Thursday, June 29, 2023

Dân cần lãnh đạo như Võ Văn Kiệt

Hôm qua 8.5 âm, 12 năm ngày mất ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt.

Giáo sư Tương Lai tổ chức giỗ ông Sáu Dân tại nhà GS.

Trước di ảnh với nụ cười luôn cởi mở rất tươi của ông Sáu, GS Tương Lai gắng nén nước mắt nhưng vẫn không kìm được nước mắt khi nói:

“Những lúc thời cuộc lâm vào thế gay cấn bế tắc – chúng ta lại mong mỏi “phải chi lúc này còn ông Sáu Dân”.

Có lẽ linh cảm ấy đã khiến nhà thơ Việt Phương thảng thốt gọi:

Người đừng đi đừng đi đừng đi

Người có biết đời yêu người đến thế

Đời cần người lúc này bao xiết kể.

Lúc này cùng nhau trước di ảnh của Ông, chúng ta thấm thía sự nghiệt ngã không thể tránh khỏi của cảm nhận “đời cần người lúc này bao xiết kể”.

GS nhắc lại lời của Phạm Văn Đồng: “Trong các Thủ tướng của nước ta, tôi, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt và anh Phan Văn Khải, thì anh Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước”.

GS cho biết suốt đời mình trong lý lịch phần văn hoá ông Sáu chỉ ghi: biết đọc biết viết.

Vậy thôi.

Gã nghĩ, không giáo sư tiến sĩ này nọ choang choang, không vỗ ngực những hào quang trí tuệ Sáu Dân chỉ “biết đọc biết viết” nhưng quan trọng nhất là biết đặt Tổ quốc, Đồng bào lên trên lợi ích phe nhóm, cá nhân, không bị mắc bẫy ý thức hệ hẹp hòi sáo rỗng nên như GS Tương Lai khẳng định:

“Ông sống mãi trong niềm thương và nỗi nhớ của Dân, tấm bài vị của Ông đang được đặt trên Gian Thờ Tổ của chùa Hoa Yên trên quần thể Yên Tử ngày ngày Dân nhang khói, dâng hoa.”

Trong khi đó bao kẻ khác còn sống sờ sờ hàng ngày Dân rủa, Dân mắng.

Tại đám giỗ ông Sáu linh mục Huỳnh Công Minh kể:

“Ông Sáu Dân gặp đức cha tổng giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình để lắng nghe về việc chăm lo cho trẻ em. Ông Sáu nói cần phải giành những gì tốt nhất cho trẻ em nhưng thực tế thì còn đáng buồn lắm. Ông Sáu kể: tôi đi qua Nhà Văn hoá Thiếu nhi những đứa trẻ quàng khăn đỏ đi vào cổng có hàng rào vui chơi trong khi bám hàng rào ngó vô nhiều đứa trẻ khác áo quần nhếch nhác. Tôi đề nghị phải phá bỏ cái hàng rào đó đi.

Ông Sáu nói: Cuộc sống của chúng ta còn quá nhiều những hàng rào phải phá bỏ như thế!”.

Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn kể:

Một hôm ông Sáu kiếm tôi, bá vai tôi nói rất nghiêm túc: Tôi đề nghị Sơn làm phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: Thưa anh Sáu, tôi là viên chức của chế độ VNCH, tôi không có thành tích gì cho cách mạng, tôi không phải đảng viên…

Ông Sáu bấu tay vào vai tôi: Thế thì đã sao nào?

Biết tôi cương quyết từ chối, ông Sáu rất buồn. Ông hỏi vì sao từ chối, tôi im lặng vì tôi không muốn trả lời cho ông rằng, vì tôi lo cho sinh mạng chính trị của chính ông khi dám phá bỏ cái hàng rào kiên cố bao lâu nay về việc chọn nhân sự lãnh đạo.

Nhà báo Kim Hạnh, nguyên TBT báo Tuổi Trẻ kể:

“Ông Sáu Dân yêu cầu báo Tuổi Trẻ tổ chức một cuộc gặp gỡ giới trí thức Sài Gòn với tinh thần cởi mở, Dân chủ để họ phản biện các đường lối chính sách của đảng và nhà nước và cho phép ông được nghe qua một tấm rèm ngăn để không ai biết sự có mặt của ông.

Sau cuộc gặp ông Sáu cho tôi coi cuốn sổ ông ghi chép các ý kiến. Ông nói: Lãnh đạo và trí thức có quá nhiều hàng rào ngăn cách sự thật. Phải phá bỏ chúng.”

Gã ghi lại những gì gã nghe trong đám giỗ ông Sáu Dân chắc chắn cần lắm cho các vị lãnh đạo hôm nay. Ông Sáu Dân được Dân thương chính vì ông phá bỏ tất cả hàng rào ngăn cách với Dân mà đến với Dân và nhập vào Dân để nói tiếng nói của Dân.

Còn các vị?

Lưu Trọng Văn

Wednesday, June 28, 2023

CÂU CHUYỆN về NGHỀ BUÔN BÁN BỆNH TẬT

Lời dẫn,

Từ Sâm xin đăng lại bài đã đăng trên FB đã bị hacker đánh sập trước đây, dành cho bạn nào chưa đọc, bạn nào đọc rồi…đọc nữa cũng tốt. 

Nhà văn Trương Văn Dân quê ở Bình Định. Năm 1970 (ở miền nam) anh du học và ở Ý từ đó đến khi nghỉ hưu (hơn 40 năm). Là dược sĩ cao cấp, anh làm việc trong tập đoàn sản xuất thuốc đa quốc gia. Anh còn là nhà văn với tập truyện ngắn “Hành trang ngày trở lại”, tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, “Trò chuyện với thiên thần” vv.. 

Tiếng nói của dược sĩ (người trong cuộc) rất cần cho sự tham khảo với bạn đọc.  (Ghi chú: Từ Sâm đã đọc bài viết của nhà văn dạng “bản nháp” trước khi sách xuất bản, thời chưa có “nàng” covy). Lần đầu tiên có một nghề đặc biệt "buôn bán bệnh tật” do nhà văn "sáng tạo" ra từ thực tế.

Dưới đây là “lược trích” chương 37 trong tác phẩm “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của nhà văn  Trương Văn Dân  

 Xin chân thành cảm ơn nhà văn và bạn đọc. 

NGHỀ BUÔN BÁN BỆNH TẬT

Trương Văn Dân

"Thực phẩm chỉ là một phần của những tai ách hiện nay. Dược phẩm, một thứ sản phẩm siêu lợi nhuận và nằm trong chính sách toàn cầu.

Y, dược, nghề cao quý nhất, nhưng nó đang biến thành một cỗ máy kiếm tiền.

Cái xác phàm của nhân loại hiện nay chính là nguồn lợi kếch xù của bọn người kinh doanh trên sự sợ hãi: bệnh tật. Lãnh vực này hiện nay nằm trong tay các tài phiệt. Và họ bỏ rất nhiều tiền để tiếp thị hơn là nghiên cứu.

Một thuật ngữ mới ra đời: Desase mongering (Nghề buôn bán bệnh tật). 

Hoạt động đơn giản: Chỉ cần hạ thấp các chỉ số như các chỉ số về bệnh tiểu đường, áp huyết máu, cholesterol... hoặc chẩn đoán các tình trạng tinh thần nào đó như buồn rầu, hồi hộp, nhút nhát... rồi cho là “bất thường” thì số lượng “bệnh nhân” trên toàn thế giới tăng vọt.

PHÁT MINH RA BỆNH

Khi ủy ban “khoa học” Mỹ tái định nghĩa hypercholesterolemia (có cholesterol cao trong máu) và chỉ cần giảm chỉ số để các bác sĩ cho phép dùng thuốc thì số “bệnh nhân” đột ngột tăng 3 lần. Chỉ trong năm 2016 công ty Pfizer đã chi 1,2 tỷ USD, theo sau là công ty Bristol Mayer Squibb chi 460 triệu USD để quảng cáo và tiếp thị thuốc.

Nhưng đây chỉ là đỉnh của băng sơn. Trên thực tế rất nhiều các nhà khoa học hướng dẫn cách dùng thuốc đều hưởng lợi nhuận từ các hãng dược.

Thông qua Disease mongering những trạng thái như buồn rầu, lo âu, hồi hộp...là trạng thái vốn dĩ rất bình thường trong cuộc sống, nhưng đã bị truyền thông hô biến thành bệnh (?) để làm mọi người sợ hãi, cảm thấy mình phải dùng thuốc, buộc phải mua thuốc. Các nhà khoa học chân chính nói rằng hiện nay có hơn 200 tình trạng tâm lý sẽ được xem là “bệnh lý” và nghe ra thật buồn cười: lão hóa, buồn chán, hói đầu, tàn nhang, tóc bạc, kém xinh...

Điều rất buồn là không ai nói với chúng ta rằng nỗi buồn là một phần của sự sống. Hàng thế kỷ trôi qua nó vẫn tồn tại để giữ một nhiệm vụ quan trong trong tâm, sinh lý của con người. 

Vì vậy, dùng đến dược phẩm, thì dù muốn hay không đều sẽ có tác dụng một cách nhân tạo vào trật tự sống của con người và tự nhiên. Xem này, bạn mất ngủ hả, hãy uống thuốc ngủ. Mà có thật sự cần phải dùng thuốc không. Biết đâu không ngủ là một điều tuyệt vời. Thỉnh thoảng được thức giấc, mở cửa nhìn ra bầu trời đêm mà kẻ ngủ say sẽ không bao giờ biết. Đã có người nói: Ban ngày để sống còn ban đêm là để hiểu cuộc sống.

Nhưng các tập đoàn dược chi ra số tiền càng ngày càng lớn cho việc bán thuốc “ảo”, kèm theo quà tặng, mời du lịch... 

Thí dụ bệnh tiểu đường type II, trước đây được xác định là đường huyết phải trên mức 140mg/dL(7.8mmol/L). Năm 1997, ngạch mức trên bị Cơ quan y tế thế giới OMS rút xuống còn 126 mg/dL (7mmol/L) lập tức có thêm 1.700.000 người Mỹ được xếp vào danh sách bệnh nhân tiểu đường (suốt đời). Cholestérol: Năm 1998, ngạch mức từ 240mg/dL bị rút xuống còn 200mg/dL. Lập tức xã hội Hoa Kỳ có thêm 42.600.000 bệnh nhân có cholesterol cao trong máu. Các nhà bào chế có thêm được 86% “khách hàng” mới.

Thủ thuật khác để mua chuộc phủ khắp từ bác sĩ đến các sinh viên y khoa sắp ra trường. Ba mươi năm trước, giám đốc hãng dược phẩm Merck, Henry Gadsen, đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Giấc mơ của chúng tôi là sản xuất thuốc cho những người khỏe mạnh. Làm được thế, chúng tôi có thể bán thuốc cho bất kỳ ai”. “Trên thế giới, chỉ có hai nhóm người: nhóm người đã bệnh rồi và nhóm người chưa biết họ bệnh”.

MỘT NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT TỪ NƯỚC PHÁP: 50% THUỐC LƯU THÔNG HIỆN NAY TRÊN THỊ TRƯỜNG LÀ VÔ ÍCH, 20% CÓ HẠI VÀ NHIỀU KHI NGUY HIỂM CHO NGƯỜI DÙNG.

Ai cũng biết sức khỏe tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, khí hậu và thực phẩm chứ không phải vào thuốc men, cách chữa trị hay các kỹ thuật hiện đại. Hiện nay nhiều người hễ thấy khó chịu một chút là uống thuốc mà không biết rằng không có loại thuốc nào là không có tác dụng phụ, là “1 phần thuốc chứa 3 phần độc”. Ít người biết rằng không có bộ máy nào hoàn hảo hơn thiên nhiên. Và cơ thể con người có một cấu tạo đặc biệt. Việc chữa bệnh cho cơ thể là nhiệm vụ của hệ miễn dịch, vì thế nếu chúng ta lạm dụng thuốc thì đã vô tình “ngăn” hoạt động của hệ miễn dịch, làm hao mòn và dần dần mất đi thiên chức tự nhiên vốn có.

Ngày xưa ai đi “khám” bác sĩ vì họ thấy trong người không khỏe, còn hôm nay khi bác sĩ gặp bệnh nhân là đề nghị: chúng ta hãy làm vài xét nghiệm để xem bạn có thật sự khỏe không.

Vì thị trường đang rất cần những bệnh nhân mới.

“Người mạnh khỏe là kẻ chưa biết mình bị bệnh”, tâm đắc với quan niệm đó nên giám đốc bệnh viện San Raffaele ở Milano đã đưa ra dự án Quo vadis chăng. Hay bệnh viện cho người “khỏe mạnh”: Thông qua một microchip điện tử được gắn dưới da các bác sĩ có thể thường xuyên và liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của “bệnh nhân” và sẵn sàng can thiệp và chữa trị trước khi bệnh làm phiền. Các chuyên gia sẽ cho ta biết trước khi bệnh xuất hiện và từ giờ cho đến lúc đó ta có  thể vui chơi, đánh golf, đi du lịch, trượt tuyết, tắm biển... cho đến khi nhận được một tin nhắn, đại loại: “Khẩn cấp, bạn cần trình diện ngay ở trung tâm ý tế gần nhất. Bệnh trĩ sắp xuất hiện…”. 

MẶT TRÁI CỦA CÁC XÉT NGHIỆM Y KHOA 

Trong 10 năm trở lại đây, các yêu cầu xét nghiệm đã tăng lên 50%, tương đương với việc tăng thêm hàng triệu USD mỗi năm. Nhưng nhiều khi các phương pháp xét nghiệm đó gây hại cho con người nhiều hơn là mang lại lợi ích: đau đầu gối, đau lưng, tức ngực, và PSA (prostate specific antigen - kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến) có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, những dịch vụ xét nghiệm y tế rắc rối và đắt đỏ như chụp scan cắt lớp (CT- computed tomography) và chụp cộng hưởng từ trường (MRIs - magnetic resonance imaging) được sử dụng một cách rộng rãi nhưng không thực sự cần thiết. 

Trí thông minh là một vốn quý của con người nhưng tiếc thay nó đang là đồng lõa, biến con người trở nên biển lận, nhằm vơ vét tối đa.

Một thứ khoa học không có nhân văn. Có kiến thức mà không nhân cách thì chẳng khác gì người tập lái xe chưa có bằng mà cứ băng băng chạy ra đường phố.

Ảnh- Từ trái sang, nhà văn Trương Văn Dân và vợ (Elena) tại nhà Từ Sâm.

Về văn vẻ chữ nghĩa

 XIN NÓI THÊM VỀ "ẤM Ớ HỘI TỀ" 

Mạc Văn Trang

Sau khi tôi đăng bài thơ “ẤM Ớ”, có nhiều bạn hỏi “Ấm ớ hội tề” là như thế nào?​​ Thực ra ý của bài thơ nảy ra khi tôi đọc bài “BÀN QUA VỀ TÍNH ẤM Ớ CỦA NHÂN VẬT VĂN HỌC TRONG CÁC KIỆT TÁC NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo (Bài in trên báo Văn hóa văn nghệ công an số ra thứ 5, ngày 20-4-2023). Trần Mạnh Hảo viết: “Nói tóm lại “ấm ớ” là đặc tính nước đôi của con người, như là tính phản thể, tính phân thân vừa “ba phải” vừa “tưng tửng”, “man mát”, “man man”, có vẻ như “dở người”, tí xiên xẹo, một tí vờ vịt, vừa ranh ma vặt, vừa khờ khạo thật, nửa khôn nửa dại, nửa ma bùn trí trá, nửa ngố tàu nửa giả bộ ngu lâu”… “Hầu hết các nhân vật chính của các kiệt tác văn học thế giới và Việt Nam đều là những người ấm ớ”…

Như vậy Trần Mạnh Hảo viết về các NHÂN VẬT ẤM Ớ, các CÁ NHÂN ấm ớ. Còn “ẤM Ớ HỘI TỀ” có khác, là nói về một tổ chức cộng đồng xã hội hai mang, là một hoàn cảnh xã hội mù mờ, vô pháp, con người phải sống trong trạng thái xã hội lẫn lộn trắng đen, phải trái, luôn phải đối phó để sống, mà cũng rất dễ chết oan.

Nhưng tôi nghĩ, các nhân vật/cá nhân ấm ớ (như Trần Mạnh Hảo nói) cũng đều phản ánh một trạng thái xã hội “ấm ớ hội tề”…

Bây giờ ta tìm hiểu khái niệm/ tên gọi “Hội tề” là gì? Tra Từ điển Tiếng Việt được biết: Danh từ “Hội tề” là “cơ quan hành chính cấp làng/ xã ở Nam Bộ thời Pháp thuộc (trước 1945)”; đó là Hội đồng cai quản làng/ xã, có chừng 11 người, trong đó có ông Chánh, Phó Hội đồng (Hương chủ) và các thành viên Hương sư (giáo dục), Hương quản (an ninh)… Thời chiến tranh Pháp – Việt (1946-1954, những vùng Pháp chiếm đóng ở miền Bắc, Pháp cũng cho lập chính quyền các làng theo kiểu “Hội tề” như Nam Bộ, gọi là “làng tề”.

Việt Minh gọi vùng Pháp cai quản là “vùng tạm chiếm” và tìm cách đưa người của Việt Minh vào các “Hội tề”. Ví dụ làng Vũ La quê tôi, năm 1948 là “làng tề” thì có Hội tề. Người Pháp tìm mấy người trước kia từng làm Lý trưởng, Phó lý, Trương tuần, Chưởng bạ… lập ra Hội tề. Ông anh tôi là Mạc Văn Vượng (SN 1923), người của Việt Minh được cài vào Hội tề làm “Hương sư”. Một số thanh niên vào đội “Hương dũng” để bảo vệ làng.

Cái Hội tề này, ban ngày phải cắt người đi phu cho đồn Tây (từ xây lô cốt, đào hào đến dọn dẹp, giặt quần áo cho lính…), nhưng đêm Việt Minh về làng lại lập ra các “hội kín” để hoạt động theo chỉ đạo của Việt Minh. Trong tổ chức của Việt Minh, có đội “Việt hùng”, nghi ai là “Việt gian”, có quyền thủ tiêu. Dân làng tề ai nghe thấy tên “Việt hùng” cũng run sợ. Nên mở đầu bài “ẤM Ớ” tôi viết:

Hơn tám tuổi nghe người lớn nói

Dân làng ta “ấm ớ hội tề”:

Ngày, lính Pháp vào

Các cụ già áo khăn, khúm núm,

chắp tay chào “bông dua”!

Trẻ con chạy theo Tây xin kẹo

Thiếu nữ túm tụm ôm nhau rúc rích cười

Tây nhăn nhở:

Co nhieu con gai đep…

Đêm, Việt Minh về

thì thụt dân quân, du kích

Các cụ già thầm thì bí mật

tuồn bao tượng gạo nuôi quân

Thiếu nữ núp bờ tre canh giặc

Các cụ già thầm thì bí mật

Trẻ con lấm lét im mồm

cấm bép xép, nghe chưa!

Trắng trắng, đen đen “ấm ớ hội tề”!

Có cụ sáng “bông dua”

đêm Việt Hùng về cắt tiết!

Xin kể thêm chuyện “Ấm ớ hội tề” ở quê tôi cho rõ.

Năm 2000 tôi về làng, vừa đến đầu ngõ, ông Thường bạn thời chăn trâu, chạy ra, mắt trước mắt sau, túm tay tôi, lôi vào nhà anh tôi. Nóng quá, tôi vội cởi quần áo ngoài, vẫn thấy ông Thường đứng bên cạnh, nhớn nhác:

– Sao ông liều thế. Ông về làm gì? Đi một mình à? Ở nhà công an tỉnh về phổ biến ông là “phản động” đấy. Đài địch nó còn đọc bài ông viết “Ối làng nước ơi, cướp! Cướp!” nói về vụ công ty Tân Hoàng Minh móc ngoặc với chính quyền cướp đất Vũ La đấy. Bọn trẻ nó còn in bài đó ra bí mật chuyền cho nhau đọc. Chết chết! Ông phải hết sức cẩn thận…

– Thế ra làng ta vẫn như ngày xưa “ấm ớ hội tề” à?

– Thì nó vưỡn thế đấy. Ông có nhớ, ông Lý Bích thấy tối du kích về, chỉ nói: Các anh có mấy cái mã tấu, mấy quả lựu đạn thế kia đánh sao được Tây mà cứ về quấy rối, rồi nó lại vào bắt bớ làm khổ dân làng. Có thế thôi, mà tối hôm sau Việt hùng về bắt giết, rồi dán tờ giấy ở cột đình: Đội Việt hùng đã xử tử tên Việt gian Lý Bích.

Rồi ông có nhớ bà Lý Chu không? Bà ấy chỉ đi Hải Phòng, Hải Dương chơi thăm bà con mấy lần, về Việt hùng cũng nghi là Việt gian rồi giết. Cô Tân ở Đồng Ngọ, đi thị xã Hải Dương mua hàng xén, về đầu cầu Phú Lương, mấy thằng lính ra nhờ mua thuốc lá, chòng ghẹo, cười đùa vui vẻ. Thế là hôm sau cũng có người báo cáo, rồi mấy hôm sau Việt hùng về bắt giết.

Rồi cụ Lang Quần ở Nhân Nghĩa, bị ba anh Việt hùng giả làm bệnh nhân đến khám bệnh, cắt thuốc rồi giết ông cụ giữa ban ngày đấy.

Thế mà công an nó phổ biến ông “phản động”, sao ông dám về làng một mình!?

Tôi cười, bảo: Thế ông nghĩ bây giờ quê ta vẫn như làng tề ngày xưa à? Hai thằng già cùng cười. Nhưng ông vẫn dặn tôi: Chớ có khinh suất. Đi đâu phải bảo mấy đứa cháu nó đi cùng. Phải cẩn tắc.

Mới đây, tôi hỏi cô Biết, em Trần Văn Bang: Bà (mẹ anh Bang) dự phiên tòa xử con trai, khi nghe Tòa tuyên án con trai 8 năm tù, bà có bị sốc không?

– Không ạ. Nhìn thấy anh Bang rồi bà em lại rất bình tĩnh, yên tâm. Bà không quan tâm tù mấy năm. Bà chỉ thấy anh Bang còn sống, lành lặn là Bà mừng rồi. Bà bảo, cái giống Việt Minh nó ác lắm, chuyện ông Lý Cựu bị Việt hùng bắt rồi giết, chuyện những người bị quy oan là địa chủ, Việt gian hồi CCRĐ bị bắt đi, người thì bị bắn chết, người còn sống cũng thân tàn ma dại. Nay thằng Bang bị bắt 2 năm mà còn sống, còn đi lại ngay ngắn là mừng rồi!

Hoá ra trong tâm trí những người đã trải qua thời “ấm ớ hội tề” thì vẫn nghĩ ngày nay vẫn “ấm ớ hội tề” như ngày xưa: Bản chất “Việt Minh” vẫn thế, người dân vẫn thế, ai không may bị nghi là “việt gian”, “phản động” bị bắt, bị tù, mà sống sót, lành lặn là may rồi!

Nên tôi mới viết:

Nay ngoại tám mươi vẫn thấy đời ấm ớ

như Hội tề ấm ớ ngày xưa!

Trường hợp anh Vượng tôi, tuy là người của Việt Minh, nhưng khi được cài vào Hội tề thì thân phận cũng rất hiểm nguy. Anh kể, lâu lâu Đồn trưởng lại mời ông Hương sư ra đồn “làm việc”, vì họ nghi ngờ anh. Và mỗi lần anh ra đồn về, ngay tối ấy, mấy đồng chí Việt Minh lại đến “làm việc” với anh. Họ truy vấn đủ thứ, cả chuyện tại sao ra đồn Tây anh lại đeo đồng hồ và xách cặp làm gì? Đựng gì trong cặp? Anh bảo, mình là Hương sư thì phải xách cặp, đeo đồng hồ cho đúng kiểu thầy giáo chứ.

Nhưng sau mấy vụ Việt hùng thủ tiêu mấy người, anh biết thân phận, xin thoát ly ra vùng tự do hoạt động.

Khi biết anh đi theo Việt Minh thì Tây vào làng truy xét bắt bớ. Chị Sen tôi và mấy người làng bị Pháp bắt đi, anh Trân tôi làm rèn với Bố ở thị xã Hải Dương cũng bị bắt, vì liên quan đến ông anh Việt Minh.

Khốn khổ như vậy, nhưng ông anh Vượng tôi không bao giờ được Việt Minh tin tưởng hoàn toàn, vì trong “sổ đen” của Việt Minh ghi là “con Lý trưởng cường hào và thời gian Hội tề có cộng tác với địch”…

Đấy, “Ấm ớ hội tề” là sống trong trạng thái xã hội mù mờ, trắng đen lẫn lộn, chẳng rõ luật pháp, phải đối phó với chính quyền, bị cả hai bên cùng nghi ngờ, mà bị Việt Minh nghi thì dễ toi mạng.

Nhưng may mắn, dân làng Vũ La quê tôi nói chung là sống có nghĩa nhân, có lương tri, nên bố tôi dù làm Trương tuần, Phó lý rồi Lý trưởng hơn chục năm, trước 1945 mà CCRĐ dân làng không đấu tố gì, vì họ biết ông là người tử tế, làm được nhiều việc tốt cho làng. Anh Vượng tôi, nếu trong CCRĐ chỉ cần ai đó tố: “Hồi làng tề, nó hay lên đồn Tây, đeo đồng hồ, ăn vận đồ Tây, làm việc với đồn Trưởng…” chắc mấy ông đội nói tiếng xứ Nghệ trọ trẹ bắt, xử rồi. May mà không sao. Sau đó anh lại là người đứng ra sửa sai, xây dựng HTX và làm Phó chủ nhiệm cho ông bần nông làm chủ nhiệm.

Phải nói Việt Minh rất chặt chẽ về lý lịch: Anh Vượng tôi rất đứng đắn, đàng hoàng, có năng lực, được dân quý mến, nhưng không bao giờ được tin cậy làm Trưởng, mà chỉ làm Phó, giúp cho mấy ông bà bần nông làm Trưởng. Ở HTX cũng thế, ra xã cũng vậy, lên huyện cũng vẫn thế.

Khi tôi làm Hiệu trưởng trường cấp 2, anh dặn dò, chú ngây thơ, tin người lắm. Dù sao tổ chức vẫn coi anh em ta không phải thành phần “cốt cán”, nên phải rất cẩn trọng. Ví dụ ông Nộ ra Uỷ ban xin cái giấy gì đó không được, về ông chửi cả Uỷ ban ở giữa làng, không sao cả. Ông là cố nông, thành phần cơ bản. Chú mà chửi Uỷ ban là có người đi báo cáo, rồi họ suy diễn, quy kết thành phần Tiểu tư sản, có ý kích động quần chúng, bôi nhọ chính quyền… Chú làm lãnh đạo, dù ít người thôi, nhưng phải nhớ rất phức tạp, phải “chia ba loại, nắm chắc hai đầu”. Tức là phải nắm lấy mấy người tin cậy, tin nhau được; hai là nắm chắc những người không tin được, có thể hại mình để cảnh giác. Còn những người ở giữa thì gió chiều nào theo chiều ấy thôi. Mà chú phải biết, mình là thành phần không cơ bản nên lúc nào cũng phải giữ cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, chớ để xảy ra sơ suất gì.

Anh sống trong tâm trạng như vậy, nên lúc anh phụ trách thương nghiệp của huyện Nam Sách, cô Thuận, giáo viên, vợ tôi được phân phối chiếc xe đạp Phương hoàng màu đen, xin cửa hàng đổi cho màu xanh cánh chả; bà cửa hàng Trưởng bảo, cô vào bảo bác Vượng ghi cho một chữ, ra chị đổi ngay… Ông anh bảo cô em dâu: Làm thế mang tiếng cả anh, cả em. Xe đen càng sạch. Cô em con bà Cô ở Chí Linh có bao lạc đem xuống chợ Huyện Nam Sách bán, bị tịch thu. Cô ấy khai có anh Vượng phụ trách thương nghiệp. Cán bộ quản lý thị trường vào “xin ý kiến”, ông anh bảo, các đồng chí cứ đúng nguyên tắc mà làm.

Cho đến lúc về hưu, ông chỉ có chiếc hòm nhỏ đựng mấy bộ quần áo và được cơ quan tặng cái phích nước, bộ ấm chén. Tất cả buộc lên chiếc xe đạp cọc cạch, đạp về nhà. Về nhà, lại xắn quần ra vườn cuốc đất…

Sau này tôi để ý, hầu như tất cả những người “thành phần không cơ bản”, nhất là trí thức đi theo Việt Minh đều sống trong tâm trạng như anh Vượng. Họ cố gắng từ bỏ những giá trị mình đã có để “vô sản hoá”, “Đảng hoá” bản thân, mà hoá ra suốt đời ấm a ấm ớ giữa thật và giả, tốt và xấu, đúng và sai, thiện và ác, văn minh và man rợ… Họ ấm ớ cho đến lúc chết; còn nếu tỉnh ra, hoặc sợ hãi im lặng trong âm u, hoặc nói lên đúng suy nghĩ thật của mình, thì thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phản động”!

Đúng là thời đại “ấm ớ hội tề”!

PS. Hình ông Thường với tác giả.

25/6/2023

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

Tuesday, June 27, 2023

Ko có đạo nào bằng đạo làm NGƯỜI!

 TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

- Đây là một mẩu đối-thoại ngắn với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, nhà Thần-học người Brazil, Leonardo Boff kể lại:

Tại một cuộc hội-thảo bàn tròn về “Tôn-giáo và tự-do” có Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và tôi cùng tham-dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh-nghịch vừa tò-mò:

- “Thưa ngài, tôn-giáo nào tốt nhất?”

- Tôi nghĩ ngài sẽ nói:

- “Phật-giáo Tây-tạng” hoặc

“Các tôn-giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.

- Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trầm-ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…

- Điều này làm tôi ngạc-nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

- Ngài trả lời:

- “Tôn-giáo tốt nhất là tôn-giáo đưa anh đến gần Đấng tối-cao nhất. Là tôn-giáo biến anh thành con người tốt hơn”.

- Để giấu sự bối-rối của tôi trước 1 câu trả-lời đầy khôn-ngoan như thế, tôi hỏi:

- “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”

- Ngài trả lời: “Tất cả những gì làm anh

- Biết thương-cảm hơn

- Biết theo lẽ-phải hơn

- Biết từ-bỏ hơn

- Biết dịu-dàng hơn

- Biết nhân-hậu hơn

- Có trách-nhiệm hơn

- Có đạo-đức hơn”.

"Tôn-giáo nào biến anh thành như-vậy là tôn-giáo tốt nhất”.

- Tôi thinh-lặng giây lát, lòng đầy thán-phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả-lời đầy khôn-ngoan và khó phản-bác, Ngài tiếp:

- “Anh bạn tôi ơi!

- Tôi không quan-tâm đến tôn-giáo của anh hoặc anh có ngoan-đạo hay không. Điều thật-sự quan-trọng đối với tôi là cách cư-xử của anh đối-với người đồng-đẳng, gia-đình, công-việc, cộng-đồng và đối-với thế-giới .

Hãy nhớ rằng vũ-trụ dội lại hành-động và tư-tưởng của chúng ta. 

Quy-luật của hành-động (Action) và phản-ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật-lý. Nó cũng được áp-dụng cho tương-quan con người.

- Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành.

- Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.

- Những gì ông bà nói với chúng ta là sự-thật thuần-túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta làm cho người khác. Hạnh-phúc không phải là vấn đề số-mệnh. Đó là vấn-đề lựa-chọn.”

- Cuối cùng ngài nói:

- “Hãy suy tư cẩn-thận vì Tư tưởng sẽ biến-thành Lời nói,

- Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến-thành Hành-động,

- Hãy hành-xử cẩn-thận vì Hành-động sẽ biến-thành Thói-quen,

- Hãy chú-trọng Thói-quen vì chúng hình-thành Nhân-cách,

- Hãy chú-trọng Nhân-cách vì nó hình-thành Số-mệnh,

- Và Số-mệnh của anh sẽ là Cuộc-đời của anh.

và… "Không có tôn giáo nào cao-trọng hơn Sự Thật."

Bài & hình ảnh: Sưu tầm từ trang Những Câu chuyện Thú vị

Monday, June 26, 2023

Tự do và tuổi trẻ

 Khi những người trẻ tuổi hỏi Krishnamurti: “Có thể KHÔNG làm điều mình thích mà vẫn tự do không?”

Và đây là câu trả lời của Krishnamurti:

Một trong những điều khó khăn nhất là khám phá ra điều ta muốn làm, không chỉ ở tuổi thanh niên, mà trong suốt cuộc đời. 

Nếu bạn không tự khám phá ra được điều bạn thực sự muốn làm bằng cả con người mình, bạn sẽ làm điều gì đó không phải là mối quan tâm thiết thân của bạn. Và rồi cuộc sống của bạn sẽ hết sức khốn khổ. 

Vì khốn khổ, bạn sẽ tìm cách quên lãng bằng phim ảnh, bằng nhậu nhẹt, bằng cách đọc vô số sách vở, bằng cách dấn thân vào một công cuộc cải tạo xã hội nào đó, v.v.

Nếu một khi bạn khám phá ra được điều bạn thích làm bằng cả con người mình, thì bấy giờ bạn là người tự do; bấy giờ bạn mới có đủ khả năng, tự tin, sáng tạo. Nhưng nếu không biết mình thực sự thích làm gì mà bạn trở thành một luật sư, một nhà chính trị, hay một ai đó, thì bạn sẽ không có hạnh phúc, bởi vì chính nghề nghiệp đó sẽ trở thành phương tiện huỷ diệt bản thân bạn và người khác. 

Đừng nghĩ theo hướng chọn lựa một nghề nghiệp để sống cho phù hợp với xã hội, bởi vì như thế, bạn sẽ không bao giờ khám phá ra được điều bạn thích làm là gì. 

Khi bạn thích làm điều gì thì sẽ không có vấn đề chọn lựa. Một khi đã yêu thì hãy để tình yêu làm điều nó muốn, lúc đó sẽ có hành động đúng. Nhưng nếu bạn dành trọn đời mình cho điều gì đó mà bạn không thích, bạn sẽ không bao giờ được tự do. 

Đừng bắt đầu bằng cách nghĩ về việc kiếm sống. Nếu bạn khám phá được điều bạn yêu thích, bạn sẽ có phương tiện kiếm sống thôi.

👉👉Lắng nghe thêm những kiến giải đột phá về các vấn đề tuổi trẻ qua “Đôi điều cần suy ngẫm” - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của J. Krishnamurti.

Hình ảnh: First News Trí Việt

Friday, June 23, 2023

Chân lý của tôi: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (2)

Phần 1: Xứ ĐD thuộc Pháp (Thời kỳ 1897-1910)

(tiếp theo)

Người Việt: Va chạm văn hóa (vh) - Đối mặt với phương Tây

Toàn bộ lịch sử của Việt Nam cho thấy: con người và vh được gây dựng từ "mấy ngàn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm". (Đào Duy Anh)

Một xh hình thành với trật tự của nó, vh cũng từ sinh hoạt, là nếp sống hàng ngày, nên dân tộc văn minh hay man dã đều có vh riêng và khác nhau ở mức độ tiến bộ (ảnh hưởng từ ưu thế phát triển về mặt kỹ thuật, kinh tế và tư tưởng) xét ở mọi phương diện ntn mà thôi.

Vùng bán đảo ĐD và Đông Nam Á (ĐNA) là nơi gặp nhau của 2 nền văn minh cổ xưa ở châu Á: Ấn Độ và Trung Hoa. Vh VN là văn hóa vay mượn, chỉ là học trò của những nền vh lớn. Người Việt tồn tại từ bao đời nay trong lòng 1 xh sống theo đạo lý Nho giáo, nhưng cái khuôn khổ ấy đến lúc phải khai thông mở rộng, phải chuyển hóa và đổi mới thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Đó là vấn đề phải giải quyết: là sự xung đột giữa những giá trị cổ truyền của vh cũ với những điều mới lạ của vh Tây phương.

Khi có một luồng vh khác xâm nhập thì nền vh dân tộc phải phản ứng, có thể phải sáng tạo, nếu nền vh bản địa đủ sức mạnh để chuyển hóa và tiếp nhận. Ngược lại thì xảy ra thảm kịch. Vh dân tộc bị hủy hoại thành những mảnh vụn vô nghĩa, không còn sức sống, đồng thời sinh ra một lớp người vong bản, không còn năng lực bám vào những truyền thống có từ lâu đời để tái tạo/tiếp biến những giá trị cũ làm nền tảng cho nếp sống mới. Thế là vh dân tộc đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Sự đòi hỏi về vh nhắm vào mục đích đòi độc lập, đòi quyền tự chủ. Là vận mạng của dân tộc, phải thực hiện ntn để tránh cái hiểm họa đó. 

Cụ Phan Bội Châu muốn tiếp nhận sinh lực Tây phương qua phong trào Duy Tân của Nhật. Cụ Phan Chu Trinh khuyến cáo sĩ phu đừng chìm đắm trong cái đẹp tiểu xảo của văn chương bát cổ. Ông Trần Quý Cáp cho rằng "chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, phải đem ra tính trước dân ta...Á, Âu chung lại một lò, đúc nên tư cách mới cho rằng người". Ông Huỳnh Thúc Kháng nhận định rằng "dân lấy sự học làm sinh mạng mà quan xem sự học như một sự thù nghịch".


Hình ảnh: Từ bìa cuốn Xứ Đông Dương (Paul Doumer)

3 thứ giặc triền miên của người Việt 

Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm là 3 thứ giặc gần như chiếm toàn bộ lịch sử của VN. Qua từng thời kỳ lịch sử, người VN biến hóa cá tính theo từng hình thái xh, dần dần hình thành bản chất của dân tộc "ăn theo thuở, ở theo thời", luôn thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn. Cái địa thế của lãnh thổ nước ta ở nơi “góc bể chân trời’’, ngay trên đường di chuyển lớn của các chủng tộc châu Á, theo cái hướng nghìn xưa từ Tây Bắc xuống Đông Nam, tức núi cao ra biển cả, lại đặt tổ tiên chúng ta vào một tình thế gay go nữa phải đấu tranh để sống còn. Điều kiện sinh hoạt trên địa bàn ấy rèn luyện cho nhân dân ta một nếp sống vất vả và cần cù, một yếu tố quan trọng của sức mạnh mà chúng ta cần có để đấu tranh với cuộc sống.

Từ thời nhà Tần, dân tộc VN từng chống lại thế giặc mạnh hơn khi còn là bộ tộc Lạc Việt bằng việc dựng nên nước Âu Lạc để có đủ sức mạnh chặn đứng kẻ thù, ko để chúng tiến xuống vùng ĐNA. Sau khi nhà Hán thống nhất TQ, đã bành trướng xuống phía Nam và chiếm luôn nước Âu Lạc, chia đất này làm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Nhưng nhân dân Âu Lạc vốn tha thiết tự do độc lập không thể cam tâm làm nô lệ cho người phương Bắc sai khiến, nên chỉ sau khoảng một thế kỷ họ đã theo lời hiệu triệu của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị dòng dõi của Lạc tướng Mê Linh, tức dòng dõi Hùng Vương của nước Văn Lang xưa, mà nổi lên đánh đuổi bọn thống trị ngoại tộc.

