Con người không thể tồn tại đơn lẻ trên đời mà phải nhờ vào sự trợ giúp của các mối quan hệ nhân quả khác nhau để tồn tại. Ngay cả hoa, cỏ cây cũng cần có sự kết hợp của ánh sáng mặt trời, không khí, mưa, đất và các yếu tố khác để đơm hoa kết trái.
Con người tồn tại và phát triển là nhờ nhân duyên. Vì vậy, việc cần đến sự giúp đỡ trong cuộc sống là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nhờ vả việc gì cũng có hợp lý và không hợp lý, có chính đáng và không chính đáng, thậm chí có những tình huống nên và không nên, có thể và không thể. Đứng trước người nhờ giúp đỡ, đôi khi bạn không đủ năng lực hoặc có ý kiến khác, không đáp ứng được yêu cầu của đối phương nên từ chối là điều dễ hiểu. Chỉ là từ chối phải có nghệ thuật, còn từ chối hay không thì tùy hoàn cảnh, ví dụ:
Thứ nhất, tùy tiện từ chối là suy nghĩ thiếu chu toàn. Khi ai đó nhờ vả bạn điều gì và mong được bạn giúp đỡ, nếu yêu cầu của đối phương là hợp lý, bản thân cũng có khả năng thực hiện được thì lúc này nên giúp đỡ họ một tay để việc được thành mà đôi bên cũng kết được mối lương duyên. Nhưng có những người lại không được từ bi, không biết đồng cảm với nỗi khổ của người khác, chỉ cần nghe thấy người khác mở lời đã vội vàng từ chối mà không cần suy nghĩ. Việc từ chối một cách tùy tiện như thế có thể là do suy nghĩ không được chu toàn, hành động hấp tấp, điều này có thể dẫn tới những hậu quả về sau, thậm chí để lại nỗi ân hận suốt đời. Vì vậy, bạn không thể không cẩn thận.
Thứ hai, từ chối dứt khoát là không chừa cho mình một đường lui. Một số người bản tính thu mình, ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, hoàn toàn không muốn kết giao với người khác nên khi được ai đó nhờ vả việc gì, phản ứng của họ là lập tức từ chối. Trên thực tế, việc từ chối dứt khoát chính là tự cắt đứt đường lui của chính mình, bởi vì con người tồn tại trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, nếu bạn cắt đứt mối quan hệ này, không muốn xây dựng duyên lành với ai, đến một ngày thế sự đổi dời, xã hội đổi thay, nếu bạn rơi vào cảnh ngộ tương tự thì ai sẽ là người đưa tay ra giúp đỡ đây?
Thứ ba, khéo léo từ chối là tôn trọng người khác. Khi từ chối yêu cầu của ai đó, bạn nên cân nhắc đến tôn nghiêm của họ, phải nghĩ đến ý nghĩ sâu xa của họ, từ đó khen ngợi khi thích hợp và đưa ra lời khuyên khi không phù hợp. Tóm lại, từ chối cũng phải khiến đối phương tâm phục khẩu phục, để họ cảm thấy mình được tôn trọng và đừng để mọi chuyện rơi vào hoàn cảnh ngượng ngùng. Có thể có được sự thấu hiểu của đối phương mới là sự từ chối tuyệt vời nhất.
Thứ tư, từ chối bằng những lựa chọn thay thế là cho người khác hy vọng. Khi người khác yêu cầu bạn điều gì, nếu bạn có thể giúp đỡ họ, đôi bên vui vẻ đương nhiên là điều trọn vẹn nhất. Nhưng trên thực tế, chúng ta rất khó thỏa mãn nhu cầu của người khác. Lúc này, bạn có thể từ chối bằng những lựa chọn thay thế. Khi ai đó mời bạn tham dự buổi ra mắt cuốn sách mới của họ, bạn lại tình cờ có việc quan trọng và không thể tham gia trực tiếp được, bạn có thể tặng một lẵng hoa để chúc mừng hoặc giới thiệu ai đó có thể tham dự thay. Từ chối bằng những lựa chọn thay thế vừa không làm cho bên kia xấu hổ vừa không gây thù chuốc oán.
Nhờ vả đã khó, từ chối lại càng khó hơn. Người mở lời nhờ vả phải suy nghĩ đến những khó khăn của đối phương và người từ chối cũng nên quan tâm và tôn trọng tâm tình bên đối diện. Mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau gieo duyên lành là điều vô cùng quan trọng.
Copy từ TnBS Fan Club
No comments:
Post a Comment