Sunday, October 12, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (7)

(các bạn trở lại Phần 5 ở đây)

Phần 6: 3 thứ giặc với sự phát triển tự do và toàn diện của người Việt

Giặc đói, giặc dốtgiặc ngoại xâm là 3 thứ giặc gần như chiếm toàn bộ lịch sử phát triển của Việt Nam. Vì vậy con người và văn hóa được gây dựng từ "mấy ngàn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm" (Đào Duy Anh)

1. Va chạm văn hóa - Đối mặt với phương Tây
  Khắp vùng Bắc Bộ, không mảnh đất nào là không có dấu vết "công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật", suốt một giải Trung Bộ và Nam Bộ, "không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai."
   Người Việt tồn tại cùng với nền văn hóa và nếp sống của mình từ bao đời nay gắn liền với tự nhiên trong lòng xã hội phong kiến, sống theo đạo lý trong vòng Nho giáo, nhưng cái khuôn khổ ấy đến lúc phải khai thông mở rộng, phải chuyển hóa và đổi mới "thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm". Cho đến nay vấn đề vẫn còn phải giải quyết: "là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ" với "những điều mới lạ của văn hóa Tây phương".
   Đổi mới như thế nào để phát triển là "vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới."


   Theo Félix Sartiaux: "văn hóa, về phương diện động là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, tổ chức xã hội, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn độc lập với nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người". (Đào Duy Anh)
   Theo như trên mà nói "Văn hóa tức là sinh hoạt." Vì vậy, "dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi."
   Tùy vào hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội khiến mỗi dân tộc sinh hoạt theo nếp sống khác nhau trên những cơ sở kinh tế khác nhau. Con người là giống loài "hoạt động cho nên có tác động ngược lại với tự nhiên bằng cách dùng sức mạnh của mình mà xử trí và biến chuyển những điều kiện ấy cho thích ứng với những điều cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế cũng chuyển biến kéo theo văn hóa cũng chuyển biến theo."
   Vùng bán đảo Đông Dương và Đông Nam Á là nơi gặp nhau của 2 nền văn hóa cổ xưa nhất ở châu Á: Ấn Độ và Trung Hoa. Tuy tiếp xúc với nhau nhưng 2 nền văn hóa này không khi nào có sự dung hòa. Khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng này, chúng gộp lại thành vùng Đông Pháp (gồm Việt Nam, Lào và Cam Pu Chia).
   Về cả địa hình và phân bố dân cư thì vùng này có sự tương phản rõ rệt giữa vùng cao và vùng đồng bằng. Ở vùng cao, nhân chủng phức tạp và rải rác, trình độ văn hóa chất phác đơn giản, còn ở đồng bằng thì dân cư sống thành vùng trù mật, nhân chủng đơn thuần và văn hóa tiến bộ hơn.
   Người Việt đem văn hóa Trung Hoa tiến dần về phía Nam. Xét về "tính chất của người Việt thì Việt Nam là giống người ngắn đầu (chỉ suất 82,8), mình thấp (1m58), chân tay nhỏ, mặt xương, lưỡng quyền cao, mắt đen và hơi xếch, mũi hơi tẹt, môi hơi dầy, tóc đen và hơi cứng, râu cứng và thưa, dáng đi thì nhẹ nhàng và chắc chắn." Những tiêu chuẩn này tới nay đã có nhiều thay đổi tùy theo vùng.
   "Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít thấy người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù họa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng bị não thực tiễn hòa hoãn bớt nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là người miền Bắc, thì ít có dân tộc nào bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi bời cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước thích ứng và dung hóa thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo. Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam, cũng có tính nguyên lai từ thượng cổ mà có thay đổi chút ít, cũng có tính do lịch sử và trạng thái xã hội hun đúc dần thành, cho nên ta đừng nên xem những tính chất ấy là bất di bất dịch." (Đào Duy Anh)
