Thursday, August 31, 2023

Sống & Chết

QUAN NIỆM CỦA TÔI VỀ HẠNH PHÚC

Sống lặng lẽ, giản dị.

Giữ hơi ấm gia đình.

Không bon chen, ít bạn.

Làm việc theo ý mình.


Hạn chế việc ra phố.

Chỉ tiêu cái thật cần.

Trong nhà sách đầy giá.

Trẻ nô đùa ngoài sân.


Trời cho gì nhận ấy.

Trời gọi đi thì đi.

Lấy chữ Tâm làm trọng.

Không vướng Tham Sân Si.


Còn sức thì cứ viết.

Có lý, có cả tình.

Chết, tung thơ theo gió,

Không cần ai biết mình.

*

Chết, tôi dặn con cháu

Lặng lẽ đem đi chôn,

Không nhận tiền phúng viếng.

Đúng nghi lễ nông thôn.


Không đăng tin đài báo.

Không báo Hội Nhà Văn.

Chỉ người làng, bè bạn

Biết đám tang Ông Tân.

*

DI CHÚC

Hơn một trăm đầu sách,

Tuổi gần đất xa trời.

Gần như đã nếm đủ

Mọi buồn vui cuộc đời.


Đọc Phật rồi ngấm Phật,

Thấy mọi cái vô thường

Và không gì quan trọng,

Ngoài tình yêu, tình thương.


Trước tôi hăng lắm đấy,

Thơ phú suốt đêm ngày.

Giờ thì cứ túc tắc,

Nhởn nhơ suốt đêm ngày.


Rồi bất chợt nhận thấy,

Chẳng còn ham muốn gì,

Cả tiền tài, danh vọng.

Tin hay không thì tùy.


Thực ra thì phải nói:

Tiền cũng thích - vừa vừa.

Chủ yếu giúp con cháu.

Mà tôi cũng có thừa.


Danh vọng là vớ vẩn.

Xin được nói thực tình.

Tên tuổi và giải thưởng

Với tôi là cái đinh.


Đã mang tiếng cầm bút

Thì viết, viết thật nhiều.

Không cần tên tác giả,

Chỉ cần giàu thương yêu.


Thành ra, nói thật nhé,

Mảng “thế sự” gần đây

Tôi muốn sau khi chết

Nếu in thì thế này -


Không đề tên tác giả.

Tác giả là mọi người.

Tôi chỉ ghi chép lại

Những buồn vui sự đời.


Đúng thế, chỉ chép lại

Bằng thể thơ ngũ ngôn,

Thêm đôi chút hài hước

Xen kẽ giữa vui buồn.


Từ lâu tôi tự nhận

Là người của nhân dân,

Nói hộ điều oan trái

Bằng ngôn ngữ của dân.


Vậy thì khi in sách

Sao không đề dân gian?

Dân gian thời đang sống.,

Thời của những dân oan.


Thế có được không nhỉ?

Già, cũng mệt lắm rồi.

Xin các bác lưu ý

Mong muốn này của tôi.

*

DI CHÚC - 2

Nếu đất nước bị chiếm,

Thành một tỉnh của Tàu,

Tôi sẽ viết di chúc

Dặn con cháu như sau:


“Đã làm người, phải sống

Đàng hoàng và công minh.

Đã là dân một nước,

Phải yêu đất nước mình.


Không cúi đầu khuất phục,

Cả ý nghĩ, việc làm.

“Không làm vương đất Bắc.

Thà làm quỉ nước Nam”.


Hãy cầm súng đứng dậy,

Cùng bảo vệ nước non.

Nếu cần thì hãy chết

Để đất nước trường tồn.


Còn ông, sau khi chết,

Ông sẽ làm ma vương,

Yểm tà giặc phương Bắc

Che chở cho quê hương.


Thái bá Tân

Wednesday, August 30, 2023

Thế giới nhỏ và thế giới lớn: Kết nối với nhau trong mối quan hệ nào

Nhiều người cảm thấy bản thân không thể có được thiện cảm và tình bạn từ người khác, tất cả đều có cùng một lý do: Chúng ta cho rằng người khác không ưa mình nên mới không muốn lãng phí thời gian của bản thân. 

Là do người khác không có mắt nhìn hay là chúng ta không đáng được yêu thương?

Thực tế, không phải ai cũng có những tính cách khiến người khác yêu mến. Muốn có một tình bạn, một mối quan hệ tốt thì bạn cần phải bỏ những khúc mắc trong lòng xuống. Bạn không cần quan tâm xem người khác có thích mình hay không, việc bạn phải làm là dốc hết sức hoàn thiện bản thân, khiến ưu điểm của bạn tỏa sáng. Ngay khi đó, những người yêu quý bạn sẽ lập tức xuất hiện. 

Nói cách khác, muốn thu hút người khác, bạn không cần phải trở nên vô cùng đặc biệt, cũng không cần cố ý trở nên nổi trội, điều bạn cần làm chỉ là làm tốt bản thân mình là đủ. 

Điều cuối cùng, chúng ta bắt buộc phải có một trái tim bao dung mới có thể giữ được những mối quan hệ. Không có ai là hoàn hảo, nhưng ai cũng cần được yêu thương, khoan dung và giúp đỡ. Ví dụ, bạn luôn hà khắc với nửa kia, không cho phép đối phương bất kỳ lỗi lầm nào, vậy thì cuối cùng sẽ không ai phù hợp với bạn. 

13 trích dẫn thấm thía về các mối quan hệ 

1. Không có ai là một hòn đảo cô độc cả, chúng ta đang tìm kiếm bạn bè, mà họ cũng đang kiếm tìm chúng ta. 

2. Ngay khi một sinh mệnh đến thế giới này thì đã phát sinh quan hệ. 

3. Hãy làm thân với những người chân thành, tôn trọng những người thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm của bản thân. 

4. Tình bạn buộc phải cách biệt khỏi chuyện kinh doanh. 

5. Tình bạn không thể tùy tiện đem ra lợi dụng. 

6. Những người bạn tốt sẽ không giúp bạn làm việc sai trái. 

7. Hãy tránh xa những người đem lại phiền phức và cũng đừng trở thành một kẻ gây phiền hà cho người khác. 

8. Nếu bạn phát hiện đối phương là một người bất hiếu, hãy duy trì khoảng cách với người đó. 

9. Chúng ta sống giữa xã hội chứ không cô độc trên một hòn đảo. Chỉ khi hợp tác tốt với người khác, chúng ta mới gặt hái được những thành tựu to lớn. 

10. Nếu như bạn yêu một người thì hãy nghiêm túc yêu họ.

11. Chúng ta có thể thất vọng về một người, nhưng không thể thất vọng về tình yêu. 

12. Nếu tình cảm chỉ đến từ một phía thì hãy buông tay, hãy cứ coi mọi thứ thoảng qua như mây khói. 

13. Yêu đồng nghĩa với đồng cảm, khi bạn yêu thương người khác thì người đó cũng sẽ cảm nhận được tình yêu và dùng tình yêu đáp trả bạn. 

(trích đăng từ FB-WAVE BOOKS-Luật hấp dẫn về mối quan hệ)

Tính cm của Chí Phèo

 Nhân tiết mưa ngâu, mùa thu cách mạng và phong trào chửi bùng phát, nhìn gió heo may, nhớ các cô hồn, cảm nỗi đau nhân thế, bất giác cầm bút...

Tính cách mạng của chửi 

    “Hắn vừa đi vừa chửi.” Thầy giáo dạy văn của tôi, một thương binh giải ngũ, gầy gò nhỏ bé, nhưng ý chí cứng như thép, phảng phất Pavel Kortsaghin, nói rằng việc Chí Phèo chửi biểu thị điều kiện cách mạng đã chín muồi. Như vậy có nghĩa chửi là nhà tiên tri cách mạng. Chí ít nó cũng có hơi thở của cách mạng và hồn phách của tính giai cấp. 

    Không được nhầm lẫn chửi với phê phán, một tàn tích của bọn tư sản như Descartes, Voltaire, Russeau. Phê phán quá nhiều lý sự, lằng nhằng mất thì giờ của bọn ăn không ngồi rồi, vạch vôi tìm lá, nói chuyện viển vông, vòng vo vu khoát, không đi vào vấn đề. Về mặt tu từ học, phê phán cũng rất thiếu sáng tạo, chỉ một lối tam đoạn luận chán ngắt. Chửi sử dụng các thể ngoa dụ, so sánh, hình ảnh phong phú, âm thanh, mùi vị khá mạnh mẽ, xóc óc và sặc sụa. Trong khi phê phán không có một tý nhiệt huyết nào, chửi cho thấy hừng hực khí thế như nước triều dâng, như sắp thành dòng thác cuốn phăng bọn dám cả gan giơ càng bọ ngựa chống trời. Văn chương chửi cũng biểu lộ khí thế hào sảng, mời đủ món ăn lạ, nem công chả phượng tay gấu gân hổ quá thường. Chửi lại mang tính duy vật lịch sử, đến mấy thế hệ cụ kị tổ tiên cụ tiên của người ta cũng không quên mời về dự tiệc.

     Cũng không được nhầm chửi với lối văn grotesque của bọn văn sĩ bế tắc phương Tây hậu hiện đại, nhằm gây những ấn tượng cho những ý niệm thối tha của chúng. Chửi dùng các khái niệm phồn thực bắt đầu từ văn hoá dân gian, có tư tưởng nguyên khôi, chỉ có chửi mới có thể động tới tim óc của công nông và cốt cán.

    Tuy hung hăng nhưng chửi có nguồn gốc rất nhân bản là nỗi sợ hãi từ các nguyên nhân khác nhau kể cả sợ thấy là mình sai, không chắc ở điều mình đang theo đuổi. Khoa học đã chứng minh khi con chó sủa, sự sợ hãi và tính hung hãn đều tăng vọt cộng hưởng với nhau phá vỡ quan hệ nhân quả đến mức không thể xác định hung hãn và sợ hãi cái nào là nguồn cội chính. Và cả hai cái đó thường xuất hiện trong trạng thái vô ý thức, hoặc do dùng chất kích thích để lu mờ ý thức hoặc vốn hoàn toàn không có tý ý thức nào.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Con đường đau khổ: Câu chuyện của 1 gia đình nghệ sĩ

NHÂN MẠNG ỒN ÀO XUÂN DIỆU & VĂN CAO 

NHỚ CHUYỆN XƯA VỀ HUY DU &  ĐẶNG ĐÌNH HƯNG

 ( Các gương mặt NỊNH SỸ tiêu biểu )

[...]

Khi kẻng báo động vừa khua vang ngoài đầu xóm thì hai người khách lạ đã thập thò trước sân.

– Chúng tôi muốn gặp ông Đặng Đình Hưng…

– À, ra thế là các ông; các ông muốn gặp ông Đặng? Các ông là ai? Gặp có việc gì?

Ông công an xã đưa mắt nhìn ông bí thư thở phào rồi xoi mói nhìn khách.

– Chúng tôi ở trên Bộ Văn Hoá về gặp ông ấy có chút việc riêng.

– Việc riêng không thể nói ra đây được à?

– Tôi là Huy Du, bí thư đảng đoàn Hội nhạc sĩ, yêu cầu ông mời hộ ông Hưng ra cho chúng tôi nói chuyện!

– Dạ… dạ, bác Hưng ngồi ở góc kia…, đó ông có nhìn thấy không? Thôi để tôi vào gọi hộ cho.

Vừa thoáng nghe đến cái tên Huy Du. ông Hưng đã xây xẩm mặt mày. Bao nhiêu rượu uống từ đầu bữa tới giờ toát hết hơi lạnh sau gáy. Nhè miếng giò đang nhai dở trong miệng vào bát, ông ngồi thừ ra lo nghĩ. Ông công an xã sốt ruột bèn xốc nách ông đứng dậy.Chân nam đá chân xiêu, quên cả xỏ guốc, ông lảo đảo vịn vai đám khách đang ngồi bệt dưới đất lần ra ngoài. Huy Du cái tên gợi lại cho ông những hình ảnh đấu tố của Bộ Văn hoá 20 năm về trước. Huy Du, bạn ông; Huy Du, người ngưỡng mộ ông; Huy Du đầu thú; Huy Du thủ trưởng; Huy Du, người phát động đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm; Huy Du, cơn ác mộng của nửa đời ông… và bây giờ Huy Du lại về đây…

Phần 2

Ông còn lúng túng chưa biết xưng hô làm sao thì hắn ta đã ào tới ôm lấy vai, nụ cười gắn sẵn trên môi.

– Sao có khoẻ không Hưng? Bệnh tật vậy mà vẫn còn sức uống rượu à?

Ông cảm thấy nhột nhạt và lo sợ về cử chỉ thân mật bất ngờ nầy. Đã bao lần người ta êm ái, ân cần, nhân danh sự giúp đỡ khuyên vợ ông bỏ ông… và đẩy ông vào tù.

– Nghe tin cậu bị ung thư anh em rất lo. Hôm qua anh Trần Độ điện thoại hỏi thăm và yêu cầu mình về đón cậu đi nhà thương. Anh ấy nhường cả chiếc xe Volga thường ngày đi làm để cho cậu đấy.

