Wednesday, November 23, 2022

LUẬN VỀ CÁI SỰ… HỌC

 (Trích Luận ngữ Tân Thư - phần tiếp theo)

Đã gọi là thầy (sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục sư. Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư “moi” kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét” kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách. Hạng tiên sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ thiếu của mình. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy cái chỗ giỏi của mình. Thấy thiếu thì lo lắng, muốn được bổ sung, vì thế kiến thức tăng tiến. Thấy giỏi thì hung hăng, muốn được thi thố, vì thế kiến thức dừng lại. 

Hạng tiên sư nương theo con người mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo chính trị mà hành nghề. Nước có đạo lý thì tiên sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói không ra một mống tiên sư nào. Chính trị đứng đắn chú trọng đến tiên sư. Chính trị lưu manh chú trọng đến tục sư. Bởi thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm người thì chính trị khó bịp, ngôi vua nguy như đèn ra trước gió, phải tử tế lắm mới mong giữ được. Thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm tiền thì chính trị tha hồ bịp, ngôi vua chả cần tử tế vẫn có thể muối mặt mà cố đấm ăn xôi. 

Giáo dục cốt làm thay đổi dân trí. Song không phải bao giờ cũng theo hướng nâng cao. Giáo dục vì dân nhằm vào cái chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào cái chỗ mê lú của dân. Huống chi cái việc học làm người kia lại vô cùng khó khăn. Bậc tiên sư dù cố đến mấy, rốt cuộc chỉ mang tiếng vẽ đường cho hươu chạy. Mấy ngàn năm càng vắng ngắt bóng người... Vẫn “Lời tựa” trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó: 

Khổng Tử một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân nan” (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó). Các học trò nhao nhao thắc mắc. Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi quan. Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn... khỉ hết hay sao? Rằng cứ theo cái thuyết chữ “Nhân” của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế, có hiếu với bố mẹ, ông bà, không ăn cắp ăn trộm, không lừa đảo hay hại ngấm hại ngầm ai... là thành người được rồi. Chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó? 

Khổng Tử bèn thuyết liền một hồi: 

“Các ngươi chỉ biết một mà chưa biết hai. Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt. Mà phân biệt đâu phải là một kiến thức đơn giản. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ (nguyên văn: tam sự bất tri) như sau: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, như thế gọi là: “thực bất tri kì vị”. Thứ hai, chơi không biết nên chơi với ai, như thế gọi là: “xử bất tri kì nhân”. Thứ ba, đi không biết nên đi đường nào, như thế gọi là: “hành bất tri kì đạo”. 

Huống chi nay các ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, tin theo một chiều... duy nhất. Trên đời này không cái ngu nào sánh bằng ngu đó. Không cái lười nào sánh bằng lười đó... Vừa ngu, vừa lười đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu... Thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực xưng danh... tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào tai nữa, cứ một mực tin theo những hạng đểu giả. Kiến thức như thế thì dẫu cao mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn. Không những tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên hạ chưa biết chừng.” 

Các học trò nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi: 

“Thế nào là tự gây họa cho mình?” 

Khổng Tử bảo: 

“Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen... Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại cho là bạn... Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ.” 

Các học trò nghe thấy thế thì càng sợ hơn nữa. Lại hỏi tiếp: 

“Thế nào là gây họa cho thiên hạ?” 

Khổng Tử bảo: 

“Hạng người ấy mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan ở đâu thì dân ở đó điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn khổ, thậm chí còn mất vào tay ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau... Thế gọi là gây họa cho thiên hạ.” 

Các học trò hỏi tiếp: 

“Vậy cứ theo ý Phu Tử thì bao giờ chúng tôi mới có thể học thành người?” 

Khổng tử trả lời: 

“Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực). Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời). 

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai). 

Ta có thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng người. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng mình (tòng tâm kì dục, tùy lòng muốn)

Ta có thể dạy các ngươi cứ tùy theo lòng mình mà thi thố. Song khó mà khuyên bảo các ngươi giữ được qui củ (bất du củ)…” 

Các học trò nghe như vịt nghe sấm. Bèn đề nghị: 

“Phu Tử có thể giảng kĩ hơn một chút được không? Vẫn biết học làm người là một việc khó khăn, lâu dài. Song cớ sao lại rắc rối như thế?” 

Khổng Tử bảo: 

“Đó là những thang bậc từ thấp đến cao của cái sự học (hạ học nhi thượng đạt). Cũng là những điểm “chết” (nguyên văn: tắc tử) của kiến thức. Vượt qua được những mốc ấy là một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ mốc nào cũng lập tức biến thành người ngu, vừa ngu vừa xấu…” 

Các học trò lại hỏi: 

“Thế nào là biến thành người ngu?” 

Khổng Tử bảo: 

“Kẻ ngu nhất trên đời là kẻ tự bằng lòng với kiến thức của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không bao giờ hiểu được lòng mình... Từ khi làm thầy, ta kị nhất loại học trò học đến đâu giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như trứng để đầu gậy. Bởi kiến thức có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Kiến thức đã dừng lại, thì hậu quả tai hại sẽ không biết đâu mà lường, có khi còn biến thành lưu manh trí thức lúc nào không hay.” 

Nói đến đó, Khổng Tử bỗng buột mồm thốt ra một câu than thở: 

“Ôi! Kẻ học giả lúc nào cũng sẵn sàng cơ hội để trở thành một tên... thậm ngu ngốc, thậm lưu manh.” 

Các học trò nghe vậy thì không ai bảo ai, tất cả đều nhất tề thở dài đánh sượt một cái. Lại hỏi tiếp: 

“Phu Tử nói thế thì chúng tôi cũng đành cố gắng học được đến đâu hay đến đó, học mãi không dám dừng lại. Nhưng tại sao dừng cái sự học lại thì sẽ hỏng nặng đến như thế?” 

Khổng Tử trả lời: 

“Tại vì cái xấu nó sẽ tiếp cận”

Các học trò lại hỏi:

“Phải có kiến thức như thế nào, thì mới ngăn được cái xấu nó tiếp cận với mình?”

Khổng Tử bảo:

“Kiến thức cao mấy cũng không ngăn được, trừ phi kiến thức luôn tăng tiến, không dừng lại. Ví như nước ngọt ở những dòng sông đổ ra biển kia. Chảy nhanh hay chảy chậm đều đẩy được mặn cả. Nhưng nếu dòng sông ngừng chảy, thì lập tức nước mặn sẽ xâm nhập ngay.”

Những điều trên đây rút ra từ ghi chép của Nhan Hồi - một học trò yêu của Khổng Tử. Khổng Tử có lần đã nói: “Này Hồi! Ta sở dĩ thích ngươi, chính bởi ngươi là một học trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, khiến cho cái ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần...” (nguyên văn: “tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận”).

copy từ FB-Phạm Lưu Vũ (20 Nov.2022)

2 comments:

  1. Lê Minh
    Qúa hay ! Sao trong sách giáo khoa cải cách của GD nước nhà kg đưa những điều răn dạy này vào chương trình dạy học nhỉ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bùi Đức Ngọc
      Lê Minh, hãy điền từ hợp nghĩa vào chỗ trống:”…….để trị”

      Delete