Monday, September 1, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (3)

(các bạn trở lại Phần 1 ở đây)

Phần 2: Bản Tuyên ngôn độc lập

Đã có nhiều sử gia, học giả, nhà hoạt động chính trị, nhà báo nước ngoài viết về Việt Nam trong hơn 60 năm qua. Trong số họ, nhiều người đã từng có mặt ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh với Pháp và Mỹ.
      Ông Paul Mus, học giả về châu Á, cố vấn của Cao ủy Pháp tại Sài Gòn Emile Bollaert, từng gặp Hồ Chủ tịch ở chiến khu để tìm cơ hội "điều đình" với Chính phủ Việt Nam, cho rằng: từ góc độ một nhà nghiên cứu châu Á và ủng hộ hòa bình ở Đông Dương - chính quyền thực dân Pháp phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ cơ sở và cấu trúc kinh tế - xã hội của Việt Nam, khiến Việt Nam trở thành một dân tộc mất cân bằng và Cách mạng Tháng Tám là cách người Việt Nam lập lại thế cân bằng đó.
     Về cơ may của Việt Minh, trong hoàn cảnh khó "thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp" được thiết lập, một nhà sử học thuộc thế hệ trẻ Na Uy, S. Tonnesson trong cuốn "Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle trong một thế giới chiến tranh",1991 (The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at War) đã đưa ra khái niệm "khoảng trống quyền lực", xuất hiện từ lúc Nhật thế chân Pháp ở Đông Dương, nhưng lại bại trận, và cơ may xuất hiện: "Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền."
      Giáo sư, sử gia William Duiker dành nhiều dòng về mối quan hệ Việt Nam - Mỹ từ thời xa xôi, khi viên sĩ quan OSS Archimedes Patti gặp Hồ Chí Minh tại Tỉnh Tây đầu năm 1945. Trong cuốn "Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu cho cuộc phiêu lưu của Mỹ",1980 (Why Vietnam? Prelude to America's Albatross), Patti nói rõ về quan hệ đầu tiên giữa Việt Minh và Mỹ, theo đó, nếu những báo cáo tích cực của những nhà tình báo chiến lược Mỹ được Washington chú ý nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh thì có lẽ Việt Nam và Mỹ đã sớm bang giao từ ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 (CTTGT2) chứ không phải đợi đến nửa thế kỷ sau, vào năm 1995.
      "Việt Nam năm 1945: Giành Quyền lực" của nhà viết sử David G. Marr là cuốn sách được Hiệp hội châu Á học của Mỹ trao giải thưởng Fairbank cho công trình nghiên cứu xuất sắc nhất năm 1996. Trong đó trình bày bối cảnh và diễn tiến cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc Tổng thống Franklin D. Roosevelt chủ trương chống việc thực dân trở lại các thuộc địa sau CTTGT2, nhưng người kế nhiệm là Tổng thống Truman, với sự đồng lõa của Anh, đã ủng hộ thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Đông Dương.
       Stanley Karnow đã viết khá kỹ về quãng thời gian mà Hồ Chí Minh phải chèo lái con thuyền cách mạng để giữ vững nền độc lập trong một bối cảnh quốc gia và quốc tế phức tạp với việc quân Tàu Tưởng vào giải giáp phát xít Nhật ở miền Bắc, quân Anh tiếp quản miền Nam từ vĩ tuyến 16 với mưu đồ đưa Pháp trở lại Việt Nam, đã là "một công thức" thảm họa. 
       Nước VNDCCH vừa ra đời đã đứng trước thử thách khắc nghiệt "ngàn cân treo sợi tóc". Thù trong giặc ngoài như "nước sôi lửa bỏng", thêm vào đó, nhà nước cách mạng phải tiếp thu cả một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: nền kinh tế tiêu điều, kiệt quệ, tài chính trống rỗng, nạn đói trầm trọng, 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội đầy rẫy.
      Tổ quốc trên hết! Dân tộc trên hết! Triệu người Việt Nam như một dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nền độc lập tự do vừa giành được. Dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được hầu hết nhân tài ưu tú trẻ tuổi đầy nhiệt huyết của Việt Nam thời ấy tham gia cuộc cách mạng do Việt Minh lãnh đạo.
     "Kháng chiến - Kiến quốc"! Hồ Chủ tịch kêu gọi cả nước tập trung chống 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
     William Duiker trong cuốn "Hồ Chí Minh: một cuộc đời", 2000 (Ho Chi Minh, A Life), đã ghi lại những tư liệu cho thấy tinh thần dân tộc và tính nhân văn của một chính phủ cách mạng non trẻ qua "một loạt các biện pháp khẩn cấp để chống nạn đói... Thuế nông nghiệp được giảm và sau đó bãi bỏ hoàn toàn, một sở tín dụng nông nghiệp được lập ra giúp nông dân vay vốn dễ dàng hơn...".
      Chính quyền cách mạng lâm thời cố gắng phục hồi kinh tế bằng nhiều biện pháp cấp bách, chia đất cho dân, tuy không "quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và cơ sở thương mại... Chỉ có đất đai của thực dân Pháp và Việt gian mới bị tịch thu".
      Về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Duiker xác định rõ vai trò của Chủ tịch trong lịch sử "Chủ tịch Hồ Chí Minh có chỗ đứng trang trọng trong ngôi đền tưởng niệm các anh hùng cách mạng đã từng đấu tranh quyết liệt để gióng lên tiếng nói trung thực của những con người cùng khổ trên toàn thế giới. Người là một sự kết hợp sinh động: nửa Lênin, nửa Gandhi...".
      Ông Pino Tagliazucchi, nhà hoạt động công đoàn và là học giả Việt Nam học người Ý, tác giả cuốn "Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh" (Ho Chi Minh, biografia politica 1890-1945) đã nói: "Điều gây ấn tượng với tôi nhất trong suốt lịch sử cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt nam - tôi muốn nói đến giai đoạn 1941-1945, và cả những năm chiến tranh - đó là đường lối trường kỳ kháng chiến, không phải chỉ chờ đợi mà còn phải biết chuẩn bị để nắm bắt được thời cơ."
      Tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rằng khi từ Trung Quốc về nước, Hồ Chủ tịch đã yêu cầu ngừng ngay cuộc khởi nghĩa và đề xuất lập đội "Tuyên truyền giải phóng quân". Nếu tôi không lầm thì đây là bước ngoặt quan trọng khi so sánh nó với xu hướng nôn nóng muốn chuyển sang hành động. Tuy vậy, ở Tân Trào thì khác, Người đã quyết định phải cấp tốc tiến hành khởi nghĩa, không còn chần chờ gì nữa. Phải chăng đó là ý nghĩa của yếu tố "thời cơ"?
      Và cuộc cách mạng đã nổ ra trên cả nước Việt Nam (từ 14.08 đến 30.08.1945) lật đổ vua Bảo Đại (Bảo Đại và thủ tướng chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chối đề nghị của Tư lệnh quân đội Nhật giúp chính phủ chống lại Việt Minh) giành chính quyền về tay Việt Minh.
      "...Với bản Tuyên ngôn độc lập đọc ở quảng trường Ba Đình này 02.09.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện được ước mơ của cả một dân tộc và cả đời mình" chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 


Tổng hợp từ nhiều nguồn

(các bạn xem tiếp Phần 3 ở đây)

Cao Xuân Việt

2 comments:

  1. Trích Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."

    ReplyDelete
  2. Tư liệu chi tiết: Nguyễn Hữu Đang - người dựng lễ đài Độc lập, để ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đứng trước nhân dân đọc bản Tuyên ngôn độc lập - về sau bị kết tội (do liên quan với nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm), bị bắt năm 1958, sau này sống ở Thái Bình, không vợ, không con, không cửa không nhà, rách rưới và tiều tuỵ

    ReplyDelete