Sunday, September 8, 2019

MINH QUÂN VÀ HÔN QUÂN

Tự nhiên hôm nay nghĩ tới thế nào là minh quân, hôn quân.
Minh quân có thể có các mặt mạnh khác nhau. Có một số ông vua giỏi và có thể tốt như Hồ Quý Ly, Tự Đức không thể gọi là minh quân vì làm mất nước.
Triệu Vũ Đế, Triệu Văn Đế có thể xem là minh quân. Tuy nhiên, có lấy gì làm chắc, người Kinh Mường khi đó đã là thần dân của hai ông này. Mặt khác, đó là thời Việt Nam chưa thành quốc gia riêng, tạm thời không tính.
Đinh Tiên Hoàng giỏi quân sự, mưu kế, có công lập nước, nhưng xây dựng thể chế kém, không bền vững, lại uống rượu say để kẻ gian sát hại, do đó không thể gọi là minh quân. Lê Đại Hành có công chống giặc, có công giữ nước, nhưng được nước không đường hoàng, khi chết thể chế liền hủ bại, có thể gọi là vua giỏi nhưng không thể là minh quân. Bậc minh quân đầu tiên là Lý Thái Tổ. Các đời Thái Tông, Thánh Tông đều là các vua giỏi nhưng chưa đến mức minh quân. Đến đời Nhân Tông, vũ công văn trị đất nước phồn thịnh, tuy được hưởng công lao từ mẹ là bà Ỷ Lan, nhưng vua cũng có nhiều công lao, đáng gọi là minh quân.
Trần Thái Tông, được nước có phần may mắn, là vua hiền, chỉ hưởng kết quả công việc của Thủ Độ, không thể gọi là minh quân. Thánh Tông, Nhân Tông có công giữ nước, nhưng chế độ cai trị, mở mang kinh tế, giáo hóa dân trí chưa có gì đáng là bậc đế. Nhân Tông đáng tôn trọng, nhưng có thể gọi là bậc chân nhân bồ tát, nhưng chưa phải là một đế vương chuyên cần.
Minh Tông, Anh Tông có cố gắng nhưng thua xa cha ông. Trùng Quang Đế có thể gọi là vua anh hùng, nhưng nước mất nhà tan, không thể là minh quân. Lê Thái Tổ, có thể gần với chữ minh quân nhưng giết oan công thần nên người đời chưa cho là minh. Thánh Tông, được nhiều người cho là minh quân. Đúng là vua giỏi văn, giỏi chính trị, giỏi quân sự. Nhưng cũng giết oan công thần Lý Lăng, Lưu Nhân Chú. Nếu Lê Thái Tổ, có công cứu nước, võ công trùm đời, không phải là minh quân thì Thánh Tông cũng không thể là minh quân. Lại say mê tửu sắc, huy động sức dân vào chiến tranh, xây dựng đền đài xa hoa quá nhiều, khiến sức dân mỏi mệt. Vua mất là thể chế cũng suy yếu. Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh cũng là những ông vua giỏi, nhưng để Nguyễn Kim cát cứ chia cắt đất nước mà không có kế sách đánh dẹp cũng chưa đáng là minh quân. Như vậy các chúa Trịnh, Nguyễn và vua Lê thời phân tranh cũng không đáng nói, tuy có nhiều chúa giỏi.
Quang Trung giỏi quân sự, tôn trọng văn học, nhưng kém về tổ chức nhà nước, mới mất là thể chế đổ sụp, không thể gọi là minh quân. Nguyễn Gia Long đáng ra có thể gọi là minh quân, tuy nhiên cũng giết nhiều công thần. Minh Mạng, Thiệu Trị đều có thể gọi là minh quân.
Như vậy, lịch sử Việt Nam chỉ có Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông Minh Mạng, Thiệu Trị đáng gọi là minh quân mà thôi. Kết quả rà soát khá giật mình. Ba ông Lý Nhân Tông, Minh Mạng, Thiệu Trị đều không có tên đường. Rất nhiều ông vua có tên đường lại không phải là minh quân.
Hôn quân có khá nhiều. Lê Ngọa Triều, Lý Huệ Tông, Trần Nghệ Tông, Lê Tương Dực, Lê Uy Mục, Nguyễn Tự Đức. Trong các ông này dường như sử Việt có phần quá nghiêm khắc với Lê Ngoại Triều, Lê Tương Dực. Huệ Tông thực ra là vua điên. Nghệ Tông lẩm cẩm, gàn dở. Có lẽ đánh giá về Tự Đức hơi nhẹ, đều đổ cho các quyền thần ngu muội. Vua ngu thì quan mới ngu được. Có lẽ thế hệ sử gia gần đây đều bị ảnh hưởng bởi bài học luân lý nhồi sọ trong sách giáo khoa tiểu học "Đức hiếu của vua Dực tôn".
Đặc biệt trong các hôn quân, thi sĩ chiếm đa số, gồm 4 vị từ Nghệ Tông, Tương Dực, Uy Mục và Tự Đức đều sính thơ.
Nếu tính cả các vua Chiêm Thành, có lẽ sẽ đóng góp thêm vài ba minh quân, và một hai hôn quân.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

No comments:

Post a Comment