Wednesday, August 12, 2015

Đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và bằng cấp ở các trường đại học

GS Ngô Bảo Châu trong phần trình bày: “Xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học”, đã chỉ ra những cái ngược đời của giáo dục đại học VN như sau:
Trong khi các trường đại học ở các nước tiên tiến, tận dụng những nguồn lực bên ngoài để đổi mới cách giáo dục thì VN lại tập trung đào tạo các nguồn nhân lực, các ứng viên do chính mình tạo ra. Việc nầy sẽ làm cho cách dạy và học tiếp tục lặp lại phương thức cũ, không có sự đổi mới. Sinh viên sẽ không học được những cái mới. Dần dà, nền giáo dục sẽ ngày càng kém, càng giật lùi so với thế giới.
Trong khi các nước luôn dành những chính sách, chế độ ưu tiên để khuyến khích các giáo sư ngoại quốc đến giãng dạy, không phân biệt giáo sư trong và ngoài nước thì VN lại không có bất cứ chính sách nào khuyến khích giảng dạy. Thành ra, nhiều giáo sư muốn tự nguyện sang VN giảng dạy thì lại không nhận được bất cứ ưu đãi nào.
Ở các nước, năng lực nghiên cứu là tiêu chí đầu tiên để tuyển dụng một giảng viên thì ở VN vấn đề nầy còn nặng tính hành chánh. Tuyển chọn giảng viên còn tuân theo quy trình tuyển chọn công chức nhà nước, không có đặc thù của một trường đại học.
Thêm vào đó, với mức lương thấp, không đảm bảo được cuộc sống trung lưu đòi hỏi, các giảng viên phải chạy show làm gia sư. Vì thế, các giảng viên không còn thời gian và trí tuệ để tập trung vào nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh – Phó viện trưởng Viện Kinh Tế & Thương mại Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội – cho rằng: Việc đổi mới giáo dục cần phải được đổi mới từ bậc phổ thông. Sinh viên thụ động, thiếu sáng tạo…được hình thành từ bậc phổ thông mà có, đại học không thể thay đổi được. Muốn cải cách giáo dục thì phải thực hiện từ gốc, chứ ngọn thì không thay đổi được”.
Ngoài những lý do mà quí vị GS &TS vừa nêu trên, nền giáo dục VN đang phá sản vì một vài lý do khác, vô cùng hệ trọng mà quý vị quên hay không muồn đề cập tớI, đó là:
TỆ NẠN SỬ DỤNG TRÀN LAN BẰNG CẤP GIẢ: Xin dẫn chứng những trường hợp quan trọng điển hình đã bị phát hiện:
Cách đây 10 năm (2005), Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau buộc thôi việc 93 giáo viên sử dụng bằng cấp giả không hợp pháp, trong đó có một Phó Hiệu Trưởng và 92 giáo viên. Được biết, số cán bộ giáo viên nói trên chưa học hết PTCS, không có bằng tốt nghiệp, đã mượn bằng tốt nghiệp PTCS, bổ túc PTCS của người khác, tham gia công tác giảng dạy với năng lực yếu kém.
Ngày 7/10/2010, Cơ quan An ninh ninh điều tra, CA tỉnh Lai Châu cho biết, đang điều tra mở rộng vụ án Nguyễn Đức Luận (1978), nguyên cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Cơ quan điều tra phát hiện thêm 8 giáo viên dạy học tại các trường thuộc huyện Phong Thổ đã sử dụng bằng giả do Luận cung cấp. Tính đến thời điểm đó, số người sử dụng bằng giả trong vụ án bị phát hiện là 20 trường hợp tại các huyện của tỉnh Lai Châu.
Ngày 8/10/2014, Cơ quan An ninh điều tra, CA tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị cấp thẩm quyền huyện Đắk Song xử lý kỷ luật đối với Nguyễn Văn Thiện (1973) là giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Nam Bình và Lê Thị Hiền (1972) là giáo viên trường mầm non Sơn Ca, thị trấn Đức An về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Ngày 26/2/2013, Sở GD &ĐT tỉnh Đắk Nông ra quyết định kỷ luật, cho thôi việc đối với bà Lê Thị Phương (nguyên cán bộ văn phòng sở) về hành vi sử dụng văn bằng Cao đẳng Sư phạm giả, xin vào làm việc tại văn phòng Sở Giáo Dục và Đào tạo Đắk Nông từ tháng 9/2004 đến nay.
Ngày 20/6/2015, ông Nguyễn Khắc Phượng (1965), Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Nguyễn Huệ, xã Yang Nam, huyện Kon Chro bị trường Chính trị tỉnh Gia Lai phát hiện sử dụng bằng tốt ngiệp THPT giả.
Tháng 11/2014, liên tục những ngày vừa qua, đường giây nóng Đời Sống & Pháp Luật tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại do nhân dân bức xúc phản ảnh, việc cán bộ chủ chốt thuộc các ngành đoàn thể ở một số xã tỉnh Cà Mau dùng bằng giả tốt nghiệp THPT chuẩn hóa trình độ theo quy định Nhà nước để củng cố địa vị và leo cao hơn. Hai nhân vật chính là Lê Thanh Cương (1971), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau và Ngô Hùng Cường (1970), thường trực Đảng ủy xã Tân Hưng, bị tố sử dụng bằng THPT giả nhiều năm nhưng không bị phát hiện.
Tháng 4/2015, theo phản ảnh của giáo viên trường Tiểu học Định Hưng (Yên Định, Thanh Hoá), cô Trần Thị Hằng là giáo viên công tác tại trường này, không đáp ứng được đủ bằng cấp theo quy định, nhưng vẫn được phân công đứng lớp 18 năm nay.
Ngày 20/7/2015, ông Trần Đình Mạnh – Bí thư Huyện ủy Tuy Đức – tỉnh Đắk Nông cho biết quá trình rà soát nhân sự cho Đại hội Đảng cấp huyện đã phát hiện 10 cán bộ xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức sử dụng bằng cấp 3 giả. Họ đều giữ các chức vụ chủ chốt như: Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Công an, Chủ tịch hội Nông Dân, Chủ tịch hội Phụ nữ.
Ngày 25/12/ 2014, bà Dương Thu Phương, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc VN tỉnh Cà Mau cho biết, đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đảng đối với ông Trần Hiếu Trinh, Ủy viên MTTQVN tỉnh Cà Mau vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT, bằng đại học giả. Trần Hiếu Trinh photocopy, ghép tên mình vào văn bằng đại học chuyên ngành Ngữ văn, nhưng không cung cấp bản chính các văn bằng nói trên khi kiểm tra, đối chứng và thừa nhận sử dụng bằng cấp bất hợp pháp. Ông ta công tác hơn 15 năm qua, làm giáo viên, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu và chuyển về làm Ủy viên MTTQVN tỉnh Cà Mau.
TIẾN SĨ DỎM BỊ LỘ TẨY:
Chuyện giáo dục ở VN biết bao giờ mới kể hết những ưu tư, lo lắng đến tiền đồ dân tộc. Cực kỳ tệ hại là ở ngành “đại học”, là nơi đào tạo giai cấp tri thức ưu tú cho đất nước trong tương lai.
Bộ Giáo dục VN đưa ra trường hợp “Đại học Ngoại Thương” dùng Tiến sĩ dỏm đứng bục giảng 8 năm mới biết. Ông Tiến sĩ dỏm nầy là Giảng viên Nguyễn Huyền Minh (1976) chưa bảo vệ luận án Tiến sỹ và chưa được cấp bằng Tiến sỹ như ông ta đã kê khai. Giảng viên Nguyễn Huyền Minh được cử đi đào tạo trình độ Tiến sỹ chuyên ngành Marketing tại trường Đại học Paris 1 nhưng chưa bao giờ tốt nghiệp. Năm 2008 về trường Ngoại Thương giảng dạy dưới danh xưng “Tiến sỹ” cho tới ngày 23/3/2015 mới bị phát giác. Giảng viên Nguyễn Huyền Minh phải bồi hoàn việc dùng tiền thuế của dân đi du học.
Tại VN hiện nay, việc các tiến sỹ, giáo sư dỏm xuất hiện nhan nhản khắp nơi đã không còn là chuyện lạ. Công chức nhà nước đem tiền Mỹ kim mua bằng cấp giả nhằm bổ túc hồ sơ cá nhân để được đề bạt chức vụ cao hơn là một thực trạng đáng được báo động.
Cộng thêm vào đó, nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao về bằng cấp để được bổ nhiệm vào các chức vụ bắt buộc phải có trình độ “tiến sỹ” hoặc “thạc sỹ”; vì thế, một số Đại học Việt Nam đã liên kết với các trường “Đại học dỏm” ở nước ngoài để đào tạo hàng lọat công chức có bằng cấp học vị “Tiến sỹ mì ăn liền” và “Thạc sỹ dỏm”.
Là trường thật thậm chí là trường có uy tín và bằng cấp giả giống như bằng cấp thật giống như sinh viên thực thụ, phải mất hàng chục ngàn USD và phải mất vài năm mới lấy được bằng. Nếu những ai đã mua bằng đại học rồi, muốn mua thêm bằng MBA nữa thì công ty (làm bằng giả) sẽ có giá ưu đãi. Còn làm bằng “đại học giả” ở trong nước chỉ với giá 30 triệu đồng và muốn có bằng “tiến sĩ giả y khoa” chỉ cần…200 triệu đồng.
Trong tháng 1/2015, Sở Y tế Thanh Hóa vừa có kết luận thanh tra bằng cấp của tất cả các cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn toàn tỉnh có tới 20 trường hợp dùng bằng giả chuyên môn như: Dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm…Ông Phạm Văn Trác – Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ Bộ Y Tế – đánh giá việc sử dụng giả bằng trong lãnh vực y tế là nguy hiểm và yêu cầu xử lý triệt để vụ làm bằng giả ở Thanh Hóa.
Sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra tại bệnh viện Đa Khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), 3 trẻ sơ sinh ra đời trong đêm 19/7 đã tử vong sau khi y tá tiêm vaccin chủng ngừa phòng bệnh viêm gan siêu vi B. Một câu hỏi được đặt ra, có phải đây là y tá đã sử dụng bằng giả gây chết trẻ sơ sinh hay không? Hỏi tức trả lời.

Phuc Cao Nguyen's wall/FB

No comments:

Post a Comment