Những con cừu trốn ở đâu?
"Những gã chăn cừu ở Arcadie" là một câu đố. Nicolas Poussin (1594-1665) đã tạo ra một tác phẩm tiêu biểu nhất ở thế kỷ 17. Arcadie là biểu tượng của thiên đường trần gian vào thời cổ xưa. Poussin đã chơi trò bí hiểm: ông vẽ 4 người chăn cừu đứng trước một ngôi mộ, 2 người chỉ tay vào tấm bia mộ. Đó là nơi cất giấu kho tàng? Họa sĩ lấy bối cảnh là một ngôi làng thuộc vùng Rennes-le-Château của Pháp. Người ta kể rằng có 1 linh mục đã làm giàu nhờ có một bản sao của bức tranh "mục tử" này vào đầu thế kỷ 20. Ông đã tìm thấy bí ẩn của ngôi mộ? Bức tranh còn để lại 1 điều bí hiểm nữa: tại sao Poussin vẽ vùng đất chăn cừu đẹp như thiên đường này nhưng không thấy bóng dáng một con cừu nào?
Bộ hài cốt của Lisa Gherardini
Silvano Vincenti là người đứng đầu Ủy ban đánh giá Di sản Văn hóa Ý. Vào năm 2011, ông cho đào bới tu viện Sainte-Ursule tại florence để tìm kiếm hài cốt của Lisa Gherardini, người mẫu của bức "La Joconde" nổi tiếng. Người phụ nữ này là vợ một nhà buôn tơ lụa ở Florence tên Francesco del Giocondo. Nếu tìm được hài cốt, Silvano sẽ là người rất nổi tiếng.
Một bức tranh khác của Leonardo da Vinci là bức "Trận chiến Anghiari" bị thất lạc vào nửa cuối thế kỷ 16. Một kỹ sư người Ý tên Maurizio Seracini tin rằng bức tranh này được giấu phía sau bức tranh của họa sĩ Giorgio Vasari trong phòng khách Cinq-Cents của lâu đài Vecchio tại Florence. Seracini vận động kênh truyền hình National Geographic tài trợ 250.000 euro để tìm kiếm. Phải đưa máy dò vào bức tranh của Vasari bằng cách khoét lỗ xuyên qua lớp vải. Các thử nghiệm cho thấy loại màu sử dụng giống hệt màu Leonardo da Vinci thường dùng. Nhưng cộng đồng khoa học phản kháng vì sợ làm nát bức tranh của Vasari, khiến cho công trình nghiên cứu phải ngưng lại.
Bức chân dung bị thất lạc của Stalin
Ngày 06.03.1953, nhà thơ Pháp Louis Aragon gửi bức điện tín cho Picasso: "Stalin đã chết. Hãy làm ngay cái anh muốn: bài viết hoặc tranh vẽ". Picasso vốn là đảng viên Đảng cộng sản pháp từ năm 1944, bắt đầu làm việc sau khi yêu cầu người ta gửi ảnh của Stalin cho ông. Ngày 12.03.1953, tạp chí Lettres francaises đăng trên trang bìa chân dung Stalin của Picasso. Nó đã gây ra phản ứng dữ dội trong Đảng cộng sản Pháp. Maurice Thorez, Tổng bí thư phản bác: "hoàn toàn không công nhận chân dung của Stalin vĩ đại do đồng chí Picasso vẽ" vì muốn thấy chân dung "vị cha già của các dân tộc" như "một ông lão tóc bạc nhân hậu". Sau đó,Picasso yêu cầu người ta trả lại bức chân dung cho ông. Ông đã thổ lộ: "Tôi đã mang bó hoa đến đám tang. Nhưng người ta lại không thích bó hoa của tôi. Chuyện đó cũng xảy ra ở nhiều gia đình." Bức chân dung còn được nhìn thấy vào năm 1972, nhưng sau khi Picasso qua đời vào ngày 08.04.1973, trong những tác phẩm Picasso để lại người ta không thấy bức chân dung này.
Những nghệ sĩ giấu mặt
Các tác phẩm hiện đại không còn chứa nhiều bí ẩn. Nhưng nhiều nghệ sĩ lại trở thành... bí hiểm như Thomas Pynchon (Gravity's rainbow), J.D. Salinger (The catcher in the rye), có lời đồn 2 người là một. Nhưng kẻ bí hiểm nhất trong thế giới hiện đại là Banksy, anh sinh vào khoảng giữa thập niên 1970 tại vùng Bristol (Anh) và nổi tiếng với "sự nghiệp" vẽ graffiti trên tường.
Từ đó, Banksy luôn giấu khuôn mặt thật của mình dưới chiếc mũ trùm kín đầu, chơi trò mèo vờn chuột với cảnh sát. Tháng 10.2013, những bức vẽ của anh trên hàng rào và tường ở thành phố New York của anh làm cho ông thị trưởng Michael Bloomberg nổi điên vì cho rằng: "Đó là dấu hiệu của suy đồi". Nhiều tác phẩm của Banksy bị cảnh sát "tiêu diệt"; một số khác được người hâm mộ lồng kính. Dù thế nào anh cũng không bị lột mặt nạ. Tác phẩm của anh được thực hiện bằng khuôn trổ.
Lược trích từ Kiến thức ngày nay No.867 (Tác giả Đinh Công Thành)
No comments:
Post a Comment