Saturday, November 28, 2020

Ảnh của Đỗ Bá Khang: Lớp M9

Đỗ Bá Khang:  Chia sẻ thêm với các bạn 1 tấm hình nữa của lớp chụp chuyến đi chơi Dunakanyar...

Friday, November 27, 2020

Tinh trang hoan hao

Duy trì tình trạng perfect/hoàn hảo, sung mãn cả tinh thần và thể chất là điều bình thường nhưng nay đã trở thành khó khăn cho thấy cuộc sống ko dễ dàng chút nào!

Thursday, November 26, 2020

Đồ ăn thời sinh viên: Bánh mì mỡ hành

 A delicious Hungarian bar snack, zsíroskenyér is an open-faced sandwich slathered with lard, rings of sliced onion, and a hint of paprika. Conveniently, it pairs really well with draft beer and it's also wallet friendly (I paid €1 for this one). A few places also serve a VIP version made with Mangalitsa lard.

When the hunger for zsíroskenyér arises, I usually go to Grinzingi, an old-school, unfussy neighborhood joint in downtown Budapest.

(Offbeat Budapest)

Wednesday, November 25, 2020

Hạnh phúc từ đâu... ?

 Nỗi bất hạnh làm nên con người, còn con người làm ra hạnh phúc.

Tục ngữ Ba Lan

Tuesday, November 24, 2020

Nghỉ hè

 1983. Siófok: Az üdülő 1981. március 13- án nyitott. A büfé blokk egy évvel később. Ez a fotó 1983--ban készült (Erika Horvath)

Ảnh: Szocializmus hagyatéka

Monday, November 23, 2020

1, 2, 3, ...từ lúc còn trẻ

 LÚC TRẺ VÀ BÂY GIỜ

1. Lúc trẻ, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì là có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn...

2. Lúc trẻ, tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.

3. Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người, đến giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.

4. Lúc trẻ, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.

5. Lúc trẻ, tưởng mình có thể thay đổi cá thế giới, giờ thấy được ngay cả 1 người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

6. Lúc trẻ, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.

7. Lúc trẻ, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất.

8. Lúc trẻ, mẹ nói yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, giờ lớn lên chợt nhận ra, có những yêu thương chỉ cho mà không nhận.

9. Lúc trẻ, mong mình lớn, giờ đây lớn rồi sao mong mình bé lại quá chừng.

10. Lúc trẻ, tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh.

11. Lúc trẻ, tưởng rằng trung thực là điều tốt,giờ mới biết sống trung thực với mình thôi cũng là điều khó biết bao.

12. Lúc trẻ, tưởng rằng những gì đến rồi sẽ đi, giờ mới biết niềm vui đến thi qua mau, còn nỗi buồn tưởng như dài vô tận.

13. Lúc trẻ, cứ nghĩ: “Tiền bạc, Tình yêu rồi mới đến Sức khỏe”, về già mới khám phá sự đảo ngược: “Sức khỏe,Tình yêu, Tiền bạc”. Lúc trẻ rất sợ phải chết, nhưng về già “Sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều”.

14. Lúc trẻ, tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, giờ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta, có chăng là mình đã không nhận thấy.

15. Lúc trẻ, tưởng nói quên là có thể quên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng.

16. Lúc trẻ, cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia. Về già mới biết: “được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất”.

17. Cuối cùng, lúc trẻ cứ tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm. Về già mới hiểu nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh. Và lúc đó chúng ta thanh thản ra đi để khởi đầu một cuộc hành trình cuối cùng: Bước Nhảy Vọt Vào Bóng Tối.

St

#ncctv

Sunday, November 22, 2020

3, 7 đường học

 Sáng nay thấy bà con cãi cọ trên mạng xem cho con học loại trường nào thì thành công. Học chuyên, học trường công, trường tư hay trường quốc tế thì thành công nhỉ? Đi du học thì vào trường oách xà lách hay trường thường thì thành công?

Túm lại cái này cãi nhau tới Tết Congo cũng chả hết cãi. Là vì thành công hay không nó có ba, bảy đường khác nhau. Và thành công của từng đứa con cũng khác nhau. 

Nhìn vào lớp trung học của mình là thấy. Vài bạn xưa học dốt nhất lớp nay rất thành công. Là vì các bạn ra trường một cái chả học lên gì hết. Hồi đó 1 lớp có vài bạn đậu đại học thôi, còn lại học cao đẳng, trung cấp và đi làm ngay. Nên các bạn này ra trường là đi buôn. Nói thẳng như vậy cho vuông. Và 17-18 tuổi đã lao vào thương trường, bắt đầu từ buôn bé ngoài chợ, ngoài vỉa hè cho tới khi buôn to bán nhớn. Và vì nếu không lao vào chăm chỉ buôn bán thì lấy gì mà cạnh tranh với đời khi học vấn không cao, thành ra các bạn thành công. Còn 1 số bạn học đại học, thì chủ yếu làm thuê, ít ai làm chủ. Và có lãnh lương cao đi nữa nhưng các bạn đã làm thuê thì không giàu có như các bạn đi buôn được rồi. Song đời sống cũng thoải mái, gia đình con cái phương trưởng.

Tóm lại, bài toán ở đây chỉ là may đo thôi. Có cháu thì học trường công hay trường chuyên sẽ thành công. Có cháu thì nên vào trường tư hay trường quốc tế mới thành công. Có cháu vào trường oách thì thành công mà có cháu chỉ học trường bình thường cũng thành công vang dội.

Làm gì có công thức như nhất cho mọi học sinh. Chỉ là cha mẹ phải lo tìm hiểu xem con mình là ai, năng lực thế nào, nó mong muốn gì và cha mẹ có hỗ trợ hay hợp tác với con được hay không. Từ đó tìm ra con đường định hướng phù hợp nhất cho con, cho điều kiện và túi tiền của gia đình.

Cái gì phù hợp thì sẽ bền vững và có thành tựu. Còn cái gì ở mức quá thấp hay quá cao thì đều có thể làm hỏng con. Một là cho nó chơi nhiều thành lười biếng. Và hai là áp lực quá nó cũng hóa rồ. Và đứa nào hợp đi làm thì cho đi làm, đứa nào hợp đi buôn thì cho đi buôn, đứa hợp học hành cao lên thì cho nó học cao lên. Nếu hợp là sẽ có thành công tùy sức của nó và công cha mẹ đầu tư vào nó.

Vấn đề là có bao nhiêu cha mẹ bỏ công ra suy nghĩ, tìm tòi, định hướng theo 1 con đường phù hợp  nhất cho con mà thôi. Vì nhiều nhà vẫn chạy theo phong trào, ai làm gì thì làm theo nấy cho đỡ phải nghĩ. Hoặc là một số khác chỉ cho con cơm ăn 3 bữa quần áo mặc cả ngày, sáng chở đi tới trường chiều rước về, còn lại thì con tự bơi trong trường, tới đâu thì tới được đâu thì được.

Gặp may thì cũng có con mà cha mẹ bỏ bẵng hay lo lắng rất ít mà nó vẫn thành công. Nhưng cái này ít thôi, hiếm lắm. Đa phần là do cha  mẹ phải nát đầu nghĩ cách và cố gắng không ngừng tìm đường cho con đi. Và làm sao để nó tự đi được sau khi đã có các kỹ năng tự lập và tự học.

Nguyễn Thị Bích Hậu

Friday, November 20, 2020

Thursday, November 19, 2020

NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI

 Người thầy vĩ đại của hạnh phúc, Epicurus, đã chia  nhu cầu của con người thành ba cấp:

- Thứ nhất, nhu cầu tự nhiên và cần thiết:  Đây là những cái gây ra đau khổ nếu không được thỏa mãn. Điều này chỉ bao gồm quần áo và thực phẩm. Để thỏa mãn nó không khó. 

- Thứ hai, nhu cầu tự nhiên, nhưng không cần thiết:  Đó là nhu cầu quan hệ tình dục .Để thỏa mãn  đã khó hơn rồi. 

- Thứ ba, nhu cầu không tự nhiên, cũng không cần thiết: Đó là sự xa hoa, giàu có, lộng lẫy. Số lượng của chúng là vô hạn và rất khó để thỏa mãn chúng.

FB-Ngô Mạnh Hùng

Wednesday, November 18, 2020

Về những đặc điểm vùng/miền

 “ Người Thanh-Nghệ-Tĩnh keo kiệt, cư xử thô lỗ, nóng nảy…”

“ Con đi học chớ có chơi với bọn Thanh- Nghệ -Tĩnh con nhé..”

“ Các Doanh nghiệp đua nhau tẩy chay lao động Thanh- Nghệ -Tĩnh…”

“ Bọn nó chó lắm..”

Tôi rất đau lòng khi vô tình nghe được, đọc được những câu nói, những đánh giá kiểu như thế trên xe bus hay trên những trang báo..

Ngày bé, tôi luôn háo hức khi nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ lớn lên, sẽ được ra thủ đô học tập. Thủ đô có Hồ Gươm, có phố cổ, có lăng Bác, có những con phố đêm sáng đèn tuyệt đẹp, và đặc biệt, tôi sẽ được gặp gỡ, học tập cùng bạn bè khắp mọi miền Tổ Quốc…Đâu có ngờ…

Mới đầu đi học, tôi có nghe một vài câu chuyện xa xôi về việc kì thị vùng miền, tôi không để tâm lắm vì tôi nghĩ chắc người ta cứ phức tạp hóa mấy vụ đánh nhau vớ vẩn thôi …Dạo gần đây, tôi nghe những câu chuyện từ những “nạn nhân” có thật của việc kì thị vùng miền, tìm hiểu thêm qua sách báo, internet, tôi mới thực sự sốc khi nhận ra kì thị vùng miền trở thành một trào lưu,một vấn nạn xã hội đang ngày càng trầm trọng.  ĐỪNG XEM NHẸ VẤN ĐỀ NÀY !

Người ta nói người Thanh- Nghệ -Tĩnh bủn xỉn, hay đánh nhau, hay bảo vệ cho nhau, quậy phá trong nơi làm việc…Thậm chí còn có những người lập nhóm những người ghét dân Thanh-Nghệ -Tĩnh và suốt ngày chửi bới thô thiển, tục tĩu, có những doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai..còn thẳng thừng không nhận công nhân Thanh-Nghệ -Tĩnh, xóm trọ không cho Thanh-Nghệ-Tĩnh thuê, nhiều người còn cố tránh xa những con người vùng này như lánh người bệnh phong, bệnh hủi…

Có người từng chứng kiến cảnh gây lộn của người Thanh-Nghệ -Tĩnh, nhưng phần lớn còn lại chỉ ghét người 3 tỉnh này vì ….nghe người khác chứ chưa một lần tiếp xúc với họ. Các doanh nghiệp cũng truyền cho nhau những thứ được họ gọi là “ kinh nghiệm tuyển công nhân” theo kiểu cách tương tự. Thật là vô lí, thật nực cười và vô cùng bất công… Cái lối a dua, hùa theo, cách phán xét chủ quan, phiến diện, đánh đồng của họ đã khiến rất nhiều người Thanh-Nghệ -Tĩnh cảm thấy bị xúc phạm, nhiều lao động mất việc làm, rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi họ đã lặn lội đường xa, rời mảnh đất quê hương nghèo khó lên đường tìm miếng cơm manh áo để nuôi gia đình nhưng lại bị đối xử bất công, phải bán rẻ sức lao động, lại còn bị xúc phạm phũ phàng…

Phải, rất nhiều người dân Thanh-Nghệ-Tĩnh nóng nảy,hay bảo vệ nhau, hay quậy phá, tiết kiệm thái quá…nhưng những điều kiện khách quan đã khiến họ trở nên như vậy. Quanh năm phải oằn mình hứng chịu thiên tai, bão lũ, cái nắng gay gắt của mùa hè cùng gió lào rát bỏng khiến con người họ trở nên nóng nảy, hay gắt gỏng. Để chống lại sức mạnh tàn phá của thiên nhiên, họ phải cùng nhau hợp lực, giúp đỡ nhau để vượt qua những thời kì gian nan nhất của cuộc đời khi nhà cửa bị cuốn trôi, khi những đứa trẻ trở nên mồ côi sau một đêm giông bão…Trên mảnh đất cằn cỗi trơ sỏi đá ấy, để kiếm được đồng tiền, hạt gạo nuôi thân, họ đã phải trải qua những cuộc mưu sinh đầy gian nan và có phần nguy hiểm. Thế nhưng họ quật cường, họ không chịu khuất phục và cũng vì thế mà họ quý đồng tiền, họ tiết kiệm từng đồng xu, họ đau lòng khi thấy những đồng tiền mình chắt góp được bởi bao mồ hôi nước mắt bỗng chốc tiêu tùng trong một bữa tiệc xa xỉ hay một lần tham gia nhậu nhẹt cùng bạn bè (vì nể nang)…Cái đó bị coi là xấu xa, là đáng xấu hổ sao?

