[EDU-KIDS] Bàn về phẩm chất Minh triết của Vienova
1. Bài trước chúng ta đã nói về việc thế hệ Vienova phải có phong cách lãnh đạo kiểu Platon tức là gồm 4 phẩm chất: Minh triết, Công bằng, Mực thước và Dũng cảm.
2. Chúng ta cũng đã nói về Minh triết gồm 3 thành phần: Thông thái, Thức thời, Hiểu đạo lý. Chúng ta sẽ bàn kỹ về 3 nội dung này.
3. Thông thái (học rộng) không nhất thiết phải Uyên bác (biết nhiều) mà biết nhìn thấy mối liên hệ giữa những kiến thức khác nhau. Muốn như vậy phải nắm được cốt lõi và bản chất, thay vì bắt bẻ đúng sai đến từng tiểu tiết. Nhà lãnh đạo giỏi theo phong cách Platon không cần biết mọi chi tiết trong tất cả các lĩnh vực mà anh ta quan tâm, nhưng phải nắm được bản chất chính của mọi cái anh ta tìm hiểu để thấy những mối liên hệ mà người khác không thể thấy. Cái biết về chi tiết bên trong của sự vật có thể gọi là "kiến thức", cái biết bản chất chính và các mối liên hệ giữa các sự vật nên gọi là "tri thức". Tiếng Anh chỉ có một chữ knowledge, như "kiến" là thấy không thể bằng "tri" là biết.
4. Các cụ có câu "Thức thời là trang tuấn kiệt". Quả thực "thức thời" là biết xu hướng của thời đại. Nếu chỉ bo bo giáo điều sách vở, viện dẫn sách nọ, điển tích kia, vin vào tiền nhân, dựa vào tên tuổi người khác, không thể gọi là "thức thời". Chân lý phần nhiều vận động theo thời gian. Điều các cụ ta coi là bất biến, chúng ta cần biết, nhưng không có lý gì ta phải "ôm thuyền lên cạn" hay "khắc dấu mạn thuyền". Và cố nhiên ngược lại người thức thời không đánh giá tiền nhân bằng tiêu chuẩn của mình. Chỉ riêng thái độ thức thời quán cổ kim đã đủ làm lãnh đạo. Thức thời thì sẽ có tầm nhìn tương lai, chỉ hướng đi cho người khác. Thức thời tức là tri đạo, biết đường đi.
5. Hiểu đạo lý tức là nắm được quy luật vận động của thế giới xung quanh, những giá trị tương đối bất biến, nhưng không bao giờ trói mình vào giáo điều. Hiểu đạo lý tức là biết căn nguyên của mọi sự kiện và vận động. Đó là tri căn.
6. Hiểu đạo lý là mặt bù trừ của thức thời. Thức thời thái quá thành xu thời, vin vào đạo lý quá mức thành ra cổ hủ. Người thông thái, có tri thức, nắm được bản chất của mỗi sự vật, thấy được sự liên hệ giữa các sự vật sẽ biết thế nào là vừa đủ. Thành thử 3 thành phần của sự Minh triết sẽ điều chỉnh, điều hòa, bổ sung cho nhau.
7. Cuối cùng là phải có một chương trình phù hợp để rèn luyện phẩm cách Minh triết. Một vũ công tài giỏi trước hết không bao giờ chú trọng vào đếm nhịp, nhưng bước không loạn nhịp. Một võ sư tài giỏi không chú trọng vào chiêu thức, nhưng xuất thủ không loạn chiêu. Phải rèn luyện Minh triết để thành bản năng khi còn nhỏ để khỏi băn khoăn với những phân tích nhỏ nhặt về nó.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment