Wednesday, November 30, 2022

Tên đường

ÔNG VÕ VĂN KIỆT ĐỔI TÊN ĐƯỜNG ALE. DE RHODES

Đường Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn có từ trước 1975 .

Năm 1985,  Sài Gòn gỡ bảng mang tên vị giáo sĩ này, thay tên mới : đường Thái Văn Lung. 

Năm 1993 Ông Võ Văn Kiệt sang thăm Pháp, tranh thủ gặp học giả Hoàng Xuân Hãn.

Cuối buổi trò chuyện, ông Hãn đề nghị phục hồi tên đường Alexandre de Rhodes tại TP.HCM. 

Về nước, ông Kiệt hỏi các đồng chí thì mới biết cái quy trình việc đặt tên đường phải lập hồ sơ, lần lượt qua tay xét duyệt của Hội đồng đặt tên đường của Thành phố, Hội đồng Nhân dân Thành phố, rồi Ủy ban Nhân dân TP. 

Bình thường đã nhiêu khê và lâu lắc, riêng cái tên ông giáo sĩ này chắc phải ngâm cả năm chưa xong. 

Ông Kiệt hỏi: 

- Vậy làm một cái bảng tên đường mất bao lâu? 

- Dạ thưa, chừng 1 buổi ạ.

- Vậy tháo cái bảng tên đường cũ ra, lắp bảng tên đường mới vào thì mất bao lâu?

- Thưa, chừng mươi phút ạ.

Ông Kiệt hạ lệnh:

- Làm ngay bảng tên đường Alexandre de Rhodes và chuẩn bị ốc vít đầy đủ!

Thế là chỉ sau một đêm, sáng ra dân Sài Gòn trợn mắt bàng hoàng thấy cái bảng tên đường Alexandre de Rhodes lù lù hiện ra. 

Còn những thủ tục khác cứ bổ sung sau cho hoàn chỉnh quy trình.

Từ fb Nguyên Phi

Tuesday, November 29, 2022

VIẾT NGẮN

 1

   Ta khoái lạm dụng khi nói : Có làm có sai! Sai thì sửa!... 

   Mới nghe có lý, có vẻ biện chứng. Nhưng thực chất chỉ bao biện. Ta quên, có những việc không được sai. Và, sai thì không sửa được!? 

2

   Ông bà mình có câu : Sai thì phải đền! "Bắn súng không nên phải đền đạn" cũng là! 

   Ngày xưa, ông thợ may nhà quê, đo sai, cắt sai thì móc tiền túi ra đền. Không mè nheo! Không nói nhiều! Còn biết xấu hổ,... 

3

   Quốc gia đại sự làm sân bay, cảng biển, cao tốc, khai thác tài nguyên, hoá chất, lọc dầu, thuỷ điện,... Nói chung là đầu tư công thì không được phép quyết định sai.

   Quyết định sai gây lãng phí quá sức. Chính lãng phí làm tổn thương, làm nghèo đất nước ghê gớm nhất. Nó đẻ ra trăm ngàn thứ bệnh tật kể cả tâm thần (?!). 

4

   Ước gì...!!! 

   Huống hồ,...!!!

... 

(Saigon, 29.11.2020 - 29.11.2022. Vẻ đẹp vốn không xa hoa - Ảnh internet, xin miễn thứ bản quyền và nhân vật)

Chiêm Lưu Huy

Monday, November 28, 2022

Chuyện của Pistike

 

[EDU-KIDS] Dạy kỹ năng trong môn lịch sử,

 1. Một trong những nhận thức sai lầm của cha mẹ trong việc dạy con là phải cho chúng học nhiều tri thức mới, không có trong trường phổ thông. Tất nhiên sai lầm này bắt nguồn từ nhận thức sai về giáo dục của xã hội, các học giả lớn và các nhà quản lý có tầm ảnh hưởng quyết định.

      2. Tôi quan niệm dạy cái gì chưa phải quan trọng, nếu có thừa một chút cũng không sao, nếu thiếu bổ túc thêm cũng dễ dàng. Điều quan trọng của dạy cũng như xây tháp, nếu không có hàng có lối, có đế vững, kết nối giữa các thành phần lỏng lẻo, thì khó xây cao, có thể sụp đổ. Thực tế, kiến thức phổ thông có 2 chức năng: một là cung cấp hệ thống khái niệm cơ sở, hai là có dữ liệu để vận dụng các kỹ năng cơ bản. Đối với chức năng thứ hai nội dung giảng dạy chỉ để cung cấp các vấn đề, bài toán để trẻ rèn luyện phương pháp tư duy, vốn không thể học bằng lý luận suông. Đối với chức năng thứ nhất, theo tôi chương trình hiện nay có thể đáp ứng tới 60-70% số lượng cần thiết, bổ túc thêm không khó, nhất là đối với các trẻ có khả năng tự học, nghiên cứu. 

     3. Một số môn, trong đó có lịch sử, sở dĩ gây cho trẻ cảm giác vô dụng và chán trước hết là không được thiết kế để dạy kỹ năng. Môn học đơn thuần chỉ nhồi sọ kiến thức mà không dạy các kỹ năng vận dụng chắc chắn sẽ không thách thức, khêu gợi tò mò. Kỹ năng cho môn lịch sử cần gồm có: 

        a. Kể chuyện (bao gồm cả kể lại với các tình tiết mới và các hạn chế mới)

        b. Liên tưởng kết nối các sự kiện, tìm ra các mối quan hệ ẩn, kể cả các quan hệ nhân quả.

        c. Sử dụng bản đồ để theo dõi sự vận động, nghiên cứu địa hình. 

        d.  Nghiên cứu các đề tài liên ngành, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, kể cả khoa học công nghệ. 

     Bên cạnh việc dạy cách kể chuyện, cần có các dự án nghiên cứu với những giả thuyết mới và kích thích việc quan sát, tham quan các địa danh, di tích.  Tìm các địa danh cổ và mối quan hệ của chúng với các sự kiện lịch sử, cần được dạy ngay từ nhỏ, bắt đầu từ lịch sử địa phương và các di tích ở gần.

     4. Nếu được dạy tốt, đúng cách, học lịch sử, giáo dục công dân, đạo đức, mỹ thuật, cũng có thể giúp ta giỏi học Toán, Công nghệ. Không cần nhồi sọ lập trình từ Tiểu học làm gì.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Bảo tàng Chàm và Henri Poncaré

 Việt Nam có rất ít cái hay, tuyệt mĩ mà thế giới không có. Tôi chỉ biết có 1 cái như thế là Bảo tàng Chàm. Ấy thế mà mỗi lần đến Đà Nẵng là tôi phải van vỉ những người đồng hành đến thăm Bảo Tàng Chàm. Tỷ lệ thành công khá thấp, chưa tới 1/10.

Điều quan trọng nhất có lẽ không phải là xem hiện vật, mà ngắm nhìn một nền văn hóa tuyệt mĩ đã bị tuyệt diệt, luôn kích thích suy nghĩ chiêm nghiệm.

Khi đế quốc Champa hùng mạnh, giàu có, trí tuệ và sáng tạo thì Đại Việt còn chưa tồn tại. Vua Champa đã xin nhà Đường cho quản luôn Giao Chỉ khi đó đang nằm dưới quyền của An Nam đô hộ phủ. Ông già thủ cựu Ngô Sĩ Liên bất mãn coi đó là điều quốc sỉ. Tôi lại nghĩ khác: Nếu Lâm Ấp thống quản Giao Chỉ chưa chừng sẽ tốt cho cả Champa và Đại Việt. Người Chăm tài hoa, tuyệt mĩ và quá suy tôn cái đẹp, cái đích thực. Người Việt quá thực dụng, giỏi thích nghi nhưng sơ sài, tắt mắt.

Điều tôi nghĩ lâu nhất là làm thế nào một đế quốc hùng mạnh, có văn hóa, triết lý sâu sắc, khoa học công nghệ phát triển như thế lại bị một quốc gia mới nổi, hầu như chẳng có ưu điểm gì ngoài sự nghèo túng đè bẹp. Không biết quy luật chọn lọc tự nhiên ở đây đã theo tiêu chí nào.

Cuối cùng tôi tìm ra lời giải đáp tại gian trưng bày các hiện vật thời cực thịnh của văn hóa Champa và nhờ Henri Poincaré.

Kiến trúc Champa thời cực thịnh cực kỳ tinh xảo về đường nét, nhưng vẫn có một cái gì đó như thiếu ý tưởng, thiếu sức sống lộ rõ mầm mống của sự diệt vong, một cái kết có hậu cho một cái gì đó hoàn mĩ. Kiến trúc Champa thời sơ kỳ mộc mạc, nhưng giàu ý tưởng, phóng khoáng và tràn ngập các tư tưởng vươn lên.Nói một cách khác, Champa tự diệt vong khi văn hóa đã đi vào những quy ước về sự tinh xảo, cũng như đã từng xảy ra với Maya và Angkor. Không phải Champa bị diệt vong bởi những phát súng ăn may ngẫu nhiên của Trần Khát Chân, mà dù Chế Bồng Nga có chiếm được Đại Việt đi chăng nữa thì đế chế Champa cũng sẽ sụp đổ bởi trăm ngàn yếu tố ngẫu nhiên khác. Bởi vì nền văn hóa Champa đã trở nên suy nhược vì chính sự hoàn mĩ của mình mà thiếu yếu tố phát triển.

Henri Poincré là nhà toán học vĩ đại, nhưng là người phản bác lại tính chặt chẽ toán học và logic hình thức. Ông cho rằng sự hoàn mĩ trong lập luận sẽ giết chết toán học. Quan điểm của ông hoàn toàn đi ngược lại rất nhiều nhà toán học thời đó như Cantor, Zermelo, Hilbert,...

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Sunday, November 27, 2022

Tiền không phải là tất cả (2) - Nhưng mua được chính trị.

 (Tiếp theo)

Giải WC 2022 này đem lại nhiều bất ngờ đầy kịch tính, ví dụ như Đức thua Nhật, Ả rập Xê Út quật ngã Argentina. Xưa nay vẫn vậy. Từ năm 1966 Bắc Triều Tiên đã quật ngã Italia. Ở giải 2018, Đức cũng bị Nam Hàn cho về vườn từ vòng bảng. Đó là sự diệu kỳ luôn chứa đựng trong bóng đá. 

Có điều là trật tự thế giới bóng đá vẫn chưa thay đổi về cơ bản: „Chủ nghĩa thực dân bóng đá“ của Châu Âu và Nam Mỹ vẫn ngự trị. „Các nước thế giới thứ ba“ như Nhật Bản, Nam Hàn, Ả Rập Xê Ut, Senegal v.v. có được những thành tích bất ngờ tại các giải WC chính vì nhờ có kinh nghiệm từ Châu Âu do hội „lính đánh thuê“ mang về.

Nền bóng đá ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ, thể hiện qua các giải vô địch quốc gia và khu vực vẫn là „ao làng“ so với hai nền bóng đá kia. Do vậy việc các trai làng quật đổ các võ sỹ thành đô mới là niềm cảm hứng mà bóng đá đem lại. Ai cho rằng „ao ta“ nay đã to như biển tức là vẫn ngộ nhận. 

Khoảng cách đang rút ngắn lại, nhưng còn lâu mới đến lúc người Việt háo hức xem giải vô địch Nhật Bản qua K+, chứ đừng mong dân Đức xem tường thuật tại chỗ trận chung kết AFF như ta thức đêm xem từng trận vòng bảng Euro.

---

Điều đáng nói nhất trong giải WC này là các tranh chấp chính trị mà hậu quả của nó chưa ai lường được.

Từ lâu người ta đã coi FIFA là một ổ Mafia. Rất nhiều vụ tai tiếng đã làm cho nhận định này càng trở nên vững chắc. Việc Qatar được đăng cai giải 2022 cũng chứa đựng khá nhiều dấu hỏi. Liệu các quan chức FIFA  bỏ phiếu cho Qatar năm 2010 có ăn tiền của vương triều Thani nay không thì còn phải chờ. Nhưng chắc chắn là ông J.Blatter hy vọng vào thu nhập lớn khi bầu cho Qatar. Sau quyết định chọn Qatar, FIFFA đã bị phản đối dữ dội bởi các lý do: 

- Khí hậu nóng bức ở đó không phù hợp cho việc đá bóng ở cường độ cao. Dù đá vào mùa đông nhưng vẫn phải xây các sân vận động có điều hòa nhiệt độ khiến việc tiêu thụ điện rất cao, gây ô nhiễm môi trường.

- Lúc đầu Qatar đăng ký cho mùa hè 2022, nhưng dân Âu-Mỹ phản đối vì không ai chơi bóng ở nhiệt đôh trên 40°C nên giải được chuyển sang mùa đông, khiến lich đấu giả của đa số các nước bị xáo trộn.

