1. Giới thiệu về Khuê Văn Các Văn Miếu Quốc Tử Giám
1.1 Khuê Văn Các nghĩa là gì? Ý nghĩa biểu tượng Khuê Văn Các
Vào năm 1997, Khuê Văn Các đã được UBND TP. Hà Nội chọn trở thành biểu tượng chính thức của Thủ đô. Khuê Văn Các (Nơi đón vẻ đẹp của sao Khuê) hàm chứa rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, khi phân tích các từ ra có thể giải thích tên gọi Khuê Văn Các như sau: Khuê là tên của một ngôi sao thuộc hệ thống chòm 28 sao, nghĩa là ngôi sao sáng. Chòm sao Khuê bao gồm 16 ngôi, bố trí khúc khuỷu tương tự như hình chữ Văn. Trong cuốn sách Hiếu kinh cũng đã có ghi chép lại: “Khuê chủ văn chương” (sao Khuê là ngôi sao chủ của văn chương). Do đó, biểu tượng Khuê Văn Các được xem là đại diện cho đỉnh cao của trí tuệ đồng thời nhấn mạnh lại chân lý khắc trên văn bia Văn Miếu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
1.2 Khuê Văn Các xây dựng năm nào? Lịch sử hình thành Khuê Văn Các
Tại khu Văn Miếu Quốc Tử Giám, gác Khuê Văn là một trong những công trình có kiến trúc vô cùng ấn tượng, độc đáo, được xây dựng nhờ sự góp công của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành - một vị quan võ vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, nhằm đề cao giá trị của tri thức, học vấn. Đây cũng là nơi tổ chức khảo thí học trò vào mỗi mùa xuân và mùa thu hàng năm.
1.3 Khuê Văn Các ở đâu?
Địa chỉ: nằm bên trong khu tổ hợp Văn Miếu Quốc Tử Giám, tại số 58 Đ. Quốc Tử Giám, P. Văn Miếu, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội.
Văn Miếu Quốc Tử Giám có tổng cộng 5 cổng, phân chia không gian khu nội tự của Văn Miếu thành 5 lớp không gian riêng biệt, Khuê Văn Các thuộc khu Thành Đạt là lớp thứ 2, nằm giữa cổng Đại Thành và Đại Trung.
2. Tìm hiểu kiến trúc Khuê Văn Các
Gác Khuê Văn có kiến trúc tam quan truyền thống với Khuê Văn Các là cổng chính, hai bên là hai cổng Súc Văn và Bí Văn, sở hữu hình dáng như một cổ lâu nhỏ nhắn, tinh tế. Tầng gác trên cùng được làm bằng chất liệu gỗ với nước sơn màu đỏ nổi bật. Mái ngói xây theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, được nâng đỡ bởi các giá gỗ, trông có vẻ đơn giản, nhỏ gọn nhưng lại rất vững chắc, tạo nên sự thanh thoát cho tổng thể công trình.
Tầng gác ở dưới là bốn trụ gạch hình vuông, mỗi cạnh có kích thước chiều dài 1m, trên tất cả các mặt trụ đều được chạm khắc hoa văn đẹp mắt, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao.
Điều tạo nên sức cuốn hút cho biểu tượng gác Khuê Văn chính là những ô cửa tròn, tái hiện sống động hình ảnh ngôi sao Khuê sáng lấp lánh trên bầu trời, giống như thần thái của những vị hiền tài luôn toát lên vẻ đẹp của sự thông tuệ, tri thức, thông qua thiết kế 8 tiếp điểm, tỏa những đường thẳng chiếu ra xung quanh. Bốn mặt trên tầng lầu đều có chạm trổ một cặp câu đối viết bằng chữ Hán, nội dung đề cao đạo học và vẻ đẹp tuyệt mỹ của nơi đây. Ngay phía trên của khung cửa tròn là bức Đại Tự cổ đề dòng chữ Khuê Văn Các. Bao bọc xung quanh là dải lan can mềm mại hình con tiện.
Nhìn sâu hơn vào kiến trúc của Khuê Văn Các, có thể thấy những dụng ý sâu xa ẩn chứa phía sau đó, liên quan đến truyền thuyết “trời tròn, đất vuông”. Hình tròn bên ngoài nhắc nhở ý thức bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Còn hình vuông ở chân đế đại diện cho cánh cửa, đưa mỗi người con đất Việt đến gần hơn với tri thức, tương lai rộng mở, thành công.
st onl
No comments:
Post a Comment