Thursday, August 27, 2015

Đất nước: Vùng cao hùng vĩ

Ở Hà Giang và Cao Bằng, gần biên giới TQ có 2 dãy núi hùng vĩ vươn lên: đây là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số. Họ sống khép kín với người lạ từ lâu, nay vùng này dần dần cởi mở với thế giới bên ngoài. Phóng viên người Pháp Loic Grasset đã viết về vùng đất này trong phóng sự sau đây. 



Một rừng đá và những đám cỏ cao vút, đó đây là những cây bắp, kho báu lẩn khuất giữa những tảng đá vôi. Một vùng trông chẳng có gì đáng giá, nơi vào mùa thu đầy sương mù làm những tia nắng cũng khó mà xuyên thấu. Vào tháng giêng, một đợt lạnh giá buốt sẽ bao trùm những dãy núi. Trên cao, nơi những con đèo và những thung lũng của cao nguyên đá Đồng Văn, cái lạnh đến nỗi ngay cả trâu cũng không sống nổi. Nhưng vẫn có những dân tộc bám vào những triền núi hiểm trở miền cực Bắc của Việt Nam làm quê hương. Vùng núi khắc nghiệt này tuy vậy lại toát lên 1 vẻ duyên dáng đơn sơ, rất nên thơ và hùng vĩ. Trên thung lũng, những ruộng lúa lấp lánh nắng xen lẫn với những đóa hoa vàng. Những dãy núi vẽ một đường chân trời nhấp nhô vô tận trên cao nguyên đá vôi đầy vẻ huyền ảo.


Nơi này từng mang tên Haut - Tonkin, được xem như vùng đất ít người biết, một nước Việt Nam nguyên sơ gồm 90% dân số là người H'Mong, người Dao, người Lolo hay còn gọi là người Nùng... Có khoảng 20 dân tộc ít người chung sống trên vùng đất này. Họ ăn mặc sơ sài khi làm lụng hàng ngày và trưng diện sặc sỡ với những bộ trang phục truyền thống dệt bằng tay khi tham dự vào những ngày lễ hội hoặc chợ phiên.


Nhà cửa của dân chúng trong vùng là những khu nhà quây quần trong các bản, đó là những cái nhà sàn hoặc những căn nhà nhỏ làm bằng đất sét trộn với rơm. Gần đó là những mảnh đất nhỏ, canh tác bằng việc cày bừa với trâu hoặc bò. Rảo quanh trên những con đường quanh co giữa những ngọn núi, chúng tôi gặp những người đàn ông gò lưng mang những bó măng tre to tướng hoặc những bó rau cỏ để làm thức ăn cho lợn gà mà họ phải đi xa làng bản từ 10km đến 15km để tìm kiếm.


Tại Lũng Cú, 1 bản cách TQ khoảng 10km, đường đến biên giới bị chặn lại. Khắp vùng này, mọi con đường dẫn đến biên giới đều bị chặn như vậy.
Vùng biên giới phía Bắc Việt Nam gần như do quân đội quản lý. Chính quân đội là nơi cấp giấy phép lưu thông cho người nước ngoài muốn đến đây. Cứ mỗi đoạn đường du khách đều phải xuất trình hộ chiếu cho chủ nhà trọ để trình báo cho sở chỉ huy quân sự địa phương. Chẳng hạn, muốn tham quan thác Bản Giốc, phải đích thân tới 1 căn hầm tránh đạn trình giấy tờ cho 1 cảnh vệ mặc quân phục màu lục, đội mũ cối để kiểm tra.
Tỉnh lỵ Hà Giang không có nét quyến rũ với những ngôi nhà màu xám. Sau khi trả tiền thuê nhà, bạn sẽ được tiếp đãi trên chiếc ghế nhỏ cạnh bếp lửa để uống trà, tiếp theo là rượu gạo, rượu bắp hoặc rượu hoa cúc. Tiện nghi thật sơ sài, không có cửa sổ, nền nhà bằng đất nện hoặc lát vạt tre. Chỉ 1 gian nhà mà có tới 3, hoặc 4 thế hệ sống trong đó.
Hôm nay là thứ 7, ngày mai có chợ phiên. Trong 1 căn nhà gỗ lợp ngói âm dương tại bản Lùng Búng, nơi sinh sống của người Dao Đỏ thuộc tỉnh Hà Giang, cả gia đình đang tất bật chuẩn bị cho phiên chợ. Ông bố Ta Zen, 42 tuổi, cho biết: "Hôm qua, chúng tôi vào rừng chặt măng. Hôm nay phải lột và luộc 20kg măng đã kiếm được". Ngày mai, bà Mun Xa cùng cô con dâu sẽ đi chợ Yên Minh cách đó 10km để bán măng, và nếu bán được giá sẽ có 500.000 đồng. Một số tiền ít ỏi so với 3 ngày lao động của cả 5 người. Số tiền này chỉ đủ mua muối, gia vị và 1 ít thịt.
Nhà nhân chủng học Christine Hemmet (trước đây làm việc @ Viện Bảo tàng nhân chủng học Hà Nội) giải thích: "Những người dân miền núi luôn gắn bó với những biểu tượng, ví dụ như y phục hoặc trong việc thờ cúng tổ tiên mà cụ thể là nhà nào cũng có bàn thờ. Các sắc tộc khác nhau này đến từ Thái Lan hoặc TQ theo nhiều đợt nối tiếp nhau, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20, cùng chung sống với nhau nhưng vẫn giữ được nét độc đáo của mình".


Điều này dễ thấy được ở những buổi chợ phiên muôn sắc màu được họp ít nhất mỗi tuần 1 lần. Ở Lũng Phìn, 1 thị trấn cách Hà Giang 80km về phía Bắc, nơi họp chợ là 1 vùng ngoại ô. Những phụ nữ đi lại tấp nập, lưng mang gùi đan bằng cây liễu gió, họ đeo những trang sức đẹp nhất và vượt hàng chục cây số đường núi bằng cách đi bộ, đi ngựa hoặc khá giả hơn thì đi xe 2 bánh. Họ đến chợ để đổi chác/mua bán vải vóc, rau củ, rượu nấu, nữ trang và heo. Từ 6 giờ sáng đã nghe thấy những tiếng rao ồn ào nhưng luôn mang lại 1 bầu không khí vui vẻ. Trong khi phụ nữ bận rộn mua bán thì các ông chỉ cưỡi trên xe gắn máy TQ chạy lòng vòng hoặc ngồi hút thuốc.


Ông Philippe Lefailler, phó GS @ Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), cho biết: "Những người đầu tiên đến vùng núi này như người Tày, người Nùng đã chiếm trọn các thung lũng phì nhiêu và phát triển việc trồng lúa nước. Những người thuộc đợt di dân thứ hai là người Dao, chiếm những vùng ở độ cao trung bình và dùng những dụng cụ thô sơ để khai hoang trồng trọt. Còn người H'Mong đến sau cùng nên phải ở trên các đỉnh núi". Họ là bậc thầy trong nghệ thuật tận dụng những điều kiện tự nhiên không thuận lợi: trong khi chỉ có 10% đất đai có thể canh tác được, họ vẫn phát triển việc trồng trọt nhỏ lẻ bằng cách khai thác từng cm vuông đất để trồng bắp. Hễ có bắp là có thức ăn nuôi heo, mà có heo là có tiền. Họ lao động cực nhọc nhiều tháng trời để thu hoạch thật nhiều bắp. Người H'Mong theo thuyết vật linh, tin vào thần rừng và tin vào ông Địa vốn rất thân thiết với gia đình họ.


Gần đây, ngày càng có nhiều thanh niên rời bản làng đi làm xa. Anh Va Mi Toa giải thích: "Các ngày trong tuần tôi làm cảnh sát ở Hà Giang, cách nhà 60km, còn thứ sáu thì về nhà". Anh là người H'Mong, năm nay 28 tuổi, sống ở bản Lãm Xí nằm ở độ cao 1.500m. Anh mặc áo cổ truyền bằng vải gai cài nút bên trái. Anh nói: "Chúng tôi có 15 miệng ăn. Số bắp, lúa và gia súc của chúng tôi không đủ để sống nên tôi phải hy sinh". Từ "hy sinh" không hề quá đáng với anh vì anh rất quyến luyến với lối sống của bộ tộc của anh. Có nhiều người đàn ông đã từ bỏ y phục cổ truyền, nhưng phụ nữ thì vẫn trân trọng loại y phục cổ truyền của mình và mặc nhiều lần trong tuần.

Các bạn click vào hình để xem rõ hơn
(Lược đăng từ KTNN No.900)

1 comment:

  1. Tôi rất muốn đến Mã Pì Lèng, đứng trên đèo nhìn xuống dòng Nho Quế và những ngọn núi phía trước. Đúng là 1 cảnh đẹp hùng vĩ của vùng núi miền Bắc mà ai cũng nên nhìn thấy tận mắt.

    ReplyDelete