Chúng nó vẫn để ý theo dõi mình? Vẫn chưa buông tha… sao chúng nó biết mình ung thư?

– Đời sống dễ chịu không? Chắc cũng khó khăn nhiều phải không? Nhưng giờ thì khá rồi! Cậu biết không, tay đại sứ của mình từ Ba Lan vừa điện về nhà xin ý kiến nên chuyển 30.000 đô-la tiền thưởng vào Ban tiếp nhận viện trợ trung ương hay chuyển vào ngân quỹ của sứ quán. Tụi mình chạy vội lên ông Phạm Văn Đồng xin giúp đỡ… Và thế là Thủ tướng ký lệnh trả lại cho thằng bé số tiền đó.

– Tiền gì? Thằng bé nào…?

– Thì thằng Sơn nhà cậu ấy. Cậu chưa biết chuyện gì xảy ra à? Thằng Sơn giật giải nhất thi Chopin ở Vác-sa-va ba ngày nay, báo chí đài phát thanh phát ầm lên mà cậu không hay sao?

– Tôi có cái đài cái đóm nào đâu mà biết… Sao? Nó đoạt giải nhất Chopin à?

– Ồ… ở đây sao người ta lại lười đọc báo, nghe đài quá! Các địa phương chả bao giờ nắm vững tình hình được…

Ông đã bắt đầu yên tâm với chiều hướng của câu chuyện, nhưng lòng vẫn còn bán tín bán nghi.

– Được ba ngày rồi à? Thế lúc nầy cháu nó ở đâu?

– Hiện cháu đã về lại Nga rồi. Nửa tháng nữa sẽ nghỉ phép về thăm nhà.

– Về Hà Nội à?

– Ừ, về Hà Nội. Sao? Cậu thấy trong người thế nào? Phải thu xếp lên ngay Hà Nội ngay bây giờ, tớ đã liên hệ với bệnh viện K, họ hứa sẽ thu xếp ngay cho cậu một chỗ nằm.

– Chả hy vọng gì đâu, xin cứ để tôi được yên ở đây. Cái bệnh nầy giỏi lắm cũng chỉ năm sáu tháng nữa là cùng, mà đừng có đụng dao kéo gì tới thì mới được…

– Cậu bệnh nầy lâu chưa?

– Nửa năm nay rồi…

– Bậy thật, thế mà chúng tớ có biết gì đâu, mãi đến hôm kia Thủ tướng điện hỏi thăm xem thằng Sơn là ai, cha mẹ nó làm gì v.v… tụi mình mới hay.

Họ sánh vai nhau đi trên đường làng. Huy Du ôm riết lấy vai ông bạn cũ, thỉnh thoảng lại ghé tai nói nhỏ điều gì rồi cười lên rinh rích. Những lúc đó, ông Hưng dừng lại, chờ cơn cười của Huy Du qua đi, hai bàn chân đi đất gãi gãi vào nhau cho đỡ ngứa rồi đi tiếp.

– Đi đây, rẽ đây… đường làng chật quá, tớ phải cho lái xe đỗ tuốt ngoài đầu đình… cậu đi đâu vậy? Tớ nhận được chỉ thị của anh Trần Độ là phải đưa cậu lên Hà Nội ngay lập tức!

– Cho tôi về nhà cái đã… còn nửa cút rượu uống dở giắt trong vách nhà… mà tôi bỏ quên đôi guốc ở đâu rồi?

– Lấy rượu thôi nhé… đồ đạc không cần, lên Hà Nội lấy quần áo của tớ mặc cho nó tươm tất một chút…

***

Gió Thu lờ lững vờn quanh dẫy nhà hai tầng quét vôi mầu vàng. Hàng sấu già mọc giăng hàng trước cửa đài phát thanh sướng run lên vì được vuốt ve.

Mở toang cửa sổ của văn phòng điều trị, ông Hưng vươn cổ uống lấy từng cơn gió. Bữa cơm chiều ba món nấu đơn giản nhưng đầy chất lượng của bệnh viện dành cho những con người tuyệt đường sinh lộ đang óc ách trăn trở trong bụng ông. Ăn uống kham khổ lâu ngày đã quen bỗng dưng từng khối thịt cá như đạn trái phá nã thẳng vào dạ dầy đâm ra hỏng bét hết cả. May mà ông nghe lời bác sĩ không ăn thêm món thịt ngỗng quay không biết của ai mua ở phố Hàng Buồm gửi vào. Quà cáp thật nhiều, của người quen có, của những cái tên lạ hoắc cũng có.

Sau cái trò Phạm Tuân lên vũ trụ, giờ lại tới tin con trai ông trở thành đệ nhất dương cầm thế giới đang gây dư luận sôi nổi trong cả nước. Quán rượu, quán cà phê, nước trà, đang khi chen chúc nhau trên xe buýt, người ta kháo nhau về cái tin bất ngờ đó. Nhiều gã thanh niên sau khi thêm thắt một vài chi tiết chung quanh cuộc thi rồi xuống giọng trầm buồn kể về cuộc đời gian truân đầy éo le của bố nó – Tôi vẫn thường uống rượu với ông Đặng Đình Hưng mà! – Một chi tiết đáng giá bảo đảm cho sự quen biết đối với bậc danh nhân. Ngay cả đến ông hàng xóm thật, hồi mà thiên tài của thằng Sơn còn mong manh trong vỏ trứng, đã một ngày hai bận sang đấm cửa nhà nó yêu cầu câm ngay cái âm thanh không thích hợp với rau muống, chuyện đấu đá ở cơ quan, để cho ông được yên tĩnh, cũng ngậm ngùi oán trách sự ngược đãi của chế độ đối với nhân tài.

Thôi cũng chả sao; bất mãn đang là cái mốt của người Hà Nội mà. Giới văn nghệ sĩ thì sung sướng ra mặt. Gặp nhau ngoài đường anh nào anh nấy mặt mũi tưng tửng làm như mình là người đoạt giải vậy. Xưa nay vốn bị coi khinh bạc, bị coi như một thứ xướng ca, mõ làng cho đảng giờ cũng đẻ ra được một cái gì, y như nàng thứ phi bỗng dưng sinh hạ cho chúa thượng một đấng con trai bèn lên mặt với đám thê thiếp. Cái đất nước quá nghèo nầy suốt đời ngửa cổ chờ đón tin trúng số độc đắc và những phen có dầu… hụt của tổng cục dầu khí, giờ đang nở mặt nở mày với thế giới.

Nhưng “Trung Ương” thì không được hài lòng lắm. Thật là một cú bất ngờ, xưa nay đã trót kìm kẹp đè nén khiến bao tài năng bị sinh non đẻ bậy, giờ lại phải ngậm đắng nuốt cay ẵm ngửa một cuộc đời đã thoát khỏi quỹ đạo của đảng bay ra ngoài giao du với thế giới. Việc nhọc lòng đầu tiên là ông Phạm Hùng buộc phải ký lệnh hết hiệu lực cái án phát vãng lưu vong cho ông bố thằng Sơn. Thứ đến là Sở quản lý nhà đất phải lo cho ông cái buồng để ở. Rồi đây, khi quan trên trông xuống, người ta trông vào, gia đình nó cũng phải có một chỗ trú thân cho tươm tất. Giới lãnh đạo văn nghệ lại phải lựa lời để thay đổi cách xưng hô. “Tên đồ tể Đặng Đình Hưng” (?) không hiểu ông nhạc sĩ Huy Du, bí thư đảng đoàn Hội Nhạc Sĩ lấy đâu ra lòng căm giận để nguyền rủa người bạn thân, kẻ đã can tội nhỏ nước mắt cho những oan hồn cải cách ruộng đất mà khi đó chính ông ta cũng là thành viên của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Và cũng chính ông Huy Du nầy, khi thằng Sơn đã học hết những cái gì có được của trường nhạc Việt Nam bèn lên giọng lập trường quan điểm đe bác bỏ đề nghị gửi nó đi Nga học. May mà có dịp ông Na-ta-xon, giáo sư dương cầm Nga, ghé Hà Nội, giữa rừng âm thanh bát nháo, ông đã lọc ra tiếng đàn thằng Sơn. Nhưng ba năm liền Hà Nội vẫn lì ra với lời yêu cầu gửi thẳng nó qua cho ông dạy. Đến độ ông nổi cáu, sát hạch lại trình độ tất cả học sinh được gửi sang, đuổi về một mớ và dọa sẽ đuổi tất cả nếu không cho thằng Sơn đi. Bị dồn vào bước đường cùng nên anh đội cẩm Huy Du đành duyệt cho qua lý lịch của nó.

“… Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-ta-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp đươc Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”

Ông hiểu con ông như hiểu chính mình. Nó vẫn cô đơn và đầy dũng cảm như cha nó. Nhưng ngôi sao bản mệnh của nó vững hơn nên đi hết được con đường ông đã dắt nó vào và bỏ dở. Buông rơi lá thư tay nóng hổi của con trai gửi về, ông liếc mắt xuống tờ báo Nhân Dân: “Công-cua Sô Phanh – Công-cua gốc mít.” Hàng tít lớn chạy dài cắt ngang tờ báo – “…Đặng Thái Sơn, tiếng đàn vọng lên từ những căn hầm trú ẩn. Tiếng đàn bay cao hơn tiếng bom Mỹ nổ. Tiếng đàn vọng lên từ dưới những gốc mít của các trại sơ tán của trường nhạc Việt Nam. Đặng Thái Sơn, những nỗi đau của một dân tộc đấu tranh đòi độc lập…”. Cái thằng Thép Mới nầy “rỉ” quá rồi. Thi sĩ Tố Hữu vừa dồn hết cảm hứng cho Phạm Tuân vào vũ trụ nên chưa lấy lại được hơi sức. Cũng may! Ông nhớ lại hình ảnh của những đứa trẻ con đá bóng trên đường phố trong đêm khuya, từng bầy công an bịt chặt các ngã đường – như đánh trận – để đuổi bắt chúng. Những đứa trẻ ở trần mồ hôi trơn láng, khó bắt thì ngáng chân! Rồi mai đây khi những đứa bé gẫy răng, đổ máu đầu để nứt đất chui lên thành Thế Anh, Cao Cường v.v… (hai cầu thủ nổi tiếng) thì con mẹ mìn đó lại ẵm vội vào lòng. “Nhờ sự quan tâm vun trồng của đảng!”…

Ông thấy thương con ông, ông thương những đứa trẻ. Nó chỉ có một con đường, cắm đầu mà đi, đằng sau không có lối về. Khi đụng đến bức tường cuối đường thì úp mặt vào, đợi tiếng lên đạn…

Nhưng lần nầy thì đạn nổ ngược, nó đã nhảy bật qua khỏi bức tường bay thoát ra thế giới bên ngoài. Ông nhẩm đếm những xác người đã ngã gục dưới bức tường đó. Trần Dần, Phan Khôi… những Đoàn Phú Tứ lẩn thẩn suốt đời đi dép lệch, những Lê Đạt lầm lũi chui trong đêm như con cóc, người quen gặp không dám chào vì sợ liên luỵ, những thằng họa sĩ sau khi buộc lòng học nghề thợ mộc trong tù nhìn bàn tay phế thải cứng như thợ đóng cối của mình mà trào nước mắt… Còn biết bao nhiêu cuộc đời bị rút phép thông-công đẩy vào bóng tối như mình?

Ông nhớ lại những trại nuôi bò mà người ta đã lùa ông và bạn bè ông lên đó để “lấy lại tình thương, lập trường giai cấp từ những con vật!…”. Để Văn Cao bây giờ suốt ngày đi ngoài đường thơ thẩn như con bò. Còn Hoàng Cầm nữa, nó yêu từ gốc rạ toả hơi ấm sớm mai, ngơ ngẩn hỏi “lá diêu bông” ở đâu… chứng nào vẫn tật nấy, còn ngứa ngáy với thơ thì lại rũ xương trong tù mà thôi.

Khuôn mặt vợ ông từ từ hiện lên. Nàng vẫn sống mà ông như nhớ về người đã chết. Hơn chục năm rồi không gặp lại kể từ lần cuối ra toà li dị. Tất cả đã đổ vỡ, đổ vỡ từ nàng Thái Thị Liên đẹp mơ mộng, có tiếng đàn lãng mạn như tình yêu đối với ông. Người ta không thể chịu được bà trưởng hệ Piano lại là vợ của “thằng Nhân Văn Giai Phẩm.” Nàng cũng không thể chịu được con người ngày hôm qua còn là đấng tao nhân hào hoa phong nhã ngước mắt nhìn trời là nhạc ý tuôn theo mây, nay thành kẻ phẫn chí nát rượu. Con cái nàng không thể ngóc đầu lên được nếu ngày nào còn là con “thằng Nhân Văn Giai Phẩm…”. Và ông đành gạt nước mắt chia tay vợ ở tòa án rúc về xó quê hẻo lành đợi tuổi già đến khuân đi. Nghĩ đến, ông vẫn còn tủi giận. Ông vẫn còn yêu, hằng đêm ông vẫn còn nhớ. Nhưng trời đày làm sao để những con người xa thì nhớ thương mà lại gần thì thấy ghét. Một cơn ho xé phổi kéo giật ông xuống giường. Người nữ y tá trực vội xô cửa chạy vào.

– Ông lại uống rượu phải không?

– Không, tôi có uống nữa đâu, có lẽ tại lạnh, làm ơn đóng hộ cái cửa sổ.

Ông cố giơ tay chỉ ra phía sau mình.

– Ông tệ lắm, cấm thế nào vẫn lén uống. Ông Huy Du đã chỉ cho chúng tôi mánh khoé giấu rượu của ông mà vẫn không sao ngăn được.

Có tiếng lao xao trò chuyện ngoài hành lang.

– Tôi chỉ vào năm phút thôi, tôi là cháu họ của ông ấy mà…

Anh đó cố vật nài.

– Đã bảo không được là không được mà!

Tiếng đàn ông xẵng giọng đáp lại.

– … Tôi đã nói với các người rất nhiều lần rồi, người bệnh cần được tĩnh dưỡng. Yêu cầu 4 giờ rưỡi chiều mai trở lại!

Ông nhận ra giọng nói của nhạc sĩ Huy Du. – Cái thằng nầy thật lắm nghề, khi méo khi tròn, nó định làm bầu gánh hát cho cha con nhà nầy hay sao vậy? –. Cô y tá vừa khép cánh cửa lại là ông vùng dậy liền. Ngắm nghía bộ quần áo của Huy Du đưa, ông tắc lưỡi rồi trút bỏ bộ đồ bệnh nhân, mặc nó vào. Tụt người khỏi bệ cửa sổ, ông bò xuống đường. Khi chân vừa chấm đất thì chợt vang lên một hồi kẻng. Ông giật mình đứng sững người lại để định thần. À, hoá ra tiếng kẻng đổi gác của hỏa lò Hà Nội. Nháy mắt với chú công an đang bồng súng trợn mắt nhìn mình trong chấn song sắt, ông đi cứ như chạy đến quán rượu của Hoàng Cầm.

– Thằng Sơn nó về là mình có quyền xoá tên trong “sổ thiên tào” của ông bạn vàng rồi. Tiên sư nó, mỗi lần ghi nợ mình là nó xướng to lên cho vợ nghe thấy rồi lẳng lặng dúi thêm cho nửa lít mang về.

* Thế Giang.

( Nguồn: Trích từ CÂY ĐẮNG NỞ HOA trong tập truyện ngắn Thằng Người Có Đuôi; Nhà xuất bản Người Việt, 1987.)

Ảnh: Văn Cao và Đặng Đình Hưng.

Copy từ FB Khac Binh Nguyen

Hà Nội ngày tháng cũ

Tuesday, August 29, 2023

Chuyện lạc đà uống nước

 KHI CHỊ NGÂN ĐI THĂM DÂN

Nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ, chiều 20/7, chị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội, đã đi thăm bà mẹ Việt Nam Anh Hùng có tên là Trần Thị Ám Ảnh, 98 tuổi, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Chị Ngân lựa một chiếc áo dài đẹp nhất mặc vào và đứng khá lâu trước gương, tỏ vẻ hài lòng. Nhưng khi ra tới phòng khách, có một người đàn ông mặc đồ phi công của hãng Vietjet đang ngồi ăn sáng bánh mì hột gà, người này lên tiếng : “ Đi thăm dân nghèo, cần gì phải ăn mặc cho diêm dúa “. Chị Ngân hỏi : “ Anh không thích à ?”. Người phi công bảo : “Không “. Nghe vậy chị Ngân liền vào thay bộ quần áo khác, rồi hỏi :” Mặc vầy được không ?”. Người đàn ông bảo : “Được. Khi về thì vứt nó đi, lỡ có rận rệp lại lây lên giường”.

Tay chánh văn phòng quốc hội, biết ý chủ, cũng đã mau mắn gọi điện thoại cho Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Nam yêu cầu chuẩn bị một cái ghế chạm rồng dành riêng cho chị Ngân. Lại  còn cẩn thận dặn dò phải tìm địa điểm nào tốt, rồi mang mẹ Việt Nam anh hùng tới  cho chị Ngân thăm, chứ đừng vô nhà mẹ nghèo,  lỡ có chuột thì chết cả đám. Bởi vì chị Ngân rất sợ chuột, thấy chuột là xỉu, mặc dù hồi thời đói kém sau 75, chị Ngân ăn cả chuột lẫn mèo.

Trên đường ra sân bay, chị Ngân rất hài lòng khi biết được có hơn 50 phóng viên của các báo, đài đi theo tác nghiệp. Đặc biệt toàn tay thợ ảnh xịn. Mấy thằng nhiếp ảnh kỳ trước chụp chị xấu hoắc đều bị cấm không cho đi kỳ này. Ngoài ra, trong đoàn còn có 3 tay chuyển giới tính, chuyên lo trang điểm cho chị Ngân. Nghe mấy người này bàn với nhau : Mỗi lần dồi phấn cho chị Ngân cần trét tới 2 hộp rưỡi, dự trù sẽ trang điểm cho chị 10 lần, vậy sẽ mang theo 25 hộp phấn. Người khác nói thì cứ mang đại 30 hộp cho chắc ăn. ....

Phái đoàn tới nơi. Chị Ngân hãnh diện te te đi trước, tay chủ nhiệm văn phòng quốc hội hai tay chắp trước hạ bộ, khúm núm theo sau đít. Trước ống kính và các đèn flash chớp liên hồi, chị Ngân ngồi xuống, giả bộ thân ái nắm lấy tay mẹ, miệng phun ra những lời mà người ngu ngốc nhất ngồi ở nhà cũng đoán ra được :

-Đảng và nhà nước ta luôn ghi khắc công ơn to lớn của Mẹ và các thương binh, liệt sĩ. Hôm nay là ngày nhân dân cả nước dành riêng để thể hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với gia đình có công với cách mạng....Đặc biệt để ghi nhớ công lao của các mẹ, sắp tới, quốc hội sẽ nghiên cứu bổ sung một số chế độ với các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng....


Nhưng xui cho chị Ngân là gặp ngay bà mẹ VN anh hùng gần 100 tuổi này sắp chết rồi, nên hết sợ, đã vậy tánh mẹ vô duyên từ nhỏ, cho nên suốt buổi trò chuyện, mẹ chỉ ngồi lườm lườm, lâu lâu thọc vô một câu đâm hơi :

-Bộ bây là lạc đà hay sao mà mỗi năm uống nước nhớ nguồn có một lần. Còn những ngày khác thì mặc cho bọn tau sống lây lất. Phải chi hôm nào bây cũng uống nước thì đỡ cho tau quá.

-Giờ này tụi bây còn nghiên cứu bổ sung chế độ cho bọn tau chi nữa ? Mấy mẹ VN anh hùng chết gần sạch hết rồi, chỉ còn vài đứa ó đâm như tau là ông trời chưa bắt đi thôi. Sao cả chục năm nay bây làm gì không nghiên cứu?

Nghe mẹ VN anh hùng nói, chị Ngân giận lắm, giận luôn thằng Chủ tịch tỉnh  đã lựa trúng con mẹ già mất nết này cho chị mất công thăm.  Chị Ngân bèn rút ngắn cuộc nói chuyện và quyết định bay về Hà Nội ngay trong ngày. 

Nhưng dù chị Ngân có gấp rút về nhà đến mấy cũng không nhanh bằng những tấm hình xuất hiện đầy trên các trang báo điện tử, ấn bản buổi tối. Trong hình : Giữa những chi tiết dàn dựng, từ hai cái ghế cho tới cái khăn quàng cổ mới mua thắt vụng về cho bà cụ, có một chi tiết rất thật. Đó là ánh mắt coi thường và đầy hoài nghi của một người dân nghèo đang ném vào mặt một lãnh đạo cao cấp của cái chế độ tàn tệ hiện nay.

Bài của anh Loc Duong

Nguồn: https://m.facebook.com/story.php...

Đối diện với những cảm xúc của mình

Bên trong mỗi người đều có một đứa trẻ đang cố kìm nén bản thân. Mỗi sự phản kháng và mông lung khi đã trưởng thành đều bắt nguồn từ việc quá vâng lời khi còn nhỏ. 

“Không vâng lời bị đánh giá thấp,

Vâng lời mới được đánh giá cao?”

Tự ti, tiêu cực, khao khát được chú ý, muốn được lắng nghe, đố kỵ, dựa dẫm, nổi loạn… Tất cả những cảm xúc và nét tính cách thấy có vẻ tiêu cực này đều không phải là thứ xấu xa gì cả. Chúng chỉ là phản ứng bình thường của con người để ứng phó với thế giới này, mấu chốt là ở chỗ khi xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, liệu chúng ta có thể tìm ra được một con đường giải tỏa trọn vẹn và nhận được sự hướng dẫn hợp lý không? 

Hãy học cách đối diện với cảm xúc tiêu cực, dám BỊ GHÉT, dám phá vỡ khuôn khổ do người khác đặt ra, dám làm trái những quy tắc khiến chúng ta đau khổ và dám TRÂN TRỌNG BẢN THÂN MÌNH TRƯỚC NHẤT. Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc khám phá chính mình, trả lời câu hỏi vì sao chúng ta luôn cảm thấy mình không đủ tốt. Từ đó, tìm cách chữa lành tổn thương, cùng hướng tới một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc như mong ước. (1)

Trước đây, trong xh màu đỏ của máu và lửa thời chiến, con người sống với giáo huấn nhà binh và những nhân vật điển hình trong sách vở được ca ngợi như những anh hùng của thời đại giải phóng loài người*. Thời đó, thật giả khó phân biệt vì ai cũng như ai. Sống chân thật là những người "bôn sệt", còn lại là dạng cuồng tín, đạo đức giả. Bề ngoài chẳng khác nhau lắm.

Về sau, nhiều người từ bỏ cái áo khoác màu đỏ, bởi thấy cuộc đời trước đây quá gò bó, ko được hưởng thụ nhiều thứ vì bị giam trong khuôn khổ chỉ toàn giáo điều. Cái xh màu đỏ vốn xa lánh với tham ô, hủ hoá vì vậy dần dần ngả màu. Người người tự diễn biến, chuyển mình từ đỏ sang vàng. Nên bây giờ cái nước mình nó mới thế.

Cho nên, cái sự lãnh đạo hết sức quan trọng. Với cá nhân là chuyện tự quyết, với quốc gia đại sự là chuyện lèo lái ntn.

Tất cả đều phải thực hiện đúng đắn, phải nghĩ đúng và làm đúng. Phải độc lập, trở lại với bản chất của mình, ko bị ràng buộc vì lệ thuộc, và hoàn toàn tự do.

(*): Nhân vật Pavel Kortsaghin trong cuốn Thép Đã Tôi Thế Đấy (Nikolai Ostrovski) rất nổi tiếng với câu nói: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..."

(1): Viết lại theo cảm xúc từ trang FB-Định nghĩa chính mình (Bài giới thiệu cuốn sách “TẠI SAO CHÚNG TA LUÔN CẢM THẤY MÌNH KHÔNG ĐỦ TỐT”

Monday, August 28, 2023

Nhìn lại 1 thời kỳ

NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM QUỐC GIA 

Năm 2005, khi đến “vùng D. C.” học về chính sách công, một tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ giới thiệu tôi gặp GS Nguyễn Mạnh Hùng. Nhiều lần, hai cha con tôi được ông lái xe đưa đi ăn ở George Town hoặc đưa về ngôi nhà của ông ở vùng Fairfax, ngôi nhà có phía sau là rừng, thỉnh thoảng có một vài chú nai nhẩn nha gặm lá.

GS Nguyễn Mạnh Hùng được số đông trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài kính trọng, dù những người cực đoan vẫn chỉ trích việc ông về nước nhiều, sẵn sàng tiếp xúc với các nhà lãnh đạo và đến nói chuyện ở những nơi như Ban Đối ngoại, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Ngoại giao… 

GS Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau một cuộc đàm đạo rất dài về thời cuộc [2007].

GS Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng Fulbright [1960] sang Mỹ học về quan hệ quốc tế. Và, ông cũng là người Việt tị nạn đầu tiên lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu Đông Dương ở một trường đại học Mỹ [George Mason University].

Không có ở đâu chửi Mỹ nhiều như các đại học Mỹ, những sự kiện lịch sử như “Vietnam War” luôn được các “trí thức thiên tả” Mỹ “đổ hết tội lỗi cho Washington, xúc phạm Sài Gòn và đề cao Hà Nội”. Chính môi trường đại học Mỹ và các trí thức thiên tả, chứ không phải Ban Tuyên giáo, đã củng cố tinh thần chống Mỹ và Phương Tây cho rất nhiều người Việt từ trong nước sang học một hai năm.   

GS Nguyễn Mạnh Hùng là người tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên về cách giảng dạy chiến tranh Việt Nam [Teaching the Vietnam War, 1988]. Cách tiếp cận của ông giúp tôi biết đặt sự hiểu biết và phương pháp tư duy của mình trong “academic framework”.

