Thursday, September 29, 2022

Ký sự hè 2022 (6) Nỗi niềm tả -hữu

 Hè năm nay tôi có dịp tham dự trại hè của một số anh em trí thức mà tôi tạm gọi là „Phái tả“ ở Đức. Tôi chơi với họ từ hàng chục năm qua và cũng đã có lần tham dự trại hè của họ.

Trong những năm 1960, nhiều gia đình ở miền Nam gửi con em sang phương Tây du học. Trong khi sinh viên miền Bắc đi Đông Âu được các nước bạn lo học bổng 100% thì sinh viên miền Nam chủ yếu du học bằng nguồn tài chính của gia đình. Vì vậy đa số họ thuộc giới trung lưu của Việt Nam Cộng Hòa. Sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam sau 1968 và đặc biệt sự có mặt của phái đoàn ngoại giao miền Bắc ở Paris đã góp phần hình thành một phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ trong khối sinh viên Viêt Nam ở tây Âu. Sau Hiệp định Paris 1973, VNDCCH dần có đại điện ngoại giao ở các nước Tây Âu khác như Thụy Điển, Hà-Lan, Anh, Tây Đức v.v khiến sinh viên miền Nam dễ tiếp xúc hơn với những Việt cộng mặc Com-Lê, đeo Cra-vat. Và họ thấy VC không có gì đáng sợ, cũng dễ thương và đang đại diện cho một một nước Việt nam vốn được cả thế giới cánh tả gửi gắm niềm tin. Họ bị lôi cuốn bởi hình ảnh  của sinh viên Đức, Pháp, Hà-Lan, dàn hàng ngang xuống đường hô vang các khẩu hiệu „Army go home“, „Ho, Ho, Ho Chi Minh“.

Cánh tả phương Tây hồi đó, từ Jean Paul Sartre, Heinrich Böll, Bertrand Russell ở châu Âu đến Jean Fonda, Joan Baez, Tom Hayden ở Mỹ đều coi Việt Nam là lương tâm của thời đại. Anh bạn Stephan Köster mà tôi từng kể trong câu chuyện „30.04.1975, nhìn từ một góc khác“ tâm sự rằng: Ở Tây Đức anh sợ mô hình CNXH ở Đông Đức. Anh coi CHDC Đức là tay sai của Liên Xô vì anh xem  được TV Đông Đức, vì có họ hàng là nạn nhân của STASI v.v. [1]

Giáo sư toán học, huân tước Bertrand Rusell. Năm 1966 ông đã sáng lập ra tòa án quốc tế điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam

Ca sỹ Joan Baez từng dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh VN ở Mỹ. Năm 1972 bà sang Việt Nam, hát tại nhiều nơi

Jean Paul Sartre, triết gia sáng lập ra chủ nghĩa hiện sinh. Một trong những thần tượng của thanh niên thiên tả phương tây

Stephan Köster, con trai một gia đình ngoại giao quý tộc Đức đã từ bỏ cuộc sống giàu sang dễ chịu để tham gia các phong trào chống chiến tranh Việt Nam. 3 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ, Stefan đột nhập vào Sài Gòn với danh nghĩa phóng viên Tây Đức để bí mật làm phim cho "Việt Cộng"

Vì vậy khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam, cánh tả phương tây coi các chiến sỹ Việt Cộng choàng khăn rằn, đi dép cao su là David đang chống lại Goliath trang bị đến tận răng. Rồi họ nhảy vào giúp Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, với hy vọng một CNXH chân chính sẽ ra đời.

Các bạn sinh viên Việt Nam của tôi cũng vậy. Nhiều người bỏ cả học hành, hoặc tốt nghiệp rồi thì bỏ cả làm ăn, suốt ngày tham gia các hoạt động chống chiến tranh, ủng hộ miền Bắc. Họ bỏ tiền túi ra ủng hộ các hoạt động của cánh tả phương Tây, của các phái đoàn miền Bắc và của Mặt trận DTGPMNVN tại các cuộc mit tinh, các liên hoan phim, hội báo. Nhiều sinh viên ở Paris đã làm việc 24/7 trong suốt 5 năm của cuộc Hòa đàm Việt-Mỹ (sau thành bốn bên). 

Có thể nói họ đã hy sinh hơn một chục năm đẹp nhất của tuổi trẻ để ủng hộ „Việt Cộng“. Họ làm những việc đó không vụ lợi, vì lúc đó không ai biết kết cục cuộc chiến ra sao. Họ hành động vì trái tim.   

Tất nhiên cũng có nhiều sinh viên trung thành với nhà nước VNCH và họ coi những người ủng hộ „Việt Cộng“ là „Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản“. Thế là từ bạn học họ trở thành kẻ thù của nhau. Tôi không biết họ có đánh nhau hay không? Nhưng mối hận thù thì tôi cảm thấy rõ ràng. Ở Köln và Aachen, tôi quen một số anh em „Hữu“ và nhận ra mối hiềm khích tiềm tàng này cho đến hôm nay. Họ không muốn nhìn mặt nhau.

Duy nhất có lần tôi tổ chức chiếu phim „Hoàng Sa- Nỗi Đau Mất Mát“ của anh André Menras thì cả hai bên đều có người đến dự. Mấy anh em „Chống cộng“ đến để xem phim phần nào thôi, chủ yếu là để mắng André Menras về tội „Phò cộng“ năm nào. 

Sau chiếu phim là phần đối thoại với tác giả. Là chủ nhà, tôi vừa lo bảo vệ anh André, khách của tôi , vừa lo đảm bảo đối thoại dân chủ. Tất nhiên có lúc rất căng thẳng. Nhưng rồi mấy anh „Hữu“ cũng hiểu và cuối cùng họ bắt tay anh André. 

Nhưng „Hữu“ không bắt tay „Tả“. 

Tôi phân họ ra thành Tả & Hữu vì coi cánh tả thiên về công bằng xã hội, hay giúp kẻ yếu bằng các giải pháp mang tính XHCN. Còn cánh hữu thuận theo qui luật đào thải tự nhiên. Nguyên tắc „Mạnh được yếu thua“ gắn liền với cạnh tranh tự do của CNTB khiến họ không bao giờ gần được với các tư tưởng XHCN.

Còn mấy anh „Tả“ đến xem phim cũng để chia sẻ đắng cay với anh André, người có cuộc đời „cách mạng  chìm nổi“ giống họ.  Anh André vẫn tự hào thuộc loại dân Tà-Ru,tức “Tù ra“, vì anh đã bị chính quyền Sai Gòn bắt giam 3 năm, sau khi treo cờ Mặt trận DTGPMNVN tại Trung tâm Sài Gòn ngày 25.07.1970. Anh vừa tức vừa buồn cười kể với tôi việc bây giờ anh về Việt Nam hay bị theo dõi.

Sau 1975, Việt Nam không có hòa giải như mọi người mong muốn. Học tập, cải tạo, giam giữ đối với viên chức, sỹ quan, trí thức của chế độ cũ, phân biệt đối xử về lý lich đối với con em họ, cải tạo Tư bản, Tư doanh v.v. đã tạo ra làn sóng thuyền nhân tỵ nạn khủng khiếp nhất của thế kỷ 20. Việc này khiến cánh tả phương tây suy sụp, tất nhiên phong trào thanh niên Việt Nam cũng vậy. 

Những năm từ 1978-1988 là thời gian khủng hoảng nhất của phong trào. Có anh tâm sự: May mà có những thất vọng đó tôi mới thôi hoạt động, trở lại làm ăn bình thường.

Cái máu „bất đồng chính kiến chuyên nghiệp“ trong nhiều người bỗng trỗi dậy. Vậy là họ viết tâm thư gửi cho chính quyền XHCN ở Việt Nam. Họ lập các „Diễn đàn“ trên mạng để trao đổi với nhau và bàn cách cứu chữa. Vẫn quen lối sống tự do phương tây, họ ngạc nhiên khi thấy Đại Sứ Quán bỗng lạnh nhạt với họ, thậm chí có người còn không được cấp Visa về nước, dù chỉ về giúp quê nhà.  Ngạc nhiên hơn nữa là có anh „Hữu“ ngày trước, nay về nước như đi chợ. 

Té ra là „tả-hữu“ không quan trọng trong thời buổi kinh tế thị trường. Người ta chỉ ghét thằng nào hay công khai lập diễn đàn, hay gửi tâm thư.

Thế là có những người tuy thất vọng, bức xúc, nhưng không dại gì lên tiếng công khai để không bị mất đường về quê hương. 

Tôi từng gặp một anh „Bảo hoàng hơn vua“ trên một chuyến bay về Hà Nội. Anh tìm mọi cách biện bạch cho những gì xảy ra ở Việt Nam. Về nạn tham nhũng, thói lạm quyền, thiếu tự do ngôn luận, anh bảo:“ Ở đâu mà chẳng thế!“ rồi tìm các ví dụ ở Đức, Anh Pháp ra đối chiếu.  Khi xuống đến Nội Bài, có xe của nhà nước ra đón anh với rất nhiều kiện hàng toàn sách mà anh bỏ tiền túi ra mua, trả cả tiền vận chuyển đi theo người. Tôi biết anh không cơ hội, anh chỉ cố bám vào niềm tin từ 1968 đến nay. (Tôi tin điều này vì biết anh không muốn làm vương tướng gì ở Việt Nam cả)

Cho dù bị cấm cửa vì lên tiếng, cho dù không lên tiếng nên không bị cấm cửa, cho dù "bảo hoàng hơn vua", họ vẫn gắn bó với nhau bởi cái quá khứ „thiên tả“ kia. Hầu như hè nào họ cũng gặp nhau, cũng ôn lại các trò ấu trĩ khi xưa, nhưng cũng bàn về các dự án giúp trong nước. Khi vai trò chính trị đã hết, họ chỉ còn tập trung vào các đề tài khoa học, giáo dục. Vốn là giới tinh hoa của Sài Gòn, lại tốt nghiệp các trường đại học tên tuổi tây Âu nên họ đều làm việc cho các tập đoàn lớn và có quan hệ rộng với giới công nghệ. Thế là họ nghĩ ra các dự án giúp trong nước qua con đường truyền bá kiến thức. Nào là dịch sách dạy nghề kỹ thuật, nào là quảng bá các tư tưởng, triết học khai sáng. Đã có khá nhiều sách dạy nghề và 19 đầu sách về  danh nhân thế giới được dịch và xuất bản tại Việt nam. Họ tiếc vì giấc mơ lập một trung tâm khoa học của Việt Kiều tại khu công nghệ cao TPHCM không thành sự thật.

Tôi biết những điều trên vì từng dự trại hè với họ. Thường thì trại kéo dài 3-4 ngày đêm. Vài anh em phiêu bạt sang Mỹ cũng về dự. Họ thức thâu đêm, đàn hát bên lửa trại. Họ thuộc các bài „Nhạc Đỏ“ miền Bắc hơn cả tôi. Họ ôn lại các kỷ niệm thời sinh viên, trai trẻ. Tôi ngồi nghe mà chẳng hiểu gì, rất vô duyên. Thế là những lần sau tôi không đi nữa.

Nhưng năm nay thì khác.

(Còn tiếp)

Tái bút: Tôi viết về những người bạn tả và hữu với tất cả sự tôn trọng và quý mến. Vậy mong bạn đọc bình luận nghiêm túc.

Nguyễn Xuân Thọ

Wednesday, September 28, 2022

Tại sao VN? Từ bên thắng cuộc đến thua cuộc

Năm 1975, miền Bắc Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Hoa Kỳ và đồng minh Sài Gòn. Đất nước vốn đã kiêu hãnh này lại càng tự hào hơn, vì họ đã đánh bại siêu cường quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng niềm tự hào của họ đã bị ảnh hưởng bởi trong mười năm sau đó khi sự ra đời của nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa khiến Việt Nam trở thành nước nghèo nhất trong khu vực. Trong khi các quốc gia châu Á đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, như Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore, đã đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và xóa đói giảm nghèo ồ ạt, thì hầu hết người dân Việt Nam lại sống trong cảnh nghèo đói khổ sở 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Việc tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức ở Việt Nam không thành công hơn ở Trung Quốc hay Nga. Năm 1980, Việt Nam chỉ sản xuất được 14 triệu tấn gạo, mặc dù thực tế là hạt này cần 16 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Trong thời kỳ của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980), Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ 8 đến 9 triệu tấn gạo và các loại thực phẩm khác.

Sản xuất đình trệ và sản xuất công nghiệp quốc doanh giảm 10 phần trăm từ năm 1976 đến năm 1980. Cho đến năm 1988, chỉ có các doanh nghiệp gia đình nhỏ được phép làm doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam; mọi thứ khác đều thuộc sở hữu nhà nước.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra rằng họ đang gặp bế tắc. Tại Đại hội Đảng VI vào tháng 12 năm 1986, các nhà lãnh đạo của đất nước đã thông qua một gói cải cách toàn diện được gọi là “Đổi mới” hay còn gọi là đổi mới. Tương tự như Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình, quyền sở hữu tư nhân được cho phép và đảng này tập trung phát triển kinh tế thị trường.

Ngày nay, Việt Nam đã rũ bỏ quá khứ và đổi mới chính mình. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng gấp sáu lần kể từ khi cải cách (tính theo đô la Mỹ hiện tại), từ 577 đô la lên 3.373 đô la. Việt Nam hiện là một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng Việt Nam xuất khẩu nhiều nông sản và dệt may hơn. Ngày nay, VN là một nhà sản xuất hàng điện tử lớn và xuất khẩu các sản phẩm điện tử trị giá 111 tỷ đô la vào năm 2020.

Trong nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, đa số người dân Việt Nam sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ. Gần đây nhất là năm 1993, 80 phần trăm dân số Việt Nam vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói. Trong thập kỷ qua, tình trạng nghèo đói đã giảm đáng kể. Theo Ngân hàng Thế giới, “Từ năm 2002 đến năm 2021, GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 đô la Mỹ. Tỷ lệ nghèo đói (1,90 đô la Mỹ / ngày) đã giảm mạnh từ hơn 32 phần trăm năm 2011 xuống dưới 2 phần trăm ”.

Nghèo ở Việt Nam không được xóa bỏ bằng phân bổ lại của cải mà bằng kinh tế thị trường. Tái phân phối chưa bao giờ là một công cụ thành công trong cuộc chiến chống đói nghèo ở bất kỳ đâu trên thế giới. Mức thuế dành cho người có thu nhập cao ở Việt Nam chỉ là 35%, và như vậy, bạn phải thu nhập cao hơn khoảng 14 lần so với người có thu nhập trung bình. Trong mọi trường hợp, sự đố kỵ của xã hội nhắm vào người giàu là một khái niệm xa lạ ở Việt Nam vì sự giàu có được ngưỡng mộ ở đây. Trong số 11 quốc gia mà MORI thực hiện một cuộc khảo sát về thái độ đối với người giàu, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có ý kiến ​​tích cực như ở Việt Nam.

'So với hệ thống bao cấp, nơi mà phân phối là bình đẳng, thì sự phân cực hiện tại giữa người giàu và người nghèo cho thấy sự tái lập công bằng xã hội.  Bất bình đẳng không đáng bị chỉ trích và việc theo đuổi sự giàu có nên được khuyến khích. Bản thân sự phân cực đã trở thành một động lực quan trọng đằng sau sự tăng trưởng kinh tế đáng kể gần đây.

