Tuesday, October 7, 2014

Người Việt: Giáo sư Phan Ngọc

Xét trên phương diện một tấm gương tự học để trở thành một nhà khoa học lớn, một người có vốn liếng ngoại ngữ nhiều và giỏi, một người luôn tự tìm ra phương pháp nghiên cứu độc đáo đến kì lạ thì người ta hay nhớ về Giáo sư Phan Ngọc. Đời ông, chỉ có một tấm bằng tú tài nhưng những gì ông đã thực hiện vượt xa tấm bằng này... 

 Việt Nam, sau Trương Vĩnh Ký (một ký giả, dịch giả lớn đầu thế kỷ 20) thì GS. Phan Ngọc là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc. Năm 1976, để chuẩn bị khẩn trương cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, GS. Phan Ngọc dám nhận trước Trung ương dịch cuốn Triết học Hegel từ nguyên bản tiếng Đức hoàn thành vượt thời hạn 3 tháng. Ông còn dịch Thần thoại Hy Lạp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; Sử ký Tư Mã Thiên từ nguyên bản tiếng Hán; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh... Với một chục ngôn ngữ, trong mấy mươi năm qua, GS. Phan Ngọc đã thầm lặng làm việc với bút danh Nhữ Thành.


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, Phan Ngọc học chữ Hán chỉ để khỏi phật ý người thân, còn hoạn lộ của ông sẽ thênh thang nếu ông đi theo con đường được gia đình vạch sẵn: vào trường Luật. Thế nhưng, cậu tú Phan Ngọc lại nuôi một chí hướng khác, mọi sự đảo lộn khi ông vào trường Y và sau đó nhập ngũ làm lính ở sư đoàn 304, rồi về làm việc ở Bộ Văn hoá, Đại học Tổng hợp Hà Nội và hiện nay là Viện Đông Nam Á - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn.
Dường như có cái gì đó “bẩm sinh năng khiếu” trong việc học tiếng nước ngoài ở ông, điều này ông giải thích một cách giản dị: “Tôi đã tìm ra cái mẹo của cách học”. Không giống như nhiều người lao vào học ngoại ngữ như đi tìm một sinh kế. GS. Phan Ngọc đã vượt qua giới hạn dùng ngôn ngữ như một công cụ môi giới văn hoá mà ông dùng ngôn ngữ để trực tiếp khảo sát văn hoá các dân tộc, các khoa học xã hội mũi nhọn đang phát triển trên thế giới - theo cả chiều rộng và chiều sâu. Học hàm “giáo sư ngôn ngữ học” chưa phản ánh đầy đủ năng lực thực tế của ông. Đọc các công trình, nghe các bài giảng và qua tiếp xúc có thể nhận ra ông còn là nhà dân tộc học, nhà triết học, nhà mỹ học, nhà Hán học, nhà nghiên cứu văn học... Những lĩnh vực ông nghiên  cứu không dừng lại ở các hiểu biết thông thường mà theo phương châm “cách vật, trí tri” (biết đến tận cùng sự vật, biết đến tận cùng sự biết). Ông thường được học trò gọi là “ông đồ xứ Nghệ đời mới”. Cốt cách ông đồ và trí thức hiện đại như là hiện thân của sự nghiệp khoa học ông đã và đang theo đuổi để chứng minh rằng: con người Việt Nam với bản sắc văn hoá của mình hoàn toàn có đủ khả năng đuổi kịp và đứng vững trong nền văn minh công nghiệp, văn minh tin học.
"Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân nước tôi” - Phan Ngọc viết như vậy và quả thật ông đã dành tất cả tâm sức cho mục đích. Từ những năm 1960, chiến tranh khốc liệt, không mấy ai biết trên căn gác xép chật chội ở số nhà 57, phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội kia lại có vị học giả đang cặm cụi, nghiền ngẫm suy tư để trả lời câu hỏi: sau chiến tranh, nước Việt Nam phải phát triển văn hóa như thế nào trong một thế giới hiện đại? 30 năm sau, câu trả lời ông tìm ra từ ngày ấy mới được công bố, vì theo ông, công cuộc đổi mới khởi đầu từ Đại hội Đảng VI cho ông những điều kiện cần thiết. Điều thú vị là trong các công trình này, ông sử dụng thao tác luận (operationalist) - phương pháp nghiên cứu ít người biết và sử dụng ở Việt Nam - để nghiên cứu văn hoá và kiên trì với công cụ đó một cách nhất quán. Ông quy hiện tượng ra thành một chùm quan hệ rồi tìm trong đó quan hệ nào có thể tác động để đổi mới cuộc sống.
Nghiên cứu Nho giáo, ông đi tìm cái bất biến trong cái khả biến, chỉ ra rằng chỉ có Khổng Tử và Nho giáo chân truyền mới là Nho giáo đích thực, còn Hán Nho, Tống Nho, Minh Nho... là cái khả biến nảy sinh từ cái bất biến Khổng Tử. Ông chứng minh sự tiếp thu văn hoá Hán của Việt Nam sau thế kỷ X là một kiểu lựa chọn đúng vì có như thế người Việt mới có thể xây dựng được sự thống nhất chính trị - văn hoá đủ sức đương đầu với phong kiến phương Bắc. Ông luận chứng bản sắc văn hoá dân tộc là một kiểu lựa chọn từ quan hệ qua lại giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại... Để chứng minh Nho giáo Việt Nam mang nhiều đặc điểm dị biệt với Nho giáo Trung Hoa, ông đưa ra khái niệm “độ khúc xạ trong giao lưu văn hoá”...
Các vấn đề nghiên cứu của GS. Phan Ngọc rất rộng: Bằng phong cách học, ông nghiên cứu Truyện Kiều để tìm ra cống hiến nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du “trước đó không ai làm được và sau đó khó có ai làm được”. Ông quan tâm tới cách chữa lỗi chính tả cho học sinh. Ông nghiên cứu sự tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á. Ông nghiên cứu Đỗ Phủ - nhà thơ dân đen. Ông bàn chuyện dịch Đạo đức kinh, ông quan tâm tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, tới văn hoá cố đô Huế. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một say mê của ông, ông nghiên cứu Hồ Chí Minh một cách trân trọng, sâu sắc, có cách lý giải riêng.
Nhìn vào danh mục những vấn đề nghiên cứu hẳn sẽ có người nghi ngờ chất lượng của chúng nếu không tìm hiểu cơ chế làm việc của ông. GS. Phan Ngọc tự đặt ra yêu cầu bản thân phải đạt tới một sự thức nhận (prise de con scince) về đối tượng và phương pháp của mình. Ông cho rằng: “Nếu không thực hiện được sự thức nhận ấy - dù người nghiên cứu có tài giỏi, uyên bác đến đâu, anh ta có làm việc nghiêm túc, công phu đến đâu - công trình của anh ta vẫn cứ thiếu chính xác”. Từ sự thức nhận, ông nghiên cứu văn hoá - lĩnh vực cực kỳ đa dạng với phương thức tiếp cận đa ngành và đòi hỏi mình phải thông thạo những lĩnh vực khác nhau của văn hoá. Những tri thức địa - văn hoá, lịch sử học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học... được ông vận dụng một cách hệ thống, phù hợp và có hiệu quả. Cả tính sáng tạo đầy bản lĩnh của ông được bảo đảm bằng một trí tuệ uyên bác, một phương pháp làm việc nghiêm túc, lập luận chặt chẽ, kết hợp uyển chuyển, linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý trí và trái tim mỹ cảm, giữa quan điểm Mác-xít và phẩm cách một nhà Nho...
Chuyến đi Hồng Kông của ông đầu năm 1994 để thuyết giảng về thơ Đường đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm. Bà Kim Tuyến (người thư ký, người vợ cần cù, tận tuỵ và khó tính của ông) cho biết một vài chuyện. Một tiến sĩ người Mỹ rất rụt rè trong tiếp xúc, rồi nói thật rằng, ông ngại vì người Mỹ vốn là kẻ thù của Việt Nam. GS. Phan Ngọc trả lời: “Chỉ những kẻ lừa dối nhân dân Mỹ, đem quân xâm lược Việt Nam mới là kẻ thù; còn chúng ta nhân dân Mỹ và các nhà khoa học là bè bạn”. Viện sĩ Nhiễu Tông Di - vị trưởng lão đáng kính, ở tuổi trên 80 đã “hạ sơn” để cùng Phan Ngọc xuống một quán trà nổi tiếng ở Hồng Kông đàm đạo vì đã lâu không có tri kỷ.
Từ Hồng Kông, Singapore trở về Hà Nội, GS. Phan Ngọc lại say sưa chuẩn bị xuất bản cuốn Từ điển Anh - Việt hơn 100.000 từ và sau đó soạn tiếp Từ điển Việt - Anh với số từ tương đương. Ông làm việc không nghỉ và hàng tuần vẫn dành 6 giờ học tin học, để có thể sử dụng chiếc máy vi tính ông mua sắm bằng thù lao giảng bài. Ở tuổi trên 70, “ông đồ xứ Nghệ đời mới” vẫn đầy hoài bão và nhiệt huyết.

Theo Vusta, báo Nghệ An

6 comments:

  1. Thật tiếc vì những người như GS Phan Ngọc đã không được cống hiến nhiều hơn vì một thời từng bị coi là nhân vật thuộc nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" (như GS Cao Xuân Hạo).

    ReplyDelete
  2. Đính chính Bình con. Cao Xuân Hạo và Phan Ngọc đều không liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm. Nhân Văn Giai Phẩm không phải là nhóm.

    ReplyDelete
  3. Phan Ngọc có một dạo cũng bị một số người, trong đó có Phạm Thị Hoài chỉ trích vì "dịch bịa" và "suy luận", nhất là dịch Hegel hay Kant gì đó, sai hẳn nghĩa gốc. Dịch Triết là phải chính xác, nhất là khi chưa hiểu hết được nội dung. Không biết các tác giả không phải là người Đức thì sao. Để khi nào rảnh mình kiểm tra bộ Tư Mã Thiên thử xem sao.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đính chính về phong trào/khuynh hướng "Nhân Văn-Giai Phẩm" của Ái Việt là chính xác, tuy nhiên tao dùng chữ theo chữ còn lại trong đầu từ thời trước. Hồi đó, tuy không phải là những người khởi xướng nhưng Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo đều bị coi là những phần tử "Nhân Văn-Giai Phẩm".
      Về những sơ sót của Phan Ngọc, tao ko muốn bao biện. Phải thấy cái khó của những người như ông (và Cao Xuân Hạo) khi bị bó buộc, ko được tiếp xúc và tạo nhiều điều kiện tốt hơn để nghiên cứu một cách đúng nghĩa. Tuy nhiên, phải xoay xở trong khoảng chật hẹp thì cố nhiên dễ phạm sai lầm vì chủ quan. Nhưng để phán xét công minh thì cũng phải nhớ câu "Ngay cả mặt trời còn có vết", câu này tao nhớ như in khi đọc cuốn "Trái Đất và Bầu Trời" từ hồi bé, để bỏ qua những lỗi lầm của con người. Tuy nhiên, làm việc là phải tận tâm, hết mình. Làm khoa học và Nghệ thuật thì tuyệt đối phải tuân thủ việc tôn trọng cái đúng, phương pháp phải đưa ra những vấn đề đã được xem xét kỹ lưỡng, có cơ sở và chuẩn xác. Nếu dịch bừa là không ổn. Tầm cỡ như Phan Ngọc nếu sống ở những nước khác có thể sẽ không phạm nhiều sai lầm đáng tiếc như đồn đại (tao vẫn nhớ những cuốn sách của Viện Hàn lâm Hungary xuất bản với những dòng chữ bảo đảm không có một sai sót nào).
      Cảm ơn bạn đã góp ý để chấn chỉnh về thái độ viết lách.

      Delete
    2. Vì không được biết về GS Phan Ngọc nhiều nên tôi chỉ hình dung ông qua mô tả của người khác để thấy được con người thật của ông: "Trong tâm trí chúng tôi, giáo sư Phan Ngọc là người thầy, là một vị cán bộ thuộc bậc đại lão thành của Văn khoa cũng như của tổ bộ môn Ngôn ngữ học. Những năm ông chưa đi khỏi khoa, tôi lấy vợ xuống ở dãy nhà giấy dầu của khu tập thể, thỉnh thoảng ông vẫn xuống nhà tôi chơi uống nước cả buổi. Tôi lại đun một lúc hai phích nước tiếp ông bằng thứ chè cám được phân phối hay chè bốn hào rưỡi và trộm ngắm hai bàn tay đẹp như tháp bút của ông. Tôi thấy ngón trỏ và ngón tay cái trên bàn tay trái ông mỗi ngày một cháy vàng khè. Hàm răng ông cũng ám khói nhiều hơn. Ông nói chuyện mà vẫn đốt thuốc liên tục. Qua hình ảnh của ông, tôi thấy người dính đến “vụ án nhân văn” cũng không có gì đáng gớm cả."
      (trích từ bài "Phó Giáo sư Phan Ngọc: Sự uyên bác và tài hoa" của Hữu Đạt)

      Delete
  4. Vì đây là blog của đám già tụi mình, hầu như sinh ra và lớn lên vào thời làm văn hay mở đầu bằng những câu đại loại như "được sinh ra và lớn lên dưới mái trường XHCN" nên tôi thường dùng từ cũ cho nó có tính "đặc thù" của thời kỳ VNDCCH. Chẳng hạn dùng "lưu học sinh" mà không dùng "du học sinh" hoặc "bôn sệt" để chỉ những người quá lý tưởng, hoặc sống một cuộc sống có định dạng quá khuôn khổ đến mức trở thành "thủ cựu"...

    ReplyDelete