Cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Philippines trên Biển Đông có sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ, trong đó có quân nhân Pháp và Úc.
Hôm 22-4, Mỹ và Philippines khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên 'Balikatan 2024', tức 'Vai kề vai', với khá nhiều tín hiệu mới đáng chú ý.
Balikatan năm nay sẽ kéo dài trong ba tuần (từ ngày 22-4 tới 10-5) với sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ, trong đó có quân nhân Pháp và Úc. Cuộc tập trận bao gồm diễn tập về an ninh hàng hải, phòng không và tên lửa, phòng thủ mạng và thông tin...
Tập trận gần Biển Đông, Philippines đề cập "chiến tranh"
Balikatan được đánh giá toàn diện nhất trong số các cuộc tập trận quân sự giữa Philippines và Mỹ. Về tổng quan, các quan chức Mỹ và Philippines đều có ý mô tả hoạt động thường niên lần này không nhắm tới nước thứ ba, với mục tiêu cải thiện khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước với nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, giới quan sát không khỏi tránh việc lưu ý tới yếu tố Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đơn phương ở hầu hết Biển Đông, trong khi Philippines cũng là một bên tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ phản đối tuyên bố chủ quyền cũng như việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, và cũng thường căng thẳng với Bắc Kinh khi tổ chức các hoạt động "tuần tra vì tự do hàng hải" (FONOPs).
- Philippines 'đanh thép' với chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ nói sẽ sát cánh
- Tổng thống Philippines nói sẽ có thỏa thuận Biển Đông với Mỹ, Nhật
- Philippines cùng Mỹ, Úc, Nhật diễn tập quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc tuần tra tác chiến
Thêm vào đó, địa điểm tập trận Balikatan lần này sẽ chủ yếu ở khu vực phía bắc và tây Philippines, gần với "điểm nóng" tại Biển Đông và Đài Loan. Đây cũng là hai đối tượng đặc biệt nhạy cảm đối với an ninh của Trung Quốc.
Và điều này nghiễm nhiên khiến Trung Quốc phản đối hoạt động của Mỹ và Philippines, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines có những căng thẳng công khai xuất hiện trên truyền thông một cách dày đặc thời gian qua.
Bản chất nội dung của Balikatan lẫn các phát biểu liên quan tới cuộc tập trận lần này cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn.
Tạp chí Nikkei Asia lưu ý lời đại tá Michael Logico - người giám sát cuộc tập trận này. Ông tiết lộ sẽ có một cuộc tấn công mô phỏng trên biển, và như năm ngoái, các binh sĩ sẽ đánh chìm một tàu hải quân Philippines đã loại biên.
Thậm chí khi đề cập tới cuộc tập trận năm nay, ông Logico cũng không ngần ngại nhắc tới chữ "chiến tranh" bất chấp việc không đề cập tới Trung Quốc.
"Mục đích của các lực lượng vũ trang, tức là lý do chúng tôi tồn tại, là thực sự nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Không có gì phải nói khéo về nó... nếu chúng tôi không chuẩn bị, đó là việc gây bất lợi cho đất nước", báo Philippines PhilStar dẫn lời ông Logico.
Chúng ta đang bàn về hai lực lượng có tổ chức, văn hóa và năng lực khác nhau, cũng như quy trình chỉ huy và kiểm soát khác nhau. Và các anh muốn huấn luyện để đạt mức độ có thể chiến đấu cùng nhau.
Đại tá Michael Logico (Philippines)
Những cái đầu tiên của Balikatan
Balikatan 2024 là một trong hai cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất giữa Mỹ và Philippines từ trước tới nay và chứa những "cái đầu tiên" đáng chú ý.
Đây là lần đầu tiên Tuần duyên Philippines tham gia tập trận Balikatan - một tín hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Philippines đối với các màn đụng độ trên biển của lực lượng này.
Tuần duyên Philippines gần đây từng tố bị tàu Trung Quốc va chạm, quấy nhiễu trong nhiệm vụ tiếp tế. Phía Philippines cũng có động thái mời phóng viên quốc tế tham gia các hoạt động này như một cách công khai những gì diễn ra trên thực địa.
Bên cạnh đó, năm nay cũng là lần đầu tiên tập trận Balikatan diễn ra ngoài lãnh hải Philippines. Lần tập trận này cũng có sự tham gia của quân nhân Úc và Pháp. Với Pháp, đây là lần đầu tiên tàu chiến nước này tham gia Balikatan với tư cách thành viên.
Việc thay đổi thông lệ này nhiều khả năng là cách Philippines mở rộng sự tham gia, phối hợp với các lực lượng khác ở những vùng biển được cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của Úc và Pháp cùng 14 nước châu Á và châu Âu dưới tư cách quan sát viên cũng lờ mờ diễn tả tín hiệu về một sự "kề vai", mà trong mắt Trung Quốc là nỗ lực hình thành liên minh.
Trong bản tin về Balikatan ngày 22-4, Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã cho rằng "nhiều chuyên gia và học giả Philippines cũng bày tỏ lo ngại về việc cuộc tập trận chung có thể đe dọa an ninh khu vực".
Hãng tin này dẫn lời bà Anna Malindog-Uy, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Asian Century Philippines Strategic Studies Institute (trụ sở Manila, Philippines), nhận định sự tham gia của nhiều nước trong các cuộc tập trận như trên "có thể dẫn tới các liên minh chính trị và quân sự mới hoặc được tăng cường trong khu vực, vốn có thể gia tăng sự cạnh tranh và tạo ra chia rẽ cũng như thêm căng thẳng giữa các nước trong khu vực".
Trung Quốc: Philippines "kết bè kết phái"
Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc tập trận này, cáo buộc Philippines "kết bè kết phái" với các nước ngoài châu Á, đồng thời cảnh báo hoạt động trên có thể kích động đối đầu, làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.
Tại Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương tổ chức ở Thanh Đảo hôm 22-4, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp khẳng định biển không nên là đấu trường, nơi các nước lấy pháo hạm để "khoe cơ bắp".
"Thực tế chỉ ra rằng những ai cố tình khiêu khích, gây căng thẳng, hoặc ủng hộ bên này chống lại bên kia vì lợi ích ích kỷ của bản thân thì cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính họ. Việc tiến hành ngăn chặn, bao vây và phong tỏa các hòn đảo trên biển sẽ chỉ đẩy thế giới vào vòng xoáy chia rẽ và hỗn loạn", ông nói.
Tuổi Trẻ Onl
No comments:
Post a Comment