Người Việt Nam không ghen tị với những người giàu mà họ có động cơ để thành công về kinh tế. Một trong những câu hỏi trong một cuộc nghiên cứu là, 'Nếu xét theo mức độ quan trọng, việc giàu có đối với cá nhân bạn là quan trọng như thế nào?' Ở Hoa Kỳ và Châu Âu, trung bình, chỉ 28% người được hỏi cho biết điều quan trọng đối với họ là trở nên giàu có. Trong bốn quốc gia châu Á được khảo sát, con số này là 58 phần trăm. Và không ở đâu nhiều người nói rằng trở nên giàu có lại quan trọng như ở Việt Nam, nơi mà tỷ lệ này là 76%. Mặc dù Việt Nam tự gọi mình là một nước xã hội chủ nghĩa, nhưng cách nghĩ của người dân ở đây phù hợp hơn với chủ nghĩa tư bản.

Ngô Mạnh Hùng

(Theo Rainer Zitelmann)

Tuesday, September 27, 2022

Tại sao VN: Về những cái ngoại lệ (cái nước mình nó thế)

 Vì sao không có sản phẩm khoa học công nghệ, 

    1. Có một số lý do trực tiếp: a) Năng lực tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ứng dụng,  b) Nhận thức, đánh giá sản phẩm (coi mấy ông shark thì biết, cứ KHCN là các ông ôm đít chạy, mấy thứ thịt chua, cơm lam, quán cà phê thì lao vào) c. Văn hóa khởi nghiệp d) Hệ sinh thái chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên đều không phải là lý do chính. Bởi lẽ hễ có thị trường, tiền thì kém mấy cũng ngóc dần lên được chứ không đến nỗi èo ọt thế này. 

    2. Lý do sâu xa là thực tế không có thị trường. Nhà nước cũng chỉ nói là sẽ đặt hàng, doanh nghiệp lớn cũng nói muốn làm nọ làm kia "nhu cầu xã hội lớn". Họ nói như vẹt, đều vì chính trị và truyền thông cả. "Lớn" là bao nhiêu, tôi đố họ đưa ra con số có sở cứ. Nhà nước cần quái gì khoa học công nghệ ngoài thành tích và lý do biện minh cho tiêu ngân sách. Ứng dụng CNTT phần lớn là giải ngân. Làm mấy Web service thì cần gì công nghệ, đừng nói khoa học. Doanh nghiệp ông nào cũng nói cần, nhưng thực ra họ không cần KHCN. 

     3. Mà điều đó cũng đúng thôi, doanh nghiệp cần nhất là kiếm tiền. Ở VN các doanh nghiệp đều muốn kiếm tiền nhanh, thu tiền về, xóa dấu vết sạch sẽ để làm quả khác. Nếu vậy thì cần gì sản phẩm KHCN. Ứng dụng KHCN là để kéo dài chu kỳ tăng trưởng, chỉ thích hợp với các mô hình kinh doanh đầu tư vào chất lượng sản phẩm, có lượng khách hàng trung thành, tin tưởng vào thương hiệu. Ở Việt Nam một mô hình kinh doanh thu hồi vốn 5-7 năm, tăng trưởng 20%, các đại gia không ai quan tâm. Bởi vì có nhiều trò ăn nhanh hơn. 

    4. Muốn có sản phẩm khoa học công nghệ trước hết thì phải tác động vào 2 thứ: i) Phát triển Thị trường IP ii) Động lực ứng dụng. Nói cho cùng động lực là cái căn nguyên sâu xa. Khi nào vẫn có những thứ "lướt sóng", "siêu lợi nhuận", không ai cần KHCN. KHCN sẽ lên ngôi khi các nhà đầu tư quan tâm tới các mô hình kinh doanh 7 năm thu hồi vốn, tăng trưởng 15% liên tục trong 7-10 năm, chứ không nói chuyện tăng trưởng 30-50% như hiện nay một cách dễ dàng.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Monday, September 26, 2022

Nước chảy đá mòn...

Người ta bảo: nước chảy đá mòn.

Nhưng 1 giọt nước thì chẳng thành dòng được, dù nó có thể làm tràn ly.

Sunday, September 25, 2022

Những nạn nhân của người TQ

 Đọc một bài viết quá buồn, khi vấn nạn nô lệ vẫn còn bao vây người Việt.

------------------------------------------------------------

“Xin chào anh. Tôi đến từ công ty Vietlott. Tôi thông báo anh trúng thưởng một giải đặc biệt. Xin làm theo các bước sau…”

Tuần trước, mình nhận cuộc điện thoại với lời nhắn như trên. Đầu bên kia, một giọng nữ, chừng 18 tuổi.

Mình nhận ra, trong lúc mình đang ngồi tự do, thong thả uống cà phê thì người đang cố tìm cách gọi để lừa đảo mình đang bị nhốt vào một khu phức hợp ở Campuchia.

Khi kết thúc cuộc gọi này nếu không lừa được mình sớm muốn gì bị chích điện hoặc bị đánh cho tàn phế.

Mình không thể nói trực tiếp rằng em đang gặp nguy hiểm. Vì tất cả cuộc gọi đều được theo dõi từ hệ thống máy chủ do người Trung Quốc quản lý. Họ sẽ nhận diện ra những từ khoá có ý định trốn thoát qua giọng nói. Mình chỉ có thể gửi thông điệp nhỏ, vài cụm từ đơn giản: “Em ổn không? Em không cần trả lời câu hỏi của anh. Anh sẽ tắt máy. Hãy giữ liên lạc”.

Cô bé im lặng 5 giây rồi chủ động tắt máy. Đêm hôm sau, mình nhận tin nhắn qua ứng dụng Telegram. “Chú ơi. Bạn cháu đánh gãy tay nghĩ quẫn đã nhảy lầu. Cuối tháng này cháu không lừa được ai thì cũng bị đánh như vậy. Số điện thoại mẹ cháu 09.. chú gọi giúp dùm”.

Định vị cô bé gửi cho mình, đó là khu phức hợp Chinatown (Phố Tàu) tại đặc khu kinh tế Sihanoukville (Campuchia).

Nơi đây, mình đã từng đặt chân đến vào hồi tháng 6-2022. Ở đó, là tổ hợp gồm 20 toà nhà bao bọc bởi tường rào 4m, quấn thép gai. Xung quanh bảo vệ luôn đi tuần tra và trang bị nhiều thiết bị gây sát thương. Bên trong có chừng 5.000 người bị giam giữ làm nô lệ lao động, phần lớn đến từ Việt Nam, Laos, Thailand, Myanmar và Sri Lanka.

Ước tính, mỗi ngày từ 200-500 người Việt bị đẩy vào đây. Số khác đưa đi khu phức hợp khác vì không làm ra tiền. Họ sẽ đẩy đi ra các hòn đảo gần cụm Koh Rong Samloem hoặc đi vùng Tam Giác Vàng, biên giới Thái Lan. Khi đến nơi đây đồng nghĩa việc làm cho đến ngày không còn hơi thở nữa và mất tích một cách bí ẩn. 

Cũng tại nơi này mình đã đưa 3 thi thể về Việt Nam. Việc đưa về chỉ có thể nhờ hỗ trợ từ những mối quan hệ đặc biệt và khó có thể nhờ đến chính quyền sở tại (Câu chuyện này rất dài và nhạy cảm, xin không tiện nói ra).

Trong số 3 nạn nhân bỏ mạng ấy, 2 người bị đánh thuốc mê, một trường hợp vì thương ba mẹ bệnh đau mà nhắm mắt làm liều. 

Mình thực hiện thống kê nhỏ, trong 56 nạn nhân bị bán Campuchia mình có dịp tiếp xúc và đưa về Việt Nam có những con số giật mình. Gồm: 70% nạn nhân bị lừa qua Campuchia đều không biết sang Campuchia. Họ bị người thân dụ dỗ lên Bình Dương, Tây Ninh làm việc và sau buổi uống nước bị đánh thuốc mê; 80% nạn nhân xuất phát từ hoàn cảnh gia đình ba mẹ ly dị; 95% học hành chưa qua tốt nghiệp phổ thông...

Một câu chuyện cụ thể. Uyên (17 tuổi, quê Đắk Lắk) bị bán sang Campuchia rồi đẩy qua Thái Lan chuyển đi Philippines. Em giao chỉ tiêu mỗi ngày phải lừa đảo 60 triệu đồng. Đến giờ cơm không đạt doanh số phải uống nước cầm hơi.

Ngày em trở về xương hàm dưới bị lệch, tay chân em chi chít vết thương. Điều kiến em ám ảnh nhất khi chứng kiến 2 người bạn của mình bị rời bỏ cuộc sống này. Một trường hợp không nghe lời từ quản lý Trung Quốc họ đã sẵn sàng nả súng trước mặt. Trường hợp khác, sau khi nói lời từ biệt đã nhảy từ tầng lầu cao xuống nền đất. Đến giờ Uyên không biết thi thể bạn mình đang nằm ở đâu trong cánh rừng ở biên giới Campuchia – Thái Lan. 

Tờ The Sydney Morning Herald (Úc) họ thực hiện cuộc điều tra và nhận thấy có 40 khu phức hợp do người Trung Quốc điều hành tại Campuchia. Trên 30.000 người bị cưỡng bức, trong đó phần lớn người Việt Nam.

Những nạn nhân ấy ngày ngày đang tìm kiếm chúng ta để trở thành nạn nhân lừa đảo. Họ phải đối mặt hai việc, lừa đảo để tồn tại hoặc ngược lại. Họ gọi điện, nhắn tin với chúng ta với nhiều thông điệp để moi tiền và trong tâm trí họ luôn muốn gửi một thông điệp S0S. Nhưng không thể nào nói ra.

From FB Phong Bụi.

Saturday, September 24, 2022

Tại sao VN?

 CÓ MỘT TỘC VIỆT, RẤT KHÁC!

"Không thể xử lý sự xuống cấp đạo đức vì thiếu kinh phí" là lời của Bộ trưởng (đồng hương tôi ) phát biểu trước Quốc hội. Cho thấy sự ngu ngốc và bất lực của người làm văn hoá! Chế tài xử phạt chỉ là bề nổi của tảng băng. Dù chua chát nhưng phải thừa nhận là văn hoá, đạo đức người Việt đang "phát triển" hỗn loạn. Xã hội đánh mất niềm tin vào nhau.

   Các công trình “tâm linh” khủng; “lễ hội truyền thống” phát triển như vũ bão cả về diện, lượng và quy mô nhưng tâm tính con người thì càng ác độc hơn. Họ tìm đến chùa chiền cúng lễ để tìm sự tha thứ, tìm sự cảm thông từ những thế lực siêu nhiên nào đó được gọi là "bề trên" - người có thể nhìn thấy được mọi điều trong cuộc sống. Cúng lễ đã trở thành thói quen của cả một dân tộc. Từ quan đến dân, từ giàu đến nghèo, từ cao sang đến bần tiện đều chăm cúng lễ đến mức tất cả mọi việc đều không thể không cúng lễ, mù quáng, dị đoan thậm chí đôi khi, từ thầy đến tín chủ chỉ biết là phải cúng, phải lễ mọi việc mới xuôi.

   Một bộ phận không nhỏ người Việt bán thực phẩm bẩn, hãm hại đồng bào chỉ vì vài đồng lợi. Người ta sẵn sàng bơm tạp chất vào thịt lợn, tắm rau bằng nhớt, bán chân gà thối, cà phê hóa chất… Họ bức hại người khác bất chấp để làm giàu. Nhưng, người bán thịt lợn có lúc sẽ ăn chân gà thối, người bán rau nhớt lại phải uống cà phê hóa chất. Oan oan tương báo, tự bức hại lẫn nhau. Sự độc ác của con người đang khiến bữa ăn thành nguồn bệnh, từ thành phố đến thôn quê. Cái ác trỗi dậy, vì người Việt dần đánh mất nền tảng chung; niềm tin trở nên hiếm hoi, chỉ duy trì với những nhóm nhỏ mà mình gắn bó suốt tuổi thơ, cùng nhau trưởng thành

   Dưới mắt bạn bè, người Việt bị xem là những kẻ độc ác với đồng loại. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt: hàng ngàn vụ đánh, chém nhau trong dịp lễ Tết, thay vì được đầm ấm bên gia đình. Những người nông dân "chân chất" vẫn phun hóa chất vào rau, trái để bán cho khách hàng trong khi vẫn trồng một khoảnh rau, trái khác để ăn; người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm trước khi mang ra chợ. Những thương hiệu hàng đầu, sành điệu bị bóc mẽ chỉ là hàng Tàu làm nhái, sự trơ trẽn cực điểm khi nhà QL nói họ không dối lừa khách hàng, chỉ lột nhãn mác vì sợ khách hàng mặc sẽ bị ngứa!. Đất nước như đang vào một cuộc nội chiến không tên gọi. Cuộc chiến mà kết cục không có người nào thắng, chỉ có người thua cuộc. Một dân tộc bị ngộ độc tư duy, trở nên biến dị lạ thường. Họ không còn niềm tin trên chính quê hương mình, ngoại trừ những kẻ vẫn đang được đặc quyền để nạo vét đất nước, đồng bào mình. Khi ôm đủ những đồng tiền đầy máu và rũ bỏ sự hiền lương, họ sẽ rời khỏi đất nước không nuối tiếc. Số đông còn lại sẽ không có một cơ hội để ra đi nhưng ít ra, họ tự an ủi rằng họ có thể tồn tại ở một thế giới mà niềm tin là thứ ngày càng trở nên quá xa xỉ. Nơi mà con người ta chào nhau bằng những ánh mắt nghi kỵ thay vì vồn vả..

   Người Việt giờ đây thích phô trương, thể hiện sức mạnh, đẳng cấp hào nhoáng bên ngoài; học đòi theo những hình mẫu khác và đánh mất dần nét đẹp thật sự của mình là sự thiện lương.

   Cái ác của người Việt trong cuộc sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống được. Nó được tạo nên bởi sự dốt nát, sự sợ hãi, sự nghị kỵ, vô cảm, mục ruỗng niềm tin và phân hoá. 

  Vấn đề lớn nhất của VN nằm ở Con Người, ở chính chúng ta:

- Chúng ta là một dân tộc bị chia rẽ bởi định kiến, vùng miền, ý thức hệ, dễ dàng nổi xung chửi bới, nói xấu lẫn nhau.

- Chúng ta lười lao động, làm cho xong việc và hầu hết không thực sự không yêu mến, say mê công việc mình đang làm. Sống a dua, bầy đàn, nịnh trên đạp dưới.

- Chúng ta thiếu kỷ luật, thiếu tôn trọng người khác nơi công cộng và cả trong mọi khía cạnh đời sống. Nhiều người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, tiết kiệm từng giây để đến quán cafe ngồi đồng cả tiếng hay buổi nhậu thâu đêm. 

- Chúng ta ồn ào, thích thể hiện "tiếng nói" ở chỗ đông người; xả rác bừa bãi, không giữ vệ sinh chung.

- Chúng ta lười học, lười biết thêm kiến thức, thiếu lòng say mê háo hức với kiến thức.

- Chúng ta dần trở nên vô cảm với cộng đồng; thiếu lòng nhân ái, suy nghĩ cao thượng và sự nhạy cảm của nhân tính, sự sẻ chia.

- Chúng ta không có tinh thần dân tộc thực sự, không được giáo dục tốt về niềm kiêu hãnh quốc gia. Hầu hết người Việt chỉ lo cái lợi nhỏ của cá nhân mình, thu gom về mình nhiều lợi ích nhất có thể, những vấn đề chung như môi trường, tự tôn quốc gia, phát triển bền vững… ta đều gật gù cho có hoặc mắc cười nhất là “tôi không quan tâm đến chính trị”.

- Đọc báo thấy cuộc chiến chống tham nhũng, chúng ta sung sướng lắm, nhiều người nói bắt bọn nó càng nhiều càng tốt… Ta thấy rõ người dân ghét quan chức, không tin họ vì cho rằng, quan chức chỉ chăm chăm làm sao mình và phe cánh nhiều quyền, nhiều tiền, nhiều ảnh hưởng hơn. Những vấn đề quốc gia hùng cường, nhân dân no ấm đa số trên băng rôn hô khẩu hiệu treo đầy đường.

- Giáo dục nát bét khỏi bàn và liệt kê: Dạy học sinh sự sáo rỗng, giáo điều, nhồi nhét không khuyến khích các em tự tư duy, những phong trào thi đua càng làm hỏng bét và băng hoại nhân cách. Những bài học đạo đức sáo rỗng chung chung, kiến thức thì tụt hậu. Chúng ta không ưu tiên dạy học sinh THÀNH NHÂN TRƯỚC KHI THÀNH TÀI. Chúng không được khuyến khích về lòng TRẮC ẨN, LƯƠNG TÂM VÀ SỰ CÔNG CHÍNH. Trong mắt chúng là XH mạnh được yếu thua, kẻ yếu bị bạo hành, bắt chịu sự lăng nhục.

- Chúng ta nhìn đâu cũng thấy những nguy cơ và lúc nào cũng thấy sợ hãi. Chúng ta luôn nói dối lẫn nhau để cuộc sống dễ dàng hơn: con nói dối cha mẹ, chồng nói dối vợ, đồng nghiệp nói dối nhau; lãnh đạo dối dân… tất cả đều giả dối theo một cách nào đó. Chúng ta ít khi dám đứng trước một ai đó và nói thẳng suy nghĩ của mình.

- Sự hèn mọn, nhu nhược, đạo đức giả, tham lam, vô cảm, thiếu ý thức… đang ăn sâu và ăn mòn vào bộ gen của người Việt. Nó tạo nên những con người dù là Dân hay Quan đều kém chất lượng.

- Chúng ta có lẽ chỉ đoàn kết trong ...cổ động bóng đá và khi đất nước bị ngoại bang xâm lược (chứ không phải gặm nhấm).

FB ĐINH VIỆT THÀNH

Thursday, September 22, 2022

Chuyện đi đường

Vẫn tại cây xăng ở ngã tư Phú Nhuận, tôi đang đổ xăng thì 1 chú shipper đâm bổ vào từ phía ngoài, ngay trước mũi xe của tôi, vì thấy trụ xăng nào cũng nhiều người đang chờ.

Tôi nói:

- Vô sai chỗ rồi!

Anh chàng đổ xăng cho tôi nhìn kẻ lì lợm vẫn ko hề nhúc nhích:

- Vào trong đi anh ơi!

Và nhắc tôi:

- Chú để tụi con nói.

- Cháu sợ đánh nhau à. Cho nó 1 nhát là xong!

- Úi giời, chú ghê thế!

- Chú ghê lắm, cháu ko biết à?

Wednesday, September 21, 2022

Đặt câu hỏi

 Câu hỏi? 

     1. Tôi tự nhận thấy mình là một người trí tuệ bình thường. Nhưng vốn hiểu biết về mọi mặt có thế nói hơn trung bình xã hội. Cũng không có gì là kiêu căng khi nói thế, vì sự thực là thế, không cần phải giả dối làm bộ khiêm tốn vì sợ đàm tiếu. Thiên hạ ghét người cố gắng để hơn trung bình, sợ phục những kẻ gặp may thành hơn trung bình, sao phải xoẳn. Và biết chút đỉnh cũng bình thường thôi, có phải apply giải thưởng, thi nâng bậc để có quyền lợi gì đâu mà phải tỏ vẻ phô trương. Suy nghĩ về một vấn đề 10 năm dĩ nhiên phải hơn người mới đọc 1-2 cuốn sách hay mới động não 10 phút. Có anh bạn tự ái khi tôi nói thế. Nhưng như vậy là không công bằng. Người tìm hiểu 10 năm nói chuyện bình đẳng với người động não 10 phút, chỉ hơn người mới đọc 1-2 cuốn sách một chút và nếu có thành thực nói ra chỗ hơn về hiểu biết của mình, thiết tưởng đã quá khiêm tốn.

     2. Tôi cũng không phải là một con mọt sách, sáng đến tối vùi đầu đọc sách. Đã đành là tôi thích đọc, đọc rất nhanh, nhưng rất nhiều sách tôi chỉ lướt qua, không thể nói là đọc, nhưng vẫn nắm được vấn đề, đủ sức liên hệ với rất nhiều vấn đề khác. Tôi rất thích chuyện gẫu với nhiều loại người khác nhau. Hỏi tỉ mẩn, những chuyện họ giỏi hơn tôi. Trong đời thường ít khi tôi nói chuyện về chuyên môn hoặc những thứ tôi biết sâu, mà thích nói những chuyện mà người đối diện biết sâu. Nói chuyện với những người như thế thực sung sướng, vì sau đó ta biết đọc gì và đọc thế nào để nắm vững kiến thức, không phải vất vả vì bị kiến thức rổm làm hại. Đa số những người không phải không biết gì, có kiến thức hẳn hoi, nhưng vẫn suy luận ngô nghê, bởi có một khối lượng kiến thức ngộ nhận quá đồ sộ. Thanh toán ngộ nhận có khi còn quan trọng hơn việc tăng kiến thức, vì mật độ tri thức chuẩn mới có giá trị cho năng lực và nhân cách.

     3. Có lẽ nguyên nhân là tôi hay đặt câu hỏi. Tại mọi nơi tôi có mặt, tôi đều khơi mào cho các câu chuyện bằng các câu hỏi. Tất nhiên, có nhiều người bực mình, vì một số câu hỏi thách thức hiểu biết, thói quen và niềm tin. Nhưng nói chung là sôi nổi và vui vẻ. Có trường hợp có cô rất thích nói chuyện với tôi và nói tôi nói chuyện rất hiểu biết, thực tế tôi không nói gì, chỉ hỏi thôi, người cung cấp thông tin là cô ta. Điều tôi hiểu biết duy nhất chính là việc đặt câu hỏi. Trong giao tiếp, người nói chuyện lý thú nhất không phải là người nói những thông tin lý thú mà là đặt những câu hỏi trúng đích và gợi mở. Cơ quan tôi có một anh chàng, chuyên nói những vấn đề rất có nghĩa lý, hơn bách khoa toàn thư, kiểu trên thông thiên văn dưới tường địa lý, nhưng nghe như tự kỷ hoặc hâm, có lẽ vì không bắt đầu bằng các câu hỏi mà mọi người quan tâm. Hỏi cũng là động lực để đọc hiệu quả hơn.

     4. Cách đây chừng 4-5 năm, nhân xem một phim viễn tưởng về dạy tiếng nói cho UFO, tôi đặt câu hỏi "Làm thế nào để dạy câu hỏi "tại sao" hay "làm thế nào"?" Các câu hỏi "Là ai? Là cái gì? Khi nào?" đều rất đơn giản. Lặp đi lặp lại các mệnh đề là  UFO hay trẻ em đều học được. Tuy nhiên để diễn tả câu hỏi "tại sao" (chưa nói "làm thế nào") để người ta có thể trả lời (chưa nói trả lời đúng) khá khó khăn. Theo dõi một đứa bé để ghi nhận xem câu hỏi "tại sao" đến lần đầu khi nào, trong hoàn cảnh nào là một chuyện rất thú vị và bổ ích. Nhưng sau tôi tình cờ phát hiện ra, có thể dạy trẻ (hoặc UFO) câu hỏi "tại sao". Thực ra rất đơn giản, nhưng tôi phát hiện ra được là phải nhờ vào quan sát, chứ không thể tự suy luận. Mấu chốt ở chỗ mỗi câu hỏi "tại sao" đều gắn liền với hai mệnh đề. Chẳng hạn "Trời mưa" và "Các anh đá bóng" nếu lặp đi lặp lại trong những hoàn cảnh "mưa" và  "không mưa" vài lần có thể đặt câu hỏi "Tại sao các anh không đá bóng" và dạy câu trả lời "Các anh không đá bóng vì trời mưa". Học thuộc 2-3 câu hỏi "tại sao" và câu trả lời có liên từ VÌ, trẻ sẽ bắt đầu đặt các câu hỏi tại sao mới và trả lời tương đối chuẩn. Cũng có nhiều khi, trẻ lắp hai mệnh đề không ăn nhập vào nhau chẳng hạn "Mệt vì không có đồ chơi" hay "Tại sao thế nào thầy cũng không vừa lòng." Câu trả lời là "Thế bánh tao đâu". Vô lý nhưng rất hay xảy ra. Và suy cho cùng vẫn là có lý.

     5. Tôi rất thú vị với phát hiện này bởi trước kia tôi bắt buộc phải nghĩ là câu hỏi "tại sao" là built in hoặc a priori (tiên nghiệm), chẳng qua bị Tạo hóa khóa lại, đến lúc nào đó "đủ tuổi" nó sẽ tự động bật ra và vì thế không thể hoặc không cần dạy. Thực sự nó có thể dạy và con người đã được dạy một cách vô thức trong cuộc sống. Người thông minh là người may mắn biết đặt nhiều câu hỏi "tại sao" hơn người khác. Nếu như vậy, chúng ta có thể dạy để trẻ thông minh không cần đợi may mắn ngẫu nhiên.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Monday, September 19, 2022

Bệnh viện Vì Dân

 “CÔ BẢY MỸ THO...!” NĂM XƯA...!

(Đinh Trực sưu tầm)

Hình ảnh “cô Bảy Mỹ Tho” sang trọng, lịch lãm, quý phái là tên thường gọi thân quen của người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa...!

Bà sinh ra trong một gia đình nề nếp, mang nặng tư tưởng Nho giáo phong kiến, lễ nghĩa đạo đức gia phong luôn được coi trọng hàng đầu, nhất là việc đối nhân xử thế...!

Bà là Nguyễn Thị Mai Anh, sanh năm 1931 tại tỉnh Mỹ Tho (nay Tiền Giang). Là Phu nhân của ông Nguyễn Văn Thiệu.

Bà cũng là Đệ nhất Phu nhân của Chính thể Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975).

Khi còn trẻ, Bà cùng em mình lên Sài Gòn, xin làm trong một Viện Bào chế thuốc tây. Sau đó được Ông chủ hãng làm mai và quen biết với Ông Nguyễn Văn Thiệu, lúc đó Ông mới đeo lon Trung Úy.

Đến năm 1951 thì hai người làm lễ Thành hôn...!

Trong những năm chồng mình đạt đến đỉnh cao quyền lực, một Vị 😭 của miền Nam. Bà không bao giờ xen vào chính trị, mà chỉ toàn tâm toàn ý vào công việc từ thiện cho xã hội...!

Tuy không sắc sảo tài ba, thông minh xuất chúng như Bà Trần Lệ Xuân, Phu nhân Ngô Đình Nhu. Nhưng đổi lại, Bà có tánh tình nhân  hậu, tánh cách dịu dàng đằm thắm!

Những gì tốt đẹp nhất của người Phụ nữ Á Đông, đều có trong Bà...!

Với cương vị là Phu nhân 😭. Bà cảm thông và thấu hiểu được sự thiếu thốn của các cơ sở điều trị bịnh nhân. Bà đã nảy ra ý định phải thành lập một Bịnh viện tại Trung tâm Sài Gòn, để phục vụ đồng bào nghèo bớt đi đau khổ...!

Bà vận động, quyên góp tiền của, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đồng lòng hợp lực, cùng các Hội đồng từ thiện Quốc tế, đã được nhiệt tình giúp đỡ...!

Ngày 17-8-1970, bịnh viện chính thức khởi công xây dựng. Đến ngày 4-9-1971 thì hoàn thành...!

Ông N.V. Thiệu là người cắt băng khánh thành Bịnh viện. Được đặt tên là Bịnh viện Vì Dân (nay là Bịnh viện Thống Nhất).

Tuy là một Bịnh viện Tư, nhưng người dân không phải bỏ ra tiền để khám bịnh, không thu viện phí, không thu tiền khám, không thu tiền thuốc những loại thông dụng...

Miễn phí hoàn toàn tiền khám chữa bịnh cho dân nghèo...!

Bà là một người sống rất bình dị, bao dung, thương người như thể thể thân. Thùy mị đoan trang, một người mẹ, một người vợ tuyệt vời.

Rất xứng đáng là Mẫu nghi thiên hạ trong thời gian đã qua...!

Bà xứng đáng được kính nể và luôn được trân trọng với người nghèo với hai chữ “Biết Ơn...!”

Saturday, September 17, 2022

Người mang đúng danh là trí thức (ko phải trí ngủ)

Câu chuyện về vị Tiến sĩ bỏ đam mê kỹ thuật để trở thành 'con buôn'

Từng làm giáo sư ĐH Bách khoa Budapest lịch sử hơn 200 năm; công tác ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam... vậy mà cuộc đời lại dẫn dắt ông sang một hướng khác: Đi làm "con buôn".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Tranh: Hoàng Tường

Tôi tự hào vì đã trải qua khá nhiều thất bại” - Đó đích thực là một câu nói rất... Nguyễn Quang A - cái tên khá quen thuộc trong giới doanh nhân, học giả và bạn đọc. 

Họ biết đến ông không phải với tư cách là một kỹ sư, một doanh nhân, như đáng ra phải thế, mà là với tư cách một dịch giả, một nhà báo với những cuốn sách và bài viết khá ấn tượng. Thế giới phẳng, Bằng sức mạnh tư duy, Sự bí ẩn của tư bản, Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử, Xã hội mở và những kẻ thù của nó... Đó chỉ là một số trong gần 20 cuốn sách ông đã dịch. Có thể nói thuật ngữ "thế giới phẳng" chỉ xuất hiện một cách phổ biến ở nước ta hiện nay sau khi cuốn The World Is Flat của Thomas L. Freedman được ông chuyển ngữ và cho xuất bản năm 2005. Còn các bài viết của ông trên các báo, các trang mạng bao giờ cũng lôi cuốn bạn đọc ngay từ cách đặt vấn đề rất trúng đến những phản biện đầy thuyết phục để đi đến việc giải quyết vấn đề một cách rốt ráo nhất, hiệu quả nhất.

Sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, năm 1965 ông được đi học tại Hungary ngành vô tuyến điện, rồi làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ cũng ở Hungary. Đã từng làm giáo sư Trường Đại học Bách khoa Budapest - một trường có lịch sử hơn 200 năm; kinh qua các công việc ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam... vậy mà cuộc đời lại dẫn dắt ông sang một hướng khác: Đi làm "con buôn" - theo đúng nghĩa, ông nói vậy. Và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu từ chỗ ông thôi làm các công việc kỹ thuật - niềm đam mê bấy lâu của mình - để trở thành "con buôn".

Năm 1987, sau khi làm luận án tiến sĩ khoa học, về nước tôi được phân vào làm ở Tổng cục Điện tử Việt Nam. Ở đó còn một ông tiến sĩ khoa học nữa, nội bộ cơ quan cũng có những bất ổn, bên nào cũng muốn kéo thêm người để "uýnh nhau", thế là tôi lảng. Đúng lúc đó có một anh bạn đang làm ở Sài Gòn rủ tôi vào làm một dự án về phần mềm tin học. Công việc đó nay gọi là thuê ngoài (outsourcing).

Thời năm 1989, thuật ngữ outsourcing chưa ra đời. Công việc cụ thể là hợp tác với một công ty ở bên Pháp để làm phần mềm thuê ngoài, do vậy có thể nói đó là công ty làm outsourcing đầu tiên ở Việt Nam, công ty có tên là Genpacific. Outsourcing tức là mình có người phát triển phần mềm, làm ra phần mềm ấy hay gia công phần mềm của người khác để cung cấp cho khách hàng của người thuê gia công, họ có khách hàng của họ (trong trường hợp này là khách hàng Pháp) - thực sự cũng chỉ là làm thuê thôi. Tôi thấy dự án cũng hay vì phù hợp với những kiến thức mình đã được học và quyết định bỏ Hà Nội vào Sài Gòn.

Hơn nữa, đây là một ý tưởng rất hay, đi trước thời đại (gọi là thế cũng được), vì ý tưởng làm outsourcing chỉ thực sự nở rộ sau năm 2000, khi có sự cố máy tính Y2K toàn cầu thì nhiều công ty Mỹ thuê các công ty Ấn Độ viết phần mềm khắc phục. Chúng tôi có khoảng 25 người lập trình rất giỏi, đại bộ phận là người trước kia làm ở Viện Kỹ thuật quân sự. Chúng tôi cũng "thuê" một người làm phần mềm của Banque Nationale de Paris về Việt Nam để tập huấn về những yêu cầu của khách hàng bên Pháp ra sao... Có thể nói 25 người này đều là những người rất giỏi và hiện đều là những người thành đạt. Thời gian đó, họ đã viết được những phần mềm phục vụ được những nhu cầu của khách hàng Pháp và châu Âu. Nhưng rất đáng tiếc, dự án đó thất bại hoàn toàn.

Tại sao, thưa ông?

Có thể nguyên nhân đầu tiên là chúng tôi hơi hão huyền vì không lường trước được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải: Làm thế nào để cung cấp dịch vụ đó cho bên Pháp, bằng cách nào, bằng phương tiện gì? Làm sao đưa được phần mềm và người sang để cài đặt? Hồi đó chưa có internet, điện thoại quốc tế thì vẫn còn lạc hậu. Để gọi một cú điện thoại sang Paris chúng tôi phải nhờ cô nhân viên bưu điện nối điện thoại, đợi có khi cả tiếng đồng hồ thì mới nói được nhưng với một chất lượng rất kém và giá "cắt cổ". Cũng có thể gửi người đi nhưng vô cùng tốn kém. 

Cũng có thể có cách khác là nhồi chương trình phần mềm vào băng từ rồi nhờ hàng không chuyển, nhưng cũng không thể làm theo cách này được, vì lúc đó mỗi tháng chỉ có hai chuyến Air France... Giá như chúng tôi phát hiện ra những khó khăn ấy sớm thì đã không làm cái việc ấy và chuyển sang làm việc khác từ lâu rồi...

Nhưng sau này, Genpacific vẫn "làm mưa làm gió" với thương hiệu máy tính Bull Micral đấy thôi...

Khi dự án phần mềm bị thất bại thì chúng tôi chuyển sang hướng làm phần cứng: Sản xuất máy vi tính. Chúng tôi làm một dây chuyền lắp ráp máy vi tính với đầy đủ quy trình, thiết bị nhập từ Pháp về tại nhà máy điện tử Bình Hòa, với công suất 4.000 máy tính/năm. 

Tất nhiên, lúc đó vẫn còn đang cấm vận, nên máy của chúng tôi làm ra được bán với giá rất đắt (khoảng 5.000-6.000 USD/chiếc) với cấu hình mà nói ra bây giờ thì "nực cười", bộ nhớ ổ đĩa là 8MB, RAM giỏi lắm là khoảng 256KB, tốc độ 8MHz. Bây giờ một máy tính vớ vẩn thì các chỉ số ấy cũng phải cao gấp ngàn lần.

"Trong cái rủi có cái may" - Xem chừng, câu cách ngôn này đặc biệt đúng đối với Genpacific...

Đúng thế, Genpacific là công ty liên doanh, vốn chủ yếu là từ Pháp và cũng chỉ là dưới dạng vật tư, thiết bị chứ có đồng tiền mặt nào đâu. Việt Nam có một văn phòng ở 258B Lê Văn Sỹ góp vào làm vốn. Anh em đầu tiên tham gia vào Genpacific rất đói, chúng tôi phải đi lắp ráp thuê đồng hồ điện tử, trong đó có cả Gimiko. 

Nhưng khi có dây chuyền lắp ráp máy tính nói trên, chúng tôi sản xuất cũng kha khá. Việc bán được hàng lại cũng bắt đầu từ chỗ "không may" của chúng tôi: Có một triển lãm điện tử ở Mông Cổ mà Chính phủ Việt Nam hứa sẽ tham dự, nhưng chắc nghĩ là chẳng có mối lợi gì từ một nước còn lạc hậu như thế nên chẳng đơn vị nào muốn đi, và thế là họ cử chúng tôi đi. 

Từ đó, chúng tôi đã sang Liên Xô tìm cách bán hàng. Thời đó, bức tường Berlin chưa sụp đổ nên việc bán máy tính sang Nga rất "trúng".

Và ông trở thành "con buôn" chuyên nghiệp nhờ thế?

Thực ra, mới đầu chúng tôi cũng chỉ là lấy công làm lãi trong một hợp đồng tay ba. Hợp đồng đầu tiên tôi ký với khách hàng Liên Xô trị giá 2,7 triệu USD, nhưng theo hình thức: mình giao máy cho Liên Xô, Liên Xô giao phân bón cho Pháp, Pháp lại giao linh kiện cho mình làm... Đại khái là tay ba như thế. 

Nhưng cuối cùng do đang đổi mới, Liên Xô không thể giao phân bón cho Pháp được. Nhưng hợp đồng thì đã ký nên cuối cùng phía họ phải tìm cách bù bằng một hợp đồng khác: Không phải hàng đổi hàng nữa mà là trả tiền mặt, mở LC đàng hoàng. Thế là từ một anh làm gia công, chúng tôi trở thành một người chủ bán hàng thực sự. Giá trị hợp đồng lúc đó không còn là 2,7 triệu USD nữa mà chỉ còn gần 2 triệu USD, nhưng được trả bằng tiền mặt.

Lúc đó Nga đang rất cần máy tính. Họ hỏi có lấy tiền rúp chuyển nhượng không? Chúng tôi chẳng biết đồng tiền ấy là gì vì không sờ mó được. Hóa ra, họ bán máy móc cho các công trường của Việt Nam ở Quảng Ninh, sông Đà, cầu Thăng Long... và Việt Nam trả lại bằng quần áo, giày dép, nông sản... gì gì đó, tất cả đều tính bằng đồng rúp chuyển nhượng ấy. Bây giờ họ muốn lấy bằng máy tính thì tuyệt quá rồi còn gì. Chúng tôi dùng đồng tiền rúp chuyển nhượng thu được từ việc bán máy tính, nhượng lại cho các ngân hàng để đổi lấy tiền mặt.

Đó có phải là quá trình dẫn dắt ông đến với một lĩnh vực mới: Ngân hàng?

Không. Năm 1993, tôi thôi ở Genpacific, mà nói thẳng ra là bị "đuổi" vì đã phạm một lỗi rất ấu trĩ. Hồi đó, Genpacific có rất nhiều tiền, nhưng về mặt nguyên tắc, không được dùng tiền đó để kinh doanh các lĩnh vực khác. Nhưng tôi đã ký hợp tác kinh doanh với một nhóm "đại gia" tự gọi nhau là G5 đang làm ăn với Liên Xô, cần vốn. Thực chất là cho vay tiền. 

Nhưng đến kỳ hạn, họ không thanh toán được, thế là tôi đối mặt với khả năng bị hội đồng quản trị "sờ" gáy. Sau khi được các đệ tử (cũng ở Liên Xô) chuyển tiền cho tôi hoàn trả công ty, tôi thoát khỏi việc bị "sờ gáy" và rời Genpacific ra Hà Nội làm. 

Lúc đó, cụ Hoàng Minh Thắng là Chủ tịch Liên minh Hội đồng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cụ cũng khởi xướng lập ra một ngân hàng gọi là Ngân hàng ngoài quốc doanh Việt Nam. Chúng tôi tham gia vào ngân hàng ấy như một sự tình cờ ngẫu nhiên.

Khi đó, ông có kiến thức đặc biệt gì về ngân hàng không?

Chẳng có kiến thức gì cả. Tất cả những người tham gia vào đó không ai có kiến thức gì về ngân hàng mà phần lớn là những người tạm cho là có thành công một ít ở những lĩnh vực khác và có thể nói là hơi hoắng. Lúc đó, chúng tôi nhờ ông Nguyễn Trọng Khánh, cũng đã từng làm ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cũng là tiến sĩ kinh tế ở Hungary về, làm tổng giám đốc. Nhưng đáng tiếc là một thời gian ngắn sau anh bị bệnh và mất. Sau đó, chúng tôi cũng thuê một số người ở các ngân hàng quốc doanh sang làm.

Lúc đó, ngân hàng Việt Nam cũng mới chuyển từ hệ thống một cấp sang hai cấp, nghĩa là manh nha có những ngân hàng thương mại. Nhưng phải nói thật họ đều là quan chức nhà nước chứ không có ai là "banker" cả. Họ làm cho chúng tôi một thời gian ngắn rồi cũng chẳng mấy hiệu quả. Hội đồng quản trị can thiệp quá sâu, họ có quyền cho đối tượng nào vay, nhưng phần lớn các đối tượng vay lại là các công ty hoặc của thành viên hội đồng quản trị, hoặc của người thân của hội đồng quản trị, đó là cái lỗi ấu trĩ không thể tưởng tượng được. Tất cả những yếu tố đó đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản: Vốn của VP Bank chỉ có 70 tỉ, trong khi đó, nợ trong nước là khoảng 700 tỉ mà phần lớn là khó đòi; bảo lãnh LC ở nước ngoài là 50 triệu USD.

Lúc đó, tôi cũng là thành viên của hội đồng quản trị nhưng là thành viên chỉ tham dự họp một năm đôi lần. Rồi tôi phải nhận nhiệm vụ bất đắc dĩ là làm chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng. Tất nhiên, trước đó và cả sau này tôi chưa bao giờ trực tiếp điều hành một ngân hàng nào cả và do đó phải đọc rất nhiều sách về ngân hàng. Sách của Hungary, của Anh... và cái quan trọng lúc ấy là mình phải kiếm người, thuê CEO. Chúng tôi tìm được anh Huỳnh Bửu Sơn, là người đã làm trong ngành ngân hàng từ trước 1975 ở Sài Gòn, được học bài bản về ngân hàng, có kinh nghiệm về ngân hàng thương mại, ra ngoài Hà Nội để làm tổng giám đốc. Anh Huỳnh Bửu Sơn đã có đóng góp đáng kể trong việc khôi phục lại VP Bank.

Bằng cách nào các ông thoát ra được?

Lúc đó tôi không bao giờ dám nói tôi là chủ tịch ngân hàng cả. Chủ nợ của chúng tôi lúc đó chủ yếu là các công ty Hàn Quốc, đơn kiện lên các cấp lãnh đạo ở ta như bươm bướm. Chúng tôi chỉ có kế hoãn binh là phải đàm phán với các chủ nợ, đồng thời lập dự án về việc giãn nợ trình lên Nhà nước và được sự đồng ý thì chúng tôi mới dần dần gỡ những khó khăn. 

Đến năm 2002 mới giải quyết xong cơ bản về nợ và quay trở lại với việc kinh doanh bình thường. Như vậy là cũng phải là mất năm, sáu năm. Qua năm sáu năm ấy, tôi học được rất, rất nhiều điều mà sách vở hay bất cứ một trường đại học nào đều không thể hướng dẫn đầy đủ cho mình được: Về tài chính, kinh tế, về những vấn đề ứng xử với các cơ quan nhà nước, với chủ nợ, với đủ mọi thứ... Và như thế, công việc cứ dần dần đẩy mình sang, bắt buộc mình phải quan tâm đến các vấn đề khác của cuộc sống như chính trị, xã hội.

Thật hư về câu chuyện ông đề nghị mua lại nợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Liên Xô?

Đấy là chuyện chẳng liên quan gì đến ngân hàng cả. Thực tế, khi vẫn còn Liên Xô, tôi đã đưa ra một phương án mua lại nợ của Chính phủ Việt Nam (khoảng mười mấy tỉ rúp với giá 600 triệu USD), và Chính phủ chỉ phải trả chúng tôi 300 triệu USD sau khi Liên Xô đã ký giấy và trao cho chúng tôi là Việt Nam không còn nợ họ xu nào và chúng tôi đã là chủ nợ mới của Việt Nam, 300 triệu USD còn lại trả mỗi năm 30 triệu trong 10 năm. 

Phương án được trình bày trước nhiều quan chức cấp cao của các bộ ngành được tổ chức ở Bộ Ngoại thương, mọi người đều nghĩ đó là một phương án hay nhưng không có ai quyết cả. Sau đó một số năm, sau khi Liên Xô tan rã, việc trả nợ đã được Nga và Việt Nam giải quyết trả một phần bằng USD, hình như hơn một tỉ USD, một phần bằng hàng hóa. 

Lúc đó tôi rất tiếc, vì giá như tôi đưa ra một phương án "mềm" hơn thì đó đã có thể là một vụ làm ăn rất có lợi cho chúng tôi, đồng thời cũng làm uy tín của Việt Nam với Liên Xô và Nga thật khác so với khi vẫn là con nợ của họ.

Ông từng thú nhận là trong lĩnh vực kinh doanh của mình, ông cũng mắc những "tật" rất phổ biến do thiếu chuyên nghiệp: Hão huyền, "hoắng", thậm chí là ấu trĩ do quá tự tin... Vậy, trong cuộc sống thì sao và nó có ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ xung quanh?

Trong đời kinh doanh, tôi gặp vô vàn thất bại, nhưng tôi không hề ngại những thất bại đó; trái lại, nhìn lại, tôi thấy đã học được rất nhiều vì đã trải qua những thất bại như thế. Tất nhiên, sau mỗi lần thất bại là buồn, nhưng quan trọng là phải biết nhìn trước, nhìn sau và nhìn lại mình, hay nói cách khác là tự kiểm duyệt mình. 

Tôi cũng là người luôn may mắn vì sau mỗi lần thất bại thì lại tìm được chính trong sự thất bại ấy một hướng đi mới, đầy khám phá, thử thách và vượt qua được. Trong cuộc sống, đôi khi ta phải biết trân trọng sự "hão huyền" hay "hoắng" mà mình có, bởi ở một góc độ nào đó nó thể hiện sự lãng mạn của tư duy. Không có sự lãng mạn thì cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt...

Ông cũng nói rằng hiện ông là con người hoàn toàn tự do, kiên quyết bỏ hết công việc kinh doanh và chỉ làm những công việc mình thích... Vậy việc ông thích làm nhất hiện nay là gì?

Dịch sách. Dịch là để học và chia sẻ. Đó cũng là đam mê của tôi. Những cuốn sách tôi dịch khá kén bạn đọc nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền tải kho tàng trí tuệ của nhân loại. 

Bản thân tôi cũng rất kén chọn khi dịch, có khi đọc đến hàng chục cuốn tôi mới chọn ra được một cuốn để dịch. Tất cả các sách tôi dịch đều có chung một chủ đề: Hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu. Tôi gọi đó là tủ sách SOS2 (có nghĩa là hệ điều hành xã hội): chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công, các lý thuyết, những cách tổ chức sao cho xã hội vận hành suôn sẻ.

Cuốn sách ông đang dịch hiện nay?

Why Nations Fail (Vì sao các quốc gia thất bại) của Daron Acemoglu và James A. Robinson. Đây là một cuốn sách lý thuyết cao siêu nhưng được viết một cách dung dị, dễ hiểu, sáng sủa với những ví dụ lịch sử sinh động từ cách mạng đồ đá mới, cho đến sự sụp đổ của đế chế La Mã, các thành bang Hy Lạp; cho đến Trung Quốc, Nam - Bắc Triều Tiên hiện nay... Tôi hy vọng bản điện tử sẽ hoàn tất vào tháng 6 tới.

Một người được coi là trí thức, theo quan niệm của ông?

Tôi thích cách định nghĩa của Friedrich August von Hayek (nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo, đã sống và viết ở Anh rồi sang Mỹ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974), về trí thức, đại ý: Trí thức là người bán đồ cũ về tư tưởng (của mình hoặc của người khác) cho những người khác. Và như thế, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà báo, những người làm chính trị, làm chính sách, học giả, nông dân... đều có thể coi là trí thức, nếu người đó bán "đồ cũ" là tư tưởng (của mình hay của người khác). 

Người lao động trí óc nhưng không truyền bá tư tưởng không là trí thức theo cách hiểu của Hayek. Hiểu theo nghĩa rất rộng đó thì sẽ có những trí thức tồi tệ, vụ lợi bên cạnh những trí thức luôn lấy mục tiêu truyền bá kiến thức cho cộng đồng làm mục đích.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Kim Anh (DNSG cuối tuần)

13-05-2012 

Thursday, September 15, 2022

Kỳ Huyệt Chữa Đau Lưng, Thoát Vị Đĩa Đệm

 Kỳ huyệt này thực ra thì không có tên, và mình học được nó thì cách đây rất lâu rồi, phải gần 10 năm trước, từ một người thầy chỉ dạy. Thực ra lúc ấy mình cũng không hiểu nguyên lý là tại sao nó chữa được đau lưng, mãi tới sau đấy một vài năm thì mình mới hiểu được lý do.

Về vị trí, thì huyệt nằm dưới khuỷu tay, gần với vị trí huyệt Thủ Tam Lý - như hình vẽ (lúc đau lưng, mọi người ấn vào sẽ thấy đau nhói thì chính là vị trí huyệt).

Nói về công dụng thì thực sự rất nhiều:

-Thứ nhất là một kỳ huyệt chuyên điều trị đau lưng. Hễ bệnh nhân bị đau lưng thì day ấn vào vị trí huyệt sẽ rất là đau. Lúc này chúng ta chỉ cần day một lúc thì lưng sẽ nhẹ. Huyệt này mình đã ứng dụng rất nhiều lần, lần nào cũng đem lại hiệu quả mỹ mãn.

-Thứ hai là huyệt này có thể điều trị đau đầu gối, nhất là đau vùng mặt bên của đầu gối (nơi kinh túc quyết âm và túc dương minh đi qua). Đau đầu gối ấn huyệt này và day thêm ngón chân cái thì cũng sẽ đỡ rất là nhanh.

-Thứ ba có thể trị đau vai tay ngay cục bộ.

-Thứ tư có thể kích thích tiêu hóa, điều hòa tỳ vị.

Cách thức day: ấn một lực xuống huyệt, vừa ấn vừa day. Ngày làm 3 lần, mỗi lần từ 3-5 phút.

Chúc mọi người áp dụng thành công.

Phan Vũ Bình (Chia sẻ kiến thức về sức khỏe)

Wednesday, September 14, 2022

Từ những vụ án và quyền bảo vệ đất đai

HAI VẤN ĐỀ NAN GIẢI SAU QUYẾT ĐỊNH ÂN GIẢM ÁN CHO ĐẶNG VĂN HIẾN 

1. TIN VUI CHƯA TRỌN VẸN

Hôm nay truyền thông đưa tin, Chủ tịch nước ký quyết định ân giảm từ án tử hình xuống án chung thân cho tử tù Đặng Văn Hiến.

Sau mấy năm không ngừng kêu oan, với sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức và công luận, cuối cùng Đặng Văn Hiến thoát án tử hình. Thoát án tử hình, là tin vui cho Đặng Văn Hiến và người thân, là "thành  tựu" khiêm tốn của những ai tham gia và lên tiếng bảo vệ công lý cho Đặng Văn Hiến. Nhưng đó là một tin vui chưa trọn vẹn, một "thành tựu" mặn chát đắng cay.

Toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng. Vì toàn vẹn lãnh thổ mà bao thế hệ người Việt Nam, đời nối đời, phải ngã xuống. Vì toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc Ukraine hiện đang cầm súng để giải phóng đất đai khỏi sự chiếm đóng của kẻ xâm lược.

Nhưng muốn có toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thì trước hết phải có toàn vẹn lãnh thổ gia đình. Vì toàn vẹn lãnh thổ gia đình mà Luật pháp Hoa Kỳ cho phép người dân quyền giữ súng và bắn bỏ bất cứ ai đến xâm chiếm đất đai bất hợp pháp. Quyền bất khả xâm phạm đất đai thiêng liêng đến mức, dù đã có bao nhiêu vụ nổ súng giết người, Luật pháp Mỹ vẫn bảo vệ quyền có súng của người dân.

Bảo vệ đất đai là thiêng liêng. Đặng Văn Hiến là người dám bảo vệ đất đai. Đặng Văn Hiến là người dám bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ gia đình. Án chung thân vẫn không công bằng đối với Đặng Văn Hiến.

2. HAI VẤN ĐỀ NAN GIẢI CẦN GIẢI 

1. Quyền sở hữu đất đai là thiêng liêng. Từ vụ án Đặng Văn Hiến, Đoàn Văn Vươn, Dương Nội, Thủ Thiêm, Đồng Tâm và hàng vạn vụ tranh chấp đất đai khác cho thấy sự bức thiết phải SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI để đảm bảo quyền TƯ HỮU ĐẤT ĐAI của người dân.

2. Từ  các vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Đặng Văn Hiến, Hồ Duy Hải… cùng hàng vạn vụ án oan khác, có tên và không tên, cho thấy sự cấp thiết phải CẢI CÁCH TƯ PHÁP để tiến đến nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP. Chỉ khi có nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP thì các vụ án oán mới thuyên giảm. Không có nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP án oan ngày một gia tăng.

TƯ HỮU ĐẤT ĐAI và TƯ PHÁP ĐỘC LẬP là hai vấn đề lớn không dễ giải trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Nhưng muốn cho đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc, thì nhất thiết phải đối mặt với TƯ HỮU ĐẤT ĐAI và TƯ PHÁP ĐỘC LẬP.

Nguyễn Ngọc Chu

Văn hóa tranh luận

 1. Có một sự thực đáng buồn là văn hóa tranh luận của người Việt rất kém. Đáng buồn không phải là việc hay nội dung tranh luận những vấn đề phần lớn là tào lao, vô bổ.  Đáng buồn ở chỗ cách thức diễn ra những cuộc tranh luận, phản ánh dân tộc ta không thể hình thành được một hệ thống giá trị, đồng thời tính duy lý của người Việt hoàn toàn vô vọng. 

      2. Mọi vấn đề của người Việt đều xuất phát từ việc không có hệ thống giá trị vững chắc. Nếu nói về trách nhiệm trực tiếp, đó chính là nhiệm vụ của khoa học xã hội. Đáng lý, các nhà khoa học xã hội không nên tham vọng viển vông về "lý luận trung ương" để "tư vấn cho lãnh đạo đất nước" "về những vấn đề lớn của đất nước". Chúng ta hay nói về việc người Việt sính ngoại, chuộng hư danh, bằng cấp,  nạn mạo nhận, thiếu liêm chính, đánh giá vấn đề gì cũng phải tiêu chuẩn định lượng một cách kệch cỡm... đều là hệ quả của hệ thống giá trị èo uột, nếu quả là có một chút gì. Nếu suy nghĩ một chút, không có hệ thống giá trị, con người sẽ không tự giác, chỉ cần dấu mặt là đái bậy, khạc nhổ lung tung theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Không có hệ thống giá trị, con người sẽ trở nên hung hãn trong tranh luận, vốn là chìa khóa để nhận thức ra chân lý. Hung hãn vô lối suy cho cùng là do thiếu dũng cảm đối diện với khả năng mình có thể sai. Mà rõ ràng cái sai đang nhiều hơn cái đúng, bởi nó đang nhan nhản nằm sát với mỗi người mà ta cứ cố cho rằng đó là việc của hàng xóm. 

       3. Người Việt có văn hóa đổi lỗi. Nếu trước đây lên tiếng phê phán lãnh đạo các cấp là một hành động dũng cảm. Ngày nay, phê bình, nói đúng ra đổ lỗi lung tung hoàn toàn an toàn, chỉ để ra vẻ ưu thời mẫn thế một cách rẻ tiền. Đổ lỗi cho những người đã chết ngoài nửa thế kỷ, đổ lỗi vì những chuyện vớ vấn dễ làm mà không ai xắn tay lên làm. Những thói thủ cựu bảo thủ thì đổ tội ngay cho ... người Trung Quốc. Việc ôm lấy chữ Lễ của Khổng Mạnh, Tống Nho là do chính chúng ta, người Trung Quốc ngày nay đã từng đoạn tuyệt và xỉ vả từ rất sớm. Văn hóa đổ lỗi cũng là do không có hệ thống giá trị. 

      4. Nói thì dễ, làm thì khó. Bổ sung hay điều chỉnh các giá trị mới hay tiên tiến là một việc rất bình thường, khi hệ thống giá trị đã tồn tại. Nếu hệ thống giá trị chưa có, bắt thêm bớt, điều chỉnh khác nào bắt anh mù tìm kim hay anh què nhảy tango. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng trước tiên người Việt phải duy lý. Và muốn duy lý thì phải học hỏi, rèn luyện qua tranh luận. Tranh luận để mạt sát lẫn nhau, để quyết thắng như chúng ta vẫn thấy, tức là thiếu duy lý. 

     5. Muốn có tính duy lý, chúng ta phải tăng cường các cuộc tranh luận tuân thủ một số khế ước văn minh và qua việc học các khế ước đó, chúng ta sẽ trở nên bớt hoang dại. Cách đây 20 năm, mới trở về nước, tôi đã sửng sốt với việc đạo văn "hồn nhiên" của cấp dưới. Cấp dưới cũng sửng sốt tại sao tôi lại coi đó là vấn đề nặng nề, khi không có cháy nhà, chết người, hiếp dâm, cướp tiền. Đến nỗi tôi chỉ yêu cầu chỉnh sửa và tha bổng.  Đó là một việc ngày nay có thể xã hội đã nhận ra là xấu xa.  Tuy nhiên còn nhan nhản những biểu hiện hồn nhiên trong thảo luận như "anh nói đúng", "anh nói sai", "anh nói thế chưa đúng lắm",... chúng ta không để ý đó là một kiểu thiếu tôn trọng người đối diện, thậm chí người nghe, khi chúng ta tự đặt mình vào vị thế độc quyền chân lý, có thể phán xét đúng sai. Nếu vậy thì không cần tranh luận, và tất nhiên tranh luận như thế thì có tác dụng ngang nói chuyện với... đầu gối. Chúng ta hãy xem người nước ngoài tranh luận để tập nói "tôi nghĩ rằng", "theo tôi được biết thì", "tại sao chúng ta không thử nghĩ", "hãy giả thiết",...   

     6. Đó là chuẩn mực của tranh luận. Có lẽ chính vì thế tranh luận của chúng ta không mang lại lợi ích nào cả. Đáng ra tranh luận là để hai bên cùng học hỏi đi đến chân lý, thì người Việt thường dồn cuộc tranh luận vào ngõ cụt bằng cách dán nhãn cho người tranh luận về đạo đức và năng lực trí tuệ, mà chúng ta hồn nhiên không để ý rằng liệu ta có tư cách đó chưa. Tranh luận trước tiên phải dựa trên giả thiết bình đẳng về chân lý. Nếu chúng ta thấy có chênh lệch và vô bổ phải kiên quyết không tranh luận. Nếu không chúng ta sẽ lại phải hạ yêu cầu tranh luận để trở thành quyết định thắng thua. Thực tế, đó là một thái độ thiếu dũng cảm, lười suy nghĩ. 

      7. Bệnh nặng có lẽ uống thuốc cũng phải từ từ, bồi bổ trước khi công phạt. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng một bàn tròn tranh luận những vấn đề hiền lành. Chúng ta hãy học cách bảo vệ quan điểm một cách kiên quyết, có luận lý, có tư duy và có văn hóa. Biết đâu điều đó làm số phận của tất cả chúng ta khá hơn mà không cần đổ vấy cho những người đã chết, những khái niệm trừu tượng và ... người Trung Quốc.

    8. Tôi không có tham vọng thay đổi thế hệ lớn tuổi đã thành tập tính, cũng không thừa thời gian đánh nhau với cối xay gió vì có nhiều việc phải làm. Có điều rõ ràng chúng ta phải làm một cái gì đó để lớp trẻ biết tranh luận, vì tương lai của chúng không đáng phải bị di sản của chúng ta đè nát.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Monday, September 12, 2022

Đất và quyền sử dụng

 Sáng tạo nhất mọi thời đại.

Thửa đất mua từ thời đế quốc phong kiến. Trưởng bạ thời ấy ghi là thổ cư. Nhà nước đế quốc phong kiến ghi vào bản đồ.

Hiến pháp 1980 quy định quốc gia công thổ. Đất tổ tiên mua trở thành đất nhà nước XHCN cho ở nhờ. Nhà nước không cần vào việc khác thì cho ở dài, cần thì lấy lại bất kỳ lúc nào.

Nhà nước ban hành luật. Dù tổ tiên mua cả mẫu đất thổ cư thì nhà nước cho ở nhờ, nông thôn cũng chỉ 180 mét vuông. Phần còn lại ghi là đất vườn liền kề.

Dân muốn xây nhà cho con cháu, muốn làm thêm chỗ ở lại nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất vườn liền kề thành thổ cư. Không cần xây nhà, muốn chuyển thành thổ cư cũng được. Miễn là nộp tiền.

Tàn bạo hơn, dù có luật rồi, nhà nước bán đất theo giá thổ cư, thu tiền đất ở. Nhưng khi làm giấy tờ, diện tích ngoài 180 mét vuông vẫn ghi là đất vườn liền kề. Nay muốn chuyển sang đất ở, nộp tiền lần nữa.

Chả cần nghĩ cách sử dụng đất làm ra vật chất, chỉ cần nghĩ cách "xoay" tiền trong túi dân. 

Một thửa đất, vẫn là thửa đất ấy, muốn nhà nước trả nó về công năng vốn đã, dân phải trả bộn tiền.

Khôn thế!

(copy từ FB-Trần Càn Nguyên)

Thời kỳ của những đại biến động bi thảm

 20 năm trước: CÂU TRẢ LỜI CỦA NGƯỜI NGA

Nguyễn Hoàng Linh: Andrey Piontkovsky (1940-) là một nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng người Nga, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Moscow. Bài viết sau đây của ông, được viết và đăng tải trên tờ “The Russia Journal” ngay sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan tấn công New York và Washington ngày 11/9/2001, phân tích phản ứng của nước Nga trước sự kiện nổi bật này.

20 năm trôi qua, căn cứ và những sự kiện xảy ra trong một thập niên trở lại đây, góc nhìn của Andrey Piontkovsky về nước Nga của Putin - “nước Nga đã tự giải phóng mình khỏi ách nô dịch của những chủ thuyết đã lỗi thời và bắt đầu thấu hiểu những thực tế mới” - có vẻ quá lạc quan...

*

Theo ý nghĩa chính trị, thế kỷ 20 bắt đầu vào năm 1914. Trong năm ấy, đã đắm chìm con thuyền Titanic chính trị của nền văn minh Châu Âu, đứa con của Trào lưu Khai sáng, của Đại cách mạng Pháp, hay nói đúng hơn, đứa con của làn sóng thứ nhất của sự phát triển khoa học và kỹ thuật.

Thế giới sửng sốt và bàng hoàng, buộc phải bừng tỉnh rằng đường biên ngăn cắt văn minh với hỗn loạn, với sự căm thù, với bạo lực và cái chết, mới mỏng manh làm sao! Mùa hè 1914, ông của tôi, một giáo sư Đại học Saint Petersburg, đi nghỉ ở Karlsbad (*). Tháng 8-1914, ông bị cảnh sát Áo giam giữ rồi tống trở lại Nga. Ông qua đời vào mùa Giáng sinh 1915, không hẳn do những khổ ải mà ông phải trải qua trong thời gian bị tù đày, mà bởi ông không thể chịu nổi khi phải chứng kiến từ đầu đến cuối sự sụp đổ của thế giới và bảng giá trị mà ông vẫn tôn thờ.

Đối với ông tôi, một người châu Âu trong tâm tưởng, thế chiến là một đại thảm họa siêu hình, đồng nghĩa với sự phá hoại nền văn minh mà nước Nga cũng chiếm một phần trong đó. Nhưng may mắn thay, ông không phải chứng kiến những năm 1917, 1933 hay 1939. Sự bùng nổ của năm 1914 làm trỗi dậy những đợt sóng chỉ lặng dần vào năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ. Đây là kết cục của thế kỷ 20, theo ý nghĩa chính trị.

Một số người - theo chân giáo sư Francis Fukuyama - đã dấn đến một bước trong suy nghĩ: lịch sử đã chấm dứt.

Ngày 11/9 mở đầu cho một thế kỷ chính trị bằng một tai họa mà chúng ta có thể so sánh với cảnh binh đao khói lửa tháng 8/1914. Nhất là vì lần này, chúng ta lại được thấy nền văn minh hiện đại - và còn sành sỏi hơn nữa trong nghĩa kỹ thuật - mới mỏng manh làm sao.

Thế giới có thể bắt gặp bộ mặt kinh hoàng của cuộc chiến mới, chưa hề tồn tại trong thế kỷ trước. Trong cuộc chiến này, kẻ thù luôn vô hình và ẩn danh, chúng có mặt ở mọi nơi và lại không hiện diện ở bất cứ nơi nào. Ngay cả quân đội hùng mạnh nhất của lịch sử cũng không đủ sức bảo vệ người dân của quốc gia mình trước kẻ thù này.

Như ông Rudolph Giuliani, thị trưởng New York, từng diễn đạt: “Số người bị thiệt mạng quá lớn để có thể chịu đựng nổi”. Bi kịch này không đơn thuần là tấn thảm kịch của nước Mỹ. Đây là lời tuyên chiến với toàn thế giới. Đây là bi kịch của cả nhân loại. Những sự kiện, một lần nữa, đã rọi chiếu những điểm dễ tổn thương của nền văn minh chúng ta, và trong một chớp mắt, chúng ta có thể liếc thấy “sự hỗn loạn cuộn xoáy dưới chúng ta”.

Thế kỷ mới này sẽ kéo dài đến bao giờ? Phải chăng những dao động của đợt sóng ngày 11/9 cũng chỉ lặng dần 75 năm sau? Và thử hỏi, có hay không nguy cơ những đợt sóng này sẽ nhận chìm vĩnh viễn nền văn minh thế giới?

Tất cả điều này chỉ phụ thuộc vào chúng ta - chúng ta, người Mỹ, người Nga, người Châu Âu, Ả Rập, những người con của những dân tộc và những châu lục khác nhau. Tất cả chúng ta đều phải đổi thay và phải nhận ra rằng “không ai có thể là một ốc đảo trong thế giới này”. Không ai có thể tự bảo vệ mình mà không nhờ đến sự giúp đỡ của kẻ khác. Tất cả chúng ta đều đi trên một con thuyền, con thuyền mỏng manh của nền văn minh chúng ta, đang bị bao phủ bởi những ngọn lửa của sự hỗn mang.

Theo chủ thuyết ngoại giao chính thức của nước Nga, bản chất của thế giới thời hiện đại là “cuộc chiến của những người ủng hộ một trận tự thế giới đa cực trước những thử nghiệm nhằm tạo dựng một thế giới nhất cực”. Nếu chúng ta để tâm nghiêm túc đến lời giải thích này - vốn mang tính tuyên truyền và có nguồn gốc từ quá khứ -, thì loạt khủng bố ngày 11/9 là những ví dụ “rực rỡ” của cuộc chiến kể trên.

Tuy nhiên, may mà vào ngày xảy ra tấn thảm kịch, tổng thống Nga và nhân dân Nga đã có một phản ứng, không xuất phát từ những chủ thuyết, mà từ tình nhân đạo và phẩm giá của riêng họ. Quan điểm chính thức của chính phủ Nga, cũng như những ngọn nến và những vòng hoa mà người Nga đặt trước tòa đại sứ và các cơ quan lãnh sự Mỹ, đã cho thấy: nước Nga đã tự giải phóng mình khỏi ách nô dịch của những chủ thuyết đã lỗi thời và bắt đầu thấu hiểu những thực tế mới. Và bản chất của việc này, không phải là cuộc chiến giữa một trật tự thế giới đơn cực và đa cực, cũng không phải đụng độ với những nền văn minh “tà giáo”, và cũng không phải bất đồng Bắc - Nam, mà là cuộc giao tranh giữa nền văn minh nhân loại và những ác quỷ trên thế gian.

Điều này cho chúng ta một hy vọng: thế kỷ mới của những cuộc chiến chinh và những đại biến động sẽ không kéo dài tới 75 năm.

(*) Tức Karlovy Vary, “thiên đường nghỉ dưỡng” tại Cộng hòa Czech.

Sunday, September 11, 2022

Trong cuộc sống đa chiều

Những kiểu người ‘’lạ’’

Cuộc sống thì đa chiều, con người thì đa hướng. Có người luôn giữ sự im lặng khi tâm trạng tuột dốc, lúc ấy họ không muốn động chạm đến bất cứ ai, cũng không muốn bất cứ ai động chạm đến họ. Tự bản thân họ tách khỏi mọi mối quan hệ, mọi hoạt động của xã hội bên ngoài. Họ sống trong im lặng và cố gắng chịu đựng, để bước qua mọi nỗi đau của mình. 

Có người vốn dĩ luôn tươi cười, vui vẻ, hoạt bát, nhưng khi gặp chuyện bất trắc trong cuộc sống, thì họ lại làm mấy trò ngốc nghếch, để gồng mình che giấu những vết thương trong lòng. Họ chỉ sống thật với cảm xúc khi còn lại một mình, thật khó để hiểu họ đang buồn hay đang vui. Chúng ta phải thật tinh tế thì mới có thể hiểu được cảm xúc của họ như thế nào. 

Có người lại bộc lộ mọi nỗi đau, niềm vui của bản thân cho người khác xem, với mong muốn được an ủi, động viên. Họ luôn cần có người bên cạnh để trút bầu tâm sự, chia sẻ mọi nỗi niềm, giúp trái tim mình yên bình hơn.

Có người thì tâm tĩnh lặng như nước, bình thản bước qua mọi biến cố để sống. Lúc đối diện với mọi nỗi đau cùng giông bão trong lòng, họ cũng chẳng hoang mang hay lúng túng. Họ thản nhiên xếp các vết thương lên nhau, rồi từ từ chấp nhận và buông xả. Đây là một kiểu người lạ, bởi vì họ sống với “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. 

Những kiểu người này - họ không lay động bởi những câu chuyện vụn vặt của đời thường, cũng chẳng dễ dàng nhụt chí trước lý tưởng cao quý của bản thân. Họ thản nhiên đón nhận tất cả những nỗi đau, niềm vui. Họ bình lặng để giải quyết mọi vấn đề rối ren trong cuộc sống. Họ trầm tĩnh để thiết lập một cuộc sống bình yên và an nhiên cho bản thân. Họ trở thành những con người đặc biệt trong đám đông. 

 

Tony Buổi sáng

Saturday, September 10, 2022

Vĩnh biệt những người đứng đầu 2 thế giới Đông Tây

 God Save The King

Trong vòng 10 ngày, thế giới chia tay 2 nhân vật từng đứng đầu hai đế quốc lớn. Cựu tổng bí thư Gorbachov và nữ hoàng Elizabeth 2.

Ngày ông Gorbachov từ chức tổng thống Liên Xô 25.12.1991 là ngày giải thể và tan rã của một đế quốc, Đế quốc Xã hội (tên này do đảng Cộng sản TQ anh em đặt cho Liên Xô, chứ không phải do kẻ thù gọi). Vậy ngày bà Elizabeth mất liệu có phải là cái mốc cáo chung của đế quốc Anh? 

Mikhail Gorbachov làm ra lịch sử vì ông đã tạo ra sự thay đổi rung chuyển thế giới. Điều này thì kể cả những người thù ghét ông nhất cũng phải công nhận. Còn bà hoàng Elizabeth chỉ là nhân chứng lịch sử. Trong suốt 70 năm làm vua, bà chẳng phải quyết định vấn đề gì ảnh hưởng đến nước Anh và thế giới. Mọi việc đã có nội các lo hết, kể cả cuộc chiến tranh chiếm lại đảo Falkland (Malvinas) từ tay Argentina.

Đế quốc Anh đã bắt đầu tan rã từ sau thế chiến thứ hai, khi mất dần các thuộc địa mà trong đó lớn nhất là Ấn Độ. Ảnh hưởng của hoàng gia Anh lên hai nước Úc và Canada thì đã giảm hẳn từ khi Khối Thịnh vượng chung nói tiếng Anh (Commonwealth) thành lập năm 1931. Năm 1997 đế quốc Anh đang rụng lông đã trả nốt thuộc địa lớn cuối cùng của nó ở HongKong cho đế quốc mới đang mọc lông là Trung Quốc. Như vậy sự ra đi của bà Elizabeth II không còn là sự cáo chung của đế quốc Anh.

Nhưng người Anh và thế giới ngưỡng mộ bà vì bà đã tạo ra khuôn mặt dễ chịu cho đế quốc tan rã này. Bà đã góp phần thống nhất Liên hiệp Anh trong những lúc khó khăn nhất. Bà qua đời ở Scottland là vùng đã từ lâu manh nha muốn tách khỏi nước Anh. Cả người Anh ở England, người Bắc Irland, người Scottland hay người xứ Wales đều coi bà là nữ hoàng của họ. Ở Anh, hoàng gia là một cột trụ của nhà nước, nhưng đối với nhiều công dân Anh, nữ hoàng Elizabeth còn là một cột trụ riêng. 

Nói một cách khác, Elizabeth II đã góp phần giữ cho quá trình tan rã của đế quốc Anh trong hơn 70  năm qua không vật vã và tàn bạo, như những gì đang xảy ra ở nước Nga hôm nay.

Người Anh là một dân tộc tự hào. Tự hào đến mức coi mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc của họ. Rồi nó vẫn lặn và họ phải nghiến răng chui vào liên hiệp EU để mong tồn tại trong một thế giới đã đổi thay. Đổi thay này khiến các đế quốc già như Đức, Anh, Pháp nếu đứng một mình thì chẳng là gì khi phải địch lại các các cựu thuộc địa cũ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia. Nhưng rồi chui vào cái chăn chung mà hai cựu thù là Đức và Pháp đang nắm quyền chủ đạo khiến lòng tự hào của cựu đế quốc bị tổn thương. 

Thế là Brexit và theo sau Brexit là các hỗn loạn mới. Hỗn loạn ở đây không chỉ là các đoàn xe tải xếp hàng dài cả cây số để thông quan với lục địa, là các siêu thị thiếu hàng hóa, là các cây xăng thiếu nhiên liệu vì không có tài xế,…mà còn là đòi hỏi ly khai của Scottland, vốn vẫn muốn ở lại EU, còn là căng thẳng ở biên giới giữa Cộng Hòa Irland (thành viên EU) và Bắc Irland khiến mối đe dọa xung đột vũ trang như những năm 1990 về trước lại tái hiện. Khó khăn chồng khó khăn.

Liên hiệp Anh là một quốc gia hiện đại và phát triển, có một nền dân chủ đại nghị lâu đời. Nhưng hiến pháp Anh vẫn đề cao vai trò đại diện của Hoàng gia. Người Anh vẫn một lòng tin vào vua, chính vì lòng tự hào của họ.

Bảo thủ như người Anh, nhưng cũng rất sẵn sàng thay đổi những gì cần thiết để bảo vệ mình. Kể từ ngày hôm qua, Quốc ca Anh đã thay đổi lời. Từ „God Save The Queen“ (Chúa phù hộ nữ hoàng) nay sẽ thành” God Save The King” (Chúa phù hộ cho vua)

"God save our gracious King, long live our noble King, God save the King! Send him victorious, happy and glorious, long to reign over us, God save the King!". 

Việc đổi lời quốc ca này cho thấy rõ rằng người Anh coi vua đại diện cho tổ quốc. 

Từ một đế quốc (Empire) tan rã chỉ còn lại một vương quốc (Kingdom) mà không vật vã đổ máu. Trong sáu năm qua, kể từ khi có quyết định Brexit, vương quốc này vật vã nhưng không tan rã, đó là nhờ một phần bởi bộ mặt hiền từ và tấm lòng bác ái của nữ hoàng. Tôi vẫn khoái cảnh bà cùng Daniel Craig đóng một đoạn phim về điệp viên 007 để quảng cáo cho Olympic London 2012. Bà không làm chính trị, nhưng tính hài hước và sự tinh tế của bà trong các dịp tiếp tân đã góp phần làm cho thế giới này bớt căng thẳng. Là một phụ nữ được giáo dục nghiêm khắc để làm vua, bà có tố chất của một phụ nữ nắm quyền lực và điều này đã bộc lộ trong cách nhìn nhận con, cháu, dâu, rể. Nhưng đó là việc riêng trong gia đình.

Cái chết của bà đưa Liên hiệp Anh ra trước những thử thách ghê gớm. Liệu vua Charles III có giữ được vai trò đoàn kết và hòa giải như mẹ ông là điều thiên hạ đang hỏi.

Không cần phải là người giải phóng dân tộc, người chèo lái quốc gia, không cần phải là chính trị gia xuất sắc, nhưng sự tinh tế, sự bao dung và lòng tận tụy phụng sự quốc gia có thể khiến một người không có quyết định chính trị nào cho lịch sử được đi vào lịch sử, đi vào lòng người.

Nguyễn Xuân Thọ

Thursday, September 8, 2022

Tác giả của Đất Nước Đứng Lên, người đứng quay lưng với quá khứ

Câu chuyện của nhà văn nữ vô tình tiết lộ

AI ĐỨNG SAU CHIẾN DỊCH «ĐÁNH» NGUYÊN NGỌC? (*)

Ở nhà hàng trên hồ Thiền Quang, anh nhà báo công an có làm thơ cười bẽn lẽn nói nho nhỏ vào tai tôi: em thông cảm, báo anh đánh ông Nguyên Ngọc chứ không phải đánh em. 

Theo lời một người làm sách nổi tiếng thời đó, ông nhà báo đảng có viết lý luận phê bình đao to búa lớn từng phân trần với anh: tôi đánh cái Diệu làm gì, tôi chỉ "xử" Nguyên Ngọc thôi.

Đó là lời từ miệng hai người có vị trí to trong hai tờ báo to của nền báo chí hồng thắm lộng lẫy của nước ta, nói về các bài viết tấn công tập truyện Bóng Đè mà họ đã viết hoặc duyệt cho in. Còn rất nhiều những đòn bẩn khác. Ví dụ có cô phóng viên trẻ lên tivi nói rằng những người khen Bóng Đè  là nhận tiền làm PR, (nghe đâu cô ấy bây giờ đã thành "nhà báo nhớn"). Chỉ vì bác Nguyên Ngọc đã viết lời giới thiệu Bóng Đè.   

Họ sợ nhà văn Nguyên Ngọc. Ông giống một vị tướng mặc giáp sắt cầm gươm uy nghiêm đứng bên kia đường, quay lưng lại tòa nhà tuyên giáo, tòa nhà ông đã từng sống, từng ngồi trên một trong những chiếc ghế oai phong. Có lẽ vì đã ngồi trên nó nên ông là người biết rõ nhất chiếc ghế đó sơn phết gì, mối  mọt ra sao, chặn chết bao người. Người ta đang bỉ bôi rằng Nguyên Ngoc "thờ hai chủ". Chủ nào? Tôi cho rằng ông chủ của Nguyên Ngọc luôn là đất nước Việt Nam. Chỉ là trước đây, như triệu người khác, ông đồng nhất đất nước với đảng. Sau này, ông nhận ra đảng không phải cánh rừng, mà là đàn hổ chuyên săn nai săn hoẵng săn cả vượn tổ tiên trong cánh rừng, xơi ngoạm dưới cánh rừng, gầm rống tiếng bá chủ vang cánh rừng. Hiểu ra, ông tìm một lối khác, theo con suối nhỏ chỗ bình lặng chỗ thác ghềnh, chảy mãi chảy mãi ra sông ra bể.

Những năm 50, đa phần văn nghệ sĩ có tên tuổi ở miền Bắc đã xuống nông thôn tiến hành cuộc cải cách long trời lở đất. Họ làm thư ký, làm anh đội, làm cán bộ tòa án xử địa chủ. Trong số họ, ai đã nói lời xin lỗi với những địa chủ họ bắt, những địa chủ họ gián tiếp xử bắn? Hình như chưa. Từng phỏng vấn nhiều "anh đội" văn nghệ sĩ, người duy nhất tthừa nhận mình đã ra lệnh xử bắn địa chủ với chúng tôi là tác giả "Thi sĩ máy". Tôi trân trọng ông Ngô Như Mai vì điều đó. Còn khi viết hồi ký, thầy Nguyễn Đăng Mạnh nói rằng ông đã là "anh đội" cố hết sức để nhẹ nhàng. Còn nhân vật Bối trong "Ba người khác", đội phó đội cải cách ruộng đất mà người đọc cho rằng là hóa thân của Tô Hoài  thì luôn cố gắng biện minh cho những việc không hay mình đã làm... 

Có lẽ Nguyên Ngọc là người gián tiếp sám hối thành thật nhất, bằng những việc ông làm sau này.

Ngày 9 tháng 9 năm 2022

Đỗ Hoàng Diệu

~~~

(*) Tựa do người chia sẻ đặt. — Qvoc Khanh

Wednesday, September 7, 2022

Cm và đạo Khổng: Sự lừa dối và vai trò sĩ tử

 MẶT THẬT CỦA AI ? (Nguyễn Gia Kiểng)

Ông Bùi Tín sinh ra trong một gia đình Nho Giáo truyền thống. Thân sinh ông là Bùi Bằng Đoàn, làm thượng thư (bộ trưởng) trong triều đình Huế. Cách mạng tháng 8 bùng ra lúc cậu Bùi Đường Ấm, sau này đổi tên là Bùi Tín, mới vừa 19 tuổi. Ông Bùi Bằng Đoàn, nổi tiếng thanh liêm và học giỏi, trở thành chủ tịch quốc hội đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một chức vụ hữu danh vô thực. Ông Bùi Bằng Đoàn chỉ ở đó để đem lại cho chính phủ Hồ Chí Minh một bộ mặt trí thức và đoàn kết dân tộc. Ông Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền Việt Minh vì sợ hơn là vì nhiệt tình. Ông Phạm Quỳnh, thủ tướng Nam Triều, đã bị giết, như nhiều quan chức triều đình Huế khác.

Nhưng nếu ông Bùi Bằng Đoàn chỉ theo Việt Minh vì sợ thì cậu ấm Bùi Tín lại theo vì lý tưởng. Cậu hăng say theo cách mạng mùa thu, đi bộ đội, tham dự nhiều trận đánh, từng bị thương và sau cùng được sử dụng ngay trong sở trưởng của cậu : nghề viết báo. Bùi Tín trở thành đại tá phó tổng biên tập tờ Nhân Dân, cơ quan trung ương của đảng cộng sản Việt Nam. Chức vụ này rất lớn, bởi vì tuyên truyền là công tác trọng yếu hàng đầu của chính quyền cộng sản. Tờ Nhân Dân quan trọng hơn nhiều so với một bộ, nó được tổ chức như một chính phủ trong một chính phủ, với tất cả các ban tương ứng với các bộ : ban quốc phòng, ban quốc tế, ban nông nghiệp, ban công nghiệp, ban văn hóa, xã hội, v.v... Vị thế của Bùi Tín cao hơn một thứ trưởng, vai trò của ông đặc biệt quan trọng. Bùi Tín là thành viên của phái đoàn cộng sản trong hội nghị bốn bên tại Tân Sơn Nhất. Do một sự tình cờ Bùi Tín cũng là người đại diện cho phe cộng sản nhận sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh sáng ngày 30/4/1975.

Nhưng năm 1990, trong một chuyến công du sang Pháp Bùi Tín lấy quyết định xin tị nạn chính trị. Từ đó Bùi Tín đã viết rất nhiều bài báo, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, tố giác chế độ cộng sản và vận động cho dân chủ đa nguyên. Bùi Tín cũng viết một số sách thuật lại những gì mà ông đã thấy trong một cương vị đặc biệt thuận lợi để quan sát chế độ cộng sản từ bên trong.

Trong cuốn Mặt Thật, cuốn sách gây sôi nổi nhất của ông, Bùi Tín mô tả chiến dịch cải cách ruộng đất được chính phủ Hồ Chí Minh phát động năm 1955, trong đó hàng ngàn, hàng vạn người bị giết oan.

Bùi Tín kể :

Các cố vấn Trung Quốc ngồi ưỡn bụng ra, để chân lên bàn uống rượu Mao Đài, vừa "nhổ nước bọt ồn ào", vừa dạy dỗ các học trò dễ bảo Trường Chinh (tổng bí thư đảng cộng sản), Hoàng Quốc Việt (ủy viên bộ chính trị, sau đó là chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc), v.v... về cải cách điền địa. Họ ra lệnh giết bà Nguyễn Thị Năm, người đã từng ủng hộ Việt Minh từ năm 1937, đã từng che chở và nuôi dưỡng chính các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và có con đang làm chính ủy trung đoàn. Ông Hồ Chí Minh được tin la lên là không thể giết một phụ nữ, một ân nhân cách mạng, một người mẹ của một anh hùng quân đội. Nhưng các cố vấn Trung Quốc bảo là đã quá trễ, mọi việc đã chuẩn bị xong. Ông Hồ Chí Minh im mồm, và bà Năm bị bắn.

Phong cách của ông Hồ Chí Minh là thế. Còn các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt thì không biết phải gọi là hạng người gì.

Ông Phạm Văn Đồng thấy các bộ trưởng, thứ trưởng của mình bị vu oan, bị thanh trừng, bị bỏ tù, không dám lên tiếng bênh vực. Sau khi nghỉ hưu dù đã ngoài tám mươi tuổi, ông còn cố bám lấy hư vị "cố vấn" để giữ lợi lộc.

Ông Lê Đức Thọ là một con người nham hiểm, dùng đủ mọi thủ đoạn nhơ bẩn và độc ác để triệt hạ các đồng chí cũ của ông.

Ông Lê Duẩn là một thứ ếch ngồi đáy giếng, vừa thiển cận, vừa lỗ mãng, vừa tự cao tự đại.

Các ông tướng Nguyễn Chí Thanh, Chu Huy Mân, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Lê Khả Phiêu, v.v... đều thiếu văn hóa, nông cạn và cực đoan. Riêng ông Nguyễn Chí Thanh thì còn hèn nhát, lúc bị mật thám Pháp bắt đã khai nhiều bí mật gây thiệt hại nặng cho đảng rồi đổ tội cho người đồng chí cùng bị bắt với mình là Đặng Xuân Thiều làm ông này bị trù dập hơn ba mươi năm cho đến lúc về hưu.

Còn ông Đỗ Mười ? Ông là thợ sửa khóa, nhận thức chính trị sơ sài và lại mắc bệnh tâm thần, ban đêm leo lên cây bàng ngồi ngất ngư.

Ngòi bút Bùi Tín mô tả các lãnh tụ cộng sản một cách tàn nhẫn. Tàn nhẫn vì Bùi Tín chỉ kể lại mà không phê phán. Tay nghề bốn mươi năm cầm bút của Bùi Tín là ở chỗ đó. Mặt Thật là một cuốn sách hay, một tài liệu lịch sử thành công về diễn đạt và có giá trị văn học. Một cuốn sách cần đọc. Tôn Thất Thiện trong một lá thư cho tôi nói rằng đọc xong ông phải kinh phục (kinh không có dấu sắc) tác giả.

Nhưng nếu như vậy thì phải đặt ra một số câu hỏi.

Tại sao những con người như vậy lại có thể khuất phục được cả một dân tộc ? Tại sao hàng ngàn, hàng vạn trí thức lỗi lạc đã phục tùng họ một cách ngoan ngoãn, và còn hết lời tâng bốc họ, làm biết bao nhiêu người khác tưởng họ là những thần tượng và chạy theo họ ? Chính Bùi Tín, tác giả cuốn Mặt Thật, trong bao nhiêu năm làm "đại tá - nhà văn - nhà báo" cũng đã tô son điểm phấn một cách đắc lực cho cái chế độ mà ngày nay ông muốn lột trần bộ mặt thật. Không lẽ trong cả mấy chục năm trường những trí thức xuất sắc như thế lại không nhận ra thực chất tồi tệ của những người lãnh đạo cộng sản ? Tại sao họ đã tự lừa dối lương tâm mình và đóng góp lường gạt cả một dân tộc ?

Người trí thức cộng sản không thể trả lời được những câu hỏi gay gắt đó, nhưng họ có thể hỏi ngược lại những người chất vấn họ những câu hỏi không kém nhức nhối. Bởi vì đa số - dù không phải là tất cả - những trí thức không cộng sản cũng đã phục tùng những công cụ chẳng ra gì của ngoại bang. Những trí thức quốc gia cũng đã đem hết tâm huyết hô hào biết bao nhiêu thanh niên bỏ mình cho một lý tưởng dân chủ không hề làm bận tâm ông Diệm, ông Nhu, hay cho một "chính nghĩa quốc gia" không hề có trong đầu óc các ông Big Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều trí thức khác đã tự đặt mình ra ngoài lề lịch sử, tự cắt bỏ khỏi số phận đất nước, đào nhiệm và cầu an.

Cuối cùng đất nước như ngày hôm nay, sau tất cả những gì đã xảy ra. Vai trò của người trí thức Việt Nam - cộng sản và không cộng sản - thật là bẽ bàng. Công bình mà nói cũng có những trí thức Việt Nam không làm tay sai cho một bè lũ hay một chế độ gian trá nào mà vẫn phấn đấu, vẫn cố hiện diện trong cuộc vận hành của lịch sử. Nhưng họ đã thất bại. Trí thức Việt Nam đã thất bại hoàn toàn.

Đổ lỗi cho nhau, luận tội nhau chỉ là để xem ai tồi hơn ai, có ích lợi gì ? Hơn nữa, lên án và kết tội nhau còn sai vì nói chung trí thức Việt Nam lương thiện, yêu nước và cũng đã hy sinh nhiều. Có một cái gì đó vượt khỏi lô-gích bình thường mà ta cần nhận diện để đừng buộc tội lẫn nhau một cách bất công và vô ích. Có lẽ chúng ta phải tìm giải thích cho sự phá sản này trong lý lịch và trong gia phả của người trí thức Việt Nam chúng ta.

Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu thân của giai cấp sĩ phu ngày trước. Mối liên hệ phụ-tử vẫn còn rất thắm thiết. Kẻ sĩ vẫn còn là mẫu mực của rất nhiều trí thức Việt Nam. Ngày nay người ta vẫn còn tự hào là có tư cách của kẻ sĩ, người ta vẫn còn khen nhau là có thái độ của kẻ sĩ.

Nhưng kẻ sĩ là gì nếu không phải là một mẫu người tồi hèn, vong thân ?

Chúng ta vẫn còn là kẻ sĩ, và vì thế vẫn còn mang cái tật nguyền này của kẻ sĩ. Vấn đề là như thế. Người ta có thể hấp thụ mau chóng những kiến thức và những kỹ thuật mới, nhưng từ bỏ một tập quán và một tâm tính đã được nhào nặn qua nhiều thế hệ, đã ăn rễ vào con người và đã biến thành một bản năng, là một điều khó gấp nhiều lần. Hãy thử lấy một thí dụ về trọng lượng của tập quán. Tại sao người Nhật lại lái xe bên tay trái ? Họ có bị người Anh đô hộ bao giờ đâu ? Lý do chỉ giản dị là các hiệp sĩ Nhật quen đi bên trái các hành lang để có thể nhanh chóng rút gươm bằng tay mặt !

Nho Giáo không tạo ra kẻ sĩ để làm một con người tự do, để chịu trách nhiệm trước xã hội và để lãnh đạo xã hội mà chỉ tạo ra kẻ sĩ để làm dụng cụ cho một guồng máy và làm thủ hạ cho các vua chúa. Trong suốt dòng lịch sử, kẻ sĩ Trung Hoa và Việt Nam đều chỉ biết sống với số phận tôi tớ. Sĩ là một nghề, nghề đi học và nghề làm quan. Trước sau là nghề quì. Quì trước mặt thầy để học với ước vọng "thành đạt" để được quì trước các vua chúa. Nếu quì là thái độ của kẻ sĩ thì chờ đợi là triết lý của kẻ sĩ. Thời gian trưởng thành của kẻ sĩ được gọi là thời "chưa gặp" [lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất], gặp một chủ để thờ. 

Kẻ sĩ không khởi xướng ra một sự nghiệp nào mà chỉ chờ đợi để được làm bầy tôi cho một minh chủ nên hậu quả tất nhiên là kẻ sĩ phải chấp nhận luật chơi sẵn có của kẻ đã làm nên sự nghiệp, đem trí tuệ của mình minh họa cho ý của chủ. Và luật chơi của chủ rất khắc nghiệt. Các vua chúa muốn dùng họ thì dùng, muốn cách chức đuổi đi, muốn căng nọc ra đánh, muốn thiến họ như thiến heo thiến gà, muốn giết họ thì giết, muốn giết cả nhà họ cũng được, kẻ sĩ cam chịu hết. Thân phận kẻ sĩ chẳng có gì vinh, đó chỉ là thân phận của một tôi tớ, một dụng cụ thuộc quyền sử dụng và vứt bỏ tùy tiện của các vua chúa. Cái bản chất dụng cụ và tôi tớ ấy ngay cả những kẻ sĩ lỗi lạc nhất cũng không trút bỏ được. Điều kinh ngạc là trong hàng chục thế kỷ kẻ sĩ đã có thể chấp nhận một khuôn mẫu đầy đọa và hạ nhục mình như thế, để rồi cuối cùng sự phục tùng vô điều kiện trở thành một bản năng và một giá trị.

Khổng Minh tài ba như thế mà gặp thời nhiễu nhương cũng chỉ biết ngồi trong lều cỏ để chờ một minh chúa.

Nguyễn Trãi là một kẻ sĩ siêu việt cả về văn lẫn võ, lại có cả chí khí hơn người, Lê Lợi là một phú nông cục mịch. Tại sao lại "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" ? Tấn thảm kịch còn lớn hơn ở chỗ Lê Lợi không có đủ trí tuệ để viết ra câu đó, chính Nguyễn Trãi đã sáng tác ra câu đó.

Cao Bá Quát là một kẻ sĩ ưu việt và ngang ngược, dám nổi loạn chống lại nhà Nguyễn. Nhưng Cao Bá Quát không lãnh đạo cuộc nổi dậy mà chỉ phò Lê Duy Cự. Giả thử cuộc nổi dậy thành công thì cũng chỉ để đưa đến kết quả "Lê Duy Cự vi quân, Cao Bá Quát vi thần". Ngay cả khi kẻ sĩ chống lại một ông chủ thì cũng chỉ để hy vọng được phò một ông chủ khác, họ không sinh ra để làm chuœ.

Cao Bá Quát thất bại, bị chặt đầu và tru di tam tộc. Nguyễn Trãi thành công, để cũng chỉ được cái vinh dự quì gối trước Lê Lợi, rồi cũng bị chặt đầu và tru di tam tộc.

Trong lịch sử Trung Hoa, những kẻ làm nên nghiệp đế vương, dù là Lưu Bang, Hạng Võ, Lý Thế Dân, Triệu Khuông Dận, Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương đều không phải là kẻ sĩ. Họ là hào phú, là các tay anh chị, hay vốn thuộc dòng dõi bá vương. (Tào Tháo là một ngoại lệ, nhưng Tào Tháo bị kẻ sĩ chối bỏ và lên án là gian thần).

Trong lịch sử Việt Nam, những kẻ giành được ngôi vua, dù là Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh đều là quí tộc, võ tướng hay các tay anh chị chứ không phải là kẻ sĩ. (Hồ Quí Ly là một ngoại lệ, nhưng Hồ Quí Ly hành động như vậy vì tự coi mình là người Hoa hơn là người Việt nên coi thường nề nếp Việt Nam ; chiếm được ngôi vua, Hồ Quí Ly đã lập tức đổi tên nước là Đại Ngu theo tên cố quốc của mình).

Một thực tế thê thảm như vậy chứng tỏ khuôn mẫu Khổng Nho đã tha hóa kẻ sĩ tới mức nào. Một thực tế bi thảm khác là tất cả những tiến bộ về tư tưởng của Trung Hoa đã chỉ có trước khi Khổng Giáo được đưa lên hàng một quốc giáo. Hơn hai ngàn năm ngự trị của khuôn mẫu Khổng Giáo đã làm tê liệt hẳn óc sáng tạo. Các hậu quả vẫn còn thấy được : nhiều nước châu Á, nhờ không chịu ảnh hưởng Khổng Giáo một cách quá nặng nề, ngày nay đã rất phát triển, nhưng người châu Á vẫn hầu như vắng mặt trong các giải Nobel, họ vẫn thua xa người phương Tây về óc sáng tạo trong mọi địa hạt.

Trong xã hội Khổng Nho, kẻ sĩ không hội nhập vào xã hội. Lúc hàn vi kẻ sĩ sống qua ngày, đợi cơ hội làm quan. Lúc được làm quan kẻ sĩ trở thành những tay sai không điều kiện cho các vua chúa để thống trị quần chúng. Kẻ sĩ được vua chúa xếp hàng đầu trên nông, công, thương, nhưng thực ra kẻ sĩ bị loại khỏi xã hội. Một điều rất đáng chú ý là trong xã hội ta ngày xưa kẻ sĩ hoàn toàn vắng mặt trong các chức quyền địa phương xuất phát từ dân gian như chánh tổng và lý trưởng, những chức vụ đã có thể là những bàn đạp để tiến lên quyền lực quốc gia. Kẻ sĩ không có hậu thuẫn quần chúng vì sống ngoài lề xã hội. Kẻ sĩ cũng không có tài sản vì không biết và cũng không muốn kinh doanh buôn bán, không những thế kẻ sĩ còn được giáo dục và nhồi nặn để khinh thường và thù ghét hoạt động kinh doanh, buôn bán.

 Phi thương bất phú, kẻ sĩ không có độc lập về kinh tế cho nên cũng không có thể có tự chủ về chính trị. Tại sao lại "Nguyễn Trãi vi thần" ? Bởi vì không muốn "vi thần" cũng không được. Nguyễn Trãi không có thủ túc và cũng không có tài sản để phất cờ khởi nghĩa. Kẻ sĩ trong khuôn mẫu Khổng Nho là mẫu người lệ thuộc vào vua chúa và cuối cùng chịu ơn vua chúa. Quyền lực quốc gia chỉ truyền tay giữa một bên là các vua chúa và một bên là đám anh hùng áo vải, những người không chịu ơn vua chúa và do đó dám thách thức vua chúa.

Tình trạng vong thân kéo dài từ đời này sang đời khác đã khiến kẻ sĩ mất hẳn lòng tự tin. Tuy bề ngoài có khi kẻ sĩ huênh hoang "có giang sơn thì sĩ đã có tên, từ Chu Hán vốn sĩ này là quí" [Nguyễn Công Trứ], nhưng trong thâm tâm kẻ sĩ không tin ở mình và cũng không tin ở cả giai cấp sĩ của mình ; do đó kẻ sĩ không những không dám có ý định dựng nghiệp mà còn không sẵn sàng giúp một kẻ sĩ khác dựng nghiệp. Kẻ sĩ phải làm bầy tôi, nếu từ chối số phận tôi tớ và dám mơ ước làm vua, kẻ sĩ đã vi phạm đạo lý của giai cấp mình và bị lên án là gian thần, thoán nghịch, phản tặc. Nguyễn Hữu Chỉnh coi thường vua Lê chúa Trịnh bất lực và muốn nắm quyền thì đã sao, mà người ta lên án ông là gian hùng và hả hê khi ông bị bốn ngựa xé xác ? Có sử gia nào đủ khách quan để nhận định rằng chính hành động vào Nam liên kết với Tây Sơn của Chỉnh đã mở đầu cho tiến trình thống nhất đất nước ?

Luân lý Nho Giáo bắt người có học không được làm chủ mà chỉ được làm tôi cho một ông chủ nào đó, và tệ hơn nữa phải làm tôi suốt đời cho một chủ bởi vì "tôi trung không thờ hai chúa". Kẻ sĩ trong quan niệm Nho Giáo là một kẻ nô lệ chứ không phải là một con người tự do. Do bản năng và địa vị xã hội, kẻ sĩ không dám và không thể, và do đó khiếp phục những kẻ dám và có thể. Bài Bình Ngô Đại Cáo hùng tráng vì Nguyễn Trãi viết cho Lê Lợi chứ không viết cho mình, vì lúc viết Nguyễn Trãi đã tự đặt mình vào địa vị của Lê Lợi, tưởng tượng mình là vua ["Trẫm đây, núi Lam Sơn dấy nghĩa..., một mảnh nhung y dựng nên nghiệp lớn..."].

Tôi nói nhiều về kẻ sĩ như vậy bởi vì cái tâm lý kẻ sĩ vẫn còn hiện diện rất mạnh trong tiềm thức của chúng ta.

Di sản nặng nề nhất là triết lý ở ẩn, tránh hiểm nguy và chờ thời. Tâm lý này ngự trị trong đầu óc hầu hết mọi trí thức Việt Nam. Nó cũng ngự trị ngay cả trong đầu óc những người có ý chí nhất, nghĩa là dám hoạt động chính trị. Ở các vị này nó thể hiện qua lối làm chính trị nhân sĩ. Những người trí thức tự cho là mình có một giá trị nào đó - có khi chỉ là do một sự tự đánh giá mình rất chủ quan - thường không chịu tham gia tạo dựng ra một lực lượng chính trị nào và cũng không lên tiếng bênh vực một lập trường nào, ngay cả khi họ thấy là đúng. Họ chỉ muốn là những nhân sĩ đứng ngoài các tổ chức và các cuộc tranh cãi gay go để vừa khỏi tốn công sức vừa khỏi bị cháy. Họ tin rằng một khi họ đã là nhân sĩ thì dù ai nắm được chính quyền cũng vẫn cần họ. Đó là một tính toán mà họ cho là sáng suốt, và quả thực là một chọn lựa sáng suốt khi người ta chỉ có tham vọng làm công cụ. Chính cái thái độ nhân sĩ này, hậu thân của tâm lý kẻ sĩ ngày xưa đã khiến các tổ chức đối lập dân chủ hiện nay không được hưởng ứng và không mạnh lên được trong một giai đoạn đầy thử thách như giai đoạn chúng ta đang sống.

Một di sản khác là sự thiếu quyết tâm. Trí thức Việt Nam có nhiều người không thiếu ý kiến nhưng cái quán tính "không dám và không thể" thừa hưởng từ tâm lý kẻ sĩ do hàng ngàn năm uốn nắn này vẫn còn quá mạnh khiến họ do dự bất quyết, sẵn sàng thỏa hiệp và nhượng bộ trước những giải pháp thô bạo trái ngược với nguyện ước của mình, rồi sau cùng đánh mất chính mình. Nhiều trí thức còn thực sự ngưỡng mộ những tay anh chị bởi vì họ ngưỡng mộ cái liều, cái bạo mà họ không có được. Họ bị hớp hồn trước những người có bản năng mạnh và dám làm, bởi vì đó là một phần của chính họ mà họ đã mất đi và vẫn tiếc.

Mẫu người kẻ sĩ không phải chỉ còn tồn tại mà còn đang có cơ được hồi sinh. Các chế độ độc tài tại châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, đang dụng tâm thiết lập một thứ Khổng Giáo Mới làm chỗ dựa cho các chế độ độc tài ngày nay, như Khổng Giáo Cũ đã từng làm nền tảng cho các chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa. Một âm mưu tha hóa trí thức mới đang xuất hiện. Và lần này kẻ sĩ có một cái tên gọi mới : chuyên viên. Ngay trong lúc này đang có nhiều trí thức Việt Nam chủ trương hãy thôi làm chính trị, tạm chấp nhận chế độ này, hợp tác với nó trên các mặt chuyên môn. Họ hy vọng sẽ dần dần dân chủ hóa được chế độ. Nhưng nếu kẻ sĩ ngày trước trong hơn hai ngàn năm không thay đổi được chế độ quân chủ thì trí thức chuyên viên ngày nay dù có bản lĩnh hơn và có bối cảnh thuận lợi hơn cũng không thể thay đổi được chế độ độc tài này trong một hai thế hệ, nếu họ chỉ là những chuyên viên.

Hãy coi chừng lịch sử lập lại. Tại sao chủ nghĩa cộng sản bị phủ nhận tại Tây Âu, nơi đã khai sinh ra nó, mà lại thành công tại Trung Hoa, Việt Nam và Triều Tiên ? Tại sao, ngoại trừ hòn đảo Cuba nhỏ bé, chế độ cộng sản chỉ tồn tại được trên ba nước này ? Lý do chính là vì chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện hồi đầu thế kỷ này như là một thứ Khổng Giáo Mới. Có gì khác giữa Khổng Giáo và chủ nghĩa Mác Lênin ? Cũng đặt nền tảng trên bạo lực, cũng độc tài toàn trị, cũng giáo điều, cũng độc tôn, cũng giai cấp, cũng “nhân trị” nghĩa là cai trị một cách tùy tiện bất chấp luật pháp, cũng bưng bít, cũng cấm đoán tư tưởng, cũng bài xích các tôn giáo, cũng triệt hạ kinh doanh, cũng đề cao sự nghèo khổ để cai trị bằng sự nghèo khổ. 

Cả hai đều là những hệ thống nửa tôn giáo, nửa chính trị. Cả hai đều đưa đến bế tắc và cả hai đều có cùng một biện hộ sau khi đã thất bại : không phải lý thuyết sai mà là áp dụng sai. Chỉ cần lấy Marx và Anghen đặt vào địa vị của Khổng Tử và Mạnh Tử, lấy các cuốn Tư Bản Luận, Lênin Toàn Tập thay cho Tứ Thư và Ngũ Kinh, lấy Trung Ương Đảng thay cho Triều Đình, đem các đảng viên thay cho đám quân tử là đâu lại vào đó. Khổng Giáo đã dọn đường cho các chế độ cộng sản. Chỉ có điểm mới là chủ nghĩa cộng sản tâng bốc quần chúng vô sản mà Khổng Giáo mạt sát, dù chỉ là một sự tâng bốc giả dối. Nếu trước đây Khổng Giáo đã dọn đường cho các chế độ cộng sản thì ngày nay những tồn đọng của tư tưởng Khổng Giáo đang giúp các chế độ này kéo dài.

 Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images

Trích Tổ Quốc Ăn Năn