Cái nóng nảy, cương cường của con người Bắc miền Trung luôn đi kèm với sự thẳng thắn ,thật thà, ý chí sắt đá không dễ khuất phục. Con người nơi đây không ưa thích sự nịnh bợ, quanh co, hoa lá trong giao tiếp hay sự nhún nhường, nhượng bộ trong ứng xử, có lẽ vì thế mà họ không được lòng nhiều người và bị coi là thô thiển. Đứng trước khó khăn thử thách, họ không mấy khi nhụt chí bởi họ là những con người từng trải,ý chí của họ đã được tôi luyện ngay từ trong bụng người mẹ mang thai đập đá, trèo đèo, lội suối., hơn ai hết, họ ý thức được rằng nếu họ bị khuất phục, họ không thể tồn tại.

Ý chí quật cường ấy đã bao lần ghi danh trong lịch sử qua những chiến công hiểm hách của những vị anh hùng bất tử Lê Lợi, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can…đặc biệt là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của quần chúng lao động trên toàn thế giới Hồ Chí Minh… Đó mãi là những bản anh hùng ca bất diệt của hàng ngàn thế hệ, những người con xứ Thanh-Nghệ-Tĩnh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Con người Thanh-Nghệ -Tĩnh tôn trọng sự công bằng, họ dám đứng lên đấu tranh khi họ bị bóc lột sức lao động, khi công sức của họ bị rẻ rúng,và vô hình dung, họ bị coi là những phần tử phá rối trong doanh nghiệp, và họ bị tẩy chay trong tuyển dụng.

“ Người xứ Thanh-Nghệ -Tĩnh đoàn kết, hay bảo vệ nhau, đi đâu cũng hội đồng hương”…bạn không thích điều đó ư? bạn nghĩ điều đó là tiêu cực hạn chế ư? Chỉ khi người ta lợi dụng sự đoàn kết ấy cho những hành động sai lệch thôi bạn ạ. Nhưng phần lớn, tính đoàn kết đã phát huy tác dụng đúng chỗ, nó mang sự giúp đỡ, mang những buổi gặp mặt thân tình, mang cả quê hương đến với họ nơi chốn đất khách quê người, giúp họ được ấm lòng, được san sẻ, được cảm nhận những tình cảm thân thuộc đã ăn sâu vào máu, vào từng thớ thịt của họ.

Có thể bạn không may mắn khi đã gặp phải những người xấu từ xứ Thanh-Nghệ-Tĩnh nhưng xin đừng vì một vài người mà đánh giá gần 1/10 dân số Việt Nam là xấu xa. Thật ra, ở đâu cũng có người xấu, người tốt. Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt trông thấy những “ nam thanh, nữ tú” Hà Thành buông những lời chửi thề tục tĩu nơi công cộng. Họ hồn nhiên buông thõng những câu nói không thể lọt tai mà không chút ngượng ngùng, nó trở thành những câu cửa miệng của một lớp người luôn tự hào là “ Tràng An thanh lịch” . Rồi biết bao vụ đâm thuê chém mướn giết người man rợ khắp nơi chả ai thèm để ý, nhưng hễ có một vụ người Thanh-Nghệ-Tĩnh ăn cắp hay đánh lộn thì y như rằng trở thành chủ đề cho các cuộc “hội thảo” ở chợ búa, quán trà đá vỉa hè hay thậm chí là trong công sở…

Với nhiều bạn trẻ hiện nay, sự cảm tính luôn chiếm một phần lớn trong thái độ yêu ghét một thứ gì đó: Đã ghét cái gì thì nhìn đâu cũng thấy xấu. Đó là cách nhìn nông cạn, phiến diện của những con người sống hời hợt, thiếu suy nghĩ. Rất mong các bạn suy nghĩ sâu xa, toàn diện một chút. Tất cả chúng ta là người một nhà, các thế hệ cha anh đã biết bao hy sinh xương máu để giành độc lập cho Tổ Quốc, để đất nước thống nhất, nhân dân 3 miền Bắc Trung Nam được sum vầy, thế mà chúng ta lại phụ lại sự hy sinh ấy, chia rẽ kì thị vùng miền, thử hỏi thế có đáng không? Mảnh đất bắc miền Trung là khúc ruột không thể tách rời của Tổ Quốc Việt Nam, con người bắc miền Trung là thành viên không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đoàn kết, hùng cường.

Nhân đây, để không phải chịu cảnh “ con sâu làm rầu nồi canh” , rất mong các bạn là người con của xứ Thanh- Nghệ -Tĩnh hào hùng, hãy cố gắng gìn giữ và phát huy những tinh hoa truyền thống tốt đẹp và loại bỏ dần những thói hư tật xấu của mỗi cá nhân.

Tôi viết bài này dựa trên sự hiểu biết của người con mảnh đất bắc miền Trung nhưng đứng trên lập trường khách quan của người con của dân tộc Việt Nam với một nỗi niềm đau đáu: mong sao cho những việc đáng buồn như thế này đừng bao giờ xảy ra đối với một đất nước mà triệu triệu đồng bào đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió trong lịch sử dựng nước và giữ nước như đất nước Việt Nam mình.

Cao Huy Bình (Đại học Dược Hà Nội)

Tuesday, November 17, 2020

Lưu lại vài điểm: Thói hư tật xấu của ngưới VN

Dưới đây là lời dẫn trong loạt bài “Xét tật mình” của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên tờ Đông dương Tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút xuất bản năm 1913 tại Hà nội.

Sau hơn 100 năm ngẫm lại, hầu hết các tật xấu mà tác giả phê phán vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

LỜI TỰA

Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu diếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện .Nếu cứ nói, cứ bắt buộc phải thế này, không được thế kia thì khó nghe, uổng công nói, mà phải biết cho rõ làm việc thiện lợi thế nào, làm điều xấu hại ra sao thì người ta dễ theo. Người có bệnh phải biết rõ bệnh, căn nguyên bệnh thì mới uống đúng thuốc mà khỏi. Trong xã hội có nhiều hủ tục, đã thành thói quen của cộng đồng, một người hay một thiểu số không đủ sức đấu tranh để sửa mà nên phô bày ra, rõ ràng cái xấu, căn nguyên cái hại để Nhà nước biết, để đa số nhân dân biết, khi đó lệnh của nhà nước hợp với ý dân thì mới sửa được.

Vì vậy mỗi số sau sẽ trình bày cụ thể một tệ hủ bại, phân tích rõ gốc rễ và điều hại cho dân cho nước để cùng nhau sửa .

Đông dương tạp chí số 6 – 1913.


TÍNH Ỷ LẠI

Dân ta có một nết xấu mà hầu như mọi người đều cho là hay đó là tính ỷ lại trong cuộc sống, sung sướng mà ỷ lại vào người, vui vẻ và hãnh diện mà cho người khác ỷ lại vào mình. Các nước văn minh người ta khinh ghét nhất sự ỷ lại. Trong cuộc sống, tự hào nhất là bằng lao động của đôi tay, khối óc mà tự mưu sinh, không nhờ vả vào ai. Đến mức, cha mẹ có nghề của cha mẹ, dù có vất vả cũng sống giản dị với nghề đó, thấy con ăn nên làm ra, giàu có thì mừng cho con mà chẳng nhờ cậy. Chỉ khi thật sự già yếu quá mới yêu cầu con cái giúp đỡ. Còn dân ta thì hoàn toàn ngược lại, coi việc được sống dựa vào sự giàu có của người khác là một vinh dự, đến độ thấy người sang bắt quàng làm họ, một người làm quan cả họ được nhờ, đến mức bỏ cả việc đang làm để bám vào người mà ăn không ngồi rồi. Cách nhờ vả này người nghèo càng nghèo mà chính người giàu cũng chẳng hay, phải tìm cách bất lương để có thêm tiền, làm quan thì phải ra sức ức hiếp dân mà ăn của đút… Quanh quẩn đất nước thêm nghèo, dân ta lún sâu trong lạc hậu.

Đông dương tạp chí số 8 – 1913.


TÍNH NÓI DỐI

Các quan Tây thường chê dân ta là hay ăn gian nói dối. Điều đó quả thật, nhưng chỉ với các quan Tây cũng như ta. Còn ở dưới nông thôn thì không thế. Đại đa số nông dân phân biệt rõ thiện, ác và tin rằng ăn ở thật lòng với nhau là quý, mới được bạn bè hàng xóm láng giềng yêu mến, giúp đỡ. Với nhau, họ rất chân thật. Vậy vì sao các quan Tây chê vậy?

Thưa rằng quả thực đối với các quan nói dối là cách tự vệ của dân đen .Các quan tự nêu hư danh là phụ mẫu của dân, vì dân mà cầm cán cân công lý. Sự thật đâu có thế! Quan chỉ vì tiền, ai đưa cho quan nhiều bổng lộc thì quan ra sức bênh, đè nén áp bức là việc hàng ngày của quan. Vì vậy đã tới cửa quan thì người đi kiện cố nhiên cũng phải nói dối để quan xử cho có lợi , người bị kiện tất nhiên cũng phải nói dối để mong đỡ bị hại, gặp quan: sợ quan nên nói dối mà nịnh quan cũng nói dối. Thế là với quan ta, ai cũng nói dối cả thì tránh sao khỏi nói dối với quan Tây, là quan của quan, nói thật sao được!

Đông dương tạp chí số 9 – 1913.


THÓI TRẢ NỢ MIỆNG

Ở chốn dân thôn, các thói xấu nên hổ thẹn nhất, nên lên án và bài trừ, là thói coi ăn uống là việc quan trọng hàng đầu trong quan hệ xã hội. Việc hiếu nghĩa mà không có mâm to bình lớn, ăn uống thỏa thuê thì bất thành hiếu nghĩa. Gia đình nếu không may có ông bà, cha mẹ nằm xuống, nỗi lo lắng nhất là làm sao đủ lợn, gà, rượu, gạo, để thết đãi các chức sắc và dân làng. Hàng mấy chục người quần quật, tíu tít vào việc này, đến nỗi lòng thương nhớ người chết cũng bị chìm đi trước nỗi lo đãi người sống. Mà không lo sao được? Nghe hơi có người chết đám Tổng Lý kỳ cựu đã chuẩn bị mồm chờ ăn, chờ uống gân cổ cười nói, bẹp tai hút sách. Thiếu một chút là dài mồm dè bửu, coi là bất hiếu. Tốn phí vô cùng, chỉ mấy ngày mấy chục vị chức sắc ưa thích và bảo vệ, nhân dân trong lòng đâu có muốn đến mức ấy, nhưng không ăn ai dám tự ý làm khác. Cũng chỉ vì, khi còn sống, ai cũng đã từng ăn uống như thế ở nhà khác, nay chết đi, con cháu phải tổ chức ăn uống để trả nợ miệng cho người chết. Hàng nghìn đời trả nợ miệng như thế, nước ta vẫn đắm mình trong nghèo khó, lạc hậu. Nếu cả nước đồng lòng, đem công sức của cải góp phần lo trả nợ nước thì văn minh, khoa học sẽ đến với chúng ta. Thói ăn uống hủ bại như trên đúng là miếng ăn là miếng nhục.

Đông dương tạp chí số 10 – 1913.


THÓI TỰ TY

Dân ta rất cần mẫn chăm chỉ , biểu hiện rõ ở nông thôn tấc đất tấc vàng, không một mảnh đất nhỏ nào để hoang chỉ hiềm một nỗi, không biết tự hào về sự cần mẫn này, không thấy sản phẩm do lao động mình làm ra quyết định sự tồn tại của xã hội. Có ai, dù là vua quan, những kẻ làm sĩ, những người buôn bán, những người làm thợ thuyền… Không ai có thể sống nổi nếu không có lương thực, thực phẩm do nhà nông sản xuất. Tất cả các nghề khác đều như vậy, mỗi nghề đều góp phần tạo điều kiện cho xã hội tồn tại và phát triển, đều vinh quang nếu họ biết vì lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của chính mình mà lao động.

Dù anh làm nghề gì, nếu anh không phục vụ tốt cho xã hội thì anh không được tôn trọng. Làm quan, một nghề nói chung được trọng vọng, nhưng nếu ông quan lại buôn quyền, bán chức, đàn áp nhân dân để kiếm lợi riêng thì có lợi gì cho ai, làm sao khỏi bị khinh ghét. Làm thợ mà biết tính toán khéo léo, làm ra những sản phẩm hoặc công cụ, có ích cho đời, vừa bền vừa đẹp thì làm sao mà không được yêu quý. Những người làm nghề buôn bán, làm nghề vận chuyển, hàng trăm nghìn nghề mà xã hội cần, không có nghề nào hèn. Mà chỉ cần ai làm nghề gì biết tự hào và lo học tập rút kinh nghiệm để phục vụ xã hội tốt mãi lên. Đó là con đường tiến bộ của cá nhân gắn liền với sự tiến bộ của xã hội, nghề nào cũng dẫn đến giàu có, vinh quang. Chớ có giầu rồi lại phụ nghề, đem tiền của do nghề làm ra mà đi mua chức vị nọ kia; ông hàn, ông bát, và coi thường nghề cũ.

Tóm lại cần mẫn phải gắn liền với lòng yêu nghề, với tinh thần vì cộng đồng xã hội trong đó có bản thân mà hành nghề, không ngừng rèn luyện để thạo nghề. Phục vụ xã hội và làm giàu song song phát triển, thúc đẩy lẫn nhau tiến lên mãi.

Đông dương tạp chí số 11 – 1913.


THÓI TIÊU TIỀN

Người nông dân cần mẫn có thừa, hàng ngày hai sương một nắng, quanh năm vất vả mà vẫn nghèo khó. Tại sao? Chung quy, họ là nạn nhân của điều kiện kinh tế xã hội kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Sức người cộng với công cụ thủ công, cùng nhất là con trâu kéo cái cày cái bừa. Nhất nước nhì phân nhưng cả hai đều khó khăn mà con người không chủ động được. Cho nên làm ra nông sản, kiếm được tiền đã vô cùng khó khăn, làm sao giữ được tiền, làm sao chi ra hợp lý, phục vụ cuộc sống cũng khó khăn không kém.

Giữ được cũng cực kỳ khó. Người nông dân đủ bát ăn là đối tượng bị kỳ hào lớn nhỏ trong xã nhòm ngó, tìm cớ đục khoét; khá hơn thì được sự chú ý xét nét của cấp tổng, mà tương đối giàu có thì các quan trên huyện, phủ, tỉnh, dựa vào cấp tổng, xã thành một hệ thống đèn trời, soi vào túi dân vơ vét. Số tiền còn giữ được người dân cũng không làm chủ hẳn. Hủ tục ma chay, giỗ chạp đã buộc phải chi ra một phần lớn như bài trước đã nói, vì thế mang tiếng hoang phí, không biết tích lũy dự phòng. Số chi cho cuộc sống đã ít lại gặp nhiều khó khăn. Chỉ sửa chữa nhà cũng sợ các kỳ hào trông vào, kẻ gian dòm ngó, lòng tham nổi lên thì chết. Chi cho cái ăn mặc sang trọng một chút, ở nông thôn đâu có dễ, không biết mà mua, không có mà mua, nên số còn dư chút ít chỉ có cách nơm nớp lo cất dấu, khi có thời cơ thì mua ruộng, chuẩn bị chia cho con cháu. Đó là cách dự phòng mà người nông dân cho là chắc chắn nhất, thích hợp nhất với hoàn cảnh xã hội ở nông thôn, thích hợp với tâm lý; nhiều tiền chẳng những không biết tiêu gì, lại còn sinh nhiễu sự ra, kém vế thì nhiều khi tiền mất tật mang, bị kẻ khác ăn hiếp, mà có khi còn làm lụy tới thân.

Đông dương tạp chí cố 12 – 1913.


THÓI NGHI NGỜ

Dân ta lại có cái tật cái gì cũng bán tín bán nghi nên làm hay không làm; theo hay không theo, chẳng dứt khoát mặt nào. Lấy thí dụ điều này bộc lộ rõ trong vấn đề được các cha cố dạy kỹ về giáo lý; vẫn còn không ít người thường xuyên đi nhà thờ lễ, nhưng khi đến các điện phủ, chùa chiền có tiếng là linh thiêng thì vẫn lễ bái không kém ai, với quan điểm “bên cha cũng lễ, bên mẹ cũng vái”. Những người theo Phật giáo hoặc tin vào sự linh thiêng của các thánh thần thì khỏi nói, họ tụng kinh Phật, miệng không ngớt Nam mô A di đà Phật, nhưng có chút hiểu biết gì về phật lý đâu. Vì thế đền chùa họ thắp nhang lễ lia lịa ở khắp nơi, trừ chính diện ra nếu hai bên, ra góc cột đến gốc cây với ý thức đâu cũng linh thiêng, càng lễ nhiều càng được phúc, vừa lễ vừa xin đủ thứ. Sự lễ bái cầu lợi này tạo cơ hội cho các chùa chiền, đền đài biến thành nơi buôn thần bán phật.

Đông dương tạp chí số 13 – 1913.


THÓI BẮT CHƯỚC

Sự huyền hồ về nhận thức tư tưởng của dân ta không ngừng lại ở lĩnh vực tôn giáo mà nó chi phối rộng rãi mọi hoạt động tư duy, vay mượn của Trung Quốc nhiều, ít chất thực tiễn Việt Nam. Ví như làm thơ, viết văn đều xính xuất phát tự thiên nhiên Trung Quốc, từ phong cảnh đẹp đặc trưng, khí hậu băng tuyết, đến con người với tinh thần, tâm lý rất xa lạ… trong khi bầy ra trước mắt biết bao cảnh sông, núi, rừng đẹp tuyệt vời của chính quê hương, con người và điển tích Việt Nam diễn ra trong suốt mấy ngàn năm lịch sử thì bị quên lãng. Như vậy làm sao có được cảm xúc thực phù hợp với tâm hồn Việt Nam? Đều như vậy, trong hội họa, trạm khắc đúc tượng cũng lấy đề tài và rập khuôn Trung Quốc mà người nghệ sĩ chưa hề được chiêm ngưỡng tận mắt. Cho đến Pháp luật, một lĩnh vực phải quán triệt 100% Việt Nam, con người kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam thì cũng vẫn bị vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức ban hành luật mới bằng cách sao chép của Tàu, luật mà như thế, làm sao mà cải tạo được thực tiễn Việt Nam. Phong tục Việt Nam phải là của người Việt Nam xây dựng trong mấy nghìn năm tồn tại thì cũng tìm trong “Thọ Mai Gia Lễ” hoặc “Văn Công Gia Lễ” xem ở bên Tàu con khóc cha như thế nào mà bắt chước. Thật buồn cười! Thật huyền hồ đã làm cho tư duy và bản sắc dân tộc Việt Nam không phát triển được. Chúng ta phải triệt bỏ.

Đông dương tạp chí số 15 – 1913.


THÓI LÃNG PHÍ TRÍ TUỆ

Lối học cổ hủ, lại thông qua tiếng Trung Quốc, kéo dài hàng nghìn năm, đã khoét sâu ảnh hưởng tai hại đến hoạt động trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Tiếng Trung Quốc rất khó, gây ra nạn mù chữ trong tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, cũng có nghĩa là đại đa số này không được học hành, hoạt động tư duy bị trì trệ, hạn chế trong những lo nghĩ cho mình, cho gia đình, nhưng là lo nghĩ vẩn vơ, không dẫn đến hoạt động tích cực mà thường là ngồi ngẩn hàng giờ đầu óc trống rỗng, không đem lại một chút lợi ích cho bất cứ ai. Đó là thì giờ mất không, sống cũng khác chi chết. Ở đời, thì giờ phải phân làm 3 việc: làm lụng, nghỉ ngơi, giải trí, cả ba việc đều phải hết sức tích cực. Làm việc phải tập trung hết công sức, trí tuệ đạt hiệu xuất cần thiết, làm rồi tất nhiên phải giải trí, giải trí ra giải trí, hoạt động thể thao, văn nghệ, cầm kỳ thi họa đều là giải trí tích cực. Thứ ba là nghỉ ngơi thoải mái khôi phục lại sức khỏe để tiếp tục lao động. Làm như vậy cuộc sống từng giờ từng phút đều tích cực.

Đông dương tạp chí số 16 – 1913.


TÍNH VÔ CẢM

Khi trong nước có thiên tai, hoạn nạn thì dân tình đói khổ, nhà tan cửa nát, là dịp bộc lộ người tốt, kẻ xấu. Người tốt biết nhường cơm sẻ áo, góp sức cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn, Đông dương tạp chí đã đưa tên và khen ngợi. Nhưng thật buồn, số người lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi riêng vẫn rất đông. ĐDTC thấy cần phải vạch rõ và lên án.

Biết bao người từ đủ bát ăn, đến phong lưu, giàu có mà vẫn nhẫn tâm thực hiện triết lý ích kỷ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, vẫn ăn ngon ngủ yên, không hề động lòng. Thế thì làm sao gây được quỹ cứu tế lớn đủ sức cấp cứu dân. Nhưng giã man và vô liêm sỉ nhất, không những công luận vẫn lên án mà nhà nước cần nghiêm trị là những kẻ lợi dụng đục nước béo cò. Đó là những chức trách Nhà nước, từ quan lại đến Tổng Lý, được giao nhiệm vụ cứu tế, lại nhân cơ hội ấy mà xà xẻo làm hại dân, lại còn trị con buôn bất lương, nhất là tụi buôn gạo và lương thực đã đầu cơ tăng giá lúa cho nhân dân vô cùng khổ cực.

Nước ta nghèo, kinh tế còn lạc hậu, tai nạn xẩy ra nhiều, phải ra sức thực thi nhiễu điều phủ lấy giá gương, lá lành đùm lá rách, thì mới có điều kiện để dân nghèo đỡ khổ, trở thành nước tiến bộ văn minh.

Đông dương tạp chí số 17 – 1913.


TÍNH THỤ ĐỘNG

Hãy xét đến các khuyết tật trong hoạt động tri thức của dân ta.

Trước tiên là vấn đề học tập. Từ ngàn đời xưa chỉ tập trung vào nho học, các sách thánh hiền được coi là chân lý tuyệt đối, lại viết bằng tiếng Trung Quốc rất khó, nên số người hiểu được thấu đáo, và vận dụng, sáng tạo trong cuộc sống rất hiếm. Cách học thì không theo một chương trình hợp lý, không có trình tự đi từ dễ đến khó, từ gốc đến ngọn, mà phổ biến là gặp đâu học đấy, thiên về học thuộc lòng, lấy ngâm nga, trích cú làm giỏi. Chính vì vậy, hàng mấy ngàn năm trôi qua, cũng chỉ ngần ấy sách, không thêm bớt, cũng không có ông bà Thánh mới nào ra đời. Tưởng như nhân loại ngàn đời không biến động. Thực tế đâu có thế. Tri thức của nhân loại thời nay đã tiến bộ và cao hơn gấp bội tri thức thánh hiền xưa. Các môn khoa học mới ra đời phân nhánh rất phong phú. Muốn trở nên một dân tộc văn minh như ở các nước Âu Tây, chúng ta phải theo Tân học, phải cách tân cách học. Các môn khoa học đều phát triển từ các vấn đề cơ bản giản dị mà tiến dần lên cao hơn, phong phú hơn, các môn khoa học có liên quan mật thiết với nhau. Vì thế học tân học, đối với mỗi môn, phải học từ thấp, thật hiểu thấp mới chuyển lên cao, phải học các môn có liên quan với nhau, học phải gắn với hành.

Tổng hợp các mục lại bằng các bài bình luận về mọi mặt kinh tế, xã hội các bài phiên dịch các tác phẩm văn học, khoa học, kinh tế học, đạo đức học ở Âu Tây, ĐDTC sẽ kiên trì giúp bạn đọc đi dần vào tân học.

Đông dương tạp chí số 18 – 1913.


THÓI MÊ TÍN

Hãy đơn cử Hội Đền Kiếp bạc, vốn là ngày hội để tưởng nhớ đến công ơn cứu nước yêu dân của Hưng Đạo Đại Vương. Những công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc đó đã bị người ta không biết đến, lại còn lợi dụng lập ra Đạo Thánh Cả, biến Hưng Đạo Đại Vương thành ông Thánh nhận lễ của dân ngu, cho thầy đồng nhảy múa để kiếm con cầu tự, để người ốm không uống thuốc mà khỏi bệnh… thật là tin bậy làm càn, sự dị đoan đồng bóng phát triển ở khắp nơi, phỉ báng mọi tín ngưỡng, làm cho nhục thần tủi thánh. Chúng ta hãy bảo nhau chữa đi.

Đông dương tạp chí số 19 – 1913


TÍNH YẾU KÉM TRONG GIAO TIẾP

Vụng nói chuyện cũng là một hiện tượng phổ biến ở rất nhiều người Việt Nam mà nguyên nhân cũng là do hoạt động tư duy kém. Không theo dõi được diễn biến tình hình về mọi mặt, không có nhận thức cụ thể về hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học đương thời, ở trong nước và trên thế giới thì làm sao có đề tài nói chuyện hay? Vì vậy khi gặp nhau, trong mọi hoàn cảnh, dù nói nhiều hay nói ít, thường câu chuyện chỉ trao đổi vụn vặt về các vấn đề tầm thường trong cuộc sống. Chuyện lý thú nhất, được mọi người nói một cách hể hả là chuyện khoe khoang hơn người, chuyện ăn chơi, chuyện cờ bạc… những câu chuyện không rút ra được điều gì hay. Ở các nước Âu Tây văn minh thì khác xa, qua học tập tìm hiểu và tích lũy trong đầu những tình hình mới, có những nhận xét đặc biệt, câu chuyện trở nên sự trao đổi tri thức lý thú, có ích cho mọi người và thường gợi ra nhiều cách giải quyết thỏa đáng công việc.

Đông dương tạp chí số 21 – 1913.


GÌ CŨNG CƯỜI

Dân ta rất nhiều người có thói lạ thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười, hay dở, phải, quấy đều cười. Cười vốn là biểu hiện vui tươi hữu nghị trong xã giao, nhưng ở đây nó trở thành vô duyên, vô nghĩa, nhiều khi nó như là biểu hiện khinh người, không thèm đối đáp, trao đổi. Trong giao dịch mà gặp cái kiểu gì cũng cười này thì thật tức như bị bò đá. Dân ta với nhau đã tức, nếu quan hệ với người nước ngoài thì người ta không thể chịu nổi, cuộc nói chuyện không thể tránh khỏi thất bại. Ta cần rút kinh nghiệm; trong xã giao tươi cười hữu nghị là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là thái độ đối đáp, ngôn ngữ rõ ràng, lịch sự và tạo điều kiện cho đối phương nói rõ ý họ, hiểu rõ ý mình. Kể cả mức độ nông sâu chưa nên vượt qua. Điều gì chưa muốn tiết lộ thì tránh nói tới chứ không nên nói dối, nói sai sự thật.

Đông dương tạp chí số 22 – 1913.


TÍNH CỜ BẠC

Trong muôn vàn cái tật của dân ta, tật ham mê cờ bạc là phổ biến nhất, từ thành thị đến thôn quê, miền xuôi, miền ngược, từ các quan cấp tỉnh huyện đến Tổng Lý, các thầy tham phán, kỷ lục, thừa phái, từ các phú gia đến các bậc trung lưu, đến cả người còn túng thiếu. Động cơ chính là tham tiền, muốn qua con bài sóc đĩa nhờ thần rủi may mà móc tiền trong túi người bỏ vào túi mình. Lòng tham thì như thế thật đáng hổ thẹn, nhưng có ai đánh bạc mà nên giàu có? Được thua do may rủi, được thì tiêu hoang phí, thua thì mất của, càng thua càng khát nước lao vào đánh to, gỡ được thì ít mà phá sản thì nhiều. Trên bàn bạc, cay cú với nước bạc, kẻ được người thua ghen ghét nhau, chẳng còn gì là tình cảm bạn bè, anh em, lời lẽ bốp chát thô tục. Từ bậc thượng lưu, trung lưu đến người hạ đẳng, giàu nghèo đều giống nhau, có khác chăng là ở bề ngoài ăn nói, ở cách che dấu lòng tham.

Cái hại của cờ bạc là vô cùng to lớn, hại nhất là lãng phí không biết bao nhiêu thì giờ đáng ra dùng để làm lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Đã mê cờ bạc thì mất lương tâm đạo đức, quên mọi nhiệm vụ, buông trôi công việc, học hành. Quan phụ mẫu trị dân thì quên mất dân đang mong chờ quan dạy dỗ bảo vệ mà chỉ nhớ đến việc đục khoét dân để có tiền đánh bạc. Người có tài cao học rộng mà đã ham mê cờ bạc thì tài cao cũng bằng thừa, vùi đầu vào đánh bạc rồi thì còn đâu thì giờ mà nghĩ đến việc, mà thi thố tài năng. Cái hại thứ hai là sinh ra một nghề chỉ làm hại xã hội, đó là nghề gá bạc lấy hồ, sống bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho tệ cờ bạc ngày càng mở rộng khắp nơi, khắp chốn. Cho nên xã hội muốn phát triển cần bảo nhau, giúp nhau chừa thói đánh bạc, cần tố cáo để Nhà nước nghiêm trị cả người đánh bạc lẫn tụi gá bạc đổ hồ.

Đông dương tạp chí số 29 – 1913

Monday, November 16, 2020

Truyện ngắn: Chú Tư Mạnh

 Những năm đầu của thập niên 80 , sau 5 năm cải tạo ở Củ Chi , Tôi được về thành phố dạy 1 trường Cấp 3 ở gần nhà . Mỗi tuần chỉ có 12 tiết dạy của 3 lớp cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông . Rảnh rỗi dù thời gian này, cả nước đang đói . Nhưng tôi vốn vô lo , đến đâu hay đến đó, quanh quẩn với đồng lương chết đói , sống tạm qua ngày . Chẳng biết làm chi cho hết giờ, lại bày đặt Chơi Chim . Chơi ở vườn Tao Đàn, sáng sáng xách lồng chim , đạp xe ra , tụ nhau lại đấu láo và nghe chim hót . Và cũng từ đó thành lập 1 nhóm cùng ngồi với nhau .

Người cao tuổi nhất nhóm là Chú Tư Mạnh , hồi đó cũng khoảng 50 . Chú cao to như Tây , ăn mặc chải chuốt và thanh lịch như công chức cao cấp thời trước . Giọng rặt Nam bộ và hành xử cũng khá hào phóng với mọi người . Gia đình Chú thuộc loại giàu có , hồi đó đa số đều đi xe đạp hoặc xe gắn máy cũ mèm , Chú chơi xe Honda đời mới do đám viễn dương đem về bán , chiếc nào cũng giá mấy lượng vàng . Đôi khi cuối tuần , Chú lại đến bằng xe hơi Peugeot có tài xế lái . Lúc đầu , ai cũng tưởng Chú là cán bộ có chức vụ về hưu , nhưng dần dần hỏi chuyện hoá ra không phải . Chú là dân buôn bán từ xưa đến giờ . Chuyên bán vàng . Lúc đó nhà nước cấm dữ lắm , nhưng nhu cẩu xã hội vẫn có , nên Chú vẫn tiếp tục nghề xưa , dù là mua chui bán lậu . Chú có đến 3 căn nhà , toàn mặt tiền đường lớn , mà cái nào cũng to . Tụi tui cứ thắc mắc không hiểu với tài sản như thế mà sao gia đình Chú lại thoát được mấy lần đánh tư sản khốc liệt vậy ? Hoá ra là Chú có người em ở rừng về , làm chức gì lớn lắm trong uỷ ban thành phố , nên tài sản Chú được an toàn mà nghe đâu lại càng nhiều hơn khi có sự trợ thủ đắc lực của Chú Em . Sáng nào cũng vậy , Chú đều chơi dĩa bò kho bánh mì có bốn miếng thịt lớn , Chú bảo Chú rất thích món này , ăn hoài không thấy ngán . Thường thường , Chú ăn 2 miếng , còn 2 miếng bà chủ đã biết ý , luôn gói lại đưa Chú mang về cho 2 con chó Fox bé tí tì ti . Thời đó đói ăn , cả tháng làm giáo viên như tôi mới mua tiêu chuẩn được nửa kí thịt heo bạc nhạc với mỡ , nên thấy Chú ăn sáng như vậy , tụi tôi thấy Chú quá sang trọng , nên dù ngồi với nhau , tiếng nói của Chú vẫn có giá trị hơn hẳn . Người giàu sang lúc nào cũng thế , giữa mọi người họ vẫn có vị thế cao hơn 1 bậc , bởi họ nhiều tiền hơn đương nhiên tiếng nói của họ được vị nể hơn . Chúng tôi càng nể Chú hơn nữa khi gặp 2 đứa con của Chú . Chú có 2 đứa con , trai lớn gần 30 , cô con gái nhỏ khoảng 25-26 tuổi . Cả 2 đều rất lễ phép và cũng vừa lập gia đình . Mỗi lần đi đâu xa hoặc  cuối tuần về quê chồng quê vợ , con Chú đều ra tận nơi sân chim để chào và xin phép Chú về thăm Cha thăm Mẹ . Lần nào cũng cúi đầu , khoanh tay chào hết mọi người khi đền cũng như lúc đi . Chú hãnh diện về điều này , mà tụi tôi cũng đồng ý về sự hãnh diện đó của Chú . Cái thời buổi nhiễu nhương , ông thằng thay đổi tá lả thế này , nề nếp gia phong lộn tùng phèo mà còn được những đứa con như thế thì hãnh diện là quá đúng rồi !

Nhưng hoá ra là đóng kịch cả, là mưu mô cả . Lần hồi, các màn kịch cứ he hé và lần lượt diễn ra, tụi tôi nhiều khi không tin được , không ngờ cuộc đời lại có nhiều chuyện khốn nạn đến thế . Khi xã hội Việt Nam bắt đầu mở cửa là lúc màn kịch bắt đầu .

Đầu tiên là căn nhà ba tầng ở Bùi Thị Xuân , căn nhà lâu nay giao cho anh con trai lớn ở và bán buôn . Một ngày đẹp trời vợ chồng anh về thưa với vợ chồng Chú là anh ta muốn sửa sang lại để biến thành khách sạn , bởi bắt đầu sẽ có khách du lịch về , doanh nghiệp qua , đón đầu như vậy mới thắng lớn được . Nghe bùi tai quá , vợ chồng chúng nó từ xưa đến nay ngoan ngoãn , biết lo làm ăn , chưa hề làm mất lòng 2 vợ chồng Chú . Thế là sang tên cho chúng để chúng chúng mở doanh nghiệp , xin giấy phép xây cất . Lại còn cho chúng mượn 300 lượng vàng làm vốn . Hai vợ chồng an tâm phần thằng Hai . Chúng nó làm ăn thành công thì mình lo chi tuổi già , xem như chia gia tài trước cho chúng . Giải quyết nhẹ bâng .

Lại đến cô con gái , cũng 1 đêm mát trời , con gái nằm gãi lưng cho mẹ vừa thủ thỉ : Vợ chồng con cũng đã lớn rồi , ba má cho chúng con ra riêng đặng lo cho tương lai . Ba má giao cho tụi con cái nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu đang cho thuê , tụi con dọn về đó mở tiệm vàng , bây giờ nhà nước cho tư nhân mua bán vàng , làm ăn tốt lắm . Ba má vẫn ở nhà này , tuổi già cần yên tĩnh mà ở chung thế này nhiều khi các con của con quấy quá làm phiền ba má . Nói nghe lọt tai quá , nghĩ cũng hợp lí quá , sang tên nhà , đưa thêm 300 lượng làm hàng bán . Lúc đưa vàng , vợ chồng Chú bắt phải có mặt Con Rể , hai vợ chồng cùng ký giấy mượn của vợ chồng Chú 200 lượng , còn 100 lượng kia cho hai đứa bây làm vốn . Thế là xem như xong chuyện của hai đứa con , hai vợ chồng Chú vui vẻ để lại tiếp tục sống cuộc đời hạnh phúc .

Đùng 1 cái , anh con trai lớn không biết làm ăn hùn hạp với ai , phải cầm cố nhà cửa , khách sạn . Rồi 1 ngày cả nhà trốn mất . Vượt biên . Khách sạn bị tịch thu , cửa khoá to đùng với tờ giấy dán chéo ghi : Vượt biên , phản quốc với mấy dấu đóng đỏ lòm . Chú Tư Mạnh ốm mấy tháng , Vợ Chú lên cơn đau tim phải vào cấp cứu . Thôi ! Của đi thay người , chỉ mong gia đình nó đến nơi bình an . Nhưng rồi , tin đến chẳng bình an , anh con trai , con dâu và đứa cháu nội bị bão đánh chìm đâu đó ngoài biển sâu . Vợ Chồng Chú suy sụp hẳn , Chú vật vờ như mộng du , thương con , thương cháu đến đứt cả ruột . Một năm sau , không chịu thấu nỗi đau , không dằn nổi những cơn đau tim , Vợ Chú qua đời . Đến thắp nhang cho Thím , nhìn thấy mái tóc mới qua mấy đêm đã bạc trắng của Chú , chúng tôi xót xa cho bi kịch dồn dập đổ xuống gia đình của Chú . Cô con gái và chàng rể quấn khăn tang lo hậu sự , nước mắt vẫn lả chã nhưng trong đầu cũng đang tính chuyện mốt mai . Thế rồi khi tro cốt của Vợ Chú an vị ở Chùa , ngày cúng thất đầu tiên , hai vợ chồng cô con gái vẫn còn mang áo tang đề nghị với Chú : Má mất rồi , Ba tuổi đã lớn , ở đây 1 mình chẳng có ai chăm sóc gần gũi , gia đình mình giờ chỉ còn Con với Ba , Ba bán căn nhà này đi , cho chúng con mượn thêm , làm ăn bây giờ hơn nhau ở chỗ vốn nhiều mới mong thắng lớn , về ở với vợ chồng con , để con được săn sóc ba tuổi về già , lúc đau ốm , đỡ buổn lo , quạnh quẽ . Nghe đúng quá mà . Bây giờ chỉ còn mình nó , không ở với nó thì ở với ai ? Một mình giữ tiền chi cho nhiều , đưa cho chúng làm ăn , có phải là sinh lợi hơn sao . Nỗi buồn chưa lắng xuống , nên Chú Tư giao việc bán mua cho vợ chồng cô con gái , dọn về ở cùng con . Thế là cuối cùng , Chú chỉ còn độc ngôi nhà này .

Lúc đầu , ông Con Rể sắp đặt cho Chú ở lầu 1 , lên xuống cho dễ . Phòng này trước đây cháu ngoại của Chú ở , bây giờ nó dọn lên phòng trên . Phòng tiện nghi , có cửa sổ , có máy lạnh , giường nệm êm , Chú tự nghĩ thế cũng tốt , cũng là nhà của mình mà . Chú lại ra Chơi Chim với nhóm , dù không thường xuyên lắm . Tóc Chú trắng xoá , khuôn mặt buồn không còn vui vẻ như trước , nhưng hàng ngày vẫn dĩa bò kho bốn miếng thịt , ăn hai miếng đem về hai miếng cho hai con chó Fox bé tí tì ti .

Nhưng cuộc sống vẫn chưa yên . Hai vợ chồng cô con gái bắt đầu kiếm chuyện . Đầu tiên là mấy con chim . Trước đây ông con rể khi ra chỗ Chơi Chim thường xách lồng ra xe cho Chú , lặt cào cào cho chim ăn , hàng ngày phụ trách vệ sinh mấy lồng chim cho Chú . Bây giờ ông Con Rể ngạo ngược bảo chim cò bẩn cả nhà , trưa nghỉ 1 tí cũng không yên bởi tiếng hót lanh lảnh của nó . Chú Tư tắm chim , phơi nắng cho chim , hắn đi ngang đá lồng lăn lông lốc và bảo : chật chội , vướng víu quá ! Bực cả mình ! Đôi mắt Chú ngày càng buồn , miệng Chú càng ngày càng ít nói . Rồi từ lầu 1 , chúng dời Chú lên phòng sân thượng , ông con rể bảo cho Chú lên đấy để Chú tiện gần gũi với chim , để chim phía dưới mất vệ sinh , thức ăn rơi ruồi bu , kiến đậu , lông chim bay ảnh hưởng sức khoẻ của mọi người . Chú bằng lòng với sự sắp xếp của nó , dù mỗi lần lên xuống cầu thang , Chú phải nghỉ thở mấy lần . Hồi còn ở dưới , đến bữa cô người làm hoặc cháu ngoại còn lên mời Chú xuống nhà ăn cơm . Từ hồi lên trên này , chúng chẳng kêu , chẳng báo . Khi nào đói , Chú lặng lẽ lần mò xuống ăn . Thức ăn lỏng chỏng như đồ thừa , nhiều lần ngồi ăn , Chú rớt nước mắt . Chú thèm được 1 bữa cơm gia đình sum họp , đầy tiếng nói cười với những ánh mắt thương yêu . Mất hết rồi ! Chẳng tìm đâu thấy nữa . Hàng ngày , Chú xách lồng chim ra ngồi với chúng tôi chốc lát , đó là niềm vui còn sót lại trong ngày của Chú , Chú xem chúng tôi như người nhà , nên những chuyện buồn , bất hạnh của Chú , Chú đều kể cho chúng tôi nghe . Chú vẫn còn ăn món bò kho , nhưng không gói thịt về cho chó nữa vì chúng cũng đã bị cậu con Rể đá chết rồi .

Nghe tin Chú bệnh , nhóm chúng tôi đến thăm Chú . Bước qua cửa , chúng tôi được đón bằng cái nguýt dài của cô Con Gái , cái ánh mắt bực bội của chàng Con Rể . Chúng chẳng chào 1 tiếng , chẳng hỏi 1 câu làm chúng tôi ngỡ ngàng , sao con người biến đổi 1 cách lạ kỳ như vậy ? Chú Tư đón chúng tôi nơi phòng khách , kế bên cửa sổ nhìn ra sân , Chú không dám nhìn thẳng mắt ai , ánh mắt như muốn xin lỗi , ngượng ngùng . Ngồi chưa nóng đít , anh con rể vừa nhả khói thuốc vừa nói vọng vào từ ngoài sân : Ba đưa mấy Chú lên lầu , lát nữa tui có khách . Chú Tư nhìn ra , ánh mắt 1 thoáng như toé lửa , rồi hạ nhiệt ngay , cụp xuống đầy uất hận . Thấy không tiện , tụi tôi rút , ra về cũng không có 1 lời chào . Ai cũng chép miệng : Tội nghiệp Chú Tư . .

Cuối năm 92 , nhóm chúng tôi tản hàng , anh Ba cộng hoà đi HO chuyến áp chót , anh Nam mắt kiếng đi diện đoàn tụ gia đình , tôi bỏ dạy sau 1 màn ác chiến với tay hiệu trưởng vừa nhậm chức , tôi rời bục giảng , mở công ty , chen chân làm doanh nghiệp . Công việc bận rộn , chẳng còn thời gian đâu mà chim với cò , nên cũng chẳng có dịp để gặp Chú Tư Mạnh . Đôi khi gặp đám Chơi Chim ở Tao Đàn , hỏi thăm tin tức về Chú , có người bảo gặp , có kẻ bảo không , định bụng bữa nào ghé thăm Chú 1 bữa . Tình cờ 1 hôm đi qua nhà Chú , thấy người ta đập xây cao ốc mới , hỏi thăm mới biết nhà đã thay chủ , không biết  gia đình Chú dọn đi đâu , có người bảo đã đi hết ra nước ngoài . Tôi bặt tin Chú Tư từ đó , lòng vẫn mong chú khoẻ , hy vọng ở nước ngoài , có viện dưỡng lão , Chú được vào đó cũng đỡ khổ thân .

* * *

Tết Nguyên Đán năm 2005 , thay vì tổ chức thăm hỏi , tặng quà cho trẻ bị bệnh ở khoa Nhi bệnh viện Ung bướu như mọi lần , công ty chúng tôi đổi hướng đi đến thăm những người già ở nhà dưỡng lão Thị Nghè . Thấy các bé còn nhỏ đã mắc bệnh nan y , thương cho chúng chưa hưởng gì ở cuộc đời đã mang bệnh chờ chết , đau xót lắm . Nhưng dù sao các cháu khi bệnh , đứa nào cũng có mẹ , hoặc cha , hay ông hay bà thay phiên chăm sóc . Còn ở đây , trong thế giới người già , là nỗi cô đơn cùng cực . Hầu hết các cụ ở đây đều không có gia đình , người thân , hoặc bị con cháu bỏ rơi . Họ cô độc trong những ngày tháng cuối của cuộc đời , họ chờ đợi trong vô vọng những ánh mắt thương yêu của người thân , họ khát khao được nhìn mặt , cầm tay cháu con , nhưng không bao giờ toại nguyện . Họ chậm chạp trong sinh hoạt và chậm chạp đến lần với cõi chết . Những căn phòng ẩm ướt , những áo quần chẳng lành lặn , những gói , những bao không biết đựng gì để đầy trên giường , dưới chân  họ . Họ mừng khi thấy chúng tôi đến , họ vui khi nhận được quà , nhưng ánh mắt vẫn nặng trĩu nỗi muộn phiền . Ở cuối phòng , có 1 cụ già cứ lấy tay che mặt khi chúng tôi trao quà , tránh ánh mắt của tôi .

Tôi xong việc của mình , định ra , bỗng Ông Cụ buông tay , vươn cánh tay vẫy vẫy . Ông Cụ gầy gò , da bọc xương , hai xương vai nhô lên như hai mảnh nhọn , bụng trương lên như trống . Tóc lơ thơ rụng gần hết , mắt đục lờ với khuôn mặt nhăn nhúm , vàng khè . Trên khuôn mặt đó , tôi tìm thấy 1 nét quen thuộc của ai đó mình đã từng gặp trong đời . Tôi chưa nhớ ra .

Ông Cụ vẫn vẫy , tôi đi ngược trở lại và ông nắm lấy bàn tay tôi , nói nhỏ : Anh Ngọc phải không ? Có còn nhớ tôi không ? Tôi Tư Mạnh đây . Tôi giật mình , gai ốc bỗng rờn rợn , trời ơi ! Chú Tư Mạnh đây sao . Cuộc đời sao vậy trời . Sao Chú lại ở đây , sao Chú ra nông nỗi này ?

Tôi ngồi xuống ôm chặt lấy Chú , Chú cũng ôm tôi và Chú khóc , nước mắt ướt đẫm vai Tôi , và Tôi cũng khóc theo Chú . Hai người ôm nhau khóc 1 hồi , có Ông Cụ giường bên nhìn Tôi với ánh mắt chẳng có chút thân thiện : Con cháu , anh em gì mà bỏ rơi Ông Cụ mấy năm liền , giờ còn khóc lóc gì ? Chú Tư xua tay : Không phải , không phải đâu , người quen thôi mà .

Chúng tôi ra ngoài sân , ngồi trên ghế đá nói chuyện . Tôi hỏi Chú hay là mình qua bên đường uống cà phê . Chú gật , ánh mắt thoáng chút vui . Tôi xin phép cán bộ dẫn Chú ra ngoài . Hai chúng tôi băng qua đường , Chú đi khập khiễng , tôi phải dìu Chú đi . Tôi hỏi Chú muốn ăn gì không , Chú nhìn tôi , ngập ngừng : Tôi … thèm ăn dĩa bò kho … dĩa bò kho 4 miếng thịt và ổ bánh mì thật dòn . Tôi chảy nước mắt ngồi nhìn Chú ăn , Chú ăn ngon lành , miếng thịt trệu trạo trong cái miệng móm mém gần hết răng của Chú .

Và rồi Chú kể cho tôi nghe tại sao Chú có mặt ở đây mấy năm nay ,

Anh biết không , con Hiếu , con gái khốn nạn của Tôi , anh còn nhớ nó chứ ? Tôi đặt nó tên Hiếu mà nó bất hiếu ác nhơn . Nó lấy hết tiền của tôi rồi lừa cho tôi vào đây . Hồi đấy , sau cái lần tôi bệnh mấy anh em vào thăm , thấy chúng nó tồi tệ quá mức rồi , tôi chịu hết nổi nên nói với vợ chồng nó trả vàng cho tôi để tôi đi kiếm chỗ khác ở , dứt tình Cha Con . Nhưng chúng lật lọng , bảo chẳng nợ gì tôi . Tức quá tôi thưa , tôi còn đủ giấy tờ mà . Toà xử chúng phải trả nợ cho tôi . Chúng lần lửa mãi , và có trả tôi 1 lần 10 cây vàng , hẹn cuối năm thanh toán hết . Rồi bỗng dưng 2 vợ chồng nó thân thiện , săn sóc Tôi dữ lắm . Mua đồ này thức nọ cho tôi ăn , sắm áo quần mới cho Tôi mặc , đối xử với tôi rất nhẹ nhàng . Tôi nghĩ , thôi thì con mình đã biết suy nghĩ lại , gia đình , thân thuộc tôi chẳng còn ai , có đứa em trai thì bệnh ung thư chết mấy năm rồi . Làm Cha Mẹ phải biết tha thứ cho con . Được mấy tháng thì 1 hôm nó nói mời cả nhà đi du lịch Nhật Bản , Tôi vui lắm , hăm hở sửa soạn đồ đạc để đi đến 10 ngày . Nhưng đến phút chót , lấy cớ có việc bất ngờ , cả nhà nó ở lại , đành bỏ vé , nên tôi đi 1 mình . Đi du lịch cùng đoàn nên có bạn có bè cũng vui . Hôm đầu điện thoại về , còn nghe nó trả lời , hôm sau cũng còn , nhưng đến hôm thứ 3 thì gọi mãi không được . Tôi sốt ruột nhưng cũng đành chờ cho đến ngày cuối , do vậy chuyến du lịch bỗng mất vui . Nào ngờ khi về đến nhà thì cửa đóng im ỉm , bấm chuông mãi thì có người thò đầu ra nắng , cái mặt lạ hoắc . Hỏi anh ta là ai ? Anh ta hỏi vặn lại Tôi là ai ? Tôi bảo tôi là chủ nhà , anh ta cười hô hố bảo tôi điên , rồi bảo anh ta đã mua căn nhà này rồi , đừng có kiếm chuyện . Tôi như từ cung trăng rớt xuống , mồ hôi ra lạnh cả người và nằm thẳng cẳng giữa lề đường . Hàng xóm thấy vậy chở Tôi đi nhà thương , đến khi tỉnh , được mọi người kể mới biết gia đình nó đi Mỹ định cư cả tuần lễ nay rồi , ai cũng tưởng tôi đã cùng đi với chúng nó . Thế ra Nó lừa Tôi , Nó giả vờ thương yêu Tôi để Tôi mất cảnh giác , nó lừa Tôi đi du lịch để nó giao nhà và ra đi . Nó cướp hết số vàng mà vợ chồng Tôi cho nó vay . Nó khốn nạn thế đấy , nó mưu mô hiểm ác vậy đấy . Thế là Tôi trở thành kẻ vô gia cư . Còn ít vàng tôi để ở nhà , chắc nó cũng lấy đi rồi , tôi chẳng có cách nào để sống nên khi hết bệnh ở nhà thương , nhà-cầm-quyền đưa tôi vào đây ở mấy năm nay .

Tôi nghe mà bàng hoàng , không tin nổi nếu như không gặp Chú Tư ở đây . Tôi không ngờ trên đời lại có những đứa con như vậy . Rồi cuộc đời nó có an lành để sống không ? Con cái chúng sẽ nghĩ gì khi biết được cha mẹ chúng đã đối xử với ông chúng như thế ? Tôi thật sự khiếp hãi khi nhìn thấy con người ta vì đồng tiền mà bán cả lương tri .

Tôi khuyên Chú đi bệnh viện vì thấy Chú yếu quá , nhưng Chú bảo Chú không muốn chữa bệnh , Chú chỉ mong được đi mau để khỏi phải đau khổ và dằn vặt . Chú xin tôi 1 điều là gắng đến thăm Chú và khi nào Chú mất , làm ơn đem tro cốt của Chú để vào chùa cùng nơi với Vợ Chú .

Đó lại là lần cuối cùng tôi gặp Chú , Chủ Nhật sau tôi ghé Chú thì Chú đã đi rồi , trên tay tôi vẫn còn mang cặp lồng món bò kho 4 miếng thịt mà Chú ưa thích . Tôi lặng lẽ mang hủ tro cốt của Chú vào Chùa , làm thủ tục để cạnh hủ tro của Vợ Chú , từ nay 2 vợ chồng sẽ mãi gần nhau và Chú đi được vậy cũng là điều giải thoát cho 1 kiếp người . Mong Chú đến nơi không còn khổ đau , gian dối và lừa lọc . Mong Chú yên nghỉ nghe Chú Tư Mạnh .

Đỗ Duy Ngọc

Sunday, November 15, 2020

Xe lửa/vonat thời tôi đi học ở Hung

Hình ảnh lưu lại từ FB-csoport Hungarian Treasures

Azok a 70-es évek (Szocializmus hagyatéka)

Thursday, November 12, 2020

Từ Khải Hoàn Môn - Paris Nhớ Erich Maria Remarque

diadalív árnyékában là cuốn sách tiếng Hung đầu tiên mà tôi đọc. Tiếc là những cuốn sách tiếng Hung này quá ít, nên vốn liếng tiếng Hung của tôi vốn hẻo càng hẻo sau ngót 50 năm hầu như ko sử dụng.

TBT LÊ DUẨN ĐÃ “CHỈNH” THỦ TƯỚNG CHND TRUNG QUỐC “CHU ÂN LAI” NHƯ THẾ NÀO ?

 Trung Quốc đã trao đổi nhiều với Mỹ và ép buộc chúng ta phục vụ như là một con bài để mặc cả theo cách này. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua trận, ngay lập tức, họ sử dụng Trung Quốc để tạo điều kiện rút quân ở miền Nam Việt Nam. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này.

Trước khi Nixon đi Trung Quốc, mục đích chuyến đi của ông ta là giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách đó, để phục vụ lợi ích của Mỹ và giảm bớt thất bại của Mỹ, cũng như cùng lúc cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc về phía Mỹ. Chu Ân Lai đã đến gặp TBT Lê Duẩn. Chu Ân Lai nói với ông: 

“Lúc này, Nixon đến gặp tôi chủ yếu là thảo luận về vấn đề Việt Nam, do vậy tôi phải đến gặp đồng chí để thảo luận điều đó với đồng chí“.

Ông trả lời: 

“ Đồng chí, đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi không nghe theo đồng chí. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt. Việt Nam là của tôi - đất nước của tôi - hoàn toàn không phải của các đồng chí. 

Các đồng chí không có quyền nói về vấn đề Việt Nam và các đồng chí không có quyền thảo luận các vấn đề đó với Mỹ. Hôm nay, các đồng chí, chính tôi sẽ nói với các đồng chí điều mà thậm chí tôi chưa hề nói với Bộ Chính trị, rằng đồng chí đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng và vì thế tôi phải nói:

“Năm 1954, khi chúng tôi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ, tôi đã ở tỉnh Hậu Nghĩa. Bác Hồ đã điện nói với tôi rằng, tôi phải vào miền Nam để tập hợp các lực lượng ở đó và nói chuyện với đồng bào miền Nam về vấn đề này.   

“Tôi đi bằng xe tải vào miền Nam. Trên đường đi, đồng bào ra chào đón tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã giành chiến thắng. Đau đớn vô cùng! Nhìn đồng bào miền Nam, tôi đã khóc. Vì sau đó, Hoa Kỳ sẽ đến và tàn sát người dân một cách khủng khiếp.  Khi vừa tới miền Nam, ngay lập tức, tôi đã điện cho Bác Hồ để xin ở lại miền Nam và không trở lại miền Bắc để tôi có thể đánh thêm mười năm nữa hoặc hơn. 

“Đồng chí đã gây khó khăn cho tôi như thế này ( muốn nói đến vai trò của Chu Ân Lai trong việc chia cắt Việt Nam tại Geneva năm 1954 ) đồng chí có biết không“?

Chu Ân Lai nói: 

“Tôi xin lỗi đồng chí. Tôi đã sai. Điều đó tôi sai” 

Nguồn full: http://redsvn.net/bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-le-duan.../

Wednesday, November 11, 2020

Có phải là số phận

 KHÔNG CÓ GÌ LÀ SỐ PHẬN, TẤT CẢ CHỈ LÀ THỬ THÁCH, TRỪNG PHẠT HAY BÙ ĐẮP.

Voltaire

Monday, November 9, 2020

NGƯỜI BẮC ÂU: SỐNG ĐƠN GIẢN, ÍT HAM MUỐN VẬT CHẤT

 Người Bắc Âu được đánh giá là những người “biết sống” nhất trên thế giới này. Họ sống rất tự nhiên, đơn giản và hạnh phúc – chính là những điều mà con người hiện đại mong muốn hướng tới.

Để ý một chút, người ta nhận thấy, ở các quốc gia ở Bắc Âu đa phần không có nhà cao tầng to lớn, người dân ăn mặc rất mộc mạc, đi những chiếc xe cũ kỹ và ăn những món ăn đơn giản.

Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn vật chất để tâm linh an bình

Cứ sau 7 giờ tối, gần như trên các ngả đường đều rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa trụy lạc” vào ban đêm, cũng không có những dịch vụ cao cấp xa xỉ, kích thích thần kinh con người. Vậy, hạnh phúc của những người dân Bắc Âu đến từ đâu?

Người Bắc Âu thường xuyên nhắc đến cụm từ “Chất lượng cuộc sống”. Người Thụy Điển có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của cuộc đời bạn.”

Giữa: “Cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng” và “Cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái, sân vườn”, người Bắc Âu sẽ lựa chọn cái vế thứ hai bởi vì thứ mà họ muốn là “phẩm chất” (chất lượng) chứ không phải là “vật chất”.

Nếu sống luôn trong trạng thái vội vã, bận rộn, bạn có nghĩ rằng linh hồn của mình sẽ không theo kịp thể xác không? Người Bắc Âu lựa chọn cách sống “chậm một chút”, nhưng họ có thể tìm được hạnh phúc thực sự từ đây.

- Sống đơn giản – Giảm ham muốn vật chất, trở về với tâm linh yên bình

Hoàn cảnh thiên nhiên hà khắc khiến cho thói quen tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên ở Bắc Âu. Họ quan niệm rằng: “Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều.”

Cuộc sống đơn giản của người Bắc Âu rất dễ để người khác nhận ra. Nó thể hiện trong cách ăn mặc, không quan trọng là đắt hay rẻ nhưng cần phải phù hợp. Những phụ nữ 70-80 tuổi thường mặc áo khoác màu nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu phong cách nữ hoàng Anh. Nhìn họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm nhưng cũng không mất đi vẻ cuốn hút.

Ngoài ra, nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt rũ thơm tho đến cho em bé sử dụng. Điều này là rất bình thường và có vẻ như nó cũng trở thành một thói quen lâu đời của người Bắc Âu.

Nếu một anh chàng thanh niên, một ông lão hay một cô gái đang đi trên đường mà bất chợt gặp bạn bè, thì quán cà phê ở đầu đường hay cuối ngõ sẽ là lựa chọn đầu tiên của họ. Một cốc cà phê nồng nàn trong không gian tĩnh lặng sẽ khiến họ ấm áp và thân thiết hơn.

Đường ở một số quốc gia Bắc Âu thường hẹp, ở thành thị thì phần lớn nó không phải những con đường thẳng mà là những ngõ, hẻm.

Người dân nơi đây chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Rất nhiều người họ đều là đạp xe đạp đi làm. Bảo vệ môi trường đối với họ không phải là một loại “mốt” mà là một sự “cao thượng”.

- Hiệu suất cao – Làm việc để cuộc sống tốt hơn

Cả ngày nhàn rỗi, không làm việc gì và làm việc cả ngày từ sáng đến tối muộn là hai trạng thái mà người Bắc Âu không lựa chọn.

Công việc của họ không quá khắt khe về thời gian, họ có thể làm thêm được việc khác nhưng họ không chọn cách ấy mà sẽ ngồi uống cà phê với bạn hay đọc sách. Dù vậy, bạn đừng nghĩ rằng, người Bắc Âu suốt ngày chỉ biết uống cà phê nhé! Điều kiện tiên quyết để họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc là từ một thể chế phúc lợi do chính thái độ và hiệu suất làm việc của họ đem lại. “Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích hay không thích, bởi vì công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó”, đây là quan niệm của người Bắc Âu. Cho nên, đối với người Bắc Âu mà nói, công việc không phải là một loại “dằn vặt, giày vò”.

Vì đề cao năng suất, nên người Bắc Âu nghĩ mọi cách để sáng tạo, như vậy để họ có nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và cho gia đình. Nhìn vào số lượng giải Nobel hay những giải thưởng danh giá khác trên thế giới chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Có nhiều thời gian hơn, người Bắc Âu sẽ tận hưởng cuộc sống bằng các kỳ nghỉ. Người Bắc Âu nổi tiếng là những người yêu du lịch. Họ thường xuyên đi hưởng thụ, ngắm cảnh đẹp trong nước cũng như trên toàn thế giới.

-Yêu gia đình – vui chơi cùng con cái

Trong cuộc sống của người Bắc Âu, chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là họ sẽ cùng gia đình tận hưởng những ngày vui đùa bên nhau, cùng tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Người Bắc Âu rất đề cao giá trị gia đình, người chồng trong gia đình sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con.

Điều đầu tiên sau khi tan ca trở về nhà chính là mọi người giành thời gian cho gia đình. Họ cùng nhau nấu ăn, vui đùa, kể chuyện, có rất ít người ở lại bên ngoài. Cho dù là có muốn làm thêm thì họ cũng phải chọn thời gian để tránh ảnh hưởng đến gia đình.

Ví dụ, người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca vào lúc 3 giờ sáng bởi vì họ cho rằng buổi sáng ít nhất còn có người vợ ở nhà dùng bữa sáng cùng các con. Như vậy, người chồng sẽ chỉ bị mất đi khoảng 1 tiếng đồng hồ là thời gian gia đình gặp gỡ nhau ăn sáng. Làm thêm giờ vào buổi sáng sớm, nghe thì có vẻ khó tin, nhưng điều này lại cho các ông bố có thêm thời gian vào buổi tối để gia đình được ăn tối cùng nhau.

Một người cha tên là Fredrik nói: “Nếu như một ngày, tôi không nhìn thấy bọn trẻ, không kể cho chúng một câu chuyện, không hôn lên đầu chúng thì tôi không thể làm được bất cứ điều gì”

Họ cho rằng, khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là những đứa trẻ leo lên đầu gối và ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái trước khi đi ngủ. Họ cảm thấy khoảnh khắc ấy chính là một loại thành tựu, một loại hạnh phúc trong cuộc đời.

Đối với người đàn ông Bắc Âu mà nói, gia đình và con cái không phải là nền tảng giúp người đàn công tìm kiếm sự thành công, mà là một phần quan trọng nhất tạo nên chất lượng cuộc sống của họ.

AN HÒA (St)

Sunday, November 8, 2020

Vợ chồng và cuộc sống gia đình

 CHUYỆN ĐẠI SỰ...

Hồi mới cưới, sáng sáng hai vợ chồng đều nằm ôm nhau âu yếm trò chuyện. Vợ vẫn thường hỏi “Trưa anh thích ăn gì?”

Anh luồn tay vào áo vợ thủ thỉ “Anh chỉ thích ăn bánh bao thôi.”

Hồi vợ có bầu đứa lớn, tối nào trước khi đi ngủ anh cũng nằm xoa bụng vợ độc thoại mấy lời yêu thương.

Vợ vẫn thường làm mặt nũng nịu “Đêm anh thích ăn gì?”

Anh luồn tay vào áo vợ trêu chọc “Anh ăn chay thôi, cây nhà lá vườn bưởi vợ hí hí.”

Rồi con bé được 20 tháng, công việc lại bận rộn nên vợ thuyết phục bà nội cho cai sữa. Nhưng sáng sáng cái cảnh chồng thơ con mọn vẫn diễn ra như thường. Vợ đầu bù tóc rối vừa vội vàng thay đồ vừa nhắc đi nhắc lại những việc từ trong nhà ra ngõ.

- "Trưa anh thích ăn gì để em còn đi chợ?"

Anh nhìn vợ cười cười “Mướp xào.”

- “Mùa này làm gì có mướp, em có bầu đâu mà anh ăn dở vậy.”

- "Thì ngoài chợ không có mướp, anh ăn mướp nhà cũng được.”

Vợ nghe đến đó biết bị trêu đểu, liếc nhanh xuống ngực rồi hậm hực lườm một cái rõ dài.

- "Đây chỉ có mướp thôi chê mướp thì ra đường ăn phở đi nhé.”

Và thế ngày hôm đó vợ giận dỗi đình công cho hai bố con sáng mì tôm chiều phở nhưng đêm vẫn lại món “mướp xào”.

Rồi anh thấy vợ chăm chỉ bỏ heo, hỏi bỏ làm gì thì kêu chuyện đại sự không thể tiết lộ. Nhưng anh tình cờ thấy vợ bàn chuyện làm ngực với mấy chị đồng nghiệp . Các mẹ bỉm sữa, mẹ 1 con, mẹ 2 con, mẹ nào cũng hô hào khẩu hiệu “phải đẹp thì mới giữ được chồng, ngực phải nở mông phải cong…bla bla đến khổ.”

Mỗi ngày vợ bỏ heo 50k hôm nào nhiều thì được 100k, có hôm bỏ 10k mắt vẫn long lanh hy vọng.

Nhưng rồi vợ đẻ đứa thứ hai chi phí sinh hoạt nhân thêm,công việc của anh lại cần thêm chút tiền chạy vạy. Tối đó vợ đập heo, anh bảo để anh vay thêm bạn bè cũng được, heo em để lo chuyện đại sự của em, đừng đập.

Vợ lắc đầu “Em vẫn còn xoay sở được thì không để anh phải cầu cạnh bạn bè, nợ tiền nợ tình mình không trả được lại khó ăn nói với người ta.”

Đêm đó anh ôm vợ thủ thỉ “Thế còn chuyện đại sự của em thì sao?” . Vợ cười “Thôi để thằng út 2-3 tuổi em bỏ heo sau, giờ quan trọng là chồng thương em thôi, chuyện đó làm hay không làm cũng được.”

Ở với nhau thoáng cái đã hai mặt con nhưng chẳng nhớ bao lâu rồi anh mới lặng lẽ quay lại nhìn vợ, nhìn thật kĩ cơ thể của người đàn bà nơi mà người ta sẽ thấy sự hy sinh được cụ thể hoá trên từng đường nét.

Lần đầu tiên anh cảm thấy được sự mất mát, anh hiểu tại sao vợ không bật đèn khi chúng mình thân mật và không đứng trước gương quá lâu như lúc xuân thì. Anh hiểu tại sao vợ đầu đội trời chân đạp đất không kêu ca nhưng lại chỉ vì vài câu đùi voi ngực mướp là tủi lòng khóc lóc.

Vợ ơi, bưởi có giá của bưởi, mướp cũng có giá của mướp, chắc gì những người đàn ông tay cầm bưởi ngon mà giấc ngủ đã tròn. Có đáng không , khi vì vài phút đã mắt thích tay mà phản bội tình nghĩa phu thê, làm tổn thương người hy sinh cho mình cả một đời vô điều kiện.

Và thế là đại sự của phụ nữ, đại sự của những người vợ quay đi quẩn lại vẫn chỉ là chuyện chăm con giữ chồng, chuyện vun vén cho tổ ấm của mình được yên lành đi qua những ngày bão.

Và thế là đại sự của đàn ông, đại sự của những người chồng chính là đối đãi với người vợ làm sao để cô ấy luôn cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy hãnh diện bởi được trân trọng, trân trọng tình yêu, trân trọng sự hy sinh và trân trọng cả những cơ thể không còn được hoàn hảo theo năm tháng…

Sưu tầm.

( của anh Andy Trương )

Saturday, November 7, 2020

Lẽ đời

 NGHỆ THUẬT TUỔI GIÀ

Xưa nghe người ta nói

Thủ tương Chu Dung Cơ

Có IQ cao lắm.

Cao đến mức bất ngờ.

Vừa rồi ông có viết

Bản tổng kết khá hay

Về nhân tình thế thái.

Xin tóm lược thế này.

Tháng năm trôi nhanh lắm.

Chẳng mấy chốc đã già.

Giờ thanh thản nhìn lại,

Điểm những gì đã qua.

Qua một ngày, đơn giản

Là ta mất một ngày.

Nhưng nếu biết sống đúng,

Là ta lãi một ngày.

Tiền không phải tất cả,

Nhưng cũng không là gì.

Khi sinh ta chẳng có,

Chết cũng chẳng mang đi.

Đừng coi trọng nó quá,

Càng không nên ki bo.

Cần tiêu, cứ thoải mái.

Cần cho thì cứ cho.

Tiền mua được sức khỏe

Thì hãy mua cho mình.

Tiền mua được cái sướng,

Càng nên mua cho mình.

Kiếm được tiền đã khó.

Khó hơn - biết tiêu tiền.

Mình phải làm chủ nó.

Ngược lại sẽ rất phiền.

*

Những tháng năm còn lại

Được sống thì sống đi.

Vậy hãy sống vui vẻ,

Khổ hạnh mà làm gì.

Cần mặc thì cứ mặc,

Cần chơi thì cứ chơi.

Đừng sợ công nghệ mới.

Già, sống là nghỉ ngơi.

*

Suy cho cùng, tiền bạc

Là của cháu con mình.

Công danh là quá khứ.

Sức khỏe mới của mình.

*

Bố mẹ yêu con cái

Là vô tận, vô cùng.

Con cái yêu bố mẹ

Có hạn và chung chung.

Con tiêu tiền bố mẹ

Coi như chuyện đương nhiên.

Hiếm khi thấy bố mẹ

Ngửa tay xin con tiền.

Ngôi nhà của bố mẹ

Là ngôi nhà của con.

Nhưng ngôi nhà của con

Không phải nhà bố mẹ.

Xưa nay luôn vẫn vậy.

Bố mẹ suốt cả đời

Sinh con, nuôi con lớn,

Chỉ mong chúng thành người.

Mà không chờ báo đáp.

Coi như nghĩa vụ mình.

Ai mong chờ báo đáp

Là tự làm khổ mình.

*

Ngộ nhỡ mình đau ốm,

Biết trông cậy ai đây?

Đặc biệt khi ốm nặng,

Phải nằm viện dài ngày.

Vợ và con không thể

Lúc nào cũng ngồi bên.

Họ mệt mỏi, rốt cục

Phải nhờ cậy đồng tiền.

*

Bí quyết của thanh thản

Là triết lý thông minh:

Trên - lắm kẻ thành đạt.

Dưới - ít ai bằng mình.

*

Sống, phải lòng rộng mở,

Tốt bụng với mọi người.

Vui vì làm việc thiện.

Vui vì giúp được đời.

Giàu sang chỉ tạm bợ,

Rồi ai cũng xuống mồ.

Sống thị và sống tốt

Hơn ghế cao, chức to.

Đời có hay có dở,

Lúc sướng, lúc gian nan.

Gặp khó, cứ bình tĩnh

Và không quá cầu toàn.

*

Tuổi già là cái tuổi

Sẽ không thực sự già

Nếu ta biết có được

Một cách sống hài hòa.

Vui, không vui thái quá.

Không thái quá khi buồn.

Quá nhàn thành buồn tẻ,

Đau đầu vì quá ồn.

*

Đừng nghĩ già là hết,

Không còn nhu cầu chơi.

Hãy tìm trò thích hợp

Mà sống khỏe với đời.

Cả chuyện tâm, sinh lý,

Cả đối với người già

Cũng phải giữ đều đặn

Cho khí huyết lưu hòa.

*

Cái Sinh Lão Bệnh Tử

Là quy luật của trời.

Lúc phải chết thì chết,

Xứng đáng một con người.

Không cưỡng được số mệnh,

Nuối tiếc mà là gì.

Ta đặt dấu chấm hết

Rồi thanh thản ra đi.

Thai Ba Tan

Kádár-korszak: Tiền/học bổng thời sv

Friday, November 6, 2020

Con đường đã mất...

 Con đường xưa nhất Sài Gòn

Đường Tự Do (sau 1975 là đường Đồng Khởi), vào thời Pháp thuộc mang tên Catinat và ít lâu trước đó gọi là đường số 16. Con đường này đã có từ thời nhà Nguyễn khi lập thành Gia Định. Đầu con đường giáp với bờ sông Bình Giang (Sài Gòn), từng là nơi vua nhà Nguyễn đến nghỉ ngơi và… tắm (Bến Ngự). Dân chúng hầu như ai cũng biết đến con đường này. Đó là nơi sinh hoạt của giới thượng lưu Sài Gòn.

Có rất nhiều tài liệu và hình ảnh về đường Catinat qua các thời kỳ do người Pháp và người Mỹ ghi lại đủ biết con phố này rất ấn tượng như thế nào! Tác giả Nguyễn Tiến Quang tại Pháp ghi nhận: “Pallu de la Barrière, một trong những người Pháp đầu tiên, đã miêu tả con đường số 16 này vào năm 1861, như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình…”. Tính cách quan trọng của con đường Catinat thể hiện ở chỗ nó được thực dân Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa.

Theo một số sử liệu, Catinat là tên một Thống chế Pháp sinh năm 1637 và mất năm 1712, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến từng tham gia trận đánh Sài Gòn năm 1859 và dựa vào chi tiết này, De La Grandière đặt cho con đường số 16 tên Catinat (trường hợp tương tự cũng xảy ra với rạch Thị Nghè, được Pháp gọi là Arroyo d’Avalanche).

Năm 1864, Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de  L’Intérieur), người dân đương thời gọi là “Dinh Thượng Thơ”, được xây dựng, nhìn ra đường Catinat, phía đối diện dinh Thủy sư Ðề đốc. Viên chức lãnh đạo cơ quan này, xét về mặt cai trị, chỉ xếp sau Thống đốc Nam Kỳ, trực tiếp chỉ huy các tham biện Pháp và quan lại Việt Nam cấp huyện, phủ, đốc phủ sứ. Ðầu thập niên 1880, ngay trên lộ trình con đường chạy qua, mọc lên ngôi nhà thờ Notre Dame, về sau được cư dân Sài Gòn gọi là Nhà thờ Ðức Bà hay Vương Cung Thánh Ðường. Sau lưng nhà thờ là đường Norodom, lấy tên ông hoàng xứ Cambodge (Campuchia) đến thăm Sài Gòn vào đầu năm 1867, nhân cuộc đấu xảo canh nông đầu tiên tổ chức tại đây.

Năm 1886, Pháp khởi công xây trụ sở Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện) trên khu đất đối diện với mặt tiền nhà thờ, nằm giữa con đường Catinat và đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối đường Catinat, có một tháp nước cao, được xây dựng năm 1878 nhằm cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, đến năm 1921, với sự phát triển của dân cư, tháp nước này không đáp ứng được yêu cầu nên bị đập bỏ. Ngày 1-1-1900, nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là Lê Lợi) và Catinat, trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của những đoàn hát từ phương Tây đến.

Ðường Catinat thuở ban đầu kéo dài tới đường Mayer (Hiền Vương/Võ Thị Sáu). Khi qua giao lộ với đường Norodom (Thống Nhất/Lê Duẩn) thì gọi là Catinat prolongée (Catinat nối dài). Sau khi Pháp đặt tháp nước và thành lập quảng trường Thống chế Joffre thì đoạn đường này mới đặt tên lại là Blancubé và Garcerie. Cuối cùng đường Catinat còn dài 630 mét, từ đầu đường Bến Bạch Ðằng đến Vương Cung Thánh Ðường là kết thúc.

Trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, xuất bản năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong miêu tả đường Catinat như sau:

                                “Nhứt là đường Ca-ti-na

                                  Hai bên lầu các, phố nhà phân minh,

                                   Bực thềm lót đá sạch tinh,

                                   Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều,

                                    Máy may mấy chỗ quá nhiều,

                                     Các tiệm tủ ghế dập dìu phô trương,

                                      Ðồ sành, đồ cẩn, đồ đương,

                                      Ðồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi…

                                       Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,

                                        Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son (xoong),

                                         Phong lưu cách điệu ai bằng,

                                          Ðường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa,

                                           Thứ năm, thứ bảy, thứ ba,

                                            Với đêm chúa nhựt hát nhà hát Tây…”.

Qua miêu tả trên, ta thấy hình ảnh nhộn nhịp của phố Catinat đã hoàn chỉnh từ những năm đầu của thế kỷ 20, nếu so với các con phố thương mại trung tâm như Charner (Nguyễn Huệ) Bonard (Lê Lợi). Ngoài những khách sạn, nhà hàng có từ thuở ban đầu, tạo nên một hình ảnh Á Ðông, từ năm 1954 về sau, các văn phòng, hiệu buôn, khách sạn, nhà hàng bắt đầu thay đổi hình dạng theo kiểu kiến trúc tân thời, không còn lưu lại nét cổ xưa riêng biệt.

Giới văn phòng, văn nghệ sĩ, thương gia đã làm nên cái trục “văn hoá không tên” qua ba địa điểm café, nhà hàng thường lui tới. Ðó là Givral – La Pagode – Brodard, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.

Một là nhà hàng Givral ngay góc đường Tự Do và Lê Lợi. Xưa kia nguyên là tiệm thuốc Tây đầu tiên ở Sài Gòn. Cũng theo tài liệu của Nguyễn Tiến Quang, tiệm khai trương năm 1865, chủ nhân là Lourdeau, sau làm Xã trưởng Sài Gòn (1870). Ít lâu sau, hiệu thuốc được giao lại cho Holbé, tiến sĩ dược khoa, một nhân vật khá nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa, từng làm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (Conseil colonial de la Cochinchine). Holbé từng điều chế ra một loại biệt dược có tên “Gouttes Holbé” dành cho những tay nghiện á phiện cai nghiện. Về sau, nhà thuốc Tây về tay Renoux, rồi Solirène và mang tên vị chủ nhân này trong một thời gian dài, trước khi bị thay thế bởi nhà hàng Givral.

Nhà văn Văn Quang (Nguyễn Quang Tuyến) ghi lại hồi ức của mình: “Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Phóng viên trẻ thường tụ tập ở nhà hàng này vì nó ở ngay trước trụ sở Hạ nghị viện, các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và “thảo luận” đủ thứ chuyện bên lề. Và chuyện bên lề bao giờ cũng hấp dẫn hơn chuyện trong nghị trường. Chuyện “bí mật quốc gia, chuyện phe nhóm, gia nô và không gia nô, chuyện tình bà nghị ông nghị…” cứ nghe mấy ông này là có đủ tin giật gân trong ngày. Cánh phóng viên thường bắt mối rất chặt chẽ với các ông bà dân biểu và nghị sĩ thượng hạ nghị viện. Thật ra họ có quyền lợi hỗ tương: anh cho tôi tin, báo tôi yểm trợ lập trường của anh. Trong số những phóng viên, ngoài người Việt Nam còn có một số phóng viên người Mỹ, Pháp từ khách sạn Continental trước mặt ghé sang. Hoặc cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây”.

Hai là nhà hàng La Pagode nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do. Nhiều người rất nhớ khung cảnh của nhà hàng cà phê La Pagode mà mình lui tới. Nhà văn Văn Quang nhớ lại: “Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Ðạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Ðình Toàn…”.

Cuối cùng là quán café Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp. Bên kia đường là vũ trường Tự Do của ông Cường lùn và chị “tài pán” Nhựt. Bà chị này hành nghề cai quản các em từ vũ trường Ritz Hà Nội vào Nam. Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những “anh hùng hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính Tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các đại gia, tiểu gia thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, doanh nhân có xế bốn bánh đủ để chở các em đi ăn đêm.

TN.

Nguồn: Ly Lê 

Classical architecture: Patio

 Andalusian patios are central open spaces in the courtyard houses of Al-Andalus (Spain). The stone patios are an architectural evolution of the Roman atrium.

(Wikipedia)

Ảnh: from DiscoverImages.com

Thursday, November 5, 2020

Bên dòng sông xanh

BlueHour

Nếu đó là quê hương?

 A father said to his daughter “You have graduated with honors, here is a car I bought many years ago. It is a bit older now. But before I give it to you, take it to the used car lot downtown and tell them I want to sell it and see how much they offer you for it. 

The daughter went to the used car lot, returned to her father and said, “They offered me $1,000 because the said it looks pretty worn out.” 

The father said, now “Take it to the pawn shop.” The daughter went to the pawn shop, returned to her father and said,”The pawn shop offered only $100 because it is an old car.” 

The father asked his daughter to go to a car club now and show them the car. The daughter then took the car to the club, returned and told her father,” Some people in the club offered $100,000 for it because it’s a Nissan Skyline R34, it's an iconic car and sought by many collectors” 

Now the father said this to his daughter, “The right place values you the right way,” If you are not valued, do not be angry, it means you are in the wrong place. Those who know your value are those who appreciate you......Never stay in a place where no one sees your value.

Never!

Địa chỉ & kỷ niệm ko quên trong ký ức: Khách sạn Tròn/Körszálló

Fél évszázadnyi történetet, rengeteg betont és az egyik legszebb fővárosi kilátást rejti a Szilágyi Erzsébet fasornál tornyosuló Hotel Budapest. A szocialista presztízsberuházásként 1967-ben épült Körszálló nemcsak a szocializmus egyik legmenőbb hoteljének számított, de a kor éjszakai életét is meghatározta: budai aranyifjak, nyugati diplomaták, sportolók, hírességek mulattak és szálltak meg itt. Kelet és nyugat találkozott.

Address: Budapest, Szilágyi Erzsébet fasor 47, 1026 Hungary

(trích từ We Love Budapest)

1975 (Ảnh: Hungarian Treasures)

Hiện tại: View 1

Hiện tại: View 2

Entrance

Wednesday, November 4, 2020

Thời kỳ quá độ: Tiến tới 1 xh văn minh nhất Quả Đất

Thời bị chê là hủ lậu/phong kiến, đến trường "tiên học lễ hậu học văn", người đời bảo nhau: "Giấy rách phải giữ lấy lề", "Đói cho sạch rách cho thơm"... cái gì ăn, cái gì cúng phải đâu ra đấy.

Nay đổi mới, đến đời 'đớp đểu ăn dày', người đời chẳng ai bảo ai, đua nhau bon chen chụp giật, ăn chẳng chừa thứ gì, từ đồ ăn đồ cúng đến cả ...đồ thờ.