Mặc dù từng là thứ trưởng bộ Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa; mặc dù có không ít bất đồng, hiểu những cái sai và hạn chế trong nỗ lực phát triển và chống tham nhũng ở trong nước, ông luôn sẵn lòng khi được các quan chức Việt Nam tham vấn. Tôi học được ở ông thái độ, không bao giờ cầu toàn, đưa ý kiến hết sức thành tâm, chưa có democracy thì cố gắng để có better governance, chế độ ít sai sót hơn một chút là đất nước, nhân dân đỡ khổ.

Khi chuẩn bị cuốn sách về GS Nguyễn Mạnh Hùng, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người có cuộc đời dữ dội, một người mà tôi rất kính trọng, đề nghị tôi viết một bài về ông. Tôi suy nghĩ rất lâu rồi gửi thư xin phép không viết vì “Em biết về anh Hùng mỏng quá; ấn tượng, sự kính trọng thì dày nhưng tư liệu về thầy lại không đủ để viết bài cho cuốn sách”.

Hôm nay, khi đọc xong cuốn “Nguyễn Mạnh Hùng, Khoảnh Khắc Nhìn Lại” mới thấy mình không viết là đúng. Tôi đã chỉ biết rất ít về GS Nguyễn Mạnh Hùng. Đây có lẽ là một trong những tác phẩm thành công nhất của anh Đinh Quang Anh Thái. 

Sinh năm 1937, có bố từng được Việt Minh bổ nhiệm chánh án quân sự Hải Phòng, năm 1949 “dinh tê”, năm 1954 vào Nam… và, ngày 29-4-1975, bỏ lại tất cả theo đúng nghĩa đen, một tay bế con, một tay cầm bình sữa cho con “di tản”. Ông không chỉ “chứa một phần lịch sử” của đất nước này mà số phận của ông mang đầy thương tích của nửa thế kỷ tao loạn ấy.

Phần thú vị nhất có lẽ nói là phần mà miền Nam chuẩn bị cho mình những nhà kỹ trị, tiêu biểu là GS Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc Gia Hành Chánh, người tin rằng, không có “đối lập” thì “những con chuột chính trị” sẽ “ăn ruỗng nền móng xã tắc, làm mục ruỗng chế độ”. 

Ngày 10-11-1971, một ngày trước khi Sài Gòn loan báo tin ông Bông nhận lời làm thủ tướng, hai “Việt Cộng nằm vùng” đã ném lựu đạn vào khi xe ông đang dừng ở một ngã tư [Hai “Việt Cộng” ám sát ông, một người là ông Vũ Quang Hùng rất hay viết báo kể lại “chiến công”; một người, anh Lê Văn Châu - đồng nghiệp của tôi ở báo Tuổi Trẻ - lúc nào thấy đồng sự của mình kể lại là lại vò đầu bứt tai, ray rứt].

Theo ông Hoàng Đức Nhã, người thay mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thuyết phục GS Nguyễn Văn Bông làm thủ tướng, GS Nguyễn Mạnh Hùng đứng đầu trong danh sách “nội các” dự kiến của GS Nguyễn Văn Bông. Không khí chuẩn bị của những trí thức Sài Gòn lúc ấy cho thấy họ có một “kế hoạch hậu chiến” đầy tham vọng và miền Nam lẽ ra đã có một nền cộng hòa.

Có một câu chuyện lần đầu được tiết lộ: 

Năm 1959, cha kế [cha đẻ mất khi ông 2 tuổi] của GS Nguyễn Mạnh Hùng, ông Phạm Ngọc Sỹ, đang là chánh án tòa Hòa Giải Rộng Quyền Phú Yên đồng thời là một lãnh tụ địa phương của Đảng Cần Lao. Ông Sỹ phải thụ lý vụ án LS Nguyễn Hữu Thọ bị tố tội hiếp dâm. Hồ sơ mô tả chuyện một cô gái tung cửa chạy ra hô hoán, bác sĩ khám thấy trên đùi cô có tinh trùng… 

Ông Phạm Ngọc Sỹ biết, LS Nguyễn Hữu Thọ bị gài, Đảng Cần Lao muốn làm nhục và bắt giam ông Thọ. Đảng muốn ông thi hành một loại “công lý cách mạng” mà ông đã từng từ chối, lý do để ông “dinh tê”. Chánh án Phạm Ngọc Sỹ đã ra Huế, gặp Ngô Đình Cẩn, nói chuyện với ông Cẩn “mấy ngày đêm”, thuyết phục, “ông Thọ không có tội, nếu xử sẽ làm mất uy tín của một tòa án mới được thiết lập”. Ông Cẩn cuối cùng đồng ý, ông Thọ chỉ bị an trí tại Tuy Hòa và năm 1960 thì vào Rừng trở thành “Chủ tịch MTGP miền Nam”.

Sau năm 1975, LS Nguyễn Hữu Thọ đã can thiệp để ông Phạm Ngọc Sỹ ra khỏi trại cải tạo sớm và ngày Tết, ông đã cho xe đón ông Phạm Ngọc Sỹ tới nhà ăn cơm.

Câu chuyện vụ án LS Nguyễn Hữu Thọ là một ví dụ cho thấy, cho dù, trước 1975, cả miền Nam là chiến trường, những trí thức Tây học và các tầng lớp học sinh, sinh viên của họ vẫn rất lãng mạn với “tự do, bình đẳng, bác ái”. 

Đấy là một trong những lý do mà anh Hùng, anh Thái cho rằng, miền Nam đã thua. Đấy cũng là câu chuyện mà những người Cộng Hòa trăn trở trong cuốn sách này: “Cách duy nhất để phát triển đất nước là ‘hòa hợp, hòa giải’; chính cái lãng mạn của những người Quốc Gia sẽ là mầm để tái sinh một Việt Nam mai sau, nhân bản”. 

Cuốn sách này, anh Đinh Quang Anh Thái không chỉ viết về một con người. Cuốn sách là một sự bắt đầu, một gợi ý rất nghiêm túc cho những nhà sử học viết tiếp về “Bên Thua Cuộc”.

Theo GS Nguyễn Mạnh Hùng thì “lịch sử luôn tạm thời được viết bởi Bên Thắng Cuộc”. Cho dù cũng là Việt Nam Cộng Hòa, giai đoạn 1954-1963 cũng đã được viết bởi những người muốn phủ nhận gia đình nhà Ngô. Nhưng, thời gian sẽ trả lại sự công bằng cho lịch sử để, có ngày, dân tộc này “cùng chia sẻ một quá khứ”.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và nhà báo Đinh Quang Anh Thái

Mẹ của GS Nguyễn Mạnh Hùng, bên phải, và em gái; bức ảnh này cũng là một phần lịch sử của Hà Nội trước 1945

Trương Huy San

Sunday, August 27, 2023

Ghi chép về Hội nghị Geneve -1954

ĐẠI TÁ TRONG MUÔN VÀN ĐẠI TÁ 

(copy từ FB-anh Nguyễn Văn Hôt)

Tại hội nghị Giơ-ne-vơ 1954,  ông Hà Văn Lâu đã biết được âm mưu thâm độc của phía bên TQ ép ta chọn vĩ tuyến 17 làm khu phi quân sự , chia cắt Bắc_Nam . Âm mưu thâm nho đó của TQ là "chia để trị " VN ta , Nam vĩ tuyến  để cho Mỹ quản lý dưới chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm . Ý đồ của TQ viện trợ cho Bắc VN về kt , quân sự là để ta phụ thuộc vào họ , họ sẽ thao túng mọi mặt của Bắc VN . TQ chưa bao giờ muốn đất nước ta thống nhất , họ muốn VN chia cắt thành 2 miền như Triều Tiên . Nhưng với sự sáng suốt lãnh đạo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và cố TBT Lê Duẩn đã đập tan âm mưu thâm độc của TQ , cuối cùng với bao hy sinh xương máu ta đã giải phóng miền Nam thống nhất đất nước .

Trong hồi ký của mình ông Hà Văn Lâu có viết về hội nghị Giơ-ne vơ :

"Để nắm tình hình chủ trương của đối phương . Ta phải nhờ cậy đến LX và TQ , không đủ người để tiếp xúc bạn bè quốc tế đến gặp đoàn ta ủng hộ . Khó khăn nhất là quan hệ thông tin với lãnh đạo trong nước vì  ta không có phương tiện . Phải nhờ đoàn TQ dịch điện và gửi đi . Đường lối của LX và TQ là nhất định phải lập lại hoà bình . Vấn đề tạm chia đôi đất nước là để tách quân đội 2 bên tránh xung đột trở lại, ta không còn cách nào khác đành phải chịu ".

Đại tá kiêm nhà ngoại giao kỳ cựu Hà Văn Lâu chụp hình bên cháu nội là hoa hậu Hà Kiều Anh . Hà Kiều Anh được thừa hưởng vẻ đẹp trời ban từ bên nhà nội , cô đoạt vương miện hoa hậu năm 16t (1992)


Saturday, August 26, 2023

Nếu muốn thay đổi thế giới

 Chúa đã tạo ra thế giới. Tất cả đều đã được hoàn tất vô cùng mỹ mãn. Muốn thay đổi tốt hơn, trước hết, con người ko được làm hỏng những gì Chúa đã an bài!

Thursday, August 24, 2023

CÓ MỘT NGƯỜI CHỈ ĐỂ GIẤU ĐI

Rất nhiều người trong số chúng ta vẫn đang giấu riêng cho mình bí mật về một người, một người mà chính bản thân ta cũng thấy khó định nghĩa nhất, khó nắm bắt nhất, và đặc biệt là khó... quên nhất!

Ta chẳng hiểu cơ duyên nào dẫn dắt họ xuất hiện trong đời mình: Để làm gì khi không hẳn là người dưng, không là bạn, không phải tri kỷ, cũng chẳng là tình yêu? Họ đến với ta, rồi làm trái tim ta loạn nhịp, nhưng lại không chịu (hay không thể) ở bên ta mãi mãi không rời?

Ta chẳng hiểu vì sao, từ lúc nào và cho đến bao giờ ta mới thôi rung động khi đứng trước họ, mới thôi mỉm cười khi nghĩ đến họ và thấy khó chịu khi không thể tiến lại gần họ hơn một chút!

Ta cố gắng bao nhiêu lần thử làm rõ thứ tình cảm ta dành cho họ, họ dành cho ta là gì? Nhưng càng nỗ lực thì dường như mọi thứ càng mờ mịt và vô cùng khó đoán định.

Cuối cùng, ta chấp nhận bỏ cuộc, buông họ rơi tự do vào một quãng nào đó vẩn vơ trong lòng mình. Nhiều lúc ta sợ nghĩ đến họ, sợ chạm tới họ, vì ở họ có tất cả những gì mà ta cần. Là vui cười hạnh phúc, là ngọt ngào lãng mạn, là tiếc nuối vấn vương, là xót xa nhung nhớ... Ta sợ, bởi vì ta nghĩ nếu chạm vào thì sẽ có chuyện chẳng may rơi ra, rồi vỡ, rồi tan, rồi hoang mang vì lạc mất.

Ta biết, mất họ, ta sẽ không còn là chính bản thân mình nữa. Và ta cũng biết, có họ ở bên, dù chẳng là gì của nhau, nhưng ta cảm thấy “an toàn”. Một sự an nhiên không dễ gì có được, từ một người vừa lạ vừa quen, vừa lạnh lẽo vừa ấm êm, vừa muốn quên vừa muốn nhớ.

Và thế là, qua bao nhiêu niềm trăn trở, ta quyết định giấu họ trong sâu thẳm tim mình, thôi không định nghĩa hay tìm hiểu, thôi không đoán định hay mong chờ. Chỉ đơn giản là một người xuất hiện, làm cuộc sống của ta đa màu sắc hơn thôi.

Có biết bao nhiêu người xuất hiện trong cuộc đời ta, có người ở lại, người bước ra, và có người ta giấu họ đi. Người bị-giấu-đi ấy, họ có khả năng làm cuộc sống của ta đặc biệt hơn rất nhiều, chỉ bằng cách có mặt ở đâu đó, vào những khoảnh khắc diệu kỳ nào đó...

Và chúng ta, ai cũng cần có một người chỉ để giấu đi.

(Bài đăng từ ông anh có nhiều bí  mật)

Tuesday, August 22, 2023

Con đường đau khổ: Đời nghệ sĩ

 Rất. Rất nhiều người viết về Văn Cao... nhưng lẽ Phùng Quán viết về Văn Cao là lay động nhất bởi chất mộc và thật trong con người Phùng Quán. 

☆ 

MỘT THOÁNG VĂN CAO

     Hồi làm việc ở Vụ Văn hóa quần chúng. Chị Băng, vợ anh Văn Cao làm ở Ban B, cùng trong ngôi nhà 51, Ngô Quyền, Bộ Văn hóa. Lúc ấy giá gạo ngoài ở Thái Bình lên đến 3 đồng một ký. Người Thái Bình đói kéo nhau về Hà Nội ăn xin. Một buổi trưa tôi ngồi uống nước chè chén 5 xu (ghi sổ nợ) ở cái quán xế bên cửa Bộ. Chợt nhìn thấy Văn Cao cùng với Đoàn Văn Chúc, Giảng viên Trường Đại học Văn hóa vịn vai nhau, chếnh choáng, xiêu vẹo đi ngang qua. Tôi gọi hai anh vào uống nước, hút thuốc. 

      Lâu không gặp Văn Cao, tôi sửng sốt thấy gương mặt anh bạc trắng như tờ giấy, hai má hóp sâu, chòm râu lơ thơ làm cho khuôn mặt anh càng thêm nhọn hoắt. Trong quán lúc này có bốn năm người khách. Họ đều nhìn anh. Và tôi biết chắc là họ không biết anh là ai. 

     - Anh hút thuốc lào đi. Tôi đưa điếu cày cho anh, nói với chị chủ quán: Chị cho tôi gói thuốc lào. Văn Cao chậm rãi thông điếu, hỏi chị chủ quán: Thuốc lào của chị là thuốc lào Tây hay thuốc lào ta?. Chị chủ quán ngơ ngác: Làm gì có thuốc lào Tây ạ? 

      Tôi cười giải thích: Ý anh ấy muốn hỏi thuốc lào của chị là thuốc lào mậu dịch hay thuốc lào chui. Thuốc lào mậu dịch là thuốc lào Tây. 

       Chị chủ quán nói: Thế thì thưa ông anh, thuốc lào Tây ạ, em không có thuốc lào ta.

Một ông khách móc túi lấy gói thuốc lào bọc trong túi giấy bóng, đưa cho anh: Tôi có thuốc lào ta đây. Chính hiệu Tiên Lãng, mời ông ăn thử. 

       Văn Cao đỡ gói thuốc lào, vê một điếu bỏ vào nõ, nói với ông khách: "Ăn thuốc" đó mới đúng là ngôn ngữ của người ghiền thuốc lào. Văn Cao rít một hơi tận sức, từ từ nhả khói. Đúng là chính hiệu Tiên Lãng, ông cho tôi xin thêm điếu nữa? Mời ông cứ tự nhiên. 

       Văn Cao hỏi tôi: Quán có tiền đó không, cho mình vay 5 đồng. Hai thằng từ sáng đến giờ chỉ toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo. Em chỉ có ba đồng, anh cầm tạm. 

      Văn Cao bỏ tiền vào túi. Hai người đứng lên, lại vịn vào nhau, xiêu vẹo dắt nhau đi. 

      Ông khách cho thuốc lào ái ngại nhìn theo hai người đi khuất ở ngã tư Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo. Nhìn cái nước da trắng bệch của ông ta mà tôi phát sợ. Chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôỉ hỏi ông: - Ông có biết ông ấy là ai không? 

       - Không, tôi đoán là dân ở Thái Bình mới lên. Từ hôm gạo lên 3 đồng một ký, dưới đó nhiều người đứt bữa… 

       Tôi nói: Ông ta là người đã viết một bài hát mà mỗi lần hát lên, cả nước phải đứng nghiêm, kể cả cụ Hồ. Ông khách trợn tròn mắt: - Ông ta là nhạc sĩ Văn Cao? 

      - Đích thị là Văn Cao! 

       Ông khách đang uống dở hớp nước, ngồi ngẩn ra một lúc lâu như người bị nghẹn, rồi buông lửng một câu: - Thế thì còn ra thế nào nữa…! 

        Lát sau chị Băng từ trong cửa Bộ đi ra. Vừa nhìn thấy tôi, chị túm lấy hỏi: - Từ sáng tới giờ anh có thấy anh Văn đi ngang qua đây không? - Anh vừa đi cách đây hai mươi phút. Anh hỏi vay tôi năm đồng, tôi chỉ có ba đồng đưa cho anh. 

      - Có khổ thân tôi không! Ở nhà khách người ta đợi suốt từ sáng tới gần trưa. 

      - Khách ở đâu đến mà quan trọng thế? Chắc là nhà báo quốc tế đến phỏng vấn anh về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. Chị Băng nhăn nhó khổ sở: Khách từ Hà Giang xuống, ở Xí nghiệp chế biến chè. Họ muốn nhờ anh Văn vẽ cho cái nhãn chè. Người ta đem xuống 50 đồng với 10 gói chè loại 1. Chờ mãi không được thế là người ta đem tiền, đem chè đi nhờ họa sĩ khác. 

         Nghe chị kể tôi cũng thầm tiếc cho anh. 50 đồng với 10 gói chè Hà Giang loại 1. Chao ôi, thật đáng tiếc! 

      Hôm sau tôi gặp Văn Cao, kể lại chuyện hôm qua, hỏi anh: 

     - Sao anh lại bỏ dở một cái đơn đặt hàng ngon lành thế? Hay anh quên? 

     - Mình nhớ chứ, chỉ cần ngoạch trong nửa tiếng là có 50 đồng… Nhưng mình bỏ đi lang thang uống rượu suông với thằng Chúc và phải hỏi vay con gái. 

       Anh lắc đầu: Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền… 

   (*)  Ảnh - Văn Cao do Nguyễn Đình Toán chụp ngày 3/7/1995. Đúng 1 tuần sau Văn Cao rời cõi dương gian vào ngày 10/7/1995.

(Copy từ FB-Nhạc sĩ Văn Cao)

Rèn luyện trí não

RÈN LUYỆN TRÍ NÃO MỘT CÁCH KHOA HỌC AI CŨNG PHẢI BIẾT

(Càng luyện càng thông minh)

Thiên tài chỉ có 1% là may mắn 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt. Tất cả chúng ta đều có một bộ não như nhau quan trọng là ai luyện được thành công và ai không thành công mà thôi!

I. PHƯƠNG PHÁP 5 PHÚT LUYỆN NÃO MỖI NGÀY CỰC ĐƠN GIẢN.

1. Phương pháp luyện não gồm 3 phần cơ bản

- Thường xuyên động não

- Cân bằng dinh dưỡng

- Đảm bảo giấc ngủ

2. Phương pháp luyện não hiệu quả theo nghiên cứu khoa học gần đây nhất

Nghiên cứu khoa học cho thấy:

- Khi trầm tư, suy nghĩ: chỉ có não trước và não bên trái hoạt động.

- Hoạt động của não khi làm những câu hỏi trong sách với tốc độ nhanh xuất hiện thêm các vùng hoạt động ở cả não trái và não phải , nhưng não trước hoạt động mạnh hơn.

- Hoạt động của não khi xem tivi: chỉ có vùng thị giác và thính giác hoạt động

- Hoạt động của não khi làm các bài tập với tốc độ càng chậm thì mức hoạt động của não càng thấp.

- Hoạt động của não khi giải các bài toán phức tạp: Ở não trái: não trước và não dưới hoạt động mạnh, não phải không hoạt động.

- Hoạt động của não khi viết chữ: cả não trước của não trái và não phải đều hoạt động.

- Hoạt động của não khi đọc thầm: cả não trước và não phải ở phía trước đều có nhiều vùng hoạt động.

- Hoạt động của não khi đọc to: não hoạt động nhiều hơn khi đọc thầm .Khi đọc càng to, càng nhanh não trước hoạt động càng nhiều.

- Qua luyện tập,chức năng của não có thể tăng 20%

3. Làm thế nào để tiến hành bài luyện não?

Mỗi ngày vào buổi sáng bạn hãy bỏ ra 5 phút để hoàn thành các bài tập sau

3.1 Đếm : Đọc to từ 1 đến 120, nếu tốc độ càng nhanh thì càng tốt. Ghi lại thời gian mỗi lần tập, khi đọc nhớ phát âm rõ ràng

Trình độ cấp 2 là 45s, cấp 3 là 35s, trình độ đại học là 25s.

3.2 Khả năng nhớ từ: trong 1 trang giấy có 30 từ, trong vòng 2 phút bạn có thể làm sao nhớ được nhiều từ nhất. Bài tập này kiểm tra trí nhớ ngắn hạn của bạn. Hãy ghi lại xem mình nhớ được bao nhiêu từ.

Ví dụ về từ: ghi ra 30 từ vào 1 tờ giấy (mỗi ngày 1 danh sách khac nhau)

yêu quái, mùa, con vịt, mỳ sợi, chim yến, chuồn chuồn, ốc biển, cái kính, chuẩn bị, đêm, cầu thang,...

3.3 Làm bài tập tính trong 2 trang giấy với tốc độ nhanh nhất mà bạn có thể. Nhớ bấm đồng hồ thời gian và ghi lại thời gian mà bạn sử dụng để làm bài .

Ví dụ:

ngày thứ nhất: ngày... tháng ...

Thời gian bắt đầu: ...phút ... giây

4 + 5 = ...

2 x 4 = ...

8 - 3 = ...

12 - 6 = ...

Bạn cứ liệt kê khoảng 96 phép tính (+) (-) (x) ) đơn giản, xen lẫn nhau ra 1 tờ giấy, (mỗi ngày 1 tờ khác nhau) rồi cầm tờ giấy đó bắt đầu đọc, chỉ đọc kết quả thôi, sao cho càng nhanh càng tốt. Ghi lại thời gian cho lần tập đó.

Như vậy là bạn đã hoàn thành xong phần luyện não mỗi ngày.


II. 5 BÀI TẬP CHO NÃO BỘ

1. Luyện tập trí nhớ

* Vai trò của bộ nhớ

Bộ nhớ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các hoạt động nhận thức, bao gồm: đọc, lý luận, tính toán...

* Cách luyện tập

+ Nhớ lại những ký ức của tuổi học trò: tên, tuổi, sở thích của các bạn.

+ Chọn một bài hát chưa từng nghe và nhớ lời bài hát.

+ Luyện mặc quần áo trong bóng tối…

+Tập dùng tay trái để đánh răng (nếu thuận tay phải)….

* Mục đích luyện tập

+ Tạo những thói quen mới và nhớ các thói quen mới đó.

+ Những thay đổi này sẽ giúp tạo ra những liên kết mới giữa các nơron thần kinh trong hệ thần kinh.

+ Làm tăng lượng chất acetylcholine, loại chất giúp vận chuyển và xúc tác các chất hóa học cần thiết cho hệ thần kinh. Acetylcholine còn có tác dụng làm tăng trí nhớ.

2. Luyện tăng cường sự tập trung

* Vai trò của sự tập trung:

- Tất cả hoạt động của con người đều cần có sự tập trung.

- Tập trung tốt giúp chúng ta làm việc hiệu quả, cho dù xung quanh ồn ào cũng không bị phân tâm và không chú ý tới quá nhiều việc cùng một lúc.

- Đi bộ và nghe âm thanh là bài tập tăng cường sự tập trung cho não

* Cách luyện tập:

- Thay đổi thói quen.

- Sắp đặt lại lịch làm việc.

- Vừa đi bộ vừa nghe một âm thanh nào đó.

* Mục đích luyện tập:

- Buộc hệ thần kinh phải thay đổi những thói quen đã có từ lâu.

- Tái thiết lập sự tập trung lại từ đầu.

- Buộc não phải hoạt động nhiều hơn bình thường, trong cùng một thời điểm.

3. Luyện ngôn ngữ

* Vai trò của ngôn ngữ:

- Các hoạt động ngôn ngữ thử thách khả năng nhận biết, nhớ và hiểu từ ngữ của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

- Ngôn ngữ còn giúp luyện tập khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, xây dựng các kỹ năng ngữ pháp và từ vựng.

* Cách luyện tập:

- Đọc đa dạng các tin tức thay cho thói quen đọc một tin tức nhất định.

- Tìm hiểu nghĩa của các từ mới trong từng ngữ cảnh.

- Học thêm một ngôn ngữ mới.

* Mục đích luyện tập:

- Được tiếp xúc với nhiều từ ngữ mới.

- Tìm hiểu nghĩa của từ mới trong từng ngữ cảnh, các kỹ năng ngôn ngữ sẽ dần được xây dựng và khi cần sẽ dễ dàng nhớ ra từ đó.

4. Luyện thị giác - Không gian

* Vai trò của thị giác - không gian

Chúng ta đang sống trong một thế giới không gian ba chiều nhiều màu sắc, việc phân tích thông tin từ thị giác là cần thiết để hoạt động trong môi trường hàng ngày.

* Cách luyện tập:

Trong nhà

- Đặt nhiều vật dụng ở những chỗ khác nhau trong phòng.

- Đi ra khỏi phòng và nhớ lại các vật dụng đã để ở vị trí nào, vật dụng đó là gì.

- Khoảng hai, ba giờ sau, hãy thử nhớ lại một lần nữa về vị trí, tên các vật dụng đã thay đổi ở trong phòng.

Ngoài trời:

- Khi đi đến một địa danh nào đó, hãy nhìn xung quanh và liệt kê tất cả những thứ trước mặt và trong tầm nhìn ngoại vi của mình.

- Sau đó hãy cố nhớ và ghi lại tất cả.

* Mục đích:

- Buộc bộ nhớ phải hoạt động.

- Bộ nhớ phải luyện tập cho não biết tập trung vào môi trường xung quanh.

5. Luyện chức năng điều hành

* Vai trò của chức năng điều hành

Hàng ngày, chúng ta đang sử dụng khả năng lý luận và logic để đưa ra quyết định, xây dựng các giả thuyết và xem xét hậu quả các hành động của mình trong mọi công việc.

Chức năng điều hành giúp chúng ta hoàn thành tốt các công việc của cơ quan, công việc gia đình, xã hội.

* Cách luyện tập:

- Tương tác xã hội.

- Ghi chép lại những ý tưởng mới, sáng tạo của đồng nghiệp, bạn bè, đối tác...

- Tham gia các trò chơi điện tử….

* Mục đích:

- Tăng hiệu quả hoạt động trí tuệ.

- Có chiến lược và giải pháp hợp lý để não bộ điều hành linh hoạt các hoạt động thường ngày.


III. LUYỆN KHẢ NĂNG TẬP TRUNG KHI HỌC

Mặc dù đã rất quyết tâm, ngồi vào bàn, tay lăm lăm cuốn sách nhưng tâm trí thì vẫn đang chu du ở tận đẩu tận đâu...

1/ "Quay lại ngay bây giờ”

Phương pháp này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại là cách khá hữu hiệu.

Khi bạn nhận thấy rằng những gì bạn đang nghĩ bị phân tán, hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”. Rồi nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang suy nghĩ.

Chẳng hạn như: Bạn đang học và bạn chợt nhớ tới một buổi hò hẹn, hay là bạn nhớ ra rằng mình đang đói hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”

Quay trở lại với công việc bạn đang làm và tập trung vào công việc đó lâu nhất có thể. Khi bạn lại cảm thấy mất tập trung, hãy nhắc lại: ”Quay lại ngay bây giờ”. Rồi lại một lần nữa nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang suy nghĩ.

Hãy cố gắng rèn luyện lặp đi lặp lại. Bạn sẽ đạt được hiệu quả! Thay vì cố gắng để xua đuổi ý nghĩ về một cái gì đó, hãy chỉ đơn giản “quay lại” nghĩ về việc bạn đang làm.

Bạn có thể tập làm việc này cả trăm lần trong một tuần. Và cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng, bạn càng ít bị mất tập trung hơn sau mỗi tuần. Vì vậy hãy kiên trì. Bạn sẽ nhận thấy những tiến bộ rõ rệt.

Đừng đòi hỏi quá nhiều ở bản thân mà hãy cứ thoải mái trong tập luyện. Việc đó đã là quá đủ để chứng minh rằng bạn đang cố gắng, và rằng bạn đang đi đúng hướng. Sau những lần thành công và dĩ nhiên là cả thất bại, rốt cuộc thì việc luyện tập của bạn cũng sẽ đạt được kết quả.

2/ “Những khoảng thời gian để suy nghĩ”

Khoa học đã chứng minh những người dành ra một khoảng thời gian xác định để suy nghĩ thì những lo âu trong đầu sẽ giảm được tới 35% sau 4 tuần. Cho nên, mỗi ngày hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định để nghĩ về những điều cứ vấn vương trong đầu bạn và chen ngang vào những khi bạn cần tập trung.

Khi bạn nhận thấy mình bị phân tán vì những suy nghĩ đó, hãy tự nhắc nhở rằng bạn sẽ dành một khoảng thời gian riêng để lo nghĩ về nó sau khi đã hoàn tất công việc hiện tại. Và rồi sau đó, hãy giữ đúng hẹn, để lo nghĩ về những vấn đề vẫn hay làm bạn sao nhãng.

3/ “Tận dụng một cách đúng đắn năng lượng của bạn”

Bạn cảm thấy sung sức nhất khi nào? Bạn cảm thấy trùng xuống nhất là lúc nào? Hãy học những môn học hoặc làm những việc mà theo bạn là khó vào những lúc bạn thấy khỏe khoắn nhất. Còn vào những lúc bạn trùng xuống? Hãy học những môn học hoặc làm những việc thấy hứng thú nhất vào lúc đó.

Phần lớn học sinh, sinh viên thường hoãn những môn khó học nhất tới tận chiều muộn, hoặc công chức thì hoãn những việc khó đến cuối ngày. Lúc đó thì khó ai có thể tập trung được sau một ngày dài. Hãy làm ngược lại quy trình đó. Dành khoảng thời gian sung sức nhất của bạn để giải quyết những vấn đề khó nhất, và dành những việc dễ dàng thú vị cho những lúc bạn trùng xuống. Chỉ riêng việc thực hiện “đúng giờ đúng việc” như thế cũng đã giúp bạn tập trung hơn.

Nguồn: Tổng hợp (FB-Success Business School)

Sức mạnh của đàn bà

 Sự Quyến Rũ Của Một Người Phụ Nữ Thật Ra Là Nằm Ở Đâu?❤️

Đàn ông tìm đến tình yêu bằng con đường chinh phục. Đàn bà tìm thấy nó qua đôi mắt của sự quyến rũ. Tất nhiên, không phải chỉ có người đẹp mới có sức quyến rũ mà mỗi người phụ nữ đều có sức quyến rũ riêng. Và chúng ta phải thừa nhận rằng: sức hút của phái đẹp là không thể cưỡng nổi.

Ngày xưa có người hỏi Aristotle – nhà khoa học và triết gia vĩ đại của người Hy Lạp cổ: “Tại sao có nhiều người đàn bà đẹp lại lấy đàn ông chẳng ra gì?”. Nhà hiền triết trả lời: “Bởi vì đàn ông thông minh chẳng dại gì lại lấy đàn bà đẹp”. Một câu trả lời thông minh, dí dỏm và ý nghĩa làm sao. Thật vậy, chúng ta có thể kể ra hàng ngàn tác hại của việc lấy vợ đẹp, hàng ngàn thiên tài đã lấy vợ “xấu xí hơn người”. Gia Cát Lượng là một trong số những thiên tài đó.

Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, một thiên tài quân sự mà nhắc đến tên ông thì bất cứ một tên “phó thường dân” nào cũng biết. Ông là một trong những nhân vật đã viết lên những trang sử hào hùng của lịch sử Trung Hoa. Tài cán ông là vậy, còn về ngoại hình? Là một con người cực kỳ khôi ngô, tuấn tú “mình dài tám thước, mặt đẹp như ngọc”, đẹp trai phải nói là “chim sa cá lặn”. Ấy vậy mà ông lại đi kết duyên với một cô gái “xấu hơn một người xấu bình thường”. Điều đáng nói ở đây là ông cưới vợ không phải vì lý trí mà là vì “yêu bằng cả trái tim mình”. Tình yêu của ông đã vượt qua cái gọi là “cân sắc cân tài”.

Làm một người đàn ông có tài chinh phục là khó. Làm một người phụ nữ có sức quyến rũ cón khó hơn. Nhan sắc như hoa, sớm nở, tối tàn, người đẹp quyến rũ lúc đầu rồi bị bỏ quên khi nhan sắc phôi pha.

Nhiều bạn gái soi gương thấy mình khiêm tốn về nhan sắc thì tự ti, cho rằng mình không có sức quyến rũ. Nhưng đàn ông yêu rất thiết thực, họ thích ngắm phụ nữ đẹp, còn để cưới một cô gái xinh đẹp thì họ lại đắn đo. Tôi biết một người đàn ông rất đẹp trai và cũng tài hoa. Phụ nữ nhiều người mê anh ấy. Và anh ấy cũng đã yêu khá nhiều người xinh đẹp nhưng cuối cùng lại cưới một người vợ nhan sắc rất bình thường. Trong một lần tò mò, tôi đã inbox hỏi anh. Anh đã nói với tôi như này: “Những cô gái xinh đẹp đến với anh hoặc anh đã chinh phục được họ trong hấp dẫn thật đấy nhưng họ không thể hướng dẫn anh một cách tử tế như một cô giáo, càng không thể trở thành một người vợ hiền theo nghĩa cổ điển.” Phải chăng, trong thực tế có rất nhiều người đàn ông đã chọn vợ theo hướng này?

Rồi tôi chợt nhận ra rằng: có lẽ sức quyến rũ ghê gớm nhất của phụ nữ nằm ở việc thể hiện khả năng làm vợ, làm mẹ. Phụ nữ ngày nay có xu hướng coi nhẹ phẩm hạnh. Họ mặc quá thoáng đãng, đó là cách “chào hàng” chứ không phải để quyến rũ. “Chào hàng” là để bán còn “quyến rũ” là để gắn bó trăm năm, hai việc đó khác nhau như vàng với đồng thau.

Con trai thích nhìn con gái mặc thoáng nhưng trong cái thích có sự xem thường. Họ dè dặt và hơi e ngại với những người con gái ăn mặc kín đáo, tác phong đúng mực nhưng trong cái ngại có niềm tin và sự nể trọng.

Sức quyến rũ của người phụ nữ thể hiện mỗi người mỗi vẻ. Có người ánh mắt nhìn như thiêu cháy người khác. Có người giọng nói trong sáng và ấm áp nghe suốt đời không chán. Lại có người tâm hồn thuần hậu, nguyên sơ nét truyền thống, đàn ông gặp một lần là nhớ mãi. Đó mới thực sự là quyến rũ.

Tất cả những điều trên đều phải học hỏi, phải rèn luyện lâu dài mới có. Muốn trở thành một người phụ nữ hiện đại không khó lắm nhưng để trở thành một người phụ nữ giàu văn hóa sống thì không dễ chút nào.

Bài và ảnh: Đăng lại bài nhận từ ông anh rất quan tâm đến phụ nữ

Monday, August 21, 2023

Người trung thực

 12 DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI SỐNG CHÂN THẬT, KHÔNG ĐẠO ĐỨC GIẢ

1. Không cố lấy lòng người khác

Người chân thật biết rõ vị trí của mình, thậm chí, họ chấp nhận có người thích họ và có người không thích họ để từ đó biết hài hòa các mối quan hệ. Họ không mưu cầu cách phô trương, phóng đại bản thân cũng như tạo ấn tượng thái quá trong mắt người khác; vì thế, cách nói chuyện thân thiện, tự tin của họ sẽ được chú ý hơn nhiều.

2. Tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người khác

Chẳng ai muốn tiếp tục nói chuyện với một người đã luôn có thành kiến và không muốn lắng nghe. Vì thế, những người chân thật nhờ có sự cởi mở của mình mà luôn tiếp cận và thu hút người khác dễ dàng hơn. Duy trì tâm thái cởi mở vô cùng quan trọng trong một cuộc giao tiếp, hãy cố gắng bỏ qua sự phán xét và thành kiến đủ để hiểu điều đối phương quan tâm.

3. Có cá tính của riêng bản thân

Biết bản thân là ai, không gải tạo, không đóng vai người khác chính là điểm mạnh của người chân thật. Họ được tự do sống cuộc đời của mình mà không mưu cầu cảm giác vui sướng từ ý kiến đánh giá của những người khác. Họ làm những gì họ tin là đúng và nếu ai đó không thích điều họ làm thì cũng chẳng sao cả bởi họ có các nguyên tắc chỉ đạo của bản thân và tự đo lường chính mình.

4. Luôn rộng lượng, hào phóng

Chỉ những người nhỏ nhen mới sợ người khác tỏa sáng hơn mình nếu chẳng may mình cung cấp cho người đó cơ hội hay phương thức cần để thực hiện công việc. Còn những người chân thật ngược lại, họ chẳng ngần ngại thể hiện ra rằng họ muốn đồng nghiệp của mình thành công bởi bản thân họ đã luôn tin vào khả năng của mình và thành công của người khác không làm họ trở nên tồi tệ.

5. Tôn trọng mọi người

Người chân thật biết cách hành xử đúng đắn với những người xung quanh. Cho dù đối phương là ai, ở vị trí nào, làm nghề gì, chắc chắn người chân thật vẫn luôn lịch sự và tôn trọng bởi họ hiểu rằng dù họ có cư xử tốt đến mấy trong bữa ăn thì chỉ một hành động xấu cũng khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa.

6. Không bị cám dỗ bởi vật chất

Hạnh phúc đối với người chân thật phải đến từ bên trong, đơn giản chỉ là những niềm vui bé nhỏ, những khoảnh khắc được ở bên gia đình, bạn bè. Với họ, hạnh phúc không cần những thứ hào nhoáng vật chất bên ngoài. Chạy theo thời thượng không chắc mới là tốt.

7. Đáng tin cậy

Người chân thật thường được đánh giá là người nói đúng những gì họ nghĩ và làm đúng những gì họ cam kết. Bởi tính cách như vậy nên dĩ nhiên, họ sẽ nhận được rất nhiều sự tin cậy từ phía những người khác.

8. Có bản lĩnh

Nhiều người tự ái khi nhận được nhận xét của những người xung quanh nhưng với người chân thật, họ không coi đó là một cuộc tấn công cá nhân, cũng không cảm thấy bị sỉ nhục và không bắt đầu âm mưu trả thù của mình. Thậm chí, họ có thể đánh giá một cách khách quan các phản hồi tiêu cực và xây dựng, chấp nhận những gì có hiệu quả và đưa nó vào thực tế.

9. Tập trung toàn tâm toàn ý vào cuộc đối thoại

Người chân thật biết tạo ra sự kết nối và tìm kiếm chiều sâu ngay cả trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi. Chính bởi vậy, đối phương sẽ sẵn sàng trả lời những câu hỏi có tính thiện chí liên quan đếnnhững khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống của đối phương.

