Tuesday, November 3, 2020

Quan chức, lãnh đạo có cần bằng cấp từ thạc sĩ trở lên?

 Mấy hôm nay buồn lo nhiều khi thấy cảnh đồng bào miền Trung gian nan với bão, lụt. Thiên tai nầy trầm trọng hơn ngày xưa một phần là do hậu quả của tình trạng phá rừng và việc xây dựng các  dự án thuỷ điện không đúng theo quy hoạch bảo vệ rừng. Được biết nhiều chính quyền địa phương thiếu các chuyên gia chuyên môn sâu về thuỷ điện, về môi trường. 

  Hôm nay đọc tin thấy báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho biết có 67/67 (100%) đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đã bầu được 3.330 nhân sự cấp ủy. Đặc biệt tôi chú ý thông tin có 66,7% cấp ủy viên có trình độ thạc sỹ trở lên. Ban Tổ chức TƯ và nhiều tờ báo đăng tin đã dùng tiêu chí nầy để đánh giá là chất lượng của cán bộ cấp ủy rất cao, cao hơn kỳ trước 23 điểm phần trăm. 

   Đọc tin nầy tôi thấy buồn. Buồn là ở VN vẫn xem bằng cấp trên đại học là tiêu chí để đánh giá cán bộ, một suy nghĩ sai lầm mà chỉ ở VN mới có. Hơn nữa, nhiều người, kể cả tôi, đã nêu vấn đề nầy từ mấy chục năm trước mà vẫn không thay đổi.  Con số 66,7% là vô cùng lớn. Ngay tại một nước tiên tiến như Nhật, con số tương ứng có lẽ chỉ độ vài phần trăm!

    Cách đánh giá cán bộ như ở ta chỉ làm cho văn bằng giảm giá trị, làm cho tệ nạn chạy theo bằng cấp trầm trọng hơn. Ở các nước khác, cán bộ quan chức cấp cao hay cấp lãnh đạo chỉ cần tốt nghiệp đại học, và trong quá trình công tác phải thường xuyên tự (hoặc được) bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn trong lãnh vực mình phụ trách. 

    Ở VN thạc sĩ, tiến sĩ quá nhiều trong khi chuyên gia về các lãnh vực (như thủy văn, môi trường nói ở trên) thì thiếu hụt nhiều. 

   Nhân đây tôi đề nghị các nhà báo khi nói về các lãnh đạo hay quan chức chỉ nên nói chức vụ của họ (Bí thư, thứ trưởng, vụ trưởng, v.v..), không nên thêm Tiến sĩ... dù họ có học vị ấy vì học vị ấy chẳng liên quan gì đến công việc lãnh đạo hay quản lý của họ.

Trần Văn Thọ

No comments:

Post a Comment