Sunday, August 30, 2015

BẮT ĐẦU TỪ “BLUE DANUBE”

(NCTG) “Trải rộng ngút tầm mắt là thành phố rực lên trong ánh nắng vàng… Tất cả tạo nên ấn tượng mạnh mẽ không chỉ cho tôi mà có lẽ cho tất cả những ai đã từng đến đây” – TS. Nguyễn Thị Hậu chia sẻ những cảm xúc khi đặt chân tới Budapest.

Tác giả bên bờ sông Danube

Ngày còn nhỏ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm đi Tây về. “Món quà” mà ông hào phóng mang về cho cả khu tập thể là… những bản nhạc phát ra từ cái máy quay đĩa bọc gỗ nâu vec-ni bóng loáng. Hôm thì dân ca Nga, hôm thì hành khúc, hôm thì nhạc giao hưởng… Có một bản nhạc mà tối tối cứ cơm nước xong là ông lại nghe, có khi vừa rửa bát hay giặt quần áo cho vợ vừa khe khẽ hát theo…

Con bé là tôi ở nhà bên này chỉ cách bức tường mỏng, vẫn nghe rõ giai điệu mượt mà của bản nhạc lẫn trong tiếng bát đũa khua, tiếng nước chảy, cả tiếng gắt gỏng của bà hàng xóm quát chồng. Nhiều đêm nó thiếp đi cùng giai điệu ấy và mơ một ngày được tận mắt nhìn thấy dòng sông xanh dịu dàng xuôi chảy như một tấm lụa vắt ngang thành phố đẹp như trong cổ tích…như có lần nó thấy trên tờ bìa đĩa nhạc có bản valse nổi tiếng “Blue Danube”.

Mùa hè năm 1969, chị gái tôi lên tàu hỏa liên vận ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi học nước ngoài, và phải mất hơn nửa tháng, đi qua gần hết lục địa Á – Âu để đến đất nước Hungary xa lạ. Trong khi bọn trẻ Hà Nội có lẽ chỉ biết đến Liên Xô như là cả thế giới thì lần đầu tiên tôi được biết rằng, ở châu Âu còn có nước Hungary với thủ đô Budapest, có sông Danube – dòng sông của bản nhạc thời thơ ấu từng nghe…  

Bên bức tượng nhỏ gần Lánchíd

Vài tháng sau, cả nhà nhận được thư của chị gửi về. Trong thư chị háo hức kể về những ngày đầu tiên đến Hungary, rằng chị được học trường Đại học Kỹ thuật Budapest, rằng tiếng Hung khó ơi là khó phát âm chả giống… tiếng Nga, rằng ở đấy đã vào mùa thu, có lá vàng và trái cây thì ngon vô cùng… Cuối thư có một dòng tái bút:

À, lúc tụi con mới tới thì có các anh chị người Việt học khóa trước ra ga đón. Trên đường về ký túc xá đi qua sông Danube. Ôi trời nó xám xám bẩn bẩn chứ không như bài Danube xanh đâu ba má ạ! Đến nỗi con phải hỏi đi hỏi lại có đúng đây là sông Danube không?Buồn cười quá”. Mãi sau này chị mới biết lúc ấy đoạn sông Danube qua Budapest bị ô nhiễm nặng do chất thải của nhiều nhà máy đổ vào.

Mùa thu năm nay, biết tôi sẽ đi công tác châu Âu, chị tôi bảo: “Cố gắng qua Hung một chuyến đi, nhất định em sẽ rất thích”. Tôi đùa, “sang để xem Danube xanh hay xám, phải không?”. Chị bần thần: “nếu qua được em nhớ đến trường của chị nhé, trường ở ngay bờ sông, đẹp lắm…”. Thật ra không đợi chị nói, tôi đã liên lạc với một người bạn ở Budapest và bạn đã chuẩn bị chu đáo cho một chuyến du lịch nho nhỏ dù tôi chỉ có gần hai ngày ở đó. Tất nhiên, không thể thiếu điểm đến là Trường Đại học Kỹ thuật – cũng là nơi bạn từng theo học.

Trước Đại học Kỹ thuật Budapest

Sau một chặng đường dài tới 12 tiếng đi tàu từ Krakow qua Budapest (tàu chậm những 4 tiếng, chả biết vì sao), bạn đón tôi tại ga Keleti (Ga phía Ðông ở trung tâm thủ đô), hình như đúng là cái ga mà chị tôi đã đến từ hơn bốn mươi năm trước. Chuyến tàu trên tuyến đường tàu điện chạy ngầm mang tên Thiên kỷ (Millennium) cổ nhất châu Âu (năm 1896) đưa tôi đến quảng trường Bát giác (Októgon). Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi thăm những địa điểm nổi tiếng của thành phố mà hầu hết đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.

Theo sử sách ghi lại, Budapest được hợp nhất vào cuối năm 1873, từ đó trở thành thủ đô lớn thứ nhì của Ðế chế Áo – Hung (bị giải thể vào năm 1918), và luôn được ca ngợi là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Cũng như nhiều đô thị khác ở châu Âu thường được xây dựng hai bên bờ một con sông, sự hợp nhất giữa Buda và Pest mang lại cho thành phố này một quần thể kiến trúc hai bên bờ Danube.

Một bên là ngọn đồi cao thoai thoải sừng sững Thành cổ với nhà thờ và khu phố lâu đài Buda, một bên là những tòa nhà lộng lẫy kiến trúc đa dạng mà hài hòa với những đường phố xinh xắn yên bình: đại lộ Andrássy, Quảng trường Anh hùng, tòa nhà Quốc hội, các khách sạn, những công viên vườn hoa tượng đài, rồi Vương cung Thánh đường Thánh István, Nhà hát Lớn, Thành Vajdahunyad, nơi tập trung các trường phái của một ngàn năm kiến trúc Hungary…  

Tất nhiên, không thể thiếu vẻ đẹp của những cây cầu bắc ngang sông Danube nối liền hai nửa Buda và Pest: cầu Xích (thường được bà con Việt Nam gọi bằng cái tên dân giã cầu Sư tử, gắn với truyền thuyết về người kiến trúc sư tài hoa xây dựng cây cầu); cầu Elisabeth (Erzsébet), cầu Tự do… Quả thật, thành phố xứng đáng được mệnh danh là “hòn ngọc bên sông Danube”.

Buổi trưa, chúng tôi vào xem hiệu sách lớn nhất Budapest mới khai trương ở tầng trên cùng của tòa nhà Divatcsarnok cũ nằm trên đại lộ Andrássy. Hồi xưa du học sinh sang Hung được phát phiếu mua nhu yếu phẩm và quần áo, phiếu chỉ mua được tại đây, như một “bách hóa tổng hợp” thời bao cấp ở Việt Nam), bây giờ sửa sang thành một cửa hàng sang trọng mang tên mới “Ðại bách hóa Paris”, trên đó có một tiệm cà phê trang trí nội thất mang nét vương giả cổ xưa.

Sau đó, bạn đưa tôi đến “xóm nghệ sĩ”, nơi có Nhà hát Nhạc vũ kịch Budapest và những quán cà phê nổi tiếng của giới nghệ sĩ. Tại đây, chúng tôi có dịp dùng một bữa trưa đơn giản mà ngon lành ngày ngoài hè phố. Tôi ngạc nhiên, hình như mùi vị thức ăn Hungary không giống ẩm thực châu Âu mà giống của Á châu hơn thì phải?