Từ đó, sau hơn một nghìn năm của nạn thống trị ngoại tộc luôn luôn bị cắt quãng bằng những thời kỳ khởi nghĩa, hoặc nổi dậy, hoặc giải phóng ngắn ngủi, tổ tiên chúng ta từ cuộc kháng chiến bất khuất của Liên hiệp Tây Âu – Lạc Việt đến cuộc chiến quật cường của họ Ngô, là thành phần duy nhất trong các nhóm Bách Việt ở miền Nam TQ giữ trọn khí phách và bản lĩnh của mình mà chống lại sự đồng hoá và âm mưu thôn tính của Hán tộc đã từng tiêu diệt nhiều dân tộc hùng mạnh ở xung quanh.

Từ sau khi các họ Ngô, Đinh và Lý, Trần kế tiếp nhau xây dựng những triều đại tự chủ và theo hình mẫu của chế độ chính trị mà các triều đại phong kiến TQ trước kia đã đế lại ấn tích qua hơn nghìn năm, rồi tiếp theo chiến thắng của nhà Lê trước quân Minh, sau đó Nguyễn Huệ đã đánh bại đội quân nhà Mãn Thanh hùng hậu. Cho đến giữa thế kỷ XIX từ khi chính TQ bị các nước đế quốc chủ nghĩa Tây Phương xâu xé, bọn vua chúa Hán tộc mới phải tạm ngưng cái tham vọng thôn tính nước ta, nhưng ngay sau đó thì nước ta lại bước vào một giai đoạn đấu tranh gian khổ mới là giai đoạn chống chủ nghĩa thực dân Pháp.

Nhìn qua quá trình đấu tranh ác liệt của dân tộc ta như thế thì có thể nói rằng lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến suốt cả thời kỳ phong kiến quả là lịch sử đấu tranh không mệt mỏi để chống lại mưu đồ thôn tính của giặc ngoại xâm. Cái vận mệnh đặc thù như thế của tổ tiên chúng ta cố nhiên không phải là một chuyện ngẫu nhiên, điều này thuộc về đặc điểm được hình thành sau hàng nghìn năm: đó là cuộc sống gắn liền với đất đai đã rèn luyện cho con người VN một sức mạnh dẻo dai với lòng thiết tha độc lập tự do và tinh thần tương trợ giữa các gia đình và làng xã, khiến chúng ta có thể trải qua bao nhiêu thiên tai và nhân họa mà vẫn đứng vững. 

Làng xã giữ một vai trò trọng yếu mang tính "nông thôn tự trị" cao, "phép vua thua lệ làng", là những "pháo đài xanh" giữ gìn khuôn phép của dân tộc, do đó vh từ bên ngoài khó lòng chi phối được. Trên 1 dải đất Việt Nam, sách Văn Công Thọ Mai Gia Lễ là khuôn phép suốt từ thời phong kiến đến thời thực dân về những nghi lễ, phong tục trong dân gian. Vẫn là truyện Kiều, ca dao, chữ Hán chữ Nôm, liễn đối hoành phi...Người Việt bảo tồn được các giá trị truyền thống để chống lại vh lai căng, mất gốc.

Sống trong 1 xã hội lấy gia tộc làm cơ sở (mà nền tảng kinh tế là nông nghiệp), người Việt thường lấy thế mà cho rằng xh thuần phong mỹ tục truyền thống không thể dung tục như Tây phương. Từ trong gia tộc ra xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình. Vh VN lấy cảm tình làm bản vị, đó là một đặc tính cùng với nếp sống sinh hoạt theo nghề nông làm cho dân ta có tính yêu hòa bình, "chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai". Phải chống giặc ngoại xâm là việc bắt buộc để giữ gìn đất đai "dụng võ là bất thường và việc canh nông là cốt yếu, không như các nước châu Âu khi nào cũng cường binh độc võ mà chỉ toàn xâu xé nhau".

Trong cuốn Lịch sử Văn minh Thế giới, Will Durant cũng viết: ''Bản tính tự nhiên của con người vốn không ưa chiến tranh'' và ''nông nghiệp dạy cho con người sống hòa bình, giúp họ quen với cuộc sống bình dị". Nhưng trật tự này đã bị phá vỡ khi trên thế giới bắt đầu xuất hiện những cuộc chinh phục của những nước lớn với cơ cấu hiếu chiến đã xâm chiếm đất đai của các dân tộc nhỏ hơn. Kết cục thường là sự xác lập quyền cai trị của kẻ chiến thắng, xem mình là tầng lớp quý tộc về mặt tinh thần và duy trì điều này bằng sức mạnh bạo lực.

Dân tộc VN đã trải qua nhiều thăng trầm bão tố. Dưới thời Pháp thuộc, lớp người chống Pháp ban đầu đã thất bại, các lớp người kế tiếp bị kẻ chinh phục tiêu diệt. Tình trạng mất phương hướng là nguyên nhân làm xuất hiện những vấn đề làm người Việt phải sống gần một trăm năm đầy đau đớn và tủi nhục. Xh thì chia làm 2 tầng lớp: 1 bên cố bám vào các giá trị cổ truyền đã chết thành thây ma, 1 bên duy tân nhưng không biết mục đích để làm gì, cũng không biết phải đi theo hướng nào, chỉ bắt chước/làm theo một cách vô thức. Cứ thế 2 bên tân, cựu đả phá/khinh miệt nhau trong 1 xh đang tan rã.

Phụ nữ chống thực dân Pháp bị bắt ở Yên Thế (Ảnh chọn từ net)

“Trên hết, người An Nam giữ mối hằn thù thâm sâu đối với bất cứ kẻ ngoại bang nào có thể tới để đánh bật họ ra khỏi tín ngưỡng, tập tục và định chế của họ. Dù cho người Trung Quốc hay người châu Âu đến xâm lăng xứ sở, sai khiến họ nhân danh một người chủ này hay người chủ kia, điều đó chẳng mấy quan trọng đối với họ, chừng nào người ta còn tôn trọng tôn giáo, luật lệ và tập quán của họ.” 

Trên đây là nhận định của Paul Giran, một quan chức của chính quyền ĐD thuộc địa, bằng việc đánh giá những nhân tố tác động thuộc về môi trường tự nhiên và nhân văn, ông muốn đúc kết nên cá tính và tâm hồn bản địa trải qua cuộc tiến hóa dài lâu của lịch sử. Với kiến văn sắc sảo và sự hiểu biết khá phong phú của mình về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa VN, tâm tính người Việt, điều mà P. Giran đã khắc họa là một tư liệu có giá trị lịch sử, chí ít là để tìm hiểu/đối sánh với tâm tính của người bản xứ thời thực dân cai trị.

Hậu quả tai hại nhất mà thời Pháp thuộc để lại là 1 thời kỳ nguy khốn của VN, khi mà cả dân tộc đã đến gần hiểm họa diệt vong, là sự tan rã của xã hội VN và sự gián đoạn trong việc điều hành/lãnh đạo quốc gia. Và từ những điều này, khó khăn và thử thách trước vận mạng của đất nước càng tăng thêm bội phần. Tuy nhiên, phần lớn người Việt lúc đó coi chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay VN ko có quốc văn, chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng dễ bị người ta cảm hóa, ảnh hưởng nên ko biết được về thời cuộc bên ngoài.

Bản sắc VN cần được biến đổi so với xưa kia chỉ giao tiếp với Trung Quốc là nước đồng văn. "Ngày nay, ta tiếp xúc với Tây phương, với văn hóa phú cường của họ, với những sức mạnh vật chất cùng những tư tưởng khoa học, chính trị và xã hội của họ" mới thấy những yếu kém của ta không thể duy trì mà phải biến đổi là lẽ đương nhiên. Nhưng phải xét về nhiều mặt để thực hiện những cải cách thích hợp, tránh rơi vào tình cảnh đảo điên biến loạn do mất gốc rễ cội nguồn. Và ở đây, một câu hỏi đã được đặt ra: chúng ta đã "tồn tại thế nào mà luôn bị ngoại xâm đe dọa?" (Giáo sư Trần Ngọc Vương). Về điều này, Ăngghen cho rằng trong các chế độ xh có giai cấp, yếu thì bị xâm lược, yếu nữa bị phụ thuộc, yếu nữa bị đồng hóa và giải thể cái giá trị ko còn tồn tại đó.

Friedrich Engels - năm 1879 (hình ảnh chọn từ net)

Sau thời kỳ bình định là chế độ toàn quyền, dù người Pháp nỗ lực trong việc khai hóa ntn và đạt được kết quả đến đâu thì sự mâu thuẫn giữa tính nhân văn của khai hóa và bạo lực thực dân vốn luôn là một vấn đề của những giá trị trong sự thượng đẳng của châu Âu so với các dân tộc khác. Sự tàn bạo này được nhìn nhận từ các dân tộc thuộc địa với định kiến là nhằm loại trừ những chủng tộc quá xa cách bằng hình thức diệt chủng hoặc đồng hóa.

Vì thế, giữa nước mẹ Pháp và ĐD là 1 hố sâu ngăn cách. Cái ''vực thẳm tinh thần sâu hơn đại dương này'' khiến kẻ bị trị ko thể đồng hóa vào văn minh Pháp. Mặt khác, người Pháp cũng lo sợ những người theo chủ nghĩa dân tộc được giáo dục theo kiểu Tây phương sẽ đòi độc lập như ở Ấn Độ, Ai Cập hay Philippines. Toàn quyền Varenne cho rằng có lẽ không nên chỉ cho dân bản xứ cách làm thế nào ''để chuẩn bị và tiến hành các cuộc cách mạng'' từ lịch sử của Pháp. Đây cũng là vấn đề ''con đường dẫn đến nước Pháp là con đường chống Pháp''. Các sinh viên ĐD tại Pháp là 1 mối lo cho chính quyền.
  
Cả chính quyền thực dân và những người VN cấp tiến đều muốn dùng chữ quốc ngữ như 1 công cụ của giáo dục để truyền bá tư tưởng, phục vụ cho những mục đích cần đạt được. Nếu người Pháp, dù đại diện cho văn minh châu Âu, lúc đó cũng chỉ coi thuộc địa là nơi họ tiếp tục ''kiên nhẫn khai thông giá trị nhân bản của giống loài chậm tiến''. 

Những người VN ở phía đối lập, mà đại diện là những học sinh sinh viên xuất sắc, họ đứng ''trên đỉnh ngọn kim tự tháp giáo dục'' (thế hệ 1925) và gia nhập vào hàng ngũ chống lại sự thống trị của chế độ thực dân. Ko bằng lòng với những cách thức nửa vời của các phe phái lừng chừng, họ đấu tranh bằng cả chính trị và hành động. ''Họ đã huy động và vận dụng trình độ, chuyên môn, kiến thức lĩnh hội được trong trường học (trung học và đại học) dùng làm vũ khí cho cuộc đấu tranh giành độc lập.

Trương Vĩnh Ký đang giảng bài ở trường Thông ngôn (Ảnh tư liệu từ net)

(còn nữa)

Bài viết từ tư liệu cá nhân (tổng hợp từ các bài trên Blog MAGYARORSZÁGON TANULÓ VIETNAMI DIÁKOK 1972-1979 IDŐSZAKASZBAN)

Thursday, June 22, 2023

Vấn đề tổ chức của nhà nước: Chọn cán bộ cấp cao

 PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ KHOAN & KHÔNG GIAN ĐÓNG GÓP CHO CÁC NHÀ KỸ TRỊ 

Cho dù rất kính trọng Phó thủ tướng Vũ Khoan, trong bài viết này, tôi không nói về tài đức của cá nhân ông mà xin nói về trường hợp của ông như một điển hình về công tác cán bộ.

Theo ông Phan Văn Khải, khi thăm dò ý kiến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội X, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn Nguyễn Tấn Dũng. Một trong những “ban, ngành” nhiệt tình ủng hộ ông Vũ Khoan là Ban Nghiên cứu của thủ tướng.

Ông Khải thừa nhận, ông cảm tình với ông Vũ Khoan hơn, tuy nhiên, phần vì Vũ Khoan bị coi là thiếu thực tế trong nước, phần vì ông đã lớn tuổi - Vũ Khoan sinh năm 1937, cùng năm sinh với các ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An - nên việc giới thiệu ông là gần như không thể. 

Nhưng, chủ yếu, theo ông Khải, “Tương quan lực lượng không cho phép”. Đây là một điều đáng tiếc vì 2006 là thời điểm Việt Nam hội nhập gần như hoàn toàn. Nếu đứng đầu chính phủ là một nhà kỹ trị, am hiểu quốc tế thì vị thế Việt Nam sẽ khác.

Trong “Thư Gửi Mẹ & Quốc Hội”, ông Bảy Trấn [Nguyễn Văn Trấn, Chính ủy Khu IX trong Chiến tranh chống Pháp] viết [đại ý], Khi chọn người thay Trường Chinh, Lê Đức Thọ “hỏi Bác”, “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn tới có phải là giải phóng miền Nam?” “Bác” gật đầu. Lê Đức Thọ nói tiếp, “Muốn giải phóng miền Nam thì có ai hiểu miền Nam hơn anh Ba?”

Nếu vì lợi ích của đất nước chứ không phải vì “tương quan lực lượng”, yếu tố quyết định trong chính trị, theo “nguyên lý” mà Lê Đức Thọ nói với “Bác” ở trên, thì thủ tướng của 2006 phải là một người như ông Vũ Khoan chứ không phải là Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi sẽ nói về Nguyễn Tấn Dũng trong phần sau. Công tác cán bộ đã có vấn đề với “trường hợp Vũ Khoan” từ trước đó. 

Tháng 2-2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Nghệ An. Trong tiệc tiễn do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Tuyển đọc thơ nói rằng, việc ra đi của ông đơn giản vì (Tổng Bí thư) cần “chỗ trống”. Chỗ trống để đưa Thứ trưởng kỳ cựu Vũ Khoan rời Bộ Ngoại giao, tạo “chỗ trống” cho ông Nguyễn Dy Niên lên bộ trưởng. 

Bộ Ngoại giao bắt đầu có vấn đề từ đây và "công tác cán bộ" bắt đầu có “màu sắc thị trường” khi PTT Phạm Gia Khiêm đưa Nguyễn Thanh Sơn lên làm trợ lý bộ trưởng kiêm vụ trưởng Tổ chức cán bộ.

Không chỉ vì tương quan lực lượng, PTT Vũ Khoan chỉ mới là bí thư Trung ương Đảng, trong khi, ứng cử viên Tứ Trụ thường phải trải qua ít nhất một nhiệm kỳ ủy viên Bộ chính trị. Nguyên tắc này gần như được áp dụng cho Bộ Tam các cấp. Trừ một trường hợp ở địa phương [mà tôi biết] là vào năm 2005, Ông Trần Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khi chưa từng ở trong thường vụ [Nếu nguyên tắc này vẫn bị áp dụng cứng nhắc ở Hà Tĩnh, thì ngày nay ta không có ủy viên BCT Trần Cẩm Tú].

Thay vì đưa một nhà kỹ trị đứng đầu chính phủ trong thời kỳ hội nhập, “tương quan lực lượng” đã đặt vào vị trí ấy một con người ít học và nhiều thủ đoạn. 

Trong một cuộc họp “duyệt phương án nhân sự” cho tỉnh Kiên Giang [trước Đại hội VII] tại T78, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã quyết định chọn Nguyễn Tấn Dũng thay cho ông Lâm Kiên Trì, một người bạn chiến đấu lâu năm của ông Võ Văn Kiệt. 

Sau chuyến thăm Kiên Giang bằng trực thăng vào tháng 5-1993, Lê Đức Anh, người được giao nắm an ninh, quốc phòng, đã chọn Nguyễn Tấn Dũng thay thế tướng Võ Viết Thanh [Tướng Thanh không chịu điều tra “vụ Sáu Sứ” theo hướng buộc Tướng Giáp, Tướng Trà vào một âm mưu tiếm quyền trước Đại hội lần thứ VII].

Năm 2010, sau khi đau đớn nhìn Nguyễn Tấn Dũng phá tan hoang di sản của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải nói với chúng tôi [tôi và ông Nguyễn Văn Kích, một người giúp việc thân tín của ông Khải], “Sai lầm của tao là khi thấy Nguyễn Tấn Dũng không biết gì, tao đã choàng gánh làm lấy vì sợ mất uy tín Chính phủ. Lẽ ra phải để nó làm hỏng việc thì mấy ông già [chỉ “tam nhân” Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt] mới biết để thôi ủng hộ nó”.

Trong nhóm “tam nhân”, ông Kiệt thích Ba Dũng vì trẻ và quyết đoán. Ông Mười thích vì yếu tố “con liệt sĩ”. Tướng Lê Đức Anh thích vì đây là người có thể “nắm” để duy trì ảnh hưởng cá nhân. Trước khi trở thành thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng là một con người hoàn toàn khác, rất nhã nhặn với cấp dưới, dân dã với em út; còn với các bậc cha chú thì một điều dạ, hai điều vâng, lúc nào cũng xưng “con”, “thưa chú”. 

Chỉ khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng ông Võ Văn Kiệt mới thấy mình đã ủng hộ sai người.  

Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng. 

Nhưng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng không phải là nạn nhân đầu tiên.

Trước Đại hội X, Ban chuyên án “PMU18” đã dùng báo chí đánh rớt hai ứng cử viên sáng giá vào Trung ương [thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến và tướng Cao Ngọc Oánh], tướng Quắc chắc sẽ không bao giờ quên mối hận, liên quan đến con người hai mặt Nguyễn Tấn Dũng, này. 

Cũng trước Đại hội X thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt bị dồn đến mức hết sức căng thẳng, khiến cho Ban lãnh đạo Bộ hết sức lo lắng... Thủ tướng Phan Văn Khải biết chuyện, dặn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc “phải hóa giải” từ Nguyễn Tấn Dũng vì cái gốc của vấn đề không phải là ông Bích Đạt mà là cái ghế của ông Phúc. Ông Võ Hồng Phúc liền nói thẳng với ông Dũng rằng, “Tôi không phải người của anh Khải, Đảng phân công tôi làm bộ trưởng thì tôi làm, nếu anh không muốn tôi làm nữa thì tôi nghỉ chứ anh em không có tội gì.

Ngay sau cuộc gặp này, ông Nguyễn Bích Đạt thôi bị đánh.

Năm 2007, sau khi tiếp Thống đốc Lê Đức Thúy tại 16 Tú Xương giải trình về vụ “tiền polimer”, ông Kiệt nói với chúng tôi, “Cậu này hơn chúng nó một cái đầu, nếu cứ thẳng băng thế sẽ không trụ được”. Tiền polimer dùng tốt cho tới tận bây giờ, trong khi tác giả của nó thì bị đánh tơi bời, phải rời chính trường ngay sau đó. Và, các chính sách ngân hàng tín dụng theo hướng kinh tế thị trường của ông bắt đầu bị sửa đổi.

Khi nhìn lại thời kỳ này, một “ông anh”, “đồng minh” của Nguyễn Tấn Dũng đúc kết, “Chính trị chỉ có mục đích chứ chính trị không có đạo đức”.

Làm sao mà những trí thức, những “ông đồ nho” như Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc, Lê Đức Thúy… có thể có đủ thủ đoạn để thắng được những người như Nguyễn Tấn Dũng.

Khi ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt nhận xét, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Hôm sau, ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Chế độ đã chính trị hóa tất cả các mặt trong đời sống xã hội của đất nước. Hệ thống đã chính trị hóa mọi chức danh.

Đành rằng, “chính trị chỉ có mục đích”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà muốn đạt được mục đích không thể làm những việc phi đạo đức. Đành rằng, “chính trị là thủ đoạn”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà trong khi các nhà chính trị sát phạt nhau, các nhà kỹ trị như Vũ Khoan, Lê Đức Thúy… vẫn có không gian cống hiến.

Trương Huy San

Tuesday, June 20, 2023

Trên tường ĐH danh tiếng

 9 CÂU NÓI NỔI TIẾNG TRÊN TƯỜNG THƯ VIỆN ĐẠI HỌC HARVARD

1. Lúc này nếu ngủ bạn sẽ có một giấc mơ, nhưng lúc này nếu học bạn sẽ giải thích được ước mơ.

2. Ngày hôm nay nếu bạn lãng phí, đồng nghĩa với việc bạn bóp c.h*t quá khứ và vứt bỏ ngày mai.

3. Khi nào bạn cảm thấy thời khắc đã muộn, khi đó thực sự là thời điểm để hành động.

4. Sự kh.ổ nh.ọ.c khi học chỉ là tạm thời, sự đ.a.u kh.ổ vì không học đến nơi là mãi mãi.

5. Hạnh phúc có lẽ không có thứ lượt, nhưng thành công thì có.

6. Học tập phải chăng là nhiệm vụ cả đời, ngay cả người học cũng không thể chứng minh, còn có thể làm gì?

7. Hãy đón nhận sự kh.ó nh.ọ.c không thể chối từ.

8. N.ước b.ọt hiện tại sẽ là nước m.ắ.t của ngày mai.

9. Người đ.ầu tư cho tương lai là người thực hiện đến cùng.

Nguồn: Đại học Harvard 

Monday, June 19, 2023

Câu hỏi của thế lực nào: Suy nghĩ từ một người bị hỏi

 NỖI SỢ

Họ hỏi tôi “ Nếu bây giờ chúng tôi bắt anh thì anh nghĩ thế nào?”

Tôi có nhiều mối quan tâm quan trọng hơn nhiều so với việc suy nghĩ rằng liệu mình có bị bắt hay không ? Hay nói cách khác hiện tại có biết bao nhiêu việc tôi phải làm trong khi quỹ thời gian của đời mình sắp hết, hơi đâu nghĩ về việc xảy ra với từ “sẽ” mà ngữ pháp Việt gọi là “phó từ”. Kinh Thánh cũng nói :

“Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

Nhưng nói như vậy thì có vẻ “lên gân” quá, nên tôi trả lời : “Tốt thôi, nếu vào tù thì tôi có thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ, để tổng kết đời mình. Biết đâu lại viết được mấy cuốn sách tôi đang ấp ủ nhưng vì bận rộn mà chưa viết được”. Một người nói : “Đó là với những người còn trẻ, nhưng anh già rồi, anh hơn 60 tuổi rồi ? Liệu anh có chịu nổi cuộc sống trong tù không?” Tôi trả lời : “Mình sẽ cố gắng, đến khi không thể chịu nổi thì...”  tôi đưa bàn tay gập lại thành hình khẩu súng, kề vào thái dương : “Bùm”. Anh ta nói : “Ở trong tù làm sao anh kiếm được súng?”. Suýt nữa tôi phá lên cười, cố nén, thở một hơi dài và nói một cách nghiêm túc : “Khi người ta muốn chết thì thiếu gì cách, hơn nữa, nếu một người muốn chết thì không ai có thể ngăn nổi anh ta, kể cả ông trời”. Anh ấy lắc đầu không tin : “Ai mà chẳng nói thế, nhưng đến lúc sắp chết thì lại sợ”. 

Lại bất khả tư nghị rồi. Trên đời có vô vàn nỗi sợ, người ta sợ bởi vì “nỗi sợ hãi” không có hình hài cụ thể, nó chỉ hiển hiện khi ta trực tiếp đối diện với nó và khi ấy anh ta phải tự mình quyết định, không ai có thể giúp được. Như cái chết, khi một người chọn cái chết (vì lý tưởng, vì đất nước, vì những người thân yêu nhất...thậm chí đơn giản chỉ muốn chấm dứt cuộc sống của mình) anh ta đã thực hiện một quyền tự do cá nhân bất khả thương lượng đến Thượng Đế cũng phải lắc đầu. Chẳng thế mà, trong các lớp giáo lý tân tòng, tự sát bị coi là một tội lỗi.

Người ta sợ ma vì hầu hết chẳng ai nhìn thấy ma bao giờ, những người “may mắn” gặp ma thì bỗng nhiên hết sợ ma, một nguồn thu nhập khổng lồ của công nghiệp điện ảnh là sản xuất những bộ phim ma kinh dị. Một cách để không còn sợ “nỗi sợ” là không quan tâm đến nó hoặc coi nó như là chuyện buồn cười. 

Lần bị tạm giữ ở Sài Gòn, tôi phải ngồi vật vờ hơn 6 tiếng đồng hồ chờ một cán bộ an ninh từ Hà Nội bay vào, vừa nhìn thấy tôi, anh đập bàn quát lớn : “Nói cho anh biết, ngay ở nước Mỹ, phạm vào ‘an ninh quốc gia’ thì lập tức bị tống vào Guantanamo, không có dân chủ, nhân quyền gì ráo. Tôi từng học ở Mỹ, theo chương trình của FBI và CIA, tôi không lạ gì” Tôi đành phải dành thời gian “chấn chỉnh” lại thái độ của anh ta cho đúng mực. Dịu xuống anh nói : “Tôi hơi nóng bởi vì tôi bị sốc, tôi không thể ngờ có lúc những người như tôi và anh lại đứng ở hai bên chiến tuyến”. Lại sai rồi, tôi chưa bao giờ coi anh hay những đồng nghiệp của anh là kẻ thù dù họ gây cho tôi và những người thân yêu của tôi không biết bao nhiêu phiền lụy. Anh nói tiếp : “Tôi theo dõi anh từ lâu, đọc tất cả những bài anh viết, rất ấn tượng với loạt phóng sự mà anh viết khi sang Trung Quốc đi tìm những cựu chiến binh từng đánh nhau với anh hồi chiến tranh biên giới”. Ồ, vấn đề là ở đây, tôi nói với anh ta : “Nếu anh đã theo dõi tôi thì anh biết, khi ở TQ, ban đêm cảnh sát đặc biệt vũ khí tận răng, đeo mặt nạ xông vào phòng tôi trong khách sạn, ban ngày đi đâu cũng bị mật vụ mặc thường phục theo dõi, thậm chí tôi có thể bị thủ tiêu mà không ai biết...tôi còn không sợ. Bây giờ ở đây, trên quê hương mình, nói với nhau bằng tiếng đồng bào mình, thế mà anh lại mang nhà tù ra dọa tôi và nghĩ rằng tôi sợ. Anh thấy nó có buồn cười không?”

Nhưng tại sao người ta vẫn sợ, có thể không sợ tù, không sợ chết nhưng vẫn sợ. Cái sợ ấy là những gì ? Có lẽ khá đầy đủ khi Havel liệt kê những nỗi sợ của người dân Tiệp Khắc dưới chế độ cộng sản trong lá thư gửi ông Gustav Husák - Tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc lúc ấy :

“ Vì sợ mất việc làm, thầy giáo dạy trong trường học những điều họ không tin; vì lo lắng cho tương lai, học trò nhắc lại những điều thầy giáo giảng; vì sợ không được tiếp tục học tập, thanh niên gia nhập Đoàn thanh niên và tham gia mọi hoạt động cần thiết; vì sợ rằng trong hệ thống thang bậc chính trị quái gở này con cái sẽ không đủ tiêu chuẩn vào trường, các ông bố bà mẹ nhận đủ thứ trách nhiệm và “tự nguyện” tham gia mọi việc mà người ta yêu cầu. Vì sợ những hậu quả có thể, dân chúng tham gia bầu cử, bỏ phiếu cho ứng viên do người ta đề cử và vờ như cái nghi lễ đó là những cuộc bầu cử thật sự; vì sợ cho cuộc sống, địa vị hay tương lai, người ta đi họp hành, biểu quyết thông qua mọi thứ mà họ phải thông qua hay chí ít là im lặng; vì sợ mà họ làm những việc tự phê bình và sám hối nhục nhã, và điền vào không biết bao nhiêu bảng thăm dò ý kiến khác nhau một cách không chân thực; vì sợ có kẻ tố cáo, họ không dám thể hiện ý kiến thực sự của mình ở chỗ công cộng và nhiều khi trong cả chốn riêng tư. Đa số vì sợ những khó khăn về tài chính, do cố gắng cải thiện vị trí của mình và lấy lòng cấp trên mà người ta kí tên vào những “cam kết hoàn thành nhiệm vụ”; cũng từ động cơ đó, thậm chí nhiều khi người ta thành lập cả những tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa mà ai cũng biết trước rằng sứ mạng chủ yếu của chúng chỉ là để báo cáo lên cấp trên mà thôi. Vì sợ hãi, người ta tham gia tất cả những buổi lễ kỉ niệm, biểu tình và tuần hành của nhà nước. Vì sợ sẽ không được tiếp tục làm việc, nhiều nhà khoa học và nghệ sĩ đã thể hiện sự đồng tình với những tư tưởng mà trên thực tế họ không tin, viết những điều mà họ không đồng ý hoặc biết rõ là không đúng, gia nhập những tổ chức của nhà nước hoặc tham gia những công việc mà họ cho là chẳng có giá trị gì, hay tự cắt xén và bóp méo những công trình của mình. Để giữ thân, nhiều người thậm chí còn tố giác những người khác rằng người ta đang làm những việc mà chính bản thân họ đã gây ra cho người khác...

Về mặt nào đó, (nỗi sợ) thậm chí còn mang tính phổ quát hơn: trên đất nước ta, không công dân nào mà không bị ảnh hưởng đến đời sống (theo nghĩa rộng nhất) – mỗi người đều có gì để mất, vì vậy mà ai cũng có lí do để sợ hãi”

Hết trích.

Nỗi sợ không còn là những hình thức tàn bạo như thời quá khứ : Đấu tố hạ nhục người vô tội, bắt giam không cần lý do, hành quyết không cần xét xử vv...mà nó đã trở thành một thành tố trong việc xây dựng một hệ thống gây áp lực lên đời sống xã hội và trở thành phổ quát. Nhưng, hệ thống này không thể hoạt động hữu hiệu nếu như không có một lực lượng bảo đảm cho hệ thống có tính vạn năng, tính toàn diện, quyền hạn vô hạn và hiện diện khắp nơi. Khi mà, một công dân bình thường hoàn toàn không bị “mời làm việc”, không bị buộc tội, không bị xét xử hay kết án nhưng anh ta vẫn cảm thấy bị bao bọc trong một cái lưới không thể thoát ra - nó làm cho cuộc sống của anh ta mất đi tính tự nhiên chân thực biến nó thành một cuộc sống giả dối, đạo đức giả thường trực- không trừ một ai- từ anh xe ôm đến ông tổng bí thư. Nó là cái gì vậy ?

copy từ FB-Ngô Nhật Đăng

Sunday, June 18, 2023

Sống trầm lặng

Tôi là một flâneur—kẻ-lặng-nhìn. Ngồi lặng yên và ngắm nhìn là một buổi tiệc hoàn chỉnh dành cho nhận thức cảm quan siêu nhạy của người hướng nội. Tôi hấp thụ mọi thứ… cách mọi người nói chuyện, cách họ ăn mặc, những mẩu hội thoại. Tôi dành thời gian để nhận ra bản sắc của một địa điểm. Tôi thích ngắm nhìn sự thay đổi của ánh sáng khi chiều buông. Tôi tưởng tượng ra những mái ấm mà mọi người đang hối hả đi về, đầu cúi xuống, lòng tràn ngập mục đích sống vào cuối ngày.

Có người nói người hướng nội chỉ là những khán giả bên lề của cuộc đời. Nhưng thực ra, ta không bị động, ta tích cực tham gia theo cách của riêng mình. Đây là một dạng nghệ thuật, một lối sống. Người hướng nội là những kẻ-lặng-nhìn—ẩn mật ngay ở trung tâm thế giới…

Đã đến lúc ngừng giả vờ.

Chỉ bởi vì ta có khả năng thể hiện ra bên ngoài bộ mặt của một người hướng ngoại không đồng nghĩa với việc ta buộc phải làm điều đó. Hướng nội không sai mà cũng không đúng, và hướng ngoại cũng vậy. Mỗi người là một bản thể riêng biệt, đó chính là điều làm cho thế giới trở nên thú vị.

Hướng nội chỉ đơn giản là một cách sống. 

Đã đến lúc người hướng nội sống đúng với bản tính của mình.

Một cách tĩnh lặng.

TÔI LÀ NGƯỜI HƯỚNG NỘI của Sophia Dembling và TRẦM LẶNG của Susan Cain. Đây là 2 quyển sách luôn nằm trong top những quyển sách đáng đọc về hướng nội

Phụ nữ và văn minh (2)

Phụ nữ trong xh sơ khai

Thức ăn của con người trong thời kỳ săn bắn và hái lượm chẳng khác với thực đơn của loài khỉ lắm, chỉ từ khi họ phát minh ra lửa mới có những thay đổi so với thời kỳ trước đó chỉ có thức ăn sống. Cùng với nông nghiệp, lửa khởi đầu cho nền công nghiệp và giải phóng con người thoát cuộc sống lệ thuộc vào  săn bắn. Tuy vậy, vẫn có 1 món từng phổ biến trong nhiều bộ lạc thời nguyên thủy trong thực đơn sau này, thậm chí trong những bộ tộc ở Ireland, ở Picts và Đan Mạch vào thế kỷ 16: đó là thịt đồng loại.

Tại vùng Congo thượng, đàn ông, phụ nữ và trẻ em được nuôi lớn rồi mua bán công khai như thức ăn. Trên vài hòn đảo trong quần đảo Solomon, nhiều nạn nhân - nhất là phụ nữ - được vỗ béo để chuẩn bị cho những bữa tiệc. Người Fuegian xếp phụ nữ trên chó, vì họ bảo: ''chó có mùi rái cá''.

Ngoài sự thay đổi về thói quen ăn uống. Những kỹ năng mới cũng được hình thành. Điều này biểu lộ trong nghệ thuật đan, dệt qua đôi tay của phụ nữ. Phụ nữ Aleut phải mất 1 năm mới dệt được 1 cái váy. Chăn đắp và áo choàng của thổ dân da đỏ được trang trí bằng riềm viền và những hoa văn thêu bằng tóc cùng sợi màu sặc sỡ rất sinh động.

Suốt 1 thời gian dài, thương mại chỉ thuần là trao đổi. Những sản phẩm giao dịch trung gian sớm nhất thường là những thứ cần thiết: chà là, muối, da thú, vật trang sức, dụng cụ, khí giới... Phụ nữ cũng là 1 thứ trong số đó. Từng có thời 2 con dao tương đương với 1 cái quần, 3 con dao tương đương 1 tấm chăn, 4 con dao tương đương 1 khẩu súng, 5 con dao tương đương 1 con ngựa; 2 cặp sừng nai tương đương 1 con ngựa nhỏ, còn 8 cặp sừng nai thì có thể đổi được 1 cô vợ.

Phụ nữ kéo sợi, dệt vải; c. 550-530 TCN (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)

Phụ nữ trong xh sau chế độ cs nguyên thủy

Trong xh nguyên thủy, người ta ko thể nhận ra điều đáng kinh ngạc là con người thời ấy có cách cư xử tế nhị và lịch sự với nhau mà ngay cả những quốc gia văm minh nhất hiện nay ko có được. Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa cs nguyên thủy mất đi, nền văn minh bắt đầu phát sinh từ nông nghiệp đã đưa đến cho con người chế độ tư hữu và tình trạng nô lệ.

Khi sống trong xh săn bắn thuần túy thì nô lệ là điều hoàn toàn xa lạ, hầu như người vợ đảm nhận công việc gia đình và hầu hạ cũng đủ rồi. Sự trỗi dậy của ngành nông nghiệp và yếu tố bất bình đẳng (do chế độ tư hữu) sinh ra giữa kẻ có quyền thế thuê mướn kẻ yếu hơn làm việc cho họ. Con người bước qua 1 bước vĩ đại về đạo đức khi ngừng ăn thịt đồng loại, mà chỉ biến họ thành nô lệ. Aristotle cho rằng: chế độ nô lệ là điều tự nhiên ko tránh khỏi.

Trong những xh chất phác nhất, ko có bộ mặt của chính quyền. Bởi  con người  khi ấy chỉ cộng tác với nhau trong từng cộng đồng nhỏ và sống riêng biệt. Những hình thái xh sớm nhất là tổ chức thị tộc gồm nhiều gia đình có quan hệ với nhau. Khi nhiều thị tộc hợp lại thành nhóm dưới quyền của 1 thủ lĩnh thì bộ lạc được hình thành.

Bộ tộc Cherokee là sắc tộc da đỏ lớn nhất ở Mỹ sống theo chế độ thị tộc (hình chọn từ net)

Gia đình & xh

Vì nhu cầu cơ bản của con người là ăn uống và tình dục nên chức năng của tổ chức xh là cung cấp lương thực và duy trì nòi giống. Cho đến khi hình thành nhà nước, thể chế để duy trì trật tự (dù ban đầu nó là 1 con quỷ ăn thịt người), nhưng đã trở thành 1 trụ cột ko thể thiếu của xh.

Trong giai đoạn chưa hình thành nhà nước thì chế độ thị tộc vẫn đảm nhận vai trò điều hòa mối quan hệ nam-nữ, và giữa các thế hệ. Và thể chế thiết yếu đã bám sâu vào lịch sử tiến hóa của con người chính là gia đình. Khi mối quan hệ kinh tế và quyền làm chủ chính trị thay cho tình gia tộc, như 1 tổ chức xh, thì thị tộc mất vị trí là hạ tầng cơ sở của xh; bên dưới, nó bị gia đình thay thế, bên trên thì nó bị nhà nước chiếm chỗ. Chính quyền duy trì trật tự xh, còn gia đình chịu trách nhiệm tái tổ chức nền kỹ nghệ và duy trì nòi giống.

Trong 1 thời gian dài, người mẹ phải hoàn thành hầu hết bổn phận chăm sóc con cái, trong khi vai trò của đàn ông rất mờ nhạt thì người mẹ giữ vai trò then chốt và tối cao. Nam giới thường có vai trò sinh lý trong việc truyền giống mà hầu như ko được chú ý như trong thế giới loài vật. Họ kết hợp với phụ nữ rồi nuôi dưỡng con cái một cách vui vẻ mà ko quan tâm, ko hề hay biết gì về nguyên nhân và kết quả. Điều này tồn tại từ xa xưa về nguyên nhân của việc thụ thai ở người phụ nữ (các cô gái ở các bộ tộc khác nhau cho rằng mình có thai từ những nguyên cớ ko phải do đàn ông, mà do cá cắn hoặc đổ lỗi cho chuyện khác khi họ thèm chua, ko phải do quan hệ tình dục).

Một người mẹ hoàn toàn nguyên thủy ít khi nào bận tâm về việc ai là cha đứa bé; nó thuộc về cô ta, còn cô ta thì ko thuộc về 1 người đàn ông nào, mà chỉ thuộc về cha mình, hay 1 người anh/em trai, và thị tộc. Đó là những quan hệ duy nhất với phái nam mà đứa con được biết. Điều này vẫn được duy trì trong nhiều trường hợp, người chồng vẫn ở nhà mình và thị tộc của mình, xem vợ mình như người bạn tình vụng trộm và lén lút.

Trong chế độ thị tộc (theo mẫu hệ/matriclan) thì các hoạt động của phụ nữ là trọng tâm đối với phúc lợi của cộng đồng, nên họ cũng nắm giữ các quyền lực quan trọng về chính trị, xh và kinh tế (ở nhiều xh thị tộc Bắc Mỹ, tư cách thành viên thị tộc và những vấn đề thuộc về của cải vật chất là do phụ nữ quyết định). 

Những cô gái thổ dân Mỹ (hình chọn từ net)

Cánh đàn ông thường sống tách biệt với phụ nữ, thậm chí đến bữa ăn cũng ăn riêng. Từ chuyện phân chia nam nữ đã nảy sinh những hội nhóm - thường là của nam giới - được dùng để chống lại phái nữ. Hình thức đơn giản nhất của gia đình là mẹ con và bà ngoại (hoặc cậu) sống cùng nhau trong chế độ thị tộc. Hình thức thay đổi sớm nhất là ''hôn nhân mẫu hệ'': người chồng rời bỏ thị tộc của mình để sang chung sống với gia đình người vợ, làm lụng cho nàng ta hoặc cho cha mẹ vợ. Dòng dõi được ghi lại theo mẫu hệ, quyền thừa kế phải thông qua người mẹ (nhưng ko phải là chế độ mẫu quyền/matriarchate vì ko có nghĩa là phụ nữ cai trị nam giới).

Sự thật là trong bất kỳ hình thái xh nào, phụ nữ vẫn nắm 1 số quyền hành, từ vai trò quan trọng của họ trong gia đình, từ chức năng phân phối lương thực, từ nhu cầu mà đàn ông cần nơi họ (mà họ có quyền từ chối). Đôi khi có trường hợp phụ nữ cai trị (ở các bộ lạc Nam Phi), dù là thủ lĩnh cũng ko thể làm được gì nếu ko có ý kiến của hội đồng toàn phụ nữ.

Nhìn chung, vị trí của phụ nữ trong xh sơ khai là sự khuất phục gần như nô lệ. Do hạn chế tâm - sinh lý và sức mạnh thể chất, họ ko quen sử dụng vũ khí, tiêu hao nhiều sinh lực vào việc sinh đẻ, nuôi dưỡng con cái. Họ chịu lép vế trong cuộc chiến tranh giới tính, buộc họ chấp nhận tình trạnh phụ thuộc, từ xh lạc hậu cho đến xh phát triển cao hơn. Vị trí của phụ nữ ko tăng theo sự phát triển của nền văn minh.

Hình ảnh: chọn từ bài Vai trò của phụ nữ trong bộ tộc Iroquois

(còn nữa)

Đọc và lược ghi từ Lịch sử Văn minh Thế giới (Will Durant)

Saturday, June 17, 2023

Chuyện gần gũi với chúng ta

 "PHẢN ĐỘNG"

Tôi xuất thân là cán bộ nhà nước, không muốn gắn bó với công việc hành chính nên vui vẻ viết đơn xin nghỉ việc. Không có thù oán cá nhân với ai, cũng chưa va quệt gì với chính quyền. Sống hoà đồng, cũng chẳng ganh đua, không màng danh lợi. Ngoài đời vẫn trân trọng những anh chị đi trước, đồng nghiệp và bạn bè... 

Nhưng một điều đơn giản, khi tôi chọn con đường phản ánh về tình hình đất nước thì kẻ thù ghét tôi tự nhiên sẽ xuất hiện và càng ngày càng nhiều, đến một ngày họ sẽ ra tay ám hại tôi. Biết nguy hiểm thế thì bạn hiểu là tôi đâu rảnh để đi đâm bị thóc chọc bị gạo, hay đi cãi cọ tùm lum để rước hoạ cho bản thân. Mọi việc tôi làm đều đã có sự suy nghĩ và sẵn sàng đón nhận hậu quả. Tôi muốn góp một tiếng nói đấu tranh cho đất nước tốt đẹp hơn. Các bạn chọn ngồi im lặng hoặc ngợi ca đó là quyền của các bạn. 

🍀 Sau đây là một vài nguyên tắc của tôi khi viết bài, mọi người cần biết trước khi tranh luận hay phán xét về con người cá nhân tôi: 

1. Bản thân tôi vẫn luôn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, dù thấy nó lạc hậu và bất cập. 

2. Tôi chưa từng kêu gọi xoá điều 4 Hiến pháp hay hoạt động lật đổ chính quyền, dù vẫn khẳng định nó tất yếu phải thay đổi. 

3. Góc nhìn của tôi là phản ánh những sai phạm của chính quyền. Những gì tôi viết đều là tin chính thống, không dùng tin bịa đặt.

4. Tôi đấu tranh cho một đất nước pháp quyền thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải được nghiêm chỉnh chấp hành và mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. 

5. Tôi là người yêu nước Việt Nam. Đừng nhầm lẫn mà quy chụp tôi "phản động". Bạn chắc gì đã yêu nước hơn tôi!

6. Và khi tôi lên án những cái sai của người thừa hành chính quyền thì đừng quy kết tôi là "phản động".

7. PHẢN ĐỘNG là những kẻ đi ngược lại với dòng chảy tự nhiên tất yếu, cản trở sự phát triển của đất nước. Vậy, PHẢN ĐỘNG là những kẻ: độc quyền, tham nhũng, lãng phí, phá nát môi trường, vắt kiệt tài nguyên, làm đất nước lệ thuộc vào ngoại bang, hèn với giặc, ác với dân, phổ biến thứ giáo dục hủ lậu, tuyên truyền văn hoá lai căng, bao che cho cái xấu, đàn áp tự do, thấy sai trái mà không dám đấu tranh... 

Những tiêu chí này tôi không mắc phải nên tôi không phải là "phản động". 

Chúng ta phải hiểu rõ "phản động" là gì, để dùng từ đó cho chuẩn, không nói theo quán tính.

8. Tôi không phải là người có tài kinh bang tế thế, nên đừng ai bảo tôi: "Có giỏi thì thay đổi đất nước đi". Không làm được vĩ nhân, nhưng quyết phải cố gắng làm một người có lương tri và biết phân biệt lẽ phải trái. 

Muốn đất nước thay đổi, cần có hàng triệu người tỉnh được cơn mê muội và đồng tâm hiệp lực. 

9. Ngoài đời tôi tôn trọng mọi người, còn trong tư tưởng các bạn và tôi chẳng có gì phải nể nả hết. 

10. Đừng nói chuyện yêu ghét với tôi ở đây, đó không phải là phạm trù chính luận. 

Hãy chỉ cho tôi, tôi sai ở kiến thức nào, sai sẽ sửa không giấu dốt. 

Hãy chỉ cho tôi, tôi vi phạm điều gì của pháp luật, sai tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

11. Hãy nói cho chuẩn, đừng quy chụp!

12. Tôi nói theo quan điểm cá nhân của tôi, được Hiến pháp cho phép, không đại diện cho ai, vậy mọi người nên tôn trọng như là một nguồn phản biện, không áp đặt gì cả.

🍀 Tâm sự thêm một tí 

Tôi học cấp 3 ở trường Phan Bội Châu - Nghệ An, trường mang tên một nhà yêu nước lớn trong thế kỷ 20. Cho đến khi ông chết, chính quyền đương thời vẫn coi ông là kẻ tù nhân có những hoạt động phản động, chống phá nhà nước mà thôi. Ông không đến được đích cuối cùng trên con đường giải cứu dân tộc, nhưng những đóng góp của ông cho công cuộc khai dân trí người Việt thì rõ ràng rất to lớn. 

Tôi học đại học ngành Luật tại Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Bạn bè tôi ở trường Phan và ở đại học rất nhiều người giỏi về chuyên môn. Tôi khâm phục nhiều người. 

Nhưng khi tò mò tìm xem có ai trong danh sách các thế hệ đi trước thường xuyên lên tiếng bênh vực nhân dân, đấu tranh cho công lý, thì... đếm được vài người, đều thân quen cả. 

Ấy vậy mà nhé, bạn tôi, sếp cũ của tôi, đồng nghiệp của tôi... có rất nhiều người đã và đang "bóc lịch" trong tù. Vì những tội lừa đảo, nhận hối lộ, tham ô, sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai... Không thấy tù nhân chính trị nào cả.

Phản ứng của những người khác quanh tôi mới là điều đáng nói.

Bạn bè tôi ghét ra mặt những người đấu tranh cho công lý, coi họ là "phản động", còn những người đang ngồi "bóc lịch" kia thì lại được thông cảm bằng những biện minh: "Do đen thôi", "tai nạn", "bị gài", "đấu đá nội bộ"...

Chuẩn mực về "đạo đức" của chúng ta có lẽ còn quá lệch lạc. 

Đa phần mọi người gần như không quan tâm đến chính trị. Các bạn đâu biết rằng chính trị không phải là những thứ to tát gì cả, nó chính là cơm gạo bạn ăn, xe bạn chạy, giá xăng dầu, điện nước, tiền thuế nhà đất, chất lượng thuốc men ... rất gần gũi chứ đâu xa.

🍀 Kết

Không phải ai sinh ra cũng chỉ để vỗ tay! 

Các bạn là sản phẩm hoàn hảo của cỗ máy 90 năm tẩy não và nhồi sọ. Tôi là sản phẩm lỗi, nên tôi khác các bạn!

LS Lê Minh

Copy FB: Nguyễn văn Hùng

Cuốn sách của nhân loại

TẠI SAO CẦN ĐỌC KINH THÁNH?

"Nhà văn Charles Dickens từng nói “Kinh Thánh Tân Ước chính là cuốn sách tốt nhất, đã từng hoặc sẽ được biết đến trên thế giới “ 

Đại văn hào Victor Hugo cũng có một câu nói về Kinh Thánh như sau “Nước Anh có hai cuốn sách: Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh đã làm ra Shakespeare, nhưng Kinh Thánh đã làm nên nước Anh.” 

Tại sao chỉ là một quyển sách, nhưng lại mang tầm ảnh hưởng đến vậy ? 

Bởi vì Kinh Thánh là một quyển sách chứa đựng rất nhiều kiến thức thuộc mọi lĩnh vực. Ví dụ như: Tôn giáo, Khoa học, văn học, lịch sử, khôn ngoan vv. Các nước phương Tây đã gắn bó với quyển Thánh điển này từ rất lâu. Nó đã định hình các quốc gia ấy trong mọi khía cạnh đời sống. Từ những tác phẩm nghệ thuật của Leonardo da Vinci, Michelangelo hay Raffaello đại tài, hoặc những tác phẩm văn học nổi tiếng như “Thiên đường đã mất” của John Milton … tất cả đều chưa đựng những chuyện tích của Kinh Thánh. Gần đây nhất, Vua Charles III của nước Anh đã đặt tay lên quyển Kinh Thánh “mà bạn đang đọc”, để tuyên thệ tiếp nhận ngôi báu. 

Hãy tìm đọc Kinh Thánh! Bởi vì Chỉ cần cầm một quyển Kinh Thánh trên tay chúng ta có thể tìm kiếm rất nhiều kiến thức của mọi lĩnh vực.

Nếu bạn tìm kiếm sự bình an của tâm hồn, văn học hay thơ ca, hãy đến với sách Thánh Vịnh. Nếu tìm đến sự khôn ngoan và triết lý sống của dân tộc Do Thái hãy đến với sách Châm Ngôn. Nếu bạn tìm kiếm những câu chuyện hào hùng và thần kỳ, lịch sử của dân tộc thông minh nhất thế giới, hãy đến với sách Các Vua hay Ký Sự … 

Mỗi sách trong Kinh Thánh thật kỳ diệu vì chúng được viết dành cho tất cả chúng ta. Bạn không phải là người theo một tôn giáo nào đó để đọc được quyển sách này. Bởi vì Kinh Thánh bàn luận ý nghĩa nhân sinh và cuộc sống chung của tất cả loài người sống trên mặt đất. Khi bạn đọc những gì được viết  trong Kinh thánh, bạn có thể sẽ tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đang tìm kiếm.

Điển hình như trong tác phẩm “Tự Bạch”(Confessions) của Thánh Augustine, ông đã thuật lại quá khứ vốn tội lỗi của mình. Mặc dù là một con người tội lỗi, nhưng kiến thức và sự hiểu biết của ông không thua gì những người tài giỏi đương thời. Với sự khôn ngoan đó, ông từng chê bai Kinh Thánh còn thua xa các tác phẩm của Cicero và Plato. 

Nhưng về sau cuộc đời ông đã thay đổi chỉ bởi một câu Kinh Thánh. Augustine đã nghe thấy một lời nói vang lên trong tâm hồn của ông, đó là: “Hãy cầm lên và đọc! “Và Ông đã tiếp nhận được một câu Kinh Thánh, được viết trong sách Rôma của Tân Ước:

“Ðêm hầu tàn, ngày sắp đến. Vậy ta hãy vất bỏ những việc tối tăm và hãy mặc lấy khí giới sự sáng. Như giữa ban ngày, ta hãy sống đoan trang, chứ không phải trong chè chén và say sưa, trong dâm dật và phóng đãng, trong kình địch và ghen tương.”

(Rôma 13: 12-13)

Cuối cùng chàng thanh niên trẻ Augustine, đã hoán cải và sau đó trở thành một vị Thánh nổi tiếng trong nền văn minh Tây Phương. Có điều gì tuyệt vời hơn một kẻ tội nhân trở thành thánh nhân?

Một quyển sách có thể thay đổi cuộc đời của một con người thật sự là kỳ diệu phải không? 

Hãy đọc Kinh Thánh! Bạn sẽ tìm được mọi sự khôn ngoan, ý nghĩa cuộc sống. Được chứa đựng trong một quyển sách . Bởi vì biết đâu bạn sẽ giống Thánh Augustine, chỉ cần một câu Kinh Thánh. Bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất, của cuộc đời mình?"

- Bài chia sẻ từ độc giả Paulus Nguyễn - 

Friday, June 16, 2023

Các biện pháp ngăn ngừa Alzheimer

 Sa sút trí tuệ và Alzheimer 

    1. Có tới 80% người bị sa sút trí tuệ là do Alzheimer. Alzheimer là một chứng bệnh, trong khi sa sút trí tuệ là một biểu hiện chung. Tuy vậy, dường như sa sút trí tuệ có nhiều đặc trưng chung với Alzheimer, có thể là các cấp độ, hoặc biểu hiện khác nhau của cùng một căn nguyên, dẫn tới cùng một kết quả là các tế bào thần kinh bị hỏng, chết nhiều. 

    2. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết nhiều về nguyên nhân gây sa sút trí tuệ và Alzheimer, nhưng nhìn chung là không đảo ngược được và không có cách chữa. Biểu hiện chung là có một số chất "bẩn" như amyloid beta, tau bị thoái hóa (vốn là tốt),... đóng két trên các màng tế bào thần kinh, làm các tế bào này hỏng dần và chết. Thực sự, người ta cũng chụp được các mảng đóng két này ở những người sa sút trí tuệ.  Vì vậy, việc tẩy rửa các chất này có hy vọng sẽ cải thiện cho các căn bệnh này. 

    3.  Hiện nay đã có một số chất có thể hòa tan hoặc dọn dẹp các mảng két amyloid beta và tau. Tuy nhiên điểm khó là cơ thể có một cơ chế khác gọi là BBB. BBB là rào cản đối với việc đưa các hóa chất nói chung và thuốc nói riêng vào tế bào não. Bình thường thì cơ chế này là tốt, ngăn cản việc chúng ta ăn uống nhảm nhí, đầu độc não. Nhưng khi đã bị bệnh, chính cơ chế BBB đã ngăn cản các loại thuốc chữa bệnh thần kinh. Một mặt người ta nghĩ ra các loại thuốc có thể "vượt rào" hoặc tạm thời làm tê liệt BBB, để các loại thuốc tẩy rửa có thể xâm nhập vào các tế bào thần kinh. Các cố gắng này gần đây có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên không thể một sớm một chiều được như ý muốn. Mặt khác, tác dụng của nó cũng sẽ hạn chế và việc chữa bệnh có thể còn xa. 

     4. Có nhiều trường hợp cho thấy các bệnh sa sút trí tuệ và Alzheimer có thể có nguyên nhân trong di truyền, có những người bị bệnh này có rất nhiều người trong gia tộc đã bị bệnh. Tất nhiên có nhiều trường hợp khác, người bị bệnh không có họ hàng nào bị bệnh tương tự. Vì thế, chúng ta có thể cho rằng, di truyền là yếu tố dẫn tới một chế độ sống, bao gồm cả ăn uống, nào đó dẫn tới nguy cơ mắc bệnh, hay nguy cơ tích lũy các chất "bẩn" trong não. Vì thế những người không có gene di truyền, nhưng tình cờ có thói quen sống như vậy cũng sẽ mắc chứng này. 

     5. Nói một cách khác, sa sút trí tuệ và Alzheimer nhiều khả năng là do thói quen sống dẫn tới việc tích tụ các chất "bẩn" và cũng làm khả năng "tự dọn dẹp" của cơ thể yếu đi, chứ không phải được mã hóa sẵn số phận "sa sút trí tuệ" trong gene di truyền, rồi các hóa chất "bẩn" mới sinh ra như là hệ quả và đẩy mạnh thêm quá trình này. (Trong cơ thể người và xã hội, nhân quả thường bị vi phạm cục bộ).  

     6. Vì vậy, tôi cho rằng, ngăn ngừa khi căn bệnh chưa diễn ra, nhất là khi các mảng két chất "bẩn" chưa đóng bám đáng kể, quá trình sai sa sút trí tuệ bị đẩy nhanh, sẽ có thể có tác dụng tích cực. Như vậy, các biện pháp "kín đáo", không bị BBB ngăn chặn sẽ có tác dụng tốt hơn. Như vậy, tôi cho rằng cơ chế tự thực bào được kích hoạt do ăn gián đoạn 16/8 hoặc mạnh mẽ hơn như 24/4. Tôi không biết 48/12 có tác dụng bằng không, bởi vì không theo chu kỳ tự nhiên. Theo lý thuyết thì ổn, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Tự thực bào diễn ra ngay ở mức tế bào, tức là nội gián của chúng ta ở bên trong trạm kiểm soát BBB, do đó sẽ tốt hơn dùng thuốc. 

     7. Cơ chế tự thực bào diễn ra nhờ cấu trúc Golgi và các tiêu thế (lisosome). Chúng ta cũng có thế "kín đáo" tiếp viện cho các nội gián này (gián điệp hay tình báo đều cần kinh phí hoạt động).  Có lẽ, "kín đáo" và hiệu quả nhất là tăng tuần hoàn não. Trên thị trường có nhiều thuốc tuần hoàn não bằng ngân hạnh hay bạch quả (gingko biloba), nhưng phần lớn đều là loại "phủi bụi" hay tráng men. Tôi cho rằng nên dùng liều lượng cao, thương hiệu tốt. Loại liều lượng 1 ngày một viên, chúng ta có thể mạnh dạn tăng thành 2 viên, thậm chí uống 2 lần 1 ngày.  Thương hiệu của Mỹ, Úc, Pháp, Đức,... đều ổn.  Tôi nghe nói ALOHA Trí não cũng có tác dụng thần kỳ, nhưng bản thân chưa thử, không dám khuyên mọi người.     

       8. Các loại thuốc tiếp viện khá kín đáo khác như B12, viên nghệ nano (nên tăng cường dùng tiêu đen khi uống viên nghệ), dầu olive, cà phê, dầu gấc,... cũng nên dùng. Cá nhân tôi tin rằng collagen và xông ngải cứu cũng có tác dụng hồi phục, trẻ hóa và tăng tuần hoàn não tốt, chắc BBB không thể phát hiện. Tất nhiên cái gì ngon bổ, đặc biệt rau xanh, cá vẫn nên chén đều. Một trong những sai lầm của người ăn kiêng là kiêng bột đường quá độ. Não của chúng ta rất cần đường, không có đường rất khó hoạt động. Chúng ta ăn ít bột đường để tránh thừa, tích lũy thành chất béo chứ không phải nhịn bột đường hoàn toàn, có thể chưa chờ được viện binh thì các tướng giữ thành đã chết đói. Mặt khác, nên nhớ rằng não tiêu tốn tới 25% mức tiêu tốn năng lượng của cơ thể, cơ thể suy dinh dưỡng cũng làm não kiệt sức.

       9. Bổ trợ thứ hai là hoạt động, tập luyện. Tôi lười thể dục nên không thể khuyên mọi người chắc chắn ai cũng hơn tôi. Bản thân tôi cũng sẽ bắt đầu tập một cái gì đó.  Ông thầy của tôi, một nhà bác học biết đủ thứ, viện sĩ hàn lâm,  đưa ra một giải pháp thay thế tập thể dục bằng cách uống rượu (ít thôi). Hàng ngày, vào giờ mọi người tập thể dục (5g sáng hoặc 5g chiều), ông làm hai chén rượu mạnh, vừa đủ để nóng người và ngồi gật gù, chừng nửa tiếng là tan hết. Lý luận của ông (không biết có học ai hay có cơ sở khoa học gì không) là: bản chất là cơ thể cần tuần hoàn lưu thông, tập thể thao hoặc uống rượu đều có tác dụng như thế. Ổng có dặn thêm là: không được làm đồng thời cả hai cái, vì như thế rất nguy hiểm. Vậy là có thể tập thể dục sáng, chiều uống rượu hay ngược lại. Hoặc có thể tập thể dục 2 buổi, thì uống vào nửa đêm như các cụ ta hay khuyên "bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà". 

      10. Các loại thuốc trực tiếp tác động vào tế bào não đều có tác động hạn chế, vì thế có sẵn tiền cũng không nên uống kiểu ngăn ngừa. Vì như thế chẳng khác gì vứt tiền vào bồn cầu.

      11. Đây là đề tài tôi đang quan tâm do có động cơ thiết thân và tìm hiểu kỹ, có tham chiếu các công trình khoa học mới nhất, bác sĩ bình thường nếu không có lý lẽ nếu nói ngược lại cũng không nên vội tin.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Thursday, June 15, 2023

Phụ nữ và văn minh (1)

Ko thể có 1 xh văn minh trong trật tự vô văn hoá. Khi sự hỗn loạn kết thúc cùng với sự bất an, văn minh sẽ bắt đầu hình thành trong hoà bình.

Trong xh văn minh, con người được khai phóng, sức sáng tạo được phát triển tự do, khi ấy (từ ấy) con người mới vượt được những giới hạn, hướng tới những nguồn tạo xúc cảm mới, tìm hiểu và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn mang giá trị của cuộc sống. Có rất nhiều vấn đề/điều kiện có thể, hoặc thúc đẩy hay cản trở nền văn minh phát triển. Tất cả đều có thể mất đi, ko để lại chút gì, hoặc chỉ còn lại những tàn tích như những dấu hỏi câm lặng trên sa mạc, giữa đại dương hay ẩn mình trong những khu rừng xa thẳm.

Tuy nhiên, muốn tồn tại, trước hết, con người phải dựa vào những yếu tố sinh tồn. Và nước là 1 trong những điều kiện này. Ko chỉ cần cho cơ thể, từ thời tiền sử, nền văn minh đã bắt đầu phôi thai cùng với việc canh tác và trồng trọt. Nông nghiệp dần hình thành từ Mẹ Đất. Khi nước và những sản vật khác được cung cấp đầy đủ, ko còn mất nhiều thời gian vào việc săn bắn, hái lượm. Con người bắt đầu thời kỳ an cư lạc nghiệp. Và hình thức sơ khai của văn minh là nông nghiệp làm con người thay đổi. Họ bắt đầu dựng lều để ở, xây dựng đền đài..., tạo thêm nhiều công cụ và thuần hoá vật nuôi. Và cuối cùng "thuần hoá chính bản thân họ" (Will Durant).

Thời kỳ tiền sử

Ngay từ thời sống bằng săn bắn, phụ nữ đã thực hiện 1 cuộc khám phá vĩ đại nhất về kinh tế từ lòng đất vốn luôn hào phóng với con người. Khi đàn ông kéo nhau đi săn, họ đào xới xung quanh những túp lều để tìm bất cứ thứ gì ăn được. Tại Úc, cho đến khi sống cùng nhau trong 1 gia đình, người chồng đảm nhận việc săn bắn, còn người vợ đào những gốc cây, hái lượm hoa quả, thu gom mật ong, nấm, hạt giống và những thứ hạt khác. Hiện tại, thổ dân châu Úc vẫn thu hoạch những loại hạt mọc tự nhiên mà ko cần cày bừa hay gieo hạt. Và người da đỏ ở châu Mỹ ở nhiều nơi cũng làm ko khác họ.

Những bộ tộc khác lại biết đến việc gieo hạt từ thời xa xưa và để chúng phát triển tự nhiên. Từ đây, loài người đã biết được điều bí mật vĩ đại của sự sinh trưởng từ lòng đất. Thổ dân ở Borneo gieo hạt vào những cái lỗ mà họ dùng gậy để xoi trên mặt đất. Ở Madagascar, những phụ nữ đứng thành hàng với những cây nhọn họ chọc gậy vào đất, ném hạt giống vào cái lỗ và dùng chân dẫm cho đất bằng lại rồi tiếp tục qua 1 hàng khác.

Dần dần, công cụ được dùng thay cho tay chân, cùng với việc thuần hóa súc vật, con người dùng cuốc và cày để làm đất. Cây cối được trồng nhiều hơn, những loài cây dại cũng được biến đổi, con người càng ngày càng có nhiều loại cây hơn bằng việc phát triển giống cây mới và cải thiện những giống cây cũ để thu hoạch được nhiều hơn.

Cùng với săn bắn và trồng trọt, học được từ thiên nhiên và thú rừng nghệ thuật cung cấp và cách bảo quản thức ăn, con người nhận ra: những điều này giúp họ có được nguồn thức ăn dồi dào hơn, an toàn hơn săn bắn. Xuất phát từ nhận thức đó, dần dần con người đã khởi đầu 1 trong 3 bước đi dẫn họ tiến từ con người man dã đến sự văn minh: ngôn ngữ, nông nghiệp và văn tự.

(còn nữa)

Đọc và lược ghi từ Lịch sử Văn minh Thế giới (Will Durant)

Tranh của họa sĩ người Cuba Yoel Diaz Gulvez