Wednesday, January 31, 2024

Sống & Lựa chọn của tôi!

 DÙ BẠN LÀ AI CŨNG ĐỪNG BỎ QUA BÀI VIẾT NÀY

1) Lòng tin là thứ một khi đã chết đi thì khó trở lại ban đầu. Vì vậy hãy sống đúng ngay từ đầu bởi vì trường học có bút xóa nhưng Trường đời thì không?

2) Đừng nghĩ về quá khứ nó chỉ mang đến những giọt nước mắt. Đừng nghĩ nhiều về Tương lai nó chỉ mang lại sự lo sợ. Sống ở hiện tại với nụ cười trên môi như trẻ thơ. Nó sẽ mang lại niềm vui cho bạn

3) Cuộc đời vốn chẳng có thứ gì hoàn hảo, nhưng mỗi người đều có nét đẹp riêng, thiên tài là mỗi người tìm ra cho được nét đẹp riêng cho chính mình và toàn thiện nó

4) Cuộc sống có ba cái đừng

-Đừng hiền quá để người ta bắt nạt

-Đừng ngốc quá để người ta đùa giỡn

-Đừng tin tưởng quá để người ta lừa dối

5) Cuộc đời ngắn lắm nên đừng lãng phí thời gian của mình với những người không có thời gian dành cho bạn

6) Con người được tạo ra để được yêu thương. Vật chất tạo ra để được sử dụng. Nhưng vì một lý do nào đó Vật chất được yêu thương, Con người lại bị lợi dụng

7) Đá có thể mòn huống chi là lòng người thay đổi trước sau âu cũng là chuyện thường tình. Duyên là do người giữ. Hết thương rồi có cố mãi cũng bằng không

8) Đồng xu có hai mặt nhưng chỉ là một mệnh giá con người chỉ có một mặt sao lại sống hai lòng

9) Làm người nhất định phải có lương tâm, nhất định không được quên người từng giúp đỡ bạn, nếu không bạn sẽ càng ngày càng ít bạn bè, đường đi càng hẹp

10) Ngay cả ngõ cụt cũng là điểm xuất phát nếu bạn biết quay lưng

11) Có những người họ quên những lần ta giúp đỡ. Nhưng sẽ nhớ mãi một lần ta từ chối họ

12) Quan tâm nhiều quá đồng nghĩa với làm phiền. Yêu thương nhiều quá người ta lại không biết trân trọng

13) Dựa vào núi hóa thành vôi

Dựa nước, nước chảy ra biển đông

Dựa người, người đối thay lòng

Chỗ dựa chắc chắn chỉ trong chính mình

( Nhà thơ:Nguyễn bảo Sinh)

14) Có hai sai lầm lớn trong cuộc sống. Một là sống cho người khác coi. Hai là coi người khác sống. Thật ra chỉ cần bản thân Hạnh phúc là được. Đừng mãi tìm vào người khác mà sai đi con đường dưới chân mình

15) Bạn có tốt bao nhiêu thì vẫn có người ghét bạn. Đó là điều không thể tránh khỏi

16) Người quan tâm đến tôi. Tôi sẽ quan tâm lại gấp bội

Người không quan tâm đến tôi, bạn dựa vào cái gì mà bảo Tôi tiếp tục. 

Sưu tầm từ net

Tuesday, January 30, 2024

Lan man về cuộc sống

 XUÂN VỀ HUYÊN THUYÊN “SỐNG - CHẾT”

Trên đời có điều gì đáng sợ hơn cái chết? Đối với một số người, nỗi sợ sống còn vượt xa nỗi sợ chết. Họ sống mà như bị hành xác, cơm không no, áo không ấm, thức khuya dậy sớm vì nuôi sống một gia đình mà vật lộn với mưa gió giá rét nơi đầu đường xó chợ. Tối qua đi ăn tối, nhìn thấy cảnh một phụ nữ bới rác tìm ve chai nhưng khuôn mặt thì rõ ràng trí thức, lão xúc cảm đến gần hỏi chị nhà ở đâu, đôi mắt buồn có vẻ e lệ, chị nói ở bãi Phúc Xá, tâm sự thêm chút ít chị thổ lộ chị là giáo viên lương không đủ ăn, chồng mắc bệnh, tối đến đạp xe khắp thành phố tìm giấy vụn bìa carton ve chai kiếm thêm, không dám đi ban ngày và gần nhà, sợ người quen và học sinh nhận ra. Chị nói:”Sống mà khổ quá anh ạ”. Lão móc trong túi biếu chị ít tiền, chúc chị gắng vượt qua mọi gian nan cuộc đời. Quay lưng đi mà câu nói “Sống mà khổ…” cứ quay cuồng trong đầu lão già khờ dại…

Với rất nhiều hoàn cảnh tương tự, họ sống chỉ vì phải sống, cái sống ấy còn đáng sợ hơn cái chết. Cái chết không đáng sợ, nó chỉ là sự trở về nhà theo đúng nghĩa. Con người đến từ thế giới hư vô và cuối cùng trở về thế giới hư vô. Chẳng có gì đáng sợ cả, bởi vì được về nhà, về nhà sao lại sợ? So với cái chết, sống là điều đáng sợ hơn, phải trưởng thành, bị vứt vào xã hội, hứng chịu biết bao nhiêu gian khổ và thử thách cùng bệnh tật…mấy người được may mắn, sóng yên biển lặng, dù anh có tiền của nhà lầu xe hơi nhưng cũng không tránh khỏi sinh ly tử biệt, kết quả đến với mọi người đều như nhau, hai tay buông thõng, trở về cái nơi mà mình đã từ đó đi ra và không hiểu tại sao mình lại sống?  Hay chỉ đến lúc chết chúng ta mới hiểu được mình sống để làm gì?

Có người nói, ai rồi cũng phải chết, vậy nên tại sao chúng ta không làm điều mình thích? Vậy có kẻ thích giết người thì sao? Có kẻ lại thích nghiên cứu virus gieo họa cho nhân loại? Có kẻ thích trộm chó, kẻ thích trộm xe? Họ nói, họ thích làm những gì họ muốn! Có vẻ như họ đã ngộ ra được sống phải làm những điều mình thích…kkk

Vì vậy, xã hội cần có trật tự, quy tắc, đạo đức, và pháp luật để kiềm chế những con người chưa thực sự giác ngộ, để xã hội này có thể hài hòa tiến lên, cho đến một ngày con người có thể sống đơn giản và hạnh phúc không có cướp bóc, ích kỷ, tham lam và si mê, mọi người có thể no cơm ấm áo, sống trong hòa bình và sống hạnh phúc, để không còn sợ sống mong chết.

Khi bạn hiểu rõ vấn đề của sự sống thì cái chết sẽ không còn đáng sợ nữa. Điều đáng sợ hơn cái chết có lẽ là sinh ly tử biệt mà người còn sống là mình. Người đi nhắm mắt xuôi tay, “lạnh lùng” ly biệt, để lại người ở đau lòng vật vã tiếc thương vô bến bờ. Thực ra, nhiều khi chết là một phương cách giải thoát, chết cũng giống như ngọn đèn hết dầu thì tắt, cuối cùng mọi thứ đều trở về cát bụi.

Con người khi sống phải trải qua quá nhiều gian khổ, lão quen biết một đại ca,  anh ta là người rất lạc quan, vui vẻ, nhưng vợ chồng anh đều mắc bệnh tim nặng, có lần đi bệnh viện thì anh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày, nhưng anh vẫn lạc quan trong cuộc sống, chỉ không còn thích cười đùa như trước nữa. Đại ca bắt đầu một chặng đường dài chữa trị, nhưng quở bất đơn hành, vợ anh hàng ngày đến viện chăm sóc anh, một hôm về nhà đang tắm thì bệnh tim phát tác ngã và chết trong bồn tắm, mãi đến tối con gái anh về nhà mới phát hiện. Đại ca sau khi biết tin dữ, đau lòng vô hạn, anh tự trách mình và quyết định từ bỏ điều trị, mọi người dù có thuyết phục thế nào anh cũng không đồng ý, trong vòng nửa năm anh cũng ra đi. Điều đáng thương là con gái của anh trong vòng chưa đầy một năm mất cả bố lẫn mẹ. Người đi thì đã đi rồi, nhưng người sống mới là người đau khổ. Lão thường nghe một số người nói rằng họ không sợ chết, nhưng sống cần có dũng khí hơn là chết, đối với những người đang chịu sự dằn vặt đau khổ của đời thì không có gì đáng sợ hơn là sống. Bởi vậy cuộc sống cần thương yêu đùm bọc lá lành đùm lá rách. Điều này dân Việt Nam chúng ta làm rất xuất sắc. Cô Tấm mấy ngày nay đều lặng lẽ lái xe chở những gói quà Tết đi phát cho những gia đình mà cô biết họ đang rất khó khăn để có tiền đón Tết. 

Cuộc sống đối với họ mệt mỏi lắm. Thân xác mệt mỏi, tinh thần cũng mệt mỏi. Một sự mệt mỏi mà cả đời không thể nào thoát khỏi ra được. Khi bạn bình tĩnh và suy nghĩ kỹ, tại sao con người sống lại cảm thấy mệt mỏi? Theo lão, không ngoài hai lý do. Một trong những nguyên nhân là ham muốn của họ ngày càng lớn, muốn nhiều thứ hơn, họ nhìn thấy bạn bè có gì họ muốn có nấy, muốn xe sang, muốn nhà cao cửa rộng, muốn ăn ngon mặc đẹp…và họ lao vào một guồng máy đè nén họ nhanh chóng làm giàu, họ như con ong không đầu đâm đầu tứ tung vào những nơi có hương hoa để tìm mật nhưng vẫn chưa đạt được những điều họ ham muốn, rồi một ngày họ thấy chán nản, mệt mỏi, nghĩ rằng cuộc sống sao mệt mỏi.

Một nguyên nhân nữa là trách nhiệm bạn gánh trên vai quá nặng nề, bạn cảm thấy mình không chỉ phải có trách nhiệm với bản thân mà còn với những người thân, bạn bè xung quanh để họ sống ngày càng tốt hơn. Có trách nhiệm là có áp lực, quá nhiều áp lực sẽ khiến con người cảm thấy mệt mỏi.

Trên thế giới này, con người không thể nào sống mà không mệt mỏi, thậm chí thở cũng mệt? Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn mức độ mệt mỏi của mình, quãng đời còn lại không dài nên đừng sống quá mệt mỏi.

Tất cả những người cho rằng cuộc sống mệt mỏi như trên đã nói, ngoài gánh nặng tham vọng là gánh nặng trách nhiệm, khi một người có thể kiềm chế tốt tham vọng của mình mà vẫn cảm thấy rất mệt mỏi, thì có thể nghĩ xem liệu mình có gánh chịu quá nhiều trách nhiệm mà nhẽ ra mình không gánh nổi. Những thứ không gánh nổi loại ngay ra khỏi tư tưởng của mình, làm những thứ mình có thể và học thuộc câu “Tri túc thường lạc”, như vậy áp lực bớt đi, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. 

Đoc một thông tin có nội dung: "Trên hành tinh này, con người chỉ có thể cảm nhận được khoảng 4% thế giới và 96% còn lại ngũ quan của chúng ta hoàn toàn không cảm nhận được.” Ví dụ, ta chỉ nhìn thấy một độ dài của sóng điện từ có hạn. Thính giác của con người chỉ có thể nghe được sóng âm từ 20 đến 20.000 Hz. Nhiều thứ như ion cực nhỏ, vật chất tối, v.v.. Con người không thể cảm nhận trực tiếp bằng ngũ quan mà chỉ có thể chuyển đổi thành các dạng trừu tượng hoá để ngũ quan của con người cảm nhận được. 

Còn nhiều điều chúng ta cần phải cảm nhận bằng lòng tin, chẳng hạn như tình yêu và chân lý. Đối với những vấn đề như có linh hồn, quỷ thần, hay tại sao lại có sinh mệnh? Đường sau cái chết là gì? Ý nghĩa của sự sống và động lực để sống? Thông qua tự tìm hiểu và trải nghiệm rồi dựa vào niềm tin để duy trì lập trường của mình.

Xin chia sẻ một câu chuyện về Newton. Newton là một người theo đạo Cơ đốc, rất sùng đạo tin Chúa. Ông có một người bạn cũng là một nhà khoa học vĩ đại, nhưng ông ta không tin Chúa.

Edmond Halley là bạn của Newton và là nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh, ông đã tính toán quỹ đạo của sao chổi Halley và không tin rằng tất cả các thiên thể trong vũ trụ đều do Chúa tạo ra. Có lần, Newton dựng lên một mô hình hệ mặt trời, ở trung tâm là một mặt trời dát vàng, các hành tinh xung quanh được sắp xếp ngay ngắn theo vị trí tương ứng, khi ông kéo tay quay, các hành tinh lập tức chuyển động hài hòa theo quỹ đạo riêng của chúng, hình tượng rất đẹp đẽ. Một hôm, Harley đến thăm và nhìn thấy mô hình này, ông chơi một hồi lâu và kinh ngạc hỏi ai đã tạo ra nó. Newton trả lời rằng mô hình này không phải do ai thiết kế và chế tạo mà được hình thành do sự va chạm ngẫu nhiên của nhiều vật liệu khác nhau. Harley nói rằng dù sao thì chắc chắn phải có ai đó đã làm ra nó và đó là một thiên tài.

Lúc này, Newton vỗ nhẹ lên vai Halley nói: “Mô hình này mặc dù rất tinh xảo, nhưng cũng chẳng là gì so với hệ mặt trời thực sự. Nếu bạn vẫn tin rằng nhất định phải có ai đó đã chế tạo ra nó, thì liệu bạn có tin có một hệ mặt trời còn tinh xảo hơn hàng tỷ lần so với mô hình này được tạo ra với trí tuệ cao độ của đấng toàn năng hay không" Harley đột nhiên ngộ ra và cuối cùng ông cũng tin vào sự tồn tại của Chúa. 

Dùng lời của các nhà khoa học hàng đầu để mở mang cho các bạn còn chưa tin vào đấng tối cao.

Một ngày nọ, khi Albert Einstein đang trò chuyện với bạn bè, có người hỏi Einstein rằng liệu có một vị thần nào trong vũ trụ hay không. Einstein mỉm cười và chỉ vào bánh quy và cà phê trên bàn và hỏi tại sao cà phê và bánh quy lại ở trên bàn?

Người kia đáp, đương nhiên là có người đặt lên bàn, hỏi sao lạ?

Einstein sau đó trả lời: “Nếu bạn nghĩ kỹ thì ngay cả những đồ vật đơn giản như bánh quy và cà phê trên bàn cũng cần có sức lực của ai đó để điều khiển chúng và đặt chúng lên bàn, huống hồ mọi sự sắp đặt trong vũ trụ”.

Nếu bạn nhìn lại vũ trụ chúng ta đang sống.

Có khoảng 200 đến 400 tỷ ngôi sao tương tự như mặt trời của chúng ta, và trong vũ trụ có từ 200 đến 400 tỷ tinh hệ tương tự như Dải Ngân hà mà chúng ta có thể quan sát được. Đây chỉ là vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được theo khoa học công nghệ hiện đại, ngoài vũ trụ vượt tầm quan sát được còn có vô số các hành tinh khác.

Nếu bạn nghĩ kỹ, có rất nhiều hành tinh đang chuyển động đều đặn một cách có quy luật và không va chạm vào nhau thì sức mạnh nào điều khiển chúng?

Qua sự hiểu biết về đấng tối cao và trải nhiệm cuộc sống lão nhận thấy ý nghĩa của cuộc sống là sống theo ý bề trên đã sắp xếp và đừng cưỡng lại. Khi mối quan hệ với thần linh đúng đắn thì mối quan hệ với người, sự vật cũng sẽ trở nên đúng đắn. Nếu mọi người đều tin, thì mọi đau khổ và tội lỗi trên thế gian cũng sẽ biến mất, chẳng hạn, bạn biết được lòng hiếu kính cha mẹ, biết thật lòng yêu thương người khác và bản thân mình, biết được không làm những việc mà luật pháp không cho phép và những việc làm xúc phạm đến thần linh. 

Bởi vì chỉ có Thượng đế mới có thể thỏa mãn sự trống rỗng trong lòng và mọi nhu cầu của xác thịt, chỉ có Thượng đế mới là sự hoàn hảo và vĩnh cửu của tình yêu và chân lý, và chỉ có Người mới ban cho bạn hạnh phúc và sức khoẻ. Dù tôn giáo của bạn là gì, nhưng chỉ cần biết rằng, có một Thượng đế và muôn vàn vị thần linh trên đầu chúng ta, đang dõi theo từng hành động, từng sự suy nghĩ của chúng ta, chúng ta phải sống theo đạo đức con người, dù đau khổ, dù còn khiếm khuyết hay còn phải trải qua muôn vàn thử thách cũng cắn răng vượt qua và không được bỏ cuộc. Đó chính là sự sắp đặt và có thể gọi là trò chơi của đấng tối cao mà chúng ta không nên cưỡng lại. 

May thay cho các bạn, có một gã phù thủy hiểu được âm dương ngũ hành, hiểu được trò chơi của các vị thần mà luôn viết bài ám thị cho các bạn, lại còn bầy đặt ra thư pháp truyền năng lượng, bùa Thái tuế tránh tai ương. Bạn nào tin thì dùng, không tin cũng đừng cười, khộ lão…kkk

Thực ra, nhiều khi chết là một sự giải thoát, chết đi cũng giống như ngọn đèn hết dầu thì tắt, cuối cùng mọi thứ đều trở về cát bụi. Nhưng chết cũng phải có giờ, ông giời chưa cho chết mà tự ý chết là mang nặng nghiệp. Hãy cứ hiên ngang sống ở trên đời có lão PP là bạn đời cũng sướng chứ khổ đâu mà khổ…kkk

PP

Monday, January 29, 2024

Đi chơi ngày xuân

 Chùa Tầu

Năm nay coi bộ có lòng thành. Đầu năm đi được mấy chùa, chùa Việt xong đến chùa Miên, giờ đến chùa Tầu. Ngày xuân nhìn thiện nam tín nữ cung kính chắp tay... tui thấy lòng vui vẻ, ngắm hoa trang trí, còn thêm lồng đèn. Thấy có một tượng Phật Bà Quan Âm rất to,( hay là vị nữ thánh nào đó, tui không rành lắm...). Trong chùa có hình mấy ông... coi oai phong lẫm liệt, râu dài...Tui cũng hỏng biết luôn, nhưng cũng  đến cắm cây nhang. Thấy đồ cúng có cả... vịt quay, trái cây cũng nhiều. 

Cái chùa này mấy ông chức vụ đều biết tui, vì có lần chùa bị mấy em chim bồ câu kéo về làm tổ nhóc trên mái, chim ị lung tung rớt đầy đầu các tượng, đầy sàn nhà, tín đồ đôi khi cũng "dính chấu". Tui đem lưới rào chung quanh, phải leo cao chót vót. Giờ nghĩ lại thấy mình hay và... liều nữa. Dĩ nhiên là làm cho chùa thì... không lấy tiền.

Cắm nhang giáp vòng thì đi về, bước ra cửa lớn gặp người quen, chị này người Hoa rặt, chị không biết tiếng Anh. Hôm nay chị mặc đầm. Tui hết hồn. Chị cười tươi, da mặt trắng sáng, có trang điểm "đậm". Tui quơ tay diễn tả như khen chị đẹp lắm, chị tủm tỉm cười tiếp, không biết tiếng đành chịu thôi. Sau "nị hào" là ...bái bai...

Cứ đi một chút là có chuyện hầu bà con. Tại sao tui "hết hồn"? Cũng có nguyên do.

Để nhớ coi, năm 09 tui có sửa nhà cho một chị. Chị này cũng mới thôi ...chồng, ra riêng. Nên nhà mới mua nhiều chuyện cần phải làm lắm. Thấy cái hướng bếp không tốt, tui nói hướng này sẽ sống cô đơn(???) . Chị nhờ sửa liền:  "em còn muốn chồng mà...". 

Phải công nhận hay thiệt, hai năm sau thì ... ông chồng cũ bị bồ đá nên về năn nỉ chị . Sau này hai người sống lại với nhau. Vậy mà cứ gặp tui chị không cám ơn  ông thầy phong thủy . Cứ đòi ....."bắt đền". Không hiểu!!!!.

Chị có một em gái , em này lấy chồng người Hoa . Ảnh nhỏ con nhưng đẹp trai. Anh này qua Úc du học và được định cư. Có người mai mối  nên cả hai lấy nhau, sanh hai nhóc trai, gái. Hắn là con một nên được bảo lãnh  cha mẹ qua , mà người mẹ là cái chị tui vừa gặp ở chùa. Nhà chị ấy khá rộng nên tất cả đều ở chung cho đỡ tốn kém và cùng đóng góp tiền nhà.

Ông già của hắn cỡ tuổi tui, rất hiền. Hồi mới qua chưa có việc, cũng đi làm cho tui, Ông  siêng năng và rất khéo tay, nhưng hai người không hiểu tiếng nên làm chậm. Tui ở trong gầm nhà , nhờ ổng lấy giùm cây búa. Tui  lấy tay đập đập xuống đất, ổng lấy cho cái xẻng, rồi cái đục... Lúc này thì tui chui ra cho rồi. Sau này ổng dạy tui tiếng Tầu để nói cho ổng biết. Tui có học mấy chữ , giờ quên tuốt. Năm sau ổng xin được một cái job trong nhà hàng.

Bà già thì trẻ hơn nhưng nhìn mặt thấy khắc khổ, nhăn nhó và rất dữ dằn. Việc gì không vừa ý là nói rất to và.... nói hoài. Mẹ chồng nàng dâu gây lộn mỗi ngày nhưng đâu biết tiếng nên phải chờ chồng về phân xử. 

Một bữa mới ăn xong, chồng lo rửa chén. Má chồng ngứa mắt xổ một tràng. Con dâu chắc hiểu ý nên cũng sừng sộ : "đàn ông ở đây phải dzậy" Chắc chỉ cũng hiểu nên chửi: "đồ mất nết" ( tui đoán thôi nghen)...Thế là con dâu bấm điện thoại... gọi cảnh sát.... Vài phút là cảnh sát một nam một nữ tới liền. Con dâu tiếng Anh chưa rành. Chị kia chỉ nói tiếng Tầu... Anh chồng thì bên vợ, bên mẹ cũng không biết binh ai. Cuối cùng cảnh sát đưa trát, yêu cầu anh chồng phải thu xếp cho cha mẹ rời đi trong vòng 24 tiếng. 

Tui nói ông bả về nhà tui ở đỡ. Rồi họ thuê nhà khác.

Bẵng đi vài năm thì tui  nhận được điện thoại của cô con dâu. Kêu lại sửa nhà. Hai vợ chồng đã mua được nhà, không còn ở chung với bà chị nữa . Đến nhà thấy có cả... má chồng, tui hỏi : "huề rồi hả..."..."dạ em nghĩ lại thấy tội nghiệp nên khi mua nhà thì gọi ông bà về . Giờ má chồng rất biết điều, cưng dâu và cháu. Em ... khỏe quá...". Nhìn chị thấy nét mặt vui, hay mỉm cười.

 Hôm nay ở chùa này gặp lại, chị đã "lột xác", không còn là bà già dữ dằn nhìn là ...ghét. Nay là... thục nữ, yểu điệu , lịch sự...giống phim... Tầu.Phải bả chưa chồng tui cũng dám "cặp" chớ...

Con người "Nhân chi sơ tính bản thiện". Nhưng ở một cái xã hội đông người, phải giành giật để sống. Chính quyền không minh bạch để kẻ mạnh hiếp yếu... Tự nhiên người ta phải dữ dằn , dối trá. Suy cho cùng, tánh tình của người ta là do môi trường sống tạo nên, từ đó nó thành cái "gen" phải không bà con. Người miền Nam chơi xả láng, dân... Bắc kỳ chơi còn thủ , cũng vì môi trường sống một bên trù phú, một bên khắc nghiệt ( tui đoán vậy). 

Tui nhớ ông già vợ ( đầu) của tui cấm con gái không được lấy chồng  miền Bắc, hai cô chị lấy chồng Bắc (có tui), ổng buồn lắm. Còn cô út , dắt về một anh : ...Dạ cháu vào Nam lâu rồi, ba má cháu gốc Hà "Lam Linh"  ạ...(Hà Nam và Nam Định). Ổng bịnh rồi... "đi" luôn.

Nước Úc dễ sống, đất rộng người thưa. Dân tứ xứ đến định cư nên ít kỳ thị, bao dung. Người ta đến đây, mới đầu hăng làm dữ lắm, kiếm tiền mua mấy cái nhà, làm hai ba jobs cũng không đủ. Dân sống vài đời thì tàn tàn cù lũ, làm đủ ăn rồi đi chơi đây đó... Ngẫm ra họ ... khôn hơn mình.

Nên dần tánh tình mình cũng thay đổi. Không thèm hơn thua với ai nữa...Chị ..."xẩm" này chắc cũng vậy.

Jimmy Nguyen Nguyen (JNN)

Saturday, January 27, 2024

Đọc thơ Đường vào Tết

 Có lẽ cha tôi để lại cho tôi cái thú đọc thơ Đường vào những ngày Tết. Điều đó chẳng liên quan gì với việc nệ cổ, phụ thuộc vào văn hóa Trung Hoa hay mê Mao như ngày nay chúng ta hay nghĩ theo một công thức nào đó. Trái lại, cha tôi là một người Tây học, thuộc làu văn học và triết học phương Tây, thích công nghệ, kỹ thuật, làm thơ, rốt cuộc lại viết tiểu thuyết. Ông luôn ghét Mao, vào những năm 60, chỉ có ông là chăm chỉ mượn Temp Nouveau, Humanité về xem thường xuyên, không bị chụp mũ là xét lại đã là giỏi. Truyện Tàu ông đọc trước quên sau, phải nhờ tôi nhắc điển cố. Nhưng thơ Pháp ông nhớ và đọc thuộc lòng nguyên bản vanh vách.

Một năm hai lần, cha tôi lại dở tập thơ Đường đọc. Cha tôi có một giọng ngâm thơ không ai có. Nữ ca sĩ Tân Nhân nhiều lần đến để cha tôi dạy cho vài bài làm tủ biểu diễn. Cha tôi giải thích đó là kiểu ngâm thơ cổ, học lại của ông nội tôi. Hồi bấy giờ Đài tiếng nói Việt Nam có mục Tiếng Thơ phát vào lúc 11g đêm, với hay giọng ngâm nổi tiếng của Châu Loan ngâm theo lối miền Trung và Trần Thị Tuyết ngâm theo giọng Bắc. Hai bà ngâm đều hay, như rót mật pha vị đắng vào lòng người nghe, quặn thắt. Có điều chúng quá đều đặn, giống nhau, tuần hoàn theo một kiểu kéo dài ra vô tận. Nếu ngâm một bài dài, lại phải lặp lại giai điệu từ đầu. Không có chỗ sáng tạo cho người ngâm. Như bài trường ca Chim Chơ rao, ngâm theo lối Châu Loan và Trần Thị Tuyết đều dở, vì các điểm cao trào không theo cái vòng tuần hoàn của lối ngâm đó. Cha tôi làm thơ cũng như vậy, tiết tấu âm điệu đều bất ngờ, vút lên hoặc đột nhiên đứt đoạn, chơi vơi. Ông nói "Âm điệu của Thơ là quan trọng, nhưng quá vần điệu sẽ kém tư duy, vì ru ngủ."

Cách ngâm của cha tôi khá ngẫu hứng, giọng và âm điệu thì rất cổ nhưng không hề đóng khuôn. Nhiều đoạn lên xuống giọng, ngắt, luyến rất đột ngột. Chính vì vậy mà tôi không thể học được. Kể cả cô Tân Nhân cũng chỉ học được từng bài. Quyền điều tiết nhịp điệu là theo cách giải nghĩa bài thơ của cha tôi.

Cha tôi nhớ lại, khi bà tôi còn sống. Mỗi buổi sáng, từ 5g, trời còn tối đất, bà tôi (chắc hồi đó mới hai mấy) dậy sớm chỉ bảo công việc cho người nhà, không quên nhóm lò đun nước cho ông. Ông ngồi trên sập, tự tạy pha trà, bà trang điểm, chải tóc, mặc đồ nghiêm trang đến ngồi đối ẩm. Ông tôi mời trà đưa tận tay vợ và ngâm thơ Đường, bà thành kính say mê ngồi nghe. Cứ thế cho tới mờ sáng. Ngày nào cũng như ngày nào.

Bà tôi mất sớm, có lẽ chưa tới 30, cha tôi mới chừng 7 tuổi, cô Thanh Hương khoảng 4-5 tuổi, cô Vân Hòa mới chừng hơn 1 tuổi. Ông tôi vẫn mỗi ngày pha trà, vẫn rót ra hai chén, chén đối ẩm để không. Ông ngâm thơ Đường, nhiều đoạn nức nở, nước mắt chảy ròng ròng trên má. Có lẽ ông tôi nhớ vợ, nên ôm cha tôi còn ngái ngủ ngồi cùng. Cha tôi nói "Nước mắt của đàn bà tuy phiền nhiễu nhưng dễ dãi. Người đàn ông khóc là một cảnh tượng đáng sợ." Có lẽ cha tôi đã học cách ngâm thơ trong hoàn cảnh như thế. Giọng ngâm của ông tôi tự thấm vào cha. Chắc chắn có sáng tạo của cha.

Giọng ngâm cổ này thật lạ, nhưng có những cái tự nhiên nguyên sơ và táo bạo. Giống như xem bảo tàng Chàm, thời kỳ cựu thịnh, khi độ tinh xảo đên cao độ, thành công thức là sắp suy tàn. Thời kỳ suy tàn, nghệ thuật đã thành công thức, không thể chê vào đâu ở mỗi chi tiết, nhưng rập khuôn, tẻ nhạt. Thời kỳ hình thành nghệ thuật Chàm là khi người ta đang tìm tòi, phá cách để tìm ý, tràn ngập ý tưởng mới, tuy có chỗ còn thô sơ, nhưng lớn lao, kỳ vĩ. 

Đến tôi, có lẽ môi trường sống đã khác, giọng ngâm của cha, tôi đã để mai một, không thể tiếp nối. Nhưng tới ngày Tết tôi vẫn có cái thú đọc 2-3 bài cổ thi. Đọc bằng nguyên bản, đọc lên theo âm Hán-Việt, rồi tra từng từ, từng điển tích, rồi lại đọc lần nữa. Cả một khung cảnh cũ hiện lên theo từng mỗi chữ. Chữ Hán, có sự cô đọng thích hợp với Thơ vô cùng. Tôi cũng đọc không ít Thơ Tây, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hung và phần nào tiếng Nga, nhưng thấy ý tứ vẫn bị ràng buộc vào văn phạm, không thể bay lên được như thơ Đường. Điều lạ nhất khi đọc bằng nguyên văn chữ Hán, dù chưa hiểu gì trong đầu đã có một bức tranh mờ ảo nào đó. 

Khoảng chục năm gần đây, bên cạnh thú đọc thơ Đường, tôi có thêm thú dịch Tam Quốc vào ngày Tết. Khi người ta tất bật, tấp nập bên ngoài, tự nhiên thấy yên tĩnh trong lòng, giống như được tạm quên đi, trở về với quá khứ, nhớ đến ông nội và cha tôi.  Đọc thư tịch cổ làm hồn người thư thái, hiểu thêm ý nghĩa của thời gian. Lòng chợt quặn thắt, trái tim như có cái gì đó từ từ chạm vào đau nhói tâm can. Tất cả những cảm giác đau đớn lại sinh ra một khoái cảm. Có lẽ mọi mỹ cảm đều sinh ra từ cảm giác đau.

Năm nay, tình cờ đọc lại bài "Đề đô thành nam trang" của Thôi Hộ.

題都城南莊  

去年今日此門中, 

人面桃花相映紅。 

人面不知何處去? 

桃花依舊笑東風。

Đề đô thành nam trang 

Khứ niên kim nhật thử môn trung, 

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. 

Nhân diện bất tri hà xứ khứ, 

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch ý

Đề ở ở một ấp nhỏ ở phía Nam đô thành

Năm ngoái cũng ngày này ngay tại cổng này

Mặt người hoa đào cùng hồng lẫn nhau

Người nay không biết đã về đâu

Hoa đào như cũ đang cười gió đông

Bài này khó nhất là ý "tương ánh hồng" Các bản dịch đều dịch theo ý là cùng hồng, không có ý liên quan tương hỗ với nhau. Câu hay nhất là "Đào hoa y cựu tiếu đông phong". Có người suy luận dịch là "hoa đào áo cũ còn cười gió đông". Thực ra chữ "y" ở đây không phải là áo như trong "y thường".

Phùng Mộng Long, tác giả Đông Chu Liệt Quốc, sáng tác thành câu chuyện. Thi sĩ Thôi Hộ đời Đường vào tiết Thanh minh, đi chơi về phía nam đô thành, ghé một trang ấp nhỏ xin nước uống. Có một người con gái đẹp, bưng nước cho uống, duyên dáng kín đáo. Năm sau, Thôi Hộ ghé trang ấp đó thấy cửa đóng then cài bèn viết bài thơ này đề lên cửa. Người con gái đọc thơ nhớ thương Thôi Hộ, ốm tương tư, gần chết cũng vào tiết Thanh Minh. Thôi Hộ quay trở lại, người con gái khỏi bệnh và được cha mẹ gả cho Thôi Hộ.

Tôi nghĩ rằng câu chuyện của Phùng Mộng Long rất tầm thường, trong khi bài thơ hàm chứa một ý gì đó xót xa nhân thế trước xoay vần của thời gian.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

28 Jan 2017

Thượng Đế của Einstein

 THƯỢNG ĐẾ CỦA SPINOZA

(Bài viết hay nhất về Thượng Đế mà tôi được đọc).

Khi A. Einstein giảng bài tại các trường đại học Hoa Kỳ, câu hỏi mà sinh viên hỏi ông nhiều nhất là:

“Ngài có tin vào Thượng Đế không?”

Và ông luôn trả lời: 

“Tôi tin vào Thượng Đế của Spinoza.”

(Baruch de Spinoza là một triết gia người Hà Lan được coi là một trong những nhà duy lý vĩ đại của triết học thế kỷ 17, cùng với Descartes).

——-

Theo Spinoza, Thượng Đế sẽ nói rằng: 

“Hãy ngưng cầu nguyện. Ta muốn con bước ra ngoài thế giới và tận hưởng cuộc sống của mình. Ta muốn con hát, vui vẻ và tận hưởng mọi thứ ta đã tạo ra cho con.

“Đừng đi vào những ngôi đền tối tăm, lạnh lẽo mà các con tự xây dựng, và nói rằng đó là nhà của ta. 

Nhà ta ở trên núi, trong rừng, sông, hồ, bãi biển. 

Đó là nơi ta ở và đó cũng là nơi ta cho con cảm nhận được tình yêu mà ta dành cho con.”

“Đừng trách ta về cuộc sống khốn khổ của con. 

Ta chưa bao giờ chỉ trích rằng ở con có những điều xấu xa tồi tệ; hay ta cũng chưa bao giờ phán rằng con là kẻ có tội; ta cũng chưa bao giờ lên án tình dục là một điều gì đó xấu xa. 

Tình dục là một món quà mà ta ban tặng con và nhờ đó con có thể vươn đến tình yêu, sự thăng hoa, niềm vui thú trong đời sống của con. 

Vì thế đừng đổ lỗi cho ta về mọi điều người khác đã làm cho con tin.”

“Hãy ngưng đọc những lời giảng dạy trong kinh sách được cho là thiêng liêng, vốn không liên quan gì đến ta. 

Nếu con không thể thấy được ta trong ánh bình minh, trong những vẻ đẹp của thiên nhiên, trong ánh mắt bạn bè, trong mắt con cái của con, ... thì con sẽ không tìm thấy ta trong bất cứ cuốn sách nào!”

“Hãy ngưng khấn cầu ta: Ngài có thể chỉ dạy cho con cách thực hiện mọi công việc của mình không?

Đừng quá sợ hãi ta như thế nữa. 

Ta không phán xét hay chỉ trích con, cũng không tức giận hay bận tâm đến những việc như thế. 

Ta là tình yêu thuần khiết.

“Đừng cầu xin sự tha thứ nữa, không có gì để tha thứ cả. 

Nếu ta tạo ra con, ta đã lấp đầy con bằng những đam mê, giới hạn, thú vui, cảm xúc, nhu cầu, sự mâu thuẫn và trên hết là ý chí tự do. 

Tại sao ta lại đổ lỗi cho con nếu những gì con làm là phản chiếu lại những gì mà ta đã đặt vào con? 

Làm sao ta có thể trừng phạt con vì con người hiện tại của con, nếu chính ta là người đã tạo ra những điều đó ở con? 

Con có nghĩ rằng ta tạo ra một nơi gọi là Địa Ngục để thiêu rụi tất cả những đứa con của ta vì chúng đã từng lỡ có những hành vi sai trái trong cuộc đời của chúng không? Loại Cha Mẹ nào lại làm những điều như vậy?

“Hãy tôn trọng đồng loại của con và đừng làm những gì mà con không muốn người khác làm cho chính mình. 

Tất cả những gì ta yêu cầu ở con là hãy tỉnh thức trong cuộc sống, sự tỉnh thức ấy sẽ là kim chỉ nam cho cuộc sống của con.”

“Con yêu dấu của ta, cuộc sống này không phải là một thử thách, không phải là bước đi trên một hành trình, không phải là một cuộc diễn tập, cũng không phải là sự chuẩn bị cho Thiên Đường. 

Cuộc sống này là duy nhất, ở đây và bây giờ - và đó là tất cả những gì con cần.

“Ta đã cho các con hoàn toàn tự do, không thưởng phạt, không tội lỗi hay đức hạnh, không ai để lại những chứng cứ, không ai ghi chép thưởng phạt.

Con hoàn toàn có quyền tự do sáng tạo cuộc sống của chính mình. Chính con, chứ không phải ai khác, là người tạo ra Thiên Đường hay Địa Ngục.

“Ta không thể tiết lộ cho con biết trước liệu có kiếp sau hay không, nhưng ta có thể cho con một lời khuyên:

Hãy sống như thể sau kiếp sống này không còn kiếp sống nào nữa. 

Như thế, con sẽ sống như thể đây sẽ là cơ hội duy nhất cho con để tận hưởng, yêu thương và tồn tại.

Theo cách ấy, nếu không có kiếp sau, thì con cũng đã tận hưởng được trọn vẹn cơ hội mà ta đã trao cho con. 

Và nếu có kiếp sau, thì con hãy yên tâm rằng ta sẽ không xét xử con vì đã cư xử đúng hay sai. 

Ta sẽ chỉ hỏi: Con có thích Cuộc Sống mà con đã có không? Con có an vui hạnh phúc không? Con thích điều gì nhất? Con đã học được những bài học gì?...”

“Đừng tìm cách đặt Đức Tin vào ta nữa; Đức Tin là giả lập, là phỏng đoán, là hư cấu. 

Ta không muốn con tin vào ta, ta muốn con tin vào chính con. 

Ta muốn con cảm nhận được ta trong con khi con hôn người yêu của mình, khi con ôm con gái nhỏ vào lòng, khi con vuốt ve con chó của con, khi con tắm biển.”

“Đừng khen ngợi ta nữa. Con nghĩ ta là loại Thượng Đế vị kỷ nào vậy? 

Ta chán việc được ngợi khen hay tôn thờ rồi. 

Ta mệt mỏi vì phải nhận những lời biết ơn rồi. 

Muốn thể hiện lòng biết ơn với ta ư? 

Con hãy chứng minh điều đó bằng cách chăm sóc bản thân, sức khỏe, các mối quan hệ của con và chăm sóc thế giới mà ta đã tạo ra cho các con. 

Sống một cuộc đời thật trọn vẹn với những cung bậc vui buồn của con! 

Đó là cách ngợi khen ta.

“Hãy ngưng phức tạp hóa mọi chuyện và lặp lại như một con vẹt những gì con đã được dạy về ta. 

Tại sao con cần chứng kiến nhiều phép màu hơn? 

Tại sao con cần nhiều lời dẫn giải, tranh biện để biết về ta như vậy?

Điều duy nhất mà con có thể chắc chắn, đó là con đang ở đây, con còn sống; và thế giới mà ta đã tạo ra cho con vốn luôn ngập tràn những điều kỳ diệu.”

Nguồn: Tạ Minh Trãi sưu tầm, dịch và biên tập từ bản tiếng Anh của Jillene Moore.

GOD OF SPINOZA

When Einstein gave lectures at U.S. universities, the question students asked him most was: 

Do you believe in God? And he always answered: I believe in the God of Spinoza.

Baruch de Spinoza was a Dutch philosopher considered one of the great rationalists of 17th century philosophy, along with Descartes.

According to Spinoza, God would say: “Stop praying. I want you to go out into the world and enjoy your life. I want you to sing, have fun and enjoy everything I've made for you.

“Stop going into those dark, cold temples that you built yourself and saying they are my house. My house is in the mountains, in the woods, rivers, lakes, beaches. That's where I live and there I express my love for you.

“Stop blaming me for your miserable life; I never told you there was anything wrong with you or that you were a sinner, or that your sexuality was a bad thing. Sex is a gift I have given you and with which you can express your love, your ecstasy, your joy. So don't blame me for everything that others made you believe.

“Stop reading alleged sacred scriptures that have nothing to do with me. If you can't read me in a sunrise, in a landscape, in the look of your friends, in your son's eyes—you will find me in no book!

“Stop asking me, ‘Will you tell me how to do my job?’ Stop being so scared of me. I do not judge you or criticize you, nor get angry or bothered. I am pure love.

“Stop asking for forgiveness, there's nothing to forgive. If I made you, I filled you with passions, limitations, pleasures, feelings, needs, inconsistencies, and best of all, free will. Why would I blame you if you respond to something I put in you? How could I punish you for being the way you are, if I'm the one who made you? Do you think I could create a place to burn all my children who behave badly for the rest of eternity? What kind of God would do that?

“Respect your peers, and don't give what you don't want for yourself. All I ask is that you pay attention in your life—alertness is your guide.

“My beloved, this life is not a test, not a step on the way, not a rehearsal, not a prelude to paradise. This life is the only thing here and now—and it is all you need.

“I have set you absolutely free, no prizes or punishments, no sins or virtues, no one carries a marker, no one keeps a record.

You are absolutely free to create in your life. It’s you who creates heaven or hell.

“Live as if there is nothing beyond this life, as if this is your only chance to enjoy, to love, to exist. Then you will have enjoyed the opportunity I gave you. And if there is an afterlife, rest assured that I won't ask if you behaved right or wrong, I'll ask, ‘Did you like it? Did you have fun? What did you enjoy the most? What did you learn?’

“Stop believing in me; believing is assuming, guessing, imagining. I don't want you to believe in me, I want you to believe in you. I want you to feel me in you when you kiss your beloved, when you tuck in your little girl, when you caress your dog, when you bathe in the sea.

“Stop praising me. What kind of egomaniac God do you think I am? I'm bored with being praised. I'm tired of being thanked. Feeling grateful? Prove it by taking care of yourself, your health, your relationships, the world. Express your joy! That's the way to praise me.

“Stop complicating things and repeating as a parrot what you've been taught about me. Why do you need more miracles? So many explanations?

“The only thing for sure is that you are here, that you are alive, that this world is full of wonders.”

Original post by Jillene Moore

Friday, January 26, 2024

Văn minh cổ đại

Thần thoại Hy Lạp:  MƯỜI HAI VỊ THẦN TỐI CAO

Thuở khai thiên lập địa,

Có mười hai vị thần.

Nữ là Ti-ta-nit.

Còn nam là Ti-tan.


Đó là thời Crô-nôt

Cướp ngôi báu của cha.

Thời Hoàng Kim, còn gọi

Thời các vị thần già.


Tiếp đến là thời đại

Các thần trẻ, lần này

Dớt lật đổ Crô-nôt

Như cha mình trước đây.


Bốn mùa mây bao phủ,

Đỉnh Ô-lym-pi-a

Vốn là nơi cư ngụ

Cả thần trẻ, thần già.


Bên trong là cung điện

Rực rỡ và huy hoàng

Được Hê-phai-stôt

Làm bằng đồng và vàng.


Các vị thần bất tử

Luôn ngự ở nơi này.

Nơi không có mưa gió.

Trời trong xanh, không mây.


Nơi tiếng nhạc réo rắt

Và tiệc tùng triền miên.

Một thế giới cực lạc,

Vĩnh hằng và thần tiên.


Thế giới vĩnh hằng ấy

Khuất trong lớp mây dày.

Nên tất nhiên không dễ

Để vào được nơi này.


Bất kỳ ai, dù đó

Thần linh hay người trần,

Muốn vào phải được phép

Của ba vị nữ thần.


Họ là người vất vả

Vén mây cho khách vào

Theo lệnh của thần Dớt,

Không loại trừ người nào.

*

Rất nhiều thần cư ngụ

Ở Ô-lym-pi-a,

Nhưng quan trọng hơn cả,

Mười hai vị, đó là:


Một - thần Dớt vĩ đại,

Thần của các vị thần.

Chúa tể của vũ trụ

Và của cả người trần.


Hai - là thần Ha-đet

Có chiếc mũ tàng hình,

Cai quản chốn âm phủ

Và thế giới tâm linh.


Ba - vị thần biển cả,

Tên là Pô-xây-đôn.

Tay cầm đinh ba lớn

Làm biển lặng, sóng cồn.


Bốn - He-ra, vợ Dớt,

Thần Hạnh Phúc Gia Đình.

Bảo hộ các bà mẹ

Và các trẻ sơ sinh.


Năm - nữ thần Đê-met,

Chăm lo chuyện mùa màng.

Đôi khi còn được gọi

Nữ thần Lúa Mì Vàng.


Sáu - nữ thần bếp lửa

Tên là He-sti-a.

Lo trông giữ ngọn lửa

Sưởi ấm cho mọi nhà.


Bảy, con gái thần Dớt,

A-thê-na, nữ thần

Của Công Lý, Trí Tuệ

Và Nghệ Thuật, Thơ Văn.


Tám - là A-phrô-đit,

Vị nữ thần trứ danh

Của Tình Yêu, Sắc Đẹp

Và những điều tốt lành.


Chín - với cây cung bạc,

A-pô-lô, vị thần

Của Ánh Sáng, Âm Nhạc

Bảo trợ cho người trần.


Nữ thần Ar-tê-mit

Là vị thần thứ mười.

Chuyên lo việc săn bắn

Cho cả thần và người.


Mười một, He-phai-stôt,

Thần Thợ Rèn Thọt Chân,

Đảm đương việc xây dựng

Lâu đài cho các thần.


Mười hai, thần A-ret

Là vị thần Chiến Tranh.

Chuyên hóa giải tranh chấp

Để bảo vệ dân lành.


Thái Bá Tân

Thursday, January 25, 2024

Người dịch thơ Hung

 VĨNH BIỆT ANH NGUYỄN THỤ!

“Thi ca của Hungary, một xứ sở xa xôi và có ngôn ngữ riêng biệt, “không giống ai”, thật bất ngờ, lại đến Việt Nam từ rất sớm, thông qua các bản dịch từ tiếng Pháp. Thơ József Attila cũng đến với chúng ta từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Dường như có một cái gì chung giữa tâm thế và tình cảm của cư dân hai xứ sở, cộng với sự mẫn cảm đặc biệt của các nhà thơ kiêm dịch giả Việt Nam đầu tiên của nền thơ Hung (Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam...), khiến các thi phẩm của József Attila - dù được chuyển ngữ thông qua một ngoại ngữ thứ ba - đã được Việt hóa ở mức tối đa và rất thân thuộc, gần với cảm nhận của độc giả Việt.

Tuy nhiên, với thời gian, độc giả Việt Nam hẳn có quyền đòi hỏi những bản dịch khác, có hệ thống và đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn, từ nguyên bản tiếng Hung. Nhiều thế hệ các du học sinh Việt Nam tại Hung đã làm công việc đó, chúng ta đã được thưởng thức nhiều bài thơ văn Hung từ các dịch giả Trương Đăng Dung, Vũ Ngọc Cân... Có điều, chuyển ngữ một số lớn thơ József Attila một cách hệ thống, chi tiết, có chọn lọc, và trong đa số các trường hợp, giữ được hơi thở, mạch thơ và nắm bắt được “hồn” của tác giả, có lẽ mới chỉ có Nguyễn Thụ, dịch giả tuyển thơ mà quý độc giả đang cầm trong tay.

Mấy chục bài thơ của thi hào Hung trong tuyển tập này chỉ là một phần nhỏ trong hơn 200 bài thơ József Attila mà Nguyễn Thụ đã dịch với bao trải nghiệm của cuộc đời, trong vòng 30 năm qua. Vốn là một du học sinh, tốt nghiệp khoa Máy Đại học Bách khoa Budapest giữa thập niên 70 thế kỷ trước, rồi trở lại Hung vào những năm cuối thập niên 80, bươn chải làm đủ mọi việc để sinh kế trên xứ người, trong gần hai chục năm ở Hung, với niềm say mê thi ca vô bờ bến, Nguyễn Thụ đã tự tạo cho mình một bầu không khí, một “môi trường” rất “Hung” để, hơn ai hết, ông có thể tiếp cận với thi nghiệp các nhà thơ lớn của Hung, trong đó József Attila là một tác gia chính.

Đọc các bản dịch thơ József Attila mà Nguyễn Thụ đã suy ngẫm ròng rã và âm thầm suốt ba thập niên - nhất là bản dịch các thi phẩm lớn như “Gửi Juhász Gyula” (Juhász Gyulának), “Tụng ca” (Óda), “Bài ca của người Hung buồn” (Bús magyar éneke), “Mẹ” (Mama)... - hi vọng các độc giả sẽ tìm thấy và cảm nhận được một tâm hồn Hung, một trí tuệ Hung vĩ đại, người với trực cảm thơ ca đã vượt khá xa thời đại ông sống cùng những hạn chế của nó.

Chẳng những là một dịch giả, Nguyễn Thụ còn là một nhà thơ theo nghĩa đích thực của từ này. Ở ông, vai trò một dịch giả và một nhà thơ đã hòa quyện và thúc đẩy lẫn nhau, giúp ông vẫn có được cảm hứng mạnh mẽ khi đã quá độ tuổi “tri thiên mệnh”. Nguyễn Thụ làm thơ từ thuở còn đi học và từ đó, thơ đã theo ông trên mọi bước đường đời, nhiều lúc, đã là người bạn tri âm duy nhất khi ông gặp nỗi khổ đau và những nhọc nhằn nhân thế. Ông sáng tác nhiều, nhưng có lẽ chỉ cho mình, chứ ít  nhằm đăng tải; thơ của ông rải rác trong sổ thơ của bạn bè, trên những tờ giấy một mặt dùng lại, những tấm bìa carton lăn lóc ngoài chợ trời xứ lạ, nghĩa là đẫm vị Đời và Tình, những gì mà vì chúng ông sống. Một phần nhỏ trong kho sáng tác của Nguyễn Thụ, được giới thiệu trong tuyển tập này, sẽ cho độc giả thấy ít nhiều về “con người thơ” của ông.

Được tác giả cho phép có vài lời phi lộ, lẽ ra tôi phải viết nhiều hơn về Nguyễn Thụ và những gì ông đã làm. Nhưng vì biết ông, dù cũng đã có trên dưới ba chục năm trong nghiệp cầm bút, vẫn cảm thấy như mình là kẻ mới vào nghề trong gian đại sảnh của thi ca, và luôn coi mình là người học trò nhỏ, hậu sinh của thi hào vĩ đại József Attila, nên mấy dòng này chủ yếu chỉ nhằm vào bậc thầy mà Nguyễn Thụ luôn ngưỡng mộ.

Còn về những thi phẩm và dịch phẩm của Nguyễn Thụ, xin để độc giả cho ý kiến cuối cùng!”.

*

Đó là một đoạn mình viết về thơ và thơ dịch của Nguyễn Thụ, đăng trong tập thơ và thơ dịch của anh cách đây 15 năm ở Việt Nam. Thuở ấy, ai có sách in ở Việt Nam, mà là sách văn học, hẳn là “xịn” lắm. Trường hợp anh Nguyễn Thụ, cả nhóm “bạn văn” - nói cho oai, chỉ mấy anh em gọi là có quan tâm và hệ lụy đôi chút với chữ nghĩa, quây quần quanh tờ NCTG khi đó mới ra vài năm - đều mừng, vui và hãnh diện cho anh.

Nguyễn Thụ từng có thơ (và thơ dịch) đăng trên các báo “Văn nghệ”, “Văn nghệ Quân đội”... khi còn ở Việt Nam cuối thập niên 80. Tuy nhiên, chỉ sau khi NCTG ra đời ít lâu, mình mới được biết tới anh như một cây bút làm thơ, dịch thơ đam mê và cuồng nhiệt đến kỳ lạ mà với mình, dưới con mắt của một người buộc phải “tỉnh táo” để làm báo, chứ không thể luôn mơ màng, thì không phải lúc nào cũng nắm bắt được hết.

Có những giai đoạn (thời 2003-2005) Nguyễn Thụ cộng tác và gửi thơ liên tục cho NCTG bằng rất nhiều cách, có lúc đọc qua điện thoại cho mình chép, có lúc gửi sms, có lúc tiện thể viết lên bất cứ thứ giấy gì mà anh tiện tay vớ được trong lúc trông hàng cho vợ, chị Mai, người phụ nữ rất tần tảo yêu thương anh, và cũng không ít phen phát bực vì ông thi sĩ không mấy khi tỉnh và không mấy khi bên người không có lon bia, ly rượu này.

Nói vậy, chứ ai biết được là anh có tỉnh không, kể cả những khi trời chiều, mình đi bán báo dạo về (mà trong các phỏng vấn sau này mình gọi hành động đó một cách mỹ miều là “trực tiếp đi phát hành báo”), ghé vào quầy của anh chị nằm đường hoàng ngay giữa chợ, được anh cho cốc trà, tấm bánh, có lúc bát phở “cho nó hoàn hồn đi em!”, rồi cứ thế ngồi im, có lúc ngẩng mặt lên trời, rất mông lung, chắc là để rượt đuổi theo một tứ thơ nào đó.

Hai anh em đã có không biết bao nhiêu dịp như thế, mình thì kể thao thao bất tuyệt về số báo mới ra kèm những “sự cố”, câu chuyện có liên quan mà loại “trần tục” như mình coi là thú vị, anh cứ ngồi gật gù, cũng không biết có thèm nghe không, đôi lúc “phán” một câu gì đó hoặc bật dậy xếp hàng cho khách, nhưng rất dễ thấy là thế giới thơ của anh đương nhiên không đồng nhất với thế giới của đứa luôn phải suy nghĩ làm sao ra được số báo tiếp tới như mình.

Anh uống nhiều, và mình cũng cho đấy là điều tự nhiên với người sáng tác “thứ thiệt”, không phải loại “tay ngang” như mình, vì họ luôn cần một chất xúc tác gì đấy. Như những Phùng Quán, Văn Cao hay Trịnh Công Sơn lúc nào cũng được hình dung với điếu thuốc hoặc ly rượu trong tay, tuổi mới năm mươi mà râu tóc bạc phơ như người thượng thọ. Mình hay trêu anh là, không biết trong cơ thể anh, còn bao nhiêu phần máu, hay toàn rượu.

Nguyễn Thụ rất hiền, độ lượng và không bao giờ chấp bọn “trẻ con” như mình, kể cả khi mình nói nửa đùa nửa thật, “anh biết không, mỗi bài thơ của anh trên NCTG khiến báo mất đi nửa số độc giả đấy” (đương nhiên đây là lời “cóp” của Stewen Hawking trong “Lược sử thời gian”, chứ mình sức mấy nghĩ được câu hay thế). Anh chỉ cười khà khà, lại tợp chút rượu, ra điều đắc chí lắm, và khoát tay dáng rất đẹp và khí phách “thế mới gọi là thơ chứ”.

Tuy nhiên, với thơ và câu chữ, anh lại kỹ lưỡng đến mức nhiều khi khiến mình phát hoảng. Với anh, việc “bảo nhà in nó dừng lại để đổi một từ trong bài X” là điều không phải anh chỉ thị một lần, rất gấp gáp, qua điện thoại, thường là vào lúc mọi sự đã an bài rồi. Vậy mà có lần mình đã mạo muội bỏ hẳn 2 khổ thơ cuối trong một bài của anh, mà còn không xin phép trước, vì cũng không còn thời gian mà điện đàm hay trao đổi gì nữa.

Cầm tờ báo mình mang đến tận tay, mở trang có bài thơ, anh không tin vào mắt mình khi thiếu đoạn kết (mà mình cho là hoàn toàn không cần thiết, dài dòng và chỉ phá đi những gì hay ho cho tới khi đó), và nghĩ rằng chắc là... lỗi kỹ thuật của “thằng đánh máy”. Đến lúc mình rụt rè thú nhận “do em... biên tập đấy” thì thật là... tất nhiên anh chấp nhận nhưng không tránh khỏi một cơn giận lôi thiên và sự đoạn tuyệt trong vòng đôi ba tuần.

Anh là thế, sáng tác dường như rất dễ dàng nhưng cũng rất nhó nhọc. Thơ anh với kẻ ngoại đạo như mình, có bài hay, rất hay, và cũng có những bài bình thường. Nhưng đó là tiếng lòng của một người trải qua rất nhiều dằn vặt, khổ đau, với đời và với mình, và anh giữ được sự tươi tắn ấy trong lao động nghệ thuật một thời gian dài, chứ không thành người chuyên nghiệp nhiều khi viết theo bài bản khuôn thước, và đó là điều mình thích ở anh.

Rất ngộ nghĩnh là cũng có lúc, anh thương mình vất vả chạy ngược xuôi lo bài cho báo, và cho rằng mình “không giúp ích được gì... thiết thực ngoài mấy bài thơ”, nên đã đăng ký... dịch bài cho NCTG. Mình rất sướng, anh thì thạo tiếng quá rồi, còn gì bằng, nhưng tới khi nhận được bản dịch một bài xã luận mà anh rất thích của tờ nhật báo lớn nhất thời bấy giờ là “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), thì mình lại có một cái hoảng khác.

Ấy là, anh dịch quá phóng túng, kiểu Bùi Giáng, đúng phong cách một nhà thơ hồn để trên mây, mà ít để tâm tới sự chính xác từng câu chữ của một bài chính luận đúng là rất hay của một ký giả Hung có tiếng. Mất thời gian để so lại với bản gốc thì là chuyện bình thường, nhưng chỉnh lại sao cho vẫn giữ phong cách Nguyễn Thụ (để anh khỏi mất lòng), mà vẫn trung thành và bám nguyên bản âu cũng không phải là điều quá dễ dàng với mình.

Năm 2003, mình được anh gửi cho xem tập bản thảo đã được đánh lại trên máy tính, gồm những bài thơ József Attila mà anh đã dịch trong bao năm, và nhờ mình viết Lời nói đầu. Với mình, đó là một vinh dự lớn, vì nhiều người chắc chắn là rành văn thơ Hung, cũng như văn học dịch hơn mình chứ. Mình coi sự ưu ái ấy là tình cảm dành cho một người em, và đã viết với lời nhắn “em cứ gửi bản full, NXB ở nhà tùy họ cắt lọc anh nhé”.

Thật vui là những dòng của mình tuy đôi chỗ có đụng chạm đây đó, nhưng được giữ nguyên trong sách, duy chỉ có mấy chú thích là bị cắt đi, chắc NXB cho là không cần thiết. Nhận sách, anh vui lắm, ký tặng tất cả bạn bè trong và ngoài nước Hung của NCTG, chữ anh rất đẹp, phóng khoáng như mình hay trêu “đúng là thủ bút của người danh gia vọng tộc”. Đó là những khoảnh khắc đẹp nhất của mấy anh em mà mình vẫn nhớ tới giờ.

Sau đó một năm, NCTG có tổ chức được một buổi giới thiệu các tác giả tiêu biểu của báo trong mấy mảng thơ (đặc biệt là thơ tình), văn xuôi, tản văn và thơ dịch. Năm ấy (2005) cả thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của József Attila (được kỷ niệm như Ngày Thi ca Hungary), và tất nhiên anh có trong số các anh chị em tối hôm đó. Ấn tượng khi được nghe anh đọc những bài thơ dịch của mình, đầy nội lực và cảm xúc, thật khó tả.

Anh Nguyễn Thụ còn là người rất khích lệ hai cô con gái, khi đó mới là những sinh viên rất trẻ trưởng thành ở Hungary, tham gia với báo “để cho chúng nó học tiếng”. Cả Thùy Linh lẫn Phương Nga đều đã có những đóng góp bài vở với báo vào thời đầu và khi NCTG tổ chức buổi “thôi nôi” rất đầm ấm đầu năm 2003, cả nhóm anh em đã tặng cho gia đình anh danh hiệu “Gia đình tham gia báo”, tấm ảnh ba bố con giờ mình vẫn còn giữ.

Thật ra, quãng thời gian mà mình có dịp gần gũi anh cũng không dài, bất quá chừng dăm năm. Sau đó, anh về Việt Nam sinh sống, và anh em cũng ít có dịp có tin gì của nhau. Đột ngột, đêm hôm kia mình nhận được tin nhắn từ họa sĩ Lê Thương, báo tin anh qua đời ở trong nước. Cả một trời kỷ niệm trỗi dậy trong lòng mình, khuấy động, cồn cào và mình nghĩ mấy anh em thời ấy, ai cũng có cảm giác như mình, bàng hoàng và xúc động.

“Giật mình se sẽ đông sang - Người xa xăm ấy có bàng hoàng không - Hoa đào tha thẩn gió đông - Đêm run nhè nhẹ giấc mòng ai hay” là những vần thơ anh gửi NCTG cách đây 14 năm, cũng vào những ngày đông lạnh lẽo thế này. Bài thơ mang tên “Lạnh”, giờ đây khi viết những dòng này, em cũng thấy lạnh và bàng hoàng anh ạ. Nhưng bọn em sẽ luôn nhớ tới anh với tình cảm ấm áp, và biết rằng ở nơi ấy, anh cũng vẫn sẽ có THƠ theo cùng...

Anh Nguyễn Thụ (bên phải) trong tối giao lưu 26/6/2005

Nguyễn Hoàng Linh (27 Jan 2018)

Wednesday, January 24, 2024

Bi kịch holokauszt

 SỰ TÀN SÁT SẮC DÂN DO THÁI TẠI HUNGARY

Chương trình học tóm lược dành cho người nước ngoài muốn nhập tịch Hungary, trong phần nói về Đệ nhị Thế giới, sự “tận diệt” sắc dân Do Thái ở Hungary được đề cập một cách rất tóm tắt:

“Trong chính sách nội trị, Hungary ngày càng phải thực hiện những đòi hỏi của Đức Quốc xã. Người Do Thái hoặc gốc Do Thái bị tước quyền công dân thông qua các đạo luật, rồi vào năm 1944, vài trăm ngàn người bị đưa đi tới các trại tập trung của Đức, và chết thảm ở đó... Đảng Chữ thập nhọn được Đức ủng hộ lên chiếm quyền. Trong sự giết chóc của làn sóng khủng bố Chữ thập nhọn, hàng vạn thường dân bị thiệt mạng”.

Đoạn văn quá ngắn gọn, đương nhiên không cho thấy hết được sự thảm khốc của đại nạn holocaust tại Hungary, tức sự thảm sát sắc dân Do Thái ở tầm nhà nước và quy mô công nghiệp, một câu chuyện mà cho tới nay, khi được phản ánh trong phim ảnh, văn học - ví dụ trong sự nghiệp của Kertész Imre (1929-2016), văn hào Hung duy nhất được giải Nobel Văn chương - vẫn còn đem lại cảm giác nhức nhối và cay đắng tột cùng.

Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) không chỉ là cuộc chiến tàn ác ở mức tột cùng trong lịch sử nhân loại với tổng số nạn nhân lên tới gần 62 triệu người, mà còn để lại những biểu tượng kinh hoàng của chết chóc, hủy diệt, của sự sụp đổ của nền văn minh và văn hóa Châu Âu hiện đại, như đại nạn holocaust và Lò thiêu Auschwitz, mà ý nghĩa và những bài học của chúng, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính thời sự và cảnh báo.

Trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của holocaust, Hungary đặc biệt ở chỗ, tại đây, sự đày ải và diệt chủng sắc dân Do Thái đã diễn ra với sự “hợp tác” và ủng hộ hết sức nhiệt tình của chính quyền và lực lượng hiến binh (csendőrség) nước này. Ngay sau khi bị Đức Quốc Xã chiếm đóng vào ngày 19/3/1944, chính phủ thân Đức của Hung đã ban hành hàng trăm sắc lệnh có nội dung bài xích người Do Thái.

Trước tiên, dân Do Thái bị buộc phải “cống nạp” các vật dụng được coi là quý thời đó, như xe hơi, điện thoại, đài điện... , để rồi sau đó, mọi tài sản của họ đều bị “phong tỏa”. Không chỉ bị cấm hành nghề bác sĩ, ký giả, trạng sư, diễn viên, không được kinh doanh và có cửa hiệu, không được làm trong bộ máy hành chính, dân Do Thái tại Hungary còn bị cấm bén mảng tới những nơi vui chơi giải trí công cộng, rạp phim, nhà hát.

Họ bị hạn chế lượng thực phẩm hàng ngày, thậm chí, một học viện còn được thành lập để “nghiên cứu khoa học” về “tính chất chủng tộc” của sắc dân Do Thái. Ngôi sao vàng sáu cánh mà người Do Thái buộc phải đeo trên vạt áo - như một dấu hiệu nhục nhã - đã vĩnh viễn biến họ trở thành những tử tù tiềm ẩn. Cánh cổng tử thần đã được mở ra trước họ, mà không ai biết tới và có thể làm được bất cứ điều gì để kháng cự!

Ít tuần sau, ngày 16/4/1944, một sắc lệnh đã được phê chuẩn nhằm “sung công” toàn bộ nhà cửa của dân Do Thái trên toàn quốc và người Do Thái thì bị ép buộc phải vào những biệt khu (ghetto). Sau đó một tháng, ngày 15/5/1944, holocaust khởi đầu tại Hungary với cường độ chóng mặt ở mức độc nhất vô nhị: hàng ngày, có tới 4-6 đoàn tàu hỏa chật kín dân Do Thái chuyển bánh từ Hungary tới thẳng Trại tử thần Auschwitz!

Chỉ với vỏn vẹn vài chục nhân viên Đức thuộc Đơn vị Trực chiến Đặc biệt (Sondereinsatz-kommando), nhưng Trung tá Quốc xã Adolf Eichmann - một trong những đao phủ chính yếu của đại nạn holocaust ở Châu Âu - đã nhận được sự tiếp tay rất “hiệu quả”, vượt xa mức mong đợi từ bộ máy hành chính và hiến binh Hungary, mà ông ta phải khâm phục thừa nhận là “chính xác và tỉ mỉ khủng khiếp, không kém gì của người Đức”.

Trong vòng một tháng rưỡi, hầu như tất cả cư dân Do Thái ở các tỉnh và các miền quê ở Hungary đã bị đưa đến những trại tập trung và hủy diệt ngoài nước Hung. Phải tới đầu tháng 7/1944, sự phản đối của các nhân sĩ trong và ngoài nước - cùng những thất bại của quân đội Đức và cuộc đổ bộ Normandy của phe Đồng minh - mới khiến chính phủ thân phát-xít của Hungary (Chữ thập nhọn) buộc phải ngừng các cuộc đày ải.

Bằng quyết định đó, chừng 200 ngàn người Do Thái đang bị giam giữ trong biệt khu Budapest (tại khu gần Nhà thờ Do Thái, gần Astoria hiện tại) tạm thời thoát chết, nhưng chỉ hai tháng của đại nạn holocaust cũng đã khiến chừng 500 ngàn dân Do Thái Hungary thiệt mạng tại các trại tập trung và lò thiêu người của Đức. Thời gian sau đó, người Do Thái không còn bị đưa tới Lò thiêu, nhưng họ vẫn bị tàn sát hàng loạt tại Hungary. 

Rất nhiều người bị đưa tới bờ sông Danube, đoạn chạy qua trung tâm thủ đô Budapest, bị bắt phải cởi hết quần áo và giày dép, để rồi bị các nhóm hành quyết xả súng bắn ngay xuống con sông lạnh giá trong mùa đông khắc nghiệt năm 1944. Tính ra, cứ 10 người Do Thái ở Châu Âu bị sát hại bởi bộ máy chiến tranh của Đức Quốc xã trong những năm tháng của Đệ nhị Thế chiến, thì có một là người Do Thái từ xứ sở Hungary!

Hôm nay, 27/1, Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế, là dịp tưởng niệm các nạn nhân của tấn thảm kịch holocaust trong Đệ nhị Thế chiến, cuộc diệt chủng dẫn đến cái chết của khoảng 7 triệu người Do Thái và 11 triệu người khác, được thực hiện bởi Đức quốc xã và các chính phủ cộng tác với nó. Vào ngày 27/1/1945, Auschwitz-Birkenau, khu trại tập trung và hủy diệt lớn nhất của Đức Quốc xã, đã được Hồng quân giải phóng.

Nhân dịp này, cô Lukácsi Katalin, một cựu chính khách đảng cầm quyền KDNP, hiện là thành viên sáng lập và lãnh đạo Phong trào Nước Hung của Mọi người (MMM) đã có một thông điệp “lạ thường” khi cô đăng một tấm ảnh bán khỏa thân đen - trắng kèm bài viết ngắn trên mạng xã hội Facebook, để hướng sự chú ý của độc giả về sự kỳ thị chủng tộc, sự bài xích Do Thái đã dẫn tới thảm họa kinh khủng cách đây gần 8 thập niên:

“Holocaust là bi kịch của con người và về con người. Về tôi. Tôi cũng là người bằng da, bằng thịt và xương, có thể bị giết trong buồng hơi ngạt. Tuy nhiên, tôi có thể làm tất cả để đảm bảo rằng tôi và bất kỳ ai khác đều không bị giết một lần nữa. Để không bao giờ có con người chỉ bằng xương-thịt, mà là sự thánh thiện bằng xương-thịt”, cô viết và so sánh holocaust với sự khổ nạn của Chúa Jesus trên “Con đường Thương khó”.

“Những đôi giày bên bờ Dunube” (2005), tác phẩm để tưởng nhớ các nạn nhân của holocaust tại Hungary của hai tác giả Pauer Gyula và Can Togay

Nguyễn Hoàng Linh (27 Jan 2021)

Monday, January 22, 2024

Vĩnh biệt TS Grétsy László

 GRÉTSY LÁSZLÓ (1932  -2024)- Gs Viện sĩ xuất sắc suốt đời gìn giữ làm đẹp tiếng Hung đã qua đời.

Ông đột ngột ra đi ở tuổi 91 khi được mời là Khách Danh dự tại Đại hội Hội Bảo vệ gìn giữ Ngôn ngữ Dân tộc Lễ khai mạc hôm nay- thứ Hai 22/1/'24.

Orbán Viktor gyászban irta:

„Nekem azok a szavak tetszenek legjobban, amelyeknek hangalakjuk sem csúnya, jelentésük pedig szép, s maga a szó már eleve jó érzéssel tölti el az embert. 

Íme, az én tíz kedvenc szavam: anyanyelv, béke, boldogság, család, édesanya, gyermek, haza, öröm, szerelem, szülőföld” – ORBÁN VIKTOR

Ngay sau Tốt nghiệp Đại học ELTE năm 1954, nhận công tác nghiên cứu viên tại Viện Ngôn ngữ Viện Hàn lâm MTA, ông nhận bằngTiến sĩ Ngôn ngữ năm 1960. Hơn 60 năm qua, ông luôn tích cực trong các hoạt động gìn giữ phát triển Tiếng Hung và đã có nhiều đóng góp khoa học xuất sắc trong lĩnh vực này.

Ba con gái, 12 cháu và 2 chắt cùng đông đảo đokngf nghiệp,  bằng hữu thương tiếc vĩnh biệt Gs Ts Ngôn ngữ xuất sắc Grétsy László.

91 éves korában meghalt Grétsy László nyelvész, tanár, a magyar nyelvművelés legendás alakja. Grétsy hétfőn vett volna részt az Anyanyelvápolók Szövetségének konferenciáján, ő lett volna a díszvendég, itt jelentették be halálhírét.

A nyelvész 1954-ben diplomázott az Eötvös Loránd Tudományegyetem Bölcsészettudományi Karán magyar-történelem szakon, 1960-ban szerzett nyelvtudományok kandidátusa címet. A Magyar Tudományos Akadémia Nyelvtudományi Intézetének tudományos munkatársaként dolgozott diplomája megszerzése után, majd főmunkatársa lett.

Grétsy országszerte ismert volt a magyar nyelv hagyományainak ápolásáról kapcsolatos nézetei miatt, célját népszerű televíziós műsorai is segítették. Olyan tévés műsorok kötődnek a nevéhez, mint a Családi félkör, A nyelv világa, a Szójáték, a Szabálytalan nyelvtanóra, az Álljunk meg egy szóra, a Gyöngyök és az Anyanyelvi szószóló. Az Álljunk meg egy szóra! című műsort Vágó Istvánnal közösen vezette.

Kapott SZOT-díjat, Kíváló népművelő díjat, Magyar Örökség-díjat, majd Prima Primissima-díjat is.

Három lánya, 12 unokája és két dédunokája született.

Péter Nagy

Coffee time

 DÀNH CHO NGƯỜI DẬY SỚM 

( Đọc điều 6 thôi cũng được) 

6 KHÓ 

1. Lái xe không khó - nhường nhịn trên đường mới khó 

2. Thương yêu một người không khó - làm cho người khác thương mình mới khó! 

3. Sống đúng bản chất không khó - sống vì người khác mới khó! 

4. Uống ly bia không khó - ngồi chung với tri kỷ mới khó! 

5. Khóc với cười không khó - khóc trong hạnh phúc và cười lúc đau khổ mới khó! 

 6. Có tiền đưa vợ không khó - lúc cần và lấy lại mới khó. 

(crazy)

Huỳnh Dũng Nhân

Sunday, January 21, 2024

Ngày đặt chân lên đất Hungary

50 ÉV- 1968.08.12- Hajrá Hungaria - Tầm giờ này đúng 50 năm trước chúng tôi xuống ga Keleti pu...Theo Yen Victor: "Đoàn AE chúng tôi khoảng 300 học sinh đặt chân xuống sân ga phía đông ( Keleti) Budapest. ra đón chúng tôi ngoài mấy anh nhân viên Đại Sứ Quán, còn có anh Quang The...

Anh Lê Hữu Hiệu nhớ thêm  „có đoàn thiếu niên khăn quàng xanh và nhiều quan chức người Hung .. Szirmai Ernő mãi mấy chục năm sau „rất ấn tượng với đoàn (thiếu niên) đồng phục mà mặt ai cũng tưng bừng hớn hở!”

Nguyễn Minh Ánh thì cứ đứng ngây ngửa mặt say sưa mãi mấy ngày sau vẫn không tin tận mặt đã thấy nhà ga mà lại lớn lộng lẫy như ni! Chàng trai trong nhóm mấy bạn từ Quảng Bình đang tơi bời khói lửa, những ngày ở Bần Yên Nhân đã cuốc bộ mấy cây số ra tận ga Lạc Đạo xem tầu hỏa ....

Peter Nagy (BME.vidi68)

Saturday, January 20, 2024

Magyarok és a képességek érdemelte ki a megtisztelő marslakó jelzőt

Olvassátok végig ! Felemelő!

 Amikor Enrico Fermi Nobel-díjas atomfizikust megkérdezték, hisz-e a földönkívüliek létezésében, így válaszolt: „Már itt vannak közöttünk... magyaroknak hívják őket.” Legendás tudásuk, zseniális fantáziájuk, egymás közt beszélt különös nyelvük, furcsa angol kiejtésük miatt amerikai tudós-körökben tréfásan marslakóknak nevezték azt a mintegy 50 magyar tudóst, akiknek a XX. század legnagyobb felfedezéseit köszönheti a világ.

A képen: Szilárd Leó, Teller Ede és Wigner Jenő...ők hárman az 50 "marslakó" közül

Egy amerikai tanulmány szerint a XX. századot Budapesten készítették elő, hiszen magyar anyanyelvű volt, és valamelyik híres budapesti iskolában tanult szinte minden tudós, aki a XX. századot meghatározó számítástechnikát, az atom- és űrkutatást elindította, továbbfejlesztette.

Neumann, Szilárd, Wigner, mars ki a Városligetbe!” – Ezt nem három vásott kölyöknek mondta a számtantanár, hanem három matekzseninek: Neumann Jánosnak, Szilárd Leónak és Wigner Jenőnek, akik osztálytársak voltak Budapesten a Fasori Gimnáziumban, s oly döbbenetes volt a matematikai tudásuk, hogy dolgozatírás helyett inkább levegőzni küldte őket a tanáruk, hiszen pillanatok alatt megoldották a legnehezebb feladatot is. 

Később mindhárman világhírűvé váltak. 

Wigner Jenő az atomreaktor, Szilárd Leó az atombomba, Teller Ede a hidrogénbomba feltalálója. 

Tudásukkal hatalmas erõt szabadítottak ki a palackból, de mindhárman tiltakoztak az ellen, hogy háborús célra, emberek ellen használják az atomenergiát. 

A maghasadásban nem a pusztító bombát, hanem az energiaforrást keresték. 

Szilárd Leó Einsteinnel együtt levélben kérte az amerikai elnököt a maghasadás békés felhasználására. 

Nem rajta múlott, hogy nagyszerű találmányát tömegpusztító fegyverként vetették be. 

Neumann János a számítógép atyja, korának egyik legnagyobb lángelméje. Az általa 1943- ban megépített computer akkora volt, mint egy szoba, de kétségtelenül ez az őse a mára már táskányira zsugorodott számítógépeknek. 

Neumann János Eisenhower amerikai elnök tanácsadója volt, ő beszélte le Kína megtámadásáról. Halálos ágyánál a hadsereg magas rangú tisztjei váltották egymást, nehogy lázálmában katonai titkokat beszéljen ki. 

Fölösleges volt. 

Neumann János haláltusájában magyarul beszélt...

Nemcsak a számítógép megalkotása, hanem fejlesztésének fontos lépései is magyar nevekhez kötődnek.

Kemény János a legelterjedtebb programozási nyelv, a Basic nyelv és a világot meghódító e-mail rendszer megalkotója.

Simonyi Károly fejlesztette ki az Excel táblázatkezelő programot, õ a híres Microsoft cég második embere, Bill Gates neki köszönheti, hogy a világ leggazdagabb emberévé válhatott.

Lovász Lászlót és Bélády Lászlót a szoftverfejlesztés, Gróf Andrást a mikroprocesszorok illetve a személyi számítógépek megalkotása miatt tartják az informatikai forradalom legnagyobb alakjainak.

Lánczos Kornél kiváló elméleti fizikus és matematikus Einstein munkatársa volt, akinek azt írta a relativitáselmélet megteremtője: „Ön az egyetlen általam ismert ember, aki ugyanúgy közelít a fizikához, mint én.”

A magyar tudósok különösen vonzódtak a repülés tudományához. A levegőt meghódító felfedezéseik évtizedekkel megelőzték korukat.

Asbóth Oszkár az Arad megyei Pankotán született, Aradon tanult.

Kármán Tódor munkatársaként a helikopterek történetének kimagasló alakja.

A Kennedy elnök által kitüntetett, harminc egyetem díszdoktorává avatott 

Kármán Tódorról a Holdon és a Marson krátert neveztek el. Õ az első helikopter és a sugárhajtású repülőgépek kifejlesztője. Kármán kutatásai alapján valósulhatott meg a hangsebességet túllépő repülőgép és a rakétatechnika.

Fonó Albert a sugárhajtás elvének atyja.

A Hoff Miklós által kifejlesztett vékony falú szerkezeteket alkalmazzák ma is világszerte a repülőgépek, űrrakéták, tengeralattjárók építésénél.

Bay Zoltán az űrkutatás úttörője. 1946-ban amerikai kutatókkal egyidőben sikerül Budapesten felállított radarjával a Holdra jeleket irányítania, és visszhangot érzékelnie.

Szebehelyi Győzőnek döntő szerepe volt abban, hogy az amerikaiak eljutottak a Holdra: õ tervezte meg az Apolló űrhajók pályáját.

Csonka János és Bánki Donát nevét mindenkinek ismernie kellene, aki autóba ül: a világon burrogó sok száz millió benzinmotor mind az általuk feltalált porlasztóval működik. A benzint levegővel keverő karburátor ötletét egy virágáruslánytól „kapták”, aki vékony csőbe levegőt fújva permetezett vizet a rózsákra.

Ma stresszes napom volt” – meséled édesanyádnak, de vajon tudod-e, hogy a stressz fogalmát magyar tudós, Selye János ismerte fel, és határozta meg pár évtizeddel ezelőtt.

Mihály Dénes a televíziós közvetítés, a hangosfilm,

Goldmark Péter a színes televízió,

Csicsátka Antal a sztereó technika feltalálója.

Rubik Ernő zseniális találmánya, a világot meghódító bűvös kocka nem gyerekjáték – bár lehet, hogy nektek is sikerült már kiraknotok mind a hat oldalát. Valójában igen bonyolult matematikai tudást igényel mind az alkotó, mind a játékos részéről.

A XX. század legfontosabb felfedezései magyar nevekhez fűződnek, hat amerikai elnöknek magyar tudós volt a tanácsadója. 

Ámul a világ: honnan fakad ez a világot alakító szellemi erő? 

Teller Ede anyanyelvünkben találta meg a titkot: 

"Bámulatos és hatalmas a szép magyar nyelv kifejező ereje és hatása a magyar fiatalokra. Életem legnagyobb tudományos felfedezése, hogy csak egy nyelv van, és az a magyar...."

(copy từ Hungarian Treasures csoport)

Friday, January 19, 2024

Quê hương thứ hai của tôi

HUNGARY, MẢNH ĐẤT KỲ DIỆU CỦA NGƯỜI MAGYAR

Mười sáu giải Nobel và thứ hạng thứ 8 trong Top 10 các quốc gia đoạt được nhiều huy chương nhất trong lịch sử phong trào Thế vận quốc tế chỉ là hai trong số vô vàn kỳ tích mà người Hungary đã đạt được, khiến thế giới phải để tâm và khâm phục đất nước chỉ vỏn vẹn khoảng 9,5 triệu dân và diện tích nhỏ hơn miền Bắc Việt Nam này. Đây cũng là một trong số 10 quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950, và tới giờ vẫn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống rất quý báu với nước ta.

Không phải ai cũng biết rằng mặc dù tọa lạc ở trái tim của vùng Trung Âu, trong vùng bồn địa lịch sử Panonnia, nhưng Hungary lại là mảnh đất định cư của các bộ lạc Magyar (1) sau một cuộc di cư vĩ đại trải qua nhiều thế kỷ về thời gian và hàng chục ngàn cây số về không gian. Vốn là một dân tộc bán du mục, người Hung đã bôn ba nhiều nơi, qua những vùng thảo nguyên rộng lớn của lưu vực sông Volga, nước Nga và Ukraine hiện tại, để tới lập quốc ở nơi hiện tại là Hungary vào năm 895, để rồi thành lập quốc gia vào Noel năm 1000.

Một ngàn một trăm năm dựng nước và giữ nước của Hungary là những trang sử kiêu hùng, nhưng cũng chất chứa đầy biến cố bi thảm, khi vương quốc này đại bại trước quân Mông Cổ và gần như bị san bằng (1241-1242), bị Đế quốc Otthoman cai trị một phần đáng kể đất nước trong 150 năm (1541-1699), và sau đó là hơn 150 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Áo. Phải đến thời kỳ nền "song quốc quân chủ" Áo - Hung (1867-1918), Hungary mới giành được độc lập và trải qua nửa thế kỷ hòa bình, hạnh phúc và phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, thế kỷ 20, Hungary lại đứng về "phe bại trận" trong cả hai cuộc thế chiến, và hậu quả là hai phần ba diện tích đất nước bị cắt qua các nước láng giềng, hai phần ba cư dân Hung chỉ trong chốc lát biến thành công dân "xứ lạ". Những nỗi đau trong quá khứ ấy đến bây giờ người Hung vẫn nhắc nhớ, nhưng luôn đi kèm với niềm tự hào của một dân tộc anh dũng, không chịu khuất phục, đầu hàng, với khí phách "Chết tự do không chịu sống tôi đòi - Không yên nghỉ khi tự do chưa có" như đại thi hào Petőfi Sándor từng ca ngợi (2).

Dân tộc nhỏ này đã có những người con vĩ đại trong khoa học, đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ 20, khi giới khoa học thế giới đã kinh ngạc gọi các nhà bác học di cư từ Hungary qua để Mỹ lánh nạn chiến tranh là "người Hỏa tinh" vì bộ óc xuất chúng của họ. Bom nguyên tử, bom khinh khí, máy điện toán... là một vài trong số rất nhiều công trình mà thế giới phải cám ơn Hungary, với những tên tuổi như Neumann János, Szilárd Leó, Teller Ede... hay gần đây nhất như Karikó Katalin, "mẹ đẻ của công nghệ mRNA" góp phần "cứu vãn thế giới" (3).

Trong văn học nghệ thuật, Hungary cũng có những đỉnh cao như đại nhạc sư Liszt Ferenc, danh cầm vĩ đại nhất của mọi thời đại, tên tuổi vĩ đại của trường phái Lãng mạn đầu thế kỷ 19, Kodály Zoltán, nhà sư phạm âm nhạc bậc thày với "phương pháp Kodály" nổi tiếng, hay Kertész Imre, Giải Nobel Văn chương 2002, người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái... Thế giới cũng luôn nhớ "Đội tuyển vàng" với thủ quân Puskás Ferenc thập niên 50 trong bóng đá, và Hungary là cường quốc thể thao lớn nhất còn chưa được đang cai Thế vận.

Nhắc tới Hungary, những cái tên như thủ đô Budapest, "Biển hồ" Balaton lớn nhất vùng Trung Âu, Thành cổ Eger anh hùng hay hồ nước khoáng chữa bệnh Hévíz lớn nhất Châu Âu là những điểm nhấn rất quen thuộc. Với gần 16 triệu lượt khách tới thăm trong năm 2023, quốc gia này thuộc nhóm các nước du lịch phát triển: Quần thể Lâu đài và các di sản trên Đồi Buda, những công trình kiến trúc nằm dọc hai bên bờ "Danube xanh", Đại lộ chính Andrássy và Quảng trường Anh Hùng ở thủ đô là những danh thắng UNESCO lừng danh.

Tuy khoảng cách địa lý rất xa xôi, nhưng Hungary và Việt Nam có nhiều "duyên nợ", ân tình trong quá khứ. "Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn!" là khẩu hiệu và phương châm của nước Hung trong những năm chiến tranh gian khổ; từ đầu thập niên 50 thế kỷ trước, Hungary đã hào hiệp ủng hộ và giúp Việt Nam đào tạo nhiều thế hệ DHS, NCS... để tới bây giờ, lãnh đạo hai nước trong các phát biểu vẫn tự hào rằng cộng đồng ngoại quốc am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Hungary dù không có mối liên quan về sắc tộc, chính là ở Việt Nam!

Những năm gần đây, Hungary và Việt Nam đã có quan hệ hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, pháp luật và tư pháp, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân... Hungary coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, và hai đã nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào tháng 9/2018 trong chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nước có tiềm năng và còn có thể tăng cường hơn nữa trong nhiều lĩnh vực như thương mại - đầu tư, nông nghiệp, hay y tế, du lịch, lao động…

Cho đến nay, nước Hung cũng là quê hương thứ hai của một cộng đồng Việt thuần hậu, được đánh giá là hội nhập thành công trong cuộc sống và công việc, nhưng vẫn hướng về Tổ quốc với nhiều nỗ lực đóng góp "lá lành đùm lá rách...". Mới đây nhất, Việt Nam còn là nguồn cung ứng lao động đáng kể cho nền kinh tế Hungary, vốn cần rất nhiều nhân lực đến từ các quốc gia thứ ba cho thị trường nội địa trong chiến lược tái công nghiệp hóa của chính phủ. Nhiều cơ hội được mở ra, cần tận dụng khai thác một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Với những nét tương đồng đáng kinh ngạc trong lịch sử và ký ức, Hungary và Việt Nam là hai dân tộc có sự đồng điệu về tình cảm và tâm thế trong quá khứ kiên cường trước giặc ngoại xâm. Truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, ở vào thời đại "thế giới phẳng", cần được phát triển và tăng cường với những nội dung mới, hình thức hợp tác mới, mà chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong thời gian 18-20/1/2024 có thể sẽ đem lại nhiều kết quả mới, theo kỳ vọng của đôi bên.

Ghi chú:

(1) Người Hungary gọi họ là dân tộc Magyar.

(2) Trích thi phẩm nổi tiếng "Bài ca Dân tộc" (Nemzeti Dal, 1848), bản dịch của dịch giả, PGS. TS. Vũ Ngọc Cân.

(3) Tựa đề một bộ phim tư liệu của Pháp về GS. Karikó Katalin, nhà sinh học đồng giải thưởng Nobel Y Sinh 2023, với phát minh đặt tiền đề cho vaccine "thế hệ mới" kháng virus Corona.

Nguyễn Hoàng Linh

Thursday, January 18, 2024

Học bạ Trường Y Dược

Hôm nay lục lọi ra quyển học bạ thời đẹp nhất tuổi thanh xuân mà sao trường mình lại bọc màu đen nhỉ! Không biết mọi người còn giữ không vì trong đó là kết quả học tập muốn chảy máu mắt,bao đêm thức đến sáng học xong ôm cặp đi thi luôn. Thi xong muốn xỉu luôn vì một là vui và mệt,hai là bị “ đá “ về học lại còn phải mua tem tùy giá trị của lần thi lại ấy. Thật sự học ở Hung thật gian nan mà còn học ở trường Y Dược nữa gian nan gấp nhiều lần không thể tả được. Đã về hưu gần hai mươi năm mà vẫn còn nằm mơ thấy phải đi thi mới biết khổ cỡ nào! Nhưng vẫn là kỷ niệm đẹp có thể nào quên.

Tăng Kim Đoan (ĐH SEMMELWEIS.vidi69)

Wednesday, January 17, 2024

Vì sao nghèo? Chiến tranh. Vì sao sau chiến tranh không tăng trưởng?

 Tác động của chiến tranh lên nền kinh tế

    1. Tôi thường nghe câu nói cửa miệng "Nước ta nghèo, khó khăn là do hậu quả chiến tranh". Nghe riết thành quen, tưởng thật. Đến nỗi, chiến tranh qua đến nửa thế kỷ, nhiều người vẫn tưởng là ta nghèo là do chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lãnh đạo thì lấy đó làm lý do biện hộ: chúng ta lãnh đạo tốt, đúng hướng, nhưng do chiến tranh nên .... 

    2. Chúng ta hãy thử suy nghĩ một chút xem điều đó có đúng không. Trong lịch sử thế giới, sau chiến tranh, thường kinh tế phát triển phồn thịnh. Ở nước ta, sau khi bị đô hộ và chiến tranh 10 năm, đầu đời Hậu Lê, kinh tế phát triển 

                "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông 

           Gạo trắng đầy đồng trẻ chẳng chịu ăn"

     Các nước Nhật, Mỹ, Nga, Đức,... sau chiến tranh đều có những phát triển thần kỳ về kinh tế, mặc dù trừ Mỹ, đều bị tàn phá nặng nề. Từ thời Chu, ngay sau chiến tranh là Thành Khang chi trị, tới thời Thanh, đều thấy sau thời chiến tranh, lập quốc là thời phát triển mạnh. Nước ta sau khi chống Nam Hán, Nguyên Mông,...phân tranh Tây Sơn-Nguyễn đều hưng thịnh ngay sau chiến tranh. 

   3. Thực ra, nền kinh tế chậm phát triển là do thiếu động lực, bị ngăn cản bởi cơ chế già nua, những con người trì trệ bảo thủ, các thể chế hết thời. Chiến tranh thay đổi thế hệ, tạo ra khát vọng, phá hủy cơ chế cũ, và có một thị trường lớn làm lực đẩy. Có thể nói chiến tranh là động lực đẩy bánh xe kinh tế quay, khi quay sẽ tạo ra của cải, sức mua, cơ chế mới. Nước Mỹ từ sau chiến tranh lạnh luôn phải có các cuộc chiến tranh nhỏ cục bộ để kích hoạt nền kinh tế.   

   4. Vậy tại sao Việt Nam lại không có tăng trưởng hậu chiến như vậy: Có thể là do một số ngành kinh tế bị đứt gãy về cả nhân lực và tri thức, không có tiếp nối, do đó khát vọng không có đất gieo. Điều quan trọng hơn là sự cô lập với thế giới và với sự tiến bộ. Cũng có thể lực lượng chủ lực của bộ máy chiến tranh quá mạnh, không thể tự thay đổi. Cho đến nay vẫn còn đơn vị kinh tế, KHCN, giáo dục đào tạo của quân đội, công an, đảng và ....

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Tuesday, January 16, 2024

Câu hỏi về sự vận động và bất biến của lịch sử

 Vì sao Á Đông lạc hậu, 

    1. Theo quan điểm phát triển của xã hội học hiện đại của Marx, Weber, Witgenstein, Á Đông vào thế kỷ 10-13 đã hội tụ đủ các yếu tố để phát triển như phương Tây vào thế kỷ 17-18. Nhưng cuối cùng Á Đông không phát triển, trở nên lạc hậu và bị phương Tây nô dịch. Mọi thành tựu văn minh, chất lượng cuộc sống, khả năng làm chủ số phận hiện nay của con người đều là thành tựu của khoa học và phương pháp luận phương Tây. 

   2. Nhiều học giả cố gắng cắt nghĩa điều này theo các cách khác nhau. Có người cho rằng bản chất của chế độ phong kiến Á Đông được phỏng theo mô hình xã hội của các loài côn trùng phù du: mối, kiến, ong, chỉ có mục tiêu phục vụ một cá thể là con chúa. Chính vì thế nền kinh tế không có thị trường, khoa học công nghệ không có ứng dụng. 

    3. Tôi nhìn vấn đề theo một cách khác. Xã hội độc tài tuy nhiều khi phản động ngăn chặn sự tiến bộ, nhưng đôi khi nó cũng kích thích sự tiến bộ, chẳng hạn Kim Tự tháp, nghệ thuật, kiến trúc, kỳ quan thế giới đều do các nhà độc tài tài trợ. Không có Giáo hoàng sao có thể có Michelangelo và các bức vẽ trên trần các thánh đường. Tôi thấy có một hạt nhân nguy hiểm hơn trong phương pháp tư tưởng phương Đông là việc mặc định cho rằng ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc. Thánh nhân sẽ không có ai bằng, chỉ cần noi theo là đủ. Trong khi đó, ở phương Tây, truyền thống là phủ định hình tượng. Các trí tuệ siêu việt như Socrates, Pythagoras, Aristoteles, Platon, Newton, Einstein đều bị phủ định ngay khi còn sống để rồi sau đó mới đặt họ vào vị trí chính đáng. Các giá trị của họ mang lại đều được bổ sung, cải tiến và phát triển đưa đời sống đi lên. 

     4. Sử cho rằng các tác phẩm của Khổng Tử như Ngũ Kinh, Tứ thư bị Tần Thủy Hoàng đốt hết, nhưng đột nhiên tới thời Hán Vũ Đế, khi cần, chúng lại được "phát hiện" trở lại trong nhà mồ của Khổng Tử. Điều đó gây nhiều nghi vấn. Bên cạnh đó, các tư tưởng trong các tác phẩm này đều có từ trước, Khổng Tử chỉ "san định" lại. Nói một cách khác, ông đã cắt xét đi những thứ không hợp ý mình. Riêng về Kinh Thi, nhiều người cho rằng Khổng Tử phá hoại nhiều hơn công. Ông lược bỏ những bài không theo tiêu chuẩn đạo đức của mình. Có lẽ vì vậy, khi Khổng Tử sống, ông chỉ là một nhà tư tưởng không được thực thi, hoàn toàn vô danh.   

    5. Các tác phẩm nổi tiếng như Đạo Đức Kinh,... đều khó lòng là tác phẩm của một người. Thậm chí có một người là Lão Tử hay không thì vẫn còn tồn nghi. Sử Ký nói tới ít nhất 3 người được cho là Lão Tử: Lý Nhĩ, Lão Đam, Lão Lai Tử và hoàn toàn không có chứng cứ nào về việc họ viết Đạo Đức Kinh. 

     6. Thực ra, tư tưởng cũng như nghệ thuật, triết học, thức ăn, quần áo hay công cụ, không phải khi ra đời đã giống hệt như hiện nay. Thật ngây thơ nếu tin rằng các quý tộc La Mã đã dùng các loại baguette, hay crossant thượng hạng như chúng ta dùng hiện nay. Quần áo thời Chu không phải trắng muốt, thơm tho như trong phim ngôn tình cổ trang. Chắc chắn, do chưa có bột giặt, chúng sẽ ngả sang màu cháo lòng, chất liệu cũng thô, và do ít thay, chúng sẽ có mùi không mấy dễ chịu. Rượu vang trước công nguyên có thể chỉ là một thứ nước lên men thô lỗ, chưa thể chưng cất tinh tế như sau này.  

      7. Tư tưởng bắt đầu cũng phải manh nha với các ý tưởng sơ khai, có thể ngây ngô. Phật chưa hề viết một trang kinh nào. Tuy vậy, không phải là vì ngài không muốn viết và hàng vạn trang kinh, luật, tạng đã có sẵn trong đầu ngài và chỉ vì ngài không muốn viết. Cho dù ngài có muốn, giáo lý của ngài cũng chưa hoàn thiện và đầy đủ như ngày nay. Nói Đại thừa đã tiềm tàng trong tư tưởng của Phật là một cách nói và mâu thuẫn với niềm tin của Tiểu thừa là họ mới là Phật giáo nguyên thủy. Những lời được ghi chép trong kinh được cho là của Phật cũng không hề có bằng chứng nào. 

      8. Cho dù ngài có ngồi 10 năm dưới cây Bồ đề, không động tâm vì muỗi, kiến đốt, nghĩ với tốc độ siêu thanh, cũng không thể tạo ra được một phần ngàn thông tin mà các kinh, luật, tạng đang có.  

      9. Bên cạnh đó, ngài được thừa hưởng nhiều kiến thức từ nền giáo dục lúc bấy giờ, dựa trên truyền thống Vệ Đà, Ấn độ giáo, Upanishads và ngài có một số đề xuất cải tiến mới trên nền tảng đó: có thể là Tứ Diệu đế, Duyên khởi và Ngũ Uẩn ở một mức sơ khai hơn những gì chúng ta thấy bây giờ và chắc chắn được thể hiện bằng một ngôn ngữ khác, chưa phát triển, không chặt chẽ, thiếu khái niệm không có năng lực thể hiện như ngôn ngữ bây giờ.

    10. Niềm tin có sức mạnh của nó. Có thể dẫn tới những chuyện thần kỳ mà sức người thường không thể làm nổi, kể cả quay ngược bánh xe lịch sử.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Monday, January 15, 2024

Ancient Egyptian sun god

A majestic representation of Ra, the ancient Egyptian sun god, with a golden disk above his head.

The golden disk above Ra's head represents the sun, which was a symbol of his power and divinity. It symbolizes the sun's life-giving energy and Ra's role as the ruler of the heavens. The Egyptians believed that Ra traveled across the sky during the day and descended into the underworld at night, only to rise again the next morning. The golden disk is a visual representation of this celestial journey and Ra's connection to the sun.

St từ net

Sunday, January 14, 2024

Hộ chiếu: Top 10

HUNGARY VẪN THUỘC TOP 10 TRONG NHÓM CÁC QUỐC GIA CÓ HỘ CHIẾU QUYỀN LỰC


Hộ chiếu Hungary thuộc hạng thứ 7 trên thế giới xét theo con số các quốc gia mà công dân nước này có thể nhập cảnh mà không cần xin thị thực. Trong số các nước cựu CS trong vùng Trung Âu, cả Cộng hòa Czech và Ba Lan đều hơn Hungary một bậc xét về tính quyền lực của tấm hộ chiếu, theo Chỉ số Hộ chiếu Henley.

Được biết, Chỉ số Hộ chiếu Henley (The Henley Passport Index) được thiết lập dựa trên dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) – cơ sở dữ liệu thông tin du lịch lớn nhất, chính xác nhất – và được nâng cao bởi nhóm nghiên cứu của Henley & Partners. Thông tin về thứ hạng mới nhất này được đăng tải trong Báo cáo Di động Toàn cầu Henley 2024 (Henley Global Mobility Report 2024, tháng 1/2024).

Xếp hạng hộ chiếu toàn cầu với lịch sử dữ liệu kéo dài 19 năm, Chỉ số Hộ chiếu Henley là chỉ số duy nhất thuộc loại này, bao gồm 199 hộ chiếu của các quốc gia và 227 điểm đến du lịch. Được cập nhật hàng tháng, Chỉ số Hộ chiếu Henley được coi là công cụ tham khảo tiêu chuẩn cho các công dân và các quốc gia có chủ quyền trên thế giới khi đánh giá các tấm hộ chiếu có "quyền lực" như thế nào trong phạm vi di chuyển toàn cầu.

Top 10 của các nước có hộ chiếu "đáng nể" như sau, theo bảng xếp hạng mới nhất:
1. Tới 194 quốc gia mà không cần thị thực: Pháp, Đức, Ý, Nhật, Singapore, Tây Ban Nha.
2. Tới 193 quốc gia mà không cần thị thực: Phần Lan, Đại Hàn, Thụy Điển.
3. Tới 192 quốc gia mà không cần thị thực: Áo, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan.
4. Tới 191 quốc gia mà không cần thị thực: Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh.
5. Tới 190 quốc gia mà không cần thị thực: Hy Lạp, Malta, Thụy Sĩ.
6. Tới 189 quốc gia mà không cần thị thực: Úc, Cộng hòa Czech, New Zealand, Ba Lan.
7. Tới 188 quốc gia mà không cần thị thực: Canada, Hungary, Hoa Kỳ.
8. Tới 187 quốc gia mà không cần thị thực: Estonia, Lithuania.
9. Tới 186 quốc gia mà không cần thị thực: Latvia, Slovakia, Slovenia.
10. Tới 185 quốc gia mà không cần thị thực: Iceland.

Xét về tổng thể tuyệt đối, như vậy, cùng Canada và Hoa Kỳ, tấm hộ chiếu Hungary xếp thứ 26 trong số gần 200 quốc gia trên thế giới, một kết quả không hề tồi. Để so sánh, hộ chiếu Việt Nam có thể được miễn chiếu khán tới 55 nước trên thế giới và do đó, thuộc nhóm thứ 87, cùng Bhutan, Trung Phi, Chad, Quần đảo Comoro, Ai Cập, Haiti và Jordan.

Nguyễn Hoàng Linh

Saturday, January 13, 2024

Tuổi trẻ và giai đoạn tạo dựng nền tảng

TRẺ KHÔNG TRAU DỒI - GIÀ MANG HỐI TIẾC!

Giai đoạn vàng để học hỏi của một đời người chỉ có vài năm, đừng vì ham chơi nhất thời mà đánh đổi cả một cuộc đời vô giá

Lúc trẻ không nỗ lực, về già ắt sẽ hối hận!

Thời niên thiếu là lúc con người dễ phát triển nhất, năng lực học tập mạnh mẽ, khả năng tiếp thu sự vật sự việc mới nhanh nhạy, là giai đoạn học tập tốt nhất trong cuộc đời.

Đừng vì khó khăn mà bỏ cuộc, đừng vì vất vả mà nản chí.

Sự lười biếng của năm 25 tuổi tạo nên sự bất lực ở năm 35 tuổi

Sự bất lực của năm 35 tuổi tạo nên sự vô dụng ở năm 45 tuổi

Sự vô dụng của năm 45 tuổi tạo nên một cuộc đời thất bại

Một mái đầu bạc hối tiếc cũng đã muộn, sức khỏe chẳng còn nhiều để cố gắng. Bởi vậy, còn trẻ đừng vì khó khăn phía trước mà bỏ cuộc, đừng vì vất vả mà nản chí.

Giai đoạn học hỏi tốt nhất của một người cũng chỉ có vài năm, đừng vì sự ham chơi nhất thời mà đánh đổi cả một cuộc đời vô giá.

Rich Nguyen (FB)

Friday, January 12, 2024

Lời Của Gió

NGÔN NGỮ TỪ NHỮNG VÌ SAO

Chiêm tinh học là một loại ngôn ngữ. Nếu bạn thông hiểu nó, bầu trời sẽ nói chuyện với bạn.

Dane Rudhyar

Tất cả chúng ta đều mang trong từng tế bào của mình những mẫu thức của những vì sao đã tắt. Về cơ bản, con người là hậu duệ của những vì sao, gắn bó mật thiết với bầu trời. Tìm hiểu khoa học về mối liên hệ này là học cách hiểu ngôn ngữ của các vì sao và ngôi sao của mình, đánh thức & giúp chúng toả sáng mạnh mẽ nhất trong suốt cuộc đời mình, thắp sáng số phận của mỗi người và giúp ích cho những người khác*.

Cung mệnh của các vì sao đã trở thành 1 phần thuộc về thế giới của chúng ta. Trong cuộc sống, những người bình thường cho rằng: kiến thức cao siêu về khoa học của các vì sao chẳng liên quan gì đến họ. Họ chỉ quan tâm đến những câu chữ rõ ràng về cuộc sống của mình ntn khi thuộc về cung mệnh của chòm sao đó để thay đổi bản thân theo cách nào sao cho tương lai tươi sáng hơn.

Người đời chưa tin vào các cung hoàng đạo, nhưng lại muốn biết về ảnh hưởng của khoa học liên quan đến các vì sao trong cuộc sống của mình. Họ ko muốn tìm hiểu sâu xa về các thuật ngữ, các cung vị trong chiêm tinh học, song lại muốn biết tất cả những gì liên quan đến cung hoàng đạo của mình bằng phương thức đơn giản nhất là mua sách hoặc tìm thông tin từ net.** 

(*): Viết theo Giải Mã Ngôn ngữ 12 Chòm Sao của Đinh Trần Tuấn Linh & Nhóm tác giả Chiêm tinh số (Hoàng Thuý Hiền, Minh Phương, Nguyễn Vân)-Asbooks & Nhà Xuất Bản Thế Giới phát hành (2022)

(**): Trích từ 12 Mảnh ghép Vũ Trụ (Asbook & NXB Lao Động phát hành-2013)

Hình ảnh: Chọn từ net