Monday, September 30, 2019

Tiếng Việt có cần cải cách ?

Lâu ngày không ném đá và cũng không nhận ném đá. Làm bài này cho bà con ném đá chơi.

1. Ngôn ngữ và tư duy có quan hệ chặt chẽ. Tôi không tin ở những người không có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Tất nhiên kém tư duy có thể trực giác tốt, đạo hạnh cao, điều đó không bàn ở đây. Có thể do yếu tố tâm lý, một số người trình bày bằng miệng không tốt, nhưng nếu họ đọc văn tự không thông, viết đầy lỗi chính tả, không lập được ý, đừng mất công thuyết minh là họ thông minh, giỏi, uyên bác, chỉ tội .. cho dù bằng cấp và danh tiếng ra sao. Không phải vô cớ các trường đại học ở Mỹ tuyển sinh bằng essay.
2. Ngôn ngữ vận động trong thời gian và tự hoàn thiện, do đó có nhiều trình độ khác nhau. Một dân tộc ít tư duy, ít sáng tạo, ít suy nghĩ độc lập, ít xúc cảm, ít quan sát sẽ có ngôn ngữ chậm phát triển. Cũng có thể ngược lại, một ngôn ngữ kém phát triển sẽ kìm hãm một dân tộc tư duy, sáng tạo, suy nghĩ độc lập, cảm xúc, quan sát.
3. Chúng ta thường lớn tiếng cho rằng tiếng Việt, đẹp hay, có thể chuyển tải mọi ý tưởng, kích thích sáng tạo, độc lập suy nghĩ, xúc cảm, quan sát. Ai có ý kiến ngược lại sẽ dễ dàng bị chụp một cái mũ: không yêu nước hoặc kém hiểu biết về tiếng Việt. Chúng ta không hề thấy cần xem xét lại hoặc chứng minh nhận định đó. Đó cũng là vì tiếng Việt có trách nhiệm một phần. Nếu chúng ta đọc qua một số câu cú của những người ở những nền văn minh xa lắc xa lơ, cách biệt với thế giới, ta sẽ thấy quả tình có những ngôn ngữ vô cùng lạc hậu và kém phát triển.
4. Tiếng Trung tự vựng phong phú, thi ca bóng bẩy, thư tịch phong phú, làm mẫu mực cho tiếng Việt suốt hàng nghìn năm. Rất khó nói là kém phát triển hơn tiếng Việt. Tuy vậy nếu đọc văn học mạng, báo chí chính thống sẽ thấy tiếng Trung rất dài dòng, lê thê luộm thuộm, bất hợp lý. Một số câu ngắn, thành ngữ có thể rất hay, nhưng cần trình bày chính xác một ý tưởng phức tạp, tiếng Trung nói rất sốt ruột và buồn cười lại dùng điển cố một cách vô lý. Nói thể để chúng ta cảnh giác, người ngoài có thể nghĩ khác chúng ta về tiếng Việt dù họ có thể khen nọ khen kia một cách lịch sự.
5. Có lẽ tiếng Trung sẽ có khó khăn khi cần phải trình bày chính xác thông điệp, không cho phép hiểu nhiều nghĩa hay mờ mịt. Ngô Tùng Phong nói rằng tiếng Trung dùng Hán tự, nặng về "khiêu ý". Khiêu là chính là khơi gợi. Khơi gợi tức là ý chưa chín, chưa chính xác. Người nói mù mờ suốt 4 ngàn năm, người nghe lĩnh hội mù mờ 4 ngàn năm, cha ông chúng ta cũng học lại cách nói, cách nghe và cách nghĩ mù mờ như vậy. Người nói ném ra một câu, bản thân cũng suy nghĩ chưa chín, cũng không biết chắc mình muốn nói gì, nhiều khi nói để mà nói. Người nghe cắt nghĩa theo ý mình, chín người mười ý. Tiếng Việt thuận lợi hơn từ khi có biên ngữ latin, văn chương cũng theo đó mà khác đi, ít phụ thuộc vào hán ngữ hơn, cũng cố gắng chính xác, bớt khiêu ý. Nhưng không phải một sớm một chiều thoát được kiểu nói, kiểu nghe, kiểu nghĩ khiêu ý. Văn bản pháp luật, chính sách, công trình khoa học tiếng Việt vẫn đầy rẫy khiêu ý, ai hiểu thế nào cũng được. Tôi có kinh nghiệm viết chính sách, khi có bất đồng, đạt được đồng thuận, không phải là bên nọ thuyết phục được bên kia hay cùng thay đổi quan điểm, mà thường là tìm được một câu hai bên cùng thỏa mãn vì đều có thể cắt nghĩa theo ý của mình. Chính sách như thế không lụn bại mới là lạ.
6. Ngữ pháp tiếng Việt rất nghèo nàn, có thể nói là không có. Tôi biết một ông thầy người Hung, cố học tiếng Việt nhiều năm và kết luận: cái khó trong việc học tiếng Việt là không có ngữ pháp. Ngữ pháp thông dụng chưa ổn định, mà thuyết thì nhiều từ "dĩ âu vi trung" đến "đề thuyết", trong khi học sinh chỉ muốn biết khi nào dùng "những" khi nào dùng "các", ngắt câu, ngắt đoạn thế nào. Có lẽ không tổng kết được thành ngữ pháp cũng là vì tiếng ta kém phát triển.
7. Khi nói về tiếng Việt, nhiều người hay nói "tiếng ta nó thế", hay "phong ba bão táp ngữ pháp Việt Nam", nhưng không hề nghĩ rằng cần cải cách. Không cải cách tiếng Việt sẽ mãi khiêu ý, tư duy không chính xác, tiếp thu không chuẩn xác làm sao sáng tạo. Tiếng Việt có thể nói rất dài, lên trầm xuống bổng rất du dương mà không có thông điệp nào. Nhiều khi nói phải theo lao của ngôn ngữ, bất giác nhận ra ngôn ngữ dẫn dắt mình, chứ không phải mình làm chủ ngôn ngữ. Thí dụ nói "nhà đẹp" chúng ta thấy thiếu thiếu phải nói "nhà rất đẹp" mặc dù không có ý định nói "rất". Đó là vì ngôn ngữ có nhiều khuôn sáo, đã khuôn sáo thì không thể tư duy độc lập. Điều có vẻ mâu thuẫn và trớ trêu là mặc dù nhiều khuôn sáo tiếng Việt không có chuẩn, chào hỏi xưng hô rất nhiều cách. Chẳng hạn chỉ đường người Anh-Mỹ nói "after second lights, third right and first left, 30 feet". Người Việt rất nhiều kiểu nói, dài dòng, khó khăn, mà không toát được ý cho chính xác. Đặc biệt người Việt không có thói quen sử dụng cụm từ "tôi nghĩ rằng", "theo tôi thì" vì thế nói gì đều như đinh đóng cột, sai lầm từ đó mà ra. Trước kia tôi hay sử dụng các cụm từ như vậy trong văn bản chính thức, bị các sếp cho là văn Tây, chỉ việc chuyển sang văn phong "đinh đóng cột" là thành văn Việt.
8. Người ta nói văn Việt nhiều xúc cảm, quan sát tốt, tuy yếu về tư duy. Thực ra người Việt rất yếu về màu sắc, hai mầu xanh không phân biệt, các màu khác thì đều là "mắm tôm", "cứt ngựa", "tiết dê" mặc dù không hẳn giống. Có thể lấy nhiều ví dụ để thấy quan sát không tốt. Các trạng thái xúc cảm tinh tế cũng rất nghèo nàn so với các tiếng khác.
9. Một số ví dụ hay được coi là đặc trưng tiếng Việt đa nghĩa như "ông già đi nhanh quá" hay "học sinh học sinh học". Tôi nghĩa nên loại các câu này và tất cả các câu đa nghĩa hoặc nhập nhằng ra khỏi "tiếng Việt tốt". Một nhà báo viết ra một câu có thể hiểu nhiều cách khác nhau là một nhà báo tồi. Tôi nghĩ phải dạy nguyên tắc đó trong trường phổ thông. Một thói quen xấu nữa của tiếng Việt là nói tắt, gây ra đa nghĩa và sai nghĩa. Thí dụ "miệng tôi tôi nói, ghế tôi tôi ngồi, của tôi tôi phá" thường được lấy ví dụ cho là tính đặc sắc của ngữ pháp Việt Nam, không có cấu trúc chủ vị mà là đề thuyết. Thực ra các câu này ra nông nỗi đó đều do việc nói tắt phá hủy cấu trúc ngữ pháp, vì thế các câu này đều đa nghĩa và nhập nhằng. Các nhà ngôn ngữ cũng nên tiết chế lập thuyết để biện hộ cho các câu kiểu này, có lợi cho học hàm học vị, nhưng hại cho tương lai dân tộc.
10. Nguyên tắc của cải cách ngôn ngữ có lẽ nên xuất phát từ hai điểm: "Tính chính xác" để đảm bảo có thể diễn đạt các ý tưởng phức tạp mà không sai lạc. "Tính phổ cập" để được dùng nhiều dễ dàng.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

Sunday, September 29, 2019

Định lý bất toàn

Từ xưa đến nay dẫu biết là thiên hạ rất thích chém gió về Thuyết Tương Đối-Einstein, Hệ thức bất định Heisenberg và Định lý bất toàn-Godel, đa số là ngộ nhận cho đến sai bét. Có lẽ một phần là do truyền thông thổi lên theo các cách hiểu, thị hiếu và nhu cầu khác nhau. Một phần khác, là do chính các nhà khoa học cũng hiểu sai lạc. Sai của nhà khoa học sẽ có tác động xấu gấp ngàn lần của nhà báo.
Cách giải độc tốt nhất là phải giải thích ngắn gọn, đi vào trọng tâm, không suy diễn lòng vòng và mơ hồ, cũng như không lập luận bằng quá nhiều chi tiết chuyên môn không ai kiểm tra được đúng sai.
Tôi có cái may, được đọc Thuyết tương đối năm 13 tuổi, hoàn toàn không có kiến thức và ý thức gì, nên tự ngạc nhiên là hiểu được một cuốn sách nhiều người cho là khó, từ đầu đến cuối. Sau này lại đi về VLLT, do cơ duyên lại làm nhiều về Thuyết tương đối rộng. Nhìn chung thì mọi thứ hoặc không hiểu gì, hoặc nếu đã hiểu thì đều có thể giải thích cho mọi người trong vòng 5 phút. Hệ thức bất định của Heisenberg, có thể chứng minh trong 5 dòng, và giải thích trong 5 phút là đủ hết những điều thâm thúy.
Định lý Godel tôi biết nội dung khá sớm từ 15-16 tuổi, tuy vậy tôi đọc chứng minh định lý này khá muộn vào năm 40 tuổi, khi quyết định học CNTT. Tuy vậy, khi đó tâm tính cũng như kinh nghiệm đã khá ổn định, nên khi đọc thấy có những suy nghĩ khác khá thú vị.
Nếu nói theo mọi người thì có thể tóm lược như sau:
1. Một hệ tri thức bất kỳ có thể quy về một số mệnh đề được gọi là tiên đề. Từ các mệnh đề này, bằng cách áp dụng quy tắc logic có thể suy ra các mệnh đề khác.
2, Các tri thức khoa học có thể không được tìm ra bằng suy diễn logic, nhưng luôn luôn phải được kiểm nghiệm bằng logic để chúng ta có thể tin chắc nó là đúng.
3. Các tiên đề không chỉ là các chân lý mà còn xác định các khái niệm. Đường thẳng và điểm là những thứ không có trong thực tế, nhưng khi áp dụng có thể lấy bất cứ cái gì miễn là các tiên đề của Euclide là đúng. Hình như Hilbert có nói "nếu thay điểm bằng chai bia, đường thẳng là bàn ăn, tôi cũng có thể có một hệ tiên đều như Euclide".
4. Tiêu chuẩn của một hệ tiên đề là phải phi mâu thuẫn: từ các tiên đề không thể suy ra hai mệnh đề mâu thuẫn về logic. Tiêu chuẩn thứ hai là không thể có một mệnh đề chứa các khái niệm trong tiên đề mà hệ tiên đề đó không thể phân định đúng hay sai bằng logic. Thí dụ 999 đường thẳng song song với một đường thẳng cho trước thì chúng ta phải biết được chúng song song với nhau hay không :-)
5. Trái với các suy luận cho rằng định lý Godel "giáng một đòn mạnh lên tư duy khoa học, chứng tỏ khoa học không có khả năng giải quyết mọi vấn đề", tôi cho rằng định lý Godel lại chứng tỏ khả năng vô biên của khoa học.
Lập luận của tôi như sau:
a. Khoa học không thuần túy phát triển bằng logic. Điều đó không có nghĩa là logic bất lực. Khi một mệnh đề được kiểm nghiệm bằng thực nghiệm lại được kiểm nghiệm bằng logic, có nghĩa là nó sẽ có khả năng lặp lại trong nhiều kịch bản thực nghiệm khác.
b. Tuy nhiên, điều đó bao giờ cũng có scope. Sẽ có những tình huống mệnh đề đó sai và có tình huống không biết đúng hay sai. Trong trường hợp đó, chúng ta phải mở rộng lý thuyết với các khái niệm mới và bổ sung thêm các tiên đề mới.
c. Như vậy khoa học luôn phát triển và mở rộng phạm vi tri thức, trái với chân lý Nhà thờ, vừa hạn chế vừa bất biến.
d. Bất toàn chỉ nói về năng lực của logic (có thể hiểu là hạn chế với một tập khái niệm cố định hay không hạn chế việc mở rộng khái niệm) chứ không nói về tính bất lực của tư duy khoa học. Trái lại nó khẳng định tư duy khoa học không ngừng mở rộng phạm vi.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

Thơ thời chiến


"Hết rau rồi em có lấy...anh không?"

Phạm Tiến Duật là một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, một con đại bàng của Trường Sơn, một tầm vóc thơ ca hiện đại của một cuộc kháng chiến “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” mà thơ anh khiến thanh niên nô nức lên đường, của một cuộc kháng chiến mà “Thế đấy giữa chiến trường/tiếng bom nghe rất nhỏ” đầy lạc quan và ý chí chiến đấu. Anh cũng là một giọng điệu thơ ca riêng đậm chất người lính, trước đó chưa ai viết thế, sau đó cũng không mấy ai bắt chước được thế, phản ánh lạc quan, chân thật và hào hùng cuộc chiến đấu trên những cánh rừng Trường sơn- “ Những vùng rừng không dân” chỉ có bom đạn, chết chóc : “Hết rau rồi em có lấy măng không?”.Bạn hãy hình dung những vùng rừng cháy đen vì bom đạn, bạc trắng vì chất độc hóa học không còn một cỏ cây, những co gái TNXP vẫn lạc quan, tinh nghịch, vẫn vỗ tay hát với những chàng lái xe:"Hết rau rồi anh có lấy em không ?". Ông Tố Hữu, ông Lê Đức Thọ ngày ấy rất yêu thơ Phạm Tiến Duật, đã từng có ý định xây dựng người lính trẻ này thành một Thủ lĩnh thanh niên (Bí thư TW Đoàn), ông Tào Mạt xếp nhà thơ trẻ này vào “ Ngũ tướng thơ ca Việt nam”, bao gồm các thi nhân Tố Hữu, Chế Lan Viên , Huy Cận , Xuân Diệu và ...Phạm Tiến Duật!
Với tôi, anh là một người lính đi trước cùng ở đơn vị Cục vận tải quân sự. Các anh - bao gồm anh Phạm Tiến Duật, anh Trần Nhương cùng là người Phú Thọ, cùng tốt nghiệp sư phạm, cùng được nhập ngũ một ngày để rồi làm giáo viên dạy văn hóa cho các chiến sỹ lái xe. Nhưng theo anh Trần Nhương:”Một thời gian Duật được giao nhiệm vụ nhân viên câu lạc bộ, giữ một kho nào đài Orionton, phim ảnh, pin, vải, giấy. Duật vốn nghệ sỹ nên việc quản lý kho rất lỏng lẻo, nhiều khi phát cho đơn vị không ghi sổ sách, hoặc ai xin gì cũng cho. Thế là thâm hụt kho vật tư câu lạc bộ, Duật bị phê bình và chuyển sang đội chiếu bóng của Cục. Phạm Tiến Duật là người thuyết minh phim loại giỏi, anh hoạt ngôn, lắm khi bịa thêm làm cho lính nhiều phen cười vỡ bụng. Hồi ấy hay chiếu phim Liên Xô có nhiều cảnh lính uống rượu, Duật bịa: “Nào làm chén quốc lủi” . Đang phim Tây lại dùng ngôn ngữ dân gian ta chen vào nên rất tức cười. Không thể kể hết những câu pha trò của Duật trong những buổi chiếu phim.Tôi nhớ vào năm 1967, tôi chuyển vào Thanh Hóa công tác tại Ban Chính trị Binh trạm 10, có lần Duật vào chiếu phim tại binh trạm. Ngày ấy anh vừa viết xong bài thơ Lửa đèn, Duật ghi tặng cho tôi bản đánh máy. Tôi đọc thơ Duật mà thích quá:” Anh cùng em sang bên kia cầu/ nơi có những miền quê yên ả..”
Tôi nhớ trước khi tôi nhập ngũ, được gặp anh Phạm Tiến Duật ở nhà anh Nguyễn Trọng Định ( sau này anh Nguyễn Trọng Định hy sinh ở chiến trường Quảng Đà), được nghe anh Duật đọc thơ -Thơ về người lính và chỉ có thơ về người lính thôi, đã thấy rất mê rồi. Vào bộ đội, lại được cùng Cục vận tải quân sự với anh, đi binh trạm nào, đến đơn vi nào cũng được nghe nhắc về anh, được nghe đọc thơ anh, càng thấy thích lắm. Nhất là khi anh vào Bộ tư lệnh Trường sơn. Anh sớm trở thành Thần tượng của những người lính trẻ chúng tôi . Và sau này, thực sự anh trở thành một thần tượng thơ ca cho cả một thế hệ trẻ miền Bắc ngày ấy. Còn riêng với tôi, thơ anh quyến rũ, tâm phục khẩu phục đến mức tôi không dám làm thơ nữa, dù trước đó tôi đã có một số bài thơ in báo . Có Phạm Tiến Duật rồi, ai còn dám làm thơ nữa nhỉ? Tôi cứ vân vi nghĩ như thế!
...Lại nhớ năm 1970, tôi ở chiến trường Lào ra Hà nội công tác, được đến dự đám cưới của anh ở nhà nhạc sỹ Trần Tiến. Anh Trần Tiến ở đoàn ca múa Hà nội vào mặt trận Trường sơn biểu diễn, gặp và yêu quý anh Phạm Tiến Duật, thành một đôi bạn thân , và sau đó về Hà nội đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh Phạm Tiến Duật ngay ở nhà mình - phố Nam Bộ giữa lòng Hà nội lấy một cô giáo dạy văn người Hà nội. Ở đây tôi gặp nhiều văn nghệ sỹ, toàn những người như cách gọi bây giờ là “ Sao”. Thế nhưng ngôi sao sáng nhất là chính là anh Phạm Tiến Duật - một người lính từ mặt trận ra. Tất cả quây quần xung quanh anh, nâng rượu mừng được gặp anh, mừng được nghe anh đọc thơ, mừng cho hạnh phúc đôi lứa của anh. Tôi thầm nghĩ đời người được một lần như thế cũng đã là sướng lắm !
Hôm ấy, tôi được ngồi bên anh Đỗ Chu tiếp mẹ anh Duật từ Thanh Ba Phú thọ về dự đám cưới của con “Tóc bà trắng, vầng trán cao, dáng rất thanh nhã.Anh Duật giống mẹ - Sau này anh Đỗ Chu kể lại- Bà cụ cùng chúng tôi ngồi bên khung cửa mở rộng nhìn xuống con đường hẹp đang có những chuyến xe điện leng keng chạy đi chạy lại.Vầng trăng càng khuya càng sáng. Mẹ anh Duật hỏi tôi đứng tuổi gì, tôi thưa mẹ con tuổi Giáp thân, bà lại nói Duật chính ra phải tính là tuổi Canh Thìn, đi học khai bớt một tuổi. Nó có lớn mà sợ chẳng có khôn, tính tình lại mơ mộng viển vông từ bé, cháu tuy ít tuổi hơn những vẫn cứ là một lứa, cháu nhớ săn sóc Duật. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của bà, bàn tay các bà mẹ chúng ta đều thế, lủng củng những đốt những ngón.Một bàn tay của bà mẹ đồng rừng, từ thượng du xuống phố lặng lẽ và rụt rè. Bàn tay một người đã sinh ra cho đất nước một nhà thơ lớn từ những năm anh mới ngoài 20 tuổi. Tôi nói với bà không một chút do dự rằng, anh Duật là niềm tự hào của đất nước, mẹ chớ lo lắng gì cả. Chữ nho có bộ Duật, duật ở đây không phải con cò, duật là cây bút, Phạm Tiến Duật là cây bút quý nhà họ Phạm…Bà cụ vỗ vỗ vào tay tôi nhẹ nhàng cười, ông ấy nhà tôi đặt tên cho nó đấy, bố Duật nhiều năm dạy học, làm Hương sư rồi Tổng sư, nhiều lần đã giải nghĩa tên nó cho tôi nghe như anh nói hôm nay…”
Mẹ ơi anh Duật là niềm tự hào của đất nước ta mẹ ạ . Vâng, đúng như thế, từ ngày ấy và mãi sau này, như lời anh Đỗ Chu, người viết truyện ngắn hay nhất của thế hệ anh Duật, thì anh Phạm Tiến Duật bao giờ cũng là niềm tự hào của đất nước, niềm tự hào của mỗi người lính, niềm tự hào của mỗi chúng ta. Anh là một đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ, là một con đại bàng hùng vĩ của Trường sơn, và nơi ấy, mỗi đỉnh núi cao, mỗi cánh rừng sâu, như vẫn còn tạc trên vách đá, vẫn còn vọng trong tiếng gió rừng những bài thơ bất hủ của anh ...
“Anh đưa em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê êm ả/ Nơi đêm đêm ngọn đèn thắp trong kẽ lá...”…
Vâng, đã 10 năm nay anh sang bên kia cầu... Anh Duật ơi, nhớ anh nhiều lắm!

Châu La Việt
27.09.2019

Saturday, September 28, 2019

TRUYỆN VUI CUỐI TUẦN - HÉTVÉGI VICCEK (No. 187)

Đoàn thanh tra giáo dục đến dự giờ của lớp Móricka và ngồi ở hàng ghế cuối cùng, sau Móricka. Buổi học tiếp tục.
Cô giáo viết một câu tiếng Nga lên bảng:
- Nào các em, ai có thể dịch câu này?
Cả lớp im lặng, chỉ một mình Móricka giơ tay. Cô giáo nghĩ trong đầu: Móricka từ trước tới giờ mù tịt tiếng Nga, nhưng có thể lần này em lại giải cứu cho lớp học! Cô hỏi:
- Theo em thì câu này nghĩa là gì?
- Nghĩa là "Nhìn kìa, cô giáo có cái mông ngon ghê!"
Cô giáo mặt đỏ gay, giận dữ mắng Móricka:
- Em không chỉ ngu dốt mà còn hỗn láo nữa! Ngồi xuống!
Móricka vừa vừa ngồi xuống vừa quay lại phía sau nói với các thanh tra giáo dục:
- Sao các thầy lại nhắc em trong khi các thầy cũng không biết tiếng Nga?
----------
Mórickáékhoz tanfelügyelők érkeznek oroszórára, és beülnek a leghátsó padba, Móricka mögé. Zajlik az óra. A tanár néni felír egy mondatot oroszul a táblára:
- Na, gyerekek, ki tudja lefordítani?
Néma csend, az osztály meg van illetődve, egyedül Móricka jelentkezik. A tanár néni gondolkozik: Móricka világéletében csont hülye volt az oroszhoz, de talán most, most megmenti az órát! Felszólítja:
- Na, mit jelent a mondat?
- Azt, hogy "Figyeld milyen jó segge van a tanárnőnek!"
A tanárnő elvörösödik, dühösen rákiabál:
- Nem elég, hogy buta vagy, még szemtelen is! Azonnal ülj le!
Móricka leül, de közben hátraszól a tanfelügyelőknek:
- Minek súgnak nekem, ha maguk sem tudnak oroszul?

