Sunday, November 20, 2022

[EDU-KIDS] Nghiên cứu và dạy trung học

 1. Cách đây khoảng 40 năm về trước năng lực nghiên cứu và việc nghiên cứu là trò xa xỉ. Chỉ những người làm nghiên cứu sinh, thông thường ở khoảng tuổi 40, để lấy học vị tiến sĩ mới bắt đầu tập "nghiên cứu" bằng cách làm quen với việc lập đề cương, thu thập tài liệu, lập danh mục tài liệu tham khảo, tổng quan vấn đề, chọn và nắm vững phương pháp luận, đặt vấn đề và từng bước giải quyết vấn đề. Sau đó trình bày ý tưởng, thảo luận, sắp xếp ý tưởng, viết luận án. Một bộ phận không nhỏ đi qua quá trình này, không nắm được kỹ năng hoặc không có động lực tiếp tục sau khi đạt học vị. Vì thế có nhiều vị không thoát được cái bóng của thầy hướng dẫn, không biết cách tự nghiên cứu, mở hướng đi riêng, không biết cách hợp tác nghiên cứu, cho dù sau này được phong đến giáo sư cũng không biết tự mình đặt ra một vấn đề để nghiên cứu, hoặc có vấn đề cần giải quyết cũng không bắt đầu từ đâu. Chưa nói chuyện vị giáo sư này cần phải làm gì cho xã hội, ngay cả việc dạy học trò cũng chỉ mang họa cho họ.

     2. Ngày nay, chúng ta nói nhiều tới việc học trò phải biết tự học.  Chúng ta muốn học trò không biến thành máy thu âm rồi phát lại bài giảng như vẹt, dạy một biết mười, gợi ý rồi tự làm được, có sáng tạo, đặt câu hỏi mới. Chúng ta ít để ý rằng năng lực tự học chính là năng lực nghiên cứu. Đừng nghĩ rằng cứ phải đề tài gì trừu tượng, cao siêu và tháp ngà mới là nghiên cứu. Tìm một loại cây có thể chịu được nước mặn, có khả năng sinh lợi, chính là một đề tài nghiên cứu, thậm chí có thể là đề tài lớn đằng khác. Chúng ta quen nghĩ nghiên cứu chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên và công nghệ. Có lẽ bởi vì, trong các vấn đề xã hội chúng ta ít đặt câu hỏi vì sao. Tìm hiểu về một sự kiện lịch sử, quy luật ngôn ngữ cũng cần nghiên cứu, nếu muốn có tư duy độc lập và tìm chân lý khách quan.  

     3. Ngày nay, kỹ năng nghiên cứu là cần thiết ở ngay trường trung học, có thể sớm hơn, ở ngay trường tiểu học, thậm chí mầm non. Chúng ta nghe ngài Bộ trưởng nói về việc viết văn không theo văn mẫu. Nghe thì rất hay, nhưng chỉ nói thế thôi thì không đạt. Như thế tức là mới đưa ra một nửa sự thật. Không có văn mẫu có thể sẽ dẫn tới các thầy dạy văn, với năng lực nhận thức hiện tại tùy tiện cho điểm theo ý mình. Trò sẽ chém gió linh tinh, tự cho là sáng tạo. Thực ra khuôn mẫu vẫn cần thiết, Bản thân nó không có hại. Thậm chí, nghệ thuật có lý khi phải giới hạn trong khuôn khổ và cố gắng thể hiện các ý tưởng bay bổng theo các luật lệ nhất định. Chúng ta không thể phá mọi quy tắc ngữ pháp, chính tả để nói như thế giới ngầm. Không thể có âm nhạc nếu không có nhịp điệu. Thơ văn cũng có thể loại và những quy định hình thức. Tranh lập thể, trừu tượng, thử nghiệm cũng bắt đầu từ các quy tắc về đường nét và màu. Vấn đề ở chỗ một thời gian chúng ta chỉ dạy mẫu mà quên phần quan trọng hơn là ý tưởng. Ý tưởng cố nhiên phải đi trước. Mẫu mực là kỹ thuật giúp thể hiện tốt hơn. Vấn đề của chúng ta không phải là quá nhiều về mẫu mực, thực ra chúng ta tự hạn chế ở một vài mẫu mực mà không cho phép các mẫu mực khác nhau, thậm chí coi nhẹ các quy tắc đơn giản. Chúng ta chưa làm chủ được kỹ năng thể hiện để nghĩ đến việc phá thể. Chúng ta nói là quá câu nệ văn mẫu nhưng có bao nhiêu trẻ nào viết được một bài luận 5 đoạn, biết được luật một bài thơ thất ngôn bát cú, chưa nói tới một bài haiku, và hơn nữa các luật lệ này liên quan đến ý tưởng thế nào. Tuy vậy ở bài này tôi sẽ không lạc sang vấn đề phương pháp thể hiện và quan hệ giữa hình thức và nội dung. Tôi sẽ đề cập đến cái mà ngài Bộ trưởng chưa nói tới đó là ý tưởng, nội dung, sáng tạo và quá trình tự học, nghiên cứu để có được ý tưởng.

