NGÔN NGỮ SÀI GÒN
Nếu bạn không phải là người sanh đẻ ở Sài Gòn trước 4/1975, hay là người nhập cư và lớn lên ở Sài Gòn thì cũng nên tìm hiểu chút xíu về ngôn ngữ người Sài Gòn (thứ thiệt) thuở xưa.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.
Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói:
- Mày ăn cơm chưa?
- Dạ, chưa!
- Mới dìa/dzề hả nhóc?
- Dạ, con mới dìa!
Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ ... dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay ...
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói: “Từ bữa đó đến bữa nay”. Còn người Sài Gòn thì nói: “Hổm nay”, “dạo này” …
Người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê (lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng).
Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm” ... Nếu nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.
Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau.
Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết …” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất miền Nam rõ rệt.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem … “Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!” … Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề … nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm.
Một người lớn hơn gọi: “Ê, nhóc lại nói ngheng”.
Hay gọi người bán hàng rong: “Ê, cho chén chè nhiều nhiều, tiền ít coi!” …
“Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn.
Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là: “cho chén chè, cho tô phở” … “cho” ở đây là mua đó nghen!
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này: “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!” …
“Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà.
Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi: “Mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta?”. Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à nghen. Người Sài Gòn có thói quen hay nói: “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?” … Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà … hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là … “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!” ...
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “mày” xưng “tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Sài Gòn mầy tao liền.
Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất là thân thiện và gần gũi. “Mày”, “tao” là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi ... Hỏng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu, tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng “mày mày tao tao”, thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoan khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đây là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chớ còn như đám nhỏ nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như phần lớn dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện.
Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì: “Dì ơi dì ... cho con hỏi chút!", còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác ..." rồi.
Những tiếng mợ, thím, cậu ... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím.
Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng … gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = Ổng
Bà đó = Bả
Dì đó = Dỉ
Anh đó = Ảnh
Chị đó = Chỉ
Cô đó = Cổ.
Ở bên đó = Ở bển
Ở trong đó = Ở trỏng
Ở ngoài đó = Ở ngoải
Hôm đó = Hổm.
Nói chung, khi cần lược bỏ chữ "đó", người ta chuyển thanh ngang hoặc thanh huyền thành thanh hỏi.
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng ... ngộ nghĩnh dzậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất miền Nam, Sài Gòn đó nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo ... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm ...
Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào.
Thành ra có cách gọi: “Chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng” ...
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được ... giản lược mất luôn, trở thành: "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?" ...
Hoặc Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi ... con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai ... em nói nghe nè!".
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế đất Thần Kinh ...
Cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước miền Nam, bằng cái chơn chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn.
Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương, những cảm giác xao xuyến bồi hồi khó tả ...
Thang Le st
No comments:
Post a Comment