Nguyễn Ngô Việt (Debrecen.VIDI73)

Lục hồ sơ cũ: Vụ án Minh Phụng-Epco

Đây là vụ án xét xử Tăng Minh Phụng - Liên Khui Thìn và hơn 40 bị can liên quan với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nếu sau vụ án này, với mục đích ngăn chặn những gì làm sai, phải xử thật nghiêm minh/thẳng tay, dù là bất cứ ai thì tình hình sẽ ntn...
Có vẻ như cái lò hiện nay ko như thế vì người đốt lò có mục đích khác? Và thực chất là gì?

Giữa năm 1996, NH Ngoại thương (VCB) kiểm tra/phát hiện trong các hoạt động tín dụng do Phó GĐ Nguyễn Ngọc Bích ký HĐ cho vay có nhiều lô hàng mà Epco và cty Minh Phụng (và nhiều cty TNHH khác) đều ko còn trong kho theo quy định (phần lớn đã bán hết) nhưng ko nộp/trả tiền đã vay (vay bảo lãnh trả chậm)...

 Khởi đầu, Tăng Minh Phụng (TMP) thành lập Tổ hợp sx giày dép nhựa, gia công may mặc (từ 9-10 nhân công vào năm 1981) và phát triển rất nhanh, đến 1993 tăng lên hàng ngàn người. Từ đó, TMP được UBND Q.11 tạo đ. kiện chuyển giao m. bằng sx, giấy phép sở hữu, xd xưởng/nhà máy... Từ đó TMP có nhiều hoạt động kinh doanh địa ốc trái phép dẫn đến việc phát sinh công nợ rất lớn với nhiều NH.

Một bản án ko thể quên với nhiều người...

Nếu y án mà xử với những kẻ phạm tội hiện nay thì cần phải mở bao nhiêu phiên tòa, tử hình bao nhiêu mạng vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của dân... ?

Và nếu khui ra thì sẽ có bao nhiêu kẻ liên quan... ?

Friday, September 27, 2019

Thơ cho người cao tuổi

KHI TA NGHỈ HƯU
(Gửi các chiến hữu đã hưu)

Trăm năm trong cõi người ta
Năm mươi năm trước xem là bỏ đi
Chẳng cần luyến tiếc làm gì
Về hưu ta mới dậy thì tuổi Xuân

Tuổi này đã chín muôn phần
Phải lên kế hoạnh từ gần đến xa
Bấy giờ ta mới là ta
Đừng để cằn cỗi như là củi khô

Tuổi này còn cực còn lo
Muốn không chết sớm đừng so đo nhiều
Công việc dang dở sớm chiều,
Chăm con chăm cháu liệu điều giảm đi

Bon chen chẳng để làm gì
Chết không mang được sức thì giảm đô
Sức khỏe đâu phải hàng bồ
Liệu mà gìn giữ chăm lo kẻo tàn

Đừng quá vất vả lo toan
Tuổi già bệnh tật con ngoan khó chiều
Con cháu dù có mến yêu
Tự do hai tiếng chiều chiều ngồi ca

Đừng bám chúng nó về già
Cái tuổi khó chịu, cũng là khó ưa
Nếu có quà cáp chúng đưa
Thì cứ việc nhận cho vừa lòng con

Dù ăn cũng chẳng được ngon
Tấm lòng hiếu thảo vẹn tròn mẹ cha
Tiền mà rủng rỉnh trong nhà
Đi chơi đâu đó gần xa sướng đời
Túi rỗng thì ở nhà chơi
Làm vườn rau sạch kiếm nơi đuổi gà
Để cho vui vẻ cửa nhà
Nuôi thêm mèo chó vào ra sum vầy

Rảnh thăm bè bạn đó đây
Ôn nghèo kể khổ cái ngày xa xưa
Ăn thì ít cũng vẫn thừa
Uống ly rượu nhạt cò cưa cả ngày

Muốn chém gió cứ vào phây
Có đầy chỗ để trồng cây làm nhà
Muốn yêu ai cũng nói ra
Ghét ai thì phải bỏ qua nhẹ đầu

Lúc trẻ hùng hục như trâu
Về già phải kiếm nơi đâu vui vầy
Tụ hội, lập nhóm cho hay
Tuổi thơ trước ít thì nay ta bù

Ôm rơm nặng bụng là ngu
Vừa giảm tuổi thọ vừa u cái đầu
Mộng trăm tuổi chẳng được đâu
Thì ta cứ tính từng khâu vội gì .

Thanh Tịnh Phan

(Sưu tầm)

Thursday, September 26, 2019

Một cuộc đời


Ba tôi qua đời bất ngờ năm 1964, nhỏ em út còn trong bụng Má. Tôi phải nghỉ học, tìm việc làm ngày đêm để phụ giúp Má tôi nuôi sáu đứa em còn nhỏ dại.
Đầu năm 1965, tôi được mời đến dạy kèm Toán cho cô con gái lớn một gia đình người Việt ở Nam Vang. Mỗi ngày 2 tiếng, từ 7 đến 9 giờ tối, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Em học trường Providence, còn gọi là trường Bà Phước, lúc đó chỉ dành cho nữ sinh. Em nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng mới ở lại Cinquième, trong khi tôi đã đậu Brevet d’Études du Premier Cycle hai năm trước.
Có lẽ vì là con gái nhà khá giả nên em hơi… làm biếng học, nhất là toán, géometrie và algèbre. Lúc đầu, tôi hơi nản lòng vì… em nhìn bài vở như thấy ma, tôi thường phải làm bài giùm em, nhưng từ từ em nghe lời tôi khuyên, chịu làm bài, chịu học bài, và được lên lớp mỗi năm.
Đầu năm 1968, em học Troisième, chuẩn bị thi Brevet. Tôi kèm em từng môn, giúp em làm những bài vở mà đúng ra tôi không cần giúp. Em trả ơn bằng cách mời tôi ở lại ăn cơm tối.
Tôi cho em mượn những quyển sách mà tôi đã học qua, trong một lần trả sách, em kèm theo tấm giấy chỉ viết một câu “cho moi làm amie intime của toi nha”. Tôi gật đầu vì sợ em giận, em không thèm học nữa. Từ đó, em hẹn tôi đi chơi cuối tuần, tôi cũng gật đầu với điều kiện là em phải xin phép Ba Má đàng hoàng và phải ráng học.
Tôi biết em thương tôi, tôi cũng thương em. Tôi gọi em là “cô Tiên” vì em có dáng dấp qua cầu gió bay, có bước đi lả lướt nhẹ nhàng như các nàng tiên nữ trong vũ khúc nghê thường, vì em đã mang đến cho tôi những cảm xúc mà người trần gian chưa từng cho tôi trước đó.
Những ngày mưa, không đi chơi được thì tôi ngồi hát em nghe bên mái hiên nhà:
Một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng
Em đến thăm anh vì trời mưa mãi nên không kịp về
Bên anh, em lặng nhìn bầu trời và ánh mắt mộng mơ
Sợ người yêu khóc, khe khẽ bên tai anh kể chuyện ngày xưa.
Chuyện xưa kể rằng trên thiên giới ấy ngày vui kết hoa đăng
Thiên Quốc đang vui một nàng tiên nữ làm rơi ly ngọc ngà
Đang say nên trời bèn đọa đày nàng tiên xuống trần gian
Làm người dương thế không biết bao lâu mới được quay về trời.
Em ơi nàng tiên ấy xuống dương trần một chiều mưa bay nhiều
Và vì thương trần thế, thương kiếp sống phong sương
Nên dù rằng một hôm Thiên Quốc trời sai
Gom mây hồng làm xe đưa tiên về
Tiên nói dối tiên còn đang giận trời nên tiên chẳng về đâu.
Nàng tiên giáng trần không đôi cánh trắng giờ đang ngắm mưa bay
Đang đứng bên anh thầm cầu mưa mãi cho tiên đừng về
Anh ơi lỡ mà trời gọi về thì tiên chẳng về đâu
(Bài hát “Huyền Thoại Một Chiều Mưa”)
Nhưng tôi luôn nhớ mình là con trai nhà nghèo, chỉ có chiếc Mobylette cà tàng làm chân đi kiếm cơm mỗi ngày. Em là con gái nhà khá giả, đi học có xe đưa rước, về nhà không làm động móng tay vì đã có chị bếp, chị bồi, chị vú lo toan mọi việc. Nếu hai đứa thành vợ thành chồng, em cực thân là cái chắc.
Trong một lần kề vai nhau đi quanh công viên Chùa Tháp, trời bỗng dưng mưa. Tôi bật dù che hai đứa nhưng mưa càng lúc càng nặng hột, em bỗng xoay người lại ôm hôn tôi dưới mưa. Tôi than thầm trong bụng “gặp oan gia truyền kiếp rồi”.
Năm đó, em thi đậu Brevet và tôi nghỉ dạy vì vừa xin được cái job thư ký kế toán ở hãng L’UCIA, Nam Vang.
Lúc trước gặp nhau 5 ngày mỗi tuần, có nhiều thì giờ để nói với nhau những gì muốn nói. Giờ phải chờ đến cuối tuần mới được gặp nhau vài tiếng, nhớ ơi là nhớ. Tôi bắt đầu làm thơ “nhớ em”…
Nhớ lúc xưa kia mới biết nhau
Rồi thương rồi nhớ suốt đêm thâu
Ðêm nào cũng vái cho mau sáng
Nhớ quá trời ơi! Nhớ phát rầu.
Nhớ những chiều em qua phố vắng
Dáng hồng xen lẫn bóng hàng cau
Mân mê vạt áo, em e lệ
Những lúc anh nhìn, má đỏ au.
Nhớ lúc mình đan tay đếm bước
Em run run hỏi: – Sẽ ra sao ?
Anh cười, anh nói như đinh đóng:
– Anh sẽ yêu em đến bạc đầu!
Đưa bài thơ cho em, em bỏ túi nói sẽ về nhà đọc. Tuần sau gặp nhau, em không nhắc gì về bài thơ của tôi mà hỏi tôi nghĩ gì về cuộc sống hai đứa sau này.
Tôi nói là nhà tôi nghèo, em nói em biết rồi, tôi phải đi làm giúp Má nuôi các em còn nhỏ, em nói em cũng biết rồi, nếu mình cưới nhau thì em sẽ cực thân hơn là sống với Ba Má em…
Em trả lời làm tôi chưng hửng “hiện nay, cái khổ nhất mà “moi” phải chịu đựng hàng ngày là nhớ “toi”, cái cực nhất mà moi phải chịu đựng hàng ngày là làm sao để gặp toi sớm hơn, nên moi không sợ gì cả. Trời sanh voi sanh cỏ”.
Tôi khuyên em nên kiên nhẫn, nói cho em hiểu lúc này là thời gian đẹp  nhất trong cuộc tình hai đứa, cái nhớ cái thương bây giờ sẽ làm mình gắn bó nhau hơn sau này…
Em nghe lời tôi và chuyện hẹn hò của chúng tôi kéo dài cho tới đầu năm 1970.
Tướng Lon Nol lật đổ vua Sihanouk, tự phong là tổng thống xứ Kampuchea (Cao Miên).
Một số người Miên quá khích thừa nước đục thả câu, “cáp duồn” (nghĩa là chặt người Việt) lẻ tẻ. Đang đêm, họ đến gõ cửa nhà người Việt ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Một số người Việt không may đã bị họ chặt đầu, xác thả trôi sông về tới Tân Châu, Hồng Ngự… Nhiều người Việt có chút của ăn của để ở Cao Miên bán tháo tài sản để về Miền Nam Việt Nam lánh nạn. Ba Má em cũng không ngoại lệ.
Em gặp tôi bàn chuyện này. Tôi đem việc này hỏi ý kiến ông giám đốc hãng L’UCIA. Ông giám đốc đưa hai đứa tôi về biệt thự do hãng mướn cho ổng ở trên đại lộ Norodom, ngay trung tâm thủ đô Nam Vang. Ổng nói: “nhà tao có 2 người bồi bếp, có 2 con chó berger giữ nhà. Nhà có 5 phòng, tao ở chỉ một phòng. Nếu hai đứa thấy ở nhà mầy không an toàn thì đến đây ở với tao. Tao tin tưởng và cần thằng B. giúp tao giữ gìn sổ sách của hãng nên hai đứa mầy muốn ở phòng nào, muốn ở bao lâu cũng được”.
Nghe vậy, chúng tôi yên tâm và quyết định ở Nam Vang dù Ba Má em có về Sàigòn.
Em về xin Ba Má cho hai đứa làm đám cưới. Má em có cảm tình với tôi nên gật đầu. Ba em im lặng vì biết tôi nghèo, sợ con gái cưng của ông sẽ cực khổ khi về làm vợ tôi. Em nói với Ba Má em “nếu Ba Má không tổ chức đám cưới cho hai đứa con, tụi con sẽ tự lo. Con muốn làm vợ anh B. danh chánh ngôn thuận”.
Và hai đứa tôi tự tổ chức lễ cưới của mình.
Sáng ngày 24/02/1970, Má tôi và tôi mang trầu cau và phẩm vật đến xin cưới em. Chúng tôi lạy bàn thờ tổ tiên nhà em, xin quý ngài chứng giám cho chúng tôi thành vợ thành chồng. Tôi mướn xe Mercedes để rước “cô Tiên” xuống trần.
Tối đến là tiệc cưới tại nhà hàng La Lune, đối diện State Olympic, với 200 quan khách, họ hàng và bạn bè nhà trai, nhà gái. Dĩ nhiên là có nhạc sống do mấy tên bạn tôi tự mang đồ nghề đến giúp vui. Đêm đó, hai đứa tôi khiêu vũ và cụng ly với bạn bè gần tới sáng.
Sau ngày chúng tôi thành hôn thì tình hình chính trị giữa hai nước Kampuchea và Miền Nam Việt Nam biến chuyển dồn dập. Ông bà nhạc tôi và gia đình bay về Sàigòn vài ngày sau đó. Vợ chồng tôi vẫn ở Nam Vang. Tôi vẫn đi làm ở L’UCIA .
Khi xác nhiều người Việt trôi về tới Hồng Ngự, Tân Châu, ông Nguyễn Cao Kỳ – lúc đó là Phó Tổng Thống VNCH – ra lệnh cho Quân-đoàn 3 tràn qua biên giới, lấy cớ là để “bảo vệ kiều bào VN”. Trung tướng Đỗ Cao Trí nhận lệnh với lời tuyên bố làm chấn động chính phủ Cao Miên: “Cho tôi 24 tiếng, tôi sẽ chiếm Nam Vang”.
Ông Lon Nol nghe muốn té đái. Mới làm tổng thống có mấy ngày, nếu để QLVNCH chiếm Nam Vang thì mất mặt bầu cua. Ông gọi điện năn nỉ chính phủ VNCH đừng chiếm Nam vang nên Quân-đoàn 3 dừng lại ở Neak Luong (người Việt mình gọi là Hố Lương), một bến phà chỉ cách Nam vang 60 cây số.
Nghe tin QLVNCH tràn qua biên giới, cả trăm ngàn kiều bào VN ở Cao Miên, trong đó có vợ chồng tôi, bỏ tất cả tài sản, dắt díu nhau vào các trại tị nạn. Các sân trường trung học, chùa, nhà thờ bỗng trở thành những trại tị nạn khổng lồ. Vợ chồng tôi vào trường Seminaire, nơi tôi đã học năm cuối chương trình Tú tài Pháp hai năm trước.
Trong trại Seminaire, người ta chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm 10 gia đình, trước hết là để lãnh nước uống, sau là thức ăn, lúc đó chỉ có khô cá lóc do Red Cross cung cấp. Tôi làm trưởng nhóm 31.
Đầu tháng 5/1970, ông Nguyễn Cao Kỳ bay lên Nam Vang, nói là thăm xã giao tướng Lon Nol nhưng thật sự là đi thanh tra các trại tị nạn. Tối đêm trước, tôi và các trưởng nhóm được lệnh phải thu tất cả những những gì có thể coi như là vũ khí gồm dao, gậy,… và cùng nhiều người thức gần sáng đêm để dựng cái sân khấu dã chiến.
Khi ông Kỳ vào trại Seminaire, ông đến từng lều, bắt tay và hỏi thăm từng người. Điều làm mọi người chú ý là 2 anh đại-úy cận vệ. Họ cao hơn ông Kỳ 1 cái đầu, mặc đồ bay, mang súng ngắn dưới nách, nhưng không cản trở khi kiều bào đến bắt tay, thậm chí ôm hôn ông Kỳ.
Ông Kỳ lên sấn khấu, nói vài lời thăm hỏi xã giao rồi hứa: “Tôi sẽ đưa tất cả đồng bào về quê hương!”
Ông nhận được những tràng pháo tay như sấm động của mấy ngàn người trong trại Seminaire. Nhiều bà lão bò ra khoảng trống trước sân khấu lạy ông Kỳ như tế sao.
Vài ngày sau, chúng tôi được phát thịt heo lần đầu, dù không ai biết ai cho nhưng mọi người nghĩ là từ chính phủ VNCH. Tuần sau, một đoàn “tàu há mồm” của Hải quân VNCH cặp bến sông Mekong.
Danh sách từng nhóm được gọi để rời trại xuống tàu về nước. Vợ chồng tôi thuộc danh sách thứ 31 nên gần cuối tháng 5/1970 mới được rời trại. Sau 1 ngày lênh đênh trên sông Tiền (hay sông Hậu?) thì về tới trại Đồng Tâm, Mỹ Tho, lúc đó là hậu cứ của Sư-đoàn 7 BB.
Vợ chồng tôi chỉ ở trại Đồng Tâm 5 ngày. Làm giấy tờ nhập cảnh xong thì Ba em lái xe xuống rước về Sàigòn.
Cuộc sống chúng tôi từ ngày về Sàigòn không còn… tà tà như lúc ở Nam Vang. Cũng như tất cả Việt kiều hồi hương lúc đó, tôi được hoãn dịch 18 tháng. Thời gian không nhiều nên tôi làm ngày làm đêm. Em cũng đi làm. Cuối tuần hai đứa đưa nhau đi ăn mì xào dòn, hay ăn nghiêu luộc.
Mỗi tối đi đàn về, tôi chạy thẳng vô Chợ Lớn mua cho em cái bánh bao Ông Cả Cần của Bà Năm Sa-Đéc. Lúc này em không còn thơ thẩn, mà ngược lại… em ăn rất bạo. Dù không nói ra, tôi biết em đang chuẩn bị cái bụng cho đứa con đầu lòng của chúng tôi, dù không biết lúc nào nó sẽ tượng hình.
Nhiều người trong gia tộc hai bên thường trề môi nói “thằng B. con nhà lính tính nhà quan, mới ở Nam Vang về tay trắng mà vợ nó muốn gì được nấy”….
Mấy người này không biết là lúc còn độc thân, tôi đã đọc một câu định nghĩa “người phụ nữ lý tưởng” của một người đàn ông như sau: “Người phụ nữ lý tưởng của một người đàn ông là người bạn, người tình và là người vợ của người đàn ông đó”.
Hồi đọc câu đó, tôi chưa gặp cô Tiên nên tôi đã tự hỏi ngược lại là “tôi có thể vừa là người bạn, vừa là người tình, và là chồng của vợ tôi không”. Ông nào muốn biết cái vụ này nó khó cỡ nào cứ thử cua một cô bạn gái rồi cưới cổ về làm vợ thì sẽ hiểu câu… “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.
Nhưng khi gặp rồi thương yêu cô Tiên, cái định nghĩa xưa tự nó cho tôi lời giải đáp.
Lúc mới thương nhau, tôi thường kể em nghe chuyện bồ bịch của tôi lúc trước. Em chẳng những không ghen hờn, mà còn góp ý đôi khi rất tiếu lâm, rồi hai đứa cười hí hí. Lúc hai đứa đi chơi, gặp cô nào có “ngực tấn công, mông phòng thủ” là tôi hay quay lại nhìn, em im lặng nắm tay tôi, đợi cô đó đi khỏi tầm mắt mới hỏi “bộ toi hổng thấy cổ đi hai hàng hả?”. Khi vào tiệm bán sách, tôi có cái tật (hổng biết xấu hay tốt) là đứng hơi lâu trước mấy cái đặc san người lớn như PlayBoy. Em im lặng đứng bên tôi, đến khi rời tiệm sách em mới phê bình… “nhỏ này vú đẹp, cô kia mông teo…”. Chỉ khi đến kệ bày mấy cuốn Salut les Copains, em mới thò tay lựa cuốn mới nhất và tự ra quầy trả tiền.
