Saturday, July 31, 2021

Câu chuyện Cuba (2)

 Huyền thoại Cuba (2)

(Tiếp theo)

Một số người đọc bài trước của tôi tỏ ý khâm phục một mô hình “XHCN Cuba”. 

CNXH nào cũng phải chấp nhận nguyên tắc cơ bản mà Marx và Engels, những người sáng lập ra nó đã đề ra. Đó là xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất (nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất v.v.), từ đó sinh ra sự điều tiết sản xuất tập trung và cuối cùng là sự phân phối công bằng của cải làm ra cho mọi thành viên trong xã hội (xã hội =society, tính từ = social và học thuyết là Socialism). 

Theo khái niệm này thì việc gắn mác XHCN cho các nhà nước phúc lợi Bắc Âu là sai. Ở đó kinh tế tư nhân là chính. Nhà nước tư bản chỉ thu thuế và làm tốt việc chia lợi tức cho dân (vế sau của CNXH).

Ngược lại, Bắc Triều Tiên cũng không phải là nước XHCN. Ở đó tuy không một sợi lông nào của kinh tế tư nhân mọc được (vế đầu của CNXH) nhưng của cải chỉ chia cho triều đình dòng họ Kim, dân chết đói.

Về sau ông “Lenin ở nước Nga” đưa thêm vế “Nhà nước chuyên chính vô sản” vào học thuyết đó để xây dựng thành CNXH hiện thực (Real Socialism), nhằm phân biệt với CHXH không tưởng (Utopian Socialism) của các ông Saint-Simon và Fourrier [1], vốn không công nhận vai trò nhà nước.

CNXH hiện thực chủ trương thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản lên giai cấp tư sản (và các giai cấp khác trong xã hội). Giai cấp vô sản không chỉ độc quyền chiếm giữ tư liệu sản xuất, phân phối phúc lợi xã hội, mà nắm giữ quân đội, cảnh sát, điều hành xã hội, báo chí, giáo dục, y tế v.v. kể cả tôn giáo. Ở mọi nước XHCN Đông Âu, châu Á cũng như châu Phi[2] các nguyên tắc này được áp dụng triệt để. Cuba cũng không ngoại lệ.

Nhưng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, tâm lý (mentality) của từng dân tộc tạo ra lối sống khác nhau ở mỗi nước. Lối sống của cả một dân tộc ảnh hưởng đến đường lối chính trị của các đảng cầm quyền là điều hiển nhiên. Hungary và Ba-Lan là những trường hợp thú vị. (Khi nào sảng khoái tôi sẽ kể 🙂 ).

Nước Lào, tuy cũng theo đuổi mục tiêu XHCN, tuy cán bộ của họ đều học ở Việt Nam về, nhưng với bản chất hiền lành, chân thực của người dân, với nền tảng đạo phật ít bị phá vỡ, luôn tạo ra một cảm giác dễ chịu cho khách viếng thăm. Chỉ riêng việc chấp hành luật lệ giao thông, người Việt chưa biết bao giờ mới học nổi người Lào. Ngược lại, thói chụp giật, tham lam thì họ phải gọi người Việt bằng cụ. 

Người Cuba đa số có nguồn gốc Tây Ban Nha, và khoảng 30% từ những người nô lệ gốc Phi. Trải qua mấy trăm năm chung sống và đấu tranh giành độc lập, họ đã trở thành một dân tộc, với một nền văn hóa đặc trưng. Siboney, Guantanamera... là những nhạc phẩm nổi tiếng thế giới. Cuộc đời trong thiên nhiên ưu ái đã tặng cho những con người với tinh thần hiệp sỹ đấu bò tót đức tính hào hiệp, rộng rãi (như những người dân Nam Bộ). Họ hiền lành, chất phác, giỏi chịu đựng, thích đàn ca nhảy múa như anh bạn Lào. Người Cuba không láu cá, khôn vặt và không thích ngang tắt. 

Một xã hội Cuba nghèo khổ nhưng ít nhem nhuốc là do yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc chứ không phải do chế độ chính trị. Mấy trăm năm qua, người Cuba vẫn vậy. 

Hình ảnh người Cuba trật tự xếp hàng dài chờ được mua một chút nhu yếu phẩm chứ không tranh giành, cướp giật khiến tôi nghĩ đến những người dân thật thà, tử tế trong một nhà nước thất bại. Anh hùng cũng thất bại chứ!

Xếp hàng một cách kiên nhẫn và trật tự để hy vọng mua được chút ít thực phẩm là một đức tính đáng quý. ( Bản quyền của Alamy Stock)

Vì vậy khi những người dân hiền lành kia xuống đường hôm 11.7 đòi cơm áo thì chớ nên vội vã ghép ngay cho họ cái tội phản động, bị bọn xấu xúi giục. 

Ba hôm sau, 14.7.2021, phát biểu trên truyền hình, thủ tướng Marrero bên cạnh việc lên án những người biểu tình và các thế lực ngoại bang đã hứa sẽ mở rộng việc sản xuất điện, thuốc men và thực phẩm. Việc hạn chế người dân mang thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm về nước theo hàng xách tay sẽ được xóa bỏ ngay lập tức. Quyết định này có hiệu lực đến hết năm. Chủ tịch nước Diaz-Canel cũng hứa sẽ „phân tích một cách phê phán“ (Critical analyze) tình hình đất nước[3]

Các nhân nhượng này tạm thời giảm bớt căng thẳng cho thị trường, nhưng bi hài ở chỗ: Những người trung thành với chế độ tham gia các cuộc „phản biểu tình“ hôm đó cũng được hưởng lợi từ các cuộc biểu tình mà họ lên án. 

Tin về các cuộc biểu tình khiến một số người hả hê. Họ lạc quan cho rằng nhà nước XHCN ở Cuba đã cáo chung. Họ đã nghĩ vậy từ khi Cuba thay đổi hiến pháp năm 2019, công nhận tư hữu và không nhắc gì đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng từ đó đến nay, xã hội Cuba hầu như không thay đổi.

Một số khác thì buồn cho dân tộc Cuba thông minh, nhân đạo, nghĩa hiệp phải chịu đựng một số phận khắc nghiệt mà họ gọi là „Lời nguyền Castro“: XHCN Hay Là Chết.

Số còn lại thì hoang mang, không rõ thực hư thế nào, lo cho đất nước XHCN anh em. 

Tôi thì biết chắc là người Cuba khổ lắm. Các bạn tôi học ở Cuba về, sau quay lại thăm trường cũ cũng thấy vậy. Cô Sol, hàng xóm của tôi ở đây cũng khẳng định điều đó. Khi ngồi nói chuyện với tôi, cậu em cô vẫn chat qua mạng kể chuyện nhà.

Để hiểu rõ tình trạng của xứ sở đáng ngưỡng mộ đó, tôi cất công tìm tòi và xin đơn cử một vài số liệu về cuộc sống vật chất.

Tháng 12.2020, Cuba đưa ra chính sách tiền tệ và lương mới. Đó cũng là một bước cải đi cách lại như thời kỳ „Giá-Lương-Tiền“ ở ta 40 năm trước. [4]

Theo đó, từ ngày 1.1.2021 chế độ hai đồng tiền CUP (Cuba Peso = tiền Cuba) và CUC (Cuba Peso Convertible = tiền Cuba chuyển đổi từ ngọai tệ) tồn tại từ gần 20 năm qua bị xóa bỏ. Trên toàn quốc chỉ lưu hành tiền CUP. Ngoại tệ sẽ đổi trong các ngân hàng nhà nước với giá 1 USD = 24 CUP sang thẻ MLC (Moneda Libremente Convertible) để dùng trong các cửa hàng giao tế (Intershop).

Lương tối thiểu (công nhân, y tá...) sẽ nâng lên 2100 CUP/tháng = 87 USD. Tối đa là 9510 CUP =  396 USD/tháng (Chủ tịch nước).

Vì 1 USD gần bằng 24.000VND nên tôi cứ tạm tính 1 CUP = 1.000 VND.

Ông bác sỹ Cuba nào đó may mắn được lĩnh 5060 CUP/tháng (210 USD hay 5.000.000 VND), chưa bằng cô công nhân ở Bình Dương. 

Nhiều người không tin vào mức lương thấp như vậy. Họ hỏi: Cuba có thu nhập đầu người khoảng 7500 USD/năm, cao hơn gấp đôi Việt Nam, sao lương người lao động lại thấp như vậy? Chuyện này tốn khá nhiều giấy, xin để bài sau.

Chỉ biết rằng: Sau đợt cải cách tiền lương tháng 6.2019, dân Cuba đã hân hoan khi mức lương thấp nhất được nâng lên 400 CUP (16 USD). Ông giáo sư đại học mừng húm khi cầm 1700 CUP (68 USD), theo „Thời báo Havana“[5]. Nhưng chỉ sau 18 tháng, cải cách đó phá sản vì vật giá leo thang nhanh quá. Nay chính phủ phải tăng lương gấp 4-5 lần.

Người Cuba ngay thẳng, không hay ngang tắt, xé rào nên không có chuyện 6 triệu theo bảng lương nhưng lãnh 30 triệu như ở ta. Vậy ông bác sỹ Cuba với 5.000.000 VND/tháng có đủ nuôi một gia đình 4 miệng ăn? 

Trang mạng Numbeo.com[5] thường xuyên cập nhật giá sinh họat ở từng nước. Người đọc có thể, quy ra tiền nước mình. Nếu chọn Cuba, dùng tiền VND sẽ thấy: 1kg gạo=24.600 VND, 1 cân cà chua= 54.000VND, một lít sữa 65.000VND, một cân hành 50.000 VND, đắt hơn ở VN. (Nhưng giá 12 quả trứng, chỉ có 18.600VND, rẻ bằng nửa ở ta.)

Bác nào sống ở Cuba có thể xác định các số liệu về lương và giá ở đó thì tôi vô cùng cảm ơn. 

Dù sao thì những ai lĩnh 2.100 CUP (2.100.000 VND) cũng đủ mua gạo và trứng ăn hà tiện cả tháng. Vậy thì lý do gì họ phải xuống đường để ăn đòn của cảnh sát và vào tù? (tin chưa kiểm chứng nói là 5000 người bị bắt).

Xin thưa: Đây giá và lương theo quy định của chính phủ. Muốn có giá đó phải xếp hàng cả ngày để rồi có lúc về không. Ở chợ đen, giá một cân thịt bò là 24 USD= 570 CUP hay 560.000VN, một cân gạo 145 CUP hay 140.000 VND (Cô Sol cho tôi biết như vậy). 

Khan hiếm hàng hóa và các vấn nạn tiền tệ (quan hệ giữa CUC, CUP, MLC), các quy định về ngoại hối, thuế nhập, Covid 19 v.v làm cho vấn đề gay gắt hơn nhiều.

(Còn tiếp)

Bài trước: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/6153406528010702 

......

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Utopian_socialism

[2] Các nước Ethiopia, Angola và Mozambique đã có thời kỳ thử nghiệm chế độ XHCN 

[3] https://www.faz.net/.../kuba-nach-protesten...

[4]https://www.dw.com/.../w%C3%A4hrungsreform.../a-56082952 

[5] https://havanatimes.org/.../cuba-raises-minimum-wage-to.../ 

[6]https://www.numbeo.com/cost-of-living/country_result.jsp...

Friday, July 30, 2021

Bữa tiệc lich sử tại Trung Nam Hải

 Cuộc nhậu lich sử tại Trung Nam Hải. Bác Mao mời Bác Hồ qua nhậu tiếp Chủ Tịch Liên Xô Nikita Khrushchev. Bên tay trái Bác Hồ là bà Tống Khánh Linh, phu nhân của Cụ Tôn Trung Sơn cố lãnh tụ Quốc Dân Đảng  và là chị gái bà Tống Mỹ Linh, Đệ Nhất Phu Nhân Đài Loan. Bác Hồ thông dịch Nga Trung cho Bác Mao, Bác Nikita, và bà Khánh Linh. Thi thoảng Bác Hồ quanh sang hầu chuyện bà Khánh Linh bằng tiếng Anh ôn lại chuyện của Bác tại Boston. Một lúc sau, Bác Hồ chuyển qua bàn bên cạnh uống mấy li với các cụ Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình tán chuyện với 2 cụ này bằng tiếng Pháp. Được biết   trưởng đoàn lễ tân hôm đó là người Quảng Đông, Bác Hồ chuyển qua nói tiếng Quảng, nói là Bác rất thích món ngỗng quay ở Hông Kong và món cá sấu xào xả ớt tại Quảng Châu. 

Hôm đó, nhân viên của Trung Nam Hải được phen hết hồn. Cái xứ Việt Nam nhỏ bé sao lại có ông lãnh tụ ngon lành thế, thông thạo 5-6 ngôn ngữ, chu du khắp thế giới.

copy từ FB-anh Nguyễn Văn Hôt (DEBRECEN)

Thursday, July 29, 2021

THẾ GIỚI VÀ THỜI KỲ SUY GIẢM DÂN SỐ

 Tỷ lệ gia tăng dân số thấp đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nước phương Tây, đặc biệt ở Phần Lan (Dân số hiện tại của Phần Lan là 5.548.566 người vào ngày 12/07/2021 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc).

Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhận thức rộng rãi hơn, với ĐDVH đang xảy ra và cũng là điều thế giới cần thay đổi sau khi vượt qua thảm họa này.

Ko phải nạn nhân mãn với vấn đề tăng dân số ko thể kiểm soát sẽ làm chậm lại sức phát triển và sự tiến bộ ở nhiều quốc gia, mà chính là sự sinh sản ko theo tự nhiên và xu hướng sống của con người hiện đại mới là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Hungary và Kế hoạch Hành động Bảo vệ Gia đình

 Là 1 dân tộc pha trộn giữa Đông và Tây, Hungary còn là giao điểm lịch sử trong quá khứ của nhiều đế quốc hùng mạnh. 

Với thủ đô Budapest, tp nổi tiếng với cảnh quan và những đặc điểm, thú vui... đậm nét magyar, Hungary là cái nôi sinh ra 1 ngôn ngữ đặc biệt cùng với phong tục và những món ăn đặc trưng đầy bản sắc ko thể lẫn với 1 dân tộc nào khác ở châu Âu.

Đất nước bị chia cắt/mất mát sau Hiệp ước Trianon/Treaty of Trianon là vết thương kéo dài trong 100 năm gây nỗi đau chưa dứt thì gần đây, Hungary lại nổi lên với câu chuyện suy giảm dân số và việc chính phủ trả tiền cho việc sinh con.

Là 1 trong những nước có dân số thấp, tương đối thuần chủng thì tình trạng suy giảm dân số của Hungary hiện là vấn đề đáng lo ngại. Vì bị cắt đất và mức độ sinh sản qua số liệu sinh suất của người dân thấp trong suốt 37 năm qua nên dân số Hungary nay đã dưới 10 triệu người.