Thành Vajdahunnyad

Như nhiều thành phố châu Âu xây dựng từ thời Trung cổ, ở Budapest hệ thống thành cổ, cung điện lâu đài, công trình công cộng niên đại kéo dài vài thế kỷ vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khu vực Thành cổ nằm trên đồi cao, cấu trúc gồm tường thành cao, dày, xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần thể lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm, gần đó có một mô hình tòa thành đúc bằng đồng giúp khách tham quan hình dung cấu trúc toàn bộ tòa thành… Bên ngoài thành có sông Danube làm “chướng ngại vật” tự nhiên khi có sự cố, bình thường là con đường giao thông thuận lợi đi nhiều nơi khác ở Châu Âu.

Trong thành cổ Buda còn có một số di tích khảo cổ học như nền móng công trình đã bị sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới lòng đất… Có hố khai quật xong đã lấp cát và trồng cỏ lên trên tạo thành vườn hoa nho nhỏ, có hố được giữ lại nguyên trạng, bên ngoài có hàng rào thấp để khách có thể quan sát các tầng văn hóa của di tích. Hiện vật tìm thấy trưng bày trong bảo tàng trong thành. Từ trên thành cổ nhìn xuống, ngay chân thành là sông Danube uốn lượn mềm mại, mặt nước lặng lẽ phản chiếu bầu trời xanh thẳm của ngày cuối thu. Trải rộng ngút tầm mắt là thành phố rực lên trong ánh nắng vàng… Tất cả tạo nên ấn tượng mạnh mẽ không chỉ cho tôi mà có lẽ cho tất cả những ai đã từng đến đây.

Trên chuyến tàu rời Budapest, bản valse “Blue Danube” của Johann Strauss quen thuộc lại vang lên. Bất giác tôi nhớ lại cũng một ngày mùa thu năm ngoái, tôi đến thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây -Trung Quốc). Một lần đến làm việc tại tòa nhà nằm cạnh khu nhà tù mới xây dựng ở ngoại ô thành phố. Giữa trưa nắng chói chang, từ phía những ô cửa sổ sơn màu trắng có song sắt dày sau hàng rào cao ngút mắt, một tiếng kèn ôboa vọng ra giai điệu của bản “Blue Danube” nổi tiếng.

Tiếng kèn không còn sự rộn rã của điệu valse mà rời rạc buồn thảm làm sao, cứ ngập ngừng những nốt nhạc đầu tiên và đến nhữg nốt cao thì như nghẹn lại… Người thổi kèn kiên nhẫn thổi lại bản nhạc… Thời gian với anh ta chắc còn dài lắm… 

Nguyễn Thị Hậu, Budapest 3-10 – Sài Gòn, 1-12-2011 - Ảnh: Trần Lê
(Nguồn: Nhịp Cầu Thế giới)

TS. Bùi Việt Hoa: KỶ NIỆM MỘT THỜI TUỔI TRẺ

(NCTG) “Thế giới quan của tôi hình thành từ những ngày đó. Nếu không có những năm tháng ở Hung ngày ấy, chắc chắn tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay” - TS. Bùi Việt Hoa hồi tưởng về những năm tháng học tập và nghiên cứu tại Hungary.

TS. Bùi Việt Hoa và cựu Tổng thống Hungary Göncz Árpád trong dịp sinh nhật 80 tuổi của ông (năm 2002) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lời Tòa soạn: TS. Bùi Việt Hoa sinh năm 1962, đầu thập niên 80 thế kỷ trước du học tại hai Đại học Tổng hợp của Hungary và tốt nghiệp năm 1987, khoa Ngữ văn Hungary, Ngôn ngữ và văn hóa Phần Lan. Sau đó, chị tiếp tục tham dự các khóa học về Ngôn ngữ và văn hóa, Văn học dân gian và Văn học Phần Lan tại Đại học Tổng hợp Helsinki (Phần Lan). Năm 2002, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Chuyên ngành Folklore Phần-Ugor tại Đại học Tổng hợp Budapest.

Là người am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn học hai nước Hungary và Phần Lan, TS. Bùi Việt Hoa từng có thời kỳ giảng dạy tiếng Hung tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cũng như làm công việc dịch thuật, phiên dịch tự do. Tuy nhiên, tình yêu văn hóa Phần Lan đã là động lực thúc đầy chị hoàn thành tác phẩm dịch “Kalêvala”, bộ sử thi được đánh giá là đã nâng tầm Phần Lan từ chỗ là một dân tộc ít được biết đến trên thế giới, và góp phần phát triển ngôn ngữ Phần Lan, thúc đẩy ý thức dân tộc của người dân nước này.

Hiện tại, TS. Bùi Việt Hoa là điều phối viên Dự án Nhịp cầu Văn hóa (Quỹ Juminkeko Phần Lan). Chị là hội viên Hội Văn học Phần Lan, Hội Kalêvala (Phần Lan) và Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Hội viên danh dự Hội Những người bạn Kalêvala (Budapest). Dịch phẩm Việt ngữ “Kalêvala” của chị đã được Giải A về dịch thuật (năm 1995) của Hội Nhà văn Việt Nam, và sau đó được các giải thưởng của Hội Kalêvala (Phần Lan).

TS. Bùi Việt Hoa cũng là tác giả và dịch giả của một số tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, cũng như văn học Phần Lan và Hungary. Trả lời câu hỏi của NCTG về những kỷ niệm đáng nhớ và sâu sắc trong thời gian học tập tại Hungary, vị trí của nước Hung trong lòng, cũng như cơ duyên nào khiến chị có mối quan hệ thân tình và trở thành con nuôi của một vị tổng thống Hungary, TS. Bùi Việt Hoa đã có những dòng tự sự sau đây.

Hai người bạn đồng môn, Hoa và Hương tại phòng ở KTX (TP Debrecen, thu 1981) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sáng 18-9-1980, lũ chúng tôi ba mươi bảy đứa cả trai và gái của khóa 80-86 ngồi trên con tàu xình xịch tiến vào ga Keleti (1). Tôi cũng háo hức như các bạn cùng lứa, suốt cả mấy tiếng đồng hồ kể từ khi tàu qua biên giới Liên Xô chỉ thò đầu ra ngoài ngắm cảnh đất nước Hungary. Không biết các bạn khác thế nào, chứ tôi lúc ấy vẫn chưa ý thức được những năm tháng tới sẽ thay đổi cả cuộc sống và cách suy nghĩ của mình.

Tôi và Tôn Thiên Hương, người bạn học cùng phổ thông thuộc diện “đặc biệt” của năm. Đặc biệt ở chỗ hai chúng tôi được xếp học ngữ văn Hungary (magyar szak)! Trước chúng tôi, các anh các chị đi học ngành này cũng rất hiếm hoi: khóa gần nhất cũng là khóa của thầy Chiến, cô Diệp, anh Trương Đăng Dung… còn sau chúng tôi hình như tịch không có một ai. Đặc biệt ở điểm nữa, sau năm học tiếng Hung ở Viện Dự bị Quốc tế (N.E.I), chúng tôi bị “bắn” lên Đại học Tổng hợp Kossuth Lajos ở tận Debrecen, một thành phố cách thủ đô hơn hai trăm cây số để rồi hai năm sau, kỳ kèo với các ông ở Bộ Giáo dục Hungary, lại được chuyển về Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE).

Cũng cái ông quyết định cho chúng tôi về lại Budapest, một năm sau ký quyết định cho chúng tôi được học thêm ngành nữa: Hương học Quốc tế ngữ Esperanto, tôi học ngôn ngữ và văn hóa Phần Lan. Tôi vẫn còn nhớ cảnh hai đứa xách chai rượu (nước Hung của những năm 1980 nhé!) lò dò vào tòa nhà của Bộ Giáo dục!

Dù sao, với quyết định – và được chấp nhận - lấy thêm ngành này, cuộc đời tôi đã chuyển sang một bước ngoặt lớn. Cũng vì học ngành xã hội, nên chúng tôi có điều kiện, và bắt buộc phải học thêm rất nhiều môn, liên quan đến văn hóa, tôn giáo, lịch sử… thế giới và châu Âu nói chung, cũng như của Hungary. Thế giới quan của tôi hình thành từ những ngày đó. Nếu không có những năm tháng ở Hung ngày ấy, chắc chắn tôi sẽ không là tôi của ngày hôm nay.

Với các bạn cùng khóa 1980-1986 tại trại hè, năm thứ Ba đại học - Ảnh do nhân vật cung cấp

Bạn hỏi tôi một hai kỷ niệm cụ thể mà tôi vẫn nhớ và cho là sâu sắc. Thật là khó! Tôi vốn nhớ dai. Nhưng thời gian qua, bao nhiêu kỷ niệm vui hay buồn dần hòa quyện với nhau, nhiều lúc trở nên hư ảo, và không biết có thật hay không? Có lẽ là chuyện cùng nhóm sinh viên Việt Nam ở TP Debrecen đi dự Ngày Hữu nghị của công nhân nhà máy xay xát ngũ cốc ở Karcag. Chúng tôi đàn hát cho công nhân nghe – anh Đô, học toán phát biểu ca ngợi tình hữu nghị thì phải. Kết quả lúc chia tay, chúng tôi mỗi đứa được nhận một gói quà trong đó có mấy gói gạo.

Hay là chuyến đi điều tra phương ngữ vùng Hortobágy! Chúng tôi mới đầu năm thứ hai, cho dù suốt ngày chỉ đọc tiểu thuyết - như các bạn trong năm hay đùa – nhưng vốn tiếng chưa đủ để phân biệt được âm nào là tiếng địa phương, âm nào không. Có lẽ chỉ thích vì được vào nhà người Hung ngồi, thấy họ sống ra làm sao, nhà ở của họ thế nào, thay vào việc đi tìm và giải thích tên cánh đồng, mồ mả trong trời mưa rét.

Kỷ niệm một thời với Hungary và những người bạn Hung còn rất nhiều. Tôi đã dự định sẽ trả ”món nợ” nghĩa tình với Tổ quốc thứ hai của tôi trong một cuốn hồi ký. Các bạn cùng khóa tôi cũng đã giục giã nhiều lần. Có lẽ trong thời gian tới, tôi sẽ thu xếp thời gian để bắt đầu.

Vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, phần nào đã có thể cảm nhận trong bầu không khí chính trị nước Hung bấy giờ đang có sự thay đổi. Cô bạn Hung cùng phòng với tôi ở KTX Kőrösi Csoma Sándor của ELTE đã từng rủ tôi tham gia câu lạc bộ của những người chống đối. Đấy là tôi đặt tên cho họ như vậy, bởi vì ở đó họ nói rất nhiều đến việc phải thay đổi, lật đổ chính thể Kádár (2)…, cho dù đó là một câu lạc bộ triết học! Tôi không quan tâm đến chính trị nên đã không đi. Nếu hồi đó mà đi, có lẽ tôi đã là bạn của Orbán Viktor (3) và nhóm đảng của ông ta rồi cũng nên! (Họ học Luật ở ELTE, dưới chúng tôi một năm, và ở cùng KTX)!

Không quen Orbán, tôi chẳng lấy đó làm tiếc! Cuộc đời đầy ắp những chuyện kỳ lạ, ngẫu nhiên mà ta không thể lý giải nổi. Như chuyện tôi đã từng học Göncz Árpád! (4)  

Cùng Göncz Arpád tại vịnh Hạ Long (mùa xuân 1998) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đó là vào hè năm 1983, tôi cùng hơn 10 lưu học sinh nước ngoài tham gia vào Trại dịch thuật Mihályi, do Đoàn Thanh niên Cộng sản (KISZ) của Hội Nhà văn Hungary tổ chức. Là chủ tịch của Hội đồng dịch Hội Nhà văn Hungary lúc đó, Göncz đã tham dự và giảng dạy cho chúng tôi trong suốt khoảng 10 ngày của trại.

Trại dịch được tổ chức trong lâu đài Dőry, nằm giữa làng Mihályi, phía Nam của Kapuvár, thuộc tỉnh Győr-Moson-Sopron. Chúng tôi sống trong các căn phòng của một tòa lâu đài thời Trung cổ. Thường buổi sáng chúng tôi nghe giảng – hay nói đúng hơn nghe các dịch giả, nhà văn và nhà thơ Hungary nói chuyện về công việc sáng tác của họ. Lớp học, nếu trời đẹp là mấy cái ghế trong công viên cạnh lâu đài, dưới mấy gốc cây cổ thụ, bên cạnh dòng sông Kis-Rába.

Buổi chiều là lúc dành cho sáng tác, ai về phòng người ấy làm việc. Các lưu học sinh tự do chọn các tác phẩm Hung, cố gắng dịch ra tiếng mẹ đẻ của mình. Những vướng mắc trong dịch thuật được đưa ra mổ xẻ sau đó, dưới sự hướng dẫn tận tình của các tác gia Hungary. Göncz kể cho chúng tôi sự nghiệp dịch thuật của mình, những tác phẩm ông đã dịch, những tình huống khó ông đã gặp ở từng tác phẩm và cách ông giải quyết… Những câu chuyện ông kể đã khiến tôi tò mò, và sau này tôi đã tìm đọc những tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… của ông để hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử – cuộc Cách Mạng 1956, mà lúc đó truyền thông chính thống vẫn ngày ngày ra rả: đó là cuộc chính biến Phản Cách Mạng.

Thú thật lúc đó tôi không tập trung học dịch cho lắm. Hai năm đầu ở Đại học Tổng hợp TP Debrecen chúng tôi học văn học cổ của Hungary và thế giới. Những tác phẩm cao siêu, khó vã mồ hôi. Tôi chẳng chọn được tác phẩm nào để thử sức, đành chọn mấy chuyện cổ tích dễ dễ. Điều tôi quan tâm lúc đó là đi chơi với mấy nhà thơ trẻ của Hung, có người nghề chính là nghiên cứu xã hội học. Chúng tôi mượn xe đạp của dân trong vùng, đạp đi thăm các vùng xung quanh vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Tôi đã làm quen với thế giới của tác phẩm “Puszták népe” (Dân vùng thảo nguyên) của nhà thơ Illés Gyula vào thời gian đó. Mới thật hiểu, nước Hung ngoài những thành phố lớn, khu du lịch như Budapest, Debrecen…, còn là những cái làng nhỏ bé, với những người nông dân sống trong các dãy nhà như nhà tập thể xịn ở Hà Nội, sáng dậy từ 4 giờ ra cánh đồng hợp tác, hay cuốc cày trong khu vườn của mình, để rồi 9-10 giờ về ngồi ngà ngà bên chai rượu…

Những năm tiếp theo, khi đã chuyển về ELTE học, thỉnh thoảng tôi có gặp Göncz trong các buổi sinh hoạt giữa Hội đồng dịch và các dịch giả văn học tương lai. Bao giờ ông cũng chu đáo, tận tình giảng cho chúng tôi. Sau này, Göncz có kể là ông quý tôi từ những ngày ở trại. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi hiểu: tình cảm ông dành cho tôi là tình cảm ông dành cho dân tộc Việt Nam. Số phận đã ưu ái để tôi là người Việt Nam đầu tiên ông tiếp xúc và làm việc. Lúc ấy tôi không biết điều đó, chỉ thấy vô cùng kính trọng ông, và không dám lại gần. 
Nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam (bản dịch sử thi Phần Lan “Kalêvala”) từ nhà văn Nguyễn Đình Thi (Hà Nội, xuân 1996) - Ảnh do nhân vật cung cấp  

Nhiều năm sau, khi tôi đang đi thực tập tiếng ở Phần Lan, và bắt tay vào dịch sử thi “Kalêvala”, thì có nghe cộng đồng người Hung ở Helsinki kể chuyện Göncz Árpád lên làm Tổng thống Cộng hòa Hungary. Tôi không hề nghĩ đến việc sẽ liên lạc với ông – một khi ông đã giữ trọng trách như vậy, còn đâu thời gian để nhớ đến một cô bé con thích rong chơi hơn là ngồi dịch thơ, dịch truyện. Tôi  chỉ nói với dịch giả Rácz István, người giúp đỡ tôi trong quá trình dịch “Kalêvala”, là tôi vô cùng kính trọng Göncz Árpád, và nghĩ ông sẽ là một tổng thống tốt.

Tôi không nghĩ là Rácz lại kể lại những điều đó cho Göncz nghe, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan của ông. Và điều thực sự khiến tôi bất ngời: Göncz đã yêu cầu thư ký tìm tôi  với địa chỉ mà Rácz đưa, và qua Đại sứ quán Hungary ở Hà Nội.

Đó là vào cuối năm 1993. Tháng 4-1994 bản dịch sử thi “Kalêvala” ra mắt bạn đọc Việt Nam. Tôi đã chính thức trở thành đồng nghiệp của Göncz Árpád, điều ông mong mỏi và hy vọng từ những ngày hè 1983, tại lâu đài cổ thơ mộng ở làng Mihályi. Và, ông đã có thể tự hào nói với Tổng thống nước Cộng hòa tự trị Karelia (Liên bang Nga) trong chuyến thăm cái nôi đã sản sinh ra sử thi “Kalêvala”, rằng chính con gái nuôi của ông đã dịch sử thi này ra tiếng Việt! (5). Bên cạnh đó, với tư cách là một nhà văn, gần mười lăm năm sau tôi cũng có thể coi mình là đồng nghiệp của Göncz khi tác phẩm sử thi “Con cháu Mon Mân” của tôi với gần 17 ngàn câu thơ được xuất bản tại Hà Nội. 
Bùi Việt Hoa, từ Phần Lan (Nguồn: Nhịp Cầu Thế giới)


Ghi chú (của NCTG):

(1) Ga xe lửa quốc tế phía Đông của thủ đô Budapest.

(2) Chính thể cộng sản tại Hungary, gắn liền với tên tuổi vị Tổng bí thư Kádár János (1912-1989), người đứng đầu ĐảngCông nhân Xã hội (tức Đảng Cộng sản Hungary) trong thời gian từ cuối năm 1956 cho đến cuối đời.

(3) Thủ tướng đương nhiệm Hungary, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ, hiện là đảng cầm quyền tại Hungary).

(4) Nhà văn, nhà soạn kịch, dịch giả, Tổng thống Hungary trong thời gian 1990-2000.

(5) Sử thi “Kalêvala” cũng được coi là một trong những xuất phát điểm sự hình thành các mối quan hệ giữa Phần Lan và Hungary - tác phẩm này đã có năm bản dịch tiếng Hung.

Đừng chờ mong...

Đừng chờ mong hoàng tử,
mà hãy chờ mong người
đối xử với bạn như một
công chúa.


Tư liệu: CỤ TRẦN TRỌNG KIM NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT MINH




“Tôi vẫn biết việc chống với Pháp chỉ có V.M. mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cọng-sản quá. Họ chỉ có một mục-đích là thi hành chủ nghĩa của họ, họ dùng đủ phương diện để đưa người ta vào cái chòng của họ. Sự hành-động của họ ở bên ta cũng như bọn cọng sản đã dùng ở bên Tàu và ở các nước khác, đều theo một lối đúng nhau như hệt. Họ không cần quốc-gia, không cần đạo-đức, nhưng có nhiều người tin ở nghĩa quốc-gia, thì họ lợi dụng cái nghĩa quốc-gia để đạt cái chủ-nghĩa của họ. Lừa dối xảo-quyệt đủ đường, cho nên người ta dễ mắc lừa lắm“.

Thư gửi Hoàng Xuân Hãn năm 1947

Nguyễn Đức Toàn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm

20.08.2015

Trần Trọng Kim (1887-1953) là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, sử học có tiếng trong giới trí thức nước ta thời cận đại. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, như Nho giáo, Việt Nam sử lược, có đóng góp cho tri thức và nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà. Trong khi tiếp xúc với văn bản Nam quốc địa dư chí, tôi phát hiện ra bức thư này nằm giữa tờ bìa ngoài gấp đôi đã bị phết hồ dán kín lại, do thời gian lâu ngày lớp hồ khô đi, trong lúc kiểm tra văn bản bức thư vô tình rơi ra. Được biết một số sách Hán Nôm có nguồn gốc từ thư viện riêng của gia đình GS. Hoàng Xuân Hãn. Bức thư này có lẽ đã đến tay cụ Hoàng và được cụ Hoàng dấu kín vào tờ bìa của cuốn Nam quốc địa dư chí, mà sau này được hiến tặng lại cho thư viện. Đối chiếu với tập hồi ký Một cơn gió bụi của cụ Trần đã được xuất bản trong những năm 60, chúng tôi nhận định đây chính xác là bút tích và giọng văn của cụ Lệ thần – Trần Trọng Kim, vì những nhân vật trong thư nhắc đến đều là những gương mặt trí thức chính trị đương thời với cụ. Ngày tháng, sự kiện, giọng văn và tư tưởng trong bức thư hoàn toàn phù hợp với ngày tháng, sự kiện, giọng văn, tư tưởng của cụ Trần trong tập hồi ký đã nêu trên.
Chúng tôi xin được giới thiệu nội dung bức thư như một phần di cảo bút tích của một nhà giáo, một học giả uyên bác và đức hạnh, một nhà nghiên cứu Nho giáo tân học cuối cùng, sau hơn nửa thế kỷ nằm im lìm trong một tập sách cũ. Thấy rõ thêm mối quan hệ giữa hai gương mặt trí thức lớn của nước ta trong lịch sử cận đại. Bên cạnh đó, đặt ra vấn đề thận trọng và nghiêm túc trong công tác bảo quản các tư liệu Hán Nôm của chúng ta hiện nay.
Bức thư gồm 2 tờ viết 2 mặt. 

Nội dung như sau :

Sài Gòn, ngày 8 tháng 5, năm 19471

Ông Hãn2

Hôm ông Phan văn Giáo3 đưa cái thư của ông vào cho tôi, tôi không gặp ông ấy. Tôi xem thư của ông, nhất là đoạn viết bằng chữ nôm, tôi biết rõ sự tình và tôi đã phiên dịch ra quốc-ngữ, gửi sang để Ngài4 xem.
Gần đây tôi lại được thư khác của ông, do ông Giáo gửi lại cho tôi, đại khái cũng như thư trước. Cái tình thế nước ta bây giờ, tôi cũng hiểu đại khái như ông, cho nên trước khi tôi về, tôi đã dặn Ngài : Trừ khi có bằng-chứng chắc-chắn, thì ngài chớ nghe ai mà về. Sau khi tôi đã về đây rồi tôi lại viết thư ra nhắc lại lời dặn của tôi. Vậy sự ngài về chắc là không có.
Tôi sở dĩ về đây là vì Ngài và tôi ở bên ấy5, hoang-mang chẳng biết rõ gì cả, nhân có ông Cousseau6 do ông D’argenlieu7 sai sang gặp Ngài và tôi, nói Pháp sẵn lòng đổi thái-độ để cầu hoà-bình. Ngài thấy thế bảo tôi về tận nơi xem thái độ người Pháp có thật không, và nhân tiện xem ý tứ người Việt ta thế nào. Nếu làm được việc gì ích lợi cho nước và để cho dân đỡ khổ, thì ta cố làm cho trọn nghĩa-vụ của mình, nếu không thì lương-tâm ta cũng yên, vì đã cố hết sức mà không làm được8.
Tôi về đây hôm 6 tháng hai tây9, không gặp ông D’argenlieu, vì ông ấy sắp về Pháp. Ông ấy cho người bảo tôi chờ ông ấy sang sẽ nói chuyện. Tôi có gặp mấy người có chủ nhiệm về việc chính trị, nói chuyện thì tử-tế lắm và đồng ý hết cả. Nhưng xét ra họ nói một đường, làm một nẻo, toàn là những việc mưu-mô lừa dối cả. Lúc đầu tôi có xin cho tôi dược gặp ông, ông Hiền10 và Khiêm11, họ hứa sẽ cho vào ngay, nhưng mãi chẳng thấy ai vào. Tôi biết ý [tr1] cũng không hỏi nữa.
Tôi xem việc người Pháp làm, không thấy gì là chân thực. Họ thấy tôi giữ cái thái-độ khảng khái không chịu để họ lợi dụng, họ phao ra rằng tôi nhu-nhược và đa nghi không làm được việc. Họ cho những người Nam thân tín của họ đến nói muốn gặp tôi, tôi từ chối không gặp ai cả. Cũng vì thế tôi không muốn gặp ông Giáo. Tôi có nói với người Pháp rằng : Tôi về đây, là tin ở lời hứa hẹn của ông Cousseau là đại biểu của Thượng xứ Pháp, nay công việc không xong, thì cho tôi trả ra để bảo cho Ngài biết. Họ nói : Việc ấy cố nhiên rồi, nhưng ông hãy thong-thả chờ ít lâu. Họ nói thế, nhưng tôi biết là họ không cho tôi ra với Ngài, và họ lại cho người khác nói chuyện với Ngài12.
Dù sao, tôi cũng không ân-hận vì việc tôi về đây. Có về đây mới biêt rõ sự thực. Biết rõ sự thực thì cái bụng tôi yên không áy náy như khi ở ngoài kia. Bây giờ tôi nhất định không làm gì cả. Nếu thời cục yên-ổn thì tôi về ngoài Bắc, néu không tì xoay xở ở tạm trong này, chờ khi khác sẽ liệu.
Còn về phương diện người mình, thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng-nhăng chẳng đâu vào đâu cả. Ai cũng nói vì lòng ái-quốc, nhưng cái lòng ái-quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa-vị và quyền-lợi, thành ra tranh dành nhau, nghi-kỵ nhau rồi lăng-mã lẫn nhau. Tôi về đây chỉ gặp Thảo13, Hoè14 và Sâm15. Tôi bảo Sâm nên tìm cách đoàn kết nhau thành khối, thì mới có thể đối phó với người ta được. Sâm cũng cho ý kiến ấy là phải. Song một độ thấy bẵng đi, không đến gặp tôi, rồi bất thình-lình xuất hiện ra Mặt trận quốc gia16, mà không cho tôi biết. Mãi mấy hôm nay mới đến nói rằng vì sự đi lại khó khăn, nên không kịp nói cho tôi biết việc ấy. Tôi bảo hắn rằng : Việc ông làm đó, là việc nên làm, nhưng trước hết phải xếp đặt cho chu-đáo, phải có đủ các cơ-quan tuyên truyền và bênh-vực việc làm của mình. Nhất là phải giao-thông với Mặt trận kháng chiến17, họ [tr2] có đồng ý, thì việc ông làm hoạ may mới có hiệu-quả. Nay việc chưa xếp đặt ra gì cả mà ông đã vội-vàng xướng xuất ra như thế, tôi e khó thành được. Hắn nói : Việc đã trót rồi, đã ném lao thì phải theo lao.
Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà minh thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái dịa vị bàng-quan mà thôi, thật là:       
身 在 南 蕃 無 所 預
心 懐 百 憂 復 千 慮
(Thân tại Nam phiên vô sở dự,
Tâm hoài bách ưu phục thiên lự.
= Thân ở cõi Nam không tham dự việc chính trị,
Lòng đã ôm trăm mối lo lắng lại thêm nghìn điều ưu lự)
Tôi vẫn biết việc chống với Pháp chỉ có V.M. mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cọng-sản quá. Họ chỉ có một mục-đích là thi hành chủ nghĩa của họ, họ dùng đủ phương diện để đưa người ta vào cái chòng của họ. Sự hành-động của họ ở bên ta cũng như bọn cọng sản đã dùng ở bên Tàu và ở các nước khác, đều theo một lối đúng nhau như hệt. Họ không cần quốc-gia, không cần đạo-đức, nhưng có nhiều người tin ở nghĩa quốc-gia, thì họ lợi dụng cái nghĩa quốc-gia để đạt cái chủ-nghĩa của họ. Lừa dối xảo-quyệt đủ đường, cho nên người ta dễ mắc lừa lắm.
Nay V.M. đứng vào cái địa-vị chống Pháp, tất là có cái thanh-thế rất mạnh. Nếu họ biết đổi cái thái-độ hung tàn bạo ngược đi, và tìm cách thu dụng các đảng phái khác, để lập thành một khối, không khuynh hướng hẳn về Cọng sản, thì có cơ thành công được, nhưng bảo con chó sói trở nên con cừu, thì có thể được không? Dù sao, đối với viêc nước mình, V.M phải chịu cái tiếng 功 之 首 罪 之 魁 (Công chi thủ tội chi khôi = Công đứng đầu mà tội cũng đứng đầu). Đó là ý kiến riêng của tôi, còn các ông nghĩ thế nào tôi không biết.
Khi tôi ở Hương- cảng, ông Cousseau có cho tôi biết tin ông Oánh18 bị Tây giết, tôi thương ông Oánh quá, có làm bài tuyệt- cú gửi về, nhờ ông đem điếu ông ấy:
            Khóc bạn Nguyễn Băng Hồ
            Đất khách mơ – màng những thở – than,
            Mảng tin bác bị lũ hung tàn.
            Ngắn dài giọt lệ lòng thương bạn,
            Căm giận quân thù đã tím gan.
Ông Oánh sinh thời là một người trung hậu ngay chính, ở đời này thật là ít có. Chẳng may vì duyên nghiệp mà phải cái nạn tai bay vạ gió. Thôi [tr3] thì cũng là một cách ông ấy trả nợ nước.
Tôi muôn nhờ ông một tí việc, khi tôi đi, tôi còn một bản đánh máy tập Vũ trụ đại quân19 gửi ông Oánh, nhờ ông thử hỏi nhà ông Oánh xem tập ấy có còn nữa không. Nếu còn, thì ông làm ơn giữ lấy cho tôi, kẻo công trình mất mấy năm trời mà mất đi, thì tiếc quá.
Nhờ ông nói với Khiêm, nhờ hắn đến qua chỗ nhà tôi ở Nhà Rượu20, xem có ai coi giữ cái nhà đã bị đốt21 đó không. Nếu có người coi, thì nhờ Khiêm thử vào trong nhà xem những sách vở có còn gì nữa, thì nhờ hắn nhặt đem về giữ lấy cho tôi. Còn cái nhà bên cạnh mà không hư hỏng lắm thì nhờ hắn xem có thể chữa sửa được không. Giá có thể chữa lại it nhiều rồi cho người ta tạm thuê để lấy tiền và cốt nhất là khi nào tôi có về được, mong còn có chỗ che sương che nắng.(Việc này không cần nữa, vì tôi đã gặp Khiêm ở đây rồi.)22
Ông có biết tin ông Bùi Kỷ23 bây giờ ở đâu không. Tôi về đây không có tin tức gì về đường nhà ông Bảng cả.
Nhà tôi và Chương24 đều có lời chúc ông bà được mạnh khoẻ. Tôi có lời thăm ông Hiền, Khiêm và Hoè và tất cả các bạn. Ông Hoè hôm ra Hà-nội có đến gặp tôi, nhưng vội quá, không viết được thư. Bây giờ ông Hoè ở đâu và làm gì?
Sau này ông có gửi thư cho tôi, nên để chờ khi nào có người chắc chắn vào đây, đưa đến cho tôi thì hơn. Không nên gửi người không được chắc chắn.
Nay kính thư
______
Chú thích :
  1. 8/5/1947 : ngày viết thư. Một cơn gió bụi có ghi việc Cao uỷ Pháp là Bollaert ra Bắc : “ngày 8/5 mấy hôm trước khi ông Bollaert ra Bắc, ông Didier Michel hẹn đến gặp tôi”. Bức thư có lẽ được cụ Trần nhờ Didier Michel gửi hộ.
  1. Ông Hãn: Chỉ Hoàng Xuân Hãn, nguyên Bộ trưởng bộ giáo dục và Mỹ thuật của chính quyền Trần Trọng Kim trước Cách mạng tháng 8. Năm 1947 Hoàng Xuân Hãn còn đang ở Hà Nội.
  1. Phan văn Giáo: Dược sĩ, chủ hiệu thuốc lớn ở Thanh Hoá, là nhà Tư sản nổi tiếng có tư tưởng thân Pháp. Bị bắt trong Cách mạng tháng 8, sau được thả ra. Sau năm 1945 tiến hành nhiều cuộc vận động để khôi phục chính thể quân chủ ở miền Nam.
  1. Ngài : Chỉ vua Bảo Đại – Vĩnh Thuỵ, lúc này đã thoái vị. Sau được chính quyền cách mạng cử đi công cán Trung Quốc, thì ở lại không về và sang ở Hương Cảng. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè, sđd)
  1. Bên ấy : Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra thì Trần Trọng Kim đang ở Huế. Bảo Đại thoái vị, ông về ở làng Tại Lại Thế gần thôn Vĩ Dạ, đóng cửa đọc sách không ra ngoài. Đầu năm 1946 thì về Hà Nội, không tham gia việc gì nữa. Sau khi Bảo Đại đi sang Trung Quốc, rồi ở lại không về. Cuối tháng 5/1946, quân Tầu Tưởng rút dần về nước. Tháng 6/1946, Trần Trọng Kim theo một số người của Quốc Dân đảng sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc với Bảo Đại, và gặp nhau ở Hương Cảng.
  1. Cousseau : Quan cai trị, từng làm Công sứ ở nhiều tỉnh tại Bắc Kỳ, là người móc nối dàn xếp đưa Bảo Đại từ Hương Cảng về nước để thành lập chính phủ theo ý người Pháp. (Phạm Khắc Hoè. sđd)
  1. D’argenlieu : Cao uỷ Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1947 thì về nước cho Bollaert sang thay. (sđd)
  1. Trần Trọng Kim, sđd, tr166, 167…
  1. hôm 6 tháng 2 tây : ngày Trần Trọng Kim về đến Sài Gòn. Một cơn gió bụi có ghi : “ngày 5 đến Sài Gòn, nhưng đến sáng mùng 6 mới lên bờ.”
  1. ông Hiền : Luật sư Vũ Văn Hiền, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tài chính. Bị quân Pháp bắt giữ sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 ở Hà Nội cùng với Phạm Khắc Hoè, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xuân Chữ, … sau được thả ra. (Phạm Khắc Hoè, sđd)
  1. Khiêm : Có thể là Phạm Duy Khiêm, người cùng tham gia với Trần Trọng Kim soạn sách “Việt Nam văn phạm”.
  1. Trần Trọng Kim lúc này đã không còn giá trị. Người Pháp muốn tách ông ra khỏi Bảo Đại để không thể gây ảnh hưởng, cản trở ý đồ thành lập một chính phủ theo ý muốn của người Pháp.
  1. Thảo : Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), luật sư toà Thượng thẩm Sài Gòn, là một luật sư rất có uy tín, thường đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động cấp dưới, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tư pháp, Phó chủ tịch hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau ra chiến khu tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hoà bình Việt Nam, đi nhiều nước vận động chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, Uỷ viên trung ương mặt trận tổ quốc, Đại biểu quốc hội.
  1. Hoè : Phạm Khắc Hoè, giữ chức Đổng chưởng lý văn phòng Ngự tiền của vua Bảo Đại. Sau này đi theo kháng chiến, bị Thực dân Pháp bắt đưa về miền Nam dụ dỗ quay trở lại phục vụ Bảo Đại không thành, phải thả ông ra ở Hà Nội, ông tìm cách trốn khỏi thành phố lên chiến khu, có viết tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Tập hồi ký này có nhắc đến việc ngày 16/4/1947, Phạm Khắc Hoè có đến chào từ biệt Trần Trọng Kim trước khi ra Hà Nội. Thư này viết sau khi Phạm Khắc Hoè đi Hà Nội gần một tháng (8/5/1947). (Phạm Khắc Hoè, sđd)
  1. Sâm : Nguyễn Văn Sâm, Chủ tịch hội ký giả Nam Kỳ. Bị Thực dân Pháp an trí ở Sóc Trăng vì những hành động chống Pháp. Năm 1945, tham gia chính quyền Trần Trọng Kim, Hội viên hội đồng dự thảo Hiến pháp. Sau được phái đi làm Khâm sứ Nam Kỳ để tiếp thu Nam Kỳ được Nhật trao trả, chưa kịp thực hiện thì cách mạng tháng 8 bùng nổ. Là người tham gia thành lập Mặt trận quốc gia Việt Nam ở miền Nam, là thủ lĩnh đảng Việt Nam quốc dân độc lập, ông bị ám sát chết cuối năm 1947. (Nguyễn Quang Thắng, sđd)
  1. Mặt trận quốc gia : Ngày 17-2-1947, Nguyễn Hải Thần, ông Nguyễn Tường Tam cùng một số nhân sĩ đã tiếp xúc với Bảo Đại và đã thành lập một Mặt Trận mệnh danh là Mặt Trận Quốc Gia nhóm tại Hương Cảng gồm: Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Dân Chủ Xã Hội Đảng, Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn có mục đích lợi dụng Bảo Đại để tranh thủ độc lập nhưng Bảo Đại cũng như các nhà thực dân khác không chịu được sự “khó tính” của Mặt trận này nên đã gạt khéo Mặt trận ra ngoài và sau này, Bảo Đại về lập chính phủ chỉ có nhân viên của các nhóm tư bản và của đế quốc cộng tác mà thôi. Với những thành phần “Nam kỳ quốc” và bọn tay chân của đế quốc, Pháp tạo ra các chiêu bài độc lập, tính đánh lừa dân chúng Việt Nam nhưng đã thất bại. Nguyễn Văn Sâm chắc cũng tham gia trong mặt trận này.
  1. Mặt trận kháng chiến : Chỉ Mặt trận kháng chiến của nhân dân miền Nam (?)
  1. ông Oánh : Tức Nguyễn Quang Oánh (1888-1946), anh ruột Nguyễn Văn Ngọc (hiệu Ôn Như). Làm Thanh tra các trường Sơ học, Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim, từng cùng Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ biên soạn sách Tiểu học Việt Nam văn phạm giáo khoa thư. Toàn quốc kháng chiến, ông bị giặc Pháp ập vào nhà bắn chết ngày 22/12/1946. (Trần Văn Giáp, sđd); Nguyễn Băng Hồ : Chỉ tên hiệu của ông Nguyễn Quang Oánh là Băng Hồ.
  1. Vũ trụ đại quan : Một trong các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Kim. (Trần Văn Giáp, sđd)
  1. Nhà Rượu : Trần Trọng Kim có nhà ở khu vực gần Nhà máy Rượu Hà Nội (phố Nguyễn Công Trứ). Tức là căn nhà 41 phố Hàng Chuối (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb.Vĩnh Sơn, S., 1969)
  1. Cái nhà của tôi ở phố nhà Rượu cũng bị quân tự vệ đốt cháy. Thành ra bao nhiêu sách vở của tôi, có lắm quyển rất cổ rất quý, tích trữ trong mấy chục năm, đều hoá ra tro tất cả. Tôi vẫn chưa hiểu vì lẽ gì mà họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt nhà bên cạnh mà cháy lây sang, hoặc vì Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ không được, họ cho lệnh đốt nhà cho bõ tức”. Trần Trọng Kim, sđd.
  1. Tác giả tự đánh dấu, và ghi chú sang bên cạnh thư, nhắc việc này thôi vì đã nhờ được rồi.
  1. Bùi Kỷ : Tức cụ Phó bảng Bùi Kỷ (1887-1960), Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim, cùng Trần Trọng Kim biên soạn nhiều tác phẩm : Truyện Thuý Kiều, Việt Nam văn phạm, Nho giáo. Chủ tịch Hội văn hoá kháng chiến liên khu 3, uỷ viên Hội Liên Việt liên khu, Chủ tịch hội hữu nghị Việt- Trung. (Trần Văn Giáp, sđd)24. Chương : Luật sư Trần Văn Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Ngoại giao. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè, sđd).
  2. Chương: Tên người, lúc đầu tôi chỉ tra cứu được 1 người tên Chương là Luật sư Trần Văn Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Đến hôm 9.2.2014, bài viết nhận được phản hồi từ bà Phạm Thị Lệ Hương, 1 Việt kiều Mỹ cung cấp thông tin sửa sai cho, tên Chương là tên con gái cụ Trần Trọng Kim, tức bà “Trần Thị Diệu Chương, vì trong thư Cụ Kim thường kêu các Cụngang tuổi là Ông… mà không nói tên trống không như thế này, vả lại Cụ viết “nhà tôi [tức là vợ của Cụ] và Chương đều có lời chúc ông bà…” thì chắc chắn phải là người trong gia đình Cụ. Con gái độc nhất của cụ tên là Trần Thị Diệu Chương, vẫn còn sống ở Pháp, năm nay cỡ 90 hay trên 90 tuổi 1 chút (ngang tuổi ông Bùi Diễm là con trai Cụ Bảng Bùi Kỷ là first cousin của bà Trần Diệu Chương, vì Cụ Bùi Kỷ là anh của Cụ bà Trần Trọng Kim).] Sở dĩ tôi dám quả quyết như thế này là vì tôi là người trong họ của Cụ bà Trần Trọng Kim, nên tôi đọc thư của Cụ Kim viết cho Cụ Hoàng Xuân Hãn tôi hiểu như thế. Tôi có hỏi thêm những người trong họ thì mấy nguời đó cũng nghĩ như tôi viết cho anh ở trên.” (trích thư phản hồi của bà Phạm). Tôi xin sửa lại chú thích này theo ý kiến phản hồi của bà Phạm và xin trân trọng cám ơn bà.
_____________
Thư mục tham khảo
  1. Lệ thần – Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, S,. 1969
  2. Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, H,.1986
  3. Nguyễn Quang Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. S,.1982
  4. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Hán Nôm II. H.,1987
  5. La Sơn Yên Hồ – Hoàng Xuân Hãn. Nxb GD, H,. 1998 (2t)
Phụ lục ảnh nguyên bản:


Saturday, August 29, 2015

Những cái tát trong cuộc đời

Dần dần rồi bạn sẽ tin rằng
cần phải biết ơn các cái tát
trong cuộc đời. Biết ơn những
cái tát lớn nhất, nhỏ nhất, tất
cả, vì chính chúng đưa bạn đến
vị trí hiện tại của bạn.


 

Friday, August 28, 2015

TS. Đinh Hoàng Thắng: “MỘT CHÀNG NGỐ BƯỚC RA THẾ GIỚI...”

(NCTG) “Dù rằng trần thế là hư dối và tạm bợ, mình vẫn muốn cám ơn cuộc đời này, vì đã cho mình những điều kiện mà các trang lứa của mình thuở bấy giờ không có được. Đó cũng chính là cái ý nghĩa của đất nước Hungary, con người Hungary đối với cuộc đời mình” - thổ lộ của TS. Đinh Hoàng Thắng.

 

TS. Đinh Hoàng Thắng (thứ hai từ trái sang) tại buổi gặp mặt hữu nghị Việt - Hung (Bách Thảo, ngày 24-8-2013) - Ảnh: Bích Ngọc

Lời Tòa soạn: TS. Đinh Hoàng Thắng sinh năm 1948, sang Hungary du học từ năm 1966, tốt nghiệp Cử nhân/Thạc sĩ về Văn học và Ngôn ngữ Hungary tại Trường Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd, Budapest năm 1972. Thời gian 1983-1986, ông nghiên cứu và nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Trường Đại học Kinh tế Karl Marx, Budapest (nay là Đại học Corvinus Budapest).

Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, đại diện cho Chính phủ Việt Nam bên cạnh OPCW (Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí hóa học) thời gian 1998-2001, sau đó là Chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao (2001-2007).

Được đào tạo cả về văn, triết lẫn chính trị học, sở hữu kiến thức chuyên sâu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, từ nhiều năm nay, TS. Đinh Hoàng Thắng là tác giả của hàng loạt bài viết liên quan tới chính trị thế giới và các vấn đề ngoại giao của Việt Nam.

Là một cây bút từng giữ chức TBT báo “Quốc tế” (nay là tờ “Thế giới & Việt Nam”, cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao), TS. Đinh Hoàng Thắng đã tham gia với NCTG với một bài viết dạt dào tình cảm về nước Hung và châu lục nơi ông từng có nhiều năm học tập, nghiên cứu và gắn bó, đúng vào thời điểm xứ sở này gia nhập Liên hiệp Châu Âu (tháng 5-2004).

Hiện tại, TS. Đinh Hoàng Thắng là một trong những thành viên chủ chốt từ nhiều trung tâm của VUSTA như Trung tâm Minh triết Việt, Trung tâm Khoa học Tư duy. NCTG đã có một cuộc trò chuyện thân tình với ông trong cuộc gặp mặt hữu nghị thường niên do Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary tổ chức vào ngày 24-8-2013, nhân kỷ niệm Quốc khánh hai nước.


 Phát biểu tại mít-tinh “Veled Vagyunk, Vietnam” (Việt Nam, chúng tôi ở bên bạn, phong trào ủng hộ Việt Nam thập niên 60-70 tại Hungary) - Ảnh do nhân vật cung cấp

- NCTG: Mỗi năm một lần, các anh chị lại gặp nhau ở đây để cùng hồi nhớ những kỷ niệm, những ngày tháng học tập và sinh sống ở Hungary. Anh có thể chia sẻ với độc giả NCTG một vài kỷ niệm sâu sắc thời anh ở Hung?

Anh Đinh Hoàng Thắng (Đ.H.T.): Không phải một vài, mà nhiều, rất nhiều kỷ niệm!

Lần đầu tiên, một chàng ngố hơn 17 tuổi, từ mảnh đất đói nghèo và chiến tranh của Nghệ Tĩnh bước ra thế giới, gặp gỡ nhiều người ngoại quốc (külföldiek), được tiếp xúc với cộng đồng quốc tế hẳn hoi (cánh sinh viên Ba Lan, Tiệp, Nga, Anh, Pháp cùng học với bọn mình ngay từ đầu), chứ không chỉ là với thầy cô giáo người Hungary (magyarok).

Külföldiek”, “Magyarok”… hình như đó là những từ Hung đầu tiên mình học. Cảm giác là sốc và choáng! Quan hệ quá cởi mở (nhìn họ hôn nhau trong lớp vừa ngượng, vừa thích), tự do cá nhân được đề cao ghê gớm. Trong năm đầu học tiếng Hung, bọn mình bị cấm đi nhảy cuối tuần, dù các buổi sinh hoạt văn hóa đó tổ chức ngay trong ký túc xá. Thay vì đi nhảy, bọn mình họp chi đoàn, họp đơn vị, đọc báo Việt (nghe ngộ nhỉ?)… Sự lạc lõng giữa Việt Nam với thế giới… Có lẽ đó là điều ám ảnh mình suốt những năm sau này, đến bây giờ mình vẫn còn bị hội chứng LPS (Lost Puppy Syndrome).
  
“Chàng Ngố” tốt nghiệp đại học năm 1972 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì là dân Tổng hợp, cả trường chỉ có 3 sinh viên Việt Nam nên ngay từ năm thứ nhất mình đã “phải” ở chung phòng với Tây (sinh viên Hung) nhưng đấy là điều thật may mắn. Từ năm thứ hai, thứ ba, mình đã đi dịch được cho Sứ quán, dịch một nhưng phải đoán đến hai… ba… phần - như người Hung hay nói, “a fordítás ferdítés” (?) (1) - mà vẫn được các chú ở Sứ cho là khá (lúc bấy giờ chả có chú sứ nào biết tiếng Hung, ngoài vài câu chào hỏi thông thường như “jó reggelt / jó napot kívánok”). Đi đến các buổi mít-tinh hội họp thì đã có bài viết sẵn, cứ thế mà đọc, may mà phần ngữ âm của mình khá (tiếng Nghệ Tĩnh vốn trầm trầm, phân biệt giữa “sờ” nặng (sör - bia) với “xờ” nhẹ (szabad - tự do) rất rõ ràng, nên khá thuận lợi để học tiếng Hung.

Có một sự kiện mình nhớ rất lâu, đó là được đi dịch cho Đoàn cấp cao Đảng và Chính phủ nước ta lần đầu tiên thăm Hungary. Về chuyến đi quốc tế của Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi đó đều có phim chiếu trong nước, chiếu ngay tại làng Quỳnh Đôi của mình. Thế là đột nhiên mình trở thành “vĩ nhân tỉnh lẻ”. Ba mẹ mình mừng lắm, vì được bà con bàn tán mãi về thằng “cu Đen” ngày nào mà bây giờ được đi cạnh và còn “dám nói chuyện” với ông Duẩn và ông Đồng (thực ra mình chỉ “nhai lại” lời của các cụ mà thôi!).

Năm năm đại học tiếp xúc với toàn sinh viên/các thầy cô ngữ văn, triết học, nhiều hôm mình ngồi café tranh luận sau các seminar chuyên đề ở lớp quên cả lên giảng đường. Đổi lại, mình đã được nghe các bạn nói về những Lukács György, Márkus György, Háy Gyula (2) cùng nhiều tên tuổi khác.  

Đi picnic ở Hungary - Ảnh do nhân vật cung cấp

 Mình thích đọc các giáo trình tham khảo hơn là những tài liệu bắt buộc. Sách giáo khoa và các tài liệu chọn lọc đều phải mua, nhưng bọn mình thích đọc các sách “chui” từ các nhà xuất bản bên Tây Đức. Nhất là về các biến cố sôi động ở Hungary từ 1953, rồi 1956, đặc biệt, trước và sau 1968, mình dành khá nhiều thời gian đọc và tìm hiểu về cải cách kinh tế. Mình được đi dịch cho rất nhiều đoàn cán bộ cao cấp từ Việt Nam sang nghiên cứu về cải cách kinh tế ở Hungary trong những năm ấy.

- NCTG: Đất nước Hungary có vị trí thế nào trong cuộc đời anh?

Đ.H.T.: Không thể thay thế! Nếu mình đi nước khác, học trong những môi trường khác chắc rằng giờ đây mình không được như thế này. Môi trường giáo dục làm nên con người, chứ không phải là quần áo (3)! Dù rằng trần thế chỉ là hư dối và tạm bợ, mình vẫn muốn cám ơn cuộc đời này, đã cho mình những điều kiện mà các trang lứa của mình thuở bấy giờ không có được. Đó cũng chính là cái ý nghĩa của đất nước Hungary, con người Hungary đối với cuộc đời mình. Nếu mình chỉ học trong nước, hay học kỹ thuật, có lẽ mình khó có duyên với ngành ngoại giao sau này.

Cuối cùng, nếu không đi học ở Hung, chắc mình không làm được nghiên cứu sinh. Không phải là vì nhà trường chiếu cố gì cả. Đơn giản là cái đề tài mình đề xuất - “Phân tích hệ thống (rendszerelemzés) như một vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu quốc tế” - đã không được trong nước chấp nhận, vì lý do a, b, c… Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cùng hai  trường Tổng hợp và Kinh tế đã hỗ trợ tối đa, nhất là với cái quy chế “cắc cớ” của mình (không đi qua con đường học bổng), mình đành quyết định bỏ tiền túi để học NCS. Nặng nhất là khâu thi tối thiểu (minimum), phải nạp khoảng hơn 4.000 Forint (mệnh giá năm 1983-84). Theo mình biết, ở các nước khác, làm kiểu “tư nhân” (maszek) như vậy là bất khả!

Bảo vệ Luận văn TS. Khoa học Chính trị tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (năm 1986) - Ảnh do nhân vật cung cấp

- NCTG: Một câu hỏi có thể là hơi ngoài lề: hoạt động tại Trung tâm Minh triết Việt, Trung tâm Khoa học Tư duy, anh có tận dụng được những kiến thức về phương pháp luận mà anh đã dày công nghiền ngẫm trong những năm tháng dài trên đất Hungary?

Đ.H.T.: Cám ơn NCTG đã nhắc đến công việc hiện tại của mình. Ngày nay, “tư duy hệ thống” đang nhường bước cho “tư duy phức hợp”, nhưng khi tham gia nghiên cứu về các vấn đề phức tạp và gay cấn như vấn đề Biển Đông, vấn đề quan hệ Mỹ-Trung và an ninh khu vực…. cách tiếp cận theo phân tích hệ thống vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự.

Nhân dịp này, mình muốn giới thiệu với tất cả các bạn đọc của NCTG một bài viết gần đây về mô hình “P&DOWN” (nghĩ về Bí Đao cho dễ nhớ!) – bài viết đã được báo chí trong nước (“Tuần Việt Nam”, “Văn hóa Nghệ An”, “Ba Sàm”mạng Info.net) đăng tại các thời điểm khác nhau. Hy vọng sẽ được sự chia sẻ với ý kiến của các độc giả báo!

- NCTG: Xin cám ơn anh đã trải lòng cùng NCTG!

Dự Điều trần tại Quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ-Việt (năm 1991) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ghi chú (của NCTG):

(1) Dịch là xuyên tạc (chơi chữ trong tiếng Hung, tương đương “dịch là phản” trong tiếng Pháp và Anh).

(2) Các triết gia, nhân sĩ, nhà văn nổi tiếng của Hungary.

(3) Chơi chữ, theo một câu thành ngữ tiếng Hung “Nem a ruha teszi az embert” (Quần áo không làm nên con người, chiếc áo không làm nên thầy tu).

 

Bích Ngọc thực hiện (Nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới)

http://nhipcauthegioi.hu/Hungary/TS-Dinh-Hoang-Thang-MOT-CHANG-NGO-BUOC-RA-THE-GIOI-3833.html