Trong thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng về việc thiếu vắng những nhà văn hóa lớn của dân tộc giai đoạn hiện nay và chủ đề này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu về học giả Đào Duy Anh với những đóng góp của ông đối với văn hóa Việt Nam để phần nào muốn trả lời cho câu hỏi đang được đặt ra: Tại sao chúng ta cần những nhà văn hóa lớn?
1. Đào Duy Anh với “thế hệ vàng” của văn hóa Việt Nam
Xuất thân từ thầy giáo tiểu học, sau chuyển sang làm báo, tham gia hoạt động chính trị, rồi chuyển sang hoạt động văn hóa, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, Đào Duy Anh đã để lại một di sản bao gồm một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với những gương mặt như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê, Đào Duy Anh đã góp phần hình thành nên một thế hệ mà các nhà nghiên cứu sau này gọi là thế hệ vàng của văn hóa Việt Nam, một hiện tượng không lặp lại ở các giai đoạn sau này.
Đào Duy Anh thuộc tầng lớp trí thức mới, ra đời ở Việt Nam sau các cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Tầng lớp trí thức này có những đặc điểm khác so với tầng lớp nho sĩ, vốn được hình thành trong hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, dưới ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo. Nếu ở các giai đoạn trước, mục đích sự học của tầng lớp nho sĩ là làm quan với mong được thay đổi số phận và bước vào chốn quan trường thì đến giai đoạn này, con đường quan trường theo mơ ước của họ trước kia hầu như khép lại, trừ một số trường hợp, không phổ biến và cũng không tiêu biểu. Tầng lớp trí thức mới thực sự đi vào khoa học chuyên môn. Chính họ đã góp phần tham gia vào sự chuyển đổi vai trò xã hội của trí thức Việt Nam trong các chặng đường lịch sử, là lực lượng chủ đạo trong công cuộc hiện đại hoá văn hoá dân tộc.
Một đặc điểm nổi bật của tầng lớp trí thức mới là họ thuộc về “thế hệ đa văn hoá”, từ Hán học chuyển sang Tây học. Những nhà Hán học uyên thâm nhất là những người được nền học vấn ấy tạo nên trí tuệ và ý chí độc lập hết sức mạnh mẽ để dám và biết cách từ bỏ những cái cũ, đi trên con đường mới tự giải phóng cho trí tuệ mình và cho đất nước, cho dân tộc. Những con người đó gặp một sự chuyển đổi thời đại hết sức quan trọng, khi cả Việt Nam và các nước châu Á đối mặt với phương Tây, khi diễn ra sự gặp gỡ và va chạm quyết liệt giữa hai nền văn hoá lớn của nhân loại. Họ là sự kết nối giữa hai nền văn hoá lớn đó. Thế hệ Đào Duy Anh ra đời đúng vào thời điểm này. Đây là một thế hệ mà “phải đọc, viết, suy nghĩ bằng ba thứ tiếng, kể cả chữ Nôm là bốn”. Trong điều kiện như vậy, họ phải cố gắng để cập nhật với những diễn biến của các trào lưu tư tưởng hiện hành; đồng thời phải nhanh chóng thâu thái những tri thức mà nhân loại đã chiếm lĩnh trước mình một khoảng thời gian dài, tầng lớp trí thức giai đoạn này đã thể hiện một tinh thần tự học cao độ mà “những kiến văn quảng bác của họ gợi ra cảm tưởng về một công phu tự học”. Trong bối cảnh đất nước trong vòng nô lệ, là sản phẩm của nền giáo dục Pháp, tầng lớp trí thức mới luôn có “một thứ mặc cảm dân tộc, một thứ bản năng tự tôn dân tộc”. Nó đã định hướng, dẫn dắt họ “ở trên cái đà bị cưỡng ép hấp thu văn hoá ngoại lai, trở lại với tổ tiên mà trân trọng tiếng nói mẹ đẻ và văn hoá dân tộc, khiến người ta có thể vận dụng đựơc những kiến thức và văn hoá mới mà nền giáo dục ngoại lai không thể không cung cấp cho chúng ta một cách khách quan, để lần mò chập chững trong việc khai thác và phát huy một đôi điểm trong nền cổ văn hoá dân tộc”(1, tr.20). Trong bản thân mỗi con người này, trên cái nền văn hóa dân tộc, là sự kết nối những nền văn hóa lớn của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây, những vấn đề đặt ra đối với họ luôn là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, những thách thức đặt ra, những lời giải cần tìm cho sự kết nối đó.
Trong bối cảnh như vậy, một số trí thức nổi lên vì trình độ uyên bác, với một khối lượng công trình đồ sộ, có được nhờ tinh thần tự học, tính kiên trì trong nghiên cứu đến phi thường. Họ đều có khát vọng muốn gây dựng được một nền văn hóa riêng cho dân tộc mình - một nền văn hóa có bản sắc, có khả năng thâu thái tinh hoa của các dân tộc khác và nhất là phải độc lập trong quá trình tiếp xúc với thế giới. Ở mỗi người, đều có sự dấn thân, kiên trì đeo đuổi với lý tưởng của mình. Những trí thức này tự bồi đắp, mở rộng dần hành trang tri thức, từng bước tiếp cận, chiếm lĩnh đỉnh cao của học vấn đương thời, rồi vươn tới có những đóng góp xứng đáng vào nền văn hoá mới của dân tộc. Những hoạt động của họ, có khả năng “khuấy động những trao đổi, đóng góp của những người khác trong lĩnh vực ấy, và qua đó, làm giàu cho sinh hoạt tư tưởng của xã hội”(3). Vì lẽ đó, có nhiều danh xưng được đặt tên cho họ: thế hệ vàng, thế hệ những người khổng lồ, thế hệ đa văn hóa của Việt Nam, như một hiện tượng lịch sử mà ở những thế hệ trước và sau này không thể có.
2. Nhân cách của một nhà văn hóa lớn
Đối với Đào Duy Anh, lòng yêu nước thể hiện một con người thiết tha với vận mệnh của đất nước, với văn hoá dân tộc. Điều đặc biệt quan trọng là, nó có sự nhất quán sâu sắc trong suốt cuộc đời của một trí thức chân chính luôn đặt mình trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc với những biến cố, thử thách của chính bản thân mình.
Con đường diễn biến tư tưởng của Đào Duy Anh khởi nguồn từ hoài bão của một thanh niên yêu nước. Trong nhận thức của Đào Duy Anh lúc đó: muốn có tự do bình đẳng thực sự thì phải có độc lập dân tộc chứ không phải chờ người Pháp ban ơn cho, muốn có độc lập dân tộc thì phải theo con đường mà các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã vạch ra. Con đường đó còn dài, có thể sử dụng nhiều phương tiện nhưng phải nhằm đến kết quả cuối cùng là “mở mang dân trí và bồi đắp dân quyền”. Cách nhìn đó thể hiện một nhãn quan chính trị sắc sảo, thông minh của một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi.
Đào Duy Anh có một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn. Ông luôn đứng vững trên mặt trận văn hoá, cần cù lao động khoa học và với một tấm lòng yêu văn hoá dân tộc tha thiết, bất chấp những sóng gió trong cuộc đời mà không dễ gì có thể vượt qua. Trọn cuộc đời, ông đã cống hiến cho sự nghiệp văn hoá nước nhà để hướng tới một mục tiêu, lý tưởng duy nhất: giải phóng dân tộc, tiến tới một xã hội tự do, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh đã tổng kết đầy đủ và sâu sắc toàn bộ cuộc đời ông “Cái khía cạnh chủ đạo là sự diễn biến tư tưởng của tôi từng bước đi vào chủ nghĩa Mác để lấy nó làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động của tôi trong lĩnh vực nghiên cứu và tư tưỏng, vì đời tôi thực ra không phải là một cuộc đời hoạt động chính trị, mà là cuộc đời tìm tòi và phục vụ về văn hoá của một người trí thức mà thôi”(5, tr.34). Cũng phải nói rằng, trong thực tế, hiếm có con người nào chuyển hẳn từ hoạt động chính trị sang địa hạt văn hoá lại có những đóng góp to lớn như ông cả về mặt tài năng và nhân cách. Và không có gì khác, nó bắt nguồn chính từ khát vọng cháy bỏng của một người trí thức chân chính, muốn phục hồi và phát triển văn hoá dân tộc, góp phần cho công cuộc giải phóng dân tộc, đưa dân tộc vào một kỷ nguyên phát triển mới như nhận định của Đỗ Lai Thuý “Đào Duy Anh đã mang theo nguyên vẹn cả khối tâm huyết với đất nước, cả tinh thần cách mạng sang địa hạt học thuật”(6, tr20).
Không chỉ vậy, trên thực tế, cả cuộc đời ông là một tấm gương sáng về đạo làm người, làm một nhà khoa học chân chính. Ở nhiều môi trường hoạt động khác nhau, trong những thời điểm, không gian khác nhau, cái dấu ấn đọng lại sâu sắc nhất của những người đã từng tiếp xúc, làm việc, sống cùng với ông là hình ảnh một con người đáng kính nhưng lại hết sức gần gũi với tấm lòng yêu thương con người.
Đào Duy Anh là một tấm gương của nhà khoa học lớn: say mê nghiên cứu, sống rất giản dị, toàn tâm, toàn trí đặt vào việc nghiên cứu. Sau này, khi ông đã chuyển sang làm văn hoá, có nhiều cơ hội để ông quay trở lại hoạt động chính trị như có thể tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, sau đó là chính phủ Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn nhất quán với sự lựa chọn của mình, kiên trì hoạt động nghiên cứu để đóng góp cho đất nước. Sự lựa chọn đó thể hiện sự nhạy cảm của một trí tuệ lớn, một nhân cách đáng kính luôn biết mình, sở trường của mình nhưng có lẽ cũng là may mắn cho dân tộc, như một nhà nghiên cứu đã từng nói, chúng ta có thể có nhiều nhà chính trị Đào Duy Anh nhưng nhà bác học Đào Duy Anh thì chỉ có một mà thôi.
3. Đóng góp với nghiên cứu văn hóa dân tộc
Giáo sư Trần Hữu Dũng, trong bài viết “Thời vắng những nhà văn hóa lớn” có đưa ra một tiêu chí để đánh giá một nhà văn hóa lớn: những người có suy nghĩ vừa sâu, vừa rộng, đưa ra những khám phá, lập luận, có tính tổng hợp, liên ngành; có những ý tưởng độc đáo, hoặc có biệt tài tổng kết nhiều luồng tư tưởng khác nhau, từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đào Duy Anh là một trong số người như vậy. Trong bộ Từ điển Bách khoa Larousse, xuất bản tại Pari năm 1968, ông được đánh giá như nhà bách khoa hiện đại của Việt Nam. Những công trình nghiên cứu của ông trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ sử học, văn học đến từ điển học, ngôn ngữ học, văn hóa học...và đều để lại những dấu ấn quan trọng trong ngành khoa học xã hội ở nước ta, đưa ông đạt đến tầm của một học giả có “kiến giải bao quát, quy mô rộng lớn, nhạy cảm trước bước chuyển mình của thời đại và góp phần xây đắp bước chuyển ấy một cách vững chắc”(7). Riêng đối với lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc, những đóng góp của ông đóng vai trò mở đường cho rất nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả sau này.
Đào Duy Anh là người đầu tiên thực hiện việc tổng kết những di sản của văn hóa dân tộc một cách có hệ thống và sử dụng phương pháp khoa học trong công trình Việt Nam văn hoá sử cương năm 1938. Trước đó, ở nước ta chưa có công trình nào chuyên nghiên cứu văn hoá Việt Nam mà chủ yếu là tư liệu lịch sử văn hoá trong các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm. Đó là các sách địa chí toàn quốc hay địa chí các địa phương - loại sách chứa đựng nhiều tư liệu về văn hoá ở những thời điểm lịch sử khác nhau: An Nam chí lược, Dư địa chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Ô Châu cận lục, Hưng Hoá phong thổ chí, Gia Định đông thành chí…Các tài liệu này chủ yếu về phong thổ, tập tục, nghi lễ, lễ hội, nhân vật được trình bày một cách cụ thể, thể hiện tính chân thực và chính xác cao. Tuy nhiên, nó mới chỉ dừng lại ở sự tập hợp các tư liệu mà chưa phải là sự trình bày một cách hệ thống theo một khung khái niệm nhất định. Bên cạnh đó là các tác phẩm của những nhà văn hoá như Nguyễn Trãi (Dư địa chí), Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục), Lê Văn Hưu (Tang thương ngẫu lục), Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí), Nguyễn Du (Văn Chiêu hồn)…Năm 1915, Phan Kế Bính viết cuốn Việt Nam phong tục, là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, có tinh thần phản biện về thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Có thể nói, những tác phẩm này, dù tiếp cận dưới góc độ nào: lịch sử, văn học, địa lý…cũng đều chứa đựng các tư liệu văn hoá gắn với từng thời kỳ lịch sử khác nhau của dân tộc. Cũng như các loại sách địa chí kể trên, các công trình này chưa đề cập đến toàn bộ nền văn hoá Việt Nam hay từng thành tố của văn hoá Việt Nam theo chiều lịch đại, tức lịch sử hình thành, tồn tại và biến đổi của nó, cũng có nghĩa chúng chưa phải là lịch sử văn hoá. Mặt khác, những gì thuộc về văn hoá đựơc mô tả, liệt kê ở đây mang tính “trường tồn hay bán trường tồn”. Và như vậy, các tác giả gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu lịch sử của nó với tư cách “loại hình có vẻ mô tả tĩnh vật”.