   Cho đến nay, dù đã nhiều lần thực hiện công nghiệp hóa, nhưng Việt Nam vẫn chỉ dựa vào nông nghiệp để phát triển là chủ yếu. Từ lâu đời, người Việt luôn phải vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn và chiến thắng giặc đói vì "những vấn đề sinh tử tồn vong của chủng tộc là thuộc về nông nghiệp". Trải qua nhiều triều đại vua chúa, "chính sách kinh tế chỉ chú trọng về nông". Về bản chất xã hội, "Nho giáo là học thuật của các xã hội nông nghiệp lại chủ trương trọng nông khinh thương" nên người Việt khó bỏ những quan niệm cũ để theo cái mới trong việc chấp nhận khái niệm "phi thương bất phú". Kể cả vấn đề công nghệ cũng không phát triển được vì bị áp chế, thợ thuyền "suốt đời phải làm để cung cấp cho vua quan mà chỉ được lương đủ ăn" nên "thợ khéo không dám trổ tài", cho nên dù có phát triển tinh xảo thì cũng chỉ là "nghiệp phụ" bổ trợ cho nông nghiệp mà thôi. Vì thế trước đây thường thấy "những đoàn thợ mộc hay thợ nề, những buổi nông khích thì đi rong tìm việc, mà đến vụ nông thì lại về quê để làm ruộng."
   Gắn bó với nông nghiệp trong cuộc sống khó khăn, lam lũ như vậy nên người Việt cho đến những năm đầu của thế kỷ 20 vẫn rất sơ khai trong học thuật tư tưởng và khoa học. Từ đó mà ngôn ngữ, văn hóa chữ nghĩa và nghệ thuật đều nghèo nàn, không hình thành được những tác phẩm mang tính khái quát có giá trị tư tưởng cao, được đúc kết từ tinh hoa của văn hóa truyền thống trong dân gian (về mỹ thuật hàn lâm tôi sẽ đề cập ở những bài viết riêng liên quan đến các tác giả và tác phẩm từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được coi là những sản phẩm có xuất xứ từ người Pháp). Không có những tác phẩm văn học và nghệ thuật kinh điển đa dạng vào hàng kiệt tác từ xa xưa như Ấn Độ và Trung Hoa. Về kiến trúc, một nghệ thuật mang tính biểu trưng của nhiều nghệ thuật khác cũng vậy. Tuy vậy, từ xưa cha ông ta đã kiên trì bài trừ giặc dốt. Người Việt vốn có truyền thống coi trọng học thức, "tôn sư trọng đạo". "Việc dạy học xưa là một chức vụ tôn nghiêm, ông thầy vẫn lấy làm trịnh trọng, mà học trò cũng hết lòng tôn kính. Học trò thường xem thầy học như cha, thầy chết học trò phải để tang ba năm." Người Việt có tinh thần hiếu học như vậy một phần cũng do sự phân biệt các hạng người trong xã hội khi xưa (gồm sĩ, nông, công, cổ), "ba hạng nông, công, cổ đều là dân bạch đinh. Hạng cổ (thương nhân) bị khinh miệt hơn cả, duy hạng sĩ (quan liêu và sĩ phu) là có tiền của nhiều, đất ruộng lắm, lại có quyền lợi đặc biệt, cho nên ta có thể nói rằng xã hội cũ chỉ có 2 loại người: trên là bực sĩ tức quý phái, dưới là bực thường dân, chứ ở giữa không có bực trung lưu như ở xã hội hiện đại các nước Tây phương. Nhưng bực quý phái ấy không phải là một giai cấp cố định, vì chế độ khoa cử mở rộng cửa cho tất cả mọi người, con quan cũng như dân, nếu có học thức tương đương thì đều được gia nhập giai cấp thứ nhất". Như vậy, trước đây kẻ sĩ được xếp hàng đầu trong các tầng lớp xã hội, và chính điều này đã làm tôi phải suy nghĩ. Đã có chuyện gì xảy ra với chúng ta trên con đường chữ nghĩa? Tại sao chúng ta không giữ được cái tinh thần trọng sĩ của ngày xưa? Với một truyền thống như vậy thật đáng tiếc vì sau nhiều năm cải cách đến nay nền giáo dục của ta vẫn còn lạc hậu so với thế giới và giới trí thức hiện nay tại sao không còn được trọng đãi như ngày trước? Sau này, khi ghi lý lịch, về thành phần trong xã hội người ta hay dùng chữ "tiểu tư sản" để chỉ những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng cho thấy được thái độ phân biệt của cách mạng.
   Ai cũng biết Việt Nam là 1 nước nông nghiệp lạc hậu. Xã hội chủ yếu giữ cái tinh thần của văn hóa nông dân. "Nông dân là nền móng của dân tộc ta mà nông nghiệp là nền móng của văn hóa ta vậy". Về bản chất của nông dân, "một là thể chất mạnh mẽ, ăn mặc sơ sài, tuy nắng mưa dầu giãi mà ít bệnh tật, nòi giống vẫn giữ được kiện toàn, hai là tinh thần trong sạch nên đạo đức càng cao, những điều tệ tập bại hoại cùng bao nhiêu tội ác vì khoái lạc chủ nghĩa sinh ra, nông dân thường không nhiễm phải. Ta thường nói thuần phong mỹ tục, đó là đặc sắc của xã hội nông dân, chứ nói đến thành thị thì xưa nay ai cũng cho là phong tục suy đồi." Bản thân tôi cũng cho rằng, một người trưởng thành toàn diện là người mang cốt cách của nông dân nhưng lại có khí chất của trí thức cấp tiến và ngược lại.
   Vì sống trong 1 xã hội lấy gia tộc làm cơ sở nên qua bao thay đổi nhưng cái cơ sở kinh tế vẫn là nông nghiệp, "gia tộc chủ nghĩa vẫn là nguyên tố trọng yếu của xã hội". Cũng vì thế, người Việt "thường lấy điều ấy mà cho rằng phong tục nước ta thuần hậu, không như ở Tây phương, từ trong gia tộc ra xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình. Văn hóa nước ta lấy cảm tình làm bản vị, đó là một đặc tính" cùng với nếp sống sinh hoạt theo nghề nông làm cho dân ta có tính yêu hòa bình, "chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai". Phải chống giặc ngoại xâm là việc bắt buộc để giữ gìn đất đai "dụng võ là bất thường và việc canh nông là cốt yếu, không như các nước châu Âu khi nào cũng cường binh độc võ mà chỉ toàn xâu xé nhau".
   "Nông nghiệp lại còn gây cho ta một thứ nhân sinh quan rất kiện toàn. Người ta thì hoặc cho nhân loại là tiến bộ vô cùng, nên loài người cần phải ra sức phấn đấu tiến thủ (như người châu Âu), hoặc cho nhân gian là mộng ảo bào ảnh, loài người không cần phải hành động gì (như người Ấn Độ), hoặc cho nhân sinh là chốc lát như bóng sổ, như gang tay, ta nên hành lạc kẻo già không kịp hối (theo khoái lạc chủ nghĩa). Người Việt Nam thì có cái biến giải tầm thường mà chắc chắn hơn, là chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên." Với quan niệm như vậy, nên cụ Đào Duy Anh cho rằng dù trong những tình huống ngặt nghèo, người Việt vẫn gắn bó với chủ nghĩa gia tộc mà khôi phục cơ nghiệp, duy trì sức sống của chủng tộc nòi giống của mình.
   "Sau hết, văn hóa của ta còn một tính chất trọng yếu nữa là tính thường tồn (permanence). Văn hóa đời xưa thế nào thì đời nay vẫn thế, cơ hồ không vì thời gian mà thay đổi chút nào, đó cũng là kết quả của sự sinh hoạt nông nghiệp vậy. Vô luận về phương diện nào, ta vẫn thấy quá khứ còn sống ở hiện thời, cái tinh thần tồn cổ ấy vốn làm cho xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội phương Tây, nhưng cũng chính nhờ nó mà trải qua những cuộc quốc táng gia vong, không bao giờ cơ nghiệp lại hồi phục được." Và đây là điều cần được lưu ý. Theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, cấu trúc văn hóa Việt Nam rất nặng tính thôn quê mà ít tính truyền thống mang tính văn hóa cao. Vì thế, trong các yếu tố tạo nên sắc thái của một cộng đồng (truyền thống, hiện đại, nội sinh, ngoại nhập) thì nội sinh phải là hàng đầu vì nó mang lại cốt cách của văn hóa đặc trưng. Nhưng yếu tố này của Việt Nam rất nghèo nàn, nên nếu nói đến văn hóa truyền thống ta lại trở về cái nếp sống làng xã (văn hóa nông thôn). Văn hóa làng xã về cơ bản là sự kìm hãm đối với sự phát triển của xã hội hiện đại. Nếu chỉ gồm những yếu tố cũ mà không có sự tiếp biến văn hóa sẽ không sinh động, thiếu những cái mới kế thừa từ những giá trị đã có. Có nhà lý luận văn hóa học đã đưa ra một định nghĩa: văn hóa là cái gì còn đọng lại sau khi những cái khác đã qua đi trong đời sống của một cá thể hay một cộng đồng. Như vậy, cần có sự chọn lọc/đào thải và biến đổi vì một nền văn hóa thật sự phong phú và đặc sắc.
   Trở lại với 3 thứ giặc truyền kiếp kể trên, dù luôn bị xâu xé vì chúng thì những đặc tính của người Việt vẫn phải tiếp xúc và biến động với các trào lưu mới, vô cùng mạnh mẽ và tiến bộ. Khiến ta phải nhìn lại truyền thống và nền tảng nước nhà, những cản trở phải xóa bỏ và những nền tảng phải duy trì.
   Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cơn bão tố, nhưng dưới thời Pháp thuộc do không có người lèo lái nên bị suy thoái về mọi mặt. Lớp người lãnh đạo ban đầu đã biến mất trong thất bại. Các lớp người kế tiếp bị kẻ chinh phục tiêu diệt. Tình trạng mất phương hướng là nguyên nhân làm xuất hiện những vấn đề làm người Việt phải chứng kiến trong gần một trăm năm đầy đau đớn và tủi nhục. Xã hội thì chia làm 2 tầng lớp: 1 bên cố bám vào các giá trị cổ truyền đã chết thành thây ma, 1 bên duy tân nhưng không biết mục đích để làm gì, cũng không biết phải đi theo hướng nào, chỉ bắt chước/làm theo một cách vô thức. Cứ thế 2 bên tân, cựu đả phá/khinh miệt nhau trong 1 xã hội đang tan rã.
   Hậu quả tai hại nhất mà thời Pháp thuộc để lại là 1 thời kỳ nguy khốn của Việt Nam, khi mà cả dân tộc đã đến gần hiểm họa diệt vong, là sự tan rã của xã hội Việt Nam và sự gián đoạn trong việc điều hành/lãnh đạo quốc gia. Và từ những điều này, khó khăn và thử thách trước vận mạng của đất nước càng tăng thêm bội phần.
   Bản sắc Việt Nam cần được biến đổi so với xưa kia chỉ giao tiếp với Trung Quốc là nước đồng văn. "Ngày nay, ta tiếp xúc với Tây phương, với văn hóa phú cường của họ, với những sức mạnh vật chất cùng những tư tưởng khoa học, chính trị và xã hội của họ" mới thấy những yếu kém của ta không thể duy trì mà phải biến đổi là lẽ đương nhiên. Nhưng phải xét về nhiều mặt để thực hiện những cải cách thích hợp, tránh rơi vào tình cảnh đảo điên biến loạn do mất gốc rễ cội nguồn. Và ở đây, một câu hỏi đã được đặt ra: chúng ta đã "tồn tại thế nào mà luôn bị ngoại xâm đe dọa?" ( Giáo sư Trần Ngọc Vương). Về điều này, Ăngghen cho rằng trong các chế độ xã hội có giai cấp, yếu thì bị xâm lược, yếu nữa bị phụ thuộc, yếu nữa bị đồng hóa và giải thể cái tồn tại đó.
   Ngày trước, phương tiện giao thông hiếm hoi và lạc hậu nên xứ xứ xa cách, người người xa lạ; vì vậy người Á Đông cho dân Âu Tây là "quỷ", dân Tây phương nghĩ dân châu Á cổ quái, dị kỳ... Cái bề ngoài khác biệt làm các dân tộc không hiểu nhau. Rồi dần dần lại nhận ra Á - Âu cũng là người, không ai là quỷ. Cũng hỉ, nộ, ai, lạc... như nhau. Và rồi gần nhau hơn nữa, đi sâu vào từng ngõ ngách của nhau thì lại phát hiện rằng các hỉ, nộ, ai, lạc ấy có muôn vàn khác biệt... Như vậy, rất cần có một thời kỳ để ta phát giác ra chỗ giống, và cần thêm một thời kỳ nữa để nhận ra những chỗ khác của nhau. Trong thế giới hiện nay, hội nhập đòi hỏi một sự phát triển theo những tiêu chuẩn mới về con người và xã hội. Những nỗ lực biến đổi không ngừng để tham gia vào quá trình toàn cầu hóa phải nhằm mục đích mang lại tự do và 1 cuộc sống phồn vinh cho dân tộc, góp phần cùng các quốc gia khác phát triển trong sự tiến bộ của toàn nhân loại một cách bền vững, trên cơ sở mọi dân tộc đều thật sự bình đẳng với nhau và cùng hướng tới một tương lai rực rỡ của loài người.
   Theo cụ Đào Duy Anh thì "muốn trở nên một nước cường thịnh vừa về vật chất vừa về tinh thần thì phải giữ văn hóa cũ làm thể, mà lấy văn hóa mới làm dụng, nghĩa là phải khéo điều hòa tinh thần của văn hóa Đông phương với những điều sở trường về khoa học và kỹ thuật của văn hóa Tây phương."

Đọc & viết theo cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" của Đào Duy Anh, 1938.

(các bạn nhấn vào đây để xem phần tiếp theo)

Cao Xuân Việt

12 comments:

  1. Note: Những đoạn được đặt trong ngoặc kép ở trên đều là trích dẫn của cụ Đào Duy Anh.

    ReplyDelete
  2. "...hình như tác giả VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG mong muốn trao lại cho những thế hệ hôm nay việc tiếp tục công trình của mình trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú hơn, phương pháp thể hiện khoa học hơn và tầm nhận thức cao hơn về văn hóa dân tộc.
    Sáu mươi năm trước, trong hoàn cảnh đất nước đang bị ngoại bang đô hộ, xuất bản một quyển sách về lịch sử văn hóa dân tộc giữa bao nhiêu ràng buộc và hạn chế khách quan, chủ quan mà tác giả đã gợi lên một luận điểm như trên, thì VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG của cụ Đào Duy Anh xứng đáng được hậu thế trân trọng, kế thừa và nâng cao lên mãi."
    GS. Nguyễn Phan Quang,1997

    ReplyDelete
  3. Note: Cụ Đào Duy Anh cũng là người từng bị coi là phần tử "Nhân Văn - Giai Phẩm".

    ReplyDelete
  4. Chuyện xưa nay vẫn làm ai cũng để tâm là biến đổi như thế nào, từ con người đến đất nước. Nếu con người không đẹp thì cái nhà của họ cũng khó mà đẹp được. Cả một dân tộc không đẹp thì lấy đâu ra một đất nước tuyệt vời. Từ cái ăn cái mặc... đến cách đi đường, ở đâu và lúc nào cũng có thể thấy cái hay và cái dở của ta nên nhiều chuyện phải làm lắm vì nhà xấu và người xấu tràn lan... Cái câu "con sâu làm rầu nồi canh" nay đã xưa rồi!

    ReplyDelete
  5. Về nội dung chính của phần này là 3 thứ giặc và vấn đề phát triển con người của VN, tôi rất muốn đề cập đến một cách tập trung, nhưng trước hết phải trở lại những gì là nền tảng và định hướng, sau đó mới đi vào từng vấn đề cụ thể trong bối cảnh hiện nay, không phải là nửa đầu của thế kỷ trước (thời kỳ tìm kiếm 1 con đường mới để thoát khỏi cảnh nô lệ).

    ReplyDelete
  6. Cách đây vài hôm. Nói chuyện với 1 người bạn đang dạy ở Đại học Kiến trúc TP HCM, khi nói đến cụ Đào Duy Anh là người "dính" đến "Nhân văn - Giai phẩm", bạn tôi thừa nhận rằng vì không biết như vậy nên trong 1 nghiên cứu của mình đã trích dẫn nhiều đoạn từ những ấn bản của cụ. Có người biết đã nhắc khéo cho bạn tôi, đây là những ý kiến của 1 người "có vấn đề", không nên sử dụng. Tìm hiểu thêm. bạn tôi mới biết thêm về tình cảnh của cụ trước kia.

    ReplyDelete
  7. Để hình dung được về người Việt, có lẽ không phải là tre (cũng là 1 loài cỏ lớn), ở cái xứ mịt mù khói lửa chiến tranh, thiên tai lũ lụt, đất cát cằn cỗi, xã hội điêu tàn... thì chỉ có 1 thứ người giống loài cỏ dại mới sống sót và tồn tại được. Để thích ứng, khó lòng phát triển lên tầm mức cao. Chỉ có thể trong 1 điều kiện tốt hơn, có đủ thời gian thức tỉnh và biến đổi thì "hoa cỏ mùa xuân" mới đâm lá trổ hoa được.

    ReplyDelete
  8. Về người Việt, có lẽ chúng ta đang cố gắng đi sâu vào bản chất của dân tộc mình. Để biết rằng, trong chúng ta dòng máu Lạc Hồng còn chảy mạnh nữa không? Và dòng máu đó đang nuôi dưỡng những gì? Đó là thực tại của chúng ta. Còn với phương Tây và nền văn minh của họ, thật đáng khâm phục, dù vậy chúng ta cũng không thể khoác lên tấm áo của họ là thành "thầy tu" được. Vì vậy cũng cần "nghiên cứu" để "phát triển". Chúng tôi sẽ tập trung vào chuyên đề này thật nghiêm túc và lâu dài để có thể mang lại chút gì đó làm hành trang cho chuyến đi đến tương lai, những lựa chọn đúng đắn sau những gì đã thuộc về quá khứ đáng quên của chúng ta.

    ReplyDelete
  9. "Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam là thời kỳ văn minh phương Tây theo bước chân quân viễn chinh Pháp và những chính sách thực dân được thiết lập, thi hành, đã làm đảo lộn toàn bộ đời sống người dân ở nước thuộc địa. Nho học Việt Nam bước vào giai đoạn suy tàn và chuẩn bị kết thúc vai trò chi phối xã hội như nó từng nắm giữ suốt hàng nghìn năm trước đó, nền giáo dục cũ do vậy cũng dần sụp đổ và phải tìm phương hướng mới..." (Cổ Mộ-KTNN No.1038-10.06.2019)

    ReplyDelete
    Replies
    1. "...ngay cả "thánh địa" văn minh phương Đông rực rỡ một thời, từng gây ảnh hưởng bao trùm lên cả vùng Đông Á, là Trung Hoa cũng điêu tàn trước "mưa Âu gió Mỹ" (Cổ Mộ-KTNN No.1038-10.06.2019)

      Delete
  10. "Việc sử dụng nhà Nho cũng như chữ Nho đối với người Pháp là việc bất đắc dĩ, thực tế họ muốn thay thế hẳn vai trò của chữ Nho bằng chữ Pháp, cũng như từng muốn triệt tiêu tín ngưỡng phi Thiên Chúa ở Việt Nam, nhưng không thành, bởi trải qua va chạm thực tế với người bản xứ, như các cuộc trấn áp phong trào Cần Vương, Văn Thân, họ đã thấy được vai trò to lớn của đội ngũ trí thức Nho học. Vì thế thay vì nỗ lực triệt tiêu, người Pháp đã tìm cách chiêu dụ, sử dụng các nhà Nho tình nguyện phục vụ cho sách lược cai trị của mình."
    (Cổ Mộ-KTNN No.1038-10.06.2019)

    ReplyDelete
  11. "Cũng cần thấy một điều, rằng việc triệt tiêu vai trò của Nho học cũng như chữ Hán ở Việt Nam giai đoạn này (cuối tk19-đầu tk20) không phải là hoàn toàn chỉ do người Pháp chủ trương, mà thực tế nó cũng được nhiều người Việt Nam bao gồm cả trí thức và thường dân đương thời ủng hộ. Bởi người ta cho rằng đây là cơ hội tốt để xó bỏ cái học cũ kỹ lạc hậu của Tàu đã duy trì ở nước ta quá lâu, bước vào con đường văn minh tiến bộ của phương Tây cho phù hợp với thời đại mới."
    (Cổ Mộ-KTNN No.1038-10.06.2019)

    ReplyDelete