Bắt đầu từ tháng 3 năm 2019, khi chính phủ Hungary khước từ người nhập cư vào châu Âu, đồng thời ban hành Kế hoạch Hành động Bảo vệ Gia đình với nhiều tranh cãi thì báo cáo chống nhập cư của Jon Wertheim gọi đó là cái "để giữ Hungary cho người Hung".

Kế hoạch này nhằm kích thích sinh đẻ. Chính phủ Hung tiếp quản hầu hết các phòng khám sinh đẻ tư nhân và đưa vào đó các khoản tiền mặt, các khoản cho vay và thậm chí cung cấp xe hơi cho các cặp vợ chồng sinh con. Chi phí cho chương trình hành động này lên đến 2,5 tỷ USD, tương đương 5% GDP và gấp 4 lần ngân sách quốc phòng. Một chiếc minivan cho cặp vợ chồng trẻ sinh con thứ 3, và 1 khoản vay 30.000 USD cho vợ chồng có con thứ nhất, tỷ lệ hoàn trả chỉ còn 1 nửa nếu sinh con thứ 2, và ko phải trả khi sinh con thứ 3. Với các bà mẹ có từ 4 con, họ sẽ ko phải đóng thuế thu nhập suốt đời.

50 năm sau và bây giờ

Institute for Health Metrics and Evaluation thuộc Trường Y khoa tại ĐH Washington ước tính: dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ vào năm 2064, nhưng sau đó biến mất gần 1 tỷ, còn lại 8,8 tỷ vào cuối thế kỷ. Và điều cần nói là 183 trong số 195 quốc gia sẽ ko có tỷ lệ sinh cần thiết, 2,1 trẻ con cho 1 cặp vợ chồng, để duy trì nòi giống và dân số. Christopher Murray, người chủ trì cuộc nghiên cứu, nói: "Đột nhiên chúng ta đi đến bước ngoặt, dân số thế giới đang nhanh chóng chuyển từ vấn đề quá nhiều sang quá ít".

Trong số đó, 23 quốc gia phải chứng kiến mức giảm dân số xuống dưới 50%, bao gồm Nhật Bản, Thái Lan, Ý và Tây Ban Nha. Ngược lại dân số vùng Hạ-Sahara sẽ tăng gấp 3, làm cho gần nửa dân số thế giới sẽ là người châu Phi vào cuối thế kỷ. The Lancet cho thấy sự sụt giảm đáng kể về lực lượng lao động ở nhiều nước bao gồm 2 quốc gia đông dân nhất là Ấn Độ và TQ. Điều này chẳng những tổn hại cho nền kinh tế mà còn phát sinh những tác động tiêu cực đến hệ thống an sinh xh. Trong hiện tại, sinh suất của khoảng 50% các quốc gia đã giảm xuống dưới mức bù trừ và các chính phủ gồm cả Mỹ, Canada và Úc phải tính đến chính sách nhập cư.

Công trình nghiên cứu cho thấy: tốc độ suy giảm dân số nhanh nhất diễn ra ở châu Á và châu Âu. Số liệu dự báo cho biết: Nhật Bản sẽ từ 128 triệu người năm 2017 xuống còn 60 triệu người năm 2100. Thái Lan từ 71 triệu xuống 35 triệu, Tây Ban Nha từ 46 triệu còn 23 triệu, Ý từ 61 triệu còn 31 triệu, Bồ Đào Nha từ 11 triệu còn 5 triệu và Hàn Quốc từ 53 triệu còn 27 triệu. Hơn 34 quốc gia bao gồm cả TQ, được dự báo dân số giảm 50%. Ở các nước này ko chỉ dân số co lại mà xh nói chung già hơn, và điều này tác động đáng kể lên tăng trưởng kinh tế: "Có nhiều người cần nhận được lợi ích từ chính phủ, cho dù đó là BHXH hay BHYT, và có ít người phải trả thuế hơn", Murray giải thích.

Xáo trộn dân số, xáo trộn xh

Hiện tượng mất cân đối đang diễn ra và mỗi lúc một trầm trọng. Các nhà nghiên cứu cho biết dân số châu Phi vùng cận Sahara sẽ tăng lên gấp 3, từ 1,03 tỷ năm 2017 lên 3,07 vào cuối thế kỷ. Bắc Phi và Trung Đông cũng là khu vực gia tăng dân số, từ 600 triệu người hiện nay lên 980 triệu. 

Những nơi này sẽ duy trì mức sinh cao trong suốt thế kỷ nên thế giới của năm 2100 sẽ có gần 1 nửa dân số có nguồn gốc từ châu lục này. Song song với hiện tượng mất cân đối là hiện tượng lão hóa dân số toàn cầu, do khả năng sinh đẻ suy giảm, và do tuổi thọ tăng cao. Số người trên 65 tuổi vào cuối thế kỷ sẽ lên đến 2,37 tỷ so với 1,7 tỷ hiện nay, và số người trên 80 sẽ từ 141 triệu lên 866 triệu.

Xáo trộn quan trọng nhất ngay trước mắt là hiện tượng thiếu hụt mỗi ngày một trầm trọng lực lượng lao động. Sự sụt giảm nghiêm trọng dân số trong độ tuổi lao động tại các quốc gia như Ấn Độ, TQ sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và làm thay đổi cán cân cường quốc toàn cầu. 

Murray nói với hãng truyền tin CNN: "Nó đã bắt đầu chứ ko phải trong tương lai xa. Số người trưởng thành trong độ tuổi lao động ở TQ đã bắt đầu giảm". Ông nói tiếp: "Sự suy giảm sâu sắc như ở TQ đồng nghĩa với việc về lâu dài họ ko thể duy trì tốc độ tăng trưởng đang có". 

Dân số co lại cộng với xh nhanh chóng già đi sẽ là cơn ác mộng, nếu ko tìm được những giải pháp ngay từ bây giờ.

Công nghệ hiện đại hỗ trợ thụ thai và sinh đẻ xem ra ảnh hưởng khiêm tốn (so với hiện tượng vô sinh và xu hướng sống độc thân ko kết hôn và ko muốn sinh con...), trong khi biện pháp khuyến khích sinh đẻ đang làm thức dậy bản năng làm mẹ của phụ nữ.

Tuy nhiên, các khó khăn kinh tế và nghề nghiệp trước mắt làm cho nhiều người ko dám mạo hiểm, thêm vào đó phong trào sống độc thân đang trở thành phổ biến. Giải pháp chính bây giờ là hình thành chiến lược nhập cư. Các tác giả của bản báo cáo cho rằng: sự suy giảm dân số có thể được bù đắp bằng biện pháp nhập cư, và các quốc gia có chính sách nhập cư tự do sẽ có khả năng tốt hơn để duy trì quy mô dân số trong độ tuổi lao động và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - ngay cả khi mức sinh giảm.

Viết & lược ghi từ KTNN No.1096

Wednesday, July 28, 2021

Từ điểm bắt đầu...

Ở xh công nghiệp, để đạt được kết quả mong muốn người ta nhận ra: “Tập hợp cùng nhau là điểm bắt đầu. Gắn bó cùng nhau là tiến triển. Làm việc cùng nhau là thành công.”*

Ở xh lạc hậu, muốn đạt mục đích cho cuộc cm mà tôi biết, người đứng đầu cũng tập hợp lực lượng với tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Cả hai nơi đều thành công rực rỡ.

Nhưng trong quá trình thực hiện theo quy trình vận hành, nếu thiếu sự điều chỉnh/thay đổi thích ứng với đòi hỏi thực tế, thì điều cuối cùng đạt được (ko bao giờ là kết thúc cuối cùng), mới là điều đáng nói bởi ko thể cứ liên tục nguỵ biện rằng: tất cả đều đúng quy trình và “thất bại là mẹ thành công”.

Và ko phải cứ “thắng cuộc” là sẽ thắng tiếp. Nếu ko còn giữ được sự gắn kết mà phân rã/tán loạn, như dàn nhạc với 1 nhạc trưởng mù mờ, trống thì đánh xuôi còn kèn thổi ngược...

Mọi cái sẽ: hoặc tiến rất xa, hoặc ngược lại sẽ thật phũ phàng với dàn nhạc loạn xạ, khi đã cho thấy ko còn sức thuyết phục vì đã đi quá xa/quá lố... trở thành lố bịch.

Khởi đầu đều từ cái tốt đẹp, nhưng kết cục khác nhau. Có lẽ, do quan niệm? Bởi ở 1 xh khác, ko phải 2 xh nói trên, người ta cho rằng: “Minden jó ha vége jó” chứ ko phải là “Vạn sự khởi đầu nan”, “Đầu xuôi đuôi lọt”...

Có gì đó sai sai rồi!

(*): Henry Ford

3GAI

Monday, July 26, 2021

Câu chuyện Cuba (1)

 Huyền thoại Cuba (1)

Tôi quen nhiều bạn từng học ở Cuba và cả những người bạn chưa đến đấy nhưng rất ngưỡng mộ xứ sở này. Hồi 1980 tôi hay làm việc với Roberto Zayas, giám đốc trung tâm truyền hình quốc tế của OIRT[1] ở Praha. Anh kỹ sư Cuba này rất giỏi nên mới lãnh đạo được một trung tâm kỹ thuật như vậy, mặc dù đến từ thế giới thứ ba. Gần nhà tôi có cô Sol, người Cuba lấy chồng Đức. Cô hay kể cho tôi về quê nhà.

Trên hòn đảo 110.000km², bằng 1/3 diện tich Việt Nam, có 11 triệu người Cuba sinh sống (1/9 dân số VN). Khí hậu biển ấm áp, mưa gió thuận hòa giúp cho mảnh đất đó mầu mỡ, trù phú. Trước ngày 1.1.1959, Cuba là nước giàu có nhất Nam Mỹ và đứng thứ ba ở châu Mỹ, chỉ sau USA và Canada. Thủ đô La Habana từng là sòng bạc và trung tâm ngân hàng lớn cho du khách từ Mỹ.

Cuộc cách mạng 1959 của Fidel Castro và các trí thức cảnh tả trong phong trào „Moncada 26.7“[2] đã được loài người tiến bộ đón chào như một cuộc cách mạng dân chủ. Ngày đó, cả châu Mỹ Latin chìm ngập trong bóng đêm của các chế độ độc tài quân sự nên sự kiện mấy trăm cậu sinh viên yêu tự do, thích phiêu lưu lật đổ được tên tướng Batista tàn bạo thậm chí đã được tờ „New York Times“ ca ngợi hết lời. 

Fidel thừa hiểu rằng sự phồn vinh của Cuba gắn liền với nước Mỹ nên tháng Tư 1959, chỉ ba tháng sau khi lên cầm quyền, ông sang thăm Mỹ. Hai bên lúc đó còn khá vui vẻ với nhau vì Fidel tỏ ra lạnh nhạt với mô hình Xô Viết. 

Nhưng các chàng trai hãnh tiến, thích hành động kiểu hiệp sỹ đã giữ vững những cam kết với người nghèo nên họ quốc hữu hóa ngay lập tức một số đồn điền trồng mía và chia nhỏ các đồn điền khác xuống dưới 25 Hektar. 

Tuy các hành động này chỉ nhằm khôi phục lại hiến pháp 1940 [3]mà Fidel đã hứa trước khi khởi nghĩa, nhưng nước Mỹ lúc đó bị chiến tranh lạnh ám ảnh nên nhìn đâu cũng thấy cộng sản. (Đạo luật McCarthy cho phép đưa lên ghế điện bất cứ công dân Mỹ nào dính đến cộng sản). CIA đánh giá sai các hành động của nhóm „26.7“ và Mỹ lập tức ra tay. Tổng thống Eisenhower ra lệnh cắt nguồn dầu, phong tỏa một số tài khoản sắp bị quốc hữu hóa khiến Cuba choáng váng. [4]

Chủ tịch Liên Xô N.Khrushev là người bị Trung Quốc và Việt nam phê phán là „trùm xét lại“ vì tội nghi ngờ chủ nghĩa Marx, thân phương tây. Nhưng Krushev lại là người chống Mỹ khôn ngoan và hiệu quả nhất. Trong thời gian ông cầm quyền, Liên Xô đã nhiều lần vượt Mỹ trong chạy đua vũ trang và vũ trụ. Khruschev chớp ngay cơ hội vàng và tháng giêng 1960 cung cấp dầu thô cho Cuba.

Các hãng lọc dầu Mỹ ở Cuba cay cú không nhận xử lý dầu thô Liên Xô. Fidel điên tiết quốc hữu hóa các hãng dầu này để tự mình lọc lấy xăng dầu. Tháng 8.1960, Mỹ đáp trả bằng việc cấm nhập đường của Cuba để rồi tháng 10.1960 La Habana „vui vẻ“ quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Mỹ. Cuộc chiến leo thang của ông già Eisenhower sắp về  hưu khiến chàng trai mới dính quyền lực Fidel liếc mắt sang cô gái Nga. Cuối năm 1960, các đảng viên đảng Cộng Sản Cuba (trong đó có Raul, em trai Fidel và Che Guevara)được giao các chức vụ quan trọng trong phong trào „26.7“. Cuộc cách mạng dân chủ bắt đầu chuyển mầu theo hướng XHCN như vậy trong bầu không khí sặc mùi dầu lửa và mía đường.

Cú liếc mắt này khiến CIA chính thức đưa nhóm của Fidel vào danh sách các „Đảng cộng sản nguy hiểm“ và sử dụng các Cuba-Kiều ở Mỹ để tiến hành một cuộc „Phản cách mạng“ vũ trang. Vụ đổ bộ vào „Vịnh Con heo“ tháng 4.1961 của 1300 Cuba-Kiều được Mỹ ủng hộ thất bại thê thảm. Cuba bắt sống hơn 1000 tù binh và Fidel chơi đểu, đòi Mỹ chuộc cứ hai mạng lấy một cái máy kéo [5]. „Con heo“ này trở thành cú hích cho Fidel lựa chọn đường lối chuyên chính vô sản kiểu Liên Xô để bảo vệ chế độ. 

Krushev bị coi là thân Mỹ, nhưng lại rất cứng rắn trong vấn đề Cuba. Tháng 10.1962, ông ta đi thêm bước nữa, đưa tên lửa hạt nhân vào Cuba để đe dọa Mỹ. Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh phong tỏa đường biển để chặn các tàu chở tên lửa Liên Xô có tầu ngầm hộ tống. Cuộc chiến tranh thế giới thứ ba suýt nổ ra ở đây, nếu cả Kennedy và Krushev đều „anh hùng, không sợ chết“ như người Việt. Cuối cùng hai bên tự xuống thang, Liên Xô và Mỹ đều rút tàu chiến ra khỏi vùng biển Caribe.[6] 

Sau cuộc khủng hoảng này, tháng 4.1963 Fidel đi thăm Liên Xô. Ông nghiệm thấy mô hình Xô Viết có nhiều lợi thế cho mình. Từ Moscou trở về, ông hợp nhất phong trào „Moncada 26.7“ với những người cộng sản, trở thành Đảng Cộng sản Cuba, công nhận chuyên chính vô sản, đoạn tuyệt với nguồn gốc dân chủ tư sản.

