Tuesday, May 7, 2024

Điện Biên Phủ 1: Lịch sử đã xảy ra ntn

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vang dội của một dân tộc nhỏ bé vốn là thuộc địa nhưng vẫn kiên cường, bất khuất đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc phương Tây. 

Chiến thắng của người dân Việt Nam cũng là chiến thắng biển tượng,  điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, góp phần mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. 

Nhân 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi xin phép được trích lại một chương của bài viết trong cuốn sách Điện Biên Phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp để chúng ta có thể hiểu thêm về chủ trương tác chiến của quân ta trong chiến dịch lịch sử vĩ đại này.  

Ảnh: Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Nguồn: TTXVN

CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN CỦA TA TRONG CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ* 

Đối với mặt trận Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là: tập trung đại bộ phận chủ lực của ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch với sự phối hợp của các chiến trường; hay là chỉ tiếp tục bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giam chân chủ lực của địch ở đây, để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt quân địch ở các hướng khác. Đó là vấn đề hướng chiến lược chủ yếu của chủ lực ta trong cục diện cụ thể lúc bấy giờ. 

Khi đã hạ quyết tâm mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là phải đánh như thế nào để bảo đảm cho chiến dịch lịch sử này giành được toàn thắng. Đó là vấn đề nghệ thuật chiến dịch và vấn đề chiến thuật. 

Chúng ta đều biết rằng, các vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật nói trên chính là nội dung chủ yếu của nghệ thuật quân sự. Và nghệ thuật quân sự không phải cái gì khác là nghệ thuật tạo nên một sức mạnh áp đảo nhằm cuối cùng tiêu diệt quân địch, đánh thắng chúng mà ta thì hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất. 

Nghệ thuật tạo nên sức mạnh ấy bao giờ cũng phải tính đến điều kiện cụ thể của ta và của địch về binh lực và hoả lực, về địa hình của chiến trường, về bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật; phải tính đến điều kiện mọi mặt trên chiến trường chính và cả trên chiến trường phối hợp; lại còn nhất thiết phải tính đến ý đồ chiến lược của địch và những biện pháp chiến thuật và kỹ thuật mà địch có thể sử dụng để thực hiện ý đồ ấy. Ngay sau khi chủ lực của địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm bám sát địch, bao vây địch, tạo điều kiện để tiêu diệt chúng. 

Cho đến khi lực lượng của địch ngày càng tăng thêm, bao gồm nhiều đơn vị tinh nhuệ của khối cơ động chiến lược của chúng, tập đoàn cứ điểm được xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc, Trung ương Đảng ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. 

Chúng ta đã căn cứ vào tình hình địch, ta như thế nào để hạ quyết tâm chiến lược quan trọng ấy. 

Một là, vì chúng ta đã sớm xác định chiến trường chính là chiến trường Bắc Bộ, hướng tiến công chủ yếu của chủ lực ta phải là chiến trường miền núi, cụ thể lúc bấy giờ là chiến trường Tây Bắc. Chúng ta đã chọn hướng chiến lược chủ yếu như vậy là xuất phát từ nhiều lý do; một trong những lý do quan trọng là vì trong điều kiện địch có hoả lực không quân, pháo binh và cơ giới mạnh, quân ta trang bị và kỹ thuật còn kém hơn thì tác chiến ở địa hình rừng núi đối với ta tương đối có lợi hơn so với địa hình đồng bằng. 

Hai là, vì kẻ địch ở Điện Biên Phủ, tuy mạnh nhưng ở vào thế bị cô lập; việc tiếp tế và bảo đảm hậu cần bằng đường hàng không có thể bị ta hạn chế và cắt đứt. Đó là chỗ yếu chí mạng của chúng. 

Ba là, vì bộ đội chủ lực của ta lúc bấy giờ đã có những tiến bộ lớn về chiến dịch và chiến thuật. Quân ta đã có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc và đã được rèn luyện một bước để tiêu diệt địch trong tập đoàn cứ điểm. 

Bốn là, vì tuy Điện Biên Phủ ở xa hậu phương ta, nhưng ta đã chuẩn bị một phần các tuyến đường nhằm sử dụng chủ lực trên hướng Tây Bắc; vấn đề tiếp tế hậu cần tuy khó khăn nhưng có thể giải quyết được. 

Năm là, vì thế chiến lược chung ngày càng ở thế có lợi cho ta, lực lượng cơ động của địch ngày càng bị phân tán, quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên khắp các chiến trường. Như vậy, nếu đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, chúng ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, thì trên hướng chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Đó cũng là sự biểu hiện sinh động của sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng ta. 

Trong chỉ đạo chiến tranh, có được một quyết định chiến lược chính xác là một nhân tố quan trọng vào bậc nhất. 

Nhưng khi đã có quyết định chiến lược chính xác, muốn bảo đảm giành được thắng lợi thì còn phải giải quyết đúng đắn các vấn đề nghệ thuật chiến dịch, về chiến thuật nữa. Có thể nói rằng, trong một trận đánh, lực lượng hai bên ra trận như thế nào chỉ mới là điều kiện, là khả năng cho mỗi một bên để giành lấy thắng lợi. Thắng lợi ấy còn do cách đánh quyết định. 

Trước một kẻ địch nhất định, với một lực lượng nhất định của ta, đánh như thế này có thể thắng to, đánh như thế kia có thể thắng nhỏ, thậm chí có khi bị thất bại. Rõ ràng cách đánh có tầm quan trọng quyết định để biến khả năng thắng lợi thành hiện thực. Đứng về chiến dịch mà nói, trên mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu chúng ta đã quyết định vận dụng phương châm đánh nhanh thắng nhanh, tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng, mở cuộc tiến công từ một số hướng, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian ba đêm hai ngày. 

Theo phương châm ấy, một kế hoạch tác chiến cụ thể đã được đề ra; mọi mặt công tác chuẩn bị đã được triển khai rất khẩn trương; các sư đoàn chủ lực của ta đã được giao nhiệm vụ; các đơn vị pháo binh đã được kéo vào trận địa; công tác bảo đảm hậu cần trên hỏa tuyến đã được đẩy mạnh; mạng thông tin liên lạc đã được tổ chức. 

Công tác chính trị đã động viên bộ đội và dân công nêu cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch. Quân ta chỉ đợi lệnh là bắt đầu nổ súng. 

Trong suốt thời gian chuẩn bị, chúng ta đã bám sát quân địch, theo dõi từng động tĩnh của chúng, phát hiện hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn. 

Đến ngày 26 tháng 1 năm 1954, khi kiểm tra lại tình hình địch, ta về mọi mặt thì chúng ta đi đến kết luận: tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố rất nhiều so với trước; trong tình hình đó, kế hoạch đánh nhanh không thể bảo đảm chắc thắng được. Sáng ngày 26, vào lúc 11 giờ, ta quyết định thay đổi cách đánh, bỏ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh chuyển sang phương châm đánh chắc tiến chắc. 

Chiều ngày 26, toàn bộ lực lượng ta đã được lệnh rút ra khỏi trận địa, trở về nơi tập kết; các đơn vị pháo binh trước đây đã được lệnh kéo pháo vào đến nay lại được lệnh kéo pháo ra. Và để yểm trợ cho cuộc tạm thời thu quân, Sư đoàn 308 đã được lệnh phối hợp cùng Quân giải phóng Pathét Lào, lập tức mở cuộc tiến quân về hướng Luông Prabăng, vừa tiêu diệt sinh lực của địch, vừa thu hút hầu hết không quân của địch về hướng đó. 

Một công cuộc chuẩn bị mới với một khối lượng công tác tham mưu, chính trị và hậu cần rất lớn lại được triển khai. Cho nên khi mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, quân địch tưởng rằng ta đã bỏ ý định mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì ngày 13 tháng 3, quân đội ta mở đầu cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm. Thắng lợi của chiến dịch chứng tỏ rằng, sự thay đổi phương châm là hoàn toàn chính xác. Nó đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch. 

Vận dụng phương châm đánh chắc tiến chắc hoàn toàn không có nghĩa là khi điều kiện mọi mặt đã thay đổi có lợi cho ta, khi các thắng lợi liên tiếp của quân ta đã từng bước tạo nên thời cơ mới, thì ta không chuyển sang đánh nhanh thắng nhanh. 

Thực tế, chiều ngày 7 tháng 5, khi tình hình địch đã có dấu hiệu rối loạn, tinh thần suy sụp, thì quân ta lập tức được lệnh nắm lấy thời cơ, vào 15 giờ đã mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm, đến 17 giờ 30 phút thì tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. 

Ở đây, tôi muốn phân biệt rõ giữa một quyết định tác chiến chính xác với tinh thần kiên quyết chiến đấu của quân đội. Một quyết định tác chiến chính xác là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và địch. Còn tinh thần kiên quyết chiến đấu lại là quyết tâm chiến đấu anh dũng của quân đội, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đã được giao cho. Phải nói rằng, tinh thần quyết chiến là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến cũng chưa đủ. 

Tinh thần quyết chiến chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng của nó trên cơ sở một kế hoạch tác chiến chính xác, một quyết tâm đúng đắn về chiến dịch, chiến thuật và những khả năng hiện thực về tổ chức và chỉ huy. Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì phương pháp cách mạng là vấn đề quyết định. 

Khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy. Vấn đề phương pháp tác chiến đã được phát huy đến trình độ mới với nội dung hết sức phong phú và sáng tạo trong suốt những năm chống Mỹ, cứu nước sau này và là một trong những nhân tố đã đưa cuộc kháng chiến ấy đến thắng lợi cuối cùng. 

* Trích dẫn từ sách: Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

The X-File of History

1 comment:

  1. Những tư liệu có xuất xứ rõ ràng và trung thực rất cần để tìm hiểu về sự thật (liên quan đến người thật & việc thật đã làm nên lịch sử).
    Cần đặt câu hỏi với những nguồn khác như bộ sách hư cấu Đường Thời Đại hay Đại thắng Mùa Xuân: Đằng sau Thái Thượng hoàng LĐA và VTD là thế lực nào? Những câu chuyện khác nhau đã xảy ra tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 nói lên vấn đề gì?

    ReplyDelete