Thursday, September 12, 2019

BA MƯƠI NĂM “SỰ LỰA CHỌN CHÂU ÂU” CỦA HUNGARY

Con số 60-70 ngàn người Đông Đức đã qua được Tây Đức theo ngả Hung, nhờ việc chính quyền Hungary cho mở biên giới phía Tây với nước Áo ngày 11/9/1989, cách đây tròn 30 năm, cho tới giờ đã được xác nhận là không đúng: trong thực tế, nó là... hơn 100 ngàn người! Cho dù, con số chính thức mà báo chí Hung đưa ra lúc bấy giờ, rất dễ hiểu, thì nhỏ hơn nhiều!
Hiếm có sự kiện lịch sử nào mà tầm quan trọng của nó lại được đánh giá một cách chuẩn xác và kịp thời ngay vào thời điểm nó diễn ra, như là những gì Hungary đã làm trong năm 1989 lịch sử. Đó là dấu ấn vinh quang của nước Hung trong thế kỷ 20 mà Hungary có thể mang vào thiên kỷ mới, như nhận xét của một số nhân sĩ nước này trước thềm thiên kỷ thứ ba.
Ba mươi năm nhìn lại, không khỏi có sự cay đắng và chua xót khi hiện tại, Hungary là quốc gia mà chính quyền bày tỏ một cách cương quyết hơn ai hết ở Châu Âu, rằng lại cần phải có những bức tường, những biên giới, rào cản để bảo vệ Châu Âu, bảo vệ nền văn minh Thiên Chúa giáo của Lục địa già này. Tức là đi ngược lại hoàn toàn với chính họ, vào thời điểm 1989.
Con đường đi tới dân chủ và tự do không bao giờ là bằng phẳng, và phải chấp nhận là rất có thể, nó gặp phải những trở ngại như thế. Nhưng có thể tồn tại một thứ “dân chủ phi tự do” như Orbán Viktor, thủ lĩnh của Hungary từ gần 10 năm nay thường tự hào tuyên bố? Một điều chắc chắn, người chiến binh quả cảm Orbán của 1989 không phải, chưa phải là như vậy.
Lịch sử rồi sẽ có phán quyết xác đáng về tất cả những chuyện này, nhưng điều có thể khẳng định được là, đã “từng có một khoảnh khắc mà Hungary đã cống hiến cho Châu Âu và Châu Âu không quên điều đó”. Đó là khi nước này “lựa chọn Châu Âu”, tạo nên động lực và sự hứng khởi cho cả quá trình biến chuyển dân chủ tại Trung Âu trong mùa hè đáng nhớ 1989 đó...

11/9/1989: HUNGARY VÀ “VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN TRONG BỨC TƯỜNG BERLIN”



11/9 không chỉ là ngày tưởng niệm những nạn nhân của cuộc khủng bố Hồi giáo nhằm vào nước Mỹ năm 2001. Những ai quan tâm đến lịch sử các quốc gia cộng sản, có thể còn nhớ một ngày 11/9 khác: đó là thời điểm mà cách đây tròn một phần tư thế kỷ (năm 1989), Hungary đã mở biên giới Hung - Áo cho 60-70 ngàn người tỵ nạn Đông Đức qua ngả Áo Quốc để di tản sang CHLB Đức.

Đây là lý do khiến Thủ tướng Helmut Kohl - trong buổi lễ trọng thể vào ngày thống nhất nước Đức 3/10/1990, đã phát biểu một cách hết sức trang trọng: “Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hungary! Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”.

Cũng trong năm đó, thủ tướng cuối cùng của CHDC Đức Lothar de Maiziere thừa nhận: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin khởi đầu ở Hungary”.

Hai mươi năm nhìn lại, trong cuốn sách mang tựa đề “Vết rạn đầu tiên trong bức tường” (Der erste Riss in der Mauer) tại CHLB Đức, ký giả Thụy Sỹ Andreas Oplatka khẳng định: quyết định năm 1989 của Hungary đã khởi động một “phản ứng dây chuyền mang tính cách mạng”, dẫn đến sự thống nhất của nước Đức và khiến các quốc gia Đông Âu có cơ hội trở về với “mái nhà chung”, Liên hiệp Châu Âu!

Tựu trung, tất cả những đánh giá cũ và mới đó đều nhắm vào Hungary, một quốc gia nhỏ bé trong vùng Đông – Trung Âu, trong lịch sử từng chịu cảnh chinh chiến liên miên, lòng người ly tán, với những vết thương đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn được hàn gắn.

Đứng về phía bại trận trong cả hai cuộc Thế chiến, bị cắt tới hai phần ba diện tích và dân số, luôn phải “đi trên dây” trong mối quan hệ ngoại giao với các đại cường trong thời Chiến tranh lạnh, tuy nhiên, vào thời điểm lịch sử trọng đại của Châu Âu vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đất nước này đã thể hiện cách ứng xử mềm dẻo, nhưng đàng hoàng và mạnh mẽ trong ngoại giao, chiếm được thiện cảm và sự vị nể, trân trọng của thế giới, đặc biệt là của nước Đức thống nhất.

Để làm được điều đó, tất nhiên không thể không nhắc đến sự lớn mạnh của phong trào dân sự, của ý thức chính trị và “lòng dân” đã chín muồi tại Hungary vào thời điểm ấy. Nhưng bên cạnh những yếu tố đó, để mọi sự kiện diễn ra vào đúng những thời điểm cần thiết, theo hướng thích hợp, cần đến sự đồng lòng của một Ban lãnh đạo thượng đỉnh, tôn trọng và đặt những lợi ích của công dân, những giá trị phổ quát của con người lên trên lợi ích của đảng phái và cá nhân.

Lịch sử và nhân dân luôn công bằng, đã ghi nhận nỗ lực của những người cộng sản chân chính theo hướng cải tổ của Hungary thời ấy, như Thủ tướng Németh Miklós, Chủ tịch đảng Nyers Rezső, Ủy viên Bộ Chính trị Pozsgay Imre, và nhất là Ngoại trưởng Horn Gyula (1932-2013), một tượng đài của cánh tả Hungary thế kỷ XX.

Là một nhà ngoại giao cựu trào mà tên tuổi gắn liền với những quyết định ngoạn mục trong đối ngoại của Hungary năm 1989, như dỡ bỏ Bức màn sắt ngăn cách Đông – Tây thời Chiến tranh lạnh, mở biên giới cho 60-70 ngàn người di cư Đông Đức tại Hungary sang Áo, Horn Gyula vẫn có vị trí đáng kể trên chính trường Hungary thời gian sau đó: ông giữ cương vị Thủ tướng Cộng hòa Hungary nhiệm kỳ 1994-1998, Chủ tịch Đảng Xã hội Hungary thời kỳ 1990-1998.

Trong hồi ký “Những cột trụ” (Cölöpök, 1991), được viết ngay sau những biến cố thời kỳ 1990-1991 và khi tác giả còn theo đuổi con đường chính trị một cách tích cực, Horn Gyula đã dành một phần riêng để thuật lại những chi tiết thú vị diễn ra trong hậu bán tháng 8-1989, dẫn đến quyết định lịch sử của chính phủ Hungary, góp phần thúc đẩy trực tiếp sự sụp đổ của bức tường Berlin sau đó ít tháng.

Đó là quyết định được đánh giá là sự lựa chọn sáng suốt những giá trị Châu Âu và nhân bản, dũng cảm gạt bỏ tư duy cũ kỹ, sáo mòn, để tiến bước trong thời đại hòa dịu và hội nhập. Theo nhận định của một ký giả Hungary, trong vòng mấy tuần đó, “nếu nước Hungary quyết định khác đi, nếu chính phủ Hungary không đủ quả cảm và cứng cáp, nếu xã hội Hungary không hoàn toàn đồng thuận với quyết định của chính phủ, lịch sử của toàn Châu Âu sẽ đi theo một hướng khác. Từng có một khoảnh khắc mà Hungary đã cống hiến cho Châu Âu và Châu Âu không quên điều đó”.

Có lẽ Ngoại trưởng CHLB Đức Hans-Dietrich Genscher cũng đồng tình với điều đó khi ông khẳng định về hành động của Hungary cách đây 25 năm: “Đó là một hành động dũng cảm, cho thế giới thấy nghị lực và lòng nhân đạo. Nghệ thuật trị nước là vậy”.

Nhân 25 năm biến cố lịch sử lớn lao này, xin giới thiệu lại một số trích đoạn của hồi ký, rất quan trọng để thấu hiểu những biến cố diễn ra tại Châu Âu cuối thập niên 80. Đặc biệt, đây cũng là nén hương tưởng nhớ Horn Gyula: 5 năm trước, khi mình dịch loạt bài này thì ông đã lâm trọng bệnh, nhiều khi bị hôn mê và mất hoàn toàn trí nhớ, nên đã không biết hồi ký của mình được trích dịch ra tiếng Việt.


Loạt bài QUYẾT ĐỊNH “LỰA CHỌN CHÂU ÂU” CỦA HUNGARY, 1989:



10 comments:

  1. Nguyen Hoang Linh: Lời "dẫn nhập" ở trên, cùng loạt bài 3 phần này cách đây 5 năm mình có gửi cho "Tuần Việt Nam", một chuyên trang khi đó được đánh giá là "cởi mở" và "cấp tiến" ở Việt Nam. Chả hiểu sao mà phần 1 cùng những lời "dạo đầu" như vậy cũng được đăng, nhưng thấy bảo là vài tiếng sau khi xuất hiện, đã có điện thoại yêu cầu dừng ngay những phần tiếp :).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Pham: Bây giờ đọc lại vẫn thấy xúc động thật anh Linh ạ.

      Delete
  2. Nguyen Hoang Nam: Cộng Sản chỉ bảo vệ được quyền lực trong bóng tối. Bằng sự cô lập bịp mị dân + với sự dã man tàn bạo vốn có

    ReplyDelete
  3. Tho Pham Tuan: cảm ơn Nguyen Hoang Linh ,là nguời gốc Việt ở Đức,nên thân phận mình gắn bó với sự kiện Hung mở rào biên giới này,mình biết ơn và khâm phục chính khách Hung ngày đó ! Chắc chắn không có sự kiện này thì tg vẫn còn trả gía đắt hơn nữa cho hòa bình tg.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh: Anh Tho Pham Tuan tham khảo thêm bài em viết khi Horn Gyula từ trần:
      http://nhipcauthegioi.hu/.../TUONG-DAI-CANH-TA-HUNGARY...

      Delete
    2. Tho Pham Tuan: "Ngay sau khi ông qua đời, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ra thông cáo khẳng định: người Đức không bao giờ quên những hành động quả cảm của Horn Gyula.
      Bởi lẽ, như đánh giá của nước Đức, trong một khoảnh khắc quyết định, Horn Gyula đã hành xử đúng đắn, và đã sống theo những giá trị tự do và nhân đạo của Châu Âu - bằng cách ấy, ông đã “vĩnh viễn đảm bảo vị trí của mình trong sử sách” (lời Ngoại trưởng Đức).

      Mình thấy câu này chưa rõ ý,để nguời lạ hiểu ra số nguời Đức này vừa tràn từ đông Đức sang nhằm mục đích đi vòng qua ẤO để trở về Tây đức định cư,"mở biên giới cho 60-70 ngàn người di cư Đông Đức tại Hungary sang Áo,"

      Delete
    3. Nguyen Hoang Linh: Thực ra em có bài riêng ở đâu đó về vụ này. Hè 1989, rất đông người Đông Đức đã tìm cách di tản sang Phương Tây (chủ yếu là Tây Đức) bằng cách qua các nước XHCN khác (đa phần sang Hung), rồi vạ vật các các tòa đại sứ "tư bản" tìm cách xin thị thực, hoặc vượt biên tiếp sang nước thứ ba.
      Hè 1989, và đặc biệt là sau khi Hung và Áo dỡ bỏ "bức màn sắt" chia cắt Đông - Tây ở biên giới hai nước, thì đã có rất nhiều người Đông Đức chọn Hungary là "bàn đạp" để tìm cách thoát sang Áo. Sau một thời gian bàn bạc, Ban lãnh đạo Hung đưa ra quyết định mở biên giới, như trong hồi ký của Horn Gyula có nói rõ.

      Delete
    4. Tho Pham Tuan: Năm 77 mình có cô bạn gái nguời hung,tóc đen - sau này khi mình về nuớc rồi,nàng còn cắt một nhánh tóc gửi trong thư về theo.

      Delete
  4. Tho Pham Tuan: Nguyen Hoang Linh, trừ Nam tư đã bị loại ra khỏi khối xô viết thì Hung là nuớc có thể chế chính trị mềm dẻo nhất của phe XHCN,họ đã cho công dân đi tây đức ,đi tư bản lao động và du lịch khá thoải mái,vì vậy xh dân sự và dân trí hơn hẳn các nuớc khác.cái này là mình nghe bạn bè nguời Hung thời 74 kể lại,và thòm thèm nuớc Hung từ thời đó !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh: Cái đó gọi là chủ nghĩa CS mà dân vẫn có xúp thịt bò để ăn đó anh, của TBT Kádár János - khá mềm đẻo, kiểu ai ko chống ta thì là bạn của ta. Dân Hung từ những năm 60 đã được ra nước ngoài, tất nhiên cũng hạn chế, phải phấn đấu nhiều, v.v... nhưng Hung ko đến nỗi bị bế quan tỏa cảng quá mức như các xứ khác.

      Bạn em qua Hung chơi thời 1989, thấy mỳ ống, Coca - Cola, chuối... bán đầy đường thì khâm phục lắm, bảo ở Đông Đức chỉ trong các cửa hàng ngoại tệ, ngoại giao mới có :).

      Delete