- Nước chủ nhà không có nền bóng  đá lớn nên hệ thống sân bãi không có, phải xây dựng từ đầu một loạt sân vận động, sau giải lại bỏ trống. Đây cũng là lãng phí tài nguyên.

- Nước chủ nhà không có nền bóng đá mạnh  mà lại đương nhiên được chiếm 1 vé vào giải chung kết, không công bằng. 

- Nước chủ nhà có quá nhiều luật lệ khắt khe hồi giáo khiến quyền tự do của cổ động viên sẽ bị hạn chế, nhất là những người LGBT[1].

Về sau người ta còn biết rằng Qatar đã lợi dụng sức lao động rẻ mạt của hàng triệu thợ khách từ các nước nghèo để xây hạ tầng cơ sở cho WC 2022. Trong điều kiện luật lao động và chế độ an sinh xã hội cho thợ khách chưa cải cách kịp thời nên đã xảy ra rất nhiều bi kich, thảm họa cho họ và gia đình. Từ năm 2015 trở đi, thế giới nói đến vấn đề này rất nhiều. Chính phủ của các ông Scheich cũng chỉ cái cách nửa vời, lấp liếm là chính. Đã có nhiều ý kiến đòi đưa giải ra khỏi Qatar.

Bất chấp các phản ứng trên, FIFA vẫn „kiên định lập trường“ và ông chủ mới là Infantino lại càng bám vào Qatar. Triều đình Thani biết vậy nên càng dùng tiền để trói chặt Infantino. Nói theo kiểu của ta là cả Qatar và FIFA đều đưa cả „hệ thống chính trị“ vào cuộc. Một bên quyết dùng tiền để đưa thanh thế của chế độ lên tầm thế giới, bên kia thì dùng tiền để thao túng bóng đá toàn cầu. Không ở đâu dễ kiếm tiền bằng  làm việc với bọn độc tài, không bị dân và quốc hội kiểm soát ngân sách.

Phải sòng phẳng một điều rằng: Trong thế giới Ả rập thì Qatar là nước có điều kiện thuận lợi nhất cho việc đăng cai một sự kiện quốc tế lớn như vậy. Vương triều Thani là một tập đoàn phong kiến gia đình trị, nhưng là một tập đoàn có tầm nhìn, có tư tưởng khai phóng nhất trong khu vực. Đã từ lâu phụ nữ ở đây được tự do học hành trong các trường đại học, được phép lái xe, được phép làm chủ doanh nghiệp và có kinh tế độc lập với chồng. Thani biết rằng sẽ đến lúc nguồn dầu khí cạn kiệt, hoặc nếu không cạn kiệt thì cũng không còn là nguồn năng lượng chính của thời đại. Vì thế ông ta đã đầu tư cho việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước: Dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí cho toàn dân, học bổng đại học hào phóng cho sinh vên du hoc ở Âu Mỹ. Các trường đại học và viện nghiên cứu ở đây thu hút những giáo sư giỏi nhất từ châu Âu và Mỹ. Nước tý hon này lập ra công ty hàng không vũ trụ Qatar Aeronautics and Space Agency, giống như NASA. Kênh truyền hình Alzajera ở Doha hiện là một trong ba kênh thông tin hàng đầu thế giới (sau BBC và CNN). Khi dịch Covid-19 xảy ra Qatar Airways là hãng hàng không duy nhất liên tục nối liền cả ba châu Lục Á, Âu, Mỹ. vv và vv

Những thành tích của chế độ độc tài phong kiến Thani trong việc phát triển đất nước nói lên sự khác biệt của họ so với các chế độ độc tài chỉ biết ăn tận kiệt nguồn lực đất nước, chỉ biết bóc lột dân mình. 

Và việc giành qyền đăng cai WC 2022 cũng chính là một trong những chính sách phát triển đất nước bằng tiền.

Các giải WC 2010 (Nam Phi) và 2014 (Brazil), doanh số của FIFA khoảng 4,5 tỷ USD, Nhưng WC 2018 ở Nga, con số này tăng vọt lên 6,5 tỷ. Năm nay FIFA đạt được ở Qatar là 7,5 tỷ USD, trừ tất cả mọi khoản, còn lãi hơn 1 tỷ USD.

Tiền nhiều như vậy khiến Infantino mờ mắt và trở thành con tin của triều đình Qatar. Cho đến hôm nay FIFA và Doha đã là một liên minh, được gắn bỏ bới không biết bao nhiêu chữ vàng. Vì vậy Qatar thỏa sức nói dối và lật lời hứa. Hứa không cấm rượu bia rồi nuốt lời hưa, hứa không phân biệt đối xử với LGBT  rồi cấm đeo băng có chữ One Love, hứa tự do báo chí nhưng luôn chặn các phỏng vấn live, khi thấy có các câu hỏi „nhậy cảm“.

Cả hai gã Thani và Infantino dùng tiền để làm chính trị, để thao túng thế giới và bóng đá, trong khi chính họ lại sử dụng tinh thần: „Không được chính trị hóa thể thao“ để thực hiện ý đồ của mình.

Nhiều cầu thủ không phải là những kẻ nấp vào đó để tránh cái gọi là „chính trị“. Là cầu thủ chuyên nghiệp, họ phải tuân thủ quy định của FIFA để đội nhà không bị thiệt. Nhưng họ không chịu thua: Đội Iran đồng lòng không hát quốc ca để phản đối chế độ bạo hành ở quê nhà. Trên khán đài, có những cô gái Iran khóc khi nhìn thấy cảnh đó. Đội Đức giơ tay bit miệng chụp ảnh để phản đối việc bị mất quyền tự do ngôn luạn. Đội trưởng Anh Harry Kane đeo băng đội trưởng có chữ "No discrimiation". Bà Faeser, bộ trưởng nội vụ (Cũng là bộ trưởng thể thao Đức) sang dự trận Đức-Nhật cũng đeo băng One-Love ngồi trên khán đài A.

Đội tuyển Iran không hát quốc ca nước nhà, chấp nhận các hình phạt khi trở về nước

Bà Nancy Faeser, bộ trưởng nội vụ Đức đeo băng tay "One-Love" đến dự trận Đức-Nhật Bản

Thủ môn Đức M. Neuer bị kiểm tra băng đội trưởng trước khi ra sân

Cuộc tranh hùng bóng đá đã trở thành một trò chơi mèo vờn chuột quyết liệt. Ngay cả kẻ đòi tách chính trị khỏi thể thao cũng tham gia cuộc đấu trí này. Nước chủ nhà cho phát hành rất nhiều băng tay có hình quốc kỳ Palestina. Một số quan chức Qatar ngồi cạnh bà Faeser cũng đeo băng có biểu tượng Palestina để phản ứng lại. 

Băng tay của các cổ động viên Qatar do chính phurnuowcs chủ nhà phát hành và khuyến khích dân chúng đeo. Trông đó là quốc kỳ Palestine

Khi bị hỏi là tại sao các vị cấm băng tay One-Love vì lý do chính trị, nhưng lại đeo băng Palestina? Câu trả lời: „Palestina là một phần máu thịt Ả-rập nên đây là văn hóa của chúng tôi, còn cái kia là chính trị“.

Thế đấy. Bóng đá chính là chính trị mà có giấu mặt kiểu gì cũng lộ ra. Vậy thì tại sao các hoạt động khác của cuộc sống, từ giá lit xăng đến nạn kẹt xe lại không phải là chính trị? 

Những kẻ nói „Tớ không quan tâm đến chính trị“ tức là đang làm chính trị theo kiểu giấu tay để tiếp tay cho những kẻ lợi dụng quyền lực chính trị của mình thao túng mọi hoạt động của xã hội.

--

[1] LGBT = viết tắt của  của Lesbian, gay, bisexual, and transgender. (Nữ đồng tính, nam đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới)

Nguyễn Xuân Thọ

Bài trước:  https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/8730475060303823

Hồ sơ về cuộc chiến Ukraina vs Nga: VẤN ĐỀ CHUYỂN GIAO CRƯM

Hôm qua có người tranh luận về việc chuyển giao Crưm từ Nga cho Ucraina là việc làm phi pháp của Khrusev. Đó là chỉ nghe tuyên truyền, mà không biết các nguyên nhân lịch sử của nó. Mình sưu tầm dữ kiện cho những người như vậy hiểu thực chất vấn đề.

Vào ngày 19 tháng 2 năm 1954, Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô đã ban hành sắc lệnh chuyển giao Crưm cho Ucraina. Lý do chính thức là 'một nền kinh tế chung và sự gần gũi về lãnh thổ.' Vào thời điểm này, Crưm vẫn bị tàn phá bởi chiến tranh và dân số giảm sau khi trục xuất hàng loạt người Tatar ở Crưm. Những người định cư từ nội địa Nga, đã quen với khí hậu khác, không thể khôi phục nền kinh tế. Chỉ đến những năm 1960, người ta mới có thể cải thiện cuộc sống của bán đảo và giải quyết vấn đề chính của nó - thiếu nước. 

Vào ngày 19 tháng 2 năm 1954, Kliment Voroshilov đã khai mạc một cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô và đưa ra một vấn đề để thảo luận - việc chuyển giao khu vực Crưm từ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (RSFSR) đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina (Ucraina SSR). 'Có ý kiến nào khác không?' Voroshilov hỏi. Các thành viên Đoàn chủ tịch trả lời: 'Không có, chấp nhận việc chuyển giao.'

Kết quả của cuộc họp là một nghị định ngắn về hai đề xuất đã được ban hành. Một trong số đó giải thích động cơ của việc chuyển giao: 'Do nền kinh tế chung, sự gần gũi về lãnh thổ và mối quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ giữa vùng Crưm và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ucraina ...' Vào tháng 4 năm 1954, Xô viết tối cao đã hợp pháp hóa sắc lệnh này và quyết định thực hiện những thay đổi thích hợp đối với Hiến pháp Liên Xô. Vào tháng 6, những thay đổi này đã được thực hiện đối với hiến pháp cộng hòa. Như vậy, quá trình chuyển giao Crưm đã hoàn tất về mặt pháp lý.

Nhưng tất cả bắt đầu từ tháng 9 năm 1953 - tại hội nghị toàn thể của Ủy ban Trung ương ĐCS LX, dành riêng cho các vấn đề nông nghiệp. Nó giải quyết riêng vấn đề về tình trạng thảm khốc của nền kinh tế Crưm.

Gần một thập kỷ sau chiến tranh, Crưm vẫn còn là đống đổ nát. Các nhà lãnh đạo của ủy ban thành phố địa phương công khai phàn nàn rằng 'với tốc độ như vậy, chúng tôi sẽ không xây dựng lại thành phố trong một trăm năm.' Các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế Crưm - trồng trọt, chăn nuôi, trồng nho và sản xuất rượu vang - đang suy giảm nghiêm trọng.

Đối với các vấn đề của bán đảo, việc trục xuất hàng loạt người dân bản địa, Crưm Tatars, do chế độ Stalin tổ chức vào năm 1944, đã tạo thêm khó khăn. Người ta đã cố gắng thay thế họ bằng những người nhập cư, chủ yếu đến từ vùng nội địa Nga - vùng Kursk và Voronezh, vùng Volga và các vùng phía bắc của Nga.

Nhưng những người di dân mới không thể khắc phục tình hình, bởi vì họ không quen với khí hậu Crưm, họ không biết các đặc điểm nông nghiệp địa phương ở vùng núi và thảo nguyên. Nhiều người trong số họ lần đầu tiên nhìn thấy nho, thuốc lá, ngô. Nhưng không ai dám công khai chỉ trích các quyết định của Stalin, không chỉ khi ông còn sống mà cả ba năm sau khi ông qua đời vào tháng 3 năm 1953.

Sự suy tàn của Crưm được đánh giá bởi Bí thư thứ nhất mới được bầu của Ủy ban Trung ương CPSU, Nikita Khrushchev, khi ông quyết định bí mật đến bán đảo này vào tháng 10 năm 1953. Ở đây trên cao nguyên [ở vùng Bakhchisarai], cuộc chiến khủng khiếp vẫn còn sót lại. Xe tăng và pháo bị hỏng dọc đường. Và mặt đất cũng khô héo và cỏ dại mọc um tùm. Những ngôi làng trống rỗng. Những người chủ của chúng, đã bị  Stalin đuổi đến những vùng đất lạnh giá xa xôi, đã mất hết hy vọng quay trở lại.

Trong cuộc gặp gỡ của Khrushchev với người di dân Nga ông bị ấn tượng về sự khó chịu của đám đông người nhập cư, những người phần lớn đến từ Nga, từ Volga, từ các vùng phía bắc nước Nga. Họ  hét lên 'Người ta đưa chúng tôi đến đây' ... Những tiếng kêu gào vang lên từ đám đông: 'Khoai tây không mọc ở đây, bắp cải khô héo'.'Toàn rệp bọ'. 

Khrushchev hỏi:

- Tại sao các anh đến đây?' 

- Chúng tôi bị lừa.

Đến đầu năm 1954, báo cáo 'Về tình trạng nông nghiệp ở vùng Crưm' đã được chuẩn bị cho ban lãnh đạo đảng với dấu 'Bí mật'. Trong đó nói rằng vào năm 1954, diện tích trồng trọt ở Crưm đã giảm 70.000 ha so với năm 1940. Chỉ có 40,9 nghìn ha đất được tưới tiêu. Trong số 30 trang trại tập thể, chỉ có ba trang trại có thể gieo hạt và thu hoạch bằng cách nào đó. Gần 50% nhà ở bị phá huỷ. Vào cuối năm 1953, toàn bộ Crưm chỉ có 3 cửa hàng bánh mì, 18 cửa hàng thịt, 8 cửa hàng sữa, 2 cửa hàng vải, 9 cửa hàng giày dép, 5 cửa hàng vật liệu xây dựng, 28 hiệu sách.

Vào ngày 25 tháng 1, một cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương của ĐCS LX  diễn ra tại Moscow dưới sự chủ trì của người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng, Georgy Malenkov. Chính tại đây, quyết định cuối cùng được đưa ra là chuyển giao Crưm cho Ucraina. Một giao thức bí mật đã thông qua một dự thảo nghị định, mà vào ngày 19 tháng 2, Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao của Liên Xô đã nhanh chóng và nhất trí bỏ phiếu.

Trong thời kỳ hậu chiến, đối với giới lãnh đạo Liên Xô, việc vẽ lại đường biên giới của các nước cộng hòa liên bang là một vấn đề hành chính thông thường. Rốt cuộc, tất cả những điều này đã được thực hiện trong khuôn khổ của một quốc gia với sự kiểm soát tập trung ở Điện Kremlin. Và ít người nghĩ rằng Liên Xô một ngày nào đó sẽ sụp đổ, và vì những quyết định này, các tranh chấp chính trị và xung đột quân sự sẽ bắt đầu.

Do đó, việc chuyển giao Crưm cho Ucraina, có mối liên hệ chặt chẽ với bán đảo về mặt kinh tế và cơ sở hạ tầng, có vẻ khá hợp lý. Hơn nữa, ngay cả trước khi chuyển giao, viện trợ chính cho bán đảo đến từ Ucraina. “Thủ đô Kyiv của Ucraina gửi đến đây các máy xúc cơ giới mạnh mẽ, các thiết bị trộn tự động cho các nhà máy bê tông; Kharkov cung cấp cẩu tháp và cầu điện, máy kéo; Nikolaev - băng tải cho nhà máy bê tông, máy ủi; Dnepropetrovsk và Debaltseve - rửa máng cho các doanh nghiệp sản xuất đá vôi trợ dung; Osipenko - nhựa đường ô tô; Kremenchug - máy trộn bê tông nhựa đường; Priluki - chất vữa để cơ giới hóa các công trình trát; Melitopol gửi các máy nén khí.

Với việc chuyển giao Crưm, có thể giải quyết vấn đề chính của bán đảo - thiếu nước. Dự án Kênh Bắc Crưm từ Dnieper đã được phê duyệt vào năm 1951. Giờ đây, việc xây dựng nó trong khuôn khổ của một nước cộng hòa đã diễn ra nhanh hơn nhiều.  Năm 1963, giai đoạn đầu tiên của kênh được khai trương và nó tiếp tục được hoàn thành ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ. Điều này giúp phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nghỉ dưỡng, cũng như khởi động một ngành công nghiệp mới cho Crưm - nuôi cá ao công nghiệp.

Năm 1958, chính phủ Ucraina quyết định xây dựng tuyến xe điện Simferopol-Alushta-Yalta. Giai đoạn đầu tiên, ở Alushta, được khai trương sau 11 tháng và hoàn thành vào năm 1961. Đối với tuyến xe điện dài nhất thế giới dài 96 km, dùng xe Skodas của Tiệp Khắc.

Đến những năm 1960, nhà ở, đường xá, bệnh viện, trường học, cảng, khách sạn, nhà hát, bến xe buýt, nhà trọ đã được xây dựng lại ở Crưm và các di tích kiến ​​trúc đang được khôi phục. Vì vậy, bán đảo trở thành 'khu nghỉ dưỡng sức khỏe của toàn Liên bang'.

Vào thời kỳ đấy, việc chuyên giao Crưm là chuyển giao một gánh nặng, chứ không phải là món quà. Giống như việc sáp nhập các tỉnh ở VN vậy.

Ngô Mạnh Hùng

Saturday, November 26, 2022

Văn minh Hy Lạp

 GIÁO DỤC KHAI PHÓNG ĐÃ XUẤT HIỆN Ở HY LẠP NHƯ THẾ NÀO?

Vào khoảng thế kỷ V TCN, một số thành bang Hy Lạp, nhất là Athens, đã bắt đầu thử nghiệm một hình thức chính phủ mới.

“Thể chế của chúng ta gọi là chế độ dân chủ, bởi vì quyền lực không nằm trong tay của một thiểu số mà là của toàn thể dân chúng.” – Pericles, vị chính khách tài ba đã tuyên bố như vậy trong bài diễn thuyết nổi tiếng vinh danh những chiến binh đã hy sinh cho thành Athens

Sự đổi mới này trong việc cai trị đồng thời đòi hỏi phải có đổi mới trong giáo dục. Các kỹ năng căn bản để sinh tồn chưa đủ – công dân còn phải được đào tạo để quản lý xã hội của chính họ.

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NỀN GIÁO DỤC BAO QUÁT VÀ SỰ TỰ DO TRỞ NÊN QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI NGƯỜI HY LẠP.

Mô tả cách tiếp cận giáo dục này vào nhiều thế kỷ sau, người La Mã đã đặt cho nó một tên mới: một nền giáo dục liberal (khai phóng), từ này trong nguyên nghĩa tiếng Latin có nghĩa là “của hay thuộc về những người tự do.”

Hơn 2000 năm sau, Frederick Douglass cũng nhận thấy sự liên hệ này. Khi người chủ của ông ta nghe nói cậu bé Frederick đọc sách giỏi, ông ấy giận dữ nói: “Sự học sẽ làm hỏng cả một tên da đen ngoan ngoãn nhất thế giới. Nếu nó biết đọc Kinh Thánh thì việc làm nô lệ sẽ vĩnh viễn là điều không thích hợp với nó.”

Douglass nhớ lại rằng ông ta “tán đồng lời xác nhận ấy theo phản ứng bản năng và qua sự việc này, tôi hiểu con đường trực tiếp đi từ nô lệ đến tự do.”

---

Trích "Biện hộ cho một nền giáo dục Khai phóng" - Fareed Zakaria 

Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER

Friday, November 25, 2022

Những điều mà người trưởng thành có được

ĐỜI NGƯỜI SUY CHO CÙNG CÓ 7 CÁI PHẢI HỌC

1. Thứ nhất - “học nhận lỗi”

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2. Thứ hai - “học nhu hòa”

Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.

3. Thứ ba - “học nhẫn nhục”

Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn - vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4. Thứ tư - “học thấu hiểu”

Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

5. Thứ năm - “học buông bỏ”

Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống. Khi cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

6. Thứ sáu - “học cảm động”

Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động nảy sinh từ người có tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề.

7. Thứ bảy - “học sinh tồn”

Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu kính với người yêu thương mình.

Nhà Thơ 

copy từ FB-chị Lệ Xoa

Wednesday, November 23, 2022

Đức Chúa có giỏi Toán hay không?

Cái đẹp toàn bích chính là Quỷ Satan. (Nguyễn Hồng Nhung)

Đức Chúa có giỏi Toán hay không?

hay

Chân lý, toán học và phép xấp xỉ gần đúng

       1. Người ta hay nói, chân lý bao giờ cũng đẹp và đơn giản. Tôi là người hay nghi ngờ, nên cứ lẩn thẩn suy nghĩ xem liệu điều đó có đúng không? tại sao lại đúng? và đúng đến mức nào? vì không có nguyên lý nhân tạo nào đúng tuyệt đối. 

       2. Năm thứ nhất đại học, trong giáo trình vật lý đại cương, tôi biết đến định luật Hook. Định luật rất đơn giản: với lực tác động đủ bé tác động lên một vật, độ dãn sẽ tỷ lệ thuận với lực. Tôi cực kỳ khó chịu với định luật này. Thế nào là "đủ bé"? Nếu kiểm tra không thấy đúng, ta luôn luôn có thể nói là lực không "đủ bé". Thế thì tại sao lại gọi là định luật? Tôi bèn vào thư viện tra sách và bàng hoàng phát hiện ra định luật Hook 2: nếu lực tác động đủ bé thì độ co dãn sẽ có 2 số hạng tỷ lệ tuyến tính và tỷ lệ với bình phương của lực. Khi đó nếu lực rất bé thì bình phương lực sẽ bỏ qua được bên cạnh số hạng tuyến tính. Như vậy định luật Hook 1 là trường hợp riêng của định luật Hook 2. Điều đó ổn. Cái không ổn vẫn là giả thiết “nếu lực đủ bé”. Nếu vậy sẽ tiếp tục có Hook 3, Hook 4, ... cho lực lớn hơn? Tôi chợt nhận ra một điều là chẳng có định luật nào ở đây cả. Độ dài của vật bị kéo chỉ là hàm giải tích của lực kéo và chúng ta có thể triển khai chuỗi Taylor độ dài này theo lực kéo. Như vậy ta sẽ có Hook n với n tuỳ ý. 

     3. Các định luật vật lý trong giáo trình vật lý đại cương như định luật Ohm, định luật ma sát,... phần lớn là tuyến tính. Chúng ta có thể suy nghĩ tương tự với giả thiết có một mối quan hệ nhân quả giữa nhân và quả thông qua một hàm số giải tích. Chẳng hạn cường độ dòng điện là hàm giải tích của hiệu điện thế, hoặc lực ma sát là hàm giải tích của khối lượng. 

     4. Ngoại lệ có thể là định luật 2 Newton F=ma. Trước đây tôi yên tâm đó là định luật cơ bản phổ quát và thực chất là định nghĩa khối lượng. Nhưng cũng không có lý do loại trừ khả năng gia tốc a là quả của nhân là lực F thông qua một hàm giải tích và chúng ta cũng đang ở một thế giới mà lực tác động là “đủ bé”. Biết đâu sẽ có một thế giới mà a = A(F) trong đó A là một hàm giải tích.

      5. Như vậy chúng ta chỉ cần một quy luật hoàn toàn Toán học là tính giải tích, diễn tả một quy luật cao hơn các định luật vật lý là định luật nhân quả. Khi đó liệu có phải vật lý chỉ có nhiệm vụ chỉ ra các vùng mà nhân là “đủ bé”, để áp dụng phép xấp xỉ bậc 1,2 hoặc n  hay không?

       6.  Câu hỏi là liệu chỉ có quy luật vật lý thực nghiệm là như thế? Chúng ta hãy xem xét một trường hợp tổng quát hơn là thuyết tương đối rộng của Einstein. Toàn bộ lý thuyết này dựa trên nguyên lý tương đương. Einstein lý luận rất dài dòng về thí nghiệm tưởng tượng với người bị rơi trong thang máy và rút ra việc người đó không cảm thấy lực tác động lên gan bàn chân hay khối lượng hấp dẫn bằng khối lượng quán tính. Thực ra, để viết phương trình Einstein, người ta bắt buộc phát biểu lại nguyên lý tương đương dưới dạng Toán học: luôn tồn tại một hệ toạ độ phẳng tại mọi điểm không thời gian. Về mặt Toán học điều đó chỉ có nghĩa không thời gian là đa tạp khả vi. Như vậy nguyên lý tương đương chỉ là khái niệm đa tạp khả vi cho không thời gian. Tất nhiên, khi có các hạt vật chất hay gần lỗ đen, không có gì đảm bảo không thời gian là khả vi.

    7. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: liệu các khái niệm Toán học như hàm số giải tích, đa tạp khả vi,... có phải là chân lý tuyệt đối và phổ quát? Nếu quả vậy thì Đức Chúa Trời ắt phải giỏi Toán vì Ngài đã sáng tạo ra thế giới và quy luận vận hành nó? Nói một cách rõ ràng hơn là liệu thế giới có tuân thủ những cấu trúc toán học đẹp đẽ và lý tưởng nhất hay không? Nếu như vậy thì tại sao hay liệu có phải giả thiết phải tồn tại một ý thức toàn năng để thúc ép thế giới phải theo cái đẹp? Và như vậy thì thế nào là đẹp?

     8.  Trong Toán học, người ta có xu hướng đơn giản hoá. Đa tạp khả vi là đa tạp đơn giản nhất người ta có thể làm việc, có thể rút ra nhiều thông tin từ một số lượng thông tin ít nhất. Mặc dù đa tạp không khả vi có thể tồn tại về mặt nguyên lý, Toán học không xét tới các đa tạp đó vì thực ra cũng chẳng làm gì được. Tương tự, trong thực tế các quan hệ nhân quả được phản ánh một các đơn giản bởi các hàm giải tích xấp xỉ bằng các đa thức. Như thế liệu chân lý có phải là cái đẹp, cái đẹp có phải là cái đơn giản. Nhiều nhà khoa học tin như thế, nhưng thực ra không có bất cứ một lý luận ủng hộ nào ngoài niềm tin mà thực ra là hy vọng mơ hồ. 

    9. Thực ra cái chân lý chỉ gần cái đẹp, cái đẹp chỉ gần cái đơn giản nhưng không hoàn toàn đồng nhất với cái đơn giản. Người ta đã thực nghiệm và thống kê, trong tuyệt đại đa số trường hợp, cái đẹp là cái trung bình. Nhưng cái tuyệt đẹp là cái trung bình với chút ít khác biệt để  trở thành đặc sắc và duy nhất. Chính vì thế ,cái đẹp chỉ gần cái đơn giản vốn chính là cái trung bình. Tuyệt đẹp mới chính là chân lý vì phải có sự đặc sắc và sai lệch khỏi trung bình. 

    10. Người nghi ngờ, nhà khoa học minh triết có thể hỏi tiếp: Vì sao cái chân lý lại là cái tuyệt đẹp là sai lệch khỏi cái trung bình? Theo tôi nghĩ, toàn bộ thế giới này, cũng như mọi khái niệm, đều hình thành xung quanh điểm cân bằng. Điểm cân bằng chính là các hấp tử hút mọi vật về phía mình, nên mọi vật đều thăng giáng quanh nó, vì thế nó phải là cái trung bình. Tuy nhiên, nếu mọi sự đều đã trở về trung bình, hoặc nếu cân bằng là phổ biến thì đó là một trạng thái chết. Thế giới phải sống, do đó Thượng đế ắt đã tạo ra Thế giới bằng cách đưa nó ra khỏi điểm cân bằng. Tuy nhiên, độ lệch này phải đủ bé để thế giới không tìm đến điểm cân bằng khác. Hoàn toàn có thể có nhiều thế giới hay nhiều vùng của thế giới với điểm cân bằng khác nhau.

    11. Ý thức tối thượng có thể chính là điểm cân bằng và là cái đẹp. Nhưng Tạo hoá lại thích cái tuyệt đẹp hơi lệch ra khỏi cái cân bằng. Tạo hoá là Đức Chúa, nguồn gốc của sự sống, ngài yêu sự tiện lợi và ghét cái đẹp hoàn hảo nhàm chán, trung bình. Vì vậy Ngài chỉ giỏi Vật lý. Cái đẹp có lẽ chính là quỷ Satan, là đối cực của Ngài, là điểm cân bằng, dẫn tới trạng thái chết, tĩnh lặng vĩnh cửu. Quỷ Satan sẽ là động lực của Toán học. Chúa-Satan là cặp phạm trù  Sinh Tạo và Hủy Diệt là hai mặt của Ý thức tối thượng.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

NGƯỜI TRI KỶ/SOULMATE

Quốc Khánh: … là người mà bạn muốn kết giao ngay lập tức vào thời điểm mà bạn gặp gỡ;

sự thôi thúc kết giao mạnh mẽ đến mức bạn bị người đó cuốn hút theo một cách mà bạn chưa từng trải nghiệm trước đây;

khi mối kết giao này phát triển theo thời gian, bạn sẽ trải nghiệm một tình yêu sâu sắc, mạnh mẽ và phong phú đến mức bạn bắt đầu nhận ra rằng từ trước tới nay, bạn chưa từng thực sự yêu bất kỳ ai;

người tri kỷ của bạn thấu hiểu và gắn kết với bạn bằng mọi phương cách và trên mọi mức độ, đem đến cho bạn cảm giác bình yên, thanh thản và hạnh phúc khi bạn ở bên người đó.

Theo «Tạp chí Tâm Trí» / TheMindsJournal.com

LUẬN VỀ CÁI SỰ… HỌC

 (Trích Luận ngữ Tân Thư - phần tiếp theo)

Đã gọi là thầy (sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục sư. Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư “moi” kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét” kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách. Hạng tiên sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ thiếu của mình. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ giỏi của mình. Thấy thiếu thì lo lắng, muốn được bổ sung, vì thế kiến thức tăng tiến. Thấy giỏi thì hung hăng, muốn được thi thố, vì thế kiến thức dừng lại. 

Hạng tiên sư nương theo con người mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo chính trị mà hành nghề. Nước có đạo lý thì tiên sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói không ra một mống tiên sư nào. Chính trị đứng đắn chú trọng đến tiên sư. Chính trị lưu manh chú trọng đến tục sư. Bởi thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm người thì chính trị khó bịp, ngôi vua nguy như đèn ra trước gió, phải tử tế lắm mới mong giữ được. Thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm tiền thì chính trị tha hồ bịp, ngôi vua chả cần tử tế vẫn có thể muối mặt mà cố đấm ăn xôi. 

Giáo dục cốt làm thay đổi dân trí. Song không phải bao giờ cũng theo hướng nâng cao. Giáo dục vì dân nhằm vào cái chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào cái chỗ mê lú của dân. Huống chi cái việc học làm người kia lại vô cùng khó khăn. Bậc tiên sư dù cố đến mấy, rốt cuộc chỉ mang tiếng vẽ đường cho hươu chạy. Mấy ngàn năm càng vắng ngắt bóng người... Vẫn “Lời tựa” trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó: 

Khổng Tử một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân nan” (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó). Các học trò nhao nhao thắc mắc. Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi quan. Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn... khỉ hết hay sao? Rằng cứ theo cái thuyết chữ “Nhân” của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế, có hiếu với bố mẹ, ông bà, không ăn cắp ăn trộm, không lừa đảo hay hại ngấm hại ngầm ai... là thành người được rồi. Chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó? 

Khổng Tử bèn thuyết liền một hồi: 

“Các ngươi chỉ biết một mà chưa biết hai. Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt. Mà phân biệt đâu phải là một kiến thức đơn giản. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ (nguyên văn: tam sự bất tri) như sau: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, như thế gọi là: “thực bất tri kì vị”. Thứ hai, chơi không biết nên chơi với ai, như thế gọi là: “xử bất tri kì nhân”. Thứ ba, đi không biết nên đi đường nào, như thế gọi là: “hành bất tri kì đạo”. 

Huống chi nay các ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, tin theo một chiều... duy nhất. Trên đời này không cái ngu nào sánh bằng ngu đó. Không cái lười nào sánh bằng lười đó... Vừa ngu, vừa lười đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu... Thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực xưng danh... tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào tai nữa, cứ một mực tin theo những hạng đểu giả. Kiến thức như thế thì dẫu cao mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn. Không những tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên hạ chưa biết chừng.” 

Các học trò nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi: 

“Thế nào là tự gây họa cho mình?” 

Khổng Tử bảo: 

“Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen... Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại cho là bạn... Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ.” 

Các học trò nghe thấy thế thì càng sợ hơn nữa. Lại hỏi tiếp: 

“Thế nào là gây họa cho thiên hạ?” 

Khổng Tử bảo: 

“Hạng người ấy mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan ở đâu thì dân ở đó điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn khổ, thậm chí còn mất vào tay ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau... Thế gọi là gây họa cho thiên hạ.” 

Các học trò hỏi tiếp: 

“Vậy cứ theo ý Phu Tử thì bao giờ chúng tôi mới có thể học thành người?” 

Khổng tử trả lời: 

“Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực). Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời). 

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai). 

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình (tòng tâm kì dục, tùy lòng muốn)

Ta có thể dạy các ngươi cứ tùy theo lòng mình mà thi thố. Song khó mà khuyên bảo các ngươi giữ được qui củ (bất du củ)…” 

Các học trò nghe như vịt nghe sấm. Bèn đề nghị: 

“Phu Tử có thể giảng kĩ hơn một chút được không? Vẫn biết học làm người là một việc khó khăn, lâu dài. Song cớ sao lại rắc rối như thế?” 

Khổng Tử bảo: 

“Đó là những thang bậc từ thấp đến cao của cái sự học (hạ học nhi thượng đạt). Cũng là những điểm “chết” (nguyên văn: tắc tử) của kiến thức. Vượt qua được những mốc ấy là một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ mốc nào cũng lập tức biến thành người ngu, vừa ngu vừa xấu…” 

Các học trò lại hỏi: 

“Thế nào là biến thành người ngu?” 

Khổng Tử bảo: 

“Kẻ ngu nhất trên đời là kẻ tự bằng lòng với kiến thức của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không bao giờ hiểu được lòng mình... Từ khi làm thầy, ta kị nhất loại học trò học đến đâu giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như trứng để đầu gậy. Bởi kiến thức có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Kiến thức đã dừng lại, thì hậu quả tai hại sẽ không biết đâu mà lường, có khi còn biến thành lưu manh trí thức lúc nào không hay.” 

Nói đến đó, Khổng Tử bỗng buột mồm thốt ra một câu than thở: 

“Ôi! Kẻ học giả lúc nào cũng sẵn sàng cơ hội để trở thành một tên... thậm ngu ngốc, thậm lưu manh.” 

Các học trò nghe vậy thì không ai bảo ai, tất cả đều nhất tề thở dài đánh sượt một cái. Lại hỏi tiếp: 

“Phu Tử nói thế thì chúng tôi cũng đành cố gắng học được đến đâu hay đến đó, học mãi không dám dừng lại. Nhưng tại sao dừng cái sự học lại thì sẽ hỏng nặng đến như thế?” 

Khổng Tử trả lời: 

“Tại vì cái xấu nó sẽ tiếp cận”

Các học trò lại hỏi:

“Phải có kiến thức như thế nào, thì mới ngăn được cái xấu nó tiếp cận với mình?”

Khổng Tử bảo:

“Kiến thức cao mấy cũng không ngăn được, trừ phi kiến thức luôn tăng tiến, không dừng lại. Ví như nước ngọt ở những dòng sông đổ ra biển kia. Chảy nhanh hay chảy chậm đều đẩy được mặn cả. Nhưng nếu dòng sông ngừng chảy, thì lập tức nước mặn sẽ xâm nhập ngay.”

Những điều trên đây rút ra từ ghi chép của Nhan Hồi - một học trò yêu của Khổng Tử. Khổng Tử có lần đã nói: “Này Hồi! Ta sở dĩ thích ngươi, chính bởi ngươi là một học trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, khiến cho cái ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần...” (nguyên văn: “tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận”).

copy từ FB-Phạm Lưu Vũ (20 Nov.2022)

Vai trò của người lãnh đạo và mục đích chiến lược trong quan hệ với người láng giềng mang bộ mặt chí tình

 LÊ DUẨN (1907 – 1986) –34 năm trước, Kádár János dẫn đầu Đoàn Đảng MSZMP và Chính phủ Hungary đã đến viếng tang Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tháng 10 năm 1975, Lê Duân đã đến Budapest trong chuyến thăm và hội đàm chính thức với các nhà lãnh đạo Hungary. Hai sách của ông đã được xuất bản (một về Cách mạng Việt nam, một tuyển chọn các bài viết và nói về các chủ đề khác).  

„Tư liệu ít và không chi tiết!” Sanyi bảo vậy.  Anh là cháu của bạn BME cùng năm Feri – lo tìm kiếm tư liệu cho một luận văn lịch sử VN cận đại. Đã mừng chuyển cho Sany bài viết này. „Khá hấp dẫn, nhưng rất cần phân tích thêm các luận điểm khoa học với luận cứ xác thực! – Sanyi trả lới. „Thế mới cần đến sử gia tương lai. Cố gắng và Chúc thắng lợi!”

Chợt nhớ về 34 năm trước …hôm nay ghi lại đây.

Lê Duẩn  một trong số ít nhân vật có tầm vóc, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của Vietnam đương đại:  nổi bật trong ba nội dung: (1) Xây dựng miền Bắc làm “hậu phương lớn” (2) giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; (3) hóa giải nhiều mưu đồ và đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn của Trung Quốc, thoát khỏi giấc ngủ dài, đầy ác mộng bởi tình bạn “thắm thiết, chí tình” với người láng giềng phương Bắc!

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Lê Duẩn (1907 – 1986) là một trong số ít nhân vật có tầm vóc, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của đất nước.

Không giống với các mẫu nhân vật được phản ánh qua sách báo, truyền thông có phần lý tưởng hóa, mang nhiều yếu tố huyền thoại, có vẻ như ông là con người hiện thực hơn, chung đúc, hội tụ được nhiều phẩm chất, tính cách của con người Việt Nam. Điều đó khiến cho ở ông thể hiện rất rõ bóng dáng dân tộc: Vừa gan lì, ý chí, lại vừa giàu cảm xúc, dễ tha thứ. Có vẻ như ông là nhân vật thuần Việt, ít chịu ảnh hưởng bởi nước ngoài, mặc dù vẫn phải chịu tiếng rằng có lúc thân Trung hay thân Xô. Ông cũng là người không có thiên hướng che dấu tình cảm, mà để tính cách bộc lộ. Ông là một trong số hiếm lãnh đạo tối cao ở Việt Nam không để lại hồi ký. Ông mặc cho lịch sử tìm hiểu, phán xét mà không tự cung cấp hay định hướng thông tin cho người đời, cho hậu thế đánh giá về mình. 

Tầm ảnh hưởng của ông không chỉ bởi cương vị Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam, rồi sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi cương vị này có nhiều người từng nắm giữ, mà bởi khả năng kiểm soát quyền lực, làm chủ tình thế và dẫn dắt lịch sử đi theo mình. Ông là người chủ động, quyết đoán và quyết định vận mệnh của đất nước trong toàn bộ những năm tháng dài lâu (ít nhất là từ năm 1960 đến năm 1986) mà ông nắm giữ quyền lực tối cao.

Vai trò lịch sử của Lê Duẩn

Vai trò của ông trong lịch sử đất nước khiến người ta nghĩ đến những Hồ Quý Ly hay Minh Mạng, thậm chí là Trần Thủ Độ hay Nguyễn Ánh – Gia Long… Mặc dầu mỗi nhân vật có một bối cảnh, sứ mệnh lịch sử riêng, mà sự so sánh có thể là khập khiếng, song cũng giúp ta hình dung tầm vóc, vị trí của họ. Ông không phải là một nhà lập quốc nhưng ông có bản lĩnh và tầm vóc của kiểu người như thế. Ông luôn luôn là một thủ lĩnh thực sự, đúng với nghĩa của từ này, dù ở chiến trường miền Nam (trước năm 1957), hay khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị ký thác, trao giữ cương vị cao nhất của Đảng, kể từ năm 1960.

Nhắc đến Lê Duẩn, người ta thường nhắc đến những sự kiện, những dấu ấn của lịch sử như Đề cương Cách mạng miền Nam (1956), Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam tháng 1/1959 về đường lối cách mạng miền Nam, Chiến dịch Mậu thân – 1968, Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972, Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, giải quyết “Vấn đề người Hoa” (1977-1982) và đến cả lý thuyết “Làm chủ tập thể” đầy “ảo vọng” (mà nay không còn được nhắc tới nữa) của ông, trong bão lốc quay cuồng của chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước (1975-1978, 1979), của tình thế đất nước bị bao vây cấm vận và đói khổ tột cùng sau sự nghiệp Thống nhất và trước Đổi mới. Dấu ấn của ông là hiện thực, ngồn ngộn và nổi trội, đầy tính thuyết phục nhưng cũng nhiều luồng dư luận khen, chê, không trộn lẫn với ai được. Song vượt lên trên tất cả, ông là một nhân vật lớn, một tầm vóc lịch sử chỉ đứng sau Hồ Chí Minh ở Việt Nam khoảng giữa và nửa sau thế kỷ 20.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Lê Duẩn nổi lên như một nhân vật hàng đầu trong những quyết sách của đất nước, từ những năm 60 của của thế kỷ 20. Nét điển hình trong tư tưởng và hành động của ông, ở phương diện đối ngoại, đặt trên nền cảnh lịch sử đất nước những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ 20 có thể tổng kết là: Không sợ Mỹ; không sợ các các nước lớn (gồm cả Liên Xô, Trung Quốc); đặc biệt cảnh giác và kiên quyết với Trung Quốc.

Không sợ Mỹ bởi ông tin vào dân tộc đã từng đánh thắng những đế quốc hung bạo nhất của mọi thời đại, bởi ông rất hiểu Mỹ trong những tình thế cụ thể nhất của tên đế quốc này. Chính những người lãnh đạo như ông, cùng với nhân dân anh hùng, đã tạo nên trên chiến trường miền Nam những câu khẩu hiệu, những phong trào thi đua “giết giặc lập công” nổi tiếng: “Tìm Mỹ mà giết”, “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”… độc nhất vô nhị trên hành tinh này. Hãy thử tìm ở những nơi quân Mỹ tham chiến gây tội ác trên thế giới xem, chẳng đâu có những phong trào như vậy. Những tư liệu lịch sử cho thấy, cái khó khăn của Lê Duẩn và nhóm lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Lao động Việt Nam trong cuộc đối đầu với Mỹ không hoàn toàn bởi vũ khí và sức mạnh Mỹ, mà bởi thái độ của những nước đứng sau cuộc chiến của chúng ta, đó là Liên Xô, và đặc biệt là Trung Quốc với những tính toán khó lường của nước này. Song, khó khăn đó đã được ông hóa giải một cách ngoạn mục và mãi mãi là đề tài cho giới nghiên cứu lịch sử về sau.

Không ngại các nước lớn, không chỉ là Mỹ, mà còn là cả Liên Xô và Trung Quốc, hai bậc “đàn anh” trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ vị thế và lợi ích của mình, mỗi nước đều tìm cách tác động trực tiếp lên cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Trước đây, mặc dù có những giúp đỡ không nhỏ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam nhưng Liên Xô và Trung Quốc đã hạn chế nền độc lập của nước ta chỉ ở phần phía Bắc vĩ tuyến 17. Khi Mỹ thay Pháp can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, Liên Xô, Trung Quốc lại một lần nữa tìm cách kiềm chế Việt Nam đánh Mỹ, để “đốm lửa nhỏ” Việt Nam không bùng lên thành “đám cháy lớn” nguy hại cho tham vọng của các đàn anh.

Là người thực sự nắm cương vị chủ chốt nhất của Đảng kể từ sau Đại hội III (1960), Lê Duẩn luôn hiểu sâu sắc tình thế bất lợi của cách mạng nước ta, nhưng vẫn tìm được cách tranh thủ sự ủng hộ cao nhất của cả hai nước đứng đầu khối Xã hội chủ nghĩa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh thước đo về tình đồng chí và tinh thần quốc tế vô sản, ông nắm được chìa khóa của sự giúp đỡ từ Liên Xô, Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam chính là những lợi ích của mỗi nước này trong cuộc mặc cả với Mỹ và phương Tây. Khó khăn lớn của cách mạng Việt Nam không chỉ bởi phải đối đầu với Mỹ, mà còn bởi những toan tính của mỗi nước Liên Xô, Trung Quốc trước cuộc chiến ở Đông Dương, và đặc biệt là mối bất hòa ngày càng nghiêm trọng, đi tới thù địch sâu sắc giữa hai nước. Lê Duẩn hiểu rất rõ tình thế ấy và ông đã thông thái đưa ra những xử lý quyết đoán, dũng cảm để hoàn thành mục tiêu độc lập, thống nhất cho nước nhà.

Xử lý mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc trong tình thế hai nước mâu thuẫn, thù địch nhau là một bài toán vô cùng khó của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam. Giống như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn không cực đoan, cũng không hữu khuynh. Khi trong phong trào Cộng sản quốc tế, người ta cô lập Trung Quốc thì ông gần Trung Quốc, người ta bài Liên Xô thì ông không ngại đứng cạnh Liên Xô. Gần giống với Hồ Chí Minh khi đi tìm đường cứu nước, dù Quốc tế Hai, Hai rưỡi hay Ba cũng được, miễn đó là tổ chức cách mạng bênh vực các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, ông thân thiện với cả Liên Xô, Trung Quốc đúng nghĩa chủ nghĩa quốc tế vô sản, đồng thời với một mục tiêu duy nhất: Tìm kiếm sự ủng hộ lớn nhất để đánh Mỹ, giải phóng miền Nam.

Cảnh giác và kiên quyết với Trung Quốc, đó cũng là thái độ rõ rệt của Lê Duẩn với sứ mệnh người đứng đầu hệ thống chính trị của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ.

So với nhiều nhà cách mạng Việt Nam khác, ông trưởng thành từ cơ sở và là thủ lĩnh của cuộc chiến gian khổ ở miền Nam, hơn là ở chiến khu Việt Bắc. Kỷ niệm Việt Bắc của ông không nhiều, chủ yếu là khoảng thời gian tham dự Đại hội II của Đảng (1951). Ông muộn tiếp xúc với Trung Quốc và không có “duyên nợ” gì với Trung Quốc trong những ngày đầu cách mạng, nhưng lại là người nếm trải sớm nhất cùng với đồng bào miền Nam những đau khổ của cuộc chiến chống Mỹ dai dẳng, mà một trong những kẻ can thiệp để duy trì sự đau khổ đó chính là Trung Quốc thông qua Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau này, qua cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với Mao Trạch Đông tại Vũ Hán năm 1963 và qua nhiều cuộc tiếp xúc về sau với Mao và các nhân vật hàng đầu khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…), ông càng nắm rõ tham vọng và dã tâm của Bắc Kinh đối với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Vì sao Hồ Chí Minh chọn Lê Duẩn?

Có người cho rằng Lê Duẩn được Hồ Chí Minh giao trọng trách Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam là muốn gửi gắm ước nguyện giải phóng miền Nam cho ông, bởi ông quyết liệt chống Mỹ (trong khi nhiều người khác quá thận trọng và e ngại Mỹ), đồng thời muốn cân bằng quyền lực Nam – Bắc để người miền Nam yên tâm đánh Mỹ. Song, có lẽ Hồ Chí Minh còn nhìn xa hơn thế, bởi nhận thấy Lê Duẩn không chỉ dám đánh Mỹ, mà còn dám đối diện với Trung Quốc. Ông không mắc nợ gì với Trung Quốc trong những ngày “rau măng cháo bẹ”, và tính cách của ông quyết liệt, lòng tự tôn dân tộc ở ông sáng rõ, mà đó lại là những tố chất cần nhất của một nhà lãnh đạo trong cuộc đối diện với Trung Quốc sau này.

Kinh nghiệm lịch sử cho ta bài học: Gia Long nhờ người Pháp (các sĩ quan hải quân), nhờ giáo sĩ Thiên Chúa để giành lại vương quyền từ tay Nhà Tây Sơn, nhưng cũng dùng Minh Mạng để ngăn chặn Pháp và kiên quyết với đạo Thiên chúa. Với Trung Quốc, Hồ Chí Minh vừa phải dựa vào để cứu nước, vừa lại nhìn rõ tim đen của những người đứng đầu Trung Nam Hải, không khác gì các Hoàng đế Thiên triều khi xưa. Nhưng ông đã quá thân với nhân dân Trung Quốc và bị ràng buộc bởi quá khứ đó. Ông cũng không thể tin tưởng những người đã ít nhiều duyên nợ cách mạng với Trung Quốc, bởi thế ông đã quyết định lựa chọn Lê Duẩn – một nhân cách thích hợp cho cuộc ứng phó với nước láng giềng vĩ đại phía Bắc sau này.

Đó là một sự lựa chọn có tính toán kỹ lưỡng và mang tính lịch sử cuối cùng của Hồ Chí Minh. Sau này, chính Lê Duẩn không chỉ là người lãnh đạo quyết liệt nhất cho ba cuộc tấn công nhằm giải phóng miền Nam: Cuộc tấn công Mậu thân – 1968 (nhưng chưa thành công), cuộc tấn công Xuân – Hè năm 1972 (góp phần buộc Mỹ rút quân) và cuộc tấn công Mùa Xuân năm 1975 (thành công); mà chính Lê Duẩn cũng là người đứng đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, để dạy lại cho Bắc Kinh bài học về bá quyền nước lớn.

Trong những ngày tháng này, khi mà quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn luôn luôn nóng và cực kỳ nhạy cảm, nguy cơ chiến tranh chưa bao giờ  nguộn tắt, chúng ta lại càng thấm thía sâu sắc khi đọc lại những gì về Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói, đã hành động kiên quyết với Trung Quốc từ cách đây hơn 3 thập niên.

Có thể nói, Lê Duẩn là nhân vật hàng đầu của Lịch sử Việt Nam hiện đại,  nổi bật trong ba nội dung lớn (theo cách nói của sử học trong nước), đó là: (1) Xây dựng (thành công?) miền Bắc (Xã hội chủ nghĩa) làm “hậu phương lớn” cho cách mạng cả nước; (2) giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; (3) hóa giải nhiều mưu đồ và đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn của Trung Quốc, (đưa dân tộc trở về với tâm thế lịch sử vốn có của nghìn năm trước, thoát khỏi giấc ngủ dài, đầy ác mộng bởi tình bạn “thắm thiết, chí tình” với người láng giềng phương Bắc).

Tư tưởng chiến lược và sách lược đối ngoại của ông, đặc biệt là việc xử lý mối quan hệ với Tam cường: Liên Xô – Mỹ – Trung Quốc cho mục tiêu cứu nước và giữ nước là bài học vô giá, còn nguyên độ nóng cho giới lãnh đạo và cho dân tộc Việt Nam hôm nay.

Tuy nhiên, đánh giá về ông là một công việc lớn và khó, đòi hỏi một tinh thần sử học nghiêm cẩn và dũng cảm.

Phạm Quốc Sử

(copy từ FB-Peter Nagy)

Tuesday, November 22, 2022

Tiền không phải là tất cả (1)

 Trận mở màn WC 2022 đã khẳng định một điều. Nhiều tiền không giúp được gì mấy cho bóng đá. Ecuador, đội bóng trung bình của Nam Mỹ đã giúp đội Qatar, đương kim vô địch châu Á mở mắt. Biển cả khác xa ao nhà, dù là cái ao to.

Qatar sống trên núi tiền từ dầu mỏ đã đạt được khá nhiều. Có tiền thì một triệu người Qatar có thể sai khiến 2 triệu nô lệ để làm cho xứ sở của họ trở thành tâm điểm thế giới. Không chỉ giải WC 2022 đầy tranh cãi, mà rất nhiều sự kiện thể thao và chính trị khác đã được tổ chức ở Doha. Qatar đã trở thành một siêu cường mini, thao túng các xung đột ở Trung Đông. Qatar đang là một đế quốc hồi giáo khiến cả thế giới phải bàn với họ mỗi khi muốn đạt được điều gì ở Afghanistan. 

Nền bóng đá Qatar được bơm tiền để hy vọng làm nên cơm cháo gì đó trong cơ hội ngàn năm có một WC 2022 này. 

Vô ích, vì bóng đá khác với chính trị, kinh tế ở chỗ nó là cái gì đó gắn với văn hóa, với truyền thống. Các nước mới giàu như Trung Quốc, Qatar có thể dùng tiền để khuynh đảo nền chính trị và kinh tế thế giới. Nhưng cho dù có mở các trung tâm đào tạo hiện đại nhất, có mời các huấn luyện viên giỏi nhất, có bỏ tiền mời các siêu sao về đá ở nước mình, bệnh lùn vẫn không thể khắc phục được. Chỉ những huấn luyện viên tầm trung, cần tiền, chỉ có các siêu sao đã về hưu trên sân cỏ châu Âu chạy sang các nước này. Vì nền bóng đá cần có truyền thống. Giải bóng đá Trung Quốc có nhiều khán giả nhất thế giới, ăn tiền khủng từ quảng cáo và vé bán, vẫn chỉ là giải bóng đá mỳ xào. Từ mỳ xào đến sơn hào hải vị không chỉ là các món đổ vào chảo, mà là nghệ thuật, là truyền thống và ngày nay còn là cả một nền khoa học. Tất cả những điều đó không thể mua bằng tiền.

Ngay cả ở các nước châu Âu có trình độ bóng đá lâu đời, đổ tiền vào một CLB cũng không ăn nhanh được. Mancester City và Paris Saint Germain với giá mua cầu thủ cả tỷ USD cũng phải chờ mỏi mắt mới hy vọng giành được cup Champions League. 

Hy vọng nhân dân Qatar anh hùng không thối chí, nghiêm túc rút kinh nghiệm, vững bước tiến lên dưới sự lãnh đạo của vương triều.

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

Monday, November 21, 2022

Dịu dàng hay nhẹ nhàng?

 NGƯỜI DỊU DÀNG LÀ NHỮNG NGƯỜI KHÂU VÁ VẾT THƯƠNG GIỎI NHẤT 

Người dịu dàng thường mang lại cảm giác dễ chịu cho người khác. Đó là năng lực của sự dịu dàng. Nó đến từ sức mạnh nội tâm của người ấy.

Bởi đã từng bị những lời miệt thị, phán xét làm cho vỡ nát trái tim ra, nên người dịu dàng chọn lời nhỏ nhẹ, chân thành dành cho người khác.

Bởi đã từng khổ sở với những cấm đoán, nghi kị, nên người dịu dàng chọn thả lỏng, cho người khác cái quyền được là chính họ.

Bởi đã không ít lần bị những đòn roi làm cho tổn thương tinh thần, nên người dịu dàng chọn hành động tử tế, hạn chế bạo lực.

Bởi đã từng là kẻ bị lợi dụng trong trò chơi tình ái, nên người dịu dàng chọn những ai yêu thương và biết trân trọng đối phương.

Bởi đã từng bị làm ngơ trước những tai ương, nên người dịu dàng chọn ân cần, dang tay giúp đỡ.

Bởi người dịu dàng thường không nỡ làm vỡ nát trái tim ai.

Họ là những người khâu vá vết thương giỏi nhất, chữa lành giỏi nhất, cho chính bản thân họ.

Họ là những người có dung lượng trái tim lớn, nên sẵn sàng bao dung, che chở cho những trái tim còn nhỏ hẹp, cạn kiệt yêu thương.

Vì họ chọn tình yêu thương, nên mọi xấu xa không thể nào cản đường họ được.

Vì nỗ lực hàng đầu của họ, là dịu dàng với bản thân, và với người khác.

Bởi tất cả những lẽ đó, người dịu dàng trở thành người mạnh nhất, với sức mạnh đến từ trái tim.

{Thoa} SkyBooks

Có bao nhiêu Hồng Phạm

 Tôi thích dùng chữ Hồng Phạm thay cho Thượng đế, Bề trên, Chúa, Phật hay Ý thức Toàn năng, là các khái niệm phụ thuộc vào văn hóa. Đây là chữ tôi đặt ra để mô tả tới hạn chung của các khái niệm đó.

--------------

 Ý thức, theo cách nhìn của mỗi cá nhân chúng ta bao gồm Chân Ngã và Hồng Phạm. Chân Ngã là ý thức của cá nhân ta, là cái Tôi, điều khiển thân xác, được quan niệm là một thực thể khác với thân xác theo những người tin ở việc Tinh thần không phải là thuộc tính của Vật chất. 

       Tuy vậy ở đây lại có hai ngã rẽ: Có những hiện tượng dường như độc lập với ý chí của Chân Ngã, được cho là chi phối bởi một ý thức khác là Hồng Phạm, nằm ngoài thân xác, nhưng có thể liên hệ với thế giới chúng ta đang sống bằng cách truyền thông tin cho Chân Ngã theo một cơ chế nào đó mà chúng ta chưa biết, tạm gọi là Thông Linh. Tất nhiên, người ta cũng thể đặt câu hỏi tương tự như đã đặt ra với Chân Ngã: Liệu Hồng Phạm có phải là thuộc tính của Chân Ngã. Nói một cách thô thiển hơn thì Hồng Phạm có thể là hoang tưởng của Chân Ngã? 

       Nếu chúng ta tin rằng Hồng Phạm là hiện thực khách quan độc lập với Hồng Phạm chúng ta có thể thấy rằng có nhiều hình ảnh khác nhau về Hồng Phạm, phụ thuộc vào Chân Ngã, phần lớn là mô phỏng hình tượng Con người. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo đó không phải là ảo tượng. Đạo Hồi, không cho rằng ý thức tối thượng của họ, Alah có hình tượng người. Đạo Hindu, lại cho rằng đó là một bộ ba, khi sáng tạo, khi phá huỷ, khi bảo vệ. 

      Điều đó không có nghĩa là Hồng Phạm của những người cùng tôn giáo là như nhau. Nói cách khác Thiên Chúa của những người khác nhau có thể có sự khác biệt. Tôn giáo là thiết chế nhân tạo nhằm tạo khuôn mẫu chung cho nhận thức cá nhân về Hồng Phạm. Nhận thức có thể na ná như nhau, tuy không bao giờ giống hệt, nhưng Hồng Phạm vẫn có thể khác nhau giống như vô số vật khác nhau có thể có cùng hình chiếu trên một trục. Mỗi cá thể có thể kèm theo một Hồng Phạm khác nhau, không chỉ là khác biệt trong nhận thức.

      Nói chung mọi quan niệm chỉ là mô hình để mô tả thế giới. Có thể sự khác biệt chỉ là trò chơi của ngôn ngữ mang tính rhetoric ( tính xảo biện). Quan niệm có nhiều Hồng Phạm có thể quy về một Hồng Phạm duy nhất là hợp nhất của một Hồng Phạm duy nhất, mà khi thể hiện với mỗi cá thể chỉ có một phần của nó như trong truyện Thầy bói sờ voi. Chúng ta có thể cả quyết cái vòi, hay cái đuôi mà Hồng Phạm thể hiện cho chúng ta chính là Hồng Phạm độc lập và khác biệt với cái chân hoặc bộ ngà. Khác biệt hay thống nhất có thể chỉ là ảo tượng của nhận thức.

        Vậy tiêu chí cho việc “là một” hay “khác biệt” là gì? Chẳng hạn bạn và tôi, Đức Chúa và Quỷ Satan liệu có thể coi là hai mặt của cùng một đồng xu? Nếu xét tới thể hợp nhất dường như bất cứ cái gì đều có thể xem là một theo cách cưỡng chế.  

      Có lẽ chúng ta sẽ thêm một tiêu chí “chuyển hoá” hoặc “chia sẻ” để phân biệt một chỉnh thể duy nhất với một hợp nhất cưỡng chế. Đuôi hay tai con voi đều cùng chia sẻ vòi, chân và thân. Cố nhiên đuôi và tai của hai con voi vì thế không thể coi là cùng một chỉnh thể do không chia sẻ chân và vòi. Chuyển hoá có lẽ là một tiêu chí rõ ràng, tuy khó thực thi hơn, do đòi hỏi biết sâu hơn về sự vật. Theo đó các kiếp luân hồi có thể coi là một cá thể nếu có phần chung được chuyển hoá. Tuy vậy, vẫn có thể tranh luận về việc có thể coi là “kiếp sau” (nếu có) có phải là một phiên bản của Chân Ngã hay không. Nếu ý thức còn lại cũng chỉ là một phần lõm bõm của cái Tôi cũ, rất khó nói hậu kiếp và tiền kiếp là một.

      Vậy Hồng Phạm có thể coi là một nhờ chuyển hoá hay chia sẻ? Chúng ta không thể biết về chuyển hoá nếu như chúng ta không thể nhận thức được toàn bộ Hồng Phạm. Dường như Hồng Phạm chia sẻ nhiều cái chung, tuy khó phân định đó là bản thân Hồng Phạm hay do Chân Ngã của chúng ta có cùng một khuôn nhận thức được tập tính từ cách sống với những tiêu chuẩn giống nhau. 

       Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nếu Chân Ngã là khác biệt, tại sao lại có nhận thức giống nhau? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này nếu giả thiết có một ý thức tối thượng là Hồng Phạm duy nhất, thể hiện trong mỗi cá nhân dưới dạng các Chân Ngã khác nhau và luôn giữ kết nối với Hồng Phạm. Sự khác biệt chỉ là do hoàn cảnh của cá thể. 

      Tuy nhiên đó chỉ là một mô hình, cũng như các mô hình nhận thức về Ý thức.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

A csodák

 

Sunday, November 20, 2022

[EDU-KIDS] Nghiên cứu và dạy trung học

 1. Cách đây khoảng 40 năm về trước năng lực nghiên cứu và việc nghiên cứu là trò xa xỉ. Chỉ những người làm nghiên cứu sinh, thông thường ở khoảng tuổi 40, để lấy học vị tiến sĩ mới bắt đầu tập "nghiên cứu" bằng cách làm quen với việc lập đề cương, thu thập tài liệu, lập danh mục tài liệu tham khảo, tổng quan vấn đề, chọn và nắm vững phương pháp luận, đặt vấn đề và từng bước giải quyết vấn đề. Sau đó trình bày ý tưởng, thảo luận, sắp xếp ý tưởng, viết luận án. Một bộ phận không nhỏ đi qua quá trình này, không nắm được kỹ năng hoặc không có động lực tiếp tục sau khi đạt học vị. Vì thế có nhiều vị không thoát được cái bóng của thầy hướng dẫn, không biết cách tự nghiên cứu, mở hướng đi riêng, không biết cách hợp tác nghiên cứu, cho dù sau này được phong đến giáo sư cũng không biết tự mình đặt ra một vấn đề để nghiên cứu, hoặc có vấn đề cần giải quyết cũng không bắt đầu từ đâu. Chưa nói chuyện vị giáo sư này cần phải làm gì cho xã hội, ngay cả việc dạy học trò cũng chỉ mang họa cho họ.

     2. Ngày nay, chúng ta nói nhiều tới việc học trò phải biết tự học.  Chúng ta muốn học trò không biến thành máy thu âm rồi phát lại bài giảng như vẹt, dạy một biết mười, gợi ý rồi tự làm được, có sáng tạo, đặt câu hỏi mới. Chúng ta ít để ý rằng năng lực tự học chính là năng lực nghiên cứu. Đừng nghĩ rằng cứ phải đề tài gì trừu tượng, cao siêu và tháp ngà mới là nghiên cứu. Tìm một loại cây có thể chịu được nước mặn, có khả năng sinh lợi, chính là một đề tài nghiên cứu, thậm chí có thể là đề tài lớn đằng khác. Chúng ta quen nghĩ nghiên cứu chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên và công nghệ. Có lẽ bởi vì, trong các vấn đề xã hội chúng ta ít đặt câu hỏi vì sao. Tìm hiểu về một sự kiện lịch sử, quy luật ngôn ngữ cũng cần nghiên cứu, nếu muốn có tư duy độc lập và tìm chân lý khách quan.  

     3. Ngày nay, kỹ năng nghiên cứu là cần thiết ở ngay trường trung học, có thể sớm hơn, ở ngay trường tiểu học, thậm chí mầm non. Chúng ta nghe ngài Bộ trưởng nói về việc viết văn không theo văn mẫu. Nghe thì rất hay, nhưng chỉ nói thế thôi thì không đạt. Như thế tức là mới đưa ra một nửa sự thật. Không có văn mẫu có thể sẽ dẫn tới các thầy dạy văn, với năng lực nhận thức hiện tại tùy tiện cho điểm theo ý mình. Trò sẽ chém gió linh tinh, tự cho là sáng tạo. Thực ra khuôn mẫu vẫn cần thiết, Bản thân nó không có hại. Thậm chí, nghệ thuật có lý khi phải giới hạn trong khuôn khổ và cố gắng thể hiện các ý tưởng bay bổng theo các luật lệ nhất định. Chúng ta không thể phá mọi quy tắc ngữ pháp, chính tả để nói như thế giới ngầm. Không thể có âm nhạc nếu không có nhịp điệu. Thơ văn cũng có thể loại và những quy định hình thức. Tranh lập thể, trừu tượng, thử nghiệm cũng bắt đầu từ các quy tắc về đường nét và màu. Vấn đề ở chỗ một thời gian chúng ta chỉ dạy mẫu mà quên phần quan trọng hơn là ý tưởng. Ý tưởng cố nhiên phải đi trước. Mẫu mực là kỹ thuật giúp thể hiện tốt hơn. Vấn đề của chúng ta không phải là quá nhiều về mẫu mực, thực ra chúng ta tự hạn chế ở một vài mẫu mực mà không cho phép các mẫu mực khác nhau, thậm chí coi nhẹ các quy tắc đơn giản. Chúng ta chưa làm chủ được kỹ năng thể hiện để nghĩ đến việc phá thể. Chúng ta nói là quá câu nệ văn mẫu nhưng có bao nhiêu trẻ nào viết được một bài luận 5 đoạn, biết được luật một bài thơ thất ngôn bát cú, chưa nói tới một bài haiku, và hơn nữa các luật lệ này liên quan đến ý tưởng thế nào. Tuy vậy ở bài này tôi sẽ không lạc sang vấn đề phương pháp thể hiện và quan hệ giữa hình thức và nội dung. Tôi sẽ đề cập đến cái mà ngài Bộ trưởng chưa nói tới đó là ý tưởng, nội dung, sáng tạo và quá trình tự học, nghiên cứu để có được ý tưởng.

      4. Tôi đã quan sát và thí nghiệm để thấy rằng để tự học vấn đề không phải ở trẻ mà chính ở thày. Thày không có kỹ năng tự học, không biết nghiên cứu là gì, rất khó dạy trẻ nghiên cứu. Một khi biết gợi mở trẻ sẽ tự học nghiên cứu rất dễ dàng. Chính chúng ta đã hạn chế bản năng tìm hiểu của trẻ theo ý của chúng ta. Ở bậc đại học chúng ta bóp nghẹt khả năng sáng tạo, độc lập suy nghĩ ở trẻ bằng các biện pháp điểm danh, kiểm soát học tập mà không nghĩ tới việc làm cho trẻ thích học và tự do phát huy năng lực của mình. Nhiều thày dựa trên chính hạn chế của bản thân, rút gọn tri thức thành một mớ quy tắc, dạy theo kiểu "cầm tay chỉ việc" làm trẻ càng ngày càng thụ động. Tất nhiên là tiện việc cho thày. Chỉ cần trẻ học thuộc 2-3 dạng mẫu và diễn lại y chang là thày hết nhiệm vụ. Học sinh đó chỉ là phế thải, bởi vì chúng đã tê liệt suy nghĩ, nghĩ theo rãnh mòn. Chúng ta tưởng là chúng ta đang đào tạo, thực ra đang làm hại chúng.

      5.  Nhiều người cho việc tôi đặt vấn đề dạy kỹ năng nghiên cứu là viển vông. Một là do gánh nặng của cả hệ thống giáo dục trước đó. Đại học gánh hậu quả của trung học, trung học đổ lỗi cho tiểu học, tiểu học đổ lỗi cho mầm non và covid. Tôi nghĩ vấn đề vẫn là ở thầy. Chúng ta không thể đợi hệ thống giáo dục thay đổi. Tôi cũng đã thử nghiệm sửa lỗi hệ thống bằng cách đưa vào các kỹ năng nghiên cứu vào chương trình dạy ở các cấp khác nhau. Cố nhiên không thể như ý muốn, nhưng hoàn toàn có thể yêu cầu sinh viên năm thứ nhất tự nghiên cứu các vấn đề với các kỹ năng hoàn toàn mới. Tất nhiên thày phải vất vả hơn, trước hết là phải dũng cảm thay đổi cách suy nghĩ và không được lười học. Thầy lười học cái mới sao làm mẫu cho sinh viên được. Ở trung học và tiểu học sẽ dễ hơn, trẻ nhỏ như tờ giấy trắng có thể sẽ nhanh chóng thích thú học theo cách mới. Có một vấn đề lớn là thời gian hạn chế và chương trình học của ta yêu cầu quá nặng, không có chỗ cho các dự án nghiên cứu, không có chỗ cho ý tưởng sáng tạo.  Cách dạy nhồi sọ của chúng ta tất yếu sẽ dẫn tới học theo mẫu. Tôi thật tiếc cho thời lượng lớn của tiểu học và trung học bị lãng phí, học nhiều mà kiến thức khả dụng không được bao nhiêu. Nếu để trẻ tự nghiên cứu chúng sẽ học được gấp nhiều lần khối lượng kiến thức chúng ta đang cố nhồi nhét. Kiến thức phổ thông đa phần là các dữ liệu để học phương pháp tư duy, vì vậy hãy để trẻ tự chọn. 

      6. Ngày nay, việc nghiên cứu vốn là việc khó của các chuyên gia già, trở nên dễ nhờ 4 công cụ: tìm kiếm (google), tự điển bách khoa (wikipedia), mooc (youtube) và bộ office. Với 4 công cụ này, trẻ sẽ tự tìm kiếm, phân tích, trình bày, thảo luận. Đó chính là tự học hay nghiên cứu. Việc của chúng ta chỉ là dạy cách đặt vấn đề, giúp phân tích khái niệm, tổng kết và giao các dự án để trẻ tự làm.

       7. Như tôi đã nói điều khó là nằm ở giáo viên. Tôi nghĩ nên gỡ nhanh bằng cách bỏ nhanh cách loại  điều kiện hành nghề, chứng chỉ nhảm nhí hạn chế việc các kỹ sư, cử nhân có kinh nghiệm thực tiễn có thể đứng lớp dạy đại học, các nhà khoa học có thể dạy trung học và tiểu học. Việc này sẽ tạo một áp lực cho các thầy cô, nhưng cũng là nguồn trí tuệ mới cho giáo dục. Không có lý gì một người có bằng đại học lại không thể dạy đại học. Và cũng không có gì bảo đảm một thạc sĩ hay tiến sĩ đã dạy tốt hơn người có bằng đại học kia.

       8. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đi dạy. Sau nhiều năm hoạt động thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm, nhiều người rất sẵn lòng truyền thụ lại cho lớp trẻ có thể ở đại học, trung học hay tiểu học. Chúng ta phải làm cho việc đó dễ dàng. Một giáo sư đại học muốn dạy tiểu học, một nhà nghiên cứu muốn dạy trung học. Chúng ta phải làm cho quá trình đó thật dễ dàng, thay vì hô hào "khuyến khích, đẩy mạnh, tăng cường" chung chung. Tôi rất muốn lập một trường trung học hoặc tiểu học mời nhiều nhà khoa học xuất sắc đứng lớp. Chúng ta quan niệm sai lầm là dạy cao học là hơn dạy đại học, dạy đại học là hơn dạy trung học, dạy trung học là hơn dạy tiểu học. Điều đó sai hoàn toàn.  Đó là các vấn đề khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là dựng một hàng rào ngăn cản một giáo sư tiến sĩ có lòng muốn dạy học sinh tiểu học nghiên cứu về vũ trụ, hệ mặt trời. Các trường trung học nổi tiếng ở Budapest đã từng có các thầy là các nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng, có thày là viện sĩ hàn lâm, một danh hiệu mà các giảng viên đại học cũng ước mơ có được.

       9. Bên cạnh đó, chúng ta có thể khuyến khích các thầy cô giáo viên trung học có năng lực tham gia nghiên cứu. Tôi hoàn toàn không thấy lý do tại sao các thầy cô dạy trung học lại không thể nghiên cứu. Cố nhiên chúng ta có thể tạo ra các tạp chí riêng cho các thầy cô trung học như tờ Tạp chí Toán Lý Trung học của Hungary từ đầu thế kỷ trước. Nhưng không chỉ hạn chế ở đây, các thày cô có thể tham gia nghiên cứu đỉnh cao độc lập hoặc với các nhóm ở Viện trường. Chỉ như vậy tư duy nghiên cứu mới xâm nhập vào trường trung học. Điều đó có nghĩa là học sinh trung học xuất sắc cũng có thể bắt đầu nghiên cứu thay vì chỉ có một con đường thi thố ở các kỳ thi "chọi gà". Với kỹ năng nghiên cứu, việc tự học sẽ trở thành bình thường cho tất cả người kể cả thầy lẫn trò. 

    10. Ngày nay chúng ta nói nhiều đến mức như vẹt về cụm từ "đổi mới sáng tạo". Không có "đổi mới sáng tạo" nếu như không có "nghiên cứu phát triển". Đổi mới sáng tạo là một chu trình từ nghiên cứu (khoa học) đến phát triển (công nghệ) rồi tới triển khai (sản phẩm) và cuối cùng là "đổi mới sáng tạo"(mô hình hoạt động kinh doanh). Tuy công nghiệp hiện đại đã chuyên môn hóa, nhưng mọi người đều phải biết phát triển, triển khai, đổi mới sáng tạo vừa phải biết nghiên cứu ở các mức độ khác nhau. Thực tế bây giờ cho phép làm được điều đó và sẽ bắt buộc phải làm cho bằng được điều đó.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Saturday, November 19, 2022

Ý thức & Vật chất

 Tâm linh 

     Chữ "tâm linh" ở Việt Nam bị lợi dụng đến mức không phân biệt các điểm khác biệt tinh tế. Tin ở ma gà, ma chó, vong hồn, Thượng Đế, Phật, Chúa, tin ở bói toán, cất mộ, cơ bút, rút xăm, tất tật cái gì phi khoa học đều tâm linh tuốt. Như vậy có nghĩa là sẽ có khoa học và những điều còn lại. Nói về phạm trù "những điều còn lại" chỉ có nghĩa khi chúng hữu hạn, ngoài ra chúng sẽ bao gồm những điều xung khắc nhau, cũng có khi chẳng liên quan và không có ích lợi khi bàn về tất cả tập hợp này. Vì vậy, điểm khác biệt giữa khoa học và tâm linh có thể thấy rõ: Các nhà khoa học đều có thể đồng ý với nhau bằng tranh luận khoa học. Các nhà tâm lý không thể đồng ý với nhau và coi nhau là đối thủ nguy hiểm hơn chính khoa học.

    Vì vậy, tìm hiểu về "tâm linh" phải giới hạn trong một luận điểm và định nghĩa nhất định về "tâm linh". Trong bài này tôi sẽ nói về "tâm linh" là spiritualism, có định nghĩa đàng hoàng. Các khái niệm vu khoát dù là tôn giáo hay Triết học  không liên quan xin đừng thảo luận ở đây. Các giải nghĩa tôn giáo triết học có tính cá nhân lại càng không. Mục đích của tôi là bàn về những cái khoa học chưa giải thích được, nhưng có khả năng nhận thức được trong một khoảng thời gian hữu hạn không dài quá. Cũng thuộc về "tâm linh" theo định nghĩa "còn lại".

      "Tâm linh" quan niệm có những linh hồn (spirits) có thể và có xu hướng giao tiếp với người sống. (Nếu như vậy sẽ có thể nhận thức, quan sát được. Tất nhiên như thế vẫn chưa phải là khoa học theo định nghĩa hiện tại vì khoa học còn yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào thời gian, không gian, cá nhân, và lặp lại được). 

       Do chúng ta không thể chủ động giao tiếp với các linh hồn khi chúng không muốn, theo logic thì các linh hồn là hoàn thiện, có năng lực cao hơn chúng ta. Việc cắt nghĩa chúng là hình phóng chiếu của chúng trong tâm trí chúng ta, không có gì đảm bảo không bị sai lệch và trung thành 100% với nguyên bản. Chúng ta có thể thấy bề trên, thần phật, những người đã khuất, là những hình ảnh có sẵn trong tâm trí được lấy ra để phối hợp với tác động giao tiếp tạo thành một bức tranh nào đó. Chúng ta có thể thấy quỷ dữ. Có khả năng thấy gì là do tâm trí chúng ta đã được xây dựng theo một cách thức nào đó. Người ta có thể nói hoa mĩ là tâm lành hay không lành. Để có được những hình ảnh nhất định bên cạnh việc có năng lực đặc biệt, cơ duyên có thể có những phương pháp tu tập. Tuy vậy, hiện tại không có gì đảm bảo cách tu tập này sẽ gần chân lý hay tốt hơn cách tu tập khác ngoài tiêu chuẩn "thấy dễ chịu" là một tiêu chí không liên quan đến chân lý. 

     Trong trường hợp chúng ta tin rằng có các đấng bề trên toàn năng, có thể hướng dẫn chúng ta để chúng ta có thể sống tốt hơn, tâm linh sẽ là xuất phát điểm cho một niềm tin, mà các tôn giáo như Phật, Chúa, Alah, Đế Thích, Ngọc Hoàng là các giản lược để tạo nên các thiết chế xã hội nhằm ràng buộc con người, bắt đầu với thiện ý nhưng luôn có xu hướng nô dịch và ép buộc con người theo ý của một thiểu số.  Ở đây chúng ta sẽ dừng lại ở mức giả thiết có các bề trên, hay gọi tổng quát là các linh hồn như vậy (hy vọng chúng ta sẽ không lẫn linh hồn với "vong" là những gì được cho là còn lại của người đã chết). 

       Tâm linh tin rằng có thể luyện tập để mở các kênh giao lưu với các linh hồn tốt và tạo ra một vòng kim cô ngăn các linh hồn xấu. Về mặt logic, có thể không có linh hồn tốt phân biệt với linh hồn xấu và chỉ có một linh hồn mà thôi, xấu tốt là do nhận thức cá nhân như ta đã nói ở trên. Nói một cách khác Chúa và Satan là một, tùy nhận thức mà ta sẽ thấy Satan hay Chúa. Vì vậy luyện tập là để tạo ra hình ảnh Chúa và ngăn cản việc thấy Satan (hoặc ngược lại nếu muốn).   Như vậy mỗi người chúng ta đều sẽ có một linh hồn dẫn dắt, cũng có thể quan niệm đó là Bề trên hay Thượng đế phổ quát, hoặc một cá thể chỉ liên quan tới cá nhân ta. Khi chúng ta không thấy linh hồn này có nghĩa là kênh giao tiếp bị đóng. Chúng ta có thể tiếp tục đóng, khóa chặt thêm hoặc tìm cách mở kênh giao tiếp.

      Có một trường phái chủ trương mở kênh giao tiếp, gọi là spiritism (thông linh). Có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là cầu cơ hoặc các biến thể như giáng bút. Trào lưu này khá phổ biến vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và cho đến nay vẫn còn rải rác. Ở ta đạo Cao Đài cũng sử dụng cách giao tiếp này. Qua thực hành, thông linh tin rằng có hiện tượng đầu thai hoặc tái sinh luân hồi. Đạo Thiên Chúa ngày nay không tin ở Luân hồi, do giáo lý hướng dẫn con người hướng về Chúa để lên Thiên đường, nhưng nguyên thủy có tin ở Luân hồi. Hôm nay tạm bàn thế đã.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Friday, November 18, 2022

Phiếm thần, Chúa, Satan và Toán học

  1. Phiếm thần hiện nay thường được mặc định cho là niềm tin không có thần, do chữ "phù phiếm" mang nghĩa như là "giả tưởng", tưởng là có nhưng thực ra là không phải. 

      2. Nhiều người giả định Đạo Phật, với niềm tin không dựa trên sự tồn tại của thần thánh là "phiếm thần". Như vậy "thần" và "ý thức" phải được hiểu là hai khái niệm khác nhau, không đồng nhất, tuy ít ai nghĩ chuyện phân tích minh bạch. Cũng là "phép đặt tên có chủ đích" như Triết học mà thôi. 

     3. Thực ra Đạo Phật có thể nói thẳng là "vô thần" (antheism). Tuy nhiên, chữ "vô thần" từ lâu đã mang nghĩa xấu, không có niềm tin và đạo đức. Thậm chí những người theo chủ nghĩa duy vật cũng cảm thấy bị xúc phạm khi bị gọi là "vô thần". Do đó các vị cao tăng cũng lập luận khá buồn cười để "chứng minh" Đạo Phật không phải là "vô thần" và vì thế nhiều người muốn đón nhận khái niệm "phiếm thần" thay cho "vô thần".

     4. Thực ra "phiếm thần luận" chính thức xuất hiện trong quan niệm của nhà triết học Spinozza thế kỷ 17. Ông cho rằng Chúa là tổng hòa của mọi vật, như vậy Chúa không phải là một tồn tại siêu nhiên tạo thành mọi vật mà Chúa chính là mọi vật, tương tự như khái niệm Universe ( Do thiếu chữ, chúng ta hay dịch là Vũ trụ cùng với Cosmos, tuy hai chữ này không hoàn toàn như nhau) 

      5. Giordano Bruno là một vị liệt sĩ khoa học, là một nhà chủ trương phiếm thần luận. Ông không phủ nhận việc có Chúa Trời, nhưng cho Chúa Trời là mọi vật, bao gồm cả Vũ Trụ. Albert Einstein cũng từng tự cho mình là đệ tử của Spinozza, tin rằng Chúa hiện hữu và bao gồm mọi quy luật của tự nhiên. Nói một cách nào đó nhà khoa học không nhất thiết phủ nhận sự tồn tại của Chúa, và có thể là một người theo phiếm thần.  

       6. Phiếm thần là phủ định của thuyết đơn thần. Thuyết đơn thần tin có Thượng Đế được nhân cách hóa, có quyền năng tuyệt đối, có thể tạo ra, gây ảnh hưởng đến thế giới vật chất, nhưng đứng bên ngoài thế giới đó. Có người tin rằng phiếm thần là tiến hóa của đa thần, một niềm tin sơ đẳng, có thần hay ma tồn tại trong các vật cụ thể. Thực ra phiếm thần là niềm tin cao hơn đa thần, đơn thần kể cả vô thần. 

      7. Phiếm thần không phủ định Chúa mà đem lại cho Chúa một ý nghĩa mới, vượt hẳn quan niệm Chúa Trời là một người đàn ông đẹp đẽ, có râu, khác với Satan, một con quỷ có sừng.  Phiếm thần luận là một cách giải nghĩa tôn giáo hơn là một tôn giáo mới. Như vậy Đạo giáo, Nho Giáo, Đạo Sikh, Ấn độ giáo,.... đều có thể hiểu là phiếm thần. Tôi nghĩ đạo Hồi cũng có thể hiểu là phiếm thần. Những đạo nguyên thủy như đạo Orpheus, Pythagore,.... đều có ý phiếm thần. Tuy nhiên Đạo Phật không phải là phiếm thần. Tuy không phủ nhận phiếm thần một cách quyết liệt, Đạo Phật cũng không có quan điểm phiếm thần rõ ràng. Nhìn chung Đạo Phật là như vậy, không phủ nhận và không khẳng định điều gì, khi bàn đến chuyện A hay B, phương pháp bách chiến bách thắng của Đạo Phật là cho đó là vô minh, vấn đề đó là vô nghĩa. Thậm chí bàn về một vấn đề trong ngàn vạn thiên Tạng, Luận cũng là vô minh. 

      8.  Chúa theo quan niệm phiếm thần, chính là một symbol, để chỉ các quy luật của tự nhiên. Sáng thế là một câu chuyện Fairy Tale dành cho người lớn cũng mang tính biểu tượng như vụ nổ lớn là ngoại suy những gì ta biết được về thế giới. Đó là một mô hình gần đúng, để chúng ta yên tâm, hoàn toàn không thể chứng minh chặt chẽ. 

      9. Chắc chắn Chúa biết Vật lý, vì khi trước khi ngài sáng thế ngài cũng đã tạo ra các quy luật vật lý trước, để vạn vật ra đời đều tuân theo quy luật. Tuy nhiên không hoàn toàn chắc chắn Chúa có biết Toán hay không. Có 3 khả năng: Chúa cũng tạo ra Toán, Con người tạo ra Toán, và không phải Chúa, không phải Người, tức là Satan tạo ra Toán. 

     10. Nếu Chúa tạo ra Toán, ắt Ngài phải dùng vì thế các cấu trúc Toán học dù trừu tượng đến mấy cũng sẽ phải tồn tại trong thực tế, có thể ở những chỗ ta chưa biết. Chẳng hạn, mở rộng phương trình Maxwell thành các cấu trúc octonion chắc chắn phải là một thực tại vật lý. Hoặc chúng đang tồn tại trước mẳ mà chúng ta chưa nhận thức được, hoặc chúng tồn tại ở những vùng khác của vũ trụ cách xa chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng. Ngược lại, nếu con người tạo ra Toán học, nó sẽ phải giống như, Tôn giáo, Triết lý, Nghệ thuật, Thơ ca, Máy hơi nước và Blockchain. Bạn có thể tùy chọn lấy một niềm tin. 

     11. Ý tưởng Satan tạo ra Toán học là một ý tưởng lý thú và ít người nghĩ tới. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Satan tạo ra Toán học nhằm mục đích gì? Satan có thể giống các nhà Toán học, không có mục đích thực tế, nhưng chắc chắn anh chàng này (đáng lẽ phải gọi là ngài cho trung lập khoa học, nhưng tôi chưa đủ dũng cảm) có một mục tiêu tối thượng là biến các ý định của Chúa thành trò hề. Nếu quả như vậy thì Toán học là cơ sở của việc vi phạm định luật của tự nhiên. Kết luận này khá mạnh mẽ và đáng ngạc nhiên. Tuy vậy cũng nên nghĩ thêm xem sao, trước khi phủ định khả năng này.

     12. Chế nhạo và chống báng mạnh nhất chính là bản sao gần đúng. Đó là lý do vì sao Nhà Thờ tàn sát đạo Tin lành mà không hề quan tâm tới những người theo đạo khác. Các quy luật vật lý mô tả bằng các công thức Toán học. Nếu vậy, các công thức sẽ chỉ là gần đúng, là chế nhạo của Satan đối với Chúa trời. Trong cách suy nghĩ này, đối xứng chỉ là phép gần đúng đối với hiện thực, nơi phải có vi phạm đối xứng.  Tiếp tục theo quan điểm này, có thể kết luận đối xứng là tác phẩm của Satan, vi phạm đối xứng là tác phẩm của Chúa. Trong trường hợp này vi phạm đối xứng không cần có bản chất Toán học. 

      13. Một cách nghĩ khác, ngược lại: Đối xứng là tác phẩm của Chúa và chính là quy luật tự nhiên. Khi đó vi phạm đối xứng phải là tác phẩm của Satan. Theo quan điểm này, chúng ta sẽ có một kết luận rất mạnh: vi phạm đối xứng phải dựa trên bản chất Toán học. Chẳng hạn công thức khối lượng của Gell-Mann-Okubo, rút ra từ vi phạm đối xứng dựa trên một giả thiết thuần túy toán học. 

      14. Có lẽ bức tranh thế giới dựa trên quá trình đấu tay đôi không ngưng nghỉ giữa Chúa và Satan chỉ là một nhận thức sai lầm của con người. Biết đâu họ là một đôi bạn tri kỷ đang uống rượu bày ra những chuyện lắt léo làm chúng ta lao tâm khổ tứ rồi đang cười khà khà.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)