10. Sống thật là chính mình

Người chân thật không dựa vào ánh đèn sân khấu hay một thành tích lóng lánh của người khác đế sống. Họ không cần sự ngưỡng mộ của người khác để cảm thấy bản thân mình tốt lên; chính vì thế, họ sẽ lặng lẽ bắt tay vào làm những điều mình cần phải làm.

11. Không sống đạo đức giả

Nhiều người đạo đức giả thậm chí không nhận ra những sai lầm của bản thân. Còn người chân thật sẽ tìm cách tự mình giải quyết những vấn đề của chính mình trước. Họ nói là làm và nói gì làm nấy, giữ đúng cam kết. Và mọi việc họ làm dựa trên sự tự nhận thức của họ.

12. Khiêm tốn

Khoe khoang không xấu nhưng nhiều người không thích tính cách phóng đại. Người chân thật có tính cách khiêm tốn, tự tin vào những gì bản thân đã làm được. Bởi họ luôn biết mình là ai và đủ tự tin để có thể thoải mái ở vị thế của mình.

Nguồn: Cafebiz.vn

Bàn luận về hệ điều hành

 BÍ THUẬT BÉN NÃO = TỶ LỆ TIÊU THỤ/SẢN XUẤT

Mình có mấy đại ca đại tỷ productive kinh khủng, tựu chung lại có một bí quyết là: luôn giữ tỷ lệ consume/produce nhất định.

Và không consume to the full of mind. Cần để đầu óc có khoảng trống - đôi khi là trống rỗng (nhờ tập thể thao hay thiền định).

Những thứ lướt qua trong vô thức, xem/nghe nhưng không ngẫm - kiến giải và ứng dụng; cũng giống như ăn junk food hay thức ăn không tiêu vậy.

Dần dà trong đầu sẽ phát sinh 'mỡ' (trữ nhưng không dùng) và tập cho não thói quen thụ động (tiếp nhận nhưng không ghi nhận, lưu trữ hay xử lý).

Dạo này mình tập thói quen tóm tắt các nội dung hay (bắt đầu bằng các idols như chú Phan Văn Trường, Scott Galloway... bằng Curieous - hình thức ngắn gọn, trực quan và dễ tương tác (tiếp) nhất mà mình biết) thì trung bình 10-12 phút video mình tóm tắt thành 15-18 frames trong Curieous - trong tầm 25 phút.

Tức là 1 clip 60-70 phút (thường clip dài mới hay) mình tốn xấp xỉ 4 tiếng để thật sự thẩm thấu và ghi nhận (nghe 1-2 lần trước rồi ngồi xuống tóm tắt). Và không phải là 4 tiếng liên tục - cũng còn phải nghỉ não nữa.

Rất tập trung thì khoảng 2-3 ngày tóm tắt xong và 'thấm' một clip. Tất nhiên xong thì rất đã - nhưng nó cũng cho mình một ý niệm về (mức đầu tư cần thiết) để thật sự thẩm thấu một nội dung.

Mà có phải tỏi phú đâu để cả ngày chỉ ăn - nghe đọc học nghĩ. Nên nguồn lực dành ra để phát triển bản thân (thật sự nắm vững và trọn một điều gì) là rất lớn và cần rất kiên định.

Đâu đó có nhiều hình thức khác như đọc nhanh nghe nhanh tóm tắt siêu gọn này nọ lọ chai nhưng mình vẫn tin là good things take time.

Hiểu được tỷ lệ Consume/Produce trên sẽ đề xuất 3 cải thiện:

(1) hạn chế tiếp thu đại trà, thụ động và liên tục. Vừa chạy bộ vừa nghe audio book, vừa làm việc vừa nghe podcast chỉ làm bạn CÓ CẢM GIÁC hiệu quả hơn thôi chứ không có mấy impact nếu không có những khâu deep work theo sau.

(2) tăng tốc độ và khả năng Produce.

Để viết nhiều thì phải đọc nhiều - ai cũng biết.

Để đọc nhiều hơn thì phải viết nhiều hơn nữa - không phải ai cũng làm được.

Đừng (chỉ) đo lường giá trị một ngày qua Consume - 'hôm nay em đọc được sách này hay, nghe được video này hay... blah blah blah'

So what?

And

WIIFM?

Thành tựu đến từ thành quả, không phải nỗ lực.

(3) CẢI THIỆN ĐẦU VÀO

Nếu một ngày bạn chỉ được xem 3-5 materials (aka 'eat lean tinh thần') thì đó là những sources nào?

Chắc chắn không phải là những source free-và-hên-xui hay giật-tít-câu-view-kéo-cảm-xúc rồi.

Đó là lý do những tiền bối nêu trên dành rất nhiều tâm sức để curate dòng input của họ: có thể là tiền (premium sub), network hay filter. Tất cả để đảm bảo chỉ có 'cực phẩm' mới đưa đến và đáng để họ bỏ thời gian.

Quay lại tỷ lệ trên, người 'dễ tính' nhất trong nhóm có tỷ lệ là 7:1 - nôm na là tiêu thụ 7 nội dung thì phải ra 1 thành phẩm.

Luyện tập đủ lâu thì trước mỗi input, đầu óc đều dựng nên một 'cửa ải' là 'việc cam kết vào tiêu thụ nội dung này có thể hỗ trợ gì cho các mục tiêu trước mắt của tôi?'

Còn người khó tính nhất có tỷ lệ là 3:1 - cụ thể là một industry report/research paper & một quyển sách & 45 phút nghe hỏi đáp tóm tắt với personal executive assistant. Đại ca này chi khoảng 10.000 USD/tháng liên tục từ mấy chục năm để kiện toàn hệ thống này - một nửa là cho những thứ mình CẦN đọc (white list), nửa khác là cho những thứ mình CẦN KHÔNG BAO GIỜ ĐỤNG ĐẾN (blacklist).

"Chúng tôi tự hào về những việc mình KHÔNG làm cũng nhiều như những việc mình đã làm" - Steve Jobs.

"There are a thousand no's behind one yes" - Apple.

Là hai câu đại ca hay nhắc.

"Protect your mind - your world will be protected" là câu các tiền bối luôn nhắc.

Cre: Donald Nguyen

TỆ HƠN THAM NHŨNG

 "Lương y phải như từ mẫu”, ngày 27-2-2021, Nguyễn Thanh Long dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư Bộ trưởng “gửi cán bộ viên chức của ngành”. 19 ngày trước đó, ông ta nhận 1 triệu USD từ Việt Á. Tôi nghĩ là ở thời điểm ấy, hàng vạn y, bác sĩ và nhân viên y tế không ai có thời gian đọc những “lời dạy” này, họ đang lăn xả vào tâm dịch, giành giật cho dân từng mạng sống.

Không chỉ các lương y thật sự, tôi tin là nhiều người Việt Nam sẽ không bao giờ hết bàng hoàng. Làm sao mà những kẻ mũ cao, áo dài, ăn nói như những “tấm gương” ấy, lại có thể chia chác trước ánh mắt tuyệt vọng của những người dân trên ranh giới của sự sống và cái chết.

Nhưng, xỉ vả những kẻ chia chác tiền bạc khi họ đã bị còng tay là rất dễ. Họ chưa chắc đã xấu hơn những kẻ háo danh, coi chống dịch như một cơ hội đánh bóng cho mình bộ cánh. 

Đi cùng những tuyên bố vừa ngạo mạn vừa thiếu hiểu biết về COVID-19 sau khi thắng trong một vài “trận giả”, là những chính sách vừa phản lại các nguyên tắc chống dịch [5K] vừa thiếu cơ sở pháp lý và đạo lý. Như chúng ta thấy, những quyết sách ấy đã vỡ trận ngay lập tức khi dịch thật tràn vào. 

Vụ Việt Á đã không chỉ giật tung mặt nạ “mục tiêu kép”. Không có chuyện tự lực sản xuất kittest, tự lực vaccine. Không những không có cái “cột điện” nào chạy sang tránh dịch ở Việt Nam mà nhiều người trong nước và người Việt tha hương còn trở thành nạn nhân của các chủ trương chống dịch.

Tối 28-9-2021, khi xem video clip ghi lại cảnh một phụ nữ ở chung cư Ehome 4, [Thuận An, Bình Dương] bị lực lượng chức năng phá khóa, giải đi lấy mẫu xét nghiệm, chúng ta chưa biết những người lãnh đạo bộ Y tế có chia chác trong chủ trương “xét nghiệm đại trà”. Nhưng chúng ta biết, cách tổ chức chống dịch ấy không chỉ vi phạm những quyền căn bản của người dân mà còn làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chủ trương “bao một tuyến đê 4.000 km” đã được triển khai một cách ấu trĩ. Thay vì tuân thủ hướng dẫn của WHO, tuân thủ “5K”, chủ yếu là giữ khoảng cách thích hợp giữa người với người. Nhiều địa phương đã đào đường lập các phòng tuyến, thậm chí người ta còn xây một bức tường tôn ngăn cách ranh giới hai quận ở Thủ đô. 

Các quyết sách thiếu hiểu biết này không chỉ tạo ra các khủng hoảng nhân đạo, khiến hàng vạn người dân phải tự gồng gánh đưa vợ con thoát khỏi các đô thị, có người phải đi bộ hàng ngàn km, mà còn làm phát sinh những đám đông [đễ lây dịch] ở các chốt kiểm soát, ở các văn phòng cung cấp các loại giấy phép ra đường.

Đặc biệt là chủ trương đưa những người bị coi là F1 chịu cách li cưỡng bức. Tập trung hàng ngàn, hàng chục ngàn con người vào những cơ sở tạm bợ, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, điều kiện tự chăm sóc này không chỉ tạo ra những ổ lây lan dịch mới mà còn để lại những chấn thương tinh thần cho những F1 may mắn không bị lây dịch bệnh.

Khi đặt hàng vạn F1 vào những khu cách li đầy rủi ro này, người ta đã nhân danh lợi ích cộng đồng. Để giảm nguy cơ lây dịch cho cộng đồng người ta sẵn sàng làm tăng nguy cơ thành F0 cho F1. 

Ai xứng đáng được sống an toàn nhờ sự hi sinh của những người bị coi là F1 này.

Ngay cả những quốc gia giàu có cũng không ngăn được hàng triệu người chết vì COVID. Nhưng hãy nhìn vào tuổi của hơn một nghìn rưỡi trẻ mồ côi để thấy người tử vong ở Việt Nam bị trẻ hóa ra sao.

Những khu điều trị hoặc cách li tập trung ấy không những đã làm tăng nguy cơ bùng nổ dịch mà còn thu hút lực lượng nhân viên y tế một cách không cần thiết. Những khu tập trung ấy không chỉ tạo ra các khủng hoảng nhân đạo mà còn tạo ra các khủng hoảng về nguồn lực y tế. Các cơ sở y tế đã không thể hoạt động ở mức cần thiết để chăm sóc các loại bệnh thông thường. 

Khi ca ngợi những chuyến bay “ngạo nghễ” người ta đã không tự hỏi, tại sao không có một quốc gia nào trên thế giới, giữa tâm dịch, ban hành những chính sách cản trở công dân tha hương của mình trở về. 

Chỉ có chuyến bay VN 06 của Vietnam Airlines chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về Nội Bài hôm 29-7-2020 là có yếu tố giải cứu. Hàng trăm nghìn công dân Việt Nam khác đang học tập sinh sống ở nước ngoài đã bị rơi vào một thảm họa nhân đạo, không thể về nhà không chỉ bởi dịch bệnh mà còn bởi các chính sách chống dịch của chính nước mình.

Một cán bộ cấp cục thành viên của một định chế quốc tế, kẹt lại ở châu Âu, gửi thư về cho bạn bè, trong đó có tôi, viết:

“Tôi [chỉ có thể về] khi xin được Công văn đồng ý của Chủ tịch UBND Thành phố cho cách ly ở Hà nội, Thông báo đồng ý của Bộ Ngoại giao sau khi họ đã xin ý kến của 5 bộ, giấy phép của Cục Hàng không cho phép chuyến bay của nước ngoài ghi rõ chở người có tên cụ thể, hướng dẫn cách li của sở y tế ở khách sạn cụ thể, biển số xe đón và tên người lãi xe đón từ sân bay cụ thể, giấy này cũng phải gửi cho hãng hàng không. Tất cả giấy tờ đó phải mất đến 3 tuần để có được. Nhưng, văn phòng của tôi vừa thông báo, rủi ro có thể xảy ra là chuyến bay chặng Hongkong - Hà Nội có thể bị huỷ. Trong khi các giấy tờ nói trên chỉ xin cho một chuyến bay cụ thể”.

Không ai có khả năng tự mình đáp ứng các loại giấy tờ như thế. Những quyết sách chống dịch ấy không chỉ ngăn cản hàng chục vạn người Việt thoát khỏi các tâm dịch về nhà, mà những ai có thể mua chỗ trên các “chuyến bay giải cứu”, đã phải chi 2-3 nghìn USD, có người phải chi 5-7 nghìn USD để có thể bay từ Mỹ về Việt Nam, trong khi, cùng thời gian, người Campuchia [không được giải cứu] chỉ mất 650 USD cho một đường bay cùng loại.

Không phải ở thời điểm ấy MXH không lên tiếng. Thay vì càng những lúc hiểm nguy, càng cần những tư duy độc lập, càng cần những tiếng nói phản biện thì báo chí vẫn theo truyền thống, càng tích cực xưng tụng trong các dàn đồng ca.