Em chưa bao giờ bắt tôi trả tiền những gì em mua cho riêng em. Em chưa bao giờ lớn tiếng hay dùng lời lẽ không lịch sự với bất cứ ai, dù đôi khi tôi hay ai đó vô tình hoặc cố ý làm em giận.
Ba em nói với em “Ba thấy nó đi nhảy đầm, tay trái một con, tay mặt một con”. Em trả lời “những gì ảnh làm lúc còn độc thân là quyền của ảnh, con không cần biết (thật ra tôi đã kể em nghe hết rồi). Chỉ cần biết hiện giờ hai đứa con thương nhau thật lòng là được rồi”.
Em có cách hôn, chỉ phớt nhẹ, làm tôi hồn phi phách tán. Khi thấy tôi buồn, em cầm tay tôi, xoa nhè nhẹ lên mu bàn tay, khiến tôi quên hết mọi phiền não. Sau này thành vợ thành chồng, em vẫn là người tình tuyệt vời. Em biết cách làm tôi quên những nghiệt ngã mà tôi đã trải qua trong ngày hôm đó.
Em biết tiết kiệm, vén khéo với số tiền mà chúng tôi kiếm được. Em không se sua, dù luôn ăn mặc thanh lịch. Mỗi lần hai đứa ra đường là tôi phải ngó trước nhìn sau, coi có tên nào nhìn lén em không. Khi đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời năm 1972, em tự nguyện bỏ bớt chuyện mua sắm cho riêng mình, để có đủ tiền cho con chúng tôi bú sữa Guigoz 3 năm liên tục.
Cô Tiên đã là một người bạn, một người tình và là người vợ tuyệt vời của tôi.
Được một người vợ như cô Tiên, em muốn gì được nấy không có gì quá đáng.
Bán nhà cho em cũng được, huống chi là ba cái lẻ tẻ.
Tháng 4/1972, tôi hết hạn hoãn dịch, phải đi lính cho tới ngày tan hàng.
Sau 75, có ngày hai đứa phải ăn sáng bằng… cơm nguội, nhưng em luôn dành 1 hoặc 2 đồng cho con chúng tôi có gói xôi nóng hay tô cháo huyết.
Cực nhất là lúc chúng tôi về quê tôi sống từ năm 1976 đến năm 1979. Má tôi cho hai công ruộng và nửa công vườn, đủ cho gia đình chúng tôi sinh sống, không cần phải đi làm mướn, làm thuê. Nhưng không may là hai năm 77-78, lũ lụt tràn vào ngập ruộng trước khi lúa chín. Nông dân vùng Tân châu đói thể thảm. May mà tôi cất nhà sàn, cao khoảng 1.5m, nên nước ngập lé đé sàn nhà.
Nhiều nông gia ở nhà đất, phải kê tủ giường lên cao, có người kê giường tới gần đụng nóc nhà.
Mỗi ngày, cô Tiên ngồi trên sàn nước, miệt mài câu từng con cá chốt, cá sặc, cá lòng tong. Tôi không dám nhìn lâu. Đến bữa ăn chỉ có món cá kho thập cẩm vậy mà thằng con khen “má kho cá ăn ngon”. Tôi mắc nghẹn từng hồi. Rồi cũng qua.
Ở quê, em không cho con đi học, nói mấy ổng dốt mà dạy cái gì! Vợ chồng tôi thay nhau dạy con nói và viết tiếng Việt, tiếng Pháp. Bài học tiếng Việt đầu tiên là bốn câu thơ của ngài Lý Thường Kiệt :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tiếng Pháp thì chúng tôi dạy con nói và viết những câu chào hỏi thông thường, không ngờ khi qua Úc nó học tiếng Anh nhanh hơn những bạn tị nạn khác nhờ tiếng Pháp và tiếng Anh có nhiều chữ giống nhau.
Qua năm 79, tôi trúng mùa. Bán mấy chục giạ lúa, thêm chút tiền dành dụm, mua được cái ghe nhỏ, tính chuyện lớn. Khoang ghe chỉ vừa đủ cho hai người lớn và một đứa nhỏ chen vai nhau ngủ. Tôi không biết chèo, tập cả tháng sau mới chèo được hai chèo. Em không biết lội nhưng nhất quyết đòi đi đến những nơi có thể cho chúng tôi thấy được tương lai. Em nói “mình đã sống mấy năm ‘có miệng không nói lại câm, hai hàng nước mắt chan dầm như mưa’. Đủ rồi, phải đi tìm tương lai cho mình và cho con”.
Vậy là đi. Chèo từ Tân châu tới Long xuyên mất hai ngày. Nghỉ xả hơi một ngày rồi chèo tiếp tới Ô Môn, Cần Thơ, Ngã 7, Sóc Trăng, Hộ Phòng, Gành Hào, và sau cùng là ngã 3 cây Tàn. Ở ngã 3 cây Tàn hơn một tháng vì có người mướn tôi đào ao nuôi cá. Đào ao một tháng được hai giạ gạo và một mớ tiền. Chúng tôi trở ra Gành hào vì thấy nơi này là nơi lý tưởng để ra đi. Tôi giấu dưới khoang ghe cái máy đuôi tôm, thường ngày không dám sử dụng, sợ người ta dòm ngó, định khi nào đi mới xài.
Ở Gành Hào đêm trước, thì đêm sau bị bão.
Mưa như trút nước, sấm chớp đầy trời. Chiếc ghe tôi lắc lư như người say rượu, nửa đêm đứt dây buộc sào trôi ra giữa sông. May là lúc đó nước lớn, nước từ ngoài biển đổ vô sông, nếu ngược lại thì có thể bão đã đưa chúng tôi qua Thái Lan hay hổng chừng… vô bụng cá. Tôi cột sợi dây quanh bụng, cố gắng lội vô bờ.
Hình như… lúc không còn cái gì để sợ nữa thì mình mạnh hơn bình thường nên tôi đã kéo chiếc ghe tới dưới dạ cầu chợ Gành hào. Buộc dây ghe lại đàng hoàng là tôi ngã lăn ra thở dốc, lạnh run cầm cập. Em lau mình cho tôi và đưa tôi cái bánh bía, hổng biết em mua lúc nào, đúng là cô Tiên. Ăn cái bánh bía đêm đó, hương vị thơm ngon còn phảng phất tới bây giờ.
Bye bye Gành hào, tôi gắn máy đuôi tôm chạy về Long Xuyên. Chúng tôi ở Long Xuyên gần ba năm. Tôi làm bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện, để có tiền nuôi vợ con. Có lúc đạp xe lôi, có lúc vác lúa gạo ở các nhà máy xay lúa, có lúc làm tạp nhạp.
Đến tháng 2/1982, em tìm được đường dây ra nước ngoài vừa với khả năng của vợ chồng tôi lúc đó. Cái may là chúng tôi chỉ đi một lần là tới Mã Lai. Ở Bidong một tháng rưỡi là được phái đoàn Úc nhận. Qua trại chuyển tiếp Sungei Besi2, ngoại ô Kuala Lumpur để khám bệnh, bổ túc hồ sơ. Ba tháng rưỡi sau là chúng tôi có list đi Úc.
Vài ngày sau khi đặt chân lên đất Úc, lúc đó chúng tôi chỉ biết tiếng Pháp chưa biết tiếng Anh. Em nói với tôi “moi không thích nhờ thông dịch, nhà mình phải có một người giỏi tiếng Anh, toi phải đi học. Moi sẽ đi làm nuôi toi và con”! Nghe ghê chưa?
Mà em cũng không biết tiếng Anh thì đi làm cái gì? Em quên mình từng là một tiểu thơ được cơm bưng nước rót, em quên mình từng đi học có xe đưa rước, em quên mình là… cô tiên của tôi. nên ai mướn gì làm nấy. Quét dọn nhà cửa cho người Úc, chăm sóc con em của đồng hương, làm chả giò bán sĩ (không biết em học ở đâu mà làm chả giò và đổ bánh xèo ngon nhất Darwin).
Tôi cũng đi làm ban ngày, đi học ban đêm. Bảy năm ròng rã, tôi lấy được 2 cái Certificates về kế toán và quản trị địa ốc và xin được cái job “Security Administrator” tại trường đại học Charles Darwin University ở Darwin đầu năm 1985. Tôi làm việc tại CDU liên tục hơn 27 năm, đến khi nghỉ hưu cuối năm 2012.
Em không đi học tiếng Anh một ngày nào nhưng sau này… lại làm thông dịch cho bạn bè, nhiều nhất là mấy cô lấy chồng Úc, mới qua Úc chân ướt chân ráo, tìm đến em nhờ giúp đỡ. Em chở họ đi làm hồ sơ nhập cư, điền đơn xin tiền an sinh xã hội… Bà xã tôi thương đồng hương nên ai nhờ thì giúp, cứ ăn cơm nhà vác ngà voi, không đòi hỏi ai phải trả đồng bạc nào dù biết làm thông dịch cũng được trả tiền. Mấy cô vợ Úc thương em lắm, cuối tuần là ghé nhà tôi xào xào nấu nấu … thật vui.
Hỏi em mới biết, em học tiếng Anh bằng cách theo dõi các chương trình Play School trên TV. Chương trình này dạy con nít Úc nói/viết tiếng Anh để chuẩn bị vô mẫu giáo. Em đọc báo tôi mang về mỗi ngày. Không hiểu chữ nào, đoạn nào thì em hỏi tôi hay tra tự điển.
Tiếu lâm nhất là khi bà hàng xóm nhờ em làm thông dịch. Bà này gốc Ý (Italy), có chồng gốc Tây Ban Nha (Spain). Bà ta đến Úc theo diện vợ chồng năm 1978 và không đi học ngày nào. Khi rảnh rỗi bà ta qua nói chuyện với bà xã tôi. Bà ta nói “broken english” với giọng Ý nên tôi và mọi người không ai hiểu cả. Vậy mà bà xã tôi hiểu nên mỗi lần bà hàng xóm cần đi bác sĩ, hay bất cứ cơ quan công quyền nào ở Darwin là qua năn nỉ nhà tôi theo làm thông dịch.
Một năm sau ngày đến Úc, tôi được bầu làm tổng thư ký Hội Người Việt Tự Do tại Darwin, sau đổi tên thành CĐNVTD Bắc Úc cho tới bây giờ. Tôi dính với các sinh hoạt của CĐ mình cho tới năm 2017 mới rút chân ra được. Suốt thời gian này, bất cứ tôi làm cái gì đều có sự giúp đỡ, yểm trợ khi công khai khi âm thầm của cô Tiên.
Đứa con thứ hai của chúng tôi chào đời năm 1984 tại Darwin. Nhìn em cho con bú, tắm rửa cho con, nâng niu thằng nhỏ như vàng như ngọc, tôi nhớ lại những ngày hai đứa mới thương nhau, mỗi lần bên nhau là bàn chuyện mai này… tôi viết bài thơ tặng em.
Một chiều lãng đãng ánh tà dương
Em kể anh nghe chuyện mộng thường
Đôi mắt em nhìn xao xuyến quá
Như sao lấp lánh một trời thương.
Từ đó đời mình hết lẻ loi
Đan tay qua phố bước chung đôi
Em cười rạng rỡ như tiên nữ
Tiên nữ của anh – cũng được rồi.
Từ đó đời mình ươm ước mơ
Từng đêm anh cắn bút làm thơ
Mỗi dòng ôm ấp ngàn thương nhớ
Thương nhớ lớn theo nổi đợi chờ.
Từ đó mình bàn chuyện lứa đôi
Mai này, mình có hai con thôi
Trưởng nam, phần nó lo hương hỏa
Em nó, cô Ba – có rượu mời.
Từ đó mình bàn chuyện cưới nhau
Anh giành chọn áo cưới cô dâu
Màu vàng, hoàng hậu lòng anh đó
Em nói : – Màu hồng, áo cô dâu!
Từ lúc về làm vợ của anh
Âm thầm mình kết mộng ngày xanh
Trưởng nam bật khóc, cưng như ngọc
Đứa kế trai luôn, quý tựa vàng.
Nhiều đêm nằm gác tay lên trán
Anh cám ơn Trời, cám ơn em
Bảy nổi ba chìm mình chẳng ngán
Vì em có anh, anh có em.
Từ năm 2005 đến năm 2015, chúng tôi tổ chức những bữa ăn cứu trợ Thương Phế Binh còn sống khổ sở nơi quê mình bằng cách… tổ chức BBQ tại nhà tôi. Thức ăn do bà xã tôi và vài người bạn thân cùng chung sức nấu nướng, tôi bỏ tiền túi mua bia và nước giải khát. Ăn uống free. Tôi để 1 cái “Thùng Cứu trợ” trên bàn, ai cho bao nhiêu, tôi gởi về VN giúp anh em thương phế binh bấy nhiêu, theo tiêu chuẩn mỗi người 100 Úc kim.
Vì số người Việt ở Darwin rất khiêm nhường, chỉ có vài trăm người, nên lúc đầu chỉ được vài ngàn. Từ từ, bà con tin tưởng nên khi có dịp đi ngang nhà tôi là họ bỏ tiền vô thùng thơ, không đợi đến Bữa ăn Cứu trợ.
Gõ máy tới đây, bỗng nhiên làm biếng… không muốn gõ máy nữa, vì đang nhớ cô Tiên, nhớ quá xá nhớ.
Cô Tiên của tôi đã về trời sau khi đã cùng sống chung với cha con tôi 43 năm, 3 tháng, 27 ngày hạnh phúc. Em quy tiên sau một cơn bạo bệnh. Từ một người mạnh khỏe bình thường, đúng 5 tuần sau thành người thiên cổ.
Trong những ngày cuối của cuộc sống nơi dương thế, khi thấy hai con đứng nhìn em, nước mắt lưng tròng, em cầm tay con lắc lắc, mỉm cười nói: “Chúa cũng chết, Phật cũng chết, thì Má cũng chết. Má đã trả xong món nợ ân tình với Ba con và các con thì Má đi. Con trai khóc… xấu lắm”. Con tôi quẹt nước mắt… miệng cười méo xẹo.
Trong Hospice Hospital, nơi dành cho những bệnh nhân… “terminally ill”, mỗi ngày có y tá đến đánh răng và lau mình cho em. Có một lần em cám ơn họ “Thanks so much for keeping my body clean. I know it’s shutting down”. Cô y tá người Úc trợn mắt nhìn em, rưng rưng nước mắt. Sau này, cô nói với tôi “Tao chưa thấy ai sắp chết mà còn lịch sự và tỉnh táo như vợ mầy”.
Khi biết mình sắp trả xong cái nghiệp ở dương gian, em nắm tay tôi dặn dò phải tổ chức tang lễ em như thế nào. Thỉnh vị tăng ni nào chủ trì tang lễ, xong phải hỏa thiêu và chỉ giữ tro cốt 100 ngày. Sau đó mang tro cốt em rải trên sông Parramatta, đoạn gần Opéra House ở Sydney, là nơi em thích đi dạo mỗi lần đi thăm con. Em nói nhỏ nhẹ như đang lo tang lễ của ai khác. Tôi chỉ biết im lặng gật đầu, ráng kềm cho nước mắt đừng chảy ra. Tôi đã làm đúng theo lời em dặn.
Từ ngày cô Tiên về trời, cha con tôi đứt ruột đứt gan, tan nát trong lòng. Tôi đã sống những ngày như người chết chưa chôn.
Câu chuyện kể có thật của Buu Nguyen
(st)  
fb candy Giang

Wednesday, September 25, 2019

Chuyện nhỏ ...chuyện lớn

Lại nghĩ vớ vẩn: Nếu ngay chỉ cái trật tự lòng lề đường mà mãi ko dẹp nổi thì cái trật tự ở Biển Đông còn lâu ...mới ra vấn đề.

Tuesday, September 24, 2019

Nghĩ về anh hùng

Tưởng nhớ bác Bảy, anh hùng phi công, là nhớ sự kiện bác mất và tin này đã lan truyền gần đây ntn.
Bác có phải là những anh hùng cuối cùng của VN, của thời kỳ huyền thoại "ra ngõ gặp anh hùng" trước đây mà nay thì ra ngõ là gặp ...toàn thứ gì đâu ko... phát chán.

Báo nước ngoài viết gì về cú hạ cánh thót tim của VNA tại Australia

Là sự cố hiếm gặp tại Australia, báo chí nước này cùng nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin về việc máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines quên hạ càng.

Một trong những tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ việc này là The Australian, một một nhật báo uy tín tại Australia. Tờ này miêu tả máy bay của Vietnam Airlines đã "tránh được tai nạn thảm khốc trong gang tấc".

"Một cuộc điều tra đã được mở sau sự cố liên quan đến một chuyến bay của Vietnam Airlines khi chuẩn bị hạ cánh tại Melbourne vào thứ năm mà càng hạ cánh không được mở", tờ này tường thuật.

Chỉ cách mặt đất 200 m

"Khi chuyến bay VN781 tiếp cận đường băng, kiểm soát không lưu Melbourne đã thông báo tới tổ lái rằng càng hạ cánh của chiếc Boeing 787 theo quan sát chưa hề được mở ra", theo The Australian.

Báo này cũng dẫn lời người phát ngôn của Cục An toàn vận tải Australia (ATSB) và đại diện của Vietnam Airlines tại đây.

Ít phút sau bài báo của The Australian, tờ The Sydney Morning Herald (SMH) cũng đưa tin với tiêu đề: "Chuyến bay chỉ cách việc hạ cánh xuống sân bay Melbourne mà không có càng hạ cánh có 1 phút".

SMH đã phỏng vấn phi công lái Boeing 787 của một hãng hàng không lớn. Phi công này khẳng định việc không hạ bánh sau trong quá trình hạ cánh ở độ cao thấp như vậy là sự việc rất nghiêm trọng. Anh nhận định sự cố trên cho thấy đã có sự thiếu tuân thủ các thủ tục vận hành tiêu chuẩn.

"Họ chỉ còn không tới một phút là chạm mặt đất. Họ đáng ra phải nhận được cảnh báo từ hệ thống rằng bánh sau chưa được bung ra", phi công này cho hay.

Kênh truyền hình 9 News Melbourne cũng đưa tin về sự việc. Nói về cú hạ cánh của Vietnam Airlines, kênh này nhận định hãng vừa "suýt sao tránh được một thảm họa".

"Đài kiểm soát không lưu đã phát hiện vấn đề vừa kịp lúc và báo cho phi công hủy bỏ hạ cánh", biên tập viên của 9 News Melbourne nói.

Các tờ báo của Anh cũng nhanh chóng đưa tin về sự việc. Tờ Independent của nước này đưa tin về sự cố với tiêu đề "Máy bay hủy hạ cánh khi suýt hạ cánh không có bánh".

Trích dữ liệu từ bên thứ ba, tờ Independent nêu rõ máy bay của Vietnam Airlines chỉ còn cách mặt đất hơn 200 m trước khi nhận được tín hiệu của kiểm soát không lưu và khẩn cấp thực hiện hạ cánh lần hai.

Daily Mail cũng đưa tin về sự cố của Vietnam Airlines với tiêu đề "Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Melbourne đã buộc phải hủy hạ cánh sau khi tổ lái quên hạ càng.

Yếu tố con người?

Bản tin về sự cố tại Melbourne của Vietnam Airlines trên trang The Aviation Herald, chuyên trang tổng hợp các sự cố hàng không, đã thu hút rất nhiều lượt bình luận từ thành viên, chủ yếu là phi công, thợ máy và người đam mê hàng không.

Nhiều thành viên đặt dấu hỏi về việc vì sao phi công Vietnam Airlines không để ý tới hệ thống báo động âm thanh khi càng hạ cánh chưa được thả trong quá trình máy bay chuẩn bị hạ cánh.

"Chúc mừng đài kiểm soát không lưu Melbourne, các bạn đã giúp tránh được một thảm họa. Tôi nghĩ rằng sự cố là do yếu tố con người. Tôi không nghĩ hệ thống trên máy bay đã không cảnh báo phi công cả bằng âm thanh và hình ảnh", thành viên Julian Dannevig bình luận.
"Nếu bạn hỏi liệu đài kiểm soát không lưu có nhìn được càng máy bay chưa hạ vào ban đêm hay không thì gần như là không", thành viên Jason H cho rằng may mắn là chuyến bay được thực hiện vào buổi sáng.
The Aviation Herald đánh giá vụ việc của Vietnam Airlines ngày 19/9 ở mức Sự cố (Incident), xếp sau mức Tai nạn (Accident) và Va chạm (Crash). ATSB cũng xếp sự cố của hãng ở mức Sự cố.
ATSB đang tiếp tục thu thập thông tin điều tra. Tổ bay thực hiện chuyến bay trên của Vietnam Airlines đã được ATSB triệu tập để cung cấp thêm thông tin.
Đại diện hãng cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách tại Australia để kiểm tra và làm rõ sự việc.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện hãng xác nhận sự cố và cho biết sẽ cung cấp thông tin sau khi có kết quả làm việc với cơ quan chức năng Australia.

Monday, September 23, 2019

10 ĐIỀU NÊN BIẾT KHI ĐI BỆNH VIỆN

Tác giả: Nguyễn Thanh
1. Đừng nghĩ bệnh viện là nơi thể hiện quyền lực cá nhân.
Bạn có làm “sếp” ở đâu, có hô mưa gọi gió thế nào, đến bệnh viện cũng chỉ ngang hàng như các bệnh nhân khác. Nên cứ khiêm nhường lắng nghe, tuân thủ y lệnh sẽ có lợi hơn rất nhiều. Bác sĩ nói chung và nhân viên y tế nói riêng cũng sẽ không thích thú khi nghe câu: Tôi là người nhà của ông A, bà B, tôi là nhà báo, tôi là công an, ... đâu nhé!
Bạn cũng đừng tận dụng các mối quan hệ trong bệnh viện để chen ngang. Hãy cư xử văn minh ngay cả khi phải phải xếp hàng chờ khám/chờ làm xét nghiệm. Thử nghĩ xem, tất cả những người đang chờ đợi đều là bệnh nhân, có người tuổi như bố mẹ mình ở nhà mà mình lại chen ngang, thật là không nên. Khi bạn chen ngang không chỉ gây cảm giác khó chịu cho những người bệnh và nhân viên y tế, mà đôi khi còn gây những cãi cọ/xung đột không đáng có, gây mất an ninh trật tự và sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới bác sĩ của bạn nhé.
2. Ăn mặc cũng phải lịch sự và đúng mực. Ăn mặc quá hở hang có thể gây bối rối cho bác sĩ và những người tiếp xúc với bạn. Cũng không nên mặc váy (trừ trường hợp váy dành cho bà bầu) vì đôi khi sẽ gây bất tiện, ví dụ như trường hợp phải nằm và vén cao để siêu âm ổ bụng. Không nên mặc quần áo quá chật, ví dụ như không thể vén cao tay áo để các bác sĩ có thể đo huyết áp và khám chi trên được dễ dàng hơn nhé.
3. Đừng trang điểm đậm đà vì đôi khi sắc mặt, màu môi của bạn là cơ sở để các bác sĩ chẩn bệnh. Ví dụ như bạn bị thiếu máu (môi nhợt nhạt) mà bôi son môi hoặc săm môi có thể sẽ không nhận biết được (Tất nhiên là khám thiếu máu không chỉ khám môi, mà còn phải khám da và niêm mạc ở những vị trí khác nữa).
4. Đừng dùng đại từ xưng hô quá thân mật với bác sỹ, trừ khi đó là người nhà hoặc bác sĩ “ruột” của bạn. Khi vào khám, nên giữ thái độ điềm tĩnh, chọn đại từ xưng hô trung tính là “Bác sĩ” và “Tôi”. Nên dù bệnh nhân đã có tuổi nhưng cũng đừng buồn vì bác sĩ chị gọi mình là “bác” và xưng “tôi” nhé. Mình đã thấy nhiều chị 40-50 vẫn nói với bác sỹ chỉ gần 30 “anh ơi, em bị đau”; hoặc nhiều chị chỉ khoảng 50 tuổi nhưng lại gọi bác sĩ kém mình một vài tuổi bằng cháu xưng bác (có thể do vùng miền nữa) nên nhiều bác sĩ có thể có cảm giác khó chịu và mất thiện cảm với bạn. Đại từ tiếng Việt mình nhiều khi nhạy cảm, nên vào bệnh viện mình cần thận trọng.
5. Đừng kể lể dài dòng. Hãy tập cách nói ngắn gọn về bệnh trạng của mình. Điều này nếu bạn có con nhỏ, bạn cũng nên “tập luyện” cho con bằng trò chơi bác sỹ. Hãy giúp con có thể diễn tả thông qua việc làm mẫu: Mẹ thấy đau ở bụng, thi thoảng mẹ thấy đau đầu, có cảm giác như có con vật gì bay qua trước mắt; Mẹ bị đau răng, phía trong hàm, bên phải, nếu ấn vào má thấy đau… Kiểu như thế. Mình đã chứng kiến những người bệnh kể xong một hồi là bác sỹ tá hỏa tam tinh, bối rối thậm chí không hiểu gì luôn, rất bất lợi cho người bệnh. Nên cần thiết phải tập.
6. Đừng cố gắng “bắt bệnh” thay cho bác sỹ. Nhiều người vừa ngồi xuống là “em đau bụng lắm, em bị ruột thừa rồi”, “em bị sỏi thận, chắc nó đang đi xuống bàng quang”… nói chung nghe qua không biết ai là bác sỹ, ai là bệnh nhân. Việc bạn tự chẩn bệnh như vậy có thể gây khó chịu cho bác sỹ hoặc đôi khi có thể làm sai lệch những định hướng của của họ. Việc của bạn là hãy kể tình trạng của bạn một cách trung thực và đầy đủ để bác sĩ của bạn có định hướng chẩn đoán chính xác và khách quan hơn nhé.
7. Đừng tỏ vẻ coi thường bác sỹ, coi thường những người phục vụ trong bệnh viện. Họ biết cả đó. Chính sự tôn trọng của bạn sẽ khiến họ thận trọng hơn trong cách phục vụ. Hãy bỏ ra đầu ý nghĩ: Ông này/ bà này muốn vòi vĩnh gì đây; hoặc: Mình bỏ tiền ra thì họ phải phục vụ mình. Bạn cứ tuân thủ đúng nội quy, làm đúng hướng dẫn, khi ấy nếu có bất cứ vấn đề gì bạn đều có thể giải quyết được. Tất nhiên sẽ có những nơi, những người mà y đức không cao. Nhưng thực sự mình thấy con số đó không nhiều. Sự tử tế sẽ được đền đáp bằng sự tử tế. Các bác sĩ khi tiếp xúc với những người bệnh điềm tĩnh, tử tế và lịch thiệp cũng sẽ phải lịch thiệp và cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói thôi.
Các bạn cũng đừng động cứ một tí là lại dấm dúi nhét tiền/phong bì vào túi bác sĩ nhé. Không phải ai cũng thích những hành động như vậy đâu ạ.
8. Bệnh viện không phải là công viên, đừng âu yếm, thân mật nhau quá. Mình rất nhiều lần phải quay mặt đi khi thấy những bạn ôm ấp nhau khi chờ khám, khi trong phòng bệnh. Đành rằng người bệnh cần được an ủi nhưng một cái nắm tay khe khẽ là đủ rồi.
9. Đừng đi cùng quá nhiều người nhà trừ trường hợp thật cần thiết. Nhiều khi một bệnh nhân mà cả chục người nhà, như một cuộc diễn tập thể hiện tình cảm gia đình, sợ lắm. Trường hợp cần nghe ý kiến bác sĩ hoặc được bác sĩ giải thích về bệnh, chỉ cần 2-3 người nhà có quyền quyết định là đủ. Quá nhiều người nhà bủa vây sẽ gây áp lực, khó chịu và bối rối không cần thiết cho các bác sĩ đâu nhé.
10. Trừ những bệnh nhè nhẹ còn lại nếu bệnh nặng, có thể có “double check”, tức là kiểm tra đối chứng với cơ sở y tế khác, bác sỹ khác, hoặc nếu bạn có người quen/người nhà làm nhân viên y tế thì càng tốt. Vì bác sĩ cũng là người, máy móc cũng có thể có sai sót nên ai cũng có thể/có lúc mắc sai lầm, nhầm lẫn. Tuy nhiên cũng không cần thiết phải chạy quá nhiều nơi/nhiều bệnh viện sẽ gây những tốn kém và hoang mang không cần thiết. Bạn nên tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để kiểm tra lại nhé. Nếu phát hiện ra có sai sót, nhầm lẫn, bạn nên gặp lại để trao đổi trực tiếp với bác sĩ đã khám cho bạn. Tránh làm ầm ĩ lên hoặc gọi điện ngay cho đường dây nóng mà chưa tìm hiểu kỹ. Trừ những trường hợp sai sót rất nghiêm trọng, cần đến pháp luật can thiệp và xử lý (cần đến luật sư, công an, sự can thiệp của lãnh đạo trong bệnh viện), còn những trường hợp hoàn toàn có thể sữa chữa hoặc khắc phục được thì hãy tạo cho các bác sĩ/nhân viên y tế có cơ hội sửa sai và rút kinh nghiệm. Khi họ mắc/phát hiện ra có sai sót thì bản thân họ cũng đã rất day dứt, áy náy rồi; và họ cũng sẽ rút ra được bài học cho riêng mình, để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn. Tha thứ được thì cũng nên tha thứ, để lòng mình được nhẹ nhàng hơn nhé.
Sưu tầm Facebook GS.Tôn Thất Tùng

Sunday, September 22, 2019

Bi kịch SAM-3 và chuyện bây giờ mới kể


Nếu như SAM-3 và khí tài ngày ấy về kịp thì có lẽ cục diện chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã khác. Với SAM-3, cuộc đánh trả và chiến thắng B-52 sẽ còn ngoạn mục hơn. Và có lẽ, những đồng đội tôi dẫu phải hy sinh nhưng sẽ ở một tư thế khác!

Góc khuất cuộc chiến

Những ngày ác liệt Hà Nội đánh B-52, nhiều người sau này đều biết chúng ta chỉ có tên lửa SAM-2 mà tới những ngày cuối chiến dịch Linebacker II (cứu nguy khung thành) cơ số đạn cũng gần cạn!

Thời điểm đó ta đã có tên lửa SAM-3 với tính năng vượt trội hiệu suất tiêu diệt B-52 rất cao không?

Câu trả lời là: dở không, dở có!

Câu chuyện sau đây là một bi kịch chiến tranh!

Tôi đã gặp cựu binh Hoàng Tích Lạc.

Có thể nói ông Lạc, Hoàng Tích Lạc, được may mắn vây bọc trong một gia đình danh giá. Cụ thân sinh và cả nhạc phụ ông nữa ta đều có thể tìm thấy nhiều dòng trong Wikipedia. Hoàng Tích Lạc là con trai thứ 3 của cụ Hoàng Tích Trí, Giáo sư bác sĩ, đại biểu QH khóa I, một chuyên gia hàng đầu về ngành vi trùng học, từng học ở Paris, sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1946 đến năm 1958 (năm giáo sư qua đời) Cả 4 người con của cụ Hoàng Tích Trí đều theo ngạch y dược. Người chú và một người anh ruột của ông Lạc đều được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Lạc nhiều năm là Tổng giám đốc Tổng công ty thiết bị Bộ Y tế. Nhạc phụ ông Lạc là Giáo sư bác sĩ, thiếu tướng Vũ Văn Cẩn, nguyên Cục trưởng Cục Quân y rồi Bộ trưởng Bộ Y tế. Tấm giấy khai sinh của ông Hoàng Tích Lạc cũng khá lạ, bởi hai người làm cái việc chứng sinh và ký vào giấy là hai danh nhân nước Nam ta, bác sĩ Vũ Đình Tụng và bác sĩ Vũ Văn Cẩn.

Được bao bọc một cách may mắn như thế, nhưng như bao chàng trai Hà Nội khác, anh sinh viên Trường đại học Bách khoa HN, ở tuổi 20, Hoàng Tích Lạc năm 1968 nhập ngũ. Lo xa tính chắc, có thể nói cơ chế nước mình đã ưu ái cung đốn cho Quân chủng Phòng không – Không quân non trẻ thời điểm những năm giữa 60 ấy những thanh niên ưu tú cả về học vấn lẫn sức khỏe, sớm làm chủ được các loại vũ khí, khí tài hiện đại để đương đầu đối chọi với một kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân. Nhiều đợt bổ sung quân cho Quân chủng là những kỹ sư, sinh viên ưu tú của nhiều trường đại học trong nước và ở nước ngoài về.

Qua ông Lạc, tôi gặp được một vị cựu binh, đại tá Nguyễn Ngọc Quý nhập ngũ năm 1965 (học cùng lớp ở Đại học Bách khoa với anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều). Thêm chi tiết, ông Quý quê Thái Bình, gọi nhà văn Chu Văn là chú ruột.

Mùa xuân năm 1972 (ông Quý đến lúc ấy đã có nhiều năm là cán bộ giảng dạy khoa Tên lửa, Học viện Kỹ thuật quân sự) thiếu úy Nguyễn Ngọc Quý đang giảng cho khóa 2 đào tạo chuyên ngành tên lửa phòng không cho một đơn vị bộ đội đóng ở gần thị xã Vĩnh Yên thì có chiếc xe con từ Hà Nội lên đón, đi nhận nhiệm vụ đột xuất. Thày trò trong trường đều nghĩ thiếu úy Quý đi B. Nhưng về Hà Nội, ông Quý mới được biết Ban Giám hiệu Học viện cử một số giáo viên thạo tiếng Nga và am hiểu kỹ thuật tên lửa nhập vào 2 trung đoàn lên lửa của Quân chủng PK-KQ sang Liên Xô học chuyển loại khí tài mới và trực tiếp nhận khí tài về Hà Nội. Nhiệm vụ ấy được coi là tuyệt mật. Cán bộ chiến sĩ cả 2 trung đoàn không được phép viết thư cho người thân kể cả người nhà, không cho biết đi đâu, làm gì… Hoàng Trong Lạc (khi đó là kỹ sư đang công tác tại Viện Y học hàng không cũng được điều động gấp về trung đoàn, chủ yếu làm nhiệm vụ phiên dịch), cùng đơn vị với Nguyễn Ngọc Quý.

Đêm ấy, 2 trung đoàn lèn chặt trên các xe tải quân sự bí mật hành quân ngược bắc. Vượt biên giới Việt-Trung, đến ga Bằng Tường toàn bộ quân phục bỏ lại thay bằng đồ com lê cà vạt. Tất cả lên tàu hỏa trực chỉ hướng Bắc Kinh. Rồi từ Bắc Kinh tàu chạy xuyên ngày xuyên đêm thẳng tới Trung tâm huấn luyện tên lửa Sitenchai gần thủ phủ Bacu của Azecbaizan.

Làm chủ “Át” để trị át chủ bài

Đại tá Quý kể lại rành rọt buổi sáng ấy trung đoàn được diện kiến vị đại tá trưởng trung tâm Sitenchai cao to có chất giọng sang sảng. Đại tá nói thẳng băng, đại ý xin chào các chiến sĩ quân đội NDVN bé nhỏ nhưng anh hùng! Tôi xin nói trước, để làm chủ vũ khí khí tài hiện đại này, các bạn phải mất ít nhất 18 tháng. Nhưng các bạn chỉ yêu cầu có 8 tháng thì thật tình, tôi rất ái ngại. Vậy để hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí phải cố gắng thật cật lực!

Vị thiếu tá, chính ủy phụ trách quân ta khi đó đã đứng lên dõng dạc ngắn gọn dứt khoát rằng vì Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt, không chỉ 8 tháng mà chúng tôi xin quyết tâm hoàn thành trong thời gian ngắn nhất có thể.

Và thế là khởi đầu cho một cuộc đua nước rút. Học ngày học đêm. Học và thực tập mọi nơi, mọi lúc. Tiếng là được sang học nước ngoài nhưng cán bộ chiến sĩ trung đoàn không được đi tham qua ngắm ngó đâu cả. Vì thế cánh phiên dịch như Hoàng Trọng Lạc cứ bở cả hơi tai, trừ mỗi khi ngủ, chứ kể cả lúc ăn, ngày đêm theo sát giảng viên và đồng đội.

...Ông Lạc bảo, vâng, mãi đến khi ấy, chúng tôi mới được tận mắt tận tay tiếp cận với loại vũ khí khí tài đặc biệt có tên là SAM-3 này.

Qua đại tá Quý, tôi được biết thêm, ngày 1.5.1960 tên lửa SAM-2 được sử dụng trong tác chiến lần đầu tiên tại Liên Xô. Tại tỉnh Sverdlovsk của Liên Xô, đơn vị tên lửa SAM-2 đó bắn rơi một chiếc U-2 trinh thám của Mỹ, bắt sống phi công Francis Gary Powers. Năm 1958, hệ thống SAM-2 được Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc. Ngày 7.10.1961, đơn vị tên lửa SAM-2 của Trung Quốc tại vùng Hạ Môn bắn rơi một máy bay trinh sát RB-57 của không quân Đài Loan. Ngại SAM-2, trong những năm tiếp theo, Đài Loan đã phải chấm dứt các chuyến bay trinh sát vào vùng trời Trung Quốc.

Tháng 10.1962, xảy ra vụ khủng hoảng tên lửa tại Cuba, các đơn vị SAM-2 do chuyên gia Liên Xô điều khiển cũng bắn rơi một máy bay U-2 của Mỹ.

Tên lửa SAM-2 có mặt tại các trận địa phòng không miền Bắc vào ngày 27.3.1965 do Liên Xô và Việt Nam ký hiệp nghị viện trợ quân sự, trong đó Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 4,5 cơ số tên lửa SAM-2 (54 quả) cùng toàn bộ khí tài, trang bị kỹ thuật kèm theo để thành lập 2 trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh, tên lửa SAM-2 là một trong những vũ khí phòng không chủ lực để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số trọng điểm khác. Ngày 24.7.1965, hai tiểu đoàn tên lửa 63, 64 của trung đoàn tên lửa 236 (Đoàn Sông Đà) trong trận đầu xuất quân có sự tham gia của chuyên gia Liên Xô do các thiếu tá Boris Mojayev và Ivan Ylinysh hướng dẫn điều khiển đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F-4C trên vùng trời Hà Tây - Hòa Bình.

Bộ đội tên lửa Việt Nam thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc - Ảnh: Tư liệu/Internet

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 1964-1968 và 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 đã đánh 3.542 trận, có 588 trận ban đêm, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ, 366 chiếc rơi tại chỗ, trong đó có 43 máy bay B-52, bình quân 7,1 quả đạn diệt được 1 máy bay.
Cũng cần nói thêm, sở dĩ Mỹ có những cải tiến đối phó với SAM-2 gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho bộ đội phòng không của ta, duyên do khoảng năm 1967, quân đội Ai Cập không chịu nổi cuộc tấn công của các binh đoàn thiết giáp Israel đã tháo chạy khỏi sa mạc Sinai bỏ lại hơn 20 bộ khí tài SAM-2 (còn gọi là C-75) do Liên Xô viện trợ. Từ những thứ chiến lợi phẩm đó, rất thính nhạy, guồng máy kỹ thuật quân sự của Lầu Năm Góc đã hoạt động tối đa. Chỉ mấy tháng sau, ngày 15.12.1967, có 44 phi vụ máy bay cường kích Mỹ đánh phá cầu Đuống. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội phóng lên 8 quả đạn nhưng đều không điều khiển được, hoặc rơi xuống đất, hoặc vượt mục tiêu tự hủy. Sở dĩ có hiện tượng trên là do không quân Mỹ đã chế ra máy phát nhiễu ALQ-71 gây nhiễu toàn bộ rãnh sóng điều khiển đạn tên lửa và rãnh sóng xung trả lời của đạn (gọi chung là nhiễu rãnh đạn). Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, bộ đội phòng không Việt Nam phối hợp với các chuyên gia Liên Xô phát hiện ra dải tần số và cường độ của loại nhiễu này. Ta đã khắc phục bằng phương pháp át nhiễu, nâng công suất sóng trả lời của đạn và sóng điều khiển đạn lên gấp 3 lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu.
Tiên liệu Mỹ chỉ thua trên bầu trời Hà Nội khi chỉ dùng át chủ bài B-52 đánh Hà Nội của cụ Hồ đã khiến Quân chủng Phòng không - Không quân có thời gian chuẩn bị. Để đối phó hữu hiệu với B-52, ngoài SAM-2, liệu có muộn không khi 2 trung đoàn của quân chủng sang Liên Xô thời điểm đó? Có lẽ chả nên đặt câu hỏi đại loại như thế vào thời điểm nhạy cảm ấy. Dù sao hai trung đoàn của Quân chủng đã có mặt ở Sitencha học SAM-3...
Tiếc nuối
Chuyện với hai vị cựu binh tên lửa, biết thêm một điều thú vị. Bên phương Tây trần thùi lụi gọi thứ vũ khí không đối đất này là SAM (Surface to Air Missle) Nhưng người Nga đặt cho thứ tên lửa do Liên Xô sản xuất bắt đầu bằng những cái tên hơi bị thơ mộng, tên những dòng sông. Chẳng hạn như SAM-2 là Đơvina- 75 (Đơvina là tên một dòng sông), tương tự SAM-3 là C-175 (Neva 175)…
Cũng theo đại tá Nguyễn Ngọc Quý, SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô nhằm bổ sung cho SAM-2. Nếu chép ra những thông số kỹ thuật e mất thời giờ của bạn đọc. Tóm lại SAM-3 có nhiều tính năng vượt trội so với SAM-2. Tầm bắn hiệu quả hơn, cơ động dễ dàng hơn, có hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu di động. Nó cũng có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp hơn. Đặc biệt nó có khả năng chống lại hệ thống đánh lạc hướng điện tử tốt hơn so với thế hệ SAM-2, v.v... SAM-3 được triển khai lần đầu vào khoảng thời gian 1961-1964 xung quanh thủ đô Moskva nhằm bổ sung vào hệ thống phòng không.
SAM-3 được liên tục cải tạo. Sau đó một phiên bản nâng cấp của hệ thống có tên là S-125M (Neva-M) và sau này là S-125M1 (Neva-M1) đã được chế tạo.
Vẫn câu chuyện của ông Lạc, ông Quý. Qua những tháng miệt mài ngày đêm khổ luyện, các học viên đã ra trường bắn để thực tập bắn đạn thật, tập bắn mục tiêu giả. Tin vui loang nhanh, sau khi nghiệm thu khí tài và kỹ thuật, bạn đã đồng ý cho ký kết việc tiếp nhận trang bị. Một cảm giác bồi hồi sung sướng khi thiếu úy Quý được sĩ quan điều khiển của bạn mời ký vào một vị trí dễ nhận trên mặt một thiết bị. Các giáo viên bắt tay, vỗ vai Quý nói rằng chữ ký trên khí tài này sẽ theo Quý và các sĩ quan về trận địa tên lửa phòng không SAM-3 ở Bắc Việt Nam!
Đường về như ngắn hơn. Khi đó ai cũng nghĩ, chỉ khoảng nửa tháng nữa thôi là những quả tên lửa SAM-3 và toàn bộ khí tài theo đường sắt liên vận về đến ga Đông Anh. Đêm 8.12.1972, trong đội hình của 2 trung đoàn tên lửa SAM-3, tiểu đội của Quý, Lạc được chuyển về đóng quân ở huyện Đông Anh, xã Vân Nội - Uy Nỗ. Lệnh trên cấm trại để đảm bảo bí mật. Không khí trận mạc đã phảng phất đâu đây. Nóng ruột nhất có lẽ là thiếu úy Trần Quốc Dung. Dung từng tốt nghiệp xuất sắc khoa Vật lý lý thuyết, Trường ĐH Lomonosov (Liên Xô), về nước mới nhập ngũ. Biết những quả đạn SAM-3 chả thể có cánh mà bay về nhưng Dung cứ nóng ruột đòi cấp trên phải đưa tiểu đội anh về một đơn vị chiến đấu. Thêm một tin làm cả tiểu đội vui mừng: Dung vừa nhận được tin vợ đẻ con trai. Một cuộc liên hoan nhẹ của cả tiểu đội chiều 18.12 vừa kết thúc thì cả một vùng ngoại thành như trời long đất lở khởi đầu cho cuộc tập kích của B-52.
Ngồi trong căn hầm chữ A, cả tiểu đội sục sôi những bàn luận cùng tâm trạng. Có những lúc họ nhoài lên nóc hầm. Ngó những vệt SAM-2 đỏ khé vút lên, Quý rên lên “trời ơi, giá như lúc này có bộ khí tài PK và tổ hợp tên lửa SAM-3 mà về kịp thì bọn B-52 chúng mày còn khốn”. Tiếng Sơn, Oanh bảo nhau “chúng mày tính xem, trần bay trên dưới 10km, xác suất tiêu diệt 2 quả đã tới trên 0,82 thì B-52 cứ gọi là rụng như sung”. Tiếng Huỳnh “tao cho là cấp trên đã tính trước nên trên mới điều chúng mình về gấp như thế này”... Ai đó thở dài “đã quá hạn nửa tháng thế mà tàu hỏa chở SAM-3 qua đất Tàu không biết trục trặc chuyện gì? Chắc là do Thông cáo chung Thượng Hải đây mà”…
Day dứt bực bội... Tâm trạng ấy đeo bám những người lính SAM-3 những ngày kế tiếp, trời Hà Nội vẫn ầm vang, mịt mù khói đạn. Ra trận mà, hỡi ôi, không có súng!
Ông Quý kể, đêm gần sáng 21.12 đột nhiên có tiếng nổ dữ dội cùng những vầng sáng chói lòa kế tiếp. “Đang nằm ôm thằng cu con chủ nhà, tôi bật dậy chạy ra sân kho nơi gần căn hầm chữ A mà tiểu đội tôi ẩn. Căn hầm đã sập. Lạc đang bế Dung nhoài ra, máu me đẫm cả người. Lại thấy hai bàn chân thò ra cửa hầm. Hối hả moi được ra thì là Sơn. Nhưng Sơn đã tắt thở từ bao giờ. Cả bọn thi nhau hô hấp nhưng hoàn toàn vô vọng”.
5 giờ chiều 21.21.1972 ảm đạm đó, anh em tiểu đội gồm Huynh, Lạc, Hiển, Từ, và Quý lê những bước nặng nề tiễn đưa 7 anh em, những Trần Quốc Dung, Oanh, Sơn, Tuyển, Lâm, Mai... đi an táng tại nghĩa trang xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
Ông Lạc thở dài, bảo tôi gọi điện cho anh không phải là việc nói lại cho đúng, không phải 2 tiểu đoàn mà là 2 trung đoàn đã về nước thời điểm đó, mà là để sẻ chia cảm giác ân hận, nuối tiếc đã đeo bám chúng tôi suốt 40 năm nay. Nếu như SAM-3 và khí tài ngày ấy về kịp thì có lẽ cục diện chiến dịch Linebacker II đã khác. Với SAM-3, cuộc đánh trả và chiến thắng B-52 sẽ còn ngoạn mục hơn. Và có lẽ, những đồng đội tôi dẫu phải hy sinh nhưng sẽ ở một tư thế khác!
Và như thế, từ năm 1972 về sau, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc tiếp theo, chưa có một quả đạn SAM-3 nào được phóng lên! Cơ số hơn 200 quả tên lửa SAM-3 về trễ ngày ấy, đã hơn 40 năm nay vẫn nằm trong kho với chế độ… bảo dưỡng.
Chia tay các ông Quý, Lạc, tôi biết thêm, sáng mai 21.12, mấy anh em còn lại trong tiểu đội sẽ đến nghĩa trang Uy Nỗ thắp cho Trần Quốc Dung và các anh em nằm đó những nén hương tưởng nhớ. Nghĩa trang giờ chỉ còn phần mộ của Trần Quốc Dung. Những phần mộ còn lại trước đó đã được gia đình đưa về quê.
Lệ thắp hương ấy, 40 năm rồi, năm nào cũng vậy, vào đúng ngày 21.12.
Các máy bay Mỹ trong chiến dịch quân sự cuối cùng - trận mưa bom Giáng sinh 1972. Trong hình là 1 tốp bay, trong đó gồm các máy bay tiêm kích F-4 (Con ma) & cường kích F-105 (Thần Sấm) đang bay vào tọa độ lửa của Bắc VN
Xuân Ba