Friday, September 30, 2016

Hai ông bạn cũ nhặt được trên FB

Tâm "he" và Đàn (VIDI72)

from FB/Đàn Thanh

BLOG

Thực ra tôi vẫn thích viết blog hơn. Facebook không phải là nơi thích hợp để viết một số vấn đề mình thích. Các status không phải là bài viết mà để thể hiện thái độ và tính cách của mình.
Có điều từ 1 năm nay không viết blog, bỏ dở cả chuỗi "Ngã học Dịch". Lý do là không hiểu sao không vào được Blog. Có "nhà dân chủ" dọa tôi là được Bộ Công An ưu ái để ý. Thực ra tôi không phải là đồng bọn của anh ta. Mấy thứ khoa học công nghệ, lịch sử, bình Tam Quốc, văn chương linh tinh của tôi, BCA lấy đâu đủ người mà ưu ái. Thêm nữa tôi hoàn toàn vô tâm về thời sự. Khoảng 3-4 tháng một lần đọc một loạt tin là thấy đủ cho nửa năm tới. Lại cực dốt về chính trị. Đã dốt lại còn lười suy nghĩ tìm hiểu.
Mà rất lạ là truy cập bằng Viettel, FPT thì được mà VNPT bị chặn. Kể cũng lạ. Vì Viettel là lính thì phải nghiêm hơn. Nếu nói thấp cổ bé họng thì FPT phải chấp hành hơn. Cuối cùng mới biết là lâu lâu có đợt chặn blog, nhưng nhân viên VNPT lười "quên" mở ra khi hết đợt.
Hôm nay tự nhiên mở blog lại thấy OK. Vậy là sẽ quay lại Blog để khỏi lẫn lộn blog với status. Và lại tiếp tục "Ngã học Dịch". Đọc lại đến bài 7, thấy quan điểm về Dịch của mình rõ ràng ra phết. Bà con ai hứng thì nhào vô.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

Kỷ niệm 40 năm Du học Hungary (8.1974 - 8.2014)

NGƯỜI PHÁT MINH RA BÚT BI

29-8-2016: GOOGLE TƯỞNG NHỚ NGƯỜI PHÁT MINH RA BÚT BI.  
(NCTG) Đó là ông Bíró László József, nhà phát minh và sáng chế người Hungary, tác giả của hơn hai mươi phát minh mà cho tới nay, bút bi - dụng cụ cơ bản dùng để viết trong thời hiện đại - vẫn là cái khiến người đời nhớ tới ông nhất.

 Bíró László (chụp năm 1978) - Ảnh tư liệu

Bíró László József sinh ngày 29-9-1899 tại Budapest, mất ngày 24-10-1985 tại Buenos Aires (Argentina), còn được biết đến với cái tên theo tiếng Tây Ban Nha là Ladislao José Biro, vốn là một nhà văn, họa sĩ, sinh ra và trưởng thành trong một gia đình gốc Do Thái.

Trong đời, ngoài bút bi, ông đã có hơn hai mươi phát sinh quan trọng khác, tuy đương thời ít được đưa vào thực hiện nhưng đã để lại dấu ấn và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ các nhà phát minh, sáng chế và về sau đã được ứng dụng trong đời sống và khoa học.

Có thể kể đến ở đây bút mực (1928), máy giặt hơi nước (1930), cần sang số tự động (1932), thiết bị chuyển sóng điện từ (1936), thiết bị nhiệt (1941), lăn nách (1945-1954), v.v... Trong số đó, từ cuối thập niên 30, đa số các phát minh được ông đăng ký bản quyền ở nươc ngoài.

Phát minh bút bi ra đời trong quá trình Bíró László làm phóng viên: ông nhận ra rằng trái với loại mực loãng cho bút máy, mực dùng để in báo khô rất nhanh và không làm cho giấy bị nhòe. Tuy nhiên, thử dùng loại mực đó cho bút máy thì không ổn vì mực để in báo quá sệt.


Google Doodle vinh danh Bíró László - Ảnh chụp màn hình

Để giải quyết “nan đề” đó, Bíró đã phát triển một loại mũi bút có một viên bi có thể xoay để lăn mực từ ống chứa mực lên giấy. Loại bút bi sơ khai này được ông đăng ký tại Tòa Phát minh Hoàng gia Hungary vào ngày 25-4-1938, với tên “bút bơm mực”.

Không ngừng tìm phát triển và hoàn thiện hóa sản phẩm, những thử nghiệm để sản xuất hàng loạt loại bút bi mới mẻ này được Bíró thực hiện ở nước ngoài (Pháp, Argentina), bởi lẽ vào năm 1938, tại Hungary đã khởi đầu chính sách phân biệt đối xử và kỳ thị đối với sắc dân Do Thái.

Thú vị là, sau khi di cư sang Paris, một người bạn Argentina - Agustín Pedro Justo - mà Bíró đã quen biết trước đó ở ngoại quốc, đã khuyên ông nên sang định cư tại Argentina. Chỉ khi đệ đơn xin giấy phép nhập cảnh quê hương mới, Bíró mới biết rằng, Justo chính là Tổng thống Argentina.

Ngày 10-6-1943, Bíró đăng ký thành công phát minh của mình - chiếc bút bi hoàn thiện - tại Argentina. Kể từ đó, cả thế giới biết đến cây bút bi mang tên ông - Biropen -, và chính phủ Anh cũng mua lại bản quyền sản phẩm này để dùng trong Không quân Hoàng gia Anh (Royal Air Force).


Quảng cáo bút bi trên báo Argentina (năm 1945) - Ảnh tư liệu

Cho đến nay, một số nước vẫn dùng tên Bíró László khi nhắc tới chiếc bút bi: Birome (Tây Ban Nha), Biron (Pháp), v.v... Từ năm 1986, ngày sinh của ông (29-8) chính là Ngày của các nhà phát minh (Dia del Inventor), như một sự vinh danh của quê hương mới đối với người con của đất nước Hungary.

Kể từ năm 1998, hãng Google đã dùng những Google Doodle (ảnh hoặc hình ảnh động) trong các dịp kỷ niệm lớn của các cá nhân và dân tộc, đặc biệt nhằm vinh danh sự nghiệp của những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhân vật tiên phong nổi bật, góp phần tạo dựng nên lịch sử.

Nhiều vĩ nhân của Hungary như Bartók Béla, Liszt Ferenc, Arany János, Szent-Györgyi Albert... đã được tưởng thưởng bởi Google theo hình thức này, cùng những ngày đại lễ thường niên của nước Hung (15-3, 23-10), hoặc nhân 40 năm ngày ra đời “khối vuông kỳ ảo” Rubik.

Nguyễn Hoàng Linh 

Thursday, September 29, 2016

TẠI SAO NGƯỜI MANG HỌ NGUYỄN NHIỀU NHẤT?

Theo thống kê từ tỷ lệ phân bố của các họ ở VN (chủ yếu là người Kinh). Trong số hơn 1.000 họ, 13 họ sau đây chiếm số lượng cao nhất:
Nguyễn (38,4%)
Trần (11%)
Lê (9,5%)
Huỳnh/Hoàng (5,1%)
Phạm (5%)
Phan (4,5%)
Vũ/Võ (3,9%)
Đặng (2,1%)
Bùi (2%)
Đỗ (1,4%)
Hồ (1,3%)
Ngô (1,3%)
Dương (1%)
Họ Nguyễn chiếm tỷ lệ cao nhất vì:
1. Năm 1232, Trần Thủ Độ muốn loại bỏ ảnh hưởng của triều Lý, bắt con cháu họ Lý đổi sang họ Nguyễn vì phạm húy: ông nội của Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) là Trần Lý.
2. Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, giết hại nhiều con cháu nhà Trần (độ 300 người vì âm mưu phục hồi triều Trần) nên khi nhà Hồ sụp đổ (1407), con cháu họ Hồ sợ bị trả thù, đổi thành họ Nguyễn.
3. Năm 1592, nhà Mạc sụp đổ, con cháu sợ nhà Lê trả thù nên đổi sang Nguyễn và Lều.
4.Sợ nhà Nguyễn trả thù sau thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, con cháu chúa Trịnh đổi thành họ Nguyễn.
5. Trần Quang Diệu (và vợ là Bùi Thị Xuân) làm quan lớn cho nhà Tây Sơn, chống Nguyễn Ánh, sau khi nhà Tây Sơn cáo chung, con cháu Trần Quang Diệu bị trả thù khốc liệt, phải đổi thành nhiều họ, trong đó một số thành họ Nguyễn.
6. Tục phong quốc tính (cho mang họ vua) dưới thời Nguyễn: Huỳnh Tường Đức có công với Gia Long được đổi thành Nguyễn Huỳnh Đức.
7. Một số phạm nhân muốn tránh sự trừng phạt đương thời phải đổi sang họ Nguyễn (tổ tiên Nguyễn Phạm Tuân <1842-1887> vốn là họ Phạm).
Hiện nay (theo số liệu của Đài Truyền hình VN), số người mang họ Nguyễn ở VN khoảng 36 triệu.
(theo bài "Tại sao số người mang họ Nguyễn nhiều nhất" của Lê Trung Hoa, KTNN No. 941)

Anh Kha ghé Sài Gòn

Trần Công Kha ghé thăm anh em tại "Cây Sứ" đường Phạm Văn Hai, Sài Gòn


from FB/Dinh Long Dang's post

ĐI ĐÂU

Vợ:
- Anh muốn đi đâu vào kỳ nghỉ năm nay?
Chồng:
- Anh muốn đến nơi mà anh chưa bao giờ đến!
- Xuống bếp nhé!!!


(KTNN No.941)

Học ngoại ngữ

Tôi không hiểu đánh giá dạy tiếng Anh thất bại dựa trên tiêu chí nào, ai đánh giá. Hầu hết những đứa trẻ mà tôi biết tiếng Anh đều hơn các GS TS thế hệ trước. Rất nhiều trẻ bây giờ nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau 100%, không phải là học sinh chuyên. Loại đọc sách, tin, biết hội thoại, hát hò tiếng Anh cực nhiều Thành thử bố mẹ chúng nhiều người kg học đại học cũng xổ tiếng Anh ầm ầm. Nói thế có nghĩa là có thể học tiếng Anh tốt. Giáo dục đặt được nền móng thế là thành công. Bây giờ đặt thêm tiêu chí "sinh ngữ thứ hai" các văn bản đều bắt buộc có 2 thứ tiếng, công chức viên chức dưới 35 đều phải sử dụng thành thạo tiếng Anh. Là xong. Tôi không biết đã tiêu bao nhiêu cho chương trình tiếng Anh, bao nhiêu cho Toán Văn CNTT.
Ngoài tiếng Anh là sinh ngữ học thêm tiếng khác mới tính là "ngoại ngữ". Thế mới đột phá. Kêu gọi dạy tốt học tốt ăn thua mẹ gì mà phải nghĩ. Nếu chỉ chủ trương có thế thì chẳng cần làm gì mấy. Lại nói cần mới học lại càng vớ vẩn hơn. Đào tạo phổ thông chưa cần theo cần hay không cần. Tiêu chí 1 là dạy kỹ năng và phương pháp. Phải tư duy và rèn luyện trên một đối tượng cụ thể. Không quan trọng là kỹ năng nào và phương pháp áp dụng vào đâu. Tiếng Anh là Ok, tất nhiên không phải là duy nhất. Người quyết định có quyền chọn miễn là kg sai.
Tiêu chí thứ hai là tạo cơ hội phát triển bình đẳng. Trong tiêu chí này tiếng Anh là unique.
Bên cạnh tiếng Anh được học một ngoại ngữ khác là tốt. Nên cho học 2-3 năm, với tư cách ngoại ngữ đến trình độ Intermediate là ok, đủ để trẻ tự học và tự chọn khác khi cần.
Thí điểm rõ ràng là cần, dĩ nhiên ở diện hẹp và được sự đồng ý của cha mẹ cũng như tự nguyện chủa học sinh. Cớ sao lại gọi là "chuột bạch" Có lẽ bây giờ đã bắt đầu cần có các nhà quản lý quả cảm thay cho các nhà chính trị đẽo cày giữa đường


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

Các chính phủ ở ĐNA

Đã post trên FB cách đây 4 năm:
"Hầu hết các chính phủ ở ĐNA đều trở thành những cỗ máy để tối đa hóa cơ hội cho những nhà đầu tư TBCN ..."An ninh quốc gia", "tài sản tư hữu", "thị trường tự do" được coi như những thành phần cấu trúc XH. Bằng cách phổ biến các cấu trúc này cùng với những cấu trúc khác trong hệ thống giáo dục, chúng ta dạy cho học sinh, sinh viên lệ thuộc vào quyền lực và chấp nhận chế độ hiện hữu hơn là thay đổi để lật đổ chế độ bất công. Các phương tiện truyền thông hầu hết đều là những tập đoàn vụ lợi - sẵn sàng trở thành chuyên gia trong việc hợp thức hóa hành động của những kẻ đương quyền"

Sulak Sivaraksa (The Wisdom of Sustainability)

Cựu tổng thống Israel Shimon Peres qua đời

Cựu tổng thống Israel Shimon Peres, người đã ba lần giữ chức thủ tướng Israel, người được trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1994 vừa qua đời ở tuổi 93. Năm 2011, ông là Tổng thống Israel đầu tiên đến Việt Nam. Hãy tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông qua một bài viết của CNN được chúng tôi dịch lại.
Ông là đại diện của Nhà nước Do Thái, có uy tín tại Israel và trên toàn cầu. Theo ông Isaac Herzog, chủ tịch Đảng trung tả đối lập Liên đoàn Phục quốc Do Thái (Zionist Union), không có nơi nào trên đất nước này mà Shimon Peres chưa từng đi qua. Ông đi đến đâu, cả thế giới phải lắng nghe.


CON NGƯỜI TẠO NÊN LỊCH SỬ
Ông là Tổng thống Israel đứng phát biểu trước quốc hội Thổ Nhĩ Kì. Ông kêu gọi đàm phán hòa bình với người Palestine. Ông nhận được giải Nobel về Hòa bình năm 1994. Rời nhiệm sở năm 2014, ông vẫn tiếp tục công việc vì hòa bình tại Trung Đông.

CÂU CHUYỆN CỦA ISRAEL HIỆN ĐẠI
Sinh ra tại Ba Lan năm 1923, Shimon Peres chuyển đến Palestine năm 1932. Đây chính là nơi câu chuyện của ông, câu chuyện của nước Israel hiện đại bắt đầu.
Trong cuộc chiến giành độc lập năm 1948, ông phụ trách việc mua vũ khí cho quân đội Israel. Ông là người đứng đầu hải quân và giúp tạo nên ngành công nghiệp máy bay của nước này. Trong những năm 1950, ông thành lập chương trình hạt nhân. Chương trình vẫn còn là một bí mật cho đến ngày nay. Ông vẫn gọi chương trình này là "ngành dệt may."
Peres giữ nhiều chức vụ trong nội các, trong đó có chức Bộ trưởng giao thông vận tải.

BA LẦN LÀM THỦ TƯỚNG
Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1959 với tư cách thành viên đảng cánh tả Mapai, tiền thân của đảng Lao động sau này. Trong sự nghiệp chính trị kéo dài hơn nửa thế kỷ, Shimon Peres giữ hầu như mọi vị trí trong nội các của Israel.
Ông đã 3 lần làm thủ tướng nhưng chưa hề thắng cử lần nào. Ông trở thành quyền Thủ tướng năm 1977 khi Yitzhak Rabin đã từ chức sau một vụ bê bối vì tài khoản ngân hàng nước ngoài.Năm 1984, ông một lần nữa trở thành Thủ tướng trong chính phủ đoàn kết với Yitzhak Shamir. Năm 1995, sau khi thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát, ông trở thành thủ tướng của Israel. Năm 2007, Shimon Peres trở thành Tổng thống thứ 9 của Israel. Ông giữ cương vị này đến lúc nghỉ hưu năm 2014.

CÁNH CHIM HÒA BÌNH
Khi Yitzhak Rabin bị ám sát, Peres trở thành Thủ tướng lần thứ ba. Ông kêu gọi bầu cử sớm để chính phủ mới có nhiệm vụ đuổi một giải pháp hai nhà nước. Nhưng tiến trình hòa bình vấp phải khó khăn, đó là làn sóng đánh bom tự sát của Palestine và các cuộc tấn công khác.
Năm 1996, ông nói: "Tôi biết chúng ta đang đi trên một con đường đầy nguy hiểm nhưng đó là con đường đúng, là con đường tốt nhất và duy nhất có thể đi được”.
Dù bạo lực tiếp tục gia tăng nhưng Shimon Peres chưa bao giờ ngừng tin vào hòa bình. Trong bài phát biểu nhân kỉ niệm 20 năm ngày Yitzhak Rabin bị ám sát, ông cho biết: “Để có hòa bình phải trả cái giá rất đắt. Nhưng chiến tranh còn tốn kém hơn."

KHÔNG NGỪNG HY VỌNG
Tổng thư ký PLO Saeb Erekat có lẽ là người Palestine hiểu Shimon Peres nhất. Gặp Shimon Peres cách đây 25 năm, với tư cách một giáo sư trẻ từ năm 2002, ông kể: "Khi tôi đang bực mình về điều gì đó, Peres nhìn tôi và bảo rằng, Saeb này, đàm phán có thể làm mình khổ sở và thất vọng trong 5 năm, nhưng điều đó còn tốt hơn việc hai bên bắn nhau trong năm phút."
Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian cho Trung tâm Peres vì Hòa bình, tổ chức nhằm xây dựng mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Ông Isaac Herzog, chủ tịch Đảng trung tả đối lập Liên đoàn Phục quốc Do Thái (Zionist Union) cho rằng, "sự vĩ đại của Shimon Peres không chỉ nằm ở tuổi đời”.
Năm 2004, khi được hỏi ông muốn người ta nhớ đến như thế nào, Shimon Peres trả lời: "Tôi muốn có ai đó viết về việc tôi cứu sống một đứa trẻ.
Ông cho rằng, minh là một người đã phục vụ đất nước này một cách đúng đắn và đúng cách.

LÃNH ĐẠO CÁC NƯỚC NÓI GÌ VỀ SHIMON PERES?
Tổng thống Mỹ Barack Obama: "Có vài người có khả năng thay đổi tiến trình lịch sử nhân loại, không chỉ thông qua vai trò của họ trong sự kiện mà còn do họ buộc chúng ta phải tự thử thách chính mình. Shimon chính là tinh túy của Israel."
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton: "Israel đã mất đi một nhà lãnh đạo đấu tranh vì an ninh, thịnh vượng của đất nước. Ông ấy là một thiên tài với một trái tim nóng, mong muốn dùng toàn bộ nhiệt huyết của mình để tưởng tượng một tương lai không xung đột.”
Thủ tướng Canada: "Peres, trên tất cả, là con người của hòa bình."

Nguồn: http://edition.cnn.com/…/09/27/middleeast/shimon-peres-obit/
Shimon Peres, Israel's warrior for peace dies at the age of 93. He has made history, as he reminds us to never stop believing in peace.

Wednesday, September 28, 2016

Đàn ông VN ghen như thế nào

đàn ông VN bình thường thì .... bình thường
nhưng khi vợ càng đẹp, thì mặc cảm càng tăng, và máu ghen càng sâu
Phản ứng ̣đầu tiên không phải tự hỏi có gì sai, vì sao xa cách, tại sao lạt phai
phản ứng đầu tiên là bản năng sở hữu chủ
vợ là của tau. Tau có quyền kiểm tra
thế là bắt đầu xem Fb vợ. Xen nt trong điện thoại. Kiểm tra đi ̣đâu ? với ai ?
Đôi khi độ ghen lên cao, mắng nhiếc vợ ngay khi vợ đi chơi với bạn gái. Sợ vợ bị nhiểm "thói xấu "
Không chỉ ̣đàn ông tái VN. Ngay cả vk cũng khối chàng làm vậy.
Chỉ vì luật pháp cấm tò mò, táy máy những cái được xem là riêng tư của người khác, nên các chàng vk không dám đòi hay lén xem đtdđ của vợ hay người yêu
Nhưng có những thằng Vk bất cần. Làm càn. Vợ không báo cảnh sát, vì e chồng vào tù. Con bơ vơ.
tại VN, có chàng vừa vào nhà là giật đt trên tay vợ, xem nt. Biết vậy, các bà vợ xóa trước khi chồng về. Hay ngay sau khi đọc
Msg của Fb giơ đây có chức năng tự xóa các nt theo thời gian chủ đt muốn sau khi nt được đối tượng đọc
Đàn ông vn tưởng kiểm tra là giử được vợ.
Chỉ tổ bêu ra thêm nhiều tánh làm vợ càng khó chịu
Nhiều đàn ông không ngại dùng bạo lực để đàn áp. Để giử vợ. Báo, hội phụ nữ phường, quận, .... hay có chiến dịch chống bạo lực gia đình.
Nhưng không làm đàn ông VN chùn tay/chân.
̣đàn ông chỉ biết áp đảo vợ. Hiếm ai dám tìm nguyên do, vì sợ là chính mình, hay tình địch vì mậc cảm
còn con gái thì không dám đôí phó với chồng. Chỉ tìm tình địch.
Đàn ông VN trong XH, nhiều người vẫn còn quan điểm thởi ở trong hang

Nguyen Q Quy

Hồi chưa kết

T có bầu cách đây 9 tháng. Đầu tháng 10 là sinh. T có bầu trong khoảnh khắc ảo tưởng. Nghĩ là chồng thay đổi. Nhưng au đó, ̣đâu vào đấy
T vẫn chưa có thể xanh. Luật sư lo về ly hôn nhức đầu với T. Khi thì quyết tâm ly dị. Khi thì chần chừ, với nhiều lý do "rất VN"
Hôm qua, qua đt, T có vẻ trầm cảm. Nặng. Dĩ nhiên. Khi có bầu, hormone thay đổi. Trong thời gian sắp sinh, và vài ba tháng sau khi sinh, các bà mẹ hay trầm cảm.
T muốn ly hôn ngay.
trong mấy tháng gần đây, T hay nói "em muốn đi đâu đó một thời gian ..."
việc không thể. Thế là T giận.
Giận thì giận, có những việc không thể làm
Đáng thương hại nhất cho người con gái là lúc sinh con, một mình


29 September 2015

Tàn giấc mơ đổi đời, hay Vk sống xa mà vẫn thế
Gặp T trên chuyến bay VNA đã mấy năm rồi, nhưng như mới hôm qua. Tiếp viên HKVN, lúc đó, gần 8 năm, phụ trách khoang thương gia.
Ngày hôm sau, T đến ăn tối tại Blue Ginger. Blue Ginger là resto thích nhất từ hai mươi năm nay. Không khí, món ăn và nhạc do sinh viên trường qgân chơi
Vài mùa mưa ngâu sau, tháng 10 vừa qua, T hẹn ăn, món mình không thích mấy, trừ khi làm theo kiểu pháp, ốc tại quán Thăng Long.
Vẻ buồn,
- em mới có "người yêu", quen được ba tháng. Đó là con đường duy nhất để em đi Mỹ. Em không muốn nói nhiều chi tiết anh ạ. Anh nghĩ thế nào cũng được. Bạn em về tối nay. Em sẽ gặp anh cuối tháng.
- 3 tháng quen dùng để định hình cả cuộc đời. Xin lỗi, anh cho ý không ̣úng lúc
- Anh không hiểu đâu. Bên trong quyết định lớn lao đời em, còn là một nguyên nhân khác e không tiện chia sẽ
- anh đoán được
- anyway, e là con gái không may mắn trong tình cảm. Mói mặt tình cảm. E không thể làm gì hơn. Chỉ biết đối diện và đón nhận mà thôi
- T nghĩ đó là cách duy nhất để đổi đời ?
- cách duy nhất trốn hiện tại
Trong cabin máy bay thì rất phong cách. Ngoài đời thí phong cách bụi đời.
T dáng như người mẫu. Cao tầm 1,7m. Cử nhân kinh tế. Thạo tiếng Anh, Hàn và Nhật. Paris, Franfurt, Seoul, Tokyo ... là những chuyến bay hàng tuần của T. T chán bay. Nhưng phải làm vì Ba của T. Giọng thì thầm. Không lắng thì không nghe. vẻ luôn luôn phản phất nét buồn.
T chỉ ở nhà trọ, căn phòng ẩm thấp trong hẻm, gần phi trường cho tiện.
Bao nhiêu tiền kiếm được, T xây nhà, nhỏ, cho Ba. Ba T đau, không làm việc được. Mẹ T không ở với Ba T. Và T ít nói về mẹ.
T luôn luôn có vẻ mệt mỏi
Hồng nhan bạc phận.
Từ đó, không gặp T. Không nhận được tin T, trừ tn "chúc anh Giáng Sinh vui", cuối 2014.
Tháng 8 vừa rồi, nhận thiệp mời dự cưới của T tổ chức tại Maryland. T tha thiết "anh cố đến nhé. Em mong gặp anh"
Số mình là số con rệp hay con rận. Không biết bao nhiêu người xưa mời dự cưới. Chỉ dự hai lần vì lý do đặc biệt.
Không thể dự cưới của T, vì khó vui.
Rồi bặt tin T.
Cho đến thứ sáu vừa rồi.
T gọi từ Mỹ, báo tin là chia tay chồng sau cưới hai tháng. Vì không tuần nào là không cãi nhau. Khác biệt văn hóa, giáo dục, nếp sống ...
Chồng T là người mà Mỹ gọi la "banana". Ngoài vàng, nhưng ruột trắng. Suy nghĩ, quan niệm, v.v. như da trắng. Nhưng lạ lùng là rất VN một điểm, dù chả sống tái VN hơn một tháng.
Gia trường.
T than chồng ham chơi, vô tư, cộc cằn với T, v.v.
Sau hai tháng, chịu không nổi, T qua ở nhà em.
T chưa có thẻ xanh. Chưa kịp làm di trú thường trực. Vì vội làm lể cưới. Vẩn chưa có bầu khi chia tay.
Chồng hăm không về lại nhà thì không lo thủ tục cho T ở Mỹ. Và khi T bị trục xuất về VN thì T không bao giờ trở lại Mỹ được nữa.
- về nhà anh ắy, em không thể
Về VN thỉ bao tủi nhục chờ đợi. Đồng nghiệp sẽ có dịp bàn luận.
Giới hàng không tại VN khắc nghiệt lắm. Những người đẹp, có học, giỏi hay bị ganh tỵ. 4 cô bạn trong ngành hk đều kẻ chuyện tương tự nhau.
Lạ lùng là một cô bạn thuở xưa, làm tiếp viên Air Canada, không bị ganh tỵ như các cô VN
- T, anh chả biết khuyên gì. Không biết gì, thì làm sao khuyên. Vả lại, ở vị trí của anh, khó khách quan, và mọi y nghĩ có thể hiểu lầm. Đợi tháng 11 gặp, anh mới có thể cho ý kiến, nếu có.
- vậy trể rồi anh
Hôm qua, T nhắn tin
" Chồng em đón em về nhà. Đừng liên lạc em, vì chồng em kiểm tra điện thoại. Em sẽ liên lạc anh... "
Ahhhhhhhhhhhh
Chuyện nầy lạ
Chàng
Sống nơi xa mà vẩn thế.
Vẫn gia trưởng và rất VN (kiểm tra điện thoại- đặc trưng của văn hóa ̣đàn ông VN)
Nàng học không tệ, tiếp xúc nhiều nuóc ngoài, thu nhập cao, v.v , sao tầm nhìn ngắn thế
Chơi vơi cả cuộc đời

Nguyen Q Quy

Tuesday, September 27, 2016

Quintessence de l'amour, tinh hoa của tình yêu

quint nghĩa là thứ 5
essence, tinh chất
từ tiếng pháp nầy có nghìa là tinh hoa cao nhất, tinh khiết nhất. Nó lấy từ công thức hóa học khi chiết tinh chất lần thứ 5, thì chất liệu có được là tinh khiết nhất
Tối qua, từ nhà thờ Đức Bà, mưa bắt ̣ầu rơi. Đến Sofitel, hạt nhiều và to, phài mậc aó mưa thôi
Qua khỏi góc đường, có thân cây đè bẹp xe Kia. Mọi người nối đuôi nhau lách và cháy qua làn ngược chiều. Mình chui qua thân cây
Đến TĐT, đéo muốn viết tên CS, mưa to, gió mạnh. Hạt mưa quất vào mặt, vào mắt. Y hệt như bão tuyết.
Liếc xem có quán cafe không. Chả thấy quán nào
Đến NHC, thì đường biến thành suối nhỏ
Xuống cầu kênh Thị Nghè, đường đã là dòng sông
Cháy đến cầu Thủ Thiêm, mịt mù gió, mưa, sấm, sét .... mình trú dưới cầu. Có độ 4-50 xe. Có sét đánh xuống bên Sgn Pearl
Rồi mình cũng chạy thôi, trong mưa, sau khi đợi khoảnh 20', đã bớt lực.
em Mơ ron ron, chạy. Em ướt nhẹp như mình, dù có áo mưa
Đường đã thành sông, cao khoảng gần bánh xe. Nhiều xe chết máy. Bỏ bên đường, hay được chủ nhân dẩn.
Đoạn Sgn-cầu Sgn là sông. Nước cuồn cuộn. Mấy lần nghe tiếng em Mơ hắt hơi, tưởng như em cảm cứm nặng, sắp gục.
Nhưng không, em vẫn ron ron. qua mặt các em khác. Nhiều em xịn. Em cố gắng đưa mình đến bến. Dù mưa. Dù ngập bởi mấy thằng khốn nạn bất tài ngồi cao, nhừ bạo lực.
Em vẩn khoẻ đề lên cầu Sgn. Ron, ron, ron, em vẫn chạy trong tiếng nhạc đều đều của em, hoà với ban nhạc " light & sound" của ông trời.
Vũng nước cuối cùng vượt qua, em vào hầm, em nghĩ mệt
Qua mưa, gió, ngập, nước cuồng .... mới thấy tình yêu của em tặng mình. Yêu yên lặng, nhưng sâu đậm.
Quintessence của tình yêu.
cố gắng đến giọt năng lực cuối để đưa an toàn đến nhà. Trong không kí ấm.
Không phải người yêu, ai làm vậy ????
không chung tình, còn tình cảm nào sâu hơn ???
làm mình mắc cở vì thời gian gần đây, thấy em xơ xác, muốn chia ly với em
Giờ không đành
không nỡ
bên ly vang, miếng phó mát, thầm nghĩ ...
nàng kế, dù đẹp, có còn yêu mình không ? trong môi trường mưa gió ?

Nguyen Q Quy

Ngô Việt tiếp khách

Hội NCS Krusper chào đón hai Việt kiều yêu nước Le Khac HuanLe Quoc Bao

from FB/Phuong Mai Do Thi's post 

Három kismalac

A tanító néni éppen a három kismalac történetét meséli a gyerekeknek:
"Egyszer volt, hol nem volt, volt egyszer 3 kismalac. A kismalacok házat akartak épiteni, de nem volt elég téglájuk.
Elhatározták, hogy kérnek téglát az emberbarátjuktól. Az első kismalac el is ment hát az emberhez, s amikor odaért, azt kérdezte:
- Szia, házat szeretnénk építeni. Tudnál nekünk téglát adni?"
A tanárnő itt megáll és a gyerekeket kérdi:
- Mit gondoltok, mit mondott erre az ember?
Móricka jelentkezik:
- Nézd már bazzeg! Egy beszélő malac!

Đoàn Hồng Nghĩa (ELTE,VIDI90)

TÂM LINH VÀ TƯ DUY

Thực ra tôi không thích từ "tâm linh" nó dễ chuyển sang chuyện bói toán, ma quỷ và linh hồn. Những thứ này, tôi không hiểu, không thấy cần thiết hiểu. Trong cuộc sống của tôi không có nhu cầu biết mấy thứ đó, biết trước được số phận thì chán ngắt, chưa nói chuyện tin hay không tin. Nhìn thấy ma quỷ, linh hồn chắc không có gì thú. Nếu quả có luân hồi tôi sẵn sàng thành một con gà ngon, cho một cô hoa hậu ăn thịt, để báo ứng kiếp sau nữa cô ta lại biến thành một miếng rare beefsteak tuyệt hảo chan sốt nấm thượng hạng bên cạnh một ly rượu đỏ để tôi chén. Trò hoán đổi vòng tròn đó mãi mãi cũng vui và công bằng, tại sao phải cắt đứt.
Điều tôi thấy lý thú trong giáo lý nhà Phật, thậm chí trong Nho, Đạo Lão hoặc các thứ triết lý Á Đông, là một phương pháp luận để phát triển nhân cách (chủ yếu là phát triển tâm lý và trên cơ sở đó là phát triển thể chất) khá hoàn thiện mà tâm lý học của phương Tây còn xách dép chạy theo. Các trạng thái tinh thần khi tu tập, tinh tiến đều rất cụ thể advanced và có thể trải nghiệm, chứng nghiệm. Do đó, có thể sánh với tư duy khoa học phương Tây. Tôi tin ở những giai đoạn đó và thấy có thể cũng đáng công tu tập nếu biết chắc đi đến đích. Tất nhiên để chém gió hay xem tướng vượng phu ích tử cho mấy cô hay ông quan to nào đó, thì không bõ công với tôi. Có điều đó là một đầu tư khá mạo hiểm, không đảm bảo đến đích, thậm chỉ có nguy cơ phải bỏ qua bao điều hấp dẫn khác trên đời. Quá nhiều thầy rởm mà tôi đã gặp. Mặt khác, tôi chưa tin là có cơ hội được sống qua lần nữa trên cuộc đời hết sức thú vị này.
Tâm linh (lý) phương Đông không có quy trình loại bỏ và phân biệt chính học và tà thuyết. Nguyên nhân chính là do trình độ tư duy khoa học kém, chứ không phải là holistic hay nhất nguyên gì. Những loại tư biện kiểu "kiên bạch" hay "ngựa hươu" gì đó, lừng lẫy trong bách gia chư tử Á Đông là loại thứ phẩm hạng bét của suy lý Hy Lạp cổ. Không phải là do tôi lười nghiên cứu thích nói xằng. Tôi cũng đọc văn bản gốc chữ Hán, tra cứu từ nguyên được như ai, đọc bản dịch cũng thấy được chỗ sai, tối nghĩa. Nghĩa là về những trò này cũng trên trung bình. Kinh Dịch tôi lùng kiếm và có trong tay từ khi Hà Nội chỉ có vài cuốn. Sách về Thiền Phật trong nhà cũng không thiếu. Nếu muốn chém gió tù mù hoặc coi số mạng kiếm cơm chắc cũng ổn, ít ra cũng khó phân biệt với các dị nhân thời nay. Nhưng quả tình là không đi đến đâu. Nói là tôi phải cố gắng hơn nữa mới hiểu được, hoặc tôi không hiểu gì cả về Dịch, Thiền, thì cũng được. Năng lực trên trung bình như tôi, cũng đã mất công tìm hiểu không ít mà cũng không hiểu nổi một điều gì đó, dù là hay ho, nhưng ích lợi không rõ ràng, thì mọi người có nên theo không. Tất nhiên, nâng được 2 tạ hay chạy 100 m trong 9s cũng là có ích. Nhưng có nên bỏ cả đời ra để theo mỗi chuyện đó không, nếu mình đã có nghề kiếm cơm và các thú vui tinh thần khác rõ ràng hơn.
Đối với một số người đi tìm chân lý cao hơn tư duy khoa học và đức tin, có lẽ tôi cũng là một người như thế, tôi muốn chia sẻ một cách nhìn. Nếu ai đó thấy có ích xin chúc mừng. Ai không tin cũng không sao cả. Chữ Tư duy ở đây là tôi muốn nói về tư duy khoa học. Đối với tôi không có tư duy nào khác. Đức tin là thể chất về tâm linh. Ai không đồng ý có thể tạm cho là quy ước dùng từ khác nhau.
Đức tin và tư duy là hai thành phần của nhận thức chân lý. Ở trình độ hiện nay của loài người, không thể nhận thức mọi sự nhờ tư duy do vậy ắt phải có đức tin trợ giúp để đi tiếp. Đức tin cũng vẫn phải nhờ tới tư duy để tồn tại, suy nghĩ, trước khi ta nhập được vào Niết Bàn, trở nên toàn năng thấu thị mọi sự như mô tả trong kinh bổn. Tôi không nghĩ cái nào thay thế được cái nào. Đang nói tư duy khoa học mà trộn sang Đức tin là bố láo, đang nói đức tin mà nhằng nhịt quá đà sang năng lượng, entropy là loạn. Cố nhiên ở một mức độ nào đó có thể tạm dùng các khái niệm vay mượn cho dễ hiểu với một số người. Nhưng thực tế, đó đều là các món chay mang tên "Cầy nhựa mận", "Dê tái" hay "Ngẩu pín hầm" mà thôi. Chứa đựng đầy mâu thuẫn và tiềm tàng sự nực cười.
Đi tới chân lý, như Phật nói, có thể thông minh như Ca Diếp hay có đức tin mạnh mẽ như A Nan Đà. Học trò cụ Khổng cũng có người nặng về đức hạnh như thầy Nhan Uyên hay tư duy như thầy Tử Lộ, dám nghi ngờ cả thầy mình. Đi đến chân lý vượt tầm đức tin và tư duy, như Phật hay cụ Khổng cụ Lão dạy có thể theo hai đường Đạo hay Đức. Tuy nhiên, theo tôi điều đó chỉ đúng ở thời các cụ, khi chân lý các cụ muốn đạt tới chưa xa. Chân lý là một khái niệm thay đổi theo thời gian, một trạng thái quán triệt hết tinh hoa nhân loại. Ngày nay quán hết được lý thuyết dây màng, lỗ đen, bổ đề nọ bổ đề kia, CNTT, các loại triết học Đông Tây phải có chặng đường dài hơn.
Có thuyết cho rằng, cứ học Dịch Lý, Thiền thật kỹ, rồi lướt qua Khoa học một tý khéo Lý thuyết Vạn Vật sẽ quán thông, cười vào mũi cả tá Fields và Nobel như bỡn. Thuyết khác lại cho là cứ đến đỉnh cao khoa học rồi hãy bàn chuyện tâm linh, đức tin. Biết bao giờ cho đến cùng mà có đến được hay không và đến rồi ta còn muốn làm chuyện đó hay không thì vẫn còn vô khối điều cần bàn.
Trong tâm lý học và xã hội học có mô hình Zeemann về hai thành phần "kỹ năng" và "ý tưởng". Mô hình này có thể mở rộng cho rất nhiều lĩnh vực với hai cặp phạm trù có vẻ đối lập hay sinh ra tranh cãi kiểu "quả trứng con gà". Tuy nhiên "ý tưởng" có thể tạm xem như "tâm linh", "kỹ năng" như tư duy khoa học. Có nhiều điểm cũng nhang nhác, nhưng chủ yếu để cho các nhà tâm linh không thấy bị xúc phạm vì bị hạ ở mức "kỹ năng". Các nhà khoa học thực sự thì không lo lắm, họ không quan tâm tới chữ nghĩa.
Ý tưởng của Zeeman là: Tại sao có những người về cả "kỹ năng" và "ý tưởng" đều không thua gì thiên tài, nhưng không nên cơm cháo gì, đôi khi còn phải điều trị trong dưỡng trí viện? Ông đã đưa ra mô hình trong hình vẽ sau để giải thích. Nếu phát triển tư duy và tâm linh theo một con đường phù hợp sẽ đến được nhánh trên (chân lý). Nếu đi sai được sẽ húc đầu vào bức vách, không thể tiến lên và mắc kẹt ở nhánh dưới. Bức vách này là do tính chất của diện Zeemann có điểm rẽ nhánh.
Theo tôi, ngày xưa chân lý của các cụ là ở nhánh dưới, nên đi kiểu gì cũng tới được. Ngày nay, phải rèn luyện tư duy, tất nhiên không quên đức tin (nếu muốn tìm chân lý gì đó, còn nếu thấy happy thì học lâp trình và uống bia là đủ), thì mới lên được nhánh trên. Tư duy Á Đông, theo tôi, mắc kẹt ở nhánh dưới do kém tư duy khoa học (Lý do thì xin hỏi Ngô Tùng Phong). Muốn thay đổi đường lên nhánh trên như phương Tây, phải lùi lại, nghĩa là phải đập một số thứ về tâm linh (mặc dù rất có giá trị và đau) để tìm đường lên nhánh trên.
Ngày nay, người Việt là còn bo bo với các giá trị Á Đông như Dịch, Lão hơn cả người Trung Quốc là người đã du nhập TRỞ LẠI các giá trị đó vào Việt Nam. Nếu ai theo dõi văn học mạng TQ sẽ thấy trí thức, thanh niên TQ đang đập phá các giá trị đó không thương tiếc. Không phải họ không biết giá trị của những thứ đó, nhưng họ biết rằng muốn tiến lên phải quay lại, bắt đầu là hy sinh những thứ phương Tây đang thấy rằng quý giá. Nhưng phương Tây đang ở nhánh trên, chỉ họ mới dùng được các giá trị đó để tiến lên.
PS: Một ví dụ cho vui là việc chiếu diện Zeemann lên một mặt phải làm người ta có thể lẫn lộn bộ mặt một chính khách nghiêm trang với một cô nàng khỏa thân. (Xem hình tự hiểu). Nhầm lẫn giữa tư duy và tâm linh cũng gây ra các ví dụ tương tự như thế

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

HỌC NGOẠI NGỮ VÀ PHẢN BIỆN

Tôi phải nhận mình có tính xấu: cái gì không biết thì trông cậy vào người khác. Tuy nhiên, được cái cái gì trót biết thì tra cứu kỹ càng, trình bày đến gốc rễ, làm người ta cứ tưởng mình thích cãi nhau :-) Thực ra, đối thoại là học thêm, mình cũng chẳng để ý đến "kẻ địch" là ai, họ muốn gì. Có liên quan gì đến mình đâu.
Vấn đề học ngoại ngữ, thấy nó vừa hiển nhiên, vừa là cái mình không biết gì về lý luận, nhưng thấy xã hội bình luận càng ngày càng ngứa tai: nào là Hán nô (ĐCM thằng rỗi việc nào nghĩ được từ ác phết), nào là đề nghị cho con Đảng viên học thí điểm Nga, Trung, nào là Bộ Dục đang động (xin các vị rỗi hơi, nếu không có ý gì hay, lập luận rõ ràng thì câm mồm cho người ta làm việc).
Phải nói VN có tín hiệu phấn khởi về ý thức dân chủ, nên đám đông đang có hứng khởi phản biện. Tuy nhiên, dân chủ cũng như cầm ly uống rượu vang hay ngậm xì gà, cần có thời gian học mới đúng cách. Giai đoạn đầu của dân chủ, có một khúc quanh làm quen khá kệch cỡm. Nhà lãnh đạo cần có charisma, giống Pak Chong Hee, đối phó mấy ông nghị đổ cứt ra nghị trường để chống đường cao tốc Bussan-Seoul. Nhưng có vẻ VN sẽ không có những con người quả cảm như thế, hoặc có mà không thành được lãnh đạo do lý do nào đó. Coi chừng sẽ sa lầy vào việc cãi nhau hết thời gian về những chuyện vô bổ và lặp đi lặp lại như đấm bị bông. Đứng về tổng thể xã hội là một sự ngu xuẩn. Đa số bóp méo ý tưởng của nhau tùy tiện rồi độc thoại, mồm với đầu gối, tay phải vật tay trái, tay với hạ bộ, đầu với chân. Yoga chẳng ra yoga, thực là phản tuyên truyền cho dân chủ. Tôi cho rằng người ta phải qualified để có được quyền dân chủ, rồi mới nên bi bô, phản biện. Chống lại học hai ngoại ngữ thì phải biết tối thiểu hai ngoại ngữ, chống lại học Toán thì phải biết toán, chống lại thi trắc nghiệm ít ra cũng phải pass vài kỳ trắc nghiệm chuẩn như SAT, GMAT, GRE. Sai lầm của cải cách ruộng đất cần rút kinh nghiệm không phải ở chuyện ruộng đất hay nông dân, mà không thể trao quyền kích động đám đông cho những người không đủ hiểu biết.
Quy định về việc học ngoại ngữ cũng như học gì là quyền của Bộ Giáo Dục và ông Bộ trưởng. Bàn thì có thể cho thoải mái, nhưng để tham khảo thôi, ý kiến ngu si không thể đánh đồng với công luận, Bộ trưởng phải đủ quả cảm để quyết.
Việc đặt mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt, nếu làm được sẽ là một cuộc cách mạng có tính đột phá. Khỏi phải nói, dân tình ném đá thế nào. Tất nhiên, dân đen dốt nát, thông cảm được. Bị lợi dụng giật dây để thành công luận, cũng thông cảm được. Nhưng cần thông cảm thì nghe ý kiến cho vui để ý làm đếch gì. Còn ai chống nữa, trong bọn gọi là đã từng đọc sách biết tiếng Anh tiếng U, có học hàm học vị hoặc có chức quyền ăn nói. Bọn này mới đáng đập. May mắn được nhân dân nuôi ăn học vỗ béo, để lừa bịp, chống lại quyền lợi lâu dài của nhân dân thế à. Muốn dân ngu mãi để hưởng đặc lợi à.
Chỉ cần họp một hội đồng (tương đối lớn) để bàn luận thông qua. Mời khoảng 1-2 ngàn vị cũng được Họp hẳn 1 tháng, bàn cho hết nhẽ. Phóng viên cho vào để tường thuật, trung thực. Bóp méo, khích động, chống phá xé thẻ tại chỗ, tát vào mặt. Sau đó đề nghị lên chính phủ, quốc hội thông qua như là quốc sách (cố nhiên phải vận động hành lang ở Ban Bí Thư, BCT).
Đó là cách làm ngắn nhất. Đằng này, lại có sức ép nên lại phải đưa tiếng Trung, tiếng Nga ra thí điểm làm "ngoại ngữ thứ hai" cho "cân bằng chính trị". Thực ra, chỉ cần tiếng Trung thôi. Tiếng Nga thời nay cần quái gì cho lắm, cũng như tiếng Nhật Hàn Đức Tây Bồ Ả Rập. Nhưng đã nói Trung là phải nói Nga, không đám đông lại đấu tố là Hán Gian. Chuyện này thì lờ đi cũng được, coi là trò đối phó để bảo vệ "ngôn ngữ thứ hai". Nên nhớ "ngoại ngữ thứ hai" và "ngôn ngữ thứ hai" khác nhau một trời một vực. Nhớ cho là mới "thí điểm", muốn học không cứ con Đảng viên hay có tiền mới được chắc gì đã đến phiên con ông mà ông phản đối.
Đằng này thì xì xồ bàn luận đủ kiểu. Tác hại của nó nhãn tiền. Đối với một nền chính trị đang nhạy cảm với công luận và các nhà lãnh đạo thiếu charisma như hiện nay, bàn luận kiểu đó là giết hành động "không muốn làm thì quăng ra đám đông bàn, có đồng thuận rồi mới làm".
Nói chuyện học hai ngoại ngữ là khó là không được. Đừng suy số phận bất hạnh của mình ra năng lực của trẻ. Học ba bốn ngoại ngữ cũng không có gì khó. Từ ngôn ngữ thứ hai sẽ dễ hơn và việc học ngoại ngữ này sẽ giúp học ngoại ngữ kia. Các khoa ngoại ngữ ở nước ngoài kể cả phe XHCN cũ đều dạy 2-3 ngoại ngữ cho sinh viên. Một xã hội tiên tiến, người thường phải biết một ngoại ngữ chính và phải học 2-3 năm một ngoại ngữ phụ, không quan trọng là tiếng gì, để sau này họ có thể chọn thêm ngoại ngữ thứ hai và học cho dễ hơn. Thế thôi. Cãi nhau cái đếch. Sao tôi căm ghét công luận vô bổ và chính sách quyết định bằng đồng thuận xã hội theo lối trộn mắm tôm với sữa thế này không biết.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

Thế giới XHCN: Đã có một nước Nga như thế

Từ khi còn bé xíu, những hình ảnh đầu tiên về nước Nga in đậm trong ký ức của tôi là từ những trang sách, đó là những hình ảnh thật đẹp về một cuộc sống và những con người hiện ra ở một nơi thật xa xôi như trong giấc mơ...


hình ảnh: scan từ tư liệu cá nhân

Monday, September 26, 2016

Điều hoang tưởng

THỜI GIAN LÀ TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI. VIỆC LO LẮNG VỀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ KHÔNG BAO GIỜ XẢY RA, HOẶC LO SỢ VỀ NHỮNG THỨ CHÚNG TA KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC LÀ MỘT LÃNG PHÍ TÀI SẢN NÀY MỘT CÁCH NGU XUẨN.
30 bài học của cuộc sống - Karl Pillemer

Vợ là gì ????

Về mặt triết học: Vợ là một thực thể độc lập tồn tại bên ngoài ta, ngoài ý muốn của ta, là phạm trù chỉ sự sợ hãi của đàn ông.
Về mặt kinh tế: Vợ là ngân hàng vô luật pháp, không thể lệ: gửi vào thì dễ, rút ra thì khó mà không thể kiện cáo gì được.
Về mặt tài sản: Vợ là cái gì đó rất cũ mà không thể thanh lý được.
Về mặt xã hội: Vợ là cá nhân tự do, tình nguyện về chung sống với ta nhưng lại luôn tố cáo ta làm mất tự do của cô ấy, và nếu như ta trả lại thì không muốn nhận.
Về mặt khảo cổ học: Vợ là một loại đồ cổ càng để lâu càng mất giá.
Về mặt sinh học: Vợ được ví như là sư tử.
Về mặt vật lý: Vợ là một loại vật chất tồn tại vĩnh cữu nhất.
Về mặt công nghệ: Vợ là một trạm radar thu phát sóng nhanh nhất.
Về mặt võ thuật: Vợ là một võ sư tu tập từ rất nhiều môn phái như tiểu hổ võ, boxing võ, vắt chanh võ, ngắt chuối võ…
Về mặt toán học: Vợ là một hàm bất biến và có giới hạn là vô cùng, không có tiệm cận. Rất nhiều nghiệm càng giải càng đau đầu, ức chế.
Nhà động vật học: Vợ là một cá thể không thuần chủng do lai tạo giữa nai và sư tử.
Người nông dân: Vợ là miếng đất cằn cỗi nhưng chúng ta cứ phải cày vì cầm cố, rao bán không được.
Nhà giáo: Vợ là một học sinh tối dạ, cứ hỏi đi hỏi lại một câu hỏi.
Người bán vé số: Vợ là tờ vé số khi mới mua ai cũng hi vọng sẽ trúng độc đắc.
Nhà vật lý học: Vợ có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, từ dạng cho chồng ra khỏi nhà đến dạng bầm dập te tua, là cơ sở để đàn ôngđào hố, nhảy lầu

Nguyen Q Quy (chôm trên mạng)

Nhất quỷ, nhì ma …

“Mít Đặc đi học về, bà hỏi:
- Hôm nay cháu học gì?
- Hôm nay chúng cháu làm thí nghiệm về chất nổ bà ạ.
- Thế ngày mai?
- Cháu chưa biết, còn phải xây lại trường đã.”


st

Sunday, September 25, 2016

Lời người ra đi

Hơn 3 năm xa quê hương đến Châu Âu, tôi đã quên cái cảm giác mở cửa xe hơi bước vào gặp hơi nóng dội bật ra. Nhiệt độ Houston tháng 8 như mùa hè của Việt Nam.
Buổi tối hôm đó tôi gặp hai người phụ nữ, họ đều là gái Hà Nội gốc, cả hai đã đều lên chức bà từ lâu. Họ đều đến nước Mỹ vài năm trở lại đây, khi rời đất nước đi, họ đều là những doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Những cơn sốt bất động sản của những năm đầu và giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã giúp họ tạo dựng được một tài sản kha khá. Đồng tiền kiếm được của họ không hề có bóng dáng của gian lận, tham nhũng....đó là những đồng tiền kiếm được nhờ sự nhanh nhạy, quyết đoán , nhờ vận may và nhờ cả chính sách bong bóng của chính quyền Việt Nam.
Một người đến Mỹ ở dạng đầu tư, người kia thì lấy chồng quốc tịch Mỹ. Lý do họ ra đi thật đơn giản, nước Mỹ là nơi đáng sống. Một phần rất lớn số tiền họ kiếm được từ cuộc bong bóng bất động sản năm xưa ở Việt Nam dành cho chi phí đến Mỹ ở. Số tiền đó thật lớn, với số tiền đó họ có thể sống ung dung và nhàn nhã đến già ở quê hương mình. Thế nhưng họ chọn cách bỏ số tiền đó để mua tấm vé đến nơi khác tít bên kia bờ Thái Bình Dương để ở nốt phần đời còn lại của mình.
Môi trường, y tế , văn hoá, pháp luật. Đó là bốn nguyên nhân chính khiến những người lớn tuổi như họ phải rời khỏi quê hương mình.
- Ra đường bây giờ ô nhiễm không thở nổi, ăn cái gì cũng sợ, đụng đến vào viện hay dây cái gì với pháp luật là cũng sợ em à. Lúc nào cũng lo phấp phỏng, thôi ở đây làm qua loa cái gì sống qua ngày cho đỡ phải nghĩ nữa. Mình già rồi không còn sức mà đối phó với những việc như thế. Ở đây tạo dựng cái chỗ để con cháu mình nó cần còn sang được dễ. Cái đứa con nhà chị ý, vợ chồng nó còn thích sĩ diện nên chưa chịu sang. Ở nhà chúng nó đi BMW còn vênh mặt được, sang đây thì vênh với ai. Chúng nó ở lại vì sĩ diện thế thôi, mai kia mấy đứa cháu nó lớn đi học chắc cũng phải sang đây thôi.
Không phải ai rời xa quê hương cũng là mang ước mộng làm giàu, đổi đời. Nước Mỹ có những người Việt Nam đến để tìm sự bình yên, con số đó không phải là nhỏ trong những người Việt ra đi.
Đất nước không có chiến tranh, không có xung đột chính trị...người dân ra đi để tìm sự yên bình. Thật chớ trêu.
Ở Hung, một nước nhỏ ở Châu Âu mà nền kinh tế cũng thuộc loại nhỏ như vậy. Mức thu nhập của người Việt ở đây chỉ bằng già nửa thu nhập của người Việt tại Đức, bằng một nửa ở Na Uy, Đan Mạch. Tôi gặp cậu em đang tất bất mở thêm một gian hàng. Rất ngạc nhiên vì vợ chồng cậu đã có một gian hàng lớn nay lại mở thêm một gian hàng trong khu siêu thị lớn kinh doanh mặt hàng khác. Tôi hỏi mở làm gì , cái cũ làm không đủ sao.
Cậu em lắc đầu cười, cái cũ làm còn chưa hết việc. Em mở để làm giấy tờ đón vợ chồng thằng em sang, cả hai đứa con nó. Cho mấy đứa cháu được đi học ở đây, sống ở đây cho lành anh ạ.
Cậu em mở gian hàng như thế, mất tầm 6 tỷ tiền Việt Nam. Số tiền cậu bỏ ra làm gian hàng là số tiền sạch mà cậu chắt chiu kiếm được ở đất Hung. Chẳng phải tiền mờ ám từ trong nước đổ ra. Với 6 tỷ VNĐ ấy nếu cậu gửi về Việt Nam cho vợ chồng đứa em bay, kinh doanh gì đó đơn giản như xây nhà cho thuê thì một tháng cũng kiếm thêm khoản tiền rất ổn, bù đắp thêm cho cuộc sống gia đình em trai mình, mà không bị ảnh hưởng bấp bênh đến vốn liếng như mở gian hàng này.
Nhưng không, cậu không chọn cách gửi tiền về làm ăn trên quê hương. Cậu chọn cách đầu tư tại đây và đưa gia đình em trai mình sang. Dù như thế sẽ vất vả hơn. Nhưng như cậu nói, cái được lớn nhất là hai đứa con của em trai mình sẽ được học và ở đây, nước Hung này. Dù có nghèo hơn các nước khác trong Châu Âu, nhưng gấp chán vạn lần ở Việt Nam.
Ở Mỹ và Hung tôi gặp bố và mẹ những người bạn tôi, tôi không ngờ ở lứa tuổi quá 80 như họ chẳng thiếu thốn gì ở quê hương. Giờ cũng theo con cái sang Mỹ , Âu để ở nốt phần đời còn lại.
Tôi quay về Berlin, gặp bà chị gần nhà ở Hà Nội đang làm nghề cắt tóc, móng tay bên này. Bà chị đang quay cuồng tiền để mở thêm một cửa hàng ở khu trung tâm. Vẫn ngạc nhiên như chứng kiến cậu em bên Hung, tôi hỏi chị làm cửa hàng kia hết việc đâu, thiếu người làm sao còn mở thêm. Bà chị cười thầm thì, chị mở để đón vợ chồng đứa em sang làm, ở Việt Nam bây giờ chán lắm em ạ. Cho chúng nó sang đây ở cho lành.
Đi, ra đi, ra đi là tiếng gọi thôi thúc trong lòng bao nhiêu người Việt Nam. Đi khỏi đất nước mình.
Mùa hè năm 2014, Tí Hớn nghỉ hè sang thăm bố. Khi hai bố con tôi đang đi trên hè đường ở một con phố vắng. Tí Hớn hỏi.
- Bố có định ở đây không.?
Tôi không biết trả lời sao, tôi hỏi sao con hỏi vậy. Tí Hớn nói.
- Nếu bố ở đây, con cũng được ở đây, con sẽ có một cái xe đạp và đi ở phố này. Ở đây thanh bình, sáng ra chim hót, đi xe đạp ở đường phố này không sợ như ở Việt Nam.
Cuối năm đó Tí Hớn trở lại nước Đức, cậu sang ở với tôi theo diện ăn theo học bổng của bố. Tấm visa của tôi là điều khó hiểu ngay với cả những người ở sở ngoại kiều và cảnh sát Đức, hải quan Đức. Mỗi tấm visa ở đây đều có ký hiệu riêng để người kiểm tra biết được người đó ở nước Đức theo dạng gì. Ở sở ngoại kiều có nhiều bộ phận họ tiếp nhận hồ sơ gia hạn cho người ở Đức, 4 lần tôi gia hạn visa, lần nào cũng xảy ra cãi nhau giữa những người ở sở ngoại kiều với nhau, chỉ quanh mỗi việc ai là bộ phận chịu trách nhiệm cấp visa cho tôi. Bộ phận phụ trách sinh viên, di dân, việc làm....cứ đùn đẩy nhau nhưng rồi cũng có một bộ phận cấp với lời càu nhàu là lẽ ra ở chỗ kia chứ không phải họ làm việc này.
Đã sang năm thứ tư tôi ở nước Đức này, visa lại đến năm sau, tức năm 2017.
Tí Hớn nhanh chóng đã trở lại tốp đầu trong những học sinh giỏi, cậu sang đây học chậm một năm, chả biết một tẹo tiếng Đức nào. Giờ thì cậu liên tục được nhà trường khuyên phải lên lớp 6 học. Danh tiếng học giỏi của cậu không chỉ trong lớp, mà còn đến các lớp bên cạnh. Mặc dù cậu chỉ thấy cậu chơi là nhiều. Năm học vừa rồi tất cả các môn cậu đều được điểm xuất sắc, duy môn nhạc cậu được điểm 2 ( điểm 1 ở Đức là cao nhất).
Thật oái ăm, ở Việt Nam, môn nhạc là môn cô giáo khen ngợi cậu là năng khiếu nhất và cậu đi học thêm về nhạc. 7 tuổi cậu có thể ngồi piano chơi những bản thông thường như Thư Gửi Elly, Jingle Bells...và trong lớp nhạc ở Việt Nam cậu học có một nửa chừng đã hiểu bài.
Sang đến đây cậu bị một vố nhớ đời, cái mà cậu tưởng giỏi nhất lại là cái khiến cậu đau nhất. Ở Việt Nam người ta dạy cho cậu nốt nhạc trong bài như kiểu thuộc lòng, thuộc phím đàn, và khi thuộc thì cậu cứ thế mà táng bàn phím thành bản nhạc và chỉ cần có trí nhớ là cậu thành giỏi giang. Còn ở đây bị cấm sờ vào đàn, học nhạc ở Đức là cậu tự cầm cốc, thìa hay cái thước kẻ gõ thành nhịp nào đó mà cậu thích, thành giai điệu, thành những âm thanh....vì quá xa lạ với cách học này, cậu rất bực bội và chỉ được điểm 2. Nhưng cậu chống chế lẽ ra cậu được điểm 1, tại vì có những giai điệu phải ba bạn cùng nhau thực hiện, bạn J không chịu làm nên cả nhóm bị điểm chia ra như vậy. Thật phức tạp, ở Đức dạy nhạc đã khác rồi, lại còn bắt cả tốp làm chung và chịu trách nhiệm với nhau. Cậu và cậu bạn còn lại chỉ còn cách chơi thân với J hơn ngoài thời gian học, để có gắn kết với nhau. Có lẽ vì thế cậu được điểm cao trong cái môn đại loại như là có trách nhiệm với mọi người.
Hoá ra lằng nhằng cái này lại ra cái kia, bố cậu chỉ nghe một bác giải thích cái điểm cao môn trách nhiệm với mọi người, tinh thần trong cái chung là môn rất quan trọng ở Đức. Cũng chả biết môn đó là thế nào, ở Việt Nam bố cậu học chỉ có hạnh kiểm cá nhân tốt, khá, trung bình, kém...mà bố cậu thì chưa bao giờ được mức khá cả.
Ở Việt Nam bố mẹ cậu luôn phải ngóng tình hình ở trường, thái độ cô giáo, nhà trường có chính sách hoặc chủ trương gì. Thật mệt là ở Việt Nam giáo viên và nhà trường liên tục có thông báo đề nghị này nọ, nếu chậm trễ thực thi. đứa con của mình sẽ đi học về trong nước mắt vì bị giáo viên bêu ra giữa lớp do bố mẹ chưa đáp ứng thông báo này, thông báo kia của nhà trường.
Ở đây thì không, hầu như bố cậu chả biết cậu đến trường làm gì, học gì, nhà trường ra thông báo gì. Sáng cậu dậy tự lấy đồ ăn sáng, lấy đồ ăn trưa và rót nước cho vào cặp, đi đến chiều về. Không thấy thông báo nhà trường đóng tiền này, nộp tiền kia bao giờ cả.
Tí Hớn ở Việt Nam đi học, xếp hạng học giỏi thứ 6 hay thứ bảy trong lớp. Trước cậu là con của giáo viên lớp A, con của ban phụ huynh, con của cán bộ trên sở....cậu xếp xa tít tắp như vậy. Nhưng lúc nhà trường cử di học thi học sinh giỏi ở quận thì ở lớp mỗi mình cậu được đi. Lúc đó cậu về nhoẻn miệng cười rất ý nhị nói với bố.
- Buồn cười bố nhỉ, các bạn ở lớp xếp hạng giỏi hơn con, toàn được cô giáo khen, mà con lại được đi thi chứ không phải các bạn.
Ở Đức không có con ai sẽ được ưu tiên cả, chỉ có học sinh nào học giỏi và hoà đồng, thân ái và có trách nhiệm với các bạn khác là được quý mến và khen ngợi. Bạn nào học không giỏi, khó tính với bạn bè thì những bạn được khen kia phải chơi thân và động viên bạn mình học giỏi và quan tâm đến mọi người.
Tuần trước Tí Hớn đi học về, cậu cất cặp và nói rất khoát.
- Hôm nay con ra quán ăn với các bạn, các bạn chờ con ngoài quán rồi.
Sự quả quyết như việc nó phải thế của cậu khiến không ai dám hỏi. Cậu lấy tiền của cậu ra 10 euro và đi.
Đến tối cậu về, bố mới hỏi vì sao. Cậu kể.
- Hôm nay ở lớp con bầu cử cho trẻ em, thấy giáo giới thiệu các đảng ở Đức, lời hứa của mỗi đảng và mình thích đảng nào bầu đảng đó. Có một đảng họ bảo họ lấy thuế cao, nhưng tiền thì sẽ dành cho những người có thu nhập thấp hay thất nghiệp. Con bầu cho đảng đó. Sau bầu cử ở lớp thầy giáo nói các bạn nên gặp nhau và nói lý do vì sao mình bầu cho đảng nào, thuyết phục các bạn khác nghe theo. Nên chúng con ra quán ăn để bàn tiếp chuyện này.
Cậu ngừng lại một lát rồi hỏi.
- Ở Việt Nam mình có một đảng thôi bố nhỉ ? Một đảng thì bầu cái gì cơ chứ.
Bố hỏi.
- Con có muốn về Việt Nam không.?
Cậu lắc đầu dứt khoát.
- Không, bố về thì về, con ở đây học thích hơn.
Nếu Tí Hớn học ở đây đến hết trung học , tiếng Đức của cậu như người bản xứ đã đành, tiếng Anh của cậu cũng tốt gần như vậy. Nếu cậu duy trì mức học tập khá và giỏi không cần quá xuất sắc...thì kết thúc đại học cậu tự nộp hồ sơ xin việc dễ dàng ở công ty nào đó. Bố mẹ không phải lo lắng, không phải chạy chọt. Người Đức đang dạy cậu tự xử lý số phận của mình ngay từ bây giờ, lúc cậu còn đang học lớp 5.
Các bậc cha mẹ ở Việt Nam lo cho con mình học hàng ngày, lo cho con mình công việc đến tận lúc con trưởng thành. Thế nhưng một ngày nào đó con cai của mình sa ngã, cờ bạc nghiện ngập... họ ngậm ngùi than
- xã hội làm nó thế.
Nhiều người lên án họ là đổ trách nhiệm cho xã hội, là do chính họ không dạy bảo được con.
Nghĩ cho cùng cũng oan cho họ, chả bố mẹ nào dạy con làm điều xấu cả. Nhưng đứa con của họ đâu phải chỉ đóng khung trong giáo dục của bố mẹ. Chúng còn tiếp thu ở nhà trường, bạn bè, xã hội nữa. Sức giáo dục của bố mẹ Việt Nam quá nhỏ bé và mong manh trước những cơn thác lũ đủ màu sắc lối sống của xã hội, cuộc đời , nhà trường. bạn bè...và cả văn hoá trên truyền thông nữa.
Hầu hết những thanh niên Đức khi học xong đều bươn chải đi tìm công việc cho mình, không nhờ cậy đến bố mẹ, đại đa số chúng có lối sống lành mạnh, tiết kiệm, không sĩ diện, thực tế và không ỷ lại người khác. Đó chẳng phải là bố mẹ dạy chúng, phần lớn là
- xã hội làm nó thế.
Là một người bố, trên cương vị ấy tôi xin gửi lời khuyên đến các bậc bố mẹ khác. Nếu lo được cho mình rời khỏi Việt Nam hãy cố gắng lên làm. Hãy để cho chúng được sống và học một cuộc sống tốt đẹp. Sẽ có nhiều người bảo tôi tại sao không có ý xây dựng quê hương, không hướng con mình đến việc xây dựng quê hương, yêu đất nước, dân tộc được như mọi nơi trên thế giới .mà lại xúi bỏ đi như thế. Ai cũng nghĩ như thế thì ai là người xây dựng quê hương, đất nước, đấu tranh với những cái sai trái của xã hội.
A ha, câu hỏi rất đạo đức... thật là khó trả lời.