      4. Tôi đã quan sát và thí nghiệm để thấy rằng để tự học vấn đề không phải ở trẻ mà chính ở thày. Thày không có kỹ năng tự học, không biết nghiên cứu là gì, rất khó dạy trẻ nghiên cứu. Một khi biết gợi mở trẻ sẽ tự học nghiên cứu rất dễ dàng. Chính chúng ta đã hạn chế bản năng tìm hiểu của trẻ theo ý của chúng ta. Ở bậc đại học chúng ta bóp nghẹt khả năng sáng tạo, độc lập suy nghĩ ở trẻ bằng các biện pháp điểm danh, kiểm soát học tập mà không nghĩ tới việc làm cho trẻ thích học và tự do phát huy năng lực của mình. Nhiều thày dựa trên chính hạn chế của bản thân, rút gọn tri thức thành một mớ quy tắc, dạy theo kiểu "cầm tay chỉ việc" làm trẻ càng ngày càng thụ động. Tất nhiên là tiện việc cho thày. Chỉ cần trẻ học thuộc 2-3 dạng mẫu và diễn lại y chang là thày hết nhiệm vụ. Học sinh đó chỉ là phế thải, bởi vì chúng đã tê liệt suy nghĩ, nghĩ theo rãnh mòn. Chúng ta tưởng là chúng ta đang đào tạo, thực ra đang làm hại chúng.

      5.  Nhiều người cho việc tôi đặt vấn đề dạy kỹ năng nghiên cứu là viển vông. Một là do gánh nặng của cả hệ thống giáo dục trước đó. Đại học gánh hậu quả của trung học, trung học đổ lỗi cho tiểu học, tiểu học đổ lỗi cho mầm non và covid. Tôi nghĩ vấn đề vẫn là ở thầy. Chúng ta không thể đợi hệ thống giáo dục thay đổi. Tôi cũng đã thử nghiệm sửa lỗi hệ thống bằng cách đưa vào các kỹ năng nghiên cứu vào chương trình dạy ở các cấp khác nhau. Cố nhiên không thể như ý muốn, nhưng hoàn toàn có thể yêu cầu sinh viên năm thứ nhất tự nghiên cứu các vấn đề với các kỹ năng hoàn toàn mới. Tất nhiên thày phải vất vả hơn, trước hết là phải dũng cảm thay đổi cách suy nghĩ và không được lười học. Thầy lười học cái mới sao làm mẫu cho sinh viên được. Ở trung học và tiểu học sẽ dễ hơn, trẻ nhỏ như tờ giấy trắng có thể sẽ nhanh chóng thích thú học theo cách mới. Có một vấn đề lớn là thời gian hạn chế và chương trình học của ta yêu cầu quá nặng, không có chỗ cho các dự án nghiên cứu, không có chỗ cho ý tưởng sáng tạo.  Cách dạy nhồi sọ của chúng ta tất yếu sẽ dẫn tới học theo mẫu. Tôi thật tiếc cho thời lượng lớn của tiểu học và trung học bị lãng phí, học nhiều mà kiến thức khả dụng không được bao nhiêu. Nếu để trẻ tự nghiên cứu chúng sẽ học được gấp nhiều lần khối lượng kiến thức chúng ta đang cố nhồi nhét. Kiến thức phổ thông đa phần là các dữ liệu để học phương pháp tư duy, vì vậy hãy để trẻ tự chọn. 

      6. Ngày nay, việc nghiên cứu vốn là việc khó của các chuyên gia già, trở nên dễ nhờ 4 công cụ: tìm kiếm (google), tự điển bách khoa (wikipedia), mooc (youtube) và bộ office. Với 4 công cụ này, trẻ sẽ tự tìm kiếm, phân tích, trình bày, thảo luận. Đó chính là tự học hay nghiên cứu. Việc của chúng ta chỉ là dạy cách đặt vấn đề, giúp phân tích khái niệm, tổng kết và giao các dự án để trẻ tự làm.

       7. Như tôi đã nói điều khó là nằm ở giáo viên. Tôi nghĩ nên gỡ nhanh bằng cách bỏ nhanh cách loại  điều kiện hành nghề, chứng chỉ nhảm nhí hạn chế việc các kỹ sư, cử nhân có kinh nghiệm thực tiễn có thể đứng lớp dạy đại học, các nhà khoa học có thể dạy trung học và tiểu học. Việc này sẽ tạo một áp lực cho các thầy cô, nhưng cũng là nguồn trí tuệ mới cho giáo dục. Không có lý gì một người có bằng đại học lại không thể dạy đại học. Và cũng không có gì bảo đảm một thạc sĩ hay tiến sĩ đã dạy tốt hơn người có bằng đại học kia.

       8. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đi dạy. Sau nhiều năm hoạt động thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm, nhiều người rất sẵn lòng truyền thụ lại cho lớp trẻ có thể ở đại học, trung học hay tiểu học. Chúng ta phải làm cho việc đó dễ dàng. Một giáo sư đại học muốn dạy tiểu học, một nhà nghiên cứu muốn dạy trung học. Chúng ta phải làm cho quá trình đó thật dễ dàng, thay vì hô hào "khuyến khích, đẩy mạnh, tăng cường" chung chung. Tôi rất muốn lập một trường trung học hoặc tiểu học mời nhiều nhà khoa học xuất sắc đứng lớp. Chúng ta quan niệm sai lầm là dạy cao học là hơn dạy đại học, dạy đại học là hơn dạy trung học, dạy trung học là hơn dạy tiểu học. Điều đó sai hoàn toàn.  Đó là các vấn đề khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là dựng một hàng rào ngăn cản một giáo sư tiến sĩ có lòng muốn dạy học sinh tiểu học nghiên cứu về vũ trụ, hệ mặt trời. Các trường trung học nổi tiếng ở Budapest đã từng có các thầy là các nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng, có thày là viện sĩ hàn lâm, một danh hiệu mà các giảng viên đại học cũng ước mơ có được.

       9. Bên cạnh đó, chúng ta có thể khuyến khích các thầy cô giáo viên trung học có năng lực tham gia nghiên cứu. Tôi hoàn toàn không thấy lý do tại sao các thầy cô dạy trung học lại không thể nghiên cứu. Cố nhiên chúng ta có thể tạo ra các tạp chí riêng cho các thầy cô trung học như tờ Tạp chí Toán Lý Trung học của Hungary từ đầu thế kỷ trước. Nhưng không chỉ hạn chế ở đây, các thày cô có thể tham gia nghiên cứu đỉnh cao độc lập hoặc với các nhóm ở Viện trường. Chỉ như vậy tư duy nghiên cứu mới xâm nhập vào trường trung học. Điều đó có nghĩa là học sinh trung học xuất sắc cũng có thể bắt đầu nghiên cứu thay vì chỉ có một con đường thi thố ở các kỳ thi "chọi gà". Với kỹ năng nghiên cứu, việc tự học sẽ trở thành bình thường cho tất cả người kể cả thầy lẫn trò. 

    10. Ngày nay chúng ta nói nhiều đến mức như vẹt về cụm từ "đổi mới sáng tạo". Không có "đổi mới sáng tạo" nếu như không có "nghiên cứu phát triển". Đổi mới sáng tạo là một chu trình từ nghiên cứu (khoa học) đến phát triển (công nghệ) rồi tới triển khai (sản phẩm) và cuối cùng là "đổi mới sáng tạo"(mô hình hoạt động kinh doanh). Tuy công nghiệp hiện đại đã chuyên môn hóa, nhưng mọi người đều phải biết phát triển, triển khai, đổi mới sáng tạo vừa phải biết nghiên cứu ở các mức độ khác nhau. Thực tế bây giờ cho phép làm được điều đó và sẽ bắt buộc phải làm cho bằng được điều đó.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment