Chuyện cà phê.
Hôm rồi một cô học sinh của bà xã ở Chemnitz sang thăm cô giáo sau 35 năm. Cô tặng vợ chồng tôi một gói cà phê. Hôm nay mở ra thì thấy đây là loại cà phê đặc biệt với cái tên rất ấn tượng. Bên dưới bức tượng ông Marx trầm ngâm, khắc khổ là cái tên “Ông Karl đen” (Der schwarze Karl)
Thời Cộng hòa Dân chủ Đức thành phố Chemnitz, vốn là một trung tâm công nghiệp lớn từ thời nước Phổ, được đổi tên là Thành phố Karl-Marx (Karl-Marx-Stadt).
Khi học nghề ở đài truyền hình CHDC Đức, tôi đã đến Karl-Marx- Stadt để tường thuật các trận đấu giải Oberliga. Đội FC-Kart-Marx-Stadt từng vô địch CHDC Đức với trung phong Eberhardt Vogel. Thành phố này đối với tôi rất gần gũi nên tôi đã lấy cái chết và sự hồi sinh ngoạn mục của nó từ 1990 đến nay để minh họa quá trình thống nhất nước Đức.[1]
Sau ngày thống nhất đất nước, nơi này trở lại với cái tên cũ là Chemnitz. Thành phố đổi tên, nhưng bức tượng ông Marx được khánh thành năm 1971 vẫn sừng sững đứng giữa quảng trường trung tâm. Đằng sau là một bảng đá khổng lồ khắc lời kêu gọi “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” bằng rất nhiều thứ tiếng (Nhưng không có tiếng Việt, chắc vì hội Việt Nam ở đó thường cãi nhau như mổ bò).
Ông Marx cao 7,5m trầm ngâm đứng đó để chứng kiến sự phá sản của toàn bộ nền kinh tế mà giai cấp công nhân của ông đã xây dựng trong vòng 40 năm. Vị cha đẻ của Chủ nghĩa Cộng sản đã chứng kiến sự tiêu điều của một trung tâm kỹ nghệ, khi mà từ 315 nghìn dân 1989 chỉ còn lại 245 nghìn người ở lại với ông vào năm 2006.
Mùa hè 2018 người sáng lập chủ nghĩa Quốc tế Vô sản đã đau lòng chứng kiến các cuộc tuần hành khiêu khích kéo dài hàng tuần của vài chục ngàn tên tân phát xít từ khắp nước Đức đổ về trước mặt ông. Ông chua xót nhìn các khẩu hiệu “Bọn ngoại quốc cút đi” đang phất phới trước tấm bảng đá “Vô sản toàn thế giới…”.
Nhưng Chemnitz sẽ không phải là Đức, nếu người ta đập phá hoặc di rời bức tượng ông Marx như một số người mong muốn.
Liên minh Châu Âu đã chọn Chemnitz làm thủ đô văn hóa Châu âu cho năm 2025 và người ta vẫn để ông Marx đứng đó, có lẽ cả trăm năm nữa.
Người Đức không cố chấp, dù người ta nhìn ra những sai lầm trong lý luận cách mạng của ông. Trong cuộc thi chọn người Đức vĩ đại nhất được tiến hành năm 2003, ông Marx xếp hàng thứ ba[2], chỉ sau Konrad Adenauer, thủ tướngđầu tiên của nước Đức dân chủ khi lập quốc 1949 và sau Martin Luther, nhà canh tân giáo hội thiên chúa. Marx đứng trên cả Bach, Goethe, Einstein v.v. Những người chọn Marx lập luận rằng ông là người Đức được nhiều người biết và có nhiều môn đệ nhất tthế giới.
Muốn biết và tôn thờ Bach, Einstein hay Goethe, người ta cần kiến thức. Với Marx thì ngược lại. Fan của ông chủ yếu nằm ở giới cần lao.
Cái khẩu hiệu kêu gọi vô sản toàn thế giới lừng lững sau lưng ông Marx ở Chemnitz được để đó cho hậu thế biết về những gì mà người Đức đã tạo ra ở một phần nước họ bằng tư tưởng vô sản.
Người Đức cũng biết tận dụng sức mạnh công phá của tư tưởng vô sản để làm ăn. Hãng Barista Kaffestudio Chemnitz đã tạo ra loại cà phê bột mang tên “Ông Karl Đen” (Der Schwarze Karl). Đen vì người ta gọi cà phê là vàng đen. Hơn thế nữa, khi sinh thời Karl-Marx có nước da màu nâu nên bạn bè vẫn goi ông là cậu “Karl Đen”. [3]
Họ quảng cáo cho “Cà phê Karl-Đen” như sau:
" Chúng tớ, những người sinh ra ở thành phố Karl-Marx, cả đời đã biết và gắn bó với ông Karl của mình. Đó là lý do để dùng ông tô điểm cho “Vốn liếng” của chúng tớ (họ chơi chữ KAPITAL = vốn liếng, ở ta dịch là tư bản).
Từ 2014, bột cà phê rang xay của chúng tớ, gắn bó với cái đầu lớn nhất của thành phố này, đã lưu hành trên thị trường.
Dân uống cà phê toàn thế giới, hãy liên hiệp lại” [4]
Đang nhâm nhi vị "Cà phê Karl Đen", tôi xuýt phì cười khi thưởng thức khiếu hài hước của dân Chemnitz.
….
Nguyễn Xuân Thọ (20 Aug. 2023)
No comments:
Post a Comment