01. Trên đây là nói sơ lược về 100 năm giao thoa văn hóa
Đông - Tây, Nam - Bắc của Việt Nam, thường lấy một hệ quy chiếu là Hà
Nội, thủ đô Việt Nam “ngàn năm văn vật” thủ phủ Đông Dương trong nhiều
năm của thế kỷ XX. Đấy cũng là nơi cư trú và địa bàn nghiên cứu tìm hiểu
tương đối kỹ của tôi.
02. Nay, nếu ta “chuyển hệ”, lấy
Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định làm hệ quy chiếu cả “Nam kỳ lục tỉnh”, cả
miền Nam hôm nay thì ta có thể nhận định gì về 100 năm giao thoa văn hóa
ở Sài Gòn - miền Nam trong thế đối sánh với Hà Nội - Miền Bắc?
Có thể mô hình hóa, sơ đồ hóa Sài Gòn miền Nam như sau:
Thời Nguyễn Hữu Cảnh (1668) trung tâm chính trị của dinh
trấn biên là Biên Hòa - và Cù Lao Phố tàn lụi cuối thế kỷ XVIII thì Bến
Nghé - Sài Gòn - Chợ Lớn bật lên như một trung tâm cảng thị đã có xuất
nhập khẩu phát triển, đã trở thành tâm điểm của “Nam kỳ lục tỉnh”.
Sài Gòn nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Dưới thời Lê
Văn Duyệt, Sài Gòn - Gia Định “mở” cả về tư duy kinh tế, cả về tư duy
tôn giáo, là một cảng giao lưu kinh tế và giao thoa văn hóa vào bậc nhất
ở vùng Viễn Đông. Cộng đồng người Hoa cũng đông đặc nhất ở đây và hình
thành Chợ Lớn một “China town” cũng vào loại bậc nhất Viễn Đông. Không
phải bỗng dưng mà dưới thời
thuộc Pháp, Sài Gòn đã nổi tiếng “hòn ngọc Viễn Đông”. Giao thoa văn hóa
có ngay trong lòng Sài Gòn - Chợ Lớn “Gia Định tam gia” - như Trịnh
Hoài Đức - là Việt gốc Hoa. Minh Nho ở Đàng Trong phát triển trong khi ở
Đàng Ngoài dường như vẫn chỉ dừng ở Tống Nho. Phật giáo phái Lâm Tế
cũng phát triển mạnh ở miền Nam hơn ở miền Bắc với các thiền sư Nguyên
Thiều, Nguyên Lượng... với các chùa Giác Viên, Giác Lâm... mà sư tổ ở
đây là bạn thân Trịnh Hoài Đức. “Thiên địa hội” cũng hoạt động mạnh ở
vùng đất mới này. Đó là vài chứng cứ của giao thoa Nam - Bắc.
Dưới thời
thực dân Pháp, Nam kỳ là đất “trực trị” dưới quyền Thống đốc Pháp trong
khi Trung - Bắc kỳ trên danh nghĩa là đất “bảo hộ” vẫn còn nặng cơ cấu
quan liêu của Nam triều - cho dù là “bù nhìn”, “hình thức”. Và dân Nam
kỳ có được hưởng chút ít quyền tự do, dân chủ hơn Trung - Bắc kỳ.
Nhiều trí
thức Trung Bắc như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Hà Huy Giáp, kể cả
Tản Đà, Tô Hoài... không chịu nổi sự o ép của các trí thức thực dân ở
Bắc - Trung kỳ đã vô Sài Gòn viết báo, viết văn, đả kích thực dân... “Từ
Thành phố này, Người đã ra đi”, Nguyễn Ái Quốc và nhiều người yêu nước
khác của cả nước (Võ An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Trần Văn Giàu, Bùi Công
Trừng...) và chính họ là một thế hệ giao lưu văn hóa Đông - Tây để mang
về Việt Nam những tư tưởng Dân chủ - Khoa học, Mác-xít...
Trung ương
Đảng Cộng sản Đông Dương gần như suốt thập kỷ 30 là đóng ở Sài Gòn - Côn
Đảo, để giao lưu với Pháp và phương Tây, nơi này nhiều “Tân thư” của Trung Hoa (Chợ Lớn), nhiều sách báo tiến bộ, Mác-xít được truyền bá.
03. Không thể
nói rằng chính sách “chia để trị” của thực dân đã không có ảnh hưởng
(dù là phần nào) đến tâm thức Việt Nam, nhất là với phần tử lớp trên, kẻ
đại diện cho ý thức dân tộc.
Đàng Trong - Đàng Ngoài từ thế kỷ XVII-XVIII đến hết thế kỷ XIX vẫn là Trong - Ngoài của một Đại Việt, một triều Lê.
Với Gia Long -
Minh Mạng, đã có một chính quyền quân chủ trung ương liền một dải từ
Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Tuy vậy vẫn có một Bắc thành, một Gia Định
thành, một phủ Thừa Thiên Thuận Hóa trực kỳ. Đầu thời thuộc Pháp, vẫn có
Kinh lược sứ Bắc kỳ dù là Khâm sai đại thần.
Thời thực
dân, dấu nhấn Nam - Trung - Bắc kỳ mạnh hơn, nặng nề hơn. Người Bắc (như
mẹ tôi) muốn vô Sài Gòn (thăm bố tôi làm công chức ở trỏng) vẫn phải
cậy cục đi lấy “tít” (...d’ Identité) ở các phủ Thống sứ Bắc kỳ, phủ
Toàn quyền Đông Dương, như đi “ngoại quốc”. Nguyễn Công Hoan, trong Kép Tư Bền đã đặt vào miệng người dân Bắc kỳ câu: “Đi nước Sài Gòn!” nhẽ ra là “xứ Sài Gòn” dù trong sâu thẳm ký ức tâm linh, đấy vẫn là một bộ phận của nước Việt Nam xưa.
Tâm thức Nam
kỳ thì cũng vậy, mà đến tột cùng “phản văn hóa” là các quái thai “Nam kỳ
quốc” của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh để cuối cùng phải tìm đến sự tự sát
về hối hận và tuyệt vọng.
Có vấn đề địa
- văn hóa - lịch sử: nước Việt “hình cong như chữ S” này quá hẹp chiều
Đông - Tây (nhất là ở miền Trung) nhưng lại quá dài (tương đối) chiều
Nam - Bắc. Bắc là đất Tổ lâu đời mấy ngàn năm; Nam là “Đất (tương đối)
mới” (“Ba trăm năm Sài Gòn - Gia Định” (1698-1998)).
Tâm thức vùng
đất mới, dễ tiếp thu cái mới, dễ bỏ rũ nhiều truyền thống. Thầy tôi
(GS. Trần Văn Giàu, người Nam) khi ở Đại học Văn khoa Hà Nội đã có lần
dạy chúng tôi rằng: Người Việt trong lịch sử ngàn năm đã có công cuộc
“Nam tiến” tìm đất mới làm ăn. Trèo núi đèo (“một đèo, một đèo, lại một
đèo”) lội qua suối, qua sông, từng chặng, từng chặng... lại bỏ bớt dần
“gánh nặng truyền thống” rồi giao hòa cuộc sống mới với cư dân bản địa
Chăm, Mạ, Khơme...
Nhìn theo
khía cạnh Văn hóa học, hiện thực lịch sử lớn đó nên gọi là “Giao thoa
văn hóa bên trong một quốc gia đa dạng học, đa dạng văn hóa và tộc
người” (Inter-Acculturation).
04. “Miền Nam đi trước về sau” thành ngữ đó vốn là của chính trị học, nói về phong trào và chiến tranh Giải phóng dân tộc.
Nhưng theo
tôi, miền Nam - Sài Gòn, trên nhiều mặt cũng “đi trước” về giao thoa văn
hóa Đông - Tây. Vì đây là một tiểu luận nên không thể viết dài, dẫn
giải cặn kẽ, chỉ xin lược kê như sau, để sau này, có điều kiện, sẽ phát
triển thành một công trình dài hơi hơn.
1. Sài Gòn -
Gia Định (và lục tỉnh Nam kỳ vốn ít ông Tú, ông Cử (Cống), ông Nghè hơn
miền Bắc, lại bỏ các kỳ thi Nho giáo sớm hơn hai miền Trung Bắc (từ nửa
cuối thế kỷ XIX, Bắc kỳ - 1915, Trung kỳ - 1918).
2. Nền giáo
dục kiểu phương Tây phát triển sớm hơn, nhà trường dùng tiếng Pháp, dùng
chữ Quốc ngữ sớm hơn (xem Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh
Của...).
3. Báo chí
chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Hoa phát triển sớm hơn và theo dòng thời
gian lịch sử có số lượng phong phú hơn, thủ tục xin ra báo dễ hơn hai
miền Trung - Bắc (Thầy tôi, GS. Đào Duy Anh (gốc Bắc) ở thập kỷ 20, bỏ
dạy học ở Đồng Hới (Quảng Bình) để vào Nam làm báo. Đến Đà Nẵng, gặp cụ
Huỳnh Thúc Kháng - Viện trưởng dân biểu Trung kỳ - cảm nể quay về Huế
giúp cụ Huỳnh ra báo Tiếng Dân).
4. Các thể
loại văn học, viết theo lối mới (ký, tản văn, truyện ngắn, tiểu
thuyết...), dù có cái “nửa Tây nửa Tầu”, đã phát triển ở Sài Gòn - Gia
Định sớm hơn Trung - Bắc (Petrus Ký, Paulus Của, Hồ Biểu Chánh ...).
5. Như tôi đã viết trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thông tin) để dẫn giải vì sao Nam bộ lại là mảnh đất sản sinh ca kịch cải lương (từ thập kỷ 10-20) sau mới lan tỏa ra Bắc - Trung. Cũng vậy, về các dòng “nhạc tài tử” về điệu “Vọng cổ”...
6. Các nghệ thuật chớp bóng (điện ảnh: 1898), chụp hình (nhiếp ảnh - tuy vẫn
biết cụ Đặng Huy Trứ mở hiệu ảnh ở Hà Nội sớm (nửa cuối XIX) song theo
tôi đấy chỉ là hiện tượng cá biệt, chụp chân dung tiên tổ để thờ (“cảm
hiếu”) chưa phải là một nghệ thuật chụp hình (“cái thường ngày”), kể cả
nghệ thuật thể thao lối Tây (đá banh (bóng), quần vợt, đua xe đạp, đua
bơi lội) đã phát triển sớm hơn và mạnh hơn ở Sài Gòn - Gia Định, Lục
tỉnh Nam kỳ, so với hai miền Trung - Bắc.
7. Sài Gòn -
Gia Định, lục tỉnh Nam kỳ “làm quen” với nền kinh tế thị trường, kinh tế
hàng hóa, xuất nhập khẩu... mạnh hơn hai miền Trung Bắc.
8. Trên báo Sài Gòn giải phóng Tết Bính Thìn (1976), từ Hà Nội, tôi đã viết bài đối sánh Hà Nội - Sài Gòn và ngay từ lúc đó “người Hà Nội” là tôi đã dám ca ngợi người dân Sài Gòn có tinh thần dân chủ hơn, tuân thủ kỷ luật hơn (tính pháp chế, pháp quyền), bộc trực thẳng thắn hơn tôi, người trí thức đại diện cho tâm lý tiểu nông châu thổ sông Hồng, tỉ mẩn hơn, khép kín hơn, vờ vịt hơn...
9. Tôi rất thích lời khái quát này của GS.TS. Keith Taylor “người Mỹ nhưng mà tốt”, bạn tôi, viết trong cuốn The Birth of Viet Nam (Sự sinh thành của Việt Nam): “The North resolve, The South release” (miền Bắc quyết tâm, quyết ý, miền Nam phóng khoáng, thích thẳng).
Đúng hay Sai, xin các vị cao minh thức giả ba miền Nam Trung Bắc vui lòng chỉ giáo cho. Xin cảm ơn!
No comments:
Post a Comment