Đành rằng, nếu Việt Nam vừa có khả năng tự bào chế vaccine, tự sản xuất kittest vừa có mô hình chống dịch “không nước nào làm” và thành công thì hào quang của những người chống dịch sẽ trở nên rực rỡ. Nhưng, một mô hình chống dịch đúng chỉ có thể dựa trên sự hiểu biết chứ không thể dựa trên sự ngạo mạn. Thực tế cho thấy, càng không học hỏi kinh nghiệm quốc tế được WHO đúc rút, càng cố gắng để trở nên “duy nhất”, thảm họa cho dân càng trở nên khác thường nhất. 

Từ tháng 9-2020, các hãng dược lớn đã thông báo cho các quốc gia là sắp có vaccine, nhưng, sau đó Việt Nam vẫn không có kế hoạch gì. Phải đến tháng 6-2021, khi một nước như Campuchia đã đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, Việt Nam mới thành lập Ban chỉ đạo tiêm vaccine toàn quốc. 

Rất may là những tháng sau đó, Chính phủ đã sớm thay thế Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, tăng tốc cuộc đua phủ vaccine và linh hoạt điều chỉnh các chủ trương chống dịch.

Bảo vệ người dân trong nước và bảo hộ công dân ở nước ngoài là bổn phận của mọi chính phủ. Điều đơn giản nhất để tránh sai sót và ngăn chặn được tham nhũng là bất cứ quyết sách nào để thực hiện bổn phận ấy đều phải xem công dân được tạo điều kiện tốt hơn hay phải trả giá nhiều hơn. Không có chính sách nào đúng kể cả trong tình trạng khẩn cấp mà đẩy dân vào tình thế khó khăn hơn, bất chấp những quyền căn bản, bất chấp phẩm giá.

Những kẻ rắp tâm chia chác từ chính sách khi đất nước đang ở trong thảm họa và người dân đang trong hoạn nạn thì chỉ có thể ban hành những chính sách rất gần với tội ác. Nhưng, những kẻ háo danh, lấy việc thực hiện bổn phận để đánh bóng tên tuổi cũng không hơn gì bọn chia chác. Có những cuộc trình diễn chỉ sử dụng “cờ đèn kèn trống”; có những cuộc trình diễn là xác người.

Trương Huy San

Sunday, August 20, 2023

Made in Japan

CHẤP NHẬN THUA LỖ THAY VÌ SA THẢI NHÂN VIÊN, "VUA NỢ NHẬT BẢN" MỞ RA THỜI ĐẠI PANASONIC CỰC HƯNG THỊNH 

Nhà sáng lập của Panasonic Konosuke Matsushita (1894-1989) được biết đến là một Doanh nhân huyền thoại của Nhật Bản. Năm 17 tuổi, Matsushita đến làm cho một công ty cơ điện do bị hấp dẫn bởi ngành công nghiệp này. Vì đam mê quá lớn nên 7 năm sau đó, ông xin nghỉ việc và đứng ra mở cửa hàng chuyên bán đồ điện với số vốn vỏn vẹn chỉ có… 97 yên. Đến chiếc áo Kimono, của hồi môn và nữ trang của vợ cũng phải bán đi để làm vốn kinh doanh. 

Cuối năm 1929, cơn đại khủng hoảng gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn thế giới nói chung và tại Nhật Bản nói chung. Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cắt giảm nhân công mỗi nhà máy khi không có việc. Trong lúc đó, công ty của Matsushita còn một lượng lớn hàng tồn kho, cách tốt nhất là phải hạn chế sản xuất.

Cũng trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, sức khỏe của Matsushita Konosuke không được tốt nên ông phải dưỡng bệnh tại nhà. Cấp dưới tìm ông để đề nghị việc cắt giảm nhân viên. Tuy nhiên, Matsushita cương quyết nói rằng sẽ cắt giảm dù chỉ là một nhân viên. Ông nói:

“Tình trạng khủng hoảng này có thể chỉ là tình trạng tạm thời. Nếu vậy, làm sao chúng ta có thể sa thải những nhân viên tận tụy với công ty cho đến tận bây giờ? Khi cần thì tuyển, khi muốn thì sa thải, nếu cứ suy nghĩ thiển cận như vậy thì còn ai muốn cống hiến hết mình vì công ty không? Dù chỉ một người thôi cũng không được đuổi. Tiền công cho nửa ngày làm việc hay nửa ngày sản xuất, dù là một phần trăm cũng không được cắt!”

Thay vào đó, ông nghĩa ra giải pháp mới là bảo nhân viên bỏ hàng mẫu vào trong cặp đi chào hàng và cố gắng để có nhiều đơn đặt hàng hơn. Điều này đã được các nhân viên hưởng ứng và tích cực làm việc, mang những sản phẩm mẫu tới mọi nơi ở Osaka và Kyoto. Cứ thế, hàng tồn kho nhanh chóng được giải quyết và nhà máy lại đi vào hoạt động như bình thường. 

Năm 1931, phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của Mashushita đã vang dội cả nước với 200 loại sản phẩm điện. Công nhân đã lên tới hơn 1.000 người. Năm 1935, công xưởng Mashushita trở thành Công ty công nghiệp điện khí Mashushita. Năm 1938, Mashushita chế tạo được mô hình máy thu hình. Năm 1941, công ty của Masushita thành một doanh nghiệp lớn với hơn 10.000 công nhân.

Năm 1945 Nhật Bản sau thế chiến, Mỹ tiếp quản Nhật, khi ấy, Mỹ đưa ra những hạn chế với các công ty Nhật, và đưa công ty của Masushita vào danh sách tài phiệt, ông bị yêu cầu từ chức. Khi ấy ông đã mười mấy lần đến Mỹ để đàm phán, nhưng không có kết quả. May thay, công đoàn lao động sau khi biết chuyện này đã đồng lòng cứu giám đốc của mình, Masushita cuối cùng thoát khỏi danh sách tài phiệt, và giữ được vị trí của mình.

Năm 1951 là năm mở đầu cho sự nghiệp xây dựng lại danh hiệu Mashushita. Lần này Masushita sang Mỹ và châu Âu để khảo sát thị trường. Sau đó, ông đã bắt đầu xây dựng những nhà máy sản xuất đầu tiên ở Mỹ, sau đó đến Đông Nam Á, châu Mỹ Latin, châu Phi…Năm 1955, lần đầu tiên, công ty xuất khẩu loa sang Mỹ dưới thương hiệu Panasonic. Từ đây, thời đại của thương hiệu này đã rộng mở và trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Nhật Bản.

Năm 1960, số vốn của Công ty Matsushita tăng 15 tỷ yên, số nhân viên công ty cũng tăng 25 nghìn người. Cũng trong năm này, Mashushita đã là công ty được xếp thứ 74 trong 100 "Đại gia của thế giới". Năm 1962, tạo chí Times của Mỹ in hình Masushita trên trang bìa, đó là sự phá lệ của tờ báo này bởi đây là lần đầu tiên, chân dung một nhà doanh nghiệp Nhật Bản được đăng trên trang bìa với dòng chữ: "Ông chủ Công ty Mashushita, một công ty có tiếng tăm trên thế giới, hàng hóa có chất lượng tốt nhất và sử dụng có hiệu quả cao nhất". 

Tuy đã thoát được khó khăn này, việc kinh doanh của ông lại tiếp tục nảy sinh vấn đề khác, khoản nợ của công ty ngày càng chồng chất. Riêng tiền nợ đã lên đến một tỷ yên. Ông được đặt biệt danh là “Vua nợ” của Nhật Bản. Thậm chí đến những bữa ăn hàng ngày, ông cũng phải nhờ cậy vay mượn bạn bè. Thời khắc khó khăn, nhưng điều đó không thể khiến ông gục ngã. 

Dưới sự dẫn dắt và nỗ lực của ông, Panasonic tăng trưởng nhanh chóng trong thời điểm kinh tế khó khăn. Năm 1973, Panasonic một lần nữa rơi vào khó khăn khi bùng phát khủng hoảng dầu mỏ. Masushita đã bình tĩnh phân tích, điều chỉnh phương hướng và chiến lược kinh doanh, một lần nữa giúp Panasonic lại lần nữa vượt qua thử thách. Đến ngày nay, Panasonic tự hào là một doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Trang FB-TS Tô Nhật

Thursday, August 17, 2023

Thức và Cách mạng của loài người

 1. Chữ Thức trong tiếng Việt, gốc Hán Việt, có nhiều nghĩa: như trong học thức, nhận thức là "biết", trong phương thức là "cách", lại có cả nghĩa "tỉnh ngủ". Mặt chữ Hán khác nhau.

     2. Tuy vậy, tôi cho rằng chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng thứ ba của Lịch sử nhân loại là Cách mạng Tỉnh thức (từ này do con gái tôi gợi ý khi tôi tìm từ phù hợp).

     3. Theo Harari chúng ta đã trải qua 4 cuộc Cách mạng: Cách mạng nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, Cách mạng Khoa học kỹ thuật và Cách mạng công nghiệp. 

     4. Cần nói chữ Cách mạng này được dùng với quy mô lịch sử nhân loại để phân biệt với các loại cách mạng liu tiu mang tính sách động chính trị như cách mạng văn hóa, cách mạng cam, hay mang tính kỹ trị kiểu cách mạng xanh, cách mạng công nghiệp 4.0.

     5. Tôi cho rằng Nhận thức là cách mạng thực sự, bởi vì con người biết suy nghĩ, phân biệt và nhảy lên vị trí chúa tể của muôn loài, làm chủ thế giới các loài vật. Nông nghiệp và Công nghiệp chỉ là các cuộc chuyển đổi phương thức sản xuất tất yếu, sau khi nhận thức, biết sử dụng công cụ và trí óc, không đòi hỏi đột phá hay quyết định cá nhân nào cả. 

     6. Bên cạnh đó, Cách mạng Khoa học Công nghệ không thể diễn ra một mình nếu thiếu các tư tưởng nhân văn, triết học, xã hội, giải phóng con người. Vì vậy tôi nhìn cuộc cách mạng này rộng hơn và gọi là Cách mạng Tri thức (Revolution of Knowledge). Cuộc cách mạng này cho phép con người làm chủ thế giới vật chất và cuộc sống của mình. 

     7. Ngày nay người ta nói tới máy tính lượng tử, phỏng não hay công nghệ AI,... và các cuộc cách mạng gì đó. Tôi cho rằng có thể dùng chữ cách mạng theo nghĩa hẹp. Các cuộc cách mạng này, nếu có không phải là cột mốc trong lịch sử nhân loại như Cách mạng Nhân Thức và Cách mạng Tri thức nói trên. Cuộc cách mạng mới này sẽ hướng tới Con người có mục tiêu đem lại Hạnh phúc cho Con người ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, con người cần quan tâm tìm và hiểu về chính mình nhiều hơn. Thực tế, đa số chúng ta không quan tâm tới những sự kiện xa hơn 13 tỷ năm ánh sáng, khoảng cách Planck hay năng lượng vài chục triệu TeV.  Thậm chí các thiết bị máy móc hiện nay có thể coi như tạm đủ. Lương thực nếu phân phối tốt hơn sẽ đủ dùng. Chúng ta ngày càng sẽ thấy nhu cầu lớn nhất là hiểu chính bản thân mình và đi tìm hạnh phúc, tự do và sự độc lập đích thực. 

     8. Giáo dục và Chăm sóc sức khỏe cần hướng về hạnh phúc của con người thay vì tạo ra một thế hệ máy biết tuân thủ và có sức bền, chịu ngược đãi, khổ dịch để hoàn thành nhiệm vụ. Công nghệ từ rất lâu chỉ có mục tiêu kiếm tiền cho một số tập đoàn trong cơn mê sảng của nhân loại, có lẽ sẽ phải hướng tới hạnh phúc của con người trong đó cá nhân và cộng đồng phải hòa hợp. Chúng ta đã lầm tưởng phương tiện thành mục đích và sai hướng. 

      9. Để làm được chúng ta cần phải Tỉnh thức, thực sự Tỉnh thức bằng Trí tuệ chứ không phải bấu víu vào Tôn giáo, Tín điều hay nấp sau lưng những tên tuổi lớn như Phật, Chúa, ông Hoàng, bà Chúa,... (cho dù họ rất vĩ đại và minh triết) để trấn áp nỗi e sợ và tự ti đang choáng ngợp trước những băn khoăn nhân thế quá lớn. Nói cho cùng, máy tính phỏng não, lượng tử, trí tuệ nhân tạo, sinh học lượng tử, sóng não,... đều là những chỉ báo tới sự quan tâm ngày càng tăng về Hạnh phúc đích thực của Con người. Đó chính là những cơn mưa đầu mùa của Tỉnh thức. 

     10. Mời các bạn tới nghe bài nói chuyện sắp tới của tôi về đề tài Các bí mật về con người và cách mạng Tỉnh thức: đổi mới giáo dục, chăm sóc sức khỏe và khoa học công nghệ. Chúng ta sẽ nói chuyện về Tam Thức có liên hệ với nhau thế nào.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)