Wednesday, October 1, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (6)

 (trở lại Phần 4 ở đây)

Phần 5: THỜI THẾ VÀ ANH HÙNG

      Anh hùng tuấn kiệt xưa nay biết bao người đã làm nên lịch sử nước nhà. Với tất cả lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không muốn mình trở thành người sùng bái Cụ như một vị thánh, cũng không muốn xúc xiểm Cụ như một kẻ nhỏ nhen. Từ những gì mà Cụ đã làm cho đất nước này, cũng là phải hy sinh rất nhiều ham muốn cá nhân, tôi thừa nhận: Cụ là người kết tinh khí chất của người Việt, là kiến trúc sư của nhà nước Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam - lãnh tụ huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

    Tôi không muốn buộc mình phải theo lề phải hay lề trái mà chỉ muốn nhìn nhận về Cụ theo dòng chính luận - vốn là lẽ thường tình khi cần thể hiện thái độ hoàn toàn trung thực của mình về bất cứ vấn đề gì. Theo cá nhân tôi, chuyện Cụ viết sách về mình, sống đơn sơ đến mức tối giản trong những nhu cầu thuộc về cá nhân... là chuyện phải ép mình vào thời cuộc. Là lãnh tụ trước hết phải là tấm gương của đồng bào, là ngọn cờ đoàn kết của dân tộc, là ngôi sao chỉ đường dẫn lối như bao bài ca đã viết về Cụ không sai.

     Vào những năm cuối của những năm 50 và những năm 60, trong khi các nước XHCN ở châu Á như Triều Tiên, Trung Quốc rầm rộ tiến hành "Đại cách mạng văn hóa", suy tôn/sùng bái lãnh tụ thì ở Việt Nam tình hình vẫn không đi quá mức cho đến khi Cụ mất. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam vẫn chỉ ở mức tuyên truyền sâu rộng để vừa giữ được hình ảnh "khiêm tốn" của lãnh tụ, vừa đủ thực hiện mục đích tập trung toàn lực để giải phóng đất nước, khẳng định lập trường "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Tôi cho rằng, đây là ý chí của một người lãnh đạo và không thể phủ nhận rằng nó đồng nghĩa với những gì là ý chí của cả dân tộc được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 02.09.1945. Hồ Chủ tịch đã là nhân vật thuộc về một thời kỳ của quá khứ, một con người và huyền thoại với những sự thật và những thêu dệt đầy mê hoặc phải được nhìn nhận theo cách Á Đông chứ không thể theo cách của Tây-Âu được. Chúng ta cần nhìn nhận về Cụ với một thái độ thật khách quan, căn cứ trên những tư liệu xác thực/đầy đủ và như cách đánh giá những nhân vật thời Tam Quốc sau hàng trăm năm với những mưu toan khi cần thôn tính đất đai, những cách thức để thu phục lòng người kể cả phải dùng đến thủ đoạn/tiêu diệt vì mục đích cuối cùng; không chút thù hận/oán thán, không hề vùi dập/phủ nhận, không gợn những gì nhỏ nhen và hèn hạ. Nếu muốn phán xét Cụ, riêng tôi cho rằng: chúng ta không đủ tư cách dù chúng ta chính là một phần của lịch sử - là sản phẩm/nhân chứng thuộc về thời đại Hồ Chí Minh.

     Trong những ngày chiến tranh gian khổ nhất, Hồ Chủ tịch là linh hồn của cuộc cách mạng Việt Nam, là niềm tin và hy vọng của hàng triệu người Việt Nam yêu nước. Tôi chưa bao giờ thích thơ Tố Hữu vì tôi thích thơ Hồ Xuân Hương và Chế Lan Viên hơn; nhưng cũng trích dẫn ở đây vài dòng thơ mà Tố Hữu đã viết về tấm lòng của nhân dân đối với vị Cha già của dân tộc khi ấy:

                        "Lòng ta chung một cụ Hồ
                     Lòng ta chung một Thủ đô
                     Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam"

     Chúng ta là những thế hệ kế thừa di sản của Cụ để lại, cả những điều tốt đẹp và những gì còn phải hoàn thiện. Đây là một sự thật/hai mặt phải chấp nhận của Việt Nam vì hai lẽ: thứ nhất, vì phải "hy sinh tất cả để chiến thắng"; thứ hai, vì dân tộc Việt Nam chưa phát triển đúng về mặt ý thức và tư tưởng của thời đại, dù "đảng lãnh đạo" muốn đưa "tư tưởng Hồ Chí Minh" trở thành "kim chỉ nam" cho đường lối phát triển (được gọi là "sáng tạo" và nay đang trở thành "chủ nghĩa ngoại lệ" như tên gọi của các nhà nghiên cứu nước ngoài) của cách mạng Việt Nam, nhưng thực tế, dù mang tên "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" nhưng chưa bao giờ Việt Nam là một nước dân chủ phát triển cả về chế độ, văn hóa và kinh tế nên còn nhiều hạn chế của một nước nông nghiệp lạc hậu ở châu Á, chỉ theo đuổi những lý tưởng cao đẹp ở dạng "bánh vẽ" thô thiển nhất. Và phải nhìn nhận một sự thật, ở vào thời Cụ còn trẻ, hấp thụ những gì là tinh hoa của dân tộc và thế giới để giải phóng dân tộc, giành lại Đất Nước là điều khó ai có thể làm nổi.


     Chúng ta hấp thụ văn hóa và lối sống hiện đại, tiếp thu tinh hoa của thời đại mới để tạo nên di sản đương thời. Nhưng ai trong chúng ta sẽ là người thực hiện công cuộc tiếp biến vẫn còn dang dở, những điều mà các vua thời Lý, Trần đã làm nhưng chỉ giới hạn trong một giai đoạn mà không thể tiếp tục phát triển được lâu dài những thời kỳ phát triển rực rỡ ấy. Tuy vậy, di sản của nhà Lý, nhà Trần để lại đáng để chúng ta tự hào về người Việt tự cường, độc lập, về những triều đại đã tạo nên những trang sử vàng với những di sản tuy không to tát lớn lao, nhưng vô cùng giá trị vì mang đậm bản sắc Việt Nam.

     Anh hùng hào kiệt xưa nay là những vị tướng lĩnh lừng danh của Việt Nam, có thể kể tên Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp... nhưng danh nhân văn hóa và khoa học, những nhà phát minh, doanh nhân mang tầm vóc lớn thì không có được mấy người. Về kiến trúc, di sản của chúng ta cũng không có được nhiều công trình có giá trị như Chùa Một Cột, Thành nhà Hồ và một số quần thể kinh thành lăng tẩm thời xưa, các kiến trúc nổi tiếng sau này hầu hết đều từ thời thực dân với phong cách châu Âu. Những gì thuộc về văn hóa nghệ thuật có tư tưởng lớn/giá trị cao lại càng ít ỏi...

     Chúng ta cần nhiều khát vọng cao hơn, hiểu biết nhiều hơn, mạnh mẽ và tích cực một cách bền bỉ như trong chiến tranh. Phải biết sợ cái chết vì ngu dốt hơn cái chết trong bom đạn mới có được những chuyển biến thật sự. Phải vượt lên bằng những yếu tố mới của người Việt, làm được một cuộc chuyển biến thần kỳ để sánh ngang với các nước phát triển khác. Tại sao chúng ta không thể chiếm lĩnh được vị trí đứng đầu như Phần Lan ở một số lĩnh vực đầy triển vọng và có thể trở thành đòn bẩy cho việc phát triển về mọi mặt trong cuộc sống? Vì sao chúng ta không làm được những gì mà người Do Thái và người Nhật Bản đã làm, và họ đã rất thành công.

     Hãy đi khắp VN mà nhìn: Quán nhậu của chúng ta nhiều quá, "chúng ta xứng đáng là cường quốc Bia" (GS Nguyễn Lân Dũng); khắp nơi là những người hút thuốc lá lậu, nghiện ngập... buôn lậu/trộm cắp, ăn cướp và phá hoại tất cả mọi thứ... Hầu hết chúng ta, dù hiểu biết hay không, vẫn chỉ là những người nghĩ 1 đằng làm 1 nẻo, không đủ mạnh mẽ và quyết tâm hành động vì những mục đích thiết thực. Những điều này chúng ta không thể thấy ở Israel và Singapore, những đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ. Có lẽ từ những sự khác biệt như vậy mà chúng ta không thể so sánh được với Singapore về chiến lược phát triển giáo dục với mục đích đào tạo nguồn nhân lực khi mà họ có những trường Đại học đứng hàng đầu châu Á và thế giới, dù đất nước nhỏ bé này không lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta về cả diện tích và dân số.

     Trong chuyện ăn uống và giữ các thói quen hàng ngày, giáo dục nhà trường và gia đình... cách làm cha làm mẹ, ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gương cho con cái từ thế hệ này qua thế hệ khác để chuyển biến dần về ý thức của một dân tộc, để có thể tự hào là người Việt Nam mang dòng máu Lạc Hồng. Tôi thật lòng cầu mong chúng ta sẽ được sống trong hòa bình để tạo dựng được những điều mà con cháu chúng ta thật sự cần thiết, tạo ra những thế hệ tương lai tài giỏi góp phần tích cực làm chuyển biến đất nước và góp phần vào sự tiến triển của toàn nhân loại. Đó là thế hệ của tầng lớp tinh hoa mà chúng ta đang thiếu, những con người chân chính đầy tài năng và khát vọng, tinh thần mạnh mẽ, giàu có tri thức và vật chất với những giá trị/chuẩn mực mà xu thế phát triển tất yếu đòi hỏi.

      Người Do Thái là một dân tộc rất đáng cho chúng ta học tập (không phải như trước kia chúng ta hay kể cho nhau những câu chuyện lộng ngôn/tự khen cho rằng ta hơn Nga "ngố" và hơn gấp nhiều lần người Do Thái). Vào năm 1654, chỉ có 23 người Do Thái đến Bắc Mỹ, nhưng bây giờ thì quyền lực Do Thái trong lòng nước Mỹ (cũng là của thế giới) thì thật khủng khiếp. Ảnh hưởng của họ về mọi mặt trong xã hội Mỹ đều vượt xa bất kỳ cộng đồng dân tộc nào sống tại đây. Và tôi vô cùng khâm phục người Do Thái qua cuộc chiến tranh kéo dài của Israel với các nước Ả Rập. Nhất là trận chiến xảy ra vào năm 1967. Khi đó, bằng những hành động gây hấn của Nasser, bao gồm việc phong tỏa Eo biển Tiran và triển khai quân đội tại bán đảo Sinai, Ai Cập đã gây nên sức ép quân sự và kinh tế lên Israel. Mỹ thì đang trù trừ vì vướng vào cuộc Chiến tranh Việt Nam. Trong tình thế như vậy, lãnh đạo quân sự Israel thấy rằng chỉ có một khả năng có thể xoay chuyển được tình thế là đánh phủ đầu. Nội các Israel nhóm họp ngày 23 tháng Năm quyết định mở cuộc tấn công nếu Eo biển Tiran không được mở trở lại ngày 25 tháng Năm. Israel quyết định là nếu như Mỹ không làm gì và Liên Hiệp Quốc án binh bất động, thì họ phải tự hành động. Ngày 1 tháng Sáu, tướng Moshe Dayan được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Israel. Israel đã sẵn sàng. Về lực lượng và trang bị thì tôi biết Liên Xô đã viện trợ cho Ai Cập và các quốc gia trong liên minh chống Israel nhiều vũ khí hiện đại hơn những loại giúp cho Việt Nam (trong cùng thời gian chiến tranh chống Mỹ) nhằm chống lại Israel trong 1 trận chiến toàn diện, không chỉ giới hạn ở biên giới Syria hay Ai Cập, với mục tiêu cơ bản là hủy diệt Israel. Thế nhưng họ vẫn không thể đánh bại được người Do Thái mà còn phải chấp nhận 1 đất nước Israel nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ đã giành phần thắng trong 1 cuộc chiến vô cùng dữ dội chỉ trong vòng 6 ngày để hoàn toàn làm chủ vùng đất Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, bờ Tây và cao nguyên Golan cho đến ngày nay.

     Chúng ta không sợ mất nước, vì người Việt không dễ bị khuất phục bởi ngoại bang. Có thể gọi người Việt là những chiến binh vĩ đại của mọi thời đại vì đã đứng vững cho đến nay trước những kẻ xâm lược khổng lồ trong lịch sửNhưng nếu chỉ vì thể chế mà không dám chống lại bạo quyền bành trướng, không dám đương đầu với Trung Quốc, chịu thủ bại để sống trong nền hòa bình nhục nhã được chúng sắp đặt thì không thể tiếp tục lâu hơn nữa. Cần nhận rõ chân tướng của người đồng chí phản phúc này để không mơ hồ trong mối quan hệ giữa 2 nước cũng như phải nhận thức được rằng:

"Giữa các quốc gia, không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”  (Lord Palmerston, thế kỷ 19)

     Cần có những người như vua Quang Trung và những bậc tiền bối từng đánh bại kẻ thù truyền kiếp của chúng ta để thoát khỏi cái "chế độ Bắc thuộc" kiểu mới hiện nay bằng một cuộc "đại phá" theo một cách khác. Chúng ta phải tự định đoạt số phận của dân tộc như người Nhật và người Do Thái chứ không phải là 1 dân tộc nào khác. Nhưng ai trong chúng ta làm được như vậy lúc này? Nếu nói rằng "Thời thế tạo anh hùng" thì ai là anh hùng tạo nên thời thế vào lúc này?  

     Nếu thấy còn nhiều điều phải làm cho đất nước để thoát khỏi tình trạng tệ hại hiện nay, để khắc phục những tồn tại của thời đại Hồ Chí Minh để lại, để thay đổi chính chúng ta, không kéo dài lâu hơn nữa những kìm hãm do mình và do ngoại bang hèn hạ gây ra thì hãy tự giải thoát mình để bước sang con đường sáng sủa hơn, không phải là lối mòn Bắc thuộc xưa nay cỏ đã mọc dày... Không làm được như vậy thì thật hổ thẹn với non sông đất nước, với những bậc anh hùng giữ nước và các bậc anh tài đã từng góp công dựng nước bấy lâu nay.

    Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945 và chiến thắng 1975 đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến mang tính lịch sử. Nhưng để mở ra một trang sử mới, tiến tới một chế độ bảo đảm thật sự độc lập, tự do và hạnh phúc cho cả cộng đồng dân tộc, chúng ta phải mở được con đường "hướng tới đỉnh cao ước mơ của con người và của loài người: sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của mọi người." (Phạm Văn Đồng, Lời giới thiệu, Có một Việt Nam như thế, 1995).

     Từ thế kỷ 19, Nhật Bản đã bắt đầu vươn lên, thoát khỏi sự cổ hủ của châu Á bằng cuộc chiến với Trung Quốc vào năm 1894 (Chiến tranh Giáp Ngọ). Để bước vào cuộc chiến, Nhật Bản đã trải qua cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, còn Trung Quốc vẫn đắm chìm trong ngàn năm đen tối.
     Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901), nhà tư tưởng lớn của Nhật Bản trong cuộc Minh Trị Duy Tân, người đề xướng tư tưởng thoát Á nhập Âu, được Thiên Hoàng trọng dụng, từng viết như sau: "Nước Nhật nằm ở cực Đông châu Á, nhưng rất không may lại là láng giềng của 2 nước Trung Hoa và Triều Tiên ngu muội và thủ cựu. Trong xã hội tân tiến ngày nay, họ còn khư khư giữ lấy thuyết Khổng Mạnh như ngàn năm trước, bị các cường quốc xâu xé mà còn cực kỳ ngạo mạn. Nếu ta không cải cách, chỉ trong vài năm, ắt sẽ theo vết xe đổ của họ; nếu ta cải cách thành công thì 2 nước này chính là miếng mồi ngon..." 

     Vua Minh Trị (Mutsuhito) lên trị vì lúc chỉ mới 16 tuổi, nhưng nước Nhật đã thay đổi từ nhà vua tài không đợi tuổi này. "Sau khi cử 1 phái đoàn hùng hậu khảo sát các nước phương Tây suốt 22 tháng (1889), Thiên Hoàng Minh Trị đã dựa vào bản hiến pháp nước Phổ long trọng ban chiếu lập hiến. Ông đã thành lập nghị viện, nội các, hệ thống tư pháp mô phỏng tòa án Phổ, nhưng quyền tối hậu vẫn ở trong tay ông. Ông xóa bỏ khoa cử, lập hệ thống giáo dục phổ thông hiện đại, thực hiện chế độ quân dịch, về mặt tổ chức quân đội, Nhật Bản học Đức về lục quân, học Anh về hải quân." (KTNN No.869)

     Nhật Bản đã học hỏi tất cả những gì là ưu thế của văn hóa phương Tây. "Thiên Hoàng đã thay âm lịch bằng dương lịch. Những hủ tục ăn Tết kéo dài, những lời chúc tụng vô bổ vĩnh viễn bị loại bỏ. Ngày nay Nhật Bản có hệ thống y tế bậc nhất thế giới, người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới, người Nhật luôn đúng giờ, giữ vệ sinh chung, lễ độ đều là thành quả của công cuộc duy tân thời Minh Trị". 

     "Người TQ chế giễu người Nhật là "chuối tiêu" (vàng da trắng ruột), nhưng ngày nay thoát Á nhập Âu không còn là cá biệt trên thế giới" (KTNN No.869) Singapore và nhiều nước châu Á khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia đều chọn con đường nhập Âu.

     Từ Nhật Bản, có thể thấy được bài học của 1 nước có vùng biển quan trọng như Việt Nam. Muốn giải quyết được cái đường lưỡi bò đê tiện của TQ trên Biển Đông, ngoài việc phát triển kinh tế và văn hóa vững mạnh, củng cố về mặt chính trị, chúng ta còn phải trở thành 1 cường quốc trên biển. Để thắng được hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh, "người Nhật đã dành 31% ngân sách để phát triển hải quân. Đến năm 1892, họ đã có 1 hạm đội gồm 63.000 lính chính quy và 230.000 lính dự bị, tổng số chiến hạm có lượng giãn nước 72.000T, so về trọng tải và hỏa lực đều mạnh hơn hải quân Bắc Dương." (KTNN No.869) Ngày nay, ôn lại bài học lịch sử của Nhật Bản, chúng ta phải tiến ra biển với một lực lượng hải quân hùng mạnh, trân trọng từng tấc biển đảo. Rồi sẽ có một ngày chúng ta lập lại trật tự trên biển như đã từng thực hiện thành công trong quá khứ để giữ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

     Về cách thức để giải quyết vấn đề giành lại quyền độc lập từ những kẻ ngoại xâm. Có lẽ cuộc cách mạng phải giành bằng xương máu của Việt Nam là một giải pháp phải trả bằng 1 giá quá đắt cần được lịch sử phán xét. Có thể đây là cuộc chiến tranh cuối cùng phải đổ máu của người  Việt. Nhưng nếu phải va chạm bằng súng đạn thì cần giới hạn trong phạm vi của sự tranh chấp, nếu không thể tránh khỏi chiến tranh thì cũng chỉ nên là 1 cuộc "chiến tranh cục bộ", không để lan rộng gây tổn thất nhiều về người và của, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả dân tộc. Chúng ta có thể đi đến chiến thắng bằng con đường ôn hòa, bằng đường lối mà nhiều dân tộc khác đã thành công, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện trong tương lai, không phải ở thời điểm những năm đầu tiên của nhà nước Việt Nam DCCH với chuỗi những sự kiện sau đó. Theo chủ quan của tôi, đối với chính sách chiếm đoạt bằng súng đạn của thực dân Pháp và trong toàn cảnh của Việt Nam cũng như của thế giới khi đó với những tính toán của Stalin, Mao và tham vọng của Mỹ để thấy rằng: sau 1945, Việt Nam không còn một sự lựa chọn nào khác. Cũng như cha ông trong lịch sử, người Việt Nam phải chiến đấu để giữ lấy mảnh đất, giữ lấy "những cánh đồng" vốn là miếng cơm manh áo của mình. Nhưng lần này, số phận của Việt Nam đã gắn liền với các nước XHCN. Với vai trò đầu tàu của Liên Xô, khối XHCN vẫn muốn tiếp tục giành những thắng lợi tiếp sau cuộc cách mạng XHCN tháng 10 Nga "vĩ đại" được cho là thành công và mở ra 1 kỷ nguyên mới của phong trào cách mạng trên toàn thế giới, cho dù sau chiến tranh thế giới thứ 2 nước Nga xô viết không còn đủ sức mạnh để tạo được ảnh hưởng lan tràn khắp châu Âu và toàn thế giới, do phải chịu những tổn thất nặng nề mà người Đức gây ra và gặp phải những nỗ lực ngăn chặn quyết liệt của Mỹ và các nước phương Tây, nên phải dừng bước để bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh mà không thể thực hiện được mục đích của mình. 

     Có lần bạn bè ngồi chuyện trò với nhau và nói về Việt Nam, về những cái hay cái dở của người Việt và nước Việt. Câu chuyện đang lúc tập trung xỉ vả vào những điểm xấu và so sánh với các nước khác thì bạn tôi bỗng nổi giận, cậu ta nói rằng: "Tất cả những gì mà mọi người nói đều chỉ để nghe, và nếu chỉ có thế thôi thì đã nghe như vậy quá nhiều và đủ rồi. Bây giờ các cậu làm được cái gì để thay đổi, dù chỉ một phần, một chút, hoặc nói về giải pháp để đổi mới thì hãy nói". Thế là có đứa tức giận bỏ về. Có đứa hậm hực. Có đứa ngồi im nghĩ ngợi. Riêng tôi thì cho là: chí lý!
(các bạn xem tiếp Phần 6 ở đây)

Cao Xuân Việt

4 comments:

  1. Cảm ơn anh Lê Minh (Debrecen,VIDI69), đã gửi tư liệu/bài cho tôi để viết bài này (Tại sao người Do Thái thông minh?).

    ReplyDelete
  2. Không biết Hồ Chủ tịch có hồi ký về cuối đời của mình không? Người như Cụ, có lẽ ở cuối đời Cụ đã thấy trước kết cục của con đường XHCN, chắc không còn nhiều "ảo tưởng" như buổi đầu "giác ngộ" chủ nghĩa Mác-Lênin. Gía có ai đó công bố những gì sâu kín nhất của Cụ thì đó chính là sự xác nhận cuối cùng về thân thế và sự nghiệp, về sự cống hiến & sai lầm. Và cả những gì cần thay đổi để cho thấy con đường đúng phải đi nằm ở đâu (nếu có). Và kết cục của Cụ có gì giống với Hồ Quý Ly trước kia? Tại sao Cụ lại chọn cho mình họ Hồ? Có phải Cụ muốn có những cải cách nhằm mang lại sự thay đổi cho đất nước?

    ReplyDelete
  3. Về tính cách chính trị của Hồ Chủ tịch, Lưu Thiếu Kỳ thì đã phát biểu trong Hội nghị TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25-03-1963 rằng: “Hồ Chí Minh xưa nay vẫn là tay hữu khuynh…Sau chiến cuộc 1954, ông ta vẫn còn chần chừ, không dứt khoát chọn chế độ tư bản hay xã hội chủ nghĩa. Chính chúng ta (tức ĐCS Trung Quốc) đã phải quyết định cho ông ta”.

    ReplyDelete
  4. Vì thế, xét trên nhiều phương diện, toàn bộ ý tưởng về quốc gia "Số 1" đang trở nên lỗi thời. Hãy nhìn cách mà người Singapore khai thác tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ thông tin để giành lấy 1 vai trò toàn cầu vượt ra ngoài diện tích bé nhỏ của nước họ. Xứ đảo vùng Đông Nam Á hiện đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân PPP gần 85.000 USD và đã vượt qua Hong Kong để trở thành Trung tâm Tài chính lớn thứ 3 toàn cầu chỉ sau London và New York (Global Financial Centres Index). Kỷ nguyên toàn cầu không tôn trọng cái tôn tri trật tự của Khổng giáo mà TQ đang nhắm tới.

    ReplyDelete