Monday, November 28, 2022

Bảo tàng Chàm và Henri Poncaré

 Việt Nam có rất ít cái hay, tuyệt mĩ mà thế giới không có. Tôi chỉ biết có 1 cái như thế là Bảo tàng Chàm. Ấy thế mà mỗi lần đến Đà Nẵng là tôi phải van vỉ những người đồng hành đến thăm Bảo Tàng Chàm. Tỷ lệ thành công khá thấp, chưa tới 1/10.

Điều quan trọng nhất có lẽ không phải là xem hiện vật, mà ngắm nhìn một nền văn hóa tuyệt mĩ đã bị tuyệt diệt, luôn kích thích suy nghĩ chiêm nghiệm.

Khi đế quốc Champa hùng mạnh, giàu có, trí tuệ và sáng tạo thì Đại Việt còn chưa tồn tại. Vua Champa đã xin nhà Đường cho quản luôn Giao Chỉ khi đó đang nằm dưới quyền của An Nam đô hộ phủ. Ông già thủ cựu Ngô Sĩ Liên bất mãn coi đó là điều quốc sỉ. Tôi lại nghĩ khác: Nếu Lâm Ấp thống quản Giao Chỉ chưa chừng sẽ tốt cho cả Champa và Đại Việt. Người Chăm tài hoa, tuyệt mĩ và quá suy tôn cái đẹp, cái đích thực. Người Việt quá thực dụng, giỏi thích nghi nhưng sơ sài, tắt mắt.

Điều tôi nghĩ lâu nhất là làm thế nào một đế quốc hùng mạnh, có văn hóa, triết lý sâu sắc, khoa học công nghệ phát triển như thế lại bị một quốc gia mới nổi, hầu như chẳng có ưu điểm gì ngoài sự nghèo túng đè bẹp. Không biết quy luật chọn lọc tự nhiên ở đây đã theo tiêu chí nào.

Cuối cùng tôi tìm ra lời giải đáp tại gian trưng bày các hiện vật thời cực thịnh của văn hóa Champa và nhờ Henri Poincaré.

Kiến trúc Champa thời cực thịnh cực kỳ tinh xảo về đường nét, nhưng vẫn có một cái gì đó như thiếu ý tưởng, thiếu sức sống lộ rõ mầm mống của sự diệt vong, một cái kết có hậu cho một cái gì đó hoàn mĩ. Kiến trúc Champa thời sơ kỳ mộc mạc, nhưng giàu ý tưởng, phóng khoáng và tràn ngập các tư tưởng vươn lên.Nói một cách khác, Champa tự diệt vong khi văn hóa đã đi vào những quy ước về sự tinh xảo, cũng như đã từng xảy ra với Maya và Angkor. Không phải Champa bị diệt vong bởi những phát súng ăn may ngẫu nhiên của Trần Khát Chân, mà dù Chế Bồng Nga có chiếm được Đại Việt đi chăng nữa thì đế chế Champa cũng sẽ sụp đổ bởi trăm ngàn yếu tố ngẫu nhiên khác. Bởi vì nền văn hóa Champa đã trở nên suy nhược vì chính sự hoàn mĩ của mình mà thiếu yếu tố phát triển.

Henri Poincré là nhà toán học vĩ đại, nhưng là người phản bác lại tính chặt chẽ toán học và logic hình thức. Ông cho rằng sự hoàn mĩ trong lập luận sẽ giết chết toán học. Quan điểm của ông hoàn toàn đi ngược lại rất nhiều nhà toán học thời đó như Cantor, Zermelo, Hilbert,...

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment