Saturday, April 30, 2022

KHI NÀNG ĐI NGANG QUA PHỐ - József Attila

Khi nàng đi ngang qua phố 

Chim bồ câu cùng chim sẻ nghiêng nhìn 

Vỉa hè cao nàng chẳng thể giữ gìn

Lỡ cao bước gót chân trần lóe sáng 

Bờ vai hở dưới hoàng hôn chạng vạng 

Cậu bé nhìn theo huýt sáo thẫn thờ 

Đèn sáng lên cho già trẻ trai tơ

Ngây như tượng ngắm nàng bay trên phố 

Chẳng ai biết chính người yêu tôi đó 

Người tôi ru, tôi ôm ấp giữ gìn 

Tôi khát khao, tôi đặt trọn niềm tin 

Nhưng vẫn sợ có ngày ai lấy mất

Tôi nghe tiếng họ cười, tôi nhìn vào ánh mắt

Bỗng thấy dịu đi nỗi ghen tỵ trong lòng 

Nàng vẫn đi tha thướt nhẹ như không

Làn gió thoảng theo nâng niu tà áo 

(PAS dịch)

Các bài thơ đã dịch khác: #phananhson_dichtho

Nguyên bản tiếng Hung 

MIKOR AZ UCCÁN ÁTMENT A KEDVES - József Attila

Mikor az uccán átment a kedves,

galambok ültek a verebekhez.

Mikor gyöngéden járdára lépett,

édes bokája derengve fénylett.

Mikor a válla picikét rándult,

egy kis fiúcska utána bámult.

Lebegve lépett - már gyúlt a villany

s kedvükre nézték, csodálták vígan.

És ránevettek, senki se bánta,

hogy ő a szívem gyökere-ága.

Akit ringattam vigyázva, ölben,

óh hogy aggódtam - elveszik tőlem!

De begyes kedvük szívemre rászállt,

letörte ott az irígy virágszált.

És ment a kedves, szépen, derűsen,

karcsú szél hajlott utána hűsen!

Phan Anh Sơn

Friday, April 29, 2022

Một bước ngoặt đối với chiến cuộc Nga - Ukraina

 HẠ VIỆN HOA KỲ THÔNG QUA «LUẬT CHO VAY - CHO THUÊ» đối với UKRAINE

Theo thông báo của Vụ Báo chí - Viện Dân biểu (tức Hạ viện) Hoa Kỳ, cơ quan lập pháp này vừa bỏ phiếu ủng hộ «Luật cho vay - cho thuê và bảo vệ nền dân chủ ở Ukraine» («Law on Lend-Lease and the Defense of Democracy in Ukraine»), sau đây sẽ gọi ngắn gọn là «Luật Lend-Lease».

Luật được thông qua với 417 phiếu thuận vs 10 phiếu chống. Hiện giờ luật còn phải được ký bởi Tổng thống Joe Biden.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, cho biết những điểm chính trong ý nghĩa của luật này đối với Ukraine.

~~~

• Luật nói về việc cho phép Tổng thống Hoa Kỳ mở rộng quyền chuyển giao hoặc cho thuê các tài sản quốc phòng cho Ukraine để «bảo vệ dân thường khỏi sự can thiệp quân sự của nước Nga» và cho các mục đích khác.

• Sau khi Luật được thông qua, người đứng đầu Nhà Trắng có nghĩa vụ trong vòng 60 ngày phải thiết lập các thủ tục nhanh chóng để chuyển giao các sản phẩm.

• Luật Lend-Lease sẽ giúp đẩy nhanh đáng kể việc cung cấp vũ khí, phương tiện vận tải, lương thực và viện trợ từ Hoa Kỳ cho Ukraine.  «Và tất cả những điều này sẽ cho phép chúng ta đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ của chúng ta,» Yermak tin chắc.

~~~

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng lưu ý rằng Luật Lend-Lease có nghĩa là «sự tin tưởng của Hoa Kỳ vào chiến thắng của Ukraine trước nước Nga.»

«Đây là một thắng lợi (ngoại giao quốc tế) quan trọng đối với những con người bất khuất của chúng ta, những người đã có thể đoàn kết thế giới văn minh xung quanh mình trong cuộc chiến chống lại cái ác của nước Nga. Chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại nước Nga,» Andriy Yermak nhận định.

(Bản tin Liga•Net 28.04.2022, 11:25pm)

.oOo.

VỀ «ĐẠO LUẬT CHO VAY - CHO THUÊ» («LEND-LEASE ACT») TRONG LỊCH SỬ HOA KỲ

«Lend-Lease Act» là một chương trình viện trợ của Hoa Kỳ đối với Vương quốc Anh, nước Pháp Tự do, Trung Hoa Dân quốc, Liên Xô và các quốc gia Đồng minh khác trong Thế chiến II. Các mặt hàng viện trợ bao gồm lương thực - thực phẩm, xăng dầu, và các trang thiết bị quân sự từ năm 1941 đến năm 1945. Các khoản viện trợ được thông qua dựa trên nhận thức rằng giúp đỡ các nước Đồng minh cũng là để bảo vệ nước Mỹ. Phần viện trợ về quân sự bao gồm tàu ​​chiến và máy bay chiến đấu, cùng với các loại vũ khí khác. «Lend-Lease Act» được ký vào ngày 11 tháng 3 năm 1941 và kết thúc vào ngày 20 tháng 9 năm 1945. Nhìn chung, các khoản viện trợ là không hoàn lại, mặc dù một số thiết bị quân sự (chẳng hạn như tàu chiến) đã được trả lại sau chiến tranh.

Tổng số vật tư trị giá 50,1 tỷ đô la (tương đương 575 tỷ đô la vào năm 2019) đã được viện trợ, hay 17% tổng chi tiêu chiến tranh của Hoa Kỳ. Tổng cộng, 31,4 tỷ đô la được viện trợ cho Vương quốc Anh, 11,3 tỷ đô la cho Liên Xô, 3,2 tỷ đô la cho Pháp, 1,6 tỷ đô la cho Trung Quốc, và 2,6 tỷ đô la dành cho các Đồng minh còn lại. Các điều khoản của đạo luật quy định rằng trang thiết bị quân sự phải được sử dụng cho đến khi được trả lại hoặc bị tiêu hủy. Trên thực tế, rất ít thiết bị được trả lại và hầu hết đã bị phá hủy trong chiến tranh.

Chương trình Lend-Lease đã đánh dấu sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, một sự chuyển hướng quan trọng về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ so với nguyên tắc Không Can-thiệp trước đó. Lend-Lease Act là sự ủng hộ đầy cởi mở của Hoa Kỳ đối với các quốc gia Đồng minh.

~~~

Hãy nghe một số đánh giá về ý nghĩa trọng đại của «Lend-Lease Act» đối với chiến thắng chung cuộc của Liên Xô đối với nước Đức Quốc Xã trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nhà sử học Liên Xô Boris Vadimovich Sokolov: «Về tổng thể, nếu không có những viện trợ của phương Tây dưới hình thức Lend-Lease, Liên Xô không những không thể giành chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại mà thậm chí còn không thể chống lại quân xâm lược Đức, vì Liên Xô khi đó không thể tự sản xuất đủ số lượng vũ khí và thiết bị quân sự, đồng thời cũng không đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu và đạn dược đầy đủ. Các nhà chức trách Liên Xô đã nhận thức rõ về sự phụ thuộc này vào Lend-Lease. Do đó, Stalin đã nói với Harry Hopkins [đặc phái viên của FDR tới Moscow vào tháng 7 năm 1941] rằng Liên Xô không thể sánh với sức mạnh của Đức.»

Nikita Khrushchev, từng là Tổng Chính uỷ Hồng quân và người trung gian giữa lãnh tụ Liên Xô Stalin và các tướng lĩnh Hồng quân  trong chiến tranh, đã đề cập trực tiếp đến tầm quan trọng của viện trợ Lend-Lease của Hoa Kỳ trong hồi ký của mình: «Tôi muốn bày tỏ ý kiến ​​thẳng thắn của mình về quan điểm của Stalin về việc liệu Hồng quân và Liên Xô có thể đối phó với Đức Quốc xã và chiến thắng mà không cần viện trợ từ Hoa Kỳ và Anh hay không.Trước tiên, tôi muốn kể về một số nhận xét mà Stalin đã đưa ra và lặp đi lặp lại nhiều lần khi chúng tôi "thảo luận tự do" với nhau. Ông tuyên bố thẳng thừng rằng nếu Hoa Kỳ không giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi đã không chiến thắng trong cuộc chiến. Nếu chúng tôi phải chiến đấu với Đức Quốc xã một chọi một, chúng tôi đã không thể đứng lên chống lại sức ép của Đức, và chúng tôi đã thua trong cuộc chiến. Không ai từng thảo luận chính thức về chủ đề này, và tôi không nghĩ rằng Stalin để lại bất kỳ bằng chứng văn bản nào về ý kiến ​​của ông ấy, nhưng tôi sẽ nói ở đây rằng vài lần trong các cuộc trò chuyện với tôi, ông ấy đã lưu ý rằng đó là những tình huống thực tế.»

Iosif Stalin, trong Hội nghị Tehran năm 1943, đã thừa nhận công khai tầm quan trọng của những nỗ lực hỗ trợ của Mỹ trong một bữa ăn tối tại hội nghị: «Nếu không có hỗ trợ từ Mỹ, các nước Đồng minh sẽ không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến.»

Trong một cuộc phỏng vấn bí mật với phóng viên thời chiến Konstantin Simonov vào năm 1963, Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov đã nói: «Ngày nay [1963], một số người nói rằng quân Đồng minh đã không thực sự giúp đỡ chúng ta... Nhưng nghe đây, không thể phủ nhận rằng người Mỹ đã viện trợ vũ khí cho chúng ta mà nếu không có chúng, chúng ta không thể trang bị cho các lực lượng dự bị và có thể tiếp tục chiến đấu.»

Qvoc Khanh tổng thuật từ:

Wednesday, April 20, 2022

Những cuộc chiến tranh từ đâu tới

NGUỒN GỐC CỦA WAR LÀ ĐÂY! LIỆU BLOCKCHAIN CÓ THỂ THAY THẾ ĐƯỢC ĐIỀU NÀY!

(Trước đây Việt Nam cũng được Mỹ dự báo có nguồn tài nguyên Dầu mỏ ở Biển Đông lớn nhất khu vực Asean)

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nợ công của chính phủ nước này đã phá vỡ kỷ lục, vượt quá 30.000 tỷ USD. Nếu không duy trì được cỗ máy chiến tranh (để ăn cướp) đế chế này sẽ kết thúc

------------

Theo văn mẫu, thì dân Mỹ Tân sẽ phải hô hào thế này: "Vậy là mỗi người Mỹ từ khi sinh ra đã gánh trên người khoản nợ 58k USD không biết trả bao giờ mới hết. Đả đảo chính quyền tư bản Mỹ hèn với giặc ác với dân." Vậy bản chất của sự thật là gì? Tại sao Mỹ lại nợ nhiều thế, chủ nợ của Mỹ là ai và Mỹ sẽ làm gì để trả nợ.

**1. Giá trị của đồng USD (Đô La Mỹ) nằm ở đâu?**

Giá trị của tiền nó nằm ở giá trị bảo chứng của nó các bạn ạ. USD là một đồng tiền mạnh bởi vì nó gắn với giá trị bảo chứng.

Có thể nói, giá trị của đồng đô la Mỹ chính là một phần khiến Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Từ năm 1944 đến 1971, đồng Đô la Mỹ được đo bằng vàng (Bản vị vàng), và từ năm 1971 tới nay nó được định giá bởi dầu mỏ (Bản vị dầu mỏ - Petrodollar), hiểu đại khái trước kia dùng Đô la Mỹ có thể đổi lại vàng, và ngày nay hầu như chỉ được dùng Đô la Mỹ để mua dầu mỏ - chính bởi thế các quốc gia khác muốn mua dầu mỏ thì phải cần đô la.

Trong khi hàng triệu tờ đôla được in ra hàng ngày, chi phí in ra một tờ chỉ đáng vài xu nhưng giá trị lưu thông của nó thì lớn hơn thế hàng ngàn lần. Bình thường, khi cung vượt quá cầu đối với bất kỳ loại hàng hóa nào, giá sẽ giảm xuống, song có khi nào bạn tự hỏi tại sao việc liên tục in đô la không làm đồng USD Mỹ mất giá nhiều chưa? Hiểu đơn giản thế này, bởi các nhà tài phiệt tài chính chi phối tỷ giá và bởi sự suy giảm giá trị của đô la Mỹ được hạn chế bởi nhu cầu của thế giới bắt buộc phải dùng đồng đôla. Tức là các nước khác trên thế giới liên tục có nhu cầu dùng USD để mua dầu.

Năm 1944, hội nghị Bretton Woods khét tiếng thiết lập đồng đôla là đồng tiền dự trữ thế giới, đồng tiền duy nhất gắn với vàng trong khi tất cả các đồng tiền khác gắn với đồng đôla, kiểu nó như một thước đo chuẩn. Do đó, đô la Mỹ trở thành đồng tiền sử dụng cho thương mại quốc tế, hay còn gọi là USD.

Hệ thống Bản vị vàng đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng đôla. Người Mỹ gây sức ép cho 2 chư hầu của họ là Đức và Nhật Bản phải tăng giá trị các đồng tiền Mác Đức và Yên Nhật. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, các quốc gia này miễn cưỡng chấp nhận bước đi này, vì việc tăng giá trị đồng tiền của họ sẽ làm tăng giá hàng hóa của các nước đó và gây tổn hại đến xuất khẩu.

Dưới thời Johnson cầm quyền, cuộc chiến Việt Nam đã khiến nợ quốc gia của Mỹ là 354 tỷ USD, đến thời Nixon cuộc chiến chưa kết thúc đã khiến chính phủ Mỹ mắc nợ thêm 121 tỷ đưa tổng số nợ lên 475 tỷ USD, một con số kỷ lục khổng lồ, từ đó dẫn tới lạm phát. Rất nhiều quốc gia lo sợ và họ mang USD dự trữ để đổi lấy vàng từ Mỹ, dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại và có nguy cơ suy kiệt.

Ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng. Theo đó, đồng đô la Mỹ chính thức từ bỏ tiêu chuẩn vàng. Thỏa thuận Bretton Woods tan vỡ. Đó là một một nước cờ chơi xấu song là bước đi đúng đắn và khôn ngoan với nước Mỹ.

Sự phát triển của loài người đã trải qua nhiều thời kỳ đồ đá, đồ đồng....và bây giờ là thời dầu mỏ. Khác với vàng, dầu mỏ dùng để sản xuất, tiêu thụ, hoạt động mà thiếu nó thì ngành công nghiệp và chế tạo, các loại động cơ không thể hoạt động. Do vậy, dầu mỏ và thành phần của nó hầu như có mặt trong toàn bộ đời sống, hoạt động của loài người hiện đại. Vì thế, ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ là làm chủ được nền kinh tế toàn cầu.

Giới tinh hoa Mỹ đã nhìn thấu điều này. Họ đã nhắm tới Arabia Saudi, quốc gia có trữ lượng và số lượng khai thác dầu mỏ lớn bậc nhất thế giới, Vậy là thỏa thuận Mỹ-Arabia Saudi ra đời.

Theo đó: Mỹ sẽ bảo kê cho Arabia Saudi. Mỹ cũng đồng ý cung cấp vũ khí cho Saudi, và có lẽ quan trọng nhất là đảm bảo bảo vệ ngai vàng hoàng tộc nhà Saudi khỏi bị Israel xâm lược, lật đổ (thời đó Israel được coi như một quốc gia "sát thủ", hùng mạnh trong cuộc chiến Trung Đông).

Đổi lại, Arabia Saudi phải đáp ứng 2 điều khoản. Nhà nước Saudi phải từ chối tất cả các loại tiền tệ khác để thanh toán cho việc mua dầu mỏ ngoại trừ đồng đô la Mỹ. Arabia Saudi sẽ mở cửa cho đầu tư tiền dư thừa thu được từ bán dầu của họ vào chứng khoán nợ của Hoa Kỳ.

Sau Arabia Saudi, lần lượt là toàn bộ các nước Ả Rập tại Trung Đông. Năm 1975, toàn bộ OPEC cũng đều thực hiện 2 điều khoản này để đổi lấy cam kết của Mỹ.

Dầu mỏ, thị trường nguyên liệu lớn nhất, được thanh toán hoàn toàn bằng đôla Mỹ. Nếu bạn muốn mua một thùng dầu mỏ, bạn phải đổi tiền tệ của bạn lấy đôla Mỹ (còn được biết đến với cái tên đôla dầu mỏ) và dùng nó để trả cho nhà cung cấp dầu. Trong một giao dịch như vậy, bạn làm suy yếu đồng tiền của bạn (bằng việc bán nó) và bạn củng cố giá trị của đồng đôla bằng cách làm gia tăng nhu cầu cần nó.

Cả thế giới này quốc gia nào cũng cần dầu, mua dầu, vậy làm sao có đô la Mỹ để mua? Vậy là họ phải xuất khẩu giá rẻ sang Mỹ, người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi lớn từ các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên nên phải nhập khẩu một số lượng lớn hàng hóa, bao gồm dầu mỏ. Muốn có nhiều đô la Mỹ để mua dầu thì tất cả các hàng hóa phải ưu tiên xuất sang Mỹ để thanh toán đổi lấy tiền đô la.

Hay như Trung Quốc, khi muốn bán sản phẩm mình cho một nước khác, tất cả được trả bằng đô la Mỹ. Do Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều, họ có hàng tỷ đôla dự trữ. Thông qua việc buộc phải mua đôla Mỹ này, Trung Quốc đã giúp hạn chế sự sụt giảm giá trị của đồng đô la. Nhìn theo cách này, Trung Quốc và cả thế giới, thông qua việc mua đồng đôla, đã giúp tài trợ cho sự giàu có của giới đầu sỏ tài chính, những kẻ tạo ra hàng đống đôla mới hàng ngày từ việc in tiền.

**2. Vậy chủ nợ của Mỹ là ai?**

Tất nhiên, Mỹ có thể dùng đô la Mỹ, "bản chất là một tờ giấy" mà chỉ duy nhất Mỹ in ra được, để mua dầu. Thử hỏi trên thế giới này có quốc gia nào, ngoài Mỹ, có thể in tiền để mua dầu và sau đó các quốc gia sản xuất dầu lại giữ nợ cho tiền in đó?

Chính phủ Mỹ, trên danh nghĩa, hưởng lợi từ điều này. Đáng tiếc là chính phủ Mỹ "có tiếng nhưng không có miếng" khi quyền in tiền nằm trong tay Ngân hàng Trung ương tư nhân và Cục dự trữ Liên Bang (FED).

Nói thêm cho những ai chưa biết, FED - Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System ) là ngân hàng trung ương của Mỹ, là cơ quan duy nhất có quyền in đô la. Tuy nhiên, đây là tổ chức tư nhân và không chịu quản lý của chính phủ Mỹ.

Chi tiêu thoải mái cho chiến tranh, đến nay nợ quốc gia của Mỹ đã có một con số khổng lồ là trên 23.000 tỷ USD, đã khiến đôi ba lần chính phủ đứng trước nguy cơ đóng cửa nhưng chỉ cần một vài "thao tác" của FED là chính phủ Mỹ hoạt động trở lại như đã thấy.

Trung Quốc, NHật Bản xuất khẩu vào Mỹ rất nhiều, Và hiện tại các chủ nợ nước ngoài của Mỹ dẫn đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, nắm giữ 6.210 tỷ USD nợ công của Mỹ. Tuy nhiên, về bản chất chính phủ Mỹ vẫn là con nợ của FED. Để có thể hết nợ, biện pháp nhanh nhất đó là giành lại quyền in tiền về cho chính phủ Mỹ. Đáng tiếc, tất cả những ai bật lại tổ chức này đều đã bị ám sát, chẳng những vậy chết rồi vẫn bị hắt nước bẩn vào người. Kể cả nhiều đời Tổng thống Mỹ cũng vậy, cứ khi nào họ can thiệp vào quyền in tiền của FED thì sau đó bị ám sát.

Năm 1861 trở về trước, chính phủ Mỹ là con nợ của dòng tộc Rotschild, khi ấy nắm toàn quyền về việc in và phát hành tiền Dollar. Do sự áp đặt lãi xuất quá cao, Abraham Lincoln khi đó đã cho phép chính phủ Mỹ tự in tiền. Chỉ sau vài năm, năm 1865, Abraham Lincoln bị ám sát.

Số phận của John F. Kennedy sau này khi có ý định tước bỏ quyền lực của FED và lấy lại quyền tự in, phát hành đồng Dollar - cũng bi thảm tương tự. Ngày 4 tháng 6 năm 1963, ông ký quyết định "Executive Order Number 11110" xóa bỏ hiệu lực của bộ luật "Executive Order Number 10289", tức là việc in và phát hành tiền nằm trong tay chính phủ Mỹ, tước bỏ quyền lực của các ngân hàng lớn. Trong thời gian ngắn ngủi đó, tổng số tiền in ra ước tính khoảng 4 tỷ USD. Sự khác biệt của đồng USD dưới thời Kennedy được in ra và do FED nằm ở chỗ Phía trên của hàng chữ "THE UNITED STATES OF AMERICA". (Đây là các tờ 2 USD và 5 USD mang dòng chữ "A banknote of the United States" thay vì là "A banknote of the Federal reserve" đã được in ra)

Kennedy đã làm điều này đúng luật và nằm trong quyền hạn của mình, trả lại quyền in tiền cho chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, các lãnh đạo FED lại không thích điều này, huống chi chính họ là thế lực ủng hộ Kennedy lên ghế tổng thống. Họ lo sợ tương lai Kennedy sẽ đẩy FED ra khỏi quyền in tiền.

Thế là 4 tỷ USD các tờ 2$ và 5$ ấy chưa kịp đưa ra lưu hành thì John F. Kennedy bị ám sát vào ngày 22 tháng 11 năm 1963. Số tiền đó đã bị FED tiêu hủy và thay thế bằng tiền của FED in ra.

Tiếp theo F.Kennedy, Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ (1963-1969) là Lindon Johnson lên cầm quyền thì "Chứng chỉ bạc trắng" đã dần bị loại khỏi lưu thông. Kể từ đó, chẳng còn Tổng thống Mỹ nào dám thử tự in tiền nữa, cho dù sắc lệnh tổng thống No.11110 vẫn còn nguyên hiệu lực (bất kỳ ai lên thay Kennedy bãi bỏ sẽ trái luật).

Rốt cuộc, FED vẫn nắm chắc quyền in tiền và do đó, người thụ hưởng chính của nhu cầu toàn cầu tăng lên đối với đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang FED.

Khi chiến tranh Việt Nam làm tiêu tan vị thế của người kế nhiệm ông là Tổng thống Lyndon Johnson, em trai của JF.Kennedy - Bobby Kennedy chính là ứng viên sáng nhất cho cương vị Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ. B.Kennedy đã tuyên bố sẽ kế tục những tâm nguyện còn dang dở của anh trai mình, đồng thời sẽ 'đập tan CIA thành hàng nghìn mảnh.'

Quá đáng buồn khi Bobby Kennedy tiếp tục bị ám sát ngay vào buổi tối khi ông ta thắng cử chính thức trở thành ứng viên tổng thống cho đảng Dân Chủ tại California.

Khi 2 người con trai ưu tú của gia đình Kennedy đã vĩnh viễn nằm xuống, nhiều người cho rằng hy vọng để nước Mỹ trở thành một nước thực sự của tự do, dân chủ trên thế giới đã chết. Và kể từ khi J.F.Kennedy chết đi, giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam đã diễn ra. Các đời tổng thống kế tiếp của Mỹ chưa bao giờ can thiệp vào câu chuyện in tiền của FED, cũng như chưa từng hạn chế việc buôn bán vũ khí của NRA. Theo thời gian, hàng chục cuộc chiến tranh khác với hàng chục đất nước tan hoang và hàng chục triệu người chết cùng với bom đạn và những tờ đô la xanh của đế quốc Mỹ.

Ai đó nắm được quyền in tiền, sẽ kiểm soát được nền kinh tế, mà kiểm soát được nền kinh tế hầu như có thể kiểm soát được tất cả mọi thứ. Người ta hay nói "Tiền có thể mua được cả ma quỷ" chính là lí do/ý nghĩa như thế.

**3. FED và chính phủ Mỹ phải làm gì để giữ vị trí độc tôn của đồng USD. **

Có thể nói, để duy trì quyền lực của mình trên trường quốc tế, Mỹ đã liên tục gây chiến tranh để cướp đoạt tài nguyên cũng như cách để "khẳng định vị thế anh cả" của mình với đám đàn em như Arabia Saudi, Isarel ... và thu tiền bảo kê từ những nước lệ thuộc/chư hầ như Nhật, Hàn ...

Và dĩ nhiên rồi, đích nhắm của Mỹ theo thứ tự ưu tiên là: Đầu tiền là những nước có dầu mỏ nhưng không chấp nhận làm tay sai. Và sau đó là những nước có toan tính phá vỡ hệ thống Petrodollar của Mỹ, hiểu nôm na là chấp nhận mua bán dầu bằng thứ ngoại tệ khác ngoài USD.

Hệ thống Petrodollar là một công cụ để Mỹ bá chủ thế giới có hiệu lực, họ sẽ làm tất cả để không ai có thể động đến hệ thống Petrodolallrs này, sẵn sàng dùng sức mạnh quân đội để ra tay.

Iraq nhiều dầu mỏ thế, nhưng khi dám chống lại Mỹ, vậy là Iraq đã gần suy kiệt sau thất bại trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (bị tới 34 nước do Mỹ đứng đầu đánh cho “tơi tả”) và các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc do Mỹ giật dây sau đó. Ngoài ra, trước sức ép của Mỹ và đồng minh, Iraq còn phá hủy dần kho tên lửa của mình trong nỗ lực tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh - một điều Iraq không hề mong muốn trong bối cảnh đất nước đang hết sức kiệt quệ và bị cấm vận.

Đáng tiếc, năm 2000, tổng thống Iraq, ông Saddam Hussein tuyên bố sẽ bán dầu thô bằng cả đồng euro chứ không chỉ lấy USD. Và khi các kho tên lửa bị chính người Iraq phá hủy để tránh chiến tranh xảy ra. Trớ trêu thay, chiến tranh lập tức đã xẩy ra. Mỹ dựng chuyện Hussein bí mật sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt đe dọa an ninh Mỹ để lật đổ chính quyền ông Hussein, đánh chiếm Iraq. Cái cớ thật sự là Mỹ muốn ngăn ngừa các nước thành viên OPEC bắt chước Iraq bán dầu lấy euro.

Sau bài học Iraq, chẳng một nước nào dám làm điều tương tự. Cho đến năm 2011, ông Gaddafi tổng thống của Lybia đề xuất về đồng Dinar vàng, đồng tiền chung của châu Phi. Ông Gaddafi kêu gọi các nước châu Phi và Hồi giáo chung tay tạo ra một đồng tiền mới cạnh tranh với đồng USD. Theo kế hoạch này, Liên hiệp châu Phi – một tổ chức na ná như Liên hiệp châu Âu - sẽ chỉ bán dầu thô và các tài nguyên khác cho ai trả bằng đồng dinar vàng.

Nếu ý tưởng này thành sự thật, cán cân thương mại thế giới sẽ thay đổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính thế giới, lúc đó châu Phi sẽ trở thành một thế lực tài chính đáng gờm. Lúc đó Anthony Wile, Tổng Biên tập tờ Daily Bell, khi trả lời phỏng vấn tờ Russia Today năm 2011 đã tiên đoán rằng ông Gaddafi sẽ sớm bị lật đổ vì dám động chạm tới lợi ích của “thế lực ưu tú” tự cho mình cái quyền kiểm soát các ngân hàng trung ương thế giới. Và mấy tháng sau, liên quân Anh, Pháp, Mỹ - và sau đó là tổ chức quân sự NATO - tấn công Libya, lật đổ cái gọi là chế độ độc tài khát máu Gaddafi.

Câu chuyện của Iraq, Libya có lẽ là những minh chứng và trải nghiệm đau đớn nhất về cái giá phải trả khi muốn bãi bỏ hệ thống “petrodollar”, tức dùng USD để lượng giá dầu.

Venezuela là nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới. Họ có ý muốn đưa quốc gia phát triển mà không dựa hơi Mỹ, thế là có ý chống đối, Mỹ đã ngứa mắt từ lâu và thế là cấm vận kinh tế. Do mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, Venezuela phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khi giữ tiền mặt là đôla Mỹ (USD), hay các tài sản được định giá bằng USD. Bởi, chúng đều nằm dưới sự giám sát của hệ thống tài chính Mỹ. Nếu Mỹ muốn thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Venezuela bằng cách “đóng băng” tài sản của Caracas, thì quốc gia Nam Mỹ sẽ rất khó bảo vệ được tài sản của mình.

Và giọt nước tràn ly là khi Venezuela muốn bãi bỏ hệ thống “petrodollar” thông qua việc niêm yết giá dầu thô bằng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào ngày 15/09/2018. Và thế là tèn tén ten, Mỹ đã giật dây và chuẩn bị cho một cuộc đảo chính tại quốc gia Nam Mỹ này.

Câu chuyện của Iraq (chiến tranh vùng vịnh), Libya, Syria …(Mùa xuân Ả Rập) có lẽ là những minh chứng và trải nghiệm đau đớn nhất về cái giá phải trả khi muốn bãi bỏ hệ thống petrodollar, tức dùng USD để lượng giá dầu. Và sắp tới, có thể nạn nhân kế tiếp là Venezuela.

**4. Thế lực nào sẽ dám chống lại hệ thống Petrodollar của Mỹ**?

Đó là Nga, thưa các bạn. CHLB Nga (mà tiền thân là Soviet) là nước đã đi tiên phong trong công cuộc lật đổ sự thống trị của Petrodollar mà chưa bị dập tắt. Chính xác phải nói là nước Nga dưới thời TT V.Putin!

Petrodollar đã hoạt động trơn chu cho đến khi nước Nga của Putin xuất hiện. Nga sẵn sàng bán dầu mỏ, khí đốt để đổi lấy đồng tiền khác ngoài đôla Mỹ và thông qua đó phá đi vị thế độc quyền của đồng đôla dầu mỏ. Một số nước khác như Iran cũng theo gương và loại bỏ đôla Mỹ khỏi giao dịch dầu mỏ của họ.

Năm 2016. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh phải tiến hành ngay lập tức đòn tấn công đầu tiên (First Strike) mang tên "Golden Tsar" nhằm vào "hệ thống Petrodollas" của Mỹ. Như tuyên bố của Sergey Glazyev, cố vấn hàng đầu của Kremlin đã cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây rằng: "Người Mỹ càng hiếu chiến thì họ sẽ càng sớm thấy sự sụp đổ cuối cùng của đồng dollars. Thoát khỏi đồng dollars là cách duy nhất để các nạn nhân thoát khỏi sự xâm lược của Mỹ... và ngay khi Nga và Trung Quốc thông qua, đó có thể sẽ là sự kết thúc của quân đội Hoa Kỳ."

Không chỉ có vậy, Nga cùng Ấn, Trung Quốc còn tích cực xây dựng một hệ thống tài chính độc lập với hệ thống tài chính Mỹ. Thông qua đó, họ cho thế giới một lựa chọn thoát khỏi đồng đô la Mỹ. Đột nhiên, Mỹ không còn có thể in ra nguồn tiền vô tận để phung phí vào các cuộc chiến tranh và duy trì vị thế bá chủ thế giới của họ nữa. Cấm vận và gây khó dễ cho Nga, Mỹ đã làm từ lâu. Còn với Trung Quốc thì gây chiến tranh thương mại.

Nguyễn Đình Hùng

Sưu tầm: #DaihocedX

Friday, April 8, 2022

Trở nên hoàn hảo

Điều con người cần hiện nay là Trí Tuệ hay sự hiểu biết toàn vẹn phát xuất từ tâm linh.

Nếu chúng ta tin rằng mục đích cuộc đời là để học hỏi, thay đổi để trở nên hoàn hảo hơn thì chúng ta sẽ thấy kiếp người ngắn ngủi, vỏn vẹn vài chục năm, không thể đủ để học những điều cần thiết. Do đó, con người phải đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác, để tiếp tục học hỏi cho đến khi trở nên toàn hảo và đó chính là sự Luân hồi (Reincarnation).

Nhiều người cho rằng Luân hồi là lý thuyết của Phật giáo và Ấn giáo nhưng thật ra sự tin tưởng rằng có một linh hồn trường tồn tái sinh qua nhiều kiếp sống đã có từ lâu và được giảng dạy trong các tôn giáo thời cổ ở khắp nơi trên thế giới. Sách vở tài liệu của người Hy Lạp, Ba Tư đều đề cập đến sự hiện hữu của những kiếp sống khác nhau. Ngay trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều ẩn dụ về những kiếp sống luân hồi.

Hãy quan sát thiên nhiên, những con vật khỏe nhất, hung dữ nhất như loài cọp beo đâu giết hết được những sinh vật yếu đuối hơn như hươu nai. Luật vũ trụ định rằng loài nào phát triển theo trật tự riêng của loài đó, cọp beo hung dữ nhưng sinh sản chậm trong khi hươu nai yếu đuối nhưng sinh sản nhiều.

Cũng thế, nếu quan sát kỹ các hiện tượng thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy rõ một sự sắp đặt trật tự và mầu nhiệm vì mỗi loài, mỗi vật, từ sâu bọ bé nhỏ đến loài to lớn như cá voi đều tuân theo một trật tự tuyệt đối, không loài nào lấn át được loài nào.

Nhìn vào xã hội loài người, thuyết Tiến hóa thực nghiệm của Darwin còn lập luận chưa thuyết phục rằng vì sao cha mẹ khỏe mạnh có thể sinh con tật nguyền hay cha mẹ bình thường lại sinh con thông minh tuyệt thế.

Điển hình là các thiên tài về âm nhạc như Mozart biết soạn nhạc khi vừa lên 4 tuổi, mặc dù không ai dạy mà ông vẫn sử dụng được rất nhiều nhạc khí khác nhau. Ông còn soạn những hòa tấu khúc phức tạp vượt xa những bậc thầy về âm nhạc lúc đó. Cha mẹ của ông chẳng phải nhạc sĩ tài ba và sau này các con của ông cũng không có ai trở thành nhạc sĩ.

Nếu thuyết Tiến hóa của Darwin đúng thì những nhạc sĩ giỏi phải tiếp tục sản sinh ra nhạc sĩ tài ba nhưng sự thật thì con cháu của các thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Bach, Chopin đâu có ai trở thành thiên tài âm nhạc. Nếu không tin luân hồi thì chúng ta phải giải thích như thế nào về hiện tượng thần đồng như Mozart, Beethoven, hay Bach?

Nếu suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ thấy quan niệm rằng đời sống là sự tranh đấu, mạnh được yếu thua, và chỉ có đấu tranh mới đưa nhân loại đến chỗ tiến bộ chỉ là lý thuyết đề xướng bởi những kẻ theo Chủ nghĩa Thực dân. Theo lý thuyết này kẻ mạnh sẽ thắng, làm bá chủ thiên hạ và lãnh đạo thế giới.

Một quốc gia tiến bộ là quốc gia có sức mạnh quân sự để cai trị và bóc lột các quốc gia khác. Hiển nhiên, đứng vào địa vị của kẻ mạnh đàn áp người yếu thì lý luận này dễ nói nhưng không ai có thể chấp nhận lý thuyết này nếu đứng vào vị thế của nạn nhân bị bóc lột, của người bị lợi dụng, của quốc gia bị xâm lăng, đô hộ.

Điều đáng tiếc là một lý thuyết phi nhân và phi lý như thế mà vẫn còn được giảng dạy trong học đường trong khi những định luật như Luân hồi, Nhân quả thì không được ai nói đến. Không những thế, hiện nay nhiều người vẫn còn tin tưởng ở thuyết Tiến hóa thực nghiệm này và tiếp tục cổ xướng cho nó nhưng trước sau họ sẽ phải học bài học mà họ cần phải học.

Trí Việt

Thursday, April 7, 2022

CẢI TIẾN CHỮ QUỐC-NGỮ: NHỮNG DỰ ÁN TẦM PHÀO, VÔ BỔ

Tiếng Việt và chữ Việt cần thay đổi và phát triển là điều tự nhiên bởi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng hàng đầu để truyền tải thông tin và giáo dục. Nó cũng thể hiện văn hoá và truyền thống của 1 dân tộc hoặc của từng cá nhân trong giao tiếp hàng ngày.

Nhưng cải cách ngôn ngữ thì ko thể bát nháo được. Chỉ có những người uyên bác trong lĩnh vực này, những người xứng đáng với danh xưng bác học với kiến thức sâu rộng am hiểu tường tận văn hoá & ngôn ngữ Đông Tây từ cổ chí kim mới có thể làm được.

Tôi cho rằng: So với thế hệ vàng đại diện cho tầng lớp tinh hoa của các học giả VN trước đây, dù có tư tưởng cách tân nhưng thiếu khả năng nên hiện nay người ta càng làm càng sai do thiếu cái nền tảng cơ bản mà các bậc tiền bối đã có.

------------

 Thời gian gần đây, một số người gây chú ý trong dư luận bằng những dự án cải tiến chữ Quốc-Ngữ.

Đầu tiên là ông Bùi Hiền với dự án mà tôi tạm gọi là «Chữ Việt Bùi Hiền». Ý tưởng của ông Hiền là làm sao để các văn bản tiếng Việt tận dụng hết được tất cả các ký tự của bảng mẫu tự La Tinh. Hiện nay, trong chính tả Quốc-Ngữ của các từ thuần Việt và Hán Việt không có các mẫu tự F, J, W và Z. Với việc tận dụng thêm bốn mẫu tự vừa nêu, «Chữ Việt Bùi Hiền» ánh xạ được mỗi âm-vị phụ-âm tiếng Việt tiêu chuẩn (phương ngữ Hà Nội) vào một mẫu-tự phụ-âm La Tinh duy nhất, trong khi ở chữ Quốc-Ngữ truyền thống hiện hữu có những âm-vị phụ-âm được thể hiện bằng hai hoặc thậm chí ba mẫu-tự. «Chữ Việt Bùi Hiền» vẫn tiếp tục sử dụng các mẫu-tự nguyên-âm «La Tinh mở rộng» (Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư) cùng hệ thống dấu thanh-điệu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) của Quốc-Ngữ.

Dự án «Chữ Việt Song Song 4.0» mà nhóm ông Trần Tư Bình đang ra sức quảng bá thì đặt vấn đề khác với Bùi Hiền: họ nhất quyết ghi chép các văn bản tiếng Việt chỉ bằng 26 mẫu-tự La Tinh tiêu chuẩn, không sử dụng bất cứ mẫu-tự La Tinh mở rộng và ký-hiệu thanh-điệu nào của hệ văn-tự Quốc-Ngữ hiện kim. Tuy nhiên, vì số lượng âm-vị phụ-âm và âm-vị nguyên-âm của ngữ âm tiềng Việt lớn hơn số lượng âm-vị của tiếng La Tinh khá nhiều, nên «Chữ Việt Song Song 4.0» buộc phải sử dụng các tổ-hợp mẫu-tự để thể hiện các âm-vị phụ-âm, nguyên-âm đơn, nguyên-âm đôi và nguyên-âm ba tiếng Việt. Nhiều tổ-hợp mẫu-tự được lựa chọn một cách khiên cưỡng, dẫn đến hậu quả nhãn tiền là văn bản Việt khi ghi chép bằng «Chữ Việt Song Song 4.0» RẤT KÉM GỢI NHỚ về phương diện NGỮ ÂM. (Nhớ rằng, GỢI NHỚ NGỮ ÂM là tiêu chuẩn bắt buộc của mọi hệ thống văn tự ghi âm.)

Cần khẳng định dứt khoát rằng cả hai dự án cải tiến chữ Quốc-Ngữ của Bùi Hiền và của nhóm Trần Tư Bình đều không phải là những công trình khoa học gì ghê gớm. Chúng thực chất chỉ là những PHƯƠNG ÁN KHÁC của CHỮ QUỐC NGỮ, thông qua những ánh xạ chuyển đổi mà thôi. Một quy tắc chuyển đổi (ánh xạ) thuần tuý từ ký tự sang ký tự thì chỉ là những thao tác tư duy đơn giản, có hàm lượng sáng tạo gần bằng zero. 

.oOo.

Một NHƯỢC ĐIỂM ai cũng nhận ra ngay của cái gọi là «Chữ Việt Song Song 4.0» là nó đi ngược lại nguyên tắc GỢI NHỚ NGỮ ÂM của một hệ thống văn tự ghi âm.

Còn về lợi ích sử dụng nó mà ông Trần Tư Bình đang tranh thủ quảng bá khắp mọi nơi thì hoàn toàn vô nghĩa và vô dụng trước các công nghệ thông minh hơn gấp nhiều lần đã và đang được triển khai áp dụng: Ngay lúc này đây, công nghệ Speech-to-Text, hay Texting-without-Typing đang được nhúng vào rất nhiều ứng dụng (app) và thiết bị. Tôi đã nhập văn bản status này bằng tính năng Speech-to-Text nhúng ngay trong bàn phím ảo của iPhone.

Để bới lông tìm vết thì văn tự của rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều có nhược điểm. Bản thân văn tự tiếng Anh/Mỹ là một thí dụ điển hình: một âm-vị ngữ âm Anh/Mỹ có thể được ghi bằng nhiều ký tự hoặc nhóm ký tự, một ký tự có thể được đại diện cho hơn một âm-vị. Nhưng giới ngôn ngữ học tiếng Anh/Mỹ và giới công nghệ không ai đặt vấn đề cải tiến văn tự Anh/Mỹ ở trạng thái hiện nay hết. Có tối thiểu 3 lý do để cho những «sáng kiến» tầm phào như «Chữ Việt Song Song 4.0» hay trước đó là «Chữ Việt Bùi Hiền» là thứ vô bổ:

1. Lý do ngôn ngữ học: 

Ngôn ngữ nào cũng có những từ đồng âm khác nghĩa, chúng có cùng vỏ ngữ âm nhưng có chính tả (vỏ văn tự) khác nhau => chính tả là công cụ khu biệt ngữ nghĩa. Nếu quy tất cả các từ đồng âm vào cùng một chính tả duy nhất, sự khu biệt ngữ nghĩa lúc này phải căn cứ vào ngữ cảnh, một điều làm phức tạp cho các chương trình dịch máy.

2. Lý do văn hoá: 

Bất kỳ sự thay đổi văn tự nào đều gây nên một sự ĐỨT GÃY VĂN HOÁ. Khi bỏ chữ Hán/Nôm và chuyển sang văn tự Quốc Ngữ, người Việt đã chấp nhận một đứt gãy văn hoá: hầu hết người Việt hiện nay, trừ các chuyên gia Hán/Nôm, đều không thể tiếp cận bộ phận văn hoá vật thể được bảo tồn trong các thư tịch Hán/Nôm. Sự đứt gãy văn hoá do thay đổi hệ thống văn tự chắc chắn sẽ kèm theo những chi phí xã hội hữu hình và vô hình to lớn để khắc phục sự đứt gãy đó. Ai cũng có thể hình dung được điều này. Đây chắc chắn là lý do mà những quốc gia - dân tộc không sử dụng hệ thống chữ viết trên cơ sở mẫu-tự La Tinh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga không đặt ra vấn đề «cải tiến» chữ viết của họ.

3. Lý do công nghệ: 

Ông Trần Tư Bình nêu «lợi ích» của cái gọi là «Chữ Việt Song Song 4.0» là tiết kiệm thời gian nhập liệu. Sự tiết kiệm này chỉ có một chút công dụng khi nhập liệu thủ công (typing), nhưng phải đánh đổi bằng sự kém gợi nhớ ngữ âm. Với công nghệ nhập liệu Speech-to-Text hiện nay đã rất phổ biến, sự tiết kiệm thời gian và công nhập liệu mà ông Trần Tư Bình nêu là hoàn toàn vô nghĩa.

.:&:.

Trần Quốc Khánh

Hãy tự cứu mình!

Nguồn từ fb :Đặng Nhật Minh (đăng bởi Cù Phượng Anh)

Anh Đặng Nhật Minh, một cựu học sinh trường chuyên Hà Nội _Amsterdam. Giờ hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ đại học : Swinburne, ARC SEAM ( Úc).

✍️Xem clip cậu bé nhảy lầu mình thật sự lạnh gáy vì đó chính là kịch bản mà mình đã từng chuẩn bị gần chục năm trước. Cũng soạn sẵn một đoạn thư tuyệt mệnh, cũng dự tính gửi cho bố mình đọc, mình còn cẩn thận mang thước ra đo lan can để nhảy sao chắc chắn hiệu quả và đã thử leo được một nửa đường thì dừng lại bởi tiếng mẹ mình gọi xuống ăn cơm tối. Trời đánh thì tránh miếng ăn, có ai muốn xuống âm ty với cái bụng đói đâu.

Phòng mình ở tầng cao nhất của nhà, cho nên thuận tiện để nhảy bất cứ lúc nào. Ý tưởng để tự vẫn thì cũng đã nhen nhóm hàng tá lần, chủ yếu do áp lực tới từ việc học và kỳ vọng cao của bố mẹ. Nếu như học sinh bình thường học kém thì sẽ có con nhà người ta, nhưng trong trường hợp của mình thì mình đã đứng nhất rồi chẳng có con nhà nào cả ngoài việc phụ huynh giữ quan điểm cổ điển là phải tập trung học bằng mọi giá tới mức cực đoan. Phải bỏ game, phải bỏ sinh hoạt câu lạc bộ và phải học thêm nhiều nhất có thể để phấn đấu nhất quốc gia rồi nhất thế giới mới được. Vì mẹ mình là quản lý trung tâm học thêm (hồi đó là kỳ phùng địch thủ với hocmai.vn) với rất nhiều thầy cô giỏi từ Ams, Sư Phạm, Tổng Hợp rồi Lương Thế Vinh nên mỗi tuần mình có thêm 8-10 buổi học thêm là bình thường, nhất ở lớp chưa đủ mà còn phải nhất ở lớp học thêm, nơi mà có cả những bạn ưu tú tới từ các trường chuyên lớp chọn trong thủ đô. Lần nào về nhà cũng bài tập như núi, chủ yếu là bài tập học thêm chứ ở trên lớp thì lần nào mình cũng làm xong tranh thủ giờ ra chơi rồi. Mình được cái lợi thế làm bài nhanh, ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp môn Hóa cuối năm cấp ba chẳng hạn, bài thi cần 60 phút mà sau khi phát để kiểm tra đề 5 phút mình đã làm xong rồi, trước cả khi giám thị cho phép đặt bút viết đáp án trên giấy. Hóa thi đại học cũng vậy, mất tầm 40% thời gian là xong nhưng có làm nhanh bằng giời thì cũng không lại được đề cương học thêm bởi mình không chỉ học thêm một chỗ Hóa, mà tận 2-3 chỗ lận. Mỗi lần mình nhìn vào túi cặp xách là mình lại nản cho cuộc đời éo le không lối thoát khỏi việc học cho nên tự giải thoát có lẽ là êm đẹp nhất.

Hôm đó thì bố mình ngắt wifi trong lúc mình đang combat trong game. Anh em nào chơi dota rồi thì biết, đang gánh team gần thắng rồi tự nhiên bị chặn thì bị ức chế vô cùng. Bao nhiêu đôi chia tay vì bạn gái nhõng nhẽo nhắn tin trong lúc bạn trai đang bận cứu đồng đội rồi. Vụ việc diễn ra không chỉ một lần, mà rất nhiều lần bố mình phá đám như vậy, xong lại còn bị nói học hành không lo học chỉ lo chơi game là giỏi, sau này tương lai nát bét. Mình tự biết mình học không kém, mà vẫn bị nói như vậy, tới cả giờ giải trí cũng bị chặn nữa thì thử hỏi có cáu không? Mình cố bao nhiêu cũng là không đủ với bố mẹ, họp phụ huynh suốt 12 năm đều được cô giáo chủ nhiệm tuyên dương mà ở nhà vẫn bị nói này nói nọ. Cho nên cái gì đến cũng đến, mình tháo bộ máy tính ra, bê cái màn hình xuống trả cho bố kêu bố đập nát đi rồi con sẽ không chơi nữa. Bố mình nhìn kiểu sốc nhưng cũng bảo bê lên lại. Thế là bê lên, nhưng mình nhịn đói bỏ bữa để bận viết tâm thư. Trong đầu mình lúc ấy, mọi thứ đã an bài rồi, đã theo hướng buông bỏ rồi cho tới khi nghe được tiếng của mẹ mình gào lên gọi ăn cơm tới mức khàn cả giọng. Mình thương mẹ vất vả cày cuốc để kiếm tiền cho mình đi học nên hoãn vụ nhảy lại tạm thời. Cũng may nhờ mẹ lúc ấy gàn bố mình không nói nữa, nên mình hạ hỏa sau một đêm ngủ say. Nếu lúc ấy, bố mình không nhịn được nói thêm một câu, dù chỉ một từ thóa mạ thôi, thì giờ sẽ chẳng có thằng Minh nào ở đây viết những dòng này. Bức thư tuyệt mệnh năm ấy vẫn còn ở trong ổ cứng của chiếc máy tính cũ mà mình khá chắc là bố đã bán đồng nát lâu rồi.

Đó chỉ là một lần trong số rất nhiều lần mình nghĩ tới tự tử, lần gần nhất mình muốn xuống suối vàng là gần Noel năm ngoái khi áp lực công việc quá nặng nề cộng với tâm lý bị nhốt ở nhà quá lâu do dịch. Nghiên cứu sinh là một trong những nghề có stress nhiều nhất và trầm cảm trong dịch cũng khá phổ biến, tuy nhiên, vì mình đã biết nguyên do tại sao rồi nên thành ra tự bật mood lại rất dễ bằng cách đi bar bay lắc, đi chụp ảnh bãi biển hoặc đơn giản đi mua vài ly trà sữa để có thêm dopamine. Song, có rất nhiều người không thể tự vực dậy bản thân được, ví dụ như gấu mình và nhiều bạn người Úc của mình, họ buộc phải có các buổi điều trị với bác sĩ tâm lý để giải tỏa khúc mắc của bản thân. Theo mình thấy thì ở Việt Nam, điều này chưa thực sự phổ biến và đa số mọi người cực kỳ xem nhẹ việc điều trị tâm lý, cho rằng đó không phải bệnh, nhưng rõ ràng quan điểm ấu trĩ này là sai, cả về mặt khoa học luôn. Không phải ai sinh ra cũng có sẵn tâm lý mạnh mà nên mình hi vọng dịch vụ khám tâm lý sẽ dần được phổ biến ở nhà. Bản thân mình cảm thấy may mắn vì đã tự vượt qua được trầm cảm (căn bệnh mà các du học sinh thường gặp phải) và cảm giác tiêu cực muốn tự tử cơ số lần. Nói thế nào nhỉ, vì mình đã từng trải qua những ngày tháng tệ nhất rồi, nên khó có thể có ngày tệ hơn được nữa. Với cả mình trời sinh đã có bản tính tham: tham ăn đồ mẹ nấu, tham đi ngắm gái đẹp, tham thử cái mới kiểu vị trà sữa mới và tham đi đây đi đó nên còn quyến luyến cuộc đời lắm.

À, còn một điều khá là nực cười nữa mà mình nhận ra. Mấy cái bảng điểm 12 năm học chẳng có tác dụng gì khi đi xin việc, bằng khen 12 năm học sinh giỏi hay tốt nghiệp loại xuất sắc có lẽ dùng làm giấy dán tường cho đẹp cũng được. 10 phẩy 3 môn Toán Lý Hóa hay nhất nhì lớp suốt 12 năm cũng chỉ là miếng trầu bắt đầu câu chuyện, và bản thân mình luôn gato với nhiều bạn 6 phẩy nhưng được có trải niệm đi nét, cúp học, yêu sớm tận hưởng đúng tuổi thanh xuân. 

Ngoài ra, còn có nhiều chuyện thực tiễn mà mình quan sát được để cho thấy căn bệnh thành tích ảo và vô dụng cỡ nào.

Ví dụ như IELTS chẳng hạn, cần quái gì 9.0 như mấy trung tâm hay đưa bài PR lên để thu tiền phụ huynh, bao giảng viên người Việt ở các trường top bên này họ phát âm tiếng anh vẫn đặc sệt accent Việt Nam, thậm chí còn kiểu I am thành Ai iem, chẳng cần phải điệu accent US-UK như mấy ông thầy balo hay chém trên tiktok mà bao thế hệ học sinh bản địa vẫn theo học được bình thường. Rất nhiều Việt Kiều sinh sống, làm việc và học tập hàng chục năm ở xứ người mà họ vẫn giữ cách nói của người Việt và vẫn đều đặn đóng góp hàng chục tỷ dollar ngoại tệ cho GDP Việt Nam hàng năm. Thực tế, IELTS 6.5 hay thậm chí 5.5 là đủ để xin học bổng tiến sĩ ở nhiều trường tại Úc rồi. Họa chăng chỉ có người Việt ở tại VN tự đi bêu xấu và chỉ trích tiếng Anh của chính mình.

Ví dụ như nhiều giáo sư tiến sĩ giỏi mà mình biết ở nước ngoài, được mấy ai xuất phát điểm tới từ trường chuyên lớp chọn từ cấp ba cấp hai. Hay trong các tỷ phú giàu nhất Việt Nam, liệu có ai xuất thân từ đội tuyển quốc gia? Và có nhiều đứa bạn mình được giải thành phố, quốc gia môn Hóa sau lại đi xin làm Kinh Tế và Công nghệ thông tin. Mình không rõ bao nhiêu phần trăm sĩ số lớp cấp ba hồi mình học Ams theo Hóa bây giờ, nhưng mình khá chắc dưới 15%.

Và một ví dụ điển hình nhất mà mình muốn kể, đấy là về quán quân Olympia (mình xin giữ kín tên em để tránh làm phiền). Em được coi là một trong những người giỏi nhất và nổi tiếng nhất của chương trình nhưng ở Swinburne thì rất chật vật trong việc xin thực tập. Đợt mình giúp em xin vào làm ở lab, các giáo sư hỏi Olympia là cái gì. Giải thích xong cho họ rồi thì cũng chẳng xi nhê gì nó cũng như kiểu một sinh viên được giải clb hóa học ở trường. GPA năm nhất năm hai ở đại học và kỹ năng mềm mới thực sự quan trọng ở đây. Mác quán quân kia chắc chỉ có ở nhà mình mới đem ra tự hào chứ ở đây, mọi người đều phải phấn đấu từ con số không. 

Và ví dụ cuối về mình, tuy mình chưa phải giáo sư nhưng cũng đã gần xong chặng đường nghiên cứu sinh, mình khẳng định núi bài tập hóa mà mình làm hồi cấp hai cấp ba thì 90% chỗ đó chẳng có tác dụng gì cho việc nghiên cứu của mình cả, nhất là mấy câu tìm chất tính số mol rồi nung khối lượng không đổi toàn phi thực tế nhưng rất hay được đem ra đánh đố IQ học sinh. Nói cách khác thì mình đã phí hàng ngàn giờ ra chơi đáng lẽ dành cho kéo co, đá cầu, đá bóng với bạn bè chỉ để tự kỷ ngồi một chỗ giải những bài tập hóa siêu bịa tới mức siêu tưởng. Một sự lãng phí thanh xuân không hề nhẹ mà mình còn chưa đề cập tới rất nhiều môn vô dụng khác. 

Để tóm lại thì, đây là góc nhìn cá nhân trong thế giới quan của mình. Và mình chưa bao giờ trách bố mẹ vì đã từng ép mình nghĩ tới tự tử, mình cảm ơn họ vì đã tôi luyện cho mình một tinh thần thép cho tới ngày hôm nay. Bởi một điều rằng phụ huynh mình cũng là nạn nhân của ý thức hệ cũ, là nạn nhân của nền giáo dục với cải cách còn quá nhiều bất cập. Mình biết kể ra thì cũng chả thay đổi được gì, nhưng mình hi vọng các thế hệ bố mẹ trẻ Gen Z sẽ có cách giáo dục con cái văn minh hơn để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Chọn lọc tự nhiên thường sẽ rất hà khắc ở những quần thể sinh vật có số lượng lớn, tựa như các quốc gia có mật độ dân số cao như TQ, VN, Ấn Độ, Hàn, v.v. vậy nên chuẩn bị tinh thần cho con trẻ sớm được lúc nào là hay lúc ấy. 

Nếu mà bạn buồn và bế tắc quá, thì bạn có thể gửi tin nhắn tâm sự với mình. Mình vẫn mở ask.fm/Solarlight_Dark (link ở bio) từ mấy năm rồi và thi thoảng vẫn có các tâm sự cần gỡ rối mà các em gửi cho mình. Mình thì không phải chuyên gia tâm lý, nhưng chắc là đủ năng lượng tích cực để san sẻ cho các bạn, và cũng nhờ trao đổi với các bạn thì mình cũng cảm thấy yêu đời hơn. Một mối quan hệ cộng sinh win-win mà. Cuối cùng, mình chỉ muốn nói rõ rằng: tâm lý muốn tự tử không xấu, đừng né tránh nó hay cố xử lý một mình mà hãy dũng cảm đối mặt với nó cùng những người bạn của mình. Vượt qua được rồi thì tức là bạn đã trưởng thành. Còn nếu bạn ko có người bạn nào, thì bạn đã có mình.

--------------------

Sáng nay mình đã lập khảo sát trong group cộng đồng Amser, tới bây giờ thì có hơn 96% người tham gia ủng hộ phải lên tiếng. Đây không phải lần đầu và cũng chẳng phải lần hai ở Ams có việc học sinh tự tử, mấy vụ khác đã chọn im lặng và ỉm truyền thông đi rồi nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Có lẽ đã tới lúc chúng ta nên speak up để bảo vệ hàng ngàn học sinh đang phải chịu chung tâm lý áp bức như vậy, cũng như để tránh cho các người nhà người thân khác phải khóc trong tương lai. Hãy lên tiếng nếu như bạn đang phải chịu áp lực vô lý từ phụ huynh và nhà trường. Hãy tự cứu lấy bản thân mình.

*Ảnh ĐNM

Đất Phương Nam

 Vì sao miền Nam dễ sống?

Tác giả: Nguyễn Văn Bảnh

Trước đây, nhiều lý giải trên mạng cho rằng miền Nam dễ sống là do thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hoà, ít gặp bão táp.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, một vùng đất dễ sống hay không thì yếu tố thiên nhiên chỉ là phụ, cái vấn đề quan trọng là sự tin tưởng và cách đối xử giữa người với người, nó mới tạo ra một nền tảng và tiền đề cho sự định cư lâu dài.

Những người lưu dân Ngũ Quảng đã mang gươm vào đây mở cõi, vùng đất phương Nam mang tiếng là của Chân Lạp nhưng thực tế thời đó người Khmer tập trung ở Lục Chân Lạp là nhiều (đất cao, dễ trồng trọt). Vùng đất sình lầy đầy hùm beo rắn cọp ở phía Đông thật sự là thứ yếu đối với các vua Chân Lạp. Ban đầu nó là hoang sơ chứ đâu phải ngon lành ngay từ đầu, trong hoàn cảnh đó, thế hệ cha ông của chúng tôi phải nương tựa vào nhau mà sống và tin tưởng nhau để chinh phục thiên nhiên, đầm lầy mới biến thành đồng ruộng, xóm làng.

Tổ tiên Ngũ Quảng của chúng tôi, là những kiếp người bị ruồng bỏ ở xứ Bắc, trôi dạt về phương Nam. Như Đào Duy Từ vì có lý lịch con của người làm nghề xướng ca mà bị gạch tên khỏi trường thi, khi vào Nam theo chúa Nguyễn trở thành nhà thơ, nhà quân sự tài ba, trở thành công thần khai quốc với công trình Luỹ Thầy đã phòng thủ hữu hiệu trước sự tấn công của chúa Trịnh.

Miền Bắc tao loạn đã đẩy đưa biết bao nhiêu kiếp người xuôi theo dòng chảy của lịch sử từ nửa thiên niên kỷ qua. Người Hoa Minh Hương chạy trốn nhà Thanh hay người Hoa quốc gia chạy trốn cộng sản 1949 cũng đã chọn miền đất phương Nam làm nơi trú ngụ. Nhật, Israel không có tài nguyên, họ có trí óc và sự tin tưởng lẫn nhau.

Người miền Nam sống trọng tình nghĩa, nên mới nuôi giấu chúa Nguyễn Phúc Ánh cho nghiệp lớn của Ngài sau này. Miền Nam cũng không có khoáng sản gì nhiều, tất cả những gì chúng tôi có đó là một nền văn hóa chan hòa, yêu lao động, thích tự do buôn bán và có lòng trắc ẩn đối với cỏ cây, thiên nhiên và động vật.

Khi người miền Nam cuối cùng chết đi, thì mảnh đất này mới hết đáng sống, vì cha ông chúng tôi mang theo giá trị dân tộc, vì cải lương của chúng tôi có đủ hơi Bắc, hơi Huế và hơi Nam…

Đất phương Nam đáng sống, vì chúng tôi đôn hậu và tin tưởng nhau, vì các bạn có thể đi miền Tây ăn uống với chi phí không mắc mỏ, cho dù bạn không phải là người miền Nam…

Sưu tầm từ trang Văn chương miền Nam

Wednesday, April 6, 2022

Lương tâm trong sạch

 NGHÈO CHƯA HẲN LÀ HÈN

Một lần, nhà từ thiện Kenneth Belling đi ngang qua khu vịnh San Francisco, Hoa Kỳ vào những năm 1990 của thế kỷ 20, đột nhiên ông thấy mình đánh rơi chiếc ví khi nào không hay. Trợ lý của ông đã lo lắng nói: “Có lẽ chiếc ví đã bị rơi khi chúng ta đi bộ qua các khu nhà ổ chuột ở Berkeley vào buổi sáng, giờ chúng ta phải làm gì?” Belling miễn cưỡng nói: “Chỉ có thể chờ người nhặt được ví tiền gọi lại cho chúng ta mà thôi.”

Mấy giờ qua đi, người trợ lý thất vọng nói: “Thôi, chúng ta đừng nữa, đừng hy vọng gì ở những người sống trong khu nhà ổ chuột.” Tuy nhiên, ông Belling lặng lẽ nói: “Không, tôi vẫn muốn chờ đợi xem thế nào.”

Người trợ lý nghe thấy vậy thì rất ngạc nhiên: “Trong ví có danh thiếp của ngài, nếu muốn trả lại thì họ đã gọi rồi, chỉ mất vài phút thôi. Tuy nhiên, chúng ta đã chờ đợi cả một buổi chiều mà vẫn không thấy tin tức gì. Dường như người nhặt được không có ý định trả lại.”

Tuy nhiên, Belling vẫn khăng khăng chờ đợi. Trời bắt đầu tối và điện thoại vang lên. Cuộc điện thoại này là của người nhặt được chiếc ví. Người đó nói là đợi ông trên đường Kata.

Thấy vậy, người trợ lý hét lên: “Hãy cẩn thận! Đây có phải là cái bẫy không? Liệu có phải họ muốn gõ cửa tống tiền?”

Belling vẫn bỏ qua lời cảnh báo và lái xe đi. Ông tới nơi thỏa thuận thì một cậu bé mặc chiếc áo rách, trên tay cậu cầm chiếc ví tiến lại gần. Người trợ lý vội cầm lấy chiếc ví và kiểm tra, anh thấy bên trong vẫn còn nguyên số tiền. Chờ đợi một lát, cậu bé ấp úng nói: “Cháu có một lời cầu xin, các ngài có thể cho cháu một ít tiền không?”

Lúc này, người trợ lý cười lớn: “Biết ngay mà …” Belling vội ngắt lời trợ lý rồi mỉm cười hỏi cậu bé muốn bao nhiêu.

“Chỉ cần cho cháu xin 1 đô la thôi.” Cậu bé ngượng ngùng nói: “Cháu đã tìm kiếm rất lâu để đến được bốt điện thoại công cộng nhưng không có tiền, cháu phải vay 1 đô la để thực hiện cuộc gọi.”

Nhìn vào đôi mắt trong sáng ngây thơ của cậu bé, người trợ lý đã phải cúi đầu vì cảm thấy xấu hổ. Còn Belling đã vội ngồi xuống ôm cậu bé vào lòng.

Hành động này của cậu bé đã khiến Belling thay đổi kế hoạch từ thiện. Ông quyết định xây mấy trường học ở Berkeley để các bé nghèo không có tiền đi học được đến trường.

Trong ngày khai giảng, Belling nói: “Chúng ta không nên tự phán xét về người khác. Chúng ta cần tạo ra không gian và cơ hội để đón tiếp học sinh có tâm hồn thuần khiết và tốt bụng. Điều này rất đáng để chúng ta đầu tư.”

St từ net

Monday, April 4, 2022

Lý Quang Diệu: Nhận định và quan hệ giữa Singapore với LX và Nga

 LÝ QUANG DIỆU BÀN VỀ NƯỚC NGA

Fb Lương Vĩnh Kim

Lý Quang Diệu qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2015, nhưng những gì mà ông nói về nước Nga từ năm 2012, rất đáng để chúng ta suy ngẫm, đặc biệt trong bối cảnh nước Nga đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trong tác phẩm "Ông Già Nhìn Ra Thế Giới", Lý Quang Diệu đề cập đến các vấn đề của thế giới đương đại, trong đó có nước Nga. Khi được hỏi "Liệu Nga sẽ đóng vai trò lớn hơn trong một châu Âu rời rạc?", Lý Quang Diệu đã trả lời: "Tôi không nghĩ vậy. Người Nga tự coi mình là một cường quốc, trải dài trên chín muối giờ, một lãnh thổ rộng vô cùng với nguồn tài nguyên khổng lồ. Liên Xô cũ là một mối đe dọa an ninh, nhưng nước Nga của ngày hôm nay cũng còn gặp lắm khó khăn để duy trì vị thế cường quốc. Dân số suy giảm, nền kinh tế phụ thuộc vào khí đốt và dầu lửa và không có một nền kinh tế xã hội thật sự. Tâm trạng bi quan ngự trị nơi đây thể hiện qua mức độ tiêu thụ rượu cao và phụ nữ sinh quá ít". 

Rõ ràng, nước Nga đang gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế cường quốc như nhận định của Lý Quang Diệu. Cuộc chiến ở Ukraine trong 40 ngày qua cho thấy, vũ khí của Nga, tuy hùng hổ nhưng thiếu chính xác. Cuộc chiến cũng phơi bày sự tụt hậu của Nga trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Nước Nga 'không có một nền kinh tế xã hội thật sự' như nhận định của Lý Quang Diệu, thì tất nhiên, nước Nga không thể phát triển công nghệ thông tin phục vụ cho mục đích dân sự. Không có công nghệ thông tin của lĩnh vực dân sự hỗ trợ, tự thân nền quốc phòng không thể theo kịp đà phát triển của công nghệ thông tin. Vũ khí hiện đại được điều khiển bằng công nghệ thông tin. Nếu không có công nghệ thông tin thì vũ khí kia chỉ là vật vô dụng. Bị tụt hậu về công nghệ thông tin là nguyên nhân chủ yếu làm cho Nga không thể 'đánh nhanh thắng nhanh' ở Ukraine. Tụt hậu này có nguyên nhân từ nền kinh tế quá phụ thuộc vào tài nguyên khí đốt và dầu lửa, như Lý Quang Diệu đã chỉ ra từ năm 2012.

Không chỉ lần này với nước Nga, mà trước đây, Lý Quang Diệu cũng từng đánh giá gần như chính xác về Liên Xô trước khi sụp đổ. Từ tháng 10/1957, khi đang còn là một luật sư, Lý Quang Diệu đã rất ấn tượng khi nghe tin Nga đã phóng vệ tinh nhân tạo vào không gian. Sự kiện Liên Xô lần đầu tiên đưa người vào không gian, tháng 4 năm 1961, đã chinh phục Lý Quang Diệu. Như muốn xích lại gần Liên Xô, Lý Quang Diệu đã thăm chính thức Liên Xô vào tháng 9/1962 và ông đã khích lệ con trai ông là Lý Hiển Long học tiếng Nga trong vòng 5 năm với một giáo sư di cư người Sec. Thế nhưng, chỉ qua những biểu hiện nhỏ trong đời sống hàng ngày, lắp đi lắp lại, Lý Quang Diệu đã nhận ra sự sụp đổ của Liên Xô là một tất yếu. Lý Quang Diệu ở Khách sạn Quốc gia tại Moskva nhưng bồn tắm và lavabo thì không có vòi tắt và bữa ăn sáng thừa thải không được dọn dẹp cho đến tối, khi ông trở về từ buổi biểu diễn ba-lê. Nhìn đồng hồ trên máy bay TU của Liên Xô, Lý Quang Diệu chợt rùng mình về tinh thần trách nhiệm của cả một hệ thống. Nền kinh tế của Liên Xô không hiệu quả là một thực tế thể hiện qua từng chi tiết trong đời sống hàng ngày, đã đập vào mắt Lý Quang Diệu. Vì thế, Singapore càng ngày càng quan hệ lạnh nhạt với Liên Xô. Năm 1990, Thủ tướng Liên Xô, Nikolai Ryzhkov thăm Singapore và gặp thủ tướng Ngô Tất Đống, hỏi vay 50 triệu đô la để mua hàng tiêu dùng của Singapore. Lý Quang Diệu, lúc đó là cố vấn chính phủ Singapore, đã "không đồng ý và yêu cầu Thủ tướng Ngô Tất Đống không đáp lại". Lý Quang Diệu cho rằng "Đến lúc Thủ tướng Liên Xô phải viện đến một Singapore bé nhỏ để vay 50 triệu đô la, ắt hẳn họ đã  để mất lòng tin của các nước lớn khác. Cho Liên Xô vay là vô ích". Quả nhiên, chỉ sau mấy tháng thì Liên Xô rối loạn và Moskva mất kiểm soát, dẫn đến sụp đổ Liên Bang Xô Viết(*).

Hiện nay, Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất áp đặt lệnh trừng phạt với Nga. Ngày 29/3/2022, Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu, đã gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng để bàn về các quan hệ mà hai bên quan tâm. Tư tưởng của của Lý Quang Diệu là nền tảng của chính sách đối nội và đối ngoại của Singapore suốt mấy chục năm qua. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng hành động giống cha ông, ông Lý Quang Diệu, trong vấn đề đối ngoại, trong đó có nước Nga. "Người Nga tự coi mình là một cường quốc", nhưng nước Nga là hệ quả của một cường quốc sụp đổ vì tổ chức sản xuất và đời sống không hiệu quả. Đại sứ Nga tại Singapore Nikolay Kudashev, hôm 11/3, chỉ trích lệnh trừng phạt của Singapore với Moskva, nhưng Singapore không ngăn e ngại. Nước Nga không còn là cường quốc và vũ khí nguyên tử cũng không dọa được ai./.

Sunday, April 3, 2022

Mẹ ta Mẹ Tây: Nuôi dạy con

 CÁCH GIÁO DỤC TRẺ PHƯƠNG TÂY KHÁC PHƯƠNG ĐÔNG NHƯ THẾ NÀO

Con trai tôi du học, sau khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Tây tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa "thăm người thân". Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu Tây Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây - người mẹ chồng - phải đại khai nhãn giới.

Không ăn thì cứ nhịn đói

Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sáng lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.

Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.

Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem xét tỉ mỉ rồi bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.

Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!

Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu cho bữa tối. Tôi lại thầm nghĩ, nhất định Susan thấy sáng nay cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có thể ăn được một tô lớn.

Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó”. Peter nhìn nét mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm”. “Không được, nói rồi là phải giữ lời”. Susan không một chút động lòng. Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ở nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ”. Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. 

   Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trừng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đây tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.

Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!”. Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.

Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm dí theo sau đuôi nó, dỗ dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngoãn ăn, còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một món đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một món đồ chơi…

Ăn miếng trả miếng

Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi tới. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter, đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý. Một lần, mấy cháu đang chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ.

Susan đang ngồi nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.” Peter bất lực quay đi. Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên. Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi và tụi nó”.

Susan không đả động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” "Mẹ ơi, mẹ đi với con nhen”, Peter thỉnh cầu. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề". Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược lại. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.

Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ

Song thân Susan biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo.

Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch”, Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan".

Một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con biết”. Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.

Ở rất nhiều gia đình Việt Nam - cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy.

Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi: “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ".

Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.

Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. 

   Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn trước mặt con cái.

 Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ lần này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm quà rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho nó!”

Tôi không biết ông ngoại của Peter nói thế nào với thằng nhóc, mà sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe: “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này” với giọng thích thú và mong đợi.

Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ.

Nghĩ đến nhiều đứa trẻ coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo...

Rosa Cỏ Xanh 🍀sưu tầm

Phân tích cuộc chiến tranh Ukraina và Nga

 CUỘC CHIẾN TRANH của PUTIN dưới GÓC NHÌN LỊCH SỬ QUÂN SỰ và CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHÍNH TRỊ (*)

Trần Trung Đạo

1.

Sự ngạo mạn của Putin

Ngày 10 tháng 12 năm 2021, cùng với việc ồ ạt đưa 175.000 quân tập trung sát biên giới Nga - Ukraine, Putin đưa ra yêu sách tám điểm đòi hỏi chính phủ Mỹ và các quốc gia NATO phải chấp nhận nếu muốn tránh chiến tranh, sự chấp nhận phải được thể hiện không chỉ bằng một vài lời tuyên bố suông thôi mà phải bằng văn bản phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai trong số tám đòi hỏi gồm Điều 4, «Các bên không được bố trí lực lượng quân sự và vũ khí trên lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu ngoài các lực lượng và vũ khí đã có ở đó trước ngày 27 tháng 5 năm 1997,» và Điều 6, «NATO cam kết sẽ kiềm chế trước bất kỳ sự mở rộng nào, bao gồm cả việc kết nạp Ukraine cũng như các quốc gia khác.»

Một cách chi tiết hơn, «rút lui về vị trí của thời điểm trước năm 1997» có nghĩa là các lực lượng vũ trang NATO phải triệt thoái khỏi lãnh thổ các quốc gia như Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và các nước hội viên NATO vùng Balkans như Albania, Bulgaria, Montenegro v.v...

Với những đòi hỏi phi lý này, Putin muốn tái lập ảnh hưởng của nước Nga trên một diện tích lãnh thổ có kích thước tương đương như Liên Xô trước khi sụp đổ. Putin hình dung nước Nga năm 2021 trong cùng một vị trí của Liên Xô vào thời điểm năm 1989, nhưng ông ta quên rằng năm 1989, GDP của Liên Xô là 2600 tỷ dollar, bằng một nửa của Mỹ cùng thời điểm, 5200 tỷ dollar, với lưu ý rằng GDP của Liên Xô lúc ấy tuy lớn nhưng tập trung vào lãnh vực quốc phòng trong khi hàng hóa thỏa mãn các nhu cầu đời sống của người dân như xe hơi (phải chờ sáu năm từ khi đặt hàng), tủ lạnh, các kỳ nghỉ, căn nhà riêng không chung đụng ai chỉ là những ước mơ.

Tuy nhiên, Liên Xô đã phá sản không phải vì thiếu đầu đạn hạt nhân, thiếu vũ khí, thiếu quân số, thiếu dầu hỏa mà vì thiếu tự do.

Báo «El País», một trong những cơ quan thông tấn lớn nhất tại Tây Ban Nha, cho biết Putin còn kiêu ngạo đến mức soạn sẵn một tối hậu thư dưới dạng bản dự thảo cam kết để Mỹ và NATO tham khảo.

2.

Canh bạc của Putin

Ngày 2 tháng 2 năm 2022, Mỹ và NATO bác bỏ thẳng thừng hai yêu sách chính nêu trên của Nga. Tuy nhiên để Putin khỏi mất mặt, trong thư hồi đáp riêng cho Putin, Mỹ hứa sẽ tiếp tục đàm phán việc tái bố trí các giàn hỏa tiễn tại các quốc gia hội viên NATO có cùng biên giới với Nga.

Về nguyên tắc, NATO và Mỹ không thể thỏa mãn các đòi hỏi của Putin, bởi vì thỏa mãn tức là đi ngược lại Điều 10 của Hiến chương NATO trong đó khẳng định «Nếu được các quốc gia thành viên của NATO nhất trí chuẩn thuận, bất kỳ quốc gia Châu Âu nào khác đều có thể được mời gia nhập hiệp ước này.»

Nhận thấy rằng đàm phán không còn là một phương án khả thi, Putin phải chọn lựa giữa rút quân hay phát động chiến tranh. Rút 175.000 quân khỏi đường biên giới Nga-Ukraine là không đánh mà thua, Putin quyết định đánh bạc bằng cách tấn công ào ạt với hy vọng nhanh chóng chiến thắng, nhanh chóng chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine để có lợi thế trên bàn đàm phán.

Gần 6 giờ sáng, giờ Moscow, ngày 24 tháng 2 năm 2022, Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine từ ba mũi -- hướng bắc từ Belarus, hướng nam từ Donetsk và Crimea -- nhằm mục đích «phi quân sự hóa» (demilitarization) và «phi phát xít hóa» (denazification) Ukraine. Hai mục đích giả tưởng này là sản phẩm thuần túy của bộ máy tuyên truyền Nga.

Theo nguồn tin tình báo Mỹ cho tạp chí Newsweek tiết lộ, vào những ngày đầu cuộc chiến, giới chức quân sự Mỹ lo ngại rằng với binh lực và hỏa lực của Nga, thủ đô Kyiv có thể phải rơi vào tay quân Nga trong vòng 96 giờ. Tuy nhiên, 96 giờ trôi qua, một tuần trôi qua, một tháng trôi qua, không chỉ Kyiv mà các thành phố lớn khác của Ukraine đều vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ và quân đội Ukraine. Diễn biến của cuộc chiến cho thấy, dù có quân số và hỏa lực vượt trội, Putin chẳng những không thắng mà còn đang thua.

Ở mặt trận trên không với tương quan năm Nga đánh một Ukraine, Nga vẫn chưa làm chủ được không phận Ukraine. Làm chủ bầu trời (air supremacy) là một trong những mục tiêu chiến lược tối quan trọng đã được các lãnh đạo quân sự nhấn mạnh nhiều lần trong lịch sử chiến tranh từ Thế Chiến Thứ Nhất tới nay. Trong Cuộc Chiến Sáu Ngày (Six-Day War) giữa Israel và liên minh Ả Rập, chỉ trong vài giờ sáng ngày 5 tháng 6 năm 1967, không quân Israel đã làm tê liệt 90% không quân Ai Cập. Nhờ làm chủ bầu trời, Israel chỉ bị thương vong 800 sĩ quan và binh sĩ trong khi ba nước Syria, Ai Cập và Jordan con số thương vong lên đến 20.000.

Quân đội Nga dĩ nhiên cũng đã nỗ lực vô hiệu hóa không quân Ukraine. Tuy nhiên, muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác. Nga không làm được như Israel dù chỉ đánh một nước nhỏ hơn diện tích của Nga hàng chục lần, với một quân đội yếu hơn quân đội Nga về hầu như mọi chỉ tiêu, dù Belarus cho mượn đường, dù đã chuẩn bị từ nhiều tháng và dù chủ động đánh trước. Cho đến thời điểm 24 tháng 3, theo đánh giá của NATO, Nga có thể đã tổn thất tới 15,000 binh sĩ: số binh sĩ Nga bị tử trận trong một tháng xâm lăng Ukraine bằng tổng số quân Liên Xô tổn thất trong mười năm chiếm đóng Afghanistan.

3.

Thất bại tất yếu của Putin dưới góc nhìn lịch sử quân sự và chiến lược địa chính trị

Sớm hay muộn, cuộc chiến tranh xâm lược của Putin vào Ukraine sẽ chấm dứt. Và không phụ thuộc vào kết cục cụ thể, Putin chắc chắn là người thua đậm nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược do ông ta chủ mưu.

Canh bạc mà Putin đang đánh không phải là mới. Từ cổ chí kim, các yếu tố «thiên thời, địa lợi, nhân hòa» đã được nhiều nhà chính trị và quân sự khai thác. Hitler đã dùng hai lần trước Thế Chiến Thứ Hai. Putin học lại của Hitler nhưng trò không hơn được thầy.

Về mặt địa lý chính trị, có lẽ các nước Áo và Tiệp Khắc trước Thế Chiến 2 thích hợp để so sánh với Ukraine hơn. Về chiến dịch quân sự, các cuộc hành quân của Đức Quốc xã nhằm chiếm đoạt vùng Rhineland (trước Thế Chiến 2 thuộc về Áo) hay sáp nhập vùng Sudety (trước Thế Chiến 2 thuộc Tiệp Khắc) ngày 7 tháng 3 năm 1936 cũng thích hợp hơn để so sánh và phân tích nước cờ của nhà độc tài Nga ngày nay.

Năm 1936, Hitler đã thành công vì (1) biết chắc chắn tư tưởng chủ hòa, bất động thủ của các chính phủ Anh và Pháp, đứng đầu là Thủ tướng Anh Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp thuộc liên minh cánh tả Édouard Daladier, (2) các liên minh quân sự giữa Pháp và Liên Xô hay giữa Pháp và Tiệp Khắc là những liên minh không đáng tin cậy vì họ không hề tham khảo nhau trong suốt cuộc xung đột, (3) thông qua bộ máy tuyên truyền của Joseph Goebbels, Hitler được dân chúng địa phương đa số là người gốc Đức tại cả hai vùng lãnh thổ Rhineland và Sudety ủng hộ, (4) chính quyền và đảng chính trị thân Đức Quốc xã tại Rhineland và Sudety ủng hộ, và (5) có đồng minh đóng vai trò môi giới quan trọng ở Châu Âu là Benito Mussolini ủng hộ.

Putin của năm 2022 không có được bất cứ tiện nghi nào trong cả năm yếu tố nêu trên. «Đồng minh» duy nhất của Putin là Tập Cận Bình cũng không quá mặn mà và không công khai ủng hộ Putin. Trong tập quán chính trị, người ta «phù thịnh» chứ ai không «phù suy».

Tập Cận Bình không muốn chiến tranh xảy ra trong giai đoạn này không phải vì lòng yêu chuộng hòa bình mà vì mục đích ngắn hạn cũng như dài hạn của ông ta chưa hoàn tất. Tập Cận Bình không dại gì phải hy sinh những mục tiêu quan trọng của Trung Quốc vì một người bạn đường vài cây số như Putin. Trong mắt họ Tập, thế giới không còn là ba trục (Liên Xô, Mỹ, Trung Cộng) như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây nữa. Nước Nga của thời Liên Xô chỉ còn trong sử sách. Putin là một nhà độc tài cơ hội nhưng không biết tự lượng sức mình.

4.

Những lưu ý dành cho người Việt

Một số quan điểm bênh vực Nga cho rằng việc mở rộng về hướng đông của NATO đã đẩy Nga vào thế phải phản công.

Những người theo quan điểm này hoặc chỉ nói theo những nội dung tuyên truyền của Nga, hoặc không theo dõi sát chính sách đối ngoại của Nga từ khi Putin lên nắm quyền, vốn là sự triển khai «học thuyết Primakov», gọi theo tên của cựu Giám đốc KGB, cựu Ngoại trưởng và cựu Thủ tướng Nga Yevgeniy Primakov. Nội dung căn bản của «học thuyết Primakov» là nước Nga, thay vì phát triển sự hòa nhập với các nền dân chủ phát triển phương Tây, sẽ liên minh với Trung Quốc và Ấn Độ thành một tam giác chiến lược đương đầu với Mỹ. Như vậy, quan điểm đối đầu với Mỹ đã khu trú sẵn trong đầu óc của giới lãnh đạo Nga trước thời kỳ NATO mở rộng sang Đông Âu và Baltics.

Những người Việt «phò Nga» thay vì nhìn sang Nga hãy mở mắt to để nhìn ra Biển Đông, nhìn sang Cambodia, nhìn lên Hà Giang, nhìn sang Lào (Lào đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa) để thấy một Việt Nam đáng thương đang co ro trong một cái rọ của Trung Quốc. Trong nhãn quan địa chính trị, vị trí của Ukraine đối với Nga không khác mấy so với vị trí của Việt Nam đối với Trung Quốc. Đại Nga tương đồng với Đại Hán, Biển Đen tương ứng với Biển Đông, Kharkiv tựa như Hà Giang, Belarus tương tự Cambodia (có căn cứ Trung Quốc tại Sihanoukville), vai trò của Aleksandr Lukashenko (Tổng thống Belarus từ 1994 đến nay) là Hun Sen (Thủ tướng Cambodia từ 1985 đến nay). Khác biệt quan trọng nhất và có tính quyết định là Ukraine có một Volodymyr Zelensky anh dũng trong khi Việt Nam lại có một Tô Định thời đại toàn cầu hóa.

Giới chức Việt Nam lâu nay vẫn tâm đắc với kỹ năng «đu dây» giữa các cường quốc đối địch Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Hãy nhìn cho rõ, các nhà làm chính sách Mỹ dù dưới thời tổng thống nào cũng đều nghĩ đến mục tiêu cô lập Trung Quốc, nhưng cô lập trong giới hạn nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời gian.

Tại thời điểm 2022 này, Việt Nam vẫn còn giữ một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, nhưng tại một thời điểm khác trong tương lai, địa vị đó có thể không còn nữa. Một khi «Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương» (Indo-Pacific Strategy) được các chiến lược gia Mỹ triển khai, Việt Nam có thể được xem là đã nằm lọt trong «không gian sinh tồn» của Trung Cộng giống như khi Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt, tại hội nghị Yalta tháng 2 năm 1945, xem Ba Lan thuộc «không gian sinh tồn» của Liên Xô. Khi đó các vị trí chiến lược mà phương Tây cần bảo vệ sẽ là Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia hay xa hơn chứ không phải Việt Nam.

Những người Việt theo trường phái «phò Nga», thay vì lặp lại những bài vở của cỗ máy truyền thông Nga và biểu tỏ sự đồng cảm với đại đế Putin, với chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga, hãy để dành nước mắt để khóc cho Việt Nam.

~~~~~~

(*) Đây là một phần bài viết của nhà nghiên cứu Trần Trung Đạo, được người chia sẻ biên tập lại. Tựa bài và các tiêu đề nhỏ là của người chia sẻ. Link bài gốc:

Saturday, April 2, 2022

Từ lợi lộc đến lụn bại và phá hoại

 10 KIỂU “CHẾT” CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM.

( kỳ 1)

.

Như đã hứa, tôi tạm thời gác hết những đề tài thường kỳ, thời sự và gửi các bạn loạt 10 bài về giáo dục, để một lần làm bật lên cốt lõi của sự băng hoại trong GD Việt Nam hiện nay.

Dù rất muốn “Mềm dẻo” nhưng với hiện trạng mà một tỉnh, khảo sát sơ sơ đã có 8000 cháu lớp ba lớp tư chưa viết nổi tên mình, kế đến là nhiều nhân mạng trẻ thơ đã phải chết tức tưởi, cộng với việc quốc dân phải bỏ ra hàng triệu tỷ (trong 20 năm qua) mua các sản phẩm tệ hại của ngành GD thì tôi đành phải chọn ngôn ngữ cầm tay chỉ việc, chỉ tận tay, day tận trán, cho ra việc, không thể cứ hàn lâm hàn thuỷ hoài với ông GD này nữa.

.

Tôi gom lại được 10 kiểu “chết” đích danh đích diện để mô tả, phân tich cho cái toàn cảnh GD hiện nay, từ cơ chế đến giáo khoa, phương pháp, cố thủ đến phá hoại, đâu ra đó để rộng đường dư luận

Hôm nay là kiểu “chết” thứ nhất.

.

I.Cơ chế.

.

Năm 2018 tôi về Việt Trì, bố mẹ một học sinh lớp 1 nhờ tôi kèm một giờ học thêm cho một cháu.

Cháu bé này khi ăn mẹ vẫn phải bón và dỗ ngọt, cháu chưa biết tự mặc trang phục cho mình.

Khi tiếp cận với bài về nhà, giữa gần chục bài toán, văn rắc rối  tôi thấy có một câu hỏi “ Hát xoan (hay ca trù gì đó, tôi quên rồi) của Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày nào, tháng nào, năm nào ?.

Tôi giật mình: Hình như họ đang có định hướng dạy …chính trị cho lũ trẻ ?.

Tôi lập một trò chơi:

Tôi biên soạn câu hỏi trên rồi gửi tin nhắn bằng Messenger cho 20 người bạn hầu hết qua đại học, tuổi chưa quá 30, nhiều người là thầy cô giáo đều thân thiện với tôi và tôi chờ câu trả lời.

10 giờ sau nhận

 được 16 câu trả lời còn 04 người chắc không nhận thư hoặc không quan tâm.

Trong 16 câu trả lời kia có 2 câu trả lời gần đúng còn 14 người chịu!.

Có bạn trả lời “ Ông nội em cũng không biết, em còn quá nhiều việc để quan tâm chứ không hơi đâu nghĩ về cái vớ vẩn này”

Một Thầy trẻ, là con  thầy giáo già dạy tôi thì trả lời: Biết hay không biết chuyện này, không làm thay đổi chất lượng công dân”.

Ngày hôm sau, tôi đến trường cháu học, đề cập chuyện này với các thầy cô giáo trong giờ giải lao.

Điều ngạc nhiên là ai cũng nhận ra điều quái gở này nhưng không ai dám lên tiếng.

Điểm nhấn của bài này chính là chỗ này.

Nếu tinh thần phản biện có trong đội ngũ này, họ sẽ kiến nghị lên “Trên” ngay, cắt ngay lập tức trò khỉ này thì thầy cũng đỡ khổ và trò không phải nhét vào đầu những điều vô bổ. 

“Trên” cứ việc sai, cứ việc vẽ rắn thêm chân, cứ việc ra sách, cứ việc ra “chủ trương” rồi ban xuống Sở, Sở ban xuống Phòng, Phòng gửi về nhà trường, các thầy cô ở nhà trường chấp hành và dội vào đầu học sinh.

Học sinh cứ việc vò đầu bứt tai, ăn vội ăn vàng rồi kham với đống bài vở cô cho (nhiều gấp 10 câu chuyện hát xoan kia).

Học không được thì nhờ cha mẹ.

Có hai tình huống:

-Cha mẹ nếu làm được thì từ đây quy trình dối trá bắt đầu. Cha mẹ dối thầy, thầy dối thầy (cho là học sinh học được) thầy dối cấp trên, cấp trên của thầy dối trên Bộ, Bộ công nhận luôn sự dối trá đó là thật để dối trá Chính phủ, Quốc hội và để vận hành cỗ máy in tiền qua sách kia. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, ông Nhạ có thể về hưu nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.

-Cha mẹ không làm được, bức xúc, quát tháo, gây sức ép cho học sinh.

Học sinh một là gắng gượng “học” được đến đâu hay đến đấy, nếu quá thì…tìm một độ cao ngoài lan can hoặc đi bụi đời.

Hai là giả vờ học, cha mẹ đi khỏi thì chơi games.

Bằng “Hội phụ huynh” hoặc nhà trường, một cây đũa thần… giả được đưa ra lả : Sách học thêm, lớp học thêm, lò học thêm…

Đến đây bài toán phá nát xã hội, phá có quy trình, phá có truyền thống, phá có kịch bản, lớp lang đã hình thành.

Nhưng, cái cao trào như thế này ổn định suốt hơn hai chục năm nay rồi, thành CƠ CHẾ rồi, không ai uốn nắn, điều chỉnh, cứ vậy mà làm.

Xin nói rõ, vì văn bản này “chạy” trên nền tảng Facebook nên tránh viết dài, nên tôi chỉ nêu câu chuyện “di sản thế giới” nêu trên cho dễ thấy chứ riêng kiến thức lớp một đến lớp bốn hiện nay, có khoảng 70% dạng quăng ngay xuống biển Đông, sẽ giúp con em chúng ta khôn ngoan hơn, trưởng thành nhanh hơn.

Nội dung này nằm trong kỳ 2 sắp đăng.

Nguyễn Huy Cường

Ngày 3/4/2022

Lợi lộc và giáo dục

 MƯỜI SÁU NĂM HÀNH HẠ HỌC SINH. BAO GIỜ NGƯNG?.

.

Vào bài viết này tôi lấy cái mốc 16 năm, từ 2006 ngày một học sinh phổ thông trường Nguyễn Hữu Cầu TP HCM tự tử vì áp lực học hành đến vụ cháu bé chết ngày hôm qua Ở Hà Nội khi chán cuộc học hành này.

Mười sáu năm là quá dài cho một cuộc cải thiện nền giáo dục.

Nhưng hình như nó quá ngắn cho những mưu ma chước quỷ biến giáo dục thành thị trường, biến sách giáo khoa, sách ăn theo thành “kit test”, biến con em thành đàn phu chữ, biến phụ huynh thành lớp người thụ động và biến những thiếu niên có thể trưởng thành tốt thành mạng thí cho nền Giáo dục này.

.

Tôi cũng có lỗi trong việc này là can dự (Dù rất lâu, từ 1996) nhưng chỉ với tư thế một ký giả, đôi khi bức xúc quá đã bộc lộ ý tưởng GIẢI TÁN BỘ GIÁO DỤC. Đã gần 30 bài viết về GD, đã tham dự nhiều diễn đàn về GD nhưng tôi không tỉnh ra để nhận thức được một vấn đề : Không ai thắng được tiền bạc. 

.

Lợi lộc nó túm gáy những ông to bà lớn trong ngành này lôi đi tuồn tuột, không sức nào kéo lại được.

.

16 năm chưa phải giới hạn cuối cùng cho những chính sách hầm bà lằng, vô độ nảy nở.

Muốn làm, có hai cách.

.

Cách thứ nhất :

 Nhờ trời!.

Ví dụ như có một cuộc sụt đất, một chỗ nào đó có các Bộ, cục, vụ, viện (loại vô dụng) của GD bỗng hẫng một phát, tụt xuống tít dưới kia, các lực lượng cứu hộ bó tay.

Sau biến cố này nhưng người làm GD ngẫm ra ( ngẫm đúng hoặc chỉ do duy tâm) rằng “Có thể nào cứ cắm đầu vào làm việc phi nhân rồi phải trả giá không?. Và bây giờ ai nấy, từ cấp Sở trở lên tận tâm, tận tài tạo nên một nền giáo dục tốt, để phước cho con cháu và để công cho muôn dân.

.

Cách thứ hai: Chỉ ra một cách bài bản, từ tốn những vấn đề cốt lõi như:

1.Nguyên lý phá hoại xã hội bằng giáo dục.

2.Tính ỳ khi đã in đậm vào não bộ giới quản lý thì thay đổi bằng cách nào.

3.Có thể cắt bỏ, cắt không thương tiếc 40% chương trình dạy, thay đổi tận gốc cách dạy cách học, cắt 60% nội dung giáo khoa, thay vào đó những kiểu GD thực hành, hiệu quả, nhiều hứng khởi cho hs.

4.Cần cảnh giác cao độ bọn “Kit test GD” nảy nòi ra vô số loại “sáng tạo bỉ ổi” rối rắm, mờ mịt để thay thế cái mờ mịt rối rắm này. Chủ yếu là làm tiền XH.

5. Xoá bỏ "Trường chuyên lớp chọn".

.

6.Chỉ ra số tỷ USD quốc dân đang phải trả cho các hệ giáo dục “quốc tế” từ mẫu giáo đến sau đại học, cả từ lực lượng đi du học đến cuộc đổ bộ khổng lồ 20 năm  của “tây” hiện nay vào đất nước này , nó bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi khoản xuất khẩu ba bốn triệu tấn  gạo của Việt Nam trong khi nước ta dư thừa khả năng làm một nền GD tốt  thay cho “quốc tế”?

Thưa các bạn.

Trong một diễn đàn, tôi đã nói:

30 năm qua ngành có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhất là ngành Nông Nghiệp!.

Nhiều nông dân đã chế ra máy bay không người lái tham gia bảo vệ thực vật.

Có nông dân ở Đak Lak trình độ lớp sáu đã lai ghép thành công giống bơ có giá trị cao gấp bốn loại thường dụng.

.

Nhưng.

Ngành trì trệ nhất , tệ hại nhất chính là ngành Giáo dục.

Trì trệ như thế nào, tệ hại như thế nào thì có hai cách trả lời:

Cách thứ nhất là số học sinh hỏng mắt, học cũng như không, biến thái sức khoẻ, nhiễm nhiều thói hư tật xấu bởi học đường, cuối cùng là tự tử trong 16 năm qua.

Cách trả lời thứ hai, bài bản, rõ ràng, đâu ra đó, xin bạn đọc đón coi bắt đầu từ bài thứ hai sau bài này.

.

Để những trái tim to bên ngành GD khỏi thắc mắc tôi nêu một luận điểm và giữ đến cùng, làm rõ nhất, sâu sắc nhất điều này:

.

Lượng thông tin ép vào đầu một học sinh (lớp 4 chẳng hạn) năm 2021 nhiều gấp 20 lần năm 1985 với cùng đối tượng.

Tham số này nói nhẹ nhàng là phi khoa học, nhưng nhìn vào quan điểm ngu dân hoá thì đích thị là phản động.

Nếu ba bốn chục triệu thanh thiếu niên được giáo dục chuẩn chỉ, sẽ là động lực vàng son thúc đẩy kinh tế, xã hội VN tiến rất xa chứ không như hôm nay. 

Trong cái dư lượng 19 lần hơn đó, tôi có thể chứng minh rằng : 60% vô dụng!.

Từ bài sau, tôi làm rõ chuyện này.

2/4/2022

Nguyễn Huy Cường.