Chiều nay ngồi thảo luận với nhóm VNITA về kiến trúc an toàn thông tin. Có một số vấn đề về thuật ngữ
- Bot & botnet
- Spyware
- Zombie network
Nhân thể quay lại từ "tin tặc" của tiên sinh Quach Tuan Ngoc .
Quan điểm của tôi là một số thuật ngữ kỹ thuật có thể để nguyên gốc tiếng Anh. Tuy nhiên, lĩnh vực an ninh an toàn thông tin việc phổ biến, đại chúng hóa hết sức quan trọng (hơn nhiều so với các vấn đề kỹ thuật), nên Việt hóa rất quan trọng.
Có bạn dịch bot là "phần mềm gián điệp bot". Tuy nhiên "phần mềm gián điệp" (kể ra cũng hơi dài và không hoàn toàn hay) đã dùng để phiên thuật ngữ spyware. Nếu bot cũng dùng phần mềm gián điệp, người ta có thể hiểu bot là một loại spyware.
Trước hết ta nên hiểu thế nào là zombie. Zombie là hiện tượng các xác chết, tự nhiên đứng dậy hoạt động. Hiện tượng này có trong các phim kinh dị, nhưng cũng có trong thực tế ở phương Tây, Ấn độ và cả ở ta, mà các cụ ta gọi là "quỷ nhập tràng". Xác người chết, đa số bất đắc kỳ tử để mèo nhảy qua, có thể vùng dậy. Vì vậy nhà có người chết bất đắc kỳ tử các cụ thường dặn phải nhốt mèo. Hán Việt có từ "cương thi" (xác chết cương lên). Có lẽ nên dịch zombie network là "mạng quỷ nhập" hay hơn một số bạn dịch là mạng ma (vì ma là ảo ảnh không có thể xác, đây là có điều khiển dựa trên thể xác vật lý thật).
Botnet cũng như tự như thế. Tiếng Trung họ dịch là "cương thi võng lạc", cũng là dựa trên nghĩa của từ zombie. Lấy của Tàu cũng không phải là xấu (tôi không mặc cảm tự ti đến nỗi phải bài Tàu trong mọi trường hợp). Nhưng rõ ràng chữ này tiếng Tàu nghe cũng lủng củng, dài và không thân thiện. Có lẽ nên dịch là "mạng quỷ nhập".
Quay trở lại từ hacker. Đây là niềm tự hào của Quách Tiên Sinh. Tuy nhiên, các hacker mũ trắng có ý kiến họ không phải là "tặc". Một số chuyên gia hack về công nghệ cũng không phải là "tặc", họ chỉ mổ xẻ, đào bới, lục lọi thôi, có khi là mục tiêu tốt. Người ta gọi họ là technology hacker. Không có "tin" cũng chẳng có "tặc".
Bọn Tàu gặp may, dịch hacker là "hắc khách". Thứ nhất là âm rất chuẩn gần với "hác cơ". "Khách" lại gần với hậu tố "er". "Hắc" lại có vẻ ẩn dấu, bí mật, thậm chí hơi mờ ám, nhưng chưa chắc đã xấu.
Ý kiến của các cụ thể nào?
Nguyễn Ai Việt (Debrecen,VIDI72)
Quach Tuan Ngoc: Nếu là sinh ngữ thì luôn sống động, cập nhật nên khg sợ đổi mới. Hắc trong hacker và hắc trong tiếng hán - nôm chắc là khg cùng một họ, tuy đồng âm. Âm ặc trong tin tặc nó cũng gần âm hắc trong hacker rồi anh Việt à. Tôi liên tưởng từ Hắc khách như là Khách đen, khách đến thăm với dụng ý xấu = hắc ám vậy.
ReplyDeleteNguyen Ai Viet: Vì vậy tôi mới nói bọn Tàu gặp may.
DeleteDo Xuan Phuong: Em chã! :D
ReplyDeleteU50 chúng em đã quen và biết rõ bot, botnet, spyware, adware, hacker black-hat white-hat rồi, cánh trẻ còn thạo hơn. Dịch Việt ngữ nghe cứ sao sao ấy ạ.
Chinh Nguyen Trung: Nên dịch là hắc cơ ạ, tại sao cứ phải Hán Việt mà không mượn từ gốc Anh. Việt nam có nhiều từ gốc Pháp nên nay dùng luôn từ gốc Mỹ cho thời thượng ạ :)
ReplyDeleteNguyen Ai Viet: Quach Tuan Ngoc, tiên sinh thấy "hắc cớc" thế nào? Phiên âm tiếng Việt hễ có "r" ở cuối là biến thành "c" (Chủ nghĩa Mác là một ví dụ). Phiên âm chuẩn phải là Ma-ớt :-)
DeleteQuach Tuan Ngoc: Gọi nguyên gốc phiên âm thì từ này vẫn có hai nghĩa. Vẫn vấp phải sự nhầm lẫn cách hiểu ở ngữ cảnh khác nhau.
DeleteNguyen Ai Viet: Có chữ load các bác chuyên gia cứ dịch là "tải", ngắn gọn và đúng nghĩa. Lớp trẻ phớt lờ dùng chữ "loát", nghe rất chướng tai, phiên âm chẳng ra phiên âm, dịch nghĩa không ra dịch nghĩa, cũng không phải là từ để nguyên dạng. Một chữ nữa nghe cực chối là "vi-gieo". Nếu "vi-đeo" (Thậm chí có thể thêm dấu bất kỳ :-) ) thì còn chấp nhận được. Thế mà lớp trẻ thậm chí là kỹ sư CNTT dùng rất tự nhiên, chữa thế nào cũng không được.
ReplyDeleteDo Xuan Phuong: Nếu là văn viết thì chối thật ạ. Văn nói thì còn tùy ngữ cảnh. :)
DeleteTu Tung Phan: Cách đây hơn 20 năm, khi khái niệm và công nghệ Internet mới nhập vào nước ta, vấn đề anh Việt nêu đã được...anh Ngọc trải nghiệm...Thực tế, tiếng Việt có đặc thù gốc lating và Hán, có mặt "thuận" để dịch so với tiếng Hoa...Nhưng chính vì lạm dụng cái "thuận" đó mà anh em cứ việt hóa tràn lan mỗi người mỗi kiểu không thống nhất một "chuẩn" phổ thông ngay từ đầu (khác với TQ họ bắt buộc phải giữ nguyên từ "gốc" bằng tiếng Anh vì không "thuận" để dịch.).Vì thế, thời gian đầu mất khá nhiều thời gian tiền của và cả công lực cho việc thống nhất "tiếng phổ thông" cho IT. Ví dụ như bộ mã chuẩn...cho đến ngôn từ kỹ thuật chuyên môn....Theo tôi, đã "nhập" công nghệ thì phải nhập thật chuẩn xác ngay từ đầu, chớ có "lai căng" mà sau này sai một ly đi một dặm. Dùng đúng từ kỹ thuật của Tổ sư !....cũng như trong phát triển công nghiệp phải có ISO ấy mà.....
ReplyDeleteNguyen Ai Viet: Về nguyên tắc là như vậy. Cụ thể mới là vấn đề.
DeleteTu Tung Phan: Vậy thì anh đừng cố "dịch" cho "đúng" để mà dịch sai làm con cháu chịu hậu họa.....
DeleteNgười Pháp, Đức...trước đây chỉ dùng ngôn ngữ thượng đẳng của họ không chịu dùng tiếng Anh....Nhưng đến nay không những đã phổ thông tiếng Anh mà còn đưa tiếng Anh "ngoại lai" vào chính ngôn ngữ bản địa.