bàn luận về các vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt nói về Đảng, chính quyền, công an, chúng ta sẽ nhanh chóng bị gắn cái mác “phản động”.  Điều này có thể dẫn đến việc bị bạn bè, hàng xóm xa lánh.  Nói rõ thêm, lý do những người khác xa lánh chúng ta là vì họ không hiểu chính trị, hoặc họ không muốn quan tâm và không muốn bị liên lụy.

Thứ tư, thuê nhà sẽ bị công an sách nhiễu, áp lực đuổi ra khỏi nhà
Công an sẽ không ra mặt đuổi những người quan tâm đến chính trị ra khỏi phòng trọ.  Họ sẽ gây áp lực cho chủ nhà để đuổi chúng ta ra khỏi nhà.  Đây thực sự là chiêu trò dơ bẩn, phủi hoàn toàn trách nhiệm của phía công an.

Thứ năm, bị mất việc làm
Dù chăm chỉ làm việc, dù là một nhân viên tốt của công ty nhưng nếu quan tâm đến chính trị, chúng ta sẽ bị đuổi việc một cách vô lý mà lý do đằng sau ai cũng hiểu, đó là sếp của chúng ta đã bị phía chính quyền gây áp lực.

Thứ sáu, bị công an mời lên làm việc
Công an đã lạm dụng giấy mời để mời bất cứ người dân nào quan tâm chính trị lên đồn công an làm việc với lý do mời là “làm việc về các vấn đề liên quan”.   Tuy giấy mời không có giá trị bắt buộc nhưng đây là đòn đánh vào tâm lý đối với những người dân thiếu hiểu biết.

Thứ bảy, bị ăn “bánh canh”
Trong những dịp đặc biệt, công an hoặc côn đồ thường xuyên canh cửa hoặc chặn những người bất đồng chính kiến, không cho họ ra khỏi nhà hoặc rời khỏi địa phương vì nhiều lý do khác nhau.  Gần đây, an ninh Thanh Hóa đã bao vây nhà của tù nhân lương tâm, mục sư Nguyễn Trung Tôn và cấm không cho thành viên gia đình ra khỏi nhà.  Khi con trai Ông Tôn ra khỏi nhà để ra Hà Nội phỏng vấn xin việc, đã bị an ninh đánh gây thương tích.

Cuối cùng, bị cấm xuất cảnh, bị tịch thu hộ chiếu
Nhiều người quan tâm đến chính trị, khi ra nước ngoài đã bị chặn ở sân bay mặc dù đã mua vé máy bay.  Một số khác, khi đi từ nước ngoài về Việt Nam đã bị tịch thu hộ chiếu.  Quyết định cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu đều là quyết định từ Bộ Công an.  Lý do Bộ Công an Việt Nam muốn cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu của những người bất đồng chính kiến vì họ không muốn những người bất đồng chính kiến ra nước ngoài vận động nhân quyền và kể cho quốc tế về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Trên đây, chỉ là một số rủi ro phổ biến trong vô vàn những rủi ro nếu như chúng ta quan tâm đến chính trị.  Dù thế, càng ngày càng có nhiều người quan tâm, lên tiếng về những vấn đề chính trị, xã hội bởi vì chính trị gắn liền với cuộc sống của chúng ta, gắn liền với tiền thuế chúng ta đóng, gắn liền với từng lít xăng chúng ta đổ.  Vì thế, là người dân Việt Nam, hãy quan tâm chính trị theo cách của bạn, dựa vào kiến thức và khả năng của bạn.  Đừng thờ ơ với chính trị nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân của chính trị và không muốn con cháu của chúng ta, tương lai phải sống trong một đất nước độc tài không có quyền tự do ngôn luận.

--- Nguồn ảnh: Facebook Huỳnh Thục Vy
Bạn Nguyễn Nhật My bị mất công việc tại ngân hàng Tiền Phong (thành phố Buôn Mê Thuột) vì liên quan đến hai vợ chồng Bà Huỳnh Thục Vy và Lê Duy - những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Copy từ BPSOS

2 comments:

  1. Sự thật còn tàn khốc hơn nhiều nếu đối lập và có thái độ bất đồng/phản biện... khi thực tế cho thấy CA đang tập trung cho việc diễn tập chống bạo loạn và tăng cường củng cố lực lượng... và những vụ việc nghiêm trọng như Đồng Tâm đã xảy ra báo hiệu cho những diễn tiến xấu hơn.
    Khi câu nói của Chủ tịch HCM "KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO" ko còn được nhắc đến nữa trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại thế lực xâm lược phương Bắc, tôi chỉ mong sao tình hình này sớm chấm dứt để VN có thể theo kịp trào lưu của thế giới từ ĐDVH bằng những chuyển biến thật sự và trở thành 1 nước phát triển theo các tiêu chí: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

    ReplyDelete
  2. Như vậy, cuộc cm VN lại đặt chúng ta đứng trước câu hỏi của ông cha ta thời Pháp thuộc, thế hệ đã lựa chọn độc lập cho Tổ quốc một cách cương quyết và phải gan lì chấp nhận cả bị bắt bớ, tù đày và thậm chí hy sinh... vì đại nghĩa. Và bây giờ là trước thế lực thù địch BK, những kẻ ăn cướp thô bạo và 1 lũ tay chân "đục nước béo cò" ăn theo thiên triều, nhan nhản khắp nơi với đủ hạng vô lại dòi bọ/sâu mọt, ruồi nhặng các loại sẵn sàng phản dân hại nước...
    Chỉ khác với thời chống thực dân PK khi xưa vì bây giờ nhiều anh hùng NÚP (kỹ) hơn.
    Kết luận: Sở dĩ cuộc cm trước đây có nhiều người tham gia, thậm chí cả trí thức và tầng lớp khá giả, là vì khi đó tầng lớp đói nghèo/vô sản đều sẵn sàng vùng lên giành lợi & quyền về tay mình, và họ là số đông.
    Còn bây giờ thì người đói/nghèo phải đi làm mới có tiền để sống, trong số những người muốn có 1 xh tốt đẹp hơn, dân chủ hơn thì nhiều người có sản/ko phải vô sản nên sợ mất nhiều, chứ ko phải như hồi xưa: chỉ mất xiềng xích... lại được nhiều, nên bây giờ khó lắm. Làm sao có tinh thần như HK, Đài Loan được.

    ReplyDelete