BI KỊCH CỦA CHỦ NGHĨA ĐỨC TRỊ
Tui có một cây xoài trồng bên ngoài hàng rào, sát đường đi chung của một xóm có 6 hộ gia đình. Vừa rồi cây xoài đó ra hoa kết quả mùa đầu tiên và chỉ đậu đúng một trái. Trái xoài ấy phơi ra lối đi nay đã lớn có thể ăn xanh hoặc sắp ăn chín được rồi. Tui hoàn toàn không có biện pháp bảo vệ nào, chỉ hên xui trông chờ vào đạo đức của những người hàng xóm đi qua đi lại. Ấy vậy mà hơn 1 tháng trôi qua, từ khi xoài đã lớn có thể ăn được, nó vẫn còn nguyên trên cây. Tui đã gặp hên. Ít ra là đến bây giờ.
Lẽ ra tui phải xây dựng một cơ chế khoa học và hữu hiệu để bảo vệ trái xoài như: làm hàng rào bọc cây xoài lại, thuê người canh gác ngày đêm và gắn camera giám sát. Với cơ chế giám sát hữu hiệu này thì có đến 99% trái xoài không bị hái trộm. Tuy nhiên tui lại đi theo “chủ nghĩa đức trị” phó mặc sự còn mất trái xoài vào đạo đức của những người hàng xóm đi qua lại. Nếu những kẻ đó đều có đạo đức: Trái xoài tui còn, nếu có một người trong số đó kém đạo đức: Trái xoài tui chắc chắn mất đi. Tui hoàn toàn dựa vào hên xui, mà độ xui xẻo lên đến trên 90%.
Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn một số quốc gia mà người dân giao phó hoặc bị buộc phải giao phó vận mệnh quốc gia, vận mệnh của họ cho một cá nhân hay một nhóm người cai trị rồi ngồi thụ động cầu mong cá nhân đó hay nhóm người đó là “đấng minh quân” chứ không phải là phường vô lại. Hiếm hoạ mới có một quốc gia gặp may đã có được “minh quân”. Phần lớn các quốc gia còn lại hầu như đã gặp xui, kẻ cai trị là phường hôn quân.
Sau chiến tranh Nam Bắc, vào năm 1953, bán đảo Triều Tiên bị chia hai. Phía Bắc rơi vào tay nhà độc tài Kim Nhật Thành, phía nam vào tay nhà độc tài Phác Chung Hy. Phía bắc gặp xui, họ Kim là nhà cai trị tệ hại đã đưa đất nước này đến chỗ cùng đường và di hại đến tận hôm nay, nhân dân đói rách đến mức có lúc phải ăn cả rễ cây, và tệ hại hơn nữa là họ bị giam hảm trong một nhà tù toàn quốc, không được tiếp xúc và tự do đi lại với thế giới văn minh.
Nửa bán đảo phía Nam gặp hên, có được nhà cai trị độc tài là bậc minh quân. Trong vòng 17 năm cai trị khắc nghiệt, 1962 – 1979, ông ta đã lập nên kỳ tích sông Hàn, đưa Nam Hàn lên thành quôc gia vượt qua đói nghèo và đặt chân vào thế giới phát triển để có được một Hàn Quốc giàu mạnh như ngày nay.
Thật ra người dân Nam Hàn cũng thông gặp hên ngay lần lựa chọn đầu tiên và lần thứ hai. Lý Thừa Vãn là chọn lựa đầu tiên nhưng thất bại vì ông thiếu tài và kém đức. Vị tổng thống thứ hai cũng tượng tự. Mãi đến lần thứ ba, mất hết gần 10 năm, Hàn Quốc mới gặp hên, chọn được Phác Chung Hy, đích thực là bậc minh quân. Cũng khá may mắn là Hàn Quốc còn có cơ hội để chọn lại. Ông Phác là nhà độc tài, cai trị và quản lý đất nước hết sức khắc nghiệt theo chế độ quân sự, nhưng là nhà độc tài có tâm sáng, tất cả ông làm vì mục tiêu giàu mạnh của đất nước chứ không phải vì mục tiêu cá nhân. Ông làm tổng thống cai trị Hàn Quốc trong 17 năm. Và cũng rất may cho Hàn Quốc, vào năm 1979, ông bị ám sát chết. Thủ phạm bắn chết ông tuyên bố ông là sự cản trở cho nền tự do dân chủ nên cần phải loại đi.
Sau khi ông Phác chết, Hàn Quốc đã xây dựng thành công thể chế dân chủ như các quốc gia văn minh khác trên thế giới. Chủ nghĩa độc tài đức trị đã theo ông Phác xuống mồ, chủ nghĩa dân chủ pháp trị được hình thành. Nghĩa là Hàn Quốc không còn mơ hồ hên xui giao vận mệnh đất nước vào tay một cá nhân hay một nhóm hú hoạ nào đó. Họ nhanh chóng xây dựng các biện pháp hợp lý và khoa học, xây dựng một cơ chế điều hành tối ưu mà các nước dân chủ văn minh tiên tiến đang áp dụng. Dùng pháp luật để quản lý đất nước.
Một câu hỏi được đặt ra, liệu ông Phác Chung Hy không bị ám sát, vẫn tiếp tục cai trị độc tài cho đến khi chết như hầu hết các nhà độc tài khác thì Hàn Quốc có tiếp tục phát triển ổn định đến ngày nay? Cái đó cũng hên xui, nếu về sau ông Phác vẫn còn tài đức, vẫn còn minh mẫn thì có thể. Nếu về sau ông trở nên ảo tưởng về quyền lực vô hạn của mình, trở nên ngạo mạn và lú lẫn như hầu hết những tay độc tài khác thì Hàn quốc cũng khó duy trì sự phát triển ổn định đến ngày nay.
Trường hợp Singapore, nhiều người lầm tưởng ông Lý Quang Diệu là một nhà độc tài “minh quân”. Không hề, ông ấy là một nhà pháp trị “minh quân”. Khi được giao quyền lãnh đạo đất nước ông xây dựng ngay thể chế dân chủ, xây dựng một nền pháp trị vững mạnh trên nền tảng tam quyền phân lập để điều hành Singapore. Ông làm thủ tướng hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác không phải bằng bạo lực để cưỡng đoạt, mà đảng của ông quản lý rất tốt đất nước, giành được sự tín nhiệm của toàn dân nên liên tục được bầu lại, các đảng khác chưa đủ uy tín để cạnh tranh lại dù họ được tự do và bình đẳng tham gia tranh cử.
Các đất nước có nền dân chủ pháp trị, điều hành quốc gia bằng luật pháp thì không nói đến đức trị, không hên xui trông chờ vào bậc minh quân một khi họ đã có “minh chế”. Người lãnh đạo đất nước trong cơ chế pháp trị được nhân dân chọn lọc và bầu ra qua lá phiếu, phải làm việc trong khuôn khổ luật pháp như tất cả các công chức khác từ thấp đến cao, nếu họ làm việc tốt có thể duy trì thêm 1,2 nhiệm kỳ nữa, nếu họ làm không tốt thì sau một nhiệm kỳ bị truất phế đi ngay bằng lá phiếu. Họ không có cơ hội để kéo dài sai lầm từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.
Bi kịch của chủ nghĩa đức trị là ông lãnh đạo độc tài nào cũng cho mình là bậc minh quân, là bậc tài đức khác thường không ai có thể thay thế. Rồi các ông “minh quân” ấy xây dựng ra cả một hệ thống quản lý dưới quyền mà nhân sự được chọn lựa rất chủ quan duy ý chí, rập khuôn “tài đức” như của các ổng, lấy mấy ổng làm thần tượng để học tập và làm theo. Bởi vậy trong các chế độ độc tài toàn trị luôn xuất hiện các “bậc thánh thần” như thánh Lenin, thánh Stalin, thánh Mao, thánh Pon Pot, thánh Fidel, thánh Kim, thánh Kadafi, thánh Hussein … Các thánh ấy càng vĩ đại thần dân (chứ không phải công dân) của các thánh ấy càng điêu đứng, càng không được làm người.
Với chủ nghĩa đức trị, nhân sự của bộ máy cai trị hình thành theo kiểu: “chỉ đưa những người tài đức vào trung ương”, “cương quyết không đưa những người xu nịnh chạy chọt vào trung ương”, “không đưa vào trung ương người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, bè cánh, cục bộ, quan liêu …” với những tiêu chuẩn hoàn toàn định tính theo chủ quan của “bậc minh quân” đứng đầu, một kiểu hô khẩu hiệu chung chung mà không hề nêu ra biện pháp cụ thể và khoa học để chọn được người đạt các tiêu chuẩn mong ước.
Một bộ máy quản lý chỉ hên xui trông chờ vào đạo đức của các thành viên, mà phần xui thì quá lớn, tất yếu sẽ là một bộ máy rệu rã, bị lợi lộc chi phối, định hướng quản lý theo tác động của đồng tiền. Một bộ máy như vậy chắc chắn là môi trường tốt cho tệ quan liêu tham nhũng phát sinh và lộng hành.
Rồi một khi tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trào lên không kiểm soát được, không che giấu được thì đi tìm nguyên nhân. Lúc đó tất yếu phải tìm ra nguyên nhân của tham nhũng là do “sự suy thoái lối sống và đạo đức của cán bộ”. Vâng, theo “bậc minh quân”, tệ nạn tham nhũng là do nhân sự của bộ máy có nhiều cá nhân suy thoái đạo đức, không noi gương và học tập như “minh quân”, phải loại những kẻ suy thoái đó ra thì bộ máy sẽ trong sạch và sẽ hết tham nhũng. Khi loại người cũ ra phải tuyển người mới vào, và lại hên xui mong chờ người mới sẽ đạo đức hơn, bộ máy sẽ hết tham nhũng. Nhưng lại quên một điều rằng, dù có tuyển được người mới có đạo đức tốt đẹp, mà với bộ máy thiếu sự kiểm soát từ nhiều phía thì người cán bộ mới tốt đẹp đó có còn mãi tốt đẹp hay không. Trái xoài chín mà cứ phơi ra giữa lối đi, không có biện pháp bảo vệ, thì cũng có người đi qua dù không tham cũng động lòng tham. Thực tế cho thấy, hết lớp người này bị bắt tù, bị thải hồi, đến lớp người mới vào cũng lặp lại tội trạng cũ mà ở mức độ còn cao hơn, nghiêm trọng hơn. Lại phải bắt tù, lại phải thanh lọc …
Nói cho đầy đủ, bộ máy nhà nước của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới dù dân chủ hay độc tài cũng đều có tham nhũng, vấn đề ít hay nhiều mà thôi.
Những quốc gia theo cơ chế dân chủ pháp trị chắc chắn tệ nạn tham nhũng và quan liêu sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu. Bởi các quốc gia đó đưa ra những tiêu chuẩn định lượng và dùng những biện pháp khoa học để tuyển chọn công chức vào bộ máy, và tất cả những cái đó đều quy định trong luật pháp chứ không làm tuỳ tiện theo ý thích của mỗi kẻ đứng đầu, còn những người đứng đầu bộ máy từ địa phương lên trung ương thì được người dân tuyển chọn qua tự do bầu cử. Trong quá trình tranh cử cạnh tranh khốc liệt, những kẻ tài hèn đức mọn sẽ bị phát hiện và bị loại ra.
Bên cạnh bộ máy quyền lực điều hành quốc gia thì có các bộ máy quyền lực độc lập khác, có bộ máy đặt ra luật lệ và giám sát, có bộ máy chuyên phân xử khi có kiện tụng hoặc sai trái. Cái đó gọi là tam quyền phân lập. Rồi giám sát luôn cả tam quyền thì có đảng phái đối lập (luôn rình mò bắt lỗi công chức đảng cầm quyền), có đệ tứ quyền là báo chí tự do, có các tổ chức xã hội dân sự do người dân tự lập ra. Với cả một hệ thống giám sát chằng chịt và chặt chẽ như vậy thì một công chức bình thường có lòng tham muốn tham ô cũng rất khó, huống chi các vị công chức cao cấp như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, chánh án tối cao… càng bị theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn thì càng khó bề suy thoái đạo đức dù có muốn.
Trở lại chuyện tui chống trộm trái xoài. Theo cơ chế pháp trị tui sẻ làm hàng rào bao bọc cây xoài, rồi để tránh việc hàng rào bị kẻ trộm vào phá, tui lại thuê thêm người bảo vệ canh giữ , rồi để giám sát người bảo vệ có canh gác hay không hoặc có thông đồng với kẻ trộm hay không, tui lại gắn một cái camera internet để theo dõi qua điện thoại. Với cơ chế bảo vệ và giám sát như vậy, tui sẽ yên chí đến 99% trái xoài sẽ không bị trộm. Còn như thực tế hiện nay, tui theo cơ chế đức trị, để mặc trái xoài ấy phơi ra, chỉ trông mong vào đạo đức tốt đẹp của những người hàng xóm, thì có khả năng đến 90% rơi vào bi kịch, là trái xoài sẽ mất tiêu vào ngày nào đó.
Nhưng bi kịch không phải là tui bị mất trái xoài, bi kịch nằm ở chỗ khác to lớn hơn. Vì tui thiếu sự bảo vệ nên có thể biến một người hàng xóm không tham thành kẻ trộm. Khi việc mất trái xoài loang ra, hàng xóm sẽ nghi kỵ nhau, người này nghi ngờ người kia, thậm chí có người sẽ nghi ngờ chính tui đã hái trái xoài rồi vu oan cho hàng xóm. Mất hết lòng tin vào nhau. Quá sức bi kịch.
Dù sao, với cá nhân tui thì chỉ mất một quả xoài và mất đi tình làng nghĩa xóm, nhưng với một quốc gia, nếu cứ bám vào chủ nghĩa đức trị, thì mất mát vô cùng lớn. Mất tài nguyên môi trường, mất tài sản quốc gia, mất sự công bằng xã hội, mất niềm tin vào công lý, mất nền tảng đạo đức, mất lòng người … rồi đưa đến mất nước cũng không xa lắm.
Quá sức bi kịch.
Huỳnh Ngọc Chênh
No comments:
Post a Comment