Một nhà nước XHCN, chuyên chính độc đảng ra đời cách mình 80 hải lý tất nhiên là một điều khủng khiếp cho Mỹ. Từ đó đến nay, cả 12 đời tổng thống Mỹ đều tìm cách nhổ cái gai đó đi. Kể cả chiêu kẹo ngọt của Obama cũng chỉ là một phương pháp „diễn biến“. 

Như một phép lạ, thể chế đó dai dẳng sống sót qua mọi chưởng độc cho đến nay và tạo thành „Huyền thoại Cuba“. 

Lúc đầu Cuba thừa hưởng di sản hoành tráng về kinh tế và con người của chế độ cũ nên chịu được mọi nghiệt ngã của cấm vận. Rồi không có Mỹ thì đã có Liên Xô. Nông nghiệp Cuba phát triển rực rỡ vì được Liên Xô bao tiêu gần hết mía đường. Xăng dầu Xi-bê-ry xài thoải mái. Còn rượu rum, xì gà thì Mỹ phải cay đắng nhập của Cuba với giá cắt cổ (vì dân Mỹ không chịu học thắt lưng buộc bụng). Cuba sử dụng ngoại tệ thu được để đầu tư vào y tế, khoa học, giáo dục. Khách thăm Cuba vào những năm 1980 đã không khỏi ngỡ ngàng bởi các bệnh viện đầy máy móc, các trường đại học với những phòng thí nghiệm hiện đại. Hình ảnh các cháu thiếu nhi ăn mặc sạch sẽ đến trường hoàn toàn tương phản với các cháu bé bụi đời ở khắp châu Mỹ Latin. 

Thời thế thay đổi, phe XHCN và Liên Xô bỗng biến mất, không ai bao tiêu nông sản và bù lỗ nhiên liệu nữa. Thời kỳ hoàng kim của Cuba chấm dứt từ năm 1991. Từ chỗ 9 triêu dân xuất khẩu gần 9 triệu tấn đường trong những năm 1970, nay 11 triệu dân chỉ còn làm ra 2 triệu tấn đường. Riêng con số đó đã nói lên sự bi đát của nền kinh tế Cuba. Nhiều người coi cấm vận là nguyên nhân khiến một nước giàu có hàng đầu thành nước sống bằng tem phiếu duy nhất ở Nam Mỹ.

Nhưng mọi sự suy tàn đều xuất phát từ nội lực, từ chính sách. Để không bị tụt hậu, Đông Âu đồng loạt thay đổi thể chế. Để tránh sụp đổ, Trung Quốc, Việt Nam quay trở lại tư nhân hóa, học làm kinh tế tư bản. Nhưng anh em nhà Castro vẫn khăng khăng giữ khẩu hiệu „Socialismo o muerte“ (CNXH hay là chết). Hình ảnh về Cuba mà người ta thấy ngày nay là nhưng khu phố nghèo nàn, xuống cấp, những chiếc xe cổ vá víu, những con người lam lũ. Từ chỗ viện trợ cho Việt Nam, nay họ phải ăn gạo Việt Nam viện trợ. Từ chỗ đào tạo các kỹ sư điện tử cho Việt Nam, nay họ mừng húm khi được công ty HANEL tặng cho dây chuyền sản xuất TV đen trắng đã xếp xó.

Chính trong sự khốn cùng đó, huyền thoại Cuba mới nổi bật. Trong khi ở Việt Nam hay Trung Quốc, càng mở cửa càng tăng khoảng cách giàu nghèo, tệ nạn về an sinh xã hội càng gay gắt thì ở Cuba nghèo khó, không ai phải đút tiền để chữa bệnh. Cuba không có trẻ em suy dinh dưỡng, hoặc phải bỏ học để bán vé số. Trong các bảng xếp hạng HDI,GINI của Liên Hợp Quốc, Cuba luôn nằm ở nhóm các nước công nghiệp.

Hàng năm Cuba đón hàng triệu khách du lịch. Chủ nhân của các khách sạn mini đơn sơ luôn vui vẻ, nồng hậu. Những mẩu chuyện về lòng trung thực của bà bán kem hay bác tài làm người ta ngạc nhiên. Dân Cuba cam chịu nghèo đói cho CNXH nhưng không đểu, lừa đảo hay chặt chém. 

Từ đất nước suy kiệt này, từng đoàn bác sỹ, giáo viên, cố vấn quân sự vẫn tỏa đi khắp mọi ngõ ngách các nước nghèo. Đầu năm 2020, Tây Ban Nha và Ý đã đón nhận những đoàn bác sỹ Cuba sang cấp cứu bệnh nhân covid-19. 

Giáo hội thiên chúa Cuba cũng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo như ở các nước XHCN khác, nhưng vẫn giữ được một khoảng cách nhất định để đủ đóng vai trò môi giới với phương tây trong các xung đột chính trị[7]. Cuba là nước XHCN duy nhất được cả ba Giáo hoàng La Mã đến thăm.

Một vài  thực tế trên giải thích tại sao những người cánh tả hay nói về “Huyền thoại Cuba”, coi đó là chế độ XHCN chân chính duy nhất còn lại trên trái đất.

Những cuộc biểu tình ôn hòa đòi tự do, cơm áo của hàng chục ngàn người Cuba trong tuần qua, bất chấp đàn áp và bắt bớ của chính quyền đã khiến người nghiêm túc phải tìm hiểu về huyền thoại này.

Bí thư thứ nhất đảng CS Liên Xo Khrushev và Fidel Castro trong chuyến viếng thăm Liên Xô tháng 4.1963

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

....

[1] https://en.wikipedia.org/.../International_Radio_and...

[2] Ngày 26.7.1953, Fidel Castro cùng nhóm du kich của ông tấn công pháo đài Moncada ở tỉnh Santiago de Cuba. Cuộc tấn công thất bại, cả nhóm bị bắt. Nhưng sau ngày ra tù Fidel lấy ngày này để đặt tên cho phong trào đấu tranh của mình. 

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/1940_Constitution_of_Cuba

[4]https://en.wikipedia.org/.../Cuba%E2%80%93United_States...

[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Bay_of_Pigs_Invasion

[6] https://www.history.com/topics/cold-war/cuban-missile-crisis

[7] https://library.fes.de/pdf-files/iez/08771.pdf

Sunday, July 25, 2021

NGHỊCH LÝ THỜI ĐẠI

 Con người bây giờ, dường như bị cuốn vào công việc, kiếm tiền… mà vô tình đánh mất nhiều điều ý nghĩa khác trong cuộc sống. Khi đọc 5 nghịch lý dưới đây, có khi Anh Chị cũng sẽ giật mình khi thấy bóng dáng mình đâu đó!

1. Cần nhà hơn là tổ ấm

Nhiều người với tâm lý “an cư lạc nghiệp” nên luôn muốn sở hữu một căn nhà. Vì vậy, ai cũng phấn đấu kiếm tiền mua được ngôi nhà mơ ước. Có người vay nợ để mua cho được, rồi ráng làm lụng kiếm tiền trả dần. Có nhà rồi, chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian ở ngoài đường chứ không phải ở nhà.

Chúng ta vẫn tiếp tục ra đường, “cày bừa” vất vả để có thể đổi nhà khác to hơn, mua sắm cho nhà nhiều vật dụng tiện nghi hơn. Lẽ nào chúng ta cần một “căn nhà” hơn là một “tổ ấm”?

2. Sinh con cho người giúp việc

Vợ chồng ở với nhau chỉ mong có đứa con cho vui cửa vui nhà, sum vầy hạnh phúc. Những cặp vợ chồng nào chẳng may vô sinh, hiếm muộn thì quáng quàng đi bác sĩ Đông Tây khắp mọi nơi, mong có được mụn con. Trông mong là vậy, nhưng đến khi có con, chúng ta lại mặc nhiên giao con của mình cho người giúp việc trông nom, chăm sóc.

Việc dạy dỗ con cái cũng khoán luôn cho người giúp việc. Còn chúng ta, những người đã sinh ra những đứa trẻ thiên thần ấy thì mải mê đi làm kiếm tiền. Mỗi ngày gặp con chưa được 1, 2 tiếng đồng hồ. Vậy, chúng ta sinh con ra để người giúp việc có được niềm vui nâng niu ẵm bồng, chớ đâu phải cho ta?

3. Người nghèo sang hơn người giàu

Nhiều người ở thành phố, mức sống cao, thu nhập cao nhưng mấy khi sắm được cho cha mẹ ở quê những thứ tốt nhất. Hầu hết, những gì họ gửi về nông thôn là những thứ đồ cũ không xài nữa, đã hư hỏng hoặc lỗi thời.

Ngược lại, những người “nghèo khó” ở nông thôn luôn chọn những thứ tốt nhất gửi lên cho người thành phố. Con gà béo nhất, buồng chuối to nhất, trái mít ngọt nhất… Chẳng phải dân nhà quê “chơi sang” hơn người thành phố sao?

4. Kiếm tiền mua sức khỏe

Chúng ta muốn kiếm thật nhiều tiền, chúng ta muốn thật giàu có, vì thế luôn cố gắng làm việc thật nhiều. Làm ngày không đủ còn tranh thủ làm đêm, tuần làm 40 giờ không đủ tranh thủ thêm cuối tuần. Nhiều người thậm chí còn dùng đủ các loại thủ đoạn, mánh khóe để đạt được danh lợi cho mình.

Hậu quả là thân tâm đều mệt mỏi rã rời, bệnh tật tìm đến. Cơ thể không một phút nghỉ ngơi khiến cho mắt mờ, chân run, đầu óc mụ mị, lục phủ ngũ tạng rệu rã… và phải vào bệnh viện. Lúc đó, bao nhiêu tiền do làm lụng vất vả mà có lại đưa hết cho thầy thuốc để mua sức khoẻ. Liệu có mua được không?

5. Thế giới ảo “thực” hơn thế giới thực

Công nghệ đang ngày càng phát triển, chúng ta càng kết nối được nhiều người, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề nữa. Ngồi một chỗ, chúng ta có thể trò chuyện với bạn bè khắp thế giới, kết nối mọi thông tin thông qua cái điện thoại bé xíu cầm trên tay.

Nhiều quan hệ quá, nhiều thông tin quá nên chúng ta không còn thời gian cho quan hệ thật, đời sống thật nữa. Bữa cơm gia đình, không còn ai ân cần hỏi han ai, mỗi người vừa ăn lại vừa cặm cụi với … chiếc điện thoại của mình.

Những cuộc gặp gỡ bạn bè cũng không ngoại lệ, mỗi người một góc mải mê với chiếc điện thoại, thỉnh thoảng ngước lên nhìn nhau gượng gạo cười lấy lệ rồi lại cắm cúi với điện thoại. Thế giới ảo đang hấp dẫn hơn thế giới thật mất rồi!

Con người hiện đại ngày nay, dường như đang không biết thế nào là đủ, vậy nên điều mà họ đánh mất cũng rất nhiều!

Hãy dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe tiếng nói tận sâu trong tâm hồn mình các bạn nhé.

(Sưu Tầm)

#ncctv

Friday, July 23, 2021

Câu chuyện giáo dục: Cái thời chúng tôi học văn

 Cho đến bây giờ, kiến thức vẫn được chia thành hai loại: chính thống và phi chính thống theo quan điểm. Người giám định văn hóa duy nhất có thẩm quyền là đảng, hiện thân trong cái gọi là Ban Tuyên-Giáo, Ban Tuyên-Huấn, Ban Khoa-Giáo, Ban Văn hóa-Tư tưởng v.v. Những gì không được các Ban nói trên cho là chính thống thì quần chúng nhân dân không được biết đến. Và ở đây, tất cả đều như văn bản đã lập sẵn, nhân dân bị giới hạn về nhận thức do sự học hỏi hạn hẹp, còn các vị quản giám các ban nói trên thì đầu óc cằn cỗi, nghèo nàn mỗi ngày một nhàm chán với 1 mớ lý luận càng lâu càng trở nên cũ rích.

Học trò cũng chẳng phải ngoại lệ, thời tôi đi học, muốn viết văn cho kêu, ko vào đầu thì cũng ở đoạn kết, cái câu hay được buông vào với dòng " Được sinh ra, lớn lên và học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa..." đã nằm lòng trong nhiều học sinh cũng như thơ TH, nên cứ thuộc lòng, nhắm mắt ko cần nghĩ và viết là đúng dàn ý được lặp đi lặp lại trong nhiều bài văn thời những năm 196X.

"Thơ Tố Hữu mở ra không phải một dòng thơ, mà một biển thơ, một thời đại thơ... Từ Tố Hữu thơ Việt Nam bước vào một chân trời mới... Mênh mông lắm!" (Hoài Thanh)

Văn học phải có tính cm, thế nên ở thời đại thơ này "Trong các cuốn Văn tuyển người ta đưa cả thơ Sóng Hồng vào, có những bài chỉ trên mức vè thôn xóm một chút, chỉ vì nhà thơ Sóng Hồng chính là ông Trường Chinh đáng kính. Nhiều nhất vẫn là thơ Tố Hữu. Ðến nỗi trong một buổi Tố Hữu đến giảng tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa, kịch sĩ Bửu Tiến phải đứng lên xin hỏi:

- Thưa anh Tố Hữu, theo anh thì thơ anh hay hay thơ cụ Nguyễn Du hay?

Nhà thơ khiêm tốn trả lời:

- Tôi không dám so sánh tôi với cụ Tiên Ðiền. Thơ của tôi chưa được kiểm chứng qua thời gian, nó là thơ thời hiện tại. Cần phải có một khoảng cách mới đánh giá được...

- Vậy tại sao trong các kỳ thi tuyển, thi tốt nghiệp học sinh không học thơ Nguyễn Du mà chỉ học thơ anh mới có hi vọng đỗ? - Bửu Tiến hỏi tiếp - Lâu nay đề thi nào cũng là thơ Tố Hữu cả, trò nào không học thơ Tố Hữu tất trượt.

- Cái này không phải lỗi tại tôi. Các đồng chí phải đấu tranh với Bộ Giáo dục.

Bửu Tiến cười nhạt:

- Bộ Giáo dục chúng tôi không ngại. Nhưng cái chính là muốn đấu tranh chúng tôi phải biết tránh đâu ... "

(Vũ Thư Hiên)

Thursday, July 22, 2021

Hãy dám Sống

 

BIẾT KHI NÀO QUAY LƯNG LÀ KHÔN NGOAN.

DÁM LÀM THẾ LÀ DŨNG CẢM.

NGẨNG CAO ĐẦU BỎ ĐI LÀ PHẨM GIÁ.

Dịch: Vũ Hoài Chương

Wednesday, July 21, 2021

Viết & Sách

 Dân gian có câu: “Nói có sách, mách có chứng”.

Nói như thế, đã là sách, hẳn phải rành rành sự thật/đúng đắn và chuẩn mực. Ko thể sai. Ko thể lợi dụng sách bằng cách gán cái nhãn sự thật cho nó để mọi người tin rồi lừa bịp, thậm chí bóp méo, thêm bớt và viết lại rồi gọi đó là sử sách.

Sách hay và dở ko khác nhau ở chỗ dày hay mỏng mà ở chỗ chữ nghĩa ra sao, nội dung thế nào. Quan trọng hơn, tác giả là ai, muốn viết về cái gì, và câu chuyện/vấn đề, thậm chí, thời đại và thế giới trong đó ntn... Tác phẩm lớn cho thấy tầm vóc của tác giả về cả giá trị văn học và những giá trị tinh thần. Những tác phẩm nổi tiếng đều là di sản của nhân loại.

Nhân sinh quan hay thế giới quan là kiến thức tích tụ từ nhận thức, được lọc bởi quan điểm và chính kiến đã hình thành trong tư tưởng, nếu bộc lộ sẽ cho thấy sự uyên bác hay nghèo nàn, nhảm nhí.

Sách xưa và nay cũng khác nhau, bởi "con người là sản phẩm của xã hội" như có lãnh tụ của thế giới XHCN từng nói. Sách bây giờ, nhiều cuốn chỉ màu mè hình thức với giấy và chữ, ko chứa đựng sự uyên bác đã đành, lại còn nhảm và sai, nên chắc câu nói có từ thời 'sách là phải đúng' nêu trên chắc phải bỏ?

3GAI

CHAOS

 

Tuesday, July 20, 2021

Khổ lắm, biết rồi, nói mãi ... vẫn thế!

 ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH – HÀ ĐÔNG : HÃY NHÌN RÕ CÁC QUAN CHỨC TRONG TÙ TRƯỚC KHI DUYỆT CHO TÀU CHẠY !

Hội đồng kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đối với dự án đường sắt Cát Linh Hà Nội chưa thông qua hồ sơ nghiệm thu công trình này, theo báo Tiền Phong. Hẳn Hội đồng có lý do để không phê duyệt tuỳ tiện. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra công trình đã áp giá nhân công không đúng quy định đã làm tăng chi phí thêm 222 tỷ đồng, Bộ Giao thông cũng làm văn bản xin Thủ tướng xem xét để đưa vào dự toán, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chính thức trả lời đây không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, cũng theo báo Tiền Phong. Tân Chính phủ có lý do để không có ý kiến bừa bãi.

Chưa duyệt cho tàu chạy không chỉ vì 16 khuyến cáo về an toàn do Tư vấn ACT đã đưa ra mà Bộ Giao thông muốn phớt lờ mà còn hàng loạt những khuất tất nếu được làm rõ thì chắc chắn sẽ phải chỉ ra những người có trách nhiệm. Bộ Giao thông đang tiếp tục làm văn bản thúc ép Hội đồng Kiểm tra Nhà nước duyệt cho tàu chạy. 

Ai muốn phê duyệt cho tàu chạy, trước hết hãy nhìn cho kỹ một loạt quan chức cấp cao bị đưa vào lò và bị tống vào tù vì những sai phạm đối với các dự án đầu tư để giữ thân. Còn những kẻ đã nhúng chàm trong dự án này vẫn đang lỳ mặt thì không tính.

Nếu như làm cho minh bạch giống như các dự án trong hàng loạt các vụ án đã diễn ra thì đối với công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông có ít nhất 3 cụm vấn đề phải làm rõ :

Thứ nhất. Ai đã ký với Trung Quốc tự đặt mình làm thân nhược tiểu để vay vốn với những điều kiện áp đặt : chỉ định nhà thầu của Trung Quốc, chỉ định tư vấn của Trung Quốc, mua vật tư thiết bị của Trung Quốc, tất cả đều theo giá cả do phía Trung Quốc quyết định, gây tổn hại vô cùng lớn cho tài sản của nhân dân và chủ quyền quốc gia. Ai đã chỉ đạo không áp dụng đấu thầu quốc tế và ai đã tham mưu, tất cả đều phải đưa lên thớt, bất kể những kẻ đó là ai, đã về hưu hay đương chức. 

Thứ hai. Việc chậm trễ tiến độ công trình và đội vốn, trách nhiệm của ai ? Nếu trách nhiệm của nhà thầu sao không bị phạt ? Nếu trách nhiệm của chủ đầu tư sao không xử lý ? Tôi còn nhớ có lần nhà thầu Trung Quốc đã viện dẫn sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động phi pháp tại vùng biển nước ta bị Việt Nam cực lực phản đối, coi đó là một trong những lý do làm chậm trễ tiến độ công trình với hàm ý đổ lỗi cho phía Việt Nam ta. Với việc đổ lỗi đó, rõ ràng việc cho vay này còn mang đậm màu sắc ràng buộc chính trị. Tất cả những chuyện đó cũng cần được minh bạch hoá.

Thứ ba. Không chỉ làm tăng chi phí 222 tỷ đồng do áp giá nhân công sai mà còn hàng loạt vấn đề về chi phí và giá cả khác cần phải điều tra phanh phui mọi sự che giấu. Nhà thầu và chủ đầu tư có câu kết với nhau để bòn rút tài sản quốc gia hay không, lợi ích được chia chác như thế nào. Những thứ đó kiểm toán không làm nổi, phải điều tra mới ra.

Tàu Cát Linh-Hà Đông chưa chạy cũng chưa chết ai, nhưng 3 vấn đề trên cùng với 16 khuyến cáo an toàn của ACT mà không được làm rõ thì đất nước này sẽ khó có thể ngóc đầu lên được !

HOÀNG HẢI VÂN 

(Ảnh mượn từ báo Tiền Phong)

Sunday, July 18, 2021

Vụ án trong bóng tối: Thời kỳ của 1 triều đại đi theo mô hình thiên triều phương Bắc

Vụ án Xét lại Chống Đảng là một vụ án chính trị do Trưởng Ban Tổ chức TW Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo/thực hiện.

Vụ án này được phương Tây cho là bắt nguồn từ cuộc tranh chấp về đường lối chính trị trong nội bộ Đảng Lao động Việt Nam và chính quyền VNDCCH. Một bên là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, bên kia là Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, về sau những người bị nghi vấn gồm Võ Nguyên Giáp và 1 số tướng lĩnh có nhiều ảnh hưởng và sẽ nắm giữ những chức vị cao lúc đó. Hồ Chí Minh lúc đầu không ủng hộ phe nào cả nhưng sau chấp nhận đường lối của Lê Duẩn, mở đầu cho các cuộc bắt giữ. Theo Trần Đĩnh, nhóm ủng hộ Lê Duẩn còn có Tố Hữu, Hoàng Tùng.

(lược trích từ Wikipedia)

Saturday, July 17, 2021

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ*

 Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20.

Tạm bỏ qua một bên mọi sự “giải thích”, nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân bành trướng, thiên tai, địch hoạ, chiến tranh, cách mạng, nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắm vận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v. tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này…

Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế…

Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa, nào Bắc/Nam, nào Cộng sản/không Cộng sản…

Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.

Với biết bao hệ luỵ của một cuộc chiến kéo dài, buộc ràng tới 3 thế hệ người Việt Nam (và rất nhiều quốc gia liên đới), lạ một điều (mà sao lại là lạ nhỉ?), là từ “người thua” đến “kẻ thắng”, giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustration), nói nôm na là MẤT MÁT. Trước hết là NGƯỜI DÂN THƯỜNG.

Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa… bị kẻ hải tặc khốn kiếp dày vò làm nhục! Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương!

Người ở lại, hàng chục triệu nông dân bỗng dưng cảm thấy mất đất, không có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà”, trong khuôn viên do chính tay mình tạo dựng; hàng triệu công nhân mất việc, thất nghiệp hay bị kém sử dụng (sous-emploi), sống ngất ngư, lây lất qua ngày…

Trí thức, thì tản mác, bị lãng phí thảm hại, trừ một số rất ít kẻ xu thời (đời nào chẳng có?), người nào cũng cảm thấy mất tự do tư tưởng và sáng tạo.

Một tình trạng như thế, chỉ có lợi cho lũ gian manh. Một cuộc “đổi đời” kỳ cục như thế, mà nếu cứ nhất định muốn gọi nó, muốn gọi đó, là “cách mạng”, thì là một cuộc cách mạng đã mất phương hướng. Phương hướng là cái tiêu ngữ trên mỗi đầu trang giấy, từ sau Tháng Tám 1945: ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC.

Cho nên phải nghĩ lại, phải bình tâm mà nghĩ lại, nói theo thời thượng từ giữa thập kỷ 80, là phải ĐỔI MỚI TƯ DUY.

Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được/phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình…) và phải/được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.

Tôi rất thân và rất quí Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là “Tôi đã sống như một con thú”. Con thú làm sao mà biết viết, biết in Tướng về hưu, Phẩm tiết…? Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái “ý tại ngôn ngoại” của anh: Cái mặt bằng kinh tế xã hội của một Việt Nam hiện nay trên đó “anh phải sống”, sự ràng buộc của “cơ chế”? v.v.

Tôi nhớ lại, ngày 12-1-1983, trong buổi họp kỷ niệm 40 năm ra đời “Đề cương Văn hoá Việt Nam”, ông Trường Chinh – tác giả chính của cái “Đề cương” đó – đã nói với các “nhà khoa học xã hội” Việt Nam: “Nếu không có một điều kiện tối thiểu về vật chất để sinh sống thì con người có thể trở thành con thú!”. Điều đó chẳng có gì mới lạ, vì bằng kinh nghiệm nghiệm sinh, nhiều nhà trí thức chúng tôi đã nghĩ và nói thế từ lâu; điều mới và lạ, là cho đến tận lúc ấy, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam mới nói ra được như thế! 

Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo? Đói tự do tư tưởng cũng có thể trở thành con thú! Vì con thú, như con trâu, con bò, dù có no cỏ thì cũng chỉ biết theo đuôi! Theo đuôi con đầu đàn! Bao năm qua, có biết bao con người Việt Nam chỉ biết theo đuôi kẻ cầm quyền, hoặc khốn khổ thay, là chỉ được theo đuôi người lãnh đạo và lại được “khen” là “có ý thức tổ chức, kỷ luật” và vì vậy được vào Đảng, được “đề bạt” làm kẻ “cầm quyền” bậc sơ trung cấp, để, nói cho cùng, cũng chỉ thành kẻ “chấp hành”, “thừa hành”, nhưng có được chút “quyền”: dối trên và nịnh trên, lừa dưới và nạt dưới!

Tôi nhớ lại, khoảng mười năm trước đây, một người học trò và là bạn bè của tôi, trước khi đi Nga làm luận án Phó tiến sĩ sử học, trong buổi “tiệc bia” tiễn biệt thầy trò, bè bạn, đã ngỏ với tôi lời “khuyên” tâm sự: “Nếu như thầy mà cũng “đầu hàng cơ chế” nữa là bọn em mất nhờ đấy!”. Anh ấy ở Nga 4 năm, về nước với bằng xanh Phó tiến sĩ, thẻ đỏ đảng viên và, gia nhập “cơ chế”, trở thành “người lãnh đạo” của tôi hôm nay! 

Tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chọn lựa cho mình một hướng đi: Gia nhập “Câu lạc bộ những người thích đùa”. Tôi thường nói đùa như người Hà Nội vẫn thường đùa anh ấy:

– Cậu là đảng viên nhưng mà tốt!

Câu nói đùa, mà “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” và hơn nữa, với câu nói ấy, có thể bị “quy chụp” là “phản động”.

Tôi có một anh bạn, phải nói là rất thân, học với nhau từ thuở “hàn vi”, lại cũng làm việc dưới một mái trường Đại học trên ba chục năm trường, cùng “leo thang” rất chậm, từ “tập sự trợ lý” đến full professor, chair-department; anh là con “quan lớn”, em của “nguỵ lớn” nhưng “có đức có tài”, được chọn làm “hàng mẫu không bán” kiểu như ông Bùi Tín vừa làm ồn ào giới truyền thông một dạo – nhưng khác ông ta là cho đến nay anh không gửi “kiến nghị” kiến nghiếc gì, nói năng với TRÊN, với DƯỚI bao giờ cũng “chừng mực”, chẳng “theo đuôi” mà cũng chẳng là “dissident” của chế độ. 

Anh thường bảo tôi: thì về cơ bản tôi cũng nghĩ như cậu thôi. Nhưng cậu thông cảm, mỗi người một tính một nết, một hoàn cảnh. Cậu “thành phần tốt”, ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta chỉ bảo cậu là “bất mãn cá nhân” thôi. Tớ “thành phần xấu”, ăn nói bằng 1/10 cậu thôi cũng đủ bị “quy” là “phản ứng giai cấp” rồi! 

O.K.! Anh cứ sống kiểu anh, tôi cứ sống kiểu tôi. Chỉ có mỗi một điều thôi, là vì vậy và vì nhiều lý do sâu xa khác nữa – nên nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuals) chứ không có giới trí thức (intelligentsia).

Vậy thua thiệt thì Dân ráng chịu!

Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở đó…

* * *

Báo Đoàn kết của một cộng đồng người Việt Nam bên Pháp đưa tin: Vào cuối năm ngoái (1990), có một ông Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thường trực Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhân sang Paris dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, có tập hợp Việt kiều lại để nói chuyện. Trong khoảng 2 tiếng, ông chỉ “nói” mà không “nghe”, lại còn bảo: “Sống ở nước ngoài, biết gì chuyện trong nước, tuổi 40-50 trở xuống – nghĩa là vào hạng tuổi con cháu ông – biết gì mà góp ý kiến!”. 

Xem chừng bà con Việt kiều, nhất là anh chị em “trí thức”, bực mình với ông lắm.

Tôi là “trí thức” ở trong nước, ở Hà Nội nữa, tôi nghe những lời lẽ ấy “quen tai” rồi.

Cũng ông ấy, lúc còn làm “Bí thư Thành uỷ” Hà Nội, khi thấy báo Quân đội nhân dân 1987 công bố “Bức thư ngỏ gởi ông Chủ tịch thành phố Hà Nội” của tôi, nói về việc “Phá hoại các di tích lịch sử của Thủ đô” đã cho triệu tôi lên trụ sở Thành uỷ và “thân mật” bảo”

– Nếu anh là công nhân, anh nói (nôm na, tục tằn) kiểu đó tôi còn hiểu được, đằng này anh là Giáo sư, là trí thức, sao lại nói nôm na, “toạc móng heo, treo móng giò” kiểu - Nếu anh nói thế, “tôi” thì “tôi” nghe được, nhưng những “người khác”, họ không nghe được! Từ nay anh nên “thay đổi” cái “giọng” của anh đi!

Tôi nói:

– Đảng bảo: “Trí thức là của Công Nông và cũng là Công Nông”, vậy nếu công nhân – theo ông – nói được như vậy thì trí thức cũng nói được như vậy. Có gì – theo ông – là khác nhau giữa giọng “trí thức” và giọng “công nhân”? Ông không khác gì người khác. Nếu theo ông, ông “nghe được” vậy thì người khác cũng phải nghe được. Vậy tôi chả việc gì phải “đổi giọng” cả!

Thực ra, tôi biết thừa cái “giọng tôi” chính ông nghe không được nên ông mới “góp ý” cho tôi, nhưng ông lại cố tình đổ cho là người khác nghe không được, hơn nữa ông lại cố tách “tôi” ra khỏi công nhân, “đề cao” tôi là “trí thức”, để chỉ cốt răn dạy tôi: Với vị thế của anh, anh không được ăn nói với chúng tôi (những nhà lãnh đạo) bằng cái giọng như vậy! 

Bà xã tôi lúc ấy còn sống và là giáo viên Trường Trung học Trưng Vương nổi danh ở Hà Nội – nghe tin tôi được/bị phải gọi lên Thành uỷ, lấy làm lo lắng lắm, bảo tôi (“giọng” bà ấy bao giờ cũng vậy, con gái nhà “tư sản Hà Nội” mà): Anh lên đấy, liệu mà ăn mà nói! Anh có sao, chỉ khổ vợ con! Chùa Một Cột có bị phá để làm Bảo tàng Lăng Bác, nếu có hại thì hại cả nước, đâu dính gì đến riêng anh mà anh cứ “la làng” lên, một con én chẳng làm nổi mùa xuân, “ăn cái giải gì” mà cứ nói, chỉ khổ vào thân; có cái giấy Úc mời sang kỷ niệm 200 năm nước “nó” đấy, khéo các “bố” ấy lại không cho đi, vợ con... Ôi, làm “thằng người Việt Nam”, làm “trí thức Việt Nam” biết bao là “hệ luỵ”.

Tôi đưa chuyện HỌC TRÒ, BÈ BẠN, VỢ CON dàn trải trên mặt giấy đâu phải để “nói xấu” họ, nhất là nói về vợ tôi – nay đã mất, cầu cho linh hồn bà ấy tiêu diêu miền cực lạc – mà trong tâm khảm tôi, bao giờ tôi cũng cảm thấy mình xấu tính hơn bè bạn - vợ con - học trò. Tôi chỉ muốn nói về thân phận trí thức ở cái nước Việt Nam mang cái nhãn hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa mà thực ra là còn đang rất kém phát triển này: ông Ủy viên Bộ chính trị ấy, kiêm Bí thư Trung ương này, kiêm Bí thư thành phố này… ai chả nghĩ là ông ấy cộng sản hơn ai hết nhưng thực ra thì ứng xử của ông ấy từ Hà Nội đến Paris lại “gia trưởng”, “nho giáo cuối mùa” hơn ai hết!

Khổ vậy đó, cho nên giáo sư Alexander Woodside, từ góc trời tây bắc của xứ tuyết Canada mới hạ một câu về cách mạng Việt Nam: “The spiritual and cultural milieu from which the vietnamese revolution sprang was both confucian and comunist” (Cái môi trường tâm linh và văn hoá mà từ đấy cách mạng Việt Nam phóng tới là cả Khổng Nho và Cộng sản).

* * *

Ông giáo sư Từ Chi một trong những bạn bè thân thiết của tôi từ một cậu tú ở Huế đi Nam tiến ngay sau ngày 23 tháng 9 và trở thành cộng sản rồi năm 54 trở về học đại học để trở thành một nhà dân tộc học. Ông đi làm chuyên gia ở Tây Phi, thương một người con gái Hà Nội nhà nghèo vì chiến tranh mà lưu lạc mãi sang tận bờ sông Niger. Ông quyết đưa người phụ nữ bất hạnh đó trở về Tổ quốc chỉ bằng cách kết hôn với nhau, dù ông biết trước rằng hành động dấn thân ấy ông phải về nước trước thời hạn. Và cho đến 25 năm sau, ông không bao giờ được ra nước ngoài, dù ông, không có bất cứ một hành vi gì phạm pháp. Cái án được phán quyết không theo “Luật hôn nhân và gia đình” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành năm 1960, mà là theo đạo lý hủ Nho.

Về nước năm 65 qua ngã Moscow ông dừng chân ở đó 5 ngày. Gặp tôi ở quán cà phê Sính, ông rỉ tai tôi: “Chế độ Xô Viết không thể nào viable” (nguyên văn có nghĩa: không thể “thọ” được). Đấy là lời tiên tri đúng trước 1/4 thế kỷ! 

Vì sao NƯỚC và ĐẢNG có những người trí thức giỏi đến thế mà bây giờ cả NƯỚC, cả ĐẢNG đều lâm vào tình huống “khủng hoảng toàn diện”?

Từ năm 1965, cứ mỗi lần nghe thấy lời khuyến dụ tôi vào Đảng, ông lại bảo tôi: “Tuỳ ông đấy, nhưng… nếu ông có vào thì đừng để người ta đuổi ông ra!”. 

Ông biết kỷ luật của Đảng ông là “kỷ luật sắt” mà tôi thì ông cũng biết quá rõ tôi là người “tự do”, tính ưa phóng khoáng, là người “bất cơ” (không chịu ràng buộc) theo chữ dùng để đánh giá mình của nhà sử gia họ Tư Mã bên Tàu!

Tôi hỏi ý kiến ông về tính chất Cách mạng Việt Nam. Ông trả lời: 

- Cụ Hồ bảo nước mình là một nước nông nghiệp, dân tộc mình là một dân tộc nông dân. Cứ đấy mà suy, thì cuộc “Cách mạng” bây giờ hẳn vẫn là một cuộc khởi nghĩa nông dân. Khác chăng là trước, khởi nghĩa nông dân do một số nhà nho xuất thân nông dân như Quận He, như Cao Bá Quát cầm đầu, bây giờ là do những người cộng sản cũng xuất thân ở nông thôn và có căn tính nhà nho, như cụ Hồ, như ông Trường Chinh… lãnh đạo. Ông đọc bài ông Nguyễn Khắc Viện rồi chứ, Confucianisme et Marxisme (La Pensée, No 105, Octobre 1962). Ông Viện là cộng sản và là con cụ nghè Nguyễn Khắc Niêm đấy!

Đầu thế kỷ XX, trong xã hội yêu nước vẫn âm ỉ một chủ nghĩa yêu nước xóm làng (village patriotism, chữ của Alexander Woodside). Yêu nước chống Pháp kiểu Nho của cụ Phan Bội Châu thất bại ở 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Và dòng trí thức Nho gia tàn lụi. Một số con cháu nhà Nho, một số con cháu nông dân, một số con cháu nhà công thương mới trở thành lớp trí thức Tây học. Một số ấy chấp nhận le fait colonial và trở thành công chức cho Tây, như ông cụ ông Kỹ sư canh nông, như ông cụ tôi (Bác sĩ)… Một số khác, yêu nước hơn, mong áp dụng ở Việt Nam những lý tưởng Mác-Lê thế kỷ XIX.

Cái chủ nghĩa quốc gia kiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu, kể cả cậu ruột ông đã khởi xướng ở Việt Nam Quốc dân đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. Còn lại cái chủ nghĩa quốc tế của Mác Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những nhà cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme. Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân – Nho giáo đã gần Dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị. Họ đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công. Kháng chiến là sự nối dài của Cách mạng tháng Tám.

Kháng chiến đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị hoá giải.

* * *

Dưới thời quân chủ – nông dân – nho giáo, ở Viễn Đông, có một ước mơ ĐẠI ĐỒNG. “Thế giới ĐẠI ĐỒNG, thiên hạ vi CÔNG”. Ở đầu thập kỷ 20, trong một bài viết, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cái chủ nghĩa ĐẠI ĐỒNG của Khổng Nho ấy rất gần với chủ nghĩa Cộng sản. Alexander Woodside nhận xét: Ông Mao phê phán rất dữ dằn Khổng Nho còn ông Hồ rất nhẹ nhàng với Nho Khổng. Xây “đời sống mới” năm 46, ông Hồ nêu khẩu hiệu của Nho Khổng: CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ. Dạy đạo đức cho cán bộ, ông Hồ lấy câu Nho Tống: “Tiên ưu hậu lạc”. Về giáo dục xã hội, ông cũng dùng câu có sẵn của Khổng Mạnh, đại loại như “Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân…” (Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng…) hay là “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, v.v. và v.v. Đến di chúc, ông cũng đưa vào một câu trích dẫn của Đỗ Phủ đời Đường: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thơ chữ Hán của ông, có nhiều câu, y phỏng theo Đường thi…

Nhưng cái mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Stalin hay kiểu Mao (Stalin Mao hoá) dù đã ít nhiều Hồ hoá, Việt Nam hoá cũng tỏ ra không thành công trước thực tiễn “bướng bỉnh” của một nước Việt Nam nhỏ bé – tiểu nông.

Người Cộng sản Việt Nam đã lầm khi tưởng rằng dù với cơ cấu kỹ thuật cũ, ít thay đổi, cứ làm đại việc công hữu hoá (quốc hữu hoá, tập thể hoá, hợp tác hoá…) thì vẫn xoá bỏ được áp bức bóc lột, cải tạo xã hội chủ nghĩa thành công. Hoá ra là một công thức đơn giản hơn:

CÔNG HỮU HOÁ + CHUYÊN CHÍNH (VÔ SẢN) = (QUÁ ĐỘ sang) CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Tôi và ông Từ Chi bàn mãi về chuyện này. Sau thời công xã nguyên thuỷ, chế độ áp bức bóc lột đầu tiên nảy sinh ở đất Việt với chế độ “thủ lĩnh địa phương”, lang đạo, phia tạo (tiếng Anh tạm dịch là local chieftains) khi ruộng đất còn gần như y nguyên là “của công” nhưng “dân đen” là tiểu nông tản mạn còn thủ lĩnh giữ quyền “thế tập” theo dòng máu. 

Dân gian nói giản dị:

Trống làng ai đánh thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng!

Thì giờ đây, ruộng hợp tác, của kho hợp tác, bọn bí thư, chủ nhiệm, kiểm soát đều ở trong một cơ sở Đảng chuyên chính, chúng sẽ “vẫy vùng” thành riêng thôi! Ba năm liền 76-79 tôi đi Định Công Thanh Hoá, khảo cổ (ngày), khảo kim (đêm). Và 3 ngày liền cuối năm 79, tôi thuyết trình trước Tỉnh ủy Thanh Hoá về sự phá sản của mô hình làng Định Công (người ta tuyên bố “Định Công hoá” toàn tỉnh Thanh Hoá, với bài báo tràng giang “Bài học Định Công” của Bí thư Trung ương Tố Hữu). Thính giả cứ bỏ dần trước sự “vắng mặt” của Bí thư, Phó bí thư Tỉnh uỷ (người ta phải “nhìn Trên” để định thế ứng xử). Còn một ông thường vụ phụ trách tuyên huấn kiên trì nghe 3 ngày, để sau này khi Định Công phá sản hoàn toàn, đã khoa trương tuyên bố, chứng tỏ ta đây sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo khác:

– “Lúc bấy giờ (79), ai dám nghe Trần Quốc Vượng nói, ngoài tôi?” (ông ấy bây giờ là Bí thư Đảng uỷ Bộ Văn hoá Thông tin).

Năm 82 tôi đi Liên Xô thuyết trình khoa học. Bài viết của tôi bằng tiếng Việt, Dương Tường dịch sang tiếng Anh, Từ Chi dịch sang tiếng Pháp, bà Nona Nguyễn Tài Cẩn dịch sang tiếng Nga. Bà Nona bảo: bài của anh hay lắm, nhưng thuyết trình ở Paris thì hợp hơn, nói với trí thức nước tôi (Liên Xô), họ không hoan nghênh đâu! Mà quả nhiên!

Về nước, tôi briefing cho bạn bè nghe về Liên Xô và nói lén qua hơi men: “Dứt khoát hỏng!” Và đấy là lần duy nhất tôi “được” đi Liên Xô. Đầu năm 83, giáo sư Phạm Huy Thông cho đăng bài của tôi lên trang đầu Tập san Khảo cổ học (1). Đảng uỷ Uỷ ban Khoa học Xã hội viết bản báo cáo dài lên Ban Tuyên huấn Trung ương quy kết tôi 4 tội:

– Chống chủ nghĩa Mác-Lê: vì tôi bảo: Công hữu hoá có thể đẻ ra bóc lột.

– Chống công nghiệp hoá: vì tôi bảo: Nông nghiệp phải/còn là mặt trận sản xuất hàng đầu.

– Chống đấu tranh giai cấp: vì tôi bảo: Nông dân khởi nghĩa – ngay cả ăn cướp – cũng không đánh vào người làng mà chủ yếu đi cướp nơi khác và đánh vào Quan.

– Chống chuyên chính vô sản: vì tôi bảo: Chuyên quyền đẻ ra tham nhũng.

Vụ án “văn tự” này kéo dài 3 năm, không có kết luận. 3 năm tôi được “ngồi nhà”, khỏi đi Tây và nói tiếng Tây! Cuối năm 86, khi Đại hội VI đảng Cộng sản Việt Nam kết luận lại trong nghị quyết là Nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”, Giáo sư Phạm mỉa mai ở trụ sở Uỷ ban Khoa học Xã hội: Thế bây giờ Đảng uỷ đúng hay Trần Quốc Vượng đúng?

Nhưng “nỗi ám ảnh của quá khứ” vẫn không tha người làm Sử như tôi (mà nói theo nhà Phật thì kiếp này còn là “quả” của kiếp trước kia mà). 

Năm 1985, nhân năm “quốc tế người già”, ông Nguyễn Hữu Thọ nhờ người nói tôi viết bài “Truyền thống người già Việt Nam”. Báo Đại đoàn kết của ông không “đoàn kết” nổi bài của tôi, tôi nhờ báo Tổ quốc của ông Nguyễn Xiển đăng dùm. Rồi năm 86 có hội Khoẻ Phù Đổng của Đoàn Thanh niên, ông Bí thư T.N. nhờ tôi viết bài “Phù Đổng khoẻ”. Mùa hè nóng bỏng 86, trước Đại hội VI 5 tháng, ông Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tư tưởng H.T. đem hai bài của tôi ra “chửi bới” giữa Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đề bạt Nguyễn Khắc Viện, Trần Quốc Vượng, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng là 4 trí thức chống đối. Ông Giàu, thầy học cũ của tôi, đâm thư kiện. Ông H.T. biên thư trả lời (tôi còn giữ làm “chứng từ thanh toán”) bảo: Tôi không động đến anh, tôi chỉ động đến Trần Quốc Vượng, vì anh ta viết “Các vua Trần nhường ngôi” ám chỉ đòi chúng tôi rút lui, và viết “Thánh Gióng bay lên trời” ám thị chúng tôi đánh giặc xong còn cứ ngồi lại giành quyền vị…! Khốn khổ, vì sao các ông ấy cứ “mỗi lời là một vận vào khó nghe” như vậy? Hay là tại dân gian “nói cạnh” các cụ: Có tật giật mình?

* * *

Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, “trở thành chính mình”. Nhưng xã hội quân chủ – nông dân – nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” – nói theo các nhà khoa học hôm nay:

Ở trong NHÀ thì có thói GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm “con hơn cha là nhà có phúc” mà vẫn không thích “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”.

Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”.

Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích “nghênh ngang một cõi”, gặp dịp là sẵn sàng “rạch đôi sơn hà”.

Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng”, nên chỉ cứng đầu thì dại, “không ngoan” nhất là “luồn cúi” và trí thức “lớn” thì cũng tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”. Vì ngoài thì “bế môn toả cảng”, trong thì “chuyên quyền độc đoán”, cho nên sỉ khí ắt phải bạc nhược.

Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. “Nỗi ám ảnh của quá khứ” vẫn còn đè nặng.

Chỉ còn một cách để “đổi đời” cho DÂN, cho NƯỚC: Đó là xây dựng một chế độ dân chủ, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế công - nông nghiệp với thị trường tự do, một tư tưởng cởi mở, rộng dung, khoáng đạt, tự do, một nền văn hoá đa dạng, giữ cho được bản sắc tốt đẹp của dân tộc nhưng biết hoà nhập với thế giới, với nhân gian…

Tóm một chữ thì không phải là chữ “ĐẤU” mà là chữ “HOÀ”: HOÀ BÌNH, HOÀ HỢP, HOÀ THUẬN, HOÀ GIẢI…

Chẳng những NHÂN HOÀ mà cả NHIÊN HOÀ (hoà hợp với thiên nhiên, tự nhiên)

“Hoà nhi bất đồng”… mong lắm thay!

(Trích từ cuốn Trong cõi của GS Trần Quốc Vượng, Nhà xuất bản Trăm Hoa, California 1991)

*: Tựa của Vũ Thư Hiên

Gió Đông Gió Tây: Người Hung có câu "Két szék közül a földre esik"

 Những năm 1960, khi VN bắt đầu cuộc chiến tranh với Mỹ, ban lãnh đạo TW cũng đứng trước việc phải chọn quan điểm nào, bởi ko thể mơ hồ giữa 2 đường lối chống đối nhau của LX và Tàu đỏ. Dù bề ngoài muốn tỏ ra ko đứng về bên nào, nhưng bên trong, lập trường của đảng là chọn mô hình của Tàu đỏ và coi LX là đi theo chủ nghĩa xét lại.

Sau biến cố Tàu đỏ trở mặt/bắt tay với Mỹ, dùng Khmer đỏ chống phá VN, gây thêm khó khăn cho VN sau chiến tranh đồng thời trực tiếp thực hiện chiến tranh biên giới phía Bắc, VN buộc phải ký Hiệp ước với LX để đối phó với giặc Tàu.

Tuy vậy, từ 1990, chính quyền VN lại trở lại sai lầm: ngựa quen đường cũ, quay lại với giặc BK và nay lại đứng giữa cuộc tranh chấp giữa Tàu đỏ và Mỹ...


SỨC MẠNH CỦA MỸ 

Thuc Tran

Bài viết quá hay, không đọc thiệt uổng ...!

Sức mạnh của Mỹ không phải chỉ nằm ở mấy chiếc hàng không mẫu hạm hay phi đạn Tomahawk mà nó còn nằm ở chỗ:

1- Ở chỗ dù mồm bạn đang chửi Mỹ xoen xoét nhưng tay bạn vẫn thích bấm cái phone do Mỹ làm ra, mắt vẫn thích lướt Fb do người Mỹ viết mà thành, đít vẫn thích ngồi xe hơi do Mỹ chế, hay bay trên máy bay là thứ cũng do người Mỹ phát minh để chu du khắp bốn phương trời.

2- Nó nằm ở chỗ dù bạn có lôi tổng thống Mỹ ra mà chửi cha mắng mẹ cũng chẳng người Mỹ nào quan tâm, chẳng ai thèm đến nhà kiếm bạn để hăm he trả thù, và con cái của bạn vẫn cứ đường hoàng đến Mỹ ăn học mà chẳng có ai làm khó dễ chúng điều gì.

3- Nó nằm ở chỗ khi các nước bị Mỹ đến Xâm Lược như Tây Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì đều trở nên phồn thịnh và văn minh, còn các nước được Liên Xô hay Trung Quốc đến Giải Phóng như Đông Âu hay Tây Tạng thì hổng đổ máu cũng bầm mình.

4- Nó nằm ở chỗ chính kẻ thù của Mỹ cũng cảm thấy chỉ có Mỹ là nơi an toàn để nương thân mỗi khi bị đồng chí của mình hãm hại. Ngay cả cố tổng bí thư Liên Xô một thời lừng lẫy Khruschchev mà rồi con trai ông ấy cũng có được yên thân ở Liên Xô đâu, cũng phải chạy sang Mỹ mà áp tay lên ngực để chào lá cờ hoa một thời cha ông mình chửi rủa.

5- Nó nằm ở chỗ nếu như hôm trước bạn còn xuống đường hò hét chửi Mỹ như thể bạn thù nước Mỹ không đội trời chung thì hôm sau bạn vẫn sẽ vứt hết tất cả để đi Mỹ nếu như bạn được cấp một chiếc thẻ xanh.

Tôi đã thấy rồi, tôi đã thấy có người chửi Mỹ xoen xoét khi còn ở Việt Nam nhưng rồi cũng rất hồ hởi khi được có mặt ở cái xứ tư bản giãy chết này dù nói chuyện vẫn còn cố vớt vát "đi là vì tương lai của các con thôi".

Tôi đã thấy rồi, tôi đã thấy có người chửi Mỹ xoen xoét khi đã sang đây rằng "ở Mỹ cực như chó" nhưng lại cứ ráng ở lại chịu cực mà chẳng thấy quay về.

6- Sức mạnh của Mỹ nó nằm ở chỗ nó là cái nơi thu hút con người ở khắp mọi miền trên thế giới đổ về, chứ không phải là cái nơi mà ai cũng muốn bằng mọi giá phải dứt áo từ bỏ. Nó không ràng buộc ai phải ở lại nhưng chẳng ai tự nguyện ra đi.

7- Sức mạnh của Mỹ nó nằm ở chỗ 4 người đàn ông lực lưỡng chung tay khiêng cái nón nhẹ hều một cách trang nghiêm để tôn trọng người quá cố, dù rằng người quá cố đó từng là một đối thủ. Chứ không phải đưa hài cốt của đồng đội mình về trong một cái túi xách đàn bà.

Các nhà bồi bút ở Việt Nam hãy thôi chỉ nhìn vào mấy trái tên lửa rồi cố hạ thấp sức mạnh của Mỹ và nâng bi sức mạnh của Nga hay Tàu làm gì.

Bởi Mỹ có những điều mà hai xứ này cả trăm năm nữa cũng chưa chắc có, Mỹ có một nền dân chủ đã 242 năm.

Còn Nga và Tàu, ngoài độc tài và súng đạn thì họ còn gì?

St

Friday, July 16, 2021

NẤM MỒ

 Câu chuyện tôi kể ở đây không dài, lại không có những diễn biến đan xen hay bất ngờ khả dĩ dắt dẫn người đọc tới những suy đoán mung lung, đặng tạo ra sự lôi cuốn. Vì lẽ ấy nó sẽ không thú vị, hoặc kém thú vị, tính theo chuẩn văn chương quen thuộc. Xin rào trước một câu như thế để người viết khỏi bị những phiền trách về sau.

Câu chuyện rất đáng được kể lại, tôi nghĩ thế. Điều làm tôi có chút băn khoăn là nên chọn cho nó hình thức nào đây để nó không trở thành nhàm chán. Sắp xếp lại các tình tiết cho có hình hài một truyện ngắn, tôi không muốn. Nó là câu chuyện để kể, không cần các thủ pháp tả tình tả cảnh. Nói tóm lại, tôi thấy sự can thiệp của thói quen viết văn chỉ làm cho câu chuyện mất đi cái mộc mạc của nó. Mà đấy lại là cái tôi muốn giữ. 

Nhân vật thứ nhất tên Tâm, bạn thân của em gái tôi. Hai đứa trẻ cùng phố không rời nhau nửa bước suốt tuổi ấu thơ. Em gái tôi không có mặt trong câu chuyện này, nó đi lao động xuất khẩu ngay chuyến đầu tiên rồi ở lì bên Đức với chồng. Nhắc đến nó là để lý giải sự tình cờ nào đã dẫn tới câu chuyện mà thôi. Số là một hôm em tôi nhờ người mang quà cho tôi kèm theo lời nhắn nhờ chuyển cho Tâm thứ gì đó trong gói quà là thứ không có bán ở Việt Nam. Vì thế mà tôi gặp Tâm. 

Tâm từng nổi tiếng xinh đẹp không phải chỉ trong phố tôi. Nghe kể thì có lần Tâm đi lao động ở công viên Bảy Mẫu, đám thanh niên đã vứt tuốt tuột cuốc xẻng rùng rùng chạy theo để ngắm cô gái gánh đất. Giờ đây, trước mặt tôi là một thiếu phụ đẫy đà, đã có vài vết chân chim nơi đuôi mắt. Chồng trước chết trong chiến tranh, cô tái giá, có hai con, một trai, một gái. Cùng với người chồng mới đã xin thôi việc nhà nước, cô mở một công ty buôn bán đồ gia dụng, nghe nói khá phát đạt. 

Nhân vật thứ hai là một cựu binh thọt chân, tên Mịch, làm nghề sửa xe đạp. Cũng là người cùng phố với Tâm, sống trong một con hẻm. Chị vợ đạp máy khâu cho một cửa hàng may mặc. Anh chồng hình như bị nhiễm chất độc da cam trong cuộc chiến, hai vợ chồng lấy nhau nhiều năm mà chẳng được mụn con nào. 

Còn một nhân vật nữa, chồng sau của Tâm, tuy không đóng vai trò đáng kể, nhưng cũng không thể vắng mặt trong câu chuyện. 

Khi các nhân vật, từng người một, kể cho tôi nghe câu chuyện, họ đều xưng ở ngôi thứ nhất. Tôi thấy cứ ghi lại đúng như cách họ kể là tốt nhất, chỉ lược đi chút ít, tức là có bớt chứ không có thêm. 

Chúng tôi ngồi bên một cột đèn, nơi Mịch thường hành nghề. Anh không có chỗ làm cố định. Khi có bóng công an đi tới thì anh vừa bê hòm đồ chạy cà nhắc, vừa ngoảnh lại nhìn họ với nụ cười cầu tài. Họ thương tình anh chàng thọt, chỉ đuổi lấy lệ.

Ngồi trên hòm đồ, anh chăm chú lên lại cái vành chiếc xe đạp tôi đi mượn vừa bị đụng, nhẩn nha chuyện vãn:

- Ông đi tù lâu thế, những chín năm, kinh! Phố ta cũng ối người đi tù, Ở trong ấy ông có gặp người quen nào không? Những năm ông vắng mặt có biết bao nhiêu là chuyện xảy ra ở phố này. À, mà ai nói cho ông biết chuyện chúng tôi đi tìm mộ chồng cô Tâm? 

- Chính cô ấy kể. Tôi muốn biết thêm chi tiết, mới hỏi anh.

Mịch ngẩng lên nhìn tôi:

- Nói thật với ông, tôi ngại, tôi không muốn đụng đến chuyện ấy. Tôi biết mộ thằng Tường ở đâu chứ, sao không biết. Tôi biết, nhưng tôi không muốn nói. Từ nhiều năm rồi, tôi im như thóc… Tại sao ư? Có lý do, ông ạ. Kể ra thì dài dòng, nhưng mọi việc cũng đã qua, để rồi tôi kể ông nghe. 

Câu chuyện đi tìm mộ người chồng trước tôi được nghe Tâm kể trong ngày giỗ cậu ấy, tôi được mời:

- Nhà em mất thế nào, em đâu có biết. Chỉ nhận được mỗi cái giấy báo tử thôi, anh ạ. Cứ như thể đời con người chỉ là một mảnh giấy bằng hai bàn tay. Chúng em ở với nhau được hai tháng thì nhà em bị gọi đi nghĩa vụ, vừa mặc bộ quần áo bộ đội vào người là phải đi B ngay. Từ đó bặt tin. Không thư từ, không nhắn nhe gì sất. Ở chiến trường tất nhiên không có bưu điện, nhưng còn quân bưu, sao không có thư? Nhà em không viết, hay viết mà không tới tay em, có giời biết. Chắc có viết, nhưng mất, chứ anh ấy không thể không viết. Giấy báo tử chỉ vắn tắt: đã hy sinh. Không rõ khi nào, ở đâu. Bỏ trống hết. Đoạn tang được một năm, em xây dựng gia đình với nhà em bây giờ. 

- Cũng phải thôi. Ở goá mãi sao được - tôi nói để mà nói - Cô còn trẻ.

- Nhà em hồi ấy làm công tác thương nghiệp, ngành thực phẩm. Cũng lắm lời ong tiếng ve đấy, anh ạ. Rằng em khôn, rằng chuột sa chĩnh gạo. Thời tem phiếu cái gì cũng thiếu. Thiên hạ mắt tròn mắt dẹt xăm xoi các cửa hàng. Nhưng không phải vậy, anh nhà em là người có trước có sau, ăn ở như bát nước đầy, có thế em mới chọn. Đấy, ban thờ nhà em là anh ấy đặt làm đấy.

Trên ban thờ sơn son thếp vàng, hơi quê một chút bởi sự hoa hoe hoa xói, là ảnh người chồng cũ - một chàng trai mũi hếch vừa chui ra từ cái vỏ trẻ con, mũ cối, áo bộ đội không quân hàm. Tôi nhận ra cậu ta. Đám cưới tưng bừng lắm. Theo tôi nhớ thì hồi ấy cậu ta làm thợ tiện, hình như mới học việc thì phải. Cô vợ học dở dang Tổng hợp Văn, đang múa hai que trong tổ đan len. Hồi ấy người ta bàn ra tán vào về cuộc hôn nhân của hai người nhiều - nào nhà cô Tâm khá giả, nhà chồng thì kiết xác, nào cô Tâm xinh đẹp là thế, mà anh chồng thì xấu mã, quê một cục. Cô Tâm được nhiều con ông to săn đón lắm, làm dâu những nhà ấy sướng một đời, không hiểu nghĩ sao lại ưng mỗi anh này. 

Tôi thắp hương cho người quá cố. Cô Tâm đứng bên, lầm rầm khấn.

- Anh nhà em rất tốt tính. Như người khác thì muốn vợ quên hết quá khứ với người cũ, nhưng anh ấy không, rất tôn trọng nhà em. Chính anh ấy lo lắng việc đi tìm mộ nhà em đấy. Nhà em bảo: vợ chồng mình sống với nhau được như bây giờ là nhờ anh ấy phù hộ, mình không được quên. Anh ấy mất, mồ mả không biết ở đâu, mình phải tìm cho bằng ra để đưa anh ấy về, em ạ.

- Làm thế là phải. Mới là biết ăn biết ở.

- Cái vụ tìm mộ liệt sĩ chắc anh từng nghe, nhiêu khê lắm. Nhiều người khuyên bọn em tìm các nhà ngoại cảm. Chúng em cũng nhờ mấy nơi rồi đấy ạ. Người nào người nấy nói vanh vách, cứ như thể các vị ấy nhìn thấy mộ nhà em ở chỗ nào, quanh mộ có những dấu hiệu gì, đi như thế nào thì đến... Nghe theo chỉ dẫn, đường xa mấy bọn em cũng đi, lúc tàu, lúc xe, lúc trèo đèo, lúc lội suối, thôi thì đủ. Rồi lần nào cũng như lần nào, đào đào bới bới, rốt cuộc chẳng thấy gì sất. Cũng có lần gặp cốt, nhưng cốt này của người cao lớn hơn nhà em nhiều, nhìn sọ thì biết, không phải. Đành lấp lại, để nguyên, phòng khi có người khác tìm. Chiến tranh thì liên miên, chỗ nào ở trong Nam chả có cốt vô thừa nhận… Sau, bọn em bỏ, không nhờ các nhà ngoại cảm nữa. Em nản rồi, nhưng nhà em thì không, đã quyết là phải làm đến nơi. 

- Gần đây người ta nói nhiều về chuyện ngoại cảm… Người bảo có thật, người bảo không. Báo chí viết trong chuyện này có nhiều bịp bợm. 

- Cũng chẳng biết thế nào mà nói, anh ạ. Có người kể nhờ ngoại cảm mà tìm được mộ người thân đấy, mà là người đứng đắn hẳn hoi nói. Em nghĩ họ không bịa. Có điều, thiên hạ bảo khi nhà ngoại cảm đã đụng vào chuyện tiền nong, có ý kiếm chác thì không còn thiêng nữa, coi như hết điện. 

- Thế rồi cô có tìm được cậu ấy không? - tôi hỏi.

- Được, anh ạ. Là do tình cờ thôi. Nhưng nhà em bảo: không phải, anh ấy dun dủi đấy.

- Dun dủi thế nào?

- Lần theo dấu vết những đơn vị của nhà em trong chiến trường rắc rối ơi là rắc rối - cơ quan này chỉ sang cơ quan kia, tìm được đơn vị này lại tòi ra đơn vị khác… Không phải người ta đùn đẩy đâu, sự thật là thế, chiến tranh hết, đơn vị này mất hẳn, đơn vị kia có nó nhập vào lại đổi phiên hiệu, cứ tít mù, anh ạ. Ấy là chưa kể người mới làm không biết, không nắm những việc cũ, họ chẳng dính líu, không tình cảm với chuyện đã qua, làm việc theo kiểu công chức ấy mà, hết giờ ở sở thì về. Phải khen anh nhà em bây giờ, anh ấy không nản. Rốt cuộc rồi cũng truy ra được một anh cùng đơn vị sau chót của nhà em. Anh này nói có gặp nhà em một lần sau cùng khi anh ấy bị thương, nhà em đến thăm, từ đó mất dấu. Anh thương binh này mù, cụt hai chân, ở mãi Hà Tĩnh, may, trí nhớ còn tốt. Anh ấy nói anh ấy nhớ như in cái lần ấy, khi anh ấy còn chưa bị mù, bị mù là trận sau kia. Cùng đi với nhà em có một anh, nói là người cùng phố, nhưng tên thì anh ấy nói nhớ mang máng, là Minh hay Mịnh gì đó…

Hai “nhà em” và các “anh ấy” trong lời kể của Tâm lúc đầu có làm tôi lẫn lộn, nhưng chú ý một chút là biết cô đang nói về ai.

- Rồi cô tìm được anh này?

- Nhà em chứ không phải em. Ở phố không có người nào đi bộ đội tên Minh. Nhưng có một anh tên Mịch, thương binh, cũng từng đi B…

- Đúng là người cần tìm?

- Đúng, anh ạ. Thế mới may chứ.

- Chú ấy kiên trì thật.

- Nhưng lúc đầu anh Mịch này một mực chối, bảo anh ấy không biết…

Tôi tò mò, mới đem câu chuyện Tâm kể hỏi Mịch. 

- Khi hai vợ chồng cô ấy bước vào nhà hỏi tôi có phải tên Mịch, từng ở chiến trường B phải không, là tôi giật thót - Mịch kể - Tôi không có ý chờ, nhưng bụng bảo dạ rồi đây thể nào rồi cũng có lúc sẽ có người tìm tôi hỏi về cái chết của Tường. 

- Trước đó anh không biết cô Tâm là vợ Tường? - tôi thắc mắc - Người cùng phố mà.

Mịch im lặng.

- Tức là anh biết?

- Biết chứ.

- Anh có ý định tìm cô ấy để nói về cái chết của chồng cô ấy không?

- Không.

- Tại sao?

- Tôi có lý do để không muốn nói - Mịch trầm ngâm - Nhưng thôi, chuyện đó để sau, rthể nào rồi tôi cũng kể ông nghe. Cậu này với tôi ở cùng một đơn vị khi rời thành phố. Chúng tôi được chuyển đi trong đêm, trên một xe tải. Thân nhau cũng từ trên cái xe tải ấy. Nó đưa chúng tôi đi như chui vào một cái tương lai đen kịt. Tường kém tôi ba tuổi. Ở cái độ tuổi ấy chênh nhau như thế là nhiều vào thời ấy, ông ạ. Rành rành một đằng anh, một đằng em. Như là lẽ đương nhiên, tôi tự coi mình có trách nhiệm săn sóc thằng em người “bang Muỗi Đốt”.

- Bang Muỗi Đốt?

- Tức là Ô Đống Mác, gọi theo cách của dân bụi. Lính tráng cũng gọi theo. 

- Anh ta không nói gì đến vợ?

- Có đấy, cậu ấy có nói qua, đâu mới lấy vợ được một hai tháng, người phố này, nghe rồi tôi quên. Trong đời lính, cái đó là chuyện vặt, chuyện thường tình. Thằng nào chẳng có chuyện ấy. Không có người yêu thì có vợ, không có cả hai thứ thì có mẹ có cha. Cũng có thể cậu ta ngượng, không muốn kể - cái tâm lý ấy ở thằng lính mới tò te là sự thường. Không kể những thằng hèn, thằng nhát, thằng lính mới nào cũng đều muốn phô ra cái bề ngoài dũng cảm, ngang tàng, ra cái điều chẳng kém cạnh đám lính cựu. Nhưng khi đã về Hà Nội rồi thì tôi biết cô Tâm là vợ nó. Là do làm nghề sửa xe, ông ạ, tay làm, nhưng tai vẫn nghe. Khách ngồi chờ mình sửa thì thích tán gẫu - đủ mọi thứ chuyện trên giời dưới đất.

- Tất nhiên rồi. Anh kể tiếp đi.

- Sau đó là chiến tranh - những trận đánh, những chiến trường. Không thể nhớ chúng tôi đã đi những đâu, đi thế nào, đánh thế nào. Khi cái đó quá nhiều thì nó trở thành nhàm, khỏi kể… Người nghe cũng chán. Điều may mắn là hai anh em luôn được ở gần nhau, khác đại đội nhưng cùng tiểu đoàn. May mắn nữa là bom đạn tránh cả hai, xây xát nhẹ có, nhưng bị thương thì không. Nói may mắn là không đủ, chiến tranh ở miền Nam ác liệt lắm, người chết, người bị thương la liệt mà mình không hề hấn gì thì phải nói là có phúc. 

Cô Tâm:

- Em nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao anh ấy không muốn nhận có biết nơi chôn cất nhà em. Cậy răng cũng không nói. Hỏi gì cũng chỉ ừ hữ, đánh trống lảng. 

- Khó hiểu thật. 

- Nhưng rồi anh ấy cũng hứa: “Mọi chuyện sau này cô sẽ rõ, chẳng cần tôi kể. Tôi sẽ đưa cô đi bốc mộ chú ấy. Tôi đã hứa, tôi sẽ làm”. Anh ấy đã giữ lời hứa. 

Chồng cô Tâm:

- Suốt chuyến đi, anh ấy tỏ ra không muốn bắt chuyện. Vì lẽ gì thì sau này em mới biết. Và thông cảm. Người nào mà chả có những điều không muốn nói ra, phải không anh? Sau chuyến bay Nội Bài-Tân Sơn Nhất, Tâm nhà em hơi mệt. Chúng em nghỉ lại Sài Gòn một đêm rồi hôm sau đi tiếp bằng xe đò…

Mịch:

- Anh từng ở bộ đội, anh biết. Chiến tranh là tan hoang. Mọi thứ, không chừa cái gì. Thế mà chỉ cần hết đánh nhau một ngày là mọi vật biến đổi. Cây cối lại đâm chồi, nẩy lộc, người lại tấp nập trên đường, nhà cửa bắt đầu được dựng lại, dù tạm bợ, dù xây mới. Huống hồ từng ấy năm đã qua. Đến nơi xảy ra trận đánh cuối cùng của chú Tường tôi không tài nào nhận ra. Với lại, anh tính, bộ đội mình toàn hành quân đêm, có mấy khi nhìn thấy quang cảnh ban ngày. Cái còn lại nhắc ta tới cảnh quan cũ thường là ngọn núi ở đâu đó, lấy nó làm chuẩn mà định hướng… Biết là đến nơi rồi, mà tôi cũng không dám chắc. 

Tôi nói:

- Tôi cũng đã trải qua cảm giác ấy một lần, khi trở lại vùng đơn vị tôi bị bao vây trong một trận càn.

Mịch thở dài, nhìn ra đường. Những chiếc xe đạp loang loáng qua. 

- Cây cầu nhỏ trên con lộ mà chúng tôi đặt mìn phá tung thì nay là một cái cầu mới rộng gấp ba, hai bên mố cầu nhà cửa san sát, đã thành một thị trấn sầm uất. 

Cô Tâm:

- Thấy anh Mịch cứ đứng đờ đẫn nhìn về một phía, chúng em đã tưởng anh ấy không nhớ ra, nên bảo xe dừng không đúng chỗ. Taxi đi rồi, em mới lo chứ. Nếu còn phải đi tiếp nữa thì ở giữa vùng quê ấy đào đâu ra xe. Nhà em lặng im, nhưng nhìn mặt nhà em, em biết nhà em cũng lo lắm. 

Mịch: 

- Tôi xúc động, ông ạ. Nơi này hôm nay không còn một bóng dáng nào của một chiến trường, nhưng với tôi, nó in dấu một trận đánh hết sức ác liệt. Và hết sức tồi tệ nữa. Không biết có bao nhiêu đồng đội của tôi đã ngã xuống ở đây. 

Chồng cô Tâm:

- Anh Mịch cứ thế đứng sững một lúc lâu. Như tượng. Em cũng như nhà em, lo lắm. Chỉ sợ chuyến đi này cũng sẽ lại như những chuyến trước, vất vả nhiều, tốn kém nhiều, rồi lại sôi hỏng bỏng không. Bất thình lình anh ấy chẳng nói chẳng rằng xăm xăm bước rảo về phía có rất nhiều cây cối xanh um ở đàng xa. Em lật đật theo sau, với cuốc xẻng, nhà em thì tay xách nách mang hương hoa, rượu, nói tóm lại là các thứ không thể thiếu cho một lần tìm mộ. 

Cô Tâm:

- Chúng em lật đật theo sau anh Mịch. Càng rời xa con đường hàng tỉnh anh ấy càng rảo bước. Cái nơi nhìn từ xa chỉ thấy một màu xanh đậm ấy hoá ra là một khu rừng. Anh Mịch bảo: “Gần đến rồi, tôi đã nhận ra chỗ này, trước kia nó còn rậm rạp hơn thế, chắc người ta khai phá rừng mới ra thế này”.

Mịch:

- Trung đoàn đã rút sau khi đẩy địch về phía bìa rừng. Chúng tôi còn hai trung đội đoạn hậu, không ngờ đụng đơn vị địch vừa điều đến bổ sung, thế là rơi vào thế bị bao vây. Rừng cây che chắn cho cả hai bên. Đạn bắn rào rào, nhưng ít người bị thương. Chúng tôi tắt điện đài, tản ra, ba khẩu trung liên đặt rải rác làm nghi binh luôn di chuyển để địch không đoán được lực lượng bên mình. Căn cứ hoả lực địch thì chắc chúng cũng không quá đông - trước mặt là một đại đội và sau lưng có thể hai. Nói tóm lại, chỉ còn nước chiến đấu chờ đến chiều tối. Bóng đêm sẽ che chở chúng tôi. 

Cô Tâm:

- Anh Mịch cứ đi băng băng, quên hẳn chúng em thở hồng hộc theo sau. Anh ngoắt nhìn bên phải, rồi bên trái, chăm chú quan sát, chắc hẳn cố tìm lại những dấu vết đã bị thời gian xoá nhoà. Tim em đập thình thình. Nhìn dáng đi của anh Mịch, em tin rằng lần này em sẽ tới được nơi nhà em nằm xuống. Nước mắt em trào ra.

Chồng cô Tâm:

- Đến một dòng suối, anh Mịch dừng lại. Có vẻ anh vẫn còn hồ nghi không biết đây có phải là con suối anh muốn tìm không? Nhưng rồi anh bước xuống, xem xét một hồi, sau đó mới quyết định lội ngược dòng. 

Em hỏi anh Mịch: 

- Anh chắc chứ?

- Là nó đây, chính nó rồi - anh Mịch nói - Không biết người ta đã làm gì nó để nó cạn đi như thế này? 

- Chúng em lội chừng trăm mét thì gặp một cái hốc um tùm cành lá và dây leo. Anh Mịch lấy dao mở đường vào cái hốc tối mò ấy. Cái hốc hẹp, nhưng nông, đất ướt nhoẹt, chúng em dò từng bước, người nọ theo chân người kia. Bỗng anh Mịch dừng lại: “Đây rồi!” Anh ấy gieo mình xuống, hai tay bưng mặt: “Tường ơi!” Cùng với tiếng kêu xé ruột, nước mắt trào ra qua kẽ tay anh. “Không sâu đâu. Chú đào đi, Nhẹ tay thôi!”, anh Mịch nức nở. Em lấy xẻng hớt dần từng lớp đất nơi tay anh Mịch chỉ. Tâm quỳ xuống bên, châm hương, khe khẽ khấn. Đúng như anh ấy nói, vài phút sau cái xẻng đã đụng vào vật gì đó lùng nhùng - một mảnh vải mưa. Khẽ gạt đất đi, em kéo mảnh vải mưa đã mủn ra…

Cô Tâm:

- Em sụm xuống, anh ạ, khi nhìn thấy anh nhà em. Người ta bảo người thân nhìn thấy xương sọ thôi cũng biết ngay là người nằm kia là người của mình, em nhận ngay ra anh ấy, dù quần áo đã bục hết trơ ra bộ cốt. Em gào lên được hai tiếng “Anh ơi!” là ngất liền.

Chồng Tâm:

- Em đỡ lấy Tâm, cuống quýt xoa dầu cho cô ấy. Phải một lúc sau nhà em mới tỉnh lại. Anh Mịch mặc em săn sóc nhà em, cứ ngồi yên, như thể người mất trí. Em cũng sững người trước cảnh tượng trước mắt - dưới mảnh vải mưa không phải chỉ có một, mà hai bộ cốt trong tư thế nằm nghiêng, ôm lấy nhau… 

Mịch:

- Tôi bị lạc. Khi đơn vị rút, tôi không nghe thấy khẩu lệnh. Cứ loanh quanh mãi trong khu rừng ấy cho tới rạng sáng. Đến lúc hiểu ra rằng mình không còn biết đường nào thoát ra khỏi trận địa ban ngày, tôi gặp con suối này và tụt xuống. Suối không sâu, nước chỉ đến ngực. Lội một lát thì gặp cái hốc này. Mới vạch lá chui vào.

Anh ngừng lời, như để nhớ lại:

- Nhìn ra chẳng thấy gì vì cành lá xum xuê - một chỗ nấp cực tốt. Nếu địch có truy đến đây thì cũng chẳng ma nào dại dột chui vào - trong đó có người thì chỉ một phát bắn ra là ngoẻo. Cùng lắm thì chúng quẳng một quả lựu đạn cho phải phép rồi bỏ đi. Mà cái hốc lại không thẳng. Sau vài bước chân, nó quặt ngang, mình đã ở trong chỗ ngoặt đó là an toàn tuyệt đối. Chui vào sâu hơn nữa, tôi nhìn thấy một đống đen đen. Bật lửa lên, trong ánh sáng nhạt nhoà tôi nhận ra Tường. Nhưng sờ vào mặt Tường lạnh ngắt, tôi biết đã muộn. Cậu ta nằm nghiêng, một tay ôm cái gì đó. Soi gần lại thì thấy đó là một người nữa, nhưng không phải quân mình. Mà là người phía bên kia, căn cứ quân phục và cái mũ sắt chỏng chơ bên cạnh. Khi ở bên ngoài trời đã sáng, mắt đã quen dần với bóng tối, tôi thấy chung quanh hai người là bông băng bừa bãi, với một cái bi đông trong đó còn một chút nước. Chắc hẳn hai người tình cờ chui vào hốc này, họ gặp nhau trong khi cả hai đều bị thương nặng... 

Tôi nói:

- Một tình huống bất ngờ. Họ sẽ làm gì nhỉ? Tiếp tục bắn nhau chăng?

- Cả hai không còn súng. Tôi không thấy súng bên hai người, chắc họ đã vứt bỏ khi lết được đến đây. Là tôi đoán thế. Cả hai bị thương rất nặng. Trong tình trạng đó, họ đã có một quyết định thông minh là giúp nhau băng bó, bông băng ở bên hai người cho tôi thấy điều đó. Hai cái bi đông không còn giọt nước nào. Chắc họ đã san sẻ cho nhau lương khô, nước uống. Nhưng rồi cả hai đã không tránh được cái chết. Nơi này khá xa những cuộc giao tranh, giá họ có kêu cứu cũng chẳng ai nghe thấy. Trước mắt tôi là một cảnh tượng kỳ cục không thể nào hình dung ra - hai người lính của hai bên đối địch ôm nhau chết. Chỉ có thể đoán phỏng rằng khi mất hết máu, người bị thương ắt run cầm cập vì lạnh, và lúc ấy họ chẳng còn cách nào khác là ôm lấy nhau, truyền cho nhau hơi ấm còn lại. Ấy là tôi hình dung ra thế, không chắc có đúng. Chiến tranh chúa bịa ra những chuyện bất ngờ, nhưng cảnh này chắc chưa ai từng gặp. 

- Trong chiến tranh không thiếu những chuyện không thể nào lý giải - tôi nói - Tôi tin con người ta có số. Một lần tôi đi cùng đội trinh sát còn lại năm người, chúng tôi đang di chuyển trên một đồng lúa vừa lên đòng thì gặp một trận pháo Bofors . Tôi bổ nhào, úp mặt xuống bùn, đến lúc ngẩng lên thì thấy trừ tôi ra, tất cả anh em đi cùng tôi đã biến mất… 

- Tôi cứ ngồi đấy cho tới chiều, bên hai cái xác - Mịch trầm ngâm - Đói thì nhấm mẩu lương khô, khát thì có nước suối. Thèm thuốc lắm, nhưng không dám hút. Chỉ sợ địch ngửi thấy mùi thuốc lá. Không thể không cảnh giác, mặc dầu ở bên ngoài tiếng súng đã im hẳn - hai bên có lẽ đã rút hết. Đầu tiên, tôi định gỡ hai người ra để đưa xác Tường lên trên, kiếm chỗ nào khô ráo chôn chú ấy, nhưng hai cái xác lạnh cứng,không thể nào tách ra được. Sau đó, tôi nghĩ, nếu hai người đã thông cảm với nhau, đã giúp nhau trước khi chết thì tại sao lại phải tách họ ra? Thế là tôi lấy dao găm hì hục đào một cái huyệt nông, may là đất rất mủn, không khó đào, rồi lót ni lông xuống dưới, phủ mảnh khác lên trên, lấp đất lại. Trên cổ người lính bên kia có dây đeo thẻ bài, tôi dứt ra để mang theo, nhưng rồi mất nó trong một trận khác. 

Cô Tâm:

- Em tỉnh lại thì thấy nhà em trân trân nhìn anh Mịch. Anh Mịch thì gắn mắt vào hai bộ xương. Cả hai không nói câu nào. Em thì nghĩ: tại sao hai người không bắt tay vào việc, lại cứ ngồi ì ra như thế?

Mịch:

- Bây giờ chắc ông hiểu vì sao tôi tránh không muốn nói tới cái chết của Tường. Ông thử hình dung cảnh tôi báo cho đơn vị biết nơi Tường chết. Trong trường hợp ấy họ sẽ xử trí thế nào với hai cái xác? Người ta sẽ nhặt xác Tường, còn cái xác kia thì lấp đất lên, và bỏ đi? Tôi chắc chắn họ sẽ làm như thế. Nhưng thật bất nhẫn - hai người, dù ở hai bên đối địch, đã giúp nhau trong những giờ phút cuối cùng để giành lại sự sống. Để làm được điều đó họ phải bỏ ra ngoài mọi hận thù, nếu có. Mà chắc gì họ có cái đó. Cả hai đều là lính, họ bắn vào nhau theo mệnh lệnh, chẳng biết viên đạn của mình bắn sang bên kia sẽ trúng ai… Còn bây giờ? Tôi chỉ biết kể lại cho vợ chồng Tâm quang cảnh lúc tôi vô tình tìm thấy chú Tường trong cái hốc này, với một người lính ở phía bên kia, và tôi đã ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy hai cái xác ôm nhau. 

Chồng Tâm:

- “Mình làm gì bây giờ, hở anh Mịch?” - cuối cùng em hỏi anh Mịch, em chờ câu trả lời của anh ấy. Anh Mịch im lặng thêm một lát, dường như để suy nghĩ điều theo anh ấy là nên làm, rồi bảo: “Cô chú cứ việc mang cốt chú Tường về, rồi đưa chú ấy vào nghĩa trang liệt sĩ. Việc của tôi giúp cô chú đến đây là xong”. “Còn bộ cốt kia?”, em hỏi. “Đó là việc của tôi”- anh ấy nói - Không thể để cậu này ở đây được. Hai đứa đã giúp nhau chống chọi với cái chết trong những phút cuối cùng, mang một đứa đi, đứa kia vứt lại sao đành?” Em bảo: “Hay là ta cứ mang cả hai về, báo danh một anh Tường thôi, còn anh kia ta nói không rõ danh tính, coi như chiến sĩ vô danh… Họ sẽ được ở bên nhau cùng một chỗ”. Anh Mịch quắc mắt quát: “Làm thế sao được? Làm thế là lừa đảo. Người lính bên kia cũng biết coi trọng danh dự chứ. Cậu ta không chịu nằm lẫn với những người được bên chiến thắng vinh danh đâu. Như thế là nhục. Không, tôi sẽ không để cậu ấy nằm lại đây một khi chú Tường được mang đi, tôi sẽ mang cậu ấy về, chờ tới khi nào có người nhà tìm đến… 

Đến đây đã có thể kết thúc câu chuyện mà tôi muốn kể. Đúng là những người đi tìm hài cốt đã gặp một việc rất khó có được một giải pháp ổn thoả. 

Điều làm tôi ngạc nhiên là không phải ý kiến cuối cùng của Mịch là cái đặt dấu chấm hết cho mọi băn khoăn. 

Mịch kể rằng anh rất bất ngờ nghe cô Tâm gạt nước mắt đứng lên, nói: 

- Ta sẽ đem cả hai về - cô thổn thức, nhưng với giọng quyết đoán - Em sẽ mai táng cả hai anh trong phần đất đặt mộ của họ nhà em ở quê...

Mịch bảo:

- Như thế liệu có gì trở ngại không? 

- Là việc của em. Em thu xếp được. Các anh nghĩ thế nào? Hai anh ấy sẽ vẫn được bên nhau như trong phút cuối cùng cuộc đời hai người. Anh Tường không nhất thiết phải nằm trong nghĩa trang liệt sĩ. Cả hai đều không phải là liệt sĩ, theo bất cứ nghĩa nào của bên nào, em nghĩ thế. Cả hai đều là những người không may trong một cuộc chiến không phải của họ. 

Chồng cô gật gù tán thưởng. Anh nói: trong việc này vợ anh là người có toàn quyền quyết định. Mà đó là quyết định đúng nhất.

Cũng ở đoạn cuối câu chuyện này, tôi mới được biết vì sao Mịch mất một chân trong thời gian đi B mà lại không được hưởng chế độ thương binh. Số là, sau khi chôn cất Tường, anh bị rơi vào trầm cảm nặng. Cái chết của hai người lính ở hai bên đối địch dẫn anh tới những ý nghĩ lộn xộn không nên có trong đầu người lính. Trong một trận khác anh bị thương, được đưa về quân y viện tiền phương. Đáng lẽ phải chờ cho đến khi được chuyển ra Bắc theo đường chính quy thì anh lại bám theo xe một người bạn “B quay”. “B quay” là cách chỉ lính bỏ ngũ, đào binh. Với “B quay” chỉ có một đường - nếu bị phát hiện thì a lê hấp, vào các trung đoàn kỷ luật, đi làm đường hoặc các thứ lao công linh tinh khác của quân đội. Bằng cách nào anh bạn anh kiếm được giấy tờ để chạy ngược con đường ra trận, anh không kể, tôi cũng không hỏi. Trở về địa phương mà không bị phát hiện đã là may mắn rồi. Thế rồi thời chiến qua, thời bình lại, mọi người bận bịu kiếm ăn, những chuyện bới bèo ra bọ là việc chẳng ai muốn làm. Người thường coi anh là thương binh, cơ quan nhà nước không coi anh là thương binh, chuyện ấy đối với Mịch giờ bất thành vấn đề. Lâu cứt trâu hoá bùn. 

Khi đọc lại những dòng ghi chép trên, tôi rất muốn đưa những con chữ đẹp vào đấy, sắp xếp lại chúng cho có tuần tự, lớp lang, hi vọng chúng sẽ làm cho câu chuyện thêm duyên. Nhưng khi thử đặt chúng vào mọi chỗ có thể đặt, tôi thấy chúng suội lơ, chẳng có chút sinh khí nào. Thôi thì cứ để nguyên như trước còn hơn.

Mịch và tôi đã đến thắp hương cho hai nấm mồ của hai người không hề là bạn trong cuộc đời, nhưng đã trở thành bạn trong giờ lâm tử. Vợ chồng,cô Tâm đã làm hai bia mộ đàng hoàng, một có tên người chồng trước của Tâm, một chỉ ghi người nằm dưới là bạn thiết của chú ấy. 

 Vũ Thư Hiên-2014

Thế giới & ĐDVH (13)

 Slavoj Žižek là một trong những triết gia và lý thuyết gia văn hoá viết nhiều và nổi tiếng nhất trên thế giới ngày nay. Công trình sáng tạo, khiêu khích của ông trộn lẫn siêu hình học Hegelian, phân tâm học Lacanian, và biện chứng Marxist nhằm để thách thức minh triết quy ước và các chân lý được chấp nhận ở cả bên Tả và bên Hữu.

---------- đây là giới thiệu cuốn sách ở bìa bốn------

“NHÀ TRIẾT HỌC NGUY HIỂM NHẤT Ở PHƯƠNG TÂY”

— ADAM KIRSCH, THE NEW REPUBLIC

Khi một bệnh dịch toàn cầu chưa từng có quét qua hành tinh, ai giỏi hơn nhà triết học Slovenia cực kỳ mạnh mẽ Slavoj Žižek để khám phá ra những ý nghĩa sâu hơn của nó, để kinh ngạc trước những nghịch lý gây sững sờ của nó, để suy đoán về sự thâm thuý của các hệ quả của nó, tất cả theo một cách mà sẽ làm bạn toát mồ hôi đầm đìa và thở hổn hển.

Chúng ta sống trong một thời khắc khi hành động vĩ đại nhất của sự thương yêu là để giữ khoảng cách với đối tượng yêu thương của bạn. Khi các chính phủ khét tiếng về các khoản cắt giảm nhẫn tâm trong chi tiêu công đột nhiên có thể phù phép ra hàng ngàn tỷ. Khi giấy vệ sinh trở thành một mặt hàng quý giá như kim cương. Và khi, theo Žižek, một hình thức mới của chủ nghĩa cộng sản có thể là cách duy nhất để tránh việc sa vào tình trạng dã man toàn cầu.

Được viết với sự sôi nổi và sự yêu thích thành thói quen của ông về những sự tương tự trong văn hoá đại chúng (Quentin Tarantino và H. G. Wells ngồi cạnh Hegel và Marx trong những trang sách này), Žižek đưa ra một bức ảnh tức thì cô đọng và khiêu khích của cuộc khủng hoảng khi nó lan rộng, nhấn chìm tất cả chúng ta.