Wednesday, September 4, 2019

Thuật ngữ mới và dịch

Trước kia tôi cho rằng bản dịch chỉ dùng cho những người có yêu cầu tri thức giản đơn. Những người có nhu cầu hiểu sâu sắc cần phải đọc bản gốc. Có thể ở mức độ phát triển trước kia điều đó phần nào đúng: có khối điều hiển nhiên cần tiêu hoá bởi đám đông trước khi các phần tử elite có thể đẩy xã hội tiến xa hơn.
Ngày nay tôi thấy các bản dịch có vai trò quan trọng để hoà vào kho tri thức của dân tộc. Ngay cả đối với những người có thể đọc bản chính, tri thức kết tinh bằng tiếng mẹ đẻ có khả năng kết nối và kích hoạt các suy nghĩ liên quan tới Việt Nam nhiều hơn. Một mặt các thành ngữ dịch sẽ giúp bổ túc các khiếm khuyết, nhác nhớm trong suy nghĩ và thiếu quả cảm trong hành động của người Việt. Tôi thấy các thành ngữ như “vượt sông Rubicon”, “vinh quang trần gian đã trôi qua như vậy” sẽ giúp cảnh tỉnh thói bảo thủ và kiêu căng của dân Việt. Ai bảo ngôn từ không ảnh hưởng tới tư duy?
Điều thứ hai là dịch sẽ hình thành việc đưa các khái niệm mới, mà người Việt còn mơ hồ vào Việt Nam do môi trường sống hiện tại của họ chưa có sẵn điều đó. Người Việt hay cãi nhau chuyện vô bổ như Lý Toét Xã Xệ cãi nhau khi ra tỉnh nhìn thấy những cái không có trong làng. "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh" là một ví dụ. 
Các khái niệm mới phần lớn đòi hỏi từ mới, đa số là thuật ngữ chưa có sẵn trong tự vựng Việt. Tôi thực sự phân vân với các cụm từ “platform”, “paradigm” hay “thể chế”, “bất khả quy” người Việt dùng đã thoả đáng chưa và dùng có đúng với nghĩa mà chúng cần có hay không. Hiện nay có một số phe nhóm vẫn cãi nhau chí choé về việc tạo thuật ngữ, thay vì bắt tay tạo thuật ngữ thực sự bằng các bản dịch thật tốt. Người thì cho là cần Việt hoá, thực chất là dùng từ Hán Việt theo quy tắc tự tạo ra theo chủ quan. Người thì cho là phải dùng thuật ngữ Tây, và sa vào tranh luận Tây là Pháp, Anh, Đức hay Nga và phải đọc thế nào. Cãi nhau hồi lâu người ta quên phắt mục đích và biến phương tiện thành mục đích duy nhất. Thực ra, trong tiếng Việt có từ Pháp, Anh, Hán, Thái, Mã Lai, Chiêm Thành và từ học được từ hầu hết các dân tộc thiểu số. Túm lại đi lâu thì thành đường, từ mới chế theo nguyên tắc gì cũng được miễn là được dùng nhiều. Muốn dùng nhiều trước hết phải dịch thật nhiều. Các bản dịch sử dụng tốt các từ mới sẽ có giá trị lâu dài hơn và ngược lại bản dịch tốt sẽ làm chuẩn mực cho các từ mới.
Tôi phản đối việc mạo danh “sáng tạo”, “mềm mại” hoặc “Việt hoá” để giản lược các khái niệm, tư tưởng, ý niệm mới thành các đối tượng quen biết với người Việt. Đó là một sự phản bội đối với tác giả, giống như dịch pizza thành bánh xèo, Dianna thành Nam Phương hoàng hậu, Homere thành Cuội... hoặc còn tệ hơn thế. Không có gì đảm bảo dịch giả hiểu hết ý tác giả, và trong trường hợp không chắc chắn, dịch giả phải tra cứu thật kỹ điển tích, văn hoá, điều đó không đơn thuần là hỏi một người bản ngữ rồi nói "tao đã hỏi Tây". 
Ngược lại không ít dịch giả mượn cớ dịch “sát” để che dấu thiếu am hiểu về thành ngữ, phương ngôn, điển tích là những cái không thể dịch chỉ bằng từ điển và ngữ pháp, cũng như không có tri thức về vấn đề đang dịch. Dịch phải vừa “tín” vừa phải “đạt”. Có lý nào không tín lại đạt, hay không đạt mà tín được. Vì thế tôi rất ngờ các dịch giả đối lập hai mặt "tín" và "đạt". "Tín" trước hết phải đúng ý tối thiểu, đó cũng là "đạt" ở mức tối thiểu. Sau đó "tín" phải đúng ở ẩn ý, ngụ ý ở các tầng sâu hơn, vì thế dịch giả phải sống cùng tác giả, đọc kỹ văn cảnh, hoàn cảnh ra đời, thậm chí các điển tích của văn bản và đối chiếu với mạch logic của văn bản. Đó cũng là "đạt" ở mức cao hơn. Sau đó "tín" lại phải truyền đạt được "hơi thở", "tình cảm" của mạch văn. Mạch văn trơn tru uyển chuyển, thì bản dịch không thể gồ ghề, nhát gừng. Nhà hùng biện như nước chảy không thể dịch thành giọng cắm cảu như chó cắn ma. Đó lại là "đạt" hơn mức. Văn Tây, Tàu đều có nhịp điệu, ngắt ở đâu, trọng âm ở đâu đều quan trọng. Tôi tán thành ông Thái Bá Tân dịch Sonnet của Shakespear thành các câu thơ 9 chữ hơn là quan điểm của Xuân Diệu dịch thơ Tây thành thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn hay lục bát, cho rằng thế mới có hồn thơ Á Đông. Cụ Nguyễn Trãi viết Quốc Âm đã dùng các câu 5, 6 chữ chèn vào giữa các đoạn thất ngôn, nghe rất thú vị, cũng là một hơi thở, mạch tư duy khác, tươi trẻ hơn nhiều so với các nhà Thơ Mới nhưng cổ hủ. Đọc thơ Shakespeare dịch ra thể 8-9 chữ tiếng Việt, thấy có một phong vị khác thơ Đường hay ca dao Việt. Đó chính là "tín" vừa "đạt" ở mức cao. 
Tất nhiên không có bản dịch hoàn hảo, và cơ hội sáng tạo của dịch giả là vô tận. Nhưng điều đó không có nghĩa không có một chuẩn mực tối thiểu nhất định cho các bản dịch. Điều đó cần trở thành đạo đức nghề nghiệp dịch thuật. Tôi cho rằng dịch giả có lương tâm cần tìm hiểu cho đến khi không còn ngờ vực về cả từ ngữ lẫn ý tưởng, bản dịch không được còn những điểm vô lý, mù mờ. Tất nhiên hiểu biết của dịch giả có hạn, ngay cả khi thông suốt vẫn có thể còn vấn đề, nhưng dịch giả phải chắc chắn là đã dốc hết tâm huyết. Tôi đã thử dịch thử lại một số đoạn trong sách kinh điển bằng chữ Hán là ngôn ngữ tôi không hề thông thạo. Nhưng kiên trì tra cứu, sử dụng công nghệ tôi phát hiện vô khối đoạn dịch sai và dịch ẩu, tạo ra ngộ nhận của dân tộc.
Quay trở lại việc chế tác thuật ngữ mới, tôi lại có quan điểm dễ dãi hơn. Dùng từ nguyên gốc tiếng phương Tây có ưu điểm là chính xác, dễ hội nhập, nhưng cũng có khó khăn về từ nguyên nên sức khêu gợi ngữ nghĩa không sâu. Bên cạnh đó lại khó đọc và nhớ mặt chữ với giới bình dân. Không thể phủ nhận việc có tới hơn 80% (nếu không hơn) từ tiếng Việt có gốc hoặc cấu thành bởi âm vị Hán Việt, mỗi âm vị lại có sức khêu gợi ý tưởng rất mạnh, không phải là vô ích. Ví dụ như clever trong tiếng Anh chỉ là một ý niệm, “thông minh” là từ Hán Việt gồm hai âm vị “thông” và “minh” cho ta thấy tiêu chí và thành phần cấu thành sự thông minh, cho ta nhiều ý tưởng mới. Tất nhiên tiếng Anh, Pháp cũng có từ nguyên, nhưng chúng không nằm trong từ vựng Việt nên người Việt không thể khai thác.
Tôi cho rằng có thể tạo thuật ngữ mới bằng nhiều cách khác nhau, dùng nguyên bản, dùng Hán Việt, pha chế lấy, phiên âm, dùng tiếng bồi, miễn là không sai lạc sang nghĩa khác (quan trọng nhất) và dễ dàng phổ biến (được chấp nhận) Không có gì ngăn cấm và cũng không hại gì nếu có nhiều từ khác nhau cho một thuật ngữ. Chúng ta có thể dùng Internet hoặc mạng (liên mạng) mà không cần dùng từ Hán Việt như “võng lạc”. Tôi nghĩ xà phòng là một từ du nhập tuyệt vời dù qua tiếng bồi. Vì vậy tôi thích cách các bạn trẻ dùng chữ “loát” hơn từ “tải về” hay “load”. Trong khi đó click hay hơn nhiều so với “kích” sai hoàn toàn về nghĩa tiếng Việt. Tôi không tán thành gọi nước kvax là xá xị Nga, hay ragout là bò kho Tây hoặc rựa mận Pháp, thắng cố là hổ lốn Hmong. Không có lý gì món ăn Hungari, Thổ Nhĩ Kỳ lại phải dịch ra tiếng Việt hoặc qua một thứ tiếng khác. 
Spagetti, salami, pizza, mozzarela, genoa hãy cứ là nguyên nghĩa hoặc thêm một từ Việt như mì spagetti, giò salami, bánh pizza, pho mai mozzarela, giò genoa.
Dịch là con đường cải cách ngôn ngữ Việt là một đề tài khác sẽ bàn sau.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

4 comments:

  1. Nguyễn Thành Nam: Với em thì khi dịch mình lại đâm ra hiểu rõ hơn bản gốc anh ạ!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Có khi là suy diễn chủ quan không phải ý tác giả. Cần cảnh giác vì đó không phải là hiểu.

      Delete
    2. Nguyễn Thành Nam: Aiviet Nguyen, không anh, mình phải tìm hiểu kỹ thì mới dịch được

      Delete
    3. Aiviet Nguyen: Nguyễn Thành Nam, Thế thì tốt và đúng là dịch sẽ đọc kỹ và hiểu kỹ hơn

      Delete