Monday, September 9, 2019

Địa lý, địa chính trị và tình yêu muộn màng

Tôi mới có một say mê mới là địa chính trị, có lẽ đây là tình yêu muộn màng. Hôm qua mới đọc chương mở đầu của một cuốn sách, mới chợt nhận ra cách dạy ở nhà trường đã giết chết ham mê của trẻ đối với một môn học như môn địa lý như thế nào. Từ đó suy ra không chỉ môn địa lý bị tình trạng thế này, ngay cả Toán, Văn, Vật lý, Sinh Vật, Lịch Sử,... chắc cũng tương tự ở một mức độ và hình thức khác. Chưa chừng cũng bị nhìn nhận méo mó.
Thời học phổ thông tôi cho rằng môn địa lý là môn chán nhất, vừa dễ, vừa lẩm cẩm, toàn phải nhớ những con số vô nghĩa, không có suy luận sáng tạo nào. Gặp các GS địa lý tôi đều nghĩ rằng họ không may không được tuyển vào học ngành khác. Tuy vậy, tôi rất thích xem bản đồ, tìm hiểu lịch sử và đi du lịch. Một cách tự giác, tôi cũng phải đọc các kiến thức liên quan tới địa lý. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến các kiến thức đó là một hệ thống trật tự.
Nếu dạy địa lý bắt đầu bằng địa chính trị thì sẽ tạo say mê cho học sinh và bắt họ động não nghĩ đến Grand Strategy là cái thanh niên nói riêng và người Việt Nam nói chung rất thiếu. Địa chính trị là dựa trên các yếu tố địa lý giải thích các cuộc chiến tranh, hình thành lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chiến tranh và thể chế chính trị. Ngày xưa các bậc kinh bang tế thế thường "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý". Nếu đặt vấn đề như vậy thì rất kích thích suy nghĩ của trẻ, khác hẳn với công thức dạy "Nước A, thủ đô là B, dân số N, có m con sông, l núi, khí hậu XYZ, kinh tế OPQ,..." Một môn học không có các câu hỏi "Tại sao" và "Hệ quả thế nào" mà toàn "Em hãy nói về..." thì chán ngấy, học vô ích, càng học càng ngu như vẹt.
Tôi không hiểu lắm, nhưng lờ mờ cảm thấy, các GS Triết-Văn-Sử-Địa ở các trường Sư phạm và Tổng hợp Hà Nội đã xây dựng template cho môn Địa lý làm cho nó chán như bây giờ. Môn địa lý có thể là một trong những môn học đầu tiên cho trẻ. Có lẽ nên bắt đầu bằng các khái niệm địa chính trị, giải thích việc hình thành một số tương quan chính trị xã hội bằng các yếu tố địa lý, không chỉ bao gồm núi sông mà cả sắc tộc, văn hóa. Tất nhiên dưới dạng dễ hiểu cho trẻ. Người lớn hay có thiên kiến rằng trẻ không được biết cái nọ cái kia do còn bé. Thực ra chúng thông minh hơn ta tưởng, chúng kém cỏi do người lớn bóp chết cơ hội của chúng.
Tôi thấy câu hỏi tại sao giữa Ấn Độ và Trung Quốc dù khác biệt văn hóa và là hai quốc gia khổng lồ bên cạnh nhau mà rất hiếm có chiến tranh rất thú vị. (Trong khi đó Đại Việt và Champa đánh nhau liên miên đến một mất một còn). Câu hỏi khác không kém phần lý thú là tại sao Nga luôn bành trướng về phía Tây mặc dù đất phía Đông rộng mênh mông. Câu trả lời có thể không duy nhất và không nhất thiết toàn bích, nhưng đều lý thú.
Chúng ta cũng nên dạy địa lý như cơ sở để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, chiến tranh, tôn giáo, văn học. Trong môn này không chỉ có kiến thức mà nên dạy các kỹ năng để đi du lịch, đi đường, leo núi, cùng với các kỹ năng sống sót trên rừng, ngoài biển, ở thành thị, nông thôn, dự báo thời tiết ngoài ngân nga mấy câu ngây ngô "chuồn chuồn bay thấp thì mưa". Chúng ta cũng có thể học về địa chất, vật lý địa cầu, biển và các vận động của tự nhiên. Một người bình thường nghe tin tức thời sự sẽ có những cảm nhận khác nếu biết bức tranh tổng quan về địa chính trị và địa lý thể giới.
Tôi không biết việc học địa lý và địa chính trị có liên quan gì tới các "đại cấm điều" như với lịch sử thế giới, văn học phương Tây, triết học và luật học hay không? Có lẽ đã đến lúc phải giải lời nguyền đó, vì thiếu những điều này sẽ không bao giờ phát triển được với những con người suốt ngày cãi nhau về tiểu tiết mà không biết đặt những câu hỏi "tại sao" hay "hậu quả là gì".

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

8 comments:

  1. Truyen Tran: Đọc Tam Quốc có vài đoạn về địa lý thú vị, kiểu như chỗ này sẽ là nơi tranh địa, chỗ kia có thể bày binh bố trận đặt kho tàng. Tuy nhiên kiểu học như thời Tam Quốc là học để tranh hùng, mà chắc chắn giới quân sự chính trị sẽ phải học. Còn học để yêu như một môn khoa học thì em đồ rằng GV nhà mình không dạy nổi, vì phải biết quá nhiều đến quy luật vận động của không thời gian, con người, nhân chủng, văn hóa, khí hậu, địa chất, cả hệ sinh thái động thực vật etc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Anh đã từng nghiên cứu địa lý từ Tương Dương, Phàn Thành xuống Tân Dã, Tràng Bản, Đương Dương, Giang Hạ và Xích Bích xem họ chạy và đánh đấm thế nào. Hay ra phết.

      Delete
    2. Aiviet Nguyen: Có lẽ chính vì thế mà nên bắt đầu. Ngày nay có search engine, IT, big data lo gì không dạy được.

      Delete
    3. Truyen Tran: Aiviet Nguyen, Như vậy thì phải đổi địa lý thành môn khoa học hỗn hợp giữa tự nhiên và nhân văn, chứ không thể ép vào khối Văn-Sử-Địa như bây giờ. Nguyên cách tư duy đó đã giết chết mọi sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Chưa kể là phải số hóa mọi thứ.
      Có chuyện vui, cụ nhạc em, GV dạy Toán cấp III, hay đố GV Địa lý là lúc này ở Úc mùa gì, hay làng Vị Xuyên - Mỹ Lộc ở đâu. Phần lớn trả lời sai :) Em đoán nhiều GV không biết xem bản đồ, không ước lượng được xa gần, không tính được góc chiếu sáng, phương vị etc.

      Delete
    4. Aiviet Nguyen: Truyen Tran, Có thể đó là nguyên nhân chính làm môn Địa lý sai lệch.

      Học Địa lý đi đo đất thì mới hiểu lượng giác để làm gì :-)

      Delete
  2. Thai Quang Ta: Người ta không muốn thế anh ơi. Người ta cần nó méo mó, cần không chính xác và quan trọng là cần nắn về định hướng

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Anh có cảm giác ngày nay đã thay đổi quan niệm đó. Người ta bắt đầu cảm thấy cần thiết có Grand Strategy. Chẳng hạn các vấn đề Biển Đông, hiệp định thương mại, chiến tranh thương mại. khu vực, ... tất yếu phải dựa trên phân tích Địa chính trị. Nhưng sau nhiều năm bỏ bễ phải chập chững từ đầu, sĩ phu thì thích cãi nhau những điều sơ đẳng, các chuyên gia nói mơ hồ hơn trẻ con, lại còn vô khối tín điều chưa giải huyền thoại hết.

      Delete
    2. Thai Quang Ta: Vâng anh, khi đã thu nạp được khá nhiều thông tin cuộc sống vào trong đầu thì trong đầu lại bắt đầu xuất hiện những câu hỏi tại sao, tại sao liên quan đến lịch sử, thể chế, kinh tế, tôn giáo, chính trị, xã hội và lúc đó bắt đầu tìm hiểu thì thấy nó đều liên quan đến địa chính trị.
      Em cũng vậy, mấy năm trở lại đây em cũng lò mò đọc và thấy rất thú vị. Cá nhân mình cũng bớt cực đoan hơn :)

      Delete