Monday, September 30, 2019

Tiếng Việt có cần cải cách ?

Lâu ngày không ném đá và cũng không nhận ném đá. Làm bài này cho bà con ném đá chơi.

1. Ngôn ngữ và tư duy có quan hệ chặt chẽ. Tôi không tin ở những người không có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Tất nhiên kém tư duy có thể trực giác tốt, đạo hạnh cao, điều đó không bàn ở đây. Có thể do yếu tố tâm lý, một số người trình bày bằng miệng không tốt, nhưng nếu họ đọc văn tự không thông, viết đầy lỗi chính tả, không lập được ý, đừng mất công thuyết minh là họ thông minh, giỏi, uyên bác, chỉ tội .. cho dù bằng cấp và danh tiếng ra sao. Không phải vô cớ các trường đại học ở Mỹ tuyển sinh bằng essay.
2. Ngôn ngữ vận động trong thời gian và tự hoàn thiện, do đó có nhiều trình độ khác nhau. Một dân tộc ít tư duy, ít sáng tạo, ít suy nghĩ độc lập, ít xúc cảm, ít quan sát sẽ có ngôn ngữ chậm phát triển. Cũng có thể ngược lại, một ngôn ngữ kém phát triển sẽ kìm hãm một dân tộc tư duy, sáng tạo, suy nghĩ độc lập, cảm xúc, quan sát.
3. Chúng ta thường lớn tiếng cho rằng tiếng Việt, đẹp hay, có thể chuyển tải mọi ý tưởng, kích thích sáng tạo, độc lập suy nghĩ, xúc cảm, quan sát. Ai có ý kiến ngược lại sẽ dễ dàng bị chụp một cái mũ: không yêu nước hoặc kém hiểu biết về tiếng Việt. Chúng ta không hề thấy cần xem xét lại hoặc chứng minh nhận định đó. Đó cũng là vì tiếng Việt có trách nhiệm một phần. Nếu chúng ta đọc qua một số câu cú của những người ở những nền văn minh xa lắc xa lơ, cách biệt với thế giới, ta sẽ thấy quả tình có những ngôn ngữ vô cùng lạc hậu và kém phát triển.
4. Tiếng Trung tự vựng phong phú, thi ca bóng bẩy, thư tịch phong phú, làm mẫu mực cho tiếng Việt suốt hàng nghìn năm. Rất khó nói là kém phát triển hơn tiếng Việt. Tuy vậy nếu đọc văn học mạng, báo chí chính thống sẽ thấy tiếng Trung rất dài dòng, lê thê luộm thuộm, bất hợp lý. Một số câu ngắn, thành ngữ có thể rất hay, nhưng cần trình bày chính xác một ý tưởng phức tạp, tiếng Trung nói rất sốt ruột và buồn cười lại dùng điển cố một cách vô lý. Nói thể để chúng ta cảnh giác, người ngoài có thể nghĩ khác chúng ta về tiếng Việt dù họ có thể khen nọ khen kia một cách lịch sự.
5. Có lẽ tiếng Trung sẽ có khó khăn khi cần phải trình bày chính xác thông điệp, không cho phép hiểu nhiều nghĩa hay mờ mịt. Ngô Tùng Phong nói rằng tiếng Trung dùng Hán tự, nặng về "khiêu ý". Khiêu là chính là khơi gợi. Khơi gợi tức là ý chưa chín, chưa chính xác. Người nói mù mờ suốt 4 ngàn năm, người nghe lĩnh hội mù mờ 4 ngàn năm, cha ông chúng ta cũng học lại cách nói, cách nghe và cách nghĩ mù mờ như vậy. Người nói ném ra một câu, bản thân cũng suy nghĩ chưa chín, cũng không biết chắc mình muốn nói gì, nhiều khi nói để mà nói. Người nghe cắt nghĩa theo ý mình, chín người mười ý. Tiếng Việt thuận lợi hơn từ khi có biên ngữ latin, văn chương cũng theo đó mà khác đi, ít phụ thuộc vào hán ngữ hơn, cũng cố gắng chính xác, bớt khiêu ý. Nhưng không phải một sớm một chiều thoát được kiểu nói, kiểu nghe, kiểu nghĩ khiêu ý. Văn bản pháp luật, chính sách, công trình khoa học tiếng Việt vẫn đầy rẫy khiêu ý, ai hiểu thế nào cũng được. Tôi có kinh nghiệm viết chính sách, khi có bất đồng, đạt được đồng thuận, không phải là bên nọ thuyết phục được bên kia hay cùng thay đổi quan điểm, mà thường là tìm được một câu hai bên cùng thỏa mãn vì đều có thể cắt nghĩa theo ý của mình. Chính sách như thế không lụn bại mới là lạ.
6. Ngữ pháp tiếng Việt rất nghèo nàn, có thể nói là không có. Tôi biết một ông thầy người Hung, cố học tiếng Việt nhiều năm và kết luận: cái khó trong việc học tiếng Việt là không có ngữ pháp. Ngữ pháp thông dụng chưa ổn định, mà thuyết thì nhiều từ "dĩ âu vi trung" đến "đề thuyết", trong khi học sinh chỉ muốn biết khi nào dùng "những" khi nào dùng "các", ngắt câu, ngắt đoạn thế nào. Có lẽ không tổng kết được thành ngữ pháp cũng là vì tiếng ta kém phát triển.
7. Khi nói về tiếng Việt, nhiều người hay nói "tiếng ta nó thế", hay "phong ba bão táp ngữ pháp Việt Nam", nhưng không hề nghĩ rằng cần cải cách. Không cải cách tiếng Việt sẽ mãi khiêu ý, tư duy không chính xác, tiếp thu không chuẩn xác làm sao sáng tạo. Tiếng Việt có thể nói rất dài, lên trầm xuống bổng rất du dương mà không có thông điệp nào. Nhiều khi nói phải theo lao của ngôn ngữ, bất giác nhận ra ngôn ngữ dẫn dắt mình, chứ không phải mình làm chủ ngôn ngữ. Thí dụ nói "nhà đẹp" chúng ta thấy thiếu thiếu phải nói "nhà rất đẹp" mặc dù không có ý định nói "rất". Đó là vì ngôn ngữ có nhiều khuôn sáo, đã khuôn sáo thì không thể tư duy độc lập. Điều có vẻ mâu thuẫn và trớ trêu là mặc dù nhiều khuôn sáo tiếng Việt không có chuẩn, chào hỏi xưng hô rất nhiều cách. Chẳng hạn chỉ đường người Anh-Mỹ nói "after second lights, third right and first left, 30 feet". Người Việt rất nhiều kiểu nói, dài dòng, khó khăn, mà không toát được ý cho chính xác. Đặc biệt người Việt không có thói quen sử dụng cụm từ "tôi nghĩ rằng", "theo tôi thì" vì thế nói gì đều như đinh đóng cột, sai lầm từ đó mà ra. Trước kia tôi hay sử dụng các cụm từ như vậy trong văn bản chính thức, bị các sếp cho là văn Tây, chỉ việc chuyển sang văn phong "đinh đóng cột" là thành văn Việt.
8. Người ta nói văn Việt nhiều xúc cảm, quan sát tốt, tuy yếu về tư duy. Thực ra người Việt rất yếu về màu sắc, hai mầu xanh không phân biệt, các màu khác thì đều là "mắm tôm", "cứt ngựa", "tiết dê" mặc dù không hẳn giống. Có thể lấy nhiều ví dụ để thấy quan sát không tốt. Các trạng thái xúc cảm tinh tế cũng rất nghèo nàn so với các tiếng khác.
9. Một số ví dụ hay được coi là đặc trưng tiếng Việt đa nghĩa như "ông già đi nhanh quá" hay "học sinh học sinh học". Tôi nghĩa nên loại các câu này và tất cả các câu đa nghĩa hoặc nhập nhằng ra khỏi "tiếng Việt tốt". Một nhà báo viết ra một câu có thể hiểu nhiều cách khác nhau là một nhà báo tồi. Tôi nghĩ phải dạy nguyên tắc đó trong trường phổ thông. Một thói quen xấu nữa của tiếng Việt là nói tắt, gây ra đa nghĩa và sai nghĩa. Thí dụ "miệng tôi tôi nói, ghế tôi tôi ngồi, của tôi tôi phá" thường được lấy ví dụ cho là tính đặc sắc của ngữ pháp Việt Nam, không có cấu trúc chủ vị mà là đề thuyết. Thực ra các câu này ra nông nỗi đó đều do việc nói tắt phá hủy cấu trúc ngữ pháp, vì thế các câu này đều đa nghĩa và nhập nhằng. Các nhà ngôn ngữ cũng nên tiết chế lập thuyết để biện hộ cho các câu kiểu này, có lợi cho học hàm học vị, nhưng hại cho tương lai dân tộc.
10. Nguyên tắc của cải cách ngôn ngữ có lẽ nên xuất phát từ hai điểm: "Tính chính xác" để đảm bảo có thể diễn đạt các ý tưởng phức tạp mà không sai lạc. "Tính phổ cập" để được dùng nhiều dễ dàng.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

No comments:

Post a Comment