Việt Nam văn hoá sử cương là một cách tiếp cận về văn hoá dân tộc hoàn toàn mới dựa trên phương pháp khoa học. Trong tác phẩm này, Đào Duy Anh đã xác định được đối tượng cũng như phương pháp nghiên cứu lịch sử văn hoá. Lần đầu tiên có một nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử văn hoá là gì? Câu hỏi đó cho đến hiện nay với chúng ta chưa dễ dàng gì đi đến sự thống nhất chung. Trong bối cảnh Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, việc đưa ra được câu hỏi đó đã là một bước khởi đầu mới cho nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Theo Đào Duy Anh, nghiên cứu lịch sử văn hoá của dân tộc là nghiên cứu xem sự hoạt động về các phương diện sinh hoạt (văn hoá) của dân tộc xưa nay biến chuyển như thế nào. Như vậy, Đào Duy Anh đã vượt qua được hạn chế của cách nhìn truyền thống coi văn hoá như một phương diện tĩnh “lịch sử văn hoá chỉ loay hoay với những yếu tố trừu tượng không dựa trên cơ sở lịch sử, tức là thoát ngoài thời gian”(5, tr.83), mà trên thực tế, các nền văn hoá “không phải dẫm chân tại chỗ mà có tiến hoá”. Một vấn đề lý luận được đặt ra ở đây là nghiên cứu văn hoá trong “trạng thái động” chứ không phải trường tồn và bán trường tồn. Đọc Việt Nam văn hoá sử cương, ta thấy tác giả đã trình bày một cách nhất quán trong các thiên theo cách tiếp cận này. Ở mỗi thành tố của văn hoá, tác giả luôn trình bày theo trật tự thời gian, từ thời thượng cổ cho đến ngày nay. Dĩ nhiên, không phải là một sự sắp xếp cơ học các sự kiện theo thời gian mà giữa các phần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện rõ sự biến đổi theo từng giai đoạn. Việc Đào Duy Anh đưa ra giới thuyết về văn hoá như là một khái niệm công cụ để từ cấu trúc của khái niệm đó miêu tả, khái quát lịch sử văn hoá Việt Nam đã thể hiện tư duy nghiên cứu khoa học kiểu phương Tây và rõ ràng chưa hề xuất hiện trong tất cả các công trình có liên quan đến văn hoá Việt Nam ra đời trước đó. Phương pháp của Đào Duy Anh cho thấy, nghiên cứu lịch sử văn hoá trước hết phải từ lý luận, hay nói theo cách của một nhà nghiên cứu hiện nay: viết lịch sử văn hoá Việt Nam, lý luận phải đi trước một bước. Xuất phát từ giới thuyết về văn hoá, các thành tố của văn hoá Việt Nam không phải được sắp xếp ngẫu nhiên mà theo thứ tự, thành một hệ thống mà cơ cấu của nó có trong hiện thực đời sống: văn hoá vật chất, văn hoá tổ chức quan lý xã hội, văn hoá tinh thần. Không chỉ là trình bày một cách khách quan, chân thực, tác giả còn cắt nghĩa những hiện tượng văn hoá trong xã hội, chẳng hạn, sau khi nói về công nghệ của Việt Nam, Đào Duy Anh giải thích tại sao công nghệ ở nước ta không phát triển, để tìm ra mối quan hệ giữa các yếu tố đó, tức là tính quy luật thông qua việc khái quát các đặc điểm của văn hoá Việt Nam. Điều thể hiện rõ sự thay đổi về chất trong nghiên cứu văn hoá Việt Nam so với các giai đoạn trước chính là sử dụng phương pháp khoa học.
Cho đến nay, “Việt Nam văn hoá sử cương” đã ra đời hơn 70 năm. Cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần. Nó không chỉ quen thuộc với giới nghiên cứu văn hoá, lịch sử, dân tộc học mà còn được nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác và bạn đọc đông đảo quan tâm. Chỉ thế cũng đủ nói lên sức sống và hấp dẫn của cuốn sách này. Trong lời tựa, Đào Duy Anh tự nhận cuốn sách chỉ là một “mớ tài liệu để tham khảo” giúp cho các bạn đồng nghiệp giảng dạy bộ môn Văn hoá Việt Nam trong chương trình giáo dục Cao đẳng tiểu học năm 1938. Trên thực tế, cuốn sách đã vượt xa khỏi phạm vi đó rất nhiều. Trong điều kiện những tư liệu về lịch sử, văn hoá Việt Nam còn rất phân tán, rải rác, vụn vặt và nhiều khi mâu thuẫn, Đào Duy Anh đã hệ thống hoá để biên soạn nên một tác phẩm có đề tài rộng nhưng “thanh thoát đến độ ai đọc cũng được, không bực mình trước những biểu hiện của giáo điều, không khiếp hãi trước mớ tư liệu ngồn ngộn” (7). Bước đầu sử dụng các phương pháp phân tích khoa học của chủ nghĩa Mác - phương pháp rất mới đối với giới nghiên cứu lúc đó, Đào Duy Anh đã trình bày khá toàn diện những nội dung của lịch sử văn hoá Việt Nam, giúp người đọc hình dung được diện mạo của văn hoá dân tộc. Với Việt Nam văn hoá sử cương, ông là người đầu tiên khái quát một cách hệ thống các đặc tính của văn hoá Việt Nam. Đồng thời, Đào Duy Anh cũng chỉ ra rằng, những đặc tính này không phải là bất biến, chúng được hình thành trong những điều kiện lịch sử, xã hội nhất định nên khi những điều kiện ấy thay đổi thì các giá trị đó không thể đứng yên được. Trong cuốn hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, Đào Duy Anh có nói rằng ông chưa có thể viết một quyển sách về lịch sử văn hoá Việt Nam “tương đối thoả mãn được” nhưng sự ra đời của Việt Nam văn hoá sử cương là cái mốc đầu cho nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam, là một sự tổng kết tương đối toàn diện văn hóa dân tộc. Đó là một công việc hết sức cần thiết và có ý nghĩa cho công cuộc giao lưu, hội nhập với thế giới. Các công trình nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam ra đời sau này, dù có cập nhật và phong phú hơn về mặt tư liệu nhưng “quan niệm về văn hoá, lịch sử văn hoá, cách trình bày và các nhận xét rút ra có phần không được mạch lạc, khúc chiết và không gây được ấn tượng như công trình của Đào Duy Anh”(8, tr.16).
Như vậy, một số vấn đề được trình bày trên đây về Đào Duy Anh gợi lại cho chúng ta về tầm vóc của một học giả, nhà văn hóa Đào Duy Anh, người đã cống hiến trọn đời mình cho khoa học, cho sự nghiệp văn hóa của dân tộc, tấm gương về nhân cách và những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước. Thuộc về thế hệ những trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thế hệ đã góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị tinh thần, trí tuệ cho dân tộc tại thời điểm bước vào hội nhập với văn hóa nhân loại, Đào Duy Anh cũng như nhiều nhà văn hóa khác thực sự là di sản của văn hóa dân tộc và có thể tham gia trực tiếp vào cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Trích đăng từ bài viết của LÊ XUÂN KIÊU: Học giả Đào Duy Anh - Nhà văn hóa lớn (Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, Trường đại học văn hóa Hà Nội)
Tài liệu tham khảo
ReplyDelete1. Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.
3. Trần Hữu Dũng, Thời vắng những nhà văn hóa lớn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số Xuân Tân Mão, 2011.
4. Nhiều tác giả, Họ Đào Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.
5. Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
6. Đỗ Lai Thúy, Chân trời có người bay, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
7.TạTrọngHiệp, ĐàoDuyAnh, http://vannghe.free.fr/tatrong/daoduyanh.htlm (19041988)
8. Ngô Đức Thịnh, Tổng quan tình hình nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Tạp chí văn hóa dân gian, Số 6, 2007.
Cụ Đào Duy Anh và gia đình sống cùng dãy nhà (khu B) với gia đình chúng tôi ở khu tập thể Kim Liên, HN. Tôi vẫn nhớ đến cụ với mái tóc và bộ râu bạc trắng. Có lẽ cụ là người mà hình ảnh trong ký ức bé thơ của tôi giống với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất.
ReplyDelete