Thursday, June 30, 2022

Thế giới Đông & Tây: Nhận định từ nước Mỹ

 BA SIÊU CƯỜNG MỚI CỦA TƯƠNG LAI

George Friedman

George Friedman là một chuyên gia địa chính trị nổi tiếng. Ông thành lập Geopolitical Futures và Stratfor, hai cơ quan dự báo chiến lược có tiếng của Mỹ. Ông là tác giả của tập sách bán rất chạy, có tựa đề «100 năm tới», do nhà xuất bản Anchor Books phát hành. George Friedman sống tại Texas và thường xuyên cố vấn cho ban chỉ huy quân sự cao cấp của Mỹ.

RFI Tiếng Việt giới thiệu lại toàn văn bài phỏng vấn của L’Express cho biết rõ quan điểm của ông về tương lai tình hình địa chính trị thế giới.

~~~~~~

L'EXPRESS: Tại thượng đỉnh G7 mới đây, Donald Trump đã lên án thủ tướng Canada, Justin Trudeau là «gian dối và yếu kém». Ba ngày sau, tổng thống Mỹ khen ngợi Kim Jong-Un, lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên. Phải chăng thế kỷ XXI này không còn giống như thế kỷ trước nữa ?

George Friedman: Một điều chắc chắn là G7 đã lỗi thời, lạc hậu, xơ cứng thuộc về một thời kỳ đã qua, đó là thời Chiến Tranh Lạnh. Được thành lập trong những năm 1970 nhằm đối phó với cú sốc dầu hỏa đầu tiên, định chế này ngay từ đầu đã có những mục tiêu không rõ ràng… và cho đến nay, vẫn không rõ ràng.

Vì không có khả năng chống các quốc gia trong khối các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC, nhóm các nước công nghiệp phát triển này đã họp lại với nhau hàng năm và ra các thông cáo theo thông lệ, mà không làm được điều gì lớn lao cụ thể. Hơn nữa, thế giới đã thay đổi từ năm 1973. Nước Ý ngày nay đứng hàng thứ 8 trên thế giới, và Canada là xếp thứ 10. Trong khi mà Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp hạng hai và thứ bảy trên thế giới.

L'EXPRESS: Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ lại không có mặt ở G7...

George Friedman: Đúng vậy. Và điều đó hạn chế rất nhiều ích lợi của các cuộc thảo luận có liên quan đến kinh tế ! Trong tình trạng hiện nay, G7 chỉ là một thực thể chủ yếu bao gồm các nước Âu-Mỹ không phản ảnh được tính chất phức tạp của thế giới. Hậu quả là lịch trình làm việc của G7 mang tính địa phương. Do đó, đối với Donald Trump, cuộc họp G7 ngày 08 và 09/06 chỉ là một thời điểm, một chặng đường đi qua, trước cuộc gặp Kim Jong Un, tại Singapore ngày 12/06.

Đương nhiên, đó cũng là cách nhìn của ông Shinzo Abe vì theo thủ tướng Nhật Bản, hồ sơ Bắc Triều Tiên không phải là một chủ đề xa vời như đối với các nước châu Âu. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ tham gia cuộc đàm phán, vấn đề Bắc Triều Tiên chắc có thể là tâm điểm của các cuộc thảo luận, cũng giống như chủ đề về thuế quan.

L'EXPRESS: Ông nghĩ gì về cuộc gặp Donald Trump và Kim Jong Un?

George Friedman: Một dạng bế tắc. Trong bóng đá, người ta có thể gọi đó là «một trận hòa, một đều». Theo thông cáo chung, mục tiêu là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên nằm trên bán đảo, trong khi đó vũ khí của Mỹ ở trên không, trên máy bay, dưới nước, trong tầu ngầm và tại các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chẳng cần phải là một chuyên gia lớn mới hiểu được rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân tuy cũ kỳ, tốn kém nhưng thiết yếu cho sự tồn tại chế độ mà không nhận được điều bù lại. Washington chưa sẵn sàng rút khỏi các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Do vậy, điều rất có thể xẩy ra là các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục thông qua nhiều kênh khác nhau. Hiện tại, mỗi bên đều đạt được điều gì đó : Kim Jong Un thì chứng tỏ với người dân là mình đủ mạnh để lôi Mỹ vào bàn đàm phán ; Donald Trump thì chứng tỏ với cử tri của mình là phương pháp ngoại giao của ông có hiệu quả hơn là cách làm của G7.

L'EXPRESS: Như vậy theo ông, đối với Donald Trump, cũng như là Barack Obama, người tiền nhiệm, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có vẻ như không phải là ưu tiên?

George Friedman: Đối với châu Âu, các mối quan hệ này luôn luôn chiếm vị trí hàng đầu. Nhưng với Mỹ, châu Âu chỉ là một trong số các chủ đề khác. Trên bình diện chiến lược, học thuyết của Mỹ có mục đích là không để một quốc gia nào – Đức hay Nga, một mình kiểm soát được vùng Á-Âu. Chính vì thế mà Mỹ đã can thiệp vào châu Âu năm 1917 và 1944. Tương tự, sau chiến tranh, sự trỗi dậy của Nga tại Trung Âu đã thúc đẩy Hoa Kỳ dấn thân vào Chiến Tranh Lạnh.

L'EXPRESS: Sự trỗi dậy thành cường quốc của Nga và Trung Quốc gây lo ngại. Thêm vào đó là hiểm họa Bắc Triều Tiên và Trung Đông. Liệu có thể nào xảy ra một xung đột thế giới?

George Friedman: Chắc là từ năm 2050 trở đi. Nhưng trước mắt thì chưa. Hãy đánh giá về sức mạnh thật sự của nước Nga : đó chỉ là sức mạnh của làng Potemkine. Nước Nga muốn làm cho mọi người nghĩ rằng họ sẽ lại trở thành Liên Xô. Thế nhưng, trên thực tế, nước Nga chỉ còn là cái bóng của mình mà thôi, bị tê liệt vì phụ thuộc vào dầu lửa, nạn tham nhũng và một loạt các vấn đề khác. Thậm chí, Nga không có khả năng xâm lược Ukraina. Sự hiện diện của Nga tại Syria giống như một chiến dịch quan hệ công chúng, quảng bá – nhằm chứng tỏ là họ tồn tại – hơn là một sự triển khai quân sự.

Về phần Trung Quốc, đúng là nước này đã phát triển về kinh tế từ 20 năm nay, nhưng không giải quyết được một vấn đề rất lớn là tình trạng bần hàn đang kìm hãm sự phát triển ; và quý vị sẽ thấy, bên ngoài vùng duyên hải, có một tỷ người nghèo khó đang sống dưới ách một chế độ độc tài luôn hoảng sợ về ý tưởng một cuộc nổi dậy của người dân. Đó là một quốc gia về thực chất là không ổn định.

Về quân sự, Bắc Kinh có những bước tiến. Nhưng tất cả chỉ là tương đối. Từ một thập niên qua, Trung Quốc muốn thống trị Biển Đông, nhưng không làm được. Do không có lực lượng thủy-lục đáng kể, Trung Quốc không thể xâm lược một nước nào. Nhật Bản, Indonesia và ngay cả nước Philippines khiêm tốn vẫn đối đầu được với Trung Quốc.

Tóm lại, Trung Quốc cũng như Nga không thể thách thức Hoa Kỳ. Chính quyền Washington phải đối mặt với những vấn đề thứ cấp, như Bắc Triều Tiên hay thế giới Hồi Giáo. Nhưng không có một mối đe dọa sinh tồn nào làm cho Hoa Kỳ « mất ngủ ». Thế giới hiện nay ổn định hơn như người ta cảm nhận thấy.

L'EXPRESS: Có người dự báo sự suy tàn của nước Mỹ trong thế kỷ 21?

George Friedman: Tôi nghe thấy điều này từ nhiều năm nay. Đó là lập luận thời thượng sau chiến tranh Việt Nam ! Hoài niệm về sự thống trị của mình trong quá khứ, một số trí thức châu Âu mơ tưởng đến điều đó. Ngay khi thế giới có một vấn đề gì, phản xạ đầu tiên của họ là nhìn xem Hoa Kỳ hành động ra sao. Và ngay sau đó, họ khẳng định rằng người Mỹ thật xuẩn ngốc. Sau cùng, họ giải thích rằng nếu có quyền lực trong tay, họ sẽ làm tốt hơn Hoa Kỳ. Những người nói đến sự «suy tàn của Mỹ» bị nhầm lẫn giữa thanh danh và quyền lực.

Thanh danh của chúng tôi có thể là không hay ho và chắc chắn là có những nguyên nhân xác đáng. Điều đó không quan trọng. Còn quyền lực, đó là chuyện khác. Quyền lực dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự. Hiện nay, của cải mà nước Mỹ tạo ra chiếm tới một phần tư tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới, trong lúc dân số của chúng tôi mới chỉ xấp xỉ 300 triệu. Hơn nữa, ảnh hưởng của Mỹ lan tỏa thông qua tiếng Anh, được dùng ở khắp nơi.

Về quân sự, ngân sách quốc phòng của Mỹ lớn hơn cả ngân sách của năm hoặc sáu quốc gia gộp lại. Cần phải luôn nhớ đến một thực tế quan trọng nhưng thường bị sao lãng : đó là hiện nay, Hải Quân Mỹ làm chủ hoàn toàn ba đại dương. Một chiếc thuyền mành ở Biển Đông, một chiếc thuyền bút ở ngoài khơi bờ biển châu Phi, một chiếc tàu dầu trong vùng Vịnh Ba Tư hay một chiếc thuyền buồm du lịch ở vùng biển Caraibe, bất kể một sự di chuyển nào trên biển cũng đều bị giám sát bởi các vệ tinh của Mỹ.

Hơn nữa, các di chuyển này có thể bị ngăn chặn – hoặc được bảo vệ - bởi Hải Quân Hoa Kỳ. Ngay cả khi gộp lại, tất cả các hạm đội trên thế giới vẫn nhỏ hơn hạm đội của Hoa Kỳ. Đó là một sự thống trị chưa từng có trong lịch sử nhân loại, còn hơn cả sự thống trị của Hải Quân Hoàng Gia Anh trong thời kỳ huy hoàng nhất. Kết quả là Mỹ đủ khả năng xâm lăng các nước, nhưng không một quốc gia nào đủ khả năng xâm lăng Hoa Kỳ.

L'EXPRESS: Trong cuốn sách bán rất chạy mang tựa «Một trăm năm tới» (nxb Anchor books) ông tiên đoán là có ba cường quốc mới trỗi dậy vào khoảng năm 2050, vậy đó là những cường quốc nào ?

George Friedman: Trước tiên là Nhật Bản. Theo tôi, chính Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc là cường quốc địa chính trị lớn ở vùng Đông Nam Á. Là tác nhân kinh tế hàng đầu, Nhật Bản đã xử lý tốt và thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và tái tạo lòng tin. Trong tương lai, Tokyo sẽ tiếp tục truyền thống quân sự hóa và lại trở thành một cường quốc khu vực, nhằm bù đắp sự yếu kém nội tại, đó là việc không có tài nguyên thiên nhiên.

Nhật Bản cũng muốn đối trọng với sự trỗi dậy của bán đảo Triều Tiên mà theo tôi, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thống nhất trước năm 2030. Hải quân Nhật Bản, vốn đã mạnh, sẽ được tăng cường. Trong viễn cảnh đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, chính quyền Tokyo sẽ từ bỏ điều 9 trong Hiến Pháp chủ hòa tồn tại từ 71 năm qua.

L'EXPRESS: Thế cường quốc thứ hai đang nổi lên là nước nào?

George Friedman: Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lịch sử, đó là cường quốc khu vực thống trị. Thế giới Ả Rập yên bình, chính là vì Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt như vậy. Trong một trăm năm gần đây, tuy nằm kẹt giữa Hoa Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp ngoại lệ. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu biết thế giới Ả Rập hơn Hoa Kỳ.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ bị bao bọc bởi một vành đai bất ổn : Trung Đông, vùng Kafkaz, Hắc Hải, vùng Balkan…Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác là phải quan tâm đến các vùng bất ổn này. Khi làm việc này, Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ra khắp nơi : ở vùng Kafkaz, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Azerbaidjan, nước nói tiếng Thổ và ở Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện lực lượng cảnh sát, hoặc ở Bosnia.

L'EXPRESS: Dự báo của ông về Ba Lan gây ngạc nhiên…

George Friedman: Từ thế kỷ 16 đến nay, nước này không còn là một đại cường. Nhưng tôi nghĩ Ba Lan sẽ lại trở thành cường quốc, vì hai lý do. Thứ nhất, đó là sự suy tàn của Đức. Hiện nay, kinh tế Đức vẫn quan trọng nhưng mất sự năng động vốn là đặc trưng của nước này từ hai thế kỷ qua. Hơn nữa, Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và do vậy rất dễ bị tổn thương. Sau cùng, dân số Đức sẽ suy giảm trong những thập niên tới và điều này sẽ tác động đến sức sống của quốc gia này.

Yếu tố thứ hai là Nga. Nga càng gây sức ép với Ba Lan thì chính quyền Vaxava lại càng được hưởng sự trợ giúp về kinh tế và kỹ thuật của Mỹ. Các ví dụ về Israel hay Hàn Quốc – những quốc gia không hề có trọng lượng gì trong những năm 1950 – cho thấy, việc có được sự hỗ trợ của Washington vẫn luôn luôn là một lợi thế.

Ngoài ra, là quốc gia dân tộc chủ nghĩa, Ba Lan dựa vào một tầng lớp trí thức quan trọng, nhất là trong thời buổi kiến thức và tri thức có giá trị hơn mạng lưới công nghiệp cổ xưa. Bên trong khối Đông Âu, Ba Lan là nước năng động nhất, lớn nhất và tự tin nhất. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, không một nước nào tự tin hơn Ba Lan. Nếu như Ba Lan bị chỉ trích tứ phía, đó chắc chắn không phải vì nước này yếu kém.

Cách nay 10 năm, Ba Lan chẳng là gì cả. Ngày nay, nước này không thèm để ý đến Đức. Trong 10 năm tới, Ba Lan sẽ còn tiến xa. 10 năm, đó là một khoảng thời gian tốt để quan sát sự tiến triển của các quốc gia.

copy từ FB-Quốc Khánh

Sunday, June 26, 2022

HLV đội tuyển bóng đá nữ: Bác Chung gái

 "Bố Chung gái

Bức ảnh này đang viral dã cmn ngan sau khi các cô gái trà đá của chúng mình húp soạt lẩu thái để vô địch SEA Games. 

Có thể bạn đã biết HLV Mai Đức Chung có nickname là Chung gái. Nguyên do bố ông đã huấn luyện bóng đá gái từ năm 1997.

Trong 25 năm qua, bố chưa từng gọi riêng bất cứ nữ cầu thủ nào vào phòng làm việc.

25 năm qua, bố được xu tiền thưởng nào là ase..nôn hết cho cô Uyển- Mai Thị Nóc đang túm áo (trong hình).

Có lần, bố Chung gái kể: Phòng sinh hoạt của bọn nó ở CLB nằm dưới gầm cầu thang sân vận động. Có bữa nắng nhiệt độ lên tới 40oC, cả đêm chúng nó ko sao ngủ được. 

Có lần bố bào một ngôi sao như Quang Hải, tiền lót tay 10 -15 tỉ/ năm, số tiền “đủ nuôi nguyên một đội nữ mấy chục con người”., chưa nói đến lương vài chục triệu/ tháng, chưa nói đến thưởng.

Trong khi thì các cô gái trà đá cuối tháng trừ hết mọi khoản xong, mỗi đứa chỉ còn 1,9 triệu.

1,9 củ, chưa bằng bữa nhậu- nhưng “chỉ giữ lại tầm 400k cho mọi khoản xà phòng, kem chống nắng, kem dưỡng da, và cả…băng vệ sinh.

Bố Chung bảo “chúng nó” tháng chưa tới 2 củ thì “lót tay” hay danh vọng-vietsub- cái cmj.

Bố Chung, được xu thưởng nào trừ thuế thu nhập đồng đó, trong khi vẫn có niềm vui “khao” các nữ tuyển thủ khi họ nuốt hết giáo án. 

Mỗi bữa bố Chung khao hết 500k, bữa nào “đỡ đỡ hơn” thì 450k.

Ối chao ơi 450-500k cho một bữa khao 28-30 cô gái, một bữa khao “chúng mày uống gì thì uống”!

Dường như không ngẫu nhiên các nữ tuyển thủ được gọi một cách yêu thương là các cô gái trà đá. 

Có đứa con nào mà yêu thương người cha grab, thợ hàn.. bằng cách vung tay toé loe đòi trà sữa, lẩu thái ko hở giời"

-Nhà báo Đào Tuấn chia sẻ-

--------------------

Khi đọc những dòng chia sẻ trên tôi thực sự đã rưng rưng nước mắt, những khó khăn vất vả của đội tuyển nữ và HLV Mai Đức Chung từng ấy năm trải qua, nếu không có thành công như ngày hôm nay thì những khó khăn này đâu ai biết đến. Cảm ơn HLV Mai Đức Chung và những cô gái kiên cường mạnh mẽ, đã không quản ngại những khó khăn vất vả đó vẫn yêu nghề, kính nghiệp, gắn bó không rời suốt bao nhiêu năm qua.

Không có thành công nào trải đầy cánh hoa hồng, kiên trì và bền bỉ đội tuyển nữ của chúng ta đã xuất sắc và cực kỳ xứng đáng với những thành công vang dội năm châu bốn biển.

Quá xuất sắc, quá xuất sắc rồi các chị ơi ❤

#rabbit #IPC

Saturday, June 25, 2022

Con đường Ukraina

 VĨNH VIỄN THOÁT NGA. BAO GIỜ THÌ THOÁT TRUNG?

1. Ngày 23/6/2022, tại Brussels, Lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhận một quyết định lịch sử: trao tư cách ứng viên gia nhập EU cho Ukraine. Nói là quyết định lịch sử vì nó đưa đến những kết luận lịch sử:

a/. Ukraine gia nhập EU với một sứ mệnh lịch sử mà các nước gia nhập EU trước đây chưa từng có - như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải thừa nhận: 

“Chúng tôi mang ơn những người dân Ukraine, những người đang chiến đấu để bảo vệ các giá trị của chúng tôi, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ”  (https://thanhnien.vn/lien-minh-chau-au-chinh-thuc-cap-tu...)

Tư cách ứng viên EU của Ukraine không chỉ là sự đáp ứng các tiêu chí của các quốc gia EU, cũng không đơn thuần là biểu hiện sự ủng hộ của EU, mà trước hết là sự biết ơn của EU đối với Ukraine vì sự hy sinh của Ukraine cho các giá trị của EU.

b/. Tư cách ứng viên EU của Ukraine khẳng định Nga không thể thắng Ukraine trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

c/.  Tư cách ứng viên EU của Ukraine là dấu mốc lịch sử ngàn năm. Vì từ đây, Ukraine vĩnh viễn thoát Nga. 

Vứt bỏ quá khứ nhiều đời, dù phải hy sinh cả triệu người, dù có thể mất đi một phần lãnh thổ, một lần và vĩnh viễn, Ukraine đoạn tuyệt với Đế quốc Nga để thuộc về châu Âu tự do.

2. Cùng với Ukraine, Moldova đã được EU chấp nhận tư cách ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu. Chúc mừng nhân dân Moldova. Đây cũng là cơ hội lịch sử của Cộng hoà Moldova. Có ai đó có thể nuối tiếc quá khứ Nga Xô Viết, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân Moldova đã lựa chọn đi cùng châu Âu tự do.

Và gia nhập châu Âu tự do đang là khát khao cháy bỏng của Cộng hoà Grudia (Georgia). Tổng thống Salome Zurabishvili của Georgia cho biết trên Twitter: “Chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với quyết tâm trong những tháng tới để đạt được vị thế ứng cử viên".

Sau Latvia, Litva, Estonia thì đến Ukraina, Moldova, Grudia. Và chắc chắn sẽ còn các nước cộng hoà khác thuộc Liên Xô trước đây muốn đoạn tuyệt với Đế quốc Putin để hội nhập với châu Âu tự do.

Từ ngàn xưa, các quốc gia bé không ngừng kháng cự để thoát khỏi vòng cai trị của các Đế quốc láng giềng lớn đầy tham vọng lãnh thổ. Nhưng không mấy quốc gia dám hành động như Ukraine.

Bao giờ thì thoát Trung?

Nguyễn Ngọc Chu


Friday, June 24, 2022

Đời như tuồng hát cải lương!

 Hồi xưa bà con mình gọi mấy đoàn cải lương là gánh hát. 

Gọi là gánh vì mỗi lần đi lưu diễn, mai chỗ nầy mốt chỗ kia. Ngoài xe bò chở phông màn và vợ con ông bầu gánh, đào kép tự gánh y trang của mình, rồi lục tục quảy theo sau.

Gánh hát thời đó cũng có bảng hiệu đàng hoàng nhưng bà con mình lại thích gọi là gánh bà bầu Thơ tức đoàn Thanh Minh Thanh Nga, gánh bầu Ba Bản tức đoàn Thủ Ðô, gánh bầu Xuân tức đoàn Dạ Lý Hương, hay gánh bầu Long tức 5 đoàn Kim Chung 1, 2, 3, 4 và 5.

Sau nầy, mấy ông ký giả trên mục sân khấu kịch trường về cải lương mới dùng chữ đại ban nếu gánh hát lớn, trung ban nếu gánh hát vừa vừa. Còn những gánh nhỏ, mà ông bầu già, đóng vai lão, con gái làm đào chánh, con rể làm kép chánh thì gọi là gánh bầu Tèo, tức gánh hát nghèo, dọn từ nhà lồng chợ hoặc đình làng để trình diễn.

Gánh hát thì phải có tuồng tích do mấy ông thầy tuồng, sau nầy trân trọng gọi là soạn giả viết ra, phân vai, kiêm chỉ đạo diễn xuất (tức vai trò đạo diễn sau nầy).

Ngoài thầy tuồng là người có ăn học (mới biết chữ mà viết tuồng chớ) phải kể tới kép chánh và đào chánh (có người mù chữ).

Kép cũng có hai loại: Kép muồi, chuyên môn đóng vai hoàng tử  không hè (Út Trà Ôn, Thành Ðược). 

Phản diện với kép muồi là kép độc, đóng vai ác thôi hết biết (Hoàng Giang, Văn Ngà, Trường Xuân)…

Ðào cũng có hai loại: Ðào thương (Út Bạch Lan, Thanh Nga, Phượng Liên), ra sân khấu là khóc bụp con mắt luôn, đôi khi khóc nhiều quá son phấn trôi đi, hết màn, phải chui vào hậu trường dặm mặt lại. 

Phản diện với đào thương là đào lẳng (Hồng Nga, Thanh Nguyệt), vừa hát vừa nghiến răng trèo trẹo đóng những vai ghen tuông, đòi xởn tóc đào thương.

Trong vở hát nào cũng vậy, làm khán giả khóc lóc, chửi bới riết thì phải cho bà con cười chút chút cho thư giãn chớ. 

Người phụ trách cái nhiệm vụ nặng nề đó là vai hề, ăn khách không kém kép chánh, đào chánh là: hề Minh, hề Kim Quang, hề Văn Hường, hề Thanh Việt, hề Văn Chung… chẳng hạn.

***

Nhớ thời hoàng kim của sân khấu cải lương, bà con khán giả mộ điệu miền Nam mình đã nuôi sống biết bao nhiêu người nghệ sĩ. 

Không những đủ sống thôi mà những danh ca: Vua vọng cổ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược… trở nên giàu có, ở nhà lầu mặt tiền, đi xe hơi Huê Kỳ, vì tiền ký ‘công tra’ lên cả triệu đồng (số tiền rất lớn). 

Trúng số độc đắc kiến thiết quốc gia xây cửa xây nhà, lô độc đắc cũng chỉ 1 triệu đồng thôi.

***

Nhớ hồi nhỏ, đi học trường Petrus Ký, thường lội bộ theo đường Phan Thanh Giản qua đường Nguyễn Thiện Thuật là tui phải đi ngang nhà ông Út Trà Ôn. 

Ðôi khi thấy ổng đang ở trần, mặc cái quần tiều lỡ, mái tóc chải xước ra đằng sau, không có rẽ đường ngôi, nhưng có xức ‘bi-ăng-tin’ láng mượt… đang lấy vải chùi chiếc xe Huê Kỳ bóng lưỡng, bèn đứng lại nhìn. 

Té ra mặt mày không tô son điểm phấn như lúc trình diễn trên sân khấu, ở đời thường, ổng mặt rỗ hoa mè xấu hoắc hè! He he!

***

Nhưng: “Than ôi! Thời vận bất tề”. Không phải ai đi hát cũng đều nổi danh, tiền vô như nước, được nữ khán giả ái mộ cuồng nhiệt.

“U xàng u xáng u, xáng trên đầu ba bữa còn u” Bài bản phải vững vàng. Hát chạy chữ sao cũng đặng nhưng tới xề là phải nhịp song lang nghe cái cốc mới đặng nhe!  

Muốn ca diễn cho có nghệ thuật, làm khán giả hài lòng, bỏ tiền ra mua vé, đâu có dễ.

Gánh bầu Tèo nghèo hơn nhiều! Ghe hát vừa mới cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy mà cô gái năm xưa hổng thấy ra chào... là cả gánh xúm lại khiêng phông màn lên bờ, lấy vải bố bao quanh nhà lồng chợ để đêm nay bổn ban sẽ ra mắt bà con cô bác xã nhà.

Xong, ông bầu mướn một chiếc xe ngựa, treo hai cái bảng quảng cáo hai bên hông. 

Trên xe có cái trống chầu, một kép cơm (theo gánh hát làm kép chỉ để được ăn cơm), đánh thùng thùng từ đầu làng đến cuối xóm. Ngựa bị ghìm cương, xe chạy chậm, con nít nó ùa theo reo hò tở mở, mừng gánh hát… mới ‘dzìa’.

Gánh bầu Tèo thường về làng vào tháng Mười Một âm lịch trước khi trời sắp đổ mưa;  lúa đổ đầy bồ xong, bà con rảnh rang đến coi đông, nhưng khá lắm gánh hát lưu lại chưa tới một tuần thì vắng hoe, khán giả chỉ loe ngoe chừng chục mống.

Nghỉ hát, tiền chưa chạy đâu được để dọn đi xứ khác thì ông bầu cho đào kép tự kiếm việc mà làm. Ai mướn gì làm nấy như: gặt lúa, vác lúa, đi mót, đi câu, bắt cua, lưới cá.

Nên: “Bầu Tèo hát dở đừng lo. Sang năm hát khá được đi xe bò.

Bầu Tèo hát dở đừng rầu. 

Sang năm hát khá được ngồi xe trâu!”

Ðời nghệ sĩ, nhứt là đào thương cũng ngắn ngủi, tới bốn mươi là quá ‘đát’, trừ trường hợp cực kỳ xuất sắc, thanh sắc vẹn toàn, nhưng nói chung bụi thời gian không ai phủi được, đành phải chuyển qua đào mụ, vai nhì, vai ba…

Bèn lo xa, thôi kiếm một đại gia nào đó để nhờ vả tấm thân hầu đeo đuổi con đường nghệ thuật tới khi không còn hát nổi nữa!

“Thiếu chi rau em ăn rau é?

Thiếu chi chồng em làm bé người ta!”

Vậy mà có người ác tâm, ác khẩu, rằng: ‘Xướng ca vô loại!”

Không thông cảm cho duyên kiếp cầm ca dâng hiến cho đời gì ráo trọi, nỡ bĩu môi chê rằng: “Mới là tiểu thơ đêm trước mà mơi hổng có gạo nấu à nghe, đừng bày đặt nhí nhảnh!”

***

Lại nhớ, gánh hát về nhà lồng chợ Cái Bè, năm 1958, thời ông Nguyễn Bá Cẩn đang ngồi quận, thuở thanh bình thạnh trị của nền Ðệ Nhứt Cộng Hòa.

Ôi bà con vui hết biết! Tui cũng đi coi hát là phụ nhưng hẹn với em yêu là chánh! 

Chờ em cho mãn kiếp chờ, gần kéo màn rồi em mới chịu ló mặt ra, kẻo anh nóng lòng trông đợi bóng ‘chim’?!

Tui nóng lòng thiệt nên làm hết chục mía ghim và hai lon đậu phộng nấu.

Khi khán giả đông bộn, tiếng gõ cồm cộp trên sàn sân khấu, bức màn nhung được kéo lên, hiện ra gác tía lầu son sáng choang dưới ánh đèn măng xông như thể ánh trăng rằm.

Mở đầu tuồng Phạm Công – Cúc Hoa là màn Nghi Xuân Tấn Lực, quần áo rách rưới tả tơi, vá chằng vá đụp, vẻ mặt thiểu não, tay cầm thau nhôm móp méo, dắt nhau chầm chậm quanh sân khấu, rồi xuống tới hàng ghế thượng hạng. 

Ðám khán giả nầy, chắc như bắp, là có tiền rủng rỉnh đây, ca điệu: Hoài Tỉnh.

Dạ, cầu xin… 

Bà con cô bác nhủ lòng thương

Trẻ thơ côi cút lạc loài

Mẹ sớm qua đời

Thân con cám cảnh mồ côi

Lực ơi, em ráng hát đi, bà con cô bác cho mình ăn cơm, hát đi em.

“Tấn Lực ơi! Ráng nhịn đói chút xíu nữa nghe! Chừng nào bà con cho tiền, chị mua cơm đút em ăn!”

Bà con mếu máo, tháo kim Tây, găm túi áo khỉ, móc ra cho năm đồng nói: 

“Nè! Nghi Xuân! Chạy ra trước cửa rạp mua cho thằng Tấn Lực tô bánh canh giò heo ăn đỡ đi nhe! He he!”

Rồi giữa vở diễn, chờ chuyển màn, chuyển cảnh, cái ‘mi cà rô’ treo trên dây ròng rọc căng ngang, thả xuống trước miệng, ông bầu Bảy Cao của đoàn Hoa Sen, quần áo lớn chỉnh tề, thắt ‘cà ra oách’.

Kính thưa khán giả: tuồng ‘Tôn Tẫn giả điên’ sẽ hát đêm mai. Tiện thể, nghệ sĩ Bảy Cao xuống sáu câu vọng cổ, phựt đèn màu, bà con khán giả vỗ tay rào rào…

Lại nhớ năm 1960, tại rạp Ðồng Thinh, tỉnh ly Rạch Giá, đoàn Hữu Tâm của bầu Ba Khuê về, hát tuồng: “Nắm cơm chan máu” của đôi soạn giả Bạch Diệp và Minh Nguyên. 

Trần Ai (kép Bửu Tài) phải đi ăn trộm về nuôi Ðỗ Lệ (đào Thanh Hương) bị thiên hạ đánh lỗ đầu, chảy máu…

Em yêu cảm động khóc thút thít, hỉ mũi rột rột! Thiệt là thấy gớm nhe!

***

“Tróc mã đề thương, ứ ư ứ ư…” “Cấp báo! Cấp báo!” 

“Ðiều chi?” 

“Dạ, chí nguy! Giặc Hung Nô vượt khỏi biên thùy. Ta, dũng tướng thảy đều tử trận…” 

“Lui!” “Thôi rồi!” “Kìa! Ma trêu trước cửa” “Nọ, quỷ lộng sau hè” 

Nhưng tin tui đi: 

“Họa phước đáo đầu chung hữu báo. 

Cao phi viễn tẩu giả nan tàng.”  (Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Bay cao, chạy cho thiệt xa cũng không trốn đâu cho khỏi.)

Đời ai cũng vậy; cũng như một tuồng hát cải lương, trước sau cũng phải hạ màn, vãn hát chớ! Hát hoài ai mà coi? Phải không thưa bà con?

Đoàn Xuân Thu

Melbourne

Thursday, June 23, 2022

GS. Vũ Hà Văn: BUDAPEST, BA MƯƠI NĂM

 (NCTG) “Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đâp dồn dập trong lồng ngực” - cảm nhận của GS. TS. Vũ Hà Văn, một cựu DHS Việt Nam tại Hungary.

Lời Tòa soạn: GS. Vũ Hà Văn sinh tại Hà Nội năm 1970, học Chuyên toán Chu Văn An, rồi Hà Nội - Amsterdam trong những năm trung học. Thi đỗ đại học với số điểm cao, anh sang Hungary du học năm 1987 tại Khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Budapest. Tuy nhiên, do đam mê với môn Toán và được sự khích lệ, giúp đỡ của “thần đồng toán học” Hungary Lovász László, một trong những nhà toán học Hungary nổi tiếng nhất trên thế giới - đến năm thứ hai, anh chuyển sang Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (ELTE, Budapest). 

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại trường ELTE (1994), Vũ Hà Văn sang Mỹ tu nghiệp và bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học tại Đại học Yale (1998) dưới sự hướng dẫn của GS. VS. Lovász László, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế. Tiếp đó, anh được mời về làm việc tại một số trường đại học và viện toán học nổi tiếng như Viện Nghiên cứu Cấp cao (IAS) tại Princeton, Microsoft Research, rồi Đại học California ở San Diego (anh trở thành Giáo sư chính thức tại đại học này). 

Thời gian sau, Vũ Hà Văn giữ cương vị Giáo sư tại Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Rutgers (New Jersey) năm 2005. Năm 2011, anh tiếp tục được bổ nhiệm Giáo sư Đại học Yale lừng danh. Trong sự nghiệp toán học, tính đến nay, Vũ Hà Văn đã có hàng trăm công trình nghiên cứu đã đăng tải và được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Sloan dành cho các tài năng toán học trẻ (hai lần: 1997 và 2002), Giải thưởng NSF Career Award (2003), Giải Pólya của Hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng Mỹ (2008), Giải thưởng Toán học Quốc tế Fulkerson do Hội Tối ưu Toán học và Hội Toán học Mỹ đồng bảo trợ (2012). 

Tuy giảng dạy, nghiên cứu và sinh sống tại Mỹ, Vũ Hà Văn vẫn duy trì mối quan hề mật thiết với các đồng nghiệp và làng toán học Việt Nam. Anh là thành viên Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) do GS. Ngô Bảo Châu là Giám đốc Khoa học. Vũ Hà Văn cũng cùng GS. Ngô Bảo Châu tổ chức trang mạng “Học thế nào”, một diễn đàn trao đổi về các giải pháp khả dĩ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam. 

Được đánh giá là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán học rời rạc, thông qua những trải nghiệm cá nhân, GS. Vũ Hà Văn còn là người am hiểu những điểm mạnh của giáo dục nói chung, cũng như giáo dục về toán học nói riêng của nhiều quốc gia, trong đó có Hungary, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đầu năm 2014, với sự tổ chức của báo NCTG, GS. Vũ Hà Văn đã có buổi gặp gỡ và mạn đàm với cộng đồng Việt Nam tại Hungary về những vấn đề giáo dục mà các vị phụ huynh và con em quan tâm.

Mặc dù sinh sống, nghiên cứu và giảng dạy toán học ở nhiều quốc gia, nhưng GS. Vũ Hà Văn đã có nhiều dịp trở lại thăm Hungary và vẫn dành cho mảnh đất này những tình cảm sâu đậm. Bài viết sau được Vũ Hà Văn viết tặng các bạn cùng khóa 1987, ghi lại một số kỷ niệm và ấn tượng về nước Hung và thủ đô Budapest, nơi anh và các bạn hữu đã đặt chân lần đầu tiên cách đây tròn 30 năm. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)

*

Nếu ai đó hỏi tôi, sau 30 năm, bạn nhớ gì ở Budapest nhất? Xúp cá, Quảng trường Anh hùng, rượu vang vùng Tokaj, hay đồi Gellért nơi tọa lạc Tượng thần Tự do? Câu trả lời sẽ là tàu điện.

Tất cả những ai đã bay từ Nội Bài sang Đông Âu vào tháng 8 của 30 năm trước, chắc phải quen với tàu điện Hà Nội. Học sinh của Trưng Vương và Chu Văn An, trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, quá nửa là những tay nhảy tàu chuyên nghiệp.

Chuyến bay năm 1987 đó, với gần hết chúng tôi, là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài, nếu không nói là chuyến bay đầu tiên trong đời. Budapest, cái gì cũng khác, cũng mới, từ đường phố, cửa hàng, thức ăn, cho đến phim ảnh và màu mắt của các cô gái. Quê hương nhất, chính là anh tàu điện. Tàu điện ở Budapest cũng màu vàng, và cũng leng keng, y hệt như tàu điện Bờ Hồ, có điều nó có cửa nghiêm chỉnh và phải mua vé. Ba mươi năm trước dáng nó bè bè béo béo chứ không thanh thoát chân dài như bây giờ.

Tàu điện quen thuộc nhất với sinh viên Việt Nam phải là tàu số 4 và 6, vì hai tàu bắt đầu ở gần ký túc xá của Đại học Bách Khoa, nơi quá nửa học sinh Việt Nam theo học. Tàu chạy dọc đại lộ một thời mang tên Lenin, mà tên người luôn xuất hiện một cách bất ngờ nhất trong các tạp chí sinh viên lưu hành trong các ký túc xá, cho đến Quảng trường Mátxcơva. Quảng trường Mátxcơva nay đã trở lại cái tên cũ Széll Kálmán (vị Thủ tướng Hungary cuối thế kỷ 19), còn đại lộ Lenin, cũng không khác với số phận của thành phố cùng tên bên Nga, đã chuyển thành con đường mang tên Teréz và Erzsébet, hai bà hoàng của Đế quốc Áo - Hung ngày trước.

Quảng trường Mátxcơva rộng, nhưng không đẹp. Từ đây có thể đi bộ lên thành Vár. Thật ra trong tiếng Hung, Vár đã có nghĩa là thành, người Việt quen gọi tên kép là “thành Vár”. Đây là địa điểm du lịch số một của Budapest, có nhà thờ vua Matyás và pháo đài Những người đánh cá (thật ra là chỗ thu thuế cá ngày xưa), hai điểm mà hầu như du khách nào cũng ghé qua. Cái hay là ở trong thành không phải chỗ nào cũng làm du lịch cả, mà còn nhiều nhà dân sinh sống trong các dẫy phố nho nhỏ, có cột đèn bằng sắt xen lẫn cây cổ thụ, lòng đường lát đá đen, và dọc phố lác đác vài ngôi mộ chí.

Thành Vár ở địa thế ở cao, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố, sông Danube xanh và những cây cầu tuyệt vời của nó. Cây cầu đẹp nhất có lẽ là Cầu Xích (Lánchíd - Chain Bridge), một trong những cầu treo bằng sắt đầu tiên trên thế giới. Được xây từ nửa đầu thế kỷ 19, Cầu Xích là một thành tựu kỹ thuật đáng kể của thời đó. Ở hai đầu cầu, nhà kiến trúc tài ba đã cho đắp sừng sững một đôi sư tử nhe nanh, như có ý nhắc nhở rằng sợ vợ không chỉ là đặc tính của đàn ông Châu Á. Dẫu vậy, người Hung thật xứng đáng là một dân tộc thông minh, cái gì cũng hơn người thường một chút, vì nếu nhìn gần, thì các bà sư tử này hình như không có lưỡi.

Budapest có những dãy phố cổ dọc theo bờ sông, phía Buda, tối mở cửa sổ có thể nhìn sang thành Vár và Nhà Quốc hội bên kia sông rực ánh đèn. Các khu cổ này một nhà to có nhiều căn hộ, có lẽ là chỗ ở cho các thị dân giàu có ngày xưa, cửa sổ cao và thoáng, mỗi nhà có một cái cổng đá xây rất phong cách, nhô ra đường để khi trời mưa khách vãng lai có thể vào trú được. Chiếc cổng đã che bao thế hệ thanh niên đi ngang qua nó. Ngày hôm nay là những cô cậu sinh viên của thế hệ iPad, 30 năm trước là thế hệ của tôi và bạn, 30 năm trước nữa là những sinh viên của năm 1956 đầy biến động, mà trong lòng họ không biết đất nước và bản thân sẽ đi về đâu…

Bên ngoài cửa sổ phòng làm việc trời tối dần. Các cao ốc bắt đầu thắp sáng, thành phố rực ánh đèn. Đèn của Hà Nội, của Budapest, Genève, hay của New York, Los Angeles, Singapore? Ba mươi năm là một nửa đời người. Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đâp dồn dập trong lồng ngực.

Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình.

GS. Vũ Hà Văn cùng gia đình tại Hungary, hè 2017 - Ảnh: Facebook của nhân vật

Vũ Hà Văn, từ Singapore - Tháng 8-2017

http://nhipcauthegioi.hu/Hungary/GS-Vu-Ha-Van-BUDAPEST-BA-MUOI-NAM-5721.html 

 NCTG 20/08/2017

Sunday, June 19, 2022

Tâm tư đi đường (2): Giao thông trời ơi

 Nếu chẳng vội vàng, chỉ chạy xe trên đường 1 đoạn ngắn thì cứ túc tắc mà đi rồi cũng đến nơi. Nhưng nhiều lúc có việc gấp phải lao ra đường lại là 1 câu chuyện đầy cảm xúc khác.

Ở những nơi ít xe cộ, đường sá rộng rãi thì cứ bình tâm trên đường, miễn sao tâm thế thoải mái lái xe vững vàng và di chuyển thông minh là được. Đằng này vì là tp to nên ra đường vừa khổ vừa ức, khó mà giữ cho được cái tâm trạng bình tĩnh, người lúc nào cũng căng ra, làm sao giữ được một tư thế thoải mái để lái xe chạy hết cả chặng đường? Nếu chỉ 5-10km thì cũng chấp nhận vì chỉ rối loạn khoảng 20-30 phút, nhưng đường càng xa càng khổ sở vì ko thể hoà nhập được với những tình huống trời ơi luôn xảy ra bất cứ lúc nào…

Ko kể phải vượt qua những người thong dong một cách vô tư trên đường (ko đi bộ trên lề hoặc đủ loại xe thô sơ dắt/đẩy/lôi-kéo), suốt cả chặng dài còn phải đối diện với sự hỗn loạn, tôi hoàn toàn thông cảm với những người luôn chửi cha mắng mẹ vung lên khi phải chạy sau bọn lù đù ngu xuẩn ko hề biết đến những nguy hiểm sát cạnh mình dù đó là xe tải hay xe đầu kéo/container… (trong đó có nhiều anh/ông mang tiếng nam nhi, ko biết con giai nhà ai mà chạy xe còn thua đàn bà con gái).

Hoặc nhiều lúc phải thắng gấp/ngoặt lái bất ngờ để tránh va chạm với bọn trời ơi chạy ngang đâm ngược, trở đầu de đít vtv hoặc phóng bạt mạng quặt quẹo bất kể chỗ nào, ko cần xi-nhan (hoàn toàn ngược lại với cái đám chớp xi-nhan hoài hay báo bên này chạy bên kia cũng loạn lắm, ko biết đằng nào mà lần, tạm bỏ qua).

Nhiều lúc muốn phóng như bay, lao như tên xé gió cũng phải chịu thua với cái lối chạy ẩu, cướp đường bất kể sinh mạng (của mình và mọi người) của dân ta.

Sống ko phải là ko chờ đợi (chụp giật?) mà muốn sống ở VN, trước tiên là phải chấp nhận cái nước mình nó thế!

Ảnh: Chụp trên đường Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp)

Saturday, June 18, 2022

Ngôn ngữ và dịch thuật

 Góc dịch thuật 

----

VỀ CÁCH DỊCH CỤM TỪ "LEARNING OUTCOMES"

Tôi là một trong (số rất ít ỏi) những người phản đối cách dịch cụm từ "learning outcomes" ra tiếng Việt thành "chuẩn đầu ra". Ai biết tiếng Anh thì đều hiểu rằng trong cụm từ này không hề có chuẩn mà cũng chẳng có đầu ra nào cả. Bởi vì "chuẩn" thì tiếng Anh "chuẩn không cần chỉnh" đã có từ standard, còn "đầu ra" thì chắc chắn phải là output để cho nó tương xứng với từ input là đầu vào. Trong khi đó, learning outcomes thì rất rõ ràng phải được dịch là "kết quả [của quá trình] học tập" (thường chỉ là kết quả dự kiến, khi nó được nhà trường công bố theo một chương trình đào tạo hoặc một khóa học, một môn học nào đó).

Phản đối thì mặc phản đối, số đông bao giờ cũng có sức mạnh đồng hóa, và những tiếng nói thiểu số - dù cứ cho là đúng - sẽ luôn bị "silenced" he he he. Đó là quy luật của muôn đời. Tôi cũng hiểu như vậy nên cũng vẫn phải dùng cụm từ "chuẩn đầu ra" dù thấy là nó không đúng, bởi ngôn ngữ có tính quy ước, giờ đây nếu mọi người quyết định đồng lòng gọi "cái bàn" là "cái bản" chẳng hạn, thì tôi cũng sẽ phải tuân theo, chứ nói "cái bàn" không ai hiểu thì biết làm sao!!!!

Nhưng hôm nay tôi lại buộc lòng phải lên tiếng về vụ chuẩn đầu ra này đây. Chả là vì tôi đang dịch một tài liệu về giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, và cảm thấy nếu cứ tiếp tục dịch LO là CĐR thì sẽ dẫn đến một sự hiểu lầm dai dẳng về bản chất của LO với rất nhiều di hại về sau. Đó là cụm từ dưới đây:  

LEARNING OUTCOMES OF NON-FORMAL AND INFORMAL LEARNING

Nói ngắn gọn nhất thì thế này: đã là học tập không chính quy (non-formal) và đặc biệt là không chính thức (informal) thì đặc điểm đầu tiên là không theo chuẩn mực nào hết, vì như thế là trái ngược với tính "mở" của học tập suốt đời. Cho nên làm sao mà có cái gọi là "CĐR của học tập không chính quy và không chính thức" cho được, bởi nếu có chuẩn thì phải có ai đó đặt ra, mà đã là chuẩn thì sẽ có người đạt và người không đạt, vậy làm sao mà học tập suốt đời cho tất cả mọi người "từ thuở lọt lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay" (from the cradle to the grave)  cho được cơ chứ? 

Trong khi đó, nếu LO được dịch đúng thì cụm từ viết in hoa ở trên phải dịch là

KẾT QUẢ [CỦA QUÁ TRÌNH] HỌC TẬP KHÔNG CHÍNH QUY VÀ KHÔNG CHÍNH THỨC  

với ý nghĩa khác hẳn với việc dịch (theo công thức) ra thành "CĐR của học tập không chính quy và không chính thức", phải không nào???

PS: Viết trong lúc chờ lên máy bay nên tạm thế đã, tôi sẽ viết tiếp và kỹ hơn khi có thời gian.

Vũ Thị Phương Anh

Wednesday, June 15, 2022

Thêm 1 trận thắng: Come on, Hungarians

Tuyển Anh thua thảm 0-4 trên sân nhà

Dù được chơi trên sân nhà Molineux và được đánh giá cao hơn nhiều so với Hungary, tuy nhiên tuyển Anh lại gây thất vọng lớn. Họ bị thủng lưới ngay từ phút 16, khi đội khách tổ chức pha dàn xếp phối hợp đá phạt ấn tượng.

Khi trận đấu kéo sang 20 phút cuối cùng, Hungary tiếp tục bứt tốc. Từ một pha xử lý bóng lỗi của Kalvin Phillips, họ đã tổ chức đợt phản công sắc nét và Roland Sallai đã mang về bàn thắng nhân đôi cách biệt cho đội khách.

Nhận 2 bàn thua, hàng thủ Tam sư ngày càng trở nên lúng túng trong những tình huống phòng ngự.

Chỉ 10 phút sau đó, mành lưới của Aaron Ramsdale lại một lần nữa rung lên. Lần này, Zsolt Nagy đã tung ra cú sút tuyệt đẹp khiến khán đài tại Molineux như chết lặng. Đến đây, Hungary gần như chắc chắn đã bỏ túi 3 điểm.

Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn cho đoàn quân HLV Gareth Southgate khi trung vệ John Stones nhận tấm thẻ vàng thứ hai và buộc phải rời sân.

Sự chênh lệch về mặt quân số đã được Hungary tận dụng tốt, khi cầu thủ vào sân thay người  Daniel Gazdag ghi bàn thắng ấn định tỷ số 4-0 chung cuộc.

Đây có thể được xem như một trong những thắng lợi lịch sử của Hungary trước tuyển Anh. Với 3 điểm có được, hiện tại Hungary đã vươn lên dẫn đầu bảng đấu với 7 điểm. 

Trường Sơn - Theo saigonthethao.vn

Szép volt, fiúk!

 

Ez a kép, igen ez az, amelyre vártam egész életemben!

Ilyennek szerettem volna mindig látni a magyar válogatottat.

Ezért győztünk, mert a magyar lélek az pont ilyen!

KÖSZÖNÖM ISTENEM! KÖSZÖNÖM NEMZETEM! KÖSZÖNÖM FIÚK!

Tóth Zoltán

Monday, June 13, 2022

Bình luận bóng bánh

 U23

   1. Thú thực xem giải U23 thích hơn xem vòng loại thứ 3 WC. Chẳng phải vì cầu thủ hay hơn hay HLV "kỳ tài" như các BLV đang tung hô. Nhiều cảm xúc hơn. Cũng như xem bóng đá nữ thích hơn bóng đá nam, giải cơ quan hay giải làng hay hơn xem V-League. Muốn có cảm xúc đối thủ phải đồng cân lạng và có xác suất cho các kịch bản khác nhau. 

  2.  Trận hôm qua các báo lại nói là "ngẩng cao đầu", "suýt làm nên chuyện". Tôi hoàn toàn không thấy suýt hay soát nào cả. Ta thua họ toàn diện và khác về đẳng cấp, đến mức đa số thời gian không giữ nổi bóng để chuyền lấy 3 nhịp trở lên mỗi khi có bóng. Khi họ có bóng, 3-4 cầu thủ của ta cũng không truy cản được một người của họ. 

  3. Công bằng mà nói Việt Anh, Thanh Bình đá đạt yêu cầu. Hai hậu vệ cánh tròn vai. Mạnh Dũng có nét đáng yêu. Các tiền vệ và tiền đạo khác cũng cố gắng trình diễn những gì họ có, nhưng không có tác dụng gì. Mà không có tác dụng tức là thất bại. Mà đá bóng quan trọng nhất chỉ là hướng tới kết quả. Không thắng cũng được, nhưng phải có các cố gắng hướng tới kết quả. 

  4. Thực tế, chúng ta đá như để lấy tiếng "ngẩng cao đầu", hùng hục như húc vào đá, đá kiểu chỉ đi đến một kết cục duy nhất là thua. Nếu gọi là đá đẹp, thì Hoàng Anh Gia Lai và Công Phượng đã làm từ nhiều năm nay. Tôi không cho là tấn công biên, sút xa được vài quả là đẹp hay là toàn bộ mục tiêu của việc tham gia giải. 

  5. Lý lẽ "thử nghiệm" cũng không đúng. Thử nghiệm chỉ tốt khi có phương án dẫn đến cơ hội thắng. Cách đá như hôm qua không có cơ hội nào cả. May mà khi thủ môn bị  đuổi đã sắp hết giờ, có khả năng vỡ trận và thua nặng sấp mặt luôn.  Chúng ta đã quá lạc quan tếu, phổi bò, nông nổi, đá không suy nghĩ. 

   6. Thời HLV Park Hang Seo có thể nói chúng ta đã "tìm ra" một phương án tương đối thành công với các đội bóng Tây Á trên cơ. Nếu chúng ta muốn thử nghiệm thì hãy kiện toàn phương án đó. Tôi không đòi hỏi phải đá 3 hậu vệ, nhưng đá phải điềm tĩnh, chững chạc và chú trọng an toàn. Chúng ta có ở đẳng cấp để thủ môn rời xa khung thành 30-40m để chơi bằng chân, trong khi chỉ có duy nhất 1 hậu vê ở phần sân nhà không?

   7. Thắng thua là chuyện thường, nhưng đá như hôm qua chúng ta sẽ không bao giờ thắng được và vì thế thử nghiệm không có bổ ích gì.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Saturday, June 11, 2022

Cuộc chiến nào là chính nghĩa?

 CHIẾN TRANH NGA - UKRAINA: THẾ GIỚI ĐANG LUẬT HOÁ HAI TIỀN LỆ NGUY HIỂM

Sau hơn 100 ngày tử chiến trên chiến trường Nga - Ukraina thấy xuất hiện một số điều mới lạ. Có thể nói rằng, cho dù quân dân Ukraina có kiên cường dũng cảm đến bao nhiêu mà không đủ vũ khí hiện đại ngang tầm địch, không có nguồn viện trợ tài chính vững chắc, thì vẫn không thể thắng được quân xâm lược Nga. 

Tình hình chiến sự trên các mặt trận, đặc biệt là ở Mariupol và hướng Severodonetsk càng khẳng định một điều đã khá rõ nét: Không đủ vũ khí nặng, không kiểm soát được bầu trời và mặt biển, không có trọng pháo bắn xa cự ly trên 40 km thì trước sau địch cũng áp đảo và dồn quân đội Ukraina vào vòng vây và bị bắt làm tù binh cả hàng ngàn lính như ở Azovstal. Bởi trong chiến tranh hiện đại yếu tố vũ khí kỹ thuật và tiền bạc gần như đóng vai trò quyết định.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trả lời trên видеоконференции, do  Financial Times tổ chức đã nói điều không ai muốn nói: "Chúng tôi hiện đang thua kém đối phương về mặt vũ khí-kỹ thuật, cho nên chúng tôi không đủ khả năng tấn công địch. Chúng tôi sẽ chịu mất mát hy sinh nhiều hơn, mà con người đối với tôi là ưu tiên hàng đầu."

Mặt khác, đối phương có thể huy động nguồn lực chiến tranh vô cùng lớn. Nước Nga với 146 triệu dân, 17.100.000 km2 đất đai với tài nguyên giầu có nhất thế giới, với hàng trăm nhà máy sản xuất vũ khí và các phương tiện chiến tranh, là quốc gia quân sự hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Trong khi Ukraina có những nguồn lực gì thì ai cũng biết.

Chưa đánh, họ đã có lợi thế bao vây U từ ba hướng. Ở miền Đông họ vẫn còn một đội quân thứ 5 khá mạnh trợ giúp. Hai nước có lịch sử, văn hoá đan xen lẫn nhau, nên tạo cho địch những lợi thế mà quân U không thể khắc phục nổi.

Putin hiện sở hữu 6.600 đơn vị bom hạt nhân chiến lược và chiến thuật trong tình trạng tích cực (bóp cò là phát nổ), nhiều hơn tất cả khối NATO cộng lại. Có thế mạnh này nên hàng ngày lãnh đạo Nga luôn đe dọa sẽ hủy diệt nước Ukraina.

Khác với mọi người, tôi đã từng đưa ra khẳng định là Putin không sớm thì muộn sẽ tấn công Ukraina. Lần này tôi lại khẳng định là nếu quân đội U giành được những thắng lợi quyết định, dồn Putin vào đường cùng, buộc Cremli phải mất không những Donbass mà cả Crimea thì не дай Бог, ông ta (hoặc người kế nhiệm ổng) rất có thể dám đánh bom hạt nhân chiến thuật, giết chết hàng trăm ngàn người, triệt tiêu sức chiến đấu của QĐ Ukraina. Bởi nước Nga là đất nước của những điều nghịch lý. Lãnh đạo Nga hiện nay là đại diện cho những bộ não làm việc không theo bất cứ một logic nào.

Có thể một cuộc chiến trường kỳ sẽ giúp cho QĐ U khắc phục được những thế mạnh của đối phương, còn hiện tại thì không thể đánh giặc bằng mỗi ý chí tinh thần được!

Xuất phát từ các thực tế này, tôi cho rằng: Giúp đỡ Ukraina kháng chiến chống lại quân xâm lược Nga không những là mệnh lệnh trái tim (như ở ta hay nói), mà còn là nghĩa vụ của cộng đồng thế giới. Nếu các nước không giúp Ukraina giành lại được chủ quyền lãnh thổ của mình thì coi như tự họ đã luật hoá hai tiền lệ:

1/ Từ nay quốc gia nào nhiều quân nhiều súng thì cứ việc ngang nhiên xâm lược, chiếm đất đai, giết dân nước yếu, viện ra ba cái cớ phi phát xít, phi quân sự ở ngoài biên giới mình, mà chẳng có một lực lượng nào đứng ra ngăn cản;

2/ QG nào có vũ khí hạt nhân thì cứ mang ra trước hết là dọa, sau đó là đánh bom hạt nhân nếu không giành được chiến thắng khi đi xâm lược nước yếu. Tức là trong cuộc chiến này, các dân tộc nhỏ yếu bao giờ cũng phải chịu số phận nộp vũ khí đầu hàng và mất đi hoàn toàn khả năng tự vệ, và có thể nói, mất đi quyền tồn tại bình đẵng của mình trên hành tinh này. 

Hai tiền lệ này vô cùng nguy hiểm cho anh ninh và trật tự thế giới. Khi không còn các phương tiện khống chế bạo lực của kẻ mạnh, khi mà Thần Đèn đã được giải thoát, thì thế giới sẽ vô cùng loạn lạc. Khi các nước mạnh tấn công các nước yếu sẽ gây ra  nhiều cuộc chiến tranh khu vực. Không còn kiểm soát được vũ khí hạt nhân và làm cho nguy cơ chiến tranh hạt nhân là hiện hữu.

Hậu quả trực tiếp đối với khu vực Đông-Á sau đó là Trung Quốc với tiềm năng kinh tế và quân sự khổng lồ sẽ không để cho Đài Loan và các nước trong khu vực được yên thân. Đó là điều chắc chắn.

Ngày 12 tháng 6 năm 2022

Chân Vũ

Friday, June 10, 2022

Câu hỏi từ những điều trông thấy:

"Khi bị cướp đất, chúng ta chỉ biết thù oán Viettel, anh Vượng...

Khi bị lừa ngoáy mũi để dịch bệnh tràn lan, chúng ta chỉ biết căm phẫn Việt Á.

Khi các trùm lừa đảo ngang nhiên hoành hành trên sàn chứng khoán, trắng trợn tung tin lừa bịp rồi mua bán chui mà thực chất là giao dịch nội gián, cướp hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư, làm rối loạn thị trường, phá hoại nền kinh tế, chúng ta chỉ biết oán thán anh Quyết, anh Bảy..."*

Và còn rất nhiều, từ SGK, từ những con đường dán nhãn hữu nghị Việt-Trung, từ những đống than xỉ của những nhà máy nhiệt điện công nghệ Tàu...

Về trách nhiệm của thể chế/chính quyền ntn trong việc quản lý & phát triển đất nước, ai đủ tư cách để có thể trả lời và xử lý những câu hỏi này đến nơi đến chốn???

*: