Friday, September 5, 2014

Người Việt: Vài ghi nhận từ Ngô Bảo Châu

Nhân anh nói chuyện hy sinh... Lúc mà tạp chí Time công bố là công trình của anh nằm trong 10 công trình khoa học lớn nhất năm 2009 thì VnExpress có đưa tin về chuyện đó và chuyện anh về Chicago dạy học. Em không biết là anh có đọc những ý kiến bạn đọc ở bên dưới không...
- Anh có đọc loáng thoáng.

Thì có một số ý kiến nói nào là chảy máu chất xám, nào là lẽ ra anh phải về Việt Nam cống hiến. Anh có cảm thấy đòi hỏi như vậy là bất công với anh không?
- Anh không thấy bất công... Nói chung là có một số ý kiến mà nó... nó ấu trĩ đến mức mà anh không thể nào quan tâm được (cười). Anh cảm thấy là anh đã qua cái tuổi mà anh còn chịu áp lực xã hội rồi. Tất nhiên là anh vẫn chịu áp lực từ một số người mà mình quan tâm ý kiến của họ; ý kiến của họ chính xác thì làm anh suy nghĩ; còn có nhiều ý kiến xuất phát một là từ sự ấu trĩ, hoặc là từ sự ghen tị thì anh không để ý.


Nhưng mà, để đi đến cái chỗ biết cái gì là ấu trĩ để mà bỏ qua cũng là cả một quá trình, đúng không ạ? Lúc đầu có lẽ mình không làm được như vậy đâu; kể cả mình biết là người ta nói vô lí thì mình vẫn đau...
- Anh nghĩ là... thực ra để đạt đến sự ổn định thì mình phải có sự nhạy cảm nhất định với cuộc sống. Một khi mình đã đau thì mình đừng nhắm mắt bịt tai, mà mình phải cố gắng phân tích cho đến cùng cái đau đấy, hoặc là cái ngu ngốc của mình.
      Anh thực ra không phải là người có nhiều va chạm xã hội; chỉ có điều là mỗi một lần va chạm thì anh chịu khó phân tích cái va chạm của mình; thì mỗi lần va chạm, mình càng đau mà mình càng chịu khó phân tích thì mình càng hiểu, hiểu mình và hiểu người khác hơn.

Nhưng nếu như mình cứ phải phân tích để biết cái gì không đáng làm mình đau, thì nó cũng có thể làm mình chai sạn, mệt mỏi. Có thể với toán học thì khác; nhưng với nhà văn chẳng hạn, nếu mà mình cố gắng lý trí để không làm mình đau thì mình cũng có khi làm mất cái con mắt quan sát thuần khiết của mình đi…

      Làm toán thì tất nhiên nó hơi khác nhưng nó cũng có cái giống như thế. Bởi vì làm toán thực ra là cực kỳ violent (bạo lực) với bản thân mình, lúc nào mình cũng phải lý trí, không bao giờ được chiều bản thân mình, không được chiều theo cái ham muốn hiện tại. Với lại, toán cũng có cái mâu thuẫn giống như em nói.

       Một mặt nó cũng là một dạng profession (nghề nghiệp), tức là nó cũng có những hoạt động của nó; tức là phải đi làm seminar, đi làm hội thảo, viết báo cáo; tức là nó cũng phải có những thủ tục; cộng đồng thì bao giờ cũng phải có thủ tục; nhưng nếu có thủ tục mà thành chuyên nghiệp quá thì vô thức nó cũng có thể giết đi cái trong sáng, cái khởi thủy của người làm toán, tức là cái con mắt trong sáng của trẻ con, cái gì mình cũng muốn hiểu ngọn ngành từ đầu đến cuối, trong khi nếu mình thành chuyên nghiệp thì mình chỉ chú tâm để ý những cái gì đang nổi, đang mới, đang là mốt, làm cho mình quên đi cái cơ bản nhất.

      Nếu muốn làm nhà toán học giỏi thì không thể để mất đi cái cơ bản. Thực ra anh viết blog Thích Học Toán một phần là như thế; vì lúc nào anh cũng có điều kiện xem lại những thứ cơ bản nhất.


Trong văn học, anh thấy là có khái niệm “văn phong” rất là rõ ràng. Toán học thì có khái niệm phong cách riêng không?
- Có chứ, nhưng nói chung là nó hơi khác, vì toán thì… khi mà nó đến cái mức hoàn hảo thì nó không còn có tính cá nhân nữa, nó vô tính, nó trong sáng đến mức không biết là ai nữa mặc dù style làm toán thì cũng có tại vì cái cách suy nghĩ của mỗi người thì có khác nhau.
Thế style của anh là gì nếu anh phải mô tả bằng một vài từ?
- Anh cũng không rõ nhưng mà anh làm toán hầu như không bao giờ cần giấy cả.
... anh không cần phải ngồi tính toán, anh cứ nghĩ đến một lúc mà anh cảm tưởng là được rồi thì anh ngồi viết ra; lúc đó lại phải lắp ghép lại. Thực ra cái quá trình viết ra đấy là quá trình hiện thực hóa vì lúc mình nghĩ thì nó giống như là mình xây dựng cả một thế giới của mình, nó có nhiều đường, nhiều ngã rẽ; đến lúc mình viết ra giấy thì mình phải viết tuần tự.

    Có những bài toán đơn giản thì dễ nhưng với bài toán phức tạp như cái Bổ đề vừa rồi thì anh viết rất nhiều lần; lúc mới bắt đầu viết, anh cũng không biết là viết thế nào cả... anh cũng phải chuẩn bị rất nhiều... như văn chắc là cũng phải chuẩn bị, nhưng văn thì có thể chuẩn bị thừa một chút chứ toán thì về mặt nguyên tắc là không được chuẩn bị thừa cái gì cả, chỉ viết cái gì cần thiết, đúng như thế thôi, không dài hơn.
     Lúc đầu anh viết thì anh không biết chính xác là cái gì mình cần, bởi vì nó là cả một cái hệ thống, anh cứ mô tả dần dần cho đến cuối cùng, sau đó thì mới quay lại sửa. Cái quá trình đấy cũng tương đối là painful (khó khăn), vì lúc mình nghĩ trong đầu thì kể cả mình suy nghĩ nhiều, mình cũng không thể nào chặt chẽ 100% được, có nhiều chỗ lúc nghĩ thì mình bảo chỗ này được rồi, có thể bỏ qua, mình sẽ làm được, cái đấy là do kinh nghiệm thì mình biết và thường là cũng đúng, nhưng mà lúc viết ra, thì mỗi đoạn đấy lại phải bổ sung chi tiết, thì có khi mình thêm chỗ này nó lại phình ra chỗ kia.


Hôm qua em ngồi đọc về Viện IAS ở Princeton mà anh đang làm việc. Thì có người chỉ trích là cái viện đó thực ra cũng là chỗ giết chết nhiều người tài, tức là lúc trước họ làm được nhiều thứ tử tế, nhưng khi đến Viện thì không làm được gì nữa bởi vì sang đó chỉ phải ngồi nghiên cứu thôi, không có áp lực dạy học hay làm gì nếu không muốn, cho nên họ đi đến chỗ cô lập, bế tắc. Anh có nghĩ là đứng về mặt sáng tạo, việc được “bao cấp” và không có áp lực như thế là cái có hại?
- Với một số người thì nó có hại thật. Có những người, khi họ không còn chịu áp lực phải xuất bản công trình nghiên cứu nữa, thì họ chẳng làm gì cả. Nhưng ngược lại nếu phải chịu áp lực xuất bản nhiều quá, như ở Mỹ này áp lực lớn quá thì người ta cũng in nhiều thứ nhảm nhí chẳng ai đọc.
Em thấy rác nhiều lắm.
 - Nhưng không có cái áp lực xuất bản công trình nghiên cứu đấy thì cũng nguy hiểm. Cho nên anh vẫn nói làm khoa học nó có hai mặt; một mặt mình vẫn phải giữ cái con mắt trong sáng của người muốn tìm hiểu, một mặt mình vẫn phải giữ con người làm việc chuyên nghiệp. Đến hẹn mình vẫn phải tham gia hội thảo, làm thuyết trình, đấy là việc mình phải làm, mình không nên từ chối bởi vì khi mà mình từ chối, mình tự rút ra khỏi xã hội thì không sớm hay muộn mình cũng bị thoái hóa.

   Thu mình vào thì nhiều khi cũng cần thiết để mình có thể nghĩ lâu một cái gì đó nhưng mình cũng có thể bị một cái bệnh là bệnh chủ quan, tức là mình chỉ quan tâm đến cái mình nghĩ thôi mà mình lại quên mất nhiều thứ, và mình sẽ khó giao tiếp với người khác. Thì ở IAS có những người rất là giỏi, bài toán nào các ông ấy cũng giải được, mà ai có gì khó thì các ông ấy đến giúp; nhưng các ông ấy không thấy có động lực đủ lớn để làm thêm cái gì nữa, có lẽ họ đã chán toán rồi. 


Lúc bé, anh có ý thức gì về việc thích toán không?Anh có ý thức là mình muốn trở thành nhà toán học không? 
 - Lúc bé anh chẳng có ý thức gì cả. Lúc bé thì toán văn anh đều học giỏi cả nhưng bố anh bảo anh vào chuyên toán thì anh vào chuyên toán.

Thế thì anh có nghĩ là cần định hướng sớm cho trẻ con về nghề nghiệp không? Ví dụ như là hướng cho trẻ con trở thành nhà toán học hay bác sỹ hay kiến trúc sư?
- Anh nghĩ là cũng không cần phải định hướng về mặt nghề nghiệp sớm như thế đâu. Với nhạc sỹ chẳng hạn thì anh không biết, có thể họ cần định hướng từ lúc rất bé; còn những nghề mà làm việc trí óc nghiêm túc thì nhận thức về nghề nghiệp nó phải là lúc mình trưởng thành rồi.
    Chẳng hạn như ông Langlands, ông ấy là một trong những người có ảnh hưởng mạnh nhất tới toán học thế kỷ 20-21, nhưng mà ông ấy thực ra cứ tự học, mà học toán cũng tình cờ; bố ông ấy là tiều phu, ông ấy không đi học trường trung học hay đại học nổi tiếng nào cả, đào tạo cơ bản của ông ấy thực ra bình thường; nhưng khi ông ấy đi học đại học bên Canada thì học cũng được, thế là thầy giáo toán của ông ấy bảo ông ấy đi làm PhD (tiến sỹ). Ông ấy bảo PhD là cái gì. Sau rồi ông ấy thấy ừ thì bây giờ được đi học có học bổng, mà lại được lấy vợ sớm nữa thì cũng thích (cười); thế là đi làm PhD. Cho nên anh thì anh không nghĩ chuyện định hướng nghề nghiệp sớm cho trẻ con là quan trọng.
 ...

Thế lúc tinh thần của anh không vững, tức là lúc anh nản chí ấy, thì anh làm gì?
- Nói chung là lúc mà tâm lý đã đi xuống thì chỉ cứ đợi cho nó đi qua thôi.


Trên blog Thích Học Toán của anh, anh có nói đến một cụm từ là “15 cô đơn với Bổ đề”, và anh hứa là anh kể, nhưng anh vẫn chưa kể.
- Từ lúc anh bắt đầu làm PhD, tức là năm 1993 ấy, thì đến giờ là 17 năm. Lúc mà anh làm PhD thì vấn đề của Langlands chẳng ai quan tâm, người ta coi là vấn đề chết; tức là mấy chục năm không ai làm được thì người ta không làm nữa.
                             
Cái luận án tiến sỹ của anh cũng gần giống với Bổ đề Langlands; nó là của ông Jacquet; nó dĩ nhiên là không nổi tiếng và không kéo theo quá nhiều những kết quả rực rỡ gì khác như Bổ đề Langlands nên người ta càng không để ý.

Lúc anh làm PhD là khoảng thời gian thử thách tâm lý rất lớn; lúc đấy mình còn chưa tin lắm vào khả năng của mình. Mà lại còn có nhiều chuyện làm mình nản. Chẳng hạn như là ngay cái tên ấy, ông Langlands ông ấy đặt cái tên “Bổ đề cơ bản” nghe nó đã buồn cười rồi.

Cái Bổ đề bình thường thì nó không phải là một kết quả quan trọng, nó chỉ là một kết quả trung gian thôi, người ta dùng cái đó để làm cái khác. Nhưng mà với Bổ đề Langlands thì vì sau này có quá nhiều thứ liên kết với nó, phụ thuộc vào sự vững chắc của Bổ đề cơ bản cho nên nó mới trở thành vấn đề trung tâm của ngành.

Thì lúc mà anh đi phỏng vấn xin việc lần đầu ở Pháp ấy, người ta hỏi anh làm cái gì, anh bảo là anh làm Bổ đề cơ bản, thì đến một nửa cái hội đồng phỏng vấn là họ phá ra cười, vì nghe nó buồn cười, nghe nó ngớ ngẩn, vì người ta không biết ngành của anh. Tất nhiên là lần đấy anh không đỗ, sau này anh mới đỗ.

Lúc đó thực ra không mấy ai tin là có thể giải quyết được Bổ đề Langlands; kể cả lúc anh sang Chicago năm 2001 rồi sang Princeton, thì lúc đó thực ra anh cũng chỉ có âm mưu giải quyết nó thôi, chứ anh cũng không chắc chắn lắm; có điều là lúc nào anh cũng giữ trong đầu một cái hy vọng là lúc nào đấy sẽ làm.

Không biết em có thấy không, ở đây thì ít đấy chứ ở Princeton có rất nhiều những cái cờ xanh đỏ cắm trên bãi cỏ để đánh dấu chỗ này là đường ống nước, chỗ này là đường cáp điện, thì ở Princeton mọi người hay đùa đấy là cờ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh vì Bổ đề Langlands (cười).


Câu hỏi này có lẽ hơi buồn cười. Triết lý sống hoặc khẩu hiệu sống của anh là gì?
- Không để lại dấu vết.

(Phan Việt)

2 comments:

  1. Notes:
    1972: Ngô Bảo Châu chào đời tại Hà Nội. Là con trai duy nhất của Tiến sỹ cơ học Ngô Huy Cẩn và Tiến sỹ dược học Trần Lưu Vân Hiền.
    1988: Huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Úc
    1989: Huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Đức. Là người Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic toán.
    1990: Sang Pháp du học tại Đại học Paris 6, sau đó là Đại học Ecole Normale Supérieure.
    1997: Trở thành tiến sỹ toán; về công tác tại Trung tâm khoa học quốc gia Pháp
    2004: Cùng nhận giải thưởng của Viện toán học Clay với Giáo sư Gerard Laumon cho công trình Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita.
    2005: Được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.
    2007: Sang Princeton, Mỹ, làm việc tại Viện nghiên cứu cấp cao (Institute for Advanced Study)
    2008: Hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie.
    2009: Kết quả chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands của Ngô Bảo Châu được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.

    ReplyDelete
  2. Hãy nhìn giáo sư Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn, họ không hề theo chủ nghĩa ngoại lệ. Họ hoà vào với thế giới. Họ đang dạy ở ĐH Chicago – đó là địa hạt của kiến thức thế giới. Hai giáo sư đó không cần chủ nghĩa ngoại lệ và họ nổi tiếng trên toàn thế giới. Chủ nghĩa ngoại lệ là cái cách mình chối bỏ và nói “tôi không muốn làm điều đó.” Tự chối bó và nói tôi không muốn thành Ngô Bảo Châu hay Đàm Thanh Sơn.
    (Thomas Vallely)

    ReplyDelete