Monday, September 8, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (5)

(các bạn trở lại Phần 3 ở đây)

Phần 4: Người Việt có dân tộc tính không?

     Thật khó tìm được lời đáp trọn vẹn và thuyết phục cho câu hỏi của nhà văn Sơn Nam trong thời buổi nhân tâm ly tán này. Nhưng tôi sẽ cố gắng ghi lại những gì là phẩm chất và giá trị của con người Việt Nam, là tinh thần của người Việt như dòng máu Lạc Hồng chảy mãi trong từng con người Việt Nam ngàn đời không mất; dù trải qua phong ba bão táp và những cuộc chiến tranh, vẫn còn lại trong con người, trong tình cảm và sâu thẳm trong tâm hồn như cội nguồn ăn sâu vào lòng đất cho cây cối vươn lên.
     Tôi chọn Sơn Nam vì ở ông có một cá tính dân tộc mạnh mẽ, thuần Việt trong tính cách của miền Nam. Và cũng như Sơn Nam, "ông già Nam Bộ" này cho rằng dù có viết gì đi nữa thì, ngay cả với ông, đây vẫn là một điều khó khăn nên tôi nghĩ những dòng chữ này chỉ là "khởi thảo", như những bức tranh là thể nghiệm ko có kết thúc của mỗi họa sĩ vậy. 

     Khởi nguồn bằng dấu tích của những công cụ thời kỳ đồ đá trên sườn núi Đọ từ hàng chục vạn năm và bắt đầu với thời kỳ dựng nước của các vua Hùng. Cá tính của dân tộc Việt Nam dần dần hình thành từ nền văn minh lúa nước có gốc rễ nằm ở Đông Nam Á suốt 4000 năm qua. Những người Việt Nam đầu tiên làm chủ đồng bằng với văn minh sông Hồng, bước đầu tạo dựng xã hội sơ khai với làng xóm định cư cùng với công cuộc dựng nước và giữ nước đầy gian khổ. Đây là những cụm cư dân nông nghiệp sống định cư, định canh vào loại sớm nhất Đông Nam Á. Văn hóa dân tộc cũng được thể hiện từ cái cá tính đặc thù này. Chúng ta có gì khác biệt trong thói ăn nết ở, lời ăn tiếng nói, trong cách làm nhà dựng cửa và nếp suy tư? Có lẽ từ cái tên gọi "Đất Nước" gắn liền với quê cha đất mẹ, Tổ quốc từ "Đất" và "Nước" mà nên. Có phải vì vậy mà Hồ Chủ tịch đã để lại những chữ này trong di chúc của mình khi nói về vận mệnh của Tổ quốc: "Còn non, còn nước, còn người..." với niềm tin mãnh liệt vào dân tộc và ham muốn tột bậc là làm sao cho dân giàu nước mạnh để thoát khỏi kiếp sống của một dân tộc nhược tiểu kéo dài từ bao đời nay. Mà bây giờ là cuộc "thoát khỏi Trung Hoa" lịch sử, bước chuyển biến tất yếu để chấm dứt với quá khứ và thực hiện ước mơ, giành quyền Độc lập và Tự do thật sự cho dân tộc.
     Người Tây phương xem Việt Nam là một dân tộc với những đặc tính riêng so với các dân tộc khác ở Đông Nam Á. Hàng chục năm nay, rất nhiều học giả và các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu về dân tộc Việt Nam, viết sách và làm phim lịch sử về Việt Nam để làm sáng tỏ những gì còn bí ẩn về dân tộc kỳ lạ này.
     Người Việt bắt chước giỏi, có óc "châm chích" hài ước, cần cù chịu khó, tâm trạng hay buồn nhưng cũng hay cười; mô phỏng vụng về mọi vấn đề thuộc về triết học, mọi hình thức văn hóa, mọi kỹ thuật... không như người Tây phương lãng mạn, ham mê khám phá, sưu tầm và nghiên cứu...
    Giống như cây cỏ nhiệt đới, sức sống và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam rất mạnh mẽ. Điều này từng được thể hiện qua câu nói khí phách của Nguyễn Trung Trực, một lãnh tụ chưa đầy 30 tuổi: "Chừng nào đất nầy hết cỏ thì mới hết người giết Tây"[1]. Hay như Tướng quân Trần Bình Trọng mắng quân giặc: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Và điều này lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!"
     Vì vậy, người Việt không bị đồng hóa với Trung Hoa; nhưng không biết từ bao giờ người Việt hay ăn cắp vặt, thiếu thành thật, hay che giấu tình cảm, trước mặt thì khúm núm sợ hãi, sau lưng thì chửi thề. Đúng là tâm lý của hạng cu-li.
     Thế mà cái hạng cu-li như vậy lại làm được chuyện lớn là đánh bại lũ "quỷ trắng" thực dân, và còn thắng luôn cả đế quốc đầu sỏ. Đánh với một tinh thần bền bỉ, trường kỳ, với trình độ khoa học biến hóa; tiến từ thấp tới cao với lòng yêu nước mà ít dân tộc nhược tiểu nào có. Người Việt rất giỏi trong việc lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều bằng lối đánh "du kích" và mở rộng thành "Chiến tranh nhân dân". Mục đích vẫn là để khẳng định điều mà cha ông từ lâu đã xác định với những kẻ ngoại bang phương Bắc, kể cả đội quân Nguyên hùng mạnh: "cõi bờ đã khác, phong tục vẫn riêng". Điều này cũng làm cho các nhà khảo cứu phương Tây lúng túng.
      Bây giờ, thế giới đang bước vào thời kỳ liên lục địa, vật chất sung túc; cả nhân loại lao theo nền văn minh mới, hòa đồng. Phải xóa bỏ ranh giới để hiểu nhau, không thể đứng một mình riêng rẽ. Đèn LED công nghệ cao chiếu sáng khắp nơi. Bây giờ là tín hiệu, là biểu tượng mới, là mạng internet. Quá khứ bị đứt, tương lai lờ mờ. Âm thịnh dương suy thế thời điên đảo. Cái lương tâm lẩm cẩm không ích gì hết. Không khéo lại thành cù lần gàn dở. Không thực tế. Không chịu chơi. Thời nay, người ta đâu còn phân biệt giai cấp trong thế giới công nghệ cao. Ngôn ngữ con người đã thay đổi, mẹo luật văn vẻ xưa hết thích hợp rồi. Chữ nghĩa muốn khỏi bị đào thải phải chứa đựng nội dung mới. Muốn diễn tả tâm tư thế hệ thì nên theo thứ văn phạm mới. Và nhiều thứ phải chạy theo cho kịp trào lưu thế giới, trong cuộc chuyển mình vĩ đại của thế kỷ này.
     Đấy là bão táp của ngày nay. Đừng có thấy buồn rồi bất mãn kêu lên "Ôi quê hương đau thương thành chai đá!". Con người là con cua con sên. Và nguyện cầu Thượng đế. Và kêu réo Mẹ Việt Nam. Giờ đây các dân tộc trên thế giới đều mang một bệnh như nhau. Đừng ganh tị với các nước lớn rồi chửi rủa họ. Vì họ cũng đang bi đát, con người họ đang bị phá sản về tinh thần, chới với trong "cái hố thẳm của tư tưởng". Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Thế nên đừng lo rằng ta mất gốc. Vì cái gì ta cũng chậm cả nên từ từ tìm lại mình vẫn chưa muộn.


    Qua từng thời kỳ lịch sử. Con người Việt Nam thể hiện cá tính theo từng hình thái xã hội, biến hóa theo bản chất của dân tộc "ăn theo thuở, ở theo thời". Đó là sự thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn, đó là những biến hóa khi phải đối phó với thiên nhiên, khi tiếp xúc với những dân tộc khác, với những luồng văn hóa khác.
     Trở lại với dân tộc là phải trở lại xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, ở thời kỳ sống theo đạo lý phong kiến kìm hãm, con người gắn liền với thiên nhiên muôn loài. Sống hòa hợp với thiên nhiên. Khi ấy, hình thức văn hóa, văn minh Việt Nam chưa bị thực dân tàn phá, đập nát thành mảnh vụn (Ông Paul Mus đã cho rằng: từ góc độ một nhà nghiên cứu châu Á, chính quyền thực dân Pháp phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ cơ sở và cấu trúc kinh tế - xã hội của Việt Nam).
     Văn hóa Việt Nam phải chăng là thứ văn hóa vay mượn vụng về, không đến nơi đến chốn, là học trò của Trung Hoa, Ấn Độ? Nghèo nàn với vài tập tục lai căng: Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, tục lệ quan hôn tang lễ, bùa phép. Không như người Nhật, biết sáng tạo nên họ có chữ viết, có đạo Phật mạnh mẽ, có đồ gốm độc đáo...
     Mất nước hơn một nghìn năm và cuối cùng giành lại chủ quyền là trường hợp hiếm có trong lịch sử. Điều này cho thấy người Việt đã giữ được bản chất dân tộc, có một liên kết cộng đồng bền chặt, biết phát huy vốn văn hóa cổ truyền để tăng thêm tiềm lực của đất nước. Trong đó, làng xã người Việt giữ một vai trò trọng yếu mang tính "nông thôn tự trị" cao, "phép vua thua lệ làng", như những "pháo đài xanh" giữ gìn bản sắc của dân tộc, do đó nhà nước phong kiến Trung Quốc khó lòng can thiệp và chi phối được. Trên 1 dải đất Việt Nam, sách Văn Công Thọ Mai Gia Lễ là khuôn phép suốt từ thời phong kiến đến thời thực dân về những nghi lễ cưới hỏi, ma chay, phong tục ngày Tết, tảo mộ cuối tháng chạp. Vẫn là truyện Kiều, ca dao, chữ Hán chữ Nôm, liễn đối hoành phi...Người Việt bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời chọn lọc những yếu tố ngoại nhập phù hợp để liên kết lại trong cuộc đấu tranh giành lại đất nước.
     Văn hóa Việt Nam không bị giặc Tàu trước kia và người Pháp, người Mỹ tiêu diệt vì nó có thật, có sức mạnh. Nhưng nó bị mất mát (hoặc bị đập thành nhiều mảnh rời rạc), nếu chỉ quan sát từng mảnh thì không thấy được ý nghĩa, dễ bị sai lạc. Phải tìm và ráp nối lại những mảnh vụn đó, kể cả những giai thoại, những chuyện cổ tích... đáng tin cậy.
     Về mặt lịch sử, chúng ta cần những nguồn tài liệu đang nằm trong tay của người Pháp, người Hoa, người Nhật, người Anh... cũng như tìm hiểu và trao đổi với các nước trong vùng Đông Nam Á. Công trình nghiên cứu này phải do người Việt Nam làm vì không ai yêu nước Việt hơn người Việt (Điều này nhà sử học Trần Quốc Vượng và các đồng nghiệp của ông biết rất rõ).
     Thực tế đã chứng minh: người Việt biết phản ứng khéo léo khi gặp gỡ những nền văn hóa lạ. Sự phản ứng này cho thấy nhiều vấn đề của người Việt.
     Theo Sơn Nam, khi người Việt đến vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp người Miên. Tuy hai nền văn hóa khác nhau nhưng không có xung đột vì người Miên thích ở vùng đất gò, không thích vượt sông, ra biển, không phá rừng. Khi đó, đất rộng người thưa, mỗi dân tộc có nếp sống riêng. Người Việt vượt sông phá rừng, tìm đường ra biển và canh tác, làm nhà nơi đất thấp. Hai nền văn hóa khác nhau, nhưng gặp nhau ở nụ cười của đức Phật. Cuộc gặp gỡ giữa hai nếp sống không phải là va chạm thôn tính lẫn nhau vì chẳng ai có nền kinh tế mạnh hơn ai. Chỉ là mua bán nhỏ và đổi chác, những sự trao đổi tự nhiên theo nhu cầu của cuộc sống hàng ngày vốn rất bình yên, không hề xáo trộn.
    Phải nói thêm về đặc tính "ngoại lệ" khác biệt của người Việt so với các dân tộc khác ở Đông Nam Á, đó là tính cách "phá sơn lâm, đâm Hà bá" của người Việt. Khi từ miền Bắc, miền Trung vào Nam, người Việt muốn định cư vì biết có "an cư" mới "lạc nghiệp" nhưng sẵn sàng dời chỗ ở để sinh sống. Và cũng vì thế nên dù sợ đụng chạm đến thánh thần, ma quỷ nhưng chẳng lẽ không phá rừng? Họ đốn cây phá rừng nhưng chừa lại những cây to lớn để thờ. Trước khi phá rừng họ cũng khấn vái để được yên tâm. Sợ cọp sấu nhưng cứ giết, giết trong mức độ vừa phải rồi thờ cọp, thờ đầu sấu. Cứ thế, người Việt mở mang vùng sinh sống của mình ở những miền đất thấp, sình lầy, đầy cọp sấu là những nơi người Miên không hề tính đến.
     Chỉ từ khi những người Hoa đầu tiên, những di thần "bài Mãn phục Minh" đặt chân sang vùng đất này thì mới nảy sinh va chạm về văn hóa và kinh tế. Giữa người Việt và người Hoa có những khác biệt về phong tục. Khi sang Việt Nam, người Hoa vốn là binh tướng của "cường quốc phía Bắc", họ tự giải giáp để làm ăn, phát triển thương mại, sống định cư, tạo lập chợ phố, tích trữ hàng hóa và vốn liếng. Ở miền Nam, từ Biên Hòa họ dời về địa điểm mà nay gọi là Chợ Lớn. Ưu thế kinh tế của họ hơn hẳn người Việt từ đó đến suốt thời Pháp đô hộ và cho đến bây giờ. Mua bán là một khoa học, đòi hỏi những tính toán kỹ lưỡng về cung cầu, chi phí, chuyên chở, tồn trữ và phân phối. Và không phải chỉ ở Chợ Lớn, người Hoa còn cư trú và có ảnh hưởng ở các tỉnh miền Tây: "Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu" cũng để ám chỉ những người Triều Châu qua di trú thời Pháp thuộc. Người Việt thiếu năng khiếu về thương mại và xem thường ngành kinh tế này. Phải chăng theo quan niệm "nhất sĩ nhì nông" coi thương lái đứng hàng chót, hoặc vì đa số dân chúng đều thiếu vốn liếng, kém tổ chức nên không hợp sức lại cùng nhau làm ăn nên để người Hoa lấn át.
     Nếu người Việt chỉ copy văn hóa Tàu thì ắt phải mất gốc, như giọt nước về nguồn, như muối tan hòa trong biển vì yếu kém hơn, dễ sinh ra tình trạng cá lớn nuốt cá bé.
     Khi có một luồng văn hóa khác xâm nhập thì nền văn hóa dân tộc phải phản ứng, có thể phải sáng tạo, nếu nền văn hóa bản địa đủ sức mạnh để chuyển hóa và tiếp nhận. Ngược lại thì xảy ra thảm kịch. Văn hóa dân tộc bị hủy hoại thành những mảnh vụn vô nghĩa, không còn sức sống, đồng thời sinh ra một lớp người vong bản, không còn năng lực bám vào "lòng đất mẹ" để tái tạo, khôi phục những giá trị cũ làm nền tảng cho nếp sống mới. Thế là văn hóa dân tộc bị tiêu diệt.
     Người Pháp kể lể công lao bảo tồn văn hóa Việt Nam. Họ chê bai người Việt không biết giá trị cổ xưa nên phá hủy, không tôn trọng với di sản do tiền nhân để lại (thời kỳ hoàng kim của những nhà khảo cứu Pháp là khoảng sau năm 1900). Nhưng thực dân Pháp chỉ nghiên cứu văn hóa Việt Nam với dã tâm của họ, để làm cho người Việt thêm mặc cảm tự ti, cứ nghĩ là dân tộc mình oai hùng, có nhiều vẻ đẹp thời xưa nhưng tất cả đã lui vào quá khứ nên an phận ôm giấc mộng vàng son mà chờ vận hội mới do người Pháp chỉ dạy.
     Khai hóa văn minh thời thực dân là khái niệm từ hồi thế kỷ 17,18, khi các nhà tư bản tìm thị trường ở những lục địa khác. Văn minh được hiểu một cách sơ khai như là phản nghĩa của man rợ và thiên nhiên hoang sơ chưa được khai hóa. Các dân tộc văn minh lấy giá trị khuôn vàng thước ngọc của mình làm tiêu chí cho toàn thế giới tiến đến trình độ đồng đều, bình đẳng - như Tây phương.
     Với chiêu bài đem "ánh sáng văn minh" đến vùng đất tối tăm, người Pháp muốn tách Nam kỳ (Cochinchine) khỏi cộng đồng người Việt, bứng gốc người miền Nam, nhưng thất bại vì gặp khó khăn về vấn đề văn hóa (ngôn ngữ, lịch sử). Nhưng vì vậy mà miền Nam học chữ quốc ngữ trước miền Trung và miền Bắc. Chữ quốc ngữ giúp phát triển văn học, báo chí, sách dịch, phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật và quảng bá nghệ thuật. Nho sĩ không gây ảnh hưởng mạnh trong dân chúng bằng nhóm thanh niên Tây học, nhất là những thanh niên du học Pháp rồi về nước. Nhưng ở cái xứ nông dân cục mịch này không phải chỉ toàn những kẻ ngu dốt. Vì vậy, nó là thách thức ghê gớm với những người cho mình là cao siêu nhưng thật ra chỉ là hạng trí thức "nửa mùa", đối với nông dân thì đơn giản thà dốt "đặc" còn hơn hay chữ "lỏng".
     Cũng là đặc tính khác của người Việt vì phải vật lộn với đói kém thiên tai mà nhiều khi thiên hạ hay suy nghĩ bằng "cái bụng" (Trần Quốc Vượng); vì cái đầu nằm ở bụng nên dù trọng "văn", đưa sĩ lên hàng đầu nhưng cũng lại có câu:
     "Nhất sĩ nhì nông.
      Hết gạo chạy rông,
      Nhất nông nhì sĩ!"
     Nghĩ kiểu nhà nông, làm theo nhà nông là biểu hiện của nhiều người Việt. Vì vậy mà hình ảnh "Con trâu đi trước cái cày theo sau" đã tồn tại cùng người Việt trong một thời gian rất dài...


     Sự đòi hỏi về văn hóa nhắm vào mục đích đòi độc lập, đòi quyền tự chủ. Là vận mạng của dân tộc.
     Cụ Phan Bội Châu muốn tiếp nhận sinh lực Tây phương qua phong trào Duy Tân của Nhật. Cụ Phan Chu Trinh khuyến cáo sĩ phu đừng chìm đắm trong cái đẹp tiểu xảo của văn chương bát cổ. Ông Trần Quý Cáp cho rằng "chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, phải đem ra tính trước dân ta...Á, Âu chung lại một lò, đúc nên tư cách mới cho rằng người". Ông Huỳnh Thúc Kháng nhận định rằng "dân lấy sự học làm sinh mạng mà quan xem sự học như một sự thù nghịch". Việc canh tân, tiếp thu văn hóa Á-Âu của các ông bị xem là phiến loạn vì với cái học ấy, dân Việt sẽ vùng dậy, càng học, dân càng chống thực dân. Thực dân Pháp thì muốn hiểu văn hóa Á-Âu theo quan niệm "chết", với những học giả đeo thẻ ngà "ấm ớ hội tề" như Phạm Quỳnh, Lư Thoa, Mạnh Đức... là mang cái vỏ mà khoe khoang, tách rời văn hóa ra khỏi vận mạng dân tộc, du nhập văn hóa nước ngoài với mục đích đề cao sức mạnh nước ngoài, chỉ nói chứ không dám làm, trốn tránh thực tế. Thực tế họ chỉ là những kẻ hủ nho đáng bị lên án.
   Trải qua thời kỳ chủ nghĩa thực dân cũ đến chủ nghĩa "thực dân mới", từ phong kiến hủ bại, người Việt lại sa vào lối sống mà những người mại bản, gian thương luôn kiêu hãnh vì thấy cái lối sống ích kỷ của họ trước bị công kích nay được phổ biến, ưa chuộng. Cùng với hàng hóa, lối sống, văn hóa và tư tưởng Tây phương tràn ngập khắp nơi. Trong thời đại ảnh hưởng bởi cách mạng kỹ thuật và vật chất của nước ngoài, từ ảnh hưởng phương Tây xuất hiện những cá nhân sống độc lập, an phận với những mưu cầu cá nhân của mình. Khi hàng hóa dư thừa, con người sống theo khuôn khổ nhưng lại cố thoát ra để tìm sự độc đáo thay thế công thức cũ. Cá tính bị tiêu diệt mà không hay, chỉ vì sống theo dư luận, vì bị tuyên truyền huyễn hoặc.
    Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945 và chiến thắng 1975 đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến mang tính lịch sử (đồng thời cũng cho thấy một khả năng huyền thoại của người Việt đã được chứng minh qua hầu hết các cuộc kháng chiến chống xâm lược là luôn phải "lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều"). Điều này cũng ghi thêm một kỳ tích vào trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của người Việt vốn là truyền thống vẻ vang của cả dân tộc.


     Qua khảo cứu, ghi chép, nếu chỉ thấy cái vụn vặt thì khó thấy được cái chính yếu. Văn hóa dân tộc, dân tộc tính là vấn đề rất cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng. Những ghi chép, những con số và phương pháp lại mơ hồ. Và lắm khi điểm mơ hồ mới là thực tế.
     Tìm hiểu về dân tộc, về quá khứ, để biết rõ mình. Có lẽ những gì mạnh mẽ nhất sẽ vẫn còn trong giai thoại dân gian, để lại trong tính cách được khắc họa qua thơ ca, văn học, dân ca, qua tục ngữ ca dao...
      Dân tộc có phải là "ăn trầu, răng đen", ăn cơm bằng đũa, khăn đóng áo dài, yếm đào và áo tứ thân... cuộc sống gắn liền với nhà tre vách lá đơn sơ bình dị? Tính dân tộc phải từ con người có tình cảm sâu nặng với miền đất sinh ra, từ tình cảm con người mới nảy sinh tính cách. Nếu không có tình cảm thì không có "quốc hồn, quốc túy", không có hồn thiêng của núi sông, không có Tổ quốc.
      Hình ảnh của người Việt mà tôi được học từ bé, ăn sâu trong tôi là "Cây tre" của Thép Mới. Tre là hình ảnh của Bắc bộ, là cốt cách của người Kinh, của nền văn hóa Việt (tôi sẽ bỏ qua những tính cách không thuần Việt do bị lai tạp, dù rằng theo tập quán vùng miền vẫn thuộc về bản sắc của địa phương, nhưng chúng không phải là nguồn gốc chính thống). Thép Mới là người rất sắc sảo và tinh tế, một người yêu vô cùng miền quê của mình nên đã rất thành công khi mang hồn người vào tre. Người dân Việt Nam hay lấy hình tượng tre để nói về sự kế tục giữa các thế hệ: "tre già thì măng mọc". Tre với người là một. Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa thấp thoáng những ngôi chùa cổ. Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hoá lâu đời, tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, xóm thôn, đồng thời ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác.
     Từ thuở ấu thơ ta đã được nằm trong chiếc nôi tre với tiếng ru của mẹ. Và nó sẽ mãi là hình ảnh không bao giờ phai mờ. Tre còn được tô khắc, trang điểm theo những ý tưởng độc đáo của người thợ để tạo ra những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao.
     Tre gắn bó với con người từ trên cạn cho đến dưới nước. Những chiếc thuyền nan cùng người lái đò cần mẫn chở khách qua sông, người dân vạn chài giăng lưới để cải thiện cuộc sống hàng ngày. Tre còn là vật liệu xây dựng, được sử dụng trong không gian kiến trúc nhà ở. Ngày nay, khi về các vùng quê Việt Nam đâu đó ta vẫn gặp những chiếc cổng tre sớm chiều khép mở hay những phên liếp trước cửa nhà để che chắn nắng mưa. Ở vùng cao, họ nhà tre được sử dụng trong các phần kiến trúc, từ hàng rào cho đến mái nhà, cầu thang, bậc cửa, sàn nhà, qua các vật dụng bằng tre nứa.. thì miền xuôi cũng vậy, rổ, rá, thúng, mủng, sàng... được bày bán khắp nơi. Cây tre hữu dụng và thân thiết với con người Việt Nam đến từ những vật dụng nhỏ nhất như cái tăm, đôi đũa cũng làm bằng tre.. Tất thảy đều có sự hiện diện của tre. 
      Trong lịch sử dân tộc, Thánh Gióng là một hình tượng tiêu biểu, đại diện cho khí phách Việt Nam. Gióng đã lấy tre làm vũ khí thay gậy sắt bị gãy để tiêu diệt quân thù. Từ ngàn xưa, cây tre và con người Việt Nam đã trở thành đôi bạn keo sơn. Tre vốn cùng ta làm ăn lại cùng ta đánh giặc. Buổi đầu không một tấc sắt trong tay, tre là vũ khí, từ chiếc gậy tầm vông cho đến mũi chông nhọn sắc đã làm nên thành đồng tổ quốc. Gậy tre, chông tre kiên cường chống lại sắt thép của quân thù.
      Ở đâu tre cũng xanh tươi cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu. Tre đã trở thành biểu tượng để nói về con người Việt Nam với khí phách kiên cường, cho dù ở bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào cũng đều có thể vượt qua.
      Như vậy, ta đã thấy một phần phẩm chất của người Việt qua hình ảnh của tre, hình ảnh quê hương gắn liền với lũy tre, từ cái "chổi cùn rế rách" cũng mang bản sắc Việt Nam để từ đó mà chiêm nghiệm, để tìm hiểu và trở về với cá tính của dân tộc.


Để kết thúc phần này, tôi viết lại những suy nghĩ của Sơn Nam, dù cách đây hơn 40 năm vẫn còn rất mới:
     "Chúng tôi cầu mong rằng: Người Việt đang và sẽ bao gồm những nét đẹp của quá khứ và hiện tại.
      1. Hòa mình với thiên nhiên nhưng không đói kém, không mê tín.
      2. Sống với lý tưởng nhưng không ích kỷ, ám hại đồng loại, không xem đồng loại
          là phương tiện.
      3. Biết sử dụng những tiện nghi vật chất, xem vật dụng do kỹ nghệ sản xuất là
          phương tiện chớ không lặn hụp loi ngoi trong tiện nghi, trở thành một thứ đồ vật
          trong thế giới đầy đồ vật, để cho đồ vật điều khiển ngược lại con người."
     Việt Nam là nơi đâm hoa kết trái của nhiều nền văn hóa qua một quá trình giao thoa/đan xen (acculturation). Như "một đóa hoa trong những đóa hoa. Nụ hoa đang trải qua giông bão, đang mãn khai, đang kết trái..."
     Dân tộc Việt Nam cần phải tự giải phóng mình "khỏi mọi sự kìm hãm, từ đó phát huy mọi tiềm năng ẩn náu trong mọi con người, những tiềm năng đã ngủ từ xa xưa dưới chế độ cũ; đến nay thức dậy, vùng lên và đua nhau nở hoa kết trái dưới ánh sáng của mặt trời tự do." (Phạm Văn Đồng, Lời giới thiệu, Có một Việt Nam như thế, 1995).

[1] Có sách ghi: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây"

(xem tiếp Phần 5 ở đây)

Đọc & viết theo cuốn "Người Việt có dân tộc tính không" của Sơn Nam (An Tiêm xuất bản, 1969)

Cao Xuân Việt

6 comments:

  1. Không biết có phải do người VN phải luôn sống giữa sống và chết giữa những cuộc chiến tranh, sống cùng nghèo khó với một cuộc sống lạc hậu kéo dài nên mới có những cá tính "ngoại lệ" so với các dân tộc khác hay không?
    Tôi vẫn nhớ về câu chuyện "cái hũ ở địa ngục" của người VN không cần đậy mà vẫn chẳng có linh hồn nào thoát được có phải là 1 đặc tính của riêng người Việt hay không?

    ReplyDelete
  2. Chúng ta cũng có thể liên hệ từ âm nhạc của người Việt với đặc trưng của cây đàn bầu, vô cùng đơn sơ với âm thanh thật độc đáo. Nó rất khác với cây violin và càng khác với cây đàn piano của phương Tây. Từ đó cũng có thể thấy được sự khác biệt giữa các dân tộc về mặt sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật dù ở mức độ sơ khai và truyền thống thì không có sự khác biệt nhiều.

    ReplyDelete
  3. Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt, xin tạm dịch như sau:
    1.- Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.
    2.- Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.
    3.- Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.
    4.- Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.
    5.- Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt).
    [when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs]
    6. Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.
    7. Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương). [to save face or to show off].
    8.- Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.

    9.- Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.
    10.- Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng việc).

    ReplyDelete
  4. Học giả Trần Trọng Kim (1883 – 1953) khi viết bộ Việt Nam Sử Lược, ấn hành lần đầu tiên năm 1919, cũng đã phân tích khá rõ ràng những đặc tính của người Việt và những yếu tố tạo nên những đặc tính đó. Đa số người lớn tuổi, khi còn nhỏ đều đã được học bộ sử này. Tôi chỉ xin trích lại dưới đây một số đoạn chính ông viết về đặc tính của người Việt.
    Trong bài tựa, ông nói ngay:
    “Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!”
    “Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?”
    “Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.”

    Ở Chương VI nói về “Kết Quả của Thời Bắc Thuộc”, ông có nhận định rõ hơn:
    “Nguyên nước Tàu từ đời Tam Đại đã văn minh lắm, mà nhất là về đời nhà Chu thì cái học thuật lại càng rực rỡ lắm. Những học phái lớn như là Nho giáo và Lão giáo, đều khởi đầu từ đời ấy. Về sau đến đời nhà Hán, nhà Đường, những học phái ấy thịnh lên, lại có Phật giáo ở Ấn độ truyền sang, rồi cả ba đạo cùng truyền bá đi khắp cả mọi nơi trong nước. Từ đó trở về sau nước Tàu và những nước chịu ảnh hưởng của Tàu đều theo tông chỉ của những đạo ấy mà lập ra sự sùng tín, luân lý và phong tục tương tự như nhau cả…”
    “Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.
    “Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao? …
    “Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ văn minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.
    “Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.”

    ReplyDelete
  5. Đọc cuốn “Lều chõng”, một tiểu thuyết phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố (1894 – 1954), chúng ta có thể thấy rõ nền học vấn của người Tàu mà người Việt rập khuôn theo đã kềm hảm con người như thế nào. Ông vốn là một nhà Nho, đã từng tham dự các kỳ thi Hương dưới triều Nguyễn, nên đã phản ánh một cách trung thực những oái ăm của các kỳ thi này và nêu lên sự sụp đổ tinh thần của những nho sĩ suốt đời lấy khoa cử làm con đường tiến thân nhưng lại bị hoàn thất vọng .
    “Trước là làm đẹp mặt sau là ấm thân”
    Nước Việt Nam bị Pháp đô hộ gần 100 năm, đã cởi bỏ nền học vấn của Trung Hoa, tiếp thu nền học vấn mới của phương Tây, nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét căn bản của nền văn hóa Trung Hoa. Có nhiều hủ tục trong quan, hôn, tang, tế mà cuộc Cách Mạng Văn Hoá của Trung Quốc đã phá sạch, nhưng nhiều người Việt vẫn cố giữ lại như những thứ “quốc hồn quốc túy”.

    Bài tục giao sau đây vẫn còn là tiêu chuẩn và mục tiêu thăng tiến của gia đình và con người Việt Nam:
    Con ơi! muốn nên thân người
    Lắng tay nghe lấy những lời mẹ cha
    Gái thì giữ việc trong nhà
    Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
    Trai thì đọc sách ngâm thơ
    Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
    Mai sau nối được nghiệp nhà
    Trước là đẹp mặt sau là ấm thân

    Bây giờ người con gái không còn chỉ “giữ việc trong nhà”, và người con trai không còn chỉ “đọc sách ngâm thơ” mà đã đi vào khắp mọi lãnh vực của cuộc sống, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là “Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”.
    Tiêu chuẩn của cuộc sống hiện nay của nhiều người, nhiều gia đình là có nhà sang cửa rộng, có xe hơi, có con đi du học nước ngoài… Đi đâu cũng nghe khoe nhà trên cả tỷ bạc, xe loại sang trọng nhất, con đang học bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư… Gần như không nghe ai khoe những công trình đang nghiên cứu hay thực hiện để đưa con người, cộng đồng và đất nước đi lên. Tất cả chỉ tập trung vào hai tiêu chuẩn là “đẹp mặt” và “ấm thân”.
    Nếu mỗi gia đình và mỗi cá nhân chỉ lấy những mục tiêu như trên làm mục tiêu của cuộc sống và truyền từ đời nọ sang đời kia, còn lâu cộng đồng và đất nước mới ngóc đầu lên được.


    ReplyDelete
  6. Về dân tộc tính của người Việt, có lẽ chúng chỉ là những mảnh vụn của đổ nát và hoang tàn, là tro bụi từ những cuộc chiến tranh hoặc đang ẩn chìm sâu trong lòng đất...

    Những gì có thể chứng kiến hiện nay đều bị pha trộn, nhưng vẫn có thể tìm được sự khác biệt trong ngôn ngữ, dù đã bị Âu hóa/HÁn hóa rất nhiều (ví dụ: chữ VĂN và chữ THỊ trong tên lót của người Việt?). Chúng ta cần tìm hiểu thật nghiêm túc về cội nguồn/lịch sử của dân tộc trong việc khảo cứu và khai quật/tìm kiếm những chứng tích lịch sử về những gì liên quan đến dân tộc tính và đặc trưng của người Việt để nhận ra được chính chúng ta và thật sự lý giải được câu hỏi tại sao VN lại là 1 nước "không chịu phát triển", cái gì làm nên con người VN và chúng ta có thể vượt lên/làm được những điều thần kỳ hay không, hay chỉ làm gì cũng nửa vời/nửa đoạn, không đi đến cùng cho "ra ngô ra khoai"... cuối cùng chỉ cốt tạm bợ cho xong/cho có... như những nước kém phát triển